Nayan Chanda hoànglonghải



tải về 1.97 Mb.
trang5/35
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.97 Mb.
#13140
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   35

Nhằm mục đích giúp đỡ Bắc Việt Nam, những người theo Sihanouk thấy trước rằng cuối cùng Hà Nội sẽ thắng và sẽ là một quốc gia hùng mạnh ở Đông Dương, ông đổi hướng trung lập, dành cho Hà Nội một vùng đất thánh dọc theo biên giới, và vận chuyển vũ khí qua những hải cảng ở Kampuchia. Những biến động do thối nát, điều hành sai lạc, và thiếu viện trợ Mỹ tạo nên nhiều bất mãn chính trị. Giận dữ vì sự hiện diện của người Việt làm bùng thêm ngọn lửa đang cháy, với sự ủng hộ ngấm ngầm của Mỹ, tướng Lon Nol lật đổ Sihanouk khi ông này trên đường từ Moscow về nước sau khi chữa bệnh ở Pháp. Do Việt Nam (BV) và Trung Hoa thúc đẩy, ông để danh nghĩa ông cho kháng chiến quân Kampuchia và cư trú tại Bắc Kinh.

Mùa hè năm 1975, ông ngạc nhiên tự hỏi không biết bao lâu nữa thì Bắc Kinh sẽ trở thành nơi cư trú thường trực của ông. Không có tiền chuyển lậu ra ngoại quốc, không giống như những nhà cai trị bị lật đổ khác, Sihanouk không có cách nào khác là đành phải nhờ vào sự giúp đỡ của hai nước Trung Hoa và Bắc Triều Tiên bạn hữu. Mao và Chu nói với ông muốn ở đây bao lâu cũng được. Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành ra lệnh xây một lâu đài vĩ đại nhìn xuống hồ Chhang Sou On ở Bình Nhưỡng cho ông cư ngụ. Tháng 9/1975, Sihanouk đang ở Bình Nhưỡng thì phó Thủ tướng Chính phủ Liên hiệp Quốc gia Kampuchia (chính phủ lưu vong do Sihanouk thành lập có sự hợp tác của Khmer Đỏ, viết tắt theo thiếng Pháp là GRUNK -Royal Government National Union of Kampuchia-) Khiêu Samphan và Bộ trưởng thông tin Ieng Thirith (vợ của Ieng Sary) đến mời. Sihanouk nhớ lại Khiêu Samphan nói với ông: “Nay chúng tôi hết sức sẵn sàng đón chào Ngài. Bây giờ chúng tôi tạo đủ điều kiện trăm phần trăm Cọng sản. Chúng tôi đã vượt qua Trung Hoa anh em. Với một bước nhảy vọt vĩ đại, chúng tôi có thể đạt tới mục đích của chủ nghĩa Cọng sản mà không cần kinh qua giai đoạn xã hội chủ nghĩa”. Điều ấy làm ông hết sức bối rối nhưng ông vẫn hồi hộp về việc trở về nước.

Họ cùng về Bắc Kinh bằng tàu lửa. Ở đây, một chiếc Boeing 707 của Trung Hoa đưa họ về Phnom Pênh. Trước khi rời Bắc Kinh, Sihanouk và Monique có Khiêu Samphan đi kèm, đến cáo biệt chủ tịch Mao và thủ tướng Chu. Run rẩy vì bịnh Parkinson, Mao, 82 tuổi, không nói được nhiều. Tuy nhiên, một trong những lời chỉ dẫn của ông sau đây là rõ ràng. Ông ta nói với Khiêu Samphan và Ieng Thirith “Xin vui lòng đừng đưa thái tử Sihanouk và vợ ông vào hợp tác xã.” Với Sihanouk, lời nói nầy chính là lời cứu mạng.

Bị bịnh ung thư tới thời kỳ chót, Chu chỉ còn là cái bóng của mình. Với giọng nói yếu ớt chỉ đủ nghe, ông năn nỉ Khiêu Samphan “Vui lòng tiến lên Cọng sản chủ nghĩa chầm chậm, từng bước một. Bạn không thể tiến ngay lên Cọng sản Chủ nghĩa, phải từng bước một. Xin vui lòng đi từng bước nhỏ, chậm và chắc.” Xúc động hơn là lời khuyến cáo tiên liệu của ông: “Đừng đi theo con đường “Bước Nhảy Vọt vĩ đại” đã thất bại của chúng tôi.” Ông ta nhắc lại những chiến dịch ão tưởng của Trung Hoa nhằm khẩn trương xây dựng Cọng sản chủ nghĩa hồi cuối thập niên 1950 đã để lại một nền kinh tế như trong lò sát sinh. Samphan và Thirith cười một cách thông cảm. Nghe nhiều khoa trương việc đang xây dựng một chế độ Cọng Sản thuần túy cho Kampuchia, Sihanouk hiểu ngay những nụ cười ấy nói lên được gì.

Ngày 9 tháng Chín lại một lần lễ lớn. Thiên An Môn được trang hoàng cờ, đèn, hoa, chúc mừng Sihanouk điều mà Đặng Tiểu Bình nói về Sihanouk trước kia “Trở về trong vinh quang.” Khi chiếc máy bay Boeing của Trung Hoa nhắm hướng hạ cánh xuống phi trường Pochentong của Phnom Pênh, Sihanouk nhìn xuống những mái ngói đỏ và cột tháp vàng của thành phố nằm dài bên đưới. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng giêng 1970 ông lại đưa mắt nhìn xuống thủ đô đã quay lưng lại với ông. Phnom Pênh trong lạ hẵn và không có sự sống dưới hơi nóng mặt trời giữa buổi sáng mai. So với mười ngàn người đứng chật đường phố Bắc Kinh để chào từ biệt ông hoàng, ở đây chỉ có một đám đông hỗn tạp ở phi đạo Pochentong. Một nhúm các ông sãi áo vàng nghệ cũng đứng trong đám đông cầu nguyện cho ông trước khi ông lên xe đi vào thành phố vắng tanh. Đó là sự nhượng bộ cuối cùng mà ông đã chứng kiến dưới chế độ Khmer Đỏ ở Kampuchia.

Sihanouk muốn khóc khi nhìn thành phố ma quái mà một thời được coi là thành phố đẹp nhất của Đông Dương thuộc Pháp. Những đại lộ với hai hàng cây xanh, công quán, những biệt thự theo kiểu nhiệt đới Nam Mỹ, tháp vàng, lâu đài hoàng gia và chùa chiền vẫn còn đây, trong màu tang tóc. Khmer Đỏ giải thích với ông hoàng việc xua dân ra khỏi thành phố là cần thiết vì không có đủ lương thực nuôi dân và cũng vì vấn đề an ninh. Họ không nói với ông hoàng đó là bước đại nhảy vọt tiến lên Cọng sản Chủ nghĩa. Trong việc xua đuổi hàng loạt dân chúng hồi tháng Tư, có ông chú già của Sihanouk, ông hoàng Monireth và một trong những bà cô của ông cũng bị đuổi về vùng quê. Lời yêu cầu của ông được đi thăm những người ấy bị từ khước. Họ trả lời với ông “Họ được chăm sóc cẩn thận. Ngài sẽ được thăm họ khi Ngài từ Nữu Ước trở lại.” Tuy nhiên, không bao giờ ông gặp lại họ. Kế hoạch của Khmer Đỏ trong chuyến đi ba tuần lễ ở Phnom Pênh là tạo niềm tin đối với sự lãnh đạo của ông trước khi họ gởi ông đi Nữu Ước để đòi chiếc ghế cho Kampuchia tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. Sihanouk và tùy tùng được đưa đi thuyền trên sông Mékông, tiệc tùng sang trọng, các buổi hội tối có tính cách mạng nhưng không bao giờ ông gặp những người dân đã biến mất khỏi Phnom Pênh.

Chẳng bao lâu Sihanouk biết những gì Khmer đỏ nghĩ về những lời khuyến cáo của Chu Ân Lai là từng bước chầm chậm tiến lên Xã hội Chủ nghĩa. Son Sen, tư lệnh Quân đội, và Khiêu Samphan nói với ông Kampuchia sẽ chứng tỏ cho thế giới biết rằng chỉ trong một nhát chỗi lớn họ đã tiến lên Cọng sản Chủ nghĩa hoàn toàn. “Vì vậy tên tuổi đất nước chúng ta sẽ được viết bằng chữ vàng trong lịch sử thế giới như là một quốc gia đầu tiên thành công trong việc cọng sản hóa mà không có bước chân nào là vô ích.”

Sau khi trở về Bắc Kinh hồi đầu tháng Mười, ông ta để cho những người trong gia đình và những người theo ông tùy ý lựa chọn. Ông ta, vì là người yêu nước và người đứng đầu quốc gia, sẽ về lại Kampuchia sau khi đại diện cho nước ông ở Liên Hợp Quốc, còn họ muốn ở đâu thì tùy. Một số phụ tá của ông vì xúc động trước cảnh Phnom Pênh nên không dám trở về. Họ đi Pháp.

Trên đường đi, Sihanouk ghé qua Pháp. Một số đông người Kampuchia đến chào mừng ông tại phi trường Charles De Gaulle. Sau đó, một số trong bọn họ tới tư dinh của đại sứ Kampuchia ở Paris để nghe ông hoàng lần đầu tiên nói chuyện về sự sinh sống của người dân dưới chế độ Khmer Đỏ. Họ ngạc nhiên vì ông hoàng vốn thường sôi nỗi thì bây giờ lại thận trọng. Một người hỏi ông về những binh lính của Lon Nol bây giờ ra sao! Ông ta trả lời là Angkar (tổ chức Cọng sản rất quyền lực) cho mỗi người một chiếc chiếu, một cái mùng và đưa họ đi trồng lúa. Ông ta nói thêm họ có được những gì họ cần. Ngồi sát cạnh ông, Ieng Sary chỉ cười và những lãnh tụ Khmer Đỏ khác gật đầu tán thưởng. Không có một người bạn cũ nào của Sihanouk có thể vượt qua được mạng lưới an ninh để gặp riêng ông. Sihanouk có thể thấy trước điều gì đang đến. Nhưng vì lòng tự cao, những tình cảm bắt buộc, có thể kêu gọi ông bỏ đi rất nhiều. Tháng 12/1975, ông cùng vợ, bà Monique, mẹ vợ, 22 đứa con và cháu, lên đường trở về Kampuchia.


Tơ tằm


và chuột

Vào một thời điểm thích hợp nhất, Hà Nội là thành phố trông có vẽ trầm tư. Với cái lạnh thấu xương, những người dân thiếu mặc thường ở trong nhà. Qua những hàng cây dài, thành phố già nua này trông vắng vẻ và buồn. Người đi bộ chầm chậm, cong lưng trên xe đạp, choàng khăn quanh cổ chống gió lạnh, áo choàng ngoài bằng vải sợi trơn hay áo có nút kéo che lấy thân thể. Tôi lúng túng khi tiếp cận với sư giao thông run rẩy và lặng lẽ ấy của người Hà Nội khi tôi mặc một cái áo ngoài nhồi bông tốt và mang găng tay, cởi chiếc xe đạp Raleigh bóng loáng mượn của một nhà ngoại giao. Nếu tôi ngồi trong xe hơi, người ta không thể thấy lối ăn mặc nổi bật như vậy. Tôi không cần đến một chiếc Volga màu xám thuê ở một văn phòng du lịch Hà Nội, cần cho những cuộc thăm viếng chính thức. Tôi gởi trả cho bộ Ngoại giao (VN) bản hướng dẫn, nói rằng tôi chẳng có hẹn với ai chiều hôm đó. Cuộc hẹn kín đáo của tôi là vào hôm 23 tháng Mười một/1977 với một người mà bộ Ngoại giao chẳng mấy ưa.

Chiều hôm ấy có gió, trời không sáng lắm, tôi lẽn ra cổng sau khách sạn Thống Nhất rồi nhắm tới tòa đại sứ Kampuchia. Việt Nam và Kampuchia vẫn còn lịch sự chúc mừng nhau vào các dịp lễ lạc, nhưng quan hệ thì đã suy thoái nhiều. Chuyến đi Bắc Kinh của Pol Pốt hồi tháng Mười và những cuộc tấn công chống Việt Nam (CS) được bật mí chút ít là những xác nhận công khai đầu tiên về cuộc khủng hoảng. Trong chuyến đi có ghé thủ đô Vạn Tượng của Lào trên đường đi Hà Nội, lần đầu tiên tôi nghe một nhà ngoại giao Việt Nam nói về những cuộc tấn công tàn bạo vào Việt Nam của Khmer Đỏ trong mấy tháng vừa qua. Do đó, tôi cũng nghe loáng thoáng phía Khmer Đỏ nói ngược lại về cuộc xung đột này.

Một nhà ngoại giao người Mễ Tây Cơ thân với Khmer Đỏ xếp đặt cho tôi được gặp In Sivouth, cố vấn chính trị của tòa đại sứ Kampuchia. Từ xa, người ta có thể nhìn thấy ngọn cờ đỏ như máu của tòa đại sứ bay lượn trong gió, phản chiếu trên màu đá đen của nhà công quán xây theo kiểu thuộc địa. Tất cả các cửa sổ đóng kín mít. Chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ có sự sống trong đó ngoại trừ một người cảnh sát Việt Nam áo quần màu rơm, mũ xám đứng gác ở cổng ra vào. Anh ta thấy tôi khi tôi xuống xe đạp đi thẳng vào cổng. Công việc anh ta, giống như ở bất cứ ở tòa đại sứ nào khác ở đây, là đuổi người Việt Nam xa ra. Dù đi xe đạp, rõ ràng tôi là người ngoại quốc, vì vậy, chẳng bỏ công để anh ta chú ý tới.

Sau khi tôi bấm chuông một lúc, cánh cửa gỗ tòa đại sứ cẩn thận hé ra một chút. Qua khoảng cửa, một cặp mắt ló ra. Có tiếng nói gần như thầm thì: “Ông Chanda?” Cánh cửa hé ra cho tôi lọt vào rồi đóng lại ngay sau lưng. Vừa đủ quen mắt với hành lang tối, tôi thấy In Sivouth. Bên trong tòa đại sứ trời đã tối rồi, ngọn đèn treo trên trần nhà vẽ ra một khoảng ánh sáng trong văn phòng ông ta, tất cả các cửa sổ đều đóng và buông màn. Sivouth, nhỏ người, hơi còm với cái tuổi trên bốn mươi một chút, cười nhút nhát. Bằng một thứ tiếng Pháp trơn tru, ông ta nói: “Đây là tất cả cái cần thiết để ngăn Việt Nam khỏi nghe lén được.” Sivouth có vẽ hơi không giống Khmer Đỏ. Ông ta chưa bao giờ ở trong mật khu. Khi còn là sinh viên ở Paris, ông theo Cọng sản và gia nhập tổ chức Khmer Đỏ. Trong những năm dài ở Paris, ông học hỏi khá nhiều về CIA và khả năng của họ. Từ xa, họ có thể nghe lén được câu chuyện bằng những dụng cụ gắn vào cửa sổ. Ông ta chắc chắn rằng người Việt Nam độc ác có khả năng như thế để “thuỗng” những dụng cụ điện tử ấy vào trong tòa đại sứ Kampuchia. Mặc bộ đồ đen theo kiểu Mao, Sivouth ngồi ưỡn trên cái đivăng rộng thì thào với tôi câu chuyện Việt Nam “phản bội” Kampuchia. Sivouth kể lại, với nụ cười chua chát: “Hồi năm 1973, khi Việt Nam (CS) ký hiệp định Paris với Mỹ, họ cố gắng ép chúng tôi thương thuyết với Lon Nol. Thái tử đã chống lại lời khuyến cáo ấy... Việt Nam thỏa thuận với Mỹ, trong thời gian 5 tháng rưởi, những B-52 trước kia bỏ bom ở Việt Nam nay được gởi tới nghiền nát Kampuchia.”

Trước khi được chỉ định tới Hà Nội, Sivouth đã hoạt động vài năm ở Bắc Kinh trong tòa đại sứ của chính phủ Liên hiệp Quốc gia Kampuchia. Sau khi Khmer đỏ chiến thắng, ông ta không có cơ may trở về Phnom Pênh với vợ con. Ông ta cũng nhìn nhận rằng đã một năm rưởi nay, không được tin tức của vợ. Điều ông ta biết những gì đang xảy ra ở Kampuchia làm cho ông ta nói với tôi với vẽ lo lắng, đặc biệt là tin nghe từ đài phát thanh Phnom Pênh. Tuy nhiên, dù thiếu dữ kiện ông ta vẫn tin vì ông có lòng tin vô bờ đối với công lý cách mạng Kampuchia. Bằng việc đuổi dân ra khỏi thành phố, bắt mọi người phải làm việc ngoài ruộng, Angkar gặp nhiều khó khăn nhưng đó là con đường thuần túy mình tự tin vào mình. Ông ta nói với giọng cười miệt thị: “Việt Nam không còn khống chế chúng tôi được nữa. Kampuchia không phải là Lào.” Ông ta cho rằng thỏa ước thân hữu Lào-Việt Nam ký hồi tháng Bảy là bước đầu tiến tới thực dân hóa Lào. Ông ta hỏi tôi: “Ông muốn thấy chuyện gì xảy ra không?” Rồi ông ta vói lấy tờ nhật báo Lào khổ nhỏ ở góc bàn. Bằng cớ là hình ảnh những nông dân Lào trồng lại giống lúa. “Người Việt Nam đã lấy hết ruộng lúa của Lào.” Sivouth vừa nói, vừa chỉ vào một người trong bức hình đang đội cái nón lá kiểu nông dân Việt Nam hay đội. Sự thực cái nón lá đáng lưu ý nhưng đó không hẵn là lối trang phục đặc biệt của nông dân Việt Nam đáng cho ông ta quan tâm. Còn hơn điều ông quan tâm nữa kia: dự tính của Việt Nam với Đông Dương là một thực tế tự nó đã rõ ràng. Chỉ một cái nón lá giữa những nông dân Lào do ông ta thấy trong bức hình chỉ là một chứng cớ cần thiết dành cho những người ngoại quốc bi quan mà thôi.

Sau một lúc thảo luận toàn bộ và đưa ra chứng cớ về Việt Nam “tham lam” và “xảo trá” pha trộn vào lòng tin chắc chắc tính “độc ác” của Việt Nam và những xung đột không tránh khỏi trong cuộc đấu tranh sinh tồn, bức tranh Sivouth vẽ ra chiều hôm ấy khi ông ta ngồi trong căn phòng tối là điều nhắc nhở chắc chắn về những sự kiện nhỏ nhặt đã thay đổi. Bên trong cái võ lịch sự và những bài thuyết giảng hay ho về chủ nghĩa Mác, hiện nguyên hình tâm hồn một người Khmer chìm đắm tromg hồi ức đắng cay của lịch sử và những định kiến về chủng tộc.

Từ bảo vệ đất nước tới Liên bang

Nguồn gốc của sự kình địch giữa người Khmer và người Việt Nam nằm trong khoảng thời gian một ngàn năm hai bên tiếp xúc với nhau. Ba trăm năm cuối của sự tiếp xúc đó là những cuộc chiến khi nước Việt Nam bành trướng thêm còn phía Kampuchia thì thu nhỏ lại.
Nam tiến -

là con đường người Việt tiến về phương Nam -là hướng phát triển chính của lịch sử Việt Nam sau khi họ thoát khỏi ách đô hộ của người Tàu vào thế kỷ thứ 10. Một học giả Pháp lưu ý rằng “Lịch sử Việt Nam phát triển ra toàn cõi Đông Dương như một ngọn triều, xua đuổi các dân tộc khác khi họ chiếm ruộng nương ở vùng đất thấp hay nơi họ có thể trồng lúa được”.(1) Tại châu thổ sông Hồng Hà, vùng đất trung tâm của Việt Nam -vì áp lực dân số cao, ở sát Trung Hoa, và sự bất ổn về chính trị, đưa tới các cuộc di dân tìm vùng đất mới. (2) Con đường Nam tiến này quyết định do yếu tố quyền lực và địa lý: phía Bắc là Trung Hoa khổng lồ, phía Tây là rặng Trường Sơn cao ngất, và phía Đông là Nam Hải (Đông Hải -nd).

Con đường Nam tiến của người Việt Nam kéo dài hàng mấy thế kỷ, bao gồm cả việc chinh phục không những chỉ vùng đất xa mà cả những dân tộc khác. Trước hết, Chiêm Thành rơi vào tay Việt Nam. Dân tộc này trước theo Ấn giáo (sau đó theo Hồi giáo), là một dân tộc nhỏ, giống như các dân tộc khác ở Đông Dương. Vương quốc của họ, một thời là thù địch Việt Nam. Qua nhiều trận chiến, Việt Nam toàn thắng và thu nhận đất Chiêm vào Việt Nam. Bằng những đợt di dân chậm và chắc, Việt Nam quét sạch vương quốc này trên bản đồ vào hồi cuối thế kỷ 17. Đa số người Chàm bị giết, bị xua đuổi hoặc bị đồng hóa, đến nổi, ở thế kỷ 11 có khoảng 30 ngàn gia đình (khoảng 240 đến 300 ngàn dân) chỉ còn lại khoảng 65 ngàn dân ở trong vùng đất Việt Nam hiện nay.(3) Hàng ngàn người chạy trốn qua Kampuchia và cuối cùng bị Pol Pot tàn sát vì tôn giáo.

Ngay trước khi đế quốc Việt Nam tiêu diệt toàn bộ Chiêm Thành, di dân người Việt đã bắt đầu dựng làng trong vùng đồi cao của Kampuchia, bây giờ thuộc vùng Biên Hòa, Bà Rịa. Sự kiệt quệ của nhân dân Khmer vì cai trị sai lầm và suy thoái lâu dài của đế chế Khmer, -một thời mở rộng từ bán đảo Mã Lai tới miền trung nước Lào-, cùng với sự bành trướng của Việt Nam đang đà vươn lên; sự chống đối bè phái thường xuyên trong nội bộ triều đình Khmer, cùng với những cố gắng của Xiêm La (Thái Lan, lân bang hùng mạnh và bành trướng của Kampuchia), thành lập một chư hầu ở Kampuchia, tạo những cơ hội lý tưởng cho Việt Nam can thiệp vào nước nầy. Những can thiệp như thế, hoặc để bảo vệ một người cầm quyền yếu thế, hoặc đưa một người lên ngôi vua, là tạo ra cơ hội nhượng thêm đất đai cho Việt Nam. Vào thế kỷ thứ 18, chiến thuật được mô tả một cách tổng quát về việc dần dần chiếm đất của Kampuchia dưới danh nghĩa bảo vệ ngai vàng là “tằm ăn dâu.” Việt Nam có tham vọng to lớn với kế hoạch tằm ăn dâu, và trong tiến trình một trăm năm (1650-1750) toàn bộ lưu vực sông Vàm Cỏ và đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả ngôi làng đánh cá của người Khmer Prey Nokor (sau này là Saigon) trở thành lãnh thổ Việt Nam.

Việc chiếm hết vùng đất màu mỡ phía Nam, giữ gìn phần đất này chống lại Thái Lan, trở thành mối quan tâm chính của các hoàng đế Việt Nam ở Huế. Khi Kampuchia trở thành con đường cho quân Thái Lan tiến tới Saigon, người Việt Nam khéo léo biến vùng này thành một nước bảo hộ. Hoàng đế Minh Mạng viết năm 1831: “Chân Lạp (Kampuchia) là phiên ly của chúng ta, không thể để nó sụp đổ được.(5)

Năm 1833-34, tiếp sau những cố gắng không thành của Thái lan để đưa Kampuchia trở lại dưới quyền kiểm soát của họ, Việt Nam khởi đầu một cuộc tiến công vô hạn, có thể dẫn tới việc làm biến mất hoàn toàn nước Kampuchia. Các đồn binh được xây dựng khắp nước và một doanh trại đóng ngay Phnom Pênh. Nền độc lập của Kampuchia là ở trong “Trấn Tây Thành” của Việt Nam. Vua Minh Mạng đưa ra nhiều chương trình mạnh mẽ để đưa người Khmer còn “mọi rợ” về với thế giới văn minh. Các thầy giáo được gởi tới Kampuchia để giáo dục về cách sống theo “đường lối Khổng Mạnh” cho quan chức Kampuchia. Hoàng đế Việt Nam còn áp đặt lối ăn mặc, tóc tai, quần áo theo kiểu Việt Nam cho người Khmer, một hệ thống thuế khóa theo Việt Nam và ngay cả việc bắt nông dân trồng lúa như ở Việt Nam. Ai không tuân sẽ bị trừng phạt nặng. Vì uất hận, một số cuộc nổi dậy xảy ra. Sự cai trị hà khắc và lao động khổ sai gây nên một cuộc nổi loạn hồi đầu năm 1820 do một nhà sư tên Kai lãnh đạo. Họ tàn sát những người Việt sinh sống ở biên giới phía đông Kampuchia trước khi họ bị đè bẹp bằng một lực lượng mạnh hơn do Tổng trấn phía Nam (Gia Định Thành -nd) phái tới.(6) Cuộc khởi loạn nghiêm trọng nhất xảy ra năm 1840 vì việc bắt giữ các quan chức hàng đầu Kampuchia và dẫn độ bà hoàng đang cai trị qua Việt Nam. Người Khmer sợ nền độc lập của họ không còn nữa. Năm 1840, một viên quan lớn của Kampuchia tên là Prom viết: “Chúng tôi thấy sung sướng khi giết người Việt, chúng tôi không còn sợ họ nữa tuy họ mạnh hơn.” Ông ta nói với đồ đệ hễ tìm được người Việt Nam thì giết “từ vùng phía bắc cho tới biên giới phía nam”. Trong một bức thư gởi cho quan chức Thái, ông ta thông báo: “Tôi đề nghị tiếp tục giết người Việt Nam.” (7) Đó là bản tuyên ngôn được truyền đời từ Prom cho đến người cai trị sau này ở Kampuchia: Pol Pot.

Ký ức về những cuộc khởi nghĩa của người Khmer hồi đầu thế kỷ 19 và vô số cuộc đàn áp tàn bạo vẫn còn ghi lại trong niên sử và tập tục của người Kampuchia. Những bà mẹ Kampuchia thường dọa trẻ em bằng cách: “Mày đi chơi xa trong bụi, Yuon nó bắt mày.” (Yuon, tiếng Khmer với ác ý có nghĩa là dã man, tức là Việt Nam-nd). Kinh Vĩnh Tế, con kinh dài 25 dặm nối liền vịnh Thái Lan với sông Vĩnh Tế được đào năm 1820, do Việt Nam xử dụng lao công Khmer, vẫn còn là một vết thương sống động trong ký ức người Kampuchia. Tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần trước và sau thời Pol Pot nói về việc ba người Khmer bị trừng phạt vì không làm đủ chỉ tiêu đào kinh. Người Việt Nam chôn những người Khmer xấu số tới cổ mà thôi, còn đầu thì dùng để làm ông táo nấu nước sôi. Khi nạn nhân giãy giụa vì đau đớn và lắc đổ nước trong ấm thì người Việt Nam cảnh cáo: “Không được làm đổ nước trà của quan lớn.” Câu chuyện này về sau trở thành một phần trong chính sách tuyên truyền của Khmer Đỏ mà người kể cố làm gia tăng sự “thù hận cách mạng” đối với kẻ thù Việt Nam.(8)

Những tình cảm thù địch chủng tộc và những định kiến của người Khmer đối với người Việt không có sự tương phản. Một ngàn năm Bắc thuộc đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tư duy người Việt Nam. Người Việt tự thấy mình giống như một Trung Hoa nhỏ mà những dân tộc còn bán khai bao quanh. Về mặt chính thức tuy không còn xử dụng nữa, người Việt Nam vẫn thường gọi theo cách Trung Hoa là Cao Miên, - hay dân mọi rợ vùng cao nguyên. Nó cũng có nghĩa là người Kampuchia. Có lẽ ngày nay nhiều người không rõ nguồn gốc Trung Hoa của danh từ này, cho rằng đó là cách gọi người Khmer theo cách phát âm tiếng Việt. Dưới triều đại nhà Nguyễn, các vị hoàng đế Việt Nam thống nhất và hùng cường, cho rằng do mệnh Trời, họ phải đem ánh sáng văn minh đến vương quốc nhỏ yếu chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Coi thường người Khmer không đủ khả năng đồng hóa văn hóa Hoa-Việt, một hoàng đế Việt Nam mô tả người Khmer là “khỉ trong rào và chim trong lồng”. Năm 1840, vua Minh Mạng lo lắng vì những cuộc nổi dậy của người Khmer chống lại các phái bộ văn hóa Việt Nam. Xúc động vì hành vi của người Khmer, xem như kẻ phản phúc, nhà vua ra lệnh cho người chỉ huy của ông ở Kampuchia “Chúng ta giúp họ khi họ khốn khổ, kéo họ ra khỏi bùn nhơ... Nay họ khởi loạn. Trẫm giận đến dựng tóc... Hãy dùng gươm giáo mà trừng trị chúng, chặt đầu chúng nó đi, tán phát chúng nó đi.” Có người Việt Nam khác cho rằng cuộc nổi loạn năm 1840 biểu thị sự thất bại chiến thuật đánh và rút của du kích Khmer, những kẻ chạy trốn như “chuột và mèo” khi phải đối đầu với những lực lượng Việt Nam ưu thế hơn.(9)

Trong khi người Kampuchia tiếp tục nuôi dưỡng tư tưởng truyền thống coi người Việt là kẻ xảo quyệt, những kẻ “nuốt mất đất đai của Khmer” thì người Việt Nam ngày nay chẳng có ý tưởng mạnh mẽ nào chống lại người Khmer cả. Điều ấy chẳng có gì ngạc nhiên bởi vì chính Khmer là quốc gia đã gánh chịu nhiều gian khổ nhất trong suốt thời gian dài tiếp xúc với Việt Nam. Cũng có lúc người Việt cư ngụ ở Kampuchia gánh chịu nhiều đau khổ, nhưng tuồng như không ảnh hưởng trên toàn bộ quan điểm của người Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc nói chuyện với những viên chức và dân thường Việt Nam, ý thức ưu thế của họ với người Khmer trong giáo dục chính trị, tổ chức và khả năng lãnh đạo là một nhận thức rõ ràng. Vì nhân đạo, người Việt có khuynh hướng nhìn người Khmer như trẻ con cần có người dẫn dắt. Tuy nhiên, người Việt Nam vẫn thường thất bại trong việc che dấu sự nóng giận của họ với những người Khmer bất trị và giả dối và những rắc rối do họ tạo ra cho người Việt Nam.

Tính chất lý thuyết và trừu tượng của ký ức quần chúng và những “ác cảm truyền thống” chẳng có ích gì về mặt chứng liệu khoa học trong việc phân tích xã hội và lịch sử. Tuy nhiên, những cảm nhận này thì lại rất rõ ràng cho bất cứ ai trãi qua một thời gian nào đó ở Kampuchia, lại không biết tới nó để hiểu rõ những biến cố mới xảy ra. Trong suốt thời gian cai trị, thái tử Sihanouk nuôi duỡng ký ức quần chúng nầy mãi tồn tại bằng cách nhắc đi nhắc lại không ngừng rằng trong lịch sử, Việt Nam lấn áp Kampuchia. Một phần thì lên án Việt Nam không thay đổi tính chất bành trướng, một phần thì vì tính chất thời trang chính trị, những nhà lãnh đạo nước Kampuchia Dân chủ chọn phương cách giải thích sự xung đột giữa hai nước không vì tính giai cấp mà lại vì chủng tộc. Trong cuốn “Sách Đen” (Black Book) do chế độ Pol Pot xuất bản hồi tháng 9/1978 -vài tháng sau khi tôi nghe lời kể lễ than phiền của In Sivouth- đường đột nói rằng: “Hành động xâm lấn và bành trướng lãnh thổ mà Việt Nam vi phạm trong quá khứ cũng như hiện nay chứng tỏ rõ tính chất thật sự của Việt Nam, và Việt Nam có nghĩa là kẻ xâm lược, bành trướng chủ nghĩa và nuốt trọn đất đai của người khác”. Cuốn sách khẳng định rằng dù dưới chế độ phong kiến, thực dân hay Cọng sản, sự cai trị cũng chỉ vậy thôi. Về sau, nhóm Pol Pot còn nói thẳng rằng đảng Cọng sản Kampuchia được thành lập năm 1960 “là nhằm để chống lại Việt Nam” -Một mục tiêu khác với mục tiêu của những cha đẻ Chủ nghĩa Cọng sản.

Sự thành lập chế độ bảo hộ Pháp năm 1863 đã cứu Kampuchia khỏi bị Việt Nam và Thái Lan tiêu diệt. Tuy nhiên, đối với xứ láng giềng Nam Kỳ thuộc địa (Cochin-China) -Miền Nam Việt Nam-, thực dân Pháp hoàn toàn thiếu kinh nghiệm trong việc cai trị đã đem lại cho Kampuchia nhiều bất lợi khi chính Pháp vẽ ra đường biên giới hai nước. Đường ranh này đặt căn bản trên địa lý và sự tiện lợi cho việc cai trị của người Pháp ở Nam Kỳ hơn là bối cảnh lịch sử, ngôn ngữ hoặc chủng tộc. Hậu quả việc vẽ đường ranh này khiến vùng Paksé (hiện thuộc Nam Lào), tỉnh Darlac, khu vực Sông Bé, Tây Ninh, Gò Dầu Hạ và Hà Tiên -tất cả hiện nay đều thuộc Việt Nam- là lấy từ phần đất của Kampuchia. Trong luận án tiến sĩ ấn hành năm 1966, Sarin Chhak, sau này là Bộ trưởng bộ Ngoại giao của chính phủ Liên hiệp Quốc gia Khmer năm 1970 đã nhấn mạnh tới những vùng đất bị mất này và yêu cầu Việt Nam thương thuyết để vẽ lại cho đúng biên giới. (11)


Каталог: upload
upload -> -
upload -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
upload -> TrầnTrang EnglishTheory Phonetics
upload -> BỘ khoa học và CÔng nghệ TÀi liệu hưỚng dẫN
upload -> TÀi liệu hưỚng dẫn sử DỤng dịch vụ HỘi nghị truyền hình trực tuyếN
upload -> BỘ thông tin truyềN thông thuyết minh đỀ TÀi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giải mã truyền hình số MẶT ĐẤt set – top box (stb)
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> CHỦ TỊch nưỚC
upload -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
upload -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014

tải về 1.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   35




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương