Nayan Chanda hoànglonghải



tải về 1.97 Mb.
trang2/35
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.97 Mb.
#13140
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   35

Việc Việt Nam (CS) chiếm đóng Kampuchia và Trung Hoa tấn công Việt Nam chỉ là sự gia tăng mối xung đột đã nảy sinh một cách lặng lẽ từ năm 1975, mà cả mọi phía đều không có phương cách giải quyết. Tới đầu năm 1986, khoảng 180 ngàn bộ đội Việt Nam (CS) vẫn còn ở lại Kampuchia để đánh nhau với quân du kích Khmer Đỏ. Đại pháo Trung Hoa vẫn còn bắn phá tan tành vùng biên giới phía Bắc Việt Nam và bộ binh, từng lúc, vẫn còn tấn công Bắc Việt. Mặc dù bị đánh đuổi ra khỏi Phnom Pênh, chính phủ liên minh Khmer Đỏ vẫn còn được công nhận là chính phủ của nước Kampuchia Dân Chủ. Trong khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba đang tiếp diễn thì toàn bộ vấn đề có tính cách quốc tế này đã thay đổi một cách bi thảm. Nhờ chiến tranh Hoa Việt, Moscow được hưởng các tiện nghi quân sự ở Việt Nam để bành trướng sức mạnh của họ ở Thái Bình Dương. Mối hy vọng một liên minh chống Liên Xô do Washington đứng đầu để giúp đỡ Trung Hoa chống lại Việt Nam (CS) lại bị bỏ rơi khi Trung Hoa trở lại chính sách độc lập và bắt đầu bình thường hóa các cuộc thương thuyết với Liên Xô. Theo đúng một chu kỳ, nước Việt Nam (CS) mạnh về quân sự nhưng đơn độc và kinh tế rách nát lại bắt đầu theo đuổi mối quan hệ vô cùng phức tạp với Hoa Kỳ

Câu chuyện đấu tranh lịch sử này ở Đông Dương và chính sách ngoại giao của các cường quốc đã bao trùm lấy nó. Những biến cố ở Đông Dương, từ khi chiếc trực thăng Mỹ rời khỏi sân thượng tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Saigon chứng tỏ một cách rõ ràng rằng một tiền đề sai lầm khi người Mỹ can thiệp vào Việt Nam như thế nào. Thay vì chận đứng sự bành trướng của Trung Hoa ở châu Á như các nhà vạch kế hoạch Mỹ dự liệu, Việt Nam chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ là kẻ thù và đối thủ cay đắng nhất của Trung Hoa. Khmer Đỏ, từ lâu được xem như một con bài của Hà Nội thì họ lại tự bày tỏ cho thấy họ là kẻ thù sống chết của Việt Nam. Lịch sử thập niên vừa qua được xem như một bài học: Lịch sử và chủ nghĩa quốc gia - không phải bằng lý thuyết - đã đẻo gọt tương lai của vùng đất nhiều đổi thay này. Rồi bộ mặt nó có ra thế nào đi nữa, cũng khó mà tìm ra những chế độ bù nhìn thật sự ở Đông Dương.
Kẻ thù cũ,

chiến tranh mới

Sau một tháng náo động vì chiến cuộc, tháng 5/1975, Đông Dương trở lại yên tĩnh. Những chiếc trực thăng bay lượn trên trời để đưa người di tản đến chỗ an toàn nay đã hết. Cuộc giải cứu kinh hoàng của Hạm Đội 7 và hàng trăm thuyền tỵ nạn nối nhau ra biển cũng đã qua rồi. Ít ra, người ta cũng nghĩ vậy. Nhưng buổi sáng ngày 15 tháng 5, khi ánh bình minh lặng lẽ nhô lên ở cuối chân trời màu ngọc bích đảo Koh Tang trong vịnh Thái Lan thì những âm thanh lầm lạc của chiến tranh quay trở lại. Mười một chiếc trực thăng hiện ra ở cuối chân trời phía tây còn tối, hướng tới hòn đảo này của Kampuchia. Mục đích tấn công của lực lượng Mỹ (U.S. Air Force Jolly Green Giant and Knife Helicopters) là Mayaguez, một chiếc tàu chở hàng cũ và hư hỏng của Mỹ bỏ neo phía ngoài đảo Koh Tang. Ngày 12 tháng 5, một chiến thuyền của Kampuchia chở theo mấy chú lính Kampuchia quần áo đen, bắt giữ một chiếc thuyền ngoài khơi đảo Wai, xa hơn về phía Nam. Lời kêu gọi của chiếc tàu Mayday được đáp ứng. Tổng thống Gerald Ford ra lệnh một lực lượng Không quân Trực thăng thuộc đơn vị đóng ở Utapao, Thái Lan và Thủy quân Lục chiến thuộc Hạm đội 7 tới cứu chiếc tàu Mayaguez và thủy thủ đoàn gồm 39 người. Vào lúc hừng đông, khi các lực lượng Mỹ tấn công vào hòn đảo nói trên, họ không biết rằng các thủy thủ đã được chuyển đến cảng Kompong Som trên đất liền. Những người lập kế hoạch cũng chẳng biết những người đi cấp cứu phải đối đầu với những dân quân trang bị rất yếu kém. Chỉ có một chiếc trực thăng Knife hạ xuống trên bờ biển cát và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bung ra tấn công. Hàng cây phía trên còn chìm trong bóng đêm bỗng bùng lên lửa súng máy và súng trường. “Trông giống như giây đèn trên cây Giáng Sinh” - Một phi công trực thăng kinh hoàng kể lại. Chỉ trong vòng một giờ, hai chiếc trực thăng Knife bị bắn hạ và rớt trên bờ biển. Dù chẳng có ai trong thủy thủ đoàn được cứu, các Thủy Quân Lục Chiến cũng bị cầm chân vì sự kháng cự mạnh mẽ từ phía Kampuchia. Mười bốn giờ sau, máy bay và tàu chiến của Hạm Đội 7 làm cho khu vực này tan nát, kinh hoàng.

Choáng váng trước sức mạnh của Mỹ, Khmer Đỏ vội vàng trả lại thủy thủ đoàn. Nhưng cuộc tấn công của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trên đảo Koh Tang vẫn chưa chấm dứt. Ford cho rằng cần chứng minh việc tấn công dữ dội đã nghiền nát sức phòng ngự trên bờ biển Kampuchia. Vào cuối ngày của cuộc chiến, 15 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tử trận, phía Khmer không kể xiết người bị chết. Chỉ có một nhà máy lọc dầu và một phi đội nhỏ của Kampuchia bị phá hủy. Đối với tổng thống Ford, sự kiện Mayaguez là một cơ hội để nâng cao tinh thần nước Mỹ bị chùng xuống sau khi họ nhục nhã rút khỏi Phnom Pênh và Saigon. Sự bày tỏ sức mạnh của Mỹ qua vụ tàu Mayaguez, theo tổng thống Ford “là tia sáng rực rỡ nâng cao toàn bộ tinh thần của niềm tự tín mới. Hoa Kỳ vượt qua được những thời điểm hết sức khó khăn và bây giờ là lúc quay hướng lại và thay đổi một tiến trình.” Như ông nói sau này. Bây giờ là lúc Mỹ chú tâm vào việc hàn gắn vết thương, có thể quay lại Đông Dương đang chìm trong bóng tối.

Giai đoạn Mayaguez biến mất từ những trang trước, có vài điểm cần lưu ý: Biến cố ấy chỉ là một trò phụ diễn không được quảng cáo cho một cuộc xung đột dữ dội hơn, một cuộc đấu tranh được trì hoãn lâu dài để giành chỗ sinh tồn giữa hai nước láng giềng cũ. Cú đánh cuối cùng của nước Mỹ hùng cường ở Đông Dương giúp che dấu âm mưu thực hiện một cuộc chiến tranh mới giữa các đồng chí và anh em cũ, những người đã một thời tay trong tay chống lại Hoa Kỳ. Việc bắt giữ tàu Mayaguez thúc đẩy Kampuchia tấn công vào các hòn đảo do Việt Nam (CS) chiếm đóng trong vịnh Thái Lan. Những người lính Khmer Đỏ non trẻ giận dữ khi bước lên tàu Mayaguez tay chỉ cầm những cây súng AK-47 rõ ràng muốn chứng tỏ quyền kiểm soát họ mới giành được ở vùng hải phận đất nước.

Chiến trận giành hải đảo

Trong vài ý nghĩa, điều đó là tự nhiên, hầu như không thể tránh được, là phần kết thúc của một cuộc chiến đấu thành công cho tổ quốc, chống lại ách thống trị ngoại bang. Kẻ chiến thắng cố gắng củng cố quyền kiểm soát toàn lãnh thổ được xem như di sản quốc gia do tổ tiên để lại. Tuy nhiên trong trường hợp Kampuchia và Việt Nam, công việc này có ý nghĩa là mở lại mối thù hận và xung đột từ lâu đã được che dấu sau bộ mặt đồng chí và đoàn kết.

Khi sắp toàn thắng miền Nam, một trong những hành động đầu tiên của Hà Nội là “giải phóng” Trường Sa (Spratlys Inslands) trong biển Nam Hải (Đông Hải - nd) khỏi quyền kiểm soát của chế độ Thiệu và đòi quần đảo Hoàng Sa (Paracel Inslands) do Trung Hoa chiếm đóng. Chỉ mấy tuần sau khi chiếm Phnom Pênh, các đơn vị Khmer Đỏ đã mở rộng an ninh biên thùy, lãnh địa cũng như lãnh hải. Quân đội được phái tới vịnh Thái Lan để kiểm soát các hòn đảo do chế độ cũ chiếm đóng hay đòi hỏi. Mệnh lệnh không chỉ là lãnh thổ mà thôi. Thiết lập quyền hạn trên toàn cõi và giương cao chiêu bài độc lập, đối đầu với những người bảo hộ đáng kính của họ trong chiến tranh. Đã đến lúc cách mạng Việt Nam (CS) và Kampuchia đi theo những con đường chính trị dị biệt mà trong chiến tranh họ đã cùng chung một hướng, xem như để thống nhất và hợp tác. Chiến tranh qua rồi, Việt Nam (CS) không còn gì ngần ngại chống lại Trung Hoa để giành lãnh thổ, và Kampuchia cũng chẳng có gì ngại ngùng để bày tỏ sự chống đối Việt Nam. Cuộc đấu tranh lịch sử dài lâu giữa Trung Hoa và Việt Nam, giữa Việt Nam và Kampuchia đã ngưng lại dưới ách thống trị của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, nay bùng lên vì sống còn - ban đầu thì che dấu, nhưng rồi cường độ gia tăng. Khi họ sẵn sàng cắm bia đòi đất, không phải vì cách mạng, mà lại là muốn gia tăng mức độ xung đột. Nhu cầu khẩn thiết của họ là củng cố quyền lực trong nước và giải quyết vô số vấn đề hậu chiến, kêu gọi biện pháp thích hợp. Với hai lãnh tụ hàng đầu, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đang trên giường bệnh, Trung Hoa - những nhân vật chủ chốt khác trong cuộc tranh giành mới - cũng quá bận rộn với cuộc đấu đá sinh tồn về lý thuyết để lôi kéo sự chú ý hoàn toàn đối với các vấn đề đang nổi lên ở biên giới phía Nam. Sự bận tâm về các công việc nội bộ của những nhân vật chính đã gây ra sự lưỡng lự, những nỗi sợ hãi đã hằn sâu, và tham vọng chống đối lẫn nhau, chính sách ngoại giao và nội bộ dị biệt sâu sắc chẳng bao lâu đã đưa Kampuchia và Trung Hoa vào con đường liên minh chống Việt Nam.

Ngày 12 tháng Tư/ 1975, năm ngày trước khi quân Khmer Đỏ chiến thắng tiến vào thủ đô Phnom Penh, một trong những lãnh tụ Khmer Đỏ, Ieng Sary, đang ở Quảng Trị, Nam Việt Nam. To con, mắt nhỏ, khuôn mặt tròn trịa và láng, Sary sinh trưởng trong một gia đình “Khmer Krom”, thiểu số người Khmer trong vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (Người Việt gốc Miên, quê ở Trà Vinh -nd). Thập niên 1950, du học ở Pháp và theo chủ nghĩa Mác, cùng với những sinh viên Khmer khác như Pol Pot, thành lập một chi bộ Cọng Sản Kampuchia. Về sau, ông ta trở thành người có quyền lực đứng thứ hai sau Pol Pot, được gọi là “người anh thứ hai” đáng sợ. Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 1980, Sary kể lại với tôi rằng năm 1975, khi đang trên đường từ Bắc Kinh trở về vùng giải phóng Kampuchia, ngang qua các vùng mới chiếm được ở Nam Việt Nam thì ông ta nhận được một bức điện từ Hà Nội, khuyến cáo ông ta về việc người Mỹ rút ra khỏi Kampuchia. Chuyến đi của Sary dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh trắc trở, xuyên qua những con suối chảy mạnh trong tỉnh Rattanakiri của Kampuchia. Ông ta đã sống ở Hà Nội một số năm trong thời kỳ chiến tranh và thực hiện nhiều chuyến đi đi về về Kampuchia rất nguy hiểm. Tin nói về Phnom Pênh sắp sửa rơi vào tay Khmer Đỏ là ánh lửa rực sáng, chấm dứt hoàn toàn cuộc sống gian khó nhưng hữu ích này cho cách mạng Kampuchia. Thay vì ngồi trên chiếc xe Jeep cà tàng mò mẫn dọc theo những dãy núi ở Trung phần Việt Nam để xuống Kampuchia, Sary quay ngược ra Hà Nội rồi đi Bắc Kinh. Ông ta đến Phnom Pênh vào ngày 24 tháng tư, trên chiếc Boeing 707 của Trung Hoa, chuyến bay đầu tiên từ ngoại quốc hạ cánh xuống Kampuchia, chấm dứt giai đoạn di chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh.

Điều ông ta không nói với tôi trong cuộc phỏng vấn là trong thời gian ngắn khi ở lại Bắc Kinh, ông ta thảo luận những gì với các nhà lãnh đạo Trung Hoa về vấn đề xây dựng lực lượng quân đội Kampuchia. Ông ta yêu cầu nước chủ nhà đừng chuyển vận vũ khí và các trang bị khác xuyên qua con đường bình thường trước kia nữa - qua ngã Việt Nam. Vài tuần sau, tàu biển Trung Hoa chở theo gạo, nhiên liệu, và hàng hóa đổ xuống cảng Kompong Som.

Tuy nhiên, trước khi tàu biển Trung Hoa cặp bến, như một biểu tượng chính sách biệt lập của cách mạng Kampuchia, Khmer Đỏ đã thách thức viêc Việt Nam kiểm soát những hòn đảo trong vịnh Thái Lan. Nhằm nhắc lại việc đòi đảo Phú Quốc (tiếng Khmer là Koh Tral), Khmer Đỏ đã tấn công hòn đảo này hôm 4 tháng 5. Sáu ngày sau, Khmer đỏ đưa quân đổ bộ lên đảo Thổ Chu (Poulo Panjang - tiếng Miên là Krachak Ses) và bắt đi năm trăm người dân Việt Nam cư ngụ trên đảo, những người này về sau không còn nghe tin tức gì cả. Nguyễn Văn Tốt, một quân nhân chế độ Nam Việt Nam cũ, đang ở Rạch Giá lúc cuộc chiến xảy ra, mất hết toàn bộ gia đình tất cả gồm 12 người. Bốn tháng sau, ông ta trở lại Thổ Chu thì căn nhà anh ta đã hư nát, còn trên đảo thì rải rác đầy sọ người. Hai tuần sau khi Khmer Đỏ tấn công, Việt Nam phản kích, giết nhiều lính Khmer Đỏ và bắt giữ khoảng 300 tù binh.

Sary nói với một nhóm người Mỹ thân hữu rằng việc bắt giữ tàu Mayaguez hôm 12 tháng 5 là hành động của viên chỉ huy địa phương, không phải lệnh từ Phnom Pênh. Có thể là các viên chỉ huy địa phương quá căm tức, muốn mở ra thật xa việc bảo vệ lãnh thổ Kampuchia và tấn công các hòn đảo do Việt Nam chiếm đóng. Tuy nhiên, đúng hơn, là do chỉ đạo của cao cấp. Có lẽ những lãnh tụ Khmer Đỏ nghĩ rằng thực sự chiếm đóng đất đai là lời tranh luận mạnh mẽ nhất trong các cuộc thương thuyết lãnh thổ. Kampuchia chẳng bao giờ điều đình về việc họ bị mất các hòn đảo trên biển với chính quyền Nam Kỳ thuộc địa thời thực dân Pháp cũng như chính quyền Việt Nam Cọng Hòa kế tục. Năm 1960, lúc còn là quốc trưởng Kampuchia, thái tử Norodom Sihanouk đã thất bại trong việc đòi lại đảo Phú Quốc bằng đường lối ngoại giao. Ông ta cảnh cáo “Việc chúng tôi bị mất các hòn đảo trên biển sẽ đưa tới việc làm ngưng trệ hoạt động của hải cảng Kompong Som, chẳng bao lâu chúng tôi cũng chẳng giữ được nền độc lập.”

Giờ đây, lợi dụng lộn xộn lúc Saigon thất thủ, Khmer Đỏ cho rằng thời gian đã chín mùi để đem quân chiếm đóng các hòn đảo tranh chấp. Pol Pot, người sinh viên kỹ sư điện thi hỏng ở Paris, cuồng tín theo chủ nghĩa Mác, tổng bí thư đảng Cọng Sản Kampuchia (CPK) từ đầu thập niên 1960, là người đưa ra những hành động nhằm thực hiện tư tưởng cực đoan và thù hận sâu sắc đối với người Việt Nam, kẻ thù truyền kiếp. Sau khi chiếm Phnom Pênh, Pol Pot tức khắc đưa ra một đường lối chỉ đạo gồm 8 điểm, trong đó, có hai điểm chính là trục xuất thiểu số người Việt ra khỏi Kampuchia và phái quân đội tới biên giới, đặc biệt là biên giới Việt Nam. Tuy nhiên sau khi thấy phản ứng quyết liệt của Việt Nam, ông ta phải xét lại sự khôn ngoan của ông trong khi quá vội vàng. Ngày 2 tháng 6, trong khi Nguyễn Văn Linh, ủy viên bộ chính trị của đảng Cọng Sản Việt Nam tới Phnom Pênh để thảo luận vấn đề này, Pol Pot được xem là có lỗi. Bày tỏ sự tiếc rẽ việc đã làm, Pol Pot thừa nhận rằng có hành động xâm lấn, tuy nhiên sự “Đụng chạm đẫm máu và đau lòng” là do binh lính không biết rõ tình hình địa lý địa phương.

Lê Duẫn đi Phnom Pênh

Rõ ràng Việt Nam (CS) không thể chấp thuận lời giải thích đó. Trong khi Pol Pot có Ieng Sary, phó bí thư đảng, Nuon Chea và một số viên chức khác tháp tùng tới Hà Nội vào ngày 12 tháng Sáu, trong một cuộc “viếng thăm anh em” thì Việt Nam (CS) đã chiếm đóng doanh trại quân đội Kampuchia trên đảo Wai và cắm cờ trên đảo này. Ngày 14 tháng 6, tờ New York Times trích dẫn một nguồn tin tình báo Mỹ cho hay rằng Việt Nam (CS) đã chiếm đảo này. Tuy nhiên việc phái đoàn Kampuchia tới Hà Nội vào thời điểm trớ trêu ấy vẫn còn che dấu mãi đến ba năm sau.

Vài năm sau, Ieng Sary nói với tôi rằng trong suốt cuộc viếng thăm, phía Kampuchia cố gắng một cách vô vọng đưa vấn đề biên giới ra thảo luận với Việt Nam (CS). Ông ta nói rằng người Kampuchia muốn đạt tới những điểm căn bản trong bản tuyên bố năm 1967 của nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa (DRV- Bắc Việt - ngd) công nhận biên giới hiện tại của Kampuchia. Nhưng Việt Nam (CS) từ chối thảo luận vấn đề này. Sau này, theo phía Việt Nam, dù Kampuchia muốn ký một thỏa hiệp thân hữu nhằm bảo vệ các vấn đề thương mại, tài phán, phân định ranh giới, họ cũng không yêu cầu thực hiện tức khắc việc thảo luận biên giới. Ý tưởng đưa ra một thỏa ước hữu nghị là từ phía Kampuchia nhằm dàn hòa với Việt Nam, trên hình thức chấp thuận biên giới Kampuchia hiện thời. Vấn đề này chẳng bao giờ được nêu ra nữa.

Ngày 2 tháng Tám, Lê Duẫn, tổng bí thư đảng CS Việt Nam, ủy viên bộ chính trị Phạm Hùng, Xuân Thủy, nhân vật tham gia hòa đàm Paris đến Phnom Pênh trong một chuyến viếng thăm ngắn. Đã cho Kampuchia nếm mùi quân sự, bây giờ, các nhà lãnh đạo Việt Nam tỏ ra uyển chuyển hơn. Lê Duẫn, 67 tuổi, người cao lớn, trông có vẽ ảm đạm, thành viên nguyên thủy của đảng CS Đông Dương. Trước khi nắm chức bí thư đảng CS Việt Nam, ông ta đã bị tù khoảng 10 năm và một số năm lãnh đạo cách mạng Miền Nam VN. Tuy nhiên, không giống Phạm Hùng, một người miền Nam trông có vẽ oai vệ, có một thời gian dài lãnh đạo CS Miền Nam VN và vẫn còn giữ mối quan hệ với các lãnh tụ Khmer Đỏ. Đây là lần đầu tiên Duẫn đến Kampuchia. Mục đích của chuyến đi này rõ ràng không phải là để du lịch. Khách Việt Nam không được mời ra khỏi Phnom Pênh đã trở thành một thành phố ma sau việc tàn bạo xua đuổi dân chúng hồi tháng Tư. Theo lời yêu cầu của Khmer Đỏ, các bản tường trình về cuộc viếng thăm bị cắt giảm đến mức tối thiểu. Mặc dù sự tiếp đón không được nồng ấm, Duẫn vẫn là người muốn hòa giải. Ông ta thừa nhận rằng đảo Wai quả thật là lãnh thổ của Kampuchia và hứa trả lại sớm. Một bản thông cáo chung được ký kết, cam kết giải quyết những dị biệt trong hòa bình, không dùng sự trừng phạt. Không có tiệc tùng hay diễn văn. Chỉ có một bản tường trình ngắn gọn được phổ biến trên cả hai đài phát thanh Hà Nội và Phnom Pênh vào ngày 3 tháng Tám cho hay rằng “Những cuộc thương thảo chân thật đã thực hiện giữa hai phái đoàn Việt Nam và Kampuchia trong bầu không khí thân hữu vì quyền lợi chung, có quan điểm thống nhất về mọi vấn đề đưa ra.”

Dù thành thực hay giả vờ, không khí cũng có cải thiện dễ dàng khi đảo Wai được trả lại cho Kampuchia. Ngày 10 tháng Tám, Nguyễn Văn Linh gặp Nuon Chia, một trong những người lãnh đạo hàng đầu của Khmer Đỏ, báo cho ông nầy biết rằng quân đội Việt Nam (CS) đã rút lui khỏi đảo. Nuon Chia cám ơn về quyết định đó và nói rằng tất cả đều do “ngộ nhận về ranh giới giữa hai nước”. Thực ra, họ quá biết vấn đề biên giới và sự căng thẳng giữa hai phía đã tạo ra những cuộc xung đột đẫm máu sau khi họ chiến thắng phe tư bản. Chẳng bên nào muốn có chiến tranh. Đặc biệt, phía Việt Nam thì lo lắng không muốn dân chúng biết cuộc xung đột. Trong khi cố gắng giải quyết vấn đề bằng võ lực cũng như bằng ngoại giao, Hà Nội quyết định duy trì một bộ mặt đoàn kết chiến đấu với Kampuchia. Hồi tháng Bảy, sau khi tôi ở thành phố “Saigon giải phóng” được hai tháng, bay ra Hà Nội trên đường rời Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn Hoàng Tùng, biên tập tờ nhật báo “Nhân Dân” của đảng CSVN, tôi có hỏi ông về tình hình quan hệ với Kampuchia, ông ta trả lời một cách nhanh nhãu là “bình thường”. Ngưng một chút, ông ta nói thêm “Nhìn chung là bình thường”. Ông ta phủ nhận tin tức báo chí Tây phương cho rằng có xung đột ở những hòn đảo trong vịnh Thái Lan. Vào lúc tôi nói chuyện với Tùng trong văn phòng ánh điện mờ mờ, trông xuống hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội thì hàng ngàn người Việt Nam, đàn ông, đàn bà, trẻ con bị đuổi ra khỏi lãnh thổ Kampuchia, đưa xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long của Miền Nam Việt Nam. Sau khi qua biên giới, họ được quân đội Việt Nam (CS) đưa vào các trại tỵ nạn dựng tạm. Hàng trăm người Kampuchia gốc Việt Nam và Trung Hoa vào trú tại một ngôi chùa ở Chợ Lớn. Phái viên hãng AP của Pháp tại Saigon, Charles Antoine De Nerciat nghĩ rằng ông ta đã vớ được một tin giựt gân nhỏ khi ông nhận ra những người tỵ nạn nầy là từ nước Kampuchia cách mạng anh em đến trú ẩn tại thành phố Saigon đã “giải phóng”. Tuy nhiên, nhờ vào sự nghiêm nhặt của các tay kiểm duyệt Việt Nam (CS), bản tin ngày 12 tháng Sáu của ông chẳng bao giờ được chuyển đi. Trong một sự trùng hợp khá buồn cười, ông ta viết câu chuyện này vào ngày Pol Pot tới Hà Nội thực hiện chuyến viếng thăm không được công bố. Dù rằng các tay kiểm duyệt có biết chuyến viếng thăm ấy hay không, người Việt Nam (CS) cũng chẳng được lợi ích gì khi cho một nhà báo tư sản nhắc lại câu chuyện thê thảm của những người tỵ nạn và như thế, làm cho mối quan hệ với Kampuchia thêm phức tạp. Mãi đến năm 1978, câu chuyện đó mới được rõ ra. Trong chuyến viếng thăm các tỉnh biên giới Việt Nam hồi tháng 3 năm 1978, tôi được biết làm thế nào, trong suốt 5 tháng đầu sau khi “giải phóng” Phnom Pênh, hơn 150 ngàn người Việt Nam khốn khổ lũ lượt chạy về Đồng Tháp, An Giang và Tây Ninh. Người Việt Nam thì được phép định cư tại chỗ, những người Hoa, người gốc Khmer thì buộc phải trở lại Kampuchia.

Việt Nam (CS) muốn Kampuchia biết rằng họ có một người bạn có đủ sức mạnh. Sau Hà Nội, nơi Pol Pot dừng chân kế tiếp trong chuyến viếng thăm bí mật của ông ta là Bắc Kinh. Ngày 21 tháng Tám, Pol Pot được vị anh hùng, người thầy lý tưởng của Pol Pot tiếp kiến: Mao - “Anh đã thực hiện được một cú đánh tuyệt hay còn chúng tôi thì đông như thế này mà đành thua.” Mao nói với người đệ tử sáng láng của ông. Khi Mao nói câu này thì hàng trăm ngàn người dân Kampuchia bị đuổi ra khỏi các thành phố về các miền hoang dã ở thôn quê sống cuộc đời nông nô.

Mao hoàn toàn chấp thuận chương trình cách mạng của Pol Pot ở Kampuchia và sách lược của Pol Pot độc lập với Việt Nam. Cuộc họp này cũng được dấu kín cho tới hai năm sau, khi Pol Pot lột bỏ cái áo ngụy trang vô danh, công khai trở thành tổng bí thư đảng Cọng Sản Kampuchia. Dĩ nhiên, phía Việt Nam họ hiểu một cách sâu sắc những lời ca ngợi của Mao đối với Kampuchia. Năm 1975, Mao đã khuyên các nhà lãnh đạo (CS) Việt Nam “phải học tập ở Kampuchia cách làm thế nào để thực thi cách mạng.”

Tình hữu nghị giữa Trung Hoa của Mao và Kampuchia đặt căn bản trên lý thuyết và, quan trọng hơn, đồng nhất về quyền lợi. Nhóm Pol Pot không những chỉ vô cùng ngưỡng mộ tư tưởng Mao về đấu tranh giai cấp và cách mạng không ngừng, họ còn chia xẻ với Trung Hoa về mối sợ hãi và ghê tởm Liên Xô. Chống lại Việt Nam âm mưu cai trị toàn cõi Đông Dương là mối quan tâm hàng đầu của nhóm Pol Pot, vì vậy, một cách tự nhiên, họ quay về phía Trung Hoa, một liên minh chính yếu trong truyền thống chiến lược, nhằm ngăn ngừa một sức mạnh trỗi dậy ở biên giới phía Nam.

Chẳng có gì ngạc nhiên, tháng Tám năm 1975, Chu Ân Lai, lúc ấy tình hình sức khỏe rất suy yếu, không còn sống bao lâu, giải thích với Lê Thanh Nghị, người đứng đầu ban Kế Hoạch của Hà Nội, là Bắc Kinh không có khả năng giúp đỡ Việt Nam. Trong khi đó, Bắc Kinh lại nồng nhiệt hoan hô phó thủ tướng Kampuchia Khiêu Samphan và Ieng Sary, hứa viện trợ một tỉ đồng cho một chương trình 5 năm. Khoảng 20 triệu trong số tiền này đã được tháo khoán.

Trong khi chuyến viếng thăm của Khiêu Samphan và Ieng Sary thành công vẽ vang, được viện trợ kinh tế, được bày tỏ một cách công khai Trung Hoa hoàn toàn ủng hộ Kampuchia thì những cuộc thảo luận bí mật về viện trợ vũ khí đã bắt đầu từ hồi tháng Sáu, khi Pol Pot lặng lẽ đến Trung Hoa. Trong tháng Tám và tháng Mười, các nhóm chuyên viên từ bộ quốc phòng Trung Hoa thực hiện một cuộc thanh sát ở Kampuchia để tìm hiểu nhu cầu quân sự, và, ngày 12 tháng Mười, họ trình một bản soạn thảo kế hoạch quân sự cho Phnom Penh để xin chấp thuận.

Ngày 6 tháng Hai năm 1976, ngày tòa đại sứ Trung Hoa ở Hà Nội đưa ra lời than phiền chính thức đầu tiên việc bắt buộc nhóm thiểu số người Hoa ở Nam Việt Nam nhập quốc tịch, một quan chức quân sự hàng đầu của Trung Hoa thăm Phnom Pênh để kết thúc thỏa ước viện trợ quân sự. Wang Shangrong, phó Tổng tham mưu quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), nói với bộ trưởng quốc phòng Kampuchia Son Sen, quyết định của Trung Hoa về việc cung cấp bộ phận rời cho pháo binh, thuyền tuần phòng, và trang bị phòng không, trên căn bản ưu tiên. Tổng cọng có 500 cố vấn Trung Hoa huấn luyện cho quân đội Kampuchia xử dụng các loại trang bị này. Wang cũng đưa ra một danh sách về các loại vũ khí sẽ được cung cấp cho Kampuchia trong các năm 1977, 1978. Ngày 2 tháng Mười, một thỏa ước viện trợ quân sự cho Kampuchia không phải bồi hoàn được ký kết giữa Wang và Son Sen.

Trong khi việc hợp tác quân sự được giữ hoàn toàn bí mật để khỏi làm cho Thái Lan và Việt Nam lo ngại, hoạt động chính của Trung Hoa tuồng như nhằm giúp đỡ ước muốn chính đáng của Kampuchia là chuyển hóa quân đội của họ từ lực lượng du kích thành một đội quân thường trực, trang bị võ khí mới đủ sức phòng vệ đất nước. Mặc dù Bắc Kinh không nghi ngờ gì về sự mong muốn lấy lại cán cân mất thăng bằng nghiêm trọng giữa lực lượng Kampuchia thiếu thốn và lực lượng quân sự Việt Nam to lớn, bộ máy quân sự trang bị hoàn hảo, lại thừa hưởng một số lượng võ khí trị giá 5 tỉ đôla từ quân đội Miền Nam VN trước đây, họ cũng chẳng có ý hay mong muốn đẩy quân Khmer Đỏ tiến lên đối đầu với quân đội Việt Nam (CS). Trung Hoa của Mao chỉ muốn Kampuchia đủ mạnh để không bị Việt Nam bắt nạt mà thôi.

Viện trợ vũ khí của Trung Hoa cho Kampuchia được dấu kín, tuy nhiên tin tức về các viện trợ khác của Trung Hoa cho Kampuchia thì quảng bá ồn ào. Ngày 17 tháng Tư/ 1976, Bắc Kinh tổ chức một cách rầm rộ lễ kỷ niệm một năm “giải phóng” Kampuchia. Trong điện văn gởi Pol Pot nhân dịp này, Mao, Chu Đức (Zhu De) và Hoa Quốc Phong ca ngợi Pol Pot đã bảo vệ hoàn toàn nền độc lập, quyền cai trị tối thượng, toàn vẹn lãnh thổ của Kampuchia, tạo nên “sự thay đổi cách mạng sâu sắc nhất”. Tuy không nói rõ ra nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe dọa, lời cảnh cáo đó cũng không bỏ quên vai trò Hà Nội. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa trấn an Pol Pot rằng nhân dân Trung Hoa sẽ cùng “vai kề vai tiến lên phía trước” với nhân dân Kampuchia.

Hồi mùa Xuân năm 1976, Kampuchia trở thành yếu tố chính trong sự căng thẳng giữa Trung Hoa và Việt Nam, tuy nhiên mối quan hệ đang suy thoái dần bắt đầu từ những năm trước. Từ khi Hà Nội chiến thắng ở Miền Nam, sự mâu thuẫn đặc biệt từ hai phía đã gia tăng vì khác biệt về chính trị và chiến lược.


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương