Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


Quan niệm về Tội Ác của Phật Giáo như thế nào?



tải về 2.02 Mb.
trang10/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   31

5. Quan niệm về Tội Ác của Phật Giáo như thế nào?

Trong Chương Bốn, bàn về “CỨU ĐỘ”, sẽ diễn giảng rõ ràng hơn lý thuyết về nguồn gốc sự Đau khổ, Tội Ác của Phật Giáo. Có thể nói tư tưởng cốt yếu về vấn đề này đã rút ra từ những giáo thuyết của “Tứ Diệu Đế” và “Thập Nhị Nhân Duyên”. Theo Phật Thích Ca, có bốn chân lý nền tảng giải thích sự Khổ: Khổ Đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo Đế. Hai chân lý đầu, nhận định về sự hiện hữu, và nguồn gốc của đau khổ, tội ác ở trên đời này, còn hai chân lý sau đề nghị con đường giải thoát. Do đó, Tập Đế tức là chân lý nói về nguồn gốc đau khổ, tội ác bởi đâu mà có. Theo các nhà Phật Học, thì lòng ham muốn, dục vọng, hay tình tư dục (tanha), chính là cội rễ sinh ra đau khổ, tội ác. Trong mười hai nhân duyên ràng buộc nhau để gây “nghiệp báo” cho nhau, và cuối cùng sinh ra Lão, Tử, thủ phạm chính cũng là lòng tự ái, ham muốn chiếm hữu mọi sự mọi vật cho bản thân ích kỉ của mình (nhân duyên: Ái, Thủ, Hữu).(65)

Theo Thần học Thiên Chúa Giáo, như đã giảng nghĩa ở trên, thì Tội Ác là do con người dùng ý chí tự do chống lại Mệnh Lệnh và Giới Răn của Chúa, đồng thời cũng chống lại Lương Tâm của mình. Tội Ác biểu lộ sự căng thẳng, xâu xé trong thâm tâm con người giữa sự phục thiện, vâng lời Chúa dạy, và sự hướng chiều về làm điều xấu, trái Lương Tâm. Sự sa ngã theo điều Ác sinh ra đau khổ. Nhưng nguyên nhân sâu xa tạo nên tình trạng mâu thuẫn và hướng về điều xấu do đâu mà có? Theo Thiên Chúa Giáo, khuynh hướng xấu, tình tư dục, các thứ dục vọng, và các sự đau khổ như sinh, bịnh, lão, tử… đều là hậu quả, chứ không phải nguyên nhân. Nguồn gốc chính của đau khổ, tội ác, dục vọng là do “Tội Nguyên Tổ” đã làm hư hỏng Bản Tính Nguyên Tuyền của nhân loại. Khi chịu phép Thánh Tẩy, nghĩa là tin vào Đấng Cứu Thế chuộc tội cho nhân loại, thì Tội Nguyên Tổ được hết, nhưng hậu quả như tình tư dục, sự chết… vẫn còn tồn tại. Vì thế, công việc chống lại tội ác nơi bản thân, và trên đời này, không bao giờ chấm dứt, nhưng phải cố gắng chiến đấu cho đến ngày tận thế! Bao lâu con người còn sống ở trên đời này, thì không thể “Diệt Dục” được, nghĩa là tẩy sạch hoàn toàn tình tư dục gây nên sự căng thẳng, mâu thuẫn giữa phục thiện và chiều theo điều xấu. Vả lại, Tình tư dục và sự chết không phải là những gì trái ngược với Bản Tính Tự Nhiên của con người, vì trong lịch sử nhân loại, từ nguyên thuỷ vẫn có tình tư dục và sự chết. Tình tư dục gắn liền với Bản Tính con người khi sinh ra đời. Tình tư dục tự nó chưa phải là điều xấu, theo nghĩa luân lý, vì chưa có sự quyết định của ý chí tự do. Chỉ thành “Tội”, khi nào biết là điều xấu mà cứ nhất quyết chiều theo. Do đó, “Diệt Dục”, chỉ giúp giảm bớt lòng tham, sân, si, giảm bớt sự căng thẳng, sự lôi cuốn, cám dỗ làm điều tội, chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn dục vọng nơi con người được!

6. Thiên Chúa Giáo và các Đạo Giáo Gần Nhau ở những Điểm nào?

Nhận xét chung, ta thấy quan niệm về Nhân Sinh, Nhân Tính của Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo đều mang tính chất lạc quan. Tuy khởi đầu có vẻ bi quan như Thiên Chúa Giáo mặc khải cho thấy sự thật về “Tội Nguyên Tổ”, làm hư hỏng Bản Tính nhân loại, nhưng lại hy vọng vào Thiên Ân phù trợ để được Đấng Cứu Thế cứu độ. Phật giáo, bắt đầu nhận định về Khổ Đế, Tập Đế, tức những sự đau khổ đầy tràn thế giới này, nhưng lại dẫn chúng sinh đến con đường Giác Ngộ, Giải Thoát, tức là ý nghĩa của Diệt Đế và Đạo Đế. Các Đạo gia hy vọng dùng văn hóa, giáo dục, tu dưỡng tính tình, có thể cải hóa kẻ tiểu nhân thành các bậc hiền nhân quân tử. Sau đây, ta thử nêu lên một vài điểm tương đồng như ý niệm về “Luật Luân Lý Tự Nhiên”, hoặc về “mầm mống”, “cội rễ” của sự hướng Thiện, tức Thiện Căn nơi con người.



a. Luật Luân Lý Tự Nhiên và Lương Năng Lương Tâm

Theo các đạo học gia, đặc biệt là Vương Dương Minh, Trí Lương Tri là khả năng thiên phú, tiềm ẩn trong Bản Tính con người, nền tảng của Luân Lý, vì biết phân biệt điều Tốt phải làm, điều Xấu phải tránh. Ý niệm trên rất gần với tư tưởng về Luật Luân Lý Tự Nhiên theo Lương Tâm của Thần Học Thiên Chúa Giáo, vì Luật đó đã được khắc ghi vào Tâm Hồn, vào Bản Tính của nhân loại. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa cũng đã công bố và ghi tạc Mười Giới Răn trên Bia Đá. Do đó, ta thấy nơi dân tộc Á Đông, tình hiếu thảo, yêu mến cha mẹ đã được nâng lên hàng tôn giáo, tức Đạo Hiếu, tương đương với Giới Răn Thứ Bốn dạy phải thảo kính cha mẹ.



b. “Thiện-Căn”, “Tiềm Năng Phục Tùng”, “Chân Ngã” là gì?

Khi Mạnh Tử viết: “Nhân chi sơ, Tính bản Thiện”, là Ông có ý nhấn mạnh đến Bản Tính Tự Nhiên tốt lành của con người, vì khi sinh ra, Trời đã phú bẩm cho có Thiện-Căn. Nhưng khi Tuân Tử nói: con người là Tính Ác, thì chẳng qua Ông muốn nhấn mạnh về việc tu dưỡng, giáo dục, giáo hóa, để giúp con người trở nên hoàn hảo. Thực ra cả hai Ông không có ý bàn về Hữu Thể Học (Ontology) hay Thần Học (Theology) về con người, nhưng chỉ chú trọng về văn hóa, giáo dục nhiều hơn. Đến Đổng Trọng Thư thì lập trường giáo dục càng thêm rõ rệt. Ông phân biệt một cách tài tình, tinh vi: Thiện-Căn và chính sự Thiện Toàn là hai cái khác nhau. Do đó, Ông không đồng ý với Mạnh Tử nhận luôn tự Bản Tính con người đã Tốt rồi, nhưng nơi con người, mới chỉ có Thiện-Căn, tức “mầm mống” sẽ sinh ra Thiện mà thôi, chứ “chưa” có Thiện thật, như hột lúa bởi cây lúa sinh ra, nhưng cây lúa và bông lúa, hột lúa là hai trạng thái khác nhau. Muốn cho cây lúa lớn lên, đâm chồi nẩy hột, còn cần công phu vun trồng, phân bón. Bởi vậy, Bản Tính nhân Loại “chưa” thật sự Tốt, còn cần văn hóa, giáo dục, tồn tâm dưỡng tính, thì con người mới trở thành Thiện Hảo thật. Vào thời Trung Cổ, nhà thần học trứ danh của Giáo Hội Công Giáo cũng chủ trương, nơi Bản Tính Tự Nhiên con người có “Tiềm Năng Phục Tùng” (Potentia Obedientialis), nghĩa là có Thiên Ân như lời “mời gọi” Chúa tự ý mời để con người có thể tự do đáp lại hay từ chối. Nếu con người tuân phục lãnh nhận Thiên Ân, thì Chúa sẽ “Thần Hóa” con người để trở nên nghĩa tử của Chúa, và được hạnh phúc trường cửu. Ngày nay, Học Thuyết Tôma Siêu Việt đang thịnh hành trong giới thần học, và ảnh hưởng đến giáo thuyết của Công Đồng Vatican II.

Nói tóm lại, khi phân biệt hai khía cạnh của Bản Tính Nhân Loại như: Lý và Khí, nghĩa là bản thể nguyên tuyền trong sáng và cuộc sống hiện hữu, thực tế đầu thai trong xác phàm vừa tốt, vừa xấu, hoặc Vô Ngã (Giả Ngã) và Chân Ngã, nghĩa là trong bản thể con người, có phần giả dối, mê lầm, nhưng cũng có phần Trí Huệ, trong sáng, chân thật, các Đạo học gia, và các nhà Phật học đã tiến lại gần với Thần Học Thiên Chúa Giáo, vì cũng phân biệt giữa Thiên Ân và Tự do, Bản Tính và Hiện Hữu, Tiềm Năng và Thực Tế, nghĩa là mặc dầu con người không xứng đáng, nhưng Chúa đã tự ý ban Tình Thương, Thiên Ân cho con người; trong cuộc sống hiện tại, vì có tự do, con người vẫn có thể chấp nhận hay từ chối lời mời gọi của Chúa. Bởi vậy, con người không thể sống hoàn toàn biệt lập khỏi Thiên Chúa được, vì Thiên Ân “đã” tiềm ẩn trong Bản Tính con người và luôn cải hóa nó. Nhưng Thiên Ân chỉ thực sự hoạt động một cách hiệu quả khi có sự cộng tác tự do của con người. Có thể tạm kết luận: các tôn giáo trên đã có phần lạc quan tin tưởng vào Bản Tính nhân loại, dầu tội lỗi, khuyết điểm, Bản Tính đó không hoàn toàn hư hỏng, nhưng hy vọng với Ơn Trên giúp đỡ, và sự tự do cộng tác của con người, mọi người sẽ được Cứu Độ, như sẽ bàn ở Chương sau.

Chương Bốn

Cứu Độ

Cứu Độ là Nguyện Vọng, là Niềm Hy Vọng lớn lao sâu xa nhất của nhân loại. Hình như có cái gì bất ổn, trục trặc, lo âu, dày vò tâm trí con người. Sánh với vũ trụ bao la, con người chỉ là hạt cát nhỏ bé; tuy là cây sậy yếu ớt, nhưng lại là “cây sậy biết suy nghĩ”. Suy nghĩ về nguồn gốc, dĩ vãng, về thế giới hiện tại đang sinh sống, và về tương lai vô định. Thế giới này, nhân loại đây, cho dầu xinh tươi tốt đẹp, nhưng vẫn còn đầy khuyết điểm, bất toàn cần sửa đổi, sửa chữa. Nhất là tội ác vẫn còn tràn lan, hoành hành dữ dội. Do đó, muốn sống an vui, con người cảm thấy cần phải được cứu thoát khỏi cảnh lầm than, khổ cực này. Vì khó có thể cứu lấy mình, nên con người đã chạy đến tìm nương ẩn nơi các tôn giáo, để được hướng dẫn trên con đường giải thoát, cứu độ. Trong ĐOẠN I, ta đặt câu hỏi: Tại sao cần cứu độ ? Và các tôn giáo đã đưa ra những giải pháp cứu độ như thế nào ?



ĐOẠN I . Tại Sao Cần Cứu Độ?

Mọi người chúng ta cần được cứu độ, vì sống thiếu hạnh phước về tinh thần và thể xác. Các vị được mệnh danh là “Cứu nhân Độ thế”, các vị Tiên tri, các nhà đạo đức mô tả tình trạng hẩm hiu, bất hạnh của kiếp người như sau: Con người ngụp lặn trong Đau khổ. Có bệnh mới cần chữa trị. Do đó, Đau Khổ và Cứu Độ đi đôi với nhau. Căn bịnh tinh thần sinh ra đau khổ, chính là: Tội lỗi! Cho nên muốn được giải thoát khỏi đau khổ thì phải Tỉnh ngộ. Với một niềm Tin mãnh liệt, ta hy vọng sẽ có thể biến đổi cuộc đời và kiếp người thành tốt đẹp hơn.



A. Đời Là Bể Khổ

Đau Khổ là sự thật khách quan do thiên nhiên tạo ra, hoặc do chính con người gây ra. Bệnh tật, già nua, chết,… bão lụt, cuồng phong, động đất, cháy, v.v. là những thiên tai, khó có thể chế ngự, hay tránh được. Nhưng vẫn không nhiều và ghê gớm cho bằng những tai nạn và đau khổ do con người làm cho chính mình và cho tha nhân như: chiến tranh, loạn lạc, tù đầy, vi phạm nhân quyền, ly dị, phá thai, bóc lột, trộm cướp, chết đói, v.v. Đôi khi ta đã nông cạn và bất công qui tội cho “ÔngTrời”, cho số kiếp đã gây ra những đau khổ trên. Cuộc chết đói rùng rợn do hạn hán một phần nhỏ, nhưng do nội loạn, cướp bóc của băng đảng một phần lớn. Chiến tranh, thánh chiến giữa các giáo phái, phá thai, li dị v.v phần lớn do tính ích kỉ kiêu ngạo của con người gây ra. Ngay cả đau khổ do thiên tai cũng có thể xoa dịu, giảm bớt đi một phần nào, nhờ lòng bác ái trợ giúp, an ủi của những vị hảo tâm, khắp thế giới.



Đau Khổ đi liền với Cứu Độ. Trong cảnh nô lệ, tù đày, dân chúng mong mỏi một vị cứu tinh xuất hiện để giải phóng quốc gia, dành lại nền độc lập tự do. Hàng ngàn hàng vạn người lớn trẻ em, “xương bọc da”, ruồi bâu đầy mặt mũi, nằm co quặp chờ chết đói, chết khát…, khát vọng mong đợi lòng thương xót của nhân loại ra tay cấp cứu.

Kinh nghiệm về Đau Khổ, nhất là những đau khổ tinh thần, không làm ta bi quan, thất vọng. Trái lại, nó khiến ta phải nhìn nhận sự thật phũ phàng về sự bất toàn của thế giới này, và về sự hư hỏng, đồi bại của kiếp làm người cần được sửa chữa, cứu nguy. Muốn bớt khổ, ta phải hoàn thiện bản thân và thay đổi nếp sống. Chính Đau Khổ kêu gào giải phóng nhân lọai khỏi kiếp lầm than. Đau Khổ tạo niềm Tin: vì tin tưởng mãnh liệt rằng: “Sau cơn mưa, trời lại nắng”. Kinh nghiệm Đau Khổ không làm ta nhụt nhuệ khí, nhưng thôi thúc ta, nếu muốn sinh tồn, thì phải vươn lên. Ta không tự cứu được, thì nhờ người khác giúp. Nếu là công việc vượt quá khả năng nhân loại, ta cần cầu xin Ơn Trên phù hộ. Bởi đó, ý nghĩa chân thật của Đau Khổ không làm con người nản lòng, chìm đắm, nhưng giúp ta vươn tới niềm Tin Siêu Việt. (66)



B. Ý Thức về Tội Lỗi

Có biết Khổ, mới cần Cứu Khổ. Có biết bịnh, mới cần chữa trị. Thường Đau Khổ là ác quả, ác nghiệp bởi tội lỗi sinh ra. Cho nên, muốn đem lại an vui, hạnh phúc thì phải giải thoát con người khỏi vòng nô lệ, xiềng xích của tội lỗi. Thiếu ý thức về tội ác thì không thể cứu độ được. Ngày nay một số người, nhất là giới trẻ, đã mất ý thức về tội lỗi, không còn biết phân biệt điều phải điều trái, cho nên tội ác tràn lan gây đau khổ, tang tóc khắp nơi.

Có tội ác mới cần cứu độ. Tội Ác là một thực tại hiện hữu trong con người và ở chung quanh ta. Ta phải chứng kiến mỗi ngày, từng giây từng phút trong đời sống. Chỉ cần theo dõi tin tức trên báo chí, trên đài truyền thanh, truyền hình, cũng đủ thấy biết bao thảm cảnh do tội ác gây ra. Tin vui thì ít, nhưng “tin buồn” như li dị, phá thai, chửa hoang, du đãng, nghiện hút, đánh nhau, thù hận, kì thị… thì “rất dồi dào”! Tội ác là một huyền nhiệm khó hiểu, khó giải thích. Các tôn giáo, các triết lý đã đưa ra nhiều cách thức cắt nghĩa về bản tính hư hỏng của nhân loại như: Tội nguyên tổ (Thiên Chúa giáo), Mê lầm, Dục vọng (Phật giáo ), v.v. Trong mỗi người chúng ta như có sự giằng co, căng thẳng liên miên giữa tốt và xấu, thiện và ác. Ta làm điều thiện thì thấy khó khăn cần cố gắng, nhưng thích hướng chiều làm điều ác hơn. Kinh nghiệm cho thấy: “ăn vụng”, cảm thấy “khoái khẩu” hơn! (miễn là không bị bắt quả tang). Nhiều khi ta biết đó là điều xấu, vì lương tâm ngăn cản, ta không làm, nhưng rồi ta lại cứ làm; khi khác, ta biết việc đó là tốt, ta muốn làm, nhưng sau đó ta không làm nữa!

Nói đến tội ác là phải đề cập vấn đề cá nhân Tự Do quyết định và hiểu biết như khi biết là điều xấu, nhưng cứ làm. Tội ác còn được phân loại: tội nhẹ và tội nặng, tội riêng cá nhân phạm và tội của tập thể đồng phạm như tội của cả gia đình, tội của cả nước, tội chung của cả nhân loại. Vì tội ác là một thực tại gắn liền với bản tính nhân loại, nên các tôn giáo cứu độ đều giảng dạy về Hỏa ngục, Âm phủ, nơi giam cầm các tội nhân cùng với Quỉ Vương Satan, chuyên Lừa đảo và Cám dỗ nhân loại vào con đường tội lỗi diệt vong. Các tôn giáo cứu độ cũng đặt ra lễ nghi Sám hối, Đền tội để giúp cá nhân hay tập thể hối hận về những lỗi lầm đã phạm và đền bù những thiệt hại đã gây ra; cũng lập ra nghi thức Xưng tội và Tha tội để tội nhân khiêm nhượng và thành tâm nhìn nhận lỗi lầm của mình và xin ơn Tha thứ. Một vài phong trào đạo đức, đôi khi vì quá bi quan về bản tính đồi trụy hư đốn của nhân loại, nên đã phác họa những bức tranh ghê gớm rùng rợn về tội lỗi và hình phạt khiến ta phải sợ mà đừng phạm tội nữa. Nhưng thiết nghĩ đối với sự yếu đuối, dễ sa ngã của con người, ta nên tỏ thái độ thương xót, khoan dung, tha thứ và cứu vớt hơn là chê ghét, kết án, hất hủi. Nên tránh hai thái độ cực đoan: một là, lương tâm bối rối, sợ tội quá đáng, khiến tâm thần bấn loạn, tuyệt vọng; hai là, mất ý thức về tội, sống hoàn toàn buông thả theo dục vọng, thú tính. Bởi vậy, muốn được cứu độ, giải phóng khỏi xiềng xích của tội ác, ta phải có lương tâm ngay lành, biết phân biệt điều phải, điều trái và cố gắng làm điều thiện, tránh điều ác. (67)



C. Tỉnh Ngộ, Hối Cải, Canh Tân

Không nhận lỗi hoặc biết có tội nhưng ngoan cố không chịu sửa đổi, thì không thể có tha thứ, cứu độ được. Đấng Tạo Hóa không cần “hỏi ý kiến” khi dựng nên ta. Nhưng nếu muốn cứu độ ta thì cần sự tự do đáp ứng của ta. Do đó, hối cải là điều kiện cần thiết để lĩnh ơn Cứu Độ. Đây là giai đoạn gây cấn nhất trong đời sống, đòi buộc ta phải “lột xác”, từ bỏ con “người cũ” hư hỏng để trở thành con người mới. Theo gương các nhà đạo đức, các vị thánh nhân, ta như phải “chết” cho “cái Tôi” ích kỉ, cho cái “Giả Ngã” đắm chìm trong dục vọng, để như sống lại với con người đổi mới hoàn toàn, với cái “Chân Ngã” tinh tuyền. Trong phương pháp tu đức, nhờ chuyên chú vào việc suy niệm, tĩnh tọa, tĩnh tâm… ta có thể tiến tới trạng thái xúc cảm mãnh liệt có sức mạnh thiêng liêng hoán cải hoàn toàn (Metanoia ) tâm hồn, giúp ta nhìn thấy rõ Chân Lý của cuộc đời .

Con người đã được đổi mới, dã được giác ngộ, từ nay sống đời sống mới. Tuy bề ngoài, cách sinh hoạt vẫn giống như mọi người khác, nhưng ý nghĩa đối với cuộc đời, hoàn toàn khác xưa. Tình tư dục lăng loàn, cái tôi tham lam ích kỉ đã bị tiêu diệt, nhường chỗ cho mối thiện tâm tự do phát triển. Từ nay, con người đã được tỉnh ngộ, hoàn toàn sống cho lý tưởng mới. Do đó, nếu không thật sự đổi mới, thì không thể lĩnh ơn Cứu Độ được. Nếu hột lúa gieo xuống đất không mục nát đi thì nó không thể sống lại, nẩy nở thành cây lúa mới, trổ thêm nhiều hột lúa mới. Đời sống con người cũng vậy, cần phải “chết” đi cho dĩ vãng đen tối, để “sống lại”, hiên ngang, tự do trong đời sống mới, đạo đức, thánh thiện.

D. Niềm Tin Siêu Thoát

Kinh nghiệm “Đời là bể khổ”, và “bản thể hư hỏng” của con người, không phải là quan niệm bi quan, chán đời, tuyệt vọng. Trái lại, vì đau khổ nên con người mới vùng lên để được giải thoát khỏi kiếp lầm than. Tự thâm tâm, con người ý thức được số phận của mình, nên tin tưởng mãnh liệt rằng sự Cứu Độ có thể thực hiện được. Bởi vì, mọi sự vật trên vũ trụ này, cuối cùng, đều có một chủ đích và được nâng đỡ để lĩnh ơn Cứu Độ. Có Khổ mới cần cứu giúp cho hết khổ. Đau Khổ chỉ là phương tiện, Cứu Độ mới thực sự là cùng đích của cuộc đời. Con người phải vượt trên mọi phương tiện, trên Đau Khổ để tiến tới Giải Thoát, Cứu Độ Con người đau khổ, tự đáy tâm hồn, luôn ước vọng siêu thoát vào nơi cực lạc như Toà Sen, Niết bàn, Thiên đàng… Con người luôn vượt “cái Tôi” hạn hẹp nhỏ bé, để siêu thoát và đặt niềm tin vào một Quyền Lực Siêu Việt ra tay phù giúp, cứu độ. Bởi đó, chính sự Đau Khổ và lòng ước vọng giải thoát đã tạo nên niềm tin vào một Đấng Siêu Việt, cứu nhân độ thế, thi ân giáng phúc. Lòng mong đợi một Đấng Cứu Thế, một Vương Quốc Thái Bình thịnh trị, một miền Tây Cực Lạc, một Thiên Đàng Vĩnh Phúc, vẫn là những giấc mơ, những ước vọng lớn lao của nhân loại xưa nay.(68)



ĐOẠN II . Cứu Độ Trong Phật Giáo

Phật Thích Ca đã căn cứ vào kinh nghiệm hiện hữu để tìm ra con đường Cứu nhân Độ thế. Ngài vốn là con vua Tịnh Phạn thuộc dòng họ Thích ca (Sakya), nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), miền trung Ấn Độ. Ngài sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, cưới vợ đẹp, chung quanh toàn là những bậc quý tộc giầu sang. Nhưng một hôm, ra ngoài hoàng thành dạo chơi miền thôn dã, Ngài đã phải kinh ngạc vì nhìn thấy tận mắt những cảnh tượng rùng rợn phơi bầy ra khắp lề đường: nào người chết, già nua, bệnh tật, kẻ hành khất đói khát. Thực tại phũ phàng đó khiến Ngài rất cảm động, buồn sầu, và suy tư. Mặc dầu bị vua cha ngăn cản, Ngài quyết từ bỏ cảnh giầu sang giả dối nơi cung điện để tìm con đường cứu giúp người đau khổ. Lang thang khắp mọi nơi, tìm kiếm các vị tu khổ hạnh để thụ giáo, nhưng Ngài vẫn chưa tìm ra ánh sáng Chân lý! Một hôm đến bờ sông Ni Liên Thuyền (Nackayaur), được nàng mục nữ đem sữa dâng cúng. Ngài dùng xong, thấy thân thể khỏe mạnh, xuống sông tắm, rồi lên ngồi dưới gốc cây đại thụ Bồ đề (Bodhi) để nhập định. Một đêm, bỗng hốt nhiên tỉnh ngộ, thành Phật (Buddha). Do đó, chữ “Phật” không phải là “tên riêng”của một người, nhưng là danh từ chung chỉ người được giác ngộ. Bất cứ ai cũng có thể “thành Phật” được, nếu được giác ngộ! Vì thế, danh từ Phật có nghĩa là Tỉnh Ngộ. Sau khi hoàn toàn giác ngộ, thành Phật, thành Đạo, đắc Đạo nghĩa là đã tìm ra cái chân tướng của cuộc đời, Ngài đi chu du khắp miền sông Hằng (Gange) để thuyết pháp.(69)

Cái Chân lý sâu thẳm Ngài tìm thấy khi tỉnh ngộ, thành Phật, chính là: đời là Khổ. Đó là một kinh nghiệm thực tại không thể chối cãi được! Nhưng không chịu bó tay! Chính vì đời là Khổ, nên phải ra tay Cứu khổ, Diệt khổ, và phải cố gắng tìm ra nguyên nhân phát sinh ra Khổ. Hy vọng sẽ được giải thoát khỏi Khổ, nếu theo con đường tu luyện dẫn đến Niết bàn.

Trong Đoạn II này, ta sẽ đề cập đến giáo lý căn bản nhất của Phật Thích Ca về Cứu Độ là: “Tứ Diệu Đế”, tức là bốn Chân lý nền tảng của Phật Giáo. Trong mỗi đoạn, ta sẽ giải thích từng Chân lý như: Khổ Đế là gì? Tập Đế đã dùng những lý thuyết về Nghiệp Báo, Luân Hồi, Thập Nhị Nhân Duyên, để giải nghĩa như thế nào? Diệt Đế hay Niết Bàn là gì? Sau cùng, Đạo Đế, tức Bát Chính Đạo là con đường dẫn tới Giải Thoát.

Chữ “Đế” có nghĩa là Chân lý. “Tứ Diệu Đế” là bốn chân lý huyền diệu mà Phật Thích Ca cảm nghiệm được khi tỉnh ngộ. Đây là những chân lý nền tảng, là tinh hoa và đặc điểm của Phật giáo. Tứ Diệu Đế là một lý luận đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, và thực tế về một chương trình tu luyện trung dung, để giúp giải phóng con người thoát khỏi cảnh lầm than đau khổ, nhất là chữa bệnh tinh thần cho nhân loại. Kế hoạch Cứu độ này gọi là “Trung Đạo”, vì tránh hai thái cực: một là thái độ ăn chơi phóng đãng trụy lạc của người đời, hai là đời sống tu trì quá khắc khổ, hành hạ thân xác của giới đạo sĩ thời bấy giơ. (70)

A. Khổ Đế

Có thể nói: Khổ là cái gì hiển nhiên, quá thông thường nên hầu như người ta chẳng thèm để ý tới nữa. Nhưng nếu suy nghĩ một chút, ta sẽ thấy con người đau khổ về nhiều phương diện. Như Phật Thích Ca nhận định: sinh, bệnh, lão, tử là Khổ. Có những đau khổ do thiên tai gây nên như bão, lụt, hỏa hoạn, v.v., nhưng phần lớn những đau khổ là do chính con người gây ra như: chiến tranh, trộm cướp, giết người, v.v., những đau đớn về vật chất, thể xác như: đói khát, bịnh tật, v.v. Nhưng sự đau khổ về tinh thần mới thật lớn lao như: cái ta ưa thích thì không được, điều ta ghét bỏ thì phải hứng chịu. Ta đau khổ trong tâm hồn, vì cuộc đời bấp bênh, trôi nổi, lúc tan lúc hợp, biến chuyển không ngừng, không có gì là bền vững trên thế giới này như văn chương Việt nam có câu:

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương!” (Cung oán)

Nói tóm lại, Khổ mà Phật Thích Ca nói đây là cái Khổ tâm lý, là những xúc động, cảm động tâm lý khiến tạo những tình cảm như yêu thích, ghét bỏ, lo lắng, ưu phiền, sợ hãi. Phật không thể “giải thoát” ta khỏi: sinh, bịnh, lão, tử, theo nghĩa vật chất, thể lý được vì chính Phật cũng phải chịu những cảnh đó. Nhưng Phật chỉ đề ra những phương thế giúp ta thoát khỏi những phiền não, ưu tư trong tâm lý mà thôi. Nhân loại đau khổ do tình cảm Yêu/Ghét gây ra nhiều hơn là đau đớn về bịnh tật, chiến tranh, đói khát. Thương yêu một người mà không lấy được người ấy, ghét cay ghét đắng mà phải chung sống suốt đời! Thật là khổ sở! Đời người “già” đi là chuyện thường tình. Nhưng sao lại quá lo lắng để “dấu tuổi”? Thân xác béo tốt phương phi, nhưng tâm hồn thì khô héo, lo âu vì tội lỗi! Giầu, nghèo, ai cũng mang những nỗi khổ riêng trong tâm hồn. Vì cái Khổ tâm lý do tình cảm Yêu/ Ghét gây ra đã gắn liền với bản tính nhân loại, cho nên ta phải kết luận rằng: loài người đau khổ vì bản tính đã ra hư hỏng, cần có thuốc chữa trị!(71)



B. Tập Đế

Muốn chữa bịnh cho thân thể, y sĩ cần tìm ra nguyên nhân đã gây ra căn bịnh như các con vi trùng, vi khuẩn, v.v. Chữa bịnh về tâm lý, tâm thần cũng vậy. Phật Thích Ca cho rằng những sự Khổ não trong tâm hồn con người đều do một căn nguyên mà phát sinh ra, đó là Dục Vọng, tức là lòng ham muốn của nhân loại. Ba thứ ham muốn làm ta phải đau khổ: một là, ham muốn về giác quan, nhục dục như ăn uống và tính dục (sex). Hai là, ham sống. Chữ “sống” ở đây không có nghĩa đời sống thường, nhưng là đời sống tình cảm, là những cảm xúc do tình cảm yêu, ghét tạo ra trong tâm hồn, làm ta mất sự bình an. Ba là, ham muốn tích trữ của cải giầu sang. Phật Thích Ca đã dùng những quan niệm như: Karma (Nghiệp), Samsara (Luân hồi), luật Nhân-Quả, Thập Nhị Nhân Duyên, để giải nghĩa thêm quan niệm: Dục Tình, Dục Vọng hay lòng Ham Muốn là nguyên nhân sinh ra Khổ.



1. Nghiệp (Karma)

Ta nên biết rằng những lý thuyết như Karma, Samsara, luật Nhân-Quả là những quan niệm đã có lâu đời trong tư tưởng triết lý và tôn giáo của Ấn Độ, trước khi Phật ra đời. Do dó, Phật không sáng tác, nhưng đã mượn những lý thuyết của người đương thời để biện minh cho học thuyết của mình.

Theo triết lý Ấn Độ, Karma, dịch là Nghiệp, có nghĩa gì? Karma ít nhất có ba ý nghĩa thông dụng:

a. Karma, Nghiệp là gì?

Theo nguyên tự, KARMA, nghĩa là một hành động, hành vi thông thường như: ăn, ngủ, đi lại, v.v. Nhưng trong tôn giáo luân lý, chữ Karma chỉ một hành vi có giá trị luân lý tốt hay xấu. Ví dụ: hành vi xấu thuộc ngũ giới như: Sát sinh, đạo tặc, tà dâm, vọng ngữ, tửu, đều có Karma. Những hành động tốt như làm phúc bố thí gây nên thiện nghiệp. Không chỉ hành vi sinh ra Nghiệp, mà cả ý nghĩ (ý nghiệp), và lời nói (ngữ nghiệp) cũng tạo ra Karma.(72)



b. Luật Nghiệp-Báo

Theo nghĩa luân lý, Karma, Nghiệp, trở thành một Luật: đó là Luật Nghiệp-Báo, nghĩa là bất cứ hành vi luân lý nào, tốt hay xấu đều có báo ứng, có thưởng hay phạt. Theo triết lý Ấn Độ, Luật Nghiệp-Báo là Luật phổ biến, bất di bất dịch của vũ trụ như Luật Trọng lực (gravity). Vì bị Luật Nghiệp-Báo chi phối, nên hiện giờ ta phải trả giá cho những việc đã làm trong quá khứ và ta sẽ phải trả giá trong tương lai cho những việc ta đang làm bây giờ. Những việc xấu gọi là “ác nghiệp”, việc tốt là “thiện nghiệp”, việc đã làm là “túc nghiệp”, việc đang làm là “hiện nghiệp”. Nghiệp còn chia: “tự nghiệp” nghĩa là tự mình tạo ra nghiệp cho mình, và ảnh hưởng đến người khác, “cộng nghiệp” là nghiệp chung của cả xã hội cộng lại, và ảnh hưởng trên cá nhân như câu ca dao: “Anh hùng tạo thời thế”, hoặc “thời thế tạo anh hùng”. Nghiệp không bị thời gian hay không gian hạn chế, không phải chỉ riêng cho mỗi cá nhân, nhưng có Nghiệp của cả gia đình, và Nghiệp chung cho cả nước nữa. Tóm lại, Luật Nghiệp-Báo là Luật luân lý phổ biến chi phối mỗi cá vật và toàn thể vũ trụ nữa. Tất cả sáu môn phái triết lý Ấn Độ, kể cả môn phái của Phật Thích Ca và Jainas, cũng đều công nhận Luật Nghiệp-Báo. Luật Nghiệp-Báo là tự động, tự trị hay do Đâng Tối Cao (Tạo Hóa) chỉ huy, kiểm soát? Những môn phái triết lý như: Jaina, Sankhya, Mimamsa, và Phật Thích Ca cho rằng Luật này có tích cách tự trị. (73)



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương