Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


c. Ảnh Hưởng của Tác Phẩm và Những Thách Đố Đối với Giáo Hội Ngày Nay



tải về 2.02 Mb.
trang26/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   23   24   25   26   27   28   29   30   31

c. Ảnh Hưởng của Tác Phẩm và Những Thách Đố Đối với Giáo Hội Ngày Nay

Khi Cha Ricci cho phát hành sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa”, thì ngài cũng đã nổi tiếng là một nhà khoa học và toán học trong giới nho sĩ Trung Hoa. Do đó, tác phẩm của ngài được các giới trí thức hoan nghinh hưởng ứng, đặc biệt vì ngài đã dùng các lời vàng ngọc của Thánh Hiền để dẫn chứng cho các lý lẽ trong tác phẩm. Sau đây, sẽ bàn về: 1) Tầm ảnh hưởng rộng lớn của tác phẩm; 2) Cần bổ khuyết và tiếp tục công trình của cha Ricci như thế nào?



1. Ảnh Hưởng Rộng Lớn Của Tác Phẩm

Tinh thần và mục đích của sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa” là để “Hội Nhập” Phúc Âm, hay Thiên Chúa Giáo vào văn học và ngôn ngữ Trung Hoa. Đó là phương pháp truyền đạo của một học giả Tây Phương, Cha Matteo Ricci, đã dùng chính cách suy luận và tư tưởng của Trung Hoa để trình bày, và giới thiệu Thiên Chúa Giáo với giới Nho gia. Ngày nay, phương pháp này đã được Công Đồng VativanII (1962-1965) khai triển để đem Phúc Âm hội nhập vào các nền văn hóa các dân tộc. Do đó, tầm ảnh hưởng của sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa” thật lớn lao từ thời đại cha Ricci cho đến ngày nay.

Thật vậy, nhờ dùng Lý Trí Tự Nhiên và Triết lý để suy luận, các Nho gia đã có thể tìm hiểu được một phần nào hệ thống triết lý- thần học của Thiên Chúa Giáo, và họ đã nhận ra những điểm tương đồng, những “giao điểm” giữa hai luồng tư tưởng, khiến họ nỗ lực nghiên cứu, so sánh Thiên Chúa Giáo với những giá trị cổ truyền. Nỗ lực “Đối Thoại” giữa các tôn giáo cũng đã lan tràn sang các cánh đồng truyền giáo ở Nhật Bản, Đại Hàn, và đặc biệt ở Việt Nam với cha Đắc Lộ. Khai thác và khai triển kho tàng đạo đức của nền văn minh kỳ cựu bậc nhất của nhân loại, Đạo TU THÂN _ như cha Ricci đã nhận xét_ sẽ giúp con người"Nhân chi sơ tính bản thiện”, tìm gặp được Thiên Chúa chân thật. Việc dùng các lời dẫn chứng rút ra từ Tứ Thư, Ngũ Kinh, một cách chính xác và thích hợp, đã gây được sự cảm phục và thích thú cho độc giả. Đặc biệt, dùng chính ngôn ngữ Trung Hoa như danh xưng “THIÊN CHỦ”, Thượng Đế… và các danh từ triết lý thần học, luân lý… để chuyển ý, phiên dịch, và mặc cho chúng một nội dung, một ý nghĩa mới, hoàn hảo hơn: đó là thành quả và công trình lớn lao nhất của cha Ricci đã thực hiện và đi tiên phong. Các vị thừa sai Dòng Tên đến giảng đạo sau cha Ricci, vào cuối thời nhà Minh như cha Giulio Aleni, và cha Francois Noel, cha Alexandre de la Charme trong thời nhà Thanh..cũng đã theo đường lối và phương pháp của cha Ricci.

Lịch sử kể lại, một số đông các nho sĩ và các vị thượng quan trong triều đình như Feng Ying-ching, Hsu Kuang-ch’i.. đã đọc tác phẩm và xin tòng giáo. Vua Khang Hy(1662-1723) nhà Thanh(1644-1911), đã nghiên cứu sách “Thiên Chúa Thực Nghĩa” trong sáu tháng, sau đó, đã ra chiếu chỉ bãi bỏ lệnh cấm giảng đạo, vào tháng ba, năm 1692.

Nói tóm lại, nhờ phương pháp “hội nhập văn hóa”, người ngoài đạo Công giáo cảm thấy gần gũi, thân thiện, vì có cơ hội thuận tiện, dễ dàng tìm hiểu thêm về giáo lý của Đạo mới; đồng thời các vị thừa sai và các tín hữu cũng học hỏi được nhiều điều quí hóa trong Khổng Giáo, Nho giáo để củng cố Đức Tin vững mạnh hơn. Lịch sử còn minh chứng, nhờ cuộc tranh luận về những đề tài trong cuốn sách của cha Ricci, đã gây nên một phong trào tìm hiểu tư tưởng và triết lý Á Đông, khởi nguồn cho thời kỳ Khai Minh(Enlightenment) vào thế kỉ 17,18 tại Âu Châu.

2. Cần Bổ Khuyết Và Tiếp Tục Công Trình Của Cha Ricci Như Thế Nào?

Trước khi thẩm định giá trị hay phê bình sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa”, ta nên đối xử một cách “công bằng” đối với cha Ricci, nghĩa là không phải chỉ phê phán, nhận định theo quan điểm của chúng ta ngày nay, nhưng nên “đặt mình” vào hoàn cảnh xã hội, tôn giáo vào thời kì cha Ricci sinh sống, cách đây hơn 400 năm và tìm hiểu nền giáo dục tu đức của Dòng Tên, và khuynh hướng thần học thời bấy giờ. Lại nữa, dầu có thiện chí nhiệt tình theo đuổi và thực hiện một chính sách thích đáng cho việc truyền giáo là đem Phúc Âm của Chúa Cứu Thế hội nhập vào văn hóa Trung Hoa, nhưng vì khả năng của một cá nhân bị hạn chế, không thể nghiên cứu tường tận, trong một thời gian ngắn, cả một kho tàng văn chương triết lý phong phú của Trung quốc ! Vả lại, vì khoa thần học về các tôn giáo(theology of religions) chưa được phát triển như ngày nay, thời Công ĐồngVaticanII, nên đa số các thần học gia thời cha Ricci còn giải thích một cách hạn hẹp ý nghĩa câu” Ngoài Hội Thánh(Công Giáo), không có sự cứu độ”, tức là chỉ có một Đạo thật là Thiên Chúa Giáo có thể dạy người ta đến với Chúa được mà thôi, còn các đạo khác đều lầm lạc do tội tổ tông di truyền, cho nên không có giá trị gì dẫn đưa đến Cứu Độ.

Về quan điểm thần học, cha Ricci và Dòng Tên, theo cách giải thích của Thánh Âucơtinh(353-430), quả quyết rằng: nhờ lòng nhân từ của Chúa thương ban và muốn cho hết mọi người được cứu độ, nên nhìn nhận có thể có những giá trị luân lý rất cao siêu, những điều thiện hảo trong các tôn giáo ngoài Thiên Chúa Giáo. Vì quan điểm thần học và chính sách “Hội Nhập Văn Hóa"khác biệt giữa Dòng Tên và các Dòng Phanxicô, Đaminh, lại pha trộn thêm những yếu tố không phải tôn giáo như sự tranh giành ảnh hưởng, quyền lợi chính trị, hãnh diện chủng tộc giữa người Bồ, Tây(Tây Ban Nha)..,.tất cả những sự xáo trộn đó đã gây nên cuộc tranh chấp lịch sử, gọi là:” Cuộc tranh chấp về Lễ nghi( Rites Controversies, coi Julia Ching, sách đã dẫn, trang 19-24) .

Sau 15 năm học ngôn ngữ và nghiên cứu sách Thánh Hiền, cha Ricci đã bắt đầu soạn bản thảo sách “Thiên Chủ Thực Nghĩa”. Theo một số nho sĩ đồng thời với cha Ricci và các học giả Trung Hoa thời nay cho rằng cha Ricci đã không có đủ thời giờ để tìm hiểu sự biến chuyển của dòng tư tưởng Khổng Học từ thời Đức Khổng Phu Tử cho đến trào lưu Lý học của Chu Hy và Tâm học của Vương dương Minh. Vì thế, cha Ricci đã chỉ chấp nhận Khổng Giáo thời nguyên thủy và phi bác phái Lý học, Tâm học.. Cha Ricci cũng không chấp nhận Lão giáo và Phật giáo, vì cho rằng: Khổng học luôn chống lại Phật học! Nhưng theo lịch sử triết học Trung Hoa, các nho sĩ, đặc biệt vào thời nhà Tống, nhà Minh, đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của các triết thuyết của Phật học( Thiền Học), và Lão học, tạo nên một hòa đồng tôn giáo-triết lý. Hơn nữa, Phật giáo đã phải nương nhờ vào Nho giáo để tồn tại.

Vì những khuyết điểm như trên, một số học giả ngày nay cho rằng cha Ricci đã không hiểu đúng ý nghĩa của các danh xưng để chỉ Nguyên Lý Siêu Việt như: “Vô” của Lão Giáo, “Không” của Phật Học, “Thái Cực”, “Khí”, “Lý” của Chu Hi (1130-1200). Những danh từ đó, chẳng qua là cách diễn tả Chân Lý Siêu Việt bằng “phương thức phủ định"(via negativa): “Vô” hay"Không”, không có nghĩa là “Không có gì hết".

Để tạm kết: đây cũng là một thách đố lớn lao đối với công cuộc “Hội Nhập Phúc Âm” vào các dân tộc Á châu. Đường hướng mục vụ, nguyên tắc chỉ đạo đã được cha Ricci đặt ra, và được Hội Thánh khuyến khích áp dụng như lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên dương công trạng của cha Matteo Ricci, nhân dịp 400 năm ngày sinh nhật của cha: “Xưa kia các Giáo Phụ của Hội Thánh đã hòa hợp Thiên Chúa Giáo với văn hóa Hy lạp, thì cha Matteo Ricci cũng đã xác tín một cách đúng đắn là niềm Tin vào Chúa Cứu Thế sẽ không làm thương tổn cho nền văn hóa Trung Hoa, trái lại, còn làm phong phú và kiện toàn hơn nữa"(diễn văn ngày 25 tháng Mười năm 1982) .



ĐOẠN V . “Ông Trời” Việt Nam

Theo truyền thống cố hữu của dân tộc Việt nam thì niềm Tin vào Một Đấng “Bề Trên” đã được biểu lộ trong lễ nghi tế tự, ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, văn thơ..đặc biệt trong lời kêu cứu cầu xin chân thành đặt hết ước vọng của cuộc đời vào sự quan phòng của Một “Ông Trời”, tuy cao sang vô cùng, nhưng cũng rất gần gũi, thân thiết, luôn lắng nghe loài người cầu khẩn, than van:

“Lạy Trời mưa xuống…”

“Ông Trời có mắt!”, “Trời ơi!”



Đấng Cao Cả đó không phải là một nguyên lý hay một ý tưởng mông lung mơ hồ, huyền hoặc, trừu tượng, nhưng “giống như” (tương tự) như một con người có thể cảm thông những nỗi vui mầng, sầu khổ của đời sống. Đấng ấy không phải là vòm trời xanh, không phải là biển khơi, sông núi hùng vĩ..không phải là một vị thần thánh tầm thường, nhưng Siêu phàm, vượt trên muôn sự muôn loài và đáng tôn kính bằng danh xưng “ÔNG TRỜI”. Danh từ “ÔNG” biểu thị một ngôi vị, hữu ngã, một bản vị biệt lập, siêu việt hơn trời xanh, và làm CHỦ (CHÚA) của vũ trụ càn khôn

Từ khi còn sinh sống như một bộ lạc cho đến lúc thành lập được một qui chế quốc gia, trải qua bao thăng trầm của lịch sử khai quốc, dựng nước, người dân Việt luôn biểu lộ lòng khao khát TÂM LINH, hướng về Đấng Tối Cao mà họ gọi là “ÔNG TRỜI”. Do đó, cho đến ngày nay, mọi người Việt Nam, dầu sinh sống ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, dầu theo bất cứ tôn giáo nào, hay chịu ảnh hưởng của học thuyết ngoại lai nào, cũng đều công nhận một chân lý, một sự thực hiển nhiên này là: Đạo Thờ Trời, và Đạo Hiếu là niềm Tin cố hữu của mọi người Việt Nam. Một câu hỏi thường đặt ra, đặc biệt đối với người ngoại quốc muốn tìm hiểu tình hình tôn giáo ở Việt Nam: “Người Việt nam theo Đạo nào”? Có thể trả lời mà không sợ sai lầm rằng: Hầu hết dân chúng Việt Nam đều tin có Ông Trời, và thờ kính Tổ Tiên.” Nguyên tắc và tỉ lệ này vẫn đúng, ngay khi áp dụng vào tình hình “Phật giáo ở Việt nam”. Theo truyền thống của Phật học từ Ấn Độ truyền bá qua Việt nam, trực tiếp hay qua ngả Trung Hoa, rất khó mà quả quyết được Đức Phật có dạy các tín đồ phải tin vào Vị Chủ Tể vũ trụ hay không? Như lịch sử, kinh sách cho biết, về vấn đề này, Ngài thường giữ thái độ im lặng, không trả lời. Nhưng khi Phật giáo được truyền vào nước ta thì dân chúng Việt nam đã có sẵn câu trả lời rõ ràng về vấn đề có hay không có “ÔNG TRỜI”. Tuy mến chuộng Đạo Từ Bi của Phật Tổ, nhưng là người Việt nam, họ không thể chối bỏ niềm Tin cố hữu vào Ông Trời được, cũng như không thể không cúng giỗ Tổ Tiên, Ông Bà khi đã qua đời, vì tin rằng: “chết là thể phách, còn là tinh anh”; dầu chết về phần xác, nhưng hồn thiêng của Ông Bà vẫn còn ở với con cháu, “sự tử như sự sinh”. Họ không thể hoàn toàn chấp nhận lý thuyết Luân Hồi (samsara) Nhân-Quả (karma) theo triết lý Ấn Độ, vì Luật Nhân-Quả là một Luật “lạnh lùng, vô hồn”, nhưng dân Việt luôn tin tưởng vào một Ông Trời đầy lòng thương xót. Họ cũng không thể tin rằng: sau khi chết, hồn thiêng của Ông Bà lại phải “luân hồi” đầu thai làm nhiều kiếp khác nhau, có khi “làm thân trâu ngựa”. Ông Bà đã ra người thiên cổ thì cũng vẫn tồn hữu để phù hộ con cháu. Theo luật Nhân-Quả, công việc của mỗi cá nhân làm, sẽ tạo cho chính mình một cái nghiệp (karma), và chỉ có chính mình mới có thể đổi cái nghiệp của mình mà thôi, không thể nhờ ai giúp được, kể cả việc cầu xin Đức Phật cứu vớt cũng là vô ích. Nhưng dân chúng Việt nam đã sửa đổi lại quan niệm Nhân-Quả, bằng Đạo Hiếu, tức là tình liên đới bền vững giữa ông bà cha mẹ và con cháu, ở đời này, cũng như ở bên kia thế giới. Do đó, mới có câu: “Phúc Đức tại mẫu”, hay câu:” Đời cha ăn mặn, đời con khát nước! hay “Quít làm cam chịu"! Bởi thế, dầu có vẻ trái ngược với giáo thuyết của Phật giáo, trong thực tế đại đa số Phật tử Việt nam vẫn Thờ Trời, vẫn theo Đạo Ông Bà. Số người Việt nam hoàn toàn chỉ theo triết lý của Phật học mà thôi, không tin có “Trời”, “không tin hồn thiêng bất tử”, thì chỉ là thiểu số. Số người thường xuyên đi lễ Chùa, thực hành Quy Y Tam Bảo, Ngũ giới, Bát Quan Trai Giới, không phải đa số. Nhưng trong gia đình, đại đa số tín đồ vẫn giữ Đạo Hiếu như cúng giỗ Ông Bà. Cần phân tách tường tận như trên để tránh ngộ nhận, hiểu lầm. Vì nếu cho rằng: “người phật tử Việt nam” là “vô thần”, thì không đúng sự thật, vì họ cũng tin có “Ông Trời” như mọi người khác. Nhưng nếu cho rằng: “Đa số người Việt Nam theo Đạo Phật”, thì cũng nên nói cho rõ hơn: đó là “Phật giáo du nhập từ Ấn Độ”, hay là Phật giáo đã được hội nhập với tín ngưỡng Đạo Thờ Trời, và đạo Hiếu ở Việt nam? Như đã phân tích ở trên, trên phương diện thực hành của “Phật giáo Việt Nam”thì “yếu tố” niềm tin vào Ông Trời và Đạo Hiếu đã rất mạnh và trổi vượt hơn lý thuyết về luân hồi, nghiệp báo của Phật học từ Ấn độ đem vào văn hóa Việt nam. Nói cách khác, Phật giáo Việt nam cũng tin ở “Ông Trời” và thờ cúng Ông Bà theo truyền thống dân Việt như tín đồ của Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài Giáo. Bàn thờ “Thông Thiên”, hay “Thiên Nhãn”, biểu tượng của Niềm Tin vào “Đấng Linh Thiêng”. Theo Lão Giáo và theo Khổng giáo như các vị nho sĩ, giới cầm quyền, quan lại, vua chúa.., cũng tin tin tưởng ở Vị Thiên, ở Thiên Mệnh, ở Thượng Đế. Người theo Thiên Chúa Giáo hoàn toàn tin vào “Đức Chúa Trời” là Đấng Tạo Hóa. Do đó, đã rõ ràng, hầu hết dân chúng Việt Nam đều đặt niềm Tin vào Ông Trời: đó mới thật là Đạo chung cho cả dân tộc Việt nam. Chính niềm Tin chung này là mối giây liên kết của mọi phần tử trong cộng đồng dân tộc. Cần phải nhận định một cách sáng suốt như trên, với một mục đích duy nhất cốt để các tôn giáo hiểu biết và tôn trọng giá trị của nhau, tạo nên sự yêu thương, tương thân tương ái, và đem lại an vui cho dân tộc. Nếu ai cũng hiểu biết sự thật về hiện trạng tôn giáo ở Việt Nam là: hầu hết đồng bào Việt nam, dầu theo tôn giáo nào, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, hay Thiên Chúa giáo, đều thờ Trời và giữ đạo Hiếu, vì đó là niềm tín ngưỡng căn bản và quan trọng nhất, thì không còn có vấn đề “quốc giáo” hay đặt ưu thế của một tôn giáo nào trên các tôn giáo khác, vì quyền lợi riêng, hoặc vì mưu đồ chính trị. Dân tộc Việt Nam lúc nào cũng cần sự đoàn kết của mọi giới đồng bào đồng hương cùng chia sẻ một niềm tin chung, “khoan dung, độ lượng"(tolerance) để tạo nên sức mạnh tinh thần hòa hợp xây dựng đất nước. Lịch sử thế giới, và Việt Nam cho thấy: các cuộc “thánh chiến” bao giờ cũng gây nên những cuộc tàn sát thảm khốc, ngay cả đối với những người ruột thịt cùng chung huyết thống, cùng một chủng tộc.

Sau đây, ta có thể minh chứng “Đạo chung của dân tộc Việt nam” bằng những đề mục như:

1. Ông Trời trong văn chương bình dân, tức Ca Dao, Tục Ngữ.(197)

2. Ông Trời trong truyện cổ tích.

3. Ông Trời trong văn chương bác học, trong thi phú.

4. Lễ Tế Nam Giao.

5. Các nhà truyền giáo nhận xét về niềm Tin chung của dân tộc Việt nam: đặc biệt Linh mục Đắc Lộ.

1. Ông Trời Trong Ca Dao Tục Ngữ

Theo các nhà nghiên cứu về tôn giáo, thì niềm Tin vào một Đấng Tạo Hóa là một niềm tin tự nhiên của con người có trí khôn, biết suy luận. Đứng trước vũ trụ bao la, bát ngát, đầy những huyền bí, mầu nhiệm, con người tự cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ, hèn hạ, Hư Vô! Bởi vì mỗi người chúng ta có làm gì được đâu ? Đầu, mình, tứ chi, lục phủ ngũ tạng không phải chính chúng ta hay cha mẹ chúng ta tạo ra mà có! Nhìn lên trời xanh: các vì sao, các hành tinh…mà khoa thiên văn ngày nay khám phá ra những sự lạ lùng, ngoài trí tưởng tượng. Chung quanh ta: nào sông núi, biển khơi, nào cầm thú, thảo mộc…Tất cả đều ở ngoài ta, và ta không có một quyền lực gì trên chúng cả. Ta còn hay mất thì chúng vẫn tồn tại như thường. Một giây phút nào đó, ta muốn cho trái tim ta tiếp tục đập, nhưng nếu nó ngừng lại, thì ta cũng phải chịu vậy! Ngoài ra, trên trần gian này, con người phải chịu biết bao đau khổ, tai uơng bất trắc. Có những đau khổ do tâm lý, do dục vọng lăng loàn của con người gây nghiệp báo cho mình, nhưng cũng có nhiều thiên tai như động đất, bão lụt, hạn hán..mà con người không gây ra nhưng cũng phải hứng chịu, vì nó nằm ở ngoài quyền năng của ta. Đứng trước những huyền bí của vũ trụ bao la đó, con người biết suy nghĩ đã đưa Tâm Linh hướng về một Đấng Tạo Hóa có quyền năng giải đáp mọi thắc mắc ưu tư của đời sống. Nguyên Lý Siêu Việt đó, là cội nguồn của vũ trụ và của con người, và đã được dân chúng Việt Nam tuyên xưng là: “ÔNG TRỜI"!



a. Danh Xưng

Ngoài danh xưng phổ thông”Ông Trời”, dân chúng Việt Nam còn quen dùng nhiều danh xưng khác như: Tạo Hóa, hay Con Tạo để chỉ Ông Trời tạo dựng vũ tru; Hóa Công, Thợ Trời để sánh ví Ông Trời như một tay thợ tài giỏi vô cùng, một kỹ sư sáng tạo nên trời đất; và danh từ Hóa Nhi hay Trẻ Tạo. Ngoài ra, dân chúng cũng quen thuộc với các danh xưng như: Ngọc Hoàng, Hoàng Thiên, Thượng Đế, Thiên Chúa, Chúa Trời…



b. Những Phẩm Tính Của Ông Trời

_ Qua cách xưng hô “Ông Trời”, ta nhận thấy: người bình dân nhìn lên vòm “trời” bao la, tô điểm bằng những vì sao, mặt trời, mặt trăng..do đó, “trời” là biểu tượng, hình ảnh của cái gì cao sang, tốt đẹp hơn hết mọi vật mọi loài trên mặt đất này. Đó chỉ là trời xanh, hay không trung xa tít mù mịt mà thôi! Vì là loài có trí khôn, tự nhiên con người đặt ra những câu hỏi như : Ai làm nên trời xanh lạ lùng như thế? Chắc hẳn, phải có một Vị làm Chủ đã tạo dựng nên nó. Do đó, con người hướng Tâm Linh lên một Quyền Lực Thiêng Liêng, làm Chủ Tể muôn loài. Vì thế, người bình dân đã xưng “Đấng ấy” là“ÔNG” nghĩa là một Đấng Hữu Ngã, Hữu Vị, Thượng Trí, Uy Quyền, đầy Tình Thương Xót, có thể lắng nghe những lời cầu kinh, và có thể ban ân giáng phước cho nhân loại:

Lạy TRỜI mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy bát cơm đầy

Lấy khúc cá to

-Lạy Trời! mưa thuận gió đều

Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em!

_ “Ông Trời thật là Đấng Tạo hóa, là Vị Hóa Công tài tình tạo dựng muôn vật muôn loài. Ngài là Đấng Quan Phòng, điều khiển, bảo vệ và dưỡng nuôi cho nhân loại được tồn tại và vũ trụ vận chuyển điều hòa. Sự sống sự chết đều ở trong quyền phép của Trời; hôn nhân cũng do kế hoặch của Trời để cho nhân loại được tồn tại như câu: “có âm dương, có vợ chồng”; ngày/đêm, sáng/tối, loài cầm thú, thảo mộc có giống đực, giống cái, loài người có nam có nữ … tất cả đều do Ông Trời dựng nên:

- Trời sinh, Trời dưỡng.

-Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.

-Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.

-Sinh hữu kỳ, tử vô hạn.

-Bĩ cực, thái lai.

-Trời sinh con mắt là gương,

Người ghét ít ngó, người thương ngó hoài.

-Trông trăng mà thẹn với Trời,

Soi gương mà thẹn với người trong gương.

-Trên rừng có cây bông kiểng,

Dưới biển có cá hóa long,

Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,

Anh đi Lục tỉnh giáp vòng,

Tới đây Trời khiến cho lòng thương em!

-Chữ nhân-duyên, thiên tải nhất thì,

Giàu ăn, khó nhịn, chứ có lo gì mà lo!

_ Ông Trời rất công bằng, công minh chẳng thiên vị ai, thưởng kẻ lành phạt kẻ gian ác. Nhưng ý định và phán quyết của Trời rất cao siêu, loài người nhiều khi không hiểu thấu được. Người đời thường phán xét theo bề ngoài, nhưng Ông Trời “dò xét tâm can”. Vì thế, kẻ thiển cận, nông cạn, hay thiếu nghị lực, thiếu kiên nhẫn, đâm ra kêu trách, than vãn.

- Trời có mắt.

- Không có Trời ai ở với ai!

- Trời quả báo, ăn cháo gẫy răng,

Ăn cơm gẫy đũa, xỉa răng gẫy hàm.

- Trời làm một trận lăng nhăng,

ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông.

- Phí của Trời, mười đời chẳng có.

- Biết sự Trời, mười đời chẳng khó.

- Chê của nào, Trời trao của ấy.

- Trời sao Trời ở chẳng cân,

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra!

- Trời nào có phụ ai đâu?

Hay làm thì giầu, có chí thì nên.



_Ông Trờilà Đấng thương xót vô cùng, vì Yêu Thương là bản tính của Ngài, nên Ngài đã dựng nên vũ trụ cho nhân loại hưởng dùng; Ngài hay tha thứ các lỗi lầm của con người yếu đuối. Đặc biệt, Ngài phù giúp những người thiện tâm, thiện chí và can đảm chiến đấu với những nghịch cảnh để xây dựng sự nghiệp, giúp nhà, giúp nước:

- Trời đánh còn tránh miếng ăn.

- Làm trai quyết chí tu thân,

Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo!

Khi nên, Trời giúp công cho,

Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào.



Trời sinh, Trời chẳng phụ nào,

Phong vân gặp hội, anh hào ra tay.

Trí khôn rắp để dạ này,

Có công mài sắt, có ngày nên kim..



2. “Ông Trời” Trong Truyện Cổ Tích

Niềm Tin Tự Nhiên vào Một Đấng Hóa Công, hay “Ông Trời” còn được ẩn tàng dưới hình thức câu truyện cổ tích, hay ngụ ngôn. Những câu truyện có vẻ ly kỳ, hoang đường.., nhưng thật ra chứa đựng những tư tưởng về lòng ái quốc, về nguồn gốc, triết lý nhân sinh, và tin ngưỡng của dân gian. Có những truyện cổ tích được truyền khẩu, từ xa xưa tới ngày nay, cốt để dạy một bài học về luân lý đạo đức, “ác giả ác báo” như truyện Tấm cám, hoặc về hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng như truyện Trầu cau, v.v. Sau đây là truyện DƯA HẤU, xuất hiện từ đời Hùng Vương, đã nói lên lòng tín ngưỡng của dân tộc đối với Đấng Tạo Thành ra mỗi người, và luôn hộ phù nuôi dưỡng chúng ta, đúng như câu tục ngữ: “Trời sinh, Trời dưỡng

Vào đời vua Hùng Vương thứ 18, một cậu con trai 7 tuổi tên là Mai Yển, khôi ngô dĩnh ngộ, được nhà vua nhận làm con nuôi, và đổi tên là An Tiêm. Vì An Tiêm là một tài trai, có ý chí, cần cù làm việc, nên vua còn ban cho một tỳ thiếp để làm vợ, và sinh được một bé trai. Hai vợ chồng gây nên sự nghiệp lớn, được mọi người kính nể. Nhưng An Tiêm thường nói cho bạn bè biết:” Sự thành công của anh là nhờ Trời ban và công lao khó nhọc, tần tiện của vợ chồng anh, chứ anh chẳng cậy nhờ ai, không nhờ vả ơn vua ban lợi lộc”. Có kẻ nịnh thần tâu cho vua Hùng biết An Tiêm đã nói như thế, nên nhà vua nổi giận, bắt vợ chồng và đứa con trai đầy ra đảo Nga Sơn (Thanh Hóa), chỉ tiếp tế lương thực trong 4 tháng, rồi để mặc kệ cho chết đói!

Nhưng dầu ở ngoài đảo hiu quạnh, An Tiêm vẫn an ủi vợ con, hãy can đảm lên và tin tưởng vào “Ông Trời”: “Trời sinh, Trời dưỡng”, “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”. Sống chết do Trời và cũng tại ta.

Một hôm đi dạo trên đảo, An Tiêm thấy con bạch hạc nhả hột xuống đất, và một loại cây giây leo mọc lên, tàu lá xanh tươi, xum xuê lạ thường, lại có trái thơm ngon, lắm nước ngọt ngào và rất sai trái. An Tiêm bảo vợ con:” Không trồng mà được ăn, đó là Trời cho ta đấy”.

Ít lâu sau, các thương gia người Tàu ghé qua đảo để đổi chác hàng hóa, thấy trái “tây qua” thơm ngon, rất nhiều nước ngọt để giải khát, nên vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon: “hẩu lớ!, hẩu lớ! (hảo = tốt lắm! tốt lắm!), nên về sau người ta gọi là trái DƯA “HẤU”. Tiếng đồn khắp nơi về trái dưa hấu thơm ngon ngọt đó, nên nhiều thương gia ghé lại mua, Vì thế, chẳng bao lâu, vợ chồng An Tiêm trở nên giầu có. Một hôm, nhà vua sai người đến đảo xem, vợ chồng và đứa con còn sống hay đã chết đói rồi, thì được bá cáo là An Tiêm làm ăn rất giầu có. Vua Hùng vương mới hiểu ra Ý Trời đã giúp An Tiêm, nên triệu về triều đình trả lại chức tước cho anh. Vua lại truyền cho trồng dưa hấu khắp nơi, và đổi hòn An Tiêm thành “An Tiêm Sa Châu”. Ngày nay, “Trời” cho ta thưởng thức trái dưa hấu thơm ngọt vào dịp Tết Đoan ngọ (tháng năm, ở miền Bắc) và vào dịp Tết Nguyên Đán ở miền Nam (đặc biệt dưa hấu cầu Đúc, bán tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ’ và dưa hấu ruột vàng, ở Chắc cà Nả, Sóc Trang).(198)

Qua câu truyện Quả Dưa Hấu, đã rõ ràng người xưa muốn dạy con cháu đời đời phải đội ơn Trời đã sinh ra và dưỡng nuôi ta. “Có Trời mà cũng có ta”. Mọi sự bởi Trời mà có: Trời ban cho ta hột giống, và mưa nắng..nhưng Trời cũng buộc ta phải làm việc như cầy cấy thì mới có của mà ăn: “tay làm, hàm nhai”.

3. “Ông Trời” Trong Văn Chương Bác Học

Chữ “Văn chương Bác học” chỉ những bài thi phú, truyện..do giới sĩ phu sáng tác. Dĩ nhiên, các văn thi sĩ trí thức này cũng đã thấm nhuần truyền thống tín ngưỡng dân tộc, lại thêm kiến thức uyên bác về Khổng học, Lão học và Phật học, tức “Tam Giáo”, cũng gọi là “Tam Giáo đồng lưu”, hay “Tam Giáo đồng nguyên”. Về phương diện tín ngưỡng, qua các tác phẩm sáng tác, ngâm vịnh, ta có thể quả quyết: niềm Tin cổ truyền vào “Ông Trời” rất sâu xa và mãnh liệt, vì các sĩ phu đã hấp thụ được các quan niệm triết lý về Thiên Mệnh của Khổng giáo. Cũng như giới bình dân Việt nam, các văn thi sĩ không cho rằng vũ trụ nhân sinh được điều khiển bằng”Luật Nhân-Quả, Luân hồi”, nhưng do một Vị Chủ Tể càn khôn mà họ gọi là THIÊN, THIÊN MỆNH, THƯỢNG ĐẾ, hay NG ỌC HOÀNG…Ngoài ra, các vị hiền triết Việt nam cũng chủ trì Đạo Hiếu, vì là truyền thống của nòi giống Lạc Hồng, và cũng thích hợp với Tam Cương, Ngũ Thường.

Thương khóc non sông với quốc dân,

Tài hèn không vớt được trầm luân.

Lòng này chưa hả thân đã chết,

Thẹn xuống Hoàng Tuyền gặp cố nhân

(Bài thơ tuyệt mệnh của Sào Nam Phan Bội Châu (1867-1940).

Sau đây, sẽ trình bày một ít thơ văn tiêu biểu cho niềm Tin cổ truyền vào “Ông Trời”, cũng là Vị Hóa Công tạo thành vũ trụ.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   23   24   25   26   27   28   29   30   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương