Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ


Chương Bảy Niềm Tin Vào Một Ngôi Vị Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời



tải về 2.02 Mb.
trang22/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   31

Chương Bảy

Niềm Tin
Vào Một Ngôi Vị Thiên Chúa,
Thượng Đế, Ông Trời

Về tín ngưỡng vào một Ngôi Vị Chúa Tể Càn khôn, cần nghiên cứu riêng để nhận định vấn đề cho rõ ràng. Trong chương sáu, ta đã đề cập đến Ý Thức Siêu Việt về một Nguyên Lý làm nền tảng cho sự hiện hữu của vũ trụ. Đấy là ý niệm siêu hình của các nhà Đạo học, Phật học, các triết gia như Chu Hi, Vương Dương Minh, và các nhà thần bí (mystics) chiêm niệm theo đường lối phủ định (via negativa).

Sau đây, ta sẽ bàn về niềm Tin theo đường lối khẳng định (via positiva) trong Thiên Chúa Giáo, trong thời kỳ đầu của học thuyết Khổng giáo như Tứ thư, Ngũ kinh, và trong Ca dao, tục ngữ của Việt Nam. Truyền thống cố hữu, phổ quát này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Đặc điểm của tín ngưỡng này là lòng Tin vào Một Đấng Tiêng Liêng, một “Đấng Tạo Hóa” toàn năng tạo thành vũ trụ và muôn loài muôn vật. “Đấng đó” có một “Bản Vị” hay “Ngôi Vị”, tương tự như loài người chúng ta, mỗi cá nhân có một “nhân vị” (person, personality) riêng biệt. Vả lại, ta có thể cầu khẩn, cúng bái, và “Ngài” đáp ứng, nhận lời nguyện xin. Trong Chương hai, “Phương Pháp Suy Luận Đông Tây”, đã trình bày về Ý Niệm Bản Vị như:”Hiện Hữu Như Một Nhân Vị”. Ở đây, sẽ quảng diễn và áp dụng quan niệm đó để tìm hiểu Thiên Chúa Ngôi Vị (Personal God).

Riêng đối với Thiên Chúa Giáo, cũng xin lưu ý, sẽ không diễn giảng hết các đề mục, tín điều như trong sách Thần học Giáo lý, chẳng hạn: Mầu nhiệm Một Đức Chúa Trời Ba Ngôi, các Phẩm Tính của Thiên Chúa, hoặc năm đường lối chứng minh có Thiên Chúa theo Thánh Tôma, v.v. Nhưng trong Chương Bảy này, chỉ xin trình bày, hạn định vào một số đề tài để có thể so sánh, và đối thoại với các tôn giáo khác. Do đó, sẽ gồm những đoạn sau:

Đoạn I. Thiên Chúa là Ngôi Vị

Đoạn II. Thiên Chúa Siêu Việt và Nội Tại

Đoạn III. Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Chủ Tể vũ trụ càn khôn

Đoạn IV. Trình bày ý niệm Ngôi Vị, Bản Vị của Thượng Đế trong Khổng Giáo Nguyên Thủy

Đoạn V. Tìm hiểu về “Ông Trời” trong văn chương bình dân, và văn chương bác học Việt Nam

ĐOẠN I . Thiên Chúa Ngôi Vị (Personal God)

Quan niệm Thiên Chúa Ngôi Vị là một đặc thù của Thiên Chúa Giáo bắt nguồn từ Do thái giáo. Có thể nói ý niệm Ngôi Vị không xa lạ đối với tín ngưỡng dân gian của Trung Hoa và Việt Nam. Nhưng, những môn phái triết học chủ trương: Vạn vật nhất thể, Thiên-Nhân hợp nhất, Tam Tài (Thiên-Địa-Nhân) theo khuynh hướng Nhất Nguyên luận…, vì thiên về lý luận trừu tượng siêu hình, hoặc vì cho rằng ý niệm về “Ngôi Vị” hạn chế tính chất siêu việt của Nguyên Lý Tuyệt Đối… Bởi vậy, để giúp các tôn giáo Đông-Tây thông cảm và xích lại gần nhau hơn, nên cần diễn giải thêm những đề tài sau đây:

1. Kinh nghiệm về Ngôi Vị trong đời sống

2. Định nghĩa danh từ và ý niệm về Ngôi Vị

3. Thần học hay đường lối Phủ Định (Theologia negativa) và Diễn tả Ngôi Vị bằng phương pháp Tương Tự (Analogy)

4. Ý niệm Ngôi Vị bắt nguồn từ Thánh Kinh Cựu Ứớc



1. Kinh Nghiệm về Ngôi Vị Trong Đời Sống

Một trong những kinh nghiệm cao quí mà cũng là một huyền nhiệm là câu hỏi: Con Người là gì? Ta là ai? Cái gì khiến ta chịu trách nhiệm về đời ta? Cái gì làm ta “KHÁC” kẻ “KHÁC”?

“Mình với Ta, dẫu Hai mà Một

Ta với Mình, dẫu Một mà Hai” (Tản Đà)

Đi từ kinh nghiệm về huyền nhiệm của bản thân ta “Khác” với bản thân “Kẻ Khác”, con người siêu thoát vươn lên bình diện vô biên siêu việt để nhận biết “Đấng Tối Cao” là Một Vị Siêu đẳng “KHÁC” với mọi sự mọi loài. Dĩ nhiên, Đấng Tối Cao phải vượt trên mọi cá nhân thường, vì “Ngài” là Đấng Tuyệt Đối, còn mỗi người, mỗi vật chỉ là loài thụ tạo, tương đối. Khi dùng kinh nghiệm bản thân để vượt lên cõi siêu nhiên, theo cách suy luận “Tương Tự” (Analogy), không có nghĩa là ta hạ giá Đấng Tối Cao xuống hạng phàm tục, ngang hàng với vạn sự vạn vật.

Trên bình diện kinh nghiệm Thần bí (mystical), Đông cũng như Tây, Phật giáo cũng như Thiên Chúa giáo đều linh cảm sự hiện hữu của Một Đấng Vô Hình, làm Nguyên Lý Siêu Việt, là Nguyên Thủy qui tụ và phát sinh muôn vật muôn loài trong vũ trụ. Vì trí khôn nhân loại có giới hạn, nên cách thức phát biểu và diễn tả Nguyên Lý Tối Thượng đó luôn luôn là bất tương xứng, bất tương đồng. Làm sao ta có thể dùng những hình ảnh, những danh xưng thuộc thế giới tương đối, hữu hạn để biểu lộ những bí nhiệm của Thực Tại Siêu Việt được? Do đó, các nhà thần bí, các đạo sĩ Đông phương ưa thích dùng kiểu nói có vẻ “tiêu cực”, gọi là Phương thức Phủ định (via negativa) để mô tả Nguyên Lý đó bằng những danh từ như: Vô, Vô Cực, Chân Như, Chân Không Diệu Hữu, v.v., cốt ý bảo toàn tính chất siêu việt, vượt không gian thời gian của Nguyên Lý Tối Thượng đó. Các nhà thần học trong Do thái giáo, Thiên Chúa giáo, tuy cũng dùng Phương thức Phủ định, gọi là ‘Thần học Phủ định” (Negative Theology), nhưng thường chuộng cách diễn tả tích cực hơn, gọi là “Thần học Khẳng định” (Positive Theology) dựa theo phương pháp “Tương Tự”, chẳng hạn như kinh nghiệm về “nhân vị” (person) của loài người, được vượt lên bình diện siêu nhiên để gán cho Thiên Chúa là Một “Ngôi Vị Tuyệt Đối”, trên hết mọi nhân vị. Bởi vậy, có thể nói, sự khác biệt về cách giải thích và diễn tả giữa Đông và Tây, phát sinh từ những quan niệm về văn hóa, và vũ trụ quan khác nhau: Đông Phương chú trọng tinh thần cộng đồng, óc tổng hợp, còn Tây Phương đề cao cá nhân, nhân vị và óc phân loại.



2. Quan Niệm Về Nhân Vị, Ngôi Vị, Bản Vị

Sau đây, sẽ bàn về: danh từ và ý niệm về Nhân vị, hay Ngôi vị; tương quan giữa “Hiện Hữu” và “Ngôi Vị”. Ý niệm này có phân chia, hạn chế và hạ giá Nguyên Lý Tuyệt Đối không?



a. Ý Nghĩa của danh từ Nhân vị hay Ngôi vị

Nguyên tự Latinh “Persona” (Person, Personality, Personal) dịch ra Việt ngữ là “Nhân Vị” hay Ngôi Vị. Chữ “Nhân Vị”, xét về nghĩa đen, có thể gây ngộ nhận khi dùng danh xưng đó áp dụng vào Thiên Chúa. (Theo cách chiết tự trong chữ Nho: Nhân ( )=người, Vị ( ) gồm có chữ nhân ( ) và chữ Lập ( ), nghĩa là vị thế, địa vị, “chỗ đứng” của con người trong vũ trụ. Vì Thiên Chúa không phải là người, nên không thể xếp loại cùng ngang hàng với loài người được. Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, nên phải có “chỗ đứng” biệt lập, “KHÁC” và trên hết vạn sự vạn vật, dầu luôn luôn vẫn bao trùm mọi vật mọi loài. Vậy để tránh ngộ nhận và để bảo vệ tính chất siêu việt của Thiên Chúa, thiết tưởng nên dùng danh từ “Nhân Vị” cho loài người, còn danh xưng “Ngôi Vị” dành riêng cho Thực Tại Tuyệt Đối, cho Thiên Chúa, danh từ “Bản Vị” đôi khi dùng chung cho cả hai. Nên nhớ rằng: việc dùng tất cả những ý niệm, những danh từ của loài người, của thế giới tương đối, hữu hạn này để ám chỉ Nguyên Lý Tuyệt Đối, đều là “bất đắc dĩ”, vì bất tương xứng. Do đó, nếu ta gột rửa được tính cách thần-nhân-đồng-hình (anthropomorphism) bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.



b. Ý Niệm về Nhân Vị, Ngôi Vị

Các triết gia Tây phương định nghĩa Nhân Vị, Ngôi Vị (Persona, Person) là: một bản thể cá biệt thuộc loại có trí khôn” (naturae rationalis individua substantia (Boethius)). Loài có trí khôn nghĩa là biết đau khổ, biết hạnh phước và nhất là biết tuân giữ các lề luật (Locke và Kant). Nhân vị là một cá nhân biết suy tư và biết truyền đạt tư tưởng bằng lời nói. Nhân vị là một cá nhân chịu trách nhiệm đối với các hành vi luân lý, tham gia chính trị, cải cách xã hội và là “anh hùng tạo thời thế”. Bởi vậy, ý tưởng “Nhân Vị”, “Ngôi Vị” thường đi đôi với quan niệm về LỊCH SỬ và về Ý CHÍ TỰ DO.



c. Tồn Hữu và Nhân Vị

Theo triết lý, quan niệm về Tồn-Hữu-học (ontology), về Tồn-Hữu (Being), trong căn bản phải đi đôi với ý niệm Nhân vị, Ngôi vị, Bản vị (Personal). Bởi vì “có” thì phải có “cái gì” hoặc “cái gì” “có”, không thể “có” vu vơ, trống không, trống rỗng được! Do đó, Tồn-Hữu phải là Ngôi Vị, và nền tảng sâu xa của Tồn-Hữu chính là Ngôi Vị. Theo ý nghĩa này, chỉ có loài người mới thực sự có “Nhân vị” hoàn hảo, vì có “Hữu-Thể” đầy đủ, nghĩa là có ý chí, tự do, còn các loài khác như động vật, thực vật… chỉ được tham dự vào sự Tồn-Hữu ở các cấp bậc kém hơn. Vì thế mới có câu: “Nhân linh ư vạn vật”, con người cao trọng hơn các loài cầm thú, cỏ cây, sông núi… vì có trí khôn. Còn loài động vật cao hơn loài thực vật, vì được “tham dự” vào sự Tồn Hữu ở một cấp bậc cao hơn, nghĩa là có xúc giác, biết đau đớn… Dầu chiếm được một địa vị cao quí trong vũ trụ, con người vẫn cảm thấy mình là hữu hạn, nhỏ bé đối với trời đất bao la. Do đó, từ cảm nghiệm Bản Thân, tâm trí con người đã vươn lên cõi Siêu Nhiên, đến Một Ngôi Vị Tuyệt Đối, cũng là Tồn-Hữu Tuyệt Đối, làm nguồn gốc cho hết mọi Tồn-Hữu trong vũ trụ càn khôn, kể cả loài người. Tuy là một Nhân vị hữu hạn, tương đối, thuộc loài thụ sinh, nhưng con người luôn cảm tạ Đấng Tối Cao đã ban cho hồng ân, vinh dự được tham gia vào sự Tôn-Hữu Tuyệt Đối, nghĩa là có lý trí và ý chí tự do.(188)

Tuy cũng là một “ngôi vị”, nhưng “Ngôi Vị” của Thiên Chúa hoàn toàn “KHÁC” với nhân vị của loài người. Thần Học Thiên Chúa Giáo vừa chủ trương Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt trên hết mọi sự mọi loài, vừa “ngự trị”, hiện hữu nơi con người và vạn vật, nhưng “PHÂN BIỆT” (distinction), và nhấn mạnh sự “KHÁC BIỆT” giữa Thiên Chúa Siêu Việt và loài thụ sinh. Tuy Thiên Chúa hiện hữu, tồn tại nơi nhân loại, vạn vật, tuy Siêu Việt và Nội Tại luôn đi liền với nhau, nhưng Ngài vẫn là Ngôi Vị “KHÁC” tất cả các ngôi vị khác.

d. Ý Niệm Nhân Vị, Ngôi Vị có Hạn Chế hay Phân Ly NGUYÊN LÝ TUYỆT ĐỐI không?

Theo các thần học gia hay triết gia Thiên Chúa Giáo, ý niệm về Nhân vị, Ngôi vị không phân ly, hạn chế Tồn Hữu (Being) của Thiên Chúa, khác hẳn với thuyết Nhị Nguyên (dualism), phân chia ra hai khởi nguyên căn bản đối lập nhau: một bên là Thiện, bên kia là Ác.



Tín Lý quan trọng nhất và cũng là Mầu Nhiệm cao siêu nhất trong Thiên Chúa giáo, tín điều “Một Thiên Chúa Ba Ngôi” (Trinity, Tam Vị Nhất Thể Thiên Chúa) đã khẳng định rõ ràng về Bản Thể Duy Nhất bất-khả-phân-ly của Hữu Thể Tuyệt Đối, tức Một Thiên Chúa, đồng thời vẫn giữ được sự toàn vẹn của Ba Ngôi Vị: Thiên Chúa Ngôi Cha, Thiên Chúa Ngôi Con, Thiên Chúa Ngôi Thánh Thần. Do đó, đại mầu nhiệm này phi bác tất cả mọi hình thức nhị nguyên được gán cho Thiên Chúa.

3. Phương Thức Phủ Định và Phương Thức Tương Tự

Các nhà thần học và triết học đã dùng hai phương thức suy luận cốt ý để bảo toàn tính cách Siêu Việt Tuyệt Đối của Thiên Chúa: Phương thức Phủ Định và Phương thức Tương Tự. Ở đây chỉ xin tóm lược hai phương thức này đã được giải thích sâu rộng trong Chương Hai.



a. Phương Thức Phủ Định

Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối, Siêu Việt, khác hẳn loài thụ tạo, tương đối thì làm sao ta có thể dùng những sự vật, hình ảnh, danh từ thuộc kinh nghiệm trong thế giới tương đối hữu hình để miêu tả “Đấng Tiêng Liêng,Vô Hình Dung”, một cách tương xứng được? Do đó, để bảo vệ tính cách siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa, các nhà thần học, triết học, thần bí trong Thiên Chúa giáo đã dùng một đường lối “Phủ Định” (via negativa), không phải muốn chối bỏ chính Thực Tại Tuyệt Đối, nhưng chỉ có ý biểu lộ sự bất tương xứng của những danh từ, danh hiệu rút ra từ thế giới tương đối để phác họa những phẩm tính siêu đẳng của Thiên Chúa. Thánh Tôma, nhà thần học trứ danh, cũng cho rằng trí khôn nhân loại không thể nào hiểu biết được bản thể của Thiên Chúa Tuyệt Đối là gì cả. Chúng ta không thể biết được Thiên Chúa là gì, có gì một cách khẳng định, tích cực, nhưng ta có thể nói được Thiên Chúa “không phải là”, “không phải thế”, một cách phủ định, tiêu cực (via negativa), tức là Thần học phủ định (Theologia negativa). Ví dụ: Thiên Chúa là Bất-khả-ngôn (ineffability of God).(189)



b. Phương Thức Tương Tự

Tuy biết là bất-tương-xứng, nhưng các thần học gia, triết gia, thi sĩ, văn sĩ và dân chúng bình dân ưa thích dùng phương thức khẳng định, tích cực (via positiva) để biểu lộ sự cao cả vô biên của Đấng Tối Cao bằng những cách thế, ngôn ngữ của loài thụ sinh. Thánh Tôma và các nhà thần học gọi cách diễn tả này là “Phương Pháp Tương Tự” (analogia entis). Theo cách thức này, ta có thể dùng kinh nghiệm của nhân loại “nói” về Thiên Chúa, nhưng chỉ được hiểu là một cách “tương tự”mà thôi, chứ không phải hoàn toàn “giống y như vậy”. Bởi vì Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối, “KHÁC” với hết mọi loài thụ tạo thuộc thế giới tương đối này, nên tất cả các ý tưởng, hình ảnh, ngôn ngữ…. dùng để mô tả vạn sự vạn vật thì không thể xứng hợp để bàn luận về Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối được! Dầu nhìn nhận là bất xứng và thiếu sót, nhưng các nhà thần học, triết học vẫn cho phương pháp Tương Tự là chính đáng vì hợp với trình độ kiến thức của trí khôn loài người và giúp ta hiểu biết một phần nào (một cách bất toàn) về Bản Tính Siêu Việt của Thiên Chúa. Khi dùng phương pháp Tương Tự để bàn luận về Thiên Chúa, Thánh Tôma khuyên ta luôn thêm vào thành ngư : “et magis”, nghĩa là: “còn hơn thế nữa”. Chẳng hạn, nói rằng: “Đức Chúa Trời là Đấng phép tắc vô cùng” thì chưa đủ mà phải hiểu thêm là “et magis”, “còn hơn thế nữa”, vì lời phát biểu này chẳng qua là cách thức trí khôn hạn hẹp của nhân loại suy luận về Một Đấng Siêu Việt, và ta không còn cách thức nào, danh từ nào khác để diễn tả sự quyền phép cao siêu vô biên là như thế nào. Kỳ thực, Bản Tính Siêu Việt đó vượt trên mọi sự hiểu biết, diễn tả của nhân loại.



4. Nguồn Gốc Quan Niệm Ngôi Vị trong Kinh Thánh

Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước đã mượn những danh từ thuộc loại thần-nhân-đồng-hình (anthropomorphism) nghĩa là dùng những ý nghĩ, tình cảm, hành vi của loài người để ám chỉ theo nghĩa “tương tự” những hoạt động của Thiên Chúa, chẳng hạn như: Thiên Chúa nổi giận và trừng phạt, Ngài tha thứ và ân thưởng, Ngài là Cha, là Vua, là Mục tử… Thiên Chúa cũng mặc khải “Tên” Ngài ra tự xưng là “YaHWeH”, “Ta là Đấng Tự Hữu”. Các vị Thánh ký đã mượn những hình ảnh thuộc nhân loại để diễn tả những phẩm tính của Thiên Chúa để chứng tỏ Ngài không phải là Nguyên Lý trừu tượng, vô tri vô giác của các triết gia suy luận ra, nhưng Ngài là Thiên Chúa Ngôi Vị đã phán bảo cùng Tổ phụ Abraham, Giacob, Maisen,… và các tiên tri (prophet). Đọc Kinh Thánh Cựu Ước, qua dòng lịch sử của dân tộc Do thái, ta nhận thấy “bàn tay” (theo nghĩa ám tỉ) nhân hậu của Thiên Chúa đã an bài và dẫn dắt dân Chúa đến một mục đích là chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai (Messiah) Đấng Cứu Thế sẽ hoàn thành ơn Cứu Độ trong thời Tân Ước.

Trong Kinh Thánh Tân Ước, danh từ hy lạp “Theos” dùng để chỉ Thiên Chúa. Chính danh từ đó đã được các triết gia Hy lạp Plato và Aristotle thanh lọc khỏi nội dung đa thần để trở thành một ý niệm siêu hình, trừu tượng về một Nguyên Lý Tối Thượng của vũ trụ. Khi dùng danh xưng này, Kinh Thánh đã thay vào một nội dung mới để chỉ Một Thiên Chúa Ngôi Vị, Đấng Sáng tạo vũ trụ, Chúa của thời gian, và của lịch sử. Ngài đặt ra luật pháp và luôn luôn giao tiếp, đối thoại với nhân loại qua những lời cầu kinh. Tột điểm của việc mặc khải Thiên Chúa Ngôi Vị chính là việc Thiên Chúa giáng trần, đầu thai nhập thể nơi “Con Người Đấng Cứu Thế “ như lịch sử ghi chép. Sự kiện Nhập Thể giáng thế này chính là để biểu lộ Tình-Yêu-Thương-Vô-Cùng của Một Thiên Chúa Ngôi Vị Siêu Việt (I Jn 4:16).

Thiên Chúa giáo là một tôn giáo độc thần, chỉ tôn thờ Một Vị Thiên Chúa. Bất cứ loài thụ sinh nào, kể cả các bậc thần thánh, mà ta đặt ngang hàng với Ngài, đều coi là thờ ngẫu tượng (idolatry). Tính chất độc thần độc tôn dành riêng cho Thiên Chúa Ngôi Vị được qui định rõ rệt trong việc phụng vụ, tế tự. Do đó, danh xưng “thờ phượng” (adoration,worship) chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi. Còn các chư Thánh khác, kể cả Đức Bà Maria, thì dùng chữ “tôn kính” (veneration), vì các ngài là loài thụ tạo, tự mình không có quyền năng ban ơn giáng phúc, nhưng các ngài có nhiều công nghiệp và sống đẹp lòng Chúa, nên có thể bầu cử một cách thần thế, đắc lực cho ta.(190)

Nói tóm lại, tuy cũng trong một ý niệm Ngôi Vị, nhân vị, nhưng Ngội Vị Thiên Chúa hoàn toàn “KHÁC” các nhân vị của loài người. Thiên Chúa Giáo nhấn mạnh đến tính cách Siêu Việt (Transcendence) của Thiên Chúa hơn là tính chất Nội Tại (Immanence) của Ngài hiện hữu nơi vạn sự vạn vật, như sẽ bàn luận ở đoạn sau, tuy rằng Siêu Việt và Nội Tại luôn luôn đi liền nhau.

ĐOẠN II . Thiên Chúa Siêu Việt Và Nội Tại

Như trên đã trình bày về những hiểu lầm giữa Tam giáo và Thiên Chúa Giáo khi Đông phương và Tây phương gặp gỡ nhau. Vì thiếu nghiên cứu cẩn thận, thoạt tiên phía Tây phương đã vội phê phán Tam giáo là theo “Nội-Tại đa thần” (pantheistic immanentism), nghĩa là thờ quá nhiều thần phát xuất từ thiên nhiên như cỏ cây, cầm thú và con người, v.v., thiếu ý thức về một Thực Tại Siêu Việt, thiếu niềm tin vào một Vị Chủ Tể càn khôn. Có khi còn bình phẩm là theo thuyết “bất khả tri” (agnosticism), nghĩa là không thể biết chắc được những gì là siêu nhiên, nhưng chỉ có thể biết thực sự những hiện tượng vật chất. Ngược lại, các đạo gia, khi mới tiếp xúc với Thiên Chúa giáo, phê bình Đấng Tạo Hóa trong Kinh Thánh thiếu tính cách siêu việt, vì hành động, tâm tình như một con người biết giận hờn, thịnh nộ, ghen ghét, v.v., theo thuyết “thần-nhân-đồng-hình” (anthropomorphism). Cho đến ngày nay, một số các học giả vẫn “ngại” chấp nhận việc gán cho Thực-Tại Siêu-Việt bất cứ một danh xưng nào như Thượng Đế, Thiên Chúa, v.v., vì sợ làm hạ giá “Nguyên Lý Tuyệt Đối” xuống hạng phàm tục.

Đó là những hiểu lầm của cả hai bên cần phải đánh tan. Kỳ thực, cả hai đều hướng thượng, đều cố gắng vươn lên cõi Siêu Việt, cùng nhìn nhận một Thực-Tại Tuyệt-Đối (Tran-scendent), đồng thời Nguyên-Lý Siêu-Việt đó cũng “ngự trị”, tồn hữu “Nội Tại” (Immanent) nơi vạn sự vạn vật. Sau đây ta sễ tìm hiểu quan niệm thần học của Thiên Chúa Giáo, đặc biệt theo Thánh Tôma, về “Thiên Chúa Siêu Việt” trên hết mọi loài, mọi vật, đồng thời Ngài cũng hiện hữu “Nội Tại” trong mọi vật mọi loài.

A. Thiên Chúa Siêu Việt (Transcendent)

Trước khi bàn luận về đề tài này, cần phân trần cho rõ ràng để tránh ngộ nhận. Trong các sách Giáo lý phổ thông để giảng dạy quần chúng, các tác giả thường dùng ngôn ngữ bình dân, kiểu nói thông thường, mà các nhà thần học như Thánh Tôma… gọi là Phương pháp Khẳng định (via positiva) và Tương Tự (analogia). Kiểu nói này chính đáng, vì ta có thể dùng lý trí tự nhiên để minh chứng Thiên Chúa tồn hữu, hiện hữu và tìm hiểu các phẩm tính của Thiên Chúa như trong sách Giáo lý dạy: “Hỏi: Đức Chúa Trời là Đấng nào? – Thưa: Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi…” Đây là ngôn ngữ của loài người, trên bình diện tự nhiên, hữu hạn, tương đối. Nhưng khi đề cập đến chính “Yếu Tính Tự Tại” (Essence in Itself), Bản Thể Siêu Tuyệt (Supra-Substan-tiality), hoặc Thần Tính Trác Tuyệt (Eminence of the Deity), trên cấp bậc siêu nhiên, siêu phàm thì ta khó có thể diễn tả một cách tích cực, khẳng định được, nghĩa là ta không thể biết thật sự “Bản Tính” Thiên Chúa “LÀ” gì, nhưng tốt hơn dùng phương pháp phủ định (via negativa) để nói Chúa “KHÔNG LÀ”. Sau đây, sẽ trình bày cách diễn tả theo đường lối phủ định của Thánh Tôma, của Dionysius the Areopagite, và các nhà thần bí (mystics), cốt để bảo vệ tính cách Siêu Việt Tuyệt đối của Thiên Chúa. Do đó, cần phải tìm hiểu ý nghĩa thực sự của những thành ngữ có vẻ nghịch lý, “nghịch nhĩ” như: Thiên Chúa Bất-Khả-Ngôn, Bất-Khả-Tri, Bất-Khả-Đạo, Vô-Hữu, Vô-Danh, Ẩn-Tính…



Thiên Chúa Bất-Khả-Ngôn

Kinh Thánh Cựu Ước xưng tụng Chúa là Vô hình, Bất khả đạo (unknown) và Ẩn tàng. Yahweh phán với Mai Sen: Nhà ngươi không thể thấy Nhan Ta được: vì đừng thấy Ta thì mới sống (Sách Xuất hành 33:20), vì Thiên Chúa là Tuyệt đối thánh thiện vô cùng, còn nhân loại là thuộc thế giới tương đối tội lỗi hèn hạ vô cùng, thì làm sao con người sống nổi khi nhìn thấy Nhan Thánh Chúa mà không chết! Tiên tri Iasia nói: Quả thật Chúa là Thần ẩn danh ẩn tính (a hidden God), Thiên Chúa của Israel, Đấng Cứu Độ (Is 45:15). Trong Tân Ước, Thánh Gioan viết: Thiên Chúa, không ai thấy bao giờ (Gioan 1:18). Thánh Phao lô viết: “Như đã viết: Những điều mắt chẳng hề thấy, tai không hề nghe, và đã không hề nhập tâm nơi một người phàm, những điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Chúa” (1 Cor 2:9).

Theo Thánh Tôma, trí khôn nhân loại không biết Chúa là làm sao, lại cũng không thể biết Chúa được. Chúa là Bất-Khả-Đạo. Ngài viết: “Vậy, vì ta không thể biết Chúa là gì, nhưng chỉ biết Chúa “Không phải” là, bởi đó, ta không có cách nào suy luận xem Chúa như thế nào, nhưng ít ra biết được Chúa “không phải” như vậy” (coi Summa Theologica I, q.3, prologus, I,q,a.7,ad. 1). Tại sao Thánh Tôma lại chủ trương như trên? Ngài phân biệt có hai trình độ về tri thức của con người. Trên cấp bậc tự nhiên, ta có thể dùng trí khôn, lý trí để nhận biết “Có” Đức Chúa Trời và các phẩm tính của Chúa. Nhưng trên cấp bậc siêu nhiên, trí khôn của loài thụ tạo không thể hiểu biết được “Yếu Tính Tự Tại” ở nơi Chúa được. Dầu ta được nâng lên bậc siêu nhiên nhờ Ân Sủng Chúa ban, thì Chúa vẫn là “Bất-Khả-Tri” (unknown), vẫn là Ẩn náu. Vì ta không thể hiểu biết được Bản Tính Siêu Việt của Chúa là gì, không biết xếp Chúa vào “loại” (genus) nào, “hạng” (category) nào, nên không thể định nghĩa Chúa là làm sao. Muốn định nghĩa bất cứ một sự vật gì, ta phải biết xếp loại vật đó và các đặc điểm riêng, ví dụ: thế nào là một mẫu sư (sư tử cái)? Mẫu sư thuộc loại “mèo”, rất dũng mạnh, là động vật bộ nhũ (có vú), không có tóc râu rậm rạp như sư tử (đực), một mình săn mồi làm thịt nuôi sư tử con (sư tử đực không nuôi con)… Do đó, việc định nghĩa Thiên Chúa là điều không thể làm được, vì Chúa không thuộc bất cứ loại nào trong trời đất, trong vũ trụ này, lại không có danh từ, danh xưng nào dùng để đặt tên cho các loài tương đối lại có thể biểu lộ một cách tương xứng với Yếu Tính Siêu Việt của Thiên Chúa. Vì thế, Thánh Tôma và Dionysius mới gọi Chúa là “Bất-Khả-Ngôn”, “Vô Danh” (unnominable). Thánh Tôma cũng giải thích thêm: con người có trí khôn suy nghĩ đi từ thiên nhiên, tạo vật để nhận biết Chúa nhờ phương pháp tích cực, khẳng định gọi là “Phương pháp trác việt” (way of eminence), nghĩa là lấy những cái hiện hữu, những danh từ thông dụng để thăng cao, lý tưởng hóa vươn lên cõi siêu việt vô biên để gán cho Thiên Chúa, chẳng hạn, người ta có thể đặt tên “Chúa” là Chúa, là Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời, v.v. Nhưng nên nhớ rằng những tên đó không diễn tả đượcYếu Tính Thần Linh” của Thiên Chúa.

Đại Công Đồng Latêranô phán quyết: “Chúng ta tin vững vàng và tuyên xưng không do dự rằng: chỉ có một Đức Chúa Trời chân thật, vĩnh cửu, vô biên, toàn năng, bất-biến, bất-khả-tri và bất-khả-ngôn” (ineffabilis, coi Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 1994, số 202, 206).



Thiên Chúa là Siêu-Thực Thể

Khi suy luận về Thực Thể, Bản Thể, về Hữu Thể Siêu Việt của Thiên Chúa vượt trên hết mọi loài thụ tạo, tương đối, Dionysius gọi Chúa là “vô-hữu” (non-existent). Và Thánh Tôma cũng chấp nhận kiểu nói đó. Dĩ nhiên, từ ngữ dùng theo kiểu phủ định “vô-hữu”, hay “vô danh”, không có nghĩa là không có gì hết, hoàn toàn hư vô trống rỗng, nhưng chỉ có ý thăng hóa tính cách siêu việt vô hạn của ChúaToàn Năng mà “KHÔNG” một sự vật nào trong vũ trụ tương đối này có thể diễn tả hay so sánh được Xét về yếu tính của sự tồn hữu, hữu thể (esse, being), thì Hữu Thể của Thiên Chúa phải vượt trên hết mọi tồn hữu khác, vì Bản Thể (substance) của Thiên Chúa vượt trên hết mọi bản thể khác. Thiên Chúa là Đấng “Tự-Hữu, Tự-Hữu Tồn Tại, Tự-Lập Tồn Hữu” (subsistent being, suum esse) còn vạn sự vạn vật đều nhờ Chúa mà “có”, đều bởi Chúa mà ra. Sự tồn hữu của loài tương đối thì biến đổi, nay còn mai mất. Con người có giấy khai sinh, khai tử, lúc trẻ lúc già… Còn Thiên Chúa là Siêu-Tồn Hữu (Superesse), vì “Chúa hằng có từ trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.” (Kinh Sáng Danh), nghĩa là Tồn-Hữu của Chúa “đơn thường” (simple), “đơn thuần” (pur), bất biến, vô thủy vô chung, trọn tốt trọn lành vô cùng.

Nói tóm lại, nếu Thánh Tôma gọi Chúa là “Vô-Hữu”, thì không phải là không “Có” Chúa, nhưng cốt ý bày tỏ tính cách siêu việt tuyệt đối của Chúa trên mọi “cái có” của vạn sự vạn vật. Thánh Tôma đã khéo lý luận đi từ phương pháp phủ định (via negativa) chuyển sang phương thức trác việt (via eminentiae) để minh chứng vạn sự vạn vật đều nhờ Chúa mà “có”, nhưng chính Chúa lại “không có” giống như mọi loài, mà là “CÓ” một cách tuyệt hảo.

Các triết gia và các thần học gia như Thánh Tôma đã dùng lý trí, lý luận, đặc biệt đi từ Phương pháp suy luận Phủ định để tiến lên Phương pháp Trác việt, để khẳng định sự HỮU tuyệt vời của Chúa. Khi suy luận để tìm Chân Lý, trí khôn nhân loại cần phải phân biệt, phân tích các sự kiện, các lý lẽ và dùng các kỹ thuật, phương pháp, để thí nghiệm, nghiên cứu. Nhưng kỳ thực, theo nhà thần học Dionysius, sự Trác Việt của Thiên Chúa vượt trên hết mọi phân loại, mọi thứ hạng (categories). Bản Thể đơn thuần của Thần Tính Thiên Chúa “CÓ TRƯỚC” (prior) mọi sự hiện hữu, (being), mọi loài, mọi vật, mọi phân chia ra một/ra nhiều, mọi phân biệt phủ định/khẳng định, mọi hữu hạn/vô hạn, mọi hữu định/vô định. Nói cho cùng lý, Thần Tính Thiên Chúa phải “Có Trước” cả con số “MỘT”, vì đã có một thì phải có hai, đã có hai thì có ba, và như thế thành ra đa tạp. Do đó, Thiên Chúa là Siêu-Duy-Nhất (Super-Unity). Tại sao nhà thần bí Dionysius lại chủ trương như vậy? Tới đây ta mới lĩnh hội được ý nghĩa sâu xa của suy luận này, vì nó giúp ta nhìn nhận “CÓ” một trật tự siêu nhiên về các Chân Lý Siêu Nhiên mà trí khôn nhân loại không thể suy luận khám phá ra được. Bởi vậy, cần phải chính Thiên Chúa “Mặc Khải” (Revelation) những Chân Lý Siêu Nhiên đó cho loài người.



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương