Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


Sự ĐỒNG NHẤT Tuyệt đối nơi Thần Tính Trác Việt của Thiên Chúa



tải về 2.02 Mb.
trang23/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   31

Sự ĐỒNG NHẤT Tuyệt đối nơi Thần Tính Trác Việt của Thiên Chúa

Thánh Tôma coi mọi hình thức của Nhị-Nguyên (duality), nghĩa là phân chia ra chủ-thể (subject) và đối-tượng hay khách-thể (object) là khuyết điểm, bất hoàn toàn, là thuộc tiềm năng (potentiality). Tại sao vậy? Vì trí khôn nhân loại hạn hẹp không thể tức khắc thấu triệt một vấn đề được, nên cần phân biệt chủ thể là người suy tư với các quan niệm, ý kiến, và đối tượng là những sự vật để nghiên cứu, chẳng hạn các nhà bác học quan sát, phân loại các sự vật trong thiên nhiên, đặt ra các giả thiết, rồi thí nghiệm sửa đổi nhiều lần thành các định lý khoa học. Khi muốn tự kiểm thảo, tự vấn lương tâm hay tự xét mình, con người như tự tách biệt nội tâm của ta ra: một bên ta là “chủ thể” chủ nhiệm, và như đẩy xa ra bên kia đời sống của ta để có thể nhìn rõ các tư tưởng, lời nói, hành vi cử chỉ về dĩ vãng, hiện tại và các dự phóng về tương lai, xét về nhiều phương diện khác nhau như học hỏi, hành nghề, tài chánh, v.v. Ta cần xem xét về nhiều khía cạnh như vậy, may ra mới có thể thấu triệt vấn đề.



Thiên Chúa là Động-Lực Thuần-Nhiên (Actus Purus, Pure Act), nghĩa là vô cùng hoàn hảo, vĩnh cửu, tuyệt đối, là loại trừ tiềm-lực chưa được hiển hiện ra, không cần phát triển thêm gì nữa. Đó là định nghĩa của Thánh Tôma về Bản Tính Thiên Chúa. Trái lại, các tồn hữu khác như nhân loại, cầm thú, cỏ cây chỉ là Tiềm-Năng (potentiality, potentia), nghĩa là bất toàn, mới có tiềm lực mà thôi nên cần phát triển các tài năng thêm lên mãi, thay đổi từ trạng thái này sang tình huống khác.

Theo quan điểm của các thần học gia theo học thuyết Thánh Tôma, thì có hai ý kiến về Bản Tính Thiên Chúa: Chúa là Tồn-Hữu Tự-Lập (self-subsistent being, Ipsum esse subsistens), nghĩa là Chúa tự mình mà có, vì Chúa là nguyên nhân của mọi sự hiện hữu, và mọi sự tồn tại trong Chúa. Chúa là Trí-Lực Tự-Lập (self-subsistent Intellection, Ipsum intelligere subsistens), nghĩa là Chúa tự hiểu biết chính mình, vì nơi Chúa không phân chia chủ thể và đối tượng, không có gì là tiềm năng, nhưng là Động-Lực Thuần Nhiên, nên Trí-Lực của Chúa và đối tượng cũng là một. Chúa hiểu biết Mình qua chính Mình. Chúa biết Mình qua Bản-Tính (essence) Mình, và Bản-Tính Chúa là Tồn-Hữu (existence) Chúa. Do đó, Trí-Lực (intellect) Chúa là Động-Lực Thuần-Tuý (pur Act) về hiểu biết, nghĩa là Chúa hiểu biết chính Mình một cách minh nhiên, vì mọi sự “hiển hiện” rõ ràng lập tức, vượt không gian thời gian, không phân biệt dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Trong Chúa không có gì là phức tạp, nhưng Đơn-Thuần, vì trong Chúa, không có phân biệt: Trí-Lực Chúa, sự hiểu biết và muôn loài có thể hiểu biết được, vì hết thảy những điều đó chẳng qua là chính Bản-Tính Chúa (His essence) mà thôi. Bởi vậy, theo Thánh Tôma, Bản-Tính-đối tượng và Trí-Lực-chủ thể hoàn toàn đồng-nhất làm một ở nơi Chúa. Nơi Chúa Ý Chí hay Ý Muốn (will), và Tình Thương (Love) của Chúa cũng là Thượng Trí, Khôn Ngoan của Chúa và cũng là Bản Tính của Chúa: tất cả đều tuyệt đối đồng nhất, không phân biệt Ý Chí tách khỏi Trí-Lực và Bản-Tính. Do đó, sự Khôn-Ngoan (tức Trí-Lực) của Chúa, đồng thời cũng là Bác-Ái (Ý Chí) của Chúa.

Thánh Gioan, người môn đệ Chúa yêu, đã được gục đầu bên Trái Tim Chúa và cũng là nhà thần bí đã cảm nghiệm được mầu nhiệm của Tình Yêu, nên đã viết: “Thiên Chúa là Tình Thương” (I Gioan 4:8). Tại sao vậy? Việt nam có câu “vô tri bất mộ” (không biết thì không mến). Nơi tâm lý con người, chỉ khi nào ta biết được giá trị, và sự tốt đẹp của một vật, chẳng hạn, một bông hoa, thì mới phát sinh lòng yêu thích muốn hái lấy để thưởng thức. Nơi bản tính nhân loại có sự phân biệt bông hoa (khách thể) và người ngắm hoa (chủ thể). Nhưng nơi Bản Thể Tuyệt Hảo Đơn Thuần của Thiên Chúa thì khác. Nơi Chúa không phân chia chủ thể/đối tượng. Nơi Chúa, Ý Muốn không phân biệt với Thượng Trí, không khác với Bản Tính. Sự Khôn Ngoan Thượng Trí vô hạn của Chúa Hiểu Biết chính Bản Tính vô cùng hoàn hảo của chính Mình, thì đồng thời cũng phát sinh Tình Bác Ái vô biên. Do đó, Chúa không thể không Yêu Mến được, vì Bản Tính Chúa là Yêu Thương, là Thiện Hảo vô cùng! Tương tự như chén nước đầy tràn, sự Thiện Hảo tự nó lan tràn ra chung quanh (Bonum sui diffusivum), nghĩa là vì Chúa Yêu Mến vô cùng, nên Tình Bác Ái đó tràn lan xuống cho nhân loại và vạn sự vạn vật trong vũ trụ này để mọi tạo vật được hưởng nhờ vào sự Thiện Hảo của Chúa.(191)

B. Thiên Chúa Nội Tại (Immanent)

Thần học Công Giáo chủ trương Thiên Chúa vừa Siêu-Việt vừa Nội Tại, vì Nội Tại của Chúa là hậu quả đi liền với Siêu-Việt của Chúa. Tại sao? Bởi vì, nếu Chúa không hiện diện nơi vạn sự vạn vật (Nội Tại), thì sự Siêu-Việt của Chúa bị hạn chế và hậu quả là Chúa không còn là quyền năng Tuyệt-Đối nữa mà chỉ là tương đối. Chúa là Siêu-Việt, nên hậu quả là Chúa bất-khả-tri, và bất-khả-ngôn, nhưng đồng thời Chúa cũng hiện hữu thâm sâu “Nội Tại” trong mọi loài thụ tạo, đặc biệt trong các Linh-Hồn. Do đó, có thể gặp được Chúa trong nơi thâm cung của Linh Hồn.

Theo Thánh Tôma, ta sẽ bàn luận về Thiên Chúa Nội Tại, vì hai lý do:

1. Thiên Chúa Toàn Tại, hay Chúa ở khắp mọi nơi

2. Cách thế đặc biệt Chúa hiện hữu nơi tạo vật có trí khôn

1. Thiên Chúa Toàn Tại, Ở Khắp Mọi Nơi

Thánh Kinh gọi Chúa là “Đấng Ẩn Náu” (Hidden God), nên các Thánh Giáo Phụ như Thánh Âucơtinh, Grêgôriô, Hilariô,… chủ trương rằng: công cuộc “khám phá” đi tìm gặp Chúa là trở về với nội tâm của từng người. Thánh Tôma cũng viết: “Chúa ở trong vạn sự vạn vật và ở nơi sâu thẳm của mỗi loài”. Tại sao? Vì vạn vật được tham dự vào Bản Thể của Chúa, và sự vật nào tham gia càng nhiều vào Bản Thể Chúa thì Chúa ngự trị càng mật thiết hơn.

Thánh Bônaventura, Thầy dạy của Thánh Tôma, đưa ra hai lý do để biện minh tại sao Chúa hiện diện nơi vạn vật: “một phần, vì Chúa Hoàn Hảo vô cùng, phần khác, vì vạn sự vạn vật nghèo nàn. Chúa bao la bát ngát vô biên, quyền thế vô cùng, và trên hết vì lý do: Chúa Đơn Thuần vô cùng, không bị giới hạn, hạn chế: vì mênh mông bát ngát, nên gặp thấy nơi mọi sự mọi loài. Vì Đơn Thuần tuyệt đối nên cũng quyền năng vô hạn và Chúa có quyền năng trên muôn loài: và quyền năng Chúa và bản thể Chúa cũng là một: do đó, Chúa phải ngự trị nơi vạn sự vạn vật”.

Thiên Chúa phải hiện diện nơi loài thụ tạo, vì chúng không phải là “động lực thuần nhiên”, nhưng là “ngẫu nhiên” (contingent), lúc có lúc không, nên cần Chúa nâng đỡ, phù trì luôn thì mới tồn tại được. Do đó, Chúa hiện diện nơi vạn vật như là nguyên nhân chủ động (efficient cause) của vạn vật.

Thánh Bonaventura dùng hình ảnh “quả cầu tròn” để cắt nghĩa ý nghĩa Chúa “Toàn Tại” vì Chúa Đơn Thuần vô cùng: “Vì Chúa Đơn Thuần và rộng lớn vô cùng, nên cái toàn thể ở trong mọi sự và cái toàn thể ở ngoài mọi sự, và vì thế, có thể tưởng tượng như quả cầu tròn, mà tâm điểm ở khắp nơi và chu vi thì không biết ở đâu. Vì Chúa là Động Lực hiển hiện và bất biến tuyệt đối, luôn bền vững không lay chuyển nhưng làm cho vũ trụ vận hành. Vì Chúa là hoàn hảo và bao la vô cùng, nên Chúa ở trong mọi vật mà không bị bao gồm trong đó; Chúa ở ngoài mọi vật mà không phải bị loại ra ngoài; Chúa cao trên hơn mọi vật mà không xa vời; Chúa ở dưới mọi vật mà không phải nằm liệt. Vì Chúa là Duy Nhất Tuyệt Trác và gồm đủ mọi dạng thức, nên Chúa là mọi sự trong mọi sự: vạn vật thì đa tạp nhưng Chúa chỉ là Một: đúng vậy, vì Chúa là Duy Nhất Đơn Thuần vô cùng, là Chân Lý trong sáng vô biên, và là Thiện Hảo chân thành vô tận, nên mọi thông truyền, giao kết đều ở trong Chúa, vì lý do đó “mà vạn sự vạn vật có là “nhờ Chúa, bởi Chúa và trong Chúa” (Rom II:36).

Thánh Tôma cũng biết biểu tượng “quả cầu tròn”, nhưng Ngài giải thích về sự Nội tại của Chúa nơi thụ tạo như sau: Chúa hiện hữu mật thiết nơi vạn sự vạn vật, không phải là thành phần của bản thể của những vật đó, hay là phụ thể, ngẫu nhiên (accident), nhưng là Vị Chủ động (agent) hiện hữu nơi vạn hữu để tác động trên chúng. Chúa Siêu Việt nhưng đồng thời cũng Nội Tại trong muôn loài vì Chúa là Nguyên Nhân ban sự hiện hữu cho chúng, vì chúng “” là nhờ Chúa:” Chúa vượt trên mọi sự vì Bản Thể Trác Tuyệt, nhưng Chúa ngự trị trong muôn loài vì Chúa là Cội Nguồn của tồn hữu vạn vật”. Chúa ngự trị nơi các vật thụ tạo vì chúng không tự mình mà “có” được và cũng không thể tiếp tục tồn hữu nếu không có Chúa hoạt động và hỗ trợ để chúng tồn tại. Chúa luôn bao bọc che chở chúng, và vì vậy, có thể nói mọi sự mọi vật tồn hữu trong Chúa. Thánh Tôma cũng dùng biểu tượng “nét mặt và gương soi”, để sánh ví giúp ta tìm hiểu sự hiện diện của Chúa trong vạn vật: một khuôn mặt mà chiếu ra nhiều “hình “ trên những tấm gương khác nhau, nhưng cũng bởi một khuôn mặt mà thôi. Cũng vậy, người ta thì “bá nhân bá tính”, mỗi người tin một khác, nhưng đã là “người” thì ai cũng đồng ý về những nguyên lý căn bản siêu hình hay thực hành như: nhân loại có lý trí, hiểu biết, tình yêu..Đó là những “hình ảnh “ của Chân Lý Tuyệt Đối phản chiếu một cách phổ quát nơi tâm trí nhân loại. Do đó, Kinh Thánh mặc khải cho biết :con người toàn vẹn gồm xác và hồn là “hình ảnh của Thiên Chúa” (Sáng Thế. 1:26..), vì Chúa cho con người cộng tác và cai quản vũ trụ: “Nhân linh ư vạn vật”. Thánh Tôma giải nghĩa thêm: Hình ảnh chỉ là sự bắt chước một vật nào đó, bản chất của hình ảnh không ngang hàng với chính con người, hay vật đó. Bởi vậy, con người chỉ là hình ảnh, là “tương tự” (similitudo, likeness)bất toàn về sự hoàn hảo vô cùng của Chúa. Con người không phải là Chúa, không ngang hàng bằng Chúa, nhưng chỉ là”hình ảnh Chúa”mà thôi! Cũng có thể dùng một kiểu sánh ví khác, giúp ta hiểu về mối tương quan giữa Chúa và nhân loại, ví dụ: trăng sáng chiếu xuống trăm nghìn mặt nước như biển, sông, hồ…tạo thành muôn nghìn hình “mặt trăng “ giống nhau, nhưng cũng chỉ có một trăng rầm mà thôi!



2. Mọi loài Thụ Tạo Tham Dự vào Bản Thể Thiên Chúa bằng nhiều cách thức khác nhau.

Việc Chúa hiện diện nơi vạn sự vạn vật, hay mọi loài thụ tạo “tham dự” (participation) vào Bản Thể Chúa, theo Thánh Tôma, thì có nhiều cách thức khác nhau, trên bình diện tự nhiên. Thực ra, chỉ có loài có trí khôn, mới đáng được gọi là “hình ảnh” của Chúa; nhưng loài không có trí khôn, cũng có thể là “hình ảnh” của Chúa, vì chúng cũng “tham dự” vào sự “giống” Chúa, một phần nào, tùy theo cấp bậc của chúng. Xét về lý do tồn hữu (sub ratione entis), thì Chúa là Tồn Hữu Tuyệt Đối, Hoàn Hảo, còn sự tồn hữu của mọi loài thụ tạo chỉ là bất toàn, nhưng chúng cũng có một mối “tương tự” với Chúa, nghĩa là Chúa “CÓ”, và vạn vật cũng “có”, nên hết thảy đều được tham gia một phần nào, với một cấp độ nào, vào hình ảnh của Chúa. Xét về lý do sự sống (sub ratione vitae), tất cả các sinh vật đều được tham dự vào sự “tương tự”, là hình ảnh Chúa, vì chúng cũng có sự sống. Xét về lý do sự khôn ngoan (sub ratione sapientiae), loài có trí khôn đều được tham gia vào sự tương tự với Chúa, vì chúng có lý trí. Thực ra, chỉ có loài người có trí khôn mới đáng gọi là “hình ảnh của Chúa”.



3. Loài có Trí Khôn Tham Dự vào Bản Thể Thiên Chúa bằng những cách thức nào?

Theo Thánh Tôma, loài người có trí khôn được tham dự vào sự tương tự với Chúa, là hình ảnh Chúa bằng ba cách thế: một là, theo khuynh hướng tự nhiên, con người có thể hiểu biết và yêu mến Chúa được, đó là yếu tính của lý trí con người: đã là người thì ai cũng có khả năng ấy; hai là, dầu một cách bất toàn, con người hiện tại, thường vẫn hiểu biết và yêu mến Chúa; do đó, con người là hình ảnh Chúa vì con người cố gắng thuận theo Ân Sủng Chúa ban; ba là, con người biết và yêu mến Chúa một cách hoàn hảo: đó là con người được tham dự vào hình ảnh vinh quang của Chúa

Ta nên chú ý đến quan niệm thần học của Thánh Tôma về sự Cứu Độ, đã ảnh hưởng đến các giáo thuyết hiện đại về “tự do tôn giáo và giá trị của các tôn giáo ngoài-Thiên Chúa Giáo. Đó là “Học Thuyết Thánh Tôma về Siêu Việt” (Transcendental Thomism). Theo học thuyết này, Chúa hành động trong vũ trụ này qua các “đệ nhị nguyên nhân” (secondary causes), tức là các loài thụ tạo. Chúa là Đệ Nhất Nguyên Nhân (First Cause, Prima Causa), là Đệ Nhất Tác Nhân (First Agent, Primum Agens), nhưng Chúa không trực tiếp”can thiệp” vào thế giới này, theo nghĩa Chúa làm ngưng trệ hay sửa đổi sự vận chuyển, vận hành bình thường của các biến cố trong vũ trụ. Là “Nguyên -Động-Lực, Chúa “can dự” vào loài thụ tạo, theo nghĩa Chúa “hiện diện” ngay từ lúc khởi thủy nơi vũ trụ, và vũ trụ luôn qui hướng về Chúa rồi. Do đó, mọi hành động của con người được hoàn toàn tự do, nhưng đồng thời tự căn bản chúng đã bắt nguồn nơi Ân Sủng, hay sự hiện diện của Chúa. Theo học thuyết này, trên bình diện tự nhiên, (không có Ân Sủng siêu nhiên mà Chúa tự ý ban), con người “đã cókhả năng để nhận biết và yêu mến Chúa rồi, vì đấy là khuynh hướng tự nhiên,nơi bản tính con người. Thánh Tôma gọi khả năng đó là “Tiềm Năng Phục Tùng” (potentia obedientialis, obediential potency), nghĩa là từ trong căn bản, con người cởi mở, hướng về và có thể tiếp nhận Ân Sủng siêu nhiên. Tại sao gọi là “phục tùng” vâng lời ? Vì con người không có quyền khiếu nại, đòi buộc Chúa, nhưng phải tùng phục tùy Chúa ban thì mới tiếp nhận được. Cái “tiềm năng căn bản” đó, nhà thần học nổi tiếng thế kỷ 20, Karl Rahner (1904-1984) đặt tên là”tồn tại siêu việt” (supernatural existential), nghĩa là sự biến đổi thường xuyên nơi đời sống con người (existential) nơi thâm tâm con người, nhờ đó, con người được cải hóa từ nội tâm để qui hướng về Thiên Chúa (supernatural). Đây không phải là chính Ân Sủng, nhưng mới chỉ là “lời mời”để cung cấp Ân Sủng mà thôi, vì con người có thể tự do tiếp nhận hay từ chối Ân Sủng. Danh từ Ân Sủng (gratia, grace) các nhà thần học dùng để chỉ Thiên Chúa”Tự-Thông -Truyền chính Mình” (Self-Communication), như một Ân Huệ để nhân loại được nên thánh thiện, công chính, và được hạnh phúc trường sinh bất diệt. Ân Sủng hay sự Tự-Thông-Truyền này là một hành vi tuyệt đối tự do của Chúa ban cho loài thụ tạo hữu hạn, vì Chúa là Tình Yêu Thương vô biên (1 Gioan 4:8) tràn ra. Tự “bản tính tự nhiên” (nature), con người không có quyền đòi hỏi Ân Sủng siêu nhiên đó

Nói tóm lại, các thần học gia theo Học thuyết Thánh Tôma về Siêu Việt muốn nhấn mạnh về hai điểm: một là, Ân Sủng là một Hồng Ân Chúa hoàn toàn tự ý ban cho, vì Tình Yêu vô biên và vì Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa giáng thế làm Người, tự bản tính tự nhiên, nhân loại không có quyền đòi hỏi; hai là, Thiên Chúa cũng tạo dựng bản tính con người, tự trong căn tính đã có sẵn tiềm năng hướng về sự hiểu biết và yêu mến Chúa. Do đó, mỗi người đều có “tiềm năng căn bản “ đó, và rất nhiều người, có thể hầu hết đã “hiện thực” (actualized) tiềm năng ấy, bằng cách tiếp nhận Ân Sủng. Cũng vì lý do đó, có ý kiến cho rằng: mọi người, dầu ở ngoài Đạo Mặc Khải (Thiên Chúa Giáo), cũng có thể nhận biết và yêu mến Chúa vì “Chúa đã hiện hữu trong tâm trí họ rồi” (graced nature)



4. Thiên Chúa Hiện Diện cách Đặc Biệt nơi Loài có Trí Khôn

Như trên đã trình bày quan niệm thần học của Học thuyết Thánh Tôma về Siêu việt, thành ngữ “Tồn tại Siêu việt (supernatural existential) cũng có nghĩa là Thiên Chúa vừa Siêu Việt trên vạn vật, đồng thời Tồn Hữu nơi mọi loài

Theo Thánh Tôma, có ba cách thức Chúa kết hiệp(mode of union): một là, trên bình diện tự nhiên, đối với hết mọi loài, Chúa ở trong chúng bằng bản tính tự nhiên(nature), nghĩa là bằng uy quyền, hiện hữu và yếu tính; hai là, đối với các vị thánh nhân, Chúa kết hiệp bằng Ân Điển; ba là, Chúa kết hiệp nơi Chúa Cứu Thế bằng cách thế độc nhất, các thần học gia đặt tên là “Nhiệm-Hiệp” (hypostatic union)

Xét theo phương diện “tương tự” (secundum similitudi-nem), vì Chúa là Thiện Hảo vô cùng, bởi vậy, hễ vật nào là tốt lành, thiện hảo, thì “giống như “ được chung phần vào sự Thiện Hảo của Chúa: Chúa ở trong những vật ấy bằng yếu tính, hiện hữu và uy quyền. Đây là cách thế chung cho mọi loài, trên bình diện tự nhiên. Chúa hiện diện nơi vạn vật bằng yếu tính(essence), vì uy quyền của Chúa đồng nhất với Yếu Tính của Chúa; Chúa hiện diện nơi vạn vật bằng hiện hữu (presence), vì Chúa đang hoạt động nơi vạn vật như Tác nhân, và bằng một cách nào đó, tác nhân phải hiện diện nơi công trình của họ; Chúa hiện diện nơi vạn vật bằng uy quyền(po wer), vì uy quyền Chúa bảo toàn cho muôn loài tiếp tục hoạt động.

Xét về phương diện Thực Thể (secundum substantiam), đây mới là cách thế đặc biệt Chúa hiện hữu nơi linh hồn các thánh nhân bằng Ân Sủng, trên bình diện siêu nhiên (supernatural order). Đối với linh hồn các thánh nhân, Chúa hiện diện, chẳng những vì “tương tự” mà thôi, nghĩa là bằng tác động; nhưng bằng đức tin và bác ái nữa.

Xét về phương diện Tồn Hữu (secundum esse, being). Không những Chúa chỉ tác động, nhưng kết hiệp bằng “Tồn Hữu”. Trong cách thức này, Chúa ở trong Chúa Cứu Thế, gọi là “Nhiệm Hiệp” (hypostatic union). Đây cũng là cách thế chung cục về sự hiện diện của Chúa

Nhà thần học Cajetan (1469-1534) đã viết một sách chú giải về bộ Summa Theologica của Thánh Tôma, cũng chủ trương: Chúa hiện diện nơi mọi tạo vật một cách tổng quát, vì Chúa là nguyên nhân chủ động, thành sự, hữu hiệu (effective) trên mọi loài mọi vật; còn nơi các thánh nhân thì Chúa là đối tượng (objective) của sự nhận biết và yêu mến, nhờ Ân Sủng Chúa ban cho. Do đó, lý do chính của cách thức đặc biệt Chúa ngự trị trong linh hồn các thánh nhân là nhờ Ân Sủng Thánh Hóa (Sanctifying Grace), các ngài đã chiếm hữu, hưởng thụ, và cảm nghiệm được Chúa.Trong cách thế đặc biệt này, linh hồn như chứng nghiệm (experimental) thấy Chúa là đối tượng đáng hiểu biết, đáng hưởng thụ (ut objectum experimentaliter cognoscibile et fruibile) .Bởi vậy, Chúa hiện diện một cách chân thực trong linh hồn người công chính, tuy sự cảm nghiệm này có thật, như thể linh hồn được “chạm” tới Chúa( quodam experimentali tactu) nhưng cảm nghiệm này vẫn còn tối mờ, chẳng khác nào như khi ta biết được có linh hồn, nhưng chưa nhìn thấy linh hồn.

Sự nhận thức do chứng nghiệm được Chúa ngự trong linh hồn là sự nhận thức bởi đức Tin, nhưng cũng bởi ân huệ khôn ngoan Chúa ban, như là một thứ “vị giác”, (tasting), và là cảm nghiệm thấy Chúa trong nội tâm; sự khôn ngoan này phát xuất từ sự kết hiệp và sự đồng-bản-tính (connaturality) với Chúa( ex quadam intima experientia divinorum). Đây là cảm nghiệm về chính Chúa, và linh hồn được kết hợp với Chúa, nhờ sự đồng-bản- tính nào đó(a certain connaturarity) với Chúa là nguyên lý ban sinh lực cho đời sống, bây giờ và từ trước, vẫn là sự sống của sự sống chúng ta, linh hồn của linh hồn chúng ta (tamquam vivificante nos, sicut si esset vita vitae nostrae et anima animae nostrae). Chính cách thức đặc biệt Chúa ngự trị trong linh hồn người công chính, gọi là “Đền ThờChúa Thánh Thần (indwelling of the Holy Spirit).(192)

ĐOẠN III . Thiên Chúa Tạo Hóa

Gọi là Thiên Chúa Giáo, vì Đạo này tin vào một Vị Chúa Tể tạo dựng vũ trụ càn khôn, và cũng xác nhận: vũ trụ này có một khởi thủy và một cứu cánh

Giáo thuyết sáng tạo được diễn tả trong Kinh Thánh Cựu Ước, bộ Ngũ Kinh (pentateuque) gồm năm quyển; quyển đầu là Sách Sáng Thế (Genesis). Ở đây, không chủ ý chú giải Sách Sáng Thế theo phương pháp khoa học Kinh Thánh, hay theo thuyết biến hóa (evolutionism), nhưng chỉ đứng về phương diện triết học, thần học, rút ra những nguyên lý làm nền tảng cho niềm Tin vào một Đấng Tạo Thành vũ trụ càn khôn. Ta sẽ lần lượt trình bày:

1. Sáng tạo từ Hư vô, sáng tạo bằng “Lời”.

2. Thuyết Sáng tạo đặt căn bản trên quan niệm Bản vị, nhân vị.

3. Cứu cánh của vũ trụ được tạo dựng là qui hướng về Chúa Cứu Thế.



1. Thiên Chúa sáng tạo từ Hư vô, sáng tạo bằng “Lời”. Tính chất thiêng liêng siêu việt của công cuộc tạo thành được biểu lộ trong quan niệm “Sáng Tạo từ Hư Vô” (creatio ex nihilo). Thành ngữ này xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu Ước, sách II. Macabê, 7:28: “Hỡi con, mẹ xin con hãy ngước nhìn trời đất mà xem tất cả mọi sự vật trong đó, và hãy biết rằng Thiên Chúa đã làm ra chúng, không phải do vật gì đã có trước và về loài người thì cũng như thế”. Quan niệm “Tạo dựng từ Hư Vô” biểu lộ uy quyền tuyệt đối, siêu việt của “Lời” Thiên Chúa.

Theo Kinh Thánh và chú giải của thần học thì việc tạo dựng vũ trụ do “LỜI” (Verbum, Logos, Word) uy quyền vô biên của Đấng Tạo Hóa: “Thiên Chúa Phán một Lời: “Hãy có ánh sáng, và ánh sáng có… (Sáng thế ký, Genesis 1:3). Dĩ nhiên, “Lời” của Chúa chỉ quyền năng, sức mạnh vô biên của Đấng Tạo Hóa, khác với lời nói của nhân loại. Lời của Chúa phát ra bởi một Ngôi Vị Siêu Việt, khác với lời nói của người phàm. Hơn nữa, quan niệm sáng tạo vũ trụ bằng Lời biểu thị sự linh thiêng cao cả của Thiên Chúa, nghĩa là Ngài không cần phải “nhúng tay vào bùn đất” để nhào nặn nên những hình thù của loài thụ tạo. Sức mạnh và uy quyền của “Lời” khiến muôn vật tồn hữu, hiện hữu mà Ngài vẫn là Chúa Siêu Việt trên hết mọi loài. Không có “LỜI” thì không có vạn sự vạn vật ( Gioan 1:3) .



2. Thuyết Sáng tạo đặt căn bản trên quan niệm Bản vị, nhân vị. Mặt khác, quan niệm về “Lời” Thiên Chúa dẫn đến ý niệm Thiên Chúa là Ngôi Vị, vì bản thể của Lời là một Ngôi Vị. Dĩ nhiên, Lời của Chúa có quyền năng vô cùng, nên “khi Chúa phán một Lời thì liền có trời đất”, nghĩa là lúc đó vạn sự vạn vật phát xuất bởi “Lời”, và đều qui hướng về Nguyên Thủy là Thiên Chúa Ngôi Vị. Do đó, Ngôi Vị Thiên Chúa được phản ánh trên tất cả các loài thụ tạo. Vì lý thuyết về sáng tạo đặt căn bản trên quan niệm ngôi vị, nên Sáng tạo và Ngôi vị đi liền nhau cũng như tồn hữu đi đôi với ngôi vị. Cũng như đồ vật “có” là bởi có “ai” đó” làm ra, nó không thể “tự nhiên”, bỗng nhiên mà “có” được. Đi từ vật nhỏ mọn, tầm thường trước mắt, rồi suy rộng ra vũ trụ càn khôn thì cũng “tương tự” như vậy. Bởi vậy, vũ trụ này “có” là do bởi một Ngôi Vị Tuyệt Đối đã tạo thành nên nó.

Dĩ nhiên, Thiên Chúa là bất-khả-ngôn, vì Ngài là Thực Tại Tuyệt Đối, ta không thể hiểu, không tài nào diễn tả được Bản Tính của Chúa. Ta cũng không thể hiểu được công việc sáng tạo vũ trụ của Ngài nữa! Vũ trụ này vẫn là một huyền bí, không thể thấu triệt được. Do đó, khi đọc Kinh Thánh, ta thấy Thiên Chúa được sánh ví như “ông thợ gốm”, như “bác thợ mộc”,… thì phải hiểu một cách “tương tự” với những hành động của nhân loại. Thật sự, sự tồn hữu và hành động của Đấng Tạo Hóa là độc nhất vô nhị, khác với sự tồn hữu và hành động của loài người. Tất cả những lý luận triết học, thần học, những ý tưởng, hình ảnh hay ngôn từ để diễn tả về Thiên Chúa đều phải hiểu một cách tương tự mà thôi! Nếu nói Thiên Chúa là Nguyên Thủy, là Nguyên Do đệ nhất (prima causa) của vũ trụ càn khôn, thì cũng phải hiểu theo nghĩa tương tự.

Theo quan điểm triết lý của nhà sinh-vật-học Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955), vì vũ trụ là phản ảnh của một Ngôi Vị Siêu Việt, nên vũ trụ cũng mặc lấy ít nhiều nét ngôi vị của Ngôi Vị Tuyệt Đối ấy. Tính chất ngôi vị thấm nhuần vào trong tạo vật do Đấng Tạo Hóa tác thành. Tuy cũng là tạo vật, nhưng chỉ nhân loại mới có tính chất nhân vị đầy đủ hơn các loài thụ tạo khác: “Nhân linh ư vạn vật”. Trong hai cuốn sách “Le Phenomène humain” (1938-40) và Le Milieu divin (1957), Teilhard de Chardin đã có thể dung hòa hai quan niệm về tâm linh: một la, quan niệm Đạo lý Đông Phương chủ trương “Vạn vật đồng nhất”, nghĩa là cái “tôi” đã mất để đồng nhất với vũ trụ thành một thực thể vô-bản-vị (impersonal); hai là, quan điểm Ngôi Vị Tây Phương, đặc biệt của Thiên Chúa Giáo nhấn mạnh: vũ trụ vạn vật phải qui hướng về Thiên Chúa, về Chúa Cứu Thế (Christocentrism) là Ngôi Vị Thiên Chúa và là Tâm Điểm, Tột Điểm của đời sống.

Đối với Teilhard de Chardin, vũ trụ này là một vũ trụ có “bản vị” và là vũ trụ đang trở thành bản vị (a personal Universe and a personalizing Universe). Bởi lẽ “vũ trụ rất mênh mông bát ngát, chúng ta sẽ bị lạc mất nếu vũ trụ không qui tụ về một Bản Vị, Ngôi Vị”. Tất cả vũ trụ này đồng qui về một mối, nhưng cái mối đồng nhất đó không phải là “bến bờ vô hạn”, không phải là mông lung mờ mịt, nhưng mối đó là một Ngôi Vị Tuyệt Đỉnh. “Thiên Chúa đã tự mặc khải ở mọi nơi như là “cảnh vực bao la bát ngát” chỉ vì Chúa là “Cực Điểm” (Ultimate Point) mà mọi tạo vật phải qui tụ về”. Cảnh vực thần linh (le Milieu divin) bao la bát ngát tới đâu, thật sự, vẫn cần phải có một Tâm Điểm. Và theo Teilhard de Chardin, Tâm Điểm của vũ trụ chính là Chúa Cứu Thế, “Ngôi Lời của Thiên Chúa (Verbum Dei). (193)



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương