LỊch sử ĐOÀn thanh niên cộng sản hồ chí minh


II. THẾ HỆ THANH NIÊN CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN ĐI TIÊN PHONG XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG ĐOÀN (1930 - 1931)



tải về 1.58 Mb.
trang2/13
Chuyển đổi dữ liệu17.07.2016
Kích1.58 Mb.
#1784
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

II. THẾ HỆ THANH NIÊN CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN ĐI TIÊN PHONG XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG ĐOÀN (1930 - 1931)

Ngày 15-5-1929, Trần Văn Cung(1) đến Quảng Trị gặp Nguyễn Đình Cương bàn việc giải tán Thanh niên, thành lập nhóm Cộng sản ở địa phương.

Ngày 16-5-1929, Nguyễn Đình Cương triệu tập số hội viên (của Hội Thanh niên) có tư tưởng tích cực ủng hộ việc tổ chức Cộng sản, họp tại làng Long Hưng (Hải Lăng). Kết quả "tất cả hội viên Thanh niên có mặt tại cuộc họp đều nhất trí tuyên bố giải tán Thanh niên, thành lập tổ chức Cộng sản Đảng"(1). Nhóm Cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị gồm 7 đồng chí, đa số ở tuổi thanh niên như Đoàn Lân, Trần Hữu Dực, Trịnh Đức Tân, Trần Ngung... Nhóm cộng sản đầu tiên này đã đề ra phương hướng hoạt động coi trọng công tác xã hội như mở lớp dạy Quốc ngữ cho nhân dân, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, tiêu dùng hàng nội, giúp đỡ dân nghèo. Qua đó tuyên truyền cách mạng, phát triển các tổ chức quần chúng như Công hội đỏ, Nông hội, Thanh niên Cộng sản...

Ngày 10-6-1929, Kỳ bộ Thanh niên Trung kỳ họp, tuyên bố giải tán Thanh niên, thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy lâm thời Trung kỳ, đêm 30-6 sáng 1-7-1929, nhóm Cộng sản đầu tiên của Quảng Trị đã huy động lực lượng cảm tình Đảng, phần lớn là thanh niên, tham gia rải truyền đơn của Đông Dương Cộng sản Đảng khắp nơi ở Quảng Trị và các tỉnh Trung kỳ.

Cuộc rải truyền đơn và thư của Đông Dương cộng sản Đảng đã có ảnh hưởng vang dội trong nhân dân, nhất là đối với tầng lớp thanh niên, học sinh. Bọn quan lại của Chính phủ Nam triều hoảng hốt tìm mọi biện pháp để đối phó. Ngô Đình Diệm - tri phủ của huyện Hải Lăng - một tên phản động đội lốt tôn giáo, tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp, đã tung mật thám, binh lính theo dõi và bắt thanh niên nhặt và cất giữ truyền đơn của Đông Dương Cộng sản Đảng... Trong hai tháng 7 và 8 năm 1929, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 60 người bị bắt.

Tại nhà lao Quảng Trị, đồng chí Trần Hữu Dực cùng một số đảng viên, hội viên Thanh niên đã tổ chức giúp đỡ nhau trong cách đối phó với địch, chăm sóc tù nhân đau ốm, đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà lao... Ngoài các hoạt động đó, đồng chí Trần Hữu Dực còn vận động anh em bớt suất ăn hàng ngày của mình để có tiền mua giấy mực dùng cho việc xuất bản tờ báo Tiến lên (in bằng thạch). Tờ báo Tiến lên do đồng chí Trần Hữu Dực làm chủ bút đã góp phần giới thiệu về Đông Dương Cộng sản Đảng, Thanh niên Cộng sản Đoàn.

Báo Tiến lên được phát hành bí mật về các huyện bằng con đường thông qua các học sinh đang học ở thị xã Quảng Trị, thanh niên có cảm tình với Hội Thanh niên, với Đông Dương Cộng sản Đảng. Tác động của phong trào cách mạng đang lên của cả nước, trực tiếp là tờ báo Tiến lên, đã thức tỉnh thanh niên học sinh, thanh niên tiểu tư sản nông thôn trong tỉnh tham gia cách mạng.

Như vậy từ giữa năm 1929 trở đi, trong hoàn cảnh bị địch khủng bố, đàn áp, một số nhóm đoàn viên, thanh niên Cộng sản ở miền Bắc, miền Trung (trong đó có Quảng Trị) đã hình thành những cơ sở đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Đó là các đoàn viên, thanh niên Cộng sản hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Tại Hội nghị hợp nhất của tổ chức Cộng sản từ ngày 3-2 đến ngày 7-2-1930, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác vận động thanh niên đã được đồng chí Nguyễn ái Quốc và các đại biểu đặc biệt quan tâm, chăm lo. Cùng với việc thông qua chính cương, sách lược, chương trình, điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị đã thông qua Điều lệ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam. (Sau này đổi tên là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).

Giữa tháng 4-1930, dưới sự chỉ đạo của phái viên phân khu Xứ ủy Trung kỳ, Ban Vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị được hình thành gồm ba đồng chí, do đồng chí Lê Thế Tiết chịu trách nhiệm chủ yếu. Sau một tuần khẩn trương chuẩn bị, ngày 21-4-1930 Ban Vận động họp tại nhà ông Nguyễn Phu (làng Đại Hào, huyện Triệu Phong) và đi đến nhất trí thành lập Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị gồm 3 ủy viên, do Lê Thế Tiết làm Bí thư. Sự kiện Đảng bộ Quảng Trị ra đời đã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh thời gian tới.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1930, thanh niên ở nhiều nơi trong tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 bằng các hình thức treo cờ Đảng, rải truyền đơn ở những nơi đông người qua lại với nội dung kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đấu tranh chống tệ hà lạm trong bọn cường hào, địa chủ, đòi giảm phu phen tạp dịch, bỏ lệ kính biếu xôi thịt, đòi tăng tiền công cấy gặt..., tổ chức lễ truy điệu Đoàn Lân(1).

Việc tổ chức truy điệu đồng chí Đoàn Lân và lưu hành trong nhân dân bài văn tỏ lòng thương tiếc Đoàn Lân (điếu văn) đã làm dấy lên khắp nơi trong tỉnh một phong trào cách mạng mạnh mẽ. Bọn thống trị hoảng sợ tìm cách đối phó, khủng bố, bắt bớ giam cầm một số thanh niên, học sinh... cất giấu bài điếu văn, trong đó có Trần Mạnh Quỳ, Lê Chưởng, Trần Hăm...

"Ngày 1-8-1930, Đảng kêu gọi nhân dân đấu tranh phản đối chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô, ủng hộ phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ"(2) Hưởng ứng lời kêu gọi đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tuổi trẻ Quảng Trị cùng các tầng lớp nhân dân tổ chức treo cờ Đảng, rải truyền đơn cách mạng. Chẳng hạn như ở Cam Lộ, thanh niên cùng với nhân dân kéo đến dự cuộc mít tinh do Huyện ủy tổ chức tại Nghĩa Hy để nghe cán bộ của Đảng diễn thuyết kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh chống đế quốc và phong kiến Nam triều. ở Đông Hà, thanh niên trong công nhân của các hãng Samanan và Malpuech rải truyền đơn treo cờ búa liềm ở nhà ga, ở đồn lính khố xanh và đình chợ; phu bốc vác đòi tăng tiền thuê bốc vác một tấn hàng từ hai hào lên ba hào... Phong trào đấu tranh ủng hộ Xô-viết, Nghệ-Tĩnh lên mạnh ở Quảng Trị và Thừa Thiên. Sở mật thám Trung kỳ lo sợ, tập trung theo dõi, khám phá, bắt bớ. Tháng 10-1930, đồng chí Lê Thế Tiết bị bắt.

Tháng 11-1930, được sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy Quảng Trị chính thức được thành lập, do đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư. Tỉnh ủy chính thức họp phiên đầu tiên tại Tân Tường (Cam Lộ) chủ trương tích cực phát triển Đảng, xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn. "Người dưới 27 tuổi phải vào Thanh niên Cộng sản Đoàn"(1), phát động phong trào tiếp tục đấu tranh ủng hộ phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh. Tại Hội nghị Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Nhuệ - Xứ ủy viên phụ trách Quảng Trị phổ biến chủ trương của Xứ ủy Trung kỳ về việc ủy nhiệm cho Đảng bộ Quảng Trị phụ trách xây dựng cơ sở cách mạng ở Lào và Quảng Bình.

Triển khai Nghị quyết Tỉnh ủy, với các khẩu hiệu đưa ra sát với thực tế, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng lao động trong tỉnh như: Ruộng công không được bán mà phải chia đồng đều phân minh...; chia bổ sưu thuế phải do toàn dân...; canh tuần phải suốt thượng hạ...; bỏ lễ tết địa chủ; tăng tiền công cho người làm thuê; lợi quyền ngoài Đình phải ngang nhau; bỏ sưu ích; bỏ tuần canh... nên đã thu hút thanh niên và các tầng lớp khác tham gia đấu tranh và từng bước thu thắng lợi về quyền lợi dân sinh dân chủ. ở Đông Hà, đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm (đảng viên trẻ) Huyện ủy viên Huyện ủy Cam Lộ, Bí thư Chi bộ thị trấn được phân công nắm lực lượng công nhân, đảm nhận làm giao thông cho Tỉnh ủy, Xứ ủy, chuyển tài liệu cho Đảng từ Đông Hà lên Lào qua trục đường 9. Thông qua Nguyễn Ngọc Tâm và một số thanh niên công nhân cơ sở hoạt động trên tuyến giao thông vận tải Đông Hà - Savanakhẹt (Lào), Đảng bộ Quảng Trị đã xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập Chi bộ Đảng, Chi đoàn Thanh niên Cộng sản trong số Việt kiều làm ăn sinh sống, hoạt động ở Savanakhẹt, Thà khẹt, Pắc xế, Viên Chăn (Lào).

Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy (11-1930) và thực hiện án Nghị quyết về Cộng sản Thanh niên - vận động của Hội nghị Trung ương Đảng (10-1930), "số đoàn viên, thanh niên Cộng sản của 5 tỉnh ở Trung kỳ (trong đó có Quảng Trị) là 921 đồng chí"(1).

Từ thắng lợi thu được trong đấu tranh về kinh tế, lại được cao trào cách mạng trong cả nước mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ-Tĩnh dội vào, phong trào cách mạng ở Quảng Trị có lực lượng đảng viên Đảng Cộng sản, lực lượng đoàn viên, thanh niên Cộng sản Đoàn làm nòng cốt đã phát triển mạnh mẽ sôi nổi hơn trước.

Chính quyền cơ sở của địch ở một số nơi gần như tê liệt, nhân dân các làng: "Lập Thạch, Đại áng, Phú Lễ, An Lợi, Dương Lệ, Vệ Nghĩa, An Tiêm... đứng lên tự quản, thông qua các tổ chức Nông hội, Thanh niên Cộng sản Đoàn để giải quyết mọi việc trong làng không cần thông qua Lý trưởng, Chánh tổng như trước"(1).

Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ II tại Sài Gòn vào cuối tháng 3-1931 đã giành nhiều thời gian để bàn về công tác xây dựng Đảng và xây dựng Đoàn. Hội nghị đã nghiên cứu bức thư của Ban Chấp hành Quốc tế Thanh niên Cộng sản gửi cho Đảng ta, kiểm điểm việc thực hiện án Nghị quyết về Cộng sản Thanh niên vận động và đề ra nhiệm vụ: Cần kíp tổ chức ra Thanh niên Cộng sản Đoàn. Nghị quyết Trung ương lần thứ hai, phần về công tác thanh niên đã vạch rõ: Lập tức các Đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức ra Đoàn... Theo dõi sát sao tình hình xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn, đồng chí Nguyễn ái Quốc đã gửi một bức thư hết sức quan trọng cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận xét về những ưu và khuyết trong công tác vận động quần chúng của Đảng, vạch ra hướng phát triển... Cuối thư Người chỉ rõ: "Tôi đề nghị cần kíp nhất là thống nhất Thanh niên Cộng sản Đoàn... và làm cho họ có sinh hoạt độc lập "(2).

Trước sự phát triển và lớn mạnh của Đoàn trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên lúc bấy giờ. "Đây là sự vận động khách quan phù hợp với quy luật phát triển của cách mạng nước ta, đồng thời phản ánh công lao của Đảng, của đồng chí Nguyễn ái Quốc, Người đã sáng lập và rèn luyện Đoàn từ những ngày đầu trứng nước"(1)...

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai (3-1931)(2), Đảng bộ Quảng Trị từ đó thực sự coi việc Đoàn như việc Đảng, mỗi đảng viên của Đảng bộ đều có nhiệm vụ xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản. Đồng chí Hoàng Hữu Chấp(3) được Tỉnh ủy giao phụ trách Đoàn Thanh niên Cộng sản(4) tỉnh Quảng Trị.

III. TUỔI TRẺ QUẢNG TRỊ TRONG CÁC CAO TRÀO CÁCH MẠNG (1931 - 1936)

Ngày 12-4-1931, Tỉnh ủy Quảng Trị họp, nhận định: "Quần chúng đã vào thời kỳ rất quẫn bách về kinh tế, hạng bần cố nông đã có giác ngộ về chính trị hăng hái tham gia cách mạng. Nội bộ đã có thành phần xuất thân từ bần cố nông vào Đảng. Các hội quần chúng ngày càng bành trướng thêm"(1). Hội nghị Tỉnh ủy dự kiến: "Cách mạng có thể bành trướng rất cao trong thời kỳ quần chúng rất quẫn bách"(2). Phân tích chiều hướng phát triển của phong trào cách mạng, Tỉnh ủy chủ trương: Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 (1931) chỗ nào biểu tình được thì làm ngay, chỗ nào chưa biểu tình được thì tuần hành thị uy hay đấu tranh trong xã. Song chỗ nào cũng vậy, gần đến ngày đó phải triệu tập bí mật để diễn thuyết, cổ động quần chúng kháng thuế "(3)...

Về tổ chức, Hội nghị Tỉnh ủy quyết định chỉnh đốn đội ngũ nhằm tăng cường sức chiến đấu cho Đảng và lãnh đạo các tổ chức quần chúng. Hội nghị cử đồng chí Đoàn Bá Thừa làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Trần Hữu Dực đã bị địch bắt trong tháng 3-1931.

Để hướng dẫn phong trào, báo Tiến lên (cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ) đã đăng bài xã luận chỉ rõ: Ngày 1-5 sắp tới anh chị em hãy soạn sửa đi để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, nổi dậy biểu tình phản kháng sưu thuế.

Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy, đoàn viên, thanh niên ở các cơ sở dưới sự hướng dẫn của Chi bộ Đảng, chuẩn bị nổi dậy, phối hợp biểu tình kháng sưu thuế. ở Triệu Phong, Huyện ủy xây dựng kế hoạch huy động quần chúng tập trung tại địa điểm làng Quảng Lượng, từ đó kéo lên huyện lỵ đưa yêu sách và giải tán trước khi trời sáng. Đoàn biểu tình có lực lượng tự vệ đi kèm để bảo vệ. Chi bộ An Tiêm chịu trách nhiệm huy động lực lượng chặt cây ngã xuống đường, chồng đá thành từng đống cao, nhấn chìm phà, đò ở bến đò An Tiêm để ngăn cản địch ở tỉnh lỵ kéo về đàn áp...

Giữa lúc đó, Nguyễn Tiết Cương - cán bộ giao thông của Đảng, đi trên chiếc tàu Frăng-xít-gác-ni-mê (chạy trên sông Mê Công) đã bị địch bắt cùng một số tài liệu của Đảng mang theo trong người. Căn cứ vào tài liệu này, bọn mật thám khám phá ra đường dây liên lạc giữa Đông Hà - Savanakhẹt và cho lính vây bắt các đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm, Nguyễn Oánh ở thị trấn Đông Hà vào ngày 22-4-1931. Tiếp theo sau, chúng bắt thêm một số đoàn viên, thanh niên, hội viên Công hội ở Đông Hà.

Tình hình ở Đông Hà - Cam Lộ gặp khó khăn nhưng các nơi khác như Hải Lăng, Triệu Phong... vẫn chuẩn bị biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Cuộc biểu tình ở Triệu Phong với quy mô lớn (theo chủ trương Tỉnh ủy) không tiến hành được do tổ chức chỉ huy thiếu chặt chẽ. Song nó cũng có tiếng vang, có tác dụng kích thích, cổ vũ tuổi trẻ trong tỉnh kháng thuế, nhất là ở Vĩnh Linh...

Sau cuộc biểu tình, địch huy động lực lượng đến đàn áp phong trào cách mạng. Cuộc khủng bố đàn áp của địch kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7-1931, chủ yếu tập trung vào địa bàn Triệu Phong. Toàn huyện có 200 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên... bị địch bắt, kết án từ 1 đến 13 năm tù.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy (ngày 15-9-1931), cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên... kiên quyết vượt qua khó khăn ác liệt, phát huy tinh thần tự động công tác, đi sâu đi sát quần chúng, kịp thời lãnh đạo nhân dân đấu tranh bảo vệ lực lượng, giữ gìn phong trào. Cuối năm 1931, phong trào các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng tạm thời lắng xuống, nhưng ở Vĩnh Linh, Đảng bộ vừa mới thành lập, do đồng chí Đoàn Bá Thừa (Bí thư Tỉnh ủy) trực tiếp làm Bí thư, nên phong trào cách mạng ở đây bắt đầu lên, nhất là ở Quảng Xá, Thượng Lập, Huỳnh Công. Thanh niên cùng với các tầng lớp nhân dân trong huyện đấu tranh đòi bỏ tục lệ biếu xén, đòi chia lại công điền công thổ, đòi chia thóc dự trữ của làng cho dân, buộc cường hào địa chủ cho dân vay thóc, vay tiền chống đói và đòi nhà giàu phải tăng tiền công cấy, gặt cho thanh niên và nông dân làm thuê.

Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân lên cao, chính quyền cơ sở của địch ở một số làng xã coi như bị tê liệt, có nơi như Thượng Lập, nhân dân đứng lên làm chủ làng xóm của mình hơn một năm. Các làng Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam, Quảng Xá, Duy Viên, Thượng Lập... hầu hết quần chúng nhân dân trong làng kể cả một số hương lý có xu hướng tiến bộ đều vào các hội quần chúng cách mạng.

Đối phó với các phong trào cách mạng ở Quảng Trị đang tiếp tục duy trì, có nơi phát triển mạnh như Vĩnh Linh, thực dân Pháp đã chi viện thêm lực lượng, bọn thống trị ở tỉnh tăng thêm lính lệ về các phủ huyện, thị xã. Chúng đặt thêm các chức bang tá, tổng đoàn, xã đoàn, tổ chức thêm tuần phòng tuần đinh, bắt thanh niên canh gác suốt ngày đêm để đề phòng cộng sản. Các gia đình có người tham gia cách mạng, có đảng viên, có đoàn viên, thanh niên Cộng sản... bị bắt, thì bị bọn mật thám theo dõi chặt chẽ. Mặt khác, chúng ra sức tuyên truyền, tổ chức hiếu dụ khắp nơi để nói xấu cộng sản, ca tụng khẩu hiệu: "Pháp - Việt đề huề do tên Va Ren toàn quyền Đông Dương tung ra"(1) Để trụy lạc hóa thanh niên về mặt tinh thần, thực dân Pháp và bè lũ tay sai phong kiến Nam triều cho xuất bản những cuốn tiểu thuyết với nội dung đồi trụy, những chuyện thần tiên, kiếm hiệp và các loại sách xem bói, xem tướng. Đồng thời khuyến khích mở nhiều sòng bạc, tiệm hút, tiệm nhảy, nhà chứa... ở đô thị, chúng bắt thanh niên học sinh phải đọc thơ chống cộng của Phạm Quỳnh, phát hành sách nói xấu cộng sản của linh mục Thinh.

Số đảng viên Cộng sản, đoàn viên, thanh niên Cộng sản... bị bắt trong các đợt khủng bố từ giữa năm 1931 đến giữa năm 1932 khá đông, trong đó có một số bị kết án nặng, chúng đưa lên giam ở nhà tù Lao Bảo và nhà đày Buôn Mê Thuột, số còn lại chúng giam ở nhà lao Quảng Trị.

ở trong tù, dù chân bị cùm, thân mang xiềng, ăn uống thiếu thốn, các đảng viên trẻ, các đoàn viên, thanh niên Cộng sản... được các bậc tiền bối đàn anh dẫn dắt, ngày đêm vẫn luôn luôn lo lắng về phong trào cách mạng ở bên ngoài, tìm mọi cách để khôi phục phong trào ở bên ngoài như bàn cách giới thiệu những cơ sở cũ cho các đảng viên, đoàn viên chưa bị bắt chắp nối hoạt động, tổ chức học văn hóa, lý luận chính trị và đặc biệt là tổ chức cho một số vượt ngục trở về hoạt động...

Sau một thời gian chuẩn bị, đêm 3-10-1932, ba thanh niên cũng là ba đảng viên trẻ Trần Ngọc Hoành, Hồ Chơn Nhơn, Lê Chưởng vượt ngục trót lọt đã gây dư luận tốt trong nhân dân, nhất là đối với tầng lớp học sinh, thanh niên, công chức ở tỉnh lỵ Quảng Trị...

Ra khỏi lao Quảng Trị, đồng chí Trần Ngọc Hoành ra thẳng Vĩnh Linh tìm gặp đồng chí Đoàn Bá Thừa (Bí thư Tỉnh ủy). Hai người đã bàn bạc vạch kế hoạch hoạt động, trước mắt là tập trung củng cố cơ sở ở Vĩnh Linh, làm bàn đạp xây dựng cơ sở ở Gio Linh và Lệ Thủy (Quảng Bình)...

Những năm 1933 - 1935, mặc dù đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều tìm trăm phương ngàn kế, tập trung lực lượng đánh phá cách mạng, nhưng chúng vẫn không tiêu diệt được cách mạng. Đông đảo thanh niên cũng như nhiều người ở các tầng lớp khác trong tỉnh vẫn một lòng hướng về Đảng Cộng sản Việt Nam. Có gia đình trong khó khăn ác liệt vẫn là nơi hội họp bí mật của Đảng, của Đoàn... Có thanh niên làm nhiệm vụ liên lạc cho Đảng, có một số nữ thanh niên tự động quyên góp tiền bạc, áo quần cung cấp cho đảng viên, đoàn viên thoát ly gia đình nằm vùng hoạt động.

Từ giữa năm 1934, kẻ địch lợi dụng vụ ám sát cá nhân xảy ra ngày 29-5-1934 để đàn áp khủng bố phong trào cách mạng ở Vĩnh Linh - Quảng Trị. Sau khi tìm ra manh mối vụ ám sát, chúng đã bắt đồng chí Trần Văn Luận (Bí thư Huyện ủy), đồng chí Trần Tích (Huyện ủy viên) và hàng trăm thanh niên, nông dân, nhiều nhất là ở Thượng Lập...

Đồng chí Trần Văn Luận, trước khi bị xử bắn, chỉ nhắn với người vợ trẻ: Tôi chết tôi không ân hận gì cả, nhà cố gắng thay tôi làm lụng nuôi con, cho con ăn học thành người. Thế nào rồi ta cũng sẽ thắng. Đến phút cuối cùng, hai đồng chí Trần Văn Luận và Trần Tích hô vang các khẩu hiệu: Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm! Nước Việt Nam nhất định sẽ độc lập!.

Tấm gương hy sinh của hai đảng viên với tuổi đời còn rất trẻ đã để lại cho thanh niên và các tầng lớp khác trong tỉnh niềm xúc động và tiếc thương vô hạn. Võ Tính - một đảng viên của chi bộ chợ Cầu (Gio Linh), bị giam trong Lao xá Quảng Trị đã làm bài thơ ca ngợi hai đồng chí của mình trong đó có các câu:



"Đau lòng cái chết hỡi thương ôi!

Tích - Luận, hai anh, địch giết rồi.

Hiến thân chịu chết cho đời sống.

Trải ruột, phơi gian, để trẻ coi... "(1)

Các thế hệ trẻ Quảng Trị mãi mãi thương tiếc và noi gương các đảng viên cộng sản kiên trung, bất khuất đã hy sinh và các đảng viên trẻ tuổi khác như Lê Duẩn, Đoàn Bá Thừa, Hồ Tỵ... từ Quảng Trị tỏa đi các nơi hoạt động cách mạng chỉ vì một mục đích chung là đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng quê hương...



IV. TUỔI TRẺ QUẢNG TRỊ ĐẤU TRANH CHỐNG BỌN PHẢN ĐỘNG THUỘC ĐỊA, ĐÒI CÁC QUYỀN DÂN SINH, DÂN CHỦ VÀ BẢO VỆ HÒA BÌNH (1936 - 1939)

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lần thứ nhất đã họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935. Đại hội đã phân tích tình hình và nhận định rằng hệ thống tổ chức Đảng đã được khôi phục, đây là thắng lợi lớn của Đảng. Các cuộc đấu tranh của quần chúng, trong đó có vai trò tích cực của thanh niên trong mấy năm qua đã giành được những thắng lợi với nhiều mức độ khác nhau, khiến cho nhân dân và tuổi trẻ cả nước thêm phấn khởi. Về công tác vận động quần chúng, Đại hội chỉ rõ: "Đẩy mạnh cuộc vận động thu phục quần chúng. Đảng mạnh là căn cứ vào ảnh hưởng, vào thế lực của Đảng trong quần chúng, thu phục quảng đại quần chúng là một nhiệm vụ trung tâm căn bản cần kíp của Đảng hiện thời”. Đại hội thông qua Điều lệ và chương trình hành động của Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương.

Tình hình ở Pháp lúc này có những diễn biến mới: Tháng 1-1936, Mặt trận nhân dân chống phát-xít được thành lập bao gồm: Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, Đảng Cấp tiến, Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên và cả các đoàn thể quần chúng khác; tháng 4-1936, Đảng Cộng sản Pháp giành thắng lợi lớn trong cuộc Tổng tuyển cử; tháng 6-1936 Chính phủ phái tả lên cầm quyền đã thi hành một số chính sách tiến bộ, trong đó có chính sách đối với Đông Dương như thả tù chính trị, hứa ban bố quyền tự do, dân chủ...

Căn cứ diễn biến tình hình trên thế giới và trong nước, Hội nghị Trung ương Đảng (7-1936) đã xác định kẻ thù chủ yếu trước mắt của cách mạng Đông Dương là bọn phản động thuộc địa và tay sai của chúng; đề ra nhiệm vụ, mục tiêu trực tiếp trước mắt là đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống phát-xít, chống chiến tranh, đòi tự do dân chủ cơm áo và hòa bình. Về tổ chức, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tập hợp tất cả các giai cấp, tầng lớp đảng phái và cá nhân có xu hướng dân chủ, kể cả một bộ phận tầng lớp trên, thậm chí cả người Pháp có xu hướng dân chủ ở Đông Dương. Để phù hợp với sự chuyển hướng chỉ đạo, Đảng quyết định thay đổi hình thức và phương pháp đấu tranh như từ tổ chức bí mật đấu tranh bất hợp pháp là chủ yếu chuyển sang tổ chức và đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp là chủ yếu.

Ngoài nội dung trên, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần này còn ra quyết định quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động thanh niên, tăng cường củng cố phát triển tổ chức Đoàn ở các cấp dưới tên gọi Đông Dương dân chủ Đoàn.

Tại Quảng Trị, từ tháng 8-1936 nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên Cộng sản vừa qua bị đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến giam cầm ở các nhà tù: Côn Đảo, Buôn Ma Thuột; Lao Bảo và Lao Xá (Quảng Trị) được trả lại tự do trở về với quê hương và lập tức bắt tay vào hoạt động, củng cố và xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng, nhanh chóng tìm cách tập hợp quần chúng bằng cuộc vận động ủy ban trù bị Đông Dương Đại hội do Đảng ta phát động nhằm thu thập nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tiến tới triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân Đông Dương để thông qua bản Dân nguyện gửi cho phái bộ điều tra của Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp sắp sang Việt Nam. Phong trào Đông Dương Đại hội phát triển, mạnh nhất là ở Vĩnh Linh. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn phủ có 72 làng trong tổng số 93 làng đã thành lập được ủy ban hành động tập hợp nguyện vọng của nhân dân, hầu hết thành viên tham gia ủy ban hoạt động đều là thanh niên.

Năm 1936, từ nhà tù Côn Đảo trở về, đồng chí Lê Duẩn - người con trung kiên của quê hương Quảng Trị - lúc này ở tuổi 29 đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng tại Quảng Trị và ở tuổi 30 với vai trò là Bí thư xứ ủy Trung bộ, đồng chí Lê Duẩn đã có công lao to lớn trong việc chỉ đạo xây dựng lại các Đảng bộ các tỉnh miền Trung bị tan rã do đế quốc đàn áp, khủng bố; khôi phục Xứ ủy Trung kỳ, phát động mạnh mẽ phong trào cách mạng của quần chúng thành cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống sưu, chống thuế, xúc tiến xây dựng Mặt trận Dân chủ khắp các tỉnh Trung bộ, đề xuất ý kiến thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, chống phát xít, chống chiến tranh. Khi trở thành ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng vào năm 32 tuổi, đồng chí Lê Duẩn đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng chuẩn bị và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VI (khóa I) đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo chiến lược của Đảng ta trong thời kỳ 1939-1945. Hoạt động của một người cộng sản trẻ tuổi - Lê Duẩn ở thời kỳ này là một tấm gương sáng ngời cổ vũ tuổi trẻ Quảng Trị cũng như tuổi trẻ cả nước tiếp tục tiến bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng.

Lợi dụng phong trào Đông Dương Đại hội, các cựu chính trị phạm trong tỉnh tranh thủ thế hợp pháp hoạt động ráo riết, bất chấp lệnh quản thúc của bọn thống trị, họ tỏa về các làng, các tổng tuyên truyền giác ngộ nhân dân... Sau khi nhận thức rõ tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng, các chi đoàn Thanh niên Dân chủ ở Quảng Trị được củng cố, đã vận động được thanh niên gia nhập tổ chức Đoàn Thanh niên Dân chủ và tham gia mọi hoạt động do Đảng đề xướng.

Ngoài việc đi đầu trong các cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng trong dịp đón Gô Đa đưa nguyện vọng ở Hiền Lương, ở thị xã Quảng Trị (2-1937), tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống thuế (hè thu 1937) bầu nghị viện khóa III (8-1937), phản đối dự án thuế mới,v.v... Lúc này, Đoàn Thanh niên Dân chủ ở cơ sở dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng còn sử dụng các hình thức tổ chức biến tướng gắn liền với nghề nghiệp, sinh hoạt bình thường hàng ngày như tổ làm văn, tổ lợp nhà, tổ đi làm rừng, phường đi săn thú rừng, lập hội bóng đá ở các thị trấn, thị xã Quảng Trị... để thu hút tuổi trẻ, đưa họ lên trận tuyến đấu tranh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng từ thấp tới cao, phù hợp với lứa tuổi, nghề nghiệp... Kế thừa những kinh nghiệm đấu tranh trên Mặt trận báo chí thời kỳ 1930 - 1931, Đảng bộ Quảng Trị phát động phong trào phát hành sách báo của Đảng, của Đoàn; phong trào đọc sách báo của Đảng, của Đoàn trong toàn dân; trước hết là trong cán bộ đảng viên, đoàn viên, thanh niên... Hưởng ứng phong trào đó, tổ đọc sách báo và cơ sở phát hành sách báo của Đảng, của Đoàn do Thanh niên Dân chủ tổ chức và quản lý xuất hiện ở Quảng Trị ngày một nhiều. Trong các cơ sở phát hành thường có nhiều loại sách báo xuất bản thời đó như: Tập Hợp (Rassemblemen) - một tờ báo công khai của Đảng xuất bản ở Hà Nội; Nhành Lúa - cơ quan tuyên truyền của những người cộng sản Trung kỳ; Tin Tức, Tranh Đấu - cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ Quảng Trị; Bạn Dân và Thế Giới của Thanh niên Dân chủ... và một số sách từ Pháp gởi sang giới thiệu về chủ nghĩa Mác, kể cả sách văn học như Người Mẹ của văn hào M.Goócki cùng với sách của các tác giả trong nước như Chủ nghĩa mác xít phổ thông của Hải Triều; Vấn đề dân cày của Trường Chinh, tập thơ Từ ấy của Tố Hữu,v.v...

Tuổi trẻ Quảng Trị rất thích đọc báo chí cách mạng, vì báo chí của Đảng, của Đoàn có tính chiến đấu cao. Nó vạch trần chế độ thuộc địa và phong kiến thối nát phản động, nêu lên tình cảnh khổ cực, bị áp bức bóc lột và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, phản ánh phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, của Mặt trận Dân chủ, chống mọi thủ đoạn lừa bịp, chia rẽ của bọn thống trị. Trong đó có nhiều bài giới thiệu về Liên Xô - nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới; báo Thanh niên đã giải đáp cho tuổi trẻ những vấn đề thiết thực về tình bạn, tình yêu, hôn nhân gia đình theo quan điểm mới. Do đó, tổ đọc báo, điểm phát hành báo chí lúc đó chính là những địa điểm sinh hoạt của thanh niên và hướng dẫn đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, bảo vệ hòa bình thế giới...

Để vận động thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn tiếp cận với báo chí của Đảng, của Đoàn, một trong những phương tiện quan trọng trong quá trình tuyên truyền cách mạng và tập hợp tuổi trẻ, Đảng bộ Quảng Trị đã phát động toàn dân trong tỉnh hưởng ứng phong trào học chữ Quốc ngữ do Đảng ta chủ trương và giao cho các nhóm đoàn viên, thanh niên Dân chủ làm lực lượng chủ lực.

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đoàn viên, thanh niên Dân chủ ở các cơ sở hăng hái triển khai chương trình của Hội truyền bá Quốc ngữ Việt Nam do cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng với nội dung: "Mở các lớp học cho tất cả mọi người không biết chữ, không thu học phí; in sách cho người học cũng không thu tiền”(1) là phong trào có tính chất văn hóa, xã hội, nó nhanh chóng thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều người ủng hộ tiền, giấy, bút, mực, cho mượn nhà để làm địa điểm lớp học...

Nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng, tinh thần hiếu học của nhân dân và sự cố gắng vượt bậc của lực lượng chủ lực là các đoàn viên, thanh niên Dân chủ, các lớp truyền bá chữ Quốc ngữ ở cơ sở ngày càng phát triển với đông đảo các thầy giáo và học sinh ở các trường trong tỉnh tham gia dạy Quốc ngữ. Đoàn viên, thanh niên học sinh đảm nhiệm việc dạy học và tích cực vận động người chưa biết chữ đi học. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, có thể nói xóm nào, làng nào cũng tổ chức được lớp dạy chữ Quốc ngữ. Sau 6 tháng, ở Quảng Trị (chủ yếu là ở các huyện đồng bằng) đã có hàng ngàn nam, nữ thanh niên thoát nạn mù chữ, tạo điều kiện cho lớp trẻ giác ngộ cách mạng qua phong trào đọc sách báo của Đảng, của Đoàn.

Dựa vào phong trào truyền bá Quốc ngữ, các nhóm Thanh niên Dân chủ hoạt động ở các địa bàn mở các đại lý bán sách báo của Đảng, của Đoàn; mở rộng hoạt động chống phát-xít, bảo vệ hòa bình thế giới. Chẳng hạn như ở Hải Lăng, nhóm Thanh niên Dân chủ đã lập được đại lý bán sách báo ở Diên Sanh, Hội Yên. Nhân những ngày "Kiệu nhà thờ La Vang", đoàn viên, thanh niên tổ chức bán sách báo, dùng "loa tay" tuyên truyền cho khách thập phương đến dự lễ hiểu rõ nạn phát-xít và chiến tranh, việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương chống bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai, đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân.. Các nhóm Thanh niên Dân chủ ở các tổng An Thái và Cu Hoan mở các cuộc lạc quyên ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống phát-xít Nhật... ở Triệu Phong, các nhóm Thanh niên Dân chủ mở các đại lý bán sách báo ở chợ Sãi, chợ Ngô Xá, chợ Cạn, chợ Chùa. ở Cam Lộ, các nhóm Thanh niên Dân chủ mở các đại lý bán sách báo ở thị trấn Đông Hà, chợ Phiên... ở thị xã Quảng Trị (lúc đó là tỉnh lỵ) cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên hoạt động trong nội thị đã vận động quần chúng lập các thư viện bình dân, lập các nhóm đọc sách báo và giới thiệu thơ văn cách mạng vào nhà trường, tổ chức đại lý sách báo ở chợ tỉnh...

Thấy rõ tác dụng của các tổ đọc sách báo là thúc đẩy mọi hoạt động của cuộc vận động dân chủ trong nhân dân, bọn thống trị đã tìm cách đàn áp, bắt những người tham gia các tổ đọc sách báo công khai của Đảng, của Đoàn. Trong tháng 3-1937, tên tri phủ Triệu Phong đã bắt giam Nguyễn Phú và 14 thanh niên khác trong tổ đọc sách báo ở chợ Sãi. Những người trong tổ đọc sách báo này đã bị chúng kết án từ 3 tháng đến 1 năm tù giam về tội hội họp trái phép. Nguyễn Phú đã tuyệt thực để đấu tranh chống lại bọn thống trị. Nhân sự việc đó, Đảng bộ Quảng Trị đã phát động nhân dân và tuổi trẻ đấu tranh đòi tri phủ Triệu Phong phải thả Nguyễn Phú và các thanh niên tham gia tổ đọc báo do Nguyễn Phú lập ra. Cuộc đấu tranh này đã có tiếng vang trên cả nước. Trong bài Một vụ đọc sách liên lụy nhiều người của báo Tiếng Dân (số ra ngày 25-3-1937) đã lên tiếng cực lực phản đối viên tri phủ Triệu Phong đã đàn áp Nguyễn Phú. Báo Kinh tế tân văn cũng có bài nói lên sự đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh của Nguyễn Phú... Hội nghị báo giới Trung kỳ họp tại Huế vào ngày 27-3-1937 đã đánh điện cho Toàn quyền Đông Dương lúc đó phản đối viên tri phủ Triệu Phong đã bắt Nguyễn Phú.

Đánh giá về phong trào tổ chức đọc sách báo của Đảng, của Đoàn, đồng chí Lê Duẩn lúc đó là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ (sau này là Tổng Bí thư của Đảng ta) đã nói: "ở Quảng Trị chỉ có mấy nghìn người tham gia biểu tình thôi, nhưng sau đó, biết ghép họ vào tổ chức, đưa họ vào các tổ đọc sách báo công khai là hình thức tổ chức đơn giản, thế mà nhờ đó giữ được lực lượng, duy trì được phong trào cách mạng".

Từ cuối năm 1936 đến đầu năm 1938, lớp thanh niên mới trưởng thành ngày thêm đông cùng với sự lớn mạnh của phong trào vận động dân chủ ở địa phương. Điều đó đã làm cho các cán bộ, đảng viên dày dạn kinh nghiệm ở tỉnh ta như Lê Duẩn, Hoàng Thị ái, Trần Hữu Dực, Hoàng Hữu Chấp, Trần Mạnh Quỳ, Hồ Xuân Lưu, Nguyễn Mực, Nguyễn Vức, Dương Đậu... lúc đó kỳ vọng nhiều ở lớp trẻ, khi thấy họ đi tiên phong trong các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hăng hái tham gia dạy người làng học chữ Quốc ngữ, đặc biệt là thấy họ tìm đến các cơ sở phát hành sách báo để đọc báo Đảng, báo Đoàn, tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin... Về mặt tổ chức: Các nhóm Thanh niên Dân chủ ở các địa bàn do các chi bộ Đảng ở cơ sở tổ chức, xây dựng có số lượng đông gấp bội so với thời kỳ trước (1931-1935), nhưng mãi đến 1938, các đảng viên chủ chốt của tỉnh vẫn còn băn khoăn là chưa triệu tập Hội nghị Huyện Đoàn, Tỉnh Đoàn.

Thực trạng công tác thanh niên ở Quảng Trị cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước, Trung ương Đảng lúc đó cũng thấy rõ, nên tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (3-1938), với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã phân tích tình hình thanh niên và sự phát triển của phong trào thanh niên trong cả nước một cách sâu sắc, từ đó đồng chí thấy rằng: "phải mau chóng xây dựng, thống nhất hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên theo đúng Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, qua bức thư mà Người đã gửi cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng"(1) trong năm 1931.

ý kiến đó của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã được triển khai ở Xứ ủy Bắc kỳ. "Ngày 5-5-1938, Xứ Đoàn Thanh niên Dân chủ Bắc kỳ được thành lập"(2). Còn ở Trung kỳ chưa kịp triển khai Hội nghị đại biểu thành lập xứ Đoàn vì từ cuối năm 1938 tình hình thế giới trở nên "đặc biệt nghiêm trọng do bọn phát-xít Đức, ý, Nhật châm ngòi lửa chiến tranh xâm lược để chia lại thị trường thế giới".(1) Tình hình đó đang trực tiếp đe dọa Việt Nam và cả Đông Dương.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh tiếp tục phát triển. Lần đầu tiên ngày Quốc tế Lao động 1-5 được tổ chức rầm rộ, công khai ngay giữa thị xã tỉnh lỵ. Đông đảo nhân dân và thanh niên dự mít-tinh đã hô vang các khẩu hiệu: Tự do nghiệp đoàn, ái hữu; triệt để thi hành luật lao động ngày làm 8 giờ, tăng tiền lương cho công nhân viên chức; giảm sưu thuế; chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ phong trào hòa bình thế giới. Báo Tin tức - cơ quan ngôn luận công khai của Đảng lúc đó đã viết: "Ngày 1-5 vừa qua đã cho ta thấy thanh niên là một tầng lớp trọng yếu trong xã hội..."

Tại nhà lao Quảng Trị và nhà đày Lao Bảo, trước chuyển biến lớn của tình hình thế giới và trong nước, nhưng thực dân Pháp vẫn ngoan cố trì hoãn việc trả lại tự do cho tù chính trị và anh chị em tù nhân vẫn bị chúng đối xử khắc nghiệt.

Tù nhân ở lao Quảng Trị cũng như ở nhà đày Lao Bảo hầu hết đều đang ở lứa tuổi thanh niên đã qua rèn luyện, thử thách nên họ có ý chí kiên cường, đấu tranh bất khuất với kẻ thù....

ở lao Quảng Trị, có lực lượng nòng cốt như Trần Công Khanh, Trần Công ái, Nguyễn Phú, Trần Xuân Miên, Nguyễn Hoàng... Anh em tù ở đây đã đấu tranh bằng hình thức reo hò, hô khẩu hiệu phản đối chế độ lao tù, vạch mặt bọn thầu nấu cơm đã bớt khẩu phần hàng ngày của hàng trăm tù nhân...

Phản ánh các cuộc đấu tranh của tù nhân ở nhà lao Quảng Trị, Báo Tin tức "Cơ quan tuyên truyền và vận động thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương”(1) đã có bài với tiêu đề “Tình cảnh tù chính trị ở lao Quảng Trị”.

Kết quả các cuộc đấu tranh đã buộc bọn thống trị phải nhượng bộ, phạt chủ thầu và tăng thêm gạo ăn hàng ngày của tù nhân.

ở nhà đày Lao Bảo, sau các cuộc đấu tranh nổ ra liên tiếp, quyết liệt trong năm 1936, bọn thực dân ở Trung kỳ thực hiện âm mưu chuyển 4 tù chính trị khác đi Buôn Ma Thuột, số tù nhân còn lại ở đây khoảng 200 người. Chế độ cùm, xiềng tuy đã bỏ nhưng nhà đày Lao Bảo lại được gia cố thêm ngay sau thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp, vì chúng sợ nhân cơ hội này, phạm nhân sẽ trốn thoát.

Căn cứ đặc điểm tình hình mới, Ban lãnh đạo Trung ương nhà đày chủ trương cho tù nhân: Đừng khiêu khích, đừng manh động, tìm cách thuyết phục binh lính canh gác nhà đày, cử đại biểu tù nhân đưa kiến nghị lên bọn thống trị với nội dung: "Thả hết và thả ngay tù chính trị; cải thiện chế độ nhà tù"(2).

Cuộc đấu tranh của tù nhân, tại nhà đày Lao Bảo đòi cải thiện chế độ lao tù liên tục nổ ra trong năm 1937 và 1938, mà điển hình là cuộc đấu tranh đòi thực hiện ngày làm việc 6 giờ, nghỉ ngày chủ nhật, chiều thứ bảy và ngày lễ diễn ra kéo dài 100 ngày.

Kết quả các cuộc đấu tranh đó đã buộc chính quyền thực dân Pháp phải trả tự do cho một số tù nhân bị án nhẹ đã mãn hạn tù hoặc ốm đau "thập tử nhất sinh"; đồng thời thực hiện chế độ ngày làm việc 6 giờ, hàng tuần có ngày nghỉ, nhiều tù chính trị được ân xá...

Thời gian từ giữa năm 1938 đến giữa năm 1939, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (3.1938), căn cứ vào đặc điểm tình hình địa phương, Tỉnh ủy Quảng Trị mở Hội nghị bàn các biện pháp thực hiện cuộc vận động "Phòng thủ Đông Dương". Hội nghị quyết định mở rộng và phát triển các đoàn thể nhân dân, trong đó có Đoàn Thanh niên Dân chủ; đẩy mạnh các cuộc đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải ban hành những quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân Đông Dương".

Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy, các nhóm đoàn viên, thanh niên Dân chủ ở các cơ sở trong tỉnh dã hăng hái tham gia, làm nòng cốt trong các cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra ở Triệu Phong trong các ngày 17-9-1938 (tại Tam Hữu), 12-10-1938 (tại Bồ Bản); ở Vĩnh Linh nổ ra ngày 17-10-1938; ở Cam Lộ nổ ra ngày 4-11-1938 (tại chợ Phiên), ở thị xã Quảng Trị ngày 1-5-1939; với nội dung khẩu hiệu nêu lên là: Phản đối cưỡng bức tăng thuế điền thổ! Ban hành các quyền tự do, dân chủ! ủng hộ cuộc phòng thủ Đông Dương! Nới rộng quyền hạn của Viện Dân biểu! Thả những người bị bắt trong lúc tham gia biểu tình, mít tinh vừa qua! Trả quyền tự do xuất bản cho báo Bạn hay báo Tiếng Dân, báo Tin tức! Mặt trận Dân chủ Đông Dương muôn năm...

Đúng như đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Trung kỳ lúc đó đã nhìn nhận: "Thanh niên là lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng của quần chúng", đóng vai trò nòng cốt trong cao trào cách mạng, góp phần đưa cuộc vận động dân chủ ở Quảng Trị từ cuối năm 1936 đến giữa năm 1939 phát triển mạnh mẽ, liên tục... Tuy hệ thống tổ chức từ huyện đến tỉnh Đoàn Thanh niên Dân chủ Quảng Trị chưa được thiết lập, còn nằm trong tình trạng chung của các tỉnh miền Trung là chưa được chăm lo, kiện toàn đúng mức, nhưng phải thấy rằng lực lượng đoàn viên, thanh niên Dân chủ phát triển trên nhiều địa bàn trong tỉnh đã có những cống hiến xứng đáng trong cao trào cách mạng 1936 - 1939, góp phần tạo ra lực lượng cách mạng mới cho cao trào cách mạng 1939 - 1945 ở địa phương Quảng Trị trong thời gian tới.



Каталог: Chuyende
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam huyện nam đÔng độc lập Tự do Hạnh phúc
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> ĐỀ CƯƠng ôn tập thi tốt nghiệp môn tiếng anh năm học 2012- 2013
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố ĐÀ NẴng độc lập Tự do Hạnh phúc
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
Chuyende -> Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013

tải về 1.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương