Nayan Chanda hoànglonghải



tải về 1.97 Mb.
trang11/35
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.97 Mb.
#13140
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   35

Mặc dù các vị vua Việt Nam tiếp tục chấp nhận quyền bá chủ của Trung Hoa, các hoàng đế Trung Hoa kế nghiệp (khi nào họ thấy có sức mạnh quân sự) can thiệp vào Việt Nam để bảo tồn sự vững vàng và sắp đặt mọi việc đúng với trật tự Khổng giáo. Chẳng hạn như trước khi tấn công xâm lược Việt Nam, vua Thành Tổ nhà Minh đã liệt ra 20 tội của vua Việt Nam. Trong số này có 8 tội thuộc về luân lý và vi phạm ý thức hệ, chẳng hạn như tiếm quyền và giết hại tiên đế đã được Trung Hoa thuận phong, tàn hại dân lành và lừa gạt hoàng đế nhà Minh. Năm tội tiếp sau có liên hệ đến sự an toàn của Trung Hoa, trong đó bao gồm cả việc quấy phá các bộ tộc thiểu số ở biên giới và khuyến dụ họ chống lại hoàng đế Trung Hoa. Năm tội khác là xâm lược Chiêm Thành. Hai tội cuối cùng là biểu lộ sự bất kính với hoàng đế. Những tội đó, như nhà sử học Wang Gungwu ghi nhận: “chứng tỏ một lãnh vực, qua đó, Trung Hoa muốn chứng minh quyền bá chủ, không thuận tình với tinh thần tự do và độc lập của các nước chư hầu”, đặc biệt Việt Nam, trong một thời gian lâu dài là một phần của đế quốc Trung Hoa. Việt Nam không hẵn là một nước chư hầu. Nó là một tỉnh cũ của Trung Hoa đã chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Điều chính yếu khi vua Thành Tổ đưa ra để trừng phạt Việt Nam năm 1407 vì Việt Nam là một mi-mi (liên hệ hết sức gần gủi). Nền văn hiến Việt Nam có được là từ Trung Hoa, tạo thành mối hữu nghị, những “tội trạng” là của các nhà vua, đặc biệt là việc xâm phạm của họ.

Đánh để cho dài tóc

Sau cuộc xâm lược năm 1407, trong khoảng 20 năm, các người cai trị hàng đầu ở Việt Nam là những người Tàu. Họ tiêu hủy hết sách của Việt Nam hoặc đem về Trung Hoa và hầu hết bị mất mát. Đó là điều đau đớn nhất của người Việt đối với văn học của họ sau này. Họ áp dụng thuế khóa theo cách của nhà Minh. Trường học chỉ dạy cổ văn Trung Hoa. Các quan cai trị buộc người Việt phải theo phong tục, truyền thống và an vận để tóc theo lối Tàu. Tục xăm mình, nhuộm răng và ăn trầu - tục truyền thống của người Việt - bị cấm chỉ. Trong thời kỳ đầu của cuộc chiếm đóng, quan lại Trung Hoa bắt người Việt đi tìm vàng, bạc, đồng và mỏ sắt, săn voi để lấy ngà, sừng tê giác và xuống biển mò ngọc trai.

Lê Lợi mở cuộc kháng chiến lâu dài và chấm dứt nền đô hộ của người Trung Hoa vào năm 1427. Trong vòng 450 năm sau đó, mãi đến khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, Việt Nam giữ được nền tự chủ. Một đe dọa lớn xảy đến cho họ năm 1788, khi nhà Thanh đem quân sang xâm lược, muốn đô hộ Việt Nam trở lại. Cuôc xâm lược đó bị đại bại vì một nhà chiến lược sáng chói Việt Nam: vua Quang Trung và vì tinh thần quốc gia độc lập đã bùng lên từ mấy trăm năm nay. Nguyễn Huệ (vua Quang Trung - ngd) có một bài hịch cho binh lính ông:
Đánh cho để dài tóc,

Đánh cho để trắng răng

Đánh cho để chích luân bất phản

Đánh cho không còn manh giáp

Đánh cho Nam quốc tri hữu chủ
Cuộc chiến đấu chống lại ách đô hộ Trung Hoa trở thành một động lực cho chủ nghĩa quốc gia Việt Nam được tôn giáo nâng cao.

Ngay trong cao điểm chiến tranh chống Mỹ, khi viện trợ Trung Hoa có tính cách quyết định cho sự sống còn của Việt Nam (CS) thì tinh thần tôn giáo đó lại âm thầm đóng một vai trò thực tiễn. Trong thời gian thăm viếng Bắc Việt Nam hồi tháng 10/ 1972, học giả Mỹ George Kahin tò mò khám phá ra sự tự do tôn giáo có mức độ. Sau khi quan sát một đám đông người ngoan đạo ở nhà thờ chánh tòa Hà Nội, người tùy tùng Việt Nam của ông hỏi: “Ông có muốn xem vài điểm về tôn giáo của chúng tôi không?” Kahin nhận lời mời nên được đưa đi xem một ngôi đền giữa hồ Hoàn Kiếm. Tại đền này có ba bàn thờ: Một thờ Phật, một thờ Thủy Thần và giữa thì thờ Đức Trần Hưng Đạo, một vị tướng đánh bại (3 lần - nd) quân Mông cổ hồi thế kỷ thứ 13. Do yêu cầu, Kahin tìm thấy ở Hà Nội có khoảng 6 ngôi đền người Việt Nam dùng để thờ lạy các vị nam nữ anh hùng như Lê Lợi, hai bà Trưng, những người đã chống lại Trung Hoa xâm lược.

Trong khi chiến đấu để giành độc lập, người Việt Nam phát triển một kiểu mẫu chính trị pha trộn giữa hai tính bền vững và uyển chuyển. Sự bền vững bảo tồn tính khác biệt và độc lập, sự uyển chuyển là tính thỏa hiệp với Trung Hoa. Tính độc đáo này cũng phản ảnh quan điểm hai mặt với Trung Hoa, đánh dấu sự yêu mến và thù ghét, thua kém và tự hào, lòng can đảm anh dũng và sự tự đắc. Điều ấy lại được củng cố bởi tinh thần làm chủ của mình, luôn luôn được tài bồi bởi ý thức về sức mạnh Trung Hoa và lòng khâm phục của họ đối với quốc gia nầy. Các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rất rõ rằng ngay từ khi mới giành được độc lập, tinh thần anh dũng của dân tộc họ, đất đai thuận lợi, và chiến lược hay có thể đánh bại các cuộc xâm lược, nhưng Trung Hoa là một nước quá đông dân, và tiềm năng của họ rất phong phú. Việt Nam phải đối đầu với Trung Hoa biết tới bao giờ mới thôi. Chấp thuận bá quyền của Trung Hoa, các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể tránh được sự can thiệp của quốc gia này. Có nhà viết sử Việt Nam nói rằng: “Nhượng bớt quyền hành cho Trung Hoa có lợi hơn cho các vị vua Việt Nam, có thể bảo đảm an toàn được trong khi loạn lạc có Trung Hoa che chở còn trong thời bình thì không bị Trung Hoa chiếm đóng hoặc cai trị trực tiếp.” Thông thường, sau khi đánh bại quân Trung Hoa xâm lược, vua Việt Nam thường phái sứ bộ sang Tàu xin lỗi và đem đồ cống sứ qua cho Thiên Tử. Thường thì việc ấy được vua Trung Hoa chuẩn nhận.

Bây giờ chiến đấu, triều cống sau

Sau khi đánh thắng quân Minh năm 1427, một số dân chúng và binh lính yêu cầu vua Lê Lợi giết tất cả những binh lính nhà Minh bị bắt để trả thù họ đã giết hết tù binh họ bắt được. Nguyễn Trãi, nhà chiến lược mà cũng là một nhà thơ, một vị quân sư rất gần gũi với Lê Lợi chống lại ý kiến ấy. Nguyễn Trãi tâu: “Hiện tại, việc tấn công kẻ thù và uống máu chúng cho đã khát là việc không khó. Nhưng thần e rằng việc ấy sẽ gây lòng thù hận sâu xa đối với Minh triều. Để trả thù và để giữ uy danh một nước lớn, Minh triều lại đưa quân sang. Chiến tranh tàn hại kéo dài bao lâu nữa. Điều có lợi cho cả hai nước là nhân dịp này, kẻ thù đang thế cùng lực kiệt mà giải hòa với họ.” Lê Lợi nghe lời Nguyễn Trãi, bèn cho quân Minh năm trăm thuyền, vài ngàn ngựa và lương thực để họ kéo về nước.

Biết rất rõ tính hiếu đại và thể diện của hoàng đế Trung Hoa, người Việt Nam áp dụng nghệ thuật vuốt ve rất khéo và giả vờ ngoan ngoãn để thuận lòng hoàng đế, những điều hoàng đế không thể dùng vũ lực để chiếm được. Hồi đầu thế kỷ thứ 18, hoàng đế Trung Hoa giận muốn điên lên vì Việt Nam đòi một vùng đất dài 40 lý (bằng 13 miles) dọc theo biên giới Hoa Việt. Nhưng khi vua Việt Nam bày tỏ lòng ăn năn hối cải thì hoàng đế Trung Hoa nhân hậu thuận trao cho vùng đất tranh chấp được vĩnh viễn thuộc về Việt Nam. Sau khi đánh bại cuộc xâm lược nhà Thanh năm 1789, anh hùng Nguyễn Huệ gửi một lá thư xin lỗi hoàng đế Trung Hoa, việc ông ta chống lại quân đội thiên triều, theo ông ta khiêm tốn giải thích, là một tai nạn.

Để xoa dịu lòng tự phụ của hoàng đế Trung Hoa, Nguyễn Huệ nói ông ta sẽ tự thân mang đồ cống phẩm qua Tàu nhân dịp bát tuần của hoàng đế. Trong dịp này ông gởi một người cháu trông giống ông giả làm vua Việt Nam. Không biết hoàng đế Trung Hoa có biết trò hai mặt này của Nguyễn Huê hay không, người cháu đóng giả vai vua Quang Trung được tiếp đón một cách huy hoàng, xứng đáng với một vị khách của thiên triều đã biết hối cải.

Từ thế kỷ thứ 10, mặc dù Việt Nam theo đuổi một chính sách độc lập với các nước láng giềng như Chiêm Thành, Kampuchia, Thái Lan và Lào, họ vẫn thường cáo lên hoàng đế lý do hành động tại sao phải chinh phạt các chư hầu Trung Hoa. Năm 1044, vua Lý Thái Tông biện giải việc ông ta xâm lược Chiêm Thành bằng cách dẫn ra những lời giáo huấn của Khổng Tử nói rằng Chiêm Thành thiếu lòng tôn kính - một kiểu giải thích có thể làm vui lòng triều đình Trung Hoa. Năm 1446, Việt Nam kêu gọi triều đình nhà Minh chống lại Chiêm Thành cướp phá biên giới của họ. Kết quả, vua Minh buộc Chiêm Thành chấm dứt hành vi cướp phá đó. Hai mươi ba năm sau, trước khi mở một cuộc tấn công nghiêm trọng vào Chiêm Thành, hoàng đế Thánh Tông nhà Lê cho một sứ bộ qua Trung Hoa giải thích lý do mở cuộc phạt Chiêm để tránh cơn thịnh nộ của vua Tàu.

Kết quả, trong khi Việt Nam thừa nhận bá quyền Trung Hoa, họ cũng thiết lập một hệ thống chư hầu cho họ như kiểu Trung Hoa vậy. Các vua Việt Nam tự xưng Vương (king) khi tiếp xúc với Trung Hoa nhưng lại tự xưng mình là đế (emperor) khi tiếp xúc với những vua chúa cai trị vùng Đông Nam Á. Trong khi cố gắng bắt chước Trung Hoa, các vị vua Việt Nam cũng tự gọi nước họ là “Trung Quốc” - Middle Kingdom và xây dựng một hoàng thành ở Huế theo kiểu “Cấm thành” ở Bắc Kinh, cũng cùng với hào lũy, các cửa thành giống như Trung Hoa vậy. Từ đầu thế kỷ thứ 11, triều đình Huế (có lẽ tác giả nhầm lẫn. Thời điểm này thuộc nhà Lý, kinh đô còn đóng ở Thăng Long - người dịch) gởi cho vua Kampuchia - được xem là chư hầu của Việt Nam - một cái ấn bằng vàng chậm nổi hình con lạc đà - một kiểu mô phỏng đã được nhận từ Bắc Kinh, coi như một bằng chứng được thừa nhận là vua. Cái hình vật “lạ” trên cái ấn gây nên sự tò mò ở Phnom Pênh, họ thường coi biểu tượng Trung Hoa là con sư tử.

Trong khi vẫn giữ lòng trung thành với Trung Hoa về mặt tổ chức chính trị, (Alexander Woodside chỉ rõ ra rằng) hoàng đế Việt Nam và triều thần của ông bị buộc phải tin “Trung Hoa là kim chỉ nam văn hóa của một xã hội có các bộ tộc man rợ bao quanh”. Kỳ vọng văn hóa của triều đình Việt Nam cũng vĩ đại như Trung Hoa nhưng họ khác Trung Hoa ở chỗ chung quanh Việt Nam cũng là những dân tộc có nền văn hóa tương đương. Yếu tố này làm cho người Việt Nam không tự tin như người Trung Hoa. Kết quả là sự căng thẳng và bất ổn như trong một cố gắng thất bại của hoàng đế Minh Mạng nhằm Việt Nam hóa người Kampuchia hồi thập niên 1830.

Ngoài mặt văn hóa, Việt Nam biện giải việc họ giám hộ Kampuchia và Lào là vì lý do an ninh. Nguyễn Tri Phương, một vị quan lại của triều đình Huế, năm 1835 viết: “Việt Nam ở vào một vị trí tối nguy hiểm, liền với một nước lớn mà dân số đông hơn tới mấy chục lần, hiếu chiến, luôn luôn muốn bành trướng, sát nhập đất đai xứ mà họ cho là man rợ hơn. Đó là Trung Hoa. Phía đông và phía tây thì nối liền với các dân tộc cũng muốn bành trướng và quấy nhiễu chúng ta. Họ phải luôn luôn chống lại sự xâm lược của các dân tộc và các bộ lạc để giữ mình và để tấn bộ... Kampuchia thì yếu và thường khốn khổ vì các cuộc nội loạn, bị quân Xiêm La xâm lấn mà bọn này thường tàn sát hàng loạt. Bởi vậy, nước này đã nhiều lần yêu cầu quân ta đến để vãn hồi an ninh trật tự trong nước họ.” Dưới danh nghĩa bảo vệ Kampuchia khỏi bị Xiêm La xâm lấn, triều đình Huế kiểm soát toàn bộ nước này. Năm 1827, dưới danh nghĩa giúp Lào chống Xiêm La đe dọa, Việt Nam chiếm đóng một dãi đất dài ở phía Bắc và Trung Lào, bao gồm cả Sầm Nứa (một vùng đất 125 năm sau trở thành pháo đài của phong trào Pathet Lào do Việt Nam hỗ trợ). Hồi cuối thế kỷ 19, khi Pháp cai trị Lào, Kampuchia và Việt Nam, không những họ chỉ chấm dứt hàng ngàn năm bá quyền của Trung Hoa tại những xứ này mà còn làm cho các nước này trở thành các đơn vị chính trị và chiến lược -Liên bang Đông Dương - mà các vị hoàng đế nhà Nguyễn tuồng như đã thực hiện gần xong cho Việt Nam.

Sự cai trị của các đồng chí

Một phần tư thế kỷ sau khi Đông Dương thuộc Liên Hiệp Pháp giải thể để trả độc lập cho các nước Lào, Kampuchia và Việt Nam, ý nghĩ về một “Khối Đông Dương đoàn kết” dưới sự lãnh đạo của Hà Nội bây giờ lại nổi lên. Có phải Cọng Sản Việt Nam cố gắng tiếp tục kềm giữ biên cương thuộc địa cũ và như thế “hoàn thành mục tiêu văn hóa và chính trị của Việt Nam?” Có phải khái niệm “Liên Bang Đông Dương” do Cọng Sản Việt Nam đề khởi hồi thập niên 1930 mà nay là sự diễn dịch về kỳ vọng của triều đại nhà Nguyễn ngày xưa? Một bản nghiên cứu về sự phát triển chính sách Việt Nam với Đông Dương trong vòng năm chục năm qua cho thấy sự kế tục đáng lưu ý trong tư tưởng chiến lược của họ -được tăng cường với những kinh nghiệm hiện đại - Nhưng nó cũng chứng tỏ cho thấy sự tán thưởng sức mạnh chủ nghĩa quốc gia và sự cân bằng địa lý chính trị là hai lực song song, đơn giản giữa chính sách của Hà Nội và sự yếu thế của Việt Nam.

Không như huyền thoại trong dân chúng về giấc mơ của Hồ Chí Minh xây dựng một “Liên Bang Đông Dương” do Hà Nội kiểm soát, điều đưa ông tiến tới việc thành lập đảng Cọng Sản Đông Dương, ý niệm về trách nhiệm rộng rãi hơn đói với toàn bộ khu vực nầy khởi nguyên từ Quốc Tế Cọng Sản tại Moscow hay Đệ Tam Quốc Tế. Các nhà nghiên cứu mới đây cho thấy hồi thập niên 1930 nhóm Cọng Sản Việt Nam tập họp tại Hồng-Kông để thành lập đảng Cọng Sản lấy tên là Việt Nam Cọng Sản đảng (VCP). Quyết định đó đã bị Đệ Tam Quốc Tế khiển trách vì theo đuổi một chính sách quốc gia hẹp hòi và không lưu tâm tới chủ nghĩa quốc tế vô sản. Sau đó, lệnh của Đệ Tam Quốc tế đổi tên thành Đông Dương Cộng Sản đảng (ICP). Việc đổi tên này được lý luận rằng thực dân Pháp ở Đông Dương là kẻ thù chung của dân tộc ba nước Đông Dương. Do đó, cần tổ chức chung một lực lượng để chống lại nó. Một tạp chí của đảng Cọng Sản Đông Dương giải thích hồi năm 1932: “Mặc dù ba nước (Lào, Kampuchia và Việt Nam) là ba dân tộc khác nhau, ngôn ngữ và truyền thống cũng như cá tính khác nhau, họ kết thành một xứ... Không thể thực hiện các cuộc cách mạng riêng rẽ cho Việt Nam, Kampuchia và Lào. Để chống lại kẻ thù, cách mạng thống nhất lực lượng toàn cõi Đông Dương, đảng Cọng Sản Đông Dương cũng phải tập trung lực lượng của giai cấp vô sản ba nước này thành một mặt trận chung dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản do đảng Cọng Sản Đông Dương dại diện.”

Tuy nhiên, dù có sự chỉ đạo như thế, những người Cọng Sản Việt Nam chỉ có một phần cố gắng để động viên “giai cấp vô sản Đông Đương” - một thực thể không hiện hữu - hoặc chiêu tập các thành viên Lào và Kampuchia vào trong đảng. Không kể tới việc Việt Nam đánh giá thấp tiềm năng cách mạng Lào và Kampuchia, họ cũng đánh giá thấp khả năng dân tộc hai nước này. Nhìn chung, trong đảng Cọng Sản Đông Dương toàn bộ là Việt Nam ngoại trừ danh xưng, và ngay cả những người Việt Nam sinh sống tại hai nước này là thành phần nồng cốt để thành lập các chi bộ Cọng Sản tại đây. Ưu thế triết lý Cọng Sản Quốc Tế của Đệ Tam (QT) và lòng trung thành với Liên Xô, dù sao cũng đã dẫn dắt đảng Cọng Sản Đông Dương thông qua một nghị quyết trong đại hội đảng lần đầu tiên hồi tháng 3/ 1935, khơi dậy khả năng của toàn liên bang. Nghị quyết nói rằng: “Mỗi nước có quyền tự trị, có thể tham gia vào Liên Bang Đông Dương hoặc đứng riêng rẽ. Tự do tham gia hay rút lui khỏi liên bang hoặc có thể theo đuổi bất cứ phương hướng nào.” Tới đầu thập niên 1940, người Việt Nam thấy được sự phấn khởi và tinh thần quốc gia trong các dân tộc Lào và Kampuchia, đặc biệt sức lôi cuốn càng ngày càng tăng trong phong trào Khmer Issarak. Một nghị quyết của đảng Cọng Sản Đông Dương năm 1941 nhấn mạnh nhu cầu “điều chỉnh việc thực hiện chính sách quốc gia tự quyết sau khi Pháp buộc phải nhả Đông Dương”. “Các dân tộc sinh sống trên bán đảo Đông Dương có thể tham gia Liên Bang Cọng Hòa Dân Chủ Đông Dương hoặc trở thành một nước riêng biệt.” Mười năm sau, khái niệm mơ hồ về một Liên Bang Đông Dương như thế bị thả nổi. Quan ngại Pháp có thể thúc đẩy lòng ganh ghét Việt Nam trong số những người Lào và Kampuchia, đảng Cọng Sản Đông Dương giải thể thành ba đảng của ba nước. Ý niệm về một liên bang không được nhắc đến nữa. Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo ý thức hệ của Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương đã có dấu ấn sâu sắc. Điều đó lại được nuôi dưỡng thêm vì những kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh chống Pháp vừa qua.

Việt Nam từ bỏ khái niệm liên bang do Đệ Tam Quốc Tế thúc đẩy, tuy nhiên, trong thực tế, kinh nghiệm quân sự lèo lái họ vào một hướng khác: đoàn kết Đông Dương về mặt chiến lược: Họ đã hiện đại truyền thống quân sự, rút từ trong truyền thống anh hùng chống Trung Hoa trong một thời gian lâu dài và tôi luyện bằng những khái niệm về chiến tranh nhân dân do Mao phát triển. Tuy nhiên, không giống như Cọng Sản Trung Hoa, người Việt Nam không có những vùng đất rộng lớn để rút lui, hàn gắn vết thương, xây dựng căn cứ địa trước khi thách thức với kẻ thù có ưu thế hơn. Họ chẳng có thời gian. Sự yếu kém đó lộ rõ khi Pháp xử dụng toàn cõi Đông Dương. Năm 1947, Pháp mở một cuộc tấn công lớn vào các cứ điểm Việt Minh ở Lào và Kampuchia. Như nhà sử học quân sự William Turley ghi nhận: “buộc Việt Nam thấy rằng hiệu năng cách mạng ở Lào và Kampuchia có ý nghĩa tấn công và đánh sụp Pháp từ phía sau”.

Năm 1950, Việt Minh chuẩn bị cuộc tổng phản công để đánh Pháp. Tướng Giáp, chỉ huy quân sự, viết trong một cuốn sách nhỏ truyền bá quan điểm chiến lược Đông Dương: “Đông Dương đơn thuần chỉ là một đơn vị chiến lược, một mặt trận mà thôi. Vì lý do này, và đặc biệt vì đây là một vùng đất chiến lược, chúng ta không thể quan niệm Việt Nam được độc lập trong khi Lào và Kampuchia còn dưới ách thống trị của đế quốc. Bọn thực dân dùng Kampuchia để tấn công Việt Nam, Lào và Kampuchia, tạm thời là hậu cần an toàn của kẻ thù, đồng thời là khu vực trọng yếu của toàn bộ chiến trường Đông Dương. Vì vậy, chúng ta cần mở các mặt trận Lào và Kampuchia một cách cương quyết và mạnh mẽ.”

Việt Minh đã làm như thế thật. Trước khi đẩy Pháp vào bẫy sập Điện Biên Phủ (một thung lũng trên biên giới Lào Việt), lực lượng Việt Minh thắng lợi ở Bắc, Trung và Nam Lào và ở Trung phần Việt Nam trong khi một lực lượng nhỏ Việt Minh và đồng minh Khmer Issarak của họ quấy rối Pháp ở Kampuchia. Khi quân Pháp ở cứ điểm Điện Biên phủ giương cờ trắng đầu hàng là lúc có dấu hiệu họ phải rời bỏ không những chỉ ở Việt Nam mà toàn cõi Đông Dương.

Mặc dù bây giờ Pháp đã bị loại, không còn là kẻ thù chung của các phần tử quốc gia trên chính trường Đông Dương nữa, hậu quả cuộc chiến đấu của Việt Nam tái thống nhất tuồng như tăng cường giá trị lý thuyết của tướng Giáp. Những ai chống lại sự thống nhất Việt Nam đều cần tới lãnh thổ Lào và Kampuchia và làm sáng tỏ công trạng của Cọng Sản Hà Nội phải cố gắng thành công. Như William Turley đã nói ngay trước khi chiến tranh Đông Dương lần thứ hai xảy ra, Hoa Kỳ và đồng lõa Thái sẽ nắm cơ hội bất ổn ở Lào để bảo toàn cứ địa trong cùng một vùng bình nguyên mà Pháp đã tấn công Việt Minh. Việc phân chia Việt Nam tạm thời theo hiệp định Genève dọc theo vĩ tuyến 17, là buộc đảng Lao Động Việt Nam đang cầm quyền ở phía Bắc dùng lãnh thổ Lào làm hành lang để duy trì tiếp xúc với tổ chức của họ ở phía Nam. Với chiến tranh du kích ở Nam Việt Nam trên đà đi tới, một hệ thống đường mòn xuyên qua vùng rừng rậm trên vùng núi hẹp để tiến xuống Đông Bắc Kampuchia, sau này phát triển thành đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng - một hệ thống đường mòn phức tạp, xe hơi có thể xử dụng được, tính chung dài khoảng tám ngàn dặm. Con đường mòn này trở thành con đường sinh thời đi xuống phía Nam. Hoa Kỳ gia tăng cuộc chiến do họ hỗ trợ chống lại Việt Nam Cọng Sản bằng cách trang bị vũ khí cho lực lượng trung lập hoàng gia Lào và lực lượng quân sự của các bộ lạc Lào. Đối đầu với hiểm nguy đang gia tăng ở phía Nam, Việt Cọng dùng các vùng đất thánh và căn cứ bên kia biên giới Kampuchia trung lập.

Tháng Ba năm 1970, một cuộc đảo chánh xảy ra ở Phnom Pênh lật đổ thái tử Sihanouk và sau đó quân Mỹ xâm lăng Kampuchia, cuối cùng đã loại bỏ tất cả các chướng ngại. Toàn bộ Đông Dương, một lần nữa trở thành một vị trí chiến lược đấu tranh để tái thống nhất bằng những cuộc chiến đấu trong vùng rừng núi ở Kampuchia và đồi núi Lào. Nhờ đánh thắng Mỹ và quân đội Miền Nam Việt Nam trong cuộc xâm lược của Miền Nam VN vào Nam Lào với ý định cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh hồi tháng Hai/ 1971 và bằng việc đánh bại hai cuộc hành quân đầy tham vọng của Lon Nol ở Kampuchia trong cùng một năm, Bắc Việt Nam đã bảo vệ được một vị trí vững chắc ở Đông Dương. Nhờ số đông dân chúng ủng hộ, nhờ huấn luyện và viện trợ, Pathet Lào và Khmer Đỏ thêm vững mạnh mà nếu như họ chỉ có một mình thì không bao giờ có thể làm được. Tình hình thuận lợi đưa tới cuộc tấn công cuối cùng vào mùa xuân 75. Hai mươi lăm năm sau khi Giáp phát triển tư tưởng bàn về tình hình Đông Dương chỉ là “một mặt trận thống nhất”, nay sự thực đã chứng minh lời tiên đoán ấy. Trong một khoảng thời gian chỉ có 5 tháng, chiến thắng cách mạng đã hoàn thành trên cả ba nước Đông Dương.

Yếu tố chiến lược đạt tới đỉnh cao trong suy nghĩ của người Việt về Đông Dương - trong thời kỳ hậu chiến tái xây dựng, củng cố ý thức hệ và chính sách kinh tế mang tính cách quan trọng mới. Bây giờ, nền hòa bình đã đạt được. Việt Nam tìm cách xây dựng quan hệ đặc biệt về một cấu trúc liên minh có thể đảm bảo được tình hình an ninh Việt Nam và có thể thực hiện hợp tác kinh tế lâu dài giữa những quốc gia có căn bản ý thức hệ chung. Nhận thức được chủ nghĩa quốc gia cực đoan trong số Khmer Đỏ, gia tăng thù địch Việt Nam trong những năm cuối của cuộc chiến và chủ nghĩa cực đoan của họ, Hà Nội muốn tiến gần hơn với Kampuchia và xúc tiến liên hệ chặt chẽ hơn. Nếu Kampuchia làm gảy đổ liên hệ giữa hai nước thì kẻ thù cũ của họ sẽ xây dựng căn cứ địa tại đây và mối đe dọa mà Nguyễn Tri Phương và Võ Nguyên Giáp đã từng lo ngại sẽ có cơ sống lại. Chiến lược phát triển khác biệt của nhóm Kampuchia cực đoan làm đảo lộn kế hoạch của Việt Nam về hợp tác kinh tế và chia xẻ các nguồn lợi thiên nhiên.

Giải thích về quan hệ đặc biệt này, khởi thủy Việt Nam nhấn mạnh đến tình hữu nghị đã được xây dựng trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung hơn là quan tâm về kinh tế và an ninh. Nghĩ rằng đã nhiều hy sinh trên chiến trường Đông Dương, Việt Nam (CS) cho đó là món “nợ máu” để Lào và Kampuchia giữ quan hệ gần gũi với Việt Nam. Võ Đông Giang, thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói với tôi năm 1978: “Chúng tôi yêu cầu thiết lập quan hệ đặc biệt, vì trong toàn bộ lịch sử thế giới chưa bao giờ có quan hệ như thế của ba dân tộc, chia nhau từng hột gạo, từng hột muối, từng viên đạn trong cuộc chiến đấu chống quân thù. Mối quan hệ gần gũi đó phải được tiếp tục trong tinh thần xây dựng, bảo vệ và tôn trọng lẫn nhau.”

Việt Nam chẳng bao giờ nói một cách công khai ý kiến chia sẽ tài nguyên giữa ba nước Đông Dương - ngoài việc hợp tác xử dụng sông Mêkông. Tuy nhiên, một cách hợp lý hơn, người ta phải nghĩ rằng các nhà lập kế hoạch ở Hà Nội nhìn Đông Dương không đơn thuần trên mặt chiến lược sinh tử mà còn về mặt kinh tế nữa. Với khoảng 60 triệu dân (thời điểm tác giả viết sách này - người dịch) sống trên một giải đất hẹp có nhiều núi non (tổng cọng chỉ có 6 triệu hecta canh tác được) tỷ lệ đất canh tác so với dân số thì Việt Nam ở mức độ thấp nhất vùng Đông Nam Á. Tới năm 2000, Việt Nam có khoảng 90 triệu dân. Hà Nội thấy rằng việc hợp tác kinh tế với các nước láng giềng có mật độ dân số thấp nhưng đất đai giàu có ở là cần thiết. Cơ sở kỹ thuật và kỹ nghệ Việt Nam đang phát triển tốt đẹp, nông nghiệp và các nguồn lợi quặng mỏ ở Lào và Kampuchia ở ba nước sẽ bổ sung cho nhau.

Trong một cuộc họp mật để lập kế hoạch về Đông Dương, một viên chức cao cấp của Việt Nam, Chế Việt Tấn hồi đầu thập niên 1980 viết rằng “Trong vị trí chiến lược vững chắc, ba nước Lào, Kampuchia và Việt Nam ở vào thế liên lập. Đó là điều kiện cần thiết để phối hợp thế chiến lược của ba vùng với những khu vực kinh tế, điều hòa phân phối lực lượng lao động và dân chúng để xây dựng nền tảng sản xuất lúa gạo, khu vực kỹ nghệ và hạ tầng cơ sở...”

Chỉ sau khi mối căng thẳng Hoa Việt bùng nổ công khai thì Hà Nội mới công bố lý thuyết chiến lược quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương. Tờ Quân Đội Nhân Dân, hồi tháng Tư/ 79 viết “Từ hơn một thế kỷ nay, lịch sử bao giờ cũng nối liền số phận của ba nước Việt Nam, Lào và Kampuchia. Khi một trong ba nước bị xâm lăng, bị lệ thuộc, nền độc lập và an ninh của những nước còn lại cũng lâm vào tình thế nguy hiểm, không thể sống trong hòa bình. Vì vậy, kẻ thù của một nước cũng là kẻ thù của ba nước. Phải duy trì tinh thần đoàn kết giữa ba dân tộc và để đoàn kết chiến đấu và chiến thắng - đây là một định luật về sự thành công của cách mạng của ba nước”. Chuẩn bị kỷ vấn đề, Việt Nam cho rằng kinh nghiệm lịch sử chứng tỏ cho thấy đó là một định luật - một điều không thể tránh khỏi - trong phương cách kẻ thù đe dọa Đông Dương. Chính sự đoàn kết đã bảo vệ nền độc lập của ba nước. Sức mạnh bên ngoài muốn kiểm soát cả ba thì đầu tiên tạo ra sự phân rẽ giữa ba nước và chiếm đóng dần dần từng nước một. Một tướng lãnh Việt Nam (CS) tuyên bố năm 1984: “Trong âm mưu chiếm đoạt Đông Dương và bành trướng ra toàn vùng Đông Nam Á, bọn phản động Bắc Kinh chẳng có cách nào ngoài việc tuân theo định luật đó.”


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương