Nayan Chanda hoànglonghải



tải về 1.97 Mb.
trang1/35
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.97 Mb.
#13140
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   35
Nayan Chanda

(hoànglonghải dịch)


Anh em

thù địch
Brother Enemy


(Chiến tranh tiếp diễn)

Giải bày của người dịch


Dù ít nhiều, trước 30 tháng 4 năm 1975, các quí vị phục vụ trong Quân Đội VNCH, công chức hoặc cán bộ, có dịp nghe phát thanh hay đọc báo chí, v.v... nên biết ít nhiều tình hình thời sự, chính trị trong cũng như ngoài nước. Dù chế độ chính trị miền Nam lúc đó có kiểm duyệt báo chí (được gọi một cách văn hoa bóng bảy là “Sở Phối hợp Nghệ thuật”) nhưng cũng không đến nỗi quá khắt khe để ai nấy cũng phải mang một cái dàm vào mắt như con ngựa kéo xe sau năm 1975.

Sau năm 1975 thì vô phương. Ngoài các đài phát thanh và báo chí của nhà nước Cộng Sản hay làm cái đuôi đập ruồi cho con bò kéo xe như báo Tin Sáng của ông Ngô Công Đức thì ngoại dã cấm ngặt. Không thiếu gì người lén nghe đài BBC hay đài VOA nên phải trình diện công an, hoặc chỉ phải làm kiểm điểm hoặc không ít người lên đường vào trại “tù cải tạo” học năm bảy năm cho chín bài học cách mạng.

Vào trại tù cải tạo rồi thì cũng vô phương, như ếch ngồi đáy giếng. Thỉnh thoảng, thân nhân có lên thăm báo cho vài tin tức thì tin đó cũng tam sao thất bản, thiên hạ xào đi nấu lại, thêm bớt quá nhiều tiêu, hành, tỏi, ớt thành ra chẳng rõ nguyên thủy nó là món ăn gì.

Mùa hè năm 1981, một hôm, khoảng chạng vạng, tôi đi gánh nước đêm tưới rau cho trại cải tạo, ngang qua nhà thăm nuôi, chợt nghe thoáng đài BBC phát ra nho nhỏ - gia đình ai đó lên thăm được ở lại, thân nhân mở đài cho người cải tạo nghe vì lúc nầy cán bộ vào trại hết cả rồi. Khi tôi đứng ngoài nghe lén là lúc Phạm Duy đang giới thiệu “Nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam”. Một nữ ca sĩ, giọng quen lắm nhưng vì âm thanh vặn nhỏ nên tôi không nhận ra được là ai, đang hát: “Xuân về rồi, muôn đóa hoa đào tươi, cười trong nắng...” Trong đời tôi, mê nhạc cũng dữ lắm, đã từng nhiều lần đi nghe hát ở Queenbee hay Đêm Màu Hồng, v.v... nhưng chưa bao giờ tôi thấy xúc động đến nỗi muốn chảy nước mắt như hôm đó. Hai cái: Đài BBC và “nhạc vàng” thấm sâu vào tim máu tôi tư thuở nào tôi không chắc, nhưng nó là món ăn tinh thần của tôi hằng ngày, cũng như cơm cháo vậy. Vậy mà từ tháng 5/1975 cho đến giờ tôi không được ăn. Thèm biết chừng nào!

Tôi nghe đài BBC từ năm 1951. Hồi ấy chưa có máy thu thanh transitor nên khi thành phố Quảng Trị có điện trở lại thì bà mẹ anh Phan văn Cẩn, bạn tôi, mua một cái radio hiệu Phillips để gia đình nghe chơi. Thỉnh thoảng, tôi qua nhà người bạn nghe ké đài BBC.

Từ năm 1954, tôi làm “gia sư” để kiếm cơm ăn học tại nhà một người bà con ở Huế. Người nầy làm ở Nha Thông Tin Trung Việt nên được cơ quan giao cho một cái radio để mỗi ngày lấy tin tức. Tôi được nghe và dần dần lấy tin giùm ông thành ra từ đó cho đến ngày 30 tháng 4/ 1975, nghe đài VOA mỗi ngày 2 lần, nghe đài BBC mỗi ngày 3 lần là thói quen không những cần mà còn thiết, cũng giống như ăn cơm vậy, buổi nào không nghe thì coi như buổi đó thiếu ăn. Món ăn thường ngày do Xuân Kỳ, Hữu Đại, hai người làm đài BBC chương trình tiếng Việt từ “thời thượng cổ”, sau nầy có thêm Ngọc Phách, Trần Minh, dọn ra cho tôi. Đỗ Văn, Xuân Hồng, Vĩnh Phúc, Lê Thảo, Lan Đài là “hậu duệ”. Thỉnh thoảng, nhân dịp tết ta, giáo sư Honey chúc tết, dọn thêm món ăn nửa Tây nửa ta, giống như mấy ông cha Tây giảng đạo trong nhà thờ. “Hôm nai la mua chai, cac con phai an cưc khô”. Judy Stow thỉnh thoảng cũng cho ăn vài món, nhưng vốn dĩ là đàn bà khéo tay nấu nướng nên món ăn tây mà có thêm mắm ruốc, dễ nuốt hơn.

Không riêng gì tôi, vô trại cải tạo rồi, dù muốn dù không, ai ai cũng coi trời bằng vung. Thế mà trong trại cải tạo thì lạm phát nhiều nhà bình luận chính trị, “trăm hoa đua nở”, chẳng có hoa nào chịu thua hoa nào. Các nhà bình luận nầy, không bút chiến được nhưng vẫn khẩu chiến liên miên, có khi trực tiếp, khi gián tiếp, ông nào cũng coi như “30 tháng Tư của Cộng” tới bên lưng rồi, mỗi người sắp lên một “lon” tới nơi rồi. Người được thăm nuôi có gì gia đình bới xách cho, hứng chí mời các nhà bình luận đến dự, chẳng mấy chốc trận chiến bát dĩa sạch bách, y như Cọng Sản rút lui về Bắc, chẳng còn mống nào dám ở lại miền Nam. Có điều đáng buồn, tất cả ý kiến của các nhà bình luận nầy đưa ra, chẳng dựa vào nguồn thông tin nào để có cơ sở hết.

Ngày 2 tháng 7/ 1982, tôi được “tha ra khỏi trại cải tạo” như lệnh tha ghi, nhưng thật ra thì cũng tù trong ra tù ngoài như chính vài công an, trong “phút nói thật” xác nhận. Về, có nghĩa là tiếp tục một cuộc sống đọa đày khác, suốt ngày lo gạo, rau, y như cảnh nhà thơ Trần Tế Xương “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. “Món ăn vật chất” còn chưa có đủ để đút vào mồm, nói chi tới “món ăn tinh thần”. Chế độ Cộng Sản là một chế độ gồm có cây súng của công an cọng với sợi giây thắt bao tử là cái hộ khẩu, người dân còn ngo ngoe đằng nào được mà nói là chống chế độ.

28 tháng 5/1989, tôi vượt biên và thoát tới Bidong. Tới trại tỵ nạn rồi, bấy giờ “vui chơi tắm giặt nghe đài” thoải mái. Tôi như con cóc bò lên được trên miệng giếng. Sao mà trời cao đất rộng thế!

Giòng lịch sử” đứt đoạn từ 30 tháng Tư nay được tiếp nối một cách phong phú, tràn đày, vui thú. Món ăn tinh thần bây giờ, tưởng như làm người ta bội thực.



Nói chung như trên là tình cảnh những người ở lại sau Tháng tư đen.
Còn ai kịp nhanh chân?

Tới Hoa Kỳ năm 1993, gặp một người bạn qua đây từ 1975, hỏi anh ta theo dõi tình hình như thế nào? Anh ta cười trừ. Mặc dù anh tốt nghiệp Luật khoa thời chế độ cũ, từng làm hiệu trưởng một trường Trung học, từng tranh cử dân biểu hạ viện, qua tới Mỹ thì học lại, lấy bằng Master, nhưng chuyện nhà, chuyện nước, chuyện bốn bể năm châu, chủ yếu là nhờ cái TV. Anh ta nói đâu còn nghe được những bài bình luận, những ký sự của những phóng viên lừng danh như Alexender Thompson, Bernard Fall (đã chết), Nayan Chanda, v.v... Anh bạn thú thiệt: “Về mặt nầy, tôi chẳng may mắn gì hơn anh bao nhiêu!”

Khi tôi nói tới cuốn sách Brother Enemy của Nayan Chanda và tỏ ý muốn dịch ra tiếng Việt, anh bạn khuyến khích: “Gắng lên, dịch đi. Tôi đọc được tiếng Anh nhưng tôi thích đọc tiếng Việt. Đọc tiếng mẹ đẻ như đọc từ trái tim chứ không phải từ bộ não”. Vẫn biết sách nầy cần cho bộ não hơn.

Đọc tức là tò mò muốn biết thêm: Biết Ieng Say là người Việt gốc Miên quê ở Trà Vinh; biết Pol Pot là anh sinh viên kỷ sư điện Saloth Sar thi hỏng bất đắc chí, đi làm cách mạng nhưng không khác chi đi làm việc ở nhà tể sanh gần cầu Thanh Long , Huế; biết ông cha chúng ta “độc ác cướp đất” của người Miên như thế nào để gây nên mối thù truyền kiếp giữa hai dân tộc Miên Việt; biết “Cáp Youn” mà Youn là loại ông kẹ nào mà các bà mẹ Miên thường đem ra dọa con nít ham chơi; biết Cộng Sản Việt Nam đã đẻ ra bao nhiêu anh Cộng Sản Miên, kẻ nào thì thủy chung như nhứt, kẻ nào thì đem con dân của thầy chặt làm nhiều khúc, moi ruột, lấy gan; biết tội nhiệp cho ông hoàng phong kiến Sihanouk khi trốn khỏi tay Khmer Đỏ được rồi, không một đồng xu dính túi, không có tiền trả tiền bệnh viện ở Nữu Ước, trong khi các ông tổng thống, chủ tịch các quốc gia tự do, dân chủ, cọng hòa, cọng sản thì tiền của các ông ấy trong nhà bank Thụy Sĩ chỉ có các ông ấy làm chủ, người dân đen không “chủ” được một đồng xu teng. Tiền của mấy ổng, mấy ổng tiêu một mình, không “hòa” cho dân đen chút xíu nào.

Thời đại chúng ta là thời đại Tự Điển Tra Ngược, có nghĩa rằng, hễ nói:

- Dân chủ thì ta phải hiểu rằng đó là độc tài,

- Hạnh phúc là chén cơm ăn chan bằng máu và nước mắt.

- Tự do có nghĩa là số phận người Mỹ da đen thời lập quốc

- Bình đẳng có nghĩa là ngồi xe xích lô hạng hai nhưng vẫn phải trả tiền hạng nhứt

Nói sao cho hết!

Quí vị hãy bỏ chút thì giờ đọc cuốn sách nầy. Mua mà đọc hay mượn mà đọc cũng chẳng sao. Người dịch chỉ có một ao ước: Những người Việt như chúng ta, dù lưu vong hay còn ở trong nước nên đọc để hiểu thấm thía thân phận của mình, thân phận nhược tiểu dân tộc mình và làm thế nào để thoát ra khỏi những ràng buộc của chính mình, dân tộc mình và thế giới, tìm tới một tương lai chưa hẵn sẽ hoàn toàn tốt đẹp nhưng ít ra, mình tự quyết định số phận mình, không do ai áp đặt cả./
hoànglonghải/tuệchương
Lịch sử

các nước Đông Dương

sau khi Saigon sụp đổ
Ngày 30 tháng Tư 1975, khi chiếc trực thăng cuối cùng bốc lên khỏi sân thượng tòa đại sứ Mỹ là lúc Saigon sụp đổ. Rồi một sự im lặng bao trùm cả Đông Dương. Quả thật người Tây phương đã quên lãng xứ nầy. Mãi đến năm 1979, lúc ấy, quân đội Việt Nam (CS) tiến vào Kampuchia, Trung Hoa xâm lăng Việt-Nam và mười ngàn người tỵ nạn Việt Nam và Kampuchia trốn chạy khỏi quê hương họ. Cả thế giới bất thần giật mình vì những nỗi kinh hoàng mới xảy ra ở Đông Dương.

Trong những năm Tây phương hầu như lãng quên Đông Dương thì Nayan Chanda, phái viên Đông Dương của tạp chí Kinh Tế Viễn Đông (FarEast Economic Review) tiếp tục cung cấp những tin tức có giá trị nhất, những cảm nhận chưa rõ lắm về một cuộc chiến sắp xảy ra và xung đột trong vùng Cộng Sản kiểm soát ở Việt Nam, Lào và Kampuchia. Không có một nhà báo nào theo dõi những biến chuyển ở vùng này một cách sít sao đến thế. Với những kiến thức có sẵn, ông tiếp cận ở mức độ cao và sâu để tìm hiểu sự thực. Giờ đây, trong tác phẩm “Anh Em, Thù Địch” (Brother Enemy), Chanda, với đầy đủ tư cách, vẽ nên một bức tranh về Đông Dương, kể từ khi chiến tranh tái phát. Câu chuyện lịch sử này bắt đầu khi quân đội Bắc Việt tràn vào dinh Độc Lập ở Saigon và qua nhiều thập niên đẫm máu tiếp sau.

Tác phẩm của Chanda là một sự hiểu biết thực sự. Từ hàng trăm cuộc phỏng vấn với những nhân vật hàng đầu ở Hà Nội, Bắc Kinh, và Phnom Pênh, cũng như nhiều nhân vật khác ở Washington, Moscow, Paris, Tokyo, và Canberra, và từ những quan sát của chính ông qua hơn một thập niên. Chanda sắp xếp một cách hết sức khéo léo trong việc trình bày những bí mật, không những giữa các cựu đồng chí mà cả những mưu mô tranh giành quyền lực tại Washington. Ông ta đưa ra một nhãn quan hấp dẫn đầu tiên về những mối sợ hãi, tham vọng dẫn dắt Khmer Đỏ đi tới tai họa diệt chủng, cũng như lần đầu tiên thái tử Norodom Sihanouk bị giữ tại Kampuchia và cuộc đào thoát không thành của ông ở Hoa Kỳ. Chanda cho chúng ta biết những sự kiện bên trong kế hoạch bí mật của Việt Nam (CS) xâm lược Kampuchia. Ông ta kể lại, lần đầu tiên, hồi mùa thu 1978, Hoa Kỳ gần như sắp treo cờ Mỹ lên ở Hà Nội rồi làm thế nào mà cố vấn An Ninh Quốc Gia của Tồng Thống Jimmy Carter, Zbigniew Brzezinski cố gắng dùng lá bài Trung Hoa để Hoa Kỳ trở thành một thành viên bất như ý của Trung Hoa trong cuộc xung đột cay đắng có tính cách lịch sử với Việt Nam (CS). Chanda giải thích làm thế nào chính sách này đã mở cửa cho Liên Xô bành trướng quân sự ở Đông Nam Á.

Đây là một tác phẩm lịch sử sáng chói nhất trong thập niên qua. “Anh Em, Thù địch” (Brother Enemy) được xem như là một tác phẩm hay nhất./



Dẫn nhập:

Con đường thoát

Đêm đổ xuống, đen như số phận Sàigon ngày 29 tháng 4/1975. Chiều hôm đó, lúc 6g30, một quyền lực sụp đổ, thành phố u ám. Tuy nhiên, tuồng như vì chìm đắm trong niềm xấu hổ thua trận, mà Saigon lại được ơn trên phù hộ. Tôi đứng trên sân thượng khách sạn Caravelle dưới cơn mưa phùn nhẹ nhìn Saigon đêm cuối cùng. Các trực thăng khổng lồ của Mỹ, đèn đỏ nhấp nháy, đèn chiếu thỉnh thoảng rọi xuống, lượn qua lượn lại trước khi sà xuống các sân thượng để đón những người Mỹ còn lại và vài người Việt Nam đã làm việc cho Mỹ, đưa đến nơi an toàn trên Hạm Đội 7 đậu ngoài khơi hải phận Việt Nam. Một lúc sau, trực thăng bay lên, tiếng máy gầm thét, điếc cả tai, rồi biến mất trong bầu trời bao phủ gió mùa. Trong khung trời đó, đầy đặc những viên đạn đỏ đan chéo nhau. Những chiếc trực thăng giống như những con rồng lửa khổng lồ, hùng hổ nhảy múa ma quái trên bầu trời của một thành phố đang chết dần.

Bên dưới, thành phố tối đen và yên lặng, một thành phố được mang cả hai cái tên: Hòn Ngọc Viễn Đông và Ăn Chơi Trác Táng đang chờ kẻ chiếm đóng. Những ngôi nhà cao tầng in hình lên bầu trời, rực chiếu những ngọn lửa hỏa tiễn ở phía xa và ánh lửa đỏ đậm của những viên đại pháo đang bắn xuống phi trường Tân Sơn Nhứt. Đại lộ Lê Lợi và Tự Do bóng loáng dưới cơn mưa nhẹ, hoàn toàn vắng vẻ, thỉnh thoảng chợt sáng lên vì ánh đèn vài chiếc xe hơi vội vã đưa gia đình sĩ quan và những người giàu có tới các các xà lan đang chờ trên sông Saigon. Thoảng chốc, phía cầu tàu có tiếng súng nổ do bọn lính bắn chận đường những kẻ đang tuyệt vọng cố leo lên thuyền. Đó là những hành động cuối cùng, trong nỗi kinh hoàng, ghì chặt lấy người Miền Nam từ khi Huế và Đà Nẵng thất thủ hồi tháng Ba. Việc dân chúng trốn chạy ồ ạt vì quân Cọng Sản đang tiến tới một cách điên cuồng đã đến điểm tận cùng. Hồi đầu hôm, tôi quan sát hàng trăm người Việt Nam xô đẩy nhau trước cánh cổng sắt tòa đại sứ Mỹ. Họ hoa lên những mảnh giấy, - thẻ nhận dạng - báo thị, và ngay cả những nùi đôla để được vào sân bay trực thăng trong tòa đại sứ. Nhưng tất cả họ, rõ ràng chán nãn, mệt mõi sau một ngày bám víu và tơi tả trước cánh cổng đóng kín, do các Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cầm súng canh giữ. Hàng trăm người vẫn còn chen nhau trong các cầu thang đẹp trong cao ốc được qui định là những con đường di tản bằng trực thăng, nhưng khi đêm đổ xuống, hy vọng tắt như ngọn đèn cầy.

Dù lịch sử bất thần tiến nhanh hơn, thời gian vẫn còn và đây là hồi kết thúc đang tiến tới với một tốc độ nghẹt thở. Khi quân đội miền Bắc, do tướng Văn Tiến Dũng chỉ huy, tấn công vào thành phố trung tâm cao nguyên Ban Mê Thuột ngày 10 tháng Ba, làm cho chế độ Nguyễn Văn Thiệu rùng mình. Chưa hẵn đây là một hành động đủ táo bạo của Cọng Sản tiếp sau khi họ chiếm tỉnh Phước Bình (thật ra là tỉnh Phước Long - Phước Bình là tỉnh lỵ - chú thích của người dịch - nd) hồi tháng Giêng. Nhưng chừng đó cũng đủ cho thấy những gì rồi sẽ xảy ra - Sự bắt đầu của một chương cuối. Đối đầu với những thách đố mới, Thiệu đổi ngược sách lược chiến đấu cũ giành từng tấc đất một. Ông ra lệnh rút lui chiến thuật khỏi Pleiku và Kontum ở trung tâm cao nguyên, chuyển một đơn vị tinh nhuệ nhất từ Huế về, tạo ra sự sụp đổ chiến lược mau lẹ. Việc tái phối trí lực lượng biến thành một cuộc trốn chạy hoàn toàn hỗn loạn. Huế, Đà Nẵng, Nha Trang - và phần còn lại của phía Nam sụp đổ như một bàn cờ vào tay người Bắc Việt Nam chỉ trong vòng ba tuần.

Hồi đầu tháng Tư, Cọng Sản khóa chặt thòng lọng chung quanh Saigon. Người Mỹ gia tăng cả hai mặt, không vận võ khí và di tản người Việt Nam làm việc cho họ và bạn bè. Chiến tranh cuối cùng vào tới Saigon đúng ngay sau khi Thiệu chuồn khỏi đất nước bằng máy bay C-118 của Không Lực Hoa Kỳ. Sáng sớm ngày 27 tháng Tư, tôi chợt giật mình thức dậy vì một tiếng nổ. Trái hỏa tiễn đầu tiên của Cọng Sản bắn vào Saigon trúng vào khách sạn Majestic, cách chỗ tôi ở một lô.

Một gián điệp Cộng Sản trong Không Lực Miền Nam, chính người bỏ bom dinh Độc Lập trước đó, ngày 28 tháng Tư quay trở lại cùng với máy bay Mỹ chế tạo tấn công phi trường Tân Sơn Nhứt. Sự tàn phá gia tăng với mưa đạn và hỏa tiễn, cuối cùng chấm dứt cầu không vận do Mỹ thiết lập.

Chiến dịch “Vãng Lai Phong” (Frequent Wind) do hải quân Mỹ mở ra vào chiều ngày 29 tháng Tư để di tản người Mỹ và nguời Việt bằng trực thăng chấm dứt hồi sáng ngày 30 tháng Tư. Từ trên sân thượng khách sạn Caravelle, tôi thấy xe tăng Cọng Sản như một đàn kiến bò trên quốc lộ 1 từ Biên Hòa tiến xuống. Từ hướng mặt trận này, tôi quan sát một chiếc trực thăng đơn độc hiện ra trên bầu trời xám rồi đáp xuống sân thượng tòa đại sứ Mỹ có hình dáng như một cái hộp quẹt lớn. Chỉ trong vài phút, nó lại bốc lên, mang theo những người lính Thủy Quân Lục Chiến cuối cùng. Một làn khói hồng bay lên từ một trái lựu đạn khói nhằm xua đuổi những người Việt Nam cố chen lên máy bay. Nghiêng sát ngọn tháp truyền thanh của Tổng Nha Bưu Điện, chiếc trực thăng vượt lên, bay ngang sông Saigon rồi biến mất ở cuối chân trời phía đông. Lúc đó là 7giờ 35 sáng. Hai mươi mốt năm sau ngày đại tá tình báo Mỹ Edward Lansdale tới Saigon để giám sát việc huấn luyện cho đội quân chống Cộng của Việt Nam Cọng Hòa. Cuối cùng bức màn buông xuống, kết thúc cuộc phiêu lưu của người Mỹ ở Đông Dương.

Bốn giờ sau, tôi ngồi một mình trong văn phòng thông tấn hãng Reuters của Anh, đối diện với dinh Tổng Thống, đánh đi bản tin việc quân Cọng Sản đang tràn vào vùng ngoại ô Saigon thì nghe tiếng máy xe gầm gừ và tiếng loảng xoảng xích sắt xe tăng. Qua cửa sổ, tôi thấy chiến xa ngụy trang của Cọng Sản cắm cờ xanh đỏ và vàng ầm ầm tiến vào dinh tổng thống. Tôi với ngay máy chụp hình và phóng vội khỏi văn phòng. Tôi băng qua công viên giữa văn phòng hãng thông tấn và dinh tổng thống. Chiếc xe tăng bắn một tràng đạn lên không và húc đổ cánh cổng sắt xuống đất. Những người lính đội mũ sắt, lùng bùng trong bộ quần áo màu xanh lá cây, và vài người còn mang nón sắt thiết giáp nhảy xuống khỏi xe tăng, phóng vội lên các bực cấp để treo cờ Việt Cộng. Họ đã đi đến điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chính Minh. Chiến tranh chấm dứt!

Tôi ngạc nhiên vì những biến cố dồn dập, khó tin rằng chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến mà hầu như tôi lớn lên cùng với nó, đã chấm dứt. Năm trước, khi có phép thường trú ở Saigon, làm phái viên Đông Dương của tạp chí Kinh Tế Viễn Đông, tôi biết rằng hiệp định Paris do Henry Kissinger và Lê Đức Thọ, ủy viên bộ chính trị đảng CS Việt Nam đẻ ra thực sự đã chết. Sự ngưng bắn không còn hiệu quả trong các khu vực quân sự địa phương. Chẳng ai, ngay cả những người vạch kế hoạch ở Hà Nội thấy rằng nó thất bại. Tuy nhiên, giữa tháng Tư, có triệu chứng cho thấy giờ phút quyết định đã gần kề. Do sự yêu cầu của giám đốc ở Hồng Kông, tôi thuyết phục vợ tôi rời Saigon, riêng tôi thì chống lại lời đề nghị của họ biểu tôi phải ra đi. Giám đốc nhắn tin cho tôi: “Không có gì quý bằng mạng sống của anh. Rời ngay nếu có nguy hiểm nào.” Trong thư gửi đi Hồng Kông hôm 25 tháng Tư, tôi trả lời rằng tôi sẽ không đi “Nếu không chứng kiến được những giờ phút cuối cùng của tấn thảm kịch”. Chỉ năm ngày sau đó, bức màn buông xuống. Tôi chứng kiến bao nhiêu người bạn Việt Nam của tôi ra đi mà lòng nặng trĩu vì gia đình ly tán. Cuộc di cư giành giựt xảy ra. Tôi thấy hàng ngàn người khốn khổ trốn chạy ngọn triều Cộng Sản từ bờ biển miền Trung tới nơi trú ẩn Saigon, rồi lại sa vào bẩy sập một lần nữa. Cũng chưa có gì đáng nói lắm nếu sự kết thúc không tắm máu như nhiều người đã sợ. Sự chia cắt lâu dài giữa hai miền Nam Bắc chấm dứt bằng một phương cách kỳ lạ vì người Saigon chen chúc quanh những chiếc xe tăng T-54 của Bắc Việt, chuyện trò với những chú lính thẹn thùng trong bộ quần áo màu xanh lá cây từ phương Bắc mới vào. Có nhiều lo lắng về những gì sẽ xảy ra trong tương lai; nhưng cũng có những mối xúc cảm vì Việt Nam cuối cùng rồi cũng được hòa bình. Với thời gian, mọi việc sẽ qua đi.

Có điều không được vững tin lắm ở bên nước Kampuchia láng giềng, nơi tấm màn buông xuống mười ba ngày trước. Trong chuyến đi của tôi tới Phnom Penh hồi tháng Giêng năm 1975, tôi thấy Khmer đỏ buộc sẵn thòng lọng chung quanh thủ đô xứ này. Dân số thành phố, căng phồng lên tới gần hai triệu người tỵ nạn. Họ chạy vào thành phố để tránh bom đạn, kinh hoàng vì những trận tấn công bằng hỏa tiễn. Khmer Đỏ cắt đứt mọi đường giao thông, và chẳng bao lâu, sẽ tới phiên con đường sống độc nhất nối với thế giới bên ngoài: Sông Mêkông (Cửu Long). Những cố gắng tuyệt vọng của Mỹ nhằm mở một đường không vận theo kiểu Bá Linh để vận chuyển lương thực và nhiên liệu đành bỏ dở vì phi trường Pochentong bị tấn công. Tổng thống Lon Nol, mặt đầy nước mắt, rời bỏ đất nước, chẳng bao lâu sau là những viên chức người Mỹ. Ngày 17 tháng Tư, Khmer Đỏ tiến vào thủ đô, dí súng đuổi dân ra khỏi thành phố. Hai tuần sau, những người ngoại quốc trước kia trốn vào tòa đại sứ Pháp, khăn gói lên đường đi Thái Lan bằng xe vận tải. Và Kampuchia, một âm thanh vang vọng đang chìm xuống chân trời - rồi bất thần biến mất.

Cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai đã chấm dứt, và một cuộc chiến tranh mới giữa những đồng chí và anh em cũ đang hình thành. Cũng khó mà kẻ thù đế quốc từ bỏ tình huống này: Những tranh giành cũ và nghi ngờ trỗi dậy. Những đồng chí ngày hôm qua bắt đầu đòi hỏi quyền lợi cho quốc gia của mình và chống lại quyền lợi của quốc gia khác. Che dấu kín đáo dưới chiếc áo rộng, ngụy trang bằng những lời hoa mỹ đoàn kết cách mạng là mối thù truyền kiếp to lớn và vô hình. Tôi hiểu một chút rằng tôi đã trải qua một thời kỳ lý thú nhất trong một thập niên tiếp theo cuộc xung đột được che dấu rồi lại lộ ra khi hòa bình Đông Dương tan vỡ. Với tôi, giống như xem một tấm hình, qua nhiều năm, mọi sự lớn hơn, gay gắt hơn khi tôi đi từ Đông Dương qua Trung Hoa - từ những cánh đồng chết ở Kampuchia đến những trận địa rải rác trên các ngọn đồi vùng biên giới Việt-Hoa, và trò chuyện với không biết bao nhiêu người, ở cả hai bên chiến tuyến. Cố gắng ráp nối những phần mất mát lại cùng với nhau, như một bức tranh được góp nhặt từ những miếng nhỏ để tìm hiểu sự xung đột mới. Do đó, tôi thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn các nhà soạn thảo sách lược và quan chức của các cường quốc, các lân bang của Đông Dương có liên quan đến tấn thảm kịch này. Cuốn sách này là kết quả của công việc điều tra khởi sự từ mười hai năm trước.

Tiếp sau Saigon và Phnom Pênh sụp đổ là sự xung đột đẫm máu giữa những người Cộng Sản Việt Nam và Kampuchia chiến thắng vì tranh giành kiểm soát các hòn đảo trong vịnh Thái Lan. Pol Pot, người lãnh đạo Khmer Đỏ, chẳng bao lâu sau khi nắm quyền kiểm soát đất nước đã mở ra một chương trình cưỡng bách để tiến nhanh tới xã hội chủ nghĩa, với mục đích làm cho Kampuchia mau lớn mạnh để có thể đối đầu với Việt Nam, kẻ thù truyền kiếp. Chẳng bao lâu sau đó, có những cuộc thanh trừng đẫm máu để tiêu diệt những phần tử đối nghịch, những kẻ bị nghi ngờ thân Việt Nam, và mở ra những cuộc tấn công trực tiếp vào làng xã Việt Nam, tàn sát dân lành. Đối với Khmer Đỏ, họ cho rằng đó là cuộc chiến tranh phòng ngự để sống còn nhằm chống lại kẻ thù lịch sử đang dự định nuốt trọn Kampuchia. Với Việt Nam, sự thù địch của Kampuchia có Trung Hoa hỗ trợ phía sau là một cuộc tái đấu của lịch sử. Trung Hoa là kẻ thù ngàn năm của Việt Nam, được xem như đang cố gắng chinh phục Việt Nam bằng hai gọng kềm từ phía Bắc và Tây Nam. Như mấy lần trong ngàn năm chống lại Thiên triều, Việt Nam, một lần nữa, sẵn sàng đối đầu với mối đe dọa bị tấn công, và nó đã xảy ra vào cuối năm 1977. Sự xung đột dấu mặt ở Kampuchia bùng nổ công khai vào ngày đầu năm 1978, khi đài phát thanh Phnom Penh loan báo cho thế giới hay rằng họ là nạn nhân của “Việt Nam xâm lăng”. Trong vòng 5 tháng, ngọn lửa bùng lên phía Bắc: Sắc dân thiểu số Hoa kiều, như làn sóng, ồ ạt rời Việt Nam, Bắc Kinh vén bức màn bí mật lên và tố giác Hà Nội ngược đãi Hoa Kiều, Hà Nội nhắm tới con đường bá quyền (tiểu bá - người dịch) ở Đông Dương. Sự phát triển mối liên minh của Việt Nam (CS) với Liên Xô gợi lên cho Trung Hoa cơn ác mộng lịch sử - Một sự đe dọa cùng lúc từ những kẻ dã man ở phía Bắc cũng như ở phía Nam. Từ mùa hè năm 1978, họ đã có kế hoạch đưa ra một cú đấm trừng phạt Việt Nam “vong ân”, nước đã hưởng thụ sự viện trợ của Trung Hoa trong ba thập niên. Vì vậy, ngay khi mối liên minh với Khmer Đỏ bị sụp đổ hoàn toàn vì cuộc xâm lược của quân đội Việt Nam (CS) thì Bắc kinh thực hiện sự trừng phạt này.

Cuộc xung đột ở Đông Dương liên hệ mật thiết đến việc tranh chấp giữa Liên Xô và Mỹ, và làm liên minh Mỹ Hoa thêm phát triển. Trong khi đó, nước Kampuchia Dân Chủ dưới sự cai trị của Khmer Đỏ đóng cửa biên giới, kín mít như bưng và sống dựa vào Trung Hoa. Từ 1975, Hà Nội cố gắng phát triển một chính sách ngoại giao độc lập, đặt căn bản trên sự cân bằng giữa hai siêu cường. Mùa hè năm 1977, Hà Nội gần như đạt được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, sau khi họ chịu từ bỏ lời khăng khăng đòi viện trợ tái thiết. Một năm sau, khi sự xung đột với Kampuchia và Trung Hoa gần như bùng nổ công khai, mối hy vọng lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ trở thành tuyệt vọng. Họ phải từ bỏ yêu cầu đòi viện trợ Mỹ. Từ đó, cơ may của họ không còn nữa. Không cần biết đến Việt Nam (CS), Bắc Kinh quyết định dạy cho Việt Nam (CS) “một bài học” và cố gắng thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Hoa Kỳ trước khi có hành động trừng phạt Hà Nội. Bắc Kinh hoạch định một kế hoạch ăn nhịp hoàn toàn với tổng thống Mỹ Jimmy Carter và cố vấn An Ninh Quốc Gia của tổng thống để tìm kiếm một sự hợp tác toàn cầu chống Liên Xô. Hoa Kỳ quyết định bỏ rơi việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (CS) và bí mật thúc đẩy việc thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Qua ba thập niên tham gia cuộc chiến ở Việt Nam để chống lại sự “bành trướng của Trung Hoa”, Hoa Kỳ, cuối cùng, im lặng trở thành người cọng sự trong cuộc chiến Trung Hoa chống lại Việt Nam. Hồi tháng 2 năm 1979, hân hoan trước thắng lợi trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, Phó chủ tịch Trung Hoa Đặng Tiểu Bình liền mở ra cuộc tấn công trừng phạt Việt Nam.


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương