LỊch sử ĐOÀn thanh niên cộng sản hồ chí minh



tải về 1.58 Mb.
trang4/13
Chuyển đổi dữ liệu17.07.2016
Kích1.58 Mb.
#1784
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

CHƯƠNG III
TUỔI TRẺ QUẢNG TRỊ THAM GIA XÂY DỰNG
VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG,
KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP Và CAN THIỆP MỸ (1945 - 1954)

 


  1. ĐI ĐẦU TRONG VIỆC BẢO VỆ VÀ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG, SẲN SÀNG CHIẾN ĐẤU CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (9 - 1945 – 12 - 1946)

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đứng đầu đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Đây là thắng lợi to lớn đầu tiên ở một nước thuộc địa do Đảng Cộng sản lãnh đạo làm cho chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế hết sức lo ngại.

Vừa mới ra đời, Nhà nước cách mạng non trẻ đã phải đương đầu ngay với thù trong, giặc ngoài vô cùng nguy hiểm và muôn vàn khó khăn của nền kinh tế vốn đã nghèo nàn lạc hậu, lại bị Pháp - Nhật tranh nhau vơ vét, làm cho tiêu điều kiệt quệ. Đất nước nằm trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết và khôn khéo của Đảng ta và Hồ Chủ tịch, tuổi trẻ cùng nhân dân Việt Nam đã phát triển thế tiến công của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945... Do đó, chẳng những bảo vệ được chính quyền mà còn đưa cách mạng tiếp tục tiến bước vững chắc, giành thế chủ động ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai.

Ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay: Một là, phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói... Hai là, mở chiến dịch chống nạn mù chữ. Ba là tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đấu phiếu, thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Bốn là, mở phong trào giáo dục tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, để bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại. Năm là, bãi bỏ ngay thuế thân... và nghiêm cấm việc hút thuốc phiện. Sáu là, tuyên bố quyền tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.

Ngày 25-11-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Kháng chiến và kiến quốc". Chỉ thị đề ra nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và tuổi trẻ cả nước tích cực tham gia chống: Giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, tuổi trẻ Quảng Trị thực sự là lực lượng nòng cốt trong chiến dịch tăng gia sản xuất và cứu đói. Trong Thư gửi các nhà nông, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập ".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, với ý thức làm chủ đất nước, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên cùng các tầng lớp nhân dân rầm rộ tiến quân vào mặt trận sản xuất. Các nhóm tuyên truyền xung phong của thanh niên ở xã, thị trấn, ở thị xã Quảng Trị chia nhau đi kẻ khẩu hiệu, dán panô, áp phích "Không một tấc đất bỏ hoang", "Tấc đất, tấc vàng"... Hàng trăm đội sản xuất được thành lập ở các xóm, thôn do lực lượng thanh niên làm nòng cốt, ngày đêm thay nhau lao động miệt mài trên đồng ruộng, nhiều đội sản xuất ở các huyện đồng bằng kéo nhau lên khai hoang các vùng đất bãi bồi ven sông Nhùng, sông Thạch Hãn, sông Hiếu, sông Bến Hải và ven đồi, trồng các loại rau màu ngắn ngày chống đói. Thiếu nhi các thôn, xã với băng cờ, khẩu hiệu, trống ếch rộn rã cất cao các bài ca cách mạng để cổ động phong trào tăng gia sản xuất và cứu đói. Kết quả phong trào: Sản xuất nông nghiệp được nhanh chóng khôi phục, nạn đói bị đẩy lùi, đời sống vật chất của nhân dân, đặc biệt là nông dân lao động được cải thiện một bước.

Đi đôi với phong trào sản xuất nông nghiệp, Đảng và Chính phủ kêu gọi toàn dân nêu cao tinh thần đoàn kết tương trợ đùm bọc lẫn nhau để vượt qua nạn đói. Trong Thư gửi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với đồng bào cả nước và Người nêu gương thực hiện trước: "Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba lần, đem gạo đó (một bữa một bơ) để cứu dân nghèo".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, đoàn viên, thanh niên ở các cơ sở của tỉnh ta đã tích cực tham gia vào các đoàn vận động lạc quyên cứu đói như tổ chức "Hũ gạo cứu đói", "Ngày đồng tâm nhịn ăn". Đoàn viên, thanh niên ở các cơ quan: Giao thông, bưu điện, văn hóa, giáo dục, y tế còn có sáng kiến "Lập quỹ tương ái " để giúp các gia đình cán bộ, công nhân viên trong cơ quan đang gặp khó khăn về kinh tế; đoàn viên, thanh niên trong các lực lượng vũ trang của huyện, của tỉnh lập "Quỹ cứu trợ người nghèo"...
Ngày 4-9-1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh tổ chức Quỹ độc lập. Tiếp sau đó, Đảng và Chính phủ ta đề ra biện pháp Tuần lễ vàng trong cả nước (từ 17 đến 24-9-1945). Hưởng ứng Tuần lễ vàng, tuổi trẻ và nhân dân Quảng Trị đã dấy lên phong trào thi đua đóng góp tiền của, vàng, bạc, đồng,... trong đó có một số nữ đoàn viên, thanh niên đã ủng hộ cả tư trang, vật kỷ niệm ngày cưới của mình như hoa tai vàng, nhẫn vàng, xuyến vàng... vào Quỹ độc lập của quốc gia.

Thắng lợi của Phong trào tăng gia sản xuất, cứu đói có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn. Nó làm nổi bật tính ưu việt của chế độ mới. Thắng lợi của phong trào Tuần lễ vàng không những có ý nghĩa góp vào nền tài chính, quốc phòng, mà còn chứng tỏ quyết tâm của nhân dân và tuổi trẻ ta quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập mới giành được.

Song song với những thắng lợi thu được trên mặt trận sản xuất, cứu đói, nhân dân và tuổi trẻ toàn tỉnh đã lập được nhiều thành tích trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế. Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn viên, thanh niên ở các cơ sở cũng đi đầu trong cuộc vận động xây dựng nếp sống mới. Cuộc vận động này nhằm mục đích giáo dục lòng yêu nước, yêu lao động, căm thù bóc lột, xây dựng đạo đức cách mạng cho mọi người. Nhận rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, đoàn viên, thanh niên hăng hái cùng cán bộ thông tin xã, phường dựng "chòi thông tin " ở khắp các thôn, xóm. Tối đến, cán bộ thông tin (đều là đoàn viên, thanh niên) dùng loa miệng bằng mo cau hoặc cáctông, từ chòi thông tin phát ra các bản tin với nội dung: Tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, loan tin thành tích vừa đạt được trên các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nêu gương "Người tốt, việc tốt" cho mọi người, mọi nhà nghe... Hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính quần chúng rộng rãi, lời ca tiếng hát của cách mạng vang lên khắp xóm thôn, đường phố nhất là vào ban đêm, những buổi hội họp,v.v...

Kết quả cuộc vận động cải cách văn hóa, xã hội, xây dựng nếp sống mới đã có tác dụng xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới xin, xóa bỏ nạn trộm cắp, nghiện hút, đồng thời phát động phong trào toàn dân xây dựng cuộc sống mới vui tươi, lành mạnh.


Ngày 8-9-1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập “Nha bình dân học vụ để trông nom việc học của nhân dân". Trong lời kêu gọi chống nạn thất học, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Nhân dân Việt Nam! Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ".

Hưởng ứng lời kêu gọi chống nạn thất học của Hồ Chủ tịch, Tỉnh ủy và ủy ban Cách mạng của tỉnh Quảng Trị mở chiến dịch chống nạn mù chữ và giao nhiệm vụ cho đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt. Thực hiện chủ trương đó, cả tỉnh đã dấy lên một phong trào học chữ Quốc ngữ sôi nổi từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng miền biển đến miền núi. Hầu hết các lớp bình dân học vụ đều do đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm. Lúc này cả tỉnh như một trường học lớn mở lớp ở bất cứ đâu và bất cứ thời gian nào thuận tiện cho người đi học. Lớp đông có vài ba chục người, lớp ít có vài ba người tùy điều kiện cho phép. Đêm đến, khắp các gia đình trong thôn xóm vang lên tiếng đánh vần, đọc chữ đủ mọi lứa tuổi dưới ánh đèn "dầu chuối", "dầu hỏa" tỏa sáng, tạo ra một bầu không khí mới mẻ, có sức cảm hóa kỳ lạ. Với tinh thần hiếu học, kết quả sau một năm toàn tỉnh đã thanh toán được nạn mù chữ cho hàng vạn người ở độ tuổi dưới 45, trong đó đa số là thanh niên. Đây là một trong những thành tựu cách mạng làm cho nhân dân trong tỉnh nói chung, tuổi trẻ Quảng Trị nói riêng hết sức phấn khởi. Từ chỗ "O tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ thì thêm râu" nay họ đã đọc được, viết được, tự mình tìm đọc sách, báo của Đảng, của Đoàn, tự mình tìm hiểu đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước và của đoàn thể để có thể góp phần tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày một hiệu quả hơn.


Bên cạnh phong trào diệt giặc dốt, hệ thống giáo dục phổ thông của Quảng Trị trong năm đầu dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát triển khá mạnh. Hầu hết các xã đều mở được trường tiểu học, thu hút trên một vạn thanh thiếu niên vào học.
Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh được chính quyền, đoàn thể các cấp chăm lo xây dựng. Nhiều nam, nữ đoàn viên, thanh niên có trình độ văn hóa "yếu lược"(1) hoặc "primaire"(2) được chính quyền các cấp cử đi dự các lớp đào tạo y tá, hộ sinh do tỉnh mở cấp tốc. Sau khi học xong, số y tá, hộ sinh này đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng mạng lưới y tế của tỉnh, phần lớn được cử phụ trách trạm xá ở xã, ở phường, ở cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh, trong các lực lượng vũ trang.

Trong điều kiện chính quyền cách mạng bị thù trong giặc ngoài quấy phá, uy hiếp, việc động viên thanh niên tham gia xây dựng lực lượng vũ trang càng trở thành một yêu cầu bức xúc và đã được Trung ương đặc biệt quan tâm ngay từ sau ngày cướp chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, ở Quảng Trị, không khí tòng quân và luyện tập quân sự diễn ra sôi nổi mạnh mẽ chưa từng có ở nông thôn cũng như đô thị. Ngoài việc góp phần quyết định thành lập "Chi đội Thiện Thuật"(1) chi đội giải phóng quân đầu tiên của Quảng Trị gồm 1.500 chiến sĩ vào ngày 19-9-1945, lực lượng đoàn viên, thanh niên trong tỉnh còn là lực lượng chủ yếu, chiếm đại bộ phận trong đại đội dân quân Lê Hồng Phong của tỉnh, trong lực lượng dân quân tự vệ ở tất cả các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, đồn điền, phường, xã...

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Đáp lời kêu gọi ủng hộ đồng bào Nam bộ kháng chiến của Chính phủ, tuổi trẻ cùng các tầng lớp khác ở Quảng Trị luôn hướng về Nam, nguyện sát cánh cùng "tuyến đầu" chống đế quốc Pháp xâm lược. Đại đội "Nam tiến" được thành lập ngay, gồm 115 cán bộ, chiến sĩ (hầu hết là đoàn viên, thanh niên), đại đội lên đường tiến vào Nam bằng tàu hỏa (ngày 26-9-1945). Khắp nơi tổ chức mít tinh, biểu tình ủng hộ Nam Bộ kháng chiến.

Phong trào tình nguyện giết giặc ngày càng trở nên sôi nổi, mạnh nhất là từ cuối tháng 10-1945, khi một lực lượng quân đội Pháp ở Trung Lào mở cuộc hành quân đánh vào miền Tây Quảng Trị, nhiều học sinh đang tuổi thiếu niên xung phong đi làm liên lạc, nhiều nữ thanh niên tự nguyện gia nhập lực lượng tự vệ hoặc đi làm tiếp tế, cứu thương trong các lực lượng vũ trang. Tất cả thanh niên gác việc riêng, lo việc nước.

Về tình hình tổ chức, thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ toàn tỉnh (diễn ra trong hai ngày 10 và 11-9-1945), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà trực tiếp là đồng chí Đặng Thí - Bí thư Tỉnh ủy, Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Quảng Trị được chính thức thành lập vào cuối tháng 9 năm 1945. Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cứu quốc Quảng Trị lâm thời do Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định gồm có: Hà Xuân Mỹ, Hồ Ngọc Tích, Trương Công Kỉnh, Trần Nguyên Thảng... Đồng chí Hà Xuân Mỹ giữ chức Bí thư Tỉnh Đoàn(1).


Sự chỉ đạo công tác Đoàn ở Quảng Trị từ đây được thông suốt từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cơ sở. Sự kiện này là một bước ngoặt quan trọng về mặt tổ chức có tác động mạnh đến sự chuyển biến hoạt động của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Quảng Trị trong thời gian tới.

Sau Hội nghị thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh, cán bộ Đoàn cấp tỉnh cũng như cấp huyện đều về bám cơ sở, ban ngày đi sâu tìm hiểu tình hình thanh, thiếu nhi, hướng dẫn và động viên thanh, thiếu nhi cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng đời sống mới ở cơ sở; ban đêm tổ chức thanh thiếu nhi sinh hoạt, biểu diễn văn nghệ ở các địa điểm tập trung tại nhà trường, đình, chùa, nhà thờ hoặc "đốt lửa trại". Qua đó, tập trung được đông đảo nhân dân để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Mặt trận, đặc biệt phát hiện được số thanh niên đã trải qua thử thách, rèn luyện trong Cách mạng Tháng Tám, đi tiên phong trong các cuộc biểu tình thị uy, cướp chính quyền ở huyện lỵ, tỉnh lỵ đủ tiêu chuẩn để tiến hành làm thủ tục kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Nhờ vậy, sau một thời gian vài ba tháng, số lượng đoàn viên, thanh niên Cứu quốc ở tỉnh tăng lên gấp bội so với trước, tổ chức cơ sở Đoàn (chi đoàn) được thành lập khắp các xã...


Đồng chí Hà Xuân Mỹ cùng với các đồng chí trong Tỉnh Đoàn đang tích cực triển khai công tác của Đoàn ở các địa phương trong tỉnh thì được cấp trên điều động vào Huế, cùng với đồng chí Trần Hồng Chương chuẩn bị Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc xứ Trung Bộ. Tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc xứ Trung Bộ, đồng chí Hà Xuân Mỹ được bầu vào Ban Thường vụ Ban Chấp hành xứ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Trung Bộ và được phân công đi kiểm tra phong trào thanh niên ở các tỉnh thuộc Trung Bộ(1).

Sau một thời gian chuẩn bị, được sự lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh ủy và được sự chỉ đạo của Ban Chấp hành xứ Đoàn Trung Bộ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Quảng Trị mở Đại hội đại biểu tại làng Cổ Thành (Triệu Phong) trong tháng 12-1945(1). Sau khi đánh giá tình hình hoạt động của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong tỉnh trong thời gian từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, Đại hội đã bàn phương hướng hoạt động, trong đó nhấn mạnh: Đoàn viên, thanh niên tỉnh ta phải đi đầu trong phong trào thực hiện Chỉ thị kháng chiến, kiến quốc của Thường vụ Trung ương Đảng (ra ngày 25-11-1945), tiếp tục tích cực thực hiện nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm, trước mắt đoàn viên, thanh niên phải tích cực tham gia các ngày hội: Bầu cử Quốc hội (6-01-1946), bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp trong tỉnh (17-02-1946). Cuối cùng, Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ nhất đã bầu Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn gồm 5 ủy viên: Trần Nguyên Thảng (Việt Tú), Trần Trọng Hoãn (Trần Trọng Tân), Phan Song, Trương Quang Diệu, Hoàng Ngọc Quang. Đồng chí Trần Nguyên Thảng được bầu làm Bí thư Tỉnh Đoàn khóa thứ nhất.

* * *

Thời gian cuối tháng 12-1945 đến 5-01-1946, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn, đoàn viên, thanh niên ở các huyện, thị xã đã đi đầu trong việc tổ chức tuyên truyền cho toàn thể các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên, bầu Hội đồng Nhân dân các cấp trong tỉnh bằng phổ thông đầu phiếu không phân biệt nam, nữ, giàu nghèo, tôn giáo. Mọi người dân "từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử. Quốc dân Đại hội do nhân dân tự nguyện bầu ra là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước cách mạng, thay mặt nhân dân định ra Hiến pháp"(1). Trước ngày bỏ phiếu, Mặt trận Việt Minh ở các khu vực đã họp cử tri phổ biến lời kêu gọi đồng bào cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (5-01-1946). Lời kêu gọi viết: "Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình"... "Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng: Dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân; kiên quyết tranh quyền độc lập..."(2).


Ngày 6-01-1946, mọi cử tri đang ở lứa tuổi thanh niên hăng hái, nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội. Các đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu như: Lê Thế Hiếu, Đặng Thí, Trần Mạnh Quý, đều được sự tín nhiệm tuyệt đối của tuổi trẻ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Tiếp đến, ngày 17-02-1946, Quảng Trị tiến hành bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh và Hội đồng Nhân dân xã, phường. Kết quả có nhiều nam, nữ đoàn viên, thanh niên Cứu quốc ở cơ sở được bầu vào Hội đồng Nhân dân các cấp.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị toàn tỉnh (tháng 3-1946), dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh đã mở đợt sinh hoạt chính trị trong đoàn viên, thanh niên làm cho mọi người thấy rõ những đóng góp tích cực của tuổi trẻ Quảng Trị và nhân dân Quảng Trị trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh đã góp phần cùng cả nước vượt qua được những khó khăn, thử thách ban đầu tưởng như không thể vượt qua nổi; đồng thời nhận rõ: "Muốn hoàn toàn giải phóng cho Tổ quốc phải chống chủ nghĩa thực dân". Đoàn viên Thanh niên Cứu quốc ở các cơ sở đi đầu trong việc tuyên truyền giải thích sâu rộng trong quần chúng nhân dân hiểu rõ chủ trương "hòa để tiến" của Đảng ta là đúng, kiên quyết chống lại các xu hướng "tả", hữu khuynh, chống biểu hiện bi quan, dao động hoặc chủ quan mất cảnh giác trong việc thi hành "Hiệp định sơ bộ 6-3"; đề phòng thực dân Pháp bội ước, phải tiếp tục chuẩn bị để kháng chiến lâu dài, kín đáo, thực lực về quân sự vẫn duy trì và phát triển...; thực hiện sách lược khôn khéo, mềm dẻo, nhằm đuổi mau quân Tưởng về nước....

Sau đợt sinh hoạt chính trị, ngoài việc tiếp tục tòng quân, luyện tập quân sự; hàng vạn đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tham gia các đội sản xuất, cùng với nông dân lao động của các đội sản xuất ở vùng đồng bằng, tích cực chuẩn bị các khu căn cứ kháng chiến của làng, của xã, của huyện...

Tháng 6-1946, Tổng Đoàn Thanh niên Việt Nam - Mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên đã ra đời do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt(1). Theo tinh thần đó các cơ sở Đoàn cũng như công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi phát triển mạnh ở hầu khắp các công sở, các đơn vị bộ đội, các trường học, làng xã, phường, đường phố ở tỉnh Quảng Trị.


Cùng lúc này, thực hiện âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, các tổ chức gián điệp tăng cường hoạt động. Chúng tung người, tung tiền, móc nối bọn tay sai cũ của Pháp còn ẩn náu ở các nơi trở lại hoạt động chống phá cách mạng, chúng tuyên truyền xuyên tạc: "Việc ta ký Hiệp định sơ bộ 6-3 là bán nước", nhằm gây chia rẽ giữa Đảng, Chính phủ ta với nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn viên, thanh niên trong các lực lượng vũ trang, nhất là trong lực lượng an ninh có nhiệm vụ nắm tình hình bọn hoạt động phá hoại và đã kịp thời trấn áp, phá tan các tổ chức Việt quốc và bọn phản động đội lốt tôn giáo âm mưu bạo loạn ở Nam Đông, Nam Tây, Vạn Kim, Nhan Biều...

Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng bộ Quảng Trị lần thứ nhất vẫn được triệu tập từ 28 đến 30-6-1946. Đại hội tập trung phân tích đánh giá tình hình, thấy bộ mặt xâm lược của thực dân Pháp ngày càng lộ rõ: Bằng những hành động trắng trợn vi phạm Hiệp định sơ bộ, Pháp ráo riết chuẩn bị mở rộng chiến tranh ra cả nước... Khi quân Tưởng rút, phần lớn bọn tay sai chạy theo chúng, nhưng còn một số khá đông thay thầy đổi chủ ở lại làm tay sai cho Pháp. Âm mưu thâm độc nhất và cũng là kế hoạch mạo hiểm nhất của chúng là câu kết với Pháp nhằm lật đổ Chính phủ ta. Trước tình hình đó, Đại hội ra Nghị quyết: Ta phải khẩn trương xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa; thành lập Hội Liên Việt tỉnh, phát triển các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ...

Sau Đại hội, 80 đoàn viên, thanh niên dân quân, tự vệ thuộc hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng được tuyển, bổ sung vào đại đội Lê Hồng Phong. Đại đội Lê Hồng Phong là tiền thân của bộ đội địa phương Quảng Trị, có nhiệm vụ vừa phát triển lực lượng qua các đợt thanh niên tòng quân, vừa hướng dẫn anh chị em thanh niên dân quân tự vệ ở các huyện và các xã, phường, cơ quan, vừa công tác, sản xuất tự túc, đồng thời luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu khi Pháp phản bội Hiệp định sơ bộ, gây chiến tranh...

Tháng 7-1946, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh. Qua đợt học tập, mọi đoàn viên và thanh niên thấy rõ: Quân và dân ta nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản trong Hiệp định sơ bộ 6-3; trái lại, thực dân Pháp với bản chất hiếu chiến và dã tâm xâm lược, đã chà đạp những điều khoản đã ký với ta. ở phía Tây Quảng Trị, giặc Pháp đã tổ chức một đợt tấn công đánh bật lực lượng liên quân Việt - Lào, áp sát biên giới, đưa quân chốt giữ các vị trí quan trọng hai bên trục đường 9. ở miền Nam, quân Pháp không những không ngừng bắn mà tiếp tục hành quân càn quét "bình định" xúc tiến việc thành lập "Chính phủ lâm thời của Nam kỳ". ở miền Bắc, quân Pháp chiếm đóng thêm nhiều nơi ngoài quy định của Hiệp định sơ bộ. Chúng âm mưu tìm cách trì hoãn, kéo dài cuộc thương lượng ở Fôngtennơblô (khai mạc vào ngày 6-7-1946). Chúng trắng trợn triệu tập "Hội nghị Liên bang Đông Dương" ở Đà Lạt vào ngày 01-8-1946 trong khi cuộc đàm phán giữa ta và Pháp đang tiến hành. Ngay trong đợt sinh hoạt chính trị, tuổi trẻ và nhân dân Quảng Trị đã tổ chức mít-tinh, biểu tình cực lực phản đối hành động xâm lược của đế quốc Pháp, càng ra sức củng cố xây dựng lực lượng cách mạng, đẩy mạnh sản xuất, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quảng Trị lần thứ nhất.


Trong dịp kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (02-9-1946), ủy ban Hành chính tỉnh đã tổ chức triển lãm tại thị xã Quảng Trị. Cuộc triển lãm đã giới thiệu thành tựu trên các mặt kinh tế - xã hội.

Trên mặt trận sản xuất: Công điền, công thổ được chia lại một cách công bằng cho mọi công dân, không phân biệt nam nữ; toàn tỉnh đã huy động hàng vạn ngày công chủ yếu là của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh làm thủy lợi: Đắp đập Lá Hẹ, Cánh Hòm, Chợ Cầu, đào sông Ngô Xá - La Duy, đào ngòi Duân Kinh, đắp đê chống lũ ở các cánh đồng: Cu Hoan, Diên Sanh, Trường Sanh... Kết quả về diện tích gieo cấy và sản lượng lương thực đều tăng hơn so với trước. Nạn đói ở Quảng Trị chấm dứt.

Trên mặt trận giáo dục, sau một năm toàn tỉnh đã thanh toán xong nạn mù chữ. Các lớp học phổ thông tiểu học ở thị xã, tỉnh lỵ cũng như ở các thị trấn, các khu vực dân cư trong tỉnh đều khai giảng đúng thời gian quy định, thu hút số lượng con em nhân dân lao động đến trường đông hơn trước rất nhiều. Trong Tuần lễ vàng, riêng vàng toàn tỉnh đã bỏ vào "Quỹ độc lập" của Chính phủ được 4kg vàng mười.

Trong niềm tự hào phấn khởi với những thành tựu đã đạt được (có sự đóng góp xứng đáng của hàng ngàn đoàn viên, thanh niên Cứu quốc và hàng vạn thanh niên công nhân, nông dân, tiểu tư sản), tuổi trẻ và nhân dân Quảng Trị đã góp phần cùng cả nước đưa cuộc cách mạng của nước ta từ chỗ ở trong thế "ngàn cân treo sợi tóc" đã chuyển sang một thế vững chắc sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.


Trước khả năng hòa hoãn giảm dần, khả năng chiến tranh lan rộng, ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp một bản "Tạm ước" với thiện chí đẩy lùi và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, mong muốn giải quyết với Pháp hướng con đường thương lượng, nhưng thực dân Pháp đã bội ước và ngày càng lấn tới.

Ngày 19-10-1946, Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì. Xuất phát từ nhận định: "Không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp"(1). Hội nghị đề ra chủ trương và một số biện pháp thiết thực cả về tư tưởng và tổ chức để quân và dân cả nước sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu chống Pháp.

Sau khi quán triệt Nghị quyết Hội nghị quân sự toàn quốc, Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh Quảng Trị họp vào cuối tháng 10-1946, thống nhất đề ra nhiệm vụ:

• Tăng cường Ban Chỉ huy tự vệ các cấp, tổ chức cuộc diễn tập chiến đấu trong toàn tỉnh.


• Tiến hành phá hoại quốc lộ số 1, quốc lộ số 9, đường xe lửa, phá hoại các ngôi nhà xây dựng kiên cố ở thị xã, thị trấn, xây dựng các tuyến phòng ngự.

• Di chuyển công binh xưởng từ Như Lê (Hải Lăng) ra Hảo Sơn (Gio Linh).


Thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ toàn tỉnh, với tinh thần: "nêu cao ý chí của thanh niên, nguyện chiến đấu, hy sinh đến cùng chống thực dân Pháp xâm lược", tất cả nam nữ thanh niên ở các cơ sở đều tham gia dân quân tự vệ, làm nòng cốt trong việc phá hoại cầu, đường, đào chiến hào, lập tuyến phòng ngự quanh tỉnh lỵ và các huyện lỵ: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Khe Sanh - Hướng Hóa.

Trong "công việc khẩn cấp bây giờ" (viết ngày 5-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Ta phải hiểu và phải cho dân hiểu rằng cuộc kháng chiến sẽ rất gay go, cực khổ. Dù địch thua đến chín mươi chín phần trăm nó cũng ráng sức cắn lại. Vì nó thất bại ở Việt Nam thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc nó sẽ tan hoang". Vì vậy toàn dân và toàn quân ta phải: "tổ chức du kích khắp nơi, tăng gia sản xuất khắp nơi. Dù phải rút khỏi các thành phố, ta cũng không cần. Ta sẽ giữ tất cả thôn quê". Người khẳng định: “Cuộc kháng chiến sẽ gay go, lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi”. "Cố ráng sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo thì ta gặp mùa xuân".

Pháp không chịu ngừng bắn ở miền Nam theo quy định trong Tạm ước (14-9). Chúng đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn ngày 20-11, bịt hai cửa ngõ đường thủy và đường bộ vào Việt Nam. Tiếp đó, chúng đổ thêm quân lên Đà Nẵng. Những hành động đó báo hiệu cuộc chiến tranh toàn cục đã gần kề...

Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn Thanh niên Cứu quốc Quảng Trị chủ trương động viên toàn thể đoàn viên, thanh niên trong các lực lượng tự vệ sẵn sàng chiến đấu; lực lượng đoàn viên, thanh niên ở các làng xã lên phương án sơ tán dân lên vùng tiền chiến khu, lực lượng đoàn viên, thanh niên ở cơ quan lên phương án di chuyển máy móc, hồ sơ tài liệu lên chiến khu khi có lệnh...

Thực tế cho thấy khả năng hòa hoãn không còn. Địch đã công khai tuyên bố chúng sẽ hành động sáng 20-12 nếu Chính phủ ta khước từ những điểm nêu trong tối hậu thư của chúng (đã gởi cho ta). Ngày 18-12-1946, Thường vụ Trung ương họp ở Vạn Phúc (Hà Tây) hạ quyết tâm phát động toàn dân kháng chiến và quyết định “đánh trước để giành chủ động"(1).
Chấp hành Nghị quyết của Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, 9 giờ tối ngày 19-12-1946 bản Mệnh lệnh toàn quốc kháng chiến được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bản mệnh lệnh kêu gọi: "Bọn thực dân Pháp đã bội ước, chúng liên tiếp tấn công Thủ đô Hà Nội. Tổ quốc đang lâm nguy. Quân đội, dân quân du kích toàn quốc hãy nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước"(2).


Каталог: Chuyende
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam huyện nam đÔng độc lập Tự do Hạnh phúc
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> ĐỀ CƯƠng ôn tập thi tốt nghiệp môn tiếng anh năm học 2012- 2013
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố ĐÀ NẴng độc lập Tự do Hạnh phúc
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
Chuyende -> Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013

tải về 1.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương