Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


a. Thiên Ân và Bản Tính Tự Nhiên Liên Hệ với nhau



tải về 2.02 Mb.
trang9/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   31

a. Thiên Ân và Bản Tính Tự Nhiên Liên Hệ với nhau:

Thiên Ân và Bản Tính hưởng ứng với nhau, nghĩa là nếu Thiên Ân được Chúa tự ý ban xuống, thì Bản Tính cũng “đã” được Chúa ban “Tiềm Năng Phục Tùng”, để có thể lãnh nhận được Thiên Ân ấy. “Tiềm năng Phục Tùng” đó cũng được gọi là “TồnTại SiêuViệt” (supernatural existential), vì nó luôn cải biến từ nội tâm, từ bản thể con người để có thể qui hướng về Thiên Chúa của Thiên Ân và Vinh quang. Các nhà thần học còn phân biệt một cách tỉ mỉ: “Tiềm Năng Phục Tùng”, hay “Tồn Tại Siêu Việt” nơi con người, mới chỉ là sự” mời gọi” của Chúa cung cấp (offer) để con người có khả năng lãnh nhận Thiên Ân, nhưng chưa phải là chính Thiên Ân đã được cảm nghiệm! Bởi vì, dầu hết mọi người đều được Chúa ban nhưng không Tiềm Năng đó, nhưng con người có thể tự do hoặc chấp nhận, hoặc từ chối. Trong nhân loại, thật sự, đã có nhiều người đã lãnh nhận Ơn Chúa ban! Đó cũng là ý nghĩa của câu nói: Thiên Ân giả thiết có Bản Tính của Nhân Loại (Grace supposes the nature of the human person): Thiên Ân được ban ra vì giả thiết rằng Bản Tính con người có tiềm năng tiếp nhận được. Nhưng nếu Thiên Ân giả thiết có Bản Tính, thì ngược lại, cũng có thể nói: Bản tính giả dụ có Thiên Ân (nature suppose grace), vì theo truyền thống Thần học Công giáo, từ Thánh Augustine, Thánh Tôma cho đến ngày nay, nơi thâm tâm con người đã có ước vọng tự nhiên qui hướng về Chúa,vì không một loài thụ sinh nào có thể làm cho con người được mãn nguyện! Chỉ khi nào con người gặp được Chúa, thì tâm hồn mới được thỏa chí và bình an, hết âu lo xao xuyến.(57)



Tội là gì? Tội có phá huỷ Thiên Ân đã ban cho Bản Tính nhân loại không? Tội không có thực thể, nhưng phát sinh do việc sử dụng sai lầm sự tự do để chống lại mối tương quan giữa Thiên Ân và Bản Tính, nghĩa là từ chối lời mời gọi của Chúa. Do đó, tội làm cho Bản Tính ra hư hỏng, nhưng không tiêu diệt được Thiên Ân. Nơi nguời tội lỗi, từ trong căn bản, vẫn còn “tiềm năng” của Thiên Ân, để có thể trở lại cùng Chúa, và xin Ơn tha thứ. Lời kêu gọi sám hối sẽ vô ý nghĩa, nếu tự nơi bản thể tội nhân không có khả năng đáp ứng lại, hoặc lãnh nhận Hồng Ân vô lượng vô biên tha thứ của Chúa.

Nói tóm lại, theo cuốn “Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo”, số 33, viết: “Nhân Vị của con người: Cởi mở tìm kiếm Chân, Mỹ và sự Thiện Hảo về luân lý, Tự do theo tiếng Lương Tâm, ước vọng Hạnh Phúc, và Vô Biên; vì thế con người tự thắc mắc, tự vấn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Do đó, con người nhận ra được những dấu chỉ về Linh Hồn thiêng liêng của mình. “Linh Hồn là ‘hột nhân’ (mầm mống) về sự Vĩnh Cửu tiềm tàng ở trong người, không thể giản lược vào một vật thuần vật chất mà thôi” (Gaudium et Spes, 18,1), nhưng Linh Hồn chỉ có thể có nguồn gốc nơi Thiên Chúa”. Trình bày như trên, ta nhận thấy, quan điểm Thần Học của Công Giáo khác với phái Pelagianism, vì chủ trương Bản Tính con người cần có Thiên Ân mới được cứu độ; nhưng cũng khác với phái Thệ Phản, vì cho rằng: tội nhân vẫn có Thiên Ân để giúp cải tà qui chính: con người không “hoàn toàn hư hỏng”; vả lại, muốn được cứu độ, con người cũng cần tự do hợp tác và đáp lại lời mời gọi của Chúa nữa! Do đó, lập trường trung hòa là: vừa cần Thiên Ân, vừa cần sự tự do cộng tác của con người.



b. Bản Tính Qui Hướng về Chúa Cứu Thế

Tại sao nhân loại được Chúa ban nhưng không Thiên Ân? Theo giả thiết, nhân loại là loài thụ sinh, tương đối, hữu hạn, không có quyền đòi hỏi, nhưng xét theo lịch sử, thật tế, thì nhân loại đã được Chúa ban Thiên Ân, vì Tình Thương vô biên, vô điều kiện, nhất là vì Hồng Ân của Đấng Cứu Thế, tức Đấng Thiên Sai, Thiên Tử giáng trần để cứu nhân độ thế. Do đó, theo các nhà thần học công giáo, thì Lịch sử của vũ trụ, của nhân loại cũng là lịch sử cứu độ, vì tất cả mọi sự hiện hữu đều do Đấng Cứu Thế mà có. Không có Đấng Cứu Thế, thì không có vũ trụ, không có lịch sử, không có nhân loại, nhân sinh. Không có Đấng Cứu Thế làm Trung Gian, thì cũng không có sự Giao Ước, Giao Hảo giữa Thiên Chúa và nhân loại. Do đó, tất cả vũ trụ đều qui hướng về Chúa Cứu Thế (Christocentric); mọi Thiên Ân đều đuợc ban ra qua “viễn tượng” Đấng Cứu Thế, và nhờ Đấng Cứu Thế nâng đỡ, phù trì, mặc khải, giảng dạy, thì nhân loại mới thật sự nhận biết Chúa một cách chắc chắn và rõ ràng hơn là tự mình dò dẫm, tìm tòi lấy. Chính nơi Chúa Cứu Thế Nhập Thể đã hợp nhất lại Thiên Ân và Bản Tính Tự Nhiên, vì đã loại bỏ mọi hình thức “Nhị Nguyên”, phân cách đứt đoạn giữa Thiên Ân và Bản Tính.(58)

Theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, đặc biệt Công Giáo, thì Lịch sử của Thế giới cũng là Lịch sử của Cứu Độ, tất cả vũ trụ này, tinh thần, vật chất đều tiến về một cứu cánh là xây dựng “Vương Quốc Thiên Chúa”, nghĩa là một triều đại của Tình Thương, Công Bằng, Tự Do, Tôn Trọng Nhân Quyền… Do đó, sự tự do của Bản Tính con người cần được Thiên Ân cải hóa, cải thiện luôn. Mặt khác, Thiên Ân luôn hoạt động để siêu việt hóa Bản Tính Tự Nhiên của con người. Một đàng, Thiên Ân nâng đỡ phù trì; đàng khác, Bản Tính Tự Do của con người đáp ứng, cả hai cùng thăng tiến về việc xây dựng “Nước Chúa”. Do đó, các tín hữu có bổn phận chiến đấu cho công bằng, tự do, hoà bình, và nhân quyền để làm đẹp vũ trụ này, trên trái đất này. (59)

E. Tội Ac, Tình Tư Dục Và Bản Tính Tự Nhiên

Như đã trình bày ở trên, tuy Bản Tính nhân loại có Tiềm Năng hướng về Siêu Việt để lãnh nhận Thiên Ân, nhưng con người vẫn được tự do để từ chối Thiên Ân, nghĩa là phá vỡ mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Nhân Loại, tức giữa Thiên Ân và Bản Tính. Sau đây, sẽ giải thích, theo quan điểm thần học: Tội là gì? Thế nào là “Tội Nguyên Tổ” (Original Sin)? Và Tình Tư Dục (concupiscence) là gì? Tội Nguyên Tổ và Đấng Cứu Thế ra đời để “Chuộc tội”, liên hệ làm sao?



1. Tội Ác là gì?

Theo quan niệm của thần học luân lý công giáo, sự Ác ở đây không phải là những thiên tai như bão lụt, động đất, bịnh tật, già nua, và chết. Nhưng sự Ác phải hiểu là Tội Lỗi phát xuất tự ý chí tự do của con người quyết tâm làm điều Ác, trái với Lương Tâm. Khi đã phân biệt điều Thiện phải làm, điều Ác phải bỏ, nếu ta tự do, tự ý lựa chọn điều Ác để làm, thì ta phạm Tội. Ngoài ra, ý nghĩa chữ Tội Ác chống lại Lương Tâm, cũng khác nghĩa với chữ “tội ác” (crime) đối với pháp luật (đời, quốc gia). Theo nghĩa luân lý, cho được thành tội, thì cần hai điều kiện: một là, Lương Tâm hiểu biết điều đó là điều Ác, không được làm; hai là, ý chí tự do quyết định chọn làm điều Ác. Có thể định nghĩa: Tội Ác là khi con người tự ý, tự do chống lại Chúa và các giới răn của Chúa, đồng thời cũng phản nghịch lại Lương Tâm của mình. Tội Ác biểu lộ sự giằng co, xâu xé trong thâm tâm con người: một đàng, hướng thượng, phục thiện, nhưng đàng khác, lại bị lôi cuốn để làm điều Ác. Vì thế, Thánh Phao lô viết: “Tôi không làm điều Tốt mà tôi muốn làm, nhưng điều Xấu mà tôi không muốn làm, thì tôi lại làm” (Romans 7:19,20).



2. Tội Nguyên Tổ là gì?

Tình trạng căng thẳng, đối chọi giữa sự lựa chọn Thiện hoặc Ác, phục tùng Chúa hay chống lại Mệnh Lệnh Chúa, đã được diễn tả một cách bóng bảy qua câu truyện Sa Ngã của hai vị Nguyên Tổ loài người là Ông Adong, Bà Evà (coi Sách Sáng Thế Ký, Genesis 2:8-3:24; 4-11; 6:12). Theo cốt truyện trong Kinh Thánh, từ đầu Chúa dựng nên con người theo “hình ảnh Chúa”, nghĩa là con người đuợc Ân Sủng của sự Thánh Thiện Nguyên Thuỷ (grace of original holiness), và rất nhiều Ân Huệ khác nữa. Do đó, đúng lý ra, con người luôn phải biết cảm tạ Chúa, lệ thuộc Chúa như một loài thụ sinh hữu hạn, tương đối, hoàn toàn nhờ Chúa mà có sự sống, lại phải biết dùng lý trí, tự do để tuân phục Mệnh Lệnh, Giới Răn Chúa truyền dạy. Nhưng vì con người có tự do, nên có thể làm điều Tốt hay điều Xấu được. Và thật sự, Ông Bà Nguyên Tổ đã lạm dụng sự tự do, và đã quyết định chống lại Giới Cấm của Chúa. Ông Bà Nguyên Tổ đã bị Ma Quỉ cám dỗ để phản nghịch lại Chúa, coi trọng cá nhân mình hơn Chúa. Bởi vậy, chính Ông Bà Nguyên Tổ, và cả dòng dõi loài người đều liên lụy, gánh chịu những ác quả sau đây:



3. Những Ác Quả do Tội Nguyên Tổ

Vì tự ý chống lại Chúa, nên ác quả đầu tiên là lập tức mất Ân Nghĩa, Tình Nghĩa với Chúa, nghĩa là mất Ân Sủng của sự Thánh Thiện Nguyên Thuỷ. Theo Thần Học Công Giáo, Bản Tính Tự Nhiên của con người không hoàn toàn hư hỏng, nhưng Bản tính đó đã bị thương tích, bị suy nhược trầm trọng. Trong vũ trụ này, không còn được hòa hợp, êm đềm nữa! Linh Hồn không còn điều khiển Xác Thịt tuân theo những giá trị tinh thần, luân lý. Giữa nam và nữ có sự bất bình, tranh chấp. Ngay cả thiên nhiên, đất đai, cỏ cây, súc vật.. cũng trở thành thù nghịch, cằn cỗi đối với con người. Đời sống con người trên trái đất là cuộc chém giết, bạo động, chiến tranh liên miên. Do kinh nghiệm bản thân và qua truyền thông báo chí, ta chứng kiến mỗi ngày, không kể những thiên tai, những tội ác khủng khiếp xẩy ra chung quanh như phá thai, bắn giết…, vì tội ác đã tràn ngập khắp nơi, đặc biệt tại các nước được coi là văn minh tiến bộ về vật chất. Và ác quả lớn lao nhất mà mọi ngưòi đều phải gánh chịu, là “bản án tử hình”, cái Chết đang chờ đợi, rình rập từng giây, từng phút, để kết liễu cuộc đời đau khổ!

Gọi là “Tội Nguyên Tổ” cũng gọi là “Tội Tổ Tông Truyền”, vì mọi người đều thuộc dòng dõi của Ông Bà Nguyên Tổ, vì đều thuộc một cộng đồng nhân loại với nhau. Do đó, tuy rằng ta không “phạm tội” (committed), nhưng vì tội của Nguyên Tổ đã làm hư hỏng, trụy lạc tất cả Bản Tính Nhân Loại, lại vì ta sinh ra trong tình cảnh thất sủng đó, nên tội của Nguyên Tổ đã truyền lại cho ta phải hứng chịu sự mất mát Ân Sủng của sự Thánh Thiện Nguyên Thủy. Ta không “phạm” (làm), nhưng “nhiễm phải” (contracted) cái tội đó, vì ơ trong trạng huống đó (situational).

4. Tình Tư Dục (Concupiscentia) là gì?

Ngoài những ác quả kể trên, các nhà thần học, triết học, luân lý đạo đức còn bàn luận về một sự giằng co, xâu xé, hỗn loạn, bất ổn trong đời sống tinh thần con người. Theo Thần Học Công Giáo, Tội Nguyên Tổ không biến đổi Bản Tính Nhân Loại ra hoàn toàn hư hỏng, trụy lạc, khác với chủ trương của phái Thệ Phản cho Tội Nguyên Tổ đã huỷ hoại, từ trong căn bản, Bản Tính và Tự Do của con người. Cũng theo các nhà Thần Học Công Giáo như Thánh Augustine, và Thánh Tôma, thì ác quả của Tội Nguyên Tổ là khiến con người thích “hướng chiều” về Tội Ác, nghĩa là dễ làm điều Ác hơn là làm điều Thiện. Cái khuynh hướng về điều Ác đó, gọi là “Concupiscentia”, dịch là “Tình Tư Dục”. Tình Tư Dục làm cho Bản Tính Nguyên Tuyền của Nhân Loại bị suy nhược, thương tích, vì “nhiễm” phải Tội Nguyên Tổ, nhưng không được đồng hóa Tình Tư Dục với Tội Nguyên Tổ là một.

Tình Tư Dục tự nó chưa phải là điều Ác theo nghĩa luân lý, vì chưa có quyết định của ý chí tự do, nhưng nó là một mâu thuẫn, giằng co giữa Thiện và Ác, trong nội tâm con người. Do đó, Tình Tư Dục không thuộc về “Bản Tính của thời Nguyên Tuyền Thánh Thiện (original Holiness), mà thuộc “Bản Tính đã Sa Ngã”. Trong đời sống kinh nghiệm hàng ngày, mỗi nguời đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của Tội Nguyên Tổ, vì Tình Tư Dục đã làm suy yếu Bản Tính hướng Thiện của thời Nguyên Sơ. Do đó, việc chiến đấu chống lại khuynh huớng xấu của Tình Tư Dục, là cuộc chiến liên miên, trường kỳ, cũng như công cuộc chống lại Tội Ác, các bất công xã hội, chiến tranh, những ác quả của Tội Nguyên Tổ, là công việc lâu dài, không bao giờ chấm dứt! Sau khi chịu phép Thánh Tẩy, nhờ Hồng Ân của Chúa Cứu Thế, thì Tội Nguyên Tổ được rửa sạch để con người kết nghĩa lại với Chúa, nhưng ác quả của Tội Nguyên Tổ như sự Chết và Tình Tư Dục vẫn còn tồn tại.(60)

5. Phúc Quả của Tội Nguyên Tổ

Theo Giáo Huấn và Truyền Thống của Hội Thánh Công Giáo, chân lý về Tội Nguyên Tổ không khiến ta tuyệt vọng, và cuộc sống đầy tràn tội ác là một điều phi lý (Absurdity) như chủ trương của thuyết Hiện Sinh vô thần. Trái lại, nhân loại có nhiều lý do để phấn khởi, hân hoan và hy vọng. Tại sao Thánh Augustine gọi Tội Nguyên Tổ là “Tội sinh Phúc” (happy fault, Felix culpa)? Vì nhờ Tội Nguyên Tổ mà Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương vô cùng đã sai Đấng Cứu Thế nhập thể để cứu nhân độ thế. Chính Ngài làm Giá Chuộc Tội cho nhân loại. Thiên Ân là gì? Thiên Ân là chính Tình Thương vô biên của Chúa tự Truyền Thông cho nhân loại vậy.

Như trên đã trình bày, sở dĩ Thiên Chúa khấng ban Thiên Ân cho Bản Tính nhân loại, chỉ vì công nghiệp, vì hướng về Đấng Cứu Thế mà thôi! Thánh Phao lô đã diễn giảng điều đó, khi đối chiếu, so sánh “Adong cũ” và “Adong mới”. Đấng Cứu Thế là “Adong mới” “đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá”, nên đã đền bù tội bất phục tùng của “Adong cũ” (1 Cor15:21,23). Ngoài ra, nhiều Thánh Giáo Phụ chú giải về cuộc chiến giữa nguời Phụ Nữ và con rắn, và cuộc toàn thắng của miêu duệ Bà, để ám chỉ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, là “Evà mới”, vì Bà là người duy nhất và trước nhất được hưởng Thiên Ân Cứu Độ của Đấng Cứu Thế, nghĩa là không mắc Tội Tổ Tông, “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, và khỏi mọi tội cá nhân trong suốt cuộc đời.

Toát Lược Mấy Đặc Điểm

1. Theo lịch sử và thật tế, nhân loại theo Bản Tính Tự Nhiên không có quyền đòi hỏi, nhưng vì Tình Thương vô hạn của Thiên Chúa, qua Ngôi Lời Nhập Thể, tức Đấng Cứu Thế, nên Thiên Chúa đã Tự Ý Truyền Thông Bản Tính Thần Linh, tức Thiên Ân cho con người. Do đó, quan niệm về Nhân Sinh của Thiên Chúa Giáo luôn đặt con người vào “viễn tượng” qui hướng về Chúa (Theocentric) và về Đấng Cứu Thế (Christocentric).

2. Cũng theo lịch sử và thật tế, Bản Tính Tự Nhiên của con người đã dược Chúa ban cho “Tiềm Năng Phục Tùng” để có thể lãnh nhận Thiên Ân. Nhưng vì con người có tự do, nên vẫn có thể chấp nhận hay từ chối Thiên Ân.

3. Theo Kinh Thánh, Tội Nguyên Tổ có thật, và tất cả dòng dõi nhân loại đều liên luy, đều mắc tội ấy (Trừ một mình Đức Trinh Nữ Maria). Nhưng tội đó không hoàn toàn hủy hoại “mầm mống” Thiên Ân đã có nơi Bản Tính con nguời để giúp con người lãnh nhận Ơn tha tội, và trở lại cùng Chúa.

4. Khi chịu phép Thánh Tẩy thì Tội Nguyên Tổ được rửa sạch, nhưng các hậu quả của tội vẫn còn tồn tại như sự Chết và Tình Tư Dục. Do đó, mỗi người phải chiến đấu với tội ác nơi chính bản thân, và trên thế giới này, luôn mãi cho đến tận thế.

5. Thần Học Công Giáo chủ trương: muốn được cứu độ, Bản Tính Tự Nhiên của nhân loại cần Thiên Ân của Chúa tự ý ban nhưng không, nhưng cũng cần sự hợp tác tự do của con người. Đó là lập truờng dung hòa, chống lại thuyết cực tả Pelagianism, cho rằng Bản Tính Tự Nhiên của con người tự nó có thể tiến tới Cứu Độ, mà không cần Thiên Ân, cũng chống lại phái Protestantism cho rằng Bản Tính con người đã bị huỷ hoại hoàn toàn, và tự do đã mất. Do đó, muốn được cứu độ, con người phải hoàn toàn nhờ Thiên Ân mà thôi.



Đàm Đạo, Chia Sẻ, Trao Đổi

Sau đây ta thử tìm xem trong công cuộc khám phá về bí mật của con người, triết lý Á Đông và thần học Thiên Chúa Giáo có những điểm tương đồng, gặp gỡ, thông cảm với nhau, đồng thời cũng nhận định những khác biệt về quan điểm, hoặc về phương pháp nghiên cứu để bổ túc cho nhau.



1. “Thần Trung Tâm” (Theocentric) là gì?

Về vấn đề Bản Tính Nhân Loại, Thiên Chúa Giáo luôn đặt nền tảng và qui hướng con người về Thiên Chúa, và qua Đấng Cứu Thế, Vị “Thiên Tử” giáng trần. Nếu nhân loại được nâng lên địa vị cao quí hơn mọi loài, vì nhân loại được Chúa “thần thánh hóa” để trở nên “nghĩa tử” của Thiên Chúa. Do đó, hết mọi người đều bình đẳng với nhau vì mọi người, không phân biệt tôn giáo, mầu da, chủng tộc, địa vị xã hội, đều là “con cái” của Chúa:” Lạy Cha chúng con ở trên Trời…” Nhân Loại được nâng cao phẩm giá, vì Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng con người giống “hình ảnh Ngài”, nghĩa là phú bẩm cho Thiên Ân, cho tham dự vào Bản Tính Thần Linh, cho Lương Tâm biết phân biệt Tốt/ Xấu, cho trí khôn thông hiểu, và óc sáng tạo. Thiên Chúa là Chủ Tể, mọi nguời phải qui phục, lệ thuộc Chúa mới tồn tại được. Thiên Chúa ban bố các giới răn và khắc ghi các lề luật luân lý tự nhiên vào Lương Tâm con người, cũng như đã công bố trong Kinh Thánh. Sau hết, Thiên Chúa là Vị Thẩm Phán Tối Cao, sẽ phán xét đời sống con người về Công/Tội để thưởng hay phạt. Do đó, các thần học gia công giáo gọi khuynh hướng nghiên cứu đó là “Thần trung tâm” (Theocentric), nghĩa là lấy Chúa làm tâm điểm mà con người phải qui tụ, và lệ thuộc. Cũng gọi là “Chúa Cứu Thế làm Trung tâm” (Christocentric), vì nhờ có Ngôi Lời Nhập Thể, và Cứu Độ, thì cả con người và vũ trụ mới được Thiên Chúa ban Thiên Ân.

Phương Pháp nghiên cứu của Á Đông thì đặt trọng tâm và đi thẳng đến “con người” làm đối tượng để quan sát và suy luận. Theo các Đạo học gia như Mạnh Tử, Chu Hi, và Vương Dương Minh, thì Lương Tri (Lương Năng, Lương Tâm) được coi như một ân huệ đi liền với sự sống. Khi sinh ra, tự nhiên ta được bẩm thụ một Lương Tâm nguyên tuyền trong trắng biết phân biệt Thiện/Ác. Ta có thể gọi đó là luật luân lý tự nhiên vì mỗi nguời bẩm sinh đều có. Do đó, các triết gia không trực tiếp nhắc đến Vị Thượng Đế, hoặc là qui hướng mọi sự về Vị Chủ Tể vũ trụ càn khôn. Ngoài ra, Đạo lý Á Đông không nhấn mạnh đến vai trò “Thẩm Phán Tối Cao” của Đấng Tạo Hóa, có quyền xét xử Lương Tâm con người, để thưởng hoặc phạt. Các Đạo học gia chỉ suy tư về ý nghĩa, và về bản tính của Lương Tâm con người, rồi đề nghị những phương thức tu dưỡng giúp phát huy nhân phẩm đến bậc thiện toàn như hiền nhân quân tử.

2. Đạo Lý Á Đông có Chủ Trương Một Nhân Bản Vô Thần Không?

Trên thế giới ngày nay, đã hình thành nhiều hình thức nhân bản vô thần, bắt nguồn từ phong trào chống Giáo Hội, vào thế kỉ 18, mệnh danh là “Khai Minh Thời Đại” (Enlightenment). Nhân Bản vô thần (Atheist Humanism) chia hai hướng chính: một là, Nhân bản tự do, nghĩa là đặt tự do cá nhân lên trên hết, bất chấp lề luật luân lý tự nhiên, coi thường giới răn Chúa, và không công nhận có Chân lý khách quan tuyệt đối. Mỗi cá nhân làm chủ chính mình. Nhân bản tự do vô thần này chủ trương “tục hóa” xã hội, phá bỏ truyền thống tín ngưỡng cổ truyền. Chủ nghĩa này bành trướng mạnh tại các nước xưa kia chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo. Vì lấy tự do cá nhân làm nền tảng, và tiêu chuẩn cho các hành vi luân lý, chủ thuyết này chống lại luân lý cổ truyền, và chống lại thẩm quyền của các Giáo Hội trong lãnh vực liên quan đến luân lý, như vấn đề phá thai. Trào lưu thứ hai thuộc thuyết nhân bản vật chất vô thần, nghĩa là tìm giải thích bản tính, nguồn gốc của con người do vật chất “tự biến hóa”, mà ra, hoặc con người là sản phẩm của xã hội, kinh tế, tạo thành. Chủ thuyết nhân bản vô thần này, chẳng những chối bỏ sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, dựng nên con người và vũ trụ, mà còn chiến đấu để tiêu diệt mọi tôn giáo, mọi lề luật luân lý tự nhiên, cổ truyền, và đàn áp mọi ý thức hướng về Siêu Việt nơi con nguời.

Sau khi nhận diện được trào lưu “nhân bản vô thần” là thế nào, thì ta có thể quả quyết rằng: quan niệm của các nhà Đạo học, Phật Học về Nhân Sinh, Nhân Tính, không phải là một “nhân bản vô thần”. Tuy không nhấn mạnh, hoặc qui hướng trực tiếp về Vị Thượng Đế làm Tâm Điểm của vũ trụ như Nhân Bản Thiên Chúa Giáo, nhưng không phải các nhà Đạo học chối bỏ Nguyên Lý Tối Cao (Thái Cực) của vũ trụ, hoặc thiếu Ý Thức Siêu Việt (Transcendent )nơi con người. Bởi vậy, nếu có sự dị biệt giữa Thiên Chúa Giáo và các Đạo Lý, đó là phương pháp nghiên cứu khác nhau. Theo phương pháp của các Đạo gia, khởi đầu đi thẳng đến con người để tìm hiểu yếu tính, tài năng, đức tính, sau đó mới “thăng hóa” con người vươn lên cõi Siêu Việt, Siêu Thoát. Trong đoạn sau đây, ta sẽ thấy, ngày nay, Thần Học Thiên Chúa Giáo cũng ngả theo phương pháp nghiên cứu này.

3. Đường Hướng Tìm Hiểu “Con Người” theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, ngày nay, như thế nào?

Khoa Thần Học cổ điển của Thiên Chúa Giáo thường đặt Thiên Chúa, Kinh Thánh, và những tín điều đã mặc khải làm làm đối tượng và khởi điểm để suy luận. Các sách giáo khoa thần học như bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) của Thánh Tôma, thời Trung cổ, các sách Giáo lý phổ thông như “Catechismus catholicus” của Hồng Y Gasparri, 1833… cho đến ngày nay, đều bố cục theo thứ tự như: Khởi đầu là bàn về Bản Tính, và các Phẩm tính của Thiên Chúa như câu hỏi: “Đức Chúa Trời là Đấng nào? Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?… Kế tiếp là đoạn bàn về việc “Ngôi Hai xuống thế làm người”, để cứu chuộc nhân loại; sau đó, mới bàn đến việc tạo dựng con người, Tội Tổ Tông Truyền, các Giới Răn (Luân Lý) và các phép Bí Tích; sau cùng là “tứ chung”, nghĩa là bốn sự sau hết: chết, phán xét, thiên đàng hay luyện ngục, và hỏa ngục.

Ngày nay, nhất là sau Công Đồng Vatican II, Thần Học Thiên Chúa Giáo, như thần học gia công giáo Karl Rahner, thần học gia thệ phản SM. Olden, Paul Tillich, Dietrich Bonhoffer… có chiều hướng chú trọng trước tiên vào Bản Tính, và các kinh nghiệm cá nhân của con người.(61)

Ngày 11, tháng mười năm 1992, Đức Gioan Phaolô II, đã công bố Tông Hiến “Fidei depositum” về việc trước tác và xuất bản cuốn “Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo”. Từ sau Công Đồng Trent (1545-1563) đến nay, nghĩa là hơn 400 năm, mới có cuốn Giáo Lý đầy đủ và thích ứng với thời đại. Xét chung trong cách bố cục, ta thấy trong phần Mở Đầu (Prologue), và phần một “Tuyên Xưng Đức Tin” (The Creed), nhan đề của Chương Một là “Tiềm Năng của con người hướng về Chúa” (Man’s Capacity For God), rồi Chương Hai: “Chúa Đến Gặp Gỡ con người” (God Comes to Meet Man)… Cách thức bố cục như trên, ngày nay gọi là “xu hướng thần học về nhân loại” (anthropologically theological Orientation). Theo khuynh hướng này, Bản Tính hay Lương Tâm con người chính là “nơi chốn” (locus) của sự hiểu biết, kinh nghiệm,và gặp gỡ với Chúa. Con người phải tìm hiểu mình trước đã, nghĩa là suy tư về đời sống hiện hữu, cách thế ở đời, và những khát vọng thầm kín của tâm hồn. Không phải từ chối hoặc lãng quên Chúa, hay đặt con người lên trên Chúa, theo thuyết duy tâm, duy vật coi Chúa chỉ là sản phẩm do trí khôn bày vẽ ra, nhưng nhấn mạnh đến sự kiện đặc biệt này: sự Hiện Diện của Chúa, của Thiên Ân “đã” ở trong ta, trước tiên, phải do mỗi người cảm nghiệm được. Vì không phải Chúa chỉ Mặc Khải trong thiên nhiên vũ trụ, hay trong lịch sử cứu độ, nhưng cũng được tìm thấy nơi tận đáy tâm tư mỗi người. Do đó, hiểu được Bản Tính và ước vọng sâu xa của con người, cũng là hiểu biết Chúa. Nhân Đạo và Thiên Đạo không rời khỏi nhau, nhưng luôn tác động hỗ tương cho nhau. Người tín hữu, không phải chỉ thuộc về trần gian này mà thôi, nhưng cũng phải hướng về Chúa. Niềm tin vào Chúa thôi thúc, bắt buộc người tín hữu phải lăn xả vào đời để hoạt động cứu nhân độ thế. Bởi vậy, tìm hiểu Bản Tính con người để vươn lên Đấng Siêu Việt. Vì thế, niềm tin vào Chúa không còn là chuyện mơ hồ, huyền hoặc, nhưng liên hệ mật thiết gắn liền với vận mệnh của con người. Do đó, Thần Học Thiên Chúa Giáo ngày nay nhấn mạnh đến yếu tố nhân bản (Humanum) được coi như tiêu chuẩn nền tảng để phán đoán về giá trị của các tôn giáo. Tôn giáo nào là tốt, là thật, chính là Đạo đề cao phẩm giá nhân loại một cách hoàn hảo, toàn vẹn, nghĩa là một Nhân Bản đầy đủ, hoàn toàn phải bao hàm mọi khía cạnh của con người vừa trần thế vừa siêu việt.(62)



4. Nguồn Gốc của Tội Ác, bởi đâu mà có?

Như trên đã trình bày, theo Thần Học Thiên Chúa Giáo, tuy Bản Tính nhân loại có tiềm năng hướng về Siêu Việt để lãnh nhận Thiên Ân, nhưng con người vẫn có tự do để từ chối Thiên Ân, nghĩa là phá vỡ mối liện hệ với Thiên Chúa. Do đó, Tội chính là chống lại Chúa, “bất phục tùng” Chúa, không tuân giữ các giới răn, mệnh lệnh Chúa dạy. Đồng thời, Tội cũng khiến con người phản lại chính Lương Tâm mình. Tội biểu lộ sự căng thẳng, chiến đấu trong nội tâm: một bên, phục thiện, hướng thượng, nhưng bên kia, lại bị lôi cuốn để làm điều Ác.(63)

Các đạo học gia đã giải thích về ý niệm, và nguồn gốc của Tội Ác, một cách khác. Đạo học gia Chu hi gán cho yếu tố “Khí”, tức “vật tặng thể chất” (physical endowment) là căn cớ sinh ra tội ác, nhưng “Lý”, tức Bản Tính thì luôn là thiện, là tốt. Do đó, người bẩm thụ “Khí” trong lành thì trở thành Thánh Nhân, nghĩa là “Tính” (Lý) của họ ví như viên “Trân Châu” nằm trong nước trong; còn kẻ bẩm thụ “Khí” dơ bẩn thì hóa ra bần tiện, ngu dốt, vì “Tính” (Lý) của họ như viên “Ngọc” dìm trong nước đục!(64)

Theo Trình Di và Chu hi, câu “Nhân chi sơ Tính bản thiện” của Mạnh Tử chưa đầy đủ ý nghĩa, vì chỉ nói đến “Tính” là Tốt, tức là mới nói đến phần “Lý”, luôn luôn Tốt mà thôi! Nhưng Chu hi còn thêm ý niệm về “Khí Chất” nữa! Do đó, khi “Lý” nhập thể vào “Khí”, thì tạo nên con người cụ thể, hiện sinh, nghĩa là con người hiện đang sống bây giờ, có “tính thể chất” (physical nature). Con người “hiện sinh”, có thật này, tuy luôn hướng về “Lý Tưởng” (Siêu Việt), nhưng vẫn ở dưới Lý Tưởng, vì con người đó đã được trộn lẫn với vật chất rồi! Phải công nhận rằng: khi phân biệt Bản Tính và Hiện Hữu, Lý Tưởng và Thực Tại, các Đạo học gia đã tiến một bước khá dài trong vấn đề tìm cách giải thích về Tội Ác nơi nhân loại. Tuy nhiên, ý niệm về “Khí” cũng cần biện minh rõ ràng hơn. Lại nữa, các Đạo học gia còn chủ trương: mỗi người bẩm thụ “vật tặng thể chất”, tức các “Khí” khác nhau, người thì hấp thụ được Khí trong lành, kẻ khác mắc phải Khí xấu, nhưng không giải thích tại sao lại có sự phân phối bất đồng đều như vậy? Và nguồn gốc của “Khí”, là cái sinh ra Tội ác, Xấu xa, bởi đâu mà có?



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương