Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


Chương Một Linh Mục Đắc Lộ, vị sáng lập chữ quốc ngữ và xây dựng Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam



tải về 2.02 Mb.
trang2/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   31

Chương Một

Linh Mục Đắc Lộ,
vị sáng lập chữ quốc ngữ và xây dựng
Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam

Vào khoảng năm 1941, tôi vẫn còn nhớ đã theo các học sinh nhà trường đi dự lễ dựng “Bia Kỷ Niệm” Cố Alexandre de Rhode, quen gọi là “Cố Đắc Lộ”, tại vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, bên cổng chùa Ngọc Sơn và cạnh đền Bà Kiệu, có rất nhiều quan khách và viên chức đạo đời tham dự (ngày nay bia được di chuyển vào trước Thư Viện Quốc Gia, tại Hà Nội). Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng kẻ hèn này vẫn lấy làm lạ lùng, và thắc mắc: tại sao một “Ông Cố Tây” lại có thể dạy người mình cách đọc và viết chữ “Quốc Ngữ” như câu ca dao thời bấy giờ thường tuyên truyền: “Quốc Ngữ chữ nước ta”. Quả thật là một thứ chữ dễ học, dễ đọc, dễ đánh vần, chỉ cần học vài ba năm là có thể đọc truyện “Tam Quốc Chí” cho ông ngoại nghe. Trái lại, sau năm sáu năm, ê a “Tam Thiên Tự”, “Tam Tự Kinh”, “Minh Tâm Bửu Giám”, thuộc lòng 214 chữ Bộ cũng không đọc thông thạo được sách báo Tàu! Thế mới hay chữ Quốc Ngữ tiện lợi và đáng yêu mến biết bao! Sau này lên bậc Trung Học, cũng thấy những bài giảng văn về Cố Đắc Lộ và cách thành lập chữ Quốc Ngữ trong sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Thỉnh thoảng trong các báo chí tập san bằng Pháp văn cũng có những bài viết về công trình của Cố Đắc Lộ do các học giả danh tiếng như Cố Cả (Léopold Cadière) khảo cứu. Vào những năm 1950 trở đi, một số tu sĩ du học tại các Đại Học Pháp, Rôma,… vì lòng ái quốc nhớ nguồn, vì có phương tiện nghiên cứu trong các thư viện, đã viết được nhiều luận án về công trình và sự nghiệp của Cố Đắc Lộ. Đây cũng là điều đáng mừng, đáng khen ngợi. Nhưng các công trình nghiên cứu, các luận án đó đều viết bằng ngoại ngữ và phần lớn chưa được xuất bản, nên rất ít người biết đến công nghiệp của một vị Đại Ân Nhân của dân tộc và của Giáo hội Việt Nam. Gần đây, vào năm 1985, kẻ hèn này được đọc cuốn Thiên Chủ Thực Nghĩa (dịch ra Anh văn: The True Meaning of the Lord of Heaven) của cha Matteo Ricci, một học giả, và một nhà truyền giáo ở bên Trung Quốc, gần đồng thời với cha Đắc Lộ ở bên Việt Nam. Độc giả đã nhận thấy phương pháp hội nhập văn hóa của hai vị này có nhiều điểm tương đồng(3).

Gần đây có thấy xuất bản hoặc phiên dịch những tác phẩm của cha Đắc Lộ. Một số sách đã dầy công sưu tầm các tài liệu một cách khách quan, để thẩm định những giá trị về tôn giáo, về văn học mà cha Đắc Lộ đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam(4). Nhưng cũng có một số ít những tác giả, vì ác cảm, hoặc vì thành kiến chính trị đã bẻ cong sự thật lịch sử, hay phê bình xuyên tạc, vu khống vô bằng cứ về Cha Đắc lộ, chẳng hạn như: “ngài hô hào “mộ lính” Pháp sang xâm chiếm Việt nam”. Sự thật lịch sử cho biết: Cha Đắc Lộ sang truyền giáo tại Việt Nam vào thời kỳ Nam-Bắc phân tranh, vả lại, ngài sinh ra thuộc tỉnh Avignon, vào thời đó thuộc công dân của Giáo Hoàng Roma. Do đó, ngài không phải là “dân Tây” (Pháp). Thực ra, cha Đắc Lộ chỉ tìm một lợi ích thiêng liêng là rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Việt nam. Do đó, các vị thừa sai được gọi là “chiến sĩ của Chúa Kitô” (miles Christi, coi Thư Thánh Phaolô gửi Timôtê II, 2:3) xông pha trên mặt trận truyền giáo, chứ không phải đi chinh phục đất đai, hay tìm lợi lộc về kinh tế, buôn bán.

Sau đây, trong chương này sẽ xin trình bày ba điểm:

A. Cha Đắc Lộ đã Hội Nhập và Đồng Hóa với Văn Hóa Việt Nam như thế nào?

B. Những điều cha Đắc lộ chưa thực hiện.

C. Những thách đố đối với chúng ta ngày nay.

A. Cha Đắc Lộ và Phương Pháp Hội Nhập và Đồng Hóa Với Dân Tộc và Văn Hóa Việt Nam

Đọc các trang Bút Ký về các cuộc Hành Trình Truyền Giáo của cha Đắc Lộ, chúng ta thấy rõ ý hướng duy nhất của ngài là hy sinh đời sống cá nhân, gia đình để hiến toàn thân lo việc truyền giáo. Dự định ban đầu là đi giảng đạo bên Nhật, nhưng Chúa đã an bài cách kỳ diệu để ngài đến nhập tịch vào Việt nam. Vì cảm nghiệm được Thánh Ý Chúa nhiệm mầu đã xếp đặt một cách khác ngoài dự tính, nên ngài đã yêu mến phần đất mới Trời ban cho và nhận làm quê hương thứ hai. Trong thời kỳ đất nước loạn lạc, Nam-Bắc Phân Tranh, bao nhiêu lần cha Đắc Lộ đã “vào sinh ra tử”, len lỏi, lặn lội, gian lao, khi trong nam, lúc ngoài bắc, miễn sao có cơ hội chia sẻ Tin Mừng Cứu Độ với đồng bào Việt nam. Dầu bị nhà cầm quyền truy nã, bắt giam, kết án tử hình, và cuối cùng trục xuất ra khỏi nước, ngài vẫn một dạ trung tín phục vụ cho lý tưởng truyền giáo cho dân tộc Việt nam. Tại Giáo Đô Lamã, ngài yêu cầu Tòa Thánh chấp nhận việc thiết lập Hàng Giáo Phẩm tại địa phương, đặt một vị Giám mục cai quản các giáo phận, đào tạo các linh mục, giáo sĩ bản xứ đặc biệt là người thứ nhất tạo ra cách in, làm ấn bản (typography) và xuất bản sách viết bằng mẫu tự mới để giới thiệu quốc ngữ Việt nam cho thế giới.

Khi mới tiếp xúc với miền Á đông, đối với cha Đắc Lộ, mọi sự đều khác lạ. Một số người tây phương đã tỏ thái độ miệt thị khinh bỉ dân bản xứ. Trái lại, với tâm hồn quảng đại, cha Đắc Lộ đã quan sát kỹ lưỡng, tìm hiểu ý nghĩa cao thượng của các tập quán, ngài đã cảm phục và nhìn nhận những tinh hoa, những cái tốt đẹp trong thuần phong mỹ tục của Việt nam. Cha rất am tường tinh thần đạo đức và tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc Việt nam. Cha chỉ đề cao niềm Tin cổ truyền ở một Vị Thần Siêu Việt hơn hết mọi người, mọi vật mà dân chúng thường kêu xin là: Ông Trời. Cha cũng đã khen ngợi lòng Hiếu Thảo của người Việt Nam hơn mọi dân nước trên thế giới. Có thể cha chưa có thời giờ đủ để tìm hiểu triết thuyết của Tam Giáo, hoặc là vì ngài cho đó là những giáo phái ngoại quốc du nhập từ Ấn độ, Trung quốc vào Việt nam chứ không phải tôn giáo thuần tuý của dân gian. Dầu khen ngợi lòng sùng đạo của dân Việt, Cha Đắc Lộ đã chỉ trích những tập tục mang mầu sắc dị đoan mê tín như đốt vàng mã, hoặc làm tổn thương đến nhân phẩm, vi phạm quyền bình đẳng của người đàn bà, và di hại cho sự hợp nhất của gia đình như tục đa thê.

Ngày nay, nếu người ta thấy các cộng đồng tín hữu Việt nam trong nước và ở ngoại quốc còn sốt sáng “giữ đạo”, xưng tội, rước lễ, dự lễ ngày Chúa nhật với tỷ số rất cao sánh với các cộng đồng khác, sinh hoạt các đoàn thể công giáo tiến hành rất sầm uất… Đấy cũng là truyền thống đã có từ thời cha Đắc Lộ, lấy việc “Hành Đạo”, thực hành làm điều quan hệ hơn là lý thuyết xuông. Hơn nữa, tín lý, tín điều đi đôi, liên kết với các lễ nghi, cầu nguyện và nghệ thuật trang trí, ca nhạc, rước kiệu… khiến việc thực hành đạo được vui tươi, phấn chấn, nhẹ nhàng, không quá “duy lý”, khô khan.



Như ta đã biết, cuốn sách giáo lý của cha Đắc Lộ không phải là một cuốn sách Thần Học hệ thống, bàn về mọi vấn đề về đức tin, luân lý, hay bí tích, nhưng có thể nói cha đã đặt ra phương pháp, nguyên tắc, kế hoạch, đường hướng khá tiến bộ sánh với thời đại cách đây 300 năm, để tìm cách “Hội Nhập” Thiên Chúa Giáo vào Văn hóa Việt Nam. Chính ngài đã mở đường cho chúng ta xây dựng một nền Thần Hoc Việt Nam trong tương lai. Ta thử toát yếu xem trong quan niệm “Thần Học của Cha Đắc Lộ” có những đặc điểm gì.

Thứ nhất. cha đã quan sát rất tường tận, tìm hiểu địa lý, lịch sử, xã hội Việt nam thời Trịnh- Nguyễn phân tranh. Vì là nhà truyền giáo, cha đặc biệt chú trọng đến nhu cầu tinh thần của đồng bào. Ngài nhận thấy những điều tốt, nhưng ngài cũng cảm thấy cần sửa đổi những điều không thích hợp với Tin Mừng. Ngài trung thành với giáo huấn của Hội Thánh sau Công Đồng Triđentinô về cách giải thích Kinh Thánh, các quan niệm thần học về Cứu độ. Cha Đắc Lộ đã cương quyết đả phá những hủ tục và dị đoan mê tín. Do đó, ngài đã cố công nghiên cứu tiếng Việt, dùng các tài liệu của các bạn đồng nghiệp về việc sáng chế ra loại chữ mới, dùng mẫu tự a, b, c, thay cho chữ nho, chữ nôm khó học, ít phổ thông. Cha Đắc Lộ không phải là người đầu tiên sáng tác ra loại chữ này, nhưng ngài có công hệ thống hóa, bổ túc và làm ấn bản để có thể in thành cuốn Tự Điển và Văn phạm tiếng Việt. Nhờ thông thạo Việt ngữ, ngài đã “chuyển ngữ” (translation) từ các danh từ, thành ngữ bằng tiếng La-Tinh sang tiếng Việt để chuyên chở một cách trung thực các tư tưởng thần học công giáo trong sách Giáo lý. Nhiều chỗ cha chỉ cần “phiên âm” các từ ngữ bằng chữ hán trong cuốn “Thiên Chúa Thực Nghĩa” của cha Matteo Ricci, ví dụ chữ thiên thần, linh hồn, Thiên Chúa… Đặc biệt cha Đắc Lộ đẫ sáng tác ra danh xưng đầy âm hưởng tiếng Nam: ĐỨC CHÚA TRỜI. Khi dùng tiếng “Trời” ở đây mà không dùng chữ phiên âm của tiếng LaTinh “Dêu” (Deus), cha đã cho từ ngữ đó một nội dung ý nghĩa hoàn toàn mới.

Thứ hai. cha Đắc lộ đã nhìn nhận những giá trị của văn hóa, vì cho rằng những điều thiện hảo trong các nền văn hóa cổ-kim, đông-tây cũng là do Trời ban cho nhân loại. Ngài đã phá những tập tục làm hạ giá nhân phẩm như tục đa thê, và mê tín dị đoan, nhưng đề cao những thuần phong mỹ tục như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, lòng tín ngưỡng độc nhất đối với Trời trong lễ tế Nam Giao. Ngài dùng kho tàng khôn ngoan phổ biến của nhân gian, tức ca dao, ngạn ngữ để chứng minh, hỗ trợ cho các chân lý của Đạo Mặc Khải. Văn hóa và Đức Tin vay mượn lẫn nhau và làm giầu cho nhau. Mỗi bên học hỏi những điều thiện hảo của nhau. Cùng một Chân lý có giá trị phổ biến, nhưng cách thức diễn tả khác nhau tùy thời, tuỳ nơi, tùy trình độ hiểu biết của người lĩnh hội. Mỗi bên không tiêu diệt lẫn nhau, nhưng bổ túc cho nhau mà vẫn giữ được căn tính (identity) của mình. Cấp bậc cao siêu nhất của văn hóa là triết lý và tư tưởng thần học tín ngưỡng của một dân tộc. Chính ở “địa điểm” (locus) này, Đấng Tạo Hóa đã thông ban Hồng Ân cho nhân loại, “nơi” nhân loại gặp được Đấng Thượng Đế và gặp nhau: “Tứ hải giai huynh đệ” (Tôn Dật Tiên), “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ” (Khổng Tử). Cần so sánh “đối thoại” giữa các tôn giáo, trao đổi các quan điểm, lập trường tương đồng, tương dị, và tôn trọng sự lựa chọn niềm tin của người khác.

Thứ ba, theo các lời tự thuật trong các sách Du kí, cha Đắc Lộ đã quan sát khá tinh vi về nếp sống của dân chúng Việt nam. Biết trước sẽ gặp sức đề kháng chống đối mạnh mẽ về phía nhà cầm quyền, nhưng cha Đắc Lộ vẫn can đảm rao giảng những Chân lý của Phúc Âm với ước nguyện cải đổi được nếp sống tinh thần, xã hội Việt Nam thêm hoàn hảo. Do đó, để nâng cao nhân phẩm người phụ nữ, cha đã cương quyết rao giảng chế độ “nhất phu nhất phụ”, dầu bị vua chúa cấm cách, bỏ tù, trục xuất. Mặt khác, vì thấy dân chúng Việt nam trọng lễ nhạc, vui thích đời sống cộng đồng hội hè đình đám, rước sách, nên cha Đắc Lộ đã cổ võ thành lập hội đoàn để việc sinh hoạt tôn giáo, và thực hành sống Đạo được sầm uất, phấn khởi. Đây cũng là nét đặc thù của các cộng đồng công giáo Việt Nam hải ngoại, như ta thấy ngày nay trên khắp thế giới, khác biệt với cách sống đạo của các cộng đồng khác.

Thứ bốn. đối với cha Đắc Lộ, công cuộc Hội Nhập tiến đến giai đoạn cao nhất là đào tạo hàng giáo phẩm, giáo sĩ để thành lập các giáo đoàn địa phương. Việc truyền bá Tin Mừng chỉ thực sự thành công, hiệu lực khi hai yếu tố Văn Hóa và Đức Tin hỗ trợ lẫn nhau. Trên bình diện văn hóa, ai có thể hiểu biết tâm tình, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục của nước ấy bằng chính người bản xứ? Việc đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa phải được diễn ra trên bình diện triết lý và thần học thì mới có sự thông cảm. Do đó, việc đào tạo và huấn luyện các “chiến sĩ” truyền giáo bản xứ vừa thấm nhuần văn hóa dân tộc vừa hiểu biết sâu xa về giáo huấn của Hội Thánh là điều rất quan trọng. Ta được biết: cha Đắc Lộ đã thành lập Hội “Nhà Đức Chúa Trời” để đào tạo các “Thầy Giảng”. Trong số các ứng viên, ngài đã tuyển chọn các cựu tu sĩ Phật giáo, các nho sĩ là những người thông thạo văn hóa của dân tộc. Ngài cũng bắt buộc các thanh niên còn ít tuổi phải học Tứ Thư Ngũ Kinh thì mới được nhận làm Thày Giảng. Có thể nói, chính những “tông đồ” thông thái cả đạo lẫn đời này đã giúp cha hoàn thành bộ tự điển và sách giáo lý. Khi từ giã nước Việt thân yêu để trở lại Rôma, cha Đắc Lộ đã tường trình cho Tòa Thánh công việc cấp bách là thành lập hàng Giáo Phẩm địa phương. Nhờ Đức Tin vững chắc và một kiến thức sâu rộng về dân tộc học, giáo sĩ hay giáo dân mới có đủ khả năng xây dựng nền Thần Học Việt Nam được.

Trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, nếu dân tộc đã gặt hái được những tinh hoa kết quả rực rỡ, như cái chết anh hùng tuẫn tiết vì Đạo của Thày Giảng “Anrê Phú Yên” mà cha Đắc Lộ đã chứng giám, và hàng trăm ngàn các vị Anh Linh khác, đặc biệt 117 vị Thánh Tử Đạo được toàn thể thế giới tôn kính, nếu đã có vị giáo dân Nguyễn Trường Tộ can đảm hiên ngang viết nên Bản Điều Trần để yêu cầu nhà vua canh tân xứ sở, nếu vị Linh mục Trần Lục (quen gọi là Cụ Sáu) đã kiến thiết nên ngôi Thánh Đường Phát Diệm, một kiến trúc hòa hợp được Đông-Tây, Đạo-Đời… Thiết tưởng đấy cũng là nhờ Công Ơn của cha Đắc Lộ đã dẫn đàng mở lối vậy.



B. Những Vấn Đề Cha Đắc Lộ Chưa Thực Hiện Được

Sau hơn 300 năm, nếu muốn tìm hiểu và phê phán về công trình sự nghiệp của cha Đắc Lộ đã thực hiện hoặc còn thiếu sót, chúng ta cần phải đặt mình vào hoàn cảnh thời bấy giờ. Nếu chỉ dùng những tiêu chuẩn ta có ngày nay để nhận định, phê phán, sợ rằng chúng ta sẽ phạm lỗi bất công và “lỗi thời” đối với người xưa



1. Sách Giáo Lý, Catechismus, đặt tên là: “Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời”, ta cần tìm hiểu chủ đích của tác giả, độc giả là ai, và vào thời điểm nào. Chủ đích của cha Đắc Lộ là nhằm giúp các Thày giảng một tập tài liệu tham khảo để giảng dạy cấp tốc trong 8 ngày những người tân tòng muốn lĩnh phép Rửa tội. Do đó, ta biết được mục tiêu, thính giả, thời gian và đề tài giảng dạy rất hạn chế, không có chiều sâu rộng, đầy đủ như một cuốn sách giáo lý thông thường. Cũng vì thế, chỉ dạy những điều cần thiết để chịu phép Rửa Tội mà thôi, chưa dạy về Bí Tích Thêm Sức, sẽ được dạy sau này. Cũng không dạy về phép Mình Thánh Chúa, có thể để dành cho vị linh mục dâng Thánh Lễ MiSa.

Sách Giáo Lý kể lại nhiều phép lạ Chúa Cứu Thế đã làm để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa sai xuống cứu nhân độ thế, nhưng không đủ thì giờ diễn giảng về ý nghĩa của các dụ ngôn. Chú trọng về “thần tính” hơn là “nhân tính” của Đấng Cứu Thế đã chia sẻ số phận nghèo hèn, khổ sở với nhân loại khi sinh ra nơi hang bò lừa, hoặc khi Ngài tố cáo những bất công xã hội để bênh vực người nghèo. Về cách chú giải Kinh Thánh, cha Đắc Lộ theo cách Chú Giải Kinh Thánh cách đây 300 năm, cắt nghĩa dựa vào “mặt chữ”, khác với phương pháp Bình Phẩm Kinh Thánh (Biblical Criticism) hiện đại, dựa vào khám phá của khoa sử học, khảo cổ, ngôn ngữ, thể văn (Literary Genres) hình thức sử học (Form-Criticism).



2. Về khoa thần học các tôn giáo (Theology of Religions), cũng như cha Matteo Ricci và các nhà truyền giáo thời bấy giờ có vẻ khắt khe đối với các tôn giáo ngoài-Thiên Chúa Giáo. Câu phương châm: “Ngoài Hội Thánh không có sự Cứu Độ” (Extra Ecclesiam nulla salus, Outside the Church there is no salvation) được giải nghĩa một cách hạn hẹp. Ngày nay, theo sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, công bố năm 1992, số 846-848, câu phương châm ở trên không nhằm, không áp dụng cho những ai không được biết Đấng Cứu Thế, mà không phải do lỗi của họ. Đấy chính là những người chưa được nghe giảng về Tin Mừng của Chúa Cứu Thế, nhưng họ theo tiếng của Lương Tâm, ăn ngay ở lành, tin ở “Ông Trời” thưởng người tốt, phạt kẻ dữ. Những người “lương dân” ấy, nhờ Ân Sủng Chúa giúp bằng cách nào đó mà ta không biết được, cũng có thể được lĩnh Ơn Cứu Độ. Xét về quan điểm thần học này, có thể nói: cha Đắc Lộ đã tiến khá xa hơn các bạn đồng nghiệp khi ngài đề cao giá trị của Đạo thờ “Ông Trời”, và Đạo Hiếu của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như các nhà truyền giáo bên Trung Hoa, cha Đắc Lộ đã không đủ thời giờ, không có phương tiện học hỏi về triết lý cao siêu của các Đạo giáo như Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo. Đó cũng là những thách đố, những công việc còn dang dở, chờ đợi chúng ta bổ khuyết.

C. Những Thách Đố Đối Với Chúng Ta Ngày Nay

Từ ngày thành lập Hội Thánh Việt Nam cho đến ngày nay, đã được 466 năm, nếu tính từ năm 1533, theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thuật lại, đã có người tên là “I Ne Khu” (có thể là Ignatius) tới các làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc quận Nam Chân và đến làng Trà Lũ thuộc quận Giao Thủy, tỉnh Sơn Nam, để giảng Đạo của “Giatô” (phiên âm chữ nho của chữ Jesus, ngày nay đọc là Giêsu). Đặc biệt, cũng đã 372 năm, nếu tính từ ngày 19 tháng 3, năm 1627 khi cha Đắc Lộ cập bến Cửa Bạng (tức Ba Làng) và Ngài đã dâng Thánh Lễ kính Thánh Giu Se, để xin Thánh Cả bảo trợ Hội Thánh Việt Nam và các hoạt động tông đồ truyền giáo. Trước đó 3 năm, năm 1624, lần đầu tiên từ Macao, cha Đắc Lộ đã cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) cùng với 6 cha dòng Tên khác. Cha Đắc Lộ đã vĩnh biệt Việt Nam để trở lại Rôma năm 1645, sau 27 năm phục vụ tại miền Đông Nam Á. Ngày nay, chúng ta thử nhận định một cách tổng quát xem, sau gần nửa thiên niên nghe giảng Tin Mừng của Chúa Cứu Thế, Hội Thánh Việt Nam đã thực hiện được những công trình, những hoạt động truyền giáo nào để nối tiếp sự nghiệp của cha Đắc Lộ? Và ngày nay, những Thách đố nào chúng ta cần đối phó để đem Tin Mừng Hội Nhập vào Văn Hóa dân tộc?

Theo lịch sử, Đạo Thiên Chúa đã được rao giảng gần năm thế kỷ trên giang sơn Việt Nam, nhưng vào thời kỳ loạn lạc, đất nước phân chia, nhà cầm quyền không có chính sách ngoại giao khôn khéo để đối phó với những biến chuyển của chính trường quốc tế. Vả lại, vì các vị truyền giáo là người tây phương và giáo thuyết của đạo mới có nhiều điều khác lạ đối với phong tục tập quán và tín ngưỡng địa phương, nên đã gây nên nhiều nghi kị, chống đối, cấm cách. Cho đến ngày nay, mối nghi kị, coi Thiên Chúa Giáo như đạo ngoại quốc, vẫn chưa đánh tan được. Có những lý do tiêu cực phát sinh do sự hiểu lầm về công cuộc truyền giáo, chẳng hạn đồng hóa các thừa sai tây phương với những người buôn bán hay đi chinh phục đất đai, hoặc vì thành kiến, bảo thủ, nên coi những giáo thuyết mới là “tà đạo”. Bởi vậy, có thể nói, gần 400 năm, việc rao giảng Tin Mừng không được tự do truyền bá. Các thừa sai ngoại quốc, hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và giáo dân luôn bị truy nã, cầm tù, và bị giết như những tội nhân. Do đó, việc xây dựng những công trình lớn lao về thần học, triết học, văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, hội họa… để thể hiện chính sách Hội Nhập Thiên Chúa Giáo vào văn hóa Việt Nam, khó thành công được. Hội Thánh chỉ được hưởng tự do an bình để giảng đạo chừng gần trăm năm nay mà thôi. Phần lớn các sinh hoạt tôn giáo đều nhằm vào việc củng cố “nội bộ” như đào luyện các thầy giảng, các linh mục, tu sĩ, lập ban hành giáo, các hội đoàn đạo đức, dạy kinh bổn cho bổn đạo. Do đó, chưa sáng tạo được những kiệt tác về thần học triết học, văn chương, nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, kiến trúc do chính người Việt nam, vừa thấm nhuần văn hóa dân tộc vừa cảm nghiệm được Thiên Ân để sáng tác nên những tác phẩm giá trị, hay những áng thơ tuyệt diệu .

1. Về phương diện Văn chương và Nghệ thuật. Cha Đắc Lộ và các vị thừa sai đã hợp tác để sáng chế ra loại chữ mới hoàn toàn khác với chữ nho và chữ nôm để dùng trong việc truyền bá Tin Mừng. Vì loại chữ này rất tiện lợi, dễ học, nên đã trở thành lợi khí sắc bén để phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng và tán tụng là: “Quốc ngữ, chữ nước ta”. Theo Văn Học Sử Việt Nam, sức bành trướng của chữ Quốc ngữ mạnh mẽ phi thường. Chỉ trong vòng mấy chục năm vào đầu thế kỷ 20, đã xuất bản được những tạp chí giá trị như “Đông Dương Tạp Chí”, “ Nam Phong Tạp Chí”, chuyên khảo cứu về văn chương, triết lý, khoa học, nghệ thuật Đông -Tây. Vào khoảng năm 1932, thành lập “Tự Lực Văn Đoàn”. Cũng trong thời gian đó, văn chương Việt nam đã phát tirển rực rỡ với đủ các loại văn như: tiểu thuyết, học thuật, phong tục, tả thực… Vào năm 1940, người ta đã có thể thu thập, xếp loại các trường phái và khuynh hướng của các “Nhà Văn Hiện Đại”.

Nhắc lại một giai đoạn trong Lịch Sử Văn Học Việt Nam ở trên, giúp ta dễ so sánh với tình trạng văn chương tôn giáo, và các công trình nghệ thuật trong Giáo Hội Công Giáo. Theo những tài liệu hoặc sách báo xuất bản gần đây, làm công việc “tổng kết” những hoạt động văn hóa của người Công giáo Việt Nam đã tham gia vào “Dòng Sinh Mệnh của Dân Tộc”, hoặc “Trong Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc”, ta có thể tạm chia làm hai thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất, sau khi Giáo Hội được tự do giảng Đạo, các sách báo “nhà đạo” hạn định vào việc củng cố đức tin của tín hữu, việc ấn loát chú trọng vào in sách kinh, sách bổn giáo lý thuộc các địa phận, cổ động lòng sùng kính, noi gương các thánh, phổ biến các thủ bản của các hội đoàn… Trong thời kì này, việc sáng chế ra các danh từ mới để chuyển đạt những tư tưởng về Thần học, Triết học, Kinh Thánh, phụng vụ, giáo lý… chưa được phát triển mạnh mẽ, dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, các vị thừa sai, vì nhu cầu giảng dạy trong các chủng viện để đào tạo các linh mục bản xứ, cũng đã xuất bản được một số sách danh tiếng như: Tự Điển Việt-Latinh của Giám Mục Taberd, Tự Điển Việt-Hán-Pháp của cha Hue. Công trình nghiên cứu về đạo giáo và phong hóa Việt Nam của cha L. Cadière, rất công phu, nổi tiếng. Ngoài ra, rất ít người biết đến những tài liệu giáo khoa bằng tiếng Việt, đã được soạn thảo để giảng dạy trong các chủng viện, về thần học, triết học, giáo luật… Trong thời kỳ này, ta cũng thấy một vài “ngôi sao” xuất hiện, thực sự góp phần làm vinh hiển cho nền văn hóa Việt Nam, đó là nhà bác học và văn hào Trương Vĩnh Ký. “Bản Điều Trần” của Nguyễn Trường Tộ, và “Nhà Thờ Phát Diệm” của Cụ Sáu, tức cha Trần Lục, là những viên ngọc quí giá, đã tô điểm cho lâu đài văn hóa Việt Nam.

Từ sau năm 1945, nghĩa là bắt đầu thời kì độc lập, một con số rất hùng hậu những tu sĩ, chủng sinh Việt Nam được gửi ra ngoại quốc du học tại các đại học danh tiếng trên thế giới, nhờ các học bổng của Giáo Hội hoàn vũ giúp đỡ. Trong suốt thời gian 1945-1975, hàng mấy trăm tu sĩ và giáo dân “xuất dương du học”, khắp các đại học danh tiếng ở Âu-Mỹ, về đủ mọi ngành học vấn, thần học, triết học, khoa học… Một số lớn đã trình các luận án tốt nghiệp, để khi trở về nước, được bổ sung vào các trường đại học Công Giáo hay chính phủ vừa thiết lập.

Một số du học sinh đã khởi công nghiên cứu đặc biệt về khoa ngữ học Việt Nam, nổi tiếng như linh mục Lê Văn Lý. Một nhóm người trở về nguồn, tiếp nối con đường của cha Đắc Lộ, đã sưu tầm về nguồn gốc chữ Quốc Ngữ như Nguyễn Khắc Xuyên. Cũng có một số đông dụng công viết lại những trang sử về Giáo Hội sơ khai tại Việt Nam như Đỗ Quang Chính. Có vài vị khai thác những giá trị cổ truyền trong Khổng Giáo để áp dụng vào khoa thần học Thiên Chúa Giáo như Trần Văn Hiến Minh. Có thể nói, đây là một giai đoạn rất hứng khởi, đầy hứa hẹn cho tương lại dân tộc và Giáo Hội Công Giáo, về văn học và nghệ thuật, đặc biệt những bài Thánh ca đầy dân tộc tính của Hùng Lân, Hải Linh, Tiến Dũng, và các Sách Lễ Phụng Vụ bằng tiếng Việt do nhóm Hiện Tại khởi xướng từ 1950.

Tuy nhiên, vì thiếu một cơ quan chỉ đạo chung của Giáo Hội để hướng dẫn các du học sinh biết chọn các môn học tuỳ theo nhu cầu, vì thiếu các tổ chức khuyến khích việc in và xuất bản, nên nhiều luận án giá trị, hầu hết viết bằng ngoại ngữ, vần còn nằm im lìm trong các thư viện, không ai biết tới!

Về mặt truyền thông, giới công giáo chưa xuất bản được một nhật báo, tuần báo hay nguyệt san có tầm mức gây uy tín nơi toàn thể đồng bào để “đem Đạo vào Đời”, để phát biểu lập trường của Hội Thánh về các vấn đề chính trị, kinh tế, công bằng xã hội, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm giá trị do các giáo sĩ hay tín hữu thực hiện, nhưng không được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc, vì thiếu một cơ quan của Giáo Hội nâng đỡ, bảo trợ để có thể xuất bản và tiêu thụ trên thị trường. Cũng thiếu những tổ chức chính thức của Giáo hội, hoặc các “mạnh thường quân”, để khuyến khích, tặng giải thưởng cho các văn nghệ sĩ và các tác phẩm xuất sắc về văn chương, hội họa, điêu khắc… kết tinh được Đức Tin và Văn Hóa.

Nếu so sánh với “văn chương ngoài đời”, như đã đề cập ở trên, ta nhận thấy những công trình sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật, vẫn còn khiêm tốn, vì thiếu quảng bá hoặc vì chưa thực sự thấm nhuần văn hóa đạo đức tinh hoa của dân tộc, nên không được đồng bào ngoài Công Giáo mến chuộng. Đây là một thách đố lớn lao nhất của người Công Giáo Việt Nam, bởi vì bao lâu “Đạo” chưa ăn rễ sâu vào dòng sinh mệnh của dân tộc để sinh hoa kết quả là các công trình văn chương, nghệ thuật, thì mối nghi ngờ Thiên Chúa Giáo là “đạo ngoại lai”, vẫn chưa có thể đánh tan được!


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương