Nayan Chanda hoànglonghải



tải về 1.97 Mb.
trang8/35
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.97 Mb.
#13140
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   35

Dù vội vàng trấn an Bắc Kinh rằng những nhà lãnh đạo ở Phnom Pênh đã chịu ơn “bè lũ bốn tên”, rõ ràng Pol Pot quan tâm đến tình hình ở Trung Hoa quá nguy hiểm, đang lan rộng trong nước. Nó có thể làm cho nội bộ đảng Cọng sản Trung Hoa nghĩ rằng chủ nghĩa cấp tiến của Pol Pot, Ieng Sary đi quá xa. Điện văn gởi cho Hoa không được phát trên đài phát thanh Phnom Pênh, -nguồn thông tin độc nhất của nhân dân Kampuchia, rãi rác khắp các trại lao động đơn độc -. Mãi đến ngày 2 tháng 12/1976, một tuần trước khi phái đoàn báo chí Trung Hoa đến, đài phát thanh Phnom Pênh mới tiết lộ cho thính giả tin tức về việc Hoa được bầu làm chủ tịch đảng và việc bắt giữ “bè lũ bốn tên”. Tin tức đó cũng không nói rõ thêm ai là bè lũ đó và cũng không nói rõ tội trạng của họ.

Đoàn đại biểu kinh tế và thương mại Kampuchia xuất hiện ở Trung Hoa đúng lúc tình hình xáo trộn đang xảy ra. Họ được phía chủ nhà bảo đảm rằng “Bắc Kinh luôn luôn là người bạn đáng tin cậy của chính phủ và nhân dân Kampuchia” (5). Có thể vẫn còn những hậu quả bất lợi trong số chống tả phái ở Trung Hoa có ảnh hưởng đến viện trợ cho Kampuchia và, hơn thế nữa, về mặt tinh thần của đảng Cọng sản Kampuchia, rõ ràng làm Pol Pot lo lắng. Do đó, mỗi cơ hội mà người Kampuchia có thể nhắc nhở “thành quả cuộc Cách mạng Văn hóa.” Trung Hoa (có nghĩa là tất cả những biện pháp cực tả được thực hiện trong thời kỳ 1967-71) sẽ được bảo tồn và phát triển, và cuộc đấu tranh giai cấp là mối “quan hệ cốt lõi” trong việc xây dựng đất nước. Trong bữa tiệc ngày 10 tháng Chạp chào đón đại biểu Tân Hoa Xã tới Phnom Pênh, bộ trưởng thông tin Hu Nim ca ngợi việc đập tan bè lũ bốn tên nhưng cũng chỉ ra rằng nhân dân Trung Hoa sẽ “không cho phép chủ nghĩa xét lại và giai cấp tư bản quay trở lại” -một thành ngữ biểu lộ quan tâm hơn là kết tội.

Những cơn gió lạnh từ Bắc Kinh thổi tới

Thái độ của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đối với Khmer Đỏ như thế nào? “Nhận xét của các viên chức Trung Hoa viếng Phnom Pênh hồi tháng Chạp làm cho họ bớt nhiệt tình trong việc viện trợ.” Họ lịch sự làm như không biết tới những điều người Kampuchia nhắc nhở họ cần thiết tiếp tục đấu tranh giai cấp. Họ cũng không viện trợ như thường lệ cho Kampuchia “trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thỗ.” -một cách nói gián tiếp về việc Bắc Kinh hỗ trợ cho Kampuchia chống Việt Nam. Thái độ chần chừ của họ không muốn liên can đến các cuộc tranh luận về ý thức hệ và ngay cả việc che dấu viện trợ đã dự phần vào việc lưu ý Phnom Pênh nên đứng ngoài tình hình chính trị của Trung Hoa. Trong một trường hợp, khi từ Phnom Pênh trở về, Fang Yi, bộ trưởng quan hệ kinh tế với ngoại quốc nói với đại sứ Lỗ Mã Ni ở Bắc Kinh rằng ông ta không ưa những gì ông đã thấy ở Kampuchia. “Họ đã đi quá xa trong vấn đề tự túc.” Nói chuyện với đồng nghiệp Tây phương trong suốt thời kỳ đó, đại sứ Trung Hoa ở Hà Nội không che dấu ngạc nhiên đối với chủ trương tự

túc của Khmer Đỏ. Ông ta nói với các đại sứ phương Tây rằng người Kampuchia cũng không xử dụng ngay cả hàng hóa đã viện trợ cho họ -khoảng 20 triệu -số lượng Trung Hoa viện trợ năm 1975. (6)

Những lời phê bình có tính cách riêng tư của Khmer Đỏ nói rằng hồi mùa xuân năm 1977, các nhà ngoại giao và báo chí nghe các viên chức Trung Hoa phản ảnh sự thay đổi đã diễn ra ở Trung Hoa khi Trung Hoa loại trừ những phần tử cấp tiến. Năm 1974, khi các phần tử cực tả vươn lên ở Trung Hoa thì một tài liệu lưu hành trong nội bộ đảng mô tả Cọng sản Kampuchia như là những phần tử sáng chói nhất, thực hiện tư tưởng Mao ở ngoại quốc. Nhưng kể từ 1975, những người tỵ nạn Kampuchia trốn chạy ra ngoại quốc tố cáo với thế giới rằng Khmer Đỏ rất độc ác. Các chính phủ Tây phương phỏng chừng Khmer Đỏ chịu trách nhiệm về cái chết của hơn một triệu người trong nước từ khi họ cầm quyền. Tới cuối năm 1976, truyền thông Trung Hoa hằng ngày thóa mạ “bè lũ bốn tên” đã làm vô số tội ác khi đàn áp nhân dân. Các viên chức Bắc Kinh cũng có phần bối rối khi ở ngoại quốc, họ được xem như là quân sư ý thức hệ cho Khmer Đỏ. Một nhà bỉnh bút tờ nhật báo Cọng sản Trung Hoa ở Hồngkông nói với tôi hồi đầu năm 1977 “Chúng tôi không thể chỉ trích họ (Khmer Đỏ) vì chính sách của Trung Hoa là không can thiệp nội bộ các nước khác. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy họ đã đi quá xa trong việc thực hiện chủ nghĩa bình đẳng và tự túc.” Đặc biệt ông ta phê bình quyết định của Khmer Đỏ hủy bỏ tiền bạc, chợ búa và tài sản riêng. Ông ta chống lại việc Khmer Đỏ từ khước đi theo đường lối Mácxít Lêninít cổ điển về cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên từng phần. Một viên chức Trung Hoa khác nói riêng với tôi là Trung Hoa bối rối, nhắm mắt giả điếc trước lời tố cáo của nhóm người Hoa tỵ nạn chạy khỏi Kampuchia, yêu cầu Bắc Kinh can thiệp để ngưng việc giết chóc của Khmer Đỏ. Tuy nhiên, ông ta nói rằng Trung Hoa không thể xen vào công việc nội bộ của Kampuchia. Dù vậy, những biến cố về sau, cũng cho thấy rằng không phải do xung khắc tinh thần hay bất đồng về ý thức hệ đã có ảnh hưởng đến viện trợ của Trung Hoa cho Kampuchia mà căn bản là vấn đề chính trị vậy.

Một lễ chu niên về việc giết người

Bằng một sự trùng hợp kỳ lạ, trong khi những cuộc đấu đá trong nội bộ đảng chống lại nhóm cực đoan đạt tới cao điểm ở Trung Hoa sau khi Mao qua đời và việc bắt giữ “bè lũ bốn tên” thì ngọn triều cũng đổi qua hướng đối nghịch ở Kampuchia. Cuối tháng Tám/1976, nhóm lãnh đạo đảng CS Kampuchia chung quanh Pol Pot tham dự một cuộc họp ba ngày, qua đó họ quyết định thực hiện hợp tác toàn bộ nông-công nghiệp và tổ chức nhà ăn cộng đồng trên toàn quốc. Pol Pot tin rằng việc xây dựng chủ nghĩa Cọng sản phải tiến nhanh hơn để đối đầu với Việt Nam mạnh hơn. Một bài báo thu hẹp trên nhật báo “Cờ Cách mạng” (Tung Padevat) xuất bản hồi tháng Sáu năm 1976 giải thích rằng “Chúng ta muốn mau lẹ xây dựng xã hội chủ nghĩa, và chúng ta muốn mau lẹ thay đổi xã hội. Chúng ta muốn nhân dân chúng ta thành công huy hoàng. Điều này đặc biệt ngăn chặn kẻ thù làm hại chúng ta.”.(7) Con đường đi tới “vinh quang” này có quá nhiều máu và nước mắt của mười ngàn người buộc làm việc nặng nề như súc vật mà lại thiếu ăn trong những nhà ăn công cộng và nhiều khi bị trừng phạt tới chết vì than phiền công việc nặng nhọc. Chế độ làm việc thì khắc nghiệt cho những “người dân mới” -những người trước kia ở thành thị, những người bị xem là tiêm nhiễm tư tưởng tiểu tư sản. Họ phải được thanh lọc bằng lao động chân tay. Những ai yếu sức thì coi như không ích lợi gì cho cách mạng Kampuchia. “Có họ (dân thành phố) cũng chẳng được gì, không có họ cũng chẳng mất gì.” Đó là câu châm ngôn lạnh lùng mà cán bộ Khmer Đỏ thường nhắc đi nhắc lại trong các buổi nói chuyện của họ. Pol Pot cũng tính rằng nhiệt tình cách mạng giúp đập tan bọn chống đối trong nội bộ đảng. Theo một tài liệu của đảng công bố hồi cuối năm 1976. “Vi trùng độc trong nội bộ đảng” sẽ nổi lên quét sạch tính chân thật trong đảng.(8) Theo Pol Pot, những ai chống lại hoặc thắc mắc cũng là tay sai đế quốc hay gián điệp Việt Nam (CS), cố ý phá hoại bước đại nhảy vọt của Kampuchia. Sự kiện là hồi giữa năm 1976 có nhiều âm mưu ám sát Pol Pot, có lẽ là do tình hình khẩn cấp, để tìm ra bọn chống đối còn tiềm tàng.

Ít ra cũng có một âm mưu giết Pol Pot được nhắc lại trong cuốn “Sách Đen” của Kampuchia Dân chủ được một người đào thoát khỏi Khmer Đỏ xác nhận. Sau khi trốn qua Thái Lan, người này nói với các viên chức Mỹ về âm mưu giết Pol Pot hồi giữa năm 1976 bằng cách bỏ thuốc độc vào thức ăn của ông ta. Âm mưu này bị phá hỏng khi một người cận vệ của Pol Pot vô tình ăn nhằm mẫu thức ăn đã bị thuốc và chết tức khắc. Theo người đào thoát này, những kẻ âm mưu -một người chỉ huy quân đội Khmer Đỏ tên là Chan Krey và những người đồng sự - nguyên do là vì “công việc nặng nhọc và lao khổ” mà nhân dân đang gánh chịu. (9) Cũng chẳng có gì ngạc nhiên nếu những người có dự mưu này phản đối chính sách độc ác chống Việt Nam của Pol Pot. Tuy nhiên, cũng chẳng có chứng cớ gì để làm sáng tỏ thêm lời cáo buộc của cuốn “Sách Đen” nói rằng Việt Nam (CS) có dự vào âm mưu đó.

Việc thanh trừng có hệ thống các thành viên của đảng CS Kampuchia hồi tháng Chín năm 1976 trực tiếp liên hệ đến quan hệ giữa đảng CS Kampuchia với Việt Nam (CS). Cho tới lúc đó, ngày thành lập đảng CS Kampuchia được công nhận là ngày 30 tháng Chín/1951 -một ngày phát xuất trực tiếp từ ngày thành lập đảng CS Đông Dương do Hồ Chí Minh thành lập năm 1930. Suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-54) ba phong trào Việt Nam, Kampuchia và Lào hợp tác chặt chẽ và nhiều người Kampuchia hoạt động hữu hiệu trong sự hợp tác này. Cựu cán bộ CS Kampuchia Keo Meas là một trong những người lãnh đạo như thế. Ông ta muốn xác định lại nguồn gốc Việt Nam của đảng ông bằng cách tổ chức kỷ niệm lần thứ 25. Chính sách nội bộ của Việt Nam (CS) cũng mang tính chính thống Mácxít hơn là nhóm cực đoan Kampuchia. Có lẽ Keo Meas cảm thấy cần hành động khẩn cấp khi thấy kế hoạch của nhóm cực đoan được tán thành hồi tháng Tám và việc Pol Pot công khai thừa nhận lòng trung thành với chủ nghĩa Mao qua những lời tán dương đối với cái chết của Mao. Nhà sử học Kampuchia David Chandler lý luận rằng sự quan hệ suy giảm với Việt Nam hồi giữa năm 1976 và tình hình chính trị bất ổn ở Trung Hoa sau khi Mao qua đời có lẽ đã khuyến khích Keo Meas vội vã tổ chức lễ kỷ niệm vì tin vào tính chất quan trọng của đảng.

Mặt khác, Pol Pot muốn cắt đứt quan niệm lỏng lẽo cho rằng đảng CS Kampuchia có nguồn gốc từ Việt Nam hay chỉ vì lợi ích chung mà có san sẽ với đảng CS Việt Nam. Ông ta chỉ rõ rằng ngày sinh nhật của đảng CS Kampuchia là bắt đầu từ đại hội năm 1960, lúc ông ta được chọn làm phó bí thư đảng, chứ không phải từ năm 1951. Lịch sử được viết lại, nói rằng đảng CS Kampuchia đạt tới sự nghiệp vinh quang khởi đầu từ thời Pol Pot đứng ở ngôi vị hàng đầu và xóa bỏ chín năm gần gủi - hay tòng thuộc- quan hệ hợp tác với Việt Nam. Thời kỳ này Pol Pot chẳng có vai trò gì đáng kể. Tờ báo “Cờ Cách mạng” (Tung Padevat) ấn hành hồi tháng Chín và Mười giải thích tại sao ngày sinh nhật của đảng không phải là năm 1951 mà lại là 1960. “Chúng ta phải điều chỉnh lại lịch sử đảng” và một bài trong một tờ nhật báo, thường tự tay Pol Pot viết, nói rằng “để rõ ràng và hoàn hảo, phù hợp với chính sách của đảng ta về độc lập và tự chủ.” (11)

Mười ngày trước khi lễ, Pol Pot ra lệnh đình chỉ việc chuẩn bị, bắt giữ Keo Meas và một nhà lãnh đạo hàng đầu khác, Nay Sarang. Họ bị giải vào Trung tâm Điều tra An ninh Quốc gia, trước kia là trường cấp hai Tuol Sleng ở Phnom Pênh nay biến thành trại tù và trung tâm thẩm vấn, bí số S-21. Sau một tháng bị hành hạ và với một loạt bản tự thú, họ bị giết. Hai năm tiếp sau, gần hai chục ngàn cán bộ đảng và gia đình họ bị hành quyết sau khi bị giam tại trung tâm giam giữ nổi tiếng độc ác này.(12)

Sau khi chối bỏ liên hệ lịch sử với Việt Nam, Chandler viết: “Pol Pot chẳng bao lâu khởi đầu một kế hoạch để chờ lúc mở cuộc chiến tranh toàn diện chống Việt Nam cũng như hợp tác hóa nông nghiệp bên trong Kampuchia mà không theo một khuôn mẫu hay khuyến cáo nào từ phía Việt Nam”. (13)

Bài viết trên tờ “Cờ Cách mạng” cho thấy rõ việc thanh trừng cũng là sự tiếp nối việc chống đối chính sách cực tả của Pol Pot, nói rằng một số người trong đảng coi việc đuổi dân ra khỏi thành phố và hủy bỏ việc xử dụng tiền và tài sản riêng là “tả chủ nghĩa”. Bài báo nói thêm: “Chúng ta có lý do của chúng ta. Và phong trào đã xác quyết rằng chúng ta làm đúng... Tả hay không tả, chúng ta phải đi đúng phong trào”. Bài báo cũng kết tội vài người trong đảng đã “chống lại phong trào và phản cách mạng” (14)

Ngày 27 tháng Chín năm 1976, đài phát thanh Phnom Pênh đưa tin một tuần trước (ngày Keo Meas bị bắt) Ủy ban Trung ương Đại hội Đại biểu Nhân dân - Quốc hội bù nhìn của Kampuchia- thuận cho Pol Pot tạm thời nghỉ việc “vì sức khỏe trong vài tháng” và chỉ định Nuon Chia làm quyền thủ tướng. Nhiều quan sát viên vội cho rằng Pol Pot bị thanh trừng, nhưng việc “rời chức vụ vì bệnh” của Pol Pot chỉ là để cho ông ta rảnh tay “chữa trị những ung thối” do bất đồng trong đảng. Ken Quinn tin rằng Pol Pot đã quyết định “việc đi nghỉ” sau khi sống sót qua khỏi vụ đầu độc hồi giữa năm 1976.

Việc tìm hiểu của Quinn đưa tới kết luận là Pol Pot lui vào một khu bí mật và được bảo vệ kỷ, không thể bị tấn công và có thể trực tiếp đưa ra những cố gắng nhằm loại trừ tất cả những ai bị nghi ngờ có dính líu đến âm mưu giết ông ta. Những người sống sót và người tỵ nạn sau cuộc thanh trừng tới Thái Lan trong năm 1977 cho biết có cuộc tàn sát lớn những người được gọi là “Khmer Đỏ cũ” (Có lẽ là những người được xem là có cảm tình với Việt Nam và muốn có chính sách nội bộ ôn hòa, và những người được coi là chống lại Pol Pot), những người bị nghi là “phản động”. Cùng lúc đó, các nhà tình báo Mỹ ở Thái Lan cũng có thu nhận tin nói rõ về việc Pol Pot tự tay trực tiếp chỉ huy việc thanh trừng ở vùng Tây Bắc Kampuchia. (15)

Cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên vì trong suốt nửa sau/1976, khi cuộc thanh trừng lên cao, Kampuchia tìm cách duy trì quan hệ bình thường với Việt Nam. Trong khi Pol Pot đang làm “trong sạch” đảng và thực hiện chương trình cải cách cấp tiến của họ, rõ ràng họ muốn giữ Việt Nam trong mối quan hệ tốt. Tháng Tám, một đoàn đại biểu phụ nữ tới thăm Hà Nội. Pol Pot còn đón mừng đại sứ Phạm Văn Ba trong dịp kỷ niệm ba mươi năm nước Cọng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 21 tháng Chín, một buổi lễ được tổ chức tại phi trường Pochentong ở Phnom Pênh để đánh dấu ngày mở đầu đường bay từ thành phố Hồ Chí Minh tới Phnom Pênh. Có lẽ hầu như người Việt Nam không biết rằng chỉ mới ngày hôm trước, một trong những người bạn Khmer ít ỏi của họ đã bị bắt nhốt vào Toul Sleng.

Trước Liên Hợp Quốc, hồi tháng Mười, Ieng Sary lên tiếng đã kích Việt Nam dã man nhưng không nói rõ tên. Dù sao, ông ta cũng đã kêu gọi cơ quan quốc tế này cho Việt Nam gia nhập. Đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc của Việt Nam bị Hoa Kỳ phủ quyết. Ngày 28 tháng Mười vì Ieng Sary vắng mặt, quyền bộ trưởng ngoại giao Son Sen tiếp đại sứ Phạm văn Ba trong hai tiếng đồng hồ. Cuộc nói chuyện được giữ bí mật nhưng đài phát thanh Phnom Pênh mô tả là “thành thật và thân hữu.” (16)

Đảng CS Kampuchia còn lặng lẽ gởi một phái đoàn gồm bảy “nhà báo” Kampuchia tham gia đại hội lần thứ tư đảng CS Việt Nam họp tại Hà Nội giữa tháng Chạp. Việc gởi phái đoàn đi tham dự cũng như điện văn chúc mừng từ Angkor Padovat (tên Khmer Đỏ thường tự dùng để gọi Tổ chức Cách mạng Kampuchia trước khi đảng CS Kampuchia ra công khai) là một phần cố gắng nhằm duy trì bề mặt quan hệ bình thường. Lời “chúc mừng nồng nhiệt” của Phnom Pênh gởi cho Việt Nam (CS) nói rằng Kampuchia và Việt Nam “kéo dài tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng”.(17) Điện văn này do Hà Nội công bố nhưng đài phát thanh Phnom Pênh lại chẳng thông báo gì. Vào lúc những người có cảm tình với Việt Nam đang bị nhân viên an ninh Pol Pot săn đuổi, việc phát đi một bản tin như thế sẻ gây xáo trộn trong hàng ngũ CS Kampuchia.

Mối sợ hãi về một Liên bang

Việt Nam nghi ngờ có sự gia tăng đàn áp trong nội bộ Kampuchia nhưng không biết rõ. Trong buổi nói chuyện riêng với một du khách Thái thuộc cánh tả hồi cuối năm 1976, thủ tướng Việt Nam (CS) Phạm văn Đồng bày tỏ quan tâm của ông ta về sự an toàn cho “một vài người bạn Kampuchia”. Một số nhà cựu ngoại giao thời Sihanouk lãnh đạo chính phủ kháng chiến viết thư cho bạn hữu của họ ở Hà Nội trước khi họ từ Bắc Kinh bay về Phnom Pênh. Rồi từ đó, không nghe tin tức gì về họ cả. (18)

Có thể Hà Nội không biết rõ tình hình thanh trừng ở Kampuchia nhưng có biết những thù hằn trong nội bộ nước này. Đầu tháng Ba năm 1977, một nhà ngoại giao Việt Nam nói với tôi ở Việt Nam là có “đấu tranh nghiêm trọng” bên trong nội bộ đảng CS Kampuchia, giữa những người ông ta gọi là “Một trăm phần trăm thân Mao-Pol Pot” và những người được gọi là theo “đường lối ôn hòa”. Những người theo đường lối ôn hòa coi như thân Việt Nam, và ông ta tiên đoán rằng “cuối cùng họ sẽ giành được thắng lợi.” Đồng cũng đồng quan điểm với nhóm này khi ông ta nói với du khách Thái ấy về hy vọng “những cuộc cách mạng chân chính” sẽ nổi dậy ở Kampuchia. Hy vọng này buộc Hà Nội giữ tình láng giềng tốt trong khi tìm phương cách đối đầu với thách thức của Pol Pot. Có lẽ việc ấy vượt ra ngoài quan tâm về những vấn đề phát triển trong nội bộ Kampuchia mà Việt Nam sẵn sàng cúi mình để làm vui lòng Pol Pot. Họ không muốn tạo thêm những bất lợi giao hảo và nhóm bạn hữu của Hà Nội đang bị dồn vào góc tường trong nội bộ đảng CS Kampuchia. Đầu tháng Hai năm 1977, một đoàn đại biểu phụ nữ được Hà Nội gởi đi Phnom Pênh để củng cố tình đoàn kết. Ngày 15 tháng Hai, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hoàng văn Lợi tới Phnom Pênh trong một chuyến đi thăm hai ngày không được công bố. Nhiệm vụ chính của ông ta là thuyết phục Kampuchia tham gia một hội nghị cấp cao về Đông Dương. Hà Nội muốn trục xuất về nước những người Kampuchia trốn qua Việt Nam trong mấy tháng trước để làm dịu bầu không khí ngoại giao và tạo sự hợp tác toàn vẹn giữa hai nước. (19) Nhiều lúc, việc trục xuất về nước bao gồm cả những phần tử xấu trong khi thi hành các dịch vụ. Trong hành động như vậy, hồi đầu năm 1977, Việt Nam dành cho Khmer Đỏ quyền chọn 49 người tỵ nạn tại một trại ở Mộc Hóa đem về nước để đổi lại một tên đầu cơ.(20)

Tuy nhiên, Kampuchia từ khước ý định họp thượng đỉnh. Họ thấy rằng đề nghị đó là một bằng chứng xa hơn nữa việc Việt Nam không ngừng cố gắng đặt Đông Dương dưới ảnh huởng của Việt Nam. Tháng Hai năm 1976, Phnom Pênh cảnh giác, phản ứng với danh từ “quan hệ đặc biệt” dùng để mô tả quan hệ giữa Việt Nam với Lào. Hồi tháng Chạp năm 1976, sự cảnh giác này được quan tâm đặc biệt khi Hà Nội thông báo rằng quan hệ thường trực đặc biệt với Kampuchia là mục tiêu lâu dài của Cọng sản VN. CS Việt Nam công bố quyết tâm của họ rằng Việt Nam sẽ duy trì và phát triển quan hệ đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, Kampuchia anh em, tăng cường đoàn kết chiến đấu, tin tưởng nhau, hợp tác lâu dài và viện trợ hỗ tương trên mọi lãnh vực... để ba nước có thể trở thành một hiệp hội cùng nhau đấu tranh giải phóng đất nước và hợp tác mãi mãi trong xây dựng và bảo vệ xứ sở vì nền độc lập và thịnh vượng của mỗi nước.(21)

Hồi cuối tháng 3/1977, sau cuộc thanh trừng bắt đầu hồi

tháng Chín trước, loại bỏ hàng trăm cán bộ và để Pol Pot kiểm soát đảng chặt chẽ hơn, đôi khi Phnom Pênh giải thích giải pháp cuối cùng đối với sự đe dọa của Việt Nam. Tuồng như Pol Pot quyết định loại bỏ quan hệ bình thường giã vờ với Việt Nam. Đã đến lúc tiến hành chiến dịch trục xuất tất cả số người Việt Nam còn ở lại Kampuchia và thực hiện các cuộc tấn công vào Việt Nam.

Ros Saroeun, một người thợ máy xe hơi sống sót sau thời kỳ Khmer Đỏ kể lại những ngày giao động ấy. Đó là hồi đầu tháng Tư/1977 ở Oudong. Trong khi chờ viên quận trưởng Khmer Đỏ tới chỉ thị việc sửa chữa các xe, Saroeun căng cổ ra đọc lá thư trên bàn anh ta có đóng dấu “Ban chỉ đạo 870”, ngày ghi là ngày 1 tháng Tư/1977. Vào lúc đó, anh ta không biết bí số 870 là Ủy ban Trung ương đầy quyền lực hoặc là cái bóng của Angkar (tổ chức). Nhưng sự chỉ đạo lạnh lùng trong bức điện nói rõ rằng: Tất cả những người Việt Nam ở trong quận và tất cả những người Khmer nói tiếng Việt hay có bạn bè Việt Nam sẽ bị đưa tới cơ quan An ninh Quốc gia. Saroeun cảm thấy lạnh mình. Ngay từ khi còn là trẻ mồ côi, Saroeun đã được ông chủ garage người Việt ở Phnom Pênh nuôi nấng. Saroeun không những nói được tiếng Việt mà còn lấy vợ Việt Nam. May mắn là vợ anh ta trông không giống người Việt và ngay cả những người trong hợp tác xã cũng không biết chị ấy là người Việt hay biết chị ấy nói được tiếng Việt. Sau khi sửa xong chiếc xe Jeep cho ủy ban quận, Saroeun vội vàng về nhà báo cho vợ hay. Chị ấy cũng biết rồi. Một người đàn bà Việt Nam ở trong làng vừa bị Khmer Đỏ lấy gậy lớn đánh tới chết và chôn phía ngoài làng sau khi bắt chồng bà ta là người Khmer đi phá rừng. Vài ngày sau, người chồng về thấy nhà trống không. Hàng xóm sợ hãi, lặng lẽ quay đi, không ai dám nhìn ông chồng. Lang thang trong làng, rồi anh ta tìm ra chỗ kinh hãi ấy -một bàn tay đặt trên nấm mộ mới đắp. Ông ta nhận ra bàn tay của vợ nhưng không biết nói như thế nào. Từ tháng Ba, trong khi chuẩn bị vũ trang đánh nhau với Việt Nam, các đơn vị quân đội Kampuchia ở khu phía đông không còn giữ nhiệm vụ sản xuất để chuẩn bị chiến đấu. Tới 30 tháng Tư /1977, Khmer Đỏ tấn công một loạt các làng mạc và thị trấn dọc theo biên giới tỉnh An Giang trong lưu vực sông Cửu Long, giết hại dân thường và đốt nhà cửa của họ. Chỉ riêng cuộc tấn công vào Tịnh Biên cũng đã giết một trăm người dân thường. Một năm sau, đến thăm thị trấn ma quái này, tôi nghe nhiều người sống sót nhắc lại đêm kinh hãi 30 tháng Tư/1977 ấy. Sự thực, dù Kampuchia đã tấn công các tỉnh dọc biên giới Việt Nam từ tháng Giêng/1977 nhưng họ chọn ngày 30 tháng Tư để mở ra cuộc tấn công dữ dội nhứt vì ngày đó có rất nhiều ý nghĩa. Đó là ngày Việt Nam (CS) tổ chức lần thứ hai kỷ niệm giải phóng miền Nam và chuẩn bị ngày lễ Lao động -đó là ngày đoàn kết quốc tế của công nhân.

Hà Nội đánh cuộc với Đặng

Có sự ngập ngừng và phấn khởi ở Hà Nội qua tiếng máy teletype lách cách trong bộ Ngoại giao, báo tin về cái chết của Mao. Vài tháng kể từ khi Chu Ân Lai chết hồi tháng Giêng/1976, các bản báo cáo từ Bắc Kinh gởi về nói rõ việc tranh giành quyền lực căng thẳng trong đó nhóm cấp tiến tuồng như thắng thế, điều đó không ai chối cải. Có thể nào cái chết của Mao cũng là hồi chuông báo tử cho phe tả? Ít ra, Hà Nội cũng hy vọng như thế. Không để mất cơ hội lấy lại lòng trung thành trong mối quan hệ đã băng giá, Việt Nam cho một chuyến bay đặc biệt mang vòng hoa tang đến Bắc Kinh. Hầu hết thành viên bộ chính trị của đảng CS Việt Nam tập trung tại tòa đại sứ Trung Hoa hình dạng giống như cái chùa để viết lời chia buồn vào sổ tang.

Ngày 12 tháng Mười khi nghe tin bắt giữ “bè lũ bốn tên”, Việt Nam không dấu giếm nỗi vui mừng. Một viên chức Việt Nam bồng bột nói với phóng viên báo L'humanité của Pháp rằng “Năm tới anh ta có thể đi Bắc Kinh đưa tin về sự phát triễn tình hình ở đó.” (23) Đó chỉ là một sự tiên đoán hoàn toàn cường điệu khi những thành viên chống Liên Xô của đảng Cọng Sản Pháp không được đón chào ở Trung Hoa. Quả thật Việt Nam hy vọng quá nhiều vào việc phe cực tả bị loại trừ. Trung Hoa sẽ quay lại quan điểm của họ, bớt chủ nghĩa Chauvin hơn và thái độ thực tế hơn trong khi đối phó với Việt Nam. Nếu đường lối ôn hòa hồi cuối thời Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình,-người đã từng bị sĩ nhục- lại nổi lên ở Trung Hoa, có lẽ Hà Nội được thông cảm hơn về vị thế độc lập của họ.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Hoa, Nguyễn Trọng Vĩnh nói với vài đồng nghiệp rằng nếu Đặng trở lại nắm quyền thì một giải pháp cho vấn đề Trung Hoa và Việt Nam tranh cải chủ quyền các hòn đảo ở ngoài khơi biển Trung Hoa (biển Đông, nd) sẽ đạt được. Vĩnh nói rằng khi tổng bí thư Lê Duẫn gặp Đặng hồi tháng Chín/ 75, Đặng có đồng ý sau này phải họp để thương thảo vấn đề này. Nhưng ngay từ khi bắt đầu chiến dịch chống Đặng hồi cuối năm 1975, Bắc Kinh làm cho tình hình thêm khó khăn bằng cách tuyên bố rằng sự kiện các hòn đảo là không thể thương thuyết vì “nó là vùng đất thiêng quê mẹ”. Việc Đặng phục hồi quyền lực, theo Việt Nam hy vọng, sẽ đem lại một tình hình thực tiễn hơn. (24)

Việt Nam đang ở giữa thời kỳ kế hoạch năm năm lần thứ hai khi có tin từ Bắc Kinh đưa tới. Hơn một năm qua, các nhà lãnh đạo Hà Nội đi vòng các nước khối xã hội chủ nghĩa, cố gắng bảo toàn viện trợ cho kế hoạch của họ. Chỉ có Trung Hoa là nước xã hội chủ nghĩa lớn từ chối mọi sự cam kết có tính cách lâu dài. Với việc loại trừ nhóm cấp tiến ra khỏi quyền lãnh đạo, Hà Nội muốn xác định khi nào thì Trung Hoa thay đổi ý kiến của họ. Ngày 15 tháng Mười, ba ngày sau khi có bản báo cáo về sự sụp đổ của nhóm cực đoan, Hà Nội gởi một bức thư cho Bắc Kinh yêu cầu viện trợ. Tuy nhiên, cho mãi tới tháng Chạp, Hà Nội không nhận được phúc đáp. Lúc đó Việt Nam đang tổ chức đại hội đảng tại quảng trường Ba Đình. Không có đại biểu Trung Hoa trong số 29 đại biểu các đảng anh em tham dự đại hội. Việc nầy để lại ấn tượng một âm mưu trong chính sách của Việt Nam. Chính sách ngoại giao trọng yếu của đảng là tập trung vào khối không liên kết và Thế giới Thứ Ba, loại trừ vấn đề căn bản chia rẽ Moscow và Bắc Kinh. Mặc dù đảng Cọng sản Việt Nam nhận định khác với Trung Hoa về chủ nghĩa đế quốc Mỹ, như là mối đe dọa chính cho hòa bình thế giới, Việt Nam ca ngợi Trung Hoa lẫn Liên Xô về những thành quả của các nước này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nói rõ ra họ không tin tưởng bất cứ một kiểu mẫu cách mạng nào: Mỗi quốc gia tự phát triển chiến lược và chiến thuật thích hợp với điều kiện riêng của mỗi nước.


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương