Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ



tải về 2.02 Mb.
trang8/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   31

D. Tìm Về Chân Ngã

Ta vừa tìm hiểu ý nghĩa của cái “ta” giả dối, cái “giả ngã”, tức cái “vô ngã”, thuộc thế giới Samsara, “vô thường”, đau khổ. Ta cũng nhận định rằng cái “vô ngã” này là căn nguyên của đau khổ, vì nó bị thất tình chi phối, không “tự chủ” được. Đó là một hình thức, một tình trạng thấp kém của kiếp sống con người. Do đó, cần giải thoát, siêu thoát con người để tìm về “Chân Tính”, “Chân Ngã” của nó, trong cõi Nirvana. Đấy cũng là chủ đích của Phật Thích Ca, khi giảng thuyết về bộ ba chữ: Vô Thường, Đau Khổ, Vô Ngã.

_ Khi dùng chữ anatta (anatman), Vô Ngã, Phật Thích Ca chỉ có ý phân giải cái “ta thật”, và cái “ta không thật” là gì. Như kinh sử cho biết, Phật thường từ chối không trả lời những câu hỏi về siêu hình như sự hiện hữu của Vị Chúa Tể, hoặc về bản thể học như sự bất tử của atman (Hồn). Chủ trương của Phật là thực tế, nhằm chữa trị bệnh tinh thần của con người đang đau khổ, ở kiếp này, ngay bây giờ. Để minh chứng cho lập trường cố hữu của Phật Thích ca, Kinh Điển Phật Giáo thường nhắc lại câu chuyện: “người săn bắn bị thương”. Vấn đề cấp bách lúc này là cứu người ta khỏi đau khổ. Suy luận về siêu hình như linh hồn bất tử, vũ trụ bởi đâu mà có, thì cũng giống như người thay vì tìm cách rút ra liền mũi tên độc đang cắm vô cạnh sườn người săn bắn, lại đặt ra những câu hỏi không khẩn thiết như: ai làm ra, ai bắn mũi tên, và mũi tên làm bằng chất độc gì? v.v.

_ Nhưng cũng vì “im lặng” không trực tiếp trả lời, nên sau này các môn phái Phật Giáo tự tiện cắt nghĩa giáo thuyết của Phật theo thiên kiến riêng của mình. Vì thế, có người cho rằng Phật Giáo “phủ nhận sự trường cửu của Linh hồn”, hoặc “thuyết Thượng đế, cũng như thuyết Linh hồn bất tử do Bản Ngã tạo ra để tự phỉnh…”. Suy diễn như vậy có thể là vô bằng cứ, vì giữ thái độ im lặng, không có nghĩa là Phật từ chối niềm tin chân chính của dân chúng Ấn Độ. Cắt nghĩa theo thiên kiến là lạc mất chủ ý của Phật. Khi Phật dùng một chữ gì, câu nào, thì phải đặt nó trong văn mạch, và trong hoàn cảnh đặc biệt như dành riêng cho một lớp thính giả nào, thì mới có thể hiểu được ý nghĩa chân thực của danh từ đó.(49)

_Vậy “Chân Ngã” (True Self) là gì? Nếu “giả ngã” thuộc thế giới Samsara, thì “Chân Ngã” thuộc cảnh giới Nirvana, đã được Tỉnh Ngộ. Trong cõi Luân Hồi, Nghiệp-Báo, cái “giả ngã” bị chi phối bởi thất tình, dục vọng, thì trong cảnh giới Niết Bàn thanh tịnh, con người trưởng thành suy tư và hành động theo lý trí, theo sự khôn ngoan tuyệt vời, gọi là Trí Tuệ Bát Nhã (Prajna Paramita). Cái Chân Ngã thuộc thế giới Siêu Thoát, nên cần phải chống lại các dục tình, dục vọng đê hèn của Samsara, nhất là phải tiêu diệt cái “tôi” ích kỷ. Do đó, trong phép tu luyện, cần noi theo “Bát Chính Đạo”, để trở nên người đức hạnh. Người tìm được Chân Ngã là đạt tới cái Tâm Chân Như, Phật Tính, thực hành đức Từ Bi, yêu thương hết mọi loài, mọi người. Cái Tâm thuộc cấp Samsara, là cái “giả ngã”, vì luôn bị thất tình, va tình cảm “vị kỷ” chi phối, nên chỉ yêu người mình thích, mà ghét người mình không ưa!

_ Bởi vậy, chủ đích của Phật Thích Ca là giúp con người Giải Thoát khỏi sự kiềm kẹp của cái Giả Ngã bị dục vọng điều khiển, để tiến tới Niết Bàn, nghĩa là tìm về cái Chân Ngã siêu thoát thanh tịnh. Muốn được thế, phải cố công tu luyện, phải tiêu diệt cái Ngã giả dối, tức “vô ngã”, phải Tỉnh Ngộ. Hành động quyết liệt để tiến tới Giác Ngộ hoàn toàn, gọi là “Đại Tử,” theo nghĩa chết đi để sống đời sống mới.(50)



Toát Yếu Những Đặc Điểm

Sau khi tìm hiểu quan niệm về “Vô Ngã”, ta có thể tóm lược một vài đặc điểm như sau:

1. Vấn đề “Vô Ngã”, Phật Thích Ca không chỉ trích công khai niềm tin cổ truyền của dân chúng Ấn Độ về Atman, tức Linh Hồn bất tử. Ngài thường giữ thái độ “im lặng”, cũng như đối với các vấn đề siêu hình khác. Nhưng “im lặng”, thì không có nghĩa là từ chối hay chống đối.

2. Quan niệm “vô ngã” là thuộc bộ ba: vô thường, đau khổ, vô ngã, là một lối sống đê hèn, đau khổ của Luân hồi, Nghiệp-Báo, nên cần được Giải Thoát.

3. Chân Ngã là cái Ngã đã Tỉnh Ngộ, thuộc cảnh giới Niết Bàn, không còn bị dục vọng quấy phá, nhưng sống trong an lạc, thanh thoát do cái Tâm-Bình-Đẳng, cái Tâm Đại-Từ-Bi hướng dẫn.

4. Muốn đạt tới cái Chân Ngã, cần khổ công tu luyện, theo “Bát Chính Đạo”, và một đời sống luân lý tốt.



ĐOẠN III . Nhân Tính Trong Thiên Chúa Giáo

Trong vũ trụ vạn vật thuộc loài thụ tạo, chỉ có con người là đặc biệt, vì có thể “tự-ý-thức” về chính mình, nghĩa là vừa làm chủ thể (subject) đứng ra học hỏi, vừa là đối tượng (object) của việc tìm hiểu về mình, vì chính ta lại tự đặt ra những thắc mắc về ta, vì chỉ có nguời mới học hỏi về đời sống con người. Khi nghiên cứu các khoa học khác, thì phân biệt giữa ta là người hiểu biết và sự vật là đối tượng để ta tìm hiểu một cách khách quan. Nhưng khi suy nghĩ về chính mình thì khác, vì ta không thể tách khỏi mình, rồi tìm một “vị trí” đứng từ đàng xa, để nhìn lại rõ ràng chính mình, như một đối tượng khách quan. Do đó, những giải đáp luôn thiếu sót, không tương xứng. Những vấn nạn mới về con người luôn được đặt ra, và cần những giải đáp mới.

Theo lịch sử, đã có nhiều lý thuyết, triết học nghiên cứu về con người, như đã trình bày ở đoạn trên, nhưng gần đây, nhờ các khoa học vật lý, nhân văn, xã hội, nên khoa Nhân Loại Học (Anthropology) đã phát triển thành hệ thống. Như tựa vào khoa học tự nhiên, C. Darwin cho rằng đời sống con người, về sinh lý, cũng giống như mọi sinh vật khác do luật tiến hóa và thích ứng vào môi sinh, chi phối. S. Freud tựa vào khoa tâm lý, cho rằng con người không phải chỉ biết (intellect), rồi quyết định làm điều mình muốn (Will), nhưng chính lực lượng “Tiềm Thức” (Unconscious drives) ảnh hưởng, điều khiển. K. Marx tựa vào khoa xã hội, chủ trương xã hội, đời sống tập thể đào tạo nên đời sống con người. Ngoài ra, khoa học nhân văn, văn chương và triết thuyết như Hiện Sinh, Hiện Tượng Luận… đều có chung điểm tương đồng: nhấn mạnh đến con người là một chủ thể có tự do, chịu trách nhiệm về đời sống riêng, cá biệt, luôn thay đổi, biến chuyển, thực tiễn, chống lại cái gì bất biến, trừu tượng, phổ quát, khách quan.

Trong bối cảnh lịch sử đó, Thiên Chúa Giáo đã xây dựng khoa Thần Học về Nhân Loại Học (theological anthropology), để tìm cách giải đáp những câu hỏi căn bản về đời sống con người như: Con Người là Ai? Tại sao Sống? Tại sao biết mình phải Chết? Chết là hết, hay còn gì nữa? Tại sao có sự Ác, Đau Khổ? Đời sống con người có Giá Trị gì không? Nếu ta công nhận: “Đời Đáng Sống”, thì tất nhiên, ta cũng phải thừa nhận, xác tín về những vấn đề căn bản làm nền tảng cho đời sống như: Hiện Hữu của Thiên Chúa, vì ngay khi ta ý thức về ta, ta đã cảm nghiệm rằng: mọi sự ta có như ý thức, trí khôn, thân xác, đều do Thiên Chúa đã ban cho, đã phú bẩm cho ta. Do đó, vấn đề “ta” và “Chúa” tuy khác biệt, nhưng liên quan với nhau như hai mặt của một đồng tiền. Chính Thiên Chúa là Nguyên Lý cho đời sống con người. Nguyên Lý Nền Tảng đó đã hiển hiện một cách cụ thể, lịch sử, nơi Nhân Vị của Đấng Thiên Sai, Chúa Cứu Thế, để cứu nhân độ thế, giải phóng nhân loại khỏi vòng cương tỏa của tội ác, chỉ giáo cho con người những nguyên tắc về Luân Lý để sống thánh thiện, đạt được Hạnh Phúc và Trường Sinh Bất Tử.

Sau đây, ta sẽ lần lượt suy nghĩ:

A. Ý nghĩa của Nhân Sinh (đời sống con người) và Nhân vị (địa vị của người đứng trong vũ tru).

B. Nhân Tính, hay Bản Tính tự nhiên.

C. Thiên Ân, con người hướng về Siêu Nhiên.

D. Liên hệ giữa Bản Tính và Thiên Ân.

E. Sau cùng là vấn đề Tội Ác, tình Tư Dục.



A. Nhân Sinh, Nhân Vị, Địa Vị Con Người

Quan điểm về Nhân Sinh, tức ý nghĩa của Đời Sống con người, và Nhân Vị (human Person), tức con người có một Bản Vị, một Bản Thể riêng biệt, một Địa vị, tức “chỗ đứng” đặc biệt trong vạn vật, theo Thần Học Công Giáo, có thể toát lược vào mấy điểm cốt yếu như sau:



1. Vũ Trụ Càn Khôn, và Nhân Sinh có Giá Trị gì?

Niềm Tin và Lý Trí của nhân loại minh chứng rõ cho ta biết: Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, đã sáng tạo vũ trụ càn khôn, muôn vật muôn loài, tinh thần và vật chất. Thiên Chúa vẫn Hiện Diện, để Quan Phòng và bảo toàn vạn sự vạn vật. Do đó, hết mọi loài thụ tạo, vật chất, cỏ cây, sông núi… đều Tốt, đều có Giá trị, vì tất cả do bàn tay sáng tạo của Chúa. Nhưng trong các loài thụ tạo, thì con người là cao quí hơn.



2. Tại Sao Nhân Vị, Địa Vị Con Người là Cao Quí?

Con Người là một Nhân Vị (Human Person), chiếm một Địa Vị cao quí trong vũ trụ, vì con người được dựng nên giống “Hình Ảnh Chúa”, nghĩa là có thể hướng về Siêu Việt (Transcendental), tức là biết Chúa và yêu mến, sống thân tình với Chúa. Ngoài ra, con người cũng được Chúa cho trí khôn, tài năng để cộng tác vào việc quản trị, khai thác, phát triển vũ trụ, để làm hiển danh Thiên Chúa.

Trong loài thụ tạo, chỉ có con người là có ý thức, tự do, và trách nhiệm về những hành động của mình, như một chủ thể, một Nhân vị (person), vì có thế đối diện, đối thoại với Đấng Toàn Năng. Chỉ có con người mới biết tự-phản-tỉnh, nghĩa là: biết được rằng mình biết. Chỉ có người mới có Lương Tâm, biết phân biệt điều Phải/Trái: nơi thâm cung, bất khả xâm phạm đó, con người có thể lắng nghe tiếng của Thiên Chúa.

3. Câu nói: “Không ai là một hòn đảo” có nghĩa gì?

Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ, có “âm-dương”. Do đó, đời sống con người là đời sống có tính cách hướng về tha nhân, về chung sống (co-existence), về “lứa-đôi” (sexual relationship).(51) Con người có thân xác, nên luôn tiếp xúc với người và vật chung quanh như ăn các thứ thực phẩm rau, cá, thịt… uống nước mưa, nuớc suối… Khí trời ta thở ra thì người khác hít vào… Nhưng trên hết, con người qui hướng về Thiên Chúa, lệ thuộc vào Chúa để hiện hữu, đồng thời cũng liện hệ, trách nhiệm mọi hành vi cử chỉ đối với tha nhân. Do đó, theo Kinh Thánh, các giới răn đều gồm tóm trong mệnh lệnh duy nhất: “Mến Chúa, Yêu Người”.(52) Đối với Chúa Cứu Thế, đời sống con người là “chung sống để phục vụ” (co-existence of service), đặc biệt giúp đỡ những người nghèo khó, đau khổ. Tình Bác Ái vô vị lợi đó, chẳng những đối với người thân thích, bằng hữu, nhưng còn đối với người thù nghịch nữa!(53)



4. Ý Nghĩa Câu: “Nhân Vô Thập Toàn”

Theo kinh nghiệm hằng ngày ta nhận thấy: tuy đời sống con người có giá trị, có phẩm tính cao quí, nhưng vì con người có ý chí tự do, và trách nhiệm, vì sự bất toàn, yếu đuối, nên con người có thể sa ngã và phạm rất nhiều Tội Ác.(54) Con người biết mình đã “li gián, li cách” (alienation) khỏi chính mình, vì không làm điều Tốt mà Lương Tâm bảo làm, nhưng đã làm điều Xấu mà Luật của Chúa cấm. Bởi vậy, con người đã li gián với Chúa và với tha nhân! Do đó, con người cảm thấy sự căng thẳng, xâu xé,và nỗi lo âu, xao xuyến về số phận, định mệnh dày vò tâm trí luôn mãi! Hơn nữa, theo Kinh Thánh, và theo kinh nghiệm bản thân, đời sống con người luôn bị đe dọa bởi nhiều bất trắc rủi ro, ngoài ý muốn, như bênh tật, già yếu, tai nạn, và chết. Sách GiảngViên (Ecclesiast), Sách ThánhVịnh (Psalms), và Phúc Âm luôn cảnh giác, nhắc nhở về đời sống quá vắn vỏi, và kiếp sống con người đầy lầm than, khổ sở.



Mặc dầu Tội Ác, và Đau Khổ tràn ngập thế giới này, nhưng con người sống trong hy vọng sẽ được Ơn Cứu Độ, vì Tin vào lòng Từ Bi của Chúa sẽ thể hiện nơi Đấng Cứu Thế. Nhờ Ân Huệ của Chúa ban, và sự quyết tâm cải tà qui chính, đời sống con người sẽ được hoàn toàn đổi mới, và hy vọng “Thân Xác được Phục Sinh,” để hưởng Hạnh Phúc Bất Diệt. (55)

B. Bản Tính Tự Nhiên Của Con Người

Để giải thích một cách sâu xa về Nhân Sinh, và NhânVị, như đã nhận định ở trên, Khoa Thần Học Công Giáo đã dùng hai ý niệm: Bản Tính Tự Nhiên (Nature), và Thiên Ân (Grace, còn dịch là : Thánh Sủng, Ân Sủng, Ân Huệ, Ân Điển, Sủng Ái, Hồng Ân, Nhân Từ, Từ Bi). Đây là hai ý niệm thuộc khoa Thần Học, khác với các ý niệm Triết lý, Vật lý, hay Xã hội học về bản tính của con người. Hai ý niệm này liên hệ đến nhau, dầu khác biệt. Ta sẽ lần lượt phân tách ý niệm về Bản Tính Tự Nhiên, sau đó sẽ đề cập đến ý niệm về Thiên Ân, và sau cùng, sự tương quan giữa hai ý niệm đó. Để tìm hiểu Bản tính Tự Nhiên là gì, các nhà thần học đặt ra hai câu hỏi: 1) Theo giả thiết, có thể có một bản tính thuần túy tự nhiên ( pure nature ) không? nghĩa là một bản tính tự nhiên của nhân loại mà không có Thiên Ân? 2) Nhưng theo lịch sử, và trong thực tế, bản tính tự nhiên của nhân loại “đã” lãnh nhận Thiên Ân rồi (graced nature).



1. Theo Giả Thiết, Có Thể Có Bản Tính Thuần Túy Tự Nhiên không?

Theo giả thiết, bản tính thuần tuý tự nhiên (pure nature) có cùng đích tự nhiên riêng của nó, nghĩa là nó không có Thiên Ân, không được Chúa ưu đãi đặc cách ban nhưng không, cũng không có việc Nhập Thể Cứu Độ của Đấng Cứu Thế. Tại sao đặt ra giả thiết này? Theo cách giải thích của một số nhà thần học, thì mỗi loài thụ tạo, thụ sinh đều có “cùng đích tự nhiên” (natural end) của nó: nếu hột lúa có điều kiện thuận lợi thì thành cây lúa, đâm bông, kết hột. Con người cũng là loài thụ sinh, tương đối, tuy “cao quí hơn vạn vật”, nhưng không có quyền đòi hỏi những quyền lợi siêu việt như được “Hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa” (Beatific Vision), được ơn làm “nghĩa tử” của Chúa, vì đó là những Ân Huệ vượt quá sức tự nhiên của loài tương đối. Cùng lắm, khi chết rồi, con người có thể sống trong cảnh “hoan lạc tự nhiên”, tựa như “Lâm bô” (Limbo), hay “Bồng Lai Tiên Cảnh” nào đó!

Nhưng trên đây chỉ là một giả dụ, nói theo lý thuyết mà thôi, vì trong thực tế, và theo lịch sử, đã không xẩy ra. Sở dĩ các nhà thần học đặt ra giả thiết này, vì chủ ý nhấn mạnh: Thiên Ân là Ân Sủng do Thiên Chúa hoàn toàn tự do, tự ý ban nhưng không (gratuitous), bản tính tự nhiên của nhân loại là loài tương đối, không có quyền đòi hỏi, (như sẽ bàn ở đoạn sau).

2. Theo Lịch Sử, có Bản Tính Thuần Tuý Tự Nhiên không?

Theo Lịch sử, và thực tế, bản tính thuần tuý tự nhiên (pure nature) đã không có thật, vì Thiên Ân đã thấm nhuần, đã xâm nhập, và đã biến đổi bản tính tự nhiên của nhân loại, nhờ Công Nghiệp của Đấng Cứu Thế, để nhân loại được Chúa ban Thánh Sủng là được kết nghĩa, hiệp thông với Thiên Chúa. Vì lý do đó, các Giáo Phụ như Irenaeus, Augustine dùng tiếng nhân loại được “Thần Hóa”. Sau đây, ta thử tìm cách định nghĩa Bản Tính Tự Nhiên của con người.



3. Bản Tính Tự Nhiên Hướng về Siêu Việt.

Theo Kinh Thánh, Cựu Ước, Sách Sáng Thế Ký 2:7, Thiên Chúa dựng nên “người” (đàn ông, đàn bà); “người”, chữ Do thái là “adam”’ và chữ đất sét là “adamah”. Xét theo nguyên tự này, Kinh Thánh coi mỗi cá nhân là một toàn thể duy nhất gồm vừa xác vừa hồn, tức một “thân xác có linh hồn” (an animated body). Kinh Thánh không chia con người ra hai phần biệt lập như triết lý Hy Lạp (linh hồn có trước, riêng biệt, rồi mới “đầu thai”, kết hợp với thân xác). Do đó, chữ Linh Hồn trong Kinh Thánh chỉ Nguyên Lý Tinh Thần, linh thiêng, cao quí nhất của toàn thể con người. Linh Hồn trực tiếp do Chúa tạo nên, không do “huyết nhục” của cha mẹ; Linh Hồn bất tử, nghĩa là không bị tiêu tan sau khi chết, nhưng sẽ được kết hợp lại với thân xác (“mới”), ngày toàn thể nhân loại phục sinh (ngày tận thế).(56)

Khi suy nghĩ về Địa vị con người trong vũ trụ, ta nhận thấy con người không phải chỉ là một trong vạn sự vạn vật khác, theo thuyết duy vật, duy tâm hay “vạn vật nhất thể”. Các loài khác như cầm thú, cỏ cây… kém xa con người, vì bản tính của chúng bị hạn chế vào hoàn cảnh nhất định: con cá nó sống vì nước! Chúng không có ý thức về chính mình, và chỉ biết, hay tìm một số đối tượng hạn định để sinh sống, lớn lên: chim biết làm tổ, sư tử cái săn mồi nuôi con. Nhưng theo Thần học Thiên Chúa Giáo, con người là một tạo vật rất đặc biệt được Thiên Chúa ưu đãi, vì con nguời “tự ý thức” vmình, nghĩa là vừa là chủ thể hiểu biết vừa là đối tuợng của các hành vi mình làm. Do đó, con người chiếm một Địa vị, một “chỗ đứng” riêng biệt như một Nhân Vị, tự do, làm chủ vận mệnh mình, và làm chủ vạn vật, do quyền năng Chúa ban cho. Con người là chủ thể, chẳng những biết bàn luận, thẩm định giá trị, và cân nhắc lựa chọn, mà còn thực hành những quyết định, để mở mang thế giới.

Để giải thích tính chất “Siêu Việt” của Bản Tính con người, nhà thần học công giáo Karl Rahner đã đề xướng thuyết “Nhân Loại Học Siêu Việt (transcendental Anthro-pology). Danh từ “Siêu Việt” có nghĩa là vượt lên trên cái hữu hình, cảm giác. Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, vì vượt lên trên hết vạn sự vạn vật, vì mọi loài mọi vật đều qui hướng về như Đỉnh Cao Tuyệt Đối. Do đó, khoa Nhân loại Học Siêu Việt chủ trương con người không phải chỉ là một mớ hỗn hợp những yếu tố sinh lý, tâm lý, nhưng là một chủ thể mà ý nghĩa, và ước vọng của đời sống vượt lên trên những thỏa mãn về nhu cầu thể xác, tâm lý, kinh tế, chính trị. Con người là Siêu Việt vì có khả năng vượt được chính mình, để vươn tới Thiên Chúa là Nguồn Mạch, là yếu tố cấu thành bản tính con người. Thiên Chúa là Tác giả, là Đấng Độ Trì, và là Định Mệnh của đời sống con người. Do đó, bàn luận về con người, thì đồng thời cũng suy nghĩ về Chúa. Học thuyết thần học này cũng đồng quan điểm với Thánh Tôma, nên cũng gọi là “Học Thuyết Tôma Siêu Việt” (Transcendental Thomism).



Theo suy luận thần học của học thuyết trên, thì Bản Tính Nhân Loại luôn “khai phóng”, nghĩa là “cởi mở” (open), qui hướng về Siêu Việt, Siêu Nhiên, vì Thiên Chúa đã phú ban cho bản tính nhân loại “Tiềm Năng Phục Tùng” (Potentia Obedientialis, obediential potency) để lãnh nhận Thiên Ân, nghĩa là được Ân Huệ tham dự vào sự Sống của Thiên Chúa, đã thực hiện nơi Đấng Cứu Thế. Gọi là “Tiềm năng”, vì con người không có quyền đòi hỏi Chúa thông truyền Thiên Ân, nhưng “Phục Tùng”, nghĩa là vâng theo ý Chúa muốn như vậy.

Theo sự suy luận ở trên, ta biết được Bản Tính Tự Nhiên của con người “đã” được Ân Sủng, như tiềm lực có sẵn để qui hướng về Chúa. Một câu hỏi: vậy sự qui hướng, sự tri thức về Chúa đó, là điều kiện “tiên nghiệm” (a priori) hay “hậu nghiệm” (a posteriori)? “Tiên nghiệm” là một sự hiểu biết tự nhiên phát sinh, trái lại, “Hậu nghiệm” là sự nhận thức sau khi đã học hỏi, điều tra như các kiến thức về Khoa học vật lý, hoá học… Sự nhận biết Chúa của con người là một tri thức “Tiên nghiệm”, vì con người không phải dò dẫm từng giai đoạn, điều tra, lý luận, minh chứng về Chúa. Nhưng ngay khi con người “tự-ý-thức” về mình, thì cũng nhận ra lập tức đã có Chúa hiện diện trong con người như Nguyên Lý, như Động Lực Siêu Việt giúp ta có thể vượt được chính mình để vươn lên tới Chúa. Thánh Tôma gọi sự tri thức đó là “Đồng chủng” (connaturality), vì tự nhiên, và lập tức nhận ra Chúa ngự trong mình, vì con người đã được “tắm gội” trong Ân Sủng Chúa trước rồi, tựa như câu nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Chẳng những ta nhận ra Chúa ngự trong ta, mà những lời giảng dạy trong Kinh Thánh, ta cũng nhận biết ngay, “hưởng ứng” liền, vì đó là tiếng Chúa mời gọi ta, đó là những chân lý do Chúa phán truyền. Sau đây, ta sẽ tìm hiểu về ý niệm “Thiên Ân”.



C. Thiên Ân

Quan niệm về Thiên Ân đã được Kinh Thánh, Cựu Ước, và Tân Ước bày tỏ đầy đủ các ý nghĩa. Ở đây, không chủ ý trình bày mọi khía cạnh, ý nghĩa của ý niệm Thiên Ân trong Sách Thánh, và các học thuyết thần học liên quan tới ý niệm này, vì quá phong phú, và quá bề bộn. Nhưng chỉ xin đề cập đến những nét đặc thù, chính yếu mà thôi. Chẳng hạn, Kinh Thánh bày tỏ ý niệm Thiên Ân như thế nào? Giáo huấn chính thức của Giáo Hội, và Thần học bàn luận về Thiên Ân làm sao?



1. Ý Niệm Thiên Ân Trong Kinh Thánh

Danh từ Việt ngữ thông dụng, Thiên Ân, Ân Sủng, Ân Huệ, hay Ơn Chúa, hay được Nghĩa cùng Chúa, Đẹp Lòng Chúa… được dịch ra từ Do thái “hen”, Hylạp “charis”, Latinh “gratia”, (grace). Xét chung, trong Cựu Ước các danh từ đó chỉ sự “được ân nghĩa trước mặt Chúa”, nên Chúa cho"đa tử, đa tôn, đa phú quí” (Sáng Thế 33:5;33:11). Trong Tân Ước, Thánh Phao lô hay dùng chữ “charis” (grace), đi đôi với chữ “Bình an” (Romans 1:7). Ân Sủng khiến ta trở nên người công chính, đẹp lòng Chúa (Romans 3:24). Ân Sủng là “quà tặng” (gift), không được đòi hỏi (Romans 4:4). Ân Sủng là Ơn Chúa ban để phù hộ, nâng đỡ, thêm nghị lực thiêng liêng như: Thánh Têphanô, vị Tử Đạo tiên khởi đã được đầy Ơn Chúa và sức mạnh (Công Vụ Tông Đồ 6:8). Chính Phúc Âm cũng được gọi là “Tin Mừng về Ân Sủng Chúa ban cho nhân loại” (Công Vụ Tông Đồ 20:24).



2. Ý Niệm về Thiên Ân Qua Các Thời Đại

Qua các thời đại, vì nhu cầu mục vụ, hoặc để chống lại các Lạc giáo, các lý thuyết sai lầm đối với ý niệm Ân Sủng, nên các Giáo Phụ như Irenaeus, Augustine, Thomas… đã khai triển giáo thuyết thành khoa thần thần học về Ân Sủng để phản đối các thuyết như Gnosticism (Tri Thức phái), chủ trương Ơn Chúa Cứu Độ không phổ cập cho hết mọi người, nhưng chỉ dành cho một số người có “tri thức” (gnosis) đặc biệt; hoặc chống lại thuyết Pelagianism (thế kỷ 5) cho rằng nhân loại có thể vươn tới sự cứu độ siêu việt mà không cần Ân Sủng Chúa ban; hoặc chống lại Protestantism (Thệ Phản) vì quá nhấn mạnh đến ưu thế của Ân Sủng đến nỗi làm mất sự tự do, sự hợp tác của nhân loại. Nói tóm lại, lý thuyết về Thiên Ân, Thánh Sủng luôn phát triển, nhưng tựu chung, theo truyền thống của Hội Thánh Công Giáo, được tóm tắt trong câu, trích từ “Hiến chế về Giáo Hội” của Công Đồng Vaticanô II (1964): (Thiên Ân) là “Thần Linh Thiên Chúa ngự trong Hội Thánh và trong Linh Hồn các tín hữu như đền thờ…” (số 4). Do đó, ta có thể định nghĩa Thiên Ân (Ơn Chúa, Ơn Trời) là: Sự hiện diện của Chúa nơi bản tính nhân loại, hay Chúa Thông Ban Ngài (Self-Communication) cho nhân loại, và các hậu quả, ơn ích của việc Thông Ban đó là thánh hóa, kiện toàn bản tính đó bằng cách nâng lên hàng “nghĩa tử”, và cho “hưởng Mặt Chúa”, hưởng Phúc Trường Sinh. Cần nhấn mạnh rằng: tất cả những Ân Huệ đó Chúa tự ý ban nhưng không, vì công nghiệp của Đấng Cứu Thế. Tự bản tính nhân loại thuộc bậc tự nhiên. tương đối không có quyền đòi hỏi các Ơn Siêu Nhiên đó.



D. Tương Quan Giữa Thiên An Và Bản Tính Tự Nhiên

Như đã trình bày ở trên, Thiên Ân là Hồng Ân do lòng Từ Bi vô biên Chúa tự ý ban cho nhân loại được thông phần sự Sống Thần Linh của Chúa, và do đó, được hưởng các hậu quả như trở nên “nghĩa tử”, được gọi Chúa là Cha (Abba) “Lạy Cha chúng con ở trên Trời…” Bởi vậy, Thiên Ân luôn luôn là Ân Huệ Chúa ban nhưng không, nhân loại không có quyền đòi buộc, vì theo lý thuyết, nhân loại vẫn tồn tại mà không có Thiên Ân, nhưng trong thực tế, lịch sử, nhân loại “đã” được Chúa tự ý ưu đãi ban cho bản tính tự nhiên của con người “Tiềm Năng Phục Tùng”, nghĩa là tâm hồn “cởi mở” để đón nhận Thiên Ân Chúa ban. Trước khi bàn đến mối tương quan giữa Thiên Ân và Bản Tính, cần phải loại bỏ mọi hình thức về “Nhị Nguyên luận”, cho rằng: có sự phân chia rõ rệt ở nơi một nhân vị thành hai ý hướng: một đàng, qui hướng về Chúa, đàng khác, hướng về việc hoàn thiện con người mà không cần tới Chúa. Cũng nên tránh sự lầm tưởng cho rằng Thiên Ân là cái gì phụ thêm vào Bản Tính. Thật ra, Nhân Sinh “đã” là cuộc sống thấm nhuần Ơn Thánh rồi: từ trong Bản tính, trong Căn nguyên, nhân loại đã qui hướng về Chúa. Sau đây, ta sẽ bàn về mối tương quan giữa Thiên Ân và Bản Tính, và sở dĩ nhân loại được Chúa tự ý ban Thiên Ân là vì công trạng của Vị Thiên Tử, tức Đấng Cứu Thế đã giáng sinh làm Người để cứu nhân độ thế.



1. Tương Quan Giữa Thiên Ân và Bản Tính Tự Nhiên

Câu vấn nạn được đặt ra: Thiên Ân có thật sự biến đổi Bản Tính Tự Nhiên không? Nếu có, con người còn duy trì được sự tự do lựa chọn không? Làm thế nào con người có thể lãnh nhận một cách tự do sự Thông Truyền của Chúa cho ta?

Theo lịch sử Thần học Thiên Chúa Giáo, đã có ba lập trường khác biệt về vấn đề tương quan giữa Thiên Ân và Tự do của con người. Vào đầu thế kỷ 5, một tu sĩ tên Pelagius, và các đồ đệ lập ra thuyết Pelagianism, phái cực tả, cho rằng con người do Chúa tạo dựng, nhưng tự bản tính tự nhiên, có thể tự do đạt tới sự cứu độ siêu việt mà không cần Thiên Ân. Ngoài ra, thuyết này cũng phủ nhận “Tội Nguyên Tổ”, và quên mất những hậu quả của Nguyên Tội như tình tư dục, sự đau khổ và sự chết. Phái cực hữu, do Luther và các đồ đệ khởi xướng vào năm 1529 (Second Imperial Diet of Speyer), gọi là Protes-tantism (do chữ Protestation, Phản đối). Riêng về vấn đề tương quan, giáo phái này chủ trương chỉ cần Thiên Ân mà thôi (sola gratia), nghĩa là sự tự do cộng tác của bản tính con người không đáng kể. Con người vừa được ân nghĩa với Chúa (được công chính hóa) vừa là tội nhân (Simul justus et peccator), nghĩa là bản tính con người vẫn còn là tội lỗi, dầu đã chịu phép Thánh Tẩy, cũng không được cải hóa từ trong nội tâm.

Lập trường chính thức của Giáo Hội Công giáo đã phi bác hai chủ trương cực đoan trên, trong văn kiện của Công Đồng Orange (529), và Trent (1547). Sau đây, sẽ trình bày lập trường chiết trung, ôn hòa của thần học công giáo, đặc biệt theo sự giải thích của “Học Thuyết Tôma Siêu Việt”.



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương