Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


ĐOẠN II . Trực Giác “Nhất Quán” Của Đông Phương



tải về 2.02 Mb.
trang5/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   31

ĐOẠN II . Trực Giác “Nhất Quán” Của Đông Phương

Chân Lý Tuyệt Đối là Một, nhưng có nhiều cách nhận thức và diễn tả khác nhau. Vì Chân Lý là Siêu Việt còn trí khôn nhân loại là hữu hạn, tương đối, nên ngôn ngữ loài người không thể biểu lộ Chân Lý một cách thấu triệt, toàn diện ngay được. Bởi vậy, con người chỉ có thể lãnh hội được Chân Lý từng phương diện, từng phần một, rồi gom góp lại, và bổ túc cho nhau để có một cái nhìn toàn diện hơn, nhờ quan sát sự vật, nhờ trực giác, nhờ lý trí, hoặc nhờ Mặc Khải (revelation). Nhưng cũng nên khiêm nhượng mà nhìn nhận rằng: không ai có thể nắm trọn được Chân Lý Toàn Diện, mà phải cố gắng cùng nhau đi tìm Chân Lý suốt đời. Do đó, không lạ gì cùng một chân lý mà cách thức suy luận và diễn tả của Tây Phương và Đông Phương khác nhau. Tuy nhiều con đường đi khác nhau, nhiều nhãn quang khác biệt nhưng cùng đều dẫn về cùng một chủ đích mà thôi. Nhà hiền triết Khổng Phu Tử viết: “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự” (Nhiều đường, nhưng cùng dẫn về một chốn; lo nghĩ trăm điều, nhưng đều cùng về một mối). Ngạn ngữ Tây Phương có câu: “Tout chemin conduit à Rome” (mọi con đường đều dẫn về La Mã).

Như vừa trình bày ở trên: Phương Thức lý luận của Tây Phương căn cứ vào Lý Trí biện biệt như: thiện-ác, tối-sáng, trắng-đen, tốt-xấu, … và hai bên đối nghịch để tiêu diệt lẫn nhau. Hoặc là chấp nhận bên này, thì phải bỏ bên kia. Con đường tiến tới Chân Lý Tuyệt Đối của Đông Phương thì không thích biện biệt, nhưng luôn nhìn vào lẽ Nhất Quán, tức cái toàn thể duy nhất của vũ trụ. Hơn nữa, theo tư tưởng Đông Phương, hai sự vật mâu thuẫn, đối nghịch, không tiêu diệt nhau, nhưng có thể đồng hành, và bổ khuyết cho nhau, để luôn giữ một sự Hòa Hợp, Trung Hòa, và Quân bình. Nhờ Trực giác, Đông Phương đi thẳng vào lẽ Nhất Quán của vạn sự vạn vật, coi vũ trụ là một khối hợp nhất, do Một Nguyên Lý phát sinh ra. Vì thế, có người cho rằng Đông Phương chủ trương triết thuyết “Nhất Nguyên”. Quan niệm “Vạn Vật Nhất Thể”, hay “Tam Tài”, cũng do ý niệm Nhất Nguyên mà ra. Sau đây, ta sẽ bàn luận về ý niệm “Dịch”, tức là sự vận chuyển, thay đổi của vũ trụ, nhưng lúc nào cũng giữ mức “Trung Hòa”, Trung Độ, cốt sao duy trì được tinh thần hòa hợp, tránh cạnh tranh, nhưng chuộng khoan dung, du di, uyển chuyển,” tùy cơ ứng biến”. Vì chú trọng vào lẽ Nhất Quán, vào Nguyên Lý Tối Thượng của vũ trụ, nên các triết gia, đạo sĩ Đông Phương ưa thích dùng “đường lối phủ định” (via negativa), để suy niệm và chiêm ngưỡng Nguyên Lý đó.(16)

A. Luật Phản Hồi

Theo Kinh Dịch, và Lão Tử (đoạn 40), vũ trụ vật chất hữu hình hay tinh thần siêu hình đều vận chuyển, di dịch theo nguyên lý gọi là “Đạo Trung Hòa” . Tuy Đạo là vô hình, nhưng ta tạm biểu thị bằng một vòng tròn (chỉ sự trọn vẹn, “hoàn toàn”). Đạo là Tuyệt đối, Siêu việt, nơi vừa phát sinh, vừa qui tụ vạn vật. Khi ở vị thế “Động”, Đạo được biểu lộ bằng hai hành động khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Một cách gọi là Âm(Đen), và một cách gọi là Dương(Trắng). Âm-Dương tuy phân biệt, nhưng không tiêu diệt nhau, vì trong Âm đã sẵn chứa mầm mống Dương (chấm trắng), và trong Dương đã sẵn chứa mầm mống Âm (chấm đen) (coi Hình A, cũng gọi là Thái Cực )

Lực lượng tích cực biểu thị bằng +A, đối nghịch với lực lượng tiêu cực B-, nhưng hai lực lượng này không tiêu diệt nhau được vì có một lực lượng thứ ba (C), tức Nguyên Lý Siêu Việt, vô hình tạm gọi là Đạo, giữ quân bình không cho bên này lấn át bên kia. (coi Hình B). Hễ một phía tiến đến cùng cực như Dương-cực, thì nó phải bắt đầu chuyển sang Âm. Khi Âm-cực, thì bắt đầu “Phản Hồi”, quay trở lại Dương. Ví dụ, khi ta thấy ngày (Dương) lên đến cực độ (giữa trưa), thì bắt đầu chuyển xuống đêm (Âm); khi đêm (Âm) đến cực độ (nửa đêm), thì lại bắt đầu chuyển sang ngày (Dương) mới. Luật Phản Hồi của trời đất cứ xoay vần luôn thế mãi, không một lực lượng đối lập nào bị tiêu diệt. Cái này bổ túc, nâng đỡ cho cái kia, vật này nhờ vật kia mà tồn tại: chúng kích động lẫn nhau để cùng chuyển động, và cùng biến hóa. Đó là ý nghĩa của câu: “Bĩ cực, Thái lai”, “Hết mưa, trời lại nắng”, “Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”. Những cặp mâu thuẫn này giằng co nhau mà tồn tại, không cái nào hơn, không cái nào kém.Tối là điều kiện của Sáng; Tĩnh là điều kiện của Động; Xấu là điều kiện của Đẹp. Vả lại, cái này, cái kia chỉ có giá trị tương đối, nghĩa là trên đời này không có một vật nào hoàn toàn tốt, hay hoàn toàn xấu cả.(17)

B. Đạo: Nguyên Lý Siêu Việt, Vô Hình

Lực lựợng thứ ba tức là ĐẠO, là Một Nguyên Lý Siêu Việt, vô hình, thuần nhất, tuyệt đối, vượt trên hai lực lượng kia, để điều hòa, hợp nhất, và duy trì các biến chuyển luôn ở mức độ Trung Hòa, Quân Bình. Nguyên Lý vô hình này là ĐẠO của vũ trụ, nghĩa là ĐƯỜNG mà các sự vật hữu hình hay vô hình đều chuyển động theo quỹ đạo đó. Các vì tinh tú, mặt trời, mặt trăng, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, …, đều theo luật tuần hoàn thay đổi một cách nhịp nhàng. Nguyên Lý Siêu Việt hay ĐẠO của vũ trụ cũng được áp dụng trong đời sống luân lý, đạo đức để giúp ta sống điều hòa an vui, “không thái quá, chớ bất cập”.

Bởi vậy, Phương Pháp Lý Luận của Đông Phương không chấp nhận cho cặp mâu thuẫn đối chọi, tiêu diệt nhau. Lý luận Tây Phương thiên về biện biệt, phân chia hai lực lượng cho chúng đối nghịch nhau, rồi bắt phải công nhận một bên, và phi bác bên kia. Lý luận Đông Phương thiên về Trung Hòa, nghĩa là lực lượng thứ ba có thể dung hòa, điều hợp hai lực lượng kia.

Cũng có người gọi “ĐẠO” là Tam Nguyên, tức lực lượng thứ ba phối hợp hai lực lượng thành Một. Có thể nói: một là hai, hai là ba, ba là tất cả. Tam Nguyên cũng được gọi là quan niệm “Lưỡng-Nhất”. Hai mà Một; Một mà Hai, như câu: “Mình với ta tuy Hai mà Một; Ta với mình tuy Một mà Hai” (Tản Đà). Thuyết Tam Nguyên do Nhất Nguyên mà ra, vì số Ba đây là sự “trở về số Một”, trở về cái Nguyên Lý đầu tiên của vũ trụ. Ta chia tâm thức con người làm ba giai đoạn: 1) Nhất Nguyên: tâm thức cá nhân hòa đồng cùng vũ trụ vạn vật. 2) Nhị Nguyên: giai đoạn của triết học Nhị Nguyên (dualism), của Lý Trí, của Khoa học. Cá nhân chống lại thiên nhiên, vạn vật. 3) Tam Nguyên: tâm thức cá nhân vượt trên quan niệm Nhị Nguyên của Lý Trí, để trở về Nhất Nguyên, tức cái “tâm thức vô sai biệt” lúc ban đầu.(18)



Luận lý Đông Phương theo nguyên tắc Trung Đạo, Trung Dung, Trung Hòa, nên chấp nhận “vừa” thế này, lại “vừa” thế kia nữa (both… and…), vì nó siêu thoát và vượt trên cách lý luận biện biệt: “hoặc” thế này,”hoặc” thế kia của Tây Phương.

Số 2 tiêu diệt lẫn nhau; còn số 1, và số 3 thì giống nhau, vì số 3 tượng trưng cho sự hợp nhất, bao dung tất cả thành số 1. Do đó, đối với Đông Phương sự phân biệt ra hai bên (nhị nguyên) là một khuyết điểm. Đạo sĩ chống lại tinh thần biện biệt (distinction, discrimination), vì cho đó là do cái Tâm-sai- biệt phân chia sự sự vật vật làm hai phần khác biệt như: Tâm-Vật, Hữu-Vô, Nội-Ngoại, Bỉ-Ngã, Tâm-Trí, Thiện-Ác, Sinh-Tử, v.v. Đông Phương cũng không chấp nhận lập truờng quá khích của chữ “duy” (chỉ=ism), hoặc “duy vật”, hoặc “duy tâm”, nhưng chủ trương Dung Hòa.

Những cặp mâu thuẫn đã được luận lý Đông Phương hợp lại như:” Tri hành hợp nhất”, “Vạn vật nhất thể”, “Tam Tài” (Thiên-Địa-Nhân). Đại-Càn-Khôn (vũ trụ), và Tiểu-Càn-Khôn (loài người) là một; Vũ trụ quan và Nhân sinh quan là một; Siêu hình và Tâm lý là một; Triết lý và Đời Sống là một; Linh hồn và Thể xác là một con người; Lý (khoa học) và Tình (tôn giáo) là một.(19)

Vì nhận “ĐẠO” là Nguyên Lý bao dung, kết hợp thành Một, nên về mặt tình cảm, tính tình, lối xử của Đông Phưông thích hòa đồng, “chín bỏ làm mười”, không ưa tranh đấu. Ngay trong lãnh vực tôn giáo, Đông Phương ít khi xẩy ra “thánh chiến” tàn khốc như các nơi khác. Từ bao nhiêu đời, Tam Giáo, tức Khổng-Lão-Phật, vẫn có thể vui vẻ, đề huề sống chung trong một nước, một nhà, và ngay cả trong tâm trí của một người.



C. Đường Lối Phủ Định (Via Negativa)

Xưa nay, các triết gia, thần học gia thường phân biệt Tuyệt đối (Absolute), với tương đối (relative). Nhân loại và cả vũ trụ này đều thuộc thế giới tương đối, nghĩa là có thể dùng trí khôn mà hiểu biết, và dùng ngôn ngữ mà diễn tả được. Nhưng đối với Thần Linh, Siêu Hình, Tuyệt Đối (Hình nhi Thượng Học), nghĩa là vượt trên sự hiểu biết, sự suy tuởng của tâm trí nông cạn, giới hạn của loài thụ sinh, thì không thể dùng từ ngữ, hình ảnh, hay sự vật nào thuộc thế giới tương đối mà biểu lộ một cách tương xứng được. Vì nếu ta có thể hiểu thấu, và diễn tả một cách tương xứng, thì Chân lý Tuyệt Đối đó không còn đáng gọi là Tuyệt Đối nữa!

Cho nên, khi tạm mượn các danh xưng trong ngôn ngữ nhân loại để gọi Nguyên Lý Tuyệt Đối như: Ông Trời, Thiên Chúa, Thượng Đế, Đạo, hay là Vô, Vô Danh, Chân Như, v.v., thì nên biết rằng: đó là điều “bất đắc dĩ” mà thôi! Cũng vì sự bất tương xứng trong khi dùng ngôn từ thuộc giới tương đối để diễn tả Chân lý thuộc giới Tuyệt Đối, nên các nhà triết học, đặc biệt các nhà thần bí (mystics) hay dùng kiểu nói phủ định để biểu thị những cảm nghiệm về Thực Tại Tuyệt Đối. Đó là Thần Học Phủ Định (Apophatic, negative Theology). Do dó, khi các đạo gia Đông Phương dùng những từ ngữ phủ định để ám chỉ Thực Thể Tuyệt Đối như “Vô”, “Vô Danh”, “Chân Không Diệu Hữu”, thì chữ “Vô” ở đây không có nghĩa là hoàn toàn rỗng không, không có gì hết (nothing). Nhưng chữ “VÔ” chỉ để biểu lộ siêu việt tính của “Vô Tuyệt Đối” (Absolute Nothingness), nghĩa là “Không” một ngôn ngữ nào, thuộc giới “tương đối”, có thể dùng để biểu lộ tính chất Tuyệt Đối được! Nếu có thể dùng một danh từ nào trong trần thế để đặt tên cho Nguyên Lý Tuyệt Đối (như cách thế người ta đặt tên cho con cái, cỏ cây…), thì Nguyên Lý đó “không” còn là “Khác” mọi loài mọi vật được nữa! Do đó, mới gọi là “Vô Danh Thiên Địa chi thủy”. Tiếng “Đạo” hay Thượng Đế,… chẳng qua là bất đắc dĩ phải “tạm” dùng mà thôi. Kỳ thưc, không phải vậy!

Kiểu diễn tả phủ định, tiêu cực “Vô”, cũng được các nhà thần bí Tây Phương dùng. Chẳng hạn như Meister Eckhart, Dionysius, và Thánh Thomas Aquinas gọi là “đường lối Phủ định” (via negativa, via remotionis). Những thành ngữ tiêu cực thường dùng trong khoa thần học thần bí (theologia mystica) như Chúa là Đấng Vô hình, Vô tượng, Vô danh, Bất khả ngôn, Bất khả tri, v.v., không có nghĩa chối Chúa, nhưng chỉ để biểu lộ sự Siêu Việt Tuyệt Đối của Chúa mà thôi. Kiểu nói phủ định có thể còn giúp ta cảm thấy một sự quả quyết mạnh mẽ hơn về sự hiện hữu của Chúa nữa!

Các đạo gia Đông Phương ưa thích dùng “đường lối phủ định” để ám chỉ tính chất siêu phàm của Thực Tại Tuyệt Đối, nhất là trong Thiền học, Lão học, và Đạo học (Chu Hi, Vương Dương Minh). Ví dụ: Lão Tử tạm đặt tên cho “Thực Tại Tuyệt Đối” là “ĐẠO”, kỳ thực, không phải tên thật của ĐẠO, là ĐẠO. Nhưng ĐẠO là Vô Danh, như câu trong Đạo- Đức-Kinh: “Vô Danh Thiên Địa chi Thủy”,.., (nghĩa là: “Vô Danh” là nguồn gốc của Trời đất).

Thiền sư diễn tả “Tuyệt Đối” bằng câu: “Chân Không Diệu Hữu”, (nghĩa là: Không thật mà thật Có.). “Không” ở đây không phải là không có gì hết, nhưng là “Không Chân Thật, Không Tuyệt Đối” (Absolute Nothingness), nghĩa là “không” có vật gì sự gì trong thế giới tương đối này có thể so sánh được, vì thế, “Không Chân Thật” đó lại là cái “CÓ Tuyệt Diệu nhất”.



D. Thinh Lặng, Chiêm Ngưỡng

Để bảo toàn tính chất Siêu Việt, vượt không-thời gian, và trên thế giới tương đối này, các đạo gia Đông Phương thường giữ thái độ Thinh lặng để Chiêm ngưỡng Thực Thể Tuyệt Đối’ hoặc dùng đường lối phủ định để xưng hô như: Vô, Vô Cực, Vô Tâm, v.v. Đối với các nhà thần bí, chỉ có cảm nghiệm cá nhân mới giúp cảm thông được với Thực Thể Tuyệt Đối. Ngoài ra không thể dùng danh từ, hình ảnh nào tương xứng để biểu lộ, ngay cả việc suy tư trong trí khôn về một Nguyên Lý Tuyệt Đối cũng không thể thực hiện được.

Các đạo gia ít khi suy luận về các Ưu Phẩm, hay Thuộc Tính (attributes) của Nguyên Lý Tuyệt Đối như trong thần học Tây Phương. Các vị thiền sư gặp nhau để hàn huyên, đàm đạo gọi là “thanh đàm” (nói truyện xuông). Khi câu truyện tới chỗ “không không-có”, “không không-không”, thì họ chỉ còn thinh lặng và hiểu ý nhau bằng một nụ cười. Các đạo gia còn thực hành “tọa vong”, nghĩa là ngồi thinh lặng cho tâm trí “quên hết mọi sự”, và quên luôn cả việc “quên hết mọi sự” nữa, để chỉ còn chiêm ngưỡng “Đạo” mà thôi! Các thiền sư dùng phương pháp “tọa thiền”, tức là ngồi thiền tại thiền đường hay “tĩnh tọa”, ngồi im lặng để tâm niệm. Ngoài ra, còn nhiều phương pháp chiêm niệm khác như Yoga. Do đó, các đạo gia, các nhà thần bí Đông Phương chủ trì việc chiêm niệm trong thinh lặng để tìm gặp, và cảm nghiệm Chân Lý Tuyệt Đối. Nhờ chiêm niệm mà tìm ra ý nghĩa đời sống, và luyện tập các nhân đức.

Chân Lý Tuyệt Đối vượt tầm mức trí khôn nhân loại (thuộc thế giới tương đối), nên các đạo gia thường giữ thái độ thinh lặng chiêm ngưỡng hơn là phát biểu bằng ngôn từ. Vì khi phát ngôn thì phải dùng danh từ, hay hình ảnh (thuộc thế giới tương đối), nên vừa không thể diễn đạt đầy đủ Chân Lý Tuyệt Đối, vừa khó thông đạt những cảm nghiệm riêng. Do đó, mới có câu: “Tri giả bất ngôn” (biết thì không nói), vì sợ nếu nói ra không hết lời, không diễn tả được hết ý. Câu khác: “Thư, bất tận ngôn; ngôn, bất tận ý” (sách, không hết lời; nói, không hết ý). Hoặc là khi đọc thi, văn, hay ngắm bức tranh, bức họa, thì phải hiểu là: “ý tại ngôn ngoại” (ý nghĩa của bài thơ, của bức tranh “nằm” ở bên ngoài. Chỉ cần “mấy nét chấm phá”, còn để cho người thưởng ngoạn được tự do tưởng tượng mà thưởng thức. Cổ văn Trung Hoa thường viết theo cú pháp vắn gọn, nhưng cô đọng, và súc tích ý nghĩa.

Quan niệm “vô ngôn” đã tạo cho tinh thần người Đông Phương biết yêu quí những sự linh thiêng vô hình hơn thế giới vật chất hữu hình, thích “trầm tư mặc tưởng” hơn là lý luận dài dòng, khô khan.(20)

E. Tinh Thần Bao Dung

Tư tưởng Đông Phương chú trọng tính chất Siêu Việt của Thực Thể Tuyệt Đối, nên thích dùng đường lối phủ định (via negativa), vì cho rằng mọi ngôn từ thuộc giới tuơng đối đều bất xứng, không thể diễn tả đầy đủ được Chân Lý Toàn Diện. Do đó, tất cả các hệ thống thần học, triết lý, văn chương, nghệ thuật nhằm diễn đạt những ý tưởng hay tâm tình đối với Nguyên Lý Tuyệt Đối, thì chỉ có giá trị tương đối, tạm thời mà thôi! Mỗi hệ thống triết lý cũng chỉ mô tả một khía cạnh, một phương diện nào đó của Chân Lý Toàn Diện, Nhất Quán bao trùm tất cả vạn vật. Câu truyện ngụ ngôn “Người mù sờ voi”, chứng tỏ “cái nhìn” của người đời, dầu sâu sắc tới đâu cũng vẫn là khiếm khuyết, vì không ai có “cái nhìn bao quát”, bao trùm hết mọi khía cạnh được. Nhờ ý thức sâu xa về quan niệm Nhất Quán của vạn vật, các hệ thống triết lý Đông Phương không chống đối nhau, nhưng bao dung độ lượng, chấp nhận lẫn nhau, vì cho rằng mỗi một môn phái chỉ là một “quan điểm”, cần phải kết hợp lại mới tạo ra được một hình ảnh đầy đủ hơn về Thực Tại Tuyệt Đối. Chân Lý là Một, nhưng có nhiều cách thế, nhiều con đường dẫn tới khác nhau (“thiên hạ đồng qui nhi thù đồ”!). Chẳng hạn, Lịch sử Triết Học Ấn Độ cho biết: các hệ thống gọi là “darsana” (quan điểm), tuy có những khía cạnh khác biệt về triết lý, về nhân sinh quan, nhưng luôn có sự bàn luận, trao đổi quan điểm,và nhìn nhận giá trị, để bổ túc cho nhau.(21)

Đó là tinh thần phổ biến, hòa đồng, biết bao dung tất cả những gì tốt đẹp trong các hệ thống triết học khác, để tạo nên một bức thảm rực rỡ của Chân lý. Tinh thần hòa đồng của Tam Giáo là một ví dụ: Khổng, Lão, Phật giáo đều dùng chung danh xưng “ĐẠO”, để chỉ Thực Thể Tuyệt Đối. Khi mới truyền sang Trung hoa, các nhà sư Ấn Độ đã dùng những ý niệm, và danh từ của Lão giáo để phiên dịch triết lý Phật giáo của Ấn Độ. Cách thức “hội nhập” văn hóa Ấn Độ vào triết lý Trung Hoa, gọi là “cách nghĩa”. Chẳng hạn, để chuyển ý quan niệm Sunyata, (nghĩa là hư không của Ấn giáo), các vị thiền sư Ấn Độ đã dùng ngay chữ “Vô” của Lão giáo để thay thế.(22)

F. Phương Pháp: Tùy Cơ Ứng Biến (Upaya)

Một trong những khó khăn có thể đưa tới chỗ bế tắc trong việc đàm đạo, thông cảm giữa Đông và Tây Phương là quan niệm về cách nhận thức, và trình bày về Chân Lý. Hình như có nhiều ý kiến mâu thuẫn, trái ngược nhau, khác nhau, trong những bài thuyết pháp của Phật Tổ, và những dị biệt giữa các môn phái như Tiểu Thừa và Đại Thừa, v.v. Chẳng hạn, sự khác biệt giữa Lý thuyết và Thực hành về Vô Ngã, và Đại Ngã, Đại Từ Bi. Phật đã giảng dạy: con người, và vũ trụ đều là Hư Vô (sunya), nhưng trong thực hành, Phật là một Đại Ngã hoạt động, và khuyến khích chúng sinh thực hành Đại Từ Bi để cứu nhân độ thế. Những dị biệt giữa hai phái Tiểu Thừa và Đại Thừa thật lớn lao, khiến ta không còn biết được đâu là Phật giáo chính thống. Một bên thì chủ trương “Tự Độ”’ trái lại, Đại Thừa cho rằng: “Tự Giác nhi Giác Tha” mới đúng. Như vậy, ta giải thích làm sao về những khác biệt, mâu thuẫn đó?(23)

Như đã trình bày ở đoạn trên, các đạo gia Đông Phương, luôn ý thức về siêu việt tính của “Vô”, “Vô Danh”. Do đó, không một ý tưởng hay ngôn từ nào, thuộc giới tương đối, có thể diễn đạt một cách tương xứng, và đầy đủ. Các hệ thống triết lý chỉ là những cái nhìn lẻ tẻ về một vài khía cạnh của Chân Lý. Hơn nữa, có nhiều phương tiện, phương thế, nhiều “đường” đi khác nhau để cùng tiến về Chân Lý (thiên hạ đồng qui nhi thù đồ).

Vì lý do đó, Phật học mới sáng chế ra quan niệm “Upaya”(Upaya-kausalya, skill in means) nghĩa là “Phương tiện”. Đây là những “phương thế thực tiễn” giúp ta tiến đến một mục tiêu thiêng liêng cao cả. Chân lý Tuyệt Đối, sự Giảc Ngộ là mục đích cần đạt tới, còn mọi cách thế khác đều là phương tiện cả. Khi đã tới chủ đích rồi, thì không cần phương tiện nữa, như câu: “Có nơm là vì cá; được cá, hãy quên nơm. Có dò là vì thỏ; được thỏ, hãy quên dò. Có lời là vì ý; được ý, hãy quên lời. Ta làm sao gặp được người biết quên lời, hầu cùng nhau đàm luận”. Vả lại, Chân lý Tuyệt Đối rất cao siêu, rất khó hiểu, rất khó giải thích. Do đó, theo phương pháp giáo dục, thì phải tùy hoàn cảnh, tùy trình độ học thức mà giảng giải, miễn là giúp người ta hiểu biết và đạt tới mục tiêu. Bởi vậy, khi thuyết pháp, Phật đã “tùy cơ ứng biến”, tùy hoàn cảnh, tùy hạng người mà giảng dạy. Cũng vì nguyên tắc “Upaya”, mới có giả thiết “Ngũ Thời Pháp”, nghĩa là Phật đã thuyết pháp làm năm thời kỳ, tùy căn cơ mà giảng dạy. Tùy hoàn cảnh, trình độ, tu theo bậc Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Tiểu Thừa, hay Đại Thừa, v.v., sao cũng được hết, miễn là đi tới Giác Ngộ.(24)



G. Những Dị Biệt

Như vừa trình bày ở trên, vì óc Nhất Quán, Nhất Nguyên trong toàn bộ hệ thống triết học Đông Phương, trọng sự Hợp Nhất, Hòa Đồng, Quân Bình… không thích Phân tách, Phân chia, Phân biệt; vả lại, Đông Phương có cái nhìn theo Trực Giác để cảm nghiệm đào sâu vào lẽ Huyền Bí của vũ trụ không dùng Lý Luận hình thức để thực nghiệm. Do đó, ta thấy các triết gia không chú trọng hoặc ít khi bàn luận về những vấn đề triết lý, siêu hình như: Quan niệm về Nhân Vị, Bản Vị, hay Nhân Vị Hữu Ngã của một cá nhân này, “Khác” với các cá nhân kia, và vũ trụ này đều qui hướng về Một Ngôi Vị Tuyệt Đối Siêu Việt trên hết mọi nhân vị, mọi cá thể thuộc loài thụ tạo. Có thể nói, lý do chính không phải các nhà hiền triết chối bỏ hay không tin có Một Nguyên Lý Siêu Việt điều khiển vũ trụ càn khôn, vượt trên loài thụ tạo, nhưng vì chủ trương trực giác “Nhất Quán, Nhất Nguyên”, coi toàn thể vũ trụ là một khối, nên không thích phân chia, phân biệt như: cá nhân này khác cá nhân kia, hoặc Đấng Thượng Đế có một Ngôi Vị biệt lập, tuy vẫn bao trùm vạn sự vận vật. Hơn nữa, các đạo gia còn cho việc phân chia, phân tách là một điều “xấu”, cần phải tránh.

Cũng trong chủ trương “Nhất Nguyên” đó, ý niệm về “Lịch Sử tạo dựng vũ trụ,” hay “Lịch Sử Cứu Độ” không được đề cập, bàn luận. Vì quan niệm “Nhất Quán”, nên Triết Học Đông Phương nhấn mạnh vào tính chất “Nội Tại Tiềm Ẩn” của Nguyên Lý Siêu Việt trong vũ trụ và nhân loại, hơn là “Tính Chất Siêu Việt, Khác Biệt” của Nguyên Lý đó.

Toát Lược Các Đặc Điểm

Sau đây, ta có thể toát lược mấy đặc điểm trong cách Suy Luận Đông Phương, thiên về Trực Giác (Intuition) như :

1. Nhận định sự vật bằng cái nhìn Tổng Hợp (synthetic), hơn là Óc Phân tích (analytic). Do đó, ý thức sâu xa về lẽ Nhất Quán, “Nhất Nguyên” (monism), và Hợp Nhất (unity) của vũ trụ.

2. Không ưa chống đối, mâu thuẫn, quá khích, nhưng chú trọng đến lập trường Dung Hòa, Quân bình, và Trung Hòa.Cũng vì thế, theo văn học sử, thì khoa Luận Lý Học như Qui Nạp, Suy Diễn, Biện Chứng, Khoa học Thực Nghiệm…, không được phát triển mạnh tại Đông Phương.

3. Chú trọng vào sự biến chuyển, lẽ Tuần Hoàn, và quan niệm “Dịch” của vũ trụ. Do đó, kiên nhẫn chịu đựng mọi bất trắc của cuộc đời. Nhưng sự Biến Chuyển, Tuần Hoàn có tính cách “Phản Hồi”, nghĩa là lập đi lập lại theo vòng tròn, chứ không theo đường thẳng tiến bộ, luôn đổi mới.

4. Không đóng khung, hay “hệ thống hóa một triết lý nào, vì coi mọi trào lưu tư tưởng chỉ có giá trị tương đối. Do đó, có tinh thần khai phóng, bao dung, hòa đồng, chấp nhận các ý thức hệ khác. Vả lại, cùng một Chân Lý, nhưng tùy lúc, tùy nơi, tùy trình độ hiểu biết của người lãnh hội mà diễn giảng cho thích hợp. Đó là “Upaya”.

5. Ý thức mạnh mẽ về Siêu Việt Tính của ĐẠO, của Chân Lý Tuyệt Đối, nên ưa thích dùng kiểu diễn tả Đường Lối Phủ Định (via negativa). Do đó, có đạo gia cho kiểu nói “tích cực”, theo Loại Tự, Tương Tự là bất tương xứng, là “thần-nhân-đồng-hình”.

6. Vì triết lý Nhất Nguyên chủ trương “Vạn vật nhất thể”, nên một số đạo gia không chấp nhận ý niệm về “Nhân vị, Ngôi vị, hay Bản vị (Person), vì ảnh hưởng của nền văn hóa đề cao sự hợp nhất, nên coi trọng tập thể, tập đoàn, xã hội hơn là cá nhân, cá thể. Cá nhân không đáng kể, vì là dấu hiệu của chia rẽ, phân tán.

7. Chú tâm vào chiêm niệm, thinh lặng, để hòa mình vào Thiên Nhiên, sống theo luật Tự Nhiên. Do đó, đề cao việc tập luyện các nhân đức, tôn trọng Đạo Lý của Thánh hiền,và chăm lo việc Tôn Giáo, nhất là ưa dùng phương pháp tụng niệm như tọa thiền, tọa vong, tĩnh tọa, v.v., để đạt tới Chân Lý.

Đàm Đạo

Thử Tổng Hợp Dung Hòa Cách Suy Luận Đông-Tây

Như đã trình bày trong Lời mở đầu về cách thức Đàm Đạo giữa các Tôn giáo: nếu muốn đi tới sự thông cảm, giao hảo, thì nên thành thật và khách quan tìm hiểu giáo thuyết của đôi bên. Không nên cắt nghĩa theo quan điểm riêng của mình, hoặc”gán” cho bên kia những điều họ không nghĩ tới. Trong các buổi hội họp, ta nên trình bày một cách trung thực những quan điểm tuơng đồng và dị biệt của đôi bên. Nếu đã gần nhau, giống nhau một phàn nào, thì cùng nhau chấp nhận, trao đổi, học hỏi. Nếu còn xa nhau, khác biệt, cũng nên tôn trọng quan điểm của nhau, và tìm hiểu lý do tại sao có sự dị biệt đó, để tìm cách thông cảm những khó khăn, và xích lại gần nhau hơn. Trong tinh thần hòa hợp, kính cẩn đó, ta thử Đàm Đạo, chia sẻ về một số điểm tương đồng dị biệt giữa Giáo Lý của Đạo Thiên Chúa và Tam Giáo như sau:

1. Nên dung hoà hai Phương Pháp Lý Luận Đông Phương và Tây Phương như thế nào? Tây Phương nhấn mạnh về Lý Trí, nên ưa chuộng sự Phân tích, hệ thống hóa tư tưởng cho rõ ràng, dứt khoát, và thứ tự. Do đó, đường lối lý luận là: hoặc thế này..hoặc thế kia.. (either…or). Đông Phương theo Trực giác, lẽ Nhất Quán, nên thích hợp nhất, hòa hợp, hòa đồng. Do đó, theo lý luận: vừa thế này… vừa thế kia.. (both… and…; non solum… sed etiam…) Dĩ nhiên, không phương pháp lý luận nào là hoàn hảo cả. Do đó, cần bổ túc cho nhau.

Trong nền lịch sử triết học thế giới, người ta nhận thấy, từ bao nhiêu đời, Đông Phương đã không tiến triển về khoa Luận Lý (logic). Do đó, Đông Phương cần học hỏi Tây Phương về phương pháp Khoa Học Thực Nghiệm. Khi bắt đầu đi học, các học sinh cần dùng phương pháp Qui Nạp, hay Suy Diễn, để phân tích và trình bày các môn học cho rõ ràng, khúc triết, và hệ thống. Nhưng cách luận lý theo Lý Trí cũng có giới hạn. Khi đề cập đến những vấn đề Siêu Hình, nhất là Thần Bí (Mysticism), thì Trực Giác (intuition), và phương pháp phủ định (via negativa), mới giúp tâm trí đào sâu vào tiềm thức bí nhiệm, để cảm nghiệm, cảm thông với Thực Thể Tuyệt Đối. Chính Thực Thể Tuyệt Đối này, là động lực thống nhất muôn người, muôn vật về một Căn Nguyên. Do đó, khó có thể dùng Lý Trí, lý luận hình thức để phân tích mà đạt tới Chân Lý Tuyệt Đối, Siêu Việt được, nhưng cần Cảm nghiệm, và Niềm Tin.(25)

2. Điểm tương đồng nào quan trọng nhất ta gặp được giữa Đạo Thiên Chúa và Tam Giáo? Một điểm hệ trọng bậc nhất và căn bản: đó là niềm Tin vào Một Chân Lý Tuyệt Đối, vượt lên trên thế giới vật chất này. Chân Lý Tuyệt Đối Thuần Thần đó là Căn Nguyên phát sinh vạn sự vạn vật, kể cả các thần thánh, và nhân loại. Đó là điểm tương đồng căn bản giữa Đạo Thiên Chúa và Tam Giáo. Ta thử hỏi: có một Phật tử Viêt Nam nào mà lại không Tin có “Ông Trời”, như câu ca dao: Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”? Dĩ nhiên, có những cách hiểu biết, biểu lộ, diễn tả, danh xưng khác nhau, nhưng cốt yếu, mọi tín đồ đều cùng tin tưởng vào Đấng Bề Trên cầm quyền sinh tử, và là Nguồn Gốc của vũ trụ càn khôn. Chỉ cần một điểm tương đồng căn bản đó, cũng đủ cho ta hợp tác với nhau để chống lại thế giới duy vật, tục hóa ngày nay.

Ngoài ra, nhiều nhà thần học, và tu đức của Tây Phương đã nghiên cứu phương pháp chiêm niệm Đông Phương như Yoga, Thiền (Zen), để áp dụng vào đướng lối suy niệm của Thiên Chúa Giáo.(26)

Trong những cuộc gặp gỡ, đàm đạo, và trao đổi những quan điểm giữa các triết lý, tôn giáo, ta nên làm sáng tỏ một vài lập trường dị biệt để thông cảm những khó khăn, hoặc để chia sẻ những kinh nghiệm riêng của nhau:

3. Đông Phương hiểu lẽ Tuần Hoàn như thế nào? Khác với Biện Chứng Pháp ở điểm nào? “Dịch”, nghĩa là động, di chuyển, tuần hoàn, nhưng đi theo đường nào? Vì quá chú trọng vào việc giữ thế quân bình, nên chuyển động theo đường vòng tròn, đi rồi trở lại! Do đó, đời sống được an nhàn, lạc quan, nhẫn nại, nhưng không tiến bộ, canh tân một cách mạnh mẽ. Trái lại, Tây Phương, theo biện chứng, nên chấp nhận đối lập, và tìm cách để dung hòa, đổi mới luôn. Do đó, tuy đời là cuộc tranh đấu không ngừng, nhưng tiến bộ, nhất là về khoa học, kỹ thuật. Đó là chuyển động theo đường thẳng!

4. Ý niệm “Nhất Nguyên” (Monism) và “Nhị Nguyên (Dualism) nên giải nghĩa thế nào? Ta cũng nên bàn luận, giải thích cho rõ hơn về cách dùng danh từ, và về ý nghĩa chữ Monism, Dualism, Nhất Nguyên, Nhị Nguyên, Tam Nguyên, như thế nào. Tuy danh xưng khác nhau, nhưng các tôn giáo đều tin có một Nguyên Lý Tuyệt Đối, mà ta gọi là Thiên, Trời, Thượng Đế, “Đạo”, “Thái Cực”, “Vô”, Chân Như, v.v., Vũ trụ càn khôn đều bởi Nguyên Lý Tuyệt Đối đó mà có, mà hiện hữu. Vấn nạn ở đây là: Nguyên Lý Tuyệt Đối, Siêu Việt đó, có cùng chung một bản thể, bản tính với loài thụ tạo, thuộc giới tương đối không? Thần học Thiên Chúa Giáo phân biệt hẳn hai bản thể: Đấng Tạo Hóa là Tuyệt Đối, Siêu Việt, và loài thụ tạo, gồm nhân loại, và vũ trụ. Không thể cho hai bản thể đó cùng chung một bản tính được. Những biểu ngữ trong Kinh Thánh diễn tả sự “hợp nhất” giữa linh hồn người công chính với Thiên Chúa như câu: “Chúa Sống trong Tôi” (Gal. 2:20), hay “Nếu ai yêu mến, và giữ lời Ta, thì Thiên Chúa sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến, và trú ngụ nơi người ấy” (Gioan 14:23) Trong sự “kết hợp” đó, vẫn phải phân biệt hai bản tính: thần tínhnhân tính, không thể lẫn lộn. Do đó, Thần học Thiên Chúa Giáo không công nhận thuyết Monism (Nhất Nguyên) cho rằng: tất cả vạn vật chỉ có một Thực Thể, nghĩa là loài người, vũ trụ, vạn sự vạn vật và Đấng Tạo Hóa cũng ngang hàng, đồng đẳng với nhau, không có sự khác biệt về Bản Thể, về Tuyệt Đối và tương đối, một bên là Chủ Tể vô biên, một bên là loài thụ tạo, hữu hạn. Thần học Thiên Chúa Giáo cũng phi bác thuyết “Dualism”, cho rằng: vũ trụ này chia làm hai nguyên lý đối nghịch nhau như: Thiện và Ác, luôn chống đối nhau.

5. Có bắt buộc “im lặng” hoàn toàn, không được phép nói gì về Thiên Chúa chăng? Một điểm khác cũng nên làm sáng tỏ: Các đạo gia, thiền sư ưa thích dùng đường lối phủ định (via negativa), khi phải “nói” đến Chân Lý Tuyệt Đối, vì cho rằng ý tưởng, và ngôn từ thuộc giới tương đối không thể diễn đạt được. Nhưng không phải vì thế mà ta im lặng hoàn toàn không dám “nói” gì về Thực Thể Siêu Việt như Thiên Chúa, Chân Như, v.v. Ta đã thấy Phật Thích Ca dùng quan niệm “Upaya” (Phương Tiện), tùy bệnh mà phát thuốc, tùy căn cơ mà thuyết pháp, nghĩa là có thể dùng ngôn ngữ, hình ảnh, dụ ngôn, thuộc đời sống để thông đạt những chân lý cao siêu cho từng hạng người, tùy trình độ học thức. Tây Phương cũng đã dùng phương thế này, Thánh Thomas Aquinas gọi là “Analogia”, Tương Tự, Loại Tỷ. Theo các nhà thần học kinh viện, tuy vẫn biết là bất tương xứng, nhưng ta có thể dùng những kinh nghiệm của loài người để biểu lộ một phần nào, một cách “tương tự” những ý niệm về Thiên Chúa. Khi dùng ngôn ngữ loài người để “suy loại”, để so sánh về Thiên Chúa, ta phải hiểu rằng những danh từ, những phẩm tính ta gán cho Thiên Chúa đều bất tương xứng, vì ta là loài thụ tạo, có giới hạn. Cho nên, khi ta tuyên xưng: Thiên Chúa là Đấng “phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi”, thì Thánh Thomas khuyên ta hãy thêm liền ngay vào câu sau đây: “và còn hơn thế nữa” (et magis).

6. Quan niệm “Nhân vị (Person), hay Ngôi vị, Bản vị có phân chia, hoặc làm giảm giá trị của Thực Tại Tuyệt Đối Không? Về điểm này, ta nên thông cảm với một số đạo gia, không công nhận quan niệm về Ngôi vị, bản vị hay Nhân vị, vì muốn bảo toàn tính chất Siêu Việt của Thực Thể Tuyệt Đối, hoặc vì chịu ảnh hưởng của văn hóa chủ trương “vạn vật nhất thể”, hoặc coi trọng tập thể, xã hội hơn các phần tử cá nhân. Nhưng, các triết gia Đông Phương cũng nên nghiên cứu sâu rộng hơn để có thể chia sẻ với tư tương Tây Phương, vì nhờ những khám phá mới nhất về Triết lý Nhân vị giúp ta nhận thấy: Ý niệm Nhân vị, hay Ngôi Vị, Bản vị, không phân chia, cũng không làm giảm tính chất duy nhất (unity) của Hữu Thể Tuyệt Đối. Trái lại, Ý niệm Nhân vị đi đôi với ý niêm về Hữu Thể, vì “có” thì phải có “ai” có, có “cái gì” có. Không lẽ “có” vu vơ, bâng khuâng, trơ trọi, và rỗng tênh!

7. Để cho tư tưởng Đông-Tây thông cảm và Hòa-Hợp với nhau, ít nhất là xích lại gần nhau, cả hai cần phải bổ túc cho nhau những tìm kiếm, và khám phá mới về Chân Lý Tuyệt Đối. Trí khôn nhân loại hữu hạn, còn Chân Lý thì vô cùng, nên không bao giờ ta có thể đạt được Chân lý toàn vẹn, hay diễn tả một cách đầy đủ, viên mãn được. Do đó, việc trao đổi kinh nghiệm, hoặc học hỏi lẫn nhau là điều hữu ích. Từ trong văn hóa, Tây Phương trong sự Phân Biệt (distinguo), nên thần học hay triết lý chủ trương về Hữu Ngã, Nhân Vị, và đề cao Siêu Việt Tính của Vị Thượng Đế. Còn văn hóa Đông Phương trọng sự Đồng Nhất, Hòa Hợp với Thiên Nhiên, nên không thích phân chia, phân tích ra nhiều phần. Tuy nhiên, khi thấy các triết gia Đông Phương ưa thích dùng những thành ngữ hay cách thức diễn tả như: “Tam Tài (Thiên-Địa-Nhân), “Vạn vật nhất thể”, v.v. thì Tây Phương cũng chớ vội phê phán là có “khuynh hướng phiếm thần” (pantheist), nghĩa là coi Đấng Tạo Hóa và mọi loài mọi vật đều hoàn toàn như nhau. Trừ những trường hợp thờ ngẫu tượng, hay dị đoan mê tín như: thờ Thiên Lôi, Hà Bá, Cây Đa, Bình Vôi, Cá Voi, v.v., (mà bất cứ phương trời nào, dân tộc nào trên trái đất này vẫn thấy xẩy ra, ngay tại thời đại này). Đối với các nhà Hiền Triết Đông Phương, các Vị Thánh Triết, khi dùng những kiểu nói như: Tam Tài, Lý Thái Cực, Vạn Vật Nhất Thể… không phải các nhà hiền nhân quân tử không tin có Một Nguyên Lý Tuyệt Đối vượt trên vạn sự vạn vật, còn nhân loại chỉ là loài tương đối; do đó, con người không thể đồng đẳng, ngang hàng hoàn toàn với “Trời” được. Nhưng có thể các triết gia chỉ muốn đề cao địa vị và phẩm giá của nhân loại “nhân linh ư vạn vật”, vì Tạo Hóa đã phú bẩm cho con người những tài năng lạ lùng như thế!



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương