Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


a. Lý thường Kiệt (1036-1105)



tải về 2.02 Mb.
trang27/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   23   24   25   26   27   28   29   30   31

a. Lý thường Kiệt (1036-1105)

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa: Núi sông nước Nam thì vua nước Nam ở. Rõ ràng phận đã định ở trong cuốn sổ của Trời. Làm sao bọn giặc lại lấn cướp (đất của ta)? Chúng mày rồi xem sẽ bị thua bại hết.

Bài thơ bất hủ này được danh tướng triều Lý (1009-1225) là Lý Thường Kiệt làm, để nêu lên chính nghĩa của dân tộc chống lại ngoại xâm quân nhà Tống (1075-1078). Nên lưu ý: Phật giáo rất thịnh hành trong triều đại nhà Lý. Vậy mà, qua bài thơ trên, ta biết được tướng công Lý Thường Kiệt chịu ảnh hưởng sâu đậm triết lý Thiên Mệnh của Khổng giáo, tức là niềm Tin cố hữu của dân tộc vào “Ông Trời”. Chính niềm Tin vào Ông Trời đã định đoạt số mệnh cho dân tộc Việt nam, đó mới là sức mạnh quật khởi để chiến thắng ngoại xâm là những kẻ “nghịch “lại Ý Trời”: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”

b. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

Trời sinh, Trời ắt đã dành phần

Tu hãy cho bền, dạ có nhân.

Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ,

Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần.

Bạo hung chỉn đã gươm mài đá,

Phúc Đức rành hay cỏ đượm xuân

Chớ có hại nhân mà ích kỉ,



Giấu người, khôn dấu được Linh-Thần

(Có Phúc có Phần: Thi ca cổ điển, tập I, Bảo Vân, trang 34).

Bài thi trên rút ra từ quyển Bạch vân thi tập, ta nhận thấy Trạng Trình là bậc hiền nhân quân tử. Ông thấu suốt lẽ huyền bí của vũ trụ và nhân sinh. Ông tin rằng “Trời” là một Đấng Tạo Hóa, là một Vị Linh-Thần cầm quyền sinh tử, và dạy con người phải Tu thân tích đức, phải giữ đạo Nhân, giàu lòng thương xót, không nên thù oán làm hại ai. Ông Trời là quan án, thấu suốt tâm can, thông biết mọi sự bí ẩn, sẽ xét xử công minh và ban phần Phúc Đức, miễn là con người phải phấn đấu, bền tâm thiện chí, không than thân trách phận khi gặp nguy khó. Đây là một áng thơ đượm tính chất triết lý tôn giáo về nhân sinh, về đạo lý làm người, về mối liên hệ giữa Trời và phận sự con người sống trên đời này, và phần phúc về đời sau.



c. Nguyễn Khuyến (1835-1909)

ÔNG TRỜI”

Cao cao muôn trượng ấy là Tao

Dẫu pháo thăng thiên chẳng tới nào.

Nhắn bảo dưới trần cho chúng biết:

Tháng ba, tháng tám, Tớ mưa rào.

Nguyễn Khuyến cũng gọi là”Cụ Tam Nguyên Yên Đổ”, tinh thông Hán văn, vì đã ba lần đậu giải nguyên, nhưng đặc biệt cũng rất lỗi lạc và sở trường về văn nôm. Ông sáng tác đủ mọi thể văn: ca, từ, thi, phú..Lời văn nhẹ nhàng, đơn giản, trôi chảy, nhưng ý tứ rất dồi dào, kín đáo, đượm tính chất khôi hài giễu cợt mà thâm thuý, rất gần với lối văn của ca dao tục ngữ. Đó cũng là phản ảnh tính tình đơn sơ chất phác, nhưng vui vẻ, hay nói “đùa giỡn” của người dân Việt. Ông hay làm thơ tự vịnh, tự trào (tự cười mình), hoặc chế nhạo bạn hữu một cách thân tình, hay châm biếm thói đời một cách nhẹ nhàng, độ lượng, khoan dung. Qua bài Vịnh “Ông Trời” ở trên, ta thấy lời văn có vẻ bình dân, vui cười, thân mật, nhưng ý tưởng thật sâu xa, nghiêm chỉnh: Ông Trời là Đấng cao siêu vô cùng, tuy không một ai có thể thấy, hay hiểu thấu được, nhưng “Đấng ấy” vẫn điều khiển mọi hiện tượng trong vũ trụ này!

d. Nguyễn Công Trứ (1778-1858)

Chí Nam Nhi

Thông minh nhất nam tử,

Yếu vi thiên hạ kỳ.

Chót sinh ra thì phải chi chi,

Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.

Đố ky sá chi Con Tạo,

Nợ tang bồng quyết trả cho xong.

Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung,

Làm cho rõ tu mi nam tử.

Trong vũ trụ đã đành phận sự,

Phải có danh mà đối với núi sông.

Đi không, chẳng lẽ về không.

Đây là bài hát nói, tiêu biểu nhất cho quan niệm sống của Nguyễn Công Trứ và của các vị nho sĩ Việt nam. Lấy ngay cuộc đời của ông ra làm bằng chứng, ta thấy ông là một người tài trai có chí hướng rất cao, theo truyền thống giáo dục của nho gia. Ông đã tự đặt cho mình một “gánh nợ”, một bổn phận phải chu toàn trong đời sống, vì đó là một ân huệ, như “lưng vốn” mà Trời đã ban cho, không được ăn chơi, tiêu xài, phung phí, vô ích, làm uổng công Trời đã tạo dựng nên. Đó là món nợ phải trả cho chính mình, cho gia đình và cho tổ quốc. Dầu gặp nhiều nghịch cảnh, nhiều chông gai khó khăn, cũng phải ra công chiến đấu, không lùi bước. Trong cuộc đời Nguyễn Công Trứ, ông đã trải qua bao nỗi gian nan: nghèo đói, lận đận về khoa cử; khi xuất thân ra làm quan, từ chức đại thần, thượng thư giáng xuống làm lính thú…nhưng lúc nào ông cũng kiên trì theo đuổi lý tưởng, không giận thân, không trách Trời. Chỉ khi nào đã làm tròn phận sự mà Trời đã trao phú, lúc đó, ông mới được thảnh thơi, ngao du sơn thủy, vui hưởng cảnh an nhàn!

Cũng như các vị nho sĩ Việt nam, Nguyễn Công Trứ tin vào Thiên Mệnh tạo dựng và điều hành vũ trụ vạn vật. Ông ít dùng danh xưng như Thiên, Đế, Thượng Đế, Hoàng Thiên, nhưng thường dùng các danh từ lấy trong ca dao tục ngữ như: Tạo Hóa, Con Tạo, Hóa Công, Thợ Trời, Ông Trời, Ông Xanh. Khi thấy cảnh đời biến đổi khôn lường, hoặc những nghịch cảnh trớ trêu, khó giải nghĩa như: đôi khi kẻ gian ác được khoẻ mạnh, giầu có, còn người hiền đức lại bệnt tật, nghèo túng…Dầu vậy, các văn thi sĩ không mượn thuyết Nhân-Quả để biện minh, chẳng hạn như: “kiếp trước” đã làm điều gian ác, nên mới “báo ứng”, phải chịu lận đận đau khổ, mặc dầu ở kiếp này vẫn ăn ngay ở lành! Nhưng qua văn thơ, ta thấy họ giữ một thái độ quân tử, điềm tĩnh, ung dung, an phận, “chờ thời thế đổi thay”, “con Tạo xoay vần”theo lẽ “Tuần Hoàn” như câu:” không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”; do đó, các vị “quân tử” không giận hờn oán trách ai, nhưng lại có thái độ tự tín, ung dung thư thái.

Ta đọc thấy trong văn thơ, đôi khi họ dùng danh từ như: Hóa Nhi, Trẻ Tạo, do thành ngữ chữ nho “Tạo Hóa tiểu nhi” (Theo tích truyện đời nhà Đường, Đỗ Thẩm Ngôn đau nặng, có bạn là Tống Chi Vấn đến thăm. Thẩm Ngôn nói bỡn cợt với bạn rằng: ngao ngán thay trẻ tạo hóa làm ta khổ sở!). “Hóa Nhi đa hí lộng!” (Trẻ Tạo Hóa thích vui chơi lắm!). Sánh ví Tạo Hóa như trẻ nhỏ trẻ thơ, không phải về phương diện ý thức, tài năng, vì Đấng Tạo Hóa thì thông biết mọi sự, còn trẻ thơ thì không biết gì, nhưng họ muốn mượn hình ảnh về thái độ, tánh tình của trẻ thơ hay biến báo, thay đổi nhưng ngây thơ, vui đùa, vô tư, không ác ý, không muốn làm hại ai, để so sánh sự biến hóa bất ngờ, vô thường trong cuộc đời như trò chơi của trẻ con. Cuộc đời biến hóa thiên hình vạn trạng như:"bức tranh vân cẩu, vẽ người tang thương” hay “cuộc đời bể dâu” (tang điền biến vi thương hải, thương hải biến vi tang điền) .

Mặc dầu không thể hiểu được lẽ huyền bí của vũ trụ, nhưng đứng trước những nghịch cảnh, những mâu thuẫn của cuộc đời, các nhà hiền nhân quân tử, không oán trách số phận, hay nghiệp báo, nhưng vẫn tin tưởng vào Ông Trời chí công, vô tư, và thương xót vô cùng. Do đó, một mặt, họ phú thác mạng sống cho Trời lo liệu, đồng thời họ giữ thái độ tự tại, lạc quan, đùa cợt giống “như trẻ nhỏ”, hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ, để tâm hồn được an vui, khuây khỏa, chờ thời, “Bĩ cực thái lai”. Thái độ “vui đùa”, coi cuộc đời là một “hí trường”, cũng là một nét đặc thù trong văn hóa, và tánh tình vui vẻ của nguời dân Việt .

- Hóa Nhi thăm thẳm ngàn trùng” (Nhị độ Mai)’

- Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán,

Chết đuối người trên cạn mà chơi” (Cung oán)

- Ngồi buồn mà trách Ông Xanh,



Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười (N.C. Trứ)

- Tạo Hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Bà Thanh Quan)

e. Nguyễn Du và Truyện Kiều (1765-1820)

Mở đầu (câu thơ 1-6)

Trăm năm trong cõi người ta,

chữ “Tài” chữ “Mệnh” khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Lạ gì bỉ sắc tư phong?

Trời Xanh quen thói má hồng đánh ghen.

————————————————————————-



Đoạn kết (câu 3241-3252)

Ngẫm hay muôn sự tại Trời

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần, phải phong trần,

cho thanh cao, mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào,

chữ “Tài” chữ “Mệnh” dồi dào cả hai.

Có tài mà cậy chi tài,

chữ tài liền với chữ tai một vần.

Đã mang lấy “Nghiệp” vào thân,

cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

chữ “Tâm” kia mới bằng ba chữ tài!

Lời mở đầu và đoạn kết ở trên đã tóm lược được chủ đề của Truyện Kiều, giúp ta tìm hiểu tâm sự, và triết lý về nhân sinh của nhà đại văn hào Nguyễn Du. Theo cách giải thích thông thường, từ xưa tới nay, thì Nguyễn Du viết Truyện Kiều để gửi gấm tâm sự của mình vào nhân vật chính trong truyện là Thúy Kiều: Nàng đã yêu và thề hứa lấy Kim Trọng, nhưng đã lỗi lời thề khi “bán mình chuộc cha”. Nguyễn Du xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, dòng họ lâu đời đã chịu ơn “mưa móc” của nhà Lê, nên lấy sự trung thành với vua Lê làm trọng, vì”trung thần bất sự nhị quân”. Nhưng vì thời cuộc đổi thay mà ông phải miễn cưỡng ra giúp nhà Nguyễn, chẳng khác nào Thúy Kiều đã phụ tình với chàng Kim; do đó, một cách kín đáo, ông đã gửi tâm sự của đời mình vào nhân vật Thúy Kiều.

Nếu nghiên cứu Truyện Kiều cẩn thận hơn, ta sẽ thấy, ngoài việc gửi gấm tâm sự riêng, Nguyễn Du còn muốn giải nghĩa một chủ đề triết lý rộng lớn hơn nữa, liên quan đến vận mệnh của mỗi cá nhân và đặc biệt của cả dân tộc Việt nam: đó là Triết lý” Tài- Mệnh tương đố”.Đây mới thực sự là chủ đề chính yếu của Truyện Kiều.

Sở dĩ Truyện Kiều được mọi tầng lớp dân chúng yêu chuộng, từ vua quan đến giới bình dân, vì Nguyễn Du là một thiên tài đã cảm thông và đã “thi vị hóa” được nỗi niềm tâm trạng uẩn khúc, khắc khoải, lo âu về vận mạng của mỗi cá nhân và của cả dân tộc Việt nam. Theo dòng lịch sử, về mặt đối ngoại, dân tộc ta luôn phải đương đầu, chiến đấu triền miên với phương bắc để giành quyền tự chủ, và về phía nam, để mở mang bờ cõi. Không kể những thiên tai, bão lụt, hạn hán thường xẩy ra…, các triều đại vua chúa, sứ quân tranh giành ngôi báu, trong một xã hội phong kiến đầy bất công bạo lực, “cá lớn nuốt cá bé”. Chính bản thân Nguyễn Du cũng là nạn nhân của thời cuộc loạn lạc, tranh quyền, nhiễu nhương đời Nam-Bắc phân tranh, vua Lê, Chúa Trịnh, nhà Tây Sơn khởi nghĩa, rồi nhà Nguyễn thống nhất. Đọc bài “Chiêu hồn thập loại chúng sinh”, của Nguyễn Du, ta biết thêm: là một bậc thiên tài, văn nhân thi sĩ, Nguyễn Du đã cùng cảm thông với những nỗi đau khổ triền miên của mỗi cá nhân và của quê hương xứ sở, và cùng thắc mắc về ý nghĩa của cuộc nhân sinh: tại sao một người dân đất Việt hiền hòa, cần cù, nhẫn nại làm ăn sinh sống, mà lại phải gánh nhiều nỗi”truân chiên”khổ sở như thế? Thiết tưởng đây mới chính là chủ đề trọng yếu của Truyện Kiều mà thi hào Nguyễn Du đã muốn mượn triết thuyết của “Tam giáo đồng lưu” tức Khổng, Lão, Phật, nhất là niềm tin dân gian vào “Ông Trời”, và Đạo Hiếu của dân tộc Việt nam, để biện minh cho thuyết “Tài-Mệnh tương đố”, như sẽ trình bày sau đây.

Một số người cho rằng: Nguyễn Du đã dùng thuyết Luân Hồi (samsara) và luật Nhân-Quả (karma), để cắt nghĩa tại sao Thúy Kiều đã không làm gì nên tội, lại còn hy sinh hạnh phúc cá nhân để làm tròn đạo Hiếu đối với cha, thế mà suốt mười lăm năm chịu biết bao tủi nhục, long đong khổ sở? Và họ mượn thuyết nhân-quả, để giải nghĩa rằng: vì “kiếp trước” Kiều đã làm điều gian ác, nên phải lãnh lấy “ác quả” ở kiếp này. Sau mười lăm năm lưu lạc, vì Kiều đã làm điều phước đức, nên được rút tên ra khỏi sổ “đoạn trường” (khỏi vòng luân hồi), để được đoàn tụ với người tình cũ là Kim Trọng. Giải thích như thế là chưa đầy đủ, vì trong suốt câu truyện, nhà nho Nguyễn Du đã giảng giải, và biện minh cho nhiều triết thuyết khác nữa, nhất là niềm tin tự nhiên của dân chúng Việt Nam vào “Ông Trời” và đạo Hiếu. Vả lại, Nguyễn Du đã không theo đúng “luật nhân-quả” (ngũ giới), khi “cho phép” Thúy Kiều mượn bàn tay uy quyền của Từ Hải để hành hạ, và trả thù những người đã làm hại mình, một điều chẳng những trái với đạo từ bi, hỉ xả, mà còn gây thêm nên nghiệp chướng cho mình nữa! Ngoài ra, Nguyễn Du cũng đã lồng vào những màn” đồng bóng, gọi hồn” như Đạm tiên báo mộng, nói tiên tri… đó là những dị đoạn mê tín, “biến thể” của Lão giáo, thịnh hành trong giới bình dân

Bởi vậy, Triết lý trổi vượt nhất làm chủ đề cho toàn truyện, đó là niềm tín ngưỡng chung của dân chúng Việt Nam vào một Vị Hóa Công mà ta gọi là:”ÔNG TRỜI”. Trong tác phẩm, thi hào Nguyễn Du đã kêu đến danh “Ông Trời” hơn 33 lần! (tại Trời, nhờ Trời, thấu tới Trời, đạo Trời, cơ
Trời,
…). Triết lý quan trọng thứ hai và cũng là “duyên cớ” đã giải thoát Thúy Kiều khỏi vòng tục lụy, chính là vì nàng đã giữ trọn Đạo Hiếu, nên được Trời cứu vướt khỏi cảnh lưu lạc để đoàn tụ với người yêu và gia đình. Do đó, câu thơ nhiệm mầu như chiếc đũa thần đã biến cuộc đời “đoạn trường” thành hoan lạc, và kết thúc tấn tuồng ảo hóa, đó là: “Hiếu-Tâm đã động đến Trời”.

Gần đây, có một số người phê bình Nguyễn Du và Truyện Kiều theo thuyết” số mệnh” tiêu cực, nghĩa là Thúy Kiều đã cam phận, thụ động, không làm gì hết, mặc cho bánh xe cuộc đời lôi cuốn, chẳng hạn như, vì buông theo tình cảm bồng bột, thiếu đắn đo suy xét kĩ càng, Thúy Kiều đã liều mạng, nhẹ dạ nghe lời chàng Sở Khanh dụ dỗ mà chạy trốn khỏi lầu xanh, rồi bị Tú bà bắt lại:

“Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu!

Nhưng nếu ta theo dõi mọi tình tiết diễn biến trong vai Thúy Kiều, ta sẽ nhận thấy nàng luôn cố gắng làm hết cách để giữ thế chủ động, để định đoạt đời sống của mình, vì nàng tin rằng: một người thành tâm thiện chí muốn xây dựng cuộc đời, dầu gặp cảnh ngộ éo le, thì Trời cũng sẽ trợ giúp cho thoát nạn: “Bĩ cực, thái lai”. Đây cũng là một triết lý mà các nho gia gọi là “luật Tuần Hoàn”, nghĩa là Hóa Công tạo dựng vũ trụ càn khôn, luôn thay đổi, xuân, hạ, thu, đông, ngày đêm, âm-dương điều hòa. Trong đời sống con người thì có lúc thịnh, lúc suy, lúc vui, lúc buồn. Do đó, điều quan hệ không phải là thành công hay thất bại, nhưng là quyết chí, bền tâm làm điều tốt, dầu gặp khó khăn, thì chung cuộc, Trời cũng sẽ phù trợ cho. Ta thấy Nguyễn Du đã dùng chính miệng hai nhà sư Tam Hợp và Giác Duyên để giải thích ý nghĩa biến cố Thúy Kiều được cứu vớt khỏi chết chìm trong sông Tiền Đường, và bắt đầu cuộc sống mới an vui như sau:

“Sư rằng:”Phúc họa đạo Trời,

Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.

Có Trời mà cũng có ta,

Tu là cõi phúc, tình là giây oan.”

Sau đây ta sẽ tìm hiểu: 1) thuyết “Tài -Mệnh tương đố” đã ứng nghiệm trong đời sống của thi hào Nguyễn Du và nhân vật Thúy Kiều như thế nào? 2) Niềm tin ở Ông Trời và Đạo Hiếu đã giải gỡ những khúc mắc của đời người ra sao?



1. Thuyết Tài-Mệnh tương đố đã ứng nghiệm trong đời sống Nguyễn Du và nhân vật Thúy Kiều. Nhìn ngắm thiên nhiên và quan sát vũ trụ, thì thấymuôn vật muôn người đều khác biệt, không giống nhau, không bằng nhau: thật là “trăm hoa đua nở, muôn hồng nghìn tía”. Về nhân loại, vì “nhân linh ư vạn vật”, nên Trời ban cho thân hình đẹp đẽ, lại có trí khôn thông minh để học hỏi, suy luận, và tài năng sáng chế các dụng cụ .Hóa Công đã sáng tạo ra con người một cách tài tình: không ai giống ai (ngay cả người sinh đôi, sinh ba, sinh bốn..cũng vẫn thấy sự khác biệt). Do đó, chữ “TÀI”, theo nghĩa rộng, bao gồm hết mọi tài năng mà Trời phú bẩm cho mỗi người khi sinh ra trên mặt đất này như: ý chí tự do, trí tuệ, tình cảm, thân xác, sắc đẹp, sức khoẻ và các năng khiếu tự nhiên về mỹ thuật. Đấy chẳng qua là “vốn liếng” tùy ý Trời ban cho mỗi người, không đồng đều. Nhưng mỗi người phải phát triển tài năng thiên phú của mình, và tùy khả năng, hợp tác với Trời để tô điểm cho bộ mặt trái đất ngày càng xinh đẹp, và sinh nhiều lợi ích cho nhân loại hưởng dùng.

Chữ “MỆNH”, hiểu theo truyền thống Nho giáo, tức Thiên Mệnh, Thiên Ý, tức là “Ý Trời” đã xếp đặt, điều khiển, an bài, quan phòng mọi sự xẩy ra trong vũ trụ; do đó, “Mệnh" đây chính là số phận, số mệnh hoặc hoàn cảnh, thời thế, cảnh ngộ, tai nạn .., bao gồm cả những hiên tượng thiên nhiên như bão lụt, động đất, hạn hán, hay già nua bệnh tật, chết… Vì những cảnh ngộ đó, có khi thuận lợi nhưng thường là những nghịch cảnh, xẩy đến ngoài khả năng ước đoán, định đoạt, lựa chọn, ngoài ý muốn của ta, nên một số người bi quan, yếm thế, thiếu ý chí, thiếu nghị lực để chiến đấu với những khó khăn ấy, nên đâm ra buồn nản thất vọng, buông xuôi, hoặc than thân trách phận và “trách Trời”, cho rằng: Ông Trời ghen ghét, đầy đọa con người! Họ đã hiểu sai thuyết “Tài-Mệnh tương đố”, cho rằng: con người tài hoa và số mệnh luôn ghen ghét, đố kị, nghịch nhau, tiêu diệt nhau

“Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau”

“Hồng nhan bạc Mệnh”

Trời Xanh quen thói má hồng đánh ghen”

Trái lại, người có ý chí tự do mạnh mẽ, thành tâm thiện chí, thì lại coi những nghịch cảnh chẳng qua là những “cơ hội”, những “thử thách” mà Ông Trời muốn dùng để tôi luyện ý chí và lòng dũng cảm của các vị anh hùng, của những tấm lòng trung kiên, cao thượng, vì lẽ nếu “trận đánh càng khốc liệt thì chiến thắng càng vinh quang”. Mặt khác, kinh nghiệm cho ta thấy: những bậc thiên tài, tạo nên sự nghiệp lớn lao cũng là những vị gặp nhiều gian lao thử thách hơn người phàm. Giả như có ai may rủi được “ngồi mát, ăn bát vàng”, thì người đời cũng khinh thường, vì người ấy chẳng có công trạng gì.

Cũng có người giải thích bằng luật “luật bù trừ”, hay “luật quân bình”, nghĩa là Ông Trời chí công vô tư, chẳng thiên vị ai, chẳng ghen ghét ai, nhưng hễ Trời ban cho ai nhiều “lưng vốn”, tài năng, thì cũng đòi hỏi người đó phải khó nhọc, vất vả hơn để sinh nhiều lợi tức. Đó cũng là lẽ “công bằng".

Trời cho Thúy Kiều vừa nhan sắc, lại thông minh, đa tài cầm ca, thi họa, thêm tình cảm dạt dào, tình tứ, bản tính tự nhiên của nàng là người có đức hiếu thảo đối với cha mẹ, nên khi gia đình gặp hoạn nạn nguy biến, thì lập tức, không do dự đắn đo, một mình nàng dám hy sinh hạnh phúc riêng tư để cứu vớt gia đình, nàng lại có tình chung thủy với người yêu, thương dân yêu nước, trọng lễ giáo… chỉ vì Trời đã phú bẩm cho Thúy Kiều nhiều tài năng và nhiều đức tính tốt, trổi vượt hơn người, nên cũng đòi hỏi nàng phải chiến đấu với nhiều nghịch cảnh hơn. Cô em là Thúy Vân, một mẫu người “trung bình” về mọi mặt, nên cuộc đời được phẳng lặng, êm ru như một mệnh phụ tầm thường, nên không có gì đáng làm gương cho ai cả. Thúy Kiều có hoàn toàn buông xuôi đầu hàng cho số mệnh, hay nghịch cảnh không? Theo các diễn biến, tình tiết trong truyện, ta thấy Thúy Kiều luôn cố gắng vươn lên khỏi cảnh bùn lầy nhơ nhớp, lầm than. Nàng đã quyết tâm chốn thoát chốn thanh lâu mấy lần, nhưng đã bị bọn Sở khanh lừa dối. Tuy là con người đa tình, nhưng nàng đã biết tự chủ, sáng suốt để khuyên người yêu Kim Trọng kiềm chế dục vọng, và tôn trọng lễ giáo. Cũng vì thương dân nước sống trong cảnh giết chóc mà nàng đã khuyên Từ Hải ra hàng, để rồi mắc họa vào thân. Những sự kiện đó chứng tỏ nàng không chịu đầu hàng cho số mệnh, nhưng với thành tâm thiện chí, nàng cố gắng làm chủ đời mình; ngay khi có hoàn cảnh có thể tái hợp lại với người yêu cũ, nhưng vì một lý tưởng cao hơn, nàng đã tự ý quyết định đổi tình yêu vợ chồng ra tình bạn hữu.

Đời sống và sự nghiệp của thi hào Nguyễn Du đã phản ánh trong nhân vật Thúy Kiều. Thật thế, Nguyễn Du xuất thân là một nho sĩ, theo đạo “tam cương ngũ thường”, với tài “kinh bang tế thế “, đã ra làm quan, và sung làm chánh sứ sang cống bên Tàu. Ông rất uyên thâm về thuyết “Thiên Mệnh”của Khổng Tử, đặc biệt thuyết “tính thiện”của Mạnh Tử: “nhân chi sơ tính bản thiện”. Theo lịch sử Triết Học Trung Hoa, triết thuyết này đã được các nho sĩ như Vương Dương Minh (1472-1528) giải nghĩa thêm và lập ra phái Tâm Học. Như đã trình bày về phái Tâm Học, ở đoạn trên, chữ “TÂM”, hiểu nghĩa là “Lương Tri, Lương Tâm”, tức là “nơi” gặp gỡ giữa con người và Thượng Đế. Chính tại“nơi”thâm cung, thâm Tâm, con người được Đấng Hóa Công cho khả năng biết phân biệt điều Tốt phải làm, và điều Xấu phải tránh. Do đó, Nguyễn Du đã đánh giá chữ “Tâm”, tức Thiện Chí của con người cao quí hơn, gấp ba lần chữ “tài"! Người có Thiện Tâm, quyết chí thực hành điều tốt, điều phải, thì Trời sẽ giúp cho thắng vượt mọi gian nan thử thách.

Gặp thời nhiễu nhương, loạn lạc, ông đành sống ẩn dật, để giữ khí tiết của bậc trung thần, chờ thời cơ thuận tiện sẽ lại xuất chính. Nhưng ông không phải là người yếm thế, tiêu cực, hoàn toàn đầu hàng cho số phận, số kiếp, mà không làm gì cả! Trái lại, là một nho sĩ cương nghị, thành tâm thiện chí, ông đã từ giã cảnh nhàn du sơn thủy, để trở về giúp dân cứu nước, mặc dầu biết trước sẽ gặp bao khó khăn, bực bội với tân trào. Là một kẻ sĩ tài ba, Nguyễn Du luôn thi thố tài năng, bằng những hoạt động ngoại giao như đi sứ sang Trung Quốc, hay sáng tác thơ văn. Có người cho rằng: nhân vật Từ Hải mà ông đã mô tả trong truyện Kiều, nói lên ý chí hào hùng bất khuất của ông chống lại các bất công của thời phong kiến. Vì ông tin tưởng rằng: với thành tâm thiện chí, thì Trời sẽ giúp cho thành công:”Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân



Thân phận nàng Kiều, số phận Tố Như (Nguyễn Du) cũng tương tự như vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam. Thật vậy, suốt dòng lịch sử từ khi lập quốc cho tới ngày nay và có thể trong tương lai, dân tộc Việt nam luôn phải đương đầu với mọi nghịch cảnh. Nhưng nhờ niềm tin mạnh mẽ vào “Ông Trời”, và vào đạo Hiếu đối với Ông Bà, nên người Việt Nam chúng ta, dầu gian nan khổ sở, vẫn vui vẻ chịu đựng phấn đấu để phát huy văn hóa và trường tồn!

Trong tiểu sử của thi hào Nguyễn Du, không thấy nói đến có lúc nào ông đã “xuất gia tu hành”! Do đó, qua câu thơ:” Tu là cõi phúc, Tình là giây oan”, thì ta phải hiểu chữ “Tu” có nhiều nghĩa. Theo nghĩa hẹp, “tu” là bỏ gia đình để vô ở trong tu viện. Nhưng đối một nho sĩ “kinh bang tế thế” như Nguyễn Du, chữ “tu”, ở đây nên hiểu theo ý nghĩa của Nho giáo, tức “Ngũ thường": tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; đây là một lý tưởng cao, một kế hoạch lớn. Điều quan trọng là phải theo một thứ tự ưu tiên. Trước hết phải “tu thân”, phải rèn luyện tính khí cho kiên cường, không để cho tình tư dục lấn áp. Chữ “ Tình”ở đây không hiểu theo nghĩa hẹp là “ái tình"( tình ái giữa trai-gái, vợ-chồng), nhưng là gồm tất cả “thất tình” của con người là: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (vui, giận, xót thương, sợ, yêu, ghét, ham muốn). Do đó, ý nghĩa của câu thơ của Nguyễn Du là: muốn sống hạnh phúc, an vui, quân bình thì phải “Tu Thân"nghĩa là biết “sửa mình”, sống“tự chủ”, đức độ, ý chí, biết điều khiển và kiểm soát được “thất tình”, là những tình cảm bồng bột, lăng loàn. Một người sống hoàn toàn buông thả theo tình cảm đưa đẩy, thiếu lý trí sáng suốt để phân biệt Phải/trái, sẽ phạm nhiều điều sai lỗi, và gây ra tội ác, đau khổ cho mình và cho người khác: “no mất ngon, giận mất khôn”. Bởi vậy, chắc hẳn cụ Nguyễn Du không khuyên người đời: muốn được hạnh phúc thì chỉ có cách là “đi tu”, trốn tránh cuộc đời, và khinh chê đời sống vợ-chồng! Nhưng trong mọi hành động, cư xử, nên đặt lý trí sáng suốt trên tình cảm bồng bột mù quáng.



2. Niềm Tin vào Ông Trời và Đạo Hiếu đã giải gỡ những khúc mắc của đời sống. Niềm tin cổ truyền của dân tộc Việt Nam vào Đấng Thiêng Liêng Cao Cả và vào Đạo Hiếu là chìa khóa giải gỡ mọi tình tiết éo le, khúc mắc của cuộc đời thi hào Nguyễn Du, và của Truyện Kiều: “Hiếu-Tâm đã động đến TRỜI”. Nguyễn Du đã diễn tả Ông Trời bằng những phẩm tính như là Vị Hóa công tạo dựng vũ trụ, mọi việc xẩy ra trên đời do Trời an bài, định đoạt. Ông Trời là vị thẩm phán tối cao, rất công bằng, thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ. Ông Trời không ghen ghét ai, không thiên vị ai, nhưng Trời được hoàn toàn tự do ban phát ân huệ, tài năng cho mỗi người tùy Thiên Ý, Thiên Mệnh, một cách nhưng không, nghĩa là con người không có quyền đòi hỏi, hay phân bì. Nhưng nếu Trời ban cho ai nhiều tài năng, thì cũng đòi hỏi người đó nhiều trách nhiệm. Bởi vậy, khi Nguyễn Du viết:” chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau”, hay “Tài-Mệnh tương đố”, thì nên hiểu là: Ông Trời “thách đố” những bậc tài hoa phải thi thố tài năng hơn người bình thường.

Nói tóm lại, theo triết lý nhân sinh của nhà đại văn hào Nguyễn Du, thì số phận của một cá nhân, hay vận mệnh của một dân tộc sinh sống trên cõi đời này, không ai là không phải chiến đấu với mọi nghịch cảnh, để lập thân cho mình và giúp ích cho nhân quần xã hội. Đời người là một hí trường, đầy gian lao “thử thách” không ngừng. Do đó, phát sinh hai thái độ trái ngược nhau: một là thái độ bi quan tiêu cực, đầu hàng, buông xuôi theo “số mệnh”, “há miệng chờ ho”, không làm gì cả; hai là, thái độ “tự cao tự đại”, không cần ai cả, không tín ngưỡng, tự mình xây dựng cuộc đời, mặc dầu cảm thấy đời sống đầy chông gai, bi đát, vượt quá khả năng của con người. Qua Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã muốn chứng minh một đạo sống “trung hòa”, quân bình của dân chúng Việt Nam “Có Trời mà cũng có ta”. Triết lý nhân sinh này đã giúp cho dân tộc ta vừa quyết tâm chiến đấu với mọi gian nguy, khổ sở, vừa nhẫn nại, chịu đựng, bền tâm, tin tưởng vào một tương lai sáng lạng: Ca dao có câu:”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Thiết tưởng đó mới thật sự là tâm sự mà thi hào Nguyễn Du đã muốn gửi một bài học vào trong Truyện Kiều cho hậu thế. Tâm sự đó Nguyễn Du ước mong đồng bào nhận biết và thông cảm, qua hai câu thơ:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(không biết hơn ba trăm năm sau này, thiên hạ còn ai khóc Tố Như (Nguyễn Du) không?)



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   23   24   25   26   27   28   29   30   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương