LỊch sử ĐOÀn thanh niên cộng sản hồ chí minh


GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC "VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH", BUỘC ĐẾ QUỐC MỸ KÝ HIỆP ĐỊNH PARI RÚT QUÂN MỸ VỀ NƯỚC (Từ cuối năm 1968 đến tháng 1-1973)



tải về 1.58 Mb.
trang8/13
Chuyển đổi dữ liệu17.07.2016
Kích1.58 Mb.
#1784
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13

GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC "VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH", BUỘC ĐẾ QUỐC MỸ KÝ HIỆP ĐỊNH PARI RÚT QUÂN MỸ VỀ NƯỚC (Từ cuối năm 1968 đến tháng 1-1973)

Trước những thắng lợi to lớn của quân dân và thanh niên ta trên cả hai miền Nam-Bắc, nhất là ở miền Nam từ đầu xuân 1968, ngày 1-11-1968, Chính phủ Mỹ đã buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 3-11-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sau khi nêu lên thắng lợi vẻ vang của quân dân và thanh niên ta trong việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, Người vạch rõ: "Đó là một thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta". Song đó chỉ mới là thắng lợi bước đầu. Đế quốc Mỹ rất ngoan cố và xảo quyệt. Chúng nói hòa bình, thương lượng nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược của chúng. Hơn một triệu quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu còn đang hằng ngày gây ra biết bao tội ác dã man đối với đồng bào miền Nam ta. Người kêu gọi: "Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải “nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc".
"Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiếu đấu, quét sạch nó đi".
1. Tuổi trẻ Quảng Trị góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thực hiện “tiến công nổi dậy” giải phóng quê hương vào ngày 01-5-1972

Với vị trí có tầm chiến lược quan trọng của Trị Thiên, nên ngay sau Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy vội vã tăng quân, đưa thêm các loại phương tiện chiến tranh hiện đại đến Quảng Trị, liên tiếp mở các cuộc phản công quyết liệt với chiến thuật "quét" và "giữ" gồm 2 nội dung "bình định" và "ngăn chặn từ xa".

ở Triệu Hải, chúng chia vùng giáp ranh thành ba tuyến để đánh phá, ngăn chặn cách mạng: Tuyến rừng xanh chúng xây dựng công sự, làm đường chiến lược, rải chất độc hóa học khai quang, cho máy bay dội bom đánh phá hòng đẩy bộ đội chủ lực ta ra xa; tuyến quốc lộ 1, chúng bắt dân rào làng, củng cố tăng cường các lô cốt, vị trí...
ở Gio Cam, ngoài việc dùng máy bay oanh tạc, rải chất độc hóa học, Mỹ - ngụy còn dùng hàng chục máy cày, ủi san bằng mồ mả, nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân...
Tình hình đồng bằng Triệu - Hải, Gio - Cam từ cuối năm 1968 trở nên ác liệt căng thẳng chưa từng có, hầu hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên du kích đều bị địch đánh bật lên núi, một số ít bám trụ, nổi lên có nữ đoàn viên Trần Thị Tâm (xã Hải Khê) hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, không giữ được mối liên hệ với quần chúng, chị đã tìm cách đối phó với địch, móc nối được với một số cơ sở ở vùng biển, góp phần duy trì phong trào cách mạng ở đồng bằng, trong lúc Mỹ - ngụy đã và đang tiến hành các kế hoạch "bình định" quyết liệt chưa từng có.

Từ cuối năm 1969, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Khu ủy (3-1969), “Về chủ trương chuyển hướng tiến công”, lấy nông thôn làm hướng tiến công chính, tập trung ngăn chặn và đẩy lùi các chương trình bình định nông thôn của Mỹ - ngụy, hàng trăm đoàn viên, thanh niên dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của đảng viên, chi bộ Đảng đã kiên trì bám đất, bám dân hoạt động. ở Hải Lăng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên ở khu căn cứ huyện, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy đã sắp xếp lực lượng, tiến về móc nối, xây dựng lực lượng, tổ chức đánh địch ở các xã Hải Thành, Hải Thiện, Hải Lệ... ở Gio Linh, "các xã đã đưa lực lượng nữ thanh niên trực tiếp chiến đấu và có một số trận do nữ đoàn viên, thanh niên chỉ huy đánh thắng địch như chị Thảo (Gio Hà) chỉ huy du kích phục kích đánh địch tiêu diệt 15 tên, chị Thảo (Trung Sơn) chỉ huy khẩu đội 82 thường xuyên tiêu hao địch ở căn cứ Dốc Miếu; chị Mân (Trung Hải) chỉ huy khẩu đội 12 ly 7 bắn rơi máy bay Mỹ; chị Chẩm (Trung Hải) tổ chức bắn tỉa Mỹ ở căn cứ Dốc Miếu đạt danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ"”...(1)


Song song với phong trào đấu tranh quân sự, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận cũng phát triển. Tính riêng 9 tháng đầu năm 1969, toàn vùng đồng bằng trong tỉnh có 97 cuộc đấu tranh chính trị, binh vận bằng nhiều hình thức phong phú. Chẳng hạn, nữ thanh niên đã đi đầu trong các cuộc đấu tranh: Cản xe địch càn vào làng ở Hải Ba, Hải Quế; đấu tranh không vào ở khu tập trung ở xã Triệu Trạch; cản xe địch từ đầu làng tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thoát khỏi vòng vây địch ở xã Hải An; kiên quyết chống địch dồn dân ở xã Hải Khê; đấu tranh chống địch mở lớp "Tố cộng", chống địch phát quang ở các xã Gio Hà, Gio Lễ; đấu tranh chống rào làng, đòi bồi thường thiệt hại do bom đạn Mỹ gây ra ở xã Hải Thượng... ở thị xã Quảng Trị, tổ chức Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng do đồng chí Tùng Lâm phụ trách đã tổ chức vận động thanh niên học sinh ở các trường Nguyễn Hoàng, Bồ Đề đấu tranh chống bắt lính, chống quân sự hóa học đường, nữ thanh niên buôn bán cùng với tiểu thương ở chợ tỉnh đấu tranh chống tăng thuế...
ở Hướng Hóa, sau một thời gian đóng góp sức người, sức của phối hợp với bộ đội chủ lực đánh thắng địch ở Côcava (Xuân-Hè 1969), đoàn viên, thanh niên tập trung vào sản xuất rau màu, lúa. Nhờ vậy, Hướng Hóa mau chóng dập tắt được nạn đói và đóng góp lương thực ngày càng nhiều, kịp thời giải quyết khâu hậu cần tại chỗ cho bộ đội chủ lực đứng chân hoạt động...

Nhớ lại ngày 02-9-1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, không nén nổi xúc động, nhiều đoàn viên đã khóc òa lên và không ai bảo ai, mọi người đều bám sát theo Đài Tiếng nói Việt Nam (qua chiếc radio nhỏ) lắng nghe thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nghe đọc lời di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh... ở nhiều nơi trong tỉnh (ngay cả trong vùng địch kiểm soát) đoàn viên, thanh niên cùng với tầng lớp khác tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức...

Ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị học tập và làm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện quyết định đó, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Ban Chấp hành Đoàn ở huyện, ở xã đã mở đợt sinh hoạt chính trị, với nội dung dựa vào "Hiệu triệu của ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Trị - Thiên - Huế” do đồng chí Trần Văn Quang (Bí thư Khu ủy Trị - Thiên - Huế) đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do Khu ủy tổ chức vào ngày 9-9-1969.

Kết quả bước đầu của đợt học tập và làm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều đoàn viên, thanh niên tự nguyện làm đơn xin vào du kích, gia nhập bộ đội. Nhiều đoàn viên phấn đấu trở thành đoàn viên ưu tú, được kết nạp vào Đảng mang tên lớp đảng viên Hồ Chí Minh...


Tháng 3-1970, sau khi tiếp thu Nghị quyết Trung ương 18 (01-1970) Hội nghị Khu ủy Trị - Thiên - Huế quyết định "Muốn đánh bại kế hoạch bình định" của địch, vấn đề mấu chốt lúc này là ở các địa bàn thuộc vùng đồng bằng còn nằm trong vùng kiểm soát của địch phải xây dựng cho được "4 yếu tố”(1).

Thực hiện Nghị quyết của Khu ủy (3-1970), dưới sự lãnh đạo của chi bộ, Đảng bộ cơ sở, đoàn viên, thanh niên ở cơ sở là lực lượng đóng góp đắc lực vào việc xây dựng 4 yếu tố .


Nhờ chú trọng xây dựng "4 yếu tố", thanh niên du kích các xã Hải Phú, Hải Lệ, Hải Lâm... (Hải Lăng) tổ chức đánh địch thu vũ khí ngay trong thị trấn, thị xã; thanh niên tự vệ mật và lực lượng vũ trang trinh sát thị xã Quảng - Hà dựa vào các căn cứ lõm ở vùng ven (Hải Thượng...) thọc sâu diệt được một số tên ác ôn. Năm đội biệt động của các xã vùng đồng bằng Triệu Phong cũng nhờ dựa vào kết quả xây dựng "4 yếu tố" mà phát huy được sức mạnh tổng hợp, vừa diệt ác trừ gian, vừa chiến đấu với bộ binh địch, diệt xe cơ giới địch... ở Cam Lộ, bộ đội địa phương huyện phối hợp với thanh niên du kích đánh trại biệt kích đóng tại thôn Lộc An, diệt cụm ác ôn thôn Cu Hoan (xã Cam Chính); ở Gio Linh, bộ đội địa phương phối hợp với thanh niên du kích diệt tụ điểm ác ôn tại khu tập trung Quán Ngang, vây ép căn cứ Dốc Miếu, cao điểm 31, vị trí thôn Tám, buộc địch phải co cụm, không dám tung hoành, trà trộn càn quét, quấy phá như trước...

Phối hợp với mũi quân sự, hầu hết nữ thanh niên ở các cơ sở đã cùng với các chị, các mẹ (ngay cả trong các khu tập trung dân của địch) trong năm 1970 đã tổ chức gần 200 cuộc đấu tranh chính trị, binh vận với nội dung: Tuyên truyền vận động các gia đình có người thân đi lính cho địch, tìm cách giác ngộ lôi kéo con em của mình trở về với cách mạng, chống địch kiểm tra lương thực, thực phẩm của đồng bào đi chợ về, chống địch mở các cuộc "Thanh lọc" quần chúng, đòi về làng cũ làm ăn, đòi bồi thường thiệt hại do bom đạn Mỹ gây ra. Kết quả năm 1970, riêng về binh, địch vận ta đã tổ chức được 15 vụ nội ứng trong lực lượng phòng vệ dân sự, làm tan rã 1200 phòng vệ dân sự (hầu hết phòng vệ dân sự là thanh niên nông thôn bị địch ép buộc cầm súng cho chúng).

Về sản xuất, mặc dù thường xuyên bị máy bay Mỹ - ngụy bắn phá, thả biệt kích vào vùng rừng núi - khu căn cứ cách mạng, đoàn viên, thanh niên các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô vẫn bám rẫy sản xuất, với quyết tâm góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân miền núi Quảng Trị thực hiện tốt Nghị quyết của Khu ủy Trị - Thiên - Huế (04-12-1969) là "Ra sức xây dựng miền núi thành căn cứ địa vững mạnh". Kết quả trong các năm 1970, 1971, Hướng Hóa không những đủ lương thực tự túc mà còn góp phần nuôi dưỡng 300 cán bộ, đảng viên, đoàn viên của vùng đồng bằng Triệu - Hải, Phong - Quảng lên khu căn cứ học tập, củng cố lực lượng; giúp đỡ thanh niên và nhân dân các dân tộc của 5 xã thuộc quận 3 (tỉnh Thừa Thiên) sơ tán ra trong một thời gian dài...

Ngày 01-01-1971, thực hiện Nghị quyết của Khu ủy Trị - Thiên - Huế, Ban Chỉ đạo của Đảng bộ Quảng Trị được thành lập và họp phiên đầu tiên, đề ra phương hướng hoạt động của Đảng bộ Quảng Trị, vạch rõ: “Đẩy mạnh tấn công quân sự và tấn công chính trị, đánh bại kế hoạch "bình định" của địch, đánh phá hậu cứ và đường giao thông quan trọng của chúng. Đẩy mạnh phong trào du kích nhân dân chiến tranh, tích cực bảo vệ hậu cứ, bảo vệ hành lang, làm chủ rừng núi, tạo thế đứng vững chắc ở giáp ranh, từng bước làm chủ ở đồng bằng; tích cực chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực diệt địch, tạo thế liên hoàn "ba vùng", tiến tới dành thắng lợi lớn"(1).



Triển khai Nghị quyết của Ban Chỉ đạo, đoàn viên, thanh niên, chi đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng... ở các cơ sở được tổ chức học tập Nghị quyết của Đảng, đã nhận thức được nhiệm vụ trung tâm cấp bách lúc này là tập trung xây dựng thực lực cách mạng, đánh phá "bình định" của địch. Nổi lên đầu năm 1971 là: Quân dân và thanh niên Quảng Trị đã tích cực mở đợt hoạt động phối hợp với mặt trận đường 9 - Nam Lào. Bộ đội địa phương (tỉnh, huyện) đứng chân ở giáp ranh đã cùng với đảng viên, đoàn viên, thanh niên, du kích các xã tổ chức đánh địch trên các trục giao thông (quốc lộ 1, quốc lộ số 9...), quấy rối các căn cứ, đồn bốt địch, kết hợp với công tác diệt ác, trừ gian, hạn chế ách kìm kẹp của địch... ở Hướng Hóa, phần lớn đoàn viên, thanh niên được huy động cùng với du kích, bộ đội địa phương huyện làm nhiệm vụ phục vụ, phối hợp với bộ đội chủ lực của Quân khu Trị - Thiên (B4) đứng chân chiến đấu ở cánh Nam của "Mặt trận đường 9 - Nam Lào".
Phối hợp với các mũi tấn công địch ở Tà Cơn, quân dân và thanh niên Bắc Quảng Trị tập kích sân bay, kho tàng, cảng Cửa Việt, buộc Mỹ phải tăng thêm hai lữ đoàn Mỹ và ba tiểu đoàn pháo binh ngụy đến giải tỏa. Giữa tháng 3-1971, quân dân và thanh niên Gio - Cam phối hợp với phân đội đặc công của B4 đánh chìm tàu vận chuyển của Mỹ, làm cho giao thông đường thủy của Mỹ (đoạn Cửa Việt - Đông Hà) bị tắc nghẽn một thời gian...
Sau 42 ngày đêm chiến đấu kiên cường, liên tục từ ngày 8-2 đến ngày 23-3-1971, ta và nước bạn Lào đã giành thắng lợi hoàn toàn, đập tan cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của Mỹ - ngụy. Trong số 21.102 tên địch chết và bị thương, trong đó có một số quê ở Quảng Trị, nên đã làm cho hàng ngàn gia đình có con em đi lính cho Mỹ vô cùng lo sợ, hoảng hốt, họ rủ nhau đến căn cứ địch, quận lỵ, tỉnh lỵ ngụy quyền Sài Gòn đòi xác người thân chết trận...
Thực hiện chủ trương của Ban Binh vận khu Trị - Thiên - Huế, cán bộ binh vận ở các cơ sở đã vận động tổ chức các nữ đoàn viên, thanh niên hòa theo các dòng người gồm các chị, các mẹ đi tìm xác chồng, con, tuyên truyền chính sách của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam và chủ trương của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam(1) đối với anh em binh lính, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ đã gây ra bao cảnh tang tóc, chết chóc, làm cho biết bao gia đình ở miền Nam, vợ mất chồng, con mất cha...
Tác động đợt hoạt động của quân dân và thanh niên Quảng Trị theo phương châm "Hai chân", "Ba mũi giáp công" vào Xuân - Hè 1971 đã làm cho hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền dao động, rối beng... một số ngụy quân đào rã ngũ, một số ngụy quyền cơ sở bỏ việc...
Ngày 06-07-1971, Tỉnh ủy Quảng Trị được tái lập, đồng chí Hồ Sĩ Thành (Hồ Sĩ Thản) Khu ủy viên Khu ủy Trị - Thiên - Huế, làm Bí thư Tỉnh ủy. Về đánh giá tình hình, Hội nghị Tỉnh ủy nêu rõ: "Thất bại to lớn ở mặt trận đường 9 - Nam Lào, ở Đông bắc Campuchia và "Vùng ba biên giới" đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho kế hoạch "bình định" của địch, làm rung chuyển cả "Lực lượng an ninh lãnh thổ", một lực lượng nòng cốt của các mũi bình định của chúng. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ tập trung lực lượng quay về tăng cường "bình định" từng bước, thực hiện bằng được mục tiêu: Kiểm soát hầu hết số dân và đất đai ở vùng tạm chiếm và vùng tranh chấp; tiêu diệt một bộ phận quan trọng cơ sở cách mạng; xây dựng thêm bộ máy ngụy quyền ở các địa phương để kìm kẹp nhân dân chặt chẽ hơn; rút được quân chủ lực ngụy ra vòng ngoài để đối phó với ta”.

Để đạt những cuồng vọng đó, Mỹ - ngụy gấp rút tiến hành kế hoạch "Tam giác chiến" với những thủ đoạn quân sự, chính trị và kinh tế vô cùng tàn bạo, xảo quyệt. Chúng điên cuồng bắt hàng triệu người ở 5 tỉnh nằm trong vùng chiến thuật I ở Trung Trung Bộ phải dời vào sống đày ải trong vòng kìm kẹp ở các tỉnh phía Nam. Đặc biệt ở tỉnh Quảng Trị, do vị trí cực kỳ quan trọng đối với cả vùng chiến thuật, cũng như đối với vận mệnh của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, cho nên sau khi bị thất bại ở đường 9 - Nam Lào, Mỹ - ngụy đã dốc lực lượng "bình định" rất tàn khốc. Chúng đã bắt 2.000 gia đình ở 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ phải bỏ quê hương vào sống tập trung ở Phước Tuy (Bà Rịa) biến vùng Gio Linh, Cam Lộ (phòng tuyến I với hàng rào điện tử Macnamara) và những nơi khác ở đây thành những vành đai trắng bắn phá, hủy diệt môi trường sống, hòng "ngăn chặn từ xa" những cuộc tiến công của quân dân và thanh niên ta.

Để đối phó với địch, Hội nghị Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ: “Phải tích cực làm thay đổi tương quan lực lượng ở đồng bằng, nhất là ở thôn xã, tạo cho được địa bàn nông thôn, củng cố hậu phương tỉnh, tích cực sản xuất lương thực, chuẩn bị khả năng cả "3 vùng" cho Xuân Hè 1972”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, thời gian cuối năm 1971, K8 (bộ đội địa phương tỉnh) tiến về mạn Nam huyện Hải Lăng, phối hợp với thanh niên du kích các xã Hải Tân, Hải Hòa... đánh địch, bám trụ đồng bằng hoạt động! K14 (bộ đội địa phương tỉnh) tiến về mạn Bắc huyện Hải Lăng phối hợp với thanh niên du kích xã Hải Xuân, Hải Vĩnh... đánh địch, chống càn. Du kích xã Hải Phú do nữ thanh niên Văn Thị Xuân chỉ huy, đã dũng cảm xông vào tận hang ổ của bọn "bình định" diệt tên Liên Đoàn trưởng bảo an tại xóm Hồ. Tổ du kích xã Triệu Thượng do nữ thanh niên Lê Thị Tám chỉ huy, hoạt động ở một địa bàn nằm sâu trong vùng địch, đã kiên trì bám dân, bám đất xây dựng hàng chục cơ sở ở nông thôn và 5 cơ sở thanh niên ở thị xã Quảng Trị, tất cả các cơ sở do chị Tám xây dựng lúc này đều hoạt động tốt. Họ đã vận động thanh niên và các tầng lớp khác ở "khu tập trung" đấu tranh đòi bãi bỏ "phòng vệ dân sự, chống bắt thanh niên đi lính, đòi về làng cũ làm ăn sinh sống, rải hàng vạn truyền đơn ở thị xã Quảng Trị, kêu gọi nhân dân chống Mỹ - Thiệu. ở Gio Linh, tiêu biểu có thanh niên Trương Hữu Thọ xã đội trưởng xã Gio Hải đã dũng cảm, táo bạo xông vào hang ổ của bọn ngụy quyền đánh hàng chục trận, tiêu diệt 9 xe tăng, đánh chìm 7 tàu chiến của Mỹ trên sông Cửa Việt...

Qua các phong trào chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sản xuất, lực lượng của Đoàn được khôi phục, phát triển, có một số đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng mang tên "Lớp đảng viên Hồ Chí Minh", riêng ở Hướng Hóa có 368 đoàn viên, thanh niên, nhân dân Cách mạng tham gia lực lượng vũ trang.

Hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên trong tỉnh so với yêu cầu đặt ra tuy còn thấp, song với những thành tích đã đạt được thì năm 1971 là năm đánh giá bước đầu khôi phục lại phong trào qua thời gian khó khăn từ sau Tết Mậu Thân 1968, tạo cơ sở cho quân dân và thanh niên Quảng Trị giành thắng lợi trong năm 1972.

Tháng 5-1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, đề ra nhiệm vụ cấp thiết cho quân dân và thanh niên cả nước. Tháng 8-1971, Bộ Chính trị ra Nghị quyết mở cuộc tấn công chiến lược năm 1972 trên các hướng: Nam Bộ, Trị Thiên, Tây Nguyên. Ngày 19-3-1972, sau khi quán triệt quyết định của Quân ủy Trung ương, Thường vụ Tỉnh ủy họp, hạ quyết tâm: "Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, phát huy cao độ đòn nổi dậy của nhân dân, tiêu diệt và làm tan rã hệ thống kìm kẹp của địch, hình thành mặt trận tiến công rộng khắp nhằm tiêu diệt, làm tan rã lực lượng bảo an, dân vệ, ngụy quyền, từng bước giải phóng đất đai, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị”.(1)

Đến ngày 26-3-1972, mọi việc chuẩn bị cho chiến dịch 1972 ở Quảng Trị cơ bản hoàn thành. Cục vận tải, Đoàn 559 và Đoàn vận tải Quân khu IV, cùng hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của khu vực Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Bình đã có những cố gắng phi thường, vận chuyển vượt cung được 16.000 tấn hàng phục vụ chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Tỉnh Quảng Bình sử dụng hàng chục ngàn thanh niên xung phong, dân công và nhân dân các xã ven các tuyến giao thông vận tải dàn đều lên mặt đường (một cách tự nguyện) phục vụ chiến dịch. Sư đoàn bộ binh 308 hành quân vào sau cùng cũng đã có mặt ở phía Bắc sông Bến Hải.

Khi quân chủ lực nổ súng tấn công vào tuyến phòng ngự kiên cố nhất của địch ở Bắc Quảng Trị vào lúc 11giờ 30 phút ngày 30-3-1972, quân dân và thanh niên mặt trận Gio - Cam đã phối hợp nhịp nhàng, tiến công vào bộ máy kìm kẹp của địch, đồng thời phát động nhân dân nổi dậy làm chủ.

Bị quân dân Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Mặt trận đường 9 - Bắc Quảng Trị mở các chiến dịch tiến công tổng hợp với quy mô rộng lớn và cường độ mãnh liệt, Mỹ - ngụy hoàn toàn bất ngờ, sụp đổ từng mảng. Mỹ phải bị động dùng không quân, hải quân trở lại đánh phá quyết liệt ở cả miền Nam và miền Bắc.

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khu Đoàn khu vực Vĩnh Linh đã Chỉ thị cho đoàn viên, thanh niên trong các lực lượng chiến đấu, phục vụ, chiến đấu bám sát địa bàn và mục tiêu của đợt II (của chiến dịch tiến công ở Trị Thiên), chống cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ; mặt khác, cùng với các tầng lớp nhân dân ở các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn dùng thuyền bè, ván, cây chuối, xông pha dưới bom pháo địch, đón đồng bào Cam Lộ, Gio Linh sơ tán ra...

Đến ngày 02-04-1972, toàn bộ lô cốt, vị trí địch trên 4 cánh cung Đông - Tây - Nam - Bắc được mệnh danh "Lá chắn thép", "pháo đài bất khả xâm phạm", "hàng rào điện tử Mac na ma ra" đã bị đập nát. Bốn huyện: Bắc Hướng Hóa, Nam Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh hoàn toàn được giải phóng.

Về phía địch, bị mất tuyến phòng thủ vòng ngoài, Mỹ - ngụy vội vã tăng cường lực lượng đối phó. Ngày 02-04-1972, Thiệu bay ra Huế thị sát tình hình, họp với tư lệnh vùng I, chỉ huy các sư đoàn, lữ đoàn để bàn cách "Ngăn chặn hữu hiệu sự xâm lăng của cộng sản". Thiệu ra lệnh cho lực lượng vùng I và sư đoàn 3 bộ binh phòng ngự chặt chẽ Đông Hà - ái Tử - La Vang và quyết tâm "tử thủ" tại đó.

Cùng với việc củng cố, tăng cường lực lượng phòng thủ, Thiệu ra lệnh cho các lực lượng không quân và pháo hạm oanh kích, ngăn chặn sự tiến công của ta. Tổng thống Mỹ Nich Xơn ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc. Chính phủ Mỹ đơn phương ngừng các phiên họp ở Hội nghị Pa ri và đưa không quân, hải quân trở lại tham chiến ở Việt Nam.
Về phía ta, sau đợt hoạt động tạo thế 15 ngày (từ ngày 10-4 đến 25-4-1972) đã tìm ra bí quyết của chiến thuật "phòng thủ cứng" của Mỹ - ngụy, khí thế của các đơn vị bộ đội chủ lực (sư đoàn bộ binh 308, sư đoàn bộ binh 304, sư đoàn bộ binh 324...), của quân dân và thanh niên Quảng Trị đang lên, đang đứng chân ở các bàn đạp quan trọng có lợi cho ta. Căn cứ vào tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch mở đợt tấn công lần thứ hai.
5 giờ 30 phút ngày 27-4-1972, sau khi kiểm tra toàn bộ công tác chuẩn bị chiến đấu của các cánh quân, Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn ra lệnh tiến công.
Trước đòn tiến công vũ bão của các lực lượng vũ trang cách mạng, địch hốt hoảng chống đỡ một cách tuyệt vọng, tháo chạy. Toàn bộ thị xã Đông Hà được giải phóng lúc 15 giờ ngày 28-4-1972. Sau Đông Hà, ái Tử thất thủ, ngày 30-4-1972, bọn địch ở thị xã Quảng Trị hoang mang dao động cực độ. Suốt đêm 30-4 và sáng ngày 1-5-1972, địch tập trung tất cả những gì có thể tập trung được để khai thông đường tháo chạy, nhưng chạy đến đâu cũng bị quân dân và thanh niên ta chặn đánh...

Đợt tấn công lần thứ hai bắt đầu ngày 27-4-1972 và chỉ trong 5 ngày, ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 01-5-1972.

"Quảng Trị là một tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Đó là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng. Thắng lợi này tỏ rõ sự trưởng thành vượt bậc, sức mạnh to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm cho thế ta càng thắng, lực ta càng mạnh. Ta đang thuận lợi, địch đang khó khăn. Thế và lực của địch đã suy yếu lại càng suy yếu thêm và không tránh khỏi ngày thất bại hoàn toàn".(1)

Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quân dân và thanh niên trong tỉnh, được sự đồng ý của cấp trên, ngày 05-06-1972 ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị, được thành lập gồm 13 đơn vị, do ông Lê Bổ làm Chủ tịch.

Sau ngày thành lập, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh đã tổ chức cho tuổi trẻ và các tầng lớp khác trong tỉnh triệt để xóa bỏ chế độ thống trị của đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu; thi hành chính sách đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, không phân biệt đối xử giàu, nghèo, tôn giáo, xu hướng chính trị và những người trong quá khứ có sai lầm mà nay đã hối cải trở về với cách mạng; cương quyết trừng trị mọi âm mưu phá hoại những thành quả cách mạng, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, chăm lo việc làm ăn sinh sống của nhân dân, khuyến khích và giúp đỡ nhân dân khôi phục, phát triển sản xuất...

Đường lối, chính sách cụ thể rõ ràng của Đảng và chính quyền cách mạng, đã có tác dụng to lớn, kịp thời cổ vũ tuổi trẻ cùng các tầng lớp khác tự giác tham gia công cuộc bảo vệ, xây dựng thực lực cách mạng, sẵn sàng đối phó với âm mưu, thủ đoạn mới của Mỹ - ngụy.


Kết quả sau một thời gian rất ngắn, lực lượng chính trị được củng cố, phát triển mạnh. Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng toàn tỉnh có 2.143 đoàn viên. Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng toàn tỉnh có 9029 hội viên (chưa kể số đoàn viên, hội viên thanh niên sinh hoạt trong các đơn vị bộ đội địa phương). Đến giữa tháng 6-1972, chỉ tính trong hơn 1 tháng toàn tỉnh đã có gần 2.000 đoàn viên, thanh niên nhập ngũ. Lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở cơ sở trong toàn tỉnh có 5.826 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 4942 đoàn viên, thanh niên (chiếm 85%).

Về phía địch, sau khi được Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn hứa tăng viện trợ, ngày 13-6-1972, Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị lấy tên là "Lam Sơn 72". Cuộc hành quân "Lam Sơn 72" chia làm 3 giai đoạn:


Giai đoạn I: Tập trung lực lượng ra phía Nam sông Mỹ Chánh, lập "Tuyến phòng thủ ngăn chặn" cuộc tiến công của ta.

Giai đoạn II: Thực thi "tái chiếm" các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị (thời gian từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7-1972).

Giai đoạn III: (Từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8-1972) chiếm lại toàn bộ ái Tử, Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh.

Mỹ - ngụy nuôi nhiều tham vọng và dốc sức cho cuộc tái chiếm Quảng Trị. Vì theo chúng, tái chiếm được Quảng Trị sẽ "xoay chuyển" được tình hình, phá tan được cuộc tiến công sắp tới của ta, bảo vệ được Cố đô Huế và cả miền Nam, tiếp tục thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Tái chiếm được Quảng Trị sẽ là "lợi thế" để chúng gây sức ép với ta ở Hội nghị Pa ri; trước hết là để vớt vát lại uy thế chính trị của chúng đã bị suy giảm thảm hại, xóa được tâm lý thất bại đang lan tràn trong sĩ quan, binh lính, vực dậy tinh thần quân ngụy đang suy sụp nghiêm trọng...

Nhận rõ âm mưu của Mỹ - ngụy là có thể phản kích bằng ba khả năng, trong đó khả năng quyết liệt nhất là sử dụng binh lực với quy mô sư đoàn và có thể có không quân Mỹ tham gia để đánh chiếm lại một số khu vực quan trọng mà trọng điểm là thị xã Quảng Trị. Và trước tình hình địch chủ trương bốc hốt dân đã diễn ra ở Hải Lăng, ngày 24-6-1972, Thường vụ Tỉnh ủy họp, quyết định cho toàn bộ dân Hải Lăng và một số xã ở Triệu Phong sơ tán lui về phía sau (Cam Lộ, Gio Linh, khu vực Vĩnh Linh và một số ra Lệ Thủy - Quảng Bình) để tránh thiệt hại và giữ được dân. Thực hiện chủ trương đó, đoàn viên, thanh niên chủ yếu là trong lực lượng giao thông liên lạc ở cơ sở, dưới sự lãnh đạo của các Cấp ủy Đảng, vừa phục vụ chiến đấu, vừa cùng cán bộ cơ sở, hướng dẫn, giúp đỡ khoảng 8 vạn dân ở Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị kịp thời sơ tán...

Về phía địch, để thực hiện cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị, liên tiếp trong hai ngày 26 và 27-6-1972, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng không quân, hải quân, pháo hạm đội 7 mở các trận oanh kích dữ dội, bắn phá dọn đường gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho ta...


Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng tỉnh Quảng Trị đã ra lời kêu gọi nam nữ thanh niên trong toàn tỉnh hãy giương cao: "Ngọn cờ độc lập, tự do", "bách chiến, bách thắng" của Bác Hồ kính yêu, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Tùy theo cương vị của mình, mỗi thanh niên hãy "Khắc chiến công đẹp nhất lên chiến hào đánh Mỹ", quyết không cho bè lũ Mỹ - ngụy lấn chiếm một tấc đất, quyết đứng lên tô thắm ngọn cờ truyền thống của Quảng Trị, làm cho tỉnh nhà mãi mãi vang dội thiên anh hùng ca bất tận".
Được các sư đoàn bộ đội chủ lực của Bộ như sư đoàn 325, sư đoàn 308, sư đoàn 320... các lực lượng của bộ đội Quân khu Trị - Thiên - Huế, Quân khu IV đảm đương trách nhiệm chống trả địch, quân dân và thanh niên Quảng Trị phối hợp, đã dốc hết sức lực vào cuộc chiến đấu chống Mỹ - ngụy tái chiếm Quảng Trị...

ở Hải Lăng, trong những ngày đầu chống Mỹ - ngụy tái chiếm Quảng Trị, quân dân và thanh niên đã phối hợp với bộ đội chủ lực chặn đánh bọn lính dù ở Phương Lang, Câu Nhi, Cầu Nhùng, Bến Đá... làm cho sư đoàn dù ngụy mất sức chiến đấu phải rút lui về phía Nam củng cố. Mỹ - ngụy đưa sư đoàn thủy quân lục chiến đối mặt với quân dân và thanh niên ta; đồng thời tập trung phi pháo yểm trợ. Trên địa bàn Hải Lăng, "Có ngày chúng dùng 33 lần chiếc B52; 100 lần chiếc máy bay phản lực ném bom, hàng vạn quả pháo tầm xa, tầm gần liên tục dội xuống các thôn xóm. Tính từ ngày 20-6 đến 30-6-1972, đã có 217 lần chiếc máy bay B52; 3670 lần chiếc phản lực ném bom, bắn phá; 658.000 lần pháo hạm đội 7, hơn chục vạn tấn bom đạn trút xuống làm cho toàn bộ xã thôn ở đồng bằng trong huyện bị san bằng, gần 25.000 nóc nhà, 80 ngôi chùa, 20 nhà thờ bị tàn phá, hơn 1.300 dân thường chết và bị thương".(1)

Để động viên tuổi trẻ giữ vững trận địa, quyết tử bảo vệ vùng giải phóng, Tỉnh Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng và Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng tỉnh Quảng Trị chủ trương: “Mở đợt sinh hoạt chính trị, học tập gương nữ thanh niên anh hùng Trần Thị Tâm trong cán bộ đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh, nhằm làm cho đoàn viên, thanh niên hiểu rõ lẽ sống của người thanh niên trong thời đại chống Mỹ, cứu nước hiện nay là hy sinh chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng của quê hương. Thấy rõ phẩm chất đạo đức cao nhất của người thanh niên hiện nay là: Tư tưởng triệt để cách mạng, liên tục tấn công địch, ý chí bất khuất trước quân thù, không lùi bước trước khó khăn, luôn tin cách mạng, tin dân, mưu trí sáng tạo, dám nghĩ dám làm, luôn lạc quan khiêm tốn giản dị, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội, đồng bào. Thấy rõ vinh dự và trách nhiệm của mỗi đoàn viên, thanh niên hiện nay là noi gương Trần Thị Tâm, đi đầu trong mọi nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sản xuất, công tác và học tập. Trước mắt là tập trung mọi nỗ lực cao nhất, kiên quyết đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm của Mỹ - ngụy, bảo vệ và xây dựng vùng giải phóng vững mạnh về mọi mặt".(2)

Kết quả đợt sinh hoạt chính trị đã có tác động cổ vũ tuổi trẻ trên các mặt trận bám trụ giành giật với địch từng tấc đất, ngôi nhà, có ngày cùng với bộ đội chủ lực đẩy lùi 18 đợt phản công của địch, quyết không cho địch cắm cờ "ba que" trên nóc Thành Cổ...


"Tính ra đế quốc Mỹ đã ném xuống Thành Cổ Quảng Trị một khối lượng bom đạn có sức công phá gấp 7 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hi ro shi ma (Nhật Bản) để chiếm lại Thành Cổ...(1)

"Thành Cổ Quảng Trị mãi mãi tượng trưng cho "Gan vàng dạ ngọc" của quân dân Trị - Thiên - Huế và quân dân miền Nam nói chung".(2)

Đồng chí Trần Bạch Đằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng miền Nam Việt Nam đã xúc cảm làm thơ:

"Hễ có Việt Nam, có Cổ Thành

Kết vòng hoa lửa, nối Khe Sanh

Huân chương khó đủ, từng viên gạch

Tấc đất, từng dây, mỗi lá cành"(2)

Do trận địa bị ngập nước kéo dài, bọn ngụy quân được sự chi viện ồ ạt của đủ loại hỏa lực như M113, xe phun lửa, chất độc hóa học, đột kích rất mạnh, liên tục vào trận địa ta... "Chiều ngày 16-9-1972, địch cơ bản chiếm được Thành Cổ, quân ta phải rút khỏi thị xã vào tối ngày 16-9-1972".(1)

Từ khi Mỹ - ngụy tuyên bố chấm dứt cuộc hành quân "Lam Sơn 72" đến tháng 01-1973, quân dân và thanh niên Quảng Trị tiếp tục được sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội chủ lực, đã bẻ gãy các cuộc hành quân của địch, định tràn sang phía Bắc sông Thạch Hãn.
Thắng lợi của quân dân và thanh niên Quảng Trị trong năm 1972 đã góp phần thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng ta. Cùng với thắng lợi của cả nước, nổi bật vào cuối năm 1972, là quân dân và thanh niên Hà Nội đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa ri vào ngày 27-01-1973.


  1. Каталог: Chuyende
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam huyện nam đÔng độc lập Tự do Hạnh phúc
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> ĐỀ CƯƠng ôn tập thi tốt nghiệp môn tiếng anh năm học 2012- 2013
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam thành phố ĐÀ NẴng độc lập Tự do Hạnh phúc
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
    Chuyende -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴNG
    Chuyende -> Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013

    tải về 1.58 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương