Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


B. Tam Đoạn Luận: Suy Diễn



tải về 2.02 Mb.
trang4/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   31

B. Tam Đoạn Luận: Suy Diễn

Tây Phương, theo truyền thống triết học Hy lạp, đã dùng phương pháp suy luận gọi là Tam Đoạn Luận (syllogism). Đây là luận lý học hình thức, tuy có vẻ khô khan cứng cỏi, nhưng giúp trí khôn phán đoán và phô bày chân lý một cách rõ ràng chắc chắn. Tam Đoạn Luận gồm hai tiền đề và một câu kết luận. Câu Kết luận được rút ra từ hai Tiền đề. Đây là ví dụ cổ điển của triết gia Aristotle về Tam Đoạn Luận:

-Đại Tiền đề: Mọi Người phải Chết.

-Tiểu Tiền đề: Anh Bính là Người,

-Kết đề: Nên, Anh Bính phải Chết.

Đặt theo công thức toán sau đây: A=C; mà B=A; nên, B=C. Luận lý hình thức Tam Đoạn Luận, dựa vào nguyên tắc về Suy Diễn (deduction), nghĩa là nếu hai Tiền đề đúng và công thức hay cơ cấu của Tam Đọan Luận là “xác thực” (valid), thì Kết luận rút ra cũng phải đúng. Công thức xác thực căn cứ vào vị trí của ba hạng từ (terms): Đại từ (major term), Trung từ (middle term), và Tiểu từ (minor term). Trong 256 công thức khác nhau của Tam Đọan Luận như Bamalip, Baralipton, Barbara, Barbari, v.v., chỉ có 19 công thức mang tính chất Xác thực (validity), còn các công thức khác đều là ngụy biện.(9)



C. Phương Pháp Qui Nạp: Khoa Học Thực Nghiệm

Luận lý gọi là Qui Nạp (induction), vì đi từ những dự kiện, những trường hợp cá biệt, cụ thể do quan sát hoặc thí nghiệm, để gồm lại thành một định luật chung cho cả loại. Chẳng hạn, sau khi đã quan sát tại nhiều nơi, nhiều thời gian, nhiều lần khác nhau, mà mỗi lần đều thấy con quạ có mầu đen, thì ta kết luận một cách tổng quát là: con quạ= mầu đen.

Theo lối luận lý Qui nạp, giữa dự kiện quan sát và câu kết luận tổng quát, bao giờ cũng bấp bênh, không có gì bảo đảm hoàn toàn đúng chân lý 100%. Số dự kiện quan sát càng nhiều lần, nhiều nơi, nhiều lúc khác nhau thì câu kết luận tổng quát càng gần chân lý bấy nhiêu. Trái lại, nếu các dự kiện riêng rẽ ít được quan sát, kiểm chứng, thì định luật đó kém giá trị. Do đó, câu kết luận của Qui nạp chỉ là một giả thiết (hypothesis), cần phải đem ra thí nghiệm. Nếu đem áp dụng giả thiết đó cho nhiều trường hợp khác nhau mà vẫn đúng, thì giả thiết đó trở nên chắc chắn hơn. Một giả thiết cần được sửa đổi, thí nghiệm luôn mãi, để mỗi ngày thêm tiến bộ. Lý luận theo Qui nạp cũng là óc khoa học, kỹ thuật của Tây Phương: chú trọng về lượng, tiến bộ, và về kiểm chứng (test).

Nhờ óc tìm kiếm, quan sát, phân tách các dự kiện, các nhà khoa học đặt ra các giả thiết để cắt nghĩa các dự kiện rời rạc, riêng rẽ, rồi gom góp chúng, “qui nạp” chúng vào cùng một định luật chung. Nhiều dự kiện khác nhau mà cùng chung một đặc tính, sẽ củng cố thêm giá trị của giả thiết. Ngược lại, giả thiết có giá trị phổ quát, cũng giúp soi sáng ý nghĩa cho các dự kiện. Tóm lại, các kết luận trong Qui nạp chỉ là những giả thiết cần được trắc nghiệm, kiểm chứng thì mới có giá trị khoa học. Vả lại, trước một hoàn cảnh, một dự kiện, ta có thể đặt ra nhiều giả thiết để tìm cách giải thích. Cuối cùng, ta chấp nhận giả thiết nào có khả năng nhất để cắt nghĩa truờng hợp đó, và loại bỏ các giả thiết khác. (Coi hình vẽ).(10)



D. Biện Chứng Pháp

Phương pháp suy luận của Tây Phương đặt nền tảng trên luận lý hình thức như Suy diễn trong Tam Đoạn Luận, và Qui nạp được dùng trong khoa học thực nghiệm. Ngoài ra, Biện Chứng Pháp (dialectic, dialegein, đối thoại, tranh biện), đặc biệt của Hegel, cũng đã giúp cho tư tưởng và văn minh Tây Phương luôn tiến bộ. Một cách đơn giản, theo Biện Chứng Pháp, thì có ba mệnh đề được đặt ra: một là Hiện Đề (thesis), hai là Phản Đề (anti-thesis), ba là Hợp Đề (synthesis). (Coi họa đồ).(11)

Hiện Đề là một hiện trạng của một thực tại, chẳng hạn như Thực thể về tinh thần, hiện tượng của xã hội, kinh tế, chính trị, v.v. Trong mỗi “Hiện Đề” đã chứa chất mầm mống mâu thuẫn, đối chọi với chính nó. Nhờ sự đối kháng này mới phát sinh tiến bộ. Sức đối kháng này được gọi là “Phản Đề”. Có thể nói bất cứ một Hiện Đề nào, tự nó đều là thiếu sót, bất toàn. Do đó, cần có một Phản Đề để bổ túc cho nó. Chính Phản Đề, tự nó cũng không hoàn toàn đúng. Bởi vậy, cần liên kết Hiện Đề và Phản Đề lại với nhau, làm thành một Hợp Đề (Aufhebung, nâng cao lên, thăng hóa). Hợp Đề chính là kết quả của sự thanh lọc những cái dở, và chỉ giữ lại những điều tốt ở trong Hiện Đề và Phản Đề.

Trong quá trình tiến triển của tư tuởng để tìm ra chân lý, trí khôn con người vẫn còn phải áp dụng phương pháp Biện chứng luôn mãi. Do đó, Hợp Đề tự nó lại trở thành một Hiện Đề mới, rồi mâu thuẫn với chính mình để phát hiện ra Phản Đề mới. Hai bên dung hòa với nhau để tạo thành Hợp Đề mới. Như thế, Biện Chứng Pháp tam đề (triad) cứ lập đi lập lại mãi mãi.



Áp dụng trong đời sống tinh thần, văn học, kinh tế, chính trị, Biện Chứng Pháp chính là óc tiến bộ, dân chủ của Âu-Mỹ, luôn cầu tiến, đổi mới, phê bình, đối lập, tranh luận, để tìm cách dung hòa các lập trường khác biệt, và tiến dần đến sự hoàn thiện, hoàn hảo.

E. Phân Loại, Phân Tích Để Hợp Nhất

Óc Phân Loại (classification), Phân Tích (analysis) tỉ mỉ, óc Biện Biệt (distinction), giúp trí khôn đi từ tổng quát đến những chi tiết. Việc Phân Loại khiến các ngành kiến thức phát triển trong một cương vị, phạm vi nhất định, với mục tiêu và phương pháp riêng biệt như: siêu hình học, tâm lý học, luận lý học, sinh vật học, thực vật học, hóa học, vật lý học, v.v. Mỗi ngành, mỗi bộ môn, lại chia ra nhiều môn khác như trong siêu hình học bao gồm các đề mục: Hiện Hữu của Thiên Chúa, Kiến thức luận (epistemology), Hữu thể học (ontology), v.v. Mỗi đề mục lại có thể chia ra nhiều bộ môn, trường phái khác nhau như Kiến thức luận bao gồm Chủ Quan thuyết (subjectivism), Khách Quan Thuyết (objectivism), Thực tiễn thuyết (realism), v.v.

Sự nhận thức của trí khôn con người luôn khiếm diện, tương tự như việc chụp ảnh. Muốn có một chân dung đầy đủ về một người, cần phải chụp nhiều kiểu: phía trước, sau, nghiêng. Do đó, muốn có một chân lý toàn vẹn, ta phải nhìn vấn đề dưới nhiều phương diện, khía cạnh, để nhận định các chi tiết rõ hơn. Nhưng phân tích không có nghĩa là chia cắt ra thành những mảnh vụn rời rạc. Phân tích ra để tổng hợp lại, vì chỉ có một chân lý, nhưng cần xem xét về nhiều khía cạnh thì mới hy vọng hiểu biết một cách thấu triệt và đầy đủ về chân lý đó.(12)

F. Thần Học Phủ Định (Theologia Negativa)

Phương thức Phủ định, hay Thần Học Phủ định chủ chương rằng: vì Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, nên ta không thể dùng bất cứ ngôn từ nào để đặt tên hay diễn tả. Phương pháp phủ định “Via negativa” cho rằng những hình ảnh, danh xưng, thuộc tính (attributes), mà ta gán cho Thiên Chúa, đều rút ra từ kinh nghiệm về loài người mà thôi: đó là kiểu nói “thần-nhân-đồng-hình (anthropomorphism)! Loài thụ tạo thuộc thế giới tương đối không thể hiểu biết, và diễn tả về thế giới siêu việt được. Do đó, ta không thể đặt tên, mà chỉ nên tạm gọi Nguyên Lý Tuyệt Đối đó là “VÔ”, hay “Vô Danh”, Gọi như thế không phải là không tin có Nguyên Lý đó, nhưng để bày tỏ tính chất Tuyệt Đối, Siêu Việt mà thôi.

Để bảo vệ tính cách Siêu Việt Tuyệt Đối của Thiên Chúa, các nhà thần học, thần bí (mystic), triết học đã dùng kiểu diễn tả phủ định khi phát biểu ý kiến về các phẩm tính của Thiên Chúa. Ngàì là Đấng Tuyệt Đối, nghĩa là ở một cấp bậc siêu đẳng khác hẳn loài thụ tạo, tương đối, hữu hạn, thì làm sao ta có thể dùng những danh xưng, danh hiệu thuộc về sự vật của thế giới tương đối mà áp dụng cho Thiên Chúa, một cách cân xứng được?

Thánh Tôma Aquinas cũng cho rằng: trí khôn nhân loại không thể nào hiểu biết được chính bản thể của Thiên Chúa Tuyệt Đối là gì cả. Do đó, ta không thể biết Thiên Chúa là gì (một cách tích cực), nhưng ta chỉ biết được Thiên Chúa “không phải là” (nghĩa là một cách tiêu cực, hay phủ định). Cách thức biết Thiên Chúa một cách tiêu cực đó gọi là “via negativa” hay “via remotionis”, tức là “theologia negativa”. Ví dụ: Thiên Chúa là bất-khả-ngôn (ineffability of God), bất-khả ngôn, vô hình, vô tượng, vô danh… Các nhà thần bí (mystic) như Dionysius the pseudo-Areopagite (c.500 AD), Meister Eckhart (1328) cũng dùng kiểu nói phủ định trong Thần học Thần bí (theologia mystica). Dĩ nhiên, khi dùng kiểu diễn tả phủ định, thì không có nghĩa là từ chối Thiên Chúa, nhưng chỉ để nhấn mạnh tính chất Siêu Việt Tuyệt Đối của Chúa mà thôi. Qua cách nói phủ định, ta nhận thấy có một sự quả quyết mạnh mẽ về sự hiện hữu của Chúa. Cũng nên chú ý: Khoa thần học, triết học Tây Phương ít khi dùng Via negativa; trái lại, các đạo học gia Đông Phương luôn dùng “Đường lối Phủ định”, như sẽ chứng minh trong đoạn sau.(13)



G. Loại Tỷ (Analogia, Analogia Entis)

Theo lịch sử, trong khoa Thần học Thiên Chúa Giáo, đặc biệt các nhà thần bí, cũng dùng”via negativa” (phủ định), nhưng còn chuyển sang một phương thức tích cực, mà họ gọi là “via eminentiae” (way of eminence, phương thức siêu tuyệt). Giữa Đấng Tạo hóa và loài thụ sinh có một sự khác biệt vô cùng tận, nhưng không phải không liên quan (relation, connection) với nhau. Thiên Chúa không phải là loài người, nhưng những gì là tốt đẹp, thiện hảo nhất trần gian này như: hiện hữu (being), sự vật (thing), hợp nhất (unity), đặc điểm (distinction), chân thật (true), thiện hảo (good), thì ta có thể áp dụng, một”cách siêu tuyệt” cho Thiên Chúa. William Paley (1743-1805), đưa ra một thí dụ thời danh về “ Loại Tỷ, Tương Tự” (analogy) như sau:

Giữa bác thợ tài ba chế ra chiếc đồng hồ, và sự Thượng Trí của Hóa Công sáng tạo ra vũ trụ càn khôn, ta nhận thấy có một sự tương quan nào đó: chính là công trình kiến tạo (design) của một trí khôn thông minh, mặc dầu ta phải ngưỡng mộ Tài Trí Vô Biên của Hóa Công đã xếp đặt một cách tinh vi các bộ phận trong con mắt để ta có thể nhìn thấy được! Vì lý do đó, ta không phải im lặng hoàn toàn, “không được phép nói gì hết” về Thiên Chúa, nhưng ta có thể dùng những danh từ của loài người để áp dụng cho Thiên Chúa, dầu chỉ là một cách “tuơng tự”, và bất tương xứng. Theo Dionysius, và Thánh Tôma (de Nominibus Dei De Potentia q.7, a.5 và 2), có thể dùng chữ “khôn ngoan” để áp dụng cho Thiên Chúa, bằng ba cách: a) Cách tích cực: Chúa là “khôn ngoan”; b) Cách phủ định: Chúa là không “khôn ngoan” (như ta nghĩ tưởng);
c) Cách siêu tuyệt: Chúa còn “khôn ngoan” hơn thế nữa! (trổi vượt hơn mọi khả năng diễn tả của loài người). Theo các nhà ngữ học cận đại, thì mỗi từ ngữ được phân biệt ra hai phần: nội dung ý nghĩa (res significata), và cách thức diễn tả (modus significandi). Áp dụng ở đây, từ ngữ “khôn ngoan”, xét về nội dung thì vô cùng khác biệt, vì một bên là Tạo Hóa, một phía là loài thụ sinh, tuy cùng dùng một danh từ “khôn ngoan” để diễn tả.

Tương Tự là gì?

Do cách trình bày trên, ta có thể định nghĩa về phương thức Tương Tự, (Loại Tỷ) như sau: cùng một danh xưng, nhưng ý nghĩa thay đổi tùy theo việc áp dụng vào các sự vật khác nhau, nghĩa là cùng một danh từ “khôn ngoan”, nhưng khi áp dụng cho Tạo Hóa, thì phải hiểu theo nghĩa khác, cao xa hơn, đối với loài thụ sinh. Do đó, ý niệm Tương Tự (analogical concept) là một ý niệm vừa giống lại vừa khác, vừa chung lại vừa riêng biệt. Danh từ Tương Tự không “đồng nghĩa” (univocal), cũng không “dị nghĩa” (equivocal). Ví dụ: Ông A=người, Bà B= người: chữ “người”=đồng nghĩa. Bò=con , Bò=bò lê, bò la: chữ “”=dị nghĩa. Mặt=tươi cười, Hoa=tươi cười: chữ, “tươi cười”=tương tự, vì giữa nét mặt và bông hoa có cái gì “tương tự"giống nhau, nhưng cũng khác nhau. Trong văn chương, có câu: Đời là “Bể Khổ”. Chữ “bể”, theo nghĩa tương tự (analogical), vì giữa “bể” và “khổ” có một tỷ lệ tượng tự giống nhau: Khổ,= “rất nhiều, vô vàn”; Bể,= “mênh mông, bao la”. Cả hai đều có chung một điểm “tương tự” là “nhiều vô kể”. Chữ “Khổ” là trừu tượng, khó hình dung, còn chữ “Bể” là cụ thể, gợi hình gợi ảnh. Dùng phương pháp Tương Tự, ta so sánh trong trí khôn và ghép “hình ảnh mênh mông bát ngát”của chữ “Bể” cụ thể, vào chữ “Khổ” trừu tượng, thành ra”Bể Khổ”, tạo nên hình ảnh linh động về nỗi đau khổ tràn ngập, lai láng của cuộc đời.

Do đó, chữ “bể”, ở đây dùng theo nghĩa Tương Tự, ám chỉ sự rộng lớn bao la. Nếu ta chỉ than: “Khổ” quá đi thôi! “khổ” vô vàn! thì câu thở than vừa tầm thường, vừa quá “trừu tượng”, không cảm thấy sự Đau Khổ (trừu tượng) nhiều như thế nào. Nhưng vì cả hai chữ cùng có một điểm “tương tự” chung”nhiều vô kể”, nên mới ghép sự Đau Khổ (trừu tượng) vào hình ảnh của chữ “Bể” (cụ thể ), để có được kiểu nói gợi hình, gợi ảnh và “siêu hình”. Theo phuơng pháp Tương Tự này, ta có thể cắt nghĩa được rất nhiều kiểu nói “ám tỷ”, trong văn chương như: mình đồng, da sắt, tóc mây, da cóc, má đào, tuổi xuân, đời phù vân ,v.v.Ta cũng có thể sáng tác, hoặc cắt nghĩa các dụ ngôn, ngụ ngôn, truyện cổ tích…có ý nghĩa biểu tượng (symbolism).

Vấn đề căn bản và trọng đại nhất trong triết học, thần học, siêu hình là “Sự TỒN HỮU, HIỆN HỮU” của Thiên Chúa. Câu hỏi được đặt ra: ta biết được gì về sự “CÓ” Thiên Chúa? Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, mà nhân loại là loài tương đối. Khi nói: “” Thiên Chúa, và tôi “có”, thì nội dung ý nghĩa chữ “có”, giống nhau và khác nhau ở chỗ nào? Ta có được phép dùng chữ “có” để áp dụng cho Thiên Chúa không? Để trả lời câu hỏi trên, các nhà thần học Thiên Chúa Giáo, như Thánh Tôma đã dùng phương pháp Loại Tỷ, gọi là” Loại Tỷ Tồn Hữu” (analogia entis) để so sánh hai loại Tồn Hữu, vừa giống lại vừa khác nhau. Để giúp hiểu thêm về Loại Tỷ, các nhà thần học còn chia ra hai thứ Loại Tỷ, (hay Tương Tự) như sau:

1. Tương tự Ý Qui gồm có Tương tự Ý Qui nội tại, và Tương Tự Ý Qui ngoại lai.

2. Tương tự Tỷ lệ.



1. Tương Tự Ý Qui (analogy of attribution)

Tương Tự Ý Qui gồm hai yếu tố: nội dung tương tự chung của danh từ, và chủ thể mang nội dung tương tự chung đó. Chủ thể là mọi loài mọi vật, kể cả Đấng Tạo Hóa, đều mang một nội dung tương tự chung, đó là “Tồn Hữu” (Có). Nhưng chỉ Hóa Công là chủ thể Nguyên Thủy, nên “Tồn Hữu” (Có) là “Tự Hữu”, còn các loài khác đều tùy thuộc vào chủ thể Nguyên Thủy mà “Có”, mà tồn tại. Do đó, giữa Hóa Công và loài thụ sinh có một “Tương Tự Ý Qui nội tại (intrinsic attribution), vì cùng có chung nội dung tương tự là “tồn hữu”, nhưng lại vô cùng khác, vì Hóa Công hoàn toàn tự hữu, còn loài thụ sinh thì tuyệt đối lệ thuộc vào Hóa Công mà tồn tại. Sau đây là ví dụ về “Tương Tự Ý Qui ngoại lai (extrinsic attribution). Câu nói: Thân thể “lành mạnh”’ đồ ăn “lành mạnh”, nét mặt, hay làn da “lành mạnh”. Ý niệm của chữ “lành mạnh” áp dụng cho chữ đầu tiên là thân thể: giữa ý niệm “lành mạnh” và thân thể có “Tương Tự Ý Qui nội tại”, vì “lành mạnh” và thân thể đi liền với nhau. Sau đó, ý niệm “lành mạnh” mới chuyển sang dùng cho các thứ danh từ khác, như đồ ăn, nước da. Do đó, ý niệm “lành mạnh” đối với da, đồ ăn, chỉ có “Tương Tự Ý Qui ngoại lai” (extrinsic attribution), vì làn da hay đồ ăn là dấu hiệu, hoặc căn cớ của sự lành mạnh và da và đồ ăn lệ thuộc vào mối liên hệ với thân thể lành mạnh. Sau đây, ta sẽ tìm hiểu một “Tương Tự” khác.



2. Tương Tự Tỷ Lệ (Analogy of proportiality)

Theo nguyên tự Hy lạp, chữ analogia aná-logon có nghĩa là “tỷ lệ”. Ta có những hình thức tỷ lệ như: 1/2, 3/6 (tỷ lệ toán học), Thiên Chúa/Có, Nhân loại/Có, Mặt/Cười, Hoa/Cười. Nếu ta so sánh hai tỷ lệ, Thiên Chúa/ Có và Nhân loại/Có, ta sẽ thấy mối tương quan giữa hai tỷ lệ đó chỉ là “Tương Tự”, vì vừa giống lại vừa khác nhau. Thiên Chúa là Tạo Hóa, nên Ngài thật “Có” (Tồn Hữu); nhân loại và loài thụ tạo cũng “có” (tồn hữu), nhưng một đàng, Hóa Công là “Tự Hữu”, “Tự Tại”, còn sự tồn hữu, tồn tại của loài thụ sinh chỉ là “bất tất hữu” (contingent), hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự “Tồn Hữu” tất nhiên (Necessary) của Thiên Chúa. Trong tỷ lệ Mặt/Cười và Hoa/Cười, ta thấy mối tương quan giữa nét Mặt và Cười là thật, xứng hợp, nhưng giữa bông Hoa và Cười là “cách nói siêu hình” (a metaphysical way of speaking), vì chữ “cười” ở đây có nghĩa là giúp ta vui lên. Do đó, hai tỷ lệ chỉ là “Tương Tự”, vì nó vừa giống, lại vừa khác nhau. Tương quan Mặt/Cười là tất nhiên, nhưng tương quan Hoa/Cười, chỉ là nghĩa bóng (metaphorical). Trong sách Giáo lý có câu: “Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành vô cùng”. Nếu ta gặp được sự tốt lành ở loài người, và nơi vạn vật, thì tất nhiên trên bình diện siêu nhiên, nơi Thiên Chúa phải có sự Tuyệt Hảo Vô Biên. Nếu biết dùng phương pháp Tương Tự Tỷ Lệ một cách xứng hợp, thì sẽ giúp ta trong việc suy luận về thế giới siêu nhiên.



3. Tương Tự Tồn Hữu

Những ý niệm về Tương Tự vừa diễn giảng ở trên, cốt yếu để giải thích tư tưởng căn bản về “Tương Tự Tồn Hữu”, (hay Loại Tỷ Tồn Hữu, Loại Tỷ Thật Thể, analogia entis, analogy of Being). Vấn đề đặt ra là: qua vật hữu hạn, hữu hình ta có thể vươn lên thế giới vô hạn vô hình được không? Giữa Hóa Công Tuyệt Đối, và loài thụ sinh, có một mối tương quan nào không?

Phương thức “Tương tự Tồn Hữu”, là một giải pháp giúp ta trả lời câu hỏi trên. Thật vậy, giữa Hóa Công và loài thụ sinh có liên hệ về hữu thể (ontological relation). Hóa Công “Có” (Tồn Hữu), thì vạn vật cũng “có” (tồn hữu). Nhưng thứ bậc về “có” thì khác nhau, vì Tạo Hóa là hoàn toàn, còn tạo vật thì bất toàn! Nếu Tạo Hóa và tạo vật “có” như nhau (univocal), thì rơi vào thuyết “nhất nguyên phiếm thần” (monism pantheistic).

Nếu hoàn toàn khác, ta không thể nói gì về Thiên Chúa, thì lại sa vào thuyết “bất khả tri” (agnosticism). Sự Tồn Hữu của Thiên Chúa là Tự Hữu, còn vạn vật phải nhờ Thiên Chúa mà “có”. Tồn Hữu của Thiên Chúa là tự Bản thể: Thiên Chúa không thể không “Có”, nhưng vạn vật “có” là nhờ Thiên Chúa. Tồn Hữu của Thiên Chúa là Tự Hữu (aseity), Hiển Thể Thuần Nhiên (actus purus, pure act), nghĩa là đơn thuần, hoàn toàn, bất biến, vô biên, vĩnh cửu, hằng hữu (totum simul). Câu nói: con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, nghĩa là gì? Hình ảnh nghĩa là cũng “giống”, nhưng không phải người “thật”. Loài người không hoàn toàn như Thiên Chúa, nhưng một phần nào “tương tự”, “giống” Chúa vì được chia sẻ, tham gia vào sự tồn hữu, sự sống, và trí thông hiểu. Cần lưu ý: những danh từ, hình dung từ chỉ phẩm tính (attributes) của Thiên Chúa như: Chúa là Đấng phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, công bằng vô cùng, ở khắp mọi nơi, v.v., đều theo nghĩa “Tương Tự “. Khi dùng Phương pháp Tương Tự để phát biểu ý kiến về Thiên Chúa Tuyệt Đối, Thánh Tôma khuyên ta luôn thêm vào câu “et magis”, có nghĩa là “còn hơn thế nữa”. Quả quyết rằng: “Đức Chúa Trời là Đấng phép tắc vô cùng”, thì chưa đủ mà phải hiểu thêm là “còn hơn thế nữa”. Bởi vì lời phát biểu trên kia, vốn là tư tưởng, ngôn ngữ của loài người suy luận “về” Bản Thể Tuyệt Đối của Thiên Chúa; kỳ thực, Bản Thể đó vượt trên sự hiểu biết, diễn tả của trí khôn nhân loại rất xa!

Nói tóm lại, nhờ quan niệm Tương Tự, ta không hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới Siêu việt, và tránh được hai thái độ cực đoan: Thiên Chúa và vạn vật là một (pantheistic identification) hoặc ta không thể biết gì về Thiên Chúa (bất khả tri thuyết). Quan niệm Tương tự khuyến khích ta cố gắng luôn ngưỡng mộ đi tìm Chúa, và những kỳ công của Chúa, tuy sự hiểu biết của con người vô cùng giới hạn! Cần lưu ý: Phương Pháp Loại Tỷ không phải là “mưu mẹo”, hay một “thuật”, để con người có thể hiểu biết được bản thể của Thiên Chúa. Trái lại, ta luôn phải quả quyết rằng: giữa Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối và nhân loại là loài thụ tạo, tương đối, bao giờ cũng có sự khác biệt lớn lao (coi Công Đồng Lateran thứ bốn, D.806).

Theo Phương Pháp Loại Tỷ, ta có thể dùng kinh nghiệm của nhân loại để nói về Thiên Chúa, nhưng chỉ được hiểu là một cách “Tương Tự” mà thôi. Thiên Chúa là Siêu Việt Tuyệt Đối “KHÁC” với hết mọi loài thụ tạo thuộc thế giới tương đối. Do đó, tất cả những ý tưởng, hình ảnh, ngôn ngữ được dùng để diễn tả những sự vật thuộc thế giới tương đối, thì không thể hoàn toàn xứng hợp để biểu lộ hay bàn luận về cõi Siêu Nhiên.

Tuy nhìn nhận là bất xứng, nhưng các nhà thần học, triết học vẫn cho Phương Pháp Tương Tự là chính đáng hợp với trình độ kiến thức của trí khôn nhân loại và giúp ta hiểu biết một phần nào (một cách bất toàn) về bản tính Siêu Việt của Đấng Tuyệt Đối. Ngay trong triết học và văn chương, nhất là thi ca, các thi nhân thường dùng lối diễn tả bóng bảy như tượng trưng, dụ ngôn, ám tỷ, những câu truyện thần tiên, huyền thoại… để ngụ ý biểu lộ một tư tưởng siêu hình, hay một niềm tin thiêng liêng.(14)

H. Ý Niệm Về Ngôi Vị, Bản Vị, Hữu Ngã

Quan niệm” Ngôi Vị Thiên Chúa” (Personal God) là một đặc thù của Thiên Chúa Giáo bắt nguồn từ Do Thái Giáo, như sẽ diễn giảng một cách rộng rãi, đầy đủ, trong Chương VII, Đoạn I. THIÊN CHÚA NGÔI VỊ. Nhờ vậy, ta biết được ý niệm Ngôi Vị, Nhân Vị là nền tảng cho tư tưởng triết lý của Tây phương, đã bắt nguồn từ Kinh Thánh do sự Mặc khải của Thiên Chúa. Ta cũng giải quyết được vấn nạn: ý niệm Ngôi Vị không xung khắc với Bản Thể Siêu Việt, không giảm giá trị của Đấng Tạo Hóa. Nhưng Ngôi Vị của Thiên Chúa “KHÁC” với Nhân vị của mỗi người. Sau đây, chỉ xin chứng minh: sự Tồn Hữu (Being) và Ngôi Vị, hay Nhân vị (Personal) liên quan mật thiết với nhau. (15)



Hiện Hữu Như Một Nhân Vị

Theo triết học về Nhân Vị (personalism), quan niệm về hữu thể, hiện hữu hay tồn hữu (being), trong căn bản phải đi đôi với quan niệm về ngôi vị, bản vị, hay nhân vị (personal). Bởi vì “có” thì phải “có” “cái gì”, hoặc “cái gì” “có”. Không thể “có” vu vơ, trống không được! Do đó, hữu thể, tồn hữu phải là ngôi vị. Nền tảng sâu xa của hữu thể chính là ngôi vị. Theo nghĩa này, thì nhân loại mới có hữu thể đầy đủ, vì có nhân vị thật, còn các sự vật khác như động vật, thảo mộc, khoáng vật, … chỉ tham gia nhiều ít vào sư hiện hữu, ở một cấp bậc kém hơn. Bởi vậy, “nhân vị” là nguyên tố và là mục đích của thực tại! Do cảm nghiệm bản thân, con người nhận thấy mình có một bản lãnh, một bản vị “Nhân linh ư vạn vật”. Nhưng con người vẫn cảm thấy mình là vật bé nhỏ, hữu hạn đối với vũ trụ bao la. Do đó, tâm trí con người mới vươn lên cõi Siêu Nhiên, đến Một Tôn Hữu Tuyệt Đối, cũng là Một Ngôi Vị Siêu Tuyệt. Tuy thân phận là một nhân vị hữu hạn, nhưng con người cũng đã được tham dự, chia phần vào Tồn Hữu Tuyệt Đối.

Nói tóm lại, ý niệm về ngôi vị, bản vị, nhân vị, chủ trương Thiên Chúa vừa Siêu Việt trên vạn sự vạn vật, vừa Nội Tại trong vạn sự vạn vật. Lý thuyết về ngôi vị liên quan đến hữu thể học (ontology), vì chỉ có ngôi vị, mới thực sự “có” đầy đủ mà thôi. Mặt khác, tuy cùng trong một ý niệm về ngôi vị, nhưng Ngôi Vị Thiên Chúa hoàn toàn “KHÁC” với nhân vị của loài người. Tuy rằng Siêu Việt (transcendence) và Nội Tại (immanence) luôn đi liền với nhau, nhưng Thiên Chúa Giáo nhấn mạnh đến tính chất Siêu Việt của Bản Tính Thiên Chúa hơn là tính chất Nội Tại của Thiên Chúa hiện hữu nơi vạn sự vạn vật (coi Chương VII, Đoạn II.Thiên Chúa Siêu Việt và Nội Tại)

Toát Lược Các Đặc Điểm

Ta có thể toát lược các đặc điểm của cách thức Suy Luận của Tây phương, thiên về dùng LÝ TRÍ (Reason) để tìm Chân lý. Sau đây là mấy điều chính yếu:

1. Phân tích, phân loại, phận biệt các sự kiện để giúp trí khôn nhận định rõ ràng, trước khi tổng hợp các yếu tố lại thành kết luận, kết đề.

2. Phân chia các lập trường dứt khoát: hoặc là “chấp nhận” hoặc là “chống đối” (either…or…), như Luật Mâu Thuẫn.

3. Óc Khoa Học Thực Nghiệm, đi từ quan sát, thí nghiệm, giả thiết, đến định luật, định lý. Các Giả thiết cần được chứng nghiệm (test) nhiều lần mới đi đến kết luận hay định lý.

4. Biện Chứng Pháp tìm cách thanh lọc, “đấu tranh” giữa hai lập trường đối lập để tạm “thỏa hiệp” tiến tới kết luận trung hòa, nhưng luôn tạo ra “mâu thuẫn” để đổi mới, tiến bộ không ngừng. Biện Chứng là động lực thúc đấy sự tiến bộ của đời sống dân chủ, chính trị, xã hội, văn hóa của Âu-Mỹ.

5. Ít khi Tây Phương dùng “Thần Học Phủ Định”, trừ ra trong khoa Thần Học Thần Bí (Theologia Mystica).

6. Nhưng Tây Phương sở trường về Phương Pháp Khẳng Định, Loại Tỷ. Do đó, những tư tưởng về triết lý, siêu hình rất phong phú, nhờ đi từ vật hữu hình vươn lên cõi vô hình.

7. Đặc biệt nhấn mạnh về quan niệm Ngôi Vị trong Thần Học, Triết Học và Lịch Sử. Quan niệm Ngôi Vị luôn đi đôi với ý niệm về Hiện Hữu hay Tồn Hữu (being), bởi vì “có” thì phải “ai” “ có”, hoặc “cái gì” “ có”, Ý niệm Ngôi Vị cũng liên hệ với Lịch Sử, đặc biệt là Lịch Sử Cứu Độ, được hiển hiện nơi Ngôi Vị của Đấng Cứu Thế lịch sử.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương