Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


Hợp tác trên bình diện Xã Hội, Giáo Dục



tải về 2.02 Mb.
trang3/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   31

2. Hợp tác trên bình diện Xã Hội, Giáo Dục. Như ta thấy ở trên, về phương diện văn chương nghệ thuật, Giáo Hội cần cố gắng rất nhiều theo gương các vị Tiền Bối để hoàn thành những công trình lớn lao hầu đánh tan những mối nghi kị giữa Lương-Giáo. Hơn nữa, vẫn có thể Hợp Tác với các tôn giáo bạn trong công việc từ thiện, xã hội, giáo dục để chứng tỏ lòng vị tha Bác ái của Đạo Chúa đối với đồng bào. Có thể nói, về phương diện này, Giáo Hội đã thực hiện đuợc nhiều công tác quan trọng như săn sóc các bệnh nhân phong cùi, lập nhà thương, phòng phát thuốc, nhà dưỡng lão, viện mồ côi, trại tế bần, tổ chức cứu trợ nạn nhân các thiên tai bão lụt, các công cưộc di cư đinh cư dinh điền… để thông cảm và xoa dịu nỗi thống khổ của đồng bào. Đây cũng là một lĩnh vực sở trường của Giáo Hội, nhờ uy tín quốc tế, đặc biệt, nhờ sự hy sinh, dấn thân của các nữ tu, các “Dì Phước”. Đại đa số đồng bào rất cảm phục về những hoạt động bác ái này, để chứng minh Đạo Chúa là Đạo Tình Thương và để đánh tan một phần nào những mối nghi kị đối với công giáo.

Tuy nhiên, mối giao hảo giữa công giáo và đồng bào cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Phần lớn các công tác bác ái được thực hiện riêng rẽ, thiếu sự HỢP TÁC giữa các tôn giáo, nên đã gây ra sự cạnh tranh, ghen tị. Người ta chỉ kêu gọi “Đoàn Kết”, khi xẩy ra những khủng hoảng trầm trọng gây nên xáo trộn, phá phách. Bình thường những tổ chức như “Liên Tôn”. Hợp Tác” của các tôn giáo, có tính cách tượng trưng hơn là hoạt động tích cực trong lĩnh vực cứu tế để tạo cơ hội thông cảm, đoàn kết.

Ngày xưa, cha Đắc Lộ và các thừa sai chưa có thể công khai tố cáo những bất công, những tệ đoan xã hội, bênh đỡ người nghèo, người bị bóc lột trong xã hội Việt Nam thời phong kiến. Nhưng ngày nay, nếu muốn đem Tin Mừng hội nhập một cách sâu rộng vào đất nước này, thì Giáo Hội cần phải đồng hóa với đại đa số đồng bào nghèo khổ, vì Việt Nam được xếp vào hạng các nước nghèo trên thế giới. Về khía cạnh này, rất nhiều câu hỏi đặt ra, nhiều thắc mắc chưa được giải đáp. Chẳng hạn như: Giáo Hội của người nghèo hay người giầu? Giáo hội có thích khoa trương, đắc thắng (triumphalism) không?

Về phương diện giáo dục, Giáo Hội vẫn tự hào đã mở được nhiều trường tư thục, từ cấp mẫu giáo đến đại học. Những năm gần đây, số học sinh của các trường trung học công giáo lên khá cao, sánh với tỉ lệ học sinh toàn quốc. Đó cũng là điều đáng khen vì đã góp phần đắc lực vào việc nâng cao dân trí. Lại nữa, con số các học sinh trung học bên lương (ngoài-công giáo) thường cao hơn số các học sinh bên giáo! Điều đáng cảm phục nhất là tại những miền xa xôi hẻo lánh, đồng chua nước mặn, duới những căn phòng lụp xụp hay túp lều tranh thô sơ, thiếu bàn ghế… trong đó ta thấy bóng dáng “Dì Phước” dòng Mến Thánh Giá, một mình kiêm hai ba lớp, lủi thủi, cặm cụi dạy các em lương-giáo tập đọc, tập viết. Âu cũng là tấm gương sáng lạng về việc Hội Nhập Đạo Chúa vào văn hóa Việt Nam. Cho đến ngày nay, ban giáo dục của Giáo Hội chưa soạn thảo được một bộ Sách Giáo Lý dùng làm sách giáo khoa cho các lớp từ mẫu giáo tới lớp 12, cập nhật hóa theo phương pháp sư phạm giáo lý mới, nhất là để dạy Kinh Thánh, đồng thời dùng đạo đức của văn hóa dân tộc như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, v.v., để chứng minh, hỗ trợ những bài giáo lý.

3. Đối Thoại với các Tôn Giáo bạn trên bình diện triết lý, siêu hình. Như chúng ta đều biết, mỗi tôn giáo trên thế giới đều có niềm tin đặc biệt, và nhiều cách thế để biểu lộ ra bên ngoài bằng các lễ nghi, phụng vụ, kinh sách, tổ chức giáo hội, huấn luyện tu sĩ… Vả lại, cách thực hành Đạo cũng thay đổi tùy thời tùy nơi. Do đó, không thể so sánh, đối chiếu cách thực hành của Đạo này với Đạo khác được. Nhưng qua những hình thức biểu lộ phức tạp và khác biệt, các tôn giáo lớn, trên bình diện suy tư về Siêu Hình, Triết Lý, đều vươn lên Cõi Siêu Việt, Vô Hình, Chân-Thiện-Mỹ. Đây cũng là “Tâm Điểm” (locus) phát hiện ra CHÂN LÝ VĨNH CỬU, nơi nhân loại có thể gặp gỡ và nối kết lại với nhau. Trên bình diện Siêu Việt này, các tôn giáo nên tìm hiểu ý nghĩa của các giáo thuyết, của niềm tin. Điều quan trọng và cần thiết là phải cố gắng hiểu cho đúng, tránh xuyên tạc ý nghĩa, tránh mạt sát, nhưng hãy so sánh những điểm tương đồng và khác biệt và luôn luôn tôn trọng ý kiến, lập trường, sự tự do phán đoán, và quyết định về niềm tin của người khác, mặc dầu khác với tín ngưỡng của riêng mình.

Vào thời kỳ Hậu-Công Đồng Tridentinô, cách đây hơn 400 năm, khoa Thần Học của Giáo Hội đối với các Tôn Giáo ngoài-Thiên Chúa Giáo chưa được tiến triển như lập trường của Công Đồng Vaticanô II (1962-1965). Như đoạn trên đã trình bày, phương châm: “Ngoài Hội Thánh, không có sự Cứu Độ”, được giải thích theo nghĩa hẹp. Do đó, các vị thừa sai đánh giá rất thấp tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục của các tôn giáo khác. Về điểm này, có thể nói, cha Matteo Ricci ở Trung Hoa, và cha Đắc Lộ ở Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, vì cả hai đều muốn bảo trì những giá trị tinh tuý của các nền văn hóa. Tuy nhiên, vì thiếu thời giờ và phương tiện học hỏi, nghiên cứu tường tận, nên cả hai chưa hiểu rõ những ý nghĩa chính thực của các quan niệm siêu việt như: “Đạo” “Vô” (Lão Giáo), “Không” (Phật Giáo) và Thái Cực, Lý, Khí (Chu Hi, Vương Dương Minh). Cả hai chỉ chú trọng vào đạo Tu Thân và niềm tin vào Thượng Đế, “Thiên” của Khổng giáo. Riêng cha Đắc Lộ còn khai thác niềm tin vào “Ông Trời”, lễ tế Nam Giao và đạo Hiếu.

Đây cũng là một thách đố lớn lao nhất đối với Giáo Hội Việt nam hiện nay. Thât ra, cho đến bây giờ, chưa có cuộc Đối Thoại giữa Công Giáo và các tôn giáo được diễn ra trên bình diện thần học, triết lý để tìm hiểu niềm tin của nhau một cách thông cảm, hầu đánh tan mọi nghi kị, hiểu lầm. Nếu có đề cập đến các Đạo giáo là để biện hộ và phi bác các điều “lầm lạc”, chứ chưa tìm hiểu những giá trị tích cực của các Đạo ấy. Sau hơn 300 năm, ngày nay Giáo hội có nhiều nhân tài, phương tiện, và thời giờ để nghiên cứu các tôn giáo bạn hầu bổ khuyết cho công trình của cha Đắc Lộ còn chưa hoàn bị. Chẳng hạn chữ, “ĐẠO”, chữ “VÔ” của Lão giáo trong Đạo Đức Kinh, hay chữ “KHÔNG” trong Phật giáo Đại Thừa, không có nghĩa là “không có gì hết”, nhưng để chỉ Thực Tại Tuyệt Đối, uyên thâm vô cùng, vô thủy vô chung, vô hình vô tượng và là Nguồn Gốc của vạn vật, vạn hữu. Người bình dân Trung Hoa hay Việt Nam đều hiểu theo ý nghĩa tích cực ở trên. Đây là kiểu nói quen thuộc, thường dùng trong các Đạo Giáo Đông phương theo “phương thức phủ định” (via negativa). Bên Tây phương, Thánh Tôma, nhà thần học trứ danh, đặc biệt các nhà thần bí (Mystics), thỉnh thoảng cũng dùng cách thức nầy, gọi là “Thần học Phủ định” (Theologia negativa. Xin đọc Chương hai “Phương Pháp Suy Luận Đông-Tây).

Việc nghiên cứu để hiểu một cách chính xác các quan niệm triết lý siêu hình của các Đạo giáo để có thể đàm đạo, đối thoại là điều cần thiết. Nhưng việc học hỏi nên đề phòng những nguy cơ như sau: một là, không tìm hiểu thấu đáo ý nghĩa biểu tượng, phương pháp suy luận của người Á Đông, nên dễ hiểu lầm và giải thích sai lạc văn hóa Việt Nam; hai là, đã có sẵn thành kiến về các Đạo giáo được coi là “lầm lạc, mê tín, dị đoan”, nên khinh thường không cố công học hỏi, trái lại, đề cao văn hóa ngoại lai; ba là, đã nỗ lực sưu tầm những tinh túy trong nền triết lý dân tộc, nhưng vì thiếu hiểu biết về thần học Thiên Chúa Giáo, nên đâm ra hoài nghi, và mất đức Tin; bốn là, vì ái quốc cực đoan, vì lập trường chính trị, nên chủ trương “Tự Trị”, về luật lệ điều hành, tài chính và cả tín điều nữa, không hiệp thông với Giáo Hội Rôma; năm là, vì không hiểu rõ các quan niệm về đạo giáo và triết lý của dân tộc, nên họ đã lẫn lộn, không phân biệt được những điểm tương đương và những điểm khác biệt giữa đức Tin của Thiên Chúa Giáo và Văn hóa của dân tộc. Chẳng hạn như ý nghĩa chữ “ĐẠO” là gì? Có phải “đạo” là “đường”, là “đàng” hay còn những ý nghĩa siêu hình nào nữa không, trong thành ngữ “Thiên Đạo”, “nhân đạo”? Câu “Tri Hành Hợp Nhất” là một Nguyên lý của người Việt Nam hay là thuộc phái Tâm Học của Vương Dương Minh? (coi Nho Giáo, Trần Trọng Kim, quyển hạ, trang 255). Trong sách của thánh hiền, câu “Thiên nhân hợp nhất”, và câu “Thiên nhân tương dư (dữ)”, nghĩa là Trời và người quan hệ nhau rất mật thiết (Nho Giáo, trang 39), hai câu đó có nghĩa gì? Mặt khác, cũng cần nhận định một quan niệm khác biệt giữa Thần học Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo. Thường các Đạo giáo Đông phương chủ trương “Vạn Vật Nhất Thể”, hay thuyết Tam-Tài (Thiên-Địa-Nhân), nghĩa là Trời Đất, Người, cỏ cây, sông núi, v.v cùng có chung một bản thể, không có “bản vị” riêng biệt (impersonal). Trái lại, Thần học Thiên Chúa giáo nhấn mạnh đến tính cách “ngôi vị”, nghĩa là “Bản Thể” Siêu Việt vô cùng của Thiên Chúa hoàn toàn “khác” với bản thể của các loài thọ tạo như loài người, cỏ cây, động vật. Đây là quan niệm về Thần học “Ngôi Vị” (Personalist). Nói tóm lại, trong vấn đề Hội Nhập Đạo vào Văn hóa Việt Nam, điều khó khăn là làm thế nào tạo được thế quân bình: vẫn giữ được tinh thần Hiệp Thông, Hiệp Nhất với Giáo Hội hoàn vũ trong vấn đề tín lý, kỷ luật, đồng thời biểu hiện được những nét đặc thù, tinh tuý của người tín hữu Việt Nam.



4. Vấn đề đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc. Đây không chủ ý phê phán về lòng đạo đức, nhiệt thành truyền giáo, tài năng, học vấn của hàng giáo sĩ, tu sĩ Việt nam, nhưng chỉ đặt vấn đề học hỏi, hiểu biết Văn hóa Việt Nam, như cha Đắc Lộ đã chủ trương khi tuyển mộ và đào tạo các Thầy Giảng và Linh Mục. Như các đoạn trên đã bàn luận, để xây dựng Giáo đoàn địa phương, công tác quan trọng nhất mà cha Đắc Lộ đã làm là huấn luyện hàng giáo sĩ và thành lập Hội Thầy Giảng. Cha đã đặt ra những tiêu chuẩn để tuyển mộ như: tương đối còn trẻ, độc thân, có trình độ trí thức khá cao về Văn hóa Việt Nam. Do đó, cha đã đặc biệt chiêu mộ các vị nho gia, các cựu tu sĩ Phật giáo để huấn luyện thành Linh mục hay Thầy giảng. Ngoài ra, nếu có thanh thiếu niên nào muốn đi tu mà chưa đủ học vấn, thì bắt buộc phải học Tứ Thư, Ngũ Kinh… rồi mới được chấp nhận vào tu.(6)

Điều đáng nêu ra ở đây để thẩm định là: sau cha Đắc Lộ hơn 300 năm, đường lối đào tạo, huấn luyện các tu sĩ, linh mục về vấn đề văn hóa dân tộc, vẫn chưa thực hiện đúng với ước vọng của nhà truyền giáo tiên phong! Khoảng thời gian gần trăm năm nay, Giáo hội được hưởng tự do tôn giáo để tổ chức chương trình đào tạo các giáo sĩ. Trong các Chủng viện cấp trung học, gọi là “trường La tinh”, các chủng sinh bắt buộc học môn cổ ngữ la tinh, vì là ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội Rôma, dùng trong sách Phụng vụ, sách Kinh, và sách giáo khoa. Mãi cho đến những năm sau Công Đồng Vaticanô II, khi được phép dùng tiếng Việt trong Thánh Lễ, mới bỏ môn Latinh. Học môn cổ ngữ này là điều chính đáng vì là phương tiện truyền thông của Giáo hội, và để hiểu biết nguồn gốc các ngoại ngữ như tiếng Pháp, Anh, Ý, Tây ban nha… bởi gốc tiếng Latinh mà ra, tương tự như chữ Nho hay Hán tự là gốc của tiếng Việt, tiếng Hán-Việt. Điều đáng tiếc là: trong các chủng viện, môn chữ Nho, đã bị bãi bỏ, chỉ còn chú trọng đến môn Việt Ngữ. Trên Đại chủng viện, môn triết học Việt Nam, triết lý Á Đông không được giảng dạy thành bài giáo khoa có hệ thống, nhưng đôi khi được nêu ra một vài đề tài hay vấn nạn, trong những bài về Minh giáo (Apologetics), hoặc để phi bác những cái gọi là “sai lầm, trái đạo”, hoặc để hỗ trợ cho bài học tín lý. Và hậu quả như mọi người thấy, suốt thời gian gần một thế kỷ, Giáo hội chưa xuất bản được cuốn tự điển đầy đủ các danh từ về khoa thần học, triết học để làm phương tiện chuyển ngữ, phiên dịch, hoặc những bộ sách triết lý, thần học để có thể đối thoại, đàm đạo với các tôn giáo bạn. Vì thiếu căn bản về dân tộc học, nên đa số tu sĩ du học ngoại quốc cũng không sáng tác được những công trình lớn lao, giá trị để giới thiệu Đạo với đồng bào.



5. Hướng về Tương lai, về Thiên niên Thứ Ba. Nhìn lại quá khứ để rút ưu-khuyết điểm, hầu chuẩn bị tiếp tục công cuộc thực hiện trong ngàn năm mới. Trong tình trạng hiện thời của Giáo hội tại quê nhà cũng như tại quốc ngoại, nhiều thách đố, nhiều khó khăn đang chờ đón chúng ta. Điều thiết yếu là cấp lãnh đạo Giáo hội, theo gương cha Đắc Lộ, tùy hoàn cảnh, tùy khả năng, cần nghiên cứu các kế hoạch, phương pháp hiệu nghiệm để “Nhập Thể”. Hội nhập Tin Mừng vào môi trường sinh hoạt của đồng bào Việt nam, tại quốc nội cũng như tại quốc ngoại. Kinh nghiệm mấy ngàn năm lịch sử lập quốc cho thấy: trải qua bao cuộc thăng trầm, ngoại xâm, nội chiến, dân tộc Việt vẫn duy trì được căn tính, bảo vệ được những giá trị truyền thống. Đó là mối tự hào, vinh dự của nòi giống Lạc Hồng, và cũng là một đóng góp tinh thần vào nền văn minh chung của nhân loại.

Ngày nay, vì vận mệnh quốc gia xoay chuyển, tập thể người Việt sinh sống tại quốc ngoại rất đông đảo. Đối với tín hữu Công Giáo Việt nam rải rắc khắp năm châu, nếu muốn giữ vững đức Tin và tinh hoa của dân tộc, thì cần đối phó với nhiều vấn đề cấp bách, nhiều thách đố thôi thúc ra tay hành động, làm thế nào có thể tiếp nối đường hướng rao giảng Tin Mừng của tiền nhân để lại. Trong các cuộc hội thảo, hội nghị, hầu hết cấp lãnh đạo và giáo dân đều đồng ý về nguyên tắc và lý tưởng như sau: Bảo vệ Đức Tin và lưu truyền tinh hoa, giá trị của dân tộc cho thế hệ tương lai. Đây chính là vấn đề: bảo vệ căn tính (identity) riêng biệt của người Việt, đồng thời “Hội nhập” vào văn hóa, vào giáo hội địa phương. Trừ một thiểu số có lập trường “quá khích” tẩy chay văn hóa ngoại quốc, viện cớ là văn minh vật chất, luân lý đồi bại, gia đình tan rã…; ngược lại, cũng có người, nhất là giới trẻ, không phân biệt điều tốt, thói xấu trong phong tục tập quán Việt nam, chối bỏ quá khứ dĩ vãng, không nói và học tiếng Việt nữa và hoàn toàn “đồng hóa” với dân nước địa phương. Nhưng kinh nghiệm cho thấy: khước từ nguồn gốc, căn tính, văn hóa của mình, “lột xác, bán linh hồn”, để “ đồng hóa” hoàn toàn với một văn hóa khác, là điều khó thực hiện. Đây không phải là óc kỳ thị chủng tộc, hay óc bài ngoại, nhưng là vấn đề: hiệp nhất trong sự khác biệt (e pluribus unum). Tại Hiệp Chúng Quốc, đã có thời người ta chủ trương “trộn lẫn”các chủng tộc (melting pot), nhưng ngày nay đã thay đổi thành ra “Rainbow” (Cầu Vồng, năm sắc). Ngày nay, đặc biệt tại Hawaii, quan niệm chân chính về Hội Nhập Văn Hóa được đề cao, nghĩa là mỗi sắc dân sinh sống tại quần đảo như dân địa phương và các chủng tộc di dân như Samoa, Fiji, Tahiti, Nhật, Hoa, Đại Hàn, Việt nam, Bồ đào nha, Phi, Hispanics… được khuyến khích bảo tồn và biểu diễn văn hóa của mình trong những cuộc diễn hành, hay các cuộc lễ kỷ niệm. Ngoài ra, kinh nghiệm cũng cho thấy: những người cùng nói tiếng “Hispanics” (Tây Ban Nha) như Mễ, Guatamala, … vì cùng chung văn minh Thiên Chúa Giáo với đa số dân Hoa kỳ từ Âu châu đến như Ái Nhĩ Lan, Anh, Pháp, Ý… nên việc hội nhập rất dễ dàng, chỉ sau một thế hệ, đến đời con cháu đã thực sự đồng hóa với dân địa phương. Trái lại, đối với các dân tộc đã có một nền văn hóa kỳ cựu và khác biệt với văn minh Thiên Chúa Giáo như Việt Nam, Trung Hoa, Nhật bản… thì hiện tượng đồng hóa gặp nhiều trở ngại, khó khăn, và cần một thời gian lâu dài. Bởi vậy, không lạ gì, dầu người Tàu, người Nhật đã lập nghiệp tại Hoa kỳ gần 200 năm, nhưng người ta vẫn phân biệt, vẫn gọi: “Chinese-American”, “Japanese-American”,… và “Chợ Tàu” (China Town) lan tràn khắp nơi. Thống kê cho thấy, các cặp hôn nhân tạp chủng, hỗn hợp (mixed marriage) khó thành đạt và bền vững vì tập quán và văn hóa khác biệt giữa họ hàng, bà con nội-ngoại. Một hiện tượng xã hội khác cũng thường xẩy ra: tại trường tiểu học, các học sinh đủ mọi sắc tộc đều chơi thân, kết bạn với nhau, nhưng khi lên bậc trung học, đại học, nếu cần kết bạn “tâm tình”, thì thường thấy chúng “cặp kè” với bạn đồng hương.

6. Riêng về vấn đề hội nhập vào các Giáo đoàn địa phương, người tín hữu Việt Nam theo đường hướng nào? Tại quốc ngoại, chúng ta được hưởng hoàn toàn tự do tôn giáo, lại có đầy đủ phương tiện tổ chức, hội họp, học hỏi, vậy chúng ta đã làm gì để hội nhập Tin Mừng vào môi trường đang sinh sống, nhất là có thể thông cảm, và đánh tan mọi ngờ vực, nghi ky, tạo cơ hội để đàm đạo, đối thoại với các tôn giáo bạn chưa? Trong những năm qua, cộng đồng công giáo Việt Nam, đã thành lập được những tổ chức như “Liên Đoàn”, “Liên Tu sĩ”, “Liên Tôn Liên Lạc”, v.v., nhưng chỉ thật sự hoạt động để đối phó với nhu cầu khẩn thiết, cấp bách như tổ chức Lễ Phong Thánh, Yểm Trợ, hay các kỷ niệm. Ngoài ra, cấp lãnh đạo và giáo dân chưa nghiên cứu được một kế hoạch qui mô, một đường hướng mục vụ thích hợp cho tập thể người công giáo Việt Nam tại quốc ngoại, tương tự như những nguyên tắc chỉ đạo của cha Đắc Lộ về vấn đề truyền giáo. Xét cho cùng, những tổ chức trên đều có tính cách thân hữu, chứ không được Hội Đồng Giám Mục tại địa phương chính thức công nhận, vì cấp lãnh đạo Giáo Hội địa phương không có một chính sách chung cho toàn quốc, cho các Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại các địa phận, hay giáo xứ. Do đó, mỗi địa phận, mỗi giáo xứ địa phương đối đãi với cộng đồng Việt Nam một cách khác nhau, tùy thuộc cảm tình của vị giám mục hay linh mục chánh xứ. Hiện nay, một thiểu số cộng đồng công giáo Việt Nam được thành lập với qui chế của một giáo xứ riêng: “Nhà Thờ Việt Nam”, linh mục Việt Nam làm chính xứ, có nhà xứ và văn phòng riêng, tự túc về tài chính. Còn phần lớn các Cộng Đồng mượn nhà thờ địa phương để dâng Thánh Lễ, tiền thu được nộp cho giáo xứ và cha quản nhiệm được “bài sai” chính thức làm phụ tá cho giáo xứ, kiêm phụ trách giáo dân nói tiếng Việt. Những cộng đồng nhỏ, ít người Việt rải rắc trong các tiểu bang, thỉnh thoảng mời một linh mục Việt Nam đến dâng Thánh Lễ. Điều đáng nêu ra ở đây là: ước mong được soạn thảo một chương trình qui mô, một đường hướng hợp thời, hợp hoàn cảnh mới về việc dạy Giáo lý và Việt ngữ để giúp thế hệ trẻ giữ vững Đức Tin và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một vài sách giáo lý song ngữ dịch từ ngoại ngữ, nhưng không đủ cho các lớp, không đáp ứng nhu cầu của trẻ em Việt Nam mới đến định cư. Vấn đề dạy Việt ngữ rất quan trọng vì giúp cho các cộng đồng được tồn tại lâu bền, nhất là để các trẻ em có thể nghe được hiểu được những lời khuyên bảo dạy dỗ của ông bà cha mẹ, hoặc thưởng thức những câu ca tiếng hát, và thông hiểu lịch sử, văn hóa quê cha đất tổ.

7. Vấn đề các tu sĩ nam nữ, chủng sinh, linh mục Việt Nam tại quốc ngoại. Theo đường hướng mục vụ của Vị Tông Đồ khai sáng nên Giáo Hội Việt Nam, việc huấn luyện và đào tạo các thầy giảng, các tu sĩ nam, nữ, các linh mục để lãnh đạo các cộng đồng, và rao giảng Tin Mừng cho đồng bào, là điều tối hệ trọng. Hiện nay trên thế giới, giới nhà tu Việt Nam đông đảo, hùng hậu’ hơn nữa, được tự do hoạt động, lại nhiều cơ hội học hành, trau giồi kiến thức. Theo luật chung của Giáo Hội, và luật của các Dòng Tu, mỗi chủng sinh, linh mục, mỗi tu sĩ đều “nhập tịch” vào một địa phận, hay thuộc về Hội Dòng. Theo nguyên tắc, giới tu sĩ do các địa phận, hay hội Dòng tuyển mộ, phải được huấn luyện chu đáo về ngôn ngữ, văn hóa, để có khả năng làm việc truyền giáo tại địa phương. Sau hơn 20 năm di cư, ở nhiều nước trên thế giới, giới tu sĩ Việt Nam đã chứng tỏ lòng nhiệt thành, đức độ và tài năng có thể đảm trách những chức vụ trong Giáo hội. Đấy là một vinh dự cho cá nhân và gia đình, nhưng cũng là một hãnh diện của con cháu Lạc Hồng đã đóng góp vào việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Điều muốn chia sẻ ở đây, thực ra chỉ là một “ước vọng” mà thôi, hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí của mỗi người! Nếu còn nhớ đến nguồn gốc quê hương, đến tổ tiên đã sinh thành ra mình, đến các vị tiên phong truyền giáo như cha Đắc Lộ, đến các Thánh Tử Đạo, đến Giáo Hội quê nhà thiếu thốn mọi mặt..thì chắc quí vị sẽ dùng thì giờ nhàn rỗi, dùng tài năng, tiền bạc, v.v. để giúp vào việc xây đắp nền Văn Hóa Việt Nam, bằng những tác phẩm dịch thuật, hoặc bằng những sáng tác phẩm giá trị, để làm giầu cho kho tàng văn hóa nước nhà, đồng thời giới thiệu những tinh hoa của dân tộc cho mọi nước, mọi dân trên hoàn vũ. Mong lắm thay!

Chương Hai

Phương Pháp Suy Luận Đông Tây

Trước khi trình bày triết học và đạo học của Đông Phương và Tây Phương, ta nên tìm hiểu phương pháp suy luận của mỗi bên như thế nào. Không hiểu biết cách thức lập luận của các thần học gia, nho gia, thiền sư, ta có thể hiểu lầm, và gán cho họ những quan niệm mà họ không có. Trong khi đàm đạo, đối thoại, nhiều khi chỉ khác nhau về cách dùng từ ngữ, nhưng kỳ thực cùng chung một nội dung, một ý nghĩa. Những thành ngữ mang sắc thái mâu thuẫn, nghịch lý, huyền bí như: “Vạn Vật Nhất Thể”, “Tam Tài”,” Thái Cực”, “Vô”, “Chân Không Diệu Hữu”, v.v. hoặc những ý niệm về “Bản Vị”, “Ngôi Vị (person), hay ý niệm về “Loại Tỷ, Tương Tự” (analogy), đôi lúc đã gây trở ngại, hiểu lầm trong việc đối thoại. Chẳng hạn, Đông phương thích dùng danh từ “Vô”, “Không”, để diễn tả tính chất tuyệt đối của Thực Tại Tuyệt Đối, theo phương pháp “via negativa” (đường lối phủ định), thì có người cắt nghĩa “Vô”, là “không có gì hết”, là vô thần, Mặt khác, khi thần học Thiên Chúa Giáo dùng các phẩm tính (attributes) để gán cho Thiên Chúa như Chúa là”Đấng phép tắc vô cùng”, theo phương pháp Loại Tỷ, thì bị hiểu lầm là hạ giá Chúa xuống hàng nhân loại, phàm tục, thần-nhân-đồng-hình (anthropomorphism). Ngày nay, một số nhà Phật học vẫn phủ nhận quan niệm về nhân vị, bản vị, hay ngôi vị.

Chân lý là Một. Trong vũ trụ này, chỉ có Một Chân Lý Tuyệt Đối. Nhưng, vì trí khôn hạn hẹp của nhân loại, nên cần dùng nhiều cách thức, nhiều phương pháp lý luận để đạt tới Chân Lý. Khoa Tri Thức Luận (Epistemology) cho thấy: ta biết được Chân Lý nhờ Trực giác, nghĩa là hiểu biết không cần phải lý luận, như các Chân lý về toán học: 1+1= 2 hoặc Trực giác về sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa, dựng nên vũ trụ. Ta cũng có thể đạt tới Chân Lý nhờ Lý Luận, như các chân lý thuộc Khoa Học Thực Nghiệm, nhờ phương pháp Suy Diễn, và Qui Nạp. Ngoài hai cách thức trên, ta cũng biết được Chân lý, nhất là những Chân lý cao siêu, nhờ Thiên Chúa Mặc Khải (Revelation) trong các sách Kinh Thánh.

Nói tổng quát, có hai cách lập luận chính: 1) Tây Phương thiên về lý luận theo Phương Pháp Biện Biệt (distinction), Phân tích, Suy Diễn (deduction), Qui Nạp (induction); 2) Đông Phương thiên về Trực Giác, về cảm quan Nhất Quán, Nhất Nguyên, Tổng hợp (những mâu thuẫn). Ngoài ra, cả hai đều dùng “Thần học Phủ định” (negative theology), nhưng đó là môn sở trường của Đông Phương. Tây Phương còn dùng thêm phương thức “Tương Tự”, hay “Loại Tỷ” (analogy), cũng gọi là phương thức Siêu Tuyệt (via eminentiae, way of eminence), để tìm cách đi từ hữu hạn vươn lên vô hạn. Đặc biệt, Tây Phương xây dựng nền tảng Triết lý và Thần học Siêu hình trên ý niệm” Bản Vị”, “Ngôi Vị” hay” Nhân Vị” (Person), sẽ bàn luận sau đây.(7)



ĐOẠN I . Lý Luận Biện Biệt Của Tây Phương

Tây Phương, theo truyền thống triết học từ thời Socrates (c. 470-399 BC), Plato (c. 428-c.348 BC), đến thời Kant (1724-1804), Hegel (1770-1831), đều dùng lối lý luận Biện chứng (dialectic), Biện biệt (distinction), nghĩa là phân tách, phân loại, phân chia các tư tưởng và sự vật để tìm hiểu được rõ ràng hơn. Dĩ nhiên, phân chia ra các thành phần rồi lại tổng hợp lại, đó là hai hoạt động đi liền nhau của trí khôn. Óc Biện Biệt, Phân Tách đó áp dụng đặc biệt vào Luật Mâu Thuẫn.



A. Luật Mâu Thuẫn

Phương Pháp lý luận chia sự vật ra hai phần biệt lập, chống đối, triệt tiêu lẫn nhau như: thiện-ác, trắng-đen, tốt-xấu, lành-dữ, hồn-xác, tinh thần-vật chất, tĩnh-động, âm-dương, chủ quan-khách quan, v.v. Theo nguyên lý về luật mâu thuẫn (principle of contradiction), thì A là A, B là B. A không thể vừa là A, đồng thời vừa không phải là A được. Một vật hoặc là trắng hoặc là đen, chứ không thể vừa trắng lại vừa đen, vì trắng-đen được coi là cặp mâu thuẫn đối nghịch triệt tiêu nhau. Đó là lập luận: hoặc là có hoặc là không (either-or). Chỉ nên chấp nhận một bên và từ bỏ bên kia .

Theo óc biện biệt (distinction) Tây Phương hay dùng cách Phân Loại để chia các môn học như: siêu hình học, tâm lý học, toán học, vạn vật học, vật lý học, v.v. Mỗi triết thuyết là một hệ thống tư tưởng riêng biệt, chặt chẽ, có tôn chỉ, phương pháp, mục đích riêng, chống đối với các hệ thống triết lý khác. “Duy Vật”, chống “Duy Tâm”, chống “Duy Lý”, Duy Vật là “chỉ” (duy=ism) chấp nhận vật chất như nguồn gốc của sự vật’. Do đó, tất cả các triết thuyết khác đều là “Duy Tâm”, cần phải đả phá. Theo kiểu nói: Duy ngã độc tôn, (chỉ mình là hơn hết) thì ta phải quyết định chọn một trong hai. Nếu chọn A, thì bỏ B; nếu A đúng thì B sai; không thể có lập trường thứ ba chấp nhận vừa A vừa không A được. Theo luật mâu thuẫn phải loại bỏ lập trường thứ ba đi, gọi là Triệt Tam (Tiers exclu). Luật mâu thuẫn đó, nhà hiền triết Aristotle định nghĩa như sau: “Cùng một đặc điểm, không thể cùng một lúc, vừa thuộc về vừa không thuộc về cùng một chủ thể và trong cùng một hoàn cảnh”, (Metaphysics 1005 b 19-20). Rõ ràng hơn: “Không thể chấp nhận một sự vật vừa có lại vừa không (có). (Metaphysics 1006 a 1).(8)


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương