LỊch sử ĐOÀn thanh niên cộng sản hồ chí minh


II- GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC "CHIẾN TRANH CỤC BỘ", XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG (1965 - 1968)



tải về 1.58 Mb.
trang7/13
Chuyển đổi dữ liệu17.07.2016
Kích1.58 Mb.
#1784
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   13
II- GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC "CHIẾN TRANH CỤC BỘ", XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG (1965 - 1968)

  1. Củng cố và phát triển tổ chức Đoàn, Hội, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965-1968)

Bằng tiền bạc, vũ khí, trang bị hiện đại cùng với đội ngũ cố vấn lành nghề, dựa vào ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn và hệ thống ấp chiến lược để tiến hành cuộc "chiến tranh đặc biệt" chống nhân dân Việt Nam, đế quốc Mỹ hy vọng giành thắng lợi, áp đặt chế độ thực dân mới, lâu dài trên đất nước ta. Nhưng đến mùa hè năm 1965, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" đã thất bại.

Nước Mỹ sen đầm không dễ dàng chấp nhận thất bại, liền thay đổi chiến lược, tiến hành cuộc "Chiến tranh cục bộ", trực tiếp đưa quân viễn chinh Mỹ và các nước chư hầu vào chiến trường miền Nam tham chiến, dùng không quân, hải quân đánh phá dữ dội miền Bắc, hòng "đẩy lùi miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá". Đây là bước leo thang chiến tranh rất nghiêm trọng, đặt cả một dân tộc và chế độ xã hội mới do nhân dân Việt Nam lựa chọn trước thử thách hiểm nghèo.

Bằng kinh nghiệm và truyền thống của mấy nghìn năm đánh giặc, quân dân và tuổi trẻ Việt Nam dưới sự lãnh đạo đầy thao lược của Đảng và Bác Hồ, đã bình tĩnh, chấp nhận "cuộc đụng đầu lịch sử" một cách chủ động, kiên quyết...

Mục tiêu chủ yếu của chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ là đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 - 30 tháng (giữa năm 1965 đến 1967), với kế hoạch 3 giai đoạn: Giai đoạn một, phá kế hoạch mùa mưa của ta, chặn chiều hướng thua, bảo đảm triển khai nhanh lực lượng quân viễn chinh Mỹ; Giai đoạn hai, mở các cuộc phản công chiến lược tiêu diệt chủ lực ta và kiểm soát vùng nông thôn; Giai đoạn ba, hoàn thành việc tiêu diệt chủ lực của ta, tiếp tục bình định miền Nam, rút quân Mỹ về nước cuối năm 1967.


Biện pháp chủ yếu của chiến lược mới của Mỹ ở miền Nam là "tìm và diệt", sau đó là "tìm diệt và bình định", đồng thời dùng không quân và hải quân tăng cường đánh phá miền Bắc hòng ngăn cản sự chi viện từ Bắc vào Nam.

Trong giai đoạn này, giới cầm quyền Mỹ đã huy động lực lượng và tiền của đến mức cao nhất vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, một cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người.

Với việc thay đổi chiến lược chiến tranh như trên của đế quốc Mỹ, cách mạng và cuộc kháng chiến của quân dân và tuổi trẻ nước ta đứng trước một tình thế hiểm nghèo.
Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (3-1965) và nhất là lần thứ 12 (12-1965) đã phân tích toàn diện, sâu sắc chiến lược mới của Mỹ và khẳng định: "Mặc dầu đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn. Vì thế cách mạng và chiến tranh cách mạng "phải giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công".

ở Quảng Trị, dựa vào thế chiến lược có lợi đã được hình thành sau cuộc đồng khởi nông thôn đồng bằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân dân và tuổi trẻ ở các địa bàn kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, vận dụng phương châm 3 mũi giáp công, tính riêng từ ngày 8-2-1965 đến ngày 8-3-1965, đã tổ chức đánh địch 82 trận, diệt 7 vị trí xã, 1 lô cốt, phá sập 3 cầu dọc quốc lộ I, loại ra ngoài vòng chiến đấu 1.005 tên địch, thu 130 súng các loại...

Đầu tháng 3-1965, Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam tỉnh Quảng Trị mở Đại hội đại biểu tại Khe Chanh (xã Triệu Nguyên)(1), có 65 đại biểu dự. Đại hội vinh dự đón Đoàn đại biểu khu Đoàn Thanh niên Lao động khu vực Vĩnh Linh vào dự. Đại hội đã đánh giá hoạt động của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Quảng Trị trong 10 năm qua (1954 - 1964), đề ra phương hướng hoạt động của tuổi trẻ Quảng Trị trong thời gian tới là: Phát triển thắng lợi của đợt đồng khởi cuối 1964, đầu 1965, đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công, sống và chiến đấu như Nguyễn Văn Trỗi... Đại hội bầu Ban Chấp hành Đoàn gồm 15 ủy viên(2), Ban Chấp hành họp phiên đầu tiên đã cử đồng chí Lam Sơn làm Bí thư. Về sau, đồng chí Lam Sơn đi nhận công tác mới, Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Trần Phương Thạc làm Bí thư Tỉnh Đoàn.

Từ ngày 17 đến ngày 26-3-1965, Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam lần thứ nhất khai mạc tại khu căn cứ Tây Ninh. Sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa III), Đại hội thông qua Nghị quyết phát động trong thanh niên miền Nam phong trào "5 xung phong"(3).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam nói trên, Tỉnh Đoàn thanh niên giải phóng Quảng Trị mở Hội nghị vào mùa hè 1965. Về tình hình vừa qua, Hội nghị đánh giá: Hầu hết các vùng do ta làm chủ, tầng lớp thanh niên được phát động, lòng căm thù giặc Mỹ và tay sai của họ được nâng lên rõ rệt, khắc phục tư tưởng sợ địch, ngại ác liệt, ngại lâu dài, nâng cao thêm lòng tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nội bộ thanh niên đoàn kết, hăng hái tham gia du kích chiến tranh, bám địa bàn sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đóng góp sức người sức của vào cuộc kháng chiến ngày càng cao. Tất cả các thôn xã do ta làm chủ với nhiều mức độ khác nhau đều có đoàn viên, chi đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam và chi hội Thanh niên giải phóng... Sau khi nghiên cứu, quán triệt bản tuyên bố ngày 22-3-1965 của ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hội nghị thay mặt đoàn viên, thanh niên trong tỉnh gửi Quyết tâm thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó có đoạn: "...Chúng tôi gồm toàn thể cán bộ, đoàn viên và thanh niên coi lời Tuyên bố của ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một mệnh lệnh khẩn thiết đối với thanh niên, chúng tôi nguyện một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: Kiên quyết đánh đế quốc Mỹ và tay sai không tính năm tính tháng, khi nào thắng thì thôi, thực hiện lời thề còn giặc còn tòng quân giết giặc. Tất cả nam nữ đều là chiến sĩ giải phóng quân và du kích quân; ra sức xây dựng thôn, xã chiến đấu, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Thanh niên chúng tôi kiên quyết đi theo con đường cách mạng, đứng ở hàng đầu, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc Việt Nam". Về phương hướng hoạt động thời gian tới, Hội nghị đại biểu nhấn mạnh: Đảm bảo phục vụ đắc lực cho các hoạt động quân sự, chính trị, binh vận ở địa bàn đứng chân, qua đó giáo dục đoàn viên, thanh niên trong thực tế chiến đấu với giặc. Tỉnh Đoàn trực tiếp tổ chức Đội thanh niên xung phong với nhiệm vụ: "Vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ bộ đội chiến đấu; cáng tải và chăm sóc thương binh; đào hầm làm nhà, làm kho, làm đường giao thông; trực tiếp tham gia chiến đấu"...

Thực hiện chủ trương của Tỉnh Đoàn, Đội thanh niên xung phong của tỉnh được thành lập, gồm những thanh niên rút từ cơ sở lên, trong đó có một số ở vùng ruộng, một số ở vùng biển, có một số là học sinh, thợ thủ công, một số nữ thanh niên làm nghề buôn gánh, bán mẹt, một số ngụy binh yêu nước trở về với cách mạng, tự nguyện gia nhập thanh niên xung phong.

Khi mới thành lập, về nếp sống cũng như tình cảm mỗi người một nết... những ngày đầu đi làm nhiệm vụ gặp khó khăn gian khổ trong công tác, trong đời sống, tư tưởng của anh chị em trong Đội thanh niên xung phong không khỏi có những diễn biến phức tạp... nhưng sau một thời gian được Ban chỉ huy tổ chức học tập tình hình và nhiệm vụ, thấy rõ truyền thống: "Thanh niên xung phong - chiến đấu dũng cảm. Lao động sáng tạo - lập công xuất sắc"(1) và qua các đợt sinh hoạt chính trị quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Trị lần thứ VI (7-1965), phát động lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược, bồi dưỡng thêm lòng yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc, truyền thống chiến đấu vẻ vang của Đoàn, xác định được vai trò, nhiệm vụ của tuổi trẻ... thì mỗi đoàn viên, thanh niên trong Đội dần dần an tâm công tác và sẵn sàng: "Đâu cần thanh niên có! Chỗ nào khó có thanh niên!".

Tháng 5-1965, Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng lần thứ nhất đã tổng kết phong trào thi đua giết giặc lập công, tuyên dương 23 anh hùng, trong đó có nhiều gương mặt tuổi trẻ như: Tạ Thị Kiều, Kan Lịch... ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát động phong trào "Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ". Tiếp đến, phát động phong trào thi đua giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" và "Đơn vị anh hùng diệt Mỹ".


Hưởng ứng các phong trào thi đua do ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát động, đảng viên, đoàn viên, thanh niên trong bộ đội địa phương thi đua giết giặc lập công với "3 điểm cao". Tuổi trẻ khắp các địa bàn thi đua "Sống và chiến đấu như anh Nguyễn Văn Trỗi". Trên cơ sở đó, phong trào du kích chiến tranh ở Quảng Trị phát triển mạnh và đều khắp, lực lượng du kích toàn tỉnh từ con số 1.529 chiến sĩ (cuối 1964) tăng lên 3.130 chiến sĩ (đầu 1966), trong đó có 2.972 đoàn viên, thanh niên (95% tổng số du kích). Hoạt động du kích bằng nhiều hình thức phong phú. Chẳng hạn, tổ du kích của xã Cam Thanh (Cam Lộ) "Đánh mìn ở cồn Mã Đỏ phá tan một chiếc GMC, diệt 4 tên Mỹ, 7 tên ngụy binh"(1). "Chiến công của du kích Cam Lộ ở cồn Mã Đỏ mở màn cho phong trào du kích dùng mìn diệt xe Mỹ trên chiến trường Quảng Trị"(2). Du kích xã Gio Hải (Gio Linh) suốt một ngày quần nhau với địch, đánh bật nhiều đợt phản kích của 2 tiểu đoàn địch (một tiểu đoàn cộng hòa, một tiểu đoàn bảo an), diệt 60 tên, làm bị thương 21 tên, bắt sống 9 tên. Đặc biệt có 6 đoàn viên, thanh niên xã Triệu ái (Triệu Phong) đã tập kích một đại đội bảo an đóng dã ngoại trên bãi cát ái Tử (sát quốc lộ I). Đại đội bảo an bị đánh bất ngờ bỏ chạy tán loạn, ta thu 1 trung liên, 1 Garang, 1 cácbin. ở xã Hải Thượng cũng có 4 du kích do đoàn viên Lê Phước Sáng chỉ huy, đánh tan một trung đội địch, bắt tù binh, thu được súng... Bộ đội địa phương tỉnh cũng liên tiếp lập công. Đêm 20-10-1965, đảng viên, đoàn viên, thanh niên trong đội 10 đặc công và K8 đánh vị trí Tân Lệ, diệt gọn hai tiểu đoàn địch, bắt sống tên đại úy tiểu đoàn trưởng.

Phát huy thắng lợi Tân Lệ, quân dân và thanh niên tỉnh Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh. Đoàn viên, thanh niên đi đầu trong phong trào xây dựng làng chiến đấu. Hàng vạn đoàn viên, thanh niên, hội viên thanh niên giải phóng được sự hướng dẫn động viên của các chi đoàn, chi hội đã cùng với các tầng lớp khác nêu cao quyết tâm bảo vệ vùng giải phóng. Tính riêng 4 huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng có 74 thôn xây dựng "Làng chiến đấu". Đã rào 73.825m hàng rào bằng dây thép gai, đã đào 46.980m giao thông hào, 8.998 hầm cá nhân chiến đấu, 17.820 hầm chống phi pháo, 510 hầm chống tăng, 1.493 hầm chông, đơm 198.982 cây chông, làm 325 ụ chướng ngại. Nữ thanh niên cùng các chị, các mẹ đấu tranh chính trị trực diện với địch 1481 cuộc (1965), có 133.427 lượt người tham gia, buộc địch phải nhượng bộ và bồi thường 777.870 đồng (tiền miền Nam), 7.562kg gạo, thả 220 thanh niên đã bị chúng bắt, buộc chúng phải đưa 30 người bị thương (do bom đạn của Mỹ) đến bệnh viện cứu chữa...


Sau khi tiếp thu Nghị quyết Trung ương 12, căn cứ tình hình địa phương, Tỉnh ủy Quảng Trị mở Hội nghị bất thường (1-1966) chủ trương đưa phong trào đồng bằng lên theo phương châm "Hai chân", "Ba mũi giáp công" nhằm giải phóng toàn bộ nông thôn, đẩy mạnh phong trào đô thị.

Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Tỉnh Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng tỉnh Quảng Trị họp từ ngày 1 đến ngày 04-02-1966. Về tình hình trong thời gian qua, Hội nghị đánh giá: Lực lượng thanh niên thực sự là lực lượng đóng vai trò đầu tàu trong phong trào đấu tranh của nhân dân, nổi bật là thành tích chiến đấu, phục vụ tiền tuyến. ở nông thôn, nữ thanh niên đã đi đầu trong các cuộc đấu tranh chính trị, lao động sản xuất. ở thị xã, thị trấn thanh niên học sinh, thanh niên làm trong các công sở của Mỹ - ngụy, tích cực đấu tranh chống độc tài, đòi dân sinh, dân chủ.

Tuy vậy, phong trào thanh niên trong tỉnh vừa qua tiến không đều giữa các vùng và không liên tục. Do đó, chưa phát huy hết khả năng của tuổi trẻ...

Sau khi kiểm điểm phong trào, nghiên cứu các Chỉ thị của Trung ương Hội và khu Hội, Ban Chấp hành Tỉnh Hội quyết định phát động phong trào đăng ký tình nguyện "5 xung phong" trong thanh niên với nội dung: Xung phong giết giặc; xung phong tòng quân; xung phong phục vụ tiền tuyến; xung phong đấu tranh chính trị và binh vận; xung phong lao động sản xuất nhằm động viên sức lực tuổi trẻ của toàn tỉnh đóng góp đắc lực vào cuộc đấu tranh của nhân dân, vào yêu cầu đòi hỏi to lớn của sự nghiệp cách mạng.

Cũng tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Tỉnh Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng Quảng Trị xét khen thưởng các chi hội đã có thành tích trong thời gian qua như: Chi hội thanh niên xã Hải Phú, chi hội thanh niên xã Triệu ái, chi hội thanh niên xã Hải Thượng, chi hội thanh niên xã Hải Lâm, chi hội thanh niên xã Cam Chính, chi hội thanh niên xã Gio Hà, chi hội thanh niên xã Gio Mỹ, chi hội thanh niên xã Triệu Thượng, Chi hội thanh niên xã Gio An, chi hội thanh niên K8 (tiểu đoàn 8), chi hội thanh niên đội 10 đặc công, chi hội thanh niên quân y, chi hội thanh niên dân y.

Ngày 11-02-1966, Đại hội chiến sĩ thi đua giết giặc của các lực lượng vũ trang và bán vũ trang toàn tỉnh khai mạc. Qua các bản báo cáo thành tích của các cá nhân, đơn vị trình bày trước Đại hội, Đại hội đã bầu được 14 chiến sĩ thi đua của tỉnh, trong đó có một số đoàn viên, thanh niên như: Võ Thị Hồng (Triệu Phong) khi bị địch bắt, bị tra tấn, chị không khai báo. Địch dùng đủ mọi thủ đoạn vừa tra tấn, vừa dụ dỗ, mua chuộc, chị vẫn không xiêu lòng. Thừa cơ lúc địch sơ hở, chị cướp vũ khí của địch, giết gần hết trung đội giặc, an toàn trở về đơn vị tiếp tục công tác; Lê Thị Hòa (Hải Lăng) luôn luôn dẫn một trung đội du kích đi quấy rối đồn bốt địch, bám sát quốc lộ số 1 đánh xe địch...; Hồ Xèng, một thanh niên dân tộc Vân Kiều có nhiều mưu trí trong việc tổ chức các trận chống càn, bảo vệ bản làng, nương rẫy, đánh địch trên quốc lộ số 9, có lần Hồ Xèng đã anh dũng giải vây cho đồng đội; y sĩ quân y Đỗ Quyết luôn xông xáo dưới làn mưa đạn của giặc giữa trận địa, kịp thời cứu chữa thương binh, có khi tự rút máu của mình để cứu đồng đội...(1)

Đại hội chiến sĩ thi đua giết giặc đã phát động phong trào thực hiện tốt "3 điểm cao" trong quân dân và thanh niên với nội dung: Ra sức tác chiến tiêu hao, tiêu diệt địch; tích cực xây dựng thôn, xã chiến đấu, chống càn thắng lợi; thi đua bắn máy bay, bắn trúng, bắn rơi".
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị bất thường của Tỉnh ủy (01-1966), hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội chiến sĩ thi đua giết giặc và phong trào đăng ký tình nguyện "5 xung phong" của Tỉnh Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng Quảng Trị phát động, khắp các xã trong tỉnh đều tổ chức học tập tình hình, nhiệm vụ mới và đăng ký tình nguyện "5 xung phong". Đợt đầu (tính đến giữa năm 1966), một số vùng đạt kết quả cao như vùng An Khê (Hải Lăng) có 70% thanh niên trong xã đăng ký tình nguyện "5 xung phong", 20 thanh niên tòng quân, 40 thanh niên gia nhập Đội thanh niên xung phong tỉnh; vùng Vân Lăng (Triệu Phong) có 85% thanh niên trong xã đăng ký tình nguyện "5 xung phong", 150 thanh niên gia nhập Đội thanh niên xung phong tỉnh; vùng Cùa (Cam Lộ) có 89% thanh niên (xã Cam Chính) đăng ký tình nguyện "5 xung phong"...

Về hoạt động quân sự, đầu năm 1966 có sự hỗ trợ đắc lực của Trung đoàn 6 - Trung đoàn chủ lực đầu tiên của chiến trường Trị - Thiên, quân dân và thanh niên Quảng Trị mở đợt hoạt động phối hợp với toàn miền, quyết tâm đánh bại cuộc "Phản công chiến lược thứ nhất" (mùa khô 1965 - 1966) của Mỹ - ngụy, các lực lượng vũ trang và bán vũ trang đã tổ chức đánh địch khắp nơi. Trong đó có trận Đội 10 đặc công tỉnh diệt gọn chi khu quân sự Triệu Phong, nằm sát thị xã Quảng Trị (tỉnh lỵ) vào đêm 20-02-1966, gây chấn động hàng ngũ địch...

Kết quả đợt hoạt động quân sự đầu năm 1966, ta đã đánh trúng vào lực lượng "Bình định" của địch, đập tan kế hoạch "Lam Sơn 205" của Mỹ - ngụy do tên tướng Nguyễn Chánh Thi chỉ huy. ở khu vực Nam giới tuyến, ta đánh một đại đội cảnh sát địch ở Giang Phao, diệt 31 tên, bắt sống 15 tên. Thắng lợi của ta ở Giang Phao làm cho bọn địch ở đồn Hải Cụ hoảng sợ, rút chạy về quận Trung Lương. Nhân cơ hội đó, thanh niên và các tầng lớp khác ở các thôn Giang Phao, Hải Cụ, An Xuân... nổi dậy phá ấp chiến lược, san bằng đồn bốt, dựng cổng chào, treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tiếp đó, bọn địch ở đồn Kinh Môn tháo chạy. Thừa cơ hội đó, thanh niên cùng với các tầng lớp khác ở các thôn Trung An, Phú Phụng, Tân Du... (xã Gio Sơn) nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ, thành lập chính quyền cách mạng tự quản"(1).

Thắng lợi ở Quảng Trị đầu năm 1966 góp phần làm cho mâu thuẫn trong nội bộ ngụy quyền Sài Gòn, giữa Mỹ và ngụy ngày càng gay gắt dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị. Ngày 10-03-1966, Hội đồng Quân sự do Thiệu - Kỳ cầm đầu cách chức Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh quân đoàn I ngụy. Lợi dụng cơ hội này, chỉ 24 giờ sau khi Thi bị cách chức, sĩ quan, binh lính ngụy thuộc phe cánh Thi ở Huế và thị xã Quảng Trị tuyên bố ly khai chính quyền Sài Gòn. Chớp thời cơ ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Đoàn, đông đảo thanh niên và các tầng lớp khác ở thị xã (trong đó có các gia đình của sĩ quan, binh lính thuộc phe cánh với Thi) xuống đường biểu tình phản đối Thiệu - Kỳ, đồng thời phối hợp, giúp đỡ nhân dân các huyện Hải Lăng, Triệu Phong kéo đến dinh Tỉnh trưởng trực tiếp đấu tranh, đòi bồi thường thiệt hại do phi pháo Mỹ - ngụy gây tổn thất mất mát cho các gia đình nhân dân ở Triệu Thượng, Hải Phú, Hải Lâm, Hải Trường, Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Tân...


Từ ngày 30-3 đến ngày 7-4-1966, ở thị xã Quảng Trị liên tiếp nổ ra các cuộc đấu tranh do tuổi trẻ ở các trường học và trong tầng lớp lao động dịch vụ làm nòng cốt. Sáng 30-3, trên 12 ngàn người họp mít tinh tại bến xe. Đến 12 giờ trưa, những người dự mít tinh biểu tình tuần hành qua các đường phố. Tham gia tuần hành có cả xe hàng, xích lô, ba gác, môtô. Đoàn người biểu tình tuần hành giương cao các khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc Mỹ", "Đả đảo Thiệu - Kỳ tham quyền cố vị", "Phải giải quyết nạn đắt đỏ". Tất cả thị xã Quảng Trị hưởng ứng: Bãi thị, đình công, bãi khóa. Thanh niên học sinh mở nhiều cuộc hội thảo lên án Thiệu - Kỳ và đế quốc Mỹ. "Ngày 3-4-1966, một cuộc mít tinh nổ ra tại "chùa quân đội La Vang", thu hút trên hai vạn người gồm thanh niên, học sinh, sinh viên, binh lính và sĩ quan trung đoàn I, trung đoàn II (của sư đoàn I ngụy)... tham dự. Những người đại diện lên phát biểu ở cuộc mít tinh đều vạch tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược, giết hại nhân dân vô tội, phá chùa của đồng bào Phật tử, lên án tội ác Thiệu - Kỳ, tay sai đắc lực của đế quốc Mỹ. Số người dự mít tinh đã rước ảnh "Quách Thị Trang"(1) kéo biểu tình vào thị xã Quảng Trị, vừa đi vừa hô các khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc Mỹ", "Đả đảo Thiệu - Kỳ"... Ngày 7-4, một cuộc biểu tình với trên 2 vạn người gồm thanh niên và các tầng lớp khác ở nông thôn kéo vào phối hợp đấu tranh với đồng bào thị xã, họ mang theo vũ khí tự tạo như gậy gộc, giáo mác biểu thị khí thế sẵn sàng chống lại bọn tay sai của Thiệu - Kỳ (khi bọn này đàn áp cuộc biểu tình), đòi giải quyết các yêu sách dân sinh, dân chủ, đòi Mỹ không được can thiệp vào nội bộ của người Việt Nam, đòi Mỹ cút về nước...

Trong đợt đấu tranh kéo dài nhiều ngày này, nhiều thanh niên, học sinh học ở trường Nguyễn Hoàng... đã về vùng nông thôn lân cận thị xã, vận động, kêu gọi nông dân đứng lên đấu tranh đòi lật đổ Thiệu - Kỳ, trừng trị một số tên ác ôn tay sai của Thiệu - Kỳ.


Có lúc lực lượng đấu tranh ở thị xã đã chiếm Đài truyền thanh Quảng Trị và dùng đài lên tiếng vạch trần bộ mặt bán nước, hại dân của bè lũ Thiệu - Kỳ, tố cáo hành động xâm lược của giặc Mỹ.(1)

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, lực lượng thanh niên cùng các tầng lớp nhân dân đã tận dụng hết thời gian, phương tiện dụng cụ, sức kéo để gieo cấy kịp thời vụ, thu hoạch cất giấu, đóng góp giải quyết hậu cần tại chỗ cho lực lượng bộ đội, cán bộ đứng chân hoạt động. ở Hướng Hóa, bị Mỹ - ngụy dội bom, rải chất độc hóa học hết đợt này đến đợt khác, trong năm 1965 và nửa năm 1966, thanh niên và nông dân các dân tộc Vân Kiều, Pacô vẫn bám núi đồi nương rẫy trỉa được 33.882 thùng lúa giống, 92.397 lon bắp giống, trồng 5.438.397 bụi sắn, 1.629.792 bụi khoai lang...

Về giáo dục, riêng ở đồng bằng trong khó khăn thường xuyên bị địch đánh phá, càn quét, vẫn mở 105 lớp vỡ lòng và cấp 1, có 1.944 thiếu niên, nhi đồng... học. Đoàn viên, thanh niên đã mở 79 lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa có 1.586 cán bộ thôn, xã và thanh niên học.
Về y tế, đội ngũ y tá vừa mới đào tạo đều đang ở lứa tuổi thanh niên, rất nhiệt tình với nghề nghiệp cùng với các y sĩ, bác sĩ bám địa bàn điều trị bệnh tật, cứu chữa những người bị thương vì bom đạn, tiêm phòng cho 14.950 người (riêng năm 1965), dập tắt các vụ dịch cúm, lỵ...
Về phía địch, bị thất bại nặng nề và gặp những khó khăn to lớn về hậu cần, về tăng viện, về chính trị, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải tạm ngừng các cuộc càn với quy mô lớn trên toàn miền Nam và kết thúc cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất vào tháng 4-1966, sớm hơn kế hoạch của chúng vạch ra hai tháng.

Về phía ta, kết thúc mùa khô 1965 - 1966, quân dân và thanh niên Quảng Trị không những bảo vệ được khu căn cứ rộng lớn ở miền núi, bảo vệ được hành lang chiến lược Bắc - Nam ngang qua địa bàn tỉnh, giữ vững được vùng giáp ranh mà còn giành lại toàn bộ số vùng ở đồng bằng đã bị địch đánh chiếm trong Thu - Đông 1965. Đi đôi với xây dựng, kiện toàn các Ban cán sự thôn, ủy ban Mặt trận xã... Việc củng cố, phát triển các đoàn thể nhân dân được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 118 chi đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng với trên hai ngàn đoàn viên, các xã do ta làm chủ đều có tổ chức chi hội thanh niên giải phóng, các huyện đồng bằng có trên một vạn hội viên thanh niên, chưa kể hàng ngàn đoàn viên, thanh niên được rút ra từ cuộc đồng khởi (cuối 1964) đến nay để bổ sung vào lực lượng bộ đội giải phóng quân khu, bộ đội địa phương của tỉnh, tiểu đoàn thanh niên xung phong của tỉnh, việc xây dựng làng, xã chiến đấu do lực lượng thanh niên làm nòng cốt được Cấp ủy Đảng, ủy ban Mặt trận các cấp coi trọng lãnh đạo và chỉ đạo. Đoàn viên, thanh niên đã vận động các tầng lớp khác ở cơ sở tích cực đào hầm trú ẩn, đào công sự, đào giao thông hào, xây dựng mạng lưới giao thông liên lạc giữa các thôn, giữa các xã, tổ chức các trạm gác. Lực lượng đảng viên, đoàn viên, thanh niên du kích bố trí trận địa chông, mìn, lựu đạn đạp... Sẵn sàng chống địch càn quét, tập kích. Hưởng ứng phong trào "Góp gạo nuôi quân" do Tỉnh ủy chủ trương, đoàn viên, thanh niên là lực lượng đi đầu trong việc tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là đối với các vùng tạm bị chiếm. Kết quả, số lượng lương thực thu được trong Xuân - Hè 1966 không những đủ cung cấp cho các đơn vị bộ đội, cán bộ đứng chân hoạt động ở đồng bằng mà còn đưa lên dự trữ ở vùng căn cứ với khối lượng lớn...


Tháng 4-1966, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra quyết định tách hai tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên ra khỏi khu V, thành lập khu Trị Thiên - Huế. Tháng 6-1966, Quân ủy Trung ương quyết định lập Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị, nhằm thu hút và giam chân một lực lượng lớn lính thủy đánh bộ Mỹ vốn quen tác chiến ở vùng ven biển lên chiến trường miền núi bất lợi với chúng. Mặt trận đường 9 xuất hiện đã phá vỡ ý định của Mỹ đưa quân viễn chinh vào Đồng bằng sông Cửu Long và làm phá sản kế hoạch của Mỹ đánh ra miền Nam khu IV.
Để phối hợp với bộ đội chủ lực đang triển khai thế trận đánh địch ở Mặt trận đường số 9 - Bắc Quảng Trị, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị họp quyết định: Phải liên tục tiến công địch, tiêu diệt dân vệ, bảo an; kiên quyết diệt ác ôn, tề điệp, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm và bình định có trọng điểm của địch, để mở rộng vùng giải phóng, nâng cao thế làm chủ của nhân dân, sẵn sàng đánh bại cuộc phản công chiến lược sắp tớicủa địch.
Trước tình hình đế quốc Mỹ dùng lực lượng một triệu hai mươi vạn quân (60 vạn quân Mỹ) mở cuộc phản công chiến lược thứ hai (mùa khô 1966 - 1967) ở miền Nam và tăng cường chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, kể cả Thủ đô Hà Nội bằng không quân và hải quân. Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Lời kêu gọi có đoạn: "Giôn Xơn và bè lũ phải biết rằng: Chúng có thể đưa 50 vạn quân, một triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!".

Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân và thanh niên Quảng Trị khẩn trương xốc tới, liên tục tiêu diệt sinh lực địch, diệt cả Mỹ lẫn ngụy, phát triển mạnh mẽ và rộng rãi du kích chiến tranh. Tranh thủ thời cơ tấn công đập tan ách kìm kẹp của địch, khởi nghĩa giải phóng nông thôn đồng bằng, đẩy mạnh cao trào đấu tranh chính trị và binh vận. Đồng thời ra sức nhanh chóng củng cố vùng giải phóng về mọi mặt, tăng gia sản xuất, hăng hái đóng góp sức người sức của cho kháng chiến.


Bước vào mùa khô 1966 - 1967, Quảng Trị phải đương đầu với lực lượng Mỹ - ngụy rất đông, chúng đóng chốt dày đặc ở 22 căn cứ và 64 đồn bốt, được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại... Song so với mùa khô 1965 - 1966, quân dân và thanh niên tỉnh ta có nhiều thuận lợi hơn địch về thế và lực. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã chủ trương vận động toàn thể đoàn viên, thanh niên cùng với các tầng lớp khác ở địa phương tập trung mũi nhọn vào đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước, cô lập bọn ác ôn, trung lập số lưng chừng, khơi dậy tinh thần dân tộc chống đế quốc Mỹ xâm lược.

ở Mặt trận đường số 9 - Bắc Quảng Trị, sau trận tập kích tiêu diệt tiểu đoàn 2 ngụy ở căn cứ Dốc Miếu của các chiến sĩ trẻ đội 10 đặc công, bộ đội chủ lực ta tiêu diệt gọn vị trí Đầu Mầu - một vị trí quan trọng của Mỹ - ngụy. Tuyến ngăn chặn địa đầu phía Bắc của Mỹ - ngụy bị uy hiếp. Trước tình hình đó, Mỹ - ngụy tăng thêm quân cho chiến trường Trị - Thiên, đưa tổng số quân Mỹ và quân Ngụy lên 41.900 tên (có 16.750 tên Mỹ) đúng với dự đoán của ta. Thừa thắng, quân dân và thanh niên ở đường số 9, Bắc Quảng Trị phối hợp với bộ đội chủ lực đánh phủ đầu quân Mỹ, khi quân Mỹ vừa đặt chân đến địa bàn Cam Lộ, Gio Linh... Đặc biệt ta đã đập tan hai cuộc hành quân lớn của Mỹ - ngụy mang tên "Hátxtinh" vào Cam Lộ (từ 15-7 đến 28-7-1966); mang tên "Pô-rê-ri" vào Tây Gio (từ 15-9 đến 18-9-1966) với lực lượng đông tới 7-8 tiểu đoàn quân Mỹ...

ở mặt trận Triệu - Hải, bộ đội địa phương phối hợp với thanh niên du kích liên tục tổ chức chống càn, đánh địch, đặc biệt tập kích vị trí Tân Lệ, diệt 112 tên, bắt sống 4 tên vào đêm 15-10-1966.
ở Hướng Hóa, căm phẫn trước những hành động điên cuồng, dã man của đế quốc Mỹ đã ném bom, rải chất độc hóa học hủy diệt cây cối với diện rộng trên 1.500km2, từ Khe Bắp, Ba Lê, Ba Hy đến A Cho, A Ven, dọc trục hành lang chiến lược của cả nước và của tỉnh, hủy diệt sự sống của con người (hơn hai ngàn người chết vì chất độc hoá học màu da cam của Mỹ) quân dân và thanh niên Hướng Hóa trong Hè - Thu - Đông năm 1966 đã bắn rơi 9 máy bay các loại của giặc Mỹ, trong đó có các chiến công đặc biệt như thanh niên du kích xã A Túc bắn rơi 1 chiếc L19, các chiến sĩ trẻ trong lực lượng bộ đội địa phương huyện dùng súng trường bắn rơi 1 chiếc máy bay Mỹ đang rải chất độc hóa học, 5 tên giặc Mỹ trên máy bay bị chết cháy, ta thu một đại liên 12ly7, 1 côn đu, 2 máy bộ đàm. Bộ đội địa phương huyện phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch ở căn cứ làng Vây, bộ đội địa phương phối hợp với thanh niên du kích đánh địch ở đồn A Chùm, ở vị trí Tà Nùa diệt nhiều tên địch.
Phối hợp với mũi đấu tranh quân sự, đông đảo thanh niên học sinh học ở các trường công, trường tư cùng với các tầng lớp khác ở thị xã Quảng Trị mở cuộc đấu tranh kéo dài nhiều ngày chống Mỹ - Thiệu - Kỳ. Không khí đấu tranh diễn ra hừng hực khí thế cách mạng, chợ không đông, trường học đóng cửa... Các cuộc mít tinh, biểu tình, hội thảo của tuổi trẻ thị xã nổ ra liên tiếp...

Nữ thanh niên cùng với các chị, các mẹ ở nhiều nơi thuộc huyện Hải Lăng tổ chức nhập thị, đấu tranh đòi địch không được ném bom, bắn pháo, đánh phá tàn sát đồng bào vùng biển. Thanh niên ngư dân trên sông Hiếu (Cam Lộ) đấu tranh đòi lính Mỹ phải bồi thường 12 tay lưới do tàu Mỹ làm hỏng. Thanh niên cùng với các tầng lớp khác ở các thôn Đông Hà, Tây Trì đấu tranh chống Mỹ - ngụy bắt dồn dân, cướp đất để xây dựng căn cứ quân sự...


Cùng trong thời gian này, nhân lúc đoàn Cords ở thị xã Quảng Trị mở lớp chọn thông dịch viên của đơn vị tình báo Mỹ, Thị ủy thị xã Quảng Trị bố trí đoàn viên, thanh niên Phan Văn Thịnh(1) nguyên là một cơ sở của ta hoạt động ở nội thị, nộp đơn thi và kết quả anh Thịnh đã trúng tuyển. Với công việc thông dịch viên chính thức của bọn cố vấn Mỹ R.D.C, anh Thịnh đã tiếp cận được hệ thống tình báo do Mỹ lập ra như "Hoạch vụ của Công an", "Dân y vụ", "xây dựng nông thôn", "An ninh quân đội Mỹ", "Trung tâm phỏng vấn B.I.C" để khai thác tin tức của chúng, kịp thời cung cấp cho ta biết về kế hoạch đánh phá vùng giải phóng, khu căn cứ cách mạng, về tình hình lực lượng binh lính Mỹ, lực lượng ngụy quân ở căn cứ La Vang, sân bay ái Tử....

Để phối hợp và giúp đỡ anh Thịnh, Thị ủy bố trí nữ thanh niên Lê Thị Yến, nguyên là cán bộ cơ sở hợp pháp của ta, mở quán may ở ngã ba Long Hưng. Hàng ngày, chị Yến thu thập tin tức ở anh Thịnh, biết được kế hoạch hành quân của Mỹ - ngụy trên các hướng, để ta xây dựng mô hình hoạt động gây rối loạn hàng ngũ địch bằng các hình thức rải truyền đơn, binh vận, đặt chất nổ giúp ta lên kế hoạch đối phó, tránh những hy sinh không cần thiết.


Tháng 01-1967, sau khi quán triệt Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Khu ủy Trị - Thiên - Huế họp, quyết định: Phương hướng tiến công chính lúc này là đồng bằng, vùng đông dân nhiều của, đường giao thông - hậu cứ của địch, thị xã, thị trấn. Phương châm tác chiến là: “Thọc sâu, diệt gọn, trụ lại, bung ra”.

Thực hiện quyết định của Khu ủy, được hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trực tiếp là khu vực Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Bình đã huy động hàng vạn dân công, thanh niên xung phong vận chuyển vũ khí, đưa lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh chi viện, mặt trận Trị - Thiên đã liên tiếp lập công. Quân dân và thanh niên ở Mặt trận đường số 9 - Bắc Quảng Trị cũng như ở Triệu Hải, Quảng Hà, đâu đâu cũng dấy lên phong trào: Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt", "Bám thắt lưng Mỹ mà đánh", "Căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà đánh". Nổi bật trong mùa khô này là đêm mồng 5-4 rạng ngày 6-4-1967, Đội 10 đặc công cùng với một bộ phận của tiểu đoàn 14 bộ đội địa phương tỉnh đồng loạt tiến công địch ở La Vang, thị xã Quảng Trị. "Bằng lối đánh bất ngờ, táo bạo và dũng mãnh, các chiến sĩ đặc công trẻ, tiêu biểu là Phan Thanh Chung, Nguyễn Chí Phi đã nhanh chóng đánh sập nhiều lô cốt, chiếm các mục tiêu, phá hủy nhiều xe cơ giới, pháo lớn, máy bay L19, đốt các kho xăng, loại bỏ khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch(1). Cũng trong đêm, một bộ phận của Đội 10 cùng với một bộ phận khác của Tiểu đoàn 14 có sự tham gia của các chiến sĩ trinh sát vũ trang (của thị xã) đã tiến công vào tỉnh lỵ (của Mỹ - ngụy). Được cơ sở nội tuyến Phan Văn Thịnh cung cấp tình hình cụ thể, các chiến sĩ đội 10 đánh thẳng vào đoàn cố vấn Cords...; các chiến sĩ tiểu đoàn 14 diệt một số tên cảnh sát gác nhà lao, giải phóng 260 đảng viên, đoàn viên, thanh niên bị giặc bắt cầm tù tại nhà lao; đồng thời tiếp nhận 26 thanh niên, con em của nhân dân thị xã tự nguyện thoát ly gia đình tham gia kháng chiến.


Trận đánh của quân dân và thanh niên ta đã tiêu diệt hoàn toàn hậu cứ La Vang (hậu cứ Sư đoàn I ngụy, có đầy đủ phương tiện chiến tranh, kho tàng, là một cứ điểm kiên cố bậc nhất của ngụy quân ở địa bàn Quảng Trị) và thị xã Quảng Trị (nơi trung tâm đầu não ngụy quyền tỉnh) trong cùng một đêm. Thất bại đó đã làm cho cả hệ thống ngụy quyền, ngụy quân từ thôn xã, tỉnh lỵ Quảng Trị lung lay, gây rối loạn trong hậu phương chúng, mở ra triển vọng và khả năng to lớn cho phong trào cách mạng Quảng Trị. Không khí kháng chiến của quân dân và thanh niên Quảng Trị nhất là ở thị xã trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các ngày 7 và 8 tháng 4 năm 1967, khoảng 6.000 thanh niên, học sinh cùng các tầng lớp khác ở thị xã xuống đường biểu tình kéo đến dinh Tỉnh trưởng đòi xác người thân bị chết trận, đòi cứu chữa cho những người bị thương, đòi Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam...
Trước sức mạnh của phong trào cách mạng, địch buộc phải co cụm, vùng giải phóng được mở rộng thêm 145 thôn. Việc quan hệ giữa đô thị và nông thôn thuận lợi hơn trước. Tuổi trẻ cũng như các tầng lớp khác ở Quảng Trị phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất, nô nức "Góp gạo nuôi quân", đóng "Đảm phụ giải phóng". Riêng lúa, nhân dân vùng đồng bằng đã đóng góp 2.550 tấn. Thanh niên hăng hái tòng quân, lực lượng bộ đội địa phương tỉnh phát triển lên 2 tiểu đoàn và 3 đại đội độc lập, mỗi huyện có một đại đội bộ đội địa phương, toàn tỉnh có trên 5.000 du kích được huấn luyện và trang bị đầy đủ vũ khí.

Để đối phó với nguy cơ thất bại trên các chiến trường và triển khai ngăn chặn hành lang Bắc - Nam có hiệu lực hơn, từ ngày 17-5 đến ngày 19-5-1967, Mỹ - ngụy đã huy động 21 tiểu đoàn chủ lực phần lớn là quân Mỹ, 20 tàu chiến, 300 xe bọc thép, hơn 100 máy bay các loại cùng với pháo ở hạm đội 7 yểm trợ mở cuộc càn lớn vào 3 xã: Trung Sơn, Trung Hải, Trung Giang, nhằm dồn hơn 12.000 dân của 3 xã này vào khu tập trung Tân Cường (Cam Lộ), tạo ra vành đai trắng ở khu phi quân sự Nam sông Bến Hải, nơi đế quốc Mỹ tiến hành xây dựng "Hàng rào điện tử Macnamara"... Đồng thời chúng tập trung lực lượng không quân, pháo binh đánh phá khu vực Vĩnh Linh rất ác liệt, cố cắt đứt mối quan hệ giữa đôi bờ sông Bến Hải, ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của của miền Bắc vào miền Nam....


Tháng 6-1967, sau khi soát xét lại tình hình, đặc điểm của chiến trường Trị Thiên, Trung ương Đảng chủ trương giải thể Tỉnh ủy Quảng Trị và Tỉnh ủy Thừa Thiên, thành lập các ban cán sự (hoặc Đảng ủy) ở các mặt trận trực thuộc Khu ủy Trị - Thiên - Huế.
Thực hiện chủ trương đó, tỉnh Quảng Trị được chia thành 3 mặt trận: Mặt trận Bắc Quảng Trị (thường gọi là Mặt trận Gio - Cam), gồm các huyện Cam Lộ, Gio Linh; Mặt trận Nam Quảng Trị (thường gọi là Mặt trận 7) gồm các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Hà; Mặt trận miền Tây bao gồm miền núi Quảng Trị và miền núi Thừa Thiên.
Theo sự chỉ đạo của Khu ủy Trị - Thiên - Huế, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam tỉnh Quảng Trị giải thể, đồng chí Trần Phương Thạc (Bí thư Tỉnh Đoàn) và một số ủy viên Ban Chấp hành, cán bộ của cơ quan Tỉnh Đoàn được điều lên tham gia thành lập Ban dân vận của Khu ủy, một số cán bộ khác của Tỉnh Đoàn được bổ sung về bám trụ hoạt động ở các mặt trận: Gio Cam, miền Tây, Mặt trận 7.
Chi đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng, chi hội thanh niên giải phóng ở cơ sở dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Khu ủy Trị - Thiên - Huế. (5-1967), nhằm làm cho mọi đoàn viên, thanh niên cùng với cán bộ đảng viên tập trung xây dựng thực lực cách mạng, phát triển cơ sở ở các vùng xung yếu, đi đầu trong công tác diệt ác, trừ gian, phá chương trình "Bình định" của địch ở nông thôn đồng bằng.
Về phía địch, song song với việc khẩn trương xây dựng căn cứ ái Tử, cảng Cửa Việt - Đông Hà, địch tập trung lực lượng gồm 7 tiểu đoàn Mỹ và 9 tiểu đoàn ngụy càn vùng Cu Đinh, Ba De. Chúng đã bị bộ đội chủ lực của ta chặn đánh, diệt và làm bị thương trên 3.500 tên Mỹ - ngụy, bắn cháy 30 máy bay các loại của Mỹ.

Phối hợp với Mặt trận Gio - Cam, phong trào du kích chiến tranh ở Mặt trận 7 phát triển mạnh. ở Hải Lăng, được sự hỗ trợ của bộ đội địa phương huyện, thanh niên du kích các xã Hải Thành, Hải Quế, Hải Lâm, Hải Chánh, Hải Phú, Hải Thượng, Hải Thọ thọc sâu diệt ác, trừ gian. Đội biệt động cùng với bộ đội địa phương của thị xã Quảng Hà tổ chức đánh địch bằng các hình thức: Ném lựu đạn, gài mìn định giờ đánh vào xe địch, đánh vào rạp hát dành cho binh lính, sĩ quan Mỹ, cư xá ngụy quân. Bộ đội địa phương tỉnh tấn công chi khu quân sự Triệu Phong lần thứ hai, diệt một đại đội Mỹ. Đi đôi với hoạt động quân sự, phong trào đấu tranh chính trị đòi quyền dân sinh dân chủ ở thị xã nổ ra liên tục. Nổi lên lúc này là phong trào chống Mỹ phá mồ mả, xây dựng căn cứ quân sự ái Tử. Cuộc đấu tranh của thanh niên và các tầng lớp khác ở vùng ven kéo vào thị xã, đòi Tỉnh trưởng không được để đại đội công binh Mỹ san bằng mồ mả ông bà, cha mẹ của họ... Phong trào nội thị tuy chưa đồng đều, song mạnh hơn so với trước về cả chất lượng và số lượng. Toàn thị xã Quảng Trị có trên 300 cơ sở (trong thanh niên, chị em tiểu thương, tầng lớp lao động dịch vụ) sẵn sàng nổi dậy phối hợp với lực lượng cách mạng ở bên ngoài khi có thời cơ đến.


ở các khu tập trung của địch (như Tân Tường...) trong hoàn cảnh luôn bị bọn tay sai Mỹ - ngụy theo dõi, khống chế, các chi đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng (mật) vẫn hoạt động, bắt mối được với sự lãnh đạo của Đảng để hướng dẫn, vận động thanh niên và các tầng lớp khác đấu tranh đòi được tự do đi lại làm ăn, đòi trở về nương vườn cũ...
Do tác động trực tiếp của chiến trường đường số 9 - Bắc Quảng Trị, lực lượng kìm kẹp, bình định của địch, nhất là ở cơ sở bị tấn công liên tiếp, vùng giải phóng của tỉnh được mở rộng và chất lượng phong trào vững hơn trước. Tính đến giữa năm 1967 quân dân và thanh niên ta làm chủ ở 450 thôn với 16 vạn dân, tạo ra một số địa bàn quan trọng ở đồng bằng, nông dân vùng giải phóng được chia trên 2.900 mẫu ruộng đất, càng ra sức đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế... Đoàn viên, thanh niên ở nông thôn ngoài việc xây dựng lực lượng vũ trang ở địa phương, chống càn bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa, họ còn là lực lượng đi đầu phong trào đổi công, làm ván, đẩy mạnh sản xuất lúa màu, đi dân công vận tải, phục vụ tiền tuyến...

Trước hoạt động mạnh mẽ của bộ đội chủ lực ta và phong trào du kích chiến tranh ở Trị - Thiên lên cao, nhất là từ sau chiến thắng Tứ Hạ - La Vang - thị xã Quảng Trị, Mỹ - ngụy buộc phải tăng thêm quân ra đường số 9 - Bắc Quảng Trị, tập trung lực lượng chính thức lập "hàng rào điện tử Mác na ma ra" hòng "bịt kín" tuyến hành lang chiến lược Bắc - Nam của ta.

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, Ban Cán sự Gio Cam (sau đó là liên Huyện ủy Gio - Cam) đã họp, nhận định tình hình, kịp thời có phương hướng đối phó. Trước mắt, ban cán sự chủ trương mở đợt học tập tình hình và nhiệm vụ mới, nhằm làm cho mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên ở địa bàn nhận rõ chỗ yếu của địch, mặt mạnh của ta. Trên cơ sở đó phát động quân dân và thanh niên Gio-Cam phối hợp với bộ đội chủ lực, tranh thủ sự chi viện của khu vực Vĩnh Linh, hạ quyết tâm đánh phá hàng rào điện tử Mác na ma ra của Mỹ - ngụy....

Các Hội nghị Bộ Chính trị nửa cuối năm 1967, nhất là Hội nghị tháng 12-1967, được Hội nghị Trung ương 14 (1-1968) nhất trí thông qua đều chỉ rõ: "Cuộc kháng chiến của ta lúc này cần phải và có thể tạo một chuyển biến lớn giữa lúc đế quốc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ đã dao động và trong thời điểm rất nhạy cảm của năm bầu cử Tổng thống Mỹ, để chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định; phải tạo được một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh"(1). Trên cơ sở phân tích toàn diện tình hình ta và địch, Bộ Chính trị đề ra “nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền là thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, giành một thắng lợi chiến lược mới"(2).


Sau khi tiếp thu Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Thường vụ Khu ủy Thừa Thiên - Huế họp và nhất trí hạ quyết tâm: “Động viên toàn Đảng, toàn quân và dân trong khu tập trung sức lực và trí tuệ khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của phương châm đánh địch bằng "Hai chân", "Ba mũi giáp công", bí mật, bất ngờ tiến công tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não của địch, chiếm lĩnh thành phố, thị xã; đồng thời phát triển thắng lợi tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, thiết lập chính quyền cách mạng”.

Thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Khu ủy, các mặt trận Gio - Cam, Triệu Hải, miền Tây đều đưa cán bộ, đảng viên, đoàn viên chủ chốt ở cơ sở đi dự các lớp quán triệt tình hình, nhiệm vụ mới, sau đó trở thành nòng cốt của các đội công tác, tổ đấu tranh chính trị, binh vận ở thôn, ở xã. Với tinh thần ra quân của tuổi trẻ và các tầng lớp khác ở mặt trận lúc này là "Địa phương phải tích cực phục vụ bộ đội chủ lực để đánh sập từng mảng tuyến phòng ngự của Mỹ - ngụy trên trục đường 9 - Bắc Quảng Trị, mở hành lang cho quân chủ lực của ta tiến vào phía Nam”.

Sau đợt sinh hoạt học tập tình hình và nhiệm vụ mới, hầu hết đoàn viên, thanh niên đều tham gia dân quân du kích, đội dân công phục vụ mặt trận. Mỗi xã ở vùng ta làm chủ, ít nhất cũng lập được một đại đội thanh niên du kích trực chiến, một trung đội phụ nữ (phần lớn đang ở tuổi thanh niên) chuẩn bị làm nhiệm vụ đấu tranh chính trị, binh vận, khi có thời cơ thuận lợi thì nhập thị, cùng với lực lượng vũ trang chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu trong tỉnh lỵ. Ngoài việc cùng với cán bộ cơ sở, du kích theo dõi tình hình, tổ chức trận địa đánh địch chống càn, chi đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng còn chịu trách nhiệm củng cố, xây dựng và còn là nòng cốt trong các đội dân công vận chuyển vũ khí đạn dược, tải thương, đào công sự chiến đấu. Đoàn viên, thanh niên trên các vạn đò chuẩn bị thuyền, khi có lệnh điều động thì tập trung làm nhiệm vụ đưa bộ đội sang sông...

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) Mặt trận đường 9 - Khe Sanh được giao nhiệm vụ là phải nổ súng trước để thu hút địch ra đường 9 ngày càng nhiều càng tốt, giữ chúng lại tiếp tục tiêu diệt, tạo thế cho các chiến trường khác nhất là Huế, Đà Nẵng tiến công và nổi dậy thắng lợi.

Bước vào đầu năm 1968, trên Mặt trận đường 9 - Khe Sanh địch có 45.000 quân, trong đó có 28.000 tên Mỹ.

Phía ta, ngoài lực lượng đang hoạt động tại chỗ gồm các sư đoàn 325, 324, Bộ còn điều các sư đoàn bộ binh 304, 320, hai trung đoàn pháo binh, một trung đoàn cao xạ, năm đại đội đặc công và đặc biệt là có 4 đại đội xe tăng lần đầu tiên ra trận. Riêng pháo binh ta đã đưa vào mặt trận này 210 khẩu và 9 giàn hỏa tiễn BM 14... Bộ đội chủ lực ta từ miền Bắc vào đội mũ sắt ra trận.

Đây là cuộc đọ sức quy mô lớn giữa chủ lực ta và chủ lực tinh nhuệ nhất của Mỹ ("Sư đoàn thủy quân lục chiến là đơn vị chiến đấu có lịch sử lâu đời nhất nước Mỹ, còn sư đoàn kỵ binh không vận là sư đoàn được tổ chức theo sáng kiến của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mắcnamara được trang bị rất hiện đại, riêng máy bay trực thăng đã có hơn 800 chiếc")(1).
Song song với công tác chuẩn bị, Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên chủ trương mở chiến dịch tiến công địch từ ngày 6-1 đến ngày 27-01-1968 nhằm phối hợp với mặt trận B5, tạo thế bất ngờ đối với địch.

Ngày 12-01-1968, quân đội Pa Thét - Lào và quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch Nậm Bạc và thắng to. Chiến thắng Nậm Bạc có ý nghĩa to lớn, toàn diện cả về quân sự, chính trị đối với bạn cũng như đối với ta. Đêm 20-01-1968, bộ đội chủ lực ta tấn công mãnh liệt vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.

Trong khi quân dân và thanh niên ta mở nhiều trận tiến công liên tiếp và vây hãm địch ở đường 9 - Khe Sanh, đang làm cho các nhà quân sự Mỹ lúng túng, không phán đoán được hướng tiến công chủ yếu của ta trên toàn chiến trường miền Nam là ở đâu thì đêm giao thừa và đêm mồng một Tết Mậu Thân (30 và 31-01-1968) ta đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền: Đồng loạt đánh địch ở 4 thành phố, 37 thị xã (có thị xã Quảng Trị).
Phối hợp với mặt trận thị xã Quảng Trị, đêm 30 rạng ngày 31-01-1968, bộ đội địa phương phối hợp với thanh niên du kích bao vây chi khu quân sự Cam Lộ, đánh địch ở Cầu Đuồi, Vĩnh An, giải phóng khu tập trung Cùa. Tại Gio Linh, quân dân và thanh niên ở đây được sự hỗ trợ của trung đoàn 270 (bộ đội địa phương khu vực Vĩnh Linh), đặc công hải quân (bộ đội chủ lực), mở đợt tiến công vào đồn bốt, vị trí địch từ bờ Nam sông Bến Hải đến Cửa Việt, cắt giao thông thủy của địch trên sông Hiếu (đoạn Cửa Việt - Đông Hà).
Nổi lên trong đợt hoạt động này của tuổi trẻ Gio - Cam là 12 cô gái làng Mai Xá. Từ khi làng bị giặc Mỹ tàn phá, dồn dân vào khu tập trung, 12 cô gái này vẫn ở lại bám trụ quê hương, chống càn, đánh địch. Các cô gái đã trở thành một đội xung kích do Lê Thị Nậy chỉ huy, ngày đêm họ "Xuất quỷ nhập thần" gây cho địch nhiều thiệt hại. Trong Xuân Mậu Thân, 12 cô gái làng Mai đã đóng góp tích cực trong việc tổ chức một trận đánh nổi tiếng trên sông Hiếu, được mệnh danh là "Trận Bạch Đằng trên sông Hiếu".
Trận địa của "Trận Bạch Đằng trên sông Hiếu" trải dài 800m từ Cồn Mai Xá đến ngã ba Gia Độ cách căn cứ Đông Hà 2km về phía Tây.(1)

Ban chỉ đạo tác chiến trên sông Cửa Việt - Đông Hà cùng với một số đảng viên, đoàn viên, thanh niên - cán bộ chủ chốt của các xã Cam Giang, Gio Hà sau một thời gian khẩn trương điều tra, nghiên cứu, lên phương án tác chiến, dựa vào thanh niên và các tầng lớp khác ở Cam Lộ, Gio Linh, khu vực Vĩnh Linh đóng góp và vận chuyển khoảng 1.000 cây tre, phi lao và dây thép gai bùng nhùng tập kết tại bờ sông. Sau đó, các vạn đò huy động khoảng 100 ghe thuyền vận chuyển tre, phi lao... đến trận địa. Những cọc tre, phi lao vót nhọn được 20 chiến sĩ biệt động đội cắm xuống dòng sông theo hình tam giác có gài ngư lôi và mìn hẹn giờ giăng ngang qua sông. Trận địa được dàn dựng diễn ra hết sức khẩn trương và hoàn thành ngay trong đêm 05-02-1968.

8 giờ ngày 06-02-1968, một đoàn tàu vận tải 6 chiếc của giặc Mỹ xuất phát từ cảng Cửa Việt chạy theo dòng sông lên cảng Đông Hà. Lúc này nước thủy triều bắt đầu hạ nhưng vẫn phủ kín toàn bộ bãi cọc. Trên bờ nơi sắp diễn ra trận đánh, các chiến sĩ biệt động cùng với lực lượng thanh niên du kích xã Cam Giang sẵn sàng nhả đạn vào tàu Mỹ bằng các loại hỏa lực B41, B40, DKB... Kết quả: 3 chiếc đi trước bị ngư lôi và mìn nổ, chìm; 3 chiếc còn lại vướng cọc và bị trúng đạn, giết chết hàng chục tên Mỹ... Tuyến vận tải đường thủy Cửa Việt - Đông Hà - thị xã Quảng Trị bị tắc nghẽn, 4 ngày sau (10-2) Mỹ - ngụy mới khai thông được tuyến vận tải bằng đường thủy Cửa Việt - Đông Hà.

"Trận Bạch Đằng trên sông Hiếu" được tổ chức chu đáo, mưu trí, đạt hiệu quả cao. Sau trận đánh, Bộ tư lệnh mặt trận B5 có điện biểu dương lực lượng quân dân và thanh niên đã tham gia trận đánh.

Phối hợp với mũi quân sự, ở khu tập trung Tân Tường, dưới sự lãnh đạo của đội công tác do đồng chí Phan Chung làm đội trưởng, các chi đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng ở đây đã phát động quần chúng nổi dậy diệt một số tên ác ôn, đấu tranh đòi địch phải giải quyết đời sống. ở khu tập trung Cửa Việt, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Gio Hà, thanh niên cùng các tầng lớp khác nổi dậy đấu tranh đòi địch để cho nhân dân đi lại làm ăn, ra biển đánh bắt hải sản...

ở hướng Triệu Hải, mục tiêu chính của cuộc tiến công Tết Mậu Thân là thị xã Quảng Trị, hậu cứ La Vang do trung đoàn 2 bộ đội chủ lực, tiểu đoàn 14 phối hợp với quân dân và thanh niên Mặt trận 7 đảm nhiệm. Bị địch bất ngờ tăng quân một lúc 5 tiểu đoàn cả Mỹ lẫn ngụy án ngự phía Nam và Tây Nam thị xã. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra trong đêm 30 và ngày 31-01-1968 hết sức quyết liệt. Quân ta giành đi giật lại với địch nhiều lần, cuối cùng không thực hiện được việc chiếm lĩnh thị xã.

Khả năng đánh vào thị xã tuy không còn, nhưng do yêu cầu phối hợp với mặt trận Huế, nên một mặt các đơn vị chịu trách nhiệm đánh vào thị xã cứ tiếp tục chuẩn bị phương án đánh vào thị xã; mặt khác, Khu ủy chủ trương cho tiểu đoàn 8, tiểu đoàn 10... chuyển sang bao vây các quận lỵ: Hải Lăng, Triệu Phong... Ngày 08-02-1968, các chiến sĩ đặc công tiểu đoàn 10 tập kích, tiêu diệt 150 tên kỵ binh bay đóng ở Trà Lộc (Hải Xuân). Hoạt động của tiểu đoàn 10... đã có tác dụng hỗ trợ quân dân và thanh niên phá ách kìm kẹp của địch, giải phóng dứt điểm các xã Triệu Trạch, Triệu Đại, Triệu Hòa (Triệu Phong), Hải Xuân, Hải Trường, Hải Chánh (Hải Lăng), cắt đứt giao thông địch (đoạn từ thị xã Quảng Trị vào Phò Trạch) trong một thời gian... Địch bị động, lo cố thủ thị xã tỉnh lỵ và loay hoay đề phòng ta đánh vào các quận lỵ, nên tình hình nông thôn lỏng, bọn tề thôn xã hoảng hốt chạy trốn, có một số ra thú tội với nhân dân...

ở Hướng Hóa, khoảng hai vạn nhân dân các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô vừa trải qua nạn đói khủng khiếp kéo dài 2 - 3 năm liền do chất độc hóa học của giặc Mỹ gây ra, đến trước Tết Mậu Thân, sức khỏe của mọi người chưa bình phục. Thế nhưng khi được Huyện ủy tổ chức tuyên truyền phổ biến tình hình và nhiệm vụ mới, ai cũng đăng ký ghi tên đi dân công phục vụ mặt trận. Kết quả đợt đầu, Hướng Hóa đã huy động được 3.000 thanh niên và các tầng lớp khác đi dân công (vượt chỉ tiêu điều động của cấp trên). Ngoài lực lượng đi phục vụ "Chiến dịch Khe Sanh", còn có 200 thanh niên đi làm nhiệm vụ cùng với một đại đội công binh mở đường phục vụ mặt trận Huế. Về lương thực, trong khó khăn thiếu đói, bà con các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở Nam Hướng Hóa vẫn động viên nhau đóng góp được 200 tấn gạo và 2 triệu gốc sắn nuôi quân.

Mặc dù bị đánh đau ở khắp nơi, nhưng do vị trí chiến lược cả về quân sự và chính trị của Khe Sanh, nên Bộ chỉ huy quân sự Mỹ phải cho đại quân ra giải vây Khe Sanh (đúng theo dự kiến của ta).

Về quân sự, quân dân và thanh niên Hướng Hóa đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực trong việc trinh sát, nắm địch, dẫn đường cho bộ đội của ta ở miền Bắc mới vào. Tiêu biểu là các đồng chí Hồ Văn Lôi, Hồ Văn Long... đều đang ở tuổi thanh niên đã chỉ huy thanh niên du kích phối hợp đắc lực với bộ đội chủ lực, tiến đánh bọn bảo an dân vệ ở ấp chiến lược Làng Vây diệt 17 tên địch, bắt sống 8 tên, thu 17 súng các loại. Đoàn viên Hồ Thị Hon trực tiếp chiến đấu đạt danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ"....

Khi biết tin quân dân và thanh niên ta chiến thắng oanh liệt, đánh đuổi hàng vạn quân tinh nhuệ nhất của Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh, ngày 13-7-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen. Bức điện có đoạn viết: "Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của miền Nam từ đầu xuân đến nay"(1).

Cùng với chiến thắng của hai miền Nam - Bắc, thắng lợi của quân dân và thanh niên mặt trận đường 9 - Khe Sanh trong năm 1968 đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom và bắn phá miền Bắc để đi tới một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, mà trước hết là chịu ngồi vào bàn đàm phán chính thức tại Hội nghị bốn bên ở Pari, mở ra một thời kỳ mới đầy triển vọng cho cách mạng miền Nam trong thời gian tới...


2. Tuổi trẻ Vĩnh Linh đẩy mạnh phong trào “3 sẵn sàng” góp phần làm nên “Lũy thép anh hùng” (1965-1968).

Lợi dụng lúc nhân dân đang đón giao thừa Tết ất Tỵ (2-02-1965), đế quốc Mỹ cho tàu biệt kích lén vào vùng biển xã Vĩnh Thái khiêu khích. 14 giờ 30 phút ngày mồng sáu tháng giêng ất Tỵ (8-02-1965), 82 lần chiếc máy bay, chia thành 14 tốp do Mỹ chỉ huy ồ ạt đánh phá Hồ Xá (Vĩnh Linh).

Với tinh thần cảnh giác cao, sẵn sàng chiến đấu tốt, quân dân và thanh niên khu vực Vĩnh Linh đã kịp thời giáng trả bọn xâm lược, bắn cháy tàu biệt kích, khi chúng chưa kịp gây tội ác tại bờ biển Vĩnh Thái, bắn tan xác 6 máy bay AD6... tại Hồ Xá.
Ngày 14-02-1965, Bác Hồ đã gửi thư khen quân dân và thanh niên các tỉnh khu IV, trong đó có Vĩnh Linh.

Nhận rõ âm mưu của đế quốc Mỹ, thấy rõ miền Bắc đã ở trong thời chiến, toàn khu vực Vĩnh Linh dấy lên phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, kịp thời phân tán kho lương thực, cửa hàng mậu dịch, trường học, bệnh viện, các cơ quan đóng trên địa bàn thị trấn Hồ Xá về nông thôn, xây dựng hầm hào trú ẩn, cất giấy của cải, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu...

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 3), Đảng ủy khu vực xác định: “Hai nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu luôn luôn quyện chặt vào nhau...”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy khu vực và chủ trương của Trung ương Đoàn, Ban Chấp hành Khu Đoàn khu vực Vĩnh Linh đã phát động phong trào “3 sẵn sàng” với nội dung: “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bấy kỳ tình huống nào; sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến”. Chỉ trong một thời gian ngắn, tính đến giữa năm 1965, toàn khu vực đã có hàng ngàn đoàn viên, thanh niên ghi tên tình nguyện “3 sẵn sàng”. Đoàn viên, thanh niên đi đầu trong việc tuyên truyền vận động nhân dân làm tốt công tác phòng tránh, đưa 2.900 hộ gia đình nhân dân và cán bộ ở thị trấn Hồ Xá về nông thôn...

Từ tháng 3 đến tháng 6, không quân, hải quân Mỹ - ngụy ngày càng đánh phá ác liệt các tỉnh khu IV. “Tính riêng ở khu vực Vĩnh Linh, đế quốc Mỹ đã huy động 615 tốp, với 1.421 lần chiếc máy bay đánh phá nhiều mục tiêu, trong đó có thị trấn Hồ Xá, nông trường Quyết Thắng, Bến Quan... Đặc biệt, ở đảo Cồn Cỏ trung bình cứ hai ngày Mỹ-ngụy đánh phá một lần”(1).
Trước tình hình đó, ngày 01-7-1965, Đảng ủy khu vực họp, ra Nghị quyết, nhấn mạnh: “...Biến mỗi làng thành một pháo đài chống giặc, giữ làng, với tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập tác chiến, sẵn sàng chi viện lẫn nhau”. Đối với đảo Cồn Cỏ, Đảng ủy nêu rõ quyết tâm: “Cương quyết giữ đảo đến cùng với bất cứ giá nào”.

Ngày 29-7-1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động thanh niên trong tình hình mới”. Chỉ thị khẳng định: “Thanh niên là một lực lượng to lớn có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật, có sức khoẻ, nếu được tổ chức giáo dục và lãnh đạo tốt sẽ có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Tiếp đến, trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1965), Bác Hồ gửi thư cho thanh niên, Bác khen: “Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng”. Bác căn dặn: “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng, không sợ gian khổ hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy khu vực (7-1965), khẳng định được vị trí to lớn của thanh niên (Chỉ thị của Ban Bí thư) và nguyện xứng đáng với lời khen, lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu tuổi trẻ khư vực Vĩnh Linh sẵn sàng xả thân, góp phần tăng cường lực lượng vũ trang, tăng cường lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng hệ thống công sự, giao thông hào, tổ chức mạng lưới cấp cứu chiến thương đến từng cơ sở, lập các tổ chức cứu sập, cứu cháy, sơ tán tài sản của Nhà nước, của tập thể, tăng cường công tác an ninh với khẩu hiệu “Làm trong sạch địa bàn”. Về giáo dục, đoàn viên, thanh niên trong giáo viên, học sinh đi đầu trong việc đào hầm trú ẩn, hầm học tập trung, hầm học gia đình, ở nơi sơ tán. ở đảo Cồn Cỏ, đoàn viên, thanh niên nêu quyết tâm “Thà hy sinh, quyết không để đảo rơi vào tay quân thù”. Mỗi Đảng viên, đoàn viên, thanh niên tích cực tập luyện, sử dụng thành thạo các loại vũ khí hiện có ở đảo. Toàn bộ cuộc sống được chuyển xuống dưới mặt đất để tránh thương vong. Trong thời gian Mỹ - nguỵ tập trung đánh Cồn Cỏ, quân dân và thanh niên khu vực ở đất liền ngày đêm hướng ra đảo, với khẩu hiệu “Tất cả vì đảo”, “Còn đất liền còn đảo”. Hàng ngàn lá đơn, phần lớn là của đoàn viên, thanh niên tự nguyện ra đảo (viết bằng máu của bản thân) gửi lên Đảng ủy. Đảng ủy khu vực quyết định:


- Lập Đội cảm tử vượt biển tiếp tế hậu cần cho đảo. Đội thuyền đầu tiên chở vũ khí, lương thực, nước ngọt cho đảo gồm 11 chiếc, ngoài lực lượng đoàn viên, thanh niên, mỗi thuyền có một vài cụ dày dạn trong nghề đi biển đảm nhận thuyền trưởng hoặc cố vấn cho đội thuyền.
- Xúc động trước sự hy sinh, đùm bọc của đất liền, cán bộ, Đảng viên, đoàn viên, thanh niên nắm chắc tay súng, gan góc kiên cường bảo vệ đảo. Kẻ địch dùng không quân, hải quân ngày đêm đánh phá Cồn Cỏ. Mỗi mét vuông đất đai trên Cồn Cỏ phải chịu hàng tấn bom đạn. Các chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo từ anh nuôi đến các đảng viên, đoàn viên, thanh niên thông tin, quân y, pháo thủ... đã trở thành một khối thép vững chắc, từng giờ, từng phút đối mặt quân thù, nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam. Thái Văn A, chiến sỹ quan trắc của Đảo, ngày đêm bám vị trí chiến đấu, kể cả lúc bom đạn địch trút xuống quanh mình. Anh trở thành “Cây ra đa sống” của đảo. Bùi Thanh Phong - một pháo thủ gan góc, mấy lần bị bom Mỹ vùi xuống đất, cả mấy lần anh đều đội đất đứng lên tiếp tục chiến đấu(1). Cồn Cỏ qua chiến đấu đã trưởng thành mọi mặt, trở thành một đơn vị toàn năng với những đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên dũng cảm, sử dụng giỏi nhiều loại vũ khí. Trong bom đạn ác liệt, họ còn tranh thủ sản xuất được rau, bầu, bí, đu đủ, chuối và đánh cá để tự cải thiện bữa ăn hàng ngày. Và tuổi trẻ của đảo luôn luôn tìm mọi cách tổ chức vui chơi giải trí... với niềm tự hào, lạc quan của người “Bộ đội Cụ Hồ”.

Tuổi trẻ trong các đơn vị pháo binh phát huy truyền thống chân đồng vai sắt đã chiến đấu trong nhiều tình huống hết sức ác liệt, lấy hố bom làm trận địa, lấy màu đất làm nguỵ trang pháo, cơ động hết bãi B52 này đến bãi B52 khác, hợp đồng chặt chẽ với bộ binh, liên tục giành nhiều thắng lợi xuất sắc, góp phần xứng đáng vào việc đánh bại âm mưu của Mỹ - nguỵ. Tiêu biểu là đơn vị 13, đơn vị 11 là các tập thể chiến đấu cực kỳ anh dũng, dù người, pháo bị đất vùi, nhưng pháo vẫn ngửng cao nòng bắn chìm tàu địch đầu tiên trên miền Bắc. Đơn vị 13 là một tập thể đã cùng đơn vị bạn đánh trả pháo binh địch ở Dốc Miếu (ngày 20-3-1967) diệt hàng ngàn tên Mỹ - ngụy, phá huỷ nhiều khẩu đại bác, xe tăng, máy bay và cả kho xăng, đạn địch, làm cho quân địch kinh hồn bạt vía.


Lực lượng dân quân tự vệ (hầu hết là đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên) luôn luôn là lực lượng xung kích hùng hậu trong chiến đấu, sản xuất, phục vụ chiến đấu, phòng tránh sơ tán, phục vụ tiền tuyến. ở mọi nơi, mọi lúc, lực lượng dân quân tự vệ luôn luôn hợp lực với bộ đội xông pha đánh địch, thường xuyên tiếp đạn, tải lương cho tiền tuyến đánh mạnh, thắng to. Dân quân các xã dọc tuyến đã dũng cảm đương đầu với kẻ thù hung ác. Mảnh đất Vĩnh Quang, Vĩnh Tân, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thành bị bom đạn Mỹ cày xới lại hàng trăm lần, quét sạch thôn xóm, nhưng với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời” đảng viên, đoàn viên, thanh niên trong lực lượng dân quân đã bám đất, bám làng để chiến đấu, sản xuất, phục vụ tiền tuyến, nhường cơm xẻ áo, nhường hầm cho bà con nông dân... Tiêu biểu cho tuổi trẻ trong dân quân các xã dọc tuyến trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ là các đoàn viên: Lê Văn Ban, Nguyễn Thị Phê. Dân quân các xã Hướng Lập, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Trường, Vĩnh Thượng gồm các đoàn viên, thanh niên dân tộc Vân Kiều đã chiến đấu với quân thù, vật lộn với thiên nhiên, bám bản, bám rẫy, bắn rơi máy bay Mỹ tại chỗ, bắt gọn các toán gián điệp biệt kích, giữ vững căn cứ địa, xứng đáng con cháu mang dòng họ Bác Hồ. Có tổ thanh niên dân quân với 10 viên đạn đã hạ 1 chiếc trực thăng Mỹ. Năm 1968, đoàn viên Hồ Đức (Hướng Lập) đã hạ một máy bay lên thẳng của Mỹ bằng hai viên đạn súng trường...

Với tinh thần “Mỗi xã, mỗi hợp tác xã là một pháo đài, mỗi người dân là một dũng sĩ”, đoàn viên, thanh niên dân quân các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, Vĩnh Thái, Vĩnh Nam, Vĩnh Trung, Vĩnh Kim, Vĩnh Tú, Vĩnh Hiền đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, “Vừa vững tay cày”, “Vừa hay tay súng”, độc lập tác chiến, phối hợp tác chiến bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, sản xuất được rau màu, lúa, bảo đảm tốt trật tự trị an, bảo vệ an toàn các cơ quan, kho tàng của Nhà nước, của tập thể... đồng thời với tư thế luôn luôn sẵn sàng đi vào chiến trường, phục vụ tiền tuyến...

Đoàn viên, thanh niên tự vệ các cơ quan, lâm trường, xí nghiệp cùng cán bộ, công nhân viên chức đã chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ, tận tình cứu chữa thương binh, bệnh binh ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương, đã làm tốt nhiệm vụ phân phối hàng hoá cho nhân dân trong điều kiện có nhiều khó khăn ác liệt...

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, Nghị quyết của Đảng ủy khu vực trước sau vẫn vẫn nhấn mạnh: “Bất luận trong tình huống nào, khu vực Vĩnh Linh vẫn xây dựng chủ nghĩa xã hội và không ngừng đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm để không những đủ tự túc mà còn phải có thừa để chi viện cho tiền tuyến”.

Nghị quyết của Đảng ủy đã biến thành quyết tâm của tuổi trẻ và các tầng lớp khác ở khu vực. Chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, quân dân và thanh niên khu vực Vĩnh Linh vẫn nắm chắc tay cày, hơn bao giờ hết lao vào mặt trận sản xuất: Lúa, sắn, rau trồng ngay trên hố bom, hố đạn. Trong thời kỳ địch đánh phá ác liệt, hai cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, hợp tác xã vẫn được tiến hành một cách tích cực, khẩn trương và có hiệu quả. Đoàn viên, thanh niên trong nông dân tích cực chiến đấu, phục vụ tiền tuyết; đồng thời đẩy mạnh sản xuất, đưa chất lượng các hợp tác xã từ chỗ trung bình lên 88% hợp tác xã tiên tiến và khá ở đồng bằng, 32% hợp tác xã tiên tiến và khá ở miền núi...
Mùa cày cấy, Mỹ - ngụy tập trung đánh phá ác liệt, nhất là ở vũng phi quân sự. Đoàn viên, thanh niên ở đây vừa cày cấy, vừa đánh địch có xã một vụ cày cấy phải đánh địch 300 trận và đã thắng lợi, bảo đảm đạt diện tích cày cấy, kịp thời vụ, đúng kỹ thuật, đạt năng suất cao (đứng thứ hai của toàn khu vực). Tiêu biểu trên mặt trận sản xuất, cải tiến quản lý hợp tác xã là đảng viên trẻ Đinh Như Gia. Đinh Như Gia tiêu biểu cho ý chí anh hùng cách mạng của giai cấp nông dân trong chiến đấu, sản xuất, là tấm gương sáng trên chiến trường đồng ruộng. Với tinh thần “Vì Miền Nam ruột thịt, vì Quảng Trị thân thương”, tuổi trẻ tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 270 cùng với cán bộ cơ sở, cán bộ các đội tuyên truyền văn nghệ, đội chiếu phim lưu động khi được Đảng ủy phân công đã hăng hái tiến vào vùng Gio Linh, Cam Lộ, vừa đánh địch, vừa phát động quần chúng, cài thế, tạo thế cho các bước phát triển tiếp theo.

Từ tháng 6-1966, không quân và hải quân Mỹ tập trung đánh phá ác liệt hệ thống giao thông cầu cống, bến vượt... hòng cắt đứt các đầu mối giao thông vận tải của ta. Trước tình hình đó, Đảng ủy khu vực họp, xác định: “Việc bảo đảm giao thông vận tải là nhiệm vụ trung tâm, đột xuất hàng đầu của Đảng bộ và nhân dân địa phương”.

Từ lòng quyết tâm đáp ứng kịp thời, tốt nhất yêu cầu phục vụ chiến đấu, sản xuất, đời sống, quân dân và thanh niên khu vực kiên quyết vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thực hiện các khẩu hiệu: “Địch phá ta cứ đi”, “Địch phá đường này, ta đi đường khác”, “Địch phá một, ta làm mười”. Đảng viên, đoàn viên, thanh niên trong các đội cầu đường, thanh niên xung phong đã không ngại nắng mưa, gió rét vượt bom đạn địch ngày đêm lao động quên mình, dũng cảm đứng vững ở vị trí chiến đấu của mình, bảo đảm thông đường, thông xe trong mọi tình huống...

Tiêu biểu cho tinh thần ngoan cường dũng cảm đó là các đơn vị thanh niên xung phong, đơn vị xung kích C1, tổ xe của đoàn viên thanh niên Nguyễn Chí Thành đã quần nhau với địch nhiều trận, quyết bảo vệ xe hàng; các chiến sĩ trẻ ở các bến phà, đoàn thuyền quanh năm trên các khúc sông, mặt biển, trên những cửa lạch thường xuyên bị địch đánh phá, có khi tắc đường, hỏng phà nhưng vẫn vững tay chèo, tay lái đưa hàng tới đích an toàn.


Đoàn viên, thanh niên cán bộ ngành Bưu điện đã đem hết sức mình giữ vững mối giao thông liên lạc kịp thời, bí mật nối liền từ tiền tuyến đến hậu phương, từ Trung ương đến khu vực, từ cơ sở đến lãnh đạo, từ miền xuôi đến miền ngược...

Bên cạnh bộ phận “Tay cày tay súng”, “Tay búa, tay súng”, khu vực Vĩnh Linh còn tổ chức lực lượng thanh niên dân quân tự vệ trực chiến thường xuyên...

Trước tình hình đế quốc Mỹ liều lĩnh mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam và tiến hành bước leo thang mới cực kỳ nghiêm trọng ném bom bắn phá Thủ đô Hà Hội và thành phố cảng Hải Phòng, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Sau khi vạch rõ tội ác cực kỳ man rợ của Đế quốc Mỹ và thất bại thảm hại của chúng trên cả hai miền Nam - Bắc, Người khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của toàn dân ta và kêu gọi: “Vì độc lập Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ hàng ngàn quyết tâm thư viết bằng máu của đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp khác gởi đến Đảng ủy khu vực bày tỏ quyết tâm xin được bám trụ sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phục vụ tiền tuyến. Lực lượng vũ trang, thanh niên dân quân tự vệ nêu cao khẩu hiệu: “Nhắm thẳng quân thù mà bắn”, một bộ phận thanh niên dân quân tự vệ tiến vào chiến dịch bảo đảm giao thông vận tải mang tên “Chiến dịch Quang Trung” do Trung ương phát động. Đoàn viên, thanh niên trong các nông trường tăng cường sức chiến đấu về mọi mặt, không ngừng củng cố và thâm canh cây công nghiệp, đồng thời đẩy mạnh sản xuất cây lương thực và chăn nuôi để tự túc và làm nghĩa vụ cho Nhà nước. Máy bay Mỹ đến đánh phá nông trường bao nhiêu lần thì bấy nhiêu lần bị đảng viên, đoàn viên, thanh niên tự vệ của nông trường chống trả một cách quyết liệt. Các nông trường ở khu vực Vĩnh Linh đã bắn cháy và bắn rơi 3 chiếc máy bay Mỹ, bỏ ra hàng vạn công, hàng trăm tấn rau, thịt để phục vụ chiến đấu, phục vụ bộ đội, nuôi dưỡng thương binh, giúp đỡ nhân dân. Năm 1966, các nông trường khu vực Vĩnh Linh đã được Quốc hội, Chính phủ, Hồ Chủ tịch tuyên dương nông trường anh hùng, thật xứng đáng với ngọn cờ: “Sản xuất tiên tiến, chiến đấu ngoan cường”. Đoàn viên, thanh niên trong công nhân ở các xí nghiệp nắm chắc “Tay búa, tay súng” quyết tâm đạt 3 điểm cao: Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều. Đoàn viên, thanh niên ở nông thôn sôi nổi trong phong trào: “Ba sào, năm việc”.

Tháng 9-1966, Đảng ủy khu vực quyết định lập: “Ban Chỉ đạo đào địa đạo” do đồng chí Phó Chủ tịch ủy ban kháng chiến khu vực làm trưởng ban. Từ đó, phong trào tổ chức đào địa đạo trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ khu vực. Tính hết năm 1966, toàn khu vực đào được 20 km địa đạo, 1.500 km giao thông hào, hình thành một hệ thống hào giao thông thôn nối thôn, xã nối xã. Cả khu vực có gần 4 vạn hầm trú ẩn gồm hầm ngủ, hầm sinh hoạt, hầm trạm xá, hầm hợp tác xã mua bán, hầm ngoài đồng ruộng, hầm ở trong vườn.... Hàng ngày có hơn 300 thanh niên tự vệ trực chiến. Mỗi xã, mỗi đơn vị cơ quan lựa chọn đoàn viên, thanh niên xây dựng một trung đội bộ binh cơ động, được trang bị vũ khí gọn nhẹ, khi bờ Nam sông Bến Hải yêu cầu thì thay nhau vào hoạt động ở Gio - Cam (Quảng Trị).

Bị thất bại trên các chiến trường miền Nam, đặc biệt là bị thất bại và bối rối ở chiến trường Trị Thiên và đường 9 nên Mỹ - nguỵ càng điên cuồng đánh phá khu vực Vĩnh Linh mỗi ngày một ác liệt hơn. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt với đủ loại máy bay chiến thuật hiện đại, đủ các loại vũ khí, cả chất độc hoá học đánh phá cả ngày lẫn đêm. Tháng 2-1967, với cái gọi là “Đánh bổ sung”, Mỹ - nguỵ đã dùng cả trọng pháo ở hạm đội 7, ở các cứ điểm bờ Nam sông Bến Hải, khi cấp tập, khi cầm canh, bắn khắp các xã trong khu vực; đồng thời cho máy bay chiến lược B52 trút hàng vạn tấn bom xuống làng mạc, ruộng vườn, tập trung nhiều nhất là ở Hướng Lập...

Căm thù giặc Mỹ, quân dân và thanh niên khu vực Vĩnh Linh đã chiến đấu giỏi, hạ nhiều máy bay và bắt sống giặc lái Mỹ, sản xuất giỏi, phòng không nhân dân tốt, phục vụ tiền tuyếtn tốt.


Để động viên kịp thời quân dân và thanh niên khu vực Vĩnh Linh, Bác Hồ nhiều lần gởi thư khen và tặng Vĩnh Linh hai câu thơ:

“Đánh cho giặc Mỹ tan tành

Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”.

Song song với việc tổ chức phòng tránh tại chỗ, Đảng ủy khu vực đã đề nghị lên Trung ương và được Trung ương đồng ý cho khu vực Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị thực hiện kế hoạch K8. K8 là kế hoạch sơ tán 3 vạn thiếu niên, nhi đồng ra các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, để được Đảng bộ và nhân dân ở các tỉnh đó đùm bọc, giúp đỡ nơi ăn, chỗ ở, tiếp tục đi học... Sau khi giãn dân, khu vực Vĩnh Linh còn lại gần 25.000 người, phần lớn là thanh niên, không có nhà cửa, chợ búa, mọi sinh hoạt đều ở địa đạo. Với tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, tuổi trẻ khu vực Vĩnh Linh cùng với tầng lớp khác ở địa phương đã nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, thiếu thốn, hăng hái sản xuất, chiến đấu và phục vụ tiền tuyến.

Trong Xuân Mậu Thân 1968, quân dân và thanh niên khu vực Vĩnh Linh vừa chống trả các đợt oanh tạc của địch, vừa bám trụ sản xuất, bảo vệ tuyến hành lang Bắc - Nam thông suốt. Trong đó có các xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thái, Vĩnh Thành đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên dân quân du kích, tự vệ cùng với các đơn vị của Trung đoàn 270 vào hoạt động ở Gio Linh, Cam Lộ. ở bến đò Tùng Luật do một đại đội thanh niên dân quân đảm nhiệm, âm thầm lặng lẽ, người này ngã người khác thay chèo, giành giật thời gian với máy bay, pháo sáng, bom đạn của Mỹ - nguỵ, đã đưa, đón 1.382.000 lượt bộ đội, cán bộ, dân công hoả tuyến vào chiến đấu ở mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị... Khu đoàn khu vực giao cho xã đoàn Vĩnh Thuỷ điều động 40 đoàn viên cõng đạn sang bờ Nam phục vụ chiến dịch giải phóng Khe Sanh, số đoàn viên trong xã xung phong tình nguyện đông gấp 3 lần kế hoạch điều động. Đoàn viên thanh niên nông trường Quyết Thắng xung phong đảm nhận bốc vác, vận chuyển hàng chục tấn hàng trong “Chiến dịch vận tải vì miền Nam”.

Trước những thắng lợi to lớn của quân dân và thanh niên trên cả hai miền nhất là ở miền Nam từ đầu xuân 1968, ngày 01-11-1968 đế quốc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá (lần thứ nhất) trên toàn bộ miền Bắc nước ta, đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.



  1. Каталог: Chuyende
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam huyện nam đÔng độc lập Tự do Hạnh phúc
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> ĐỀ CƯƠng ôn tập thi tốt nghiệp môn tiếng anh năm học 2012- 2013
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố ĐÀ NẴng độc lập Tự do Hạnh phúc
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
    Chuyende -> Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013

    tải về 1.58 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương