Nayan Chanda hoànglonghải



tải về 1.97 Mb.
trang6/35
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.97 Mb.
#13140
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   35

Những nhà cai trị Kampuchia từ vua Ang Duong (1848-60) cho tới Pol Pot không bao giờ ngưng than phiền về việc họ bị mất đất vì Việt Nam. Trong một bức thư gởi cho hoàng đế Napoleon Đệ Tam năm 1856, vua Ang Duong thúc đẩy vua Pháp đừng chấp thuận các vùng đất đai của Kampuchia do Việt Nam chiếm cứ lúc ấy nếu như “Việt Nam không dâng đất ấy cho Hoàng đế”. Năm 1949, khi thực dân Pháp đồng ý sát nhập Nam Kỳ để thống nhất Việt Nam, Phnom Pênh đã chính thức phản đối. Ngay sau khi được độc lập trong Liên bang Đông Dương hồi năm 1954, trong mấy năm liền, Kampuchia liên tiếp đòi chính phủ Quốc Gia Việt Nam trả lại phần đất Kampuchia Krom (vùng đồng bằng sông Cử Long, một thời là Kampuchia hạ - Thủy Chận Lạp -nd) và các hòn đảo dọc theo bờ biển như Koh Tral (Phú Quốc). Tình trạng những người Khmer Krom sống ở Việt Nam vẫn còn là mối quan tâm và thỉnh thoảng chính phủ Sihanouk lại phản kháng.

Việc người Việt Nam di dân đến Kampuchia phát triển nhanh dưới thời thực dân. Người Pháp cho rằng người Việt Nam là những công nhân giỏi hơn và năng động hơn người Khmer, do đó trở thành phương tiện tốt cho họ khai thác kinh tế Kampuchia. Năm 1921, người Việt chiếm khoảng 7 phần trăn dân số Kampuchia. Trong khi đó, một số đông người nghèo khổ Bắc Việt Nam đến làm phu cho các đồn điền cao su Pháp ở Kampuchia (chỉ một số ít người Khmer làm công việc này mà thôi). Nhiều nông dân và ngư dân Việt Nam cũng rời Nam Việt Nam để cạnh tranh với người Kampuchia trong các vùng đất tốt và các khu vực đánh cá ở Kampuchia. Đặc biệt người Việt Nam theo đạo Thiên chúa La Mã, được các sứ bộ Pháp che chở, tước đoạt các vùng đất tốt của Kampuchia.(13) Điều này tạo nên những bất ổn đáng kể.

Tuy nhiên, việc đụng chạm đến tình cảm người Khmer, đặc biệt nhất chính là phần đông các viên chức cấp thấp trong chính quyền thuộc địa Pháp lại là người Việt Nam. Trong cuộc nổi loạn chống Pháp ở Kampuchia vào các năm 1885-86, những người nổi loạn nhắc lại những cố gắng của người Việt trước kia nhằm quét sạch người Kampuchia và lên án người Pháp dùng người Việt Nam để phá vở văn hóa và xã hội Kampuchia. Tuy nhiên, điều nầy không có nghĩa là hai cộng đồng dân tộc nói trên bao giờ cũng đần độn. Nhiều người Việt Nam tham gia những cuộc lật đổ Pháp của người Kampuchia. Mặc dù có sự căng thẳng và không ưa nhau, hai cộng đồng nầy cùng tồn tại an lạc trong nhiều khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, những cuộc biến động hoặc các yếu tố bên ngoài bất di bất dịch đã làm cho những định kiến tiềm tàng bỗng nảy sinh thêm. Ngay cả những sự phát triển như phong trào cọng sản Quốc tế ở Kampuchia cũng không miễn trừ định kiến chủng tộc. Thực ra, con đường phong trào Cọng sản được hình thành và phát triển ở Kampuchia đã giúp đỡ nuôi dưỡng chủ nghĩa Chauvin chống Việt Nam. (Danh từ này trích từ tên một người lính Pháp, Nicolas Chauvin, y thường ngợi ca sự thành công của Napoleon đệ nhất, ngay cả sau khi Napoléon bị thua trận Waterloo hồi năm 1815. Điều anh ta thường tán dương làm cho anh ta trở thành một hiện tượng kệch cỡm. Chủ nghĩa Chauvin (Chauvinism) được coi là một quái thai của thời đại xã hội ngày nay, thường đồng minh với chủ nghĩa đế quốc họặc chủ nghĩa quân phiệt cực đoan -người dịch chú thích).

Ở cả Lào và Kampuchia, di dân Việt Nam cung cấp nhiều tiểu tổ cơ bản cho đảng Cọng sản Đông Dương (ICP). Ngay chính người Khmer cũng dần dần bị lôi cuốn vào nền độc lập chính trị và tới năm 1950, phong trào Khmer Issarak, (Khmer độc lập) là phong trào do đảng Cọng sản Đông Đương đẻ ra. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh biết rất rõ tình cảm chống Việt Nam của người Khmer và Lào. Đây là lý do khiến Hồ, năm 1951, quyết định chia đảng Cọng sản Đông Dương ra làm ba đảng của ba nước. Một tài liệu nội bộ của đảng Lao Động Việt Nam (VWP) giải thích việc này, nói rằng các người kế nghiệp đảng Cọng Sản Đông Dương nhận xét: “Các phần tử quốc gia Lào và Kampuchia nghi ngờ Việt Nam muốn kiểm soát cả hai nước này. Đế quốc và bù nhìn có thể đưa ra những phương cách tuyên truyền nhằm tách rời Việt Nam khỏi Lào và Kampuchia, tạo rối loạn trong dân chúng Kampuchia và Lào.”(14)

Sự phân chia đảng Cọng sản Đông Dương thành ba coi như dâng một món đồ cúng cho các phần tử quốc gia đang ra sức chống lại chính sách chia để trị của thực dân Pháp. Việc lãnh đạo chính trị của phong trào Cọng sản Đông Dương vẫn nằm trong tay Hà Nội. Một bản hướng dẫn mật của đảng Cọng sản Việt Nam đưa ra hồi tháng Sáu/1952 ra lệnh cho người Việt Nam và người Trung Hoa cư trú ở Kampuchia tham gia đảng Lao động Việt Nam hơn là đảng Cách mạng Nhân dân Khmer (KPRP), vì nó “không phải là đội tiên phong của nhân dân lao động, nhưng là đảng tiên phong của quốc gia tập trung mọi phần tử yêu nước và tiến bộ của nhân dân Khmer”(15). Dù vậy, Ủy ban chấp hành lâm thời của đảng Nhân dân Cách mạng Khmer được thành lập hồi tháng Chín năm 1951 phần chính cũng là người Việt Nam -1.800 người Việt sinh ở địa phương so với 150 Khmer chính gốc.

Giữa đế quốc và ông hoàng

Hồi tháng Giêng/1953, Saloth Sar trở về Phnom Pênh sau ba năm ở Paris. Nhà cách mạng 25 tuổi, sau này trở thành một người nổi tiếng tàn ác dưới cái “Tên gây chiến tranh” (nom de guerre): Pol Pot. Đơn của ông ta xin gia nhập đảng Nhân dân Cách mạng Kampuchia lúc ấy còn phôi thai được một cán bộ Việt Nam xem xét và chấp thuận. Con người lùn và mập xét đơn ấy là Phạm Văn Ba. Một cán bộ lâu năm của đảng Cọng sản Đông Dương sống ở Phnom Pênh dưới nhiều võ bọc khác nhau, ngay cả ngụy danh một nhà báo. Cuối thập niên 1950, ông ta biến mất khỏi Phnom Pênh rồi lại xuất hiện dưới danh nghĩa một nhà ngoại giao của Việt Cọng. Sau khi giữ vai trò Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời (Miền Nam VN) ở Paris tới năm 1975, Ba trở thành đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Kampuchia thời Pol Pot.

Bảy năm sau khi tôi gặp Ba tại văn phòng Chính phủ Cách mạng Lâm thời ở Paris, lại thấy ông ta tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng Giêng/1981. Ông ta nói một cách khoái trá trước sự ngạc nhiên của tôi, tiết lộ những điều trước khi có sự gảy đổ với Khmer đỏ: “Hồi ấy tôi là bí thư (bí mật) của văn phòng đảng Cọng sản Đông Dương ở Phnom Pênh. Pol Pot tiếp xúc với tôi, xin gia nhập đảng. Ông ta có cái thẻ đảng viên đảng Cọng sản Pháp (PCF), có tham gia chi bộ Kampuchia của đảng này trong khi theo học École de Radio-Électricité ở Paris. Tôi gởi điện cho ban tham mưu đảng ở Bắc Bộ, yêu cầu họ kiểm chứng với đảng Cọng sản Pháp. Thời gian sau tôi nhận được một bức điện mật do Hoàng Văn Hoan gởi từ Bangkok, -nơi ông Hoan đang điều hành phân bộ Việt Nam hải ngoại của đảng,- xác nhận rằng quả thật Pol Pot là đảng viên Cọng sản. Vì vậy tôi cho ông ta gia nhập đảng.”

Tuy nhiên, sự giám sát trực tiếp của Việt Nam (CS) đối với

đảng Nhân dân Cách mạng Kampuchia ngưng lại một năm sau khi chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chấm dứt. Do áp lực của đại biểu Nga và Trung Hoa trong hội nghị Genève năm 1954, Cọng sản Việt Nam buộc phải chấp thuận chia cắt tạm thời Việt Nam và thỏa thuận nhường phần đất của Khmer Issrak giải phóng cho chính phủ hoàng gia Kampuchia. Không giống như kháng chiến Lào, họ được hội nghị Genève chập nhận và cho phép tập trung tại hai tỉnh phía bắc giáp giới Việt Nam và Trung Hoa (Vùng an toàn hậu phương). Phong trào Khmer Issarak bi buộc phải giải tán. Ông vua trẻ Sihanouk, người đưa ra áp lực cá nhân của ông để ngừa trước phong trào Issarak do Việt Nam (CS) hỗ trợ, đã giành phần thắng tại Hội nghị Genève. Cùng với Hiệp định này, lực lượng Việt minh cùng khoảng 2 ngàn người kháng chiến Khmer, núp trong quân đội Việt Minh phải rút về Bắc Việt Nam để chờ một ngày tốt đẹp hơn. Ba giải thích: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng Pháp sẽ thi hành đầy đủ Hiệp đinh Genève, vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị.” Quả thật đó là điều thấy xa. Dù năm 1972-75 nhóm Pol Pot đã loại trừ phần lớn những người Kampuchia do Hà Nội huấn luyện, một số người sống sót mấy năm sau đã tham gia chính quyền thân Hà Nội ở Kampuchia.

Trong khi một số lãnh tụ Khmer Issarak bị buộc phải rút lui, những người trẻ, được huấn luyện du kích ở ngoại quốc thì cay đắng hơn. Những phần tử Cọng sản quốc gia quá khích như Pol Pot, Ieng Sary và Son Sen, những người từ Paris về đã tố cáo Việt Nam hy sinh những thành quả do người Khmer đạt được trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, những người kháng chiến và những khuôn mặt lãnh đạo rút khỏi những phần đất rộng lớn ở Kampuchia, những người hoạt động gần gủi với Việt Minh, những người đào thoát và cả những người đã bị giết, để lại cho nhóm Pol Pot những vùng đất rộng lớn để họ phát triển khu vực chính trị của chính họ.

Khi Sơn Ngọc Minh, một nhà lãnh đạo Cọng sản của phong trào Khmer Issarak chọn ở lại Hà Nội sau Hiệp định Genève, quyền lãnh đạo đảng Cọng sản Kampuchia nằm trong tay Sieu Heng. Người này phản bội. Sau vài năm hợp tác bí mật với cảnh sát, -đưa tới việc sát hại hầu hết các chi bộ Cọng sản- năm 1959, Heng đào thoát theo chính quyền Sihanouk. Tại hội nghị bí mật của đảng Cọng sản Kampuchia ở nhà ga xe lửa Phnom Pênh từ 28 đến 30 tháng 8/1960, một nhà sư theo cọng sản Tou Samouth (người này có liên hệ gần gủi với Việt Nam) được bầu làm bí thư đảng. (16)

Hồi ấy Pol Pot là giáo viên ở Phnom Pênh, năm 1961 được chọn làm phó bí thư. Tháng Sáu/1962, Samouth bí mật mất dạng, Pol Pot nắm quyền bí thư đảng. Chẳng bao lâu sau, Pol Pot, em bạn rễ là Ieng Sary và Son Sen cùng những người khác trốn vào rừng bí mật tổ chức đảng. Từ đó cho đến năm 1970 mới nghe lại tin tức họ.

Trong suốt thời gian ấy, những dị biệt về chủng tộc, chủ nghĩa quốc gia cực đoan càng lúc càng phát triển sâu sắc giữa nhóm Pol Pot và nhómn ôn hòa muốn hợp tác với chính phủ Sihanouk để chống Mỹ và chống Việt Nam. Trong chuyến đi Hà Nội hồi tháng 3/1978, bất thần tôi được mời tới ăn một bữa cơm tối giản dị tại nhà một viên chức cao cấp. Sau nhiều năm phủ nhận không có gì nghiêm trọng xảy ra với Kampuchia, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Võ Đông Giang nói với tôi buổi tối hôm đó về sự xung đột có từ hai thập niên trước, sự chia rẽ sâu sắc giữa đảng Cọng sản Việt Nam và nhóm Pol Pot trong đảng Cọng sản Kampuchia. Theo ông ta ngay từ khi bắt đầu, Việt Nam (CS) đã đứng về phía nhóm người “điều chỉnh” trong đảng Cọng sản Kampuchia để chống lại nhóm Pol Pot. Ông ta nói tới họ bằng cách châm biếm như là bọn “Dân quân, những người chẳng có công trạng gì trong việc tham gia kháng chiến chống Pháp.” Giang nói chính sách của họ đem lại một thứ cách mạng, thứ cọng sản chính thống trẻ con bởi vì “ngọn cờ chống Mỹ vẫn do Sihanouk giương cao, tiếng tăm của ông ta trong dân chúng không ai bằng được. Do đó, người Cọng sản biết làm cách nào để dùng uy tín của ông mà chống lại đế quốc Mỹ, giành sự ủng hộ của dân chúng. Tiếng tăm trong dân chúng Kampuchia thuộc về Sihanouk, sau mới đến những người hoạt động chính trị (bên trong đảng Cọng sản Kampuchia) để đoàn kết dân chúng chống lại kẻ thù, chứ không phải Pol Pot. Chính sách thống nhất mọi lực lượng chống kẻ thù chung và kêu gọi đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương là đường lối cách mạng của chúng tôi từ trước cho tới bây giờ. Tuy nhiên, vì Pol Pot lãnh đạo đảng Cọng sản Kampuchia theo đường lối phân biệt chủng tộc, nên cách mạng gặp phải những khó khăn hồi năm 1967-69”. Giang nói khéo đến việc Sihanouk đàn áp Cọng sản.

Giang nói đúng khi ông ta nhấn mạnh đến việc Sihanouk được quần chúng ủng hộ khi ông nầy lãnh đạo nhân dân Kampuchia giành độc lập. Nhưng Giang nói sai khi nhắc lại khoảng thời gian trước 1954, khi đó Việt minh và Khmer Issarak xem Sihanouk như là tên đầy tớ của Pháp. Nhắm vào chính sách chống Mỹ của Sihanouk trong thập niên 1960, Giang cũng tránh không nêu lên vấn đề thái tử Sihanouk đàn áp phái hữu. Trong thập niên nầy, Việt Nam (CS) cũng khuyến cáo đảng cọng sản Kampuchia gia tăng kêu gọi từ bỏ đấu tranh giai cấp ở Kampuchia để khỏi gây rắc rối cho thái tử và có hại cho mối giao hảo giữa Sihanouk và Hà Nội.

Điều Giang không muốn nói ra là Hà Nội gia tăng phương cách gìn giữ quan hệ của họ với Sihanouk đang ngọt ngào. Việc gia tăng cường độ chiến tranh sau năm 1965, quân Việt Cọng và Bắc Việt xâm nhập cần hơn bao giờ hết những vùng đất thánh ở Kampuchia và con đường tiếp tế an toàn. - một nhu cầu mà thái tử Sihanouk đang muốn chứng tỏ một cách công khai dưới chiêu bài trung lập. Mặc dù Sihanouk đối xử với Khmer Đỏ bằng bàn tay sắt, ông ta cũng tỏ lộ cảm tình với Cọng sản Việt nam. Trong khi ông ta loại trừ những tên Cọng sản địa phương, xem họ như là kẻ làm tình báo cho Hà Nội và Bắc Kinh, thì ông ta coi chiến tranh Việt Nam đúng là cuộc chiến đấu của những người quốc gia chống lại sự bất công do chính sách can thiệp của ngoại bang. Như sau này ông ta viết trong hồi ký, ông ta nhắm mắt cho Việt Nam (CS) thiết lập các căn cứ dưỡng quân, bệnh viện và trung tâm tiếp liệu trong nội địa Kampuchia. Ông ta cũng chấp thuận cho tàu bè Trung Hoa, Liên xô, Tiệp Khắc, và các nước Xã hội Chủ nghĩa khác được cập bến Sihanoukville, đổ hàng xuống và từ nơi nầy được công khai vận chuyển tới biên giới Việt Nam sau khi giữ lại cho quân đội Kampuchia một phần. (17)

Điều Sihanouk giúp Cọng sản Việt Nam đặt căn bản trên tính toán sáng suốt là nắm trước những thời điểm tốt đẹp với những kẻ chắc chắn sẽ chiến thắng. Sau này Sihanouk nói: “Lý do tôi quyết định hợp tác với Việt Nam (CS) là làm cho Cọng sản Việt Nam mắc Kampuchia một món nợ, để sau này họ chẳng bao giờ dám đưa tay, mở mồm chống lại đất nước và dân tộc chúng tôi là ân nhân của họ.” (18)

Có lẽ Sihanouk cũng sợ Cọng sản Bắc Việt chống ông ta nếu ông ta chống lại cuộc chiến đấu của họ. Sihanouk biết trước rằng Trung Hoa và Việt Nam là những nước sẽ chế ngự Châu Á sau khi Mỹ rút quân về. Tháng 8 năm 1963, Sihanouk cẩn trọng đặt mối quan hệ ngoại giao với Nam Việt Nam và một năm sau ông ta từ chối viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Kampuchia. Tháng năm 1965, Sihnouk cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Thịnh Đốn -một hành động được Hà Nội và Bắc Kinh ca ngợi. Cũng năm này, tháng Sáu, Sihanouk hỗ trợ cho Mặt trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam bằng viện trợ y tế. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Mười một năm 1965, ông ta tâm tình với người phỏng vấn ông rằng “Người Mỹ có thể giết 10 hay 20 triệu người Việt Nam, nhưng không chóng thì chầy họ buộc phải trả lại Việt Nam cho những người còn sống... Hoa Kỳ tự họ dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mà hậu quả thất bại sẽ không tránh được.”(19)

Việt Nam (CS) biết ơn sự giúp đỡ của Sihanouk, và cũng chẳng ai lạ gì hồi mùa hè 1965, Pol Pot bí mật thăm Hà Nội trên đường đi Bắc Kinh. Hà Nội khuyên Pol Pot ủng hộ chính sách chống đế quốc của Sihanouk. Nếu đảng Cọng sản Kampuchia phát động cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền Sihanouk thì sẽ có hại cho chiến lược của Việt Nam (CS). Hà Nội không cho rằng điều này là phụ thuộc, mà coi cuộc chiến đấu của nhân dân Kampuchia có tinh cách ích kỷ, hơn là nhu cầu của Việt Nam (CS) vì họ tin rằng tình hình Kampuchia chưa đủ chín mùi để phát động đấu tranh giai cấp vũ trang. Hơn thế nữa, Hà Nội cho rằng chiến thắng ở Miền Nam Việt Nam cuối cùng sẽ tạo ra những điều kiện thành công lý tưởng cho cuộc chiến đấu chống lại chính quyền Sihanouk.

Cuộc chiến đấu vũ trang bắt đầu

Tuy nhiên, nhóm Pol Pot không tin những gì Việt Nam chủ trương. Thời gian 5 tháng khi Pol Pot ở lại Bắc Kinh hồi cuối năm 1965 và đầu năm 1966 -thời gian có cuộc cách mạng văn hóa chống đế quốc- chống bọn xét lại cực đoan đang diễn ra cao độ, hướng dẫn Pol Pot đi vào con đường đấu tranh vũ trang chống lại chế độ phong kiến, kẻ y đã liên minh. Ngay cả khi không có viện trợ công khai của Trung Hoa để chống Sihanouk -khi Trung Hoa càng lúc càng quan tâm tới liên minh Việt-Xô- cũng có thể ủng hộ Pol Pot theo một phương cách khác với Việt Nam (CS).(20)

Sau này, một cuốn “Sách Đen” nói rằng hồi năm 1966 cho thấy rõ là “có sự mâu thuẫn căn bản giữa cách mạng Kampuchia và cách mạng Việt Nam. Việt Nam muốn đặt cách mạng Kampuchia dưới sự chỉ huy của họ.” Có lẽ ý muốn nói là cách mạng Kampuchia đặt ở mức độ ưu tiên thấp hơn mức độ Việt Nam tìm kiếm trong phong trào của người Khmer. Tuy nhiên, thực ra Hà Nội không muốn hoàn toàn làm mất lòng Khmer Đỏ và cũng có lẽ muốn đưa tay ngăn cản họ. Cuối cùng, Hà Nội thỏa thuận viện trợ huấn luyện và quân sự cho nhóm Pol Pot. Một viên chức cao cấp Cọng sản Việt Nam đào thoát năm 1973 nói với các điều tra viên của Mỹ rằng hồi năm 1966 Việt Nam (CS) đã tổ chức một đơn vị gọi là P-36 để giúp đỡ Cọng sản Kampuchia. Ngay trước khi Sihanouk bị lật đổ năm 1970, P-36 báo cáo đã huấn luyện cho người Khmer và nhóm thiểu số người Việt sinh sống ở Kampuchia. (21)

Cũng không rõ là đúng hay sai, bộ phận P-36 bí mật này giữ vai trò gì trong thời gian đầu của cuộc nổi dậy ở Kampuchia.

Tiếp sau cuộc nổi dậy của nông dân chống lại việc chiếm đất -cuộc nổi dậy nầy được đoàn thanh niên chính thức ủng hộ- hồi tháng Ba và tháng Tư năm 1967 ở Samlaut, Pol Pot quyết định thành lập Quân đội Cách mạng để bắt đầu cuộc chiến đấu vũ trang chống lại chế độ Sihanouk. Ngày 17 tháng Giêng/1968, du kích Khmer Đỏ tổ chức các cuộc phục kích, bắt cóc, ám sát rời rạc lực lượng và viên chức chính phủ. Mặc dù đảng Cọng sản Việt Nam hết sức bối rối và mệt mỏi vì sự phát triển này, Sihanouk, chẳng biết gì về những rạn nứt có tính cách chiến thuật giữa hai đảng Cọng sản, liền đổ lỗi cho Hà Nội và Bắc Kinh khuyến khích cuộc xung đột. Một sử gia hàng đầu của Phong trào Cọng sản Kampuchia viết “Đảng Cọng sản Kampuchia càng thắng lợi thì càng bất lợi cho con đường tiếp vận và vùng đất thánh của Việt Nam (CS) ở trong lãnh thổ Kampuchia. Dù thế nào đi nữa, Việt Nam (CS) cũng đã cố gắng làm suy giảm cuộc đấu tranh của đảng Cọng sản Kampuchia và chắc chắn đã làm gia tăng căng thẳng và ngờ vực giữa hai đảng này.” (22)

Sihanouk đáp ứng cuộc nổi dậy của nông dân bằng cách tăng cường đàn áp phái Tả, kết quả là làm cho tình hình chính trị trở nên phổ quát hơn. Những nhà kinh tế tốt nghiệp ở đại học Sorbonne, Khieu Samphan và Hou Youn và những trí thức Cọng sản khác như Hu Nim, -ông này đã hoạt động lâu năm trong hệ thống chính quyền của Sihanouk-, trốn vào rừng. Mặt khác, những nhà chính trị hữu phái, các tướng lãnh, những người chống lại chính sách chống Mỹ của Sihanouk, và trong trường hợp riêng lẽ, chống lại việc khước từ viện trợ Mỹ của Sihanouk năm 1963, buộc ông ta chịu trách nhiệm về sự hiện diện các vùng đất thánh của Việt Cọng ở Kampuchia và mối đe dọa đang gia tăng của đảng Cọng sản Kampuchia. Tới năm 1968, Sihanouk thêm nghi ngờ có sự giúp đỡ của Trung Hoa. Sự quá độ của cách mạng Văn hoá Trung Hoa tạo ra xáo trộn có mức độ ở Kampuchia, làm Sihanouk giao động. Nếu Trung Hoa không còn tôn trọng người giữ ngôi vị lãnh đạo quốc gia của họ, Lưu Thiếu Kỳ, vì lý do lý thuyết, thì Sihanouk lo lắng hiểu rằng làm thế nào ông có thể bảo đảm được số phận của chính ông. (23) Sihanouk cũng lo lắng việc Việt Cọng gia tăng xử dụng lãnh thổ của Kampuchia. Quân số Mỹ gia tăng ở Việt Nam dưới thời kỳ tổng thống Lyndon Johnson khiến ông phải xét lại quan điểm của ông trước kia cho rằng sự chiến thắng của Cọng sản là không thể nào tránh được. Sihanouk không những thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Hoa Thịnh Đốn năm 1969 mà còn vội vàng báo cho Hoa kỳ biết rằng ông ta “sẽ nhắm mắt lại” nếu Mỹ đánh bom các vùng đất thánh của Cọng sản tại nơi không có đông dân cư ở Kampuchia.(24)

Việc Sihanouk bày tỏ sự nễ trọng trước sức mạnh của Mỹ chỉ nhằm giúp củng cố vị thế tướng Lon Nol và ông hoàng Sirik Matak, lãnh tụ khối đối lập Không-Cọng sản, thấy rằng điều họ chỉ trích Sihanouk là đúng hoàn toàn. Kinh tế suy sụp nghiêm trọng làm cho mọi việc thêm phức tạp. Trong tình hình căng thẳng hồi mùa xuân năm 1970, những người thuộc cánh hữu tìm được cơ hội lý tưởng để chống lại Sihanouk và sách lược của ông nầy tìm bảo đảm từ phía Việt Cọng và Bắc Việt Nam. Sự lo lắng của những người thuộc cánh hữu trùng hợp khít khao với mối quan tâm của Mỹ về việc quét sạch các vùng đất thánh trong lãnh thổ Kampuchia để đạt thắng lợi ở Nam Việt Nam. Mặc dù không có chứng cớ chắc chắn cho thấy các viên chức cao cấp Mỹ có liên hệ trực tiếp âm mưu chống lại Sihanouk, Hoa Thịnh Đốn cũng biết trước âm mưu lật đổ Sihanouk và họ chẳng làm gì để ngăn chận. Trong khi Hoa Kỳ hoan hô việc Sihanouk kín đáo giúp chống lại Cọng sản Việt Nam, sự xung khắc với ông quá sức mãnh liệt khiến Hoa Kỳ phải can thiệp vào Kampuchia. Cuối cùng, một cách trung thành, nhóm chống Việt Nam (CS) và thân Mỹ chống Sihanouk ra tay. Một cựu nhân viên phân tích CIA, Frank Snepp viết rằng: “Chúng tôi xoa tay và nắm lấy cơ hội.” (25).

Tại Phnom Pênh, giữa các cuộc biểu tình hỗn loạn của sinh viên chống Việt Nam (CS) và lục phá tòa đại sứ Bắc Việt, quốc hội do cánh hữu chiếm đa số đã truất phế Sihanouk (18 tháng Ba/1970), trao quyền cho thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng Lon Nol. Lúc này, Sihanouk đang trên đường Moscow về Bắc Kinh. Nơi này trở thành ngôi nhà thứ hai của ông.

Cuộc đảo chánh chống Sihanouk đe dọa phe Tả ở Kampuchia cũng như vùng đất thánh và đường tiếp tế của Việt Cọng. Bằng một hành động, nhóm đảo chánh đẩy Khmer Đỏ và Cọng sản Viêt Nam trở thành một thứ liên minh khập khểnh chống lại kẻ thù chung: Chính quyền Lon Nol do Mỹ hỗ trợ. Điểm then chốt quan trọng của liên minh này là việc truất phế thái tử Sihanouk. Trong khi Khmer Đỏ cần đến tên tuổi ông ta để khoác cái áo chính danh với quốc tế và lôi kéo sự ủng hộ của nông dân trong nước thì phía Việt Nam (CS) thấy ông ta không những chỉ là cái cột trụ để chống lại Hoa Kỳ và Lon Nol mà còn là một sự bảo đảm chống lại việc cai trị của nhóm Pol Pot.

Ngược lại, thái độ Trung Hoa mơ hồ hơn. Sihanouk phủ nhận lý lẽ -do Hà Nội đưa ra một cách mạnh mẽ, có thêm phân tích Tây Phương- ban đầu Trung Hoa lưỡng lự ủng hộ ông ta. Sihanouk nói: “Từ lần gặp gỡ đầu tiên (ngày 19 tháng Ba) tại nơi tôi cư trú, Chu Ân Lai và tôi đã thỏa thuận sự việc do bọn phản loạn tạo ra không bao giờ được chấp thuận và tính chất “hợp pháp” của chế độ Khmer mới này sẽ bị chống tới cùng”. Tuy nhiên, Chu đã không có cố gắng nào để thúc đẩy Sihanouk bắt tay với Khmer Đỏ. Theo Sihanouk, ông ta có mang một bức thư của chủ tịch Mao, thư nói rõ rằng:

“Bắc Kinh cẩn thận xem xét bất cứ quyết định nào của thái tử. Nếu ông ta muốn kết thúc sự nghiệp chính trị của ông do cuộc đảo chánh ngày hôm qua, Trung Hoa sẽ tôn trọng quyết định đó, nhưng nếu Sihanouk quyết định lãnh đạo phong trào giải phóng quốc gia kháng chiến chống Mỹ để giành lại Kampuchia, Trung Hoa sẽ ủng hộ thái tử Sihanouk và sẽ dành cho ông ta tất cả những gì có thể giúp được.” (26)

Sihanouk giải thích có vẽ thiên lệch như là tại sao Bắc Kinh vẫn còn một thời gian duy trì liên hệ với chế độ Lon Nol. Rõ ràng Trung Hoa không muốn cắt đứt quan hệ với Phnom Pênh mà không chắc rằng việc chống đối bằng vũ lực sẽ được thực hiện. Đặc biệt, cuộc đảo chánh đã xảy ra vào lúc, -do hậu quả xung đột vũ trang với Liên Xô-, Bắc Kinh đang tìm cách cải thiện bang giao với Hoa Thịnh Đốn. Trung Hoa thấy rằng dính dáng đến cuộc chiến tranh chống Lon Nol chỉ làm cho mối quan hệ với Mỹ thêm u ám.

Về sau, Việt Nam (CS) tuyên truyền rằng Bắc Kinh đã thông đồng với Lon Nol để ngăn không cho Việt Cọng thắng lợi ở Miền Nam. Tuy nhiên, phát ngôn viên chính thức của đảng CS Việt Nam, Hoàng Tùng, vào hồi tháng Ba/1970 nói với tôi, rằng Trung Hoa không ưa gì Sihanouk vì Sihanouk phê bình Mao trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Tùng nói: “Và mấy ông bạn Cọng sản của chúng tôi ở Kampuchia nuôi dưỡng lòng thù địch Sihanouk vì hành động tàn sát Cọng sản của ông này. Trong khoảng 1955 đến 1965, Sihanouk đã giết rất nhiều cán bộ Cọng sản... (27) Khi Sihanouk đang ở Bắc Kinh (3/1970), Chu Ân Lai cũng như Pol Pot chẳng có ai đề nghị Sihanouk đứng về phe kháng chiến. Chính là chúng tôi, chúng tôi có sáng kiến ấy”. Phạm Văn Đồng (người lãnh đạo một phái đoàn Việt Nam (CS) bí mật thăm Bắc Kinh ba ngày sau khi có cuộc đảo chánh) thuyết phục Chu Ân Lai, trong khi Phạm Hùng, (một thành viên bộ chính trị đi theo Đồng, ông này trước 1970 vẫn giữ quan hệ mật thiết với Khmer Đỏ) thì thuyết phục Pol Pot.

Sihanouk xác nhận rằng ông ta được Đồng nồng nhiệt ủng hộ. Ngày 23 tháng Ba, -một ngày sau khi Sihanouk họp rất lâu với Đồng-, Sihanouk kêu gọi kháng chiến vũ trang. Trong một bức thư

viết tay gởi cho thái tử vào ngày hôm sau, khi rời Bắc Kinh, Đồng nói rằng “nhân dân Việt Nam có tình hữu nghị sâu xa với nhân dân Kampuchia, ngưỡng mộ và kính trọng Ngài, chính sách của Ngài và công cuộc đấu tranh do Ngài lãnh đạo trong vai trò người đứng đầu nhân dân Kampuchia anh hùng” (28). Năm năm sau những cuộc họp đó, các nhà lãnh đạo Hà Nội và Sihanouk có quan hệ mật thiết với nhau trong nồng ấm và nhiệt tình.


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương