Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


Vũ trụ Đồng Qui về một mối là Chúa Cứu Thế



tải về 2.02 Mb.
trang24/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   20   21   22   23   24   25   26   27   ...   31

3. Vũ trụ Đồng Qui về một mối là Chúa Cứu Thế. Đối với Teilhard de Chardin, quan niệm “vạn vật đồng nhất” của Đông Phương và quan niệm “vũ trụ bản vị, ngôi vị” không mâu thuẫn nhau. Tính chất bản vị của vũ trụ đặt nền tảng nơi Đấng Tạo Hóa, là Ngôi Vị Tuyệt Đối. Chính Thực Thể Tuyệt Đối đó đã ban cho mỗi loài được có một bản vị, còn Thiên Chúa là Một Siêu-Đẳng-Ngôi-Vị. Qua tác phẩm của nhà cổ-sinh-vật-học (paleontologist) đã thực hiện những công trình khảo cổ tại Trung Hoa, ta nhận thấy tư tưởng này: Vũ trụ đang biến hóa theo chiều hướng bản-vị-hóa. Nhân loại và vũ trụ được bản-vị- hóa đang đồng qui về “một mối đồng nhất” là Ngôi Vị Tối Cao, chính là Chúa Cứu Thế.

Tại sao sự sáng tạo nên vũ trụ lại liên quan mật thiết, nội tại với Chúa Cứu Thế, và với sự Cứu Độ?

Theo cách suy luận thần học của nhà thần học Karl Rahner và Karl Barth thì Cựu Ước tức là Giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và dân Chúa tuyển chọn (dân Dothái) đã được thực hiện thi hành ở Tân Ước nơi chính Con Người của Đấng Cứu Thế, vì là “LỜI” của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn tả chân lý đó trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, đoạn I,
câu 1-3, 14: Sau đây là bản dịch ra cổ văn Trung Hoa do học giả nổi tiếng thời cận đại là Ngô Kinh Hùng thực hiện, trong đó ông dùng nhiều thành ngữ, danh từ, điển tích cổ văn để “chuyên chở” một nội dung mới của Thiên Chúa Giáo, chẳng hạn chữ “ĐẠO”. Danh từ này bao hàm nhiều ý nghĩa: “đạo” là đường; “đạo” là bổn phận tùy theo địa vị, cấp bậc như: đạo vợ chồng, đạo làm con…; “đạo” là lời nói, như đàm đạo. “Đạo” là nguyên lý siêu việt trong triết lý như “Đạo” (Đạo Đức Kinh) của Lão Giáo… Khi dịch đoạn sách Phúc Âm của Thánh Gioan, Ngô Kinh Hùng đã dùng chữ “ĐẠO” (Logos, Verbum, Word of God), để ám chỉ Đấng Cứu Thế là “LỜI” của Thiên Chúa phán ra, vì chính Ngài cũng là Thiên Chúa giáng trần để mặc khải, biểu lộ những mầu nhiệm cao siêu cho nhân loại. Cũng có thể hiểu chữ “ĐẠO” theo ý nghĩa siêu hình, vì Chúa Cứu Thế là Nguyên Lý Tuyệt Đối, là Nguyên Thủy và là Cứu cánh (Alpha and Omega) của vũ trụ và nhờ Ngài mà vũ trụ được tạo thành:

Thái sơ hữu ĐẠO, dữ Thiên Chủ giai, ĐẠO tức Thiên Chủ, tự thủy dữ giai. Vi ĐẠO vô vật, vật nhân ĐẠO sinh, thiên địa vạn hữu tư ĐẠO dĩ thành. Tư ĐẠO chi nội, uẩn hữu Sinh Mệnh, Sinh Mệnh tức Quang, sinh linh sở bẩm. Quang chiếu minh minh, minh minh bất lĩnh…Duy Bỉ Chân Quang, phổ chiếu sinh linh, phàm sinh ư thế, tư chi dĩ minh… ĐẠO thành nhân thân, cư ngã sài trung, ngô sài thân đổ, khổng đức chi dung, duy nhất Thánh Tử, vô thượng Quang Vinh, diệu sủng chân đế, sung dật quyết cung”. (Gioan, I:1-5,9,14). Bản dịch Việt ngữ: “Lúc khởi nguyên đã có (NGÔI) LỜI, và (NGÔI) LỜI ở nơi Thiên Chúa, và NGÔI LỜI là Thiên Chúa, Ngài đã ở cùng Thiên Chúa từ nguyên thủy. Không có NGÔI LỜI thì không có vạn vật, vạn vật nhờ NGÔI LỜI mà sinh ra, trời đất muôn loài tồn hữu nhờ NGÔI LỜI mà thành sự. Trong NGÔI LỜI có tiềm tàng SỰ SỐNG, SỰ SỐNG là SỰ SÁNG cho nhân loại. Sự Sáng chiếu trong u tối, mà u tối không thấu triệt được để lãnh nhận sự Sáng… Chỉ có Ngài là sự Sáng đích thật, chiếu cho mọi người, sinh nơi trần thế, nhờ vậy mà được sáng… Và NGÔI LỜI thành xác người phàm, cư ngụ ở giữa chúng ta, chúng ta đươc thấy Vinh Quang cao cả của Ngài, Vinh quang mà Chúa Cha ban cho Thánh Tử duy nhất, tự nơi mình tràn đầy Ân Điển và Chân Lý.(194)

Suốt dòng lịch sử của vũ trụ và của nhân loại, Thiên Chúa biểu lộ, mặc khải quyền năng qua những kỳ công mà khoa học mỗi ngày vẫn khám phá ra những bí mật và qua các vị “Phát ngôn” (prophet) của Chúa, thường gọi là tiên tri, ngôn sứ. Nhưng đến thời gian đã định, Thiên Chúa đã sai Thánh Tử cũng chính là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể để mặc khải, phát biểu, phán dạy những chân lý là sự Sáng dẫn đưa nhân lọai đến sự Sống vĩnh cửu. Bởi vậy, theo ý nghĩa của đoạn Phúc Âm trên: muôn tạo vật được tạo dựng bởi Lời Thiên Chúa, và vũ trụ này được cứu độ cũng là nhờ NGÔI LỜI NHẬP THỂ. Vì lý do đó, tất cả vũ trụ đều qui hướng về Chúa Cứu Thế như Tâm điểm Tuyệt đỉnh. Hơn nữa, việc sáng tạo vũ trụ và nhân loại do Ngôi Lời mà có, cũng chính là điều kiện để Ngôi Lời có thể Nhập Thể, nghĩa là mặc lấy xác phàm để cứu độ sinh linh và vũ trụ.

Vì lý do sâu xa và bí nhiệm nào mà Thiên Chúa đã thực hiện chương trình sáng tạo và cứu độ qua sự Nhập Thể của Ngôi Lời?

Thưa, chính là Tình Thương vô hạn của Thiên Chúa là động lực của công trình sáng tạo và cứu độ. Bản Thể của Thiên Chúa là Tình Thương vô vị lợi (Agape) .Tình Thương vị tha, vô hạn không phải là một động lực ở ngoài Thiên Chúa, nhưng chính tự Bản Thể. Thiên Chúa hoàn toàn tự mãn, và viên mãn, chỉ vì Tình Thương vị tha vô bờ bến mà tạo dựng nên vũ trụ và nhân loại, khác biệt với Ngôi Vị Thiên Chúa. Cũng vì Tình Thương vị tha vô hạn đó mà Thiên Chúa đã sai Ngôi Lời nhập thể giáng thế để cứu độ chúng sinh. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc khải Tình Thương vị tha vô biên khi Nhập Thể, chịu Tử Nạn trên Thập giá, và Phục Sinh vinh hiển.

Chỉ vì Tình Thương vị tha vô biên mà Ngôi Lời, tức Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự hạ mình xưống, “tự-hư-vô-hóa” (kenosis, emptying of Christ) làm phận tôi tớ hèn hạ. Thư của Thánh Phaolô gửi Philiphê II:6-8, đã diễn tả quan niệm tự khiêm tự hạ, tự hư vô vì Tình Thương như sau:

Ngôi Lời đồng bản tính với Thiên Chúa, nhưng chẳng nghĩ mình ngang hàng với Thiên Chúa. Mà hạ mình (Kenosis, Self-Emptying, Self renunciation) nhận làm hạng tôi đòi, phàm nhân. Và khi đã mặc lấy hình thể phàm nhân rồi, Ngôi Lời Thiên Chúa còn tự hạ hơn nữa, là đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá.

Nói tóm lại, chỉ vì Tình Thương vị tha vô hạn tự trong Bản Thể Thiên Chúa (Thiên Chúa = Tình Thương) mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự hạ mình Nhập Thể để cứu độ nhân loại tội lỗi. Cũng chính bởi Tình Thương vị tha vô biên đó mà Thiên Chúa, qua trung gian của Ngôi Lời Nhập Thể, đã sáng tạo nên nhân loại và vũ trụ càn khôn. Do đó, quan niệm cứu độ và sáng tạo liên hệ với nhau vì đều phát xuất từ một Tình Thương vị tha vô hạn, và đều qua Trung gian của Chúa Cứu Thế là Ngôi Lời Thiên Chúa.



ĐOẠN IV . Niềm Tin Vào Một Vị Thượng Đế

Trong Chương Sáu, đã đề cập đến quan niệm triết lý, siêu hình của các triết gia, các nhà Đạo Học, Phật Học về Một Nguyên Lý Tuyệt Đối trừu tượng, làm nền tảng cho sự hiện hữu của vạn sự vạn vật. Trong Chương Bảy và trong đoạn này, sẽ bàn luận về niềm Tin vào Một Vị Chúa Tể càn khôn, tạo thành vũ trụ càn khôn, mà theo Truyền Thống dân gian Trung Hoa gọi là THƯỢNG ĐẾ, THIÊN đã được Đức Khổng Phu Tử san định trong Tứ Thư Ngũ Kinh, và theo Truyền Thống dân gian Việt nam, đặc biệt trong Ca dao, Tục Ngữ…, mà mọi người dân Việt, bất kể thuộc tôn giáo nào, thường gọi là “ÔNG TRỜI”. Truyền Thống cố hữu này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, mà đặc điểm là niềm Tin vào Một Đấng Toàn Năng tạo thành vũ trụ và muôn vật muôn loài.

Theo các học giả am tường về tôn giáo và các nhà nghiên cứu về văn minh Trung Hoa như L. Wieger, L. Legge, Trần Trọng Kim, Julia Ching, ngay từ khi lập quốc, nghĩa là từ đời Nghiêu (2356 B.C.), Thuấn (2255 B.C.) vẫn có hai dòng tư tưởng giải nghĩa về nguồn gốc của vũ trụ và của con người. Tuy ai cũng đều tin vào Hóa Công như là Nguyên Nhân Đệ Nhất sinh thành ra vũ trụ càn khôn, nhưng theo niềm tin tự nhiên của đại đa số dân chúng, thì vẫn thường gán cho Cỗi Nguồn cao cả đó như “Một Đấng”, rất đáng kính, đáng sợ, đáng tôn thờ, vượt trên hết mọi loài mọi sự; đồng thời, đi song hành lại có luồng tư tưởng nghiêng về lý luận trừu tượng, siêu hình (ngày xưa gọi là “Hình-nhi-Thượng-học”), quan niệm “Đấng ấy” là một Nguyên Lý Siêu Việt. Khuynh hướng này khai triển mạnh vào thời nhà Tống, chịu ảnh hưởng của Lão giáo và Phật giáo, do các môn phái Lý Học, Đạo Học của Chu Hy và Tâm Học của Vương Dương Minh.

Tuy phân biệt hai truyền thống Trung Hoa và Việt Nam, nhưng thật sự, hai truyền thống này cũng là một, vì cùng đặt niềm Tin vào Một Vị Chủ Tể mà người ta có thể lễ bái, đối thoại, cầu khẩn để xin thi ân giáng phước. Cách thế để biểu lộ lòng tôn sùng, kính sợ “Đấng ấy” thường mượn những ngôn từ, hình ảnh theo phương pháp “loại suy hay “tương tự”, (analogy, giống như con người, gọi là “thần nhân đồng hình”), nhưng phải hiểu là “Đấng ấy” ở bậc cao siêu vô cùng. Chẳng hạn, “Vị Thiên” hay “Ông Trời” có thể nghe, xem, nổi giận, thưởng phạt… Vì hai truyền thống rất gần nhau, nên những đặc tính, phẩm tính gì của Vị Thượng Đế hay Thiên trong truyền thống Trung Hoa, thì cũng đúng với niềm Tin của người Việt nam, vì các danh từ Thượng Đế hay “Ông Thiên”, “Ông Trời”, vẫn thường dùng trong ngôn ngữ của dân chúng Việt nam. Vả lại, giới sĩ phu Việt Nam, suốt mấy ngàn năm, vẫn nghiền ngẫm Tứ Thư Ngũ Kinh: “Sớm nghiền kinh sử, tối bàn văn chương (Phan-Trần), nên đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của văn hóa và tư tưởng Trung Hoa.

Trong Đoạn này, ta sẽ lần lượt xem xét những điểm như

1. Danh xưng chỉ Đấng Tối Cao.

2. Thượng Đế trong Tứ Thư Ngũ Kinh, trong Nho Giáo thời nguyên thủy.

3. Nhà truyền giáo, cũng như học giả tây phương, đặc biệt Linh Mục Mateo Ricci đã phê phán thế nào về niềm tin vào Vị Thượng Đế, về danh hiệu “THIÊN” trong cuốn sách thời danh"Thiên Chủ thực nghĩa”?



1. Danh Xưng Chỉ Đấng Tối Cao

Những danh xưng danh hiệu chỉ về Một Ngôi Vị Tối Cao, Một Đấng Thiêng Liêng, tuy thuộc ngôn ngữ thông thường, bất xứng, nhưng đã được siêu việt hóa về ý nghĩa và nội dung, để ám chỉ và biểu lộ một cách “tương tự”, lòng Tin tưởng sâu xa về Một Vị Chủ Tể càn khôn, tạo thành vũ trụ

Trong Tứ Thư Ngũ Kinh do Đức Khổng Tử san định, Ngài chỉ tường thuật những điều đã truyền tụng từ lâu đời trong dân gian, chứ Ngài không sáng tác ra, “thuật nhi bất tác”, và trong các sách cổ điển dùng làm sách giáo khoa để thi tuyển học sinh ở Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản, ta nhận thấy những danh xưng như: Đế, Thượng Đế, Thiên, Thiên Chủ, Hoàng Thiên, Thượng Thiên, Hoàng-Thượng Đế, Thiên-Hoàng Thượng Đế… Đặc biệt, thử tìm hiểu nguyên tự, nghĩa thường và nghĩa tôn giáo của các chữ: ĐẾ, THƯỢNG ĐẾ, THIÊN, (ÔNG TRỜI.).

a. Đế, Thượng Đế

Theo nguyên tự, chữ ĐẾ là hình vẽ của một người mặc áo thụng:

(Nét ( ) chỉ chữ thượng ( ) là bề trên; sau này người ta thêm hai tay hình ; và Lý Tư đổi phần dưới ra chữ thích( ), rồi rút gọn lại thành chữ ngày nay). Chữ Đế chỉ vua, nhưng còn có ý nghĩa về tế tự vì các nét chữ giống như lần nứt trên xương, coi như lời “Sấm ký” (oracle bones).

ĐẾ, nghĩa là vị Hoàng Đế cai trị một đế quốc. ĐẾ trước hết là Vị Thần của triều đại thời cổ, đời nhà THƯƠNG vào khoảng 1766 (B.C., trước Chúa Cứu Thế), hoặc theo khoa khảo cổ mới khám phá các di tích thì vào khoảng 1300 B.C. ĐẾ chính là Vị Thần của gia tộc nhà Thương theo tôn giáo thờ cúng Tổ Tiên. Vị Thần ĐẾ được thay thế bằng THIÊN khi nhà CHU lên thay quyền nhà Thương.



b. Thiên

Vào thế kỷ 1, người ta phân tích chữ THIÊN ( )làm hai phần: nét ( ) nhất=một, nét ( ) đại=lớn, ngụ ý chỉ Thiên là Một Đấng Vĩ Đại. Chữ này cũng thuộc loại “xương sấm ký” .

Nhưng theo cách giải thích của Linh Mục Wieger, ngày nay được nhiều nhà khảo cổ công nhận, thì chữ THIÊN ( ), theo nguyên tự, nét ( ) chỉ không trung bao la và hình ( ) chỉ hình người giang hai tay, hai chân: hội ý có ý chỉ THIÊN là Một Vị Duy Nhất ở trên hết mọi người, Vị THIÊN ở trên cai quản mọi người ở dưới.

Vị Thần THIÊN thuộc dòng họ nhà CHU (1111-249 B.C). Cũng trong đời nhà Chu, hai truyền thống Đế và Thiên phối hợp với nhau vì dân chúng nhà Thương và nhà Chu cùng chung một văn hóa và chủng tộc. Do đó, mọi người đều nhìn nhận Vị Thần Thượng Đế hay Thiên là cao trọng hơn hết mọi thần khác, kể cả các thần tổ tiên. Vị Thần tối cao đó, người ta có thể cầu khẩn, cúng bái. Thượng Đế hay Thiên là Đấng phán quyết, phân biệt điều thiện, điều ác trong đời sống luân lý. Ngài là Vị Thần tối thượng mà các tổ tiên cũng phải qui phục. Trong việc cầu nguyện hay phụng tự, có thể dùng chung danh hiệu Thượng Đế hay Thiên đều được cả vì cùng chỉ Một Vị Thần Tối Cao.

Danh từ “Địa” (Đất) như trong danh từ kép “Thiên-Địa” (Trời-Đất), cần được giải thích như thế nào? Trong Kinh Thi và Kinh Thư, danh xưng THIÊN thường xưất hiện riêng biệt, độc lập, nhưng danh từ “Địa” (Đất) khi dùng thì lại ghép với chữ ‘Thiên”. Theo các nhà khảo cổ, ngay từ thời nhà Chu (1122-255 B.C.), việc tế tự, cầu kinh luôn dâng lên Vị Thiên hay Thượng Đế như trong lễ nghi “Tế Thiên (Trời)”, vì Thiên là Đấng Tạo Hóa dựng nên vữ trụ, nhân loại, và các tổ tiên. Sau này, vì ảnh hưởng của môn phái triết lý Âm-Dương, nên chữ Địa (Đất) mới thấy ghép vào danh từ Thiên, đặc biệt trong khái niệm về việc sáng tạo vũ trụ. Trong phần “Dịch Truyện” của kinh Dịch, thuyết Âm-Dương đã xâm nhập vào Khổng Học nguyên thủy. Theo thuyết Âm-Dương, quẻ “kiền” chỉ thiên hay cha, giống đực, quẻ “khôn” chỉ đất hay mẹ, giống cái. Vũ trụ này được dựng nên là do sự phối hợp của âm-dương hay kiền-khôn (càn-khôn). Thuyết Âm-Dương còn nhấn mạnh đến vai trò của Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, tạo nên mối liên quan giữa thiên giới và hạ giới (con người). Do đó, phát sinh ra nhiều điều mê tín hoang đường, chẳng hạn như: vũ trụ này được tạo thành, ít ra một cách tượng trưng, do sự phối hợp của âm-dương, của quẻ “kiền-khôn”. Nhiều điều hoang mang đặt ra như: vũ trụ này do Một Vị Hóa Công sáng tạo hay do Hai thế lực đối nghịch nhau lập nên? Vũ trụ này do Đấng Tạo Hóa an bài hay là nó tự đột phát, tự biến hóa? Theo lịch sử triết học Trung Hoa, ảnh hưởng của phái Âm-Dương không bền bỉ và mạnh mẽ đối với các triết gia thuộc phái Lý Học của Chu Hy hay Tâm Học của Vương Dương Minh, nhưng vì những điều mê tín, pha trộn với quan niệm đa thần, phiếm thần… sai lạc khỏi niềm tin nguyên thủy vào Một Vị Thượng Đế, Chủ Tể vũ trụ, nhân loại và Tổ Tiên…, đã là lý do phát hiện luồng tư tưởng “phủ nhận” Thượng Đế trong triết học sử Trung quốc, chẳng hạn như Tuân Tử (238 B.C?)

Nói tóm lại, qua ý nghĩa của các danh hiệu Thượng Đế hay Thiên, ta nhận thấy ý niệm về “Ngôi Vị”, “Hữu Ngã” (personal character of God) do những lời cầu kinh, lễ bái dâng lên Thượng Đế hay Thiên. Đấng Thượng Đế là Vị Hóa Công tạo dựng vũ trụ và nhân loại, là Chủ Tể của lịch sử, Căn nguyên của các mệnh lệnh luân lý, Đấng phán xét, thưởng người lành, phạt kẻ dữ…như các lời dẫn chứng của Tứ Thư Ngũ Kinh.(195)

Vấn đề ý nghĩa của các danh xưng để chỉ Đấng Tối Cao đã gây nên nhiều cuộc tranh luận và hiểu lầm, khó khăn, nhất là khi so sánh, trao đổi, phiên dịch các danh từ giữa Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo. Sẽ bàn luận sau về các cuộc bàn cãi của các nhà truyền giáo tây phương, đặc biệt của Linh Mục Mateo Ricci về việc dùng danh từ Thiên, Thiên Chủ, Thượng Đế. Dưới đây, sẽ tìm hiểu những đặc tính hay phẩm tính mà Đức Khổng Phu Tử, và truyền thống dân gian gán cho Vị Thiên hay Thượng Đế

2. Những Đặc Tính Của Niềm Tin Vào Vị Thiên Hay Thượng Đế

a. Tín Ngưỡng Tự Nhiên

Đây là tín ngưỡng chung của nhân loại, trước những kỳ công lạ lùng của vũ trụ, nhưng rất huyền bí như các các biến cố về đời sống: sinh ra, sự chết và sự biến hóa đều hòa của trời đất. Do đó, dân tộc nào cũng tin vào Thế Lực Siêu Phàm, điều hành vũ trụ này. Theo thói quen và theo lẽ phải, muốn bày tỏ niềm tin và sự kính phục, con người bắt buộc phải dùng ngôn ngữ phàm tục để biểu lộ và diễn tả cho mọi người có thể hiểu biết và thông cảm với nhau được. Do đó, dầu không hiểu rõ bản tính của “Đấng ấy” như thế nào, nhưng một cách tự nhiên, người ta vẫn gán cho Vị Thượng Đế những danh hiệu, phẩm tính theo cách “thần-nhân-đồng hình” và theo phương pháp “tương tự”, nhưng dĩ nhiên, các danh từ, phẩm tính cần phải hiểu theo nghĩa cao siêu hơn bội phần.

Học giả Trần Trọng Kim, trong bộ sách giá trị “Nho Giáo”, quyển thượng, trang 38-39, ông đã toát lược những quan niệm của người xưa về niềm Tin vào Ông TRỜI (THIÊN) hay THƯỢNG ĐẾ như sau:

Đã có người, lại có quỉ, có thần, thì tất là có một cái thế lực nào nữa rất to hơn, chủ trương cả toàn thể trong vũ trụ. Cứ lý tự nhiên mà suy ra: nhà có cha, nước có vua, thiên hạ có đế, thì vũ trụ phải có một Đấng nào làm chủ.Nhưng vũ trụ mênh mông mà chỗ nào cũng thấy tầng trời xanh bao bọc khắp cả mọi nơi, người ta mới nghĩ ra Ông Trời.Chắc lúc đầu người Tàu cũng cho ông Trời như là một ông Nguyên hậu ở dưới trần gian này, vậy nên mới gọi ông Trời là Đế, hay là Thượng Đế. Thượng Đế ở trên trời cai quản cả bách thần và vạn vật ở trong vũ trụ, và lại là một đấng chí nhân hay thương dân. Kinh Thi nói rằng: “Hoàng hỹ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc” (Đức Thượng Đế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ ràng, xem xét bốn phương để tìm sự khốn khổ của dân mà cứu giúp”. Vậy nên người bao giờ cũng phải kính và sợ Trời. Kính Trời và sợ Trời là cơ bản đạo đức của người Tàu”.

Sau khi tường thuật những khái niệm của dân chúng về niềm Tin vào Một Vị Thượng Đế cai trị hoàn vũ, học giả Trần Trọng Kim cũng cho biết thêm về quan niệm triết lý siêu hình của Khổng Tử về Vị Chủ Tể càn khôn. Đây không phải là một Đấng Thiêng Liêng nào khác với niềm tin vào “Ông Trời” Chủ Tể vũ trụ càn khôn. Vì là một bậc thánh triết lỗi lạc, Đức Khổng phu Tử đã khai triển niềm Tin của dân chúng về Trời hay Đế và diễn tả bằng những lý luận siêu hình (Hình-Nhi-Thượng-Học), cốt để bảo vệ tính cách Cao Siêu Tuyệt Đối của Vị Chủ Tể đó. Bởi vậy, trong truyền thống Tín Ngưỡng Trung hoa và Việt Nam, có thể xác nhận: có một niềm Tin, nhưng có hai khuynh hướng giải nghĩa: một là, theo “phương pháp khẳng định”, tức dùng những danh từ, những hình ảnh rút ra từ thế giới hữu hình, tương đối và mặc cho chúng những ý nghĩa cao siêu; hai là, theo “phương pháp phủ định”, dùng suy luận siêu hình, (như ta cũng thấy nơi các nhà thần bí trong Thiên Chúa Giáo, trong Phật Giáo, Đạo Giáo), đặc biệt trong Lịch sử Triết học Trung Hoa vào thời kỳ Lý Học, và Tâm Học đời nhà Tống. Học giả Trần Trọng Kim đã diễn giảng một cách xác đáng, sự phát triển của dòng tư tưởng đó như sau:

Nhưng đó vẫn là quan niệm thuộc về phần hình thức, chưa phải là lý tưởng của những bậc hiền triết. Dần dần về sau những người trí thức nghĩ ngợi sâu xa, mới hiểu rằng không lẽ ông Trời lại nhỏ hẹp như người ta và cũng có hình dáng như ta được, tất là một cái lý chí linh, chí diệu, làm chủ tể cả muôn vật. Muôn vật sở dĩ sinh ra hay là hóa đi đều do ở cái lý ấy chủ trương.Vậy nên mới nói rằng: Trời là bản nguyên của muôn vật… cái lý quang minh, linh diệu vô cùng,tức là Thái cực. (Nho Giáo q. thượng, trang:38-39)



b. Thượng Đế: Đấng Tạo Hóa, Chủ Tể Lịch Sử

Tứ Thư Ngũ Kinh ít khi dùng những hình ảnh nhân loại để mô tả Thượng Đế, vì Khổng giáo cho rằng Thiên là: “không tiếng, không hơi” (Thượng Thiên chi tải vô thanh vô xú…) (Kinh Thi). Tuy nhiên, trong kinh Thi, Thư cũng ghi chép những lời Thượng Đế phán truyền cho Văn Vương, vị sáng lập ra nhà Chu.

_ Kinh Thi: “Đức Thượng Đế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ ràng, xem xét bốn phương, tìm sự khốn khó của dân mà cứu giúp” (Hoàng hỹ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc).

_ Kinh Thư: “Trời nhìn xuống dân chúng” (Thiên giám hạ dân).

_ Kinh Thư: “Trời không thân ai, chỉ thân kẻ biết kính sợ Ngài” (Duy Thiên vô thân, khắc kính duy thân).

_ Thượng Thư: “Trời rất thông minh, nên các thánh quân phải bắt chước Trời, quần thần sẽ khâm phục, dân chúng sẽ an vui” (Duy Thiên thông minh, duy thánh thời hiến, duy thần khâm nhược, duy dân tòng nghệ).

_ Kinh Thư: “Trời đôi khi cũng phẫn nộ” (Đế nãi chấn nộ, Hoàng Thiên chấn nộ).

_ Kinh Thư: “Điều gì dân chúng ước ao thì Trời cũng chiều theo” (Dân chi sở dục, Thiên tất tòng chi)

Dân chúng coi Trời như CHA, mọi người là “con của Trời”’ vua được mệnh danh là “Nguyên Tử nghĩa là con đầu của Trời:

_ Kinh Thư: “Đã làm người, ai cũng đều là con của Trời’, Thiên tử (vua) được gọi là con đầu của Trời” (Phàm nhân giai vân Thiên chi tử, Thiên tử vi chi thủ nhĩ)

TRỜI đã tạo dựng nhân loại, ban cho đất đai, ruộng vườn, ngũ cốc, gia súc… và mưa thuận gió hòa để làm ăn sinh sống. Trời cũng can thiệp, tham dự vào lịch sử vào cuộc sống của nhân loại để chọn lựa các bậc Thánh nhân, Hiền Triết thay Trời để cai trị dân. Có thể nói: đó là quan niệm về Thiên trị (Theocracy). Theo ý niệm này, dân chúng Trung hoa tin rằng chính Trời cai quản dân, vua chúa đã lĩnh Mệnh Trời để thi hành. Trước nhất, Trời chọn các vị Thánh nhân đạo đức và đặc biệt các Triết nhân, nghĩa là “tài đức kiêm toàn”. (Quan niệm này cũng giống dân Hy lạp thời cổ, Plato, Socrates).

_ Kinh Thư: “Than ôi! Trời sinh ra dân có dục vọng, không có chủ thì loạn. Nên Trời sinh ra những bậc thông minh để cai trị dân” (Ô hô! duy Thiên sinh dân hữu dục, vô chủ nãi loạn. Duy Thiên sinh thông minh thời nghệ).

_ Kinh Thư: “Chỉ có Trời đất là cha mẹ muôn vật. Chỉ có người là linh thiêng hơn vạn vật. Ai thật thông minh thì làm vua đứng đầu. Vua đứng đầu là cha mẹ dân” (Duy Thiên địa vạn vật phụ mẫu. Duy nhân vạn vật chi linh. Đản thông minh tác nguyên hậu. Nguyên hậu tác dân phụ mẫu).

Kinh Thư chép rằng: Sau khi vua Đại Võ đã trị thuỷ thành công, thì Trời thưởng công mà ban cho “Hồng Phạm Cửu Trù”, tức là các bí quyết trị dân hợp với Ý Trời.

Tuy Trời ban quyền cho các bậc Thánh Vương, Thánh Triết cai quản dân, nhưng Trời với dân bao giờ cũng tương quan mật thiết, dân là cao quí hơn vua, “ý dân là Ý Trời”, nên Mạnh tử đã viết:” Dân làm quí (nhất), nước (xã tắc) là thứ nhì, vua làm khinh (rẻ)” (Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh).



c. Thiên Mệnh,Thiên Nhân Tương Dữ

Khi bàn về mối tương quan giữa Thượng Đế và nhân loại đã được truyền tụng trong Tứ Thư Ngũ Kinh, các môn đệ danh tiếng của Đức Khổng Tử như Mạnh Tử và các môn phái Lý học, Tâm học đã giải thích những khái niệm căn bản và đã giúp ta hiểu biết ý nghĩa những thành ngữ thông dụng như: Thiên mệnh, Thiên lý, Thiên đạo, Thiên luân, nhân đạo, nhân luân, nhân sự, và đặc biệt quan niệm về”thần-nhân tương dữ” là gì?



Thiên Mệnh là gì?

Chữ “Thiên Mệnh” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thi, Thư, Xuân Thu. “Thiên Mệnh” có ý chỉ cái Ý Chí rất linh diệu, rất cường kiện của một Vị Chủ Tể, Thượng Trí điều hành, an bài mọi sự biến hóa trong vũ trụ. Cái Ý Chí mạnh mẽ đó là Thiên Mệnh hay Đế Mệnh. Thiên Mệnh khác với “số mệnh”, (Fate, Fatalism) hay định mệnh (determinism) hay luật nhân-quả, vì đó là thế lực mù quáng, vô hồn, vô tâm, ác nghiệt gây tai ương cho con người. Nhưng theo Đức Khổng Tử, thì Thiên Mệnh chính là Ý Chí của Đấng Tạo Hóa, vô cùng thương dân, chỉ muốn đem lại an hòa, hạnh phước cho nhân loại mà thôi. Do đó, việc tối quan trọng trong cuộc sống là làm thế nào biết được Ý Trời muốn cho ta làm gì để tuân theo như câu :

_”Thuận theo Ý Trời thì sống, chống lại Ý Trời thì chết” (Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong)

Tri Mệnh là điều cần thiết, nhưng Trời vẫn tôn trọng sự tự do phán đoán, lựa chọn điều tốt, loại bỏ điều xấu của mỗi cá nhân. Ngoài ra, Trời sẽ phù trì những ai bền tâm, thiện chí, tự lực tự cường, không nhu nhược, chịu bó tay đợi số mệnh, hoặc vì biếng nhác không chịu hoạt động; những kẻ”há miệng chờ ho”, thì Trời sẽ tuyệt diệt đi, theo cái lẽ “Ưu thắng, liệt bại”:

_ “Trời không phụ kẻ có lòng tốt” (Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân)

_Kinh Dịch:” Việc hành động của Trời rất mạnh, người quân tử phải theo mà tự cường không nghỉ” (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức)

_Trung Dung:” Trời sinh ra muôn vật, tất nhiên vì cái tài lực của từng vật mà đôn đốc thêm vào, cho nên vật nào có thể vun đắp được thì vun trồng cho tốt lên, vật nào nghiêng ngả thì dập nát đi” (Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên, cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi)



Tri Mệnh là cố gắng làm điều lành điều tốt, vì Thượng Đế là Đấng toàn thiện. Sách “Minh tâm bảo giám” (tấm gương báu soi sáng cõi lòng), dùng làm sách luân lý giáo khoa thư, sưu tập các câu cách ngôn của Đức Khổng Tử và các bậc thánh hiền để dạy người ta sửa tâm rèn tính, có những câu:

_ Đức Khổng Tử viết:” Ai làm lành, thì Trời báo phúc cho, ai làm điều chẳng lành, Trời lấy vạ mà báo cho” (TỬ viết: Vi thiện giả, Thiên báo chi dĩ phúc, vi bất thiện giả, Thiên báo chi dĩ họa).

_ Sách Thượng Thư chép:” Ai làm điều tốt, Trời xuống cho trăm điều lành, ai làm điều chẳng tốt, Trời xuống cho trăm điều vạ” (Thượng Thư vân: Tác thiện giáng chi bách tường, tác bất thiện, giáng chi bách ương).

_Luận ngữ:” Không biết Mệnh Trời thì không phải là người quân tử” (Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử giã)

_Trung Dung:” Trên không oán Trời, dưới không trách người, cứ bình dị mà đợi mệnh” (Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh)

Nhưng biết được Mệnh Trời,”Tri Mệnh” là điều khó. Cho nên Đức Khổng Tử nói rằng:

_ Luận Ngữ:” Phải đến năm mươi tuổi mới biết được “Mệnh Trời” (Ngũ thập nhi tri Thiên Mệnh).(196)


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   20   21   22   23   24   25   26   27   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương