LỊch sử ĐOÀn thanh niên cộng sản hồ chí minh


V. TUỔI TRẺ QUẢNG TRỊ TRONG TỔNG KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN (1939 - 1945)



tải về 1.58 Mb.
trang3/13
Chuyển đổi dữ liệu17.07.2016
Kích1.58 Mb.
#1784
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

V. TUỔI TRẺ QUẢNG TRỊ TRONG TỔNG KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN (1939 - 1945)

Ngày 01-9-1939, phát-xít Đức tấn công Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Ngay từ những ngày đầu, cuộc chiến tranh đó đã tác động trực tiếp đến Việt Nam. Sau khi lâm vào vòng chiến, đế quốc Pháp và tay sai liền xóa bỏ mọi quyền dân sinh dân chủ mà Đảng ta, quân dân ta đã giành được trong giai đoạn 1936 - 1939. Chúng thực hiện chính sách khủng bố, ban hành luật Tổng động viên, cốt rút hết nhân lực, tài lực của Đông Dương cung cấp cho chiến tranh đế quốc mà chúng đang theo đuổi...

Tháng 6-1940, Pháp đầu hàng phát-xít Đức. Nhân cơ hội đó, phát-xít Nhật nhảy vào chiếm Đông Dương (9-1940). Sự xâm lược của phát-xít Nhật và sự đầu hàng của thực dân Pháp làm cho nhân dân và tuổi trẻ nước ta lâm vào tình trạng một cổ hai tròng, vừa bị Nhật thống trị, vừa bị Pháp đàn áp. Mặc dù vậy, nhân dân và tuổi trẻ Việt Nam bất khuất đã đứng dậy chống cả Nhật lẫn Pháp. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra như khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940), khởi nghĩa Nam kỳ (23-11-1940), cuộc khởi nghĩa binh lính Đô Lương (13-1-1941) báo hiệu một thời kỳ mới, thời kỳ toàn dân nổi dậy cầm vũ khí đánh đổ bọn cướp nước và bán nước, giành độc lập tự do.

Từ thực tiễn đấu tranh, trải qua hai cuộc tổng diễn tập cao trào cách mạng 1930 - 1931 và 1936 - 1939, Đảng ta với các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (11-1939), lần thứ 7 (11-1940), lần thứ 8 (5-1941) đã trở lại với tư tưởng ban đầu của mình trong cương lĩnh là đặt nhiệm vụ chống đế quốc lên hàng đầu, nhiệm vụ chống phong kiến rải ra thực hiện từng bước, phục tùng và phục vụ nhiệm vụ chống đế quốc.

ở tỉnh Quảng Trị, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy (8-1939) và nhất là sau khi thực hiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đoàn viên, thanh niên các cơ sở tích cực góp phần với các đảng viên tuyên truyền trong dân, làm cho thanh niên và các tầng lớp thấy rõ bọn đế quốc đánh nhau tranh cướp thị trường thuộc địa của nhau, nhưng đều có âm mưu xoáy cuộc chiến chĩa vào Liên Xô để tiêu diệt Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới; đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân chuyển các tổ chức công khai (Hội ái hữu, Hội Tương tế...) trong giai đoạn 1936 - 1939 thành các Hội phản đế hoạt động bí mật (Hội Nông dân phản đế, Đoàn Thanh niên Phản đế...). Các hội viên thanh niên trong các tổ chức thanh niên phổ thông được giao những công việc thích hợp để thử thách. Thanh niên nào có tinh thần hăng hái công tác, dũng cảm đấu tranh, nhất là trong việc làm liên lạc, bảo vệ cơ quan của Đảng như đã tham gia các vụ rải truyền đơn, mít tinh biểu tình ở Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, thị xã Quảng Trị, Đông Hà... theo khẩu hiệu của Đảng đề ra là chống khủng bố, chống chiến tranh, chống chính sách phản động của toàn quyền Catơru... đều được tổ chức xem xét kết nạp vào Đảng Cộng sản, kết nạp vào Đoàn Thanh niên Phản đế (trước đó là Đoàn Thanh niên Dân chủ).

Đến giữa năm 1940, Đoàn Thanh niên Phản đế phát triển mạnh khắp các địa bàn trong tỉnh. Đoàn Thanh niên Phản đế huyện Triệu Phong được thành lập do đồng chí Hồng Chương làm Bí thư Huyện đoàn, có gần 200 đoàn viên thanh niên Phản đế. Đồng chí Trần Hữu Dực trực tiếp huấn luyện cán bộ, Đoàn đã vận động đoàn viên tham gia rải truyền đơn, in li tô tài liệu cách mạng, làm báo của Tỉnh ủy, nhiều cán bộ đoàn viên tích cực tham gia hoạt động cách mạng, như: Lê Hàn, Đoàn Khuê, Hồng Chương, Vĩnh Mai đã bị địch bắt(1).

ở thị xã tỉnh lỵ, ngoài một số cơ sở trong công nhân viên chức làm ở các công sở như nhà máy Đèn, nhà máy Nước, Sở Dây thép... ta còn xây dựng được một số cơ sở Thanh niên Phản đế ở các trường học...

Để hưởng ứng phong trào Bắc Sơn khởi nghĩa, đẩy mạnh hơn nữa phong trào cách mạng của nhân dân và thanh niên, ngày 20-10-1940, Tỉnh ủy Quảng Trị họp, quyết định tổ chức một đợt rải truyền đơn với nội dung nói rõ tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, kêu gọi toàn dân hưởng ứng phong trào du kích Bắc Sơn, đoàn kết đứng lên đánh đuổi phát-xít Pháp - Nhật(2).

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, tuổi trẻ trên các địa bàn Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ... và ngay trong thị trấn Đông Hà, thị xã Quảng Trị đã tổ chức rải truyền đơn chống phát-xít Pháp - Nhật. ở Gio Linh, Cam Lộ, đoàn viên, thanh niên Phản đế còn tổ chức diễn thuyết, đặc biệt nói rõ tin "Đội du kích Bắc Sơn bao gồm phần lớn là đoàn viên, thanh niên được thành lập và kiên cường chống giặc Pháp - Nhật "...Cuộc rải truyền đơn, diễn thuyết đã làm nức lòng tuổi trẻ nhiều nơi trong tỉnh.

Được tin truyền đơn xuất hiện nhiều ở Quảng Trị, tên Xônhi, Giám đốc Sở Mật thám Trung kỳ phái tên Pơrôsơ ra Quảng Trị mở cuộc khủng bố kéo dài 3 tháng liền. Bọn mật thám, lính khố xanh, lính lệ cùng bọn cường hào phản động ở địa phương phối hợp với nhau lùng bắt đảng viên, đoàn viên, thanh niên. Chúng đặt vọng gác ở các bến đò, các ngã ba, ngã tư đường cái, đôn đốc bọn tuần phu kiểm soát, xét hỏi từng người qua lại...

Cuộc khủng bố của địch lần này đã gây tổn thất lớn cho phong trào cách mạng Quảng Trị, nhiều đảng viên, đoàn viên, thanh niên bị bắt, trong đó có Tống Đình Phương (Bí thư Huyện ủy Cam Lộ), Văn Diệp, Lê Miễn (Huyện ủy Hải Lăng). Nữ đảng viên Lê Thị Diệu Muội (tuổi đời còn rất trẻ) thoát khỏi tay giặc. Địch lùng sục nhà chị Diệu Muội, không tìm thấy chị, chúng lên nhà đày Lao Bảo tra tấn đồng chí Lê Thế Tiết (cha chị Diệu Muội) hiện đang bị giam ở đó để hỏi dò tin tức chị Diệu Muội. Đồng chí Lê Thế Tiết (nguyên là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Trị) bị chúng đánh đập dã man và đã hy sinh vào ngày chủ nhật 20-10-1940.

Ngay sau sự kiện đồng chí Lê Thế Tiết hy sinh, anh em tù chính trị bị giam ở lao hầm tiến hành cuộc đấu tranh bằng hình thức đình công, la hét, hô khẩu hiệu với nội dung: "Đả đảo tra tấn giết người! Đòi cải thiện đời sống; có ăn, có uống, có chăn mền... Đòi ra khỏi lao hầm...! Được nhận thư từ, quà cáp của gia đình gởi cho! Đổi ngay tên đồn trưởng Hôchiê đi nơi khác!..."(1)

Hò la, hô khẩu hiệu không kết quả, anh em tù chính trị chuyển sang tuyệt thực song địch không nhượng bộ, chuyển sang tuyệt ẩm, chúng cũng không lung lay, lại cho lính đánh đập dã man, đưa số cầm đầu đi biệt giam.

Do nhịn đói, nhịn khát lâu ngày cộng với sự đàn áp khủng bố của bọn chủ ngục, nhiều người tù ở xà lim bị sốt nặng. Anh em tù đấu tranh đòi chủ ngục phải đưa người bị ốm ra giam ở ngoài... Biết không thể khuất phục được những người cộng sản, bọn chủ ngục chuyển sang dụ dỗ, mua chuộc bằng vật chất. Chính trong hoàn cảnh éo le giữa ý chí kiên định chiến đấu và sự cam chịu đầu hàng chỉ cách nhau gang tấc ấy, đồng chí Tố Hữu (tuổi đời mới hai mươi xuân) đã làm bài thơ "Con cá chột nưa". Lời tự sự, tâm tình của bài thơ đã động viên cổ vũ toàn thể tù nhân cũng như chính bản thân tác giả không lùi bước trước sự cám dỗ bằng vật chất của kẻ thù, kiên quyết tiếp tục đấu tranh, buộc chúng (công sứ Quảng Trị và Khâm sứ Trung kỳ) phải đến nhà đày Lao Bảo giải quyết các yêu cầu của tù nhân chính trị...

Hưởng ứng cuộc đấu tranh của tù chính trị ở nhà đày Lao Bảo, 56 cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên bị địch giam ở nhà lao Quảng Trị đã nêu cao lòng quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng. Đồng chí Trần Công ái (quê ở Vĩnh Linh) là một cán bộ của Tỉnh ủy với tuổi đời còn rất trẻ, được Tỉnh ủy biệt phái về hoạt động ở Triệu Phong, không may bị địch bắt. Bọn mật thám đã dùng mọi cực hình tra tấn suốt 20 ngày đêm liền, chết đi sống lại mấy lần, đồng chí ái vẫn một lòng bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Hết tra tấn, địch lại dụ dỗ, mua chuộc... nhưng mọi mưu ma, chước quỷ mà kẻ địch âm mưu thi thố với anh đều vô hiệu. Ngày 30 Tết Nguyên đán, địch tra tấn anh suốt một ngày với những ngón đòn dã man nhất. Thằng mật thám này mệt, thằng khác thay, liên tục cho đến khi anh mê man không biết gì nữa. Với ý đồ tra tấn của địch là buộc anh phải khai báo cơ quan bí mật của Tỉnh ủy.

Hai mươi ngày bị tra tấn... cũng chính là 20 ngày mà anh không ngừng suy nghĩ và phải tự trả lời hàng loạt câu hỏi: Đầu hàng địch hay không đầu hàng? Không đầu hàng thì để cho địch tra tấn mãi đến chết hay sao? Nếu chết thì phải chết như thế nào? Suy nghĩ cân nhắc nhiều lần, cuối cùng anh đã có cách lựa chọn. Rạng ngày mồng một Tết (1941) anh bảo cai ngục lên báo với mật thám là: "Tôi nhận lời đi chỉ cơ quan Tỉnh ủy". Được tin, bọn mật thám mừng quýnh, hí hửng thức nhau dậy chuẩn bị xe, súng đạn, lên đường vây ráp cơ quan Tỉnh ủy. Trên đường từ thị xã Quảng Trị ra Đông Hà, khi ngang qua cầu Lai Phước, lừa lúc địch sơ hở, Trần Công ái nhảy xuống sông Lai Phước tự tử để bịt đầu mối, bảo vệ cơ quan bí mật của Tỉnh ủy.

Gương hy sinh của đồng chí Trần Công ái lúc đó đã được Trung ương Đảng ta “đánh giá cao và xếp anh vào bậc tiền bối hy sinh vì Tổ quốc"(1).

Cảm phục và xúc động trước hành động đấu tranh dũng cảm hy sinh của Trần Công ái, đồng chí Trương An đã làm bài thơ truy điệu, trong đó có đoạn: "Da dù nát, thịt dù tan anh vẫn nghiến răng thà chết không khai. Còn một chút tàn hơi, anh gượng sống với tâm hồn quyết liệt. Điện đốt... dây treo đủ thứ... Dạ trung thành không một chút đổi thay".

Học tập gương hy sinh của đảng viên trẻ Trần Công ái, anh chị em đoàn viên, thanh niên Phản đế đứng chân hoạt động ở các địa bàn trong tỉnh, tuy đang gặp nhiều khó khăn về ăn, ở, đi lại hoạt động vì bị địch truy lùng, bắt bớ ráo riết, vẫn giữ vững tinh thần, được quần chúng nuôi giấu, che chở, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Trải qua đấu tranh cách mạng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế hình thành ở các địa bàn của huyện và thị xã trong tỉnh, thu hút hàng vạn người, trong đó lực lượng thanh niên chiếm phần lớn. Nổi lên lúc này là có nhiều đoàn viên, thanh niên Phản đế tự nguyện gia nhập các đội tự vệ do Đảng tổ chức, được trang bị bằng các loại vũ khí thô sơ để làm nhiệm vụ bảo vệ các cuộc mít-tinh, hội họp của Đảng, của Đoàn. "ở làng Nhan Biền (Triệu Phong) lực lượng đoàn viên, thanh niên ở đây có ý kiến cho rằng thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đã đến, nên đề nghị Tỉnh ủy cho họ thành lập đội du kích, xây dựng khu căn cứ, huy động lực lượng phá đường sắt"(1) vì chưa có điều kiện chủ quan và khách quan đảm bảo cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi nên ý kiến đó không được cơ quan cấp trên chấp thuận.

Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương 8 được tổ chức tại Pác Bó (Cao Bằng) do đồng chí Nguyễn ái Quốc chủ trì. Trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc tình hình trong nước và trên thế giới, Hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"(2).

Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn ái Quốc, Hội nghị quyết định Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống phát-xít Pháp - Nhật từ nay lấy tên là Việt Nam Độclập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Các tổ chức yêu nước chống đế quốc ở trong Việt Minh đều lấy lên là Hội Cứu quốc (như Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc...).

Về phương pháp cách mạng, Hội nghị nhận định rằng: "Cuộc cách mạng Đông Dương kết liễu bằng một cuộc đấu tranh vũ trang"(3).

Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời, phất cao cờ đỏ sao vàng, kêu gọi toàn dân đánh Pháp đuổi Nhật, cứu nước cứu nhà, kêu gọi toàn dân hãy phấn chấn tự cường, tự lực cánh sinh vì: "Việc giải phóng của ta phải do ta làm lấy”(1).

Tháng 8-1941, Tỉnh ủy mở Hội nghị tại làng An Nha (Gio Linh) trong hoàn cảnh bị mất liên lạc với cấp trên, chưa nhận được Nghị quyết Trung ương 8, Tỉnh ủy chủ trương cho toàn Đảng bộ, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, đưa phong trào cách mạng của địa phương tiến lên.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, dưới sự chỉ đạo của cán bộ, đảng viên ở cơ sở, đoàn viên, thanh niên Phản đế đã hăng hái tham gia cuộc rải truyền đơn với quy mô toàn tỉnh, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh chống Pháp - Nhật đang vơ vét thóc gạo, thu tiền đồng, bạc thật. Có nơi như ở Gio Linh, thanh niên đã vận động nhân dân bãi thị ở chợ An Nha để phản đối tăng thuế và thu thuế bằng tiền đồng, bạc thật.

Cùng thời gian này, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, một số thanh niên công nhân ở đồn điền Rôm (đường 9) được kết nạp vào Đảng Cộng sản, chi bộ Đảng ở đồn điền Rôm được thành lập do đồng chí Hồ Văn Xích làm Bí thư. Sự kiện Chi bộ Đảng ở đồn điền Rôm được thành lập đánh dấu bước phát triển mới của thanh niên công nhân và lao động trên trục đường 9 (Hướng Hóa).

Tháng 9-1941, Xứ ủy lâm thời Trung kỳ được thành lập tại Gia Đẳng (Triệu Phong) gồm 3 đảng viên (đang tuổi thanh niên) là Trương An, Trương Hoàn, Lê Chưởng, do đồng chí Lê Chưởng làm Bí thư. Từ đó Đảng bộ Quảng Trị mới nhận được Nghị quyết Trung ương VIII và Điều lệ Việt Minh, Đảng bộ Quảng Trị tiến hành thành lập ủy ban Việt Minh các cấp, chuyển các Hội Phản đế thành các Hội Cứu quốc, Đoàn Thanh niên Phản đế thành Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Được Cấp ủy Đảng chăm lo xây dựng, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi mau chóng được phục hồi củng cố, Huyện Đoàn Thanh niên cứu quốc Triệu Phong được phục hồi, củng cố sớm nhất (năm 1942)...

Ngày 21-12-1941, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra thông báo Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng. Thông báo nhận định: "Thế giới đã chia làm hai mặt trận: Dân chủ và phát-xít, cách mạng Đông Dương là một bộ phận khá quan trọng trong phong trào dân chủ chống phát-xít quốc tế"(1) Thông báo kết luận: Gây ra chiến tranh Thái Bình Dương tức là Nhật tự sát, Nhật sẽ bị Anh - Mỹ - Trung Quốc - Liên Xô, cách mạng ở Nhật và các thuộc địa Nhật đánh bại, cũng như bên Âu Châu, Đức, ý cũng bị tan rã vì hồng quân Liên Xô và cách mạng Âu Châu “Đông Dương là một căn cứ quan trọng của Nhật ở Đông Nam á. Nhật sẽ ra sức củng cố vị trí Đông Dương và ra sức bóc lột nhân dân Đông Dương để lấy chiến tranh nuôi chiến tranh"(1).

Để đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong Đảng bộ và nhân dân, Tỉnh ủy quyết định xuất bản tờ báo Cờ khởi nghĩa với nội dung tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Mặt trận Việt Minh, vận động nhân dân trong tỉnh đấu tranh chống bắt lính, bắt phu, tịch thu thóc lúa, tài sản của dân, ra sức củng cố và phát triển các đội tự vệ cứu quốc...

Sau vụ rải truyền đơn với quy mô toàn tỉnh vào đêm 17-9-1941 và nhất là sau khi triển khai thông báo của Thường vụ Trung ương Đảng, phong trào cứu quốc trong tỉnh phát triển mạnh, bọn mật thám ở Huế như Livécxê, ở Vinh như Hunb, ở Quảng Trị như Viđalăng đã câu kết chặt chẽ với nhau, tăng cường khủng bố hết đợt này đến đợt khác... hàng trăm cán bộ đảng viên, đoàn viên, thanh niên đã bị bắt.

Anh chị em đảng viên, đoàn viên, thanh niên bị bắt, bị giam ở các nhà lao đã nêu những tấm gương sáng ngời về ý chí chiến đấu bất khuất, kiên cường, lòng trung thành với Đảng. Nữ đảng viên trẻ Lê Thị Mày ở làng An Khê (Gio Linh) bị địch tra tấn chết đi sống lại nhiều lần vẫn không khai cơ sở bí mật của cách mạng. Gương hy sinh bất khuất của Lê Thị Mày đã khích lệ mạnh mẽ đảng viên, đoàn viên, thanh niên đang bị giam cầm, đoàn kết đấu tranh, một lòng vững tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Trong cuộc xử án (cuối năm 1942), tại tỉnh lỵ Quảng Trị, sau khi nghe tên tuần vũ Nguyễn Văn Thơ mạt sát cộng sản, nói xấu cộng sản và kết án độc đoán, anh em thanh niên có mặt ở phiên tòa mà đại diện là đồng chí Lê Nghĩa Sĩ (đảng viên đang ở lứa tuổi 20) đã nhảy ra phản đối vạch mặt cướp nước và bán nước của bọn thống trị. Anh nói: "Chúng tôi là những người cách mạng, những người cộng sản. Chúng tôi làm cách mạng đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến để giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Chúng tôi là những người yêu nước, chúng tôi không có tội. Chính các ông làm tay sai cho đế quốc Pháp mới có tội với dân tộc"(1) thế là "phiên tòa nghiêm trang" của bọn thống trị đã trở thành nơi đấu lý, đấu lực giữa cách mạng và phản cách mạng... (2) Anh chị em đảng viên, đoàn viên, thanh niên bất chấp sự khủng bố trả thù của địch đã hiên ngang hô vang các khẩu hiệu: Phản đối khủng bố trắng! Đả đảo tòa án bất công! Đả đảo đế quốc Pháp! Đả đảo phát-xít Nhật!"(2).

Ngoài các hoạt động đấu tranh vạch tội ác của địch, đòi cải thiện chế độ lao tù, anh chị em đảng viên, đoàn viên, thanh niên dưới sự lãnh đạo của chi bộ nhà lao còn tổ chức quyên góp tiền bạc làm quỹ chuyển ra ngoài giúp số đảng viên, đoàn viên... còn lại trên địa bàn trong tỉnh tiếp tục hoạt động.

Giữa năm 1944, hai đồng chí Nguyễn Đức Thưởng, Trần Xuân Miên trước sự khủng bố truy lùng của địch, phải tạm lánh nạn sang Thái Lan từ cuối năm 1943, đã trở về, chắp nối lại các cơ sở, phục hồi tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn Thanh niên, trước hết là ở Vĩnh Linh...

Cuối năm 1944, Trung ương Đảng nhận định: "Sự hòa hoãn giữa Nhật - Pháp có khác chi một cái nhọt bọc chứa chất bên trong bao nhiêu vi trùng và máu mủ, chỉ chờ dịp chín muồi là vỡ tung ra”(1). Đúng như dự đoán của Đảng ta, những mâu thuẫn đối kháng ngày càng gay gắt giữa Nhật, Pháp ở Đông Dương và tình thế khốn quẫn của phát-xít Nhật ở Thái Bình Dương đã buộc Nhật phải làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp vào đêm 09-03-1945 để độc chiếm Đông Dương.

Sau khi lật đổ Pháp để một mình thống trị Đông Dương, phát-xít Nhật thi hành một chính sách hết sức tàn bạo và lừa bịp nhằm xiết chặt ách nô dịch của chúng đối với nhân dân Việt Nam. Về kinh tế, chúng mặc sức bóc lột và cướp đoạt trắng trợn mọi thứ tài sản của nhân dân ta, nhất là vơ vét các loại nguyên liệu, hàng hóa, lương thực. Việc thu thóc tạ, bông, đay... càng được đẩy mạnh với những biện pháp dùng vũ lực đàn áp và cưỡng bức. Về chính trị, phát-xít Nhật giở trò bịp bợm, trao trả "độc lập" cho Việt Nam. Bộ máy thống trị của thực dân Pháp được duy trì nguyên vẹn, chỉ có một điều khác trước là bọn phát-xít Nhật thay Pháp làm toàn quyền, thống sứ, khâm sứ, công sứ, nắm toàn bộ quyền lực. Chúng dựng lên Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim để hòng phết một lớp sơn che giấu bộ mặt của độc lập giả hiệu...

Giữa lúc nhân dân - kể cả một số cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đang theo dõi tình hình, còn lúng túng về phương hướng hoạt động (vì lúc này Đảng bộ Quảng Trị đang bị mất liên lạc với cấp trên) thì hàng trăm cán bộ đảng viên, đoàn viên, thanh niên của tỉnh Quảng Trị bị giam trong các nhà tù: Côn Đảo, Buôn Ma Thuột, Lao Bảo, nhà lao Quảng Trị, nhân cơ hội "Nhật - Pháp bắn nhau", họ đã bàn bạc phương hướng hoạt động, đấu tranh buộc địch phải trả tự do. Kết quả ngày 25-3-1945, Nhật mở cửa nhà lao Quảng Trị, 80 cựu chính trị đã được trả lại tự do, trở về các nơi trong tỉnh, kịp thời truyền đạt Nghị quyết của chi bộ Đảng ở nhà lao Quảng Trị họp ngày 12-3-1945 đến với các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn trong tỉnh, lợi dụng lúc bộ máy thống trị của thực dân Pháp không còn, bộ máy thống trị của phát-xít Nhật chưa hoàn thiện, sự kiểm soát của đế quốc phong kiến đối với nhân dân không được chặt chẽ như trước, tích cực phục hồi, xây dựng lực lượng cách mạng...

Sau cuộc Hội nghị cán bộ của tỉnh (4-1945), ủy ban Việt Minh từ làng, tổng đến phủ, huyện được thành lập và hoạt động theo chương trình Việt Minh của tỉnh đã vạch ra trước đây.

Lúc này, đồng chí Nguyễn Đức Thưởng được phân công đi tìm liên lạc với Xứ ủy Trung kỳ. Đến Vinh, đồng chí Thưởng được đồng chí Chu Văn Biên (cán bộ tỉnh Nghệ An) trao bản Chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12-3-1945. Nhận được Chỉ thị, đồng chí Thưởng trở về Quảng Trị ngay.

Tháng 6-1945, sau khi nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", Hội nghị cán bộ tỉnh thấy rõ sự sáng suốt kiên quyết, kịp thời và sáng tạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Hội nghị chủ trương:

- Phát triển các đội tự vệ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền xung phong xây dựng các chiến khu, vũ trang toàn dân, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

- Tiếp tục vạch mặt bọn phát-xít Nhật và bọn tay sai Nhật, tổ chức và mở rộng ảnh hưởng của Việt Minh, thành lập ủy ban giải phóng tỉnh và huyện...(1)

Thời gian thực hiện chủ trương Hội nghị cán bộ tỉnh (6-1945) cũng là lúc quê hương đón nhận nhiều cán bộ cách mạng của tỉnh bị giam ở nhà đày Buôn Ma Thuột... lần lượt trở về. Đó là nguồn bổ sung cán bộ quý báu và là một trong những nhân tố góp phần triển khai chủ trương Hội nghị cán bộ tỉnh, đẩy mạnh cao trào chống Nhật, cứu nước trong thời gian tới... Lực lượng Đoàn Thanh niên Cứu quốc được củng cố và phát triển mạnh, được Cấp ủy (Huyện, cơ sở) giao làm các nhiệm vụ chủ yếu: Đi đầu trong công tác tuyên truyền, giải thích cho quần chúng thấy chính sách của Nhật là kết hợp thủ đoạn tàn bạo với lừa phỉnh để cướp bóc về kinh tế, chia rẽ về chính trị, tiến công về quân sự. Đối với chúng chỉ có một thái độ đúng nhất là toàn dân một lòng cầm vũ khí đứng lên chống lại quân xâm lược phát-xít; thứ hai là làm nòng cốt xây dựng lực lượng tự vệ...

Để thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ trên, Đoàn Thanh niên Cứu quốc ở các cấp trong tỉnh lập ra các đội tuyên truyền xung phong, mỗi tổ có 3 - 5 đoàn viên, thanh niên, để ngày đêm lo các cuộc mít tinh diễn thuyết ở sân đình, bãi chợ, ở các trường học, đặc biệt chú trọng các vùng xung yếu. Các tổ tuyên truyền xung phong đi về các làng vận động tập hợp quần chúng, giới thiệu cán bộ Việt Minh diễn thuyết, tố cáo tội ác của Nhật, vạch trần kiểu độc lập "bánh vẽ" của Chính phủ Bảo Đại - Trần Trọng Kim, giới thiệu cờ đỏ sao vàng (cờ Việt Minh), giải thích chương trình hoạt động, Điều lệ của Việt Minh, nói rõ tin tức thắng lợi của ta ở chiến khu Cao - Bắc - Lạng, của du kích Ba Tơ, tin Hồng quân Liên Xô thắng phát-xít Nhật, cổ động phong trào sản xuất chống đói; phong trào toàn dân luyện tập quân sự, phong trào rèn đúc vũ khí cầm tay như gươm, kiếm, giáo mác. Qua các phong trào giúp Việt Minh cơ sở chọn lựa những thanh niên hăng hái nhiệt tình cách mạng kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc, bổ sung vào lực lượng tự vệ của làng, của tổng, của huyện, đồng thời tổ chức các lớp truyền bá quốc ngữ, thông qua các lớp học này mà tuyên truyền giác ngộ cho quần chúng lầm than. Ban ngày lao động sản xuất, ban đêm quần chúng tấp nập kéo đến lớp học tập bên cạnh những "đĩa dầu chuồn" tiếng i tờ, tờ - i - ti... vang lên mọi nơi như báo hiệu có sự đổi đời sắp đến... Sau mỗi buổi học, anh chị em tự vệ ở lại tập võ, đến 12 giờ khuya, 1 giờ sáng mới về nhà nghỉ.

Bên cạnh các hoạt động nói trên, Đoàn Thanh niên Cứu quốc ở các cơ sở được sự hướng dẫn, giúp đỡ của ủy ban Việt Minh, đã tập hợp được những người có năng khiếu văn nghệ, nói vè, diễn kịch thành lập tổ văn nghệ. Tổ văn nghệ có nhiệm vụ tập các bản nhạc sôi động như Cùng nhau đi hồng binh (của Đinh Nhu), Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên (của Lưu Hữu Phước)..., tổ chức lửa trại, trình diễn một số hoạt cảnh như: "Phi Hồng - Nguyễn Trãi ", "Hội nghị Diên Hồng"... đã góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước và động viên ý chí của nhân dân Quảng Trị trong cuộc chiến đấu sống còn của dân tộc.

Cuối tháng 7-1945, vào một đêm tối trời, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đoàn Thanh niên Cứu quốc huyện Hải Lăng đã tổ chức một buổi "Liên hoan văn nghệ bằng lửa trại" tại Phú Long thu hút hàng ngàn thanh niên và các tầng lớp khác ở các làng Thượng Xá, An Thái, Đại Nại, Ba Khê, Long Hưng, Trí Bưu, Tân Tường, Như Lệ... đến dự. Giữa buổi lửa trại, cờ đỏ sao vàng (cờ Việt Minh) xuất hiện, toàn thể nhân dân ngồi quanh bếp lửa đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh. Đồng chí Nguyễn Quýnh(1) diễn thuyết cách mạng nói về tình hình thế giới, trong nước kêu gọi toàn dân đoàn kết dưới cờ Việt Minh, cùng nhau cứu nước, giành lại độc lập tự do...

Sáng sớm hôm sau, hàng ngàn thanh niên và đại diện các tầng lớp khác với đội ngũ chỉnh tề, có băng khẩu hiệu: "Đả đảo bọn xâm lược và tay sai", "Việt Nam độc lập",... có cờ đỏ Việt Minh tung bay. Đoàn kéo biểu tình vừa đi rầm rập vừa hô khẩu hiệu vang động. Xuất phát từ Phú Long, ra ga La Vang, ngang qua các làng Thượng Xá, Mai Đàn... đoàn biểu tình ngang qua làng nào, thanh niên làng đó xếp hàng nghiêm trang ở hai bên đường giơ tay chào, khi đoàn biểu tình đi qua thì nhập theo đoàn, làm cho đoàn biểu tình mỗi lúc một dài thêm. Đoàn biểu tình kéo vào chợ Diên Sanh, dừng lại tổ chức mít tinh, diễn thuyết, kêu gọi, hô khẩu hiệu... Sau đó đoàn biểu tình theo đường Diên Sanh - Mỹ Thủy, đến Hội Yên rồi vòng lên qua làng Lam Thủy, Duân Kinh, tập trung tại làng Trà Lộc, tổ chức mít tinh với quy mô toàn huyện...

Các cuộc mít tinh biểu tình tuần hành lúc này theo chủ trương của tỉnh là nhằm thị uy, thăm dò thái độ của địch, đồng thời qua đó thử thách, tập dượt lực lượng quần chúng.

Phong trào cách mạng của quần chúng lên mạnh, ngày nào cũng có hàng chục cuộc mít tinh, biểu tình nổ ra ở các làng, các tổng. Bọn chánh, phó tổng, lý trưởng, hương hào run sợ, co vòi, mất hết khả năng đàn áp cách mạng... Quần chúng nhân dân nông thôn nổi dậy làm chủ khắp nơi.

Phong trào Việt Minh phát triển mạnh ở nông thôn đã có ảnh hưởng tốt đến vùng đô thị, nhiều thanh niên trí thức, công chức ở thị xã tỉnh lỵ và thị trấn Đông Hà tìm bắt liên lạc với cán bộ Việt Minh, tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, đội Tự vệ Cứu quốc...

Trên thế giới, Liên Xô thực hiện lời cam kết ở Hội nghị Yanta, tuyên chiến với Nhật và đánh tan đạo quân Quan Đông tinh nhuệ của chúng...

Trước tình hình đó, đêm 13-8-1945 tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.

Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ, bài hát Tiến quân ca (của nhạc sĩ Văn Cao) làm Quốc ca và cử ra ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ Cách mạng Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

ở tỉnh ta, vấn đề cấp bách được đặt ra lúc này là phải thống nhất các lực lượng cách mạng trong tỉnh, lập ra một cơ quan lãnh đạo thống nhất để tổ chức và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa. Ngày 18-8-1945, Hội nghị toàn tỉnh được triệu tập tại làng Phước Lễ. Hội nghị bàn kỹ về tình hình quần chúng, về tình hình thanh niên tự vệ chiến đấu, về việc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, về tình hình và thái độ của ta đối với quân Nhật, với lực lượng bảo an binh và đối với chính quyền bù nhìn... Hội nghị đã tiếp thu lệnh Tổng khởi nghĩa của ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

"Hỡi đồng bào yêu quý!



Giờ quyết định của vận mệnh dân tộc ta đã đến! Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang đua nhau tiến bước giành độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.

Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Tổ quốc, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên".

Trong giờ phút thiêng liêng nghìn năm có một này, mọi người dự Hội nghị như mở cờ trong bụng, phấn khởi trào lên, háo hức, sôi nổi... Hội nghị toàn tỉnh vạch ra Nghị quyết lịch sử gồm 14 vấn đề quan trọng, trong đó có một số vấn đề cơ bản như:



- Phổ biến đến từng công dân, niêm yết đến từng làng, từng xóm các khẩu hiệu khởi nghĩa, lời hiệu triệu của Đảng và mười chính sách lớn của Việt Minh.

- Gấp rút tuyển chọn thanh niên tự vệ, thành lập lực lượng vũ trang cách mạng, chú trọng các đội cảm tử.

- Nghiêm cấm mọi hành động phá hoại, cấm manh động, giữ vững trật tự an ninh.

- Thành lập ủy ban khởi nghĩa tỉnh và các phủ, huyện.

- Ngày khởi nghĩa của tỉnh là đêm 22 sáng ngày 23-8-1945.

- Lực lượng khởi nghĩa ở thị xã tỉnh lỵ đều do huy động lực lượng thanh niên và các tầng lớp khác ở phủ Triệu Phong và một số làng của các tổng: An Thái, Văn Vân thuộc phủ Hải Lăng.

Sau cùng, Hội nghị toàn tỉnh đã bầu năm đồng chí vào ủy ban khởi nghĩa tỉnh, do đồng chí Trần Hữu Dực làm Chủ tịch.

Với tinh thần "dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được tự do độc lập" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, sau khi được truyền đạt Lệnh Tổng khởi nghĩa, hàng vạn thanh niên và tầng lớp khác trong tỉnh nhanh chóng chớp lấy thời cơ, gấp rút khởi nghĩa.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị toàn tỉnh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ủy ban Khởi nghĩa tỉnh và của các phủ, huyện, từ đồng bằng đến đô thị, từ vùng biển đến miền núi, rừng rực khí thế chiến đấu, đâu đâu cũng bật lên một sức trỗi dậy mạnh mẽ, mau lẹ phi thường của tuổi trẻ và các tầng lớp khác. Khắp cả tỉnh, lực lượng chính trị hùng hậu của nhân dân được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cách mạng đã áp đảo địch. Khi có lệnh khởi nghĩa của ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, của các ủy ban khởi nghĩa phủ huyện phát ra, các lực lượng khởi nghĩa có đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt, với dao búa, giáo mác, gậy tầm vông và một ít súng cướp được của địch đã rầm rập tiến vào tỉnh lỵ, phủ, huyện lỵ đánh đổ chính quyền thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Quảng Trị (tỉnh lỵ) các phủ huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh vào đêm 22 rạng ngày 23-8-1945, tiếp đến là khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Hà - Cam Lộ vào ngày 24-8-1945, đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô khởi nghĩa giành chính quyền ở Khe Sanh - huyện lỵ Hướng Hóa vào ngày 25-8-1945.

Tại cuộc mít tinh lớn tổ chức tại thị xã Quảng Trị vào lúc 9 giờ ngày 23-8-1945, thay mặt ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố: Thành lập ủy ban nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh, xóa bỏ chính quyền bù nhìn thân Nhật. Căn cứ Nghị quyết Trung ương khi cuộc khởi nghĩa kết thúc thắng lợi thì ủy ban khởi nghĩa các cấp sẽ chuyển thành ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, đảm nhiệm quản lý mọi công việc của Nhà nước.

Từ nay, chính quyền thuộc về nhân dân, vì nhân dân và phục vụ nhân dân. Tất cả già, trẻ, gái, trai Quảng Trị thề quyết giữ chính quyền cách mạng đến cùng.

* * *

Từ năm 1925 đến năm 1945 là thời kỳ đặc biệt trong tiến trình cách mạng Việt Nam đi vào quỹ đạo của phong trào cách mạng vô sản thế giới vì mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đây là thời kỳ mà lãnh tụ Nguyễn ái Quốc dành hết tâm lực dựa vào tuổi trẻ, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời Người cũng đã sáng lập, rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản với những đoàn viên đầu tiên và thường xuyên chỉ đạo, theo dõi sự lớn mạnh của Đoàn.



ở Quảng Trị, một lớp thanh niên với lứa tuổi mười tám, đôi mươi đi theo con đường Nguyễn ái Quốc và tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, bất chấp gươm súng, tù đày dã man của thực dân, đế quốc, phong kiến phản động. Đó là những học sinh, thanh niên trí thức kiên cường như Lê Văn Nhuận (sau đổi thành Lê Duẩn), Trần Hữu Dực, Nguyễn Đình Từ, Đoàn Lân, Trần Ngung, Hoàng Hữu Chấp, Trần Mạnh Quỳ, Hồ Xuân Lưu, Hồ Chơn Nhơn, Lê Chưởng, Trần Công ái, Đoàn Khuê, Đặng Thí, Hồng Chương và nhiều thanh niên khác...

Công lao to lớn của các đoàn viên, thanh niên, đảng viên cộng sản tiền bối ấy đã góp phần xuất sắc xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn chẳng những trong phạm vi Quảng Trị mà còn trên mọi miền của đất nước, từ Bắc đến Nam trong thời kỳ hoạt động bí mật (1930 - 1945) đầy gian khổ, khó khăn, đấu tranh quyết liệt với quân thù.

Trong cuộc đấu tranh sống mái với quân thù trong thời kỳ đầu, không ít đoàn viên, thanh niên sa vào tay giặc. Mặc dù bị chúng tra tấn dã man hoặc dùng đủ mọi mánh khóe dụ dỗ, mua chuộc nhưng trước sau như một, anh chị em đoàn viên, thanh niên bị giam ở các nhà tù của thực dân đế quốc vẫn luôn luôn nêu cao tinh thần bất khuất, giữ vững lời thề khi vào Đoàn, vào Đảng, thực sự xứng đáng là đội ngũ dự bị và đội xung kích cách mạng của Đảng bộ Quảng Trị trong các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1940 - 1945.

Sự lớn mạnh và trưởng thành của Đoàn Thanh niên và phong trào thanh, thiếu nhi trong chặng đường 1925-1945 là điều kiện hết sức quan trọng để Đoàn tiếp tục gánh vác nhiệm vụ vẻ vang cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và nhân dân cả nước bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng, đưa sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ngày một tiến lên.



Каталог: Chuyende
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam huyện nam đÔng độc lập Tự do Hạnh phúc
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> ĐỀ CƯƠng ôn tập thi tốt nghiệp môn tiếng anh năm học 2012- 2013
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố ĐÀ NẴng độc lập Tự do Hạnh phúc
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
Chuyende -> Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013

tải về 1.58 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương