LỊch sử ĐOÀn thanh niên cộng sản hồ chí minh



tải về 1.58 Mb.
trang1/13
Chuyển đổi dữ liệu17.07.2016
Kích1.58 Mb.
#1784
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13
LỊCH SỬ

ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

TỈNH QUẢNG TRỊ



CHƯƠNG I
MỘT SỐ NÉT KHÁI QUÁT Về MẢNH ĐẤT
VÀ CON NGƯỜI QUẢNG TRỊ

 


  1. TỈNH QUẢNG TRỊ TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


Từ thời Hùng Vương - An Dương Vương, vùng đất Quảng Trị nằm trong bộ Việt Thường của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Đầu thời Hán thuộc (từ năm 179 Trước Công nguyên đến năm 192) Quảng Trị thuộc đất quận Nhật Nam. Cuối thế kỷ thứ 2, Trung Quốc rơi vào tình trạng loạn lạc, nhân dân quận Nhật Nam đã cùng nhân dân trong vùng Tượng Lâm nổi dậy khởi nghĩa giành quyền tự chủ. Khởi nghĩa đã giành thắng lợi lấy tên nước là Lâm ấp (từ đèo Hải Vân đến đèo Ngang).

Sau khi giành được độc lập tự chủ, quốc gia phong kiến Đại Việt(1) không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Để loại trừ mọi uy hiếp ở phía Nam và phá tan âm mưu của nhà Tống câu kết với Chămpa đánh phá Đại Việt, năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh thống lĩnh 5 vạn quân cùng Lý Thường Kiệt đi tiên phong đánh thẳng vào Kinh đô Chà Bàn, bắt được vua Chămpa là Chế Củ đưa về Thăng Long. Để chuộc tội, Chế Củ xin dâng 3 châu: Bố Chính, Đại Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Vua Lý Thánh Tông nhận 3 châu đó rồi tha cho Chế Củ về nước.


Nhà Lý đổi châu Đại Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Châu Minh Linh thuở ấy là vùng đất từ Cửa Việt trở ra phía Bắc, trong đó có các huyện: Gio Linh, Cam Lộ, Đa Krông, một phần đất của thị xã Đông Hà, Hướng Hóa và Vĩnh Linh hiện nay.
Năm 1306, vua Chăm là Chế Mân dâng biểu cầu hôn lên vua Trần Anh Tông xin cưới công chúa Huyền Trân và dâng 2 châu: Châu Ô và châu (Rí) Lý làm vật sính lễ. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai châu: Ô, Rí. Năm 1309, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận Châu, châu Rí thành Hóa Châu. Thuận Châu chính là dải đất từ sông Hiếu - Cửa Việt trở vào phía Nam, trong đó có các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và một phần đất thị xã Đông Hà ngày nay.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông sai vào trấn thủ Thuận Hóa, đóng Dinh Cát ở ái Tử. Từ đây vùng đất Thuận Hóa thuộc khu vực "Đàng trong" của các chúa Nguyễn.


Trong quá trình phân tranh Trịnh - Nguyễn, với yêu cầu nhanh chóng củng cố và mở rộng thế lực, các chúa Nguyễn đã áp dụng những chính sách kinh tế, xã hội tích cực hơn so với tập đoàn phong kiến Trịnh (Đàng ngoài). Họ cho phép người nước ngoài nhập cư vào Đàng trong, đặc biệt là người Hoa... Hàng loạt tụ cư của người Hoa với lối sống và phương thức làm ăn của họ đã làm phong phú hoạt động kinh tế, xã hội Đàng trong.
Nhờ có tướng tài, binh mạnh, lũy vững nên quân Nguyễn đã chặn được quân Trịnh ở các chiến lũy trên đất Quảng Bình, lấy sông Gianh làm giới tuyến chia cắt Đàng trong, Đàng ngoài.
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ (1771 - 1786) Nguyễn Huệ ra dựng nghiệp ở Phú Xuân - Thuận Hóa và là người có công xóa bỏ ranh giới sông Gianh, xóa bỏ sự chia cắt Đàng trong, Đàng ngoài.

Ngày 1-6-1802, Nguyễn ánh lên ngôi đặt niên hiệu Gia Long, đã lập dinh Quảng Trị bao gồm đất đai các huyện: Hải Lăng, Đặng Xương (tên cũ là Vũ Xương), Minh Linh và đạo Cam Lộ. Năm 1806, Quảng Trị trở thành dinh trực lệ kinh sư Huế. Năm 1822, đặt châu Hướng Hóa lệ thuộc đạo Cam Lộ. Năm 1827, dinh Quảng Trị đổi là trấn Quảng Trị. Năm 1832, trấn Quảng Trị đổi là tỉnh Quảng Trị. Năm 1853, hợp nhất tỉnh Quảng Trị với phủ Thừa Thiên thành đạo Quảng Trị. Năm 1876, lập lại tỉnh Quảng Trị. Ngày 3-5-1890, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định hợp Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị. Ngày 23-1-1896, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định rút Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền công sứ Đồng Hới, cùng Thừa Thiên dưới quyền công sứ Trung Kỳ, đặt một phó Công sứ đại diện cho Khâm sứ ở Quảng Trị. Năm 1900, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách Quảng Trị ra khỏi Thừa Thiên lập thành một tỉnh riêng biệt gồm 4 phủ: Triệu Phong (Thuận Xương cũ), Hải Lăng, Vĩnh Linh (Chiêu Linh cũ) Cam Lộ và huyện Gio Linh. Ngày 17-2-1906, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị (tỉnh lỵ). Năm 1908, phủ Cam Lộ tách 3 tổng người Kinh lập thành huyện Cam Lộ và 9 tổng người dân tộc thiểu số lập thành huyện Hướng Hóa...

Sau Hiệp định Giơnevơ (ký kết ngày 20-7-1954), sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời, tỉnh Quảng Trị tạm thời chia làm hai vùng: Vùng bờ Nam sông Bến Hải là tỉnh Quảng Trị, gồm các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa, xã Vĩnh Liêm và một phần của xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh), thị xã Quảng Trị, do chính quyền miền Nam quản lý (thuộc chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ); hơn 3/4 địa bàn và dân cư của huyện Vĩnh Linh ở phía Bắc vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, được thành lập đặc khu. Đặc khu Vĩnh Linh tương đương đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Trung ương.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), Tổ quốc thống nhất, tỉnh Quảng Trị và đặc khu Vĩnh Linh cùng cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ tháng 3-1976, thực hiện Quyết định của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quảng Trị cùng hai tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh mới là Bình-Trị-Thiên. Tháng 7-1989, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII, kỳ họp thứ 5) quyết định chia tỉnh Bình-Trị-Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Ngày 1-7-1989, Quảng Trị trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc Trung ương. Từ năm 1990, có sự thay đổi về địa giới và tên gọi một số huyện, thị xã như sau: Huyện Bến Hải được tách ra thành lập hai huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh; thị xã Đông Hà tách ra thành lập huyện Cam Lộ và thị xã Đông Hà (tỉnh lỵ Quảng Trị); huyện Triệu Hải tách ra thành lập hai huyện: Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Năm 1996, huyện Hướng Hóa tách ra thành lập huyện mới Đakrông và Hướng Hóa.


Từ năm 2000, toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã (trong đó có 7 huyện, 2 thị xã), có 136 xã, phường và thị trấn.


II. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ LỢI THẾ PHÁT TRIỂN

Quảng Trị là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, nằm ở đoạn thắt lại trên chiều dài Bắc - Nam của giang sơn Việt Nam hình chữ S, có tọa độ từ 16018' - 17010' vĩ độ Bắc và từ 106032' - 107024' kinh độ Đông. Phía Bắc Quảng Trị giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế, phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 75km; phía Tây giáp hai tỉnh Savanakhẹt và Salavan của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, với chiều dài biên giới 206km, có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cửa khẩu quốc gia La Lay.

Quảng Trị cách Thủ đô Hà Nội 582km về phía Bắc, cách Cố đô Huế 75km về phía Nam. Diện tích tự nhiên: Quảng Trị rộng 4.746,4km2, với 3/4 diện tích là đồi núi. Dân số Quảng Trị có 573.331 người (điều tra dân số đến ngày 1-4-1999).

Đất tự nhiên của Quảng Trị có hai hệ thống: Hệ đất phù sa và hệ đất feralit. Đất phù sa gồm đất cát, đất cát biển và đất ven sông, ven thung lũng chiếm gần 20% diện tích tự nhiên. Đất phù sa ở Quảng Trị tạo nên các vùng đồng bằng khá phù hợp với trồng cây lúa nước, các loại cây rau màu, củ quả tương đối phong phú đáp ứng nhu cầu đời sống tại chỗ và có giá trị hàng hóa.

Đất feralit gồm đất đỏ các vùng đồi cao, núi thấp và đất mùn trên các núi cao với hơn 20.000 ha đất đỏ bazan và hơn 90.000 ha đất lâm nghiệp rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị như: Cao su, cà phê, hồ tiêu...

Rừng núi Quảng Trị chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên. Vùng núi cao thuộc dãy Trường Sơn gồm nhiều ngọn núi cao, nhiều hang động đẹp, lại gắn với tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại sẽ là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn.

Sông ngòi Quảng Trị phân bố đều từ Bắc đến Nam. Ba hệ thống sông lớn là sông Hiền Lương (Bến Hải), sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu cùng các sông nhỏ và nhánh sông tạo thành mạng lưới giao thông thuận tiện. Quảng Trị có Cửa Việt, Cửa Tùng là những đầu mối giao thông đường thủy quan trọng đồng thời là danh thắng, địa điểm nghỉ mát lý tưởng cho du khách. Đảo Cồn Cỏ nằm cách Cửa Tùng chừng 30km cùng hai cửa biển: Cửa Tùng, Cửa Việt sẽ tạo thành khu du lịch sinh thái biển hấp dẫn.

Lãnh hải Quảng Trị khá rộng, ngư trường có nhiều hải sản có giá trị như tôm hùm, cá ngừ, cá chuồn... Vùng ven biển có nhiều đầm phá rộng hàng trăm ha có khả năng nuôi trồng khai thác thủy sản có giá trị.

Khoáng sản: Tính đến cuối năm 1995, ở Quảng Trị đã khảo sát, thống kê được 48 mỏ và điểm quặng có giá trị. Trong đó có 17 điểm quặng thuộc nhóm kim loại (sắt, đồng, vàng, titan), 22 điểm thuộc nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi, đất sét, đá tổ ong, đá trang trí...), 2 điểm than bùn, 6 điểm nước khoáng và 2 điểm cát thủy tinh.
Quảng Trị có quốc lộ 1A và đường xe lửa xuyên Việt chạy qua, có quốc lộ 9 xuyên á, có hải cảng Cửa Việt, có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo... Từ xa xưa, Quảng Trị đã là một địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu.

Là một tỉnh nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, Quảng Trị đã và đang đón nhận các cơ hội phát triển từ việc mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ sang các thị trường tiềm năng như Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực. Khai thác các hoạt động vận tải, quá cảnh hàng hóa, các dịch vụ có liên quan. Khai thác tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương: Du lịch sinh thái biển Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ, du lịch hồi tưởng địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, hàng rào điện tử Mácnamara, đường huyền thoại Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nhà đày Lao Bảo, khai thác các Tour, tuyến du lịch đến 2 di sản văn hóa thế giới đó là: Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Bình, di sản văn hóa thế giới cố đô Huế của tỉnh Thừa Thiên - Huế...


Tuy nhiên, Quảng Trị ở vùng nhiệt đới gió mùa, nắng lắm, mưa nhiều, nền nhiệt cao, thiên tai, bão lũ, gió Tây Nam khô nóng... xảy ra nhiều nhất trong toàn quốc, Quảng Trị lại đi qua chiến tranh, gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề và đó là những thách thức lớn đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của tuổi trẻ cùng nhân dân Quảng Trị nhằm khắc phục khó khăn, chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt, phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển cho sự nghiệp xây dựng quê hương giàu mạnh, tươi đẹp.

  1. NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG

Quảng Trị với mảnh đất có bề dày lịch sử, đã từng được coi là "trọng trấn", là "trấn biên", là "phên dậu" phía Nam Tổ quốc, là tiêu điểm ác liệt nhất của các cuộc chiến đấu chống xâm lược. Từ năm 1558 đến năm 1975, mảnh đất Quảng Trị được 3 lần chọn làm thủ phủ - kinh đô. Dinh Cát ái Tử từ buổi đầu (1558) xây dựng vương triều nhà Nguyễn; căn cứ Tân Sở, Can Lộ (1884, 1885,...) của vị vua yêu nước Hàm Nghi phất cờ Cần Vương chống thực dân Pháp; trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (6/1973 - 4/1975) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.


Không chỉ gắn bó với ruộng đồng, ngay từ xa xưa người dân Quảng Trị đã chú ý sản xuất vật phẩm tiêu dùng như lò rèn đồ sắt (ở xã nào cũng có), lò đúc đồng ở Phước Tuyền; dệt vải, dệt tơ lụa ở Trâm Lý, Di Loan, chợ Chùa, Cửa Việt; nghề chạm trổ ở Cát Sơn; làm đồ mây, phết quạt ở chợ Cạn; chằm nón ở Phường Ngạn; làm áo tơi ở Văn Quỷ, Văn Trị; làm giấy ở Tuy Lộc; dệt chiếu mây ở Hướng Hóa; nấu đường đen, đường trắng ở ái Tử; nấu rượu ở Kim Long; làm nước mắm ở Thủy Bạn, Cổ Trai, Hà Trung, Hà Lộc, Thuận Đầu; nấu dầu tràm ở Đại - An - Khê; làm gạch ngói ở Quy Thiện; làm muối ở Xuân Mỵ, Tường Vân; nghề nuôi cá đầm, cá nước ngọt ở Thái Lai, Hà Bá, Kim Giao, Diêm Hà, Duy Viên... đã tạo nên muôn sắc, muôn màu các vật phẩm tiêu dùng và các đồ mỹ nghệ thủ công của quê hương Quảng Trị.

Bên cạnh các làng nghề thủ công, Quảng Trị cũng có nhiều vùng làm nghề buôn bán. Hệ thống chợ ở Quảng Trị nhiều và sầm uất, đông đúc. Nổi lên có các chợ Ngô Xá, chợ Phiên (Cam Lộ), chợ Huyện, Diên Sanh, Thạch Hãn, Mỹ Chánh, Phương Lang, Cổ Thành, chợ Sãi, Đại Hào, Kim Dâu (chợ Sòng), Thượng Độ, Ly Sơn, Mai Xá, Đơn Duệ, Võ Xá, An Do, Tùng Luật... đã được sử sách ghi nhận. Buôn bán giữa vùng xuôi với vùng ngược, giữa Quảng Trị với các tỉnh Savannakhet, Salavan (Lào) ngày càng phát đạt, phồn thịnh.


Diện mạo văn hóa của vùng đất Quảng Trị còn được tô điểm đặc sắc trong hội hè, đình đám. Quan trọng nhất là Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ; Tết cơm mới; lễ hội Cầu Ngư; lễ hội tôn giáo như lễ Vu Lan, rước kiệu Đức Mẹ La Vang; các lễ hội cách mạng lịch sử cũng đang được hình thành phát triển và tổ chức tốt như lễ hội "Uống nước nhớ nguồn", “Huyền thoại cõi Trường Sơn” kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 bằng hình thức thả hoa trên sông Thạch Hãn; lễ hội "Thống nhất non sông" ở đôi bờ sông Bến Hải. Ngoài các lễ hội kể trên, ở Quảng Trị còn có các trò chơi dân gian thường diễn ra trong Tết Nguyên đán. Tết đến, nhiều làng mở hội, vui xuân như: Chạy cù, đánh đu, đánh bài chòi, đua ghe, hát bội, đánh vật, đá gà...

Lễ hội, trò chơi dân gian là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có tính phổ biến trong đời sống xã hội, có sức lôi cuốn đông đảo nhân dân, nhất là lớp trẻ tham gia.


Phong tục tập quán Quảng Trị cũng như ở các nơi khác là nhấn mạnh phương châm "tùy gia phong kiệm". Phong tục lễ nghi được giản lược đến mức vừa đủ tối thiểu. Người dân Quảng Trị rất tâm đắc câu tục ngữ: "Không ai khen đám cưới, không ai cười đám ma". Cưới, gả không còn "lục lễ" thời phong kiến, mà chỉ quy lại hai lễ: Lễ hỏi và lễ cưới...
Văn học dân gian Quảng Trị có từ rất sớm nhưng văn học viết thì xuất hiện muộn hơn. Theo tài liệu sưu tầm được từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII có những người làm thơ được lưu danh trong nhân dân như: Đặng Quang (thế kỷ XV), Lê Tri Huyện (thế kỷ XVI), Nguyễn Phúc Chu (thế kỷ XVII), Trần Duy Trung (thế kỷ XVIII); thời kỳ từ thế kỷ XIX đến năm 1945: Tiêu biểu về văn thơ chữ Hán, chữ Nôm có Nguyễn Hữu Thận, Trần Đình Túc, Nguyễn Tự Như, tiêu biểu cho bộ phận văn thơ chữ Quốc ngữ có: Phan Văn Dật, Lê Thế Hiếu, Hồng Chương, Trần Hữu Dực...

Văn học hiện đại (1945 - 1975) có các tác giả: Chế Lan Viên, Dương Tường, Lương An, Tấn Hoài, Nguyễn Khắc Thứ, Tân Trà...



Trong xã hội phong kiến, cách tuyển người làm quan phải thông qua con đường khoa cử. ở Quảng Trị, từ đầu thế kỷ XVI trở đi, nhất là trong giai đoạn triều Nguyễn, có nhiều người đỗ tiến sĩ, phó bảng. Số tiến sĩ có: Bùi Dục Tài (quê Hải Lăng), năm thi đỗ: 1502 (thời vua Lê Hiển Tông); Nguyễn Đức Hoan (Hải Lăng), năm thi đỗ: 1835 (thời vua Minh Mạng); Nguyễn Thế Trị (Triệu Phong), năm thi đỗ: 1835 (thời vua Minh Mạng); Lê Đức (Vĩnh Linh), năm thi đỗ: 1841 (thời vua Thiệu Trị); Nguyễn Xuân Thu (Vĩnh Linh), năm thi đỗ: 1841; Nguyễn Phiên (Gio Linh), năm thi đỗ: 1843 (thời vua Thiệu Trị); Nguyễn Dương Huy (...) năm thi đỗ: 1844 (thời vua Thiệu Trị); Nguyễn Văn Chương (Vĩnh Linh), năm thi đỗ: 1844 (thời vua Thiệu Trị); Nguyễn Đức Tư (Hải Lăng), năm thi đỗ: 1847 (thời vua Thiệu Trị); Nguyễn Văn Hiển (Hải Lăng), năm thi đỗ: 1847; Lê Thụy (Triệu Phong), năm thi đỗ: 1875 (thời vua Tự Đức); Trần Phát (Gio Linh), năm thi đỗ: 1877 (thời vua Tự Đức); Hoàng Bính (Triệu Phong), năm thi đỗ: 1889 (thời vua Thành Thái); Lê Phát (Gio Linh), năm thi đỗ: 1895 (thời vua Thành Thái); Nguyễn Tự Như (Gio Linh), năm thi đỗ: 1898 (thời vua Thành Thái); Nguyễn Hàm (Triệu Phong), năm thi đỗ: 1910 (thời vua Duy Tân)... Số người đỗ tiến sĩ nêu trên đều ở lứa tuổi trên, dưới 30, trong đó có Nguyễn Văn Hiển mới 21 tuổi.
Danh thơm của các vị tiến sĩ trên được các thế hệ trẻ Quảng Trị từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay không ngừng tô điểm thêm. Văn hoá Quảng Trị còn được kết tinh ở tinh thần cộng đồng bền chặt, phong cách giao tiếp, ứng xử và lối sống thuần hậu, tao nhã...
Những trang sử hào hùng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân và tuổi trẻ Quảng Trị bắt đầu từ khi đất nước Âu Lạc bị rơi vào tay kẻ thù phương Bắc. Trong cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo (40 - 42), Đại Việt sử ký ghi "Dân ở Cửu Chân và Nhật Nam đều hưởng ứng cả". Trong cuộc nổi dậy của Mai Thúc Loan (722) chống ách đô hộ của nhà Đường, nhân dân và tuổi trẻ Quảng Trị cũng đóng góp nhiều công sức. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên (1285 - 1287), Quảng Trị là một trong các tiền đồn phên dậu ở phía Nam. Thời cuối Trần (1411 - 1413), nhân dân và tuổi trẻ Tân Bình - Thuận Hóa đã tích cực đóng góp sức người, sức của vào cuộc kháng chiến chống quân Minh. Trong cuộc kháng chiến chống lại họ Trịnh, sử sách ghi: "Nguyễn Hoàng đã biết dựa vào lực lượng thanh niên tại chỗ để xây dựng cơ đồ sự nghiệp của mình"(1).
Khi chiến tranh Trịnh, Nguyễn chấm dứt (1672) chúa Nguyễn huy động sức dân vào việc xây dựng dinh phủ, bóc lột bằng tô thuế nặng nề, áp bức nhân dân. Xã hội bộc lộ những mâu thuẫn khó điều hòa nên đây đó thanh niên cùng nhân dân nổi dậy đấu tranh. Năm 1714, thanh niên dân tộc thiểu số Quảng Trị theo Trà Xuy khởi nghĩa chiếm lĩnh vùng đất rộng lớn, kiểm soát vùng biên giới Việt - Lào. Mùa hạ 1775, trong khi Hoàng Ngũ Phúc huy động gần hết lực lượng quân Trịnh ở Phú Xuân vào Quảng Nam truy kích quân Nguyễn và đánh vào vùng kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn, thì tại Quảng Trị đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của Ca Lâm và Huyền Mộc. Cuộc khởi nghĩa chọn Cam Lộ làm nơi đóng bản doanh. Thanh niên các vùng trong tỉnh nô nức tham gia cuộc khởi nghĩa.

Tiếp theo cuộc khởi nghĩa của Ca Lâm, Huyền Mộc, Chu Viêm đã lãnh đạo nhân dân Quảng Trị nổi dậy chống quân Trịnh. Khi Chu Viêm cho nghĩa quân về đồng bằng, được thanh niên Hải Lăng, Triệu Phong nô nức hưởng ứng, lực lượng nghĩa quân ngày càng đông...


Trước tình hình đó, Bùi Thế Đạt phải cử tên tướng bậc nhất ở Phú Xuân là Nguyễn Đình Đống, chia quân làm hai đạo bao vây nghĩa quân tại Hải Lăng. Chu Viêm bị bắt, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt.

Phản ứng mạnh mẽ của tầng lớp thanh niên Quảng Trị trước sự áp bức, bóc lột nặng nề của quân Trịnh, là cùng nhau đoàn kết nổi dậy chống lại hoặc rủ nhau trốn vào Bình Định tham gia phong trào Tây Sơn, sau đó trở về giải phóng quê hương.

Tháng 6-1786, quân Tây Sơn đánh thành Phú Xuân. Sau khi hạ thành Phú Xuân, Nguyễn Huệ cho quân đánh đồn Cát Doanh. Các tướng giữ đồn nghe tin thành Phú Xuân bị hạ, đã bỏ đồn chạy trốn từ trước. Thế là chỉ trong 1 thời gian ngắn vùng đất Thuận Hóa (từ Phú Xuân đến sông Gianh) đều lọt vào tay quân Tây Sơn. Nhân dân Quảng Trị từ 15 tuổi trở lên đều hăng hái tham gia nghĩa quân Tây Sơn. Giáo sĩ Longer (có mặt lúc đó) đã ghi lại: "Người ta mới công bố một lệnh tuyển quân, các cậu thanh niên từ 15 tuổi trở lên đều tham gia tòng quân"(1). Giáo sĩ Bartelle cũng ghi rõ: "ở đây (Quảng Trị) mọi người từ 15 tuổi trở lên đều ra trận. Các ông già, bà già, các cô con gái thì đi sửa cầu, làm các con đường lớn hay xay thóc, giã gạo cung cấp cho quân Tây Sơn"(2).

Chỉ trong khoảng một tháng, quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh bại toàn bộ quân Trịnh, lật đổ chính quyền họ Trịnh tồn tại trên 200 năm, thực sự làm chủ Bắc Hà, giữ đúng sách lược "Phù Lê diệt Trịnh". Trong chiến dịch "Quang Trung đại phá quân Thanh", thanh niên cùng với các tầng lớp nhân dân Quảng Trị đã tích cực tham gia. Theo tư liệu khảo sát thực địa cho biết: "chỉ tính riêng làng Cu Hoan (Hải Thiện, Hải Lăng) đã có 42 người tham gia phong trào Tây Sơn".

Năm 1833, trước tình hình quân Xiêm âm mưu đánh vào nước ta, thực hiện lệnh tuyển quân của triều đình nhà Nguyễn, đông đảo thanh niên ở 9 châu của phủ Cam Lộ (mỗi châu có từ 500 đến 700 người) đã hăng hái tòng quân, theo quan quân đánh giặc Xiêm. Trong vòng nửa năm (1834), quân Xiêm 3 lần tiến quân xâm lược nước ta qua lãnh thổ Quảng Trị, nhưng cả 3 lần đều bị quân ta dưới sự chỉ huy của Chưởng cơ Lê Văn Thụy và phó lãnh binh Phạm Phi đánh bại.(1)

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) mở đầu cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược Việt Nam.

Năm 1883, trước sự uy hiếp ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, những người chủ chiến trong triều đình nhà Nguyễn chủ trương bí mật xây dựng sơn phòng, chuẩn bị kháng chiến.
Thực hiện chủ trương đó, thanh niên cùng các tầng lớp nhân dân, chủ yếu là ở vùng Cùa (Cam Lộ) đã đóng góp sức người, sức của xây dựng thành lũy, dinh trại Tân Sở...
Lợi dụng lúc quân Pháp đang đột nhập thành Huế, "Tôn Thất Thuyết đã bí mật rước vua Hàm Nghi ra sơn phòng Tân Sở". Tám ngày sau (13-7-1885) Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi hạ "Chiếu Cần Vương" vạch tội ác thực dân Pháp kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp cứu nước. Sự kiện đó "đánh dấu một cái mốc mới trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19"(2).
Hưởng ứng "Chiếu Cần Vương", ở Quảng Trị, đông đảo thanh niên cùng với các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước như Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như đã đánh giặc Pháp tại thành Quảng Trị, tại Trạng Mè (Gio Linh), Đò Lúc (Vĩnh Linh). Đô đốc Hoàng Văn Phúc chiêu mộ được 8 đội nghĩa quân và tiến đánh quân Pháp ở vùng Cửa Việt....
Phong trào "Cần Vương" lan rộng khắp cả nước. Sau khi vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt (1-11-1888) các sĩ phu yêu nước vẫn tiếp tục dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, tiến hành kháng chiến dưới danh nghĩa "Cần Vương" phò vị minh quân yêu nước, vì sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Phong trào "Cần Vương" ở Quảng Trị cũng như nhiều nơi khác kéo dài hết thế kỷ 19.

Đầu thế kỷ 20, các phong trào yêu nước "Duy Tân Hội", "Việt Nam quang phục Hội", "Việt Nam độc lập Đảng", "Việt Nam cách mạng thanh niên", "Tân Việt cách mạng Đảng" đã thu hút hàng trăm thanh niên trí thức, công chức nhà nho yêu nước, tiêu biểu là Trần Cửu Cai, Khóa Bảo, Nguyễn Đình Cương, Lê Thế Hiếu, Lê Thế Tiết và lớp thanh niên nhiệt tâm yêu nước như Hoàng Thị ái, Trần Hữu Dực, Đoàn Lân, Trần Ngung, Trịnh Đức Tấn, Hồ Tỵ, Lê Văn Nhuận... nhạy bén, hướng về con đường Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, đi theo con đường cách mạng vô sản do đồng chí Nguyễn ái Quốc truyền bá trong những năm 20 của thế kỷ XX...

Cùng với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) các chi bộ Đảng ở Quảng Trị được thành lập, đặc biệt là sự kiện thành lập Tỉnh ủy lâm thời vào tháng 4-1930 đã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của phong trào cách mạng trong tỉnh.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, các thế hệ thanh niên Quảng Trị nối tiếp nhau, viết tiếp truyền thống vẻ vang của lớp lớp thế hệ cha, anh đi trước đóng góp vào sự nghiệp đánh Pháp - đuổi Nhật giành chính quyền về tay nhân dân (8-1945). Trong hai cuộc trường chinh cứu nước chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Trị đã trở thành chiến trường khốc liệt. Các thế hệ thanh niên Quảng Trị đã phát huy truyền thống đánh giặc, giữ nước của quê hương được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Họ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Họ đã làm nên những chiến công chói lọi tô thắm thêm những trang sử hào hùng của quê hương Quảng Trị anh hùng, góp phần xuất sắc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.


Được hình thành và phát triển trên vùng đất giữa “khúc ruột” miền Trung của đất nước, nơi mà thiên nhiên không ưu đãi, nơi thường là chiến trường ác liệt của nhiều cuộc chiến tranh đã hun đúc cho con người Quảng Trị những nét tính cách đặc thù đáng quý: Kiên cường, bất khuất, dũng cảm, thông minh trong các cuộc chiến tranh vì nghĩa lớn; cần cù, tự lực, tự cường sáng tạo trong sản xuất và xây dựng cuộc sống, có tâm hồn trong sáng, bình dị, khí khái, bộc trực thẳng thắn và hết mực thủy chung son sắt. Ngày nay, những giá trị lịch sử truyền thống quý báu của con người Quảng Trị đã và đang là động lực tinh thần to lớn cổ vũ lớp trẻ trong chặng đường xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

CHƯƠNG II

TUỔI TRỂ QUẢNG TRỊ TÍCH CỰC
XÂY DỰNG ĐẢNG, ĐOÀN VÀ TỔNG KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN
(1926 - 1945)

I. SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN TỈNH QUẢNG TRỊ (1926 - 1929)

Ngày 6-6-1884, vua quan nhà Nguyễn ươn hèn ký Hiệp ước Patenôtre bán nước ta cho thực dân Pháp. Không cam chịu cảnh nước mất, nhà tan, các tầng lớp nhân dân và tuổi trẻ Việt Nam nói chung, ở Quảng Trị nói riêng đã đứng lên đấu tranh vô cùng oanh liệt chống lại quân xâm lược và bè lũ bán nước... Song, do thiếu một đường lối chính trị đúng đắn, một tổ chức lãnh đạo nên cuối cùng các phong trào yêu nước cách mạng lúc bấy giờ đều bị kẻ thù dìm trong biển máu.

Với lòng yêu nước nồng nàn và căm thù sâu sắc đế quốc Pháp, năm 1911, Nguyễn Tất Thành 21 tuổi (sau này lấy tên là Nguyễn ái Quốc) đã mở đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Nguyễn ái Quốc đến Pháp đi qua nhiều nước ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ...

Với bầu máu nóng và tinh thần hăng hái của tuổi thanh niên, cuối năm 1917 Nguyễn ái Quốc sáng lập ra Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Thành viên của nhóm hầu hết là thanh niên nông dân, công nhân trong số hơn 10 vạn người Việt Nam bị thực dân Pháp bắt sang phục vụ chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Ngày 18-6-1919, tại Hội nghị Versailles khai diễn giữa Thủ đô Pari gồm những nước thắng trận, Nguyễn ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi đến Hội nghị bản yêu sách đòi quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Đông Dương. Báo Nhân đạo (L'humanité) và nhiều báo khác đã đăng nguyên văn hoặc trích bản yêu sách chính trị này, coi việc làm của người thanh niên yêu nước Nguyễn ái Quốc như quả bom chính trị nổ ngay giữa Pari (Thủ đô nước Pháp) và có tiếng vang lớn về trong nước.

Tháng 7-1920, Nguyễn ái Quốc biết bao sung sướng khi được đọc Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lênin khẳng định lập trường kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Từ đó, Nguyễn ái Quốc hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế Cộng sản thứ ba. Năm 1920, Nguyễn ái Quốc tham gia việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Năm 1921, Nguyễn ái Quốc cùng một số đồng chí của Người sáng lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa để đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân. Thông qua tổ chức này đưa chủ nghĩa Mác - Lênin đến các dân tộc mà trước hết đến các tầng lớp thanh niên các thuộc địa trong đó có Việt Nam.

Báo Người cùng khổ (Le Paria) của tổ chức thanh niên nói trên do Nguyễn ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút đã cất lên tiếng nói đầu tiên vạch trần chính sách áp bức, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Pháp ở Đông Dương. Qua tay các thủy thủ yêu nước, báo về đến Việt Nam đã làm nức lòng số học sinh, trí thức trẻ. Họ bắt đầu tìm hiểu về Nguyễn ái Quốc và cuộc đấu tranh mà Người đang theo đuổi.

Nguyễn ái Quốc là chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, đồng thời là đại biểu chính thức tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V khai diễn tại Nhà hát lớn Matxcơva vào ngày 17-6-1924.

Một tháng sau đó, Ban Chấp hành Quốc tế Thanh niên Cộng sản mà Nguyễn ái Quốc đã có quan hệ từ trước, đã mời Người tham gia Đoàn Chủ tịch lãnh đạo Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản lần thứ IV. Tại Đại hội này, Nguyễn ái Quốc là người chủ trì nhóm tác giả soạn thảo bản Luận cương về thanh niên thuộc địa theo tư tưởng Lênin. Luận cương đã dự báo đúng đắn rằng thanh niên các thuộc địa đã dần dần hướng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản.

Giữa năm 1924, để thức tỉnh đồng bào trong nước, tổ chức Tâm Tâm xã (tức là Tâm Việt thanh niên đoàn) cử người thanh niên Phạm Hồng Thái tổ chức ném tạc đạn mưu sát toàn quyền Đông Dương Merlin khi hắn đi công cán qua Quảng Châu. Tiếng bom Sa Diện tuy không thành công nhưng Nguyễn ái Quốc đã nhận định: Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân, là hiệu kèn thúc giục nhiều thanh niên yêu nước Việt Nam dấn thân trên con đường đấu tranh cách mạng.

Từ tháng 6-1925, sau khi đồng chí Nguyễn ái Quốc sáng lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - một tổ chức của thanh niên yêu nước có xu hướng xã hội chủ nghĩa(1). Trong đó nòng cốt là Nhóm bí mật gồm các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn... Những người ưu tú của Tâm Tâm xã đều gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tâm Tâm xã tự giải thể.

ở Quảng Trị, do tác động của phong trào cách mạng thế giới và trong nước, một số công chức (phần đông đang lứa tuổi thanh niên) làm việc trong các công sở của Pháp và Nam triều phong kiến ở tỉnh lỵ có tinh thần yêu nước đã bí mật thành lập nhóm Việt Nam độc lập Đảng, với chủ trương làm cách mạng dân tộc, dân chủ, tìm đọc sách báo tiến bộ, tìm bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng ở nơi khác. Nhờ có mối liên lạc với tổ chức cách mạng ở Nghệ Tĩnh thông qua Hà Huy Tập(1) và Trần Văn Tăng(2), nhóm Việt Nam độc lập Đảng do Nguyễn Đình Cương đứng đầu đã cử Nguyễn Đình Từ (em ruột của Nguyễn Đình Cương) một thanh niên trí thức, cùng với Trần Văn Cung, qua Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn ái Quốc (lúc ấy lấy tên là Lý Thụy) phụ trách mở tại nhà số 13-1 phố Văn Minh, nay là nhà số 422, đường Diên An 1 Quảng Châu. Trong thời gian học tập, Nguyễn Đình Từ đã tiếp thu được những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, về đường lối cách mạng và về phương pháp vận động tổ chức quần chúng.

Nguyễn Đình Từ cũng như Trần Văn Cung đều được kết nạp vào Thanh niên (viết tắt của Việt Nam cách mạng thanh niên) tại Quảng Châu.

Mãn khóa huấn luyện, Nguyễn Đình Từ và Trần Văn Cung trở về Việt Nam với nhiệm vụ tổ chức cơ sở Thanh niên ở trong nước.

Ngày 23-11-1925, tại phiên tòa đê hèn, thực dân Pháp đã trả thù cụ Phan Bội Châu (một chí sĩ yêu nước, có uy tín và ảnh hưởng lớn trong các giới đồng bào cả nước), bằng án khổ sai chung thân. Lập tức hàng chục vạn người, chủ yếu là thanh niên trong cả nước sôi sục đấu tranh đòi bọn thực dân Pháp phải trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu.

Trước áp lực đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, toàn quyền Đông Dương buộc phải hủy bỏ bản án khổ sai chung thân và đưa cụ Phan về giam lỏng ở Huế để tiện giám sát và hạn chế ảnh hưởng của cụ.

Khi biết tin nhà cầm quyền giải cụ Phan đi ngang qua thị xã Quảng Trị, hàng ngàn thanh niên, học sinh, trí thức, công chức đã tập trung nghe cụ Phan Bội Châu nói chuyện. Cuộc nói chuyện của cụ đã có tác dụng thức tỉnh tinh thần yêu nước trong tuổi trẻ...

Tiếp sau đó, chí sĩ yêu nước nổi tiếng Phan Chu Trinh mất, hơn 140 ngàn người, trong đó có hàng vạn thanh niên, học sinh tập hợp ở Sài Gòn để đưa tang cụ. Đây là một cuộc biểu dương lực lượng lớn có ảnh hưởng đến phong trào thanh niên yêu nước trong cả nước. ở Quảng Trị, hàng ngàn nhân dân và thanh niên đã tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh tại thị xã tỉnh lỵ.

Cuối năm 1926, Nguyễn Đình Từ về thị xã Quảng Trị với tư cách là đại diện của Tổng bộ Thanh niên, đứng ra tuyên truyền điều lệ Thanh niên, giao tài liệu sơ giản về chủ nghĩa cộng sản cho Nguyễn Đình Cương và các thành viên trong nhóm Việt Nam độc lập Đảng nghiên cứu, trao đổi nhằm đi đến thống nhất cải tổ nhóm Việt Nam độc lập Đảng thành Chi bộ(1) Thanh niên Quảng Trị.

Khi nhóm Việt Nam độc lập Đảng họp để bàn cải tổ, hầu hết các thành viên trong nhóm đều nhất trí tán thành chuyển sang Thanh niên.

Chi bộ Thanh niên Quảng Trị được thành lập tháng 10-1926 do Nguyễn Đình Cương làm Bí thư, hoạt động theo mục đích của Tổng bộ đề ra là: "Hết sức phấn đấu để thu phục đại bộ phận thợ thuyền, dân cày, binh lính, lãnh đạo quần chúng bị áp bức ấy liên hiệp với vô sản giai cấp thế giới để một mặt đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, chế độ phong kiến và chủ nghĩa tư bản mà dựng ra chính quyền độc tài của thợ thuyền dân cày và binh lính, một mặt khác tham gia vào cuộc cách mạng san trừ tư bản chủ nghĩa cả thế giới đặng thực hiện chủ nghĩa cộng sản"(1). Chi bộ Thanh niên Quảng Trị không chỉ tích cực xây dựng cơ sở ở trong tỉnh mà còn được Tổng bộ giao trách nhiệm phát triển hội viên, xây dựng Chi bộ Thanh niên ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hội An (Quảng Nam).

Đến giữa năm 1927, tổ chức Thanh niên ở Quảng Trị đã phát triển 4 chi bộ. Cuối năm 1927, các Chi bộ thuộc địa bàn Quảng Trị đã mở Hội nghị hợp nhất, lập ra Tỉnh bộ Thanh niên lâm thời. Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị chủ trương cử hội viên của mình qua Quảng Châu (Trung Quốc) và Xiêm dự các lớp huấn luyện chính trị. Các bài giảng của đồng chí Nguyễn ái Quốc được in trong cuốn Đường Kách mệnh hoặc đăng trên báo Thanh niên được các hội viên thanh niên đến dự các lớp huấn luyện bí mật mang về làm tài liệu huấn luyện cho các hội viên trong Tỉnh bộ.

Thông qua các hoạt động của Tỉnh bộ nói trên, trình độ chính trị và năng lực tổ chức của hội viên Thanh niên trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Các hội viên Thanh niên tích cực hoạt động, tìm cách giác ngộ quần chúng phát triển tổ chức của mình vào các tầng lớp thanh niên tiên tiến ở nông thôn, đô thị.

Năm 1928, thực hiện chủ trương của Kỳ bộ thanh niên Trung kỳ, Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị mở Hội nghị đại biểu toàn tỉnh thành lập Tỉnh bộ Thanh niên chính thức. Hội nghị đề ra chủ trương công tác gồm các nội dung: Tăng cường công tác huấn luyện chính trị, tích cực phát triển hội viên mới, xây dựng các tổ chức quần chúng của Hội, phát động phong trào đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên gồm 4 ủy viên, do Nguyễn Đình Cương làm Bí thư. Hội nghị quyết định xuất bản tờ Phấn đấu do Hoàng Hữu Đàn làm chủ bút để làm cơ quan tuyên truyền của Tỉnh bộ Thanh niên.

Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Tuân theo di huấn đó của Lênin, phong trào học tập lý luận trong Tỉnh bộ đã diễn ra rất sôi nổi. Các hội viên chuyền tay nhau đọc các loại sách báo tiến bộ, nhất là tờ báo Thanh niên của Tổng bộ Thanh niên. Nội dung của báo Thanh niên bao gồm các bài xã luận, bình luận, truyện lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc và tin tức, đặc biệt có mục hướng dẫn tổ chức các đoàn thể, kinh nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới và giới thiệu các thành tựu của Liên Xô. Với mục đích của báo Thanh niên là phát động lòng yêu nước, căm thù giặc, nhất là tầng lớp thanh niên, bồi dưỡng quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược để giành lại độc lập tự do cho đất nước... Với lối viết giản dị nhưng chứa đựng tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc và sức tố cáo, cổ vũ sâu sắc, nên báo Thanh niên đã có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tầng lớp thanh niên, học sinh đang khao khát lý tưởng cách mạng, khát khao tìm đường cứu nước, cứu dân "Họ hấp thụ chủ nghĩa Mác - Lênin như hấp thụ ánh sáng mặt trời"(1).

Việc phổ biến báo Thanh niên trong các năm 1927 - 1929 tuy gặp nhiều khó khăn do địch theo dõi, nhưng những hội viên của Tỉnh bộ Thanh niên đã bằng đủ mọi cách giới thiệu nội dung mà báo Thanh niên đăng tải đến nhiều thanh niên và những người có cảm tình với Hội. Để có tài chính hoạt động, ngoài việc đóng hội phí, mỗi hội viên Thanh niên phải đóng cổ phần để Tỉnh bộ thành lập Hưng nghiệp hội xã - một tổ chức kinh tế nhằm chấn hưng hàng nội hóa. Tỉnh bộ Thanh niên dùng tổ chức hoạt động kinh tế này để hoạt động cách mạng của mình. Hưng nghiệp hội xã do ông Lê Thế Hiếu phụ trách, có các chi hội ở các huyện lỵ, thị trấn trong tỉnh.

Hoạt động của Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị đã có tác dụng, ảnh hưởng lớn trong nhân dân, thu hút khoảng 550 thanh niên trong nông dân, trong học sinh, trong binh lính (đông nhất là thanh niên nông dân) có cảm tình với Hội.

Trong các năm 1927, 1928 ở Triệu Phong có ái hữu dân đoàn - một tổ chức quần chúng do "Trần Hữu Dực lập ra", với thành phần gồm thanh niên, học sinh, nông dân. Mục đích của ái hữu dân đoàn là thực hiện ái hữu tương trợ trong làm ăn, đấu tranh chống bọn địa chủ cường hào áp bức, bóc lột nông dân, bài trừ mê tín dị đoan...

"Hoạt động của tổ chức này đã làm cho Tỉnh bộ Thanh niên chú ý và đã cử đại diện đến liên lạc với Trần Hữu Dực, tìm hiểu, nắm lấy cơ sở quần chúng. Sau một thời gian vận động, cuối năm 1928, ái hữu dân đoàn đã trở thành tổ chức quần chúng cách mạng của Tỉnh bộ Thanh niên".

Thông qua các hoạt động nói trên, Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị đã quan hệ, tập hợp được quần chúng, đông nhất là tầng lớp thanh niên. Trên cơ sở đó, Tỉnh bộ lựa chọn người đủ tiêu chuẩn để kếp nạp vào Hội Thanh niên, đưa tổng số hội viên từ 10 người (cuối năm 1926) lên 50 người (đầu 1929). Đây là một số lượng đáng kể, những hạt giống cách mạng quý báu đầu tiên của Quảng Trị. Tất cả các anh, chị đều còn trẻ, có học thức, được tiếp cận sớm với chủ nghĩa Mác - Lênin do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc truyền bá. Sự sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc về việc lập ra Hội Thanh niên và qua tổ chức này để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã chứng minh hùng hồn tính hiệu quả, đặc biệt là sự đúng đắn về đường hướng cách mạng Việt Nam...

Trong nội bộ Thanh niên đang lúc tranh luận với nhau về việc thành lập Đảng Cộng sản thì nhận được bản Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Văn kiện quan trọng này đã chỉ rõ nhiệm vụ, tính chất, lực lượng cách mạng và vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa... Văn kiện cũng đã đề cập mạnh mẽ vấn đề thanh niên thuộc địa, nửa thuộc địa và yêu cầu các Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa phải chú trọng xây dựng và phát triển Thanh niên Cộng sản.

ở nước ta, trước năm 1929, một số hội viên của Hội Thanh niên vốn là đoàn viên, thanh niên Cộng sản được kết nạp trong thời gian tham dự các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu... về nước, trực tiếp tuyên truyền tổ chức nhưng các đoàn viên này chưa được tổ chức vào các tổ chức cơ sở của Đoàn mà hoạt động trong mối quan hệ trực tiếp với cán bộ Hội Thanh niên, mãi đến sau khi "các tổ chức Đảng ở nước ta”(1) ra đời, các tổ chức của Đoàn Thanh niên Cộng sản mới được hình thành.

Tóm lại, không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, sống kiếp lầm than nô lệ, sớm được tiếp thu con đường cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc thành lập và lãnh đạo từ năm 1925, một lớp thanh niên Quảng Trị đã tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi trong tổ chức Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị từ tháng 10-1926 đã góp phần tích cực vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng vào nhân dân và tầng lớp thanh niên yêu nước Quảng Trị, tạo tiền đề về mặt tư tưởng, tổ chức và cơ sở xã hội cho việc ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị sau này.



Каталог: Chuyende
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam huyện nam đÔng độc lập Tự do Hạnh phúc
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> ĐỀ CƯƠng ôn tập thi tốt nghiệp môn tiếng anh năm học 2012- 2013
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố ĐÀ NẴng độc lập Tự do Hạnh phúc
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
Chuyende -> Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013

tải về 1.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương