LỊch sử ĐOÀn thanh niên cộng sản hồ chí minh


Tuổi trẻ khu vực Vĩnh Linh tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội làm tròn nghĩa vụ của hậu phương đối với chiến trường Quảng Trị (1968-1973)



tải về 1.58 Mb.
trang9/13
Chuyển đổi dữ liệu17.07.2016
Kích1.58 Mb.
#1784
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13

Tuổi trẻ khu vực Vĩnh Linh tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội làm tròn nghĩa vụ của hậu phương đối với chiến trường Quảng Trị (1968-1973).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy khu vực họp, xác định lại vị trí của khu vực trong tình hình mới và ra Nghị quyết: "Khẩn trương tăng cường lực lượng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ hàng đầu; đồng thời tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi đẩy mạnh sản xuất, bồi dưỡng sức dân, xây dựng từng bước cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo cho nhu cầu trước mắt và tạo cơ sở cho nhiệm vụ lâu dài trên cơ sở củng cố không ngừng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa để chủ động đối phó với địch trong bất cứ tình huống nào".

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, đoàn viên, thanh niên trong các lực lượng vũ trang tích cực thực hiện chương trình huấn luyện quân sự; thanh niên dân quân tự vệ được tăng cường về cả số lượng (chiếm 38% tổng số dân có mặt tại khu vực) và chất lượng (78% tổng số đoàn viên, thanh niên lao động tham gia lực lượng dân quân tự vệ). Về phục vụ tiền tuyến, tính riêng năm 1969 tuổi trẻ khu vực Vĩnh Linh đã đóng góp 10.247 ngày công. Về phục vụ công tác chiến đấu tại chỗ: Đoàn viên, thanh niên đã đi đầu trong việc tu sửa 310km giao thông hào cũ, đào thêm 20km giao thông hào mới, nâng cấp 875 hầm chữ A, 1.655 hầm trú ẩn cá nhân...

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đây là một tổn thất vô cùng to lớn của cả dân tộc Việt Nam. Người đã để lại di chúc thiêng liêng căn dặn đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sum họp một nhà".

Tại buổi lễ truy điệu tổ chức ngày 7-9-1969, Ban Chấp hành Đảng bộ khu vực đã kêu gọi quân dân và thanh niên trong khu vực: "Biến đau thương thành hành động cách mạng, thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trên mọi mặt chiến đấu, sản xuất, phục vụ tiền tuyến, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, thực hiện thắng lợi trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh"(1).



Thực hiện lời di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, theo nguyện vọng tha thiết của thế hệ trẻ và theo đề nghị của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết cho Đoàn Thanh niên Lao động, Đội Thiếu niên và Đội Nhi đồng được mang tên Bác.

  • Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đổi là: Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.

  • Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam đổi là: Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

  • Đội Nhi đồng Việt Nam đổi là: Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh.

  • Đoàn ta mang tên Bác là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề trước vận mệnh của đất nước. Hội nghị lần thứ 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh (khóa III) với niềm xúc động sâu sắc đã thiết tha kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên: “Hãy ra sức thi đua sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập. Chúng ta quyết học tập và làm theo 5 điều Bác dạy, rèn luyện lập trường tư tưởng, trau dồi đạo đức phẩm chất cách mạng, nâng cao trình độ về mọi mặt, phấn đấu trở thành lớp người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" như Bác Hồ đã dạy".(1)

  • Hội nghị cũng kêu gọi các em thiếu niên, nhi đồng: "Hãy học tập và làm theo 5 điều Bác dạy, thi đua làm nghìn việc tốt, ra sức xây dựng Đội vững mạnh, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ"(2).

  • Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ủy khu vực (7-9-1969), thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, khu Đoàn khu vực Vĩnh Linh đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tập trung sâu rộng về Bác Hồ trong đoàn viên và thanh niên, làm cho mọi người thấm nhuần công lao, sự nghiệp, đạo đức của Bác: Trải qua nửa thế kỷ đấu tranh oanh liệt, Đoàn ta và tuổi trẻ Việt Nam luôn luôn được sự quan tâm, chăm sóc và sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Đánh giá đúng đắn khả năng cách mạng to lớn của thanh niên, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên thành đội quân xung kích của cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc. Từ "Bức thư tâm huyết" gửi thanh niên Việt Nam hồi đầu thế kỷ đến lời di chúc cuối cùng, Bác Hồ luôn giành cho thế hệ trẻ Việt Nam tình cảm thương yêu trìu mến và sự ân cần chăm sóc lớn lao.

  • Được Đảng, Bác Hồ giáo dục và rèn luyện, các thế hệ thanh niên nước ta nói chung, của khu vực Vĩnh Linh - Quảng Trị nói riêng đã trưởng thành nhanh chóng và có những cống hiến xứng đáng. Bác Hồ và Đảng ta đã coi sự trưởng thành của lớp lớp thanh niên nước ta là một trong những thành quả vĩ đại của cách mạng, có quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mai sau, làm cho Người khi còn sống: "Rất tự hào, sung sướng và thấy mình như trẻ lại". Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ kính yêu đã để lại cho thanh thiếu niên và nhi đồng nước ta: "Muôn vàn tình thương yêu". Người đánh giá " Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ" và căn dặn: " Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết ".

  • Đợt sinh hoạt chính trị đã thu hút hầu hết đoàn viên, thanh niên hoạt động trên các lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội tham gia, nhiều đoàn viên, thanh niên tự liên hệ bản thân, nói lên lòng biết ơn không bờ bến của mình đối với Bác, với Đảng. Phong trào đăng ký chương trình hành động cách mạng và kế hoạch tu dưỡng rèn luyện của cá nhân, của tập thể gửi Khu Đoàn, nguyện: "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại". Khẩu hiệu đó đã trở thành hành động cụ thể, thân thiết và gần gũi nhất đối với mỗi đoàn viên và thanh niên.
    Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, đoàn viên, thanh niên chủ động nhận nhiệm vụ khó khăn nhất của hợp tác xã, đi đầu trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công tác thủy lợi, đi đầu trong phong trào khai hoang phục hóa, làm phân bón. Chi đoàn Tiên Cư (Vĩnh Sơn) nêu khẩu hiệu hành động: "Tuần trăng thủy lợi, giờ trưa bờ vùng". Trong vụ chiêm 1970, đoàn viên, thanh niên toàn khu vực đã lập 102 "Tổ gặt xung kích" với mức khoán 10 thước - công, anh chị em đã gặt đạt
    1 sào 10 thước - công. Đoàn viên, thanh niên chú trọng sử dụng các loại xe cải tiến chở phân ra ruộng, chở lúa từ ruộng về sân hợp tác xã. Việc cấy lúa theo kỹ thuật mới được đoàn viên, thanh niên hăng hái tiếp thu và thực hiện. "Cánh đồng 5 tấn", "Khu màu chống Mỹ" do đoàn viên, thanh niên xây dựng và tự quản xuất hiện ở nhiều nơi.

  • ở miền núi, đoàn viên, thanh niên ở các xã, bản bám nương rẫy, thực hiện định canh, tiến dần tới định cư, đã có tác dụng lôi cuốn ngày càng nhiều nông dân thực hiện. Góp phần khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống nhân dân về vật chất, tinh thần.

  • Đoàn viên, thanh niên trong các công trường, lâm trường, nông trường, xí nghiệp, trong các đơn vị thanh niên xung phong, các đơn vị hành chính đã phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của Đoàn, đương đầu với khó khăn, đi đầu trong sản xuất, công tác. Thanh niên "Cơ khí Đăng Khoa" với phong trào "Hai mũi tiến công" đã vượt kế hoạch 123% (1970). Đoàn viên, thanh niên trong các ngành vật tư đã tích cực góp phần cùng đơn vị đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của các xí nghiệp, hợp tác xã, công trường, nông trường. Đoàn viên, thanh niên nông trường Quyết Thắng đã mở lớp đào tạo hàng chục nam nữ thanh niên trở thành công nhân thành thạo về thu hoạch mủ cao su và hái tiêu, sấy chè. Đoàn viên, thanh niên ngành thương nghiệp cùng với đơn vị tổ chức phục vụ tốt đời sống nhân dân, cán bộ, bộ đội, chú ý cải tiến lề lối làm việc trong các cửa hàng lớn với hình thức mở các "Gian hàng thanh niên", "Quầy hàng thanh niên" ở nhiều nơi, tạo điều kiện cho nhân dân mua, bán. Đoàn viên trong chi đoàn máy kéo của Ty Nông nghiệp ngày đêm bám máy, bám đồng ruộng, nêu cao quyết tâm cày nhanh, giúp bà con nông dân cấy đúng thời vụ. Đoàn viên, thanh niên trong các lực lượng vũ trang, bán vũ trang không ngừng nâng cao cảnh giác, giữ vững tư tưởng tiến công cách mạng, bám địa bàn chiến đấu, bám sát cơ sở, bảo vệ an toàn địa bàn trong mọi tình huống.

  • Đi đôi với các mặt công tác nói trên, Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh và Hội Thanh niên Việt Nam khu vực Vĩnh Linh luôn chú ý công tác thiếu niên, nhi đồng. Hầu hết các chi đoàn tổ chức quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa III) nhằm làm cho mọi đoàn viên trong khu vực nhận thức đầy đủ hơn nữa trách nhiệm của Đoàn trong công tác đào tạo, giáo dục thiếu niên, nhi đồng... . Từ đó, việc giáo dục các em làm theo 5 điều Bác Hồ dạy được đẩy mạnh hơn trước. Số chi đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh làm tốt công tác thiếu niên, nhi đồng xuất hiện ngày càng nhiều, nổi lên có chi đoàn ở xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Trung, Vĩnh Giang, Vĩnh Nam...

  • Đoàn viên, thanh niên ở trường học luôn xác định đúng vị trí chiến đấu của mình làm đầu tàu trong phong trào "Hai tốt", kiên trì thực hiện nguyên lý và phương châm giáo dục của Đảng trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Đoàn đã đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho toàn thể đoàn viên, thanh niên, học sinh...

  • Từ ngày 25-4 đến ngày 05-05-1970, Đảng ủy khu vực mở Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 18 (khóa III). Hội nghị nhận định âm mưu địch đối với khu vực trong thời gian tới là: Bằng phi pháo, Mỹ - ngụy sẽ đánh phá ta có trọng điểm một cách ác liệt; bằng biệt kích, thám báo tập kích, nhất là tập kích bằng máy bay, đổ bộ bằng lực lượng nhỏ vào các trọng điểm do ta sơ hở, mất cảnh giác, tiến công bằng thủy, lục, không quân ra Vĩnh Linh, Quảng Bình...

  • Từ nhận định đó, Hội nghị đề ra phương hướng nhiệm vụ: “Xây dựng tinh thần kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn; thường xuyên nâng cao cảnh giác, tinh thần cách mạng tiến công...” Hội nghị nhấn mạnh: “Chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ hàng đầu; đồng thời tranh thủ thời cơ từng giờ từng ngày để sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, bảo vệ cơ sở vật chất hiện có để làm cơ sở cho nhiệm vụ chiến đấu thắng lợi”.

  • Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, với tinh thần: "Chiến trường cần gì, hậu phương sẵn sàng đáp ứng", đoàn viên, thanh niên khu vực đã đóng góp hàng vạn ngày công phục vụ chiến dịch đường 9 - Nam Lào, góp phần làm tốt khâu hậu cần của các đơn vị bộ đội chủ lực đứng chân chuẩn bị chiến dịch. Thanh niên nông thôn đẩy mạnh sản xuất. Vụ Đông-Xuân 1970 - 1971 tăng 0,64% diện tích gieo trồng (so với Đông-Xuân 1969 - 1970). Tổng sản lượng lúa năm 1971 tăng 833 tấn so với năm 1970.

  • Về giáo dục, mở thêm trường văn hóa tập trung, thường xuyên có 400 học viên là thanh niên dân quân, cán bộ thôn, xã theo học. Mặt khác, đảng viên, đoàn viên là giáo viên trong ngành giáo dục còn tranh thủ mở các lớp bổ túc văn hóa khắp các thôn, xã.

  • Về y tế, toàn khu vực có 4 bệnh viện, hai bệnh xá, 23 trạm xá, 56 tổ y tế ở 56 hợp tác xã trong khu vực, cán bộ, bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ sinh đều đang ở lứa tuổi hai mươi, tinh thần hăng hái phục vụ, nhiệt tình với nghề nghiệp, phục vụ bệnh nhân (trong đó có nhiều thương binh, bệnh binh ở chiến trường Trị Thiên ra điều trị) rất tận tụy, chu đáo.

  • Trải qua phấn đấu, rèn luyện, nhiều đoàn viên, thanh niên trưởng thành mau chóng. Tính riêng năm 1970, toàn khu vực có 671 đoàn viên ưu tú được kết nạp đảng viên "Lớp Hồ Chí Minh".

  • Ngày 08-11-1971, Đại hội đại biểu Đảng bộ khu vực Vĩnh Linh khai mạc. Sau khi đánh giá tình hình nhiệm kỳ qua, Đại hội đề ra phương hướng nhiệm kỳ 1972 - 1973, bàn các biện pháp tổng hợp nhằm đạt mục tiêu: 4 tấn thóc, 8 tấn sắn, 7 tấn khoai, 2 con lợn trên một hecta gieo trồng...”

  • Ngày 14-11-1971, đại diện các tỉnh và khu vực Vĩnh Linh (của khu IV) họp Hội nghị Liên tịch, với nội dung bàn công tác tuyển quân, huy động lực lượng dân công phục vụ giao thông vận tải, công tác phòng không nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

  • Tết Nguyên Đán (1971 - 1972) quân dân và thanh niên khu vực Vĩnh Linh vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm, chúc Tết. Đồng chí căn dặn: "Công việc sắp tới còn nặng nề, gian khổ, các đồng chí phải đào tạo lớp cán bộ trẻ có tài năng để đảm đương nhiệm vụ..."

  • Đầu năm 1972, sau khi quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị thường vụ Quân khu ủy Quân khu IV, Thường vụ Đảng ủy khu vực họp bất thường ra Nghị quyết về một số nhiệm vụ đột xuất trước mắt gồm các nội dung:
    - Kiên quyết đập tan mọi cuộc phản kích của Mỹ - ngụy, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay, bắt gọn giặc lái, bắn cháy, bắn chìm nhiều tàu chiến địch.
    - Chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức, cơ sở vật chất, công sự, trận địa để chiến đấu trong điều kiện địch liều lĩnh đánh ra khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình...
    - Chuyển mọi sinh hoạt của nhân dân trở lại thời chiến. Đặc biệt quan tâm và có trách nhiệm đầy đủ đối với bà con hai huyện Gio Linh, Cam Lộ... sơ tán ra với số lượng lớn từ 4 đến 5 vạn người, bằng cách huy động lực lượng đào hầm trú ẩn, phân tán nơi ăn, chỗ ở, quyết hạn chế mọi thiệt hại do bom đạn...”
    Mùa xuân năm 1972, ngoài việc tăng cường thực lực cho tiền tuyến, khu vực Vĩnh Linh khẩn trương chuẩn bị kế hoạch tác chiến theo mệnh lệnh của Quân khu IV, sẵn sàng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ nếu chúng liều lĩnh gây lại.

  • Tóm lại, thời kỳ này công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khu vực Vĩnh Linh đạt được những kết quả tích cực sau đây:

Năm 1972 - Năm chiến đấu, phục vụ tiền tuyến cao nhất, đầy khó khăn, gian khổ nhưng lực lượng thanh niên Vĩnh Linh vẫn kiên định, vững vàng, sát cánh cùng Đảng bộ, quân, dân khu vực xung kích trên mặt trận chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ vững sản xuất.
Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, thanh niên Vĩnh Linh từ nông thôn đến thành thị, thị trấn, miền biển, miền núi, cơ quan, xí nghiệp... đã dấy lên cao trào phục vụ tiền tuyến hết sức sôi nổi. Cấp trên điều đi ít, thanh niên xin đi nhiều hơn. Lớp trước chưa về, lớp sau đã xin ra trận, người ở hậu phương sẵn sàng làm thêm việc, thay việc cho người ra đi. ở đâu cũng nêu quyết tâm “Đảm bảo số lượng, vượt thời gian, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Trong năm thanh niên đã đóng góp 300.000 ngày công phục vụ tiền tuyến, cùng Đảng bộ và nhân dân đón tiếp, giúp đỡ gần 8 vạn bà con Quảng Trị sơ tán ra Vĩnh Linh với tình nghĩa ruột thịt sâu đậm.

Sau ngày Hiệp định Paris ký kết, với tư thế của người chiến thắng, thanh niên đã chuyển phong trào “3 sẵn sàng” vào nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh. Phong trào làm thủy lợi, kiến thiết lại đồng ruộng phát triển mạnh mẽ, đã có nhiều chi đoàn, xã đoàn ra quân sôi nổi, có biện pháp tổ chức tốt như xã đoàn Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Long, Vĩnh Sơn, Vĩnh Nam, Vĩnh Giang, chi đoàn Hiền Lương - Vĩnh Thành. Trong chiến dịch thủy lợi “Đất thép ra quân Đông-Xuân thắng lợi”, hàng ngàn thanh niên nam nữ đã có mặt trên 15 công trình thủy lợi của khu vực, đào đắp trên 17 vạn mét khối đất. Tiêu biểu là kiện tướng Nguyễn Văn Tuyết, năng suất đào đắp mỗi ngày từ 15-17m3, được ủy ban hành chính khu vực khen thưởng.


Thanh niên trong các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lâm trường, nông trường... nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở, đẩy mạnh sản xuất. Các hình thức hoạt động phổ biến là xe thanh niên, máy thanh niên, vườn cây thanh niên, phân xưởng thanh niên. Một số cơ sở Đoàn và đoàn viên thanh niên trong các xí nghiệp đã thể hiện phong cách lao động mới, nêu cao ý thức làm chủ, thực sự là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua lao động sản xuất như: Xí nghiệp cơ khí nông cụ, Xí nghiệp Lê Thế Hiếu, Nông trường Quyết Thắng. Tiêu biểu có Trần Đức Thưởng ở tổ đúc - Xí nghiệp cơ khí có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần sản xuất mặt hàng mới, làm lợi cho đơn vị hàng nghìn đồng. Đào Thị Hòa ở lâm trường trồng rừng biết quản lý và tổ chức sản xuất sáng tạo luôn vượt mức kế hoạch.

Về tổ chức: Lực lượng thanh niên toàn khu vực là 13.000, trong đó có 9.000 đoàn viên. Sau đại hội Khu Đoàn lần thứ IV, các tổ chức Đoàn đều được kiện toàn.


Trong hai năm 1972-1973, Đoàn đã đào tạo bồi dưỡng được 350 cán bộ cho Đảng, trong đó có 72 đồng chí đảng ủy viên cơ sở, 95 đồng chí ủy viên chi bộ. Tỷ lệ cán bộ trẻ trong các cơ quan chính quyền các cấp chiếm 30%, trong cơ quan quản lý kinh tế là 30%, cơ quan quân sự 65%. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật gồm có 200 người có trình độ đại học, 500 người có trình độ sơ, trung cấp chiếm tỷ lệ 75%, 196 đồng chí đoàn viên được kết nạp Đảng chiếm tỷ lệ 97% đảng viên mới.

IV. Cùng cả tỉnh, cả nước tiến lên giải phóng hoàn toàn quảng trị, thống nhất tổ quốc (1973-1975)

Sau khi ký Hiệp định Pari về Việt Nam, mặc dù phải rút hết quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc ra khỏi miền Nam Việt Nam vào ngày 29-3-1973, nhưng Oasinhtơn vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, biến miền Nam thành một “quốc gia” thân Mỹ mà thực chất vẫn là thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Từ sau ngày Hiệp định Pari có hiệu lực, Đảng ta đã dự kiến hai khả năng: Hoặc là hoà bình được duy trì, Hiệp định được thực hiện từng bước, phong trào cách mạng miền Nam có điều kiện phát triển những bước mới hoặc là chiến tranh sẽ tiếp tục, Đảng ta cho rằng đã rút quân về nước, quân Mỹ khó quay trở lại và nếu có thì chỉ có thể dùng không quân, hải quân để cứu nguy. Ta ra sức tranh thủ khả năng một và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với khả năng hai.


  1. Tuổi trẻ Quảng Trị tiếp tục tiến lên giải phóng phần đất còn lại, góp phần giải phóng miền Nam vào ngày 30-4-1975.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Lời kêu gọi của ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam nhân dịp Hiệp định Pari về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27-01-1973, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị, Tỉnh Đoàn Nhân dân Cách mạng tỉnh và Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng tỉnh Quảng Trị đã tổ chức học tập tình hình và nhiệm vụ mới trong tuổi trẻ, nhằm làm cho mọi đoàn viên, thanh niên hiểu rõ trong giai đoạn cách mạng mới: Quân dân và thanh niên Quảng Trị phải làm hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: “Tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng trong vùng địch tạm chiếm; xây dựng vùng giải phóng và căn cứ địa miền núi vững mạnh về mọi mặt”.

Hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng đó có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau phục vụ cho mục đích chung là giải phóng, thu hồi phần đất phần dân còn lại của quê hương, góp phần tích cực cùng toàn miền và cả nước đấu tranh đưa cách mạng miền Nam tiến lên, hoàn thành chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước...”. Trong đợt học tập, xã Đoàn ở các xã, nhất là các xã dọc tuyến tiếp xúc giữa ta và địch đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tìm hiểu về pháp lý của Hiệp định Pa ri một cách đầy đủ...

Sau đợt học tập, theo sự hướng dẫn của cán bộ binh vận tỉnh, đoàn viên, thanh niên ở các vùng tiếp giáp đã dùng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như dùng loa kêu gọi, tiếp xúc trực tiếp với binh lính, sĩ quan ngụy ở các chốt, ở các “Nhà hoà hợp”... Bất kỳ ở đâu, làm việc gì, cán bộ, đoàn viên, thanh niên Quảng Trị luôn luôn tuyên truyền, phổ biến nội dung Hiệp định Pa ri, chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đối với binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn, nhất là nói rõ thắng lợi to lớn của cách mạng, thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ, đặc biệt nói rõ chính sách hoà hợp dân tộc của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, khuyên họ tìm gặp cán bộ, bộ đội giải phóng để bàn việc hoà hợp, thực hiện hoà giải dân tộc.

Cùng trong thời gian từ khi Hiệp định Pa ri có hiệu lực, tuổi trẻ Quảng Trị đã “Biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành quyết tâm vượt mọi khó khăn, đẩy mạnh hơn bao giờ hết sự nghiệp khôi phục sản xuất, xây dựng cuộc sống”. Tính trong 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4-1973), ở Triệu Phong: Đoàn viên, thanh niên đã đóng góp 25.467 công lao động để xây dựng lại quê hương. Đại đội “Thanh niên tình nguyện xây dựng lại quê hương” của huyện đã san lấp hàng trăm hố bom, hố đạn để làm lại 2 con đường trong huyện dài 8km (rộng 4m); nạo vét một khúc sông, khôi phục một chợ; thanh niên các xã trong huyện đã tu sửa 28km đường làng, xây dựng 46 lớp học, 12 trạm xá xã, làm 16 nhà (trụ sở của UBND xã), san lấp 236 hố bom, dựng 102 trạm tin, 42 cổng chào, làm và tu sửa 302 bến tắm, giếng nước, giúp đỡ các gia đình chính sách, neo đơn nhanh chóng làm lại nhà ở (sau khi đi sơ tán về). ở Gio Linh, thành lập “Đội thanh niên tình nguyện xây dựng quê hương” gồm 200 đoàn viên, thanh niên với nhiệm vụ cấp thiết là khôi phục lại đồng muối. Thanh niên xã Gio Lễ trong 4 ngày đào đắp một con mương dẫn nước dài hơn 1000m; thanh niên xã Gio Hải dựng xong 1 trạm xá và 1 nhà hộ sinh, 130 hội viên thanh niên giải phóng xã Gio Hà đã đóng góp 1.317 công, đào được 2.064m hào giao thông, 4.027 hầm chữ A và hầm cá nhân, tổ chức lên rừng lấy vật liệu về làm trạm xá xã, xây dựng trường tiểu học xã, làm 1446 hố xí, 170 nhà tắm. Ngoài ra, họ còn thành lập 5 đội văn nghệ nghiệp dư của thôn và xã. Qua thử thách, 28 thanh niên được kết nạp vào Đoàn (trong đó có 12 thanh niên trước đây ở trong phòng vệ dân sự); thanh niên Trung Giang làm một trường cấp I; thanh niên Trung Hải đắp 1 con đê ngăn nước mặn dài gần 2000m. ở Cam Lộ, thanh niên đóng góp 640 công sửa đập, mương dẫn nước, huy động lực lượng thanh niên cùng với các tầng lớp khác trồng các loại rau xanh cung cấp cho Đông Hà... Thanh niên thị xã Quảng Trị ở nơi sơ tán đã làm 25 nhà ở, tu sửa và làm mới 10 lán, 35 hầm chữ A, đóng góp 920 công giúp dân sửa chữa nhà ở, xây dựng kho, chuyển hàng, dựng trường học, trạm xá, nhà vệ sinh, khôi phục chợ Đông Hà, trồng 3 mẫu rau màu. Đoàn viên, thanh niên ở Ty Công an tỉnh trong 8 ngày đã góp 70 công để làm 1 trường tiểu học (3 lớp). Đoàn viên, thanh niên ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tích cực tham gia xây dựng các công trình: Thư viện thanh niên, sân vận động thanh niên, vườn cây thanh niên, cầu thanh niên, đặt máy phát điện ánh sáng 26-3.


ở miền núi, sau khi được truyền đạt Nghị quyết Khu ủy Trị - Thiên - Huế “Về xây dựng miền núi”, với khí thế cách mạng dấy lên sôi nổi chưa từng có sau gần 20 năm chiến tranh, lại được sự quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ chi viện của Trung ương, của các tỉnh phía Bắc, đoàn viên, thanh niên các huyện: Nam Hướng Hoá, Bắc Hướng Hoá đã nỗ lực tập trung xây dựng và bảo vệ miền núi. Ngoài chức năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, tuổi trẻ trong các lực lượng vũ trang (kể cả lực lượng du kích xã) còn tích cực tham gia xây dựng làng bản, nòng cốt trong lao động sản xuất lương thực, thực phẩm, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an trong nội địa và trên tuyến biên giới Việt - Lào dài 206km....
Từ chỗ bắt đầu khôi phục và xây dựng cuộc sống (khi Hiệp định Pa ri có hiệu lực) hầu như chỉ với hai bàn tay trắng, cả vùng đồng bằng Quảng Trị chỉ còn 2 xóm ít bị tàn phá ở làng Nghĩa An và làng Hà Thượng, còn tất cả đều bị hủy diệt từ 80 - 90%, ở khu vực Đông Hà bị hủy diệt 100%, trong điều kiện vật liệu ở địa phương chưa có gì; song với tinh thần cách mạng tấn công, phát huy ý chí tự lực tự cường của quân dân và thanh niên Quảng Trị, nên chỉ sau một thời gian ngắn vài ba tháng toàn thể các hộ gia đình với gần 13 vạn dân đều có nhà cửa để ở (tuy chưa to đẹp, kiên cố), nhanh chóng ổn định cuộc sống, công tác an ninh, quốc phòng được giữ vững, đủ sức bảo vệ vùng giải phóng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu hành động lấn chiếm và phá hoại của địch từ nhiều phía, nhất là các tuyến tiếp giáp giữa ta và địch và ở vùng biển.

Ngày 1-7-1973, tại vùng căn cứ Tây Ninh, Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam lần thứ II khai mạc. Tại Đại hội, Đoàn và Đội vinh dự được mang tên Bác Hồ vĩ đại. Đại hội phát động phong trào “Ba xung phong gìn giữ hoà bình”...


Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh lần thứ II, Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng tỉnh Quảng Trị chủ trương phát động thanh niên tham gia phong trào “Ba xung phong gìn giữ hoà bình” với nội dung: “Xung phong đấu tranh chính trị; xung phong xây dựng lực lượng vũ trang; xung phong xây dựng vùng giải phóng và căn cứ địa cách mạng”(1).
Nhận rõ vai trò rường cột bảo vệ hoà bình, bảo vệ quê hương, đoàn viên, thanh niên khắp nơi trong tỉnh đã hăng hái tình nguyện tòng quân nhập ngũ. Chẳng hạn như ở Hải Lăng, trong đợt tuyển quân năm 1973, các xã trong huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu quân số, số thanh niên chưa được tòng quân đều tham gia lực lượng dân quân du kích. Hưởng ứng phong trào thi đua “Ba nhanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động, toàn huyện có 45 nữ thanh niên đăng ký vào du kích, 39 nữ thanh niên tham gia học y tá, hộ sinh, 14 nữ thanh niên tham gia công tác thôn, xã...
Về thiếu nhi, nhi đồng: Sau ngày Hiệp định Pa ri có hiệu lực, các em thiếu nhi có điều kiện thuận lợi để phát triển tổ chức và hoạt động. Các đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ở xã, ở địa phương, nhất là ở các trường cấp I đã phát động phong trào “Vâng lời Bác Hồ dạy, em làm việc tốt xây dựng quê hương”(1). Qua phong trào này, các em được tổ chức học tập gương người tốt, việc tốt, lịch sử truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Kết quả của phong trào đã có tác dụng giáo dục và đưa lại hiệu quả tốt trong thiếu nhi. Chẳng hạn, ở Gio Linh: Các đội viên Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Thị Gia, Hoàng Văn Yêm, Trương Khắc ái... đã có tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ bạn trong học tập, các môn học của các em đều đạt điểm 9, điểm 10. ở Triệu Phong, việc làm vệ sinh đường sá, trường học, giếng nước vào chiều thứ bảy hàng tuần đã thành nề nếp trong các đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Các em thường tổ chức lao động tập thể, lấy tiền mua sách vở, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, túng thiếu. ở Hải Lăng, qua phong trào này, các xã Hải Thượng, Hải Quế, Hải Quy, Hải Tân, Hải Phú, Hải Trường đã kết nạp 100% các em vào Đội. Thiếu nhi Hải Thiện trong 5 đêm liền đã diệt được 1593 con chuột. Phong trào tập thể dục buổi sáng đã trở thành nề nếp của thiếu nhi ở xã phường, nổi nhất là ở xã Hải Thượng.

Để hoạt động hè có kết quả, Tỉnh Đoàn và Ty giáo dục Quảng Trị đã họp Hội nghị liên tịch vào ngày 06-7-1973, bàn kế hoạch hoạt động hè của thiếu niên, học sinh. Hội nghị nhất trí lấy tên “Vui hè đại thắng”, với nội dung: “Vui chơi, ôn tập, rèn luyện thân thể, giúp đỡ gia đình và tham gia công tác xã hội, giáo dục 5 điều Bác Hồ dạy cho các em một cách thiết thực, kịp thời biểu dương, khen thưởng các em đạt thành tích xuất sắc”.

Để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất Đông - Xuân sắp tới, ngày 10-8-1973, ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh ra Chỉ thị mở: “Chiến dịch khai hoang”.


Hưởng ứng chiến dịch khai hoang, hàng vạn đoàn viên, thanh niên cùng các tầng lớp khác tiến quân vào chiến dịch khai hoang, đông nhất là ở cánh đồng Dốc Miếu (vùng trọng điểm của tỉnh).

Để phục vụ sự chỉ đạo của tỉnh, trong năm 1973, ngành giao thông, bưu điện tỉnh đã thành lập đơn vị thanh niên xung phong với biệt danh 2516. Khi mới thành lập, đội gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh, phương tiện làm việc và vật liệu thiếu. Nhưng với tinh thần cách mạng tiến công của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên, nhờ đơn vị có tổ chức chặt chẽ, quản lý tốt nhân lực, biết sắp xếp, bố trí công tác phù hợp từng người, cụ thể cho từng bộ phận nên đã phát huy được sức mạnh tập thể, tận dụng được mọi lực lượng và trong năm 1973, đội 2516 đã lập được nhiều thành tích. Nổi bật là ngay sau 3 giờ ngừng bắn (tức sau 3 giờ Hiệp định Pari có hiệu lực) trên một đoạn đường dài hàng chục km đầy hố bom, hố pháo mà anh chị em đoàn viên, thanh niên đã giải quyết thông đường kịp thời phục vụ sự chỉ đạo của tỉnh...

Ngoài việc góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đội thanh niên xung phong 2.516 cùng với hàng trăm đoàn viên, thanh niên là cán bộ công nhân viên trong ngành giao thông bưu điện tỉnh còn phục vụ tốt mọi hoạt động của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam có trụ sở đóng tại thị trấn Cam Lộ từ tháng 6-1973.
ở phía trước (vùng địch chiếm đóng): Trải qua chiến tranh, nhất là qua các đợt phản kích tái chiến của Mỹ - ngụy trong năm 1972, toàn bộ làng mạc, phố xá bị san bằng, không nhà, không có dân, chỉ có sĩ quan, binh lính của 40 tiểu đoàn bộ binh, thiết giáp, pháo binh thuộc 2 sư đoàn dù, thủy quân lục chiến, 50 đại đội bảo an của tiểu khu quân sự Quảng Trị và 4 chi khu quân sự: Triệu Phong, Hải Lăng, Mai Lĩnh, Cam Lộ; mỗi xã có một phân chi khu và cục cảnh sát. Ngoài các lực lượng trên, ở phía trước lúc này còn có hàng ngàn tên gián điệp, biệt kích, đảng phái phản động lén lút hoạt động. Toàn bộ nhân dân bị dồn ép bốc hết vào các tỉnh phía Nam nay trở về đều bị cưỡng ép vào các khu tập trung. Những gia đình có quê ở vùng giải phóng Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá... bị địch cưỡng bức sống trong các khu tập trung dọc theo quốc lộ I (từ xã Hải Phú - quận Mai Lĩnh đến cây số 23 Phong Điền), có một số gia đình chúng cho vào khu tập trung Nam huyện Phú Lộc (Thừa Thiên). Những gia đình thuộc địa phương Hải Lăng và 5 xã của Triệu Phong như: Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trung, bị chúng bắt ép vào sống trong các quy khu theo thế tập trung dọc tỉnh lộ 68, đường từ Diên Sanh đi Mỹ Thủy. Nhân dân thị xã Quảng Trị bị chúng dồn ở tập trung trên các bãi cát trắng, xung quanh tỉnh lỵ (mới thành lập) của ngụy quyền tỉnh Quảng Trị tại Diên Sanh, xã Hải Thọ (Hải Lăng). Đồng bào vạn đò An Thành, Trọng Đức, Cư Xuân, Gia Độ, Đông Hà trước đây ở rải rác trên các con sông: Thạch Hãn, Hiếu, Nhùng, nay bị dồn ở tập trung trên một đoạn của sông Mỹ Chánh...

Để kiểm soát, bọn nguỵ quyền Sài Gòn bắt nhân dân vào các tổ chức phản động do chúng lập ra như “Thanh niên, Thiếu nhi chống cộng”, “Phụ nữ”, “Liên gia”, “Tổ hợp”. Hầu hết thanh niên mới lớn lên đều bị chúng bắt lính. Thực hiện “quân sự hoá” và “cảnh sát hoá” bộ máy nguỵ quyền cơ sở.

Tháng 10-1973, bộ phận “phía trước” của Tỉnh ủy đã mở Hội nghị kiểm điểm tình hình vừa qua, chỉ rõ: Địch ra sức tăng cường và củng cố tuyến phòng ngự giáp ranh Hải Lăng bằng nhiều tầng, nhiều lớp. Chúng bố trí lại lực lượng, củng cố công sự, tìm sơ hở của ta để lấn chiếm đất đai, chúng chốt chặn các ngả đường đi lại, lên, về của ta, xây dựng công sự ở các điểm cao, cho máy bay do thám, tung biệt kích, thám báo vào vùng giải phóng, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý...

Trên cơ sở đó, Hội nghị đề ra nhiệm vụ hoạt động: ở vùng giáp ranh, bộ đội địa phương, thanh niên du kích phối hợp với bộ đội chủ lực bảo vệ vùng giải phóng; ở đồng bằng (vùng địch đóng chiếm) hoạt động của ta phải bảo đảm bí mật, hợp pháp, để móc nối cơ sở, tránh lộ liễu, nóng vội, chủ quan.

Sau Hội nghị, lực lượng vào hoạt động “phía trước” được tăng cường. Trong hoàn cảnh bị địch phong toả, kiểm soát gắt, các chiến sĩ trẻ trong các đội biệt động cùng với cán bộ huyện, xã thay nhau bám cơ sở hoạt động nên đã móc nối được với một số thanh niên ở 14 xã trên 19 xã(1) (ở vùng sâu).

Tháng 3-1974, sau khi quán triệt Hội nghị Trung ương 21 (họp tháng 7-1973), Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Trị ra Nghị quyết đối với phía trước là: “Đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng ở vùng địch kiểm soát cả ở nông thôn và đô thị, nhằm chống phá các kế hoạch “bình định” của địch, từng bước phá lỏng, phá rã ách kìm kẹp của địch, ra sức giành và giữ dân, giành quyền làm chủ. Tích cực khôi phục và phát triển lực lượng cách mạng, từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng tại chỗ, giành và giữ quyền làm chủ ở giáp ranh, tạo điều kiện cơ bản để cùng với mọi lực lượng cách mạng ở vùng giải phóng phối hợp tấn công địch, đưa phong trào ở vùng địch kiểm soát tiến lên, phối hợp đắc lực với chiến trường toàn khu Trị - Thiên - Huế”(1).


Thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy “Về phía trước”, nhiều đoàn viên, thanh niên ở các chi đoàn cơ sở thuộc vùng giải phóng đã chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ được vinh dự vào hoạt động ở phía trước. Thị ủy thị xã Quảng Trị cũng như Huyện ủy của các huyện: Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh đều tăng cường cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên vào “Phía trước” với nhiệm vụ tìm cách móc nối, xây dựng lực lượng cách mạng, trong đó một số đoàn viên, thanh niên đột nhập vào các “Khu tập trung dân” của địch, vũ trang tuyên truyền, tiếp xúc với nhiều thanh niên và các tầng lớp khác để tìm hiểu tình hình, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Mặt trận, nói rõ cuộc sống độc lập, tự do của nhân dân ở vùng giải phóng...

ở giáp ranh Hải Lăng, bộ đội địa phương phối hợp với các tổ thanh niên du kích tổ chức tiêu diệt, tiêu hao địch (khi chúng đi lẻ), hạn chế sự lùng sục của bọn lính đóng ở các chốt, tạo được thế đứng xen kẽ với địch, mở hành lang đi lại của ta, tạo điều kiện cho các đội công tác của xã và các đội biệt động hoạt động....


ở vùng giải phóng, từ khi trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, thanh niên cùng với các tầng lớp ở tỉnh Quảng Trị vinh dự được đón các đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, đặc biệt trong đó có đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cu Ba do đồng chí Phiđencátxtrô dẫn đầu, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Tổng Bí thư Gióocgiơ Mácse dẫn đầu. Trong dịp kỷ niệm lần thứ 43 ngày thành lập Đoàn (26-3-1931 - 26-3-1974), tuổi trẻ Quảng Trị lần đầu tiên được vinh dự tổ chức đón đoàn đại biểu Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới và Hội Liên hiệp Sinh viên Quốc tế đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Đoàn gồm có: Alanhtêrudơ (Pháp) Tổng Thư ký Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới, Coócnilốp (Liên Xô) Phó Chủ tịch Liên đoàn; Taccuxaghi (Nhật), ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn; Tre-xman (Mỹ) ủy viên ban Thường vụ Liên đoàn; Đu-san-un-sác (Tiệp Khắc) - Chủ tịch Hội Liên hiệp sinh viên quốc tế; Mighen Phulatít (Chi Lê) - Phó Chủ tịch Hội; Labêét (Irắc) - Phó Chủ tịch Hội và Patơrích Bắccờlây (ái Nhĩ Lan) đại diện sinh viên.

Chiều 23-3-1974, hàng ngàn đoàn viên, thanh niên, học sinh thị xã Đông Hà đã họp mít tinh chào mừng Đoàn đại biểu Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới và Hội Liên hiệp Sinh viên Quốc tế. Sau đó, đoàn đã đi thăm một số nơi trong tỉnh. Đến đâu, đoàn cũng được chứng kiến sự tàn phá của bom đạn Mỹ; đồng thời khâm phục tinh thần lao động quên mình của quân dân và thanh niên vùng giải phóng Quảng Trị đang ngày đêm tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề để xây dựng lại quê hương, đất nước.

Để có đội ngũ làm công tác tổ chức giáo dục, bồi dưỡng thiếu niên, nhi đồng, trong tháng 4-1974, Tỉnh Đoàn đã mở lớp đào tạo cán bộ phụ trách. Lớp học có 59 học viên đều là nam nữ thanh niên tiên tiến của 6 huyện, thị trong tỉnh. Trong thời gian 1 tháng, lớp học đã tập trung vào các nội dung: Tình hình và nhiệm vụ chung của tỉnh, công tác thiếu nhi; phần nghiệp vụ: Nghiên cứu nội dung 5 bài cơ bản về công tác thiếu nhi của Trung ương Đoàn và bài nâng cao trách nhiệm của người cán bộ phụ trách... Ngoài ra, anh chị học viên còn tập được một bài thể dục múa kiếm, một điệu múa tập thể cho thiếu niên và một số bài hát cách mạng...

Bên cạnh việc củng cố tổ chức Đoàn, Hội, Đội và phát động phong trào thanh niên xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, củng cố hệ thống cán bộ Đoàn, phụ trách Đội thiếu niên, Ban Chấp hành tỉnh Đoàn Quảng Trị đã sớm đề xuất và tổ chức Đại hội Thiếu nhi thành đồng Quảng Trị vào năm 1974 tại Gio Linh, Quảng Trị. Đây là Đại hội biểu dương thành tích của lứa tuổi măng non toàn tỉnh, một hoạt động có ý nghĩa đối với phong trào thiếu niên miền Nam. Qua bản báo cáo của anh Thuận An đọc trước Đại hội, các đại biểu thiếu nhi càng phấn khởi trước những chiến công vẻ vang, những thành tích xuất sắc của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như trong học tập và tham gia cuộc sống mới sau ngày giải phóng. Nhiều em thiếu nhi xuất sắc được biểu dương và báo cáo thành tích tại Đại hội. Em Hồ Pôi - 14 tuổi dân tộc Pa Cô, một mình với 3 phát CKC đã bắn rơi một máy bay trực thăng của Mỹ. Em Mai Văn Hải, 9 tuổi một mình đã tiêu diệt 1 trung úy ngụy ác ôn giữa ban ngày. Đội thiếu niên xã Triệu Vân (Triệu Phong) đánh 250 trận diệt 400 địch, trong đó có 14 tên Mỹ, đốt cháy 13 xe tăng. Nhiều thiếu nhi làm hậu cần, giao liên, che giấu cán bộ, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, tăng gia sản xuất... Trong chiến đấu đã vậy, trong học tập, các em càng thể hiện lòng kiên trì say mê cao độ. Nhiều em học giỏi như em Nguyễn Văn Đăng bị cụt cả hai tay và học đều mỗi năm mỗi lớp... Thành tích của tuổi măng non Quảng Trị rất to lớn, các em thật xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ: “Đồng bào miền Nam ta rất anh hùng, thiếu nhi miền Nam ta cũng rất anh hùng”. Một điều hết sức vinh dự cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Trị tại Đại hội này là được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì do Đảng và Nhà nước ta trao tặng, vì đã có thành tích xuất sắc trong kháng chiến và xây dựng cuộc sống mới. Đại hội cũng vinh dự được đón Đoàn đại biểu thanh niên Thủ đô vào dự và tham gia các hoạt động giao lưu với thiếu nhi Quảng Trị. Tổ chức thành công Đại hội thiếu nhi thành đồng Quảng Trị là một biểu hiện sống động sức sống của phong trào thanh thiếu nhi toàn tỉnh của các cấp bộ Đoàn dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó cũng là bài học quý báu để tổ chức Đoàn, Đội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong thanh thiếu nhi trong thời kỳ mới.


  

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng (khoá 3) lần thứ 21: “Miền Bắc vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tăng cường sức người, sức của vào miền Nam hơn bất kỳ thời gian nào trước đó”(1). ở miền Nam đã và đang diễn ra cuộc chiến tranh cách mạng của ta chống lại cuộc chiến tranh “Việt Nam hoá” sau Hiệp định Pa ri của Mỹ do ngụy tiến hành, ta ngày càng mạnh hẳn lên, ngụy càng suy yếu rõ rệt, nước Mỹ đang khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng”(2). Trước tình hình đó “tháng 7-1974, Tổng Bí thư Lê Duẩn trực tiếp hướng dẫn Bộ Tổng Tham mưu khởi thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Tiếp đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương... họp Hội nghị thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam”(3).

Từ ngày 16 đến ngày 21-12-1974, Tỉnh ủy Quảng Trị họp, dưới sự chủ toạ của đồng chí Lê Hành, Khu ủy viên Khu ủy Trị - Thiên - Huế, Bí thư Tỉnh ủy. Sau khi tiếp thu “Quyết tâm chiến lược” của Bộ Chính trị và Nghị quyết Khu ủy, Hội nghị Tỉnh ủy ra Nghị quyết: Quyết tâm phá từng mảng tuyến ngăn chặn chia vùng của địch, giành và giữ dân, giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng còn bị địch kiểm soát. Hội nghị xác định đó là nhiệm vụ trung tâm, tiếp tục xây dựng vùng giải phóng Quảng Trị là rất quan trọng.

Triển khai Nghị quyết Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương mở đợt sinh hoạt chính trị học tập tình hình nhiệm vụ mới trong toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên.

Sau đợt sinh hoạt chính trị, 7.200 đoàn viên và gần 2 vạn hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng tỉnh đều hồ hởi phấn khởi nhận bất kỳ nhiệm vụ gì, trước mắt với nguyện vọng là được trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở “Phía trước”.


Tiếp theo đợt thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1975), đoàn viên, thanh niên và 32.000 học sinh các cấp trong tỉnh nô nức bước vào đợt thi đua mới lập thành tích kỷ niệm ngày thành lập Đoàn mang tên “Chiến dịch 26-3” do Tỉnh Đoàn phát động, với nội dung: “Chiến đấu phục vụ chiến đấu tốt; lao động có năng suất cao trên mặt trận khai hoang trồng màu, chăm bón lúa, công tác trong các cơ quan sản xuất ở các nông trường, xí nghiệp hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra”.
Hưởng ứng “Chiến dịch 26-3”, ở Triệu Phong mỗi đoàn viên, thanh niên được cử vào “Phía trước” thì cả chi đoàn chăm lo trang bị đầy đủ đồ dùng cần thiết cho người ra đi; ở Hải Lăng, đoàn viên, thanh niên được lệnh đi vào phía trước là lên đường ngay, chi đoàn tổ chức gặp mặt giao ước thi đua giữa người ra đi và người ở lại... Cùng lúc này, số đoàn viên, thanh niên ở vùng giải phóng đã tổ chức ra 102 đội phục vụ chiến đấu. Đoàn viên, thanh niên ở các cơ quan, trường học, bệnh viện, nông trường, xí nghiệp tận dụng hết thời gian để luyện tập quân sự, tổ chức đào thêm giao thông hào, công sự chiến đấu, hầm trú ẩn... Ngoài việc nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đoàn viên, thanh niên ở vùng giải phóng còn làm nòng cốt trong chiến dịch trồng màu, với khẩu hiệu: “26 ngày lao động có năng suất cao, gánh thêm phần việc của người đi “Phía trước”. Cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 3, thanh niên Cam Lộ nhận thêm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu cho lúa, kết quả đã phun cho 1.330 ha đúng kỹ thuật. Thanh niên vùng Cùa lao động ngoài giờ cho tập đoàn sản xuất như cuốc góc được 51 mẫu đất cho máy cày hoạt động và cuốc 13 mẫu đất trồng màu mà không nhận công điểm riêng cho bản thân. Thanh niên Hải Xuân làm ngoài giờ cho tập đoàn sản xuất, đã phát cây, làm cỏ dại cho 35 ha màu ở Trung du; thanh niên các xã Hải Thượng, Hải Phú, Hải Thọ đã khai hoang vượt diện tích của huyện giao...

ở phía trước, từ ngày 5-3 đến ngày 17-3-1975, quân dân và thanh niên toàn tỉnh hoạt động nhỏ kết hợp triển khai đợt 1 của chiến dịch Xuân - Hè 1975, đã tiêu diệt và bức rút một số đồn bốt ở Tây Hải Lăng, làm lỏng và làm rã một bộ phận hệ thống kìm kẹp của địch, tạo ra điều kiện thuận lợi cho cuộc tiến công đợt 2 của chiến dịch.

Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu từ đêm 17-3-1975 và đến 18 giờ ngày 19-3-1975, phần đất còn lại (bị địch chiếm đóng) đã được hoàn toàn giải phóng.
Ngay sau khi quê hương sạch bóng quân thù, quân dân và thanh niên Quảng Trị nhận được điện biểu dương của Thường vụ Khu ủy Trị - Thiên - Huế. Bức điện nêu rõ: “Nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, sự nỗ lực lớn của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân Quảng Trị, chiều ngày 19-3-1975, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng; nhưng cần đề phòng tư tưởng “xả hơi”, nghỉ ngơi mà phải đôn đốc các lực lượng vũ trang cách mạng phát triển tiến công vào phía Nam. Vị trí của Quảng Trị hiện nay là hậu phương trực tiếp của Thừa Thiên. Do đó, tỉnh Quảng Trị phải tập trung sức lực góp phần đắc lực vào việc giải phóng Thừa Thiên; đồng thời ra sức xây dựng vùng giải phóng, rút thanh niên bổ sung vào lực lượng bộ đội quân khu”.
Tối 19-3-1975, Thường vụ Khu ủy họp, thông qua phương án giải phóng Thừa Thiên.
Thực hiện phương án đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn Thanh niên Quảng Trị(1) đã phát động đoàn viên, thanh niên hăng hái đóng góp sức lực của mình vào sự nghiệp giải phóng Thừa Thiên. Cụ thể, đại bộ phận đoàn viên, thanh niên ở Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh... được huy động cùng với tiểu đoàn thanh niên xung phong của tỉnh, đại đội thanh niên xung phong 2.516 của Ty Giao thông - Bưu điện bắc cầu phao qua sông Thạch Hãn, sông Nhùng, sông Mỹ Chánh... mau chóng thông đường quốc lộ số 1. Ngoài việc góp phần thông đường, cùng với các tầng lớp khác thu dọn chiến trường ở các địa bàn Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, bố trí trận địa, canh gác bảo vệ vùng giải phóng, giúp dân đi sơ tán về mau chóng ổn định cuộc sống, Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng tỉnh còn động viên lực lượng thanh niên hăng hái tham gia phục vụ chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, tiếp đến là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chỉ trong 55 ngày đêm với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân dân và thanh niên Quảng Trị đã giành được toàn thắng, bằng “Ba đòn chiến lược then chốt”. Hơn một triệu quân ngụy và cả bộ máy ngụy quyền bị đập tan. Chế độ thực dân mới được đế quốc Mỹ dốc sức xây dựng qua năm đời Tổng thống hoàn toàn sụp đổ vào ngày 30-4-1975.

Vinh quang to lớn này của đất nước, của nhân dân có phần đóng góp xương máu và trí tuệ của tuổi trẻ Quảng Trị và khu vực Vĩnh Linh dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, của Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh.


  1. Каталог: Chuyende
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam huyện nam đÔng độc lập Tự do Hạnh phúc
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> ĐỀ CƯƠng ôn tập thi tốt nghiệp môn tiếng anh năm học 2012- 2013
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố ĐÀ NẴng độc lập Tự do Hạnh phúc
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
    Chuyende -> Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013

    tải về 1.58 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương