Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ



tải về 2.02 Mb.
trang7/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   31

2. Phương Pháp Tu Dưỡng

Vương Dương Minh chủ trương sự nhất thể của Trời Đất, và muôn vật luôn có sự thông cảm với nhau, vì đã là người thì tự nhiên động lòng thương xót khi thấy người khác, hay một con vật, hoa cỏ, ngay cả biển khơi, sông núi… bị ô nhiễm, phóng xạ tàn phá (phong trào bảo vệ môi sinh). Do đó, mục đích của việc tu dưỡng là để bảo toàn sự nhất thể nguyên thuỷ của Trời Đất và vạn vật. Để đạt được cứu cánh trên, Vương Dương Minh đa đề xướng thuyết: “Trí Lương Tri (Intuitive Knowledge).

Cũng như Chu Hi, Ông đã mượn những câu đầu của Sách Đại Học để giải thích và áp dụng vào chủ thuyết của Ông. Dĩ nhiên, cách diễn giải của ông có điều giống nhưng cũng có điều khác với phái Lý Học. Sách Đại Học, tiết 1 viết: “Đại Học chi Đạo, tại minh Minh Đức, tại Thân Dân, tại Chỉ ư Chí Thiện”, nghĩa là: đường lối tu dưỡng của Sách Đại Học dạy ta (ba cương lãnh), thứ nhất là làm sáng lên cái Đức Sáng, thứ hai là Thân thiện, yêu thương mọi người, thứ ba là dừng lại ở nơi điều Thiện Tuyệt Hảo. Ta sẽ lần lượt giải thích từng cương lãnh.

a. “Tại Minh Minh Đức” là gì?

Minh Đức là cái Đức Sáng Láng, chính là viên Ngọc Trân Châu, tiềm ẩn trong ta, cần được mài dũa cho lóng lánh, rực rỡ. Theo Vương Dương Minh, Minh Đức đây cũng là Trí Lương Tri, hay Lương Tâm, Luơng Năng của con người trong tình trạng nguyên thuỷ, hoàn toàn tốt đẹp, không bị vẩn đục bởi tình tư dục. Vì Bản Tâm vẫn còn tinh tuyền, lương thiện, nên tự nhiên ta dễ phân biệt được đâu là điều Thiện, đâu là điều Ác! Nhưng Lương Tâm chính trực, nguyên tuyền đó có thể ra tối tăm mờ ám bởi tính ích kỉ và lòng tham lam. Do đó, trong việc tu dưỡng, ta phải tẩy trừ lòng vụ lợi, tính toán, keo kiệt, để cho Lương Tâm, Lương Tri bộc phát một cách hồn nhiên. Bởi vậy, phương pháp tu luyện của họ Vương cốt yếu giúp ta trở lại tình trạng nguyên tuyền của Lương Tâm, Lương Tri, của Bản Tâm trong sáng, tức là cái “Minh Đức”, viên “Trân Châu” nơi con người vậy.



b. “Thân Dân” là gì?

Khi Lương Tâm không bị mờ ám bởi tư lợi, khi Lương Tri trong sáng như mặt gương phản chiếu, phân biệt rõ ràng điều Thiện, điều Ác, lúc đó con người mới hòa hợp, hợp nhất và cảm thông với Trời Đất, vạn vật. Nếu đã trở về cái Bản Tâm nguyên tuyền hiệp nhất đó, thì tất nhiên, ta phải thân thiện, yêu thương tha nhân để chứng tỏ rằng: nhân loại và vạn vật chỉ là một. Tình yêu bắt đầu từ yêu mến cha mẹ, anh chị em ruột thịt trong gia đình, nhưng cũng phải lan rộng ra người ngoài, rồi bao bọc, ôm ấp tất cả vũ trụ, động vật, cỏ cây, sông núi…



c. “Chỉ ư Chí Thiện” là gì?

Câu trên có nghĩa: dừng lại nơi điều Thiện tuyệt hảo. Tại sao? Vì ta lấy sự Thiện cao siêu nhất làm mục tiêu, và làm tiêu chuẩn, mẫu mực cho Minh Đức và Thân Dân. Do đó, Lương Tâm, Lương Tri, Lương Năng phải đạt tới chỗ Thiện Hảo nhất, không để cho một chút tư lợi nhỏ nhen nào làm mờ ám. Thân Dân, tức yêu tha nhân cũng phải vươn tới chỗ tuyệt vời nhất, không để cho dục vọng, ích kỉ, thiên vị chen lấn vào. Vì Bản Tâm, Bản Tính của con người là toàn thiện, nên ta phải lấy tiêu chuẩn “chí Thiện” mà đối xử với tha nhân, vạn vật, và chỉ dùng mẫu mực “chí Thiện” để đo lường, suy đoán mà thôi! Nếu ta thêm hoặc bớt điều gì vào tiêu chuẩn “chí Thiện”, thì đó là những tình ngang, ý trái, tư lợi. “ Chí Thiện đã phát ra, thì phải là phải, trái là trái, khinh, trọng, hậu, bạc…đều tuỳ cảm, tuỳ ứng biến động tuỳ hoàn cảnh, nhưng lúc nào cũng giữ được cái trung thiên nhiên. Đó là cái mực cùng tột của các hành động của người và của muôn vật (dân di vật tắc). Nếu có thêm bớt chút gì, đó là cái ý riêng, cái trí nhỏ, mà không phải là “chí Thiện” (toàn thiện).(44)



3. Phương Châm Giáo Dục

Ngoài ba “cương lãnh” trên, Vương Dương Minh cũng đề cập đến”tám điều mục”, tức là tám bực thang cần phải bước lên trên con đường giáo dục. Ông cũng dùng những câu đầu của Sách Đại Học, cắt nghĩa và áp dụng vào thuyết Trí Lương Tri.

Sách Đại Học, tiết 4 viết: “Cổ chi dục minh Minh Đức ư thiên hạ giả, tiên Trị kỳ Quốc, dục Trị kỳ Quốc giả, tiên Trị kỳ Gia, dục Trị kỳ Gia giả, tiên Tu kỳ Thân, dục Tu kỳ Thân giả, tiên Chính kỳ Tâm, dục Chính kỳ Tâm giả, tiên Thành kỳ Ý, dục Thành kỳ Ý giả, tiên Trí kỳ Tri, Trí Tri, tại Cách Vật”. Dịch ý như sau: Cổ nhân muốn làm sáng tỏ cái Đức Sáng cho cả thế giới, thì tiên vàn phải biết cai trị nước mình, người muốn cai trị nước mình, thì tiên vàn phải sửa sang việc nhà cho ổn thoả đã, ai muốn sửa sang việc nhà, thì tiên vàn phải tu sửa chính bản thân mình đã, người muốn tu thân, thì tiên vàn phải có Tâm Hồn Chính Trực, ngay thẳng, người muốn có Tâm Trí ngay lành, tiên vàn phải có Ý Chí Thành Thật, người muốn có Ý Thành Thật, tiên vàn phải đạt tới (Trí) cái Hiểu Biết (Tri) Tột Độ, có đạt tới cái cái Hiểu Biết Tột Độ đó, là nhờ tại việc điều chỉnh các sự vật cho ngay chính tốt lành. Trên đây là kiểu lý luận gọi là “liên châu luận” (sorite), các sư kiện liên hệ, ràng buộc lấy nhau, muốn có cái này thì phải có cái kia trước đã, hay cái này là điều kiện của cái kia. Và đi từ điều kiện căn bản đi lên, hay đi từ gốc lên ngọn. Trong việc giáo dục, tu đức, ta cần phải tuần tự tiến lên từng bước một, không thể “đốt giai đoạn được”. Sau đây, ta sẽ lần lượt trình bày chương trình tu dưỡng giáo dục của phái Tâm Học.

a. “Trí Tri” là gì?

Đối với Vương Dương Minh, “Trí Tri” nghĩa là “Trí Lương Tri”. “Trí” là đạt tới, đi tới tận cùng. Do đó, Trí Tri là đi tới tận cùng cái Lương Tri, Luơng Tâm, Luơng Năng, cũng là cái Nguồn Gốc của sự tri giác và hành động. Cho nên, sự giáo hóa, tu dưỡng chỉ gồm có việc theo Lương Tâm, Lương Tri mà hành động, ngoài ra, không còn việc gì khác nữa.



b. “Cách Vật” là gì?

Như trên ta thấy Chu Hi giải thích: “Cách Vật” là tìm hiểu sự vật. Nhưng theo họ Vương, chữ “Cách” có nghĩa là “Chính”, là làm cho ngay thẳng, tốt lành. “Vật” là “Việc”. Do đó, “Cách Vật” là chỉnh đốn “công việc” cho chính đáng, tốt. Vương Dương Minh cũng diễn giảng thêm: Lương Tri, Lương Tâm thì bao giờ cũng tốt, lại biết phân biệt điều Thiện, điều Ác, vì nó là Bản Tâm, Bản Thể của con người và của vũ trụ. Tất cả những hoạt động do Lương Tâm phát hiện ra gọi là “Ý” hay “Ý niệm”. Đối tượng của “Ý” là “Vật”, tức là “công việc” mà ta có “Ý” hướng về, hay thực hành. Tuy Lương Tri, Lương Tâm lúc nào cũng tốt, cũng ngay chính, nhưng “Ý niệm” và “ công việc” thì có thể hoặc tốt, hoặc xấu. Bởi vậy, khi Ý niệm phát sinh ra điều gì mà Lương Tri, Lương Tâm đã cho biết là điều Ác rồi, nếu ta không cấp tốc và thành thật loại bỏ ngay điều Ác đó, lại còn noi theo mà thực hiện việc đó, thì kết quả là ta đã làm cho Lương Tri, Lương Tâm ta ra mờ ám vậy. Trái lại, khi Ý niệm phát sinh ra điều gì mà Lương Tâm đã biết là điều Thiện, nếu không thực hành ngay, mà lại bỏ đi, thế là đã lầm lẫn lộn xộn, coi điều Thiện là điều Ác, và kết quả là Lương Tâm ta bị sai lạc.



c. “Thành Ý”, “Chính Tâm” là gì?

Thành Ý là ý niệm, ý chí phải hết sức thành thực. Chính Tâm là lòng phải ngay thẳng. Vương Dương Minh chủ trương: ta phải lấy lòng Thành và Lương Tâm sáng suốt mà “Trí Tri”và “Cách Vật”. Không được để cho tư lợi nhỏ nhen làm mờ ám Lương Tâm, hoặc thoái thác không thành thật thi hành ngay điều mà Lương Tri đã phán quyết.



d. “Tu Thân” là gì?

Tu Thân là sửa mình. Sửa mình là làm cho “ Minh Đức”, tức Lương Tri, Lương Tâm ở trong Bản Tâm ta được sáng ra, để nhìn rõ điều Phải, điều Trái. Nếu Bản Tâm, Bản Tính bị tư dục quấy phá, Tâm Tình rối loạn, không kiểm soát nổi, thì ta không thể thực hiện được các nhân đức khác. Bởi vậy, Tu Thân là căn bản, ai ai cũng phải làm trước khi tham gia vào các hoạt động cứu giúp người khác. Cổ nhân có câu:” Tự Thiên Tử, dĩ chí ư thứ dân, giai dĩ Tu Thân vi bản” (Từ vua đến người dân, mọi người đều phải lấy việc sửa mình [Tu Thân] làm gốc).



e. “Tề Gia”, “Trị Quốc”, “Bình Thiên Hạ” là gì?

Câu trên có nghĩa là: Chỉnh đốn việc gia đình cho ổn thỏa, tham gia việc chính trị, kinh tế trong nước, và góp phần vào việc duy trì hòa bình thế giới. Tất cả chương trình huấn luyện đó đều phát xuất từ lòng yêu tha nhân, Thân Dân, Bác Ái, muốn cứu giúp đời. Do đó, càng hăm hở cứu nhân độ thế, càng làm sáng lạng Lương Tri, Lương Tâm, tức Minh Đức ở trong Bản Tính của con người. Nhưng trong việc tu đức, cần phải theo thứ tự hợp lí, nghĩa là (chỉ có thể cho đi cái gì mình đã có ) tiên vàn, phải tu sửa chính bản thân, tâm hồn mình cho ngay chính, thành thật, để” Minh Đức”, tức viên Trân Châu được sáng láng; sau đó, mới có thể thu xếp việc nhà cho yên ổn; nếu còn thì giờ, tài năng thì tham gia việc xã hội, cộng đồng; sau cùng, nếu là bậc anh hùng vĩ nhân, thì xây dựng hòa bình cho thế giới. Trái lại, tự bản thân, không có Lương Tri, Lương Tâm ngay lành, lại cờ bạc, nghiện hút, đàng điếm, thì làm sao có thể dạy dỗ con cái trong gia đình được!



Toát Lược Các Đặc Điểm

Trên đây là những quan niệm triết lý về “Bản Tính và Địa Vị của Con Người” đứng trong vũ trụ, đã được các Nho gia tìm hiểu, tranh luận, trong nhiều thế hệ. Triết Lý Nhân Bản này, và phương pháp tu tâm dưỡng tính, đã đào tạo nên nhiều tâm hồn cao thượng, và nhiều vị anh hùng vĩ nhân, nhiều bậc quân tử thánh hiền cho Việt Nam, Trung Hoa. Sau đây là tóm lược mấy đặc điểm:

1. Tất cả các Nho gia, từ Khổng Tử đến các sĩ phu đều chủ trương: nhân loại chiếm một địa vị và một Bản Tính đặc biệt hơn loài cầm thú, thảo mộc. “Nhân Linh ư Vạn Vật”. Sỡ dĩ con người là cao quí, vì có phần Tâm Linh, có Lương Tâm, Trí Khôn biết phân biệt Phải/Trái, lại có Tình thương, Tình cảm.

2. Mạnh Tử cho rằng: Bản Tính Nhân Loại là Thiện, là Tốt. Ông lạc quan, tin tưởng vào Tình thuơng tự nhiên, hồn nhiên, bộc phát của Nhân Tính.

3. Trái lại, ông Tuân Tử, có vẻ bi quan về Bản Tính Nhân Loại, và chủ trương “Tính Ác”. Nhưng ông cũng lạc quan, vì tin rằng, có thể dùng Văn hóa, tức Tam Cương, Ngũ Luân, Ngũ Thường, Luật Pháp để đào luyện con người trở nên tốt được.

4. Đổng Trọng Thư đã dung hòa được hai lập trường đối nghịch trên. Theo ông, mỗi chủ trương có cái đúng, nhưng cũng có điều thiếu sót. Ông không đồng ý với Tuân Tử, vì nếu con người hoàn toàn là xấu tự trong bản Tính, thì làm sao có thể trở thành tốt được? Ông cũng không hoàn toàn đồng ý với Mạnh Tử, vì con người mới chỉ có “mầm mống” của Thiện, chứ chưa có thật. Bởi vậy, cũng cần văn hóa, lễ nghĩa, giáo dục, thì mới giúp cho con người nên hoàn hảo được.

5. Chu Hi và phái Lý Học phân biệt: con người lý tưởng, và con người hiện thật; và trong con người, có phần “Lý” và phần”Khí”. Lý thuộc thế giới riêng biệt, và mỗi loài mỗi vật đều có cái”Lý” của nó, tức cái yếu tính. Trên hết có “LÝ THÁI CỰC”, bao trùm vũ trụ, vạn sự vạn vật. Con người mới có “Lý” thôi, là con người lý tuởng, chưa có thật. Muốn hiện thật như ta thấy bây giờ, cái “Lý” của con người cần đầu thai vào phần “Khí”. Phần “Lý” thì bao giờ cũng Tốt, nhưng phần “Khí”, là vật chất, là hoàn cảnh, môi sinh, xã hội, nên có thể tốt mà cũng có thể là xấu. Do đó, cần văn hóa, lễ nghĩa để tu luyện con người trở nên tốt, làm sáng tỏ phần “Lý”, cũng là “Lý Thái Cực”, hay viên Ngọc trong Nhân Tính.

6. Vương Dương Minh và phái Tâm Học chủ trương thuyết”Vạn vật nhất thể”, nghĩa là tất cả vũ trụ vạn vật chỉ có một thế giới mà thôi, tức là thế giới cụ thể mà ta nhận thấy. Nhưng thế giới đó là một vũ trụ Tâm linh, Tâm Thần, Tâm Thức, bao gồm hết thảy Trời Đất, quỉ thần, con nguời, cầm thú, thảo mộc, sông núi..Nhờ giáo dục, nhờ phương pháp tu luyện như Trí Tri, Cách Vật, Tu, Tề, Trị, Bình, con người đạt tới sự Thiện Hảo Tuyệt Đối, tức là Minh Đức, là Lương Tri, Lương Tâm, biết phân biệt Phải/Trái: Phải thì làm, Trái thì bỏ. Do đó, có thể “Thân Dân”, yêu thương mọi người, mọi sự, mọi vật được!



ĐOẠN II . Quan Niệm Vô Ngã Trong Phật Giáo

Vấn đề con người là ai: bản tính, địa vị, và cứu cánh cuộc đời con người, là những thắc mắc căn bản mà các tôn giáo và triết học từ xưa tới nay luôn tìm cách giải thích. Phật Thích Ca đã dùng bộ ba chữ đi liền với nhau để nhận định về ý nghĩa đời sống con người. Đó là chính đạo thứ nhất trong Bát Chính Đạo, gọi là “Chính Kiến”. Đời là anicca (vô thường), dukkha (đau khổ), anatta (vô ngã). Chữ anicca gồm có đầu tự “a”, nghĩa là “vô”’ và” nicca”, nghĩa là hằng có, thường có, luôn bền vững. Do đó,” anicca” là biến đổi luôn, không có gì bền vững, là “vô thường”. Luật của “vô thường” là: Sinh, Trụ, Dị, Diệt. Sinh là sinh ra, Trụ là thời gian để lớn lên, Dị là già yếu đi, Diệt là chết. Luật Vô Thường này áp dụng cho muôn vật muôn loài trong vũ trụ. Tại sao đau khổ, dukkha? Vì người đời mê muội, lầm tưởng rằng vũ trụ, và đời người là “ thường hằng bất biến”, là vững bền, nên tham lam tìm kiếm, hưởng thụ mọi khoái lạc. cho thỏa lòng dục vọng. Nhưng khi gặp rủi ro, bệnh tật, già yếu,và chết đến, bắt buộc phải để lại hết: gia đình, thân thuộc, của cải, danh vọng quyền thế.., thì đâm ra đau khổ. Trong chương này, ta sẽ đặc biệt bàn luận về chữ thứ ba, anatta, “Vô Ngã”. Chữ này cũng rất quan trọng như hai chữ trên, vì là căn bản giáo thuyết của Phật Thích Ca. Nhưng chữ “Vô Ngã” đã gây ra nhiều thắc mắc, hiều lầm đối với các phật tử, và cả với người ngoài. Do đó, cần tìm hiểu xem tại sao có những thắc mắc như vậy? Sau đó, thử nêu ra ý nghĩa mà Phật co thể đã muốn giảng dạy về chữ anatta, “Vô Ngã” như thế nào ?



A. Những Hiểu Lầm, Thắc Mắc Về Chữ “Vô Ngã”

_ Chữ “Vô Ngã”, dịch từ tiếng Pali là anatta, hay tiếng Sanscrit (phạn) anatman. Cả hai đều là tiếng kép gồm hai phần: phần đầu an và phần chính atta, hay atman. Do đó, ta thấy chữ anatta (anatman) gồm đầu tự “a”, hay “an” nghĩa là “vô”. Chữ atta (atman) có hai nghĩa : một là đại từ phản tỉnh, hay tĩnh từ, atta (atman) nghĩa là “của mình”, “tự mình”. Nên chữ anatta (anatman) là “không phải của mình”. Chữ Atta (Atman) còn dùng trong triết lý, siêu hình Ấn độ để chỉ “Thực Tại Siêu Việt” (Ultimate Reality), “Đại Ngã Siêu Việt” (Supreme Self). Chữ Atta (Atman) cũng ám chỉ phần Thần Linh (Divine element) ở trong con người, nhưng phần Thần Linh này biến dạng trở nên ý tuởng về một thực thể (entity) riêng biệt ở trong con người, tự chủ về suy nghĩ, hành động, và sau khi chết, tùy việc thiện, ác đã làm mà được thưởng hay chịu phạt. Do đó, chữ atta (atman), theo nghĩa sau này, để chỉ “Hồn” (Soul), “Ta” (Ego), “Ngã” (Self), “cá thể” (individuality), hay toàn bộ “Xác-Hồn” của một con người. Như vậy, theo tín ngưỡng thông thường của Ấn Giáo thì atta (atman), “Hồn”, “Ngã”, vẫn tồn tại, bền vững, chỉ có xác là biến đổi. Hồn vẫn có trước khi sinh, và sau khi chết, vẫn Hồn đó “luân hồi” từ xác này sang xác khác. Bởi vậy, khi Phật Thích Ca dùng chữ anatta (anatman) “Vô Hồn”, “Vô Ngã”, thì đã gây thắc mắc, ngạc nhiên đối với một số người, vì có vẻ đi ngược lại truyền thống Ấn độ giáo thờì đó.

_ Do đó, chữ “Vô Ngã” đã gây nên những cuộc bàn cãi, những hiểu lầm, cho tới ngày nay. Các môn phái Phật giáo, và tôn giáo khác, mỗi người giải thích khác nhau . Đó cũng là số phận chung của các vị sáng lập các tôn giáo. Vì nạn “tam sao thất bản”, vì nghĩa của từ ngữ thay đổi, nên sau một thời gian, các đồ đệ đã giải thích khác với chủ ý của nguyên bản. Danh từ cụ thể như cam, táo, bưởi, v.v., thì chữ nào, nghĩa đó, vật đó, không lẫn lộn. Tiếng bưởi là để chỉ trái bưởi. Nhưng đối với những danh từ trừu tượng như Thượng Đế, Trời, Thần, Quỉ, Ma, thiên giới, hỏa ngục, Hồn, v.v., thì nội dung ý nghĩa khác nhau, tùy theo môn phái tôn giáo, triết học, tùy thời đại thay đổi. Cũng cùng một chữ mà ý nghĩa, nội dung, cách giải thích khác nhau. Do đó, cần phải tìm hiểu xem ý nghĩa chính thực mà vị sáng lập đã muốn là ý nghĩa nào? Từ xưa tới nay đã có nhiều kiểu giải thích chữ “Vô Ngã” khác nhau. Đối với người duy vật, vì “vô hồn”, nghĩa là chết là hết, như “chó chết hết chuyện”, nên còn sống ngày nào là ăn chơi cho thỏa thích ngày đó. Môn phái (Theravada) cho rằng các bộ phận thân thể thì có thật, nhưng không có “hồn” tồn tại ở bên trong. Không có “hồn” của một người đổi từ xác này sang xác khác. Nhưng mỗi giây, phút, con người là một cá nhân khác. Hồn của con người không phải là một bản thể bền vững, không biến đổi, nhưng là một dòng những trạng thái liên tục nối tiếp nhau, trạng thái này làm nguyên nhân sinh ra trạng thái sau làm quả, theo luật Nhân-Quả. Ví như ngọn đèn đốt trong đêm tối: ta thấy cũng một ngọn đèn cháy, nhưng kỳ thực, mỗi phút mỗi có ngọn lửa khác nhau tùy từng điều kiện, và vì các ngọn lửa luôn tiếp nối nhau, nên ta có cảm giác như chỉ có một ngọn lửa mà thôi! Lại có người cho rằng Phật giáo là “vô thần”, vì không tin có “hồn thiêng bất tử”, không tin có Thượng Đế.(45)

_ Theo Kinh Điển, và những lời vấn đáp khi thuyết giảng, Phật Thích Ca không muốn đề cập, hay trả lời những câu hỏi về siêu hình như có Thượng Đế hay không? hoặc sau khi chết, số phận các vị Bồ tát thế nào? Nhưng không phải vì “im lặng”, không nói mà cho rằng Phật từ chối sự hiện hữu của vị “Đại Ngã Siêu Việt”, hay cho rằng “chết là hết!” Theo các nhà Phật học nghiên cứu thì Phật Thích Ca luôn tôn trọng tín ngưỡng chân chính của Ấn Giáo. Do đó, có thể nói rằng Phật đã không đả động đến atta (atman), “Hồn thiêng”, niềm tin của dân Ấn, vì Ngài không muốn đề cập đến vấn đề siêu hình “bất tử” (immortal) hay “tử” (mortal). Khi dùng chữ anatta (anatman) “Vô Ngã”, có lẽ Phật cũng không muốn bàn luận về “hữu thể học” (ontology), như trong triết lý Hy lạp khi phân biệt “Xác và “Hồn” của một con người. Do đó, không thể nói rằng Phật đã từ chối “Hồn”, theo nghĩa của hữu thể học Hy lạp-Latinh. Một vấn nạn khác: khi dùng chữ “vô ngã”, có phải Phật đã từ chối “cá nhân”, “cá thể” không?_ Như mọi người khác, Phật vẫn phân biệt người này khác người kia, mỗi cá nhân chịu trách nhiệm riêng cho đời sống của mình”.(46)



B. Ý Nghĩa Chính Thực Về Anatta (Anatman) Vô Ngã

_ Muốn giải tỏa các thắc mắc và hiểu lầm trên, và muốn tìm hiểu ý nghĩa chính thực của anatta (anatman) “Vô Ngã”, ta cần đặt chữ đó vào văn mạch của nó, nghĩa là phải giải nghĩa cùng với hai chữ khác là anicca, “vô thường”, và dukkha, “đau khổ”, vì bộ ba chữ này là căn bản giáo thuyết riêng biệt của Phật Thích Ca về Giải Thoát. Đối với dân chúng Ấn Độ thời bấy giờ, thế giới chưa được Giải Thoát gọi là Samsara, Luân Hồi, và thế giới được Giải Thoát là Nibbana (Nirvana), Niết-Bàn. Phật Thích Ca đã dùng vỏn vẹn ba chữ để diễn tả Samsara: anicca, dukkha, anatta. Nên nhớ rằng đây không phải thế giới Nibbana, hoặc đời sống nào khác, nhưng là một lối sống hèn hạ, đê tiện, hẩm hiu của con người gọi là Samsara, Luân Hồi, trong đó nhân loại lặn ngụp trong nước mắt! Tại sao vậy? Vì vạn sự vạn vật đều biến hóa không ngừng, “vô thường” (anicca), nhưng con người, vì mê lầm ảo tưởng rằng đời là “thường hằng bất biến”, nên mới sinh ra “ đau khổ” (dukkha). Tại sao con người trong trạng thái Samsara, gọi là “vô ngã” (anatta)? Vì nó cũng phát sinh đau khổ!

_Cái gọi là “ngã”, là “ta” trong trạng thái Samsara, Luân Hồi, là cái “ngã”, cái “ta” sai lầm, giả dối, giả tưởng, gây đau khổ, nên cần phải giải thoát nó! Phật Thích Ca đã dùng quan niệm “Danh-Sắc” (nama rupa) của Ấn Độ thời đó để phân tích cái “ta” giả dối, dòn mỏng, không bền vững này. Cái “ta” đó được kết hợp bởi năm yếu tố gọi là “Ngũ Uẩn”, hay “Ngũ Trọc”, như sau đây: (47)

1. Sắc uẩn (rupa): hình thể người ta.

2. Thụ uẩn(vedana): sự cảm giác.

3. Tưởng uẩn(sanna): sự tưởng tượng.

4. Hành uẩn(samkhara): hành vi.

5. Thức uẩn(vinnana): ý thức.

Hợp chất một là Thân (rupa). Bốn hợp chất kia gọi là Tâm (nama). Đó là Nhân-Duyên(4) “Danh sắc” trong Thập Nhị Nhân Duyên. Như vậy, cái “ta” đó gồm hai phần: Thân và Tâm.

_ Thân, tức là thân xác, phần sinh lý của con người, là hợp chất của tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong. Địa (patavi), là gồm chất đặc như xương, thịt, thủy (apo), là gồm chất lỏng như máu, mồ hôi, nước mắt, hỏa (tejo), là gồm chất nóng như nhiệt độ, phong(vayo), là gồm chất động như hơi thở, hô hấp. Ta thấy bốn chất này thuộc vật chất, tan biến không ngừng, trong đó vạn sự vạn vật trao đổi, ảnh hưởng lẫn nhau. Ví dụ, khí trời ta hút vô là” của ta”, nhưng khi thở ra, cây cỏ hút lấy thì là “của cây cỏ”! Do đó, khó có thể phân biệt cái gì thực sự là “của ta” và cái gì thuộc ngoại cảnh được! Nếu bốn chất đó lìa nhau, thì mỗi chất trở về mỗi loại của nó. Đó là cái “sắc uẩn”, cái “ta” giả tưởng mà thôi.

_ Tâm, hay Tâm linh “của ta”, trong thế giới Samsara, Luân Hồi là gì? Phật Thích Ca đã dùng triết lý Ấn Độ để giải thích như sau: Cái “Tâm” của con người là hỗn hợp của bốn yếu tố tâm lý: thụ, tưởng, hành, thức.

a) Thụ là cảm giác do ngũ quan cảm thấy khi tiếp xúc với những vật bên ngoài.

b) Tưởng là khi có cảm giác về một vật gì thì liền suy tưởng mà nhận ra vật đó là vật gì. Như bông hoa là bông hoa, bọ cạp là bọ cạp.

c) Hành là tình cảm phản động, phản ứng lại. Tâm hồn con người không giống cái máy chụp ảnh, nó chỉ thu hình ảnh bên ngoài một cách khách quan mà thôi. Nhưng lại còn có những phản ứng tình cảm nữa. Như nhìn thấy hoa đẹp thì yêu, bọ cạp xấu xa thì ghét. Đó là căn cớ sinh ra Karma, Nghiệp-Báo, Luân Hồi.

d) Thức là hiểu biết, là lò tích trữ, chứa chấp “thất tình”, như hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Do đó, sự hiểu biết, hay kinh nghiệm kiến thức của một người chỉ là một mớ ký ức về thất tình mà thôi! Theo môn phái Theravada, những kinh nghiệm về thất tình này, người ta sẽ mang theo từ kiếp này sang kiếp khác, và sẽ định đoạt số phận cao, thấp khi “tái sinh”,

C. Cần Giải Thoát “Giả Ngã”, Cái Ngã Giả Tưởng

_ Như vừa phân tích ở trên, cái “ngã”, cái “ta”, nơi chứa chấp những phản động tình cảm, là cái “ta” biến đổi không ngừng, lúc yêu, lúc ghét, lúc giận hờn…, tuỳ theo cảnh ngộ, sở thích, thiên kiến. Nó cũng chịu luật “vô thường” chi phối, và chịu đau khổ! Đó là cái “ta” thuộc thế giới Samsara, Luân Hồi, cần được giải thoát sang cảnh giới Nirvana, Niết bàn, an lạc. Trong phép tu luyện Phật giáo, việc phá sự chấp chứa cái “ngã” tình cảm giả dối đó, gọi là phá “ngã chấp”. Tại sao lại gọi cái”ngã” tình cảm là “giả”? là cái “giả ngã”? Chữ “giả”, nghĩa là không phải không có, nhưng có mà không thật! Như khi ta nói: đồ vật “giả”, giấy bạc”giả”, thì không có ý nói đồ vật ấy không có, nhưng có mà là không thật. Về vấn đề chân (thật), giả, kinh điển Phật giáo thích dùng câu chuyện “nhìn giây thừng ra con rắn” (thị thằng nhi dĩ xà) làm ví dụ để phân biệt thế nào là chân/giả. Trong tối tăm (Vô Minh), ta thấy một đoạn giây thừng. Vì nhìn không rõ, nên tưởng tượng ra con rắn, và cho là rắn thật, nên giật mình, sợ hãi! Nhưng khi thắp đèn lên, thấy rõ đoạn giây thừng, thì cái ảo tưởng về con rắn liền tan biến. Nhìn giây thừng ra con rắn là mê lầm, ảo tưởng. Thấy giây thừng mà nhận ra đó là giây thừng, thì cái nhận định này cũng đã là sáng suốt, nhưng chưa đủ, còn cần có “Chính Kiến”, là “thấy thật” nữa. Khi ta nhìn thấy một vật dài, biết rõ là cái giây thừng, lại còn biết thêm giây thừng đó thắt bằng chỉ gai, thì cái nhận thức đó mới là hoàn toàn, “viên thành thực”. Bởi vậy, thấy giây thừng mà bảo là con rắn là sai, nhưng bảo là không có gì hết, thì cũng sai luôn: “Có" là sai, mà “Không” cũng sai, tức là cái nghĩa câu: “Có mà Không, Không mà Có”, như câu: “phi Hữu, phi Không”, là không Có, nhưng cũng không Không. Cái mà ta gọi là “ngã”, là “ta”, là không Có (Thật), nhưng mà Có (Giả). Mê, (Vô Minh) thì là “Giả Ngã”, nhưng khi Tỉnh Ngộ, thì lại là “Chân Ngã”, Chân Tính, Chân Thể.

_ Những phân tích trên đây về cái “giả ngã”, không có gì là khó hiểu, nếu mỗi người trầm tĩnh ít giây phút để nhìn vào đáy lòng mình! Ta đau khổ phần lớn là do cái “ta” bị thất tình chi phối, thống trị mà ra. Thật vậy, cái “ta” của ta là gì? Là cái “ta” tự cao tự đại, cho mình hơn hết mọi người, không chịu nhận cái hay cái tốt của người khác. Cái “ta” ích kỷ, chỉ biết mình, sở thích mình, tư lợi, dầu hại cho kẻ khác như câu nói: “ích kỷ hại nhân”. Cái “ta” ghen tương, phen bì, khi thấy ai được điều tốt, thì nổi máu ghen, tìm cách hạ giá người ta. Cái “ta” khoe khoang, giả hình nhân nghĩa để được tiếng khen. Cái “ta” thiên vị, thiên kiến, chỉ yêu thích những người thân thuộc, bà con, bạn bè, nhưng ghét bỏ, thù hằn những người thẳng thắn, nhưng bất đồng ý kiến. Tất cả những cái “ta” do thất tình chi phối, điều khiển, là những tư cách của cái “ta” đê tiện, hèn hạ, ấu trĩ trong con người, chính là cái “giả ngã”, cần được thanh luyện để trở nên cái “ta” thật, cái “Chân Ngã”, thảnh thơi, trưởng thành, vô vị lợi, an hòa.(48)


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương