Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


Tình Thương Tràn Lan Khắp Vũ Trụ



tải về 2.02 Mb.
trang16/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   31

3. Tình Thương Tràn Lan Khắp Vũ Trụ

Thiên Chúa là nền tảng, là lý do tồn tại của vạn sự vạn vật. Tình Yêu Thương Vô Biên của Chúa cũng chính là sự Sống, là Năng Lực tiềm ẩn được biểu lộ ra bên ngoài vũ trụ hữu hình. Đâu đâu ta cũng thấy tràn đầy sự Sống và Năng Lực, làm cho nhân loại và các sinh vật, thực vật, khoáng vật biến hóa, sinh động không ngừng. Từ nơi vũ trụ hữu hình này, ta có thể nâng tâm trí con người lên cõi vô hình, và cảm nghiệm được chính Nguồn Sinh Lực Tuyệt Đối, cũng là Tình Thương Vô Biên hằng tràn lan trên muôn vật muôn loài. Do đó, tình yêu thuơng của nhân loại không thu hẹp vào thế giới tương đối, hữu hình mà thôi, nhưng có thể “vượt” lên đến điểm Hội Tụ Tuyệt Đối là Thiên Chúa, đã được biểu lộ, mặc khải nơi Chúa Cứu Thế.

Một hình ảnh tượng trưng cho Tình Ái Tuyệt Đối vượt trên các tổ chức, đoàn thể hữu hình, đó là “Hội Thánh Chúa”, hay “Nước Thiên Chúa”. Hội Thánh Chúa, không phải chỉ xét về phương diện bên ngoài, có sự hợp nhất về lãnh đạo, về phẩm trật, về giáo luật, nhưng Hội Thánh Chúa, trong căn bản, chính thật là một Sinh Lực của Tình Ái Tuyệt Hảo, liên kết các phần tử là con của Chúa lại thành một “Thân Thể Mầu Nhiệm” (Mystical Body) mà Chúa Cứu Thế làm Đầu, làm Thủ Lãnh.

B. Tương Quan Giữa Tình Ai Thiên Chúa và Nhân Loại

Xét về nội dung ý nghĩa của chữ Yêu Thương, người ta phân biệt ra ba ý nghĩa hay ba loại Tình Ái khác nhau, không hoàn toàn “đoạn tuyệt” với nhau, không chống đối nhau, nhưng vẫn có thể liên quan đến nhau.



1. Ba Loại Tình Ái

Theo nội dung ý nghĩa, tình ái có thể xếp đặt làm ba cấp, tính từ dưới lên trên :



a. Tình Tư Dục (Eros). Đây là tình yêu vị kỉ tìm thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, về dục tính (sex), về tình cảm, về gia đình.

b. Tình Bằng Hữu.(Philia) Thứ tình cảm này hướng về tha nhân, và lan rộng tới những người ngoài khuôn khổ nhỏ hẹp của gia đình, như bạn bè, làng xóm, quốc gia. Vì tình nghĩa đồng bào, đồng hương, hay họ hàng mà đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

c. Tình Bác Ái.(Agape) Đây là tình ái vị tha, vô điều kiện (uncondional love), vì Tình Bác Ái bao la, vô hạn mà Thiên Chúa đã tạo thành vũ trụ, và hằng thi ân giáng phúc cho muôn vật muôn loài. Vì Tình Bác Ái vô hạn đó mà Chúa Giêsu Kytô, vốn là Thiên Chúa, đã tự hạ, tự hiến làm lễ hy sinh để cứu độ nhân loại (coi Thư gửi Philiphê 2:6-11, Kenosis).

2. Ba Loại Tình Ái Liên Quan Với Nhau

Tuy Tình Chúa bao la và là nguồn gốc của mọi tình yêu thương vị tha, còn tình người rất hạn hẹp, nhưng ta vẫn thấy có mối liên hệ, liên tục giữa hai mối tình ấy. Tình Chúa giầu lòng vị tha, đổ tràn trên vạn sự vạn vật. Tình người dựa trên cảm giác, trên vật dục, nhưng cũng phải vươn lên tới Chúa là Tình Ái Tuyệt Đối. Do đó, ngay trong tình yêu vật dục thấp kém, ta cũng nhận thấy một hình ảnh hoặc một chút hương vị của Tình Yêu Thương Tuyệt Đối. Chính Tình Ái Siêu Việt khiến tình yêu thấp kém được thêm phần thanh cao. Bởi vậy, không có sự đối nghịch, hoặc “đứt đoạn” giữa Tình Bác Ái vô biên của Chúa và tình yêu vị kỉ của nhân loại, nhưng vẫn có sự hỗ tương giao hòa. Đã thật tình “Mến Chúa”, tất nhiên cũng phải “yêu người”, vì cả hai giới răn liên hệ mật thiết với nhau. Nếu yêu mến Chúa một cách chân thành, thì cũng phải noi gương bắt chước Tình Bác Ái bao la của Chúa để tỏa rộng tình yêu của mình đến cho mọi người chung quanh. Ngược lại, yêu người thật tình cũng sẽ giúp ta vươn tới thứ tình yêu vị tha, hy sinh, tức tình bác ái. Có thể sánh ví một cách “tương tự” như sự hỗ tương ảnh hưởng giữa linh hồn và thể xác, do đó, Tình Bác Ái vô biên của Chúa và tình yêu hữu hạn của nhân loại đều có tuơng quan liên hệ với nhau.(135)



3. Hình Anh “Tương Tự” giữa Tình Chúa và Tình Người

Trong Kinh Thánh hay lễ nghi phụng tự, hoặc trong Thần Học, tu đức… ta thấy dùng những hình ảnh tình tứ, thơ mộng, phỏng theo tình ái giữa vợ-chồng, cha-mẹ với con cái… để diễn tả Tình Ái Siêu Việt của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đây chỉ là những hình ảnh “tương tự” (analogy), chứ không phải đúng hệt như vậy.



a. Tình Yêu Vợ-Chồng. Trong Kinh Thánh, tình yêu của vợ-chồng được ca tụng như một kỳ công của Đấng Tạo Hóa. Tiệc cưới được sánh ví như sự hoan lạc trên Thiên Đàng. Do đó, tính dục (sexuality) không phải là điều xấu, là tội lỗi. Thánh Phao lô Tông Đồ đã dùng hình ảnh tình ái vợ-chồng trong hôn nhân để ám chỉ tình ái giữa Chúa Cứu Thế và Hội Thánh, tức là các tín hữu. Bởi vậy, tình nhục dục vẫn có thể “thăng hoa” thành tình yêu gia đình, rồi lan rộng ra ngoài xã hội, để vươn lên tới tình yêu cao vời, thần bí hiệp thông với Chúa.

b. Tình Phụ-Mẫu với Con Cái. Ngoài tình nghĩa vợ-chồng, không có một tương quan tình ái nhân loại nào cao quí bằng tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Bởi vậy, trong Phúc Âm, Chúa Cứu Thế đã dùng danh từ “Abba”, nghĩa là “Cha” để gọi Thiên Chúa, và để ám chỉ mối tương quan tình nghĩa giữa Thiên Chúa là Cha, và những người được Chúa yêu là con cái Chúa, như trong kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời...” (Mat 6:9-13).

Nói tóm lại, “Thiên Chúa là Bác Ái”. Bản Tính của Chúa và mối Tương Quan Siêu Phàm giữa Ba Ngôi Vị Thiên Chúa (Mầu Nhiệm Tam Vị Nhất Thể Thiên Chúa), là tương quan Tình Ái Siêu Việt mà trí tuệ loài người không thể hiểu thấu, không thể diễn tả cho cân xứng được. Dầu vậy, Thần Học Thiên Chúa Giáo vẫn cho phép dùng ngôn ngữ, hình ảnh phàm tục để ám chỉ (một phần nào) sự “tương tự” và liên quan giữa Thiên Chúa Siêu Việt và nhân loại thuộc giới thụ tạo tương đối. Nhưng nên nhớ: thế giới hữu hình chỉ có thể phản ảnh, một cách lờ mờ “tương tự”, những Thực Tại Siêu Việt mà thôi!



C. Đức Bác Ái và Quan Niệm Nhân Vị

Tình Bác Ái phải qui hướng về Chúa như nền tảng, căn nguyên, vì Thiên Chúa là Một Ngôi Vị, nên Tình Ái cũng mang đặc tính “ngôi vị”, nghĩa là tình thương là tình liên đới giữa các nhân vị (hay ngôi vị ) với nhau, giữa người với người (interpersonal). Trong kinh nghiệm giao tiếp, tình ái bao giờ cũng là một mối cảm tình đặc biệt dành cho một “người” (một nhân vị) riêng biệt, khác với mọi nguời khác.(136)

Vấn đề đặt ra ở đây là: ta có thể dùng kinh nghiệm tình ái giữa người với người, (loài tương đối, hữu hạn) để ứng dụng vào kinh nghiệm tôn giáo thần bí giữa Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, được không? Tình Bác Ái Vô Biên của Chúa có tính cách “Ngôi Vị” (personal) không? Một thiểu số chống lại việc dùng danh từ nhân vị, hay ngôi vị áp dụng vào Thiên Chúa là Nguyên Lý Siêu Việt, vì sợ sẽ hạ thấp giá trị siêu đẳng của Chúa xuống hàng phàm tục. Theo họ, Nguyên Lý đó phải là vô- nhân-vị (non-personal), vì họ chống lại mọi hình thức của thuyết “thần-nhân-đồng-hình” (anthropomor-phism), nghĩa là dùng hình ảnh của con người để ám chỉ, áp dụng vào Chúa.

Theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, như Thánh Thomas, thì ý niệm về tình ái là “thần-nhân-đồng-hình”, vì được rút ra từ kinh nghiệm giao tiếp giữa người với người, giữa các nhân vị. Dĩ nhiên, ta phải biết hạn chế, thanh lọc, chọn lựa các danh từ khi ứng dụng vào mối tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, nhưng vẫn được coi là hợp lý khi dùng những danh từ, hình ảnh tượng trưng để “ám tỷ” (sánh ví) giữa các thực tại hữu hình và vô hình. Thiên Chúa là Đấng Vô Danh, Vô Hình, Vô Tượng, Siêu Việt trên hết mọi loài, nhưng Kinh Thánh vẫn thường dùng phương pháp “tương tự” để “sánh ví” Thiên Chúa như: Vua, Mục Tử, Cha… và để diễn tả, dầu một cách bất tương xứng, mối tình thắm thiết giữa Thiên Chúa và dân của Chúa.(137)

Thiên Chúa là một “Ngôi Vị” (“ Nhân Vị”) rất đặc biệt, không thể hiểu như một “nhân vị”, của một “người” thường được! Do đó, nếu ta gọi Chúa là “CHA”, thì phải hiểu ý nghĩa của chữ đó “vượt” hơn ý nghĩa thông thường. Chữ “Cha”, hay “Mẹ”, theo nghĩa bóng, ám chỉ công ơn sinh thành, dưỡng nuôi, dạy dỗ… Do đó, trong các mối tình cảm của loài người thì tình Cha-Mẹ đối với con cái là cao quí hơn cả, đến nỗi dân tộc như Việt Nam, Trung Hoa… đã nâng lên hàng tôn giáo, tức Đạo Hiếu. Bởi vậy, ta gọi Chúa là “CHA”, vì Chúa còn hơn cha mẹ chúng ta bội phần: Chúa đã dựng nên và hằng gìn giữ che chở ta luôn mãi. Khi dùng phương pháp “tương tự” (analogia entis) để sánh ví một thực tại tương đối, hữu hình, với một Chân Lý Siêu Việt Tuyệt Đối vô hình, vô tượng, như khi nói: “Chúa là Mục Tử nhân lành yêu thương đoàn chiên”, thì phải hiểu các danh từ “yêu thương”,” Mục Tử nhân lành”. theo nghĩa bóng, nghĩa là “vượt” trên bình diện của loài thụ sinh.

Trong đời sống thiêng liêng, thần bí (mysticism), trong kinh nguyện, các tín hữu luôn đối thoại với Chúa bằng một tình yêu thắm thiết như tình nghĩa “vợ-chồng”, cha mẹ-con cái, hoặc tình bằng hữu đậm đà. Các linh hồn không đối thoại với “hư vô”, “hư không”, nhưng trao đổi, cảm thông với một Đấng “KHÁC”, có Ngôi Vị, có Bản Vị. Ngay trong giây phút thần thông kết hiệp, “xuất thần” (ecstasy), thì linh hồn của thần bí gia vẫn giữ một nhân vị khác biệt với Ngôi Vị Tuyệt Đối của Đấng Toàn Năng.

Bởi vậy, theo Thiên Chúa Giáo, nếu xóa bỏ quan niệm về nhân vị, ngôi vị, bản vị, thì không còn tôn giáo, không còn đời sống thiêng liêng, không còn lễ nghi phụng tự, không còn cầu nguyện nữa! Vả lại, Thiên Chúa Giáo, hay KiTô Giáo là Đạo lấy Thiên Chúa Ngôi Vị (Personal God) và Chúa Giêsu KiTô làm tâm điểm của Đức Tin. Chúa Giêsu KiTô, chính là Thiên Chúa giáng thế làm Người. Do đó, nơi Ngôi Vị của Chúa Cứu Thế vừa có thiên tính và nhân tính: Ngài vừa là Thiên Chúa thật, vừa là Người thật! Cho nên, tất cả vũ trụ càn khôn, hết mọi người mọi vật đều qui hướng về Chúa Giêsu KiTô là Cứu Cánh như Một Nhân Vị Tuyệt Đỉnh.

D. Tình Tương Giao Giữa Các Nhân Vị

Tình Bác Ái bao giờ cũng là mối tương giao, trao đổi, đối đáp, thù tạc giữa hai người (nhân vị), như tục ngữ có câu: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Người ta cũng nói: Khuyển mã chi tình”, trong các con vật thì loài chó và loài ngựa “biết” quí mến chủ của nó hơn các con vật khác. Nhưng giữa loài động vật và loài người, không thể có sự cảm thông hoàn toàn được! Càng không thể có tình yêu thật giữa loài người với vật vô tri vô giác! Kẻ trao tặng và người nhận lãnh như chiếc nhẫn cuới, hay sính lễ trầu cau… chứng tỏ sự ưng thuận kết duyên của hai người. Việc cho đi cho lại là cử chỉ biểu lộ tình giao hảo, nên cần sự linh động và uyển chuyển. Do đó, tặng phẩm biếu lại không cần giống hệt với quà đã cho như là để trả món nợ cho xong, nhưng cốt làm sao có thể tỏ lòng biết ơn, và mối thịnh tình. Sư trao đổi, thù tạc nếu quá máy móc hoặc quá hững hờ cũng làm giảm bớt tình tương thân tương ái. Sau đây ta thử tìm hiểu xem những đặc tính nào sẽ giúp cho tình tương giao giữa hai người, giữa hai vợ-chồng, thêm bền vững, mặn mà.



1. Tìm Hạnh Phúc của Người Mình Yêu

Điều tối kị trong mối tương giao giữa hai người là tính ích kỉ. Nếu chỉ “vơ vét” cho mình mà thôi, thì tình yêu sẽ tan vỡ. Do đó, tình yêu thương thật phải là tình Bác ái Vị Tha, nghĩa là luôn coi việc “tìm hạnh phúc cho người mình yêu”, là cốt yếu, dầu phải hy sinh sở thích riêng. Nếu hai người cùng có lòng vị tha, nghĩa là người này lo tìm làm đẹp lòng người kia, thì tình yêu mới bền vững và triển nở tốt đẹp. Chính Chúa Cứu Thế đã nêu gương sáng về tình yêu thương hoàn toàn vị tha này, vì Ngài đã hy sinh mạng sống, đã chết vì người yêu, khi Ngài phán: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13).



a. Chia Vui Sẻ Buồn. Hai người thật sự yêu nhau, chẳng hạn cha mẹ yêu thương con cái, thì luôn chăm nom săn sóc hạnh phúc của người mình yêu, khi vui, buồn, lúc đau yếu, hoạn nạn. Tình yêu thật chỉ nẩy nở khi có sự hy sinh hạnh phúc riêng như sức khoẻ, thì giờ, tiền bạc… miễn là người mình yêu được sung sướng. Trái lại, nếu chỉ có thứ tình yêu vị kỉ, nghĩa là mỗi người chỉ lo tìm thỏa mãn sở thích riêng, không đếm xỉa gì đến hạnh phúc của người khác, thì dầu là hai vợ chồng cùng sống chung dưới một mái nhà, cũng có ngày phải tan rã. Nếu hai người cùng tìm hạnh phúc cho nhau, cùng lo lắng, chăm nom, săn sóc lẫn nhau, thì tình tương thân tuơng ái mới có cơ hội phát triển tốt đẹp và bền lâu.

b. Cùng Hướng Về Một Mục Đích. Có văn sĩ nói: “Yêu nhau không phải ngồi nhìn nhau, nhưng là cả hai cùng nhìn về một hướng”. Bởi vì, nếu chỉ “nhìn nhau”, để soi mói, bắt bẻ, bắt lỗi, ganh tị nhau, thì sẽ sinh ra xích mích, cãi cọ. Trái lại, kinh nghiệm cho thấy, nếu hai người cùng một chí hướng, cùng đồng lao cộng khổ với nhau, cùng chia sẻ những nỗi vui buồn với nhau, như đôi vợ chồng trẻ cùng nhau chăn nuôi con cái cho nên thân nên người, thì tình yêu vị tha, hy sinh đó, càng ngày càng khắng khít, bền lâu. Vì cùng theo đuổi một mục đích, hay một công việc khó khăn, một cá nhân không thể làm một mình được, nên cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của người khác. Do đó, nhờ sự chia sẻ ý kiến, sức lực để nâng đỡ nhau hoàn thành chương trình dự định, mà lòng quí mến, biết ơn nhau càng thêm đậm đà. Trong khi chân thành hợp tác để thực hiện một kế hoạch lớn lao, khó khăn, hai người thường dễ tha thứ cho nhau những khuyết điểm nhỏ nhặt, chịu đựng lẫn nhau, miễn sao công cuộc đại sự đi đến thành công. Do đó, tình tương thân tương ái ngày thêm bền vững, và “chung thủy”, nghĩa là trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, không “dang dở”. Tình Yêu dễ nẩy nở khi có sự thông cảm giữa những người cùng đồng tâm nhất trí với nhau, và có cùng một lý tưởng. Kinh nghiệm cho thấy: khi quốc gia hữu sự, mọi tầng lớp dân chúng, không phân biệt lương-giáo, trẻ già trai gái… đoàn kết để cùng nhau chống ngoại xâm. Nhưng trong thời bình, vì thiếu lý tưởng rõ rệt, các đảng phái, bè nhóm bắt đầu nổi lên xâu xé lẫn nhau. Đối với các hội đoàn đạo đức cũng vậy. Vì các đoàn viên thiếu lý tưởng, hoặc quên mất mục đích khi gia nhập đoàn thể là “làm sáng danh Chúa”, nên đâm ra ganh tị, chia rẽ, bôi xấu nhau.

2. Yêu Thương trong Tự Do, và Tôn Trọng nhau

Kinh nghiệm cho thấy: Tình nghĩa vợ-chồng, tình bằng hữu không nẩy sinh trong sự gò ép, gượng gạo hay bằng bạo lực, vì con người chỉ có thể yêu thương thật sự trong Tự Do, Bình Đẳng và Tôn Trọng các nguyện vọng chính đáng của mỗi bên.



a. Yêu Thương Trong Tự Do, Bình Đẳng. Bình Đẳng và Tự Do thoải mái là những điều kiện giúp tình yêu thương phát huy tốt đẹp. Thử hỏi: Có tình yêu thương chân thật giữa những người cậy vào chức quyền hay tài năng, của cải giầu sang để đàn áp những kẻ cô thân, yếu thế không? Làm sao có sự thông cảm và tương giao tự do, khi một bên dùng mọi hình thức của bạo lực để chèn ép bên kia phải theo mình? Do đó, muốn thực hành đức Bác Ái chân thật, muốn cho tình yêu nẩy nở, cần có tình thần bình đẳng, khiêm tốn trong mối tương giao. Nếu người này có tài năng, tiền bạc hơn nguời khác, thì không phải để chia thành giai cấp, nhưng là để phục vụ, trợ giúp người khác với một tấm lòng quảng đại, hồn nhiên vui vẻ. Bởi vậy, tính hống hách kiêu căng, cậy tài cậy của, áp bức kẻ khác, thì không thể tạo dựng một tình yêu bền vững được. Vả lại, tình yêu thương chân thật, như đã định nghĩa ở trên, là mối tương giao, tương trợ, nghĩa là trao đổi lẫn nhau, người này giúp người kia, vì cả hai cùng cần nhau. Do đó, trong tình Bác Ái chân thành, không nên có thái độ của kẻ bề trên “chiếu cố”, hay “bố thí” cho kẻ bề dưới, hay kẻ thiếu thốn!

Một câu hỏi khác: Loài người hèn hạ, vì là loài thụ sinh, làm sao dám “kết nghĩa” cùng Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối Siêu Việt được? Theo Thần Học giải thích, thì Hồng Ân khiến nhân loại được làm “nghĩa tử” của Thiên Chúa là do Tình Yêu Thương Vô Biên mà Chúa tự ý ban nhưng không, vì công nghiệp của Chúa Giêsu KyTô. Nhờ mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế làm “Người”, nghĩa là nhờ “Nhân Tính” của Chúa KyTô làm “Trung Gian” (Mediator) mà nhân loại có thể kết giao với Thiên Chúa.(138)



b. Tôn Trọng Quyền Lợi, Đặc Tính. Thần Học và Triết Lý nhấn mạnh về nhân phẩm và nhân quyền, vì mỗi cá nhân tự bản tính đã có giá trị cao quý, vì là “nghĩa tử” của Chúa. Vả lại, theo quan niệm về “NhânVị”, thì mỗi người có những đặc tính, đời sống riêng, khác với mọi cá nhân khác. Do đó, những sự khác biệt giữa đàn ông với đàn bà, về thể xác và tâm lý, là sự tự nhiên, cần được tôn trọng. Những nguyện vọng, sở thích giữa hai thế hệ, trẻ với già, cha mẹ với con cái… nếu là điều chính đáng, tiến bộ, cũng cần được tôn trọng. Yêu Thương chân thật không phải là bắt người khác làm theo ý mình, và phải “giống hệt” như mình! Trái lại, cha mẹ yêu thương con cái, hay vợ chồng quí trọng nhau thật sự, khi một bên giúp bên kia phát triển những đức tính, tài năng, chí hướng, nguyện vọng chính đáng, nẩy nở tới chỗ hoàn hảo.

3. Đức Bác Ái và Hành Động

Theo Phúc Âm, tình thưong chân thật phải đi đôi với việc làm cụ thể. Chúa Cứu Thế đã nhấn mạnh vào việc thực hành đức Bác Ái, bằng những dụ ngôn như: “Người Samaritanô nhân ái” (Luca, 10:25-37, 18:18-30). Đối với Chúa, không thể chỉ có đức Bác Ái “xuông”, nghĩa là chỉ nói mà không làm gì cả. “Ai yêu mến Thầy thì phải giữ lời Thầy” (Gioan 14:23-24). Khi rửa chân cho các môn đệ, tức là Chúa muốn dạy một bài học cụ thể về đức Bác Ái, Chúa phán: “Nếu các con biết các điều này và đem thực hành, thì phúc cho các con” (Gioan 13:17). Do đó, đức Bác Ái chân thật không phải chỉ là tình cảm, xúc động mau qua mau hết! Nhưng là tấm lòng vị tha, quyết chí ra tay giúp đỡ. Khi nhìn thấy cảnh thương tâm như đói khát, bão lụt, chiến tranh tàn phá… người ta có thể động lòng thương xót, sụt sùi “rơi lệ”, nhưng khi cần bỏ tiền ra để cứu trợ thì lại lẩn trốn: Đó là tình thương “giả dối, giả hình” mà thôi!

Cũng vì muốn thực hành giáo huấn của Phúc Âm, mà trong Hội Thánh đã thành lập biết bao cơ quan Từ Thiện để cứu trợ nhân loại trong những cơn thiên tai hoạn nạn, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc. Theo lịch sử thế giới, chính quan niệm về tình Bác Ái Phúc Âm đã khiến nổi lên công cuộc giải phóng nô lệ, tôn trọng bình quyền của phụ nữ, và tôn trọng nhân quyền chống mọi hình thức độc tài áp bức con người. Đức Bác Ái Thiên Chúa Giáo cũng còn là động lực thúc đẩy công cuộc cách mạng về luật pháp, chính trị, xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế, khoa học, canh nông, y tế để chống bệnh tật, nghèo đói. Những hoạt động kể trên là cách thế thiết thực để thi hành đức Bác Ái, như Chúa đã dạy.

Toát Yếu Các Đặc Điểm

Sau đây, ta thử toát lược mấy dặc điểm của Đức Bác Ái, một nhân đức cao trọng nhất trong Đạo Thiên Chúa:

1. Bản Thể của Thiên Chúa là Tình Bác Ái Vị Tha (agape). Do đó, chính tình Yêu Thương Vô Biên của Chúa là Căn nguyên, mẫu mực, lý do tồn tại và nền tảng của các tình ái vị tha khác của nhân loại. Chúa Giêsu KyTô, là chính Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể để mặc khải Tình Yêu Chúa cho nhân loại. Vì thế, đời sống, Lời giảng dạy, hành động của Chúa Cứu Thế là Gương Mẫu cho ta bắt chước để thực thi Bác Ái.

2. Trong Thiên Chúa Giáo, giới răn “Mến Chúa, Yêu người”, tuy phân biệt, nhưng luôn đi liền nhau. Ta phải yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn, hết sức lực vì Chúa đã yêu thương ta trước, và đã dựng nên, dưỡng nuôi ta. Đồng thời, ta phải yêu thương tha nhân, vì hết mọi người đếu là con cái do Chúa sinh ra.

3. Theo Thần Học, và Kinh Thánh, mọi sự trên đời này sẽ qua đi: Đức Tin, Đức Cậy có ngày sẽ hết, nhưng Đức Mến vẫn tồn tại mãi, vì Tình Yêu Thương của Chúa bền vững muôn đời, và linh hồn những người”công chính” được kết hiệp với Chúa đời đời, trên nơi Vĩnh Phúc.

4. Ta nghiệm thấy: Tình Bác Ái của Chúa tràn ngập vũ trụ, vì trời đất này có, là do Tình Ái Vị Tha của Chúa muốn “san sẻ”, phân phát sự Tuyệt Hảo của Chúa cho loài thụ sinh. Cũng vì Yêu Thương mà Chúa đã sai Thánh Tử là Chúa Giêsu KyTô giáng thế “làm Người”, để làm vị Trung Gian cứu độ nhân loại và vũ trụ. Bởi vậy, Chúa Cứu Thế là Thủ Lãnh của vũ trụ, của Hội Thánh, của nhân loại.

5. Xét về đặc tính của tình yêu thương, ta có thể chia làm ba loại, ba cấp, tính từ dưới lên trên: a) tình tư dục, b) tình bằng hữu, c) tình bác ái vị tha. Ba cấp bậc tình ái đó không “đứt đoạn”, hay chống đối nhau, nhưng vẫn liên hệ, liên tục với nhau, nghĩa là con người cần cố gắng vươn lên, từ tình vật dục bất toàn tới tình yêu hoàn toàn vị tha.

6. Bởi vậy, trong Kinh Thánh, vẫn thường dùng những tình yêu thương cao quí của nhân loại như: tình nghĩa Vợ-chồng, tình cha mẹ yêu thương con cái… như là hình bóng “tuơng tự” ám chỉ, một phần nào, Tình Bác Ái Vô Biên của Thiên Chúa đối với nhân loại hèn mọn.

7. Vì Thiên Chúa là “Ngôi Vị”, Ngôi Vị Tuyệt Đối vượt trên hết mọi cá nhân, cá thể, mọi nhân vị, nên Tình Yêu Thương của Chúa vẫn giữ tính chất “Ngôi Vị”, nghĩa là trong tình yêu thần bí, khi linh hồn người công chính kết hiệp với Chúa, thì Ngôi Vị của Đấng Toàn Năng vẫn “KHÁC” với các nhân vị khác. Tuy là loài thụ tạo, nhưng nhân loại được kết nghĩa với Thiên Chúa, là nhờ Trung Gian Nhân Tính của Chúa Cứu Thế giáng thế làm Người để cứu độ nhân loại.

8. Tình Bác Ái vị tha là tình tương giao, tương thân tương ái giữa các nhân vị khác nhau, vì thế cần mấy điều kiện để kết hợp với nhau:

a) Tìm hạnh phúc của người mình yêu, nghĩa là vị tha hơn là vị kỉ. Vả lại, yêu thương thật là cùng nhau hướng về một lý tưởng, một mục tiêu cần thực hiện, để chia sẻ những khó khăn, để tha thứ những khuyết điểm, để cùng nhau “chung thủy”, trung thành hoàn thành điều đã cam kết.

b) Tình yêu chỉ có thể phát huy trong Tự Do, Binh Đẳng. Do đó, cần Tôn Trọng những quyền lợi, sở thích chính đáng của nhau, để giúp nhau phát triển nhân phẩm của một con người đến chỗ vẹn toàn.

c) Đức Bác Ái chân thành đòi buộc phải có hành động cụ thể. Nếu thực tâm yêu Chúa thì phải giữ lề luật của Chúa. Nếu thật lòng thương người thì phải bỏ tiền bạc, thì giờ, sức khoẻ… để giúp đỡ những người đang cơn túng cực, cần thiết.

Đàm Đạo Trao Đổi

Điều đáng vui mừng cho nhân loại là: Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo đều đồng ý với nhau về một điểm quan trọng: nhân loại phải yêu thương nhau! Vì thế, xét về mặt thực hành, người ta hay nói: Đạo nào cũng tốt, vì Đạo nào cũng đều dạy phải thương người cả! Thật vậy, trong đời sống hằng ngày, trong cách giao tiếp với tha nhân, người Phật tử chân chính bộc lộ một lòng Từ Bi đáng ca ngợi, khâm phục, vì chẳng những phải yêu thương nhân loại, mà còn phải mở rộng tình ái, bao bọc các loài sinh vật khác nữa! Trong đời sống xã hội, người Việt nam thường quí trọng những người có nhân nghĩa, và khinh chê hạng giàu có, thế lực, danh vọng, nhưng ăn ở “bất nhân”, “bất nghĩa”, trái với lễ giáo, với Đạo Nhân của Thánh Hiền.

Tuy nhiên, trên đây mới là quan sát các tôn giáo về bình diện bề ngoài, cách thực hành, ta nhận thấy các tín đồ của các tôn giáo tại Việt nam, dầu là Phật tử, hay Công giáo, hoặc Đạo Hiếu (Thờ Ông Bà), đều tin vào “Ông Trời”, “Ông Thiên”, là Đấng cầm quyền sinh tử, vận mệnh của mỗi người. Về tình yêu thương thì ai cũng nhớ thuộc lòng câu ca dao tục ngữ: “Thương người như thể thương thân”. Đó là sinh hoạt tôn giáo bình thường, tự nhiên, theo truyền thống văn hóa Việt nam. Về phương diện này, các tôn giáo xem ra không khác nhau là mấy.

Nhưng khi đứng trên bình diện lý thuyết, quan niệm, triết lý hay thần học, thì các nhà nghiên cứu về khoa “Tôn Giáo Đối Chiếu” (comparative religions) nhận thấy có nhiều sắc thái khác nhau, nhiều cách hiểu biết và giải thích khác biệt về ý niệm của một danh từ, một giới luật..giữa các tôn giáo với nhau, hoặc có khi xẩy ra trong cùng một tôn giáo, chẳng hạn như trường hợp Phật Giáo: đôi khi cách thực hành Đạo của các thiện nam tín nữ, trong đời sống hằng ngày, lại “khác” với những lý thuyết Triết Học, Phật học của các môn phái như Tiểu Thừa, khác Đại Thừa, Thiền tông Nam Tông (Không Tông) khác với Bắc Tông (Tâm Tông).(139)

Bởi vậy, ta thử đàm luận để hiểu rõ hơn những quan niệm, những sắc thái khác biệt về Tình Ái như: Ai yêu? Yêu Ai? Yêu là một phương tiện hay cứu cánh? Tại sao yêu? Yêu thế nào? Nhưng trước hết, ta thử so sánh quan niệm Nhân Ái giữa Khổng Giáo và Lão Giáo giống nhau và khác nhau ở điểm nào?


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương