Nayan Chanda hoànglonghải



tải về 1.97 Mb.
trang3/35
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.97 Mb.
#13140
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   35

Dồn quân tới Trường Sa

Ba tuần lễ trước khi Cọng sản BV cắm cờ trên thành phố Saigon, sau này được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh, hải quân Việt Nam (CS) tiến chiếm quần đảo Trường Sa, trước kia do quân đội Saigon trú đóng. Hà Nội thấy trước thời kỳ rối loạn và chuyển tiếp khi chiếm miền Nam và không muốn dành cho Trung Hoa cơ hội chiếm các hòn đảo này, nơi cả hai phía đang tranh chấp. Ngày 5 tháng Năm, đài phát thanh Hà Nội đưa tin rằng khoảng thời gian sau ngày 11 tháng Tư “quân giải phóng và hải quân” đã “giải phóng” hoàn toàn sáu hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Ngày 7 tháng Năm, nhật báo “Saigon giải phóng” cho phát hành một bản đồ màu cho thấy rằng lãnh thổ Việt Nam không những bao gồm quần đảo Trường Sa mà cả quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Hoa chiếm đóng.

Bắc Kinh vẫn “câm như đá” về các biến cố này. Mấy năm sau, tôi biết Trung Hoa nghĩ gì. “Khi chúng tôi sắp rời Hà Nội để thăm viếng miền Nam vừa mới “giải phóng” chúng tôi nghe tin việc chiếm đóng Trường Sa (Nansha). Tôi như ngậm phải tro.” Ling Dequan một phái viên của Tân Hoa xã (Xinhua) nói với tôi. Ling đã làm việc vài năm tại văn phòng Tân Hoa xã ở Hà Nội và tham gia nhóm phóng viên đầu tiên có văn phòng ở đây đi thăm miền Nam VN hồi tháng 5/1975. Ông ta nói rằng việc Việt Nam chiếm quần đảo này là tạo ra một phản ứng có từ trước, khi Việt Nam công nhận quyền cai trị của Trung Hoa ở quần đảo Hoàng Sa. Ling, dù sao thì cũng đã cường điệu hóa sự kinh ngạc này. Dù cho tới lúc đó, Việt Nam (CS) chưa nhận được phản kháng nào của Trung Hoa đối với việc chiếm đóng các hòn đảo này, Hà Nội cũng đưa ra đầy đủ chứng cớ về chủ quyền. Hồi tháng Sáu năm 1974, Hoàng Tùng nói với một phái viên báo chí Thái Lan “Đông Nam Á thuộc về các dân tộc Đông Nam Á... Trung Hoa không phải là một quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á, vì vậy Trung Hoa không có những vùng lãnh hải rộng lớn như họ đòi hỏi.”

Khi Tùng nói tới vấn đề này, Hà Nội chưa tiên liệu việc chiến thắng một cách mau lẹ ở miền Nam. Bởi khi quân đội của Thiệu bắt đầu tan tác, Hà Nội cũng khó đứng ỳ một chỗ mà xem Trung Hoa chiếm đóng Trường Sa trong cùng một cung cách như họ đã chiếm Hoàng Sa năm trước.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trong biển Nam Hải bao gồm 150 chõm đất, san hô và cát, từ mấy thế kỷ trước, đã được ngư dân Việt Nam, Trung Hoa và Philippines biết đến để lấy phân bón hải điểu, thực phẩm cho người Trung Hoa sành điệu ăn uống -tổ chim yến (yến sào- nd). Hồi đầu thập niên 1970, những đảo nhỏ này lại có một giá trị mới khi việc tìm kiếm dầu hỏa bắt đầu nhộn nhịp trong vùng Đông Nam Á. Vấn đề chủ quyền càng thêm phức tạp khi Trung Hoa cho rằng tất cả những hòn đảo này là thuộc quyền của họ, lấy chứng cớ căn bản trên việc họ có lui tới những nơi này. Tuy nhiên, chẳng có ai, Trung Hoa, Việt Nam hay Philippines chiếm đóng lâu dài trên những hòn đảo đó. Mãi đến cuối thập niên 1950, chính quyền Nam Việt Nam không chống lại Trung Hoa đòi chủ quyền trên các quần đảo. Bắc Việt Nam, đồng minh lý thuyết và là người nhận viện trợ Trung Hoa, nghĩ rằng khôn ngoan thì nên mặc cho Trung Hoa tranh giành chủ quyền trên các đảo đó. Nhưng sau năm 1959, khi Saigon và Bắc Kinh lại tranh nhau chủ quyền các hòn đảo này thì Hà Nội tiếp tục tránh ủng hộ Trung Hoa bằng cách im lặng.

Hành động chiến tranh đầu tiên

Năm 1972, khi chính phủ Thiệu bắt đầu thỏa thuận cho các công ty ngoại quốc tìm dầu trên thềm lục địa Việt Nam, vấn đề các quần đảo trở thành mối quan tâm lớn của Trung Hoa. Họ âm thầm thiết lập những cái nhằm chứng tỏ sự hiện diện của họ trên chuỗi đảo Amphitrite thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracel) trong khi Miền Nam VN vẫn duy trì những đồn binh nhỏ trên chuỗi đảo Lưỡi Liềm. Tháng Tư/ 1972, trong hành động nhằm tái xuất hiện - được Mỹ chấp thuận trong chuyến viếng thăm lịch sử của tổng thống Nixon hai tháng trước đó -, Bắc kinh phản kháng các chiến hạm Mỹ xâm nhập chung quanh đảo Hoàng Sa. Trong hồi ký, bộ trưởng ngoại giao Henry Kissinger không đặt thành vấn đề chủ quyền của Trung Hoa trên quần đảo này, mặc dầu nó chống lại đòi hỏi của Nam Việt Nam, lúc đó thực sự đang chiếm một phần quần đảo này, Kissinger thông báo cho Trung Hoa biết rằng “Không có gì thiệt thòi cho vị thế hợp pháp của chúng tôi trên vùng biển, hải quân chúng tôi sẽ không xâm nhập và giữ khoảng cách 12 dặm kể từ các hòn đảo ấy.”

Hà Nội, và hầu như Saigon cũng vậy, không biết đến cam kết của Kissinger không cho hạm đội Mỹ đến gần quần đảo. Ngày 26 tháng Mười Hai/ 1973, Hà Nội thông báo cho chính phủ Trung Hoa biết kế hoạch của họ bắt đầu thương thảo với công ty dầu khí Ý Đại Lợi tìm kiếm dầu trong vịnh Bắc Việt. Ngày 11 tháng Giêng, Bắc Kinh đưa ra lời tuyên bố đòi chủ quyền ở tất cả các hòn đảo trong biển Nam Hải (Đông Hải - ngd). Bốn ngày sau, quân đội Trung Hoa tập trung gần đảo Lưỡi Liềm. Nam VN yêu cầu Bắc Kinh hãy có trách nhiệm, cẩn thận từ bỏ kế hoạch của họ. Ngày 18 tháng Giêng bằng không và hải quân, Trung Hoa tấn công lực lượng tăng cường Nam VN, đánh bật họ ra khỏi khu vực, và thiết lập quyền kiểm soát của Trung Hoa trên toàn bộ quần đảo. Chính phủ Thiệu yêu cầu Mỹ can thiệp nhưng bị từ chối một cách lịch sự. Ngũ Giác Đài nói rằng họ không biết gì về lời kêu gọi giúp đỡ đó và Hạm Đội Bảy vẫn ở ngoài khu vực xung đột. Một sĩ quan Mỹ cố vấn cho đơn vị hải quân Nam VN bị bắt, mấy tuần sau được hồi hương qua ngã Hồngkông. Một ngày trước khi Trung Hoa tấn công, Bắc Kinh thông báo cho Hà Nội biết có thể có thương thảo với Việt Nam (CS) về vấn đề hải phận, nhưng rồi ra chẳng thực hiện cố gắng nào.

Vài năm sau, (tháng Giêng/1974), đại sứ Việt Nam tại Paris, Mai Văn Bộ, nói với tôi cuộc tấn công của Trung Hoa ở Hoàng Sa là “hành động đầu tiên tấn công VN”. Tuy nhiên, lúc ấy Hà Nội chỉ đơn giản nói rằng những cuộc thương thuyết về lãnh thổ giữa các nước láng giềng cần phải xem xét hết sức nghiêm chỉnh. “Các nước liên hệ phải nói chuyện với nhau, bằng thương thuyết và trong tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và láng giềng tốt.”

Đối với việc Trung Hoa chiếm Hoàng Sa, lời phát biểu này bao hàm một sự chỉ trích. Tuy nhiên vì cần có viện trợ kinh tế và quân sư của Trung Hoa cho chiến trường miền Nam, Hà Nội chẳng có thể làm gì được hơn. Một năm sau, khi cuộc toàn thắng ở phía Nam đã rõ ràng, là thời điểm cuối cùng để Cọng Sản VN công khai chống lại Trung Hoa bằng cách tuyên bố “giải phóng” sáu hòn đảo trong quần đảo Trường Sa (Spratly). Từ giữa thập niên 1950, đã có nhiều bất đồng về lãnh thổ trên biên giới Hoa-Việt, nhưng chẳng đặt thành vấn đề gì. Sau chuyến đi của Nixon đến Trung Hoa năm 1972, và với việc Mỹ chấm dứt ném bom ở miền Bắc, ký hiệp định Paris, Hà Nội bắt đầu nêu lên vấn đề lãnh thổ. Vài vụ đụng chạm xảy ra trên biên giới Hoa Việt nhưng không được thế giới biết đến. Theo tiết lộ của Trung Hoa sau đó, hàng trăm cuộc đụng độ đã xảy ra năm 1974 và sau khi Hà Nội chiến thắng miền Nam, số lượng ấy cứ tăng dần lên.

Nỗi sợ hãi có căn cứ

Lịch sử có một điều hết sức mai mỉa, còn hơn cả Hoa Kỳ thua trận: Trung Hoa cũng bị đánh bại ở Việt Nam. Việc Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam năm 1975 tuồng như đem lại cho các nhà chiến lược Trung Hoa một cơn ác mộng về Việt Nam. Một nước Việt Nam mạnh và thống nhất là một sự thách thức ở phía Nam Trung Hoa, đồng bọn với kẻ thù cay đắng ở phía Bắc.

Sự sụp đổ quyền lực bi thảm của Mỹ ở Việt Nam - biểu tượng bằng hình ảnh đại sứ Mỹ ở Phnom Pênh, John Gunther Dean dấu lá cờ Mỹ trong bọc nylon và những chiếc trực thăng bị xô xuống biển để rộng bãi đáp trên các chiến hạm Mỹ sau khi triệt thoái khỏi Saigon, nay là lúc Bắc Kinh phải đối đầu với Liên Xô “đế quốc xã hội chủ nghĩa” đang mở rộng ảnh hưởng ở châu Á. Từ sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Nixon, sự hiện diện của Mỹ trông có vẽ ôn hòa. Tuy nhiên, Đài Loan là một ngoại lệ. Bây giờ Trung Hoa lo lắng vì sự rút lui hốt hoảng của Mỹ khỏi vùng Đông Nam Á chỉ có lợi cho Moscow, - kẻ viện trợ quân sự chính yếu cho Việt Nam -, sẽ lấp vào khoảng trống sau khi Mỹ rút đi. Sau ngày 29 tháng Tư, sau chiến dịch “Vãng lai phong” nhằm đưa hết những người Mỹ ra khỏi Việt Nam, đề mục chính của tin tức ngoại giao trong bản tin thế giới của Tân Hoa Xã là sự thao dượt của hải quân Liên Xô. Sau khi nói rằng hải quân Liên Xô hiện diện nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới, bao gồm cả việc “hăng hái thâm nhập vào eo biển Malacca” ở phía nam Việt Nam. Hãng thông tấn này bày tỏ việc “tập trận sau cùng của hải quân Liên Xô đạt tới mức độ nghiêm trọng nhất” chống lại hiểm nguy do sự xâm lược và bành trướng của “đế quốc xã hội chủ nghĩa.”

Chủ tịch Mao, Chu Đức và Chu Ân Lai dĩ nhiên gởi lời chúc mừng Hà Nội về “ngọn triều vui sướng” này nhưng họ cũng chỉ rõ rằng chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng là một biểu lộ khác của cuộc chiến tranh nhân dân đang ngấm ngầm, một khái niệm về sự khởi thủy và thực hiện ở Trung Hoa trước kia. Bài bình luận trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 1 tháng Năm cho thấy rõ cố gắng bác bỏ bất cứ vai trò nào của Liên Xô trong chiến thắng của Việt Nam. Tờ báo viết: “Chiến thắng của nhân dân Việt Nam thêm một lần nữa được chứng tỏ rằng yếu tố quyết định cho sự thắng bại là nhân dân và sự ủng hộ của họ, không phải do vũ khí”. Nói cách khác, không phải nhờ xe tăng và hỏa tiễn Liên Xô được đưa vào Việt Nam mà thành công. Đó là sự ủng hộ của nhân dân.

Những lời cảnh cáo công khai như thế rất cần thiết vì Bắc Kinh nghi ngờ những phần tử xét lại Việt Nam có thể đang bị cám dỗ bởi những viện trợ rất có hiệu quả của Liên Xô và ngược lại Việt Nam sẽ dành cho Liên Xô các căn cứ quân sự. Trung Hoa ghi nhận và theo dõi đại biểu quân sự Liên Xô đến Hà Nội chỉ một tuần sau khi Saigon sụp đổ và hàng loạt tàu Liên Xô đến các hải cảng Việt Nam. Chỉ 3 tuần sau khi Cọng Sản VN chiếm miền Nam, Trung Hoa, lần đàu tiên cảnh cáo bằng cách nói với đoàn đại biểu Nhật Bản là Liên Xô đã yêu cầu Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam VN để cho họ xử dụng các căn cứ cũ của Mỹ ở miền Nam.

Tháng Bảy năm 1975, tôi hỏi Ngô Điền, một nhà ngoại giao hòa nhã giữ nhiệm vụ báo chí trong Bộ Ngoại Giao (Sau này là đại sứ ở Kampuchia) quả thật Liên Xô có đòi xử dụng những căn cứ này hay không. Tuồng như ông ta hết sức bất bình. “Ông có nghĩ rằng Liên Xô có thể đòi những điều như thế ở đất nước chúng tôi hay không?” Rồi ông ta không cần câu trả lời, nói tiếp: “Trước khi ông hỏi bạn ông một câu gì, ông phải hiểu là bạn ông sẽ nghĩ như thế nào về câu hỏi đó. Làm sao Liên Xô có thể đòi những “căn cứ” như thế được? - sặc mùi đế quốc.” Tuy nhiên, ông ta nói thêm rằng, quả thật tàu bè Liên Xô có xử dụng những tiện nghi ở vịnh Cam Ranh, giống như tàu bè của tất cả các nước anh em khác. Mấy năm sau tôi khám phá rằng, phát biểu của Điền chỉ là cãi bướng, một trò chơi chữ. Sáu năm sau 1975, các nhà ngoại giao Việt Nam có nói với tôi rằng quả thật thời kỳ đó Liên Xô có gây sức ép để xử dụng các căn cứ quân sự cũ nhưng thất bại - thêm bốn năm nữa họ mới được những gì yêu cầu khi Việt Nam đã lún sâu vào cuộc chiến tranh với Trung Hoa.

Ngay cả việc nếu như không có căn cứ quân sự Liên Xô ở nam Việt nam, Trung Hoa lo lắng cái gì sẽ xảy ra khi cán cân quyền lực ở Đông Nam Á không còn cân bằng vì với số lượng to lớn chiến lợi phẩm lấy được ở Miền Nam, Hà Nội có sức mạnh vượt trội lên, theo đúng ngôn ngữ của nó, sẵn sàng nắm lấy vai trò cách mạng tiên phong ở khu vực này. Hầu như muốn chọc quê những lời cảnh cáo của Trung Hoa vì mối nguy hiểm do Liên Xô thay thế khoảng trống Mỹ ở Đông Nam Á, báo Nhân Dân số ra ngày 21 tháng Năm hân hoan với sự sụp đổ tuyến phòng ngự của Mỹ ở Đông Nam Á. Bài báo viết: “Một thời kỳ làm nên thắng lợi của nhân dân Việt Nam, đã góp phần đem lại sự thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực thế giới... Nhân dân trong vùng này có điều kiện dễ dàng để loại bỏ phụ thuộc của họ vào đế quốc tư bản...” Nhìn từ hướng Bắc Kinh, điều đó cũng giống như Hà Nội đòi giành lấy vai trò lãnh đạo cách mạng Đông Nam Á. Tôi đã ngửi thấy cung cách thỏa mãn của Hà Nội trong chuyến viếng thăm ở đây vào mùa hè năm 1975. Nó là một thành phố không phải lỡm chỡm đầy những họng súng hay các bích chương kêu gọi cách mạng toàn thế giới. Hà Nội vui mừng một cách thầm lặng. So với sự căng thẳng, ồn ào, và hỗn độn của Saigon mà tôi đã bỏ lại đằng sau, thủ đô phía Bắc là một sự tìm tòi mâu thuẫn. Hà Nội thay đổi chút ít từ khi Pháp rời Đông Dương 21 năm trước. Thành phố có cái già cỗi đáng yêu: Những đại lộ có những hàng cây bóng rợp, và những mặt hồ yên ã. Những con đường lặng im chỉ bị khuấy động một chút bởi những âm thanh nhẹ nhàng của xe đạp đang chạy. Hà Nội có vẽ tin tưởng trong không khí lặng im. Nói chuyện với tôi trong ngôi nhà của bộ ngoại giao xây theo kiểu Pháp, Ngô Điền đọc cho tôi nghe một bài thơ làm hồi thế kỷ 15 sau khi quân nhà Minh bị đánh đuổi ra khỏi Việt Nam:


Đánh một trận sạch không kình ngạc,

Đánh hai trận tan tác chim muông

... ... ... ... ... ... ... ,

Giangsơn từ đây mở mặt,

Xã tắc từ đây vững bền

(Bình Ngô đại cáo - người dịch)


Người Việt Nam vẫn còn sửng sốt với chiến công của họ. Trong suốt những ngày chiến tranh đen tối, khi B-52 rải thảm ở phía Bắc, hàng ngàn thanh niên rời bỏ quê hương đi Nam chiến đấu không bao giờ trở lại, chỉ có một ít hy vọng sống sót để thấy chiến thắng ở thành phố Hồ Chí Minh như họ tiên đoán. Sau khi vượt qua được những thử thách ghê gớm và đánh bại kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới, với họ, mọi việc tuồng như có thể làm được. Giờ đây, Việt Nam sẵn sàng góp mặt với thế giới, đứng thẳng lên cùng bè bạn và kẻ thù, bày tỏ ý kiến của mình.

Một Trung Hoa lo lắng, nắm lấy cơ hội kỷ niệm ba mươi năm của Bắc Việt để bày tỏ quan tâm về vai trò lãnh đạo của Việt Nam. Họ gởi một thành viên Bộ Chính trị, tướng Chen Xilian tham dự buổi lễ tổ chức tại Hà Nội. Chen, người to lớn, đang giữ chức Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, năm 1969, chỉ huy lực lượng quân sự Trung Hoa trong chiến tranh với Liên Xô dọc theo biên giới Nga Hoa và hiện ở trong cương vị có thể cảnh cáo Hà Nội về những nguy hiểm do Liên Xô tạo ra ở châu Á. Phát biểu trong một buổi lễ tại nhà máy thép Thái Nguyên do Trung Hoa xây dựng, bị đánh bom trong chiến tranh, nay cũng do Trung Hoa giúp tái tạo, ông ta ca ngợi cuộc đấu tranh “chống bá quyền” (một danh từ Trung Hoa thường dùng để ám chỉ chống Liên Xô). Ông ta cảnh cáo “âm mưu của siêu cường nhằm mục tiêu bá quyền” - có nghĩa là Liên Xô cố lấp chỗ trống của Mỹ, đang tạo ra nhiều điều ghê gớm và đe dọa gia tăng chiến tranh. Khi Chen đến Hà Nội vào ngày 31 tháng Tám, thủ tướng Phạm Văn Đồng bước lên cầu thang máy bay ôm hôm thắm thiết - theo truyền thống những ngày đoàn kết chiến đấu. Nhưng giới báo chí Hà Nội đón tiếp không lịch sự nhằm bày tỏ tính cách độc lập của họ. Họ loại bỏ những điều Chen nói tới bá quyền trong các bài phóng sự. Không bỏ lỡ cơ hội phê bình quan điểm của Trung Hoa, đài phát thanh Moscow phê bình Chen là “khiếm nhã và khiêu khích chính trị”. Bản tin đó nói rằng “Nhân dân Việt Nam biết phân biệt bạn và thù”, và họ ý thức được “sự giúp đỡ vô giá và vô vị lợi từ Moscow.”

Sự đấu đá công khai giữa Moscow và Bắc Kinh về lòng trung thành của Hà Nội chẳng đem lại điều tốt lành nào cho chính sách của Việt Nam để lèo lái cuộc tranh chấp của các bậc đàn anh trong khi Hà Nội đang mong họ giúp đỡ. Ngày 22 tháng Chín, Lê Duẫn và Lê Thanh Nghị đi Bắc kinh để cám ơn và cầu viện. Rõ ràng đây là một thử thách về tài khéo léo của Việt Nam. Hôm trước lúc lên đường, một bản tường trình từ Bắc Kinh báo cho biết trước những gì các nhà lãnh đạo Bắc Kinh muốn nghe Lê Duẫn trình bày. Sau khi họp với Mao và Đặng, cựu thủ tướng Anh Edward Heath nói với báo chí rằng Moscow đã “quá lậm” trong việc đòi hỏi xử dụng các căn cứ quân sự ở Việt Nam. Nhưng ông ta cũng nói rằng Trung Hoa không nghĩ rằng Liên Xô sẽ thành công trong việc vận dụng ảnh hưởng dài lâu với Việt Nam, cũng không thể tiến tới việc thiết lập căn cứ quân sự ở đây. Qua ông Heath, Trung Hoa đưa ra những dấu hiệu rõ với Hà Nội, không phải cho tới bây giờ, khi Duẫn trấn an Trung Hoa thì sự lạc quan mới thấy rõ.

Chẳng có thì giờ để tiệc tùng

Dù việc đón tiếp Lê Duẫn không hào nhoáng như lần đón Khiêu Samphan và Ieng Sary đến Bắc Kinh một tháng trước đó, nhưng cũng nồng ấm. Sau khi Đặng Tiểu Bình và một số lãnh tụ cao cấp ra đón tại cầu thang máy bay, Duẫn duyệt qua hàng quân danh dự quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, các em bé nhảy múa và tặng hoa. Đặng, 71 tuổi, người một thời bị Hồng Vệ Binh chưởi là “tên đầu sỏ” đi theo chủ nghĩa tư bản và phải chịu bốn năm làm công việc chùi quét các hội trường, năm 1973 được Chu Ân Lai phục hồi. Đón Lê Duẫn lần này là lần xuất hiện công khai cuối cùng của Đặng trước khi sự nghiệp chính trị của ông ta lại chìm xuống một lần nữa. Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh treo đầy đèn vàng đỏ, cờ và biểu ngữ hoan hô tình hữu nghị. Tuy nhiên, bầu không khí đó chùng xuống khi Đặng, trong buổi tiệc chào đón, đọc một bài diễn văn “thuyết giảng” về sự xấu xa của “chủ nghĩa bá quyền.” Nói tới tình hữu nghị của Việt Nam và Liên Xô, Đặng tránh không nói trực tiếp Liên Xô, nhưng gọi chung là siêu cường. “Các siêu cường là những tên đàn áp bóc lột quốc tế lớn nhất hiện nay.” Đặng nhắc nhở phái đoàn Duẫn như thế. Rồi, hơi kín đáo một chút, Đặng kêu gọi Việt Nam (CS) cùng Trung Hoa chống lại Liên Xô. Đặng nói: “Càng lúc càng rõ, bây giờ nhân dân thấy rằng trận chiến chống siêu cường bá quyền là con đường sinh tử mà nhân dân mọi nước đang phải đối đầu.” Đặng chỉ ra rằng thời gian đã thay đổi, và khi nói tới Trung Hoa và Việt Nam, Đặng không dùng thành ngữ cũ - “như môi với răng” - nhưng lại theo cung cách dịch vụ là “tình láng giềng xã hội chủ nghĩa anh em”, Đặng lưu ý Duẫn rằng bảo tồn và phát triễn tình hữu nghị là quyền lợi căn bản.

Duẫn đã từng tham dự nhiều bữa tiệc có trang hoàng lộng lẫy ở Đại Sãnh Đường Nhân Dân Trung Hoa. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Duẫn đến Bắc Kinh không chỉ đơn giản để xin viện trợ mà còn xác quyết vị trí đoàn kết và độc lập của Việt Nam. Duẫn không hết lời ca ngợi sự thành công của Trung Hoa trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, “tình cảm nồng nàn và lòng biết ơn sâu sắc” đối với sự giúp đỡ của Trung Hoa, nhưng bằng phương cách lịch sự, Duẫn gạt bỏ quan điểm của Trung Hoa đối với thế giới. Dẫn ra rằng chiến thắng của Việt Nam (CS) chẳng thể có được nếu không có “nhiệt tình và sự giúp đỡ to lớn và giá trị” của các nước xã hội chủ nghĩa anh em - có nghĩa khối Liên Xô - Duẫn nói tiếp: “Với lý do đó, thắng lợi này là thắng lợi chung của những lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cuộc chiến đấu chung chống lại chủ nghĩa đế quốc, chống lại đế quốc Mỹ cũng như bọn đầu sỏ”. Duẫn nói Việt Nam sẽ không bắt tay với Trung Hoa trong phong trào chống Liên Xô. Tuy nhiên, mặc dù có sự dị biệt về chính trị này, Duẫn cũng yêu cầu Trung Hoa viện trợ. Duẫn nhắc lại cho chủ nhà hay rằng “Nhân dân Việt Nam minh xác, trong giai đoạn mới, cũng như trong quá khứ, họ vui mừng đón nhận sự giúp đỡ nồng nàn và to lớn cũng như viện trợ của Trung Hoa.” Tại Hà Nội, bản tin của cơ quan thông tấn xã Việt Nam cắt bỏ phần nói tới siêu cường bá quyền trong bài diễn văn của Đặng.

Việc Duẫn từ chối, không quan tâm đến đề nghị của Trung Hoa có nghĩa là tạo khó khăn cho việc viện trợ từ phía Bắc Kinh. Năm tuần lễ trước khi Lê Duẫn lên đường đi Trung Hoa, Lê Thanh Nghị, người được Trung Hoa gán cho biệt danh là “tên ăn mày” vì Nghị thường đến Bắc Kinh để xin viện trợ, cũng đã đến Bắc Kinh để xin giúp đỡ. Hồi tháng Sáu năm 1973, Chu Ân Lai đề nghị Duẫn ngưng chiến ở miền Nam trong vòng 2 năm và hứa viện trợ cho Việt Nam (Bắc Việt) thêm năm năm nữa. Nhưng ngày 13 tháng Tám năm 1975, khi Nghị đến thăm Chu Ân Lai lúc đó đã gần chết, Nghị nghe giọng nói của Chu đã khác đi. Theo tờ “Peking Review” số phát hành sau đó, Chu nói với khách Việt Nam rằng “Trong chiến tranh, khi bạn hết sức cần viện trợ, chúng tôi phải lấy nhiều thứ trong quân đội chúng tôi để giúp bạn. Chúng tôi phải hết sức cố gắng để giúp bạn. Số lượng chúng tôi giúp Việt Nam đứng vào hàng đầu trong số chúng tôi viện trợ cho các nước khác. Bạn hãy để cho chúng tôi nghĩ ngơi và lấy lại sức.”

Bây giờ, Duẫn thấy nhà lãnh đạo Trung Hoa cương quyết chấm dứt mọi viện trợ dù đã được chuẩn nhận, cả viện trợ lương thực như đã hứa trước kia. Họ (TH) nói, bây giờ chiến tranh đã qua rồi, Việt Nam phải tự nuôi mình. Trong suốt cuộc họp với Mao, Nghị cố gắng nhún nhường nói với Mao “Không có Trung Hoa là hậu phương lớn của chúng tôi, không có sự giúp đỡ của các “đồng chí”, không có sự giúp đỡ của Chủ tịch, chúng tôi không thể thành công... Chúng tôi luôn luôn nói rằng chính là Trung Hoa, không phải Liên Xô, có thể viện trợ cho chúng tôi những món hàng trực tiếp nhất và hữu ích nhất, ở những giờ phút khó khăn nhất khi số mạng chúng tôi treo bằng sợi tóc...” Những lời nịnh hót như thế cũng chẳng đem lại lợi ích gì ngoài vài món nợ không lời tài trợ cho Việt Nam nhập cảng dầu và hàng tiêu dùng. Có điều rõ là Bắc Kinh chưa gạch sổ Việt Nam, đóng sầm cửa lại vì vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi nói chuyện với Lê Duẫn ngày 24 tháng Chín, Đặng không dùng lối tuyên truyền như “những hòn đảo này là vùng đất thánh của Trung Hoa” và vì vậy, không thể thương thuyết. Đặng chỉ nói rằng việc giải quyết các hòn đảo này phải qua thương nghị.

Tuy nhiên, sự khác biệt về chính trị của hai bên vẫn còn quá lớn và việc từ khước của Duẫn đã tạo khó khăn cho ông ta khi ký bản thông cáo chung. Không những Duẫn từ khước ký thông cáo chung - như trong chuyến viếng thăm chính thức năm 1973 - Duẫn còn hủy bỏ buổi tiếp tân, theo nghi lễ, mời lại nước chủ nhà. Đó là điều sau này một viên chức Trung Hoa cho là “Một hành động khác thường của người lãnh đạo đảng anh em.” Ngày 25 tháng Chín Duẫn ghé Thiên Tân bằng tàu lửa rồi lên đường về Việt Nam. Sau chiến tranh họ đã có hành động sĩ nhục Bắc Kinh.

Một tháng sau lại có một hành động sĩ nhục khác khi Duẫn đi Moscow để nhận viện trợ theo như hứa hẹn là viện trợ lâu dài và ký một thông cáo chung thừa nhận vị trí chính trị của Liên Xô ở ngoại quốc. Sau đó, một quan chức Trung Hoa nói với tôi là thông cáo chung Xô Việt ngày 30 tháng Mười là “Việt Nam đầu hàng chủ nghĩa bá quyền.”

Sự phát triển bên trong Việt Nam tuồng như củng cố mối sợ hãi của Trung Hoa. Mặc dầu Trung Hoa có hứa miệng mục tiêu tái thống nhất Việt Nam, nhưng nghi ngại về một viễn tượng thống nhất chính trị và cai trị của hai miền Việt Nam, thay đổi một cách có hiệu quả sự cân bằng ở Đông Dương. Trong điện văn chúc mừng Việt Nam chiến thắng, Bắc Kinh chua chát ám chỉ mối quan tâm này: “Chúng tôi chân thành mong muốn nhân dân Miền Nam VN sẽ không ngừng gặt hái thắng lọi to lớn và mới mẻ hơn nữa trong công cuộc tiếp tục đấu tranh thực hiện cách mạng dân tộc và dân chủ”. Theo cách thường nói thì chiến thắng của Miền Nam VN chính là do nhân dân Miền Nam chứ không do xe tăng và binh lính Bắc Việt. Trung Hoa nói rõ điều này là có ý ly cách Miền Nam ra khỏi Bắc Việt.

Trong vài tháng đầu sau khi chiếm miền Nam. Các nhà lãnh đạo CS gây ra một ấn tượng cho rằng ít ra cũng phải 5 năm, miền Nam sẽ giữ một hệ thống kinh tế và xã hội khác biệt trước khi thống nhất với miền Bắc. Trong bài diễn văn mừng thắng lợi ngày 19 tháng Năm, Lê Duẫn tuyên bố miền Nam sẽ xây dựng một “Chế độ nhà nước dân chủ” - theo ngôn ngữ Mácxít, thân xã hội chủ nghĩa - Chính phủ Cách Mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam cũng xin gia nhập - như một thành viên riêng rẻ - vào Liên Hợp Quốc. Nhưng sau sáu tháng điều hành công việc ở Miền Nam, những người lãnh đạo đảng CS Việt Nam thấy rằng sự trì hoãn thống nhất là một điều bất lợi. Trong khi hủy bỏ một cách mau lẹ hệ thống tư bản ở Miền Nam, có thể tạo ra những bất ổn và đối kháng. Duy trì hệ thống kinh tế tự do trong khi không có đủ cán bộ có khả năng có thể tạo ra tình trạng xáo trộn, và nghiêm trọng hơn, tăng cường khuynh hướng tách rời miền Nam. Các nhà lãnh đạo CS Việt Nam (Hà Nội) cũng lo sợ Bắc Kinh trực tiếp với Cọng Sản Miền Nam xuyên qua thiểu số Hoa Kiều ở Chợ Lớn và mối quan hệ chặt chẽ của Trung Hoa đối Kampuchia. Thật ra, Trung Hoa cũng rất nhạy bén trong việc miền Nam tồn tại riêng rẻ với Bắc VN, tạo ra tranh luận trong việc thống nhất Việt Nam mau chóng. Điều đó chỉ làm nổi bật mưu mẹo của Trung Hoa.

Bằng một hành động đáng kinh ngạc, đài phát thanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hôm 9 tháng Mười Một, cùng lúc thông báo trì hoãn “Hội nghị Hiệp thương” Nam Bắc chuẩn bị tái thống nhất, trong khi đã có quyết định sẽ họp trong vài tuần tới. Trung Hoa rõ ràng đã vắng mặt thì nay lại đưa ra lời chúc mừng Hà Nội.


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương