Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ



tải về 2.02 Mb.
trang15/31
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.02 Mb.
#9077
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   31

Toát Lược Mấy Đặc Điểm

1. Đối với Nho Giáo, việc Tu Thân rất quan trọng. Trong việc Tu Đức, cần tuân giữ Ngũ Thường, là năm đức hạnh luân lý tự nhiên: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

2. Trong Ngũ Thường, thì “NHÂN”, tức Đạo Nhân là đứng đầu, và là nguồn gốc sinh ra các đức tính khác.

3. “NHÂN”, là Nhân Ái, là Yêu Người. Đức Nhân làm nên bản tính của con người. Do đó, ăn ở “bất nhân”, là độc ác, là trái với bản tính tự nhiên của loài người. Đức Nhân làm nên mối liên hệ, tương quan giữa người với người. Do đó, lấy “lòng mình” mà đo “lòng người”: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.(117)

4. Theo nghĩa triết lý, siêu hình của phái Tâm Học và Lý Học, thì “Nhân” là “Đức” của Trời Đất tràn lan khắp vũ trụ. “Nhân” là sự Sống, là Tình Thương, là “Lý”, là “Thái Cực” của vũ trụ. Nhờ “Nhân” mà con người có thể phối kết với Trời: “Thiên Nhân Hợp Nhất”. Theo Vương Dương Minh, nhờ “Thân Dân”, tức lòng Nhân Ái, mà làm cho “Minh Đức”, tức Luơng Tâm được sáng chói, không bị tình tư dục làm mờ ám đi.(118)

5. Mặc Tử chủ trương “KIÊM ÁI”, nghĩa là yêu thương hết mọi người như nhau và hoàn toàn bằng nhau, không phân biệt gần xa, thân sơ, người trong gia đình, họ hàng hay người ngoài. Trái lại, theo Nho gia, đặc biệt theo Mạnh Tử, thì tình yêu thương có thứ bậc, nghĩa là yêu nguời trong nhà trước yêu người ngoài. Đó là sự tự nhiên, theo bản tính con người, nên không có gì sai quấy, đáng trách cả.

6. Lão Giáo hay Đạo Giáo chủ trương “xuất thế”, cá nhân hoàn toàn tự do không bị ràng buộc bởi bất cứ lề luật luân lý hay luật lệ. Do đó, các đạo gia chống lại Lễ Giáo, Ngũ Thường của Nho giáo, mà họ cho là “nhân tạo”, không do thiên nhiên. Lão giáo thích trở về đời sống tự nhiên và thoát tục để chiêm niệm Nguyên Lý của vũ trụ, gọi là “Đạo”. Các đạo gia thích tu luyện những đức tính như: Trung Hòa, Quân Bình, Khiêm Nhu, Thanh Bần, Đơn Sơ, Vô Vi, Tiết Dục, v.v.(119)

ĐOẠN II . Từ Bi Trong Phật Giáo

Chủ đích của Đức Thích Ca Mâu Ni là tìm một con đường giải thoát cho nhân loại đang trầm luân trong bể khổ, ở đời sống hiện tại. Vì thế, khi còn sinh thời, Ngài thường sánh ví mình như một lương y, tìm cách cấp cứu một bệnh nhân đang đau đớn, quần quại rên la. Ngài không muốn suy luận xa xôi, nhưng tìm ngay phương thế thực tiễn, tìm thuốc hiệu nghiệm, để cứu bệnh nhân trong cuộc sống hiện tại. Do đó, nền tu đức của Phật giáo xây trên kinh nghiệm sống hiện tại, mang tính chất thực tiễn, không suy luận trừu tượng. Điều mà mọi người thấy trước mắt là: Đời là Khổ. Cho nên, vấn đề cấp bách là làm sao diệt được Khổ! Đức Phật thích dùng ví dụ sau đây để giải nghĩa lập trường: Khi ta thấy một người bị trúng mũi tên độc vào cạnh suờn, thì phải tìm cách thức rút mũi tên ấy ra liền, không mất thời giờ suy luận dài dòng, hoặc tìm giải đáp những câu hỏi xa xôi như: ai làm ra mũi tên độc? ai đã bắn mũi tên ấy? mũi tên từ đâu tới?(120)

Sau đây, ta thử tìm hiểu một cách trung thực về mấy quan điểm như: Nền Luân Lý, và phuơng pháp Tu Hành của Phật Giáo là gì? Nhân đức Từ Bi là gì? Ai là Hiện Thân của đức Từ Bi? Thế nào là Tâm-Bình-Đẳng (Upekkha), “Bố Thí Ba-la-mật” là gì?

A. Luân Lý và Tu Đức của Phật Giáo

Luân Lý Phật Giáo dựa trên kinh nghiệm sống hiện tại, nên mang tính chất thực tiễn, và gần với luật luân lý tự nhiên của con người. Đã là người có Lương Tâm, Luơng Tri, ai lại chẳng động lòng thương xót trước những cảnh khổ đau, ai lại chẳng gớm ghét cảnh giết chóc, thù hận. Vì thế, “Ngũ Giới” trong Luân Lý Phật Giáo dễ được chấp nhận. Ngũ Giới được diễn giảng dưới hình thức tiêu cực, ngăn cấm như:



1. Cấm sát sinh: cấm giết hại người và vật cách vô cớ

2. Cấm đạo tặc: tham lam bất chính

3. Cấm tà dâm: chiếm đoạt tình yêu của kẻ khác

4. Cấm vọng ngữ: xuyên tạc, vu khống, dối tra

5. Cấm tửu: những thứ kích thích loạn tâm, loạn trí.(121)

Cũng phải tránh “tam độc”, là ba thứ thuốc độc làm ung thối bản tính tốt của con người. Ba thứ độc đó là: THAM, là lòng tham lam vô độ. SÂN, là sự thù ghét. SI, là ngu si dốt nát, đần độn. Trong thập nhị nhân duyên, tức mười hai duyên cớ nối nhau để phát sinh đau khổ, thì “SI”, tức ngu si, ngu muội, cũng gọi là “ngộ” (sai lầm), là Vô Minh, đứng đầu phát sinh mọi cơ duyên khác. Do đó, căn bản trong phương pháp tu hành của Phật giáo là “phá ngu”, hay “giác ngộ” (ngộ= hiểu biết), nghĩa là nhờ sự suy niệm lâu giờ, lâu ngày mà hiểu biết được cái chân tính, cái bản ngã thật (Chân Ngã) của con người.(122)

Muốn được giác ngộ để tìm ra chân tính của mình, người phật tử cần cố công tự mình tu luyện, để tự cứu lấy mình, vì không ai ban ơn giáng phúc, hay cứu vớt thay mình được. Bởi đó, tôn chỉ trong việc tu thân, tu đức được các bậc thánh nhân La Hán (Arhat), thuộc phái Tiểu Thừa (Hina-yana) tuân theo là Tự Độ, Tự Giác: tự mình cứu độ lấy mình, tự mình hiểu biết chân tính để đem lại lợi ích cho mình! Ngày nay, trong các tu viện của phái Theravada (Tiểu Thừa), vẫn còn tập luyện theo cách tu “Tự Giác”. Các tu sĩ tuân theo kỷ luật rất khắc khe, khắc khổ, chuyên chú niệm kinh để diệt dục, mong tự thoát khỏi vòng luân hồi nghiệp báo.

Trong cách tu hành tu đức của Phật Giáo, còn có phái Đại Thừa (Maha-yana) chủ trương: “Tự Giác nhi Giác Tha”: tự mình cứu độ lấy mình nhưng cũng phải cứu độ, giác ngộ người khác nữa! Làm ích cho mình chưa đủ, còn phải ra tay giúp đỡ kẻ khác. Bởi vậy, các thánh nhân trong giáo phái này gọi là Bồ Tát (Bodhisattva), sau khi đã được giác ngộ rồi, nhưng chưa nhập Niết Bàn, mà còn ở lại để “phổ độ chúng sinh”. Các vị Bồ Tát không muốn hưởng lợi ích riêng cho mình, nhưng còn muốn giúp ích cho đời nữa! Do đó, lý tưởng của các Bồ Tát là đạt tới sự thánh thiện toàn hảo bằng cách thực hành đức TỪ BI (Thí Xả)

Nên nhớ rằng: hai giáo phái Tiểu Thừa và Đại Thừa vẫn đồng một quan điểm với nhau về quan niệm Cứu Độ, nghĩa là: Tự Độ (Self-Salvation), tự mình cứu lấy mình, kể cả Đức Phật cũng không thể ban ơn gì cho mình được! Đức Phật và các vị LaHán, Bồ Tát chỉ có thể khuyên bảo, làm gương sáng cho mình bắt chước mà thôi! Nhưng phân biệt Tiểu Thừa, vì phái này chỉ chuyên lo về việc tu thân cho chính mình trong các tu viện, còn phái Đại Thừa, chẳng những “tự giác” cho mình, còn lo “giác tha”, tức giảng đạo cho người khác nữa!

B. Đức Từ Bi là gì?

Danh từ TỪ BI diễn tả hai ý niệm: một là Maitri, Maitrey (sanscrit) hay Metta (pali), nghĩa là lòng tốt, tử tế trong cách đối đãi với tha nhân; ý niệm thứ hai là Karuna, nghĩa là lòng thương xót, thương hại vì nhìn thấy sự đau khổ của nhân loại. Quan niệm Từ Bi còn bao hàm một nghĩa thứ ba nữa là Dana, nghĩa là bố thí, “thí xả”, giúp đỡ người đau khổ. Làm phước, Bố thí là kết quả của lòng Từ Bi mà ra.(123)

Đức Từ Bi là một đức đứng đầu các đức tính khác, là nền tảng, và tinh hoa của Phật Giáo, dầu theo phái Tiểu Thừa hay Đại Thừa. Do đó, muốn trình bày cho thấu triệt ý niệm của Phật Giáo về “Đại Từ Bi, Năng Hỉ Xả”, thì cần có mối Hảo Tâm (metta=maitri), tức tình yêu thương đối với muôn loài muôn vật, nhân loại cũng như loài cầm thú. Lại cần có lòng thương xót, Trắc Ẩn (karuna) đối với những cảnh ngộ đau thương do luật Nhân-Quả gây ra, rồi lòng độ luợng ra tay giúp đỡ, bố thí (dana) thật sự. Ngoài ra, người phật tử còn phải thực hành đức thiện cảm, biết chia vui sẻ buồn với tha nhân (mudita), không giả hình, không ganh ty. Đức Từ Bi là một phương cách dẫn tới cứu độ, cho nên, theo tương truyền, trước khi nhập Niết Bàn, chính Đức Phật đã căn dặn, và truyền lệnh cho các đệ tử tuân giữ và thi hành.(124)

C. Các Vị Thần Hiện Thân Của Đức Từ Bi

Như đã nhận định ở trên, trong Chuơng nói về Cứu Độ, theo lịch sử Phật Giáo, Đức Phật Thích Ca, không tự nhận mình là vị thần thánh có quyền phép thi ơn giáng phúc, nhưng là vị “lương y” về tâm thần, đã tìm ra thần dược để chữa bịnh “Đau Khổ” cho nhân loại! Nhưng vì Ngài giầu lòng quảng đại từ bi, suốt đời muốn ra tay cứu độ chúng sinh, nên sau khi nhập diệt, các phật tử, đặc biệt trong giới bình dân, vì lòng ái mộ, đã tôn kính Ngài như một vị Thần, có quyền thế.



a. Phật ADIĐA (AMITABHA)

Phái “Tịnh Độ Tông” đã đáp ứng lại nguyện vọng của giới phật tử bình dân. Theo giáo phái này, cần niệm: “Nam Mô A-Di-Đà Phật” hoặc lẩm bẩm bằng môi, hoặc “lần tràng hạt” là có thể được Đức Phật, hiện thân của Đức Từ Bi, ban ơn giáng phúc cho. Những phật tử mộ đạo cũng thường chào nhau bằng câu vắn tắt như: “Mô Phật”, để tỏ lòng hợp nhất với nhau trong sự hộ phù của Phật A-Di-ĐÀ.(125)



b. Quan Thế Âm Bồ Tát

Trên bàn thờ Phật tại các chùa ở Việt Nam, ta thấy tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng một bên, Đại Thế Chế Bồ Tát bên kia, và Đức Phật A-Di-Đà đứng ở giữa. Quan Thế Âm Bồ Tát được biểu tượng bằng chân dung của một phụ nữ, gọi tắt là “Phật Bà Quan Âm”. Vị Bồ Tát này, hiện thân cho Đức Từ Bi, đặc biệt ra tay cứu giúp các bà hiếm muộn. Phật Bà Quan Âm được mô tả đang chèo thuyền để đưa chúng sinh qua “bờ bên kia” (dịch chữ “đáo bỉ ngạn” = Ba-La-Mật = Paramita), mong được giải thoát và được hạnh phúc.(126)



D. Bố Thí Ba-La-Mật là gì?

Như ta đã thấy trước đây, giáo lý của Phật Thích Ca chỉ nhằm vào mục tiêu duy nhất là “Diệt Khổ”, đem lại sự yên lặng, hạnh phúc cho tâm hồn được giải thoát. Ngoài ra, Ngài đều cho là phù phiếm, vô ích cả, ngay những tranh luận siêu hình về Chân Lý mà các nhà trí thức đương thời ưa thích nhất”.(127)



a. Tâm-Bình-Đẳng là gì?

Theo lịch sử của Phật Giáo, sau khi Phật đã nhập diệt rồi, giáo thuyết của Đức Phật được giải thích khác nhau, và chia thành rất nhiều tông phái. Vả lại, các tông phái được tự do diễn giảng, làm sao cho hợp với hoàn cảnh, với trình độ trí thức và sự hiểu biết của các tín đồ, không cần noi theo một tín điều nào. Ngoài sự phân chia ra Tiểu Thừa và Đại Thừa, ta còn thấy trong Đại Thừa cũng có hai phái chính là “Quyền Đại Thừa” chủ trương vạn sự vạn vật đều do Tâm mà có, ngoài Tâm ra, không có gì cả. Phái này cũng gọi là Tâm Tông, hay Bắc Tông do thiền sư Đạo Sinh, và Thần Tú sáng lập (chết 706) “Thực Đại Thừa”, cũng gọi là Không Tông, hay Nam Tông do Tăng Triệu và Huệ Năng chủ truơng: “Phi Hữu Phi Không, Diệc Hữu Diệc Không” (chẳng “có”, chẳng “không”, mà cũng “có”, cũng “không”). Do dó, Tiểu Thừa chủ trương “Chấp Hữu”, nghĩa là cho vạn sự vạn vật là “thật có”. “Quyền Đại Thừa” (Bắc Tông), chủ trương “Chấp Không”, nghĩa là ngoài “Tâm” ra, vạn vật “không có” gì cả; nhưng “Thực Đại Thừa”, thì lại cho rằng: vừa “có”, lại vừa “không”, nghĩa là không phân biệt “Có-Không”, Thiện-Ác: coi vạn sự vạn vật đều hoàn toàn Bình Đẳng như nhau: đó gọi là thực hiện được “Tâm-Bình-Đẳng” (Upekkha), cũng gọi là “Tâm-Vô-Sai-Biệt”. Trái lại, nếu phân chia có Ta có Người, có Thiện, có Ác, có Sống, có Chết, có Phiền não, có Bồ Đề, có Luân Hồi, có Niết Bàn…, là có Tâm-Sai-Biệt.

“…Tiểu Thừa tuy nhận vạn tượng là Sai Biệt mà chưa biết đến chỗ Bình Đẳng của Bản Thể. Quyền Đại Thừa thì tuy phá được chỗ sai biệt của vạn tượng và biết đến chỗ Bình Đẳng của Bản Thể, nhưng chưa rõ đến chỗ Trung Đạo của Thực Đại Thừa: Bản Thể=Hiện Tượng; Hiện Tượng=Bản Thể; Sinh tử=Niết bàn; Niết Bàn=Sinh Tử…, Phiền Não tức Bồ Đề”.(128)

Theo đại chúng phật tử, muốn thực hành đức Từ Bi, thì cần tuân giữ ba đức hạnh như đã kể trên là: Metta, Karuna, và Mudita. Nhưng theo phái thiền sư Không Tông (Nam Tông), thì bậc cao siêu nhất của Tình Thuơng là “Tâm-Bình-Đẳng. Theo họ, các vị Bồ Tát, các bậc Đại Giác đều giữ thái độ thản nhiên, vô tư, không phân biệt Thiện/Ác, khen/chê, thương/ ghét, lợi/hại, sống/chết, hoặc là Ta/Người (khác), không phân biệt chúng sinh và “Phật” (nói chung về người đã được giác ngộ), không có “Mê” và “Ngộ”, không có phiền não và Bồ đề (tượng trưng cho sự im lặng, an vui).

“Bởi Vô Minh, nên nhận lầm có “Nhân” có “Ngã”, mới có Thiện, có Ác,có lợi, có hại. Trái lại, nếu nhận rõ tất cả là Một, Ta là Người, thì vấn đề Lợi/Hại, Thiện/Ác sẽ không còn nữa, vì cái hại của kẻ này là cái lợi của kẻ kia, cái lợi của người kia là cái hại của người nọ..không có cái gì thêm cho ai, bớt cho ai, lợi cho ai, hại cho ai cả, vì tất cả là Một, vì tất cả là Ta”.(129)

b. Bố Thí Ba-La-Mật là gì?

Trước hết nên tìm hiểu ý nghĩa của các danh từ chuyên môn dùng trong Thiền Tông như: Bát Nhã, Trí Huệ Bát Nhã, Ba-La-Mật…

BÁT NHÃ, dịch âm bởi chữ PRAJNA (Sanskrit), PANNA (Pali). Bát Nhã là gì? Đó là một Trí Huệ, một sự hiểu biết khác với sự hiểu biết thông thường, do đó, gọi là “TRÍ HUỆ BÁT NHÔ. Thế nào là sự hiểu biết khác thường? Đây là sự hiểu biết “sâu xa”,”vượt” không gian và thời gian,”vượt” thế giới “Nhị Nguyên”, tức phân biệt Thiện/Ác, Ta/Người, Lợi/ Hại, nghĩa là” vượt” trên mọi cặp mâu thuẫn, mọi sự biện luận khẳng định (có), phủ định (không có): vì cả hai là Một. Đó cũng gọi là Bình đẳng Luận, hay Nhất Nguyên Luận, Nhất như Luận. Do đó, mới có những thành ngữ như: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, hay “Hữu tức Vô, Vô tức Hữu”. Pháp môn Không Tông này chống lại các hình thức lý luận biện biệt, phân chia ra Phải/Trái, Có/Không… mà họ gọi là Nhị Nguyên Luận. Vì “Trí Huệ Bát Nhã” là sự hiểu biết khác thường, “vượt khỏi bên kia bờ” của những nhận thức và suy luận Nhị Nguyên, phân chia, phân tích cái này khác cái kia…, nên mang tên đặc biệt là “Trí Huệ Bát Nhã Ba-La-Mật” (sẽ giải thích ở duới đây).

BA-LA-MẬT là gì? Ba-La-Mật là dịch âm của tiếng “PARAMITA” (sanskrit), Tàu dịch nghĩa là “đáo bỉ ngạn”, nghĩa là “đến bờ bên kia”. Theo thiền sư phái Không Tông, từ trong bể khổ, nhờ tu theo “Trí Huệ Bát Nhã Ba-La-Mật”, nghĩa là “vượt” hẳn lối Lý Luận theo LÝ Trí biện biệt, phân chia Nhị Nguyên, chúng sinh có thể sang bên kia bờ Giải Thoát của chư Phật.” Danh từ “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia, Ba-La-mật=Paramita) cũng chỉ là một nghĩa bóng mà thôi, chứ thực ra thì “cái bờ” ấy “không ở đâu cả, nhưng ở đâu cũng có”, tức là chỗ mà Trang Tử, ở Thiên Tiêu Diêu Du gọi là “vô hà hữu chi hương” mà nhà Phật gọi là “ưng vô sở trụ” (Tâm không vướng mắc (Trụ) vào đâu cả)”.

Phương pháp tu hành của phật Giáo có sáu điều phải thực hiện, gọi là “LỤC ĐỘ” như: Bố Thí (Dana, Charity), Trì Giới (Sila, Morality), Nhẫn Nhục (Kshanti, Patience), Tinh Tấn (Virya,Vigour), Thiền Định (Dhyana, Meditation), và Trí Huệ (Prajna, Wisdom). Đó là cách tu theo Bồ Tát Thừa, theo lối thường, vì còn phân biệt Nội/Ngoại, Thị/Phi, Thiện/Ác, Vinh/ Nhục, nghĩa là vẫn còn những cặp mâu thuẫn. Theo phái Không Tông, thì “dù có tu “Lục Độ”, cũng phải “vượt” lên khỏi “Lục độ”, vì đối với Bát Nhã Ba-La-Mật, thì “lục độ” cũng vẫn có “chấp trước”, nên hoàn toàn vô nghĩa và không hiệu lực gì đối với vấn đề Giải Thoát cả. Bởi vậy, tu “lục độ” mà muốn đừng mắc trong lục độ, bị luân hồi sinh tử, thì phải tu “Lục Độ Ba-La-Mật”,.. tức là “BỐ THÍ BA-LA-MẬT”, “Trì Giới Ba-La-Mật”, “Nhẫn Nhục Ba-La-Mật”, “Tinh Tấn Ba-La-Mật”, “Thiền Định Ba-La-Mật”, “Trí Huệ Ba-La-Mật”.

Do đó, “BỐ THÍ BA-LA-MẬT” là không vị lợi, vị danh, nhưng là một hành động tự nhiên, không tính toán lợi hại. Bố thí mà “chẳng thấy có mình là người bố thí, cũng chẳng thấy có người được mình bố thí” (thọ thí). Bố thí “như hành động tự nhiên và vô niệm (niệm vô niệm=không còn ý niệm phân hai=Chánh niệm=Bát Nhã) của Mặt-Trời chiếu sáng vạn vật mà không hay rằng mình chiếu sáng, và cũng không chiếu sáng cho riêng ai, cho kẻ thân hay người thiện… mà là chung cho tất cả mọi người và mọi vật”.(130)

Nói tóm lại, nền luân lý, đức Từ Bi của Phật Giáo có tính chất thực tiễn đem lại lợi ích cho mình (tự giác) và giúp tha nhân, giúp đời bớt đau khổ (giác tha). Niệm Phật, kinh kệ, cúng bái để đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống hiện tại như mong được lành bệnh, sinh con, được mùa, v.v. “Tụng Niệm” để tìm ra chân lý, tìm thấy chân tính, hay Phật Tính, giúp tâm thần được sảng khoái, phong phú hơn trong kiếp sống hiện tại. Nền luân lý và đức Từ Bi, được dân chúng cố gắng tuân theo, giúp cho mối tương quan giữa người với người thêm tươi thắm, đậm đà, thương mến hơn!(131)

Toát Lược Mấy Đặc Điểm

1. Nền Luân Lý, đức Từ Bi, theo ý định của vị sáng lập là Đức Phật Thích Ca, mang tính chất thực tiễn, hiện thực, hiện thế, cấp cứu, để cứu vớt nhân loại bớt đau khổ.

2. Sau khi Đức Phật đã nhập diệt rồi, thì giáo lý của Ngài được chia ra rất nhiều môn phái khác nhau. Mỗi môn phái được tự do giải thích, không bị ràng buộc bởi một tín điều nào. Theo lịch sử Phật Giáo, thường chia ra phái Tiểu Thừa, chủ trương “Tự Giác”, chỉ chuyên lo việc tự độ cho bản thân mình. Phái Đại Thừa chủ xướng “Tự Giác nhi Giác Tha”, cứu mình và giúp đỡ người khác nữa.

3. Giáo thuyết của hai phái Tiểu Thừa và Đại Thừa có nhiều quan điểm khác biệt, nhưng cả hai đều chủ trương “TỰ ĐỘ”, nghĩa là tự mình cứu lấy mình, không ai có thể thay thế, hay ban ơn giáng phúc cho mình được. Đức Phật chỉ làm gương cho mình bắt chuớc, chứ không ban ơn gì cho mình.

4. Bởi đó, muốn được cứu độ, thì phải tự mình noi gương Đức Phật và các vị Bồ Tát, La Hán…, thực hành những phương pháp tu hành như: Ngũ Giới, Tam Độc, và “Lục Độ”…, mục đích là giúp phật tử tự tìm ra chân tính của mình, để được “Giác Ngộ”.

5. Trong Lục Độ, thì đức Từ Bi đứng đầu và quan trọng hơn cả. Vì thế, các thiện nam tín nữ đã tôn phong Đức Phật Thích Ca như Vị Thần, hiện thân của đức Từ Bi, có quyền phép ra tay cứu vớt, và ban ơn phúc cho chúng sinh. Một Vị Bồ Tát khác cũng được tôn kính làm “Phật Bà Quan Âm”, hiện thân cho đức Từ Bi, hay cứu vớt trẻ con, và người hiếm muộn.

6. Theo cách thực hành chung của đại đa số tín đồ Phật tử, thì việc thi hành đức Từ Bi là cứu giúp tha nhân, từ trong gia đình ra ngoài xã hội để cầu phúc báo. Nhưng phái Phật học theo Nhất Nguyên Luận chủ trương “Vô Ngã”, “Vô”, vũ trụ là Một, nên chống lại cách dùng Lý Trí để biện biệt, phân chia, phân tích mà họ gọi là “Nhị Nguyên Luận”. Đặc biệt phái Đại Thừa Nam Tông (Không Tông), vì trung thành với Nhất Nguyên Luận, nên cho rằng phải đạt được “Tâm-Bình-Đẳng” khi thực hành đức Từ Bi, nghĩa là không phân biệt Ta/Người, Thiện/Ác, Phiền Não/Niết Bàn, Lợi/Hại… Cách thực hành đức Từ Bi như thế, gọi là “Bố Thí Ba-La-Mật”.

ĐOẠN III . Đức Bác Ái Của Thiên Chúa Giáo

Thiên Chúa Giáo là ĐẠO chỉ thờ Một THIÊN CHÚA duy nhất, mọi vật mọi loài đều bởi Thiên Chúa mà có và phải qui hướng về Chúa như là Căn Nguyên. Vạn sự vạn vật tồn tại, tồn hữu là nhờ Tình Yêu Thương Vô Hạn, và Vô Điều Kiện (uncondional Love) của Thiên Chúa ban phát ra, vì bản thể của Thiên Chúa được định nghĩa là: “Thiên Chúa là Yêu Thương” (I Gioan 4:39). Do đó, trong Thiên Chúa Giáo, Thần Học, Triết Học, tín điều, phụng tự, luật pháp, v.v. đều lấy Tình Yêu Thương Vô Hạn của Thiên Chúa làm nền tảng, lý do để giải thích. Chẳng hạn, vì Yêu Thuơng mà Chúa dựng nên trời đất, vũ trụ; cũng vì Yêu Thương vô điều kiện mà Chúa tạo dựng con người, và đã sai Thánh Tử giáng thế làm Người để thay cho nhân loại, làm lễ vật Hy Sinh, đền tội, chuộc tội cho nhân loại được Hồng Ân Cứu Độ.

Sau đây, ta sẽ lần lượt diễn giảng:

A. Nền tảng, của đức Bác Ái phát xuất từ Tình Ái Vô Biên của Chúa, và từ Chúa KyTô là Gương Mẫu.

B. Mối liên hệ “tương tự” giữa Tình Ái của Chúa và tình yêu của loài người, như thế nào? Tình Yêu của Chúa “giống”, và “khác” tình yêu của ta làm sao?

C. Tình Yêu là sự “đối đáp”, là mối tương giao giữa các “Nhân vị”, với nhau, nghĩa là giữa “Người” với “Người”.

D. Do đó, muốn có tình yêu thương thật sự, thì cần mấy đặc tính như: vì chung một lý tuởng, nên cùng nhau chia sẻ những khó khăn; tôn trọng sự tự do, bình đẳng, quyền lợi của nhau; thực thi đức Bác Ái bằng việc làm cụ thể như ân cần chăm sóc, tha thứ khuyết điểm và giữ lòng chung thuỷ, trung thành với nhau…

A. Thiên Chúa là Căn Nguyên của Đức Bác Ai

Vạn sự vạn vật đều qui hướng về Thiên Chúa như Nguyên Uỷ và Cứu Cánh. Trong lãnh vực Tình Ái cũng vậy. Đức Bác Ái, động lực nội tại phát sinh các nhân đức khác, phải đặt nền tảng lý do tồn tại (raison d’être) nơi Tình Thương Vô Hạn của Thiên Chúa. Tình Ái Tuyệt Đối này, chính là Bản Tính của Thiên Chúa, đã được biểu lộ, mặc khải nơi Đấng Cứu Thế, là Chúa Giêsu Kytô.(132)



1. Tình Ái của Thiên Chúa là Gương Mẫu

Tình Thương vô biên, bao la của Chúa đối với nhân loại, đã là mẫu mực và là động lực khiến mỗi người phải yêu thương tha nhân đồng loại. Vì Chúa đã tạo dựng nên ta và yêu thương ta, nên ta phải yêu mến Chúa. Đó là giới răn thứ nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, tức là “Yêu người như mình ta vậy”, vì mọi người đều là con cái của Chúa sinh ra. Do đó, giá trị cao quí của con người đặt nền tảng tại sự liên hệ với Chúa, tại tình nghĩa tử mà Chúa đã tự ý ban “nhưng không”. Nhân loại “có”, là vì Chúa “Có”. Kinh Thánh viết: “Con người trở thành giống như Chúa (eritis sicut Deus: Gen. 3:5), vì con người mang trong mình “hình ảnh”, tức sự “tương tự”của Chúa (Gen 1:27,5:1, I Gioan 3:1-3)(133)

Trong Thiên Chúa Giáo, Mầu Nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, tức là Chúa Giêsu KyTô giáng thế làm Người: đó là Tột Đỉnh của Tình Ái Thiên Chúa đối với nhân loại và đối với cả vũ trụ càn khôn. Vì Yêu Thương loài người vô bờ bến, vô hạn, mà Thiên Chúa đã sai Thánh Tử giáng trần để mặc khải Mầu Nhiệm Tình Ái của Chúa cho nhân loại. Do đó, chính Đấng Cứu Thế là “Hiện Thân” của Tình Ái Thiên Chúa. Các Lời Ngài giảng dạy, các phép lạ, các cử chỉ, hành động đối với người nghèo, bệnh nhân, trẻ em, phụ nữ, bà góa… nhất nhất đều biểu lộ Tình Ái của Thiên Chúa đối với nhân loại! Bởi vậy, Chúa Giêsu KyTô là Gương Mẫu, là Thủ Lãnh của Dân Chúa, tức Hội Thánh gồm những tín hữu hoan hỉ đón nhận Tin Mừng do Chúa Cứu Thế tuyên bố. Suốt trong lịch sử đã có hằng triệu triệu tín đồ, tu sĩ nam nữ, chỉ lấy Chúa Giêsu KyTô làm Mẫu Mực cho đời sống tận hiến để phục vụ tha nhân. Tình Bác Ái của Chúa Cứu Thế cũng là “Khuôn Vàng Thước Ngọc” để đo mức độ về đời sống trọn lành, thánh thiện. Ai càng nên giống Chúa hơn, thì càng tới gần sự thiện hảo hơn. Do đó, ta thấy các Thánh Anh Hùng Tử Đạo, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đức Tin, bắt chước Chúa chịu chết trên Thánh Giá để đền tội cho nhân loại. Cũng có những tu sĩ nam nữ sống đời tận hiến, trinh khiết để cầu nguyện, hoặc giúp đỡ người đau khổ, nghèo khó. Khi rửa chân cho các môn đệ, để dạy họ sống hoàn toàn theo gương mẫu của Chúa, Ngài phán: “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới, là chúng con phải thương yêu nhau. Thầy đã yêu chúng con thế nào, chúng con phải yêu nhau như vậy” (Gioan 13:34).

Mỗi người phải yêu thương tha nhân vì muốn bắt chước noi gương tình Chúa yêu thương ta. Bởi vậy, nếu ta không biết yêu tha nhân, thì ta cũng không thể yêu mến Chúa được. Yêu mến tha nhân đồng loại là hàng ngang! Trước hết, tự nhiên ta cảm thấy yêu mến cha mẹ, anh chị em ruột thịt, sau đó, tình yêu mới tỏa rộng ra bên ngoài tới bà con thân thuộc, họ hàng, xóm làng, bạn hữu, đồng hương, và xa hơn nữa là tình liên đới quốc tế. Tình ái lan rộng từ một tiểu vũ trụ đến một đại vũ trụ, từ một trái tim nhỏ bé, “nở” ra một bầu nhiệt huyết bao trùm vũ trụ. Từ trong thâm tâm ta cho đến bên ngoài vũ trụ, đâu đâu cũng thấy tiềm tàng, nung nấu một tình thương dạt dào. Và từ thế giới con người ta vươn ra ngoài vũ trụ càn khôn, rồi từ vũ trụ càn khôn, ta vượt lên thế giới vô hình, lên Đấng Tuyệt Đối. Đó là chiều dọc siêu việt của Tình Yêu! Nhưng bất cứ ở kích thước nào, ta vẫn thấy tình thương tiềm ẩn. Do đó, nơi trái tim nhỏ bé của con người, chính là” nơi chốn” (locus) gặp gỡ của Hữu Hạn và Vô Biên: Từ Hữu Hạn vượt lên Vô Biên, hoặc từ Vô Biên trở về Hữu Hạn.(134)

2. Tình Ái Vĩnh Cửu

Thiên Chúa là Vĩnh Cửu và Thiên Chúa là Yêu Thương, nên Tình Ái của Chúa là Vĩnh Cửu, từ trước vô cùng vẫn có và còn tồn tại đời đời kiếp kiếp về sau. Do đó, tình yêu tha nhân đồng loại cũng phải bền vững luôn mãi muôn đời. Tại sao? Vì giới răn thứ hai, “Yêu người”, cũng giống giới răn thứ nhất “Mến Chúa”’ vì con người giống “hình ảnh” Chúa, nghĩa là có Chúa ngự tại nội tâm của con người, nên con người được chia phần, được tham dự vào sự Vĩnh Cửu của Chúa. Do đó, đời sống vĩnh cửu (trên thiên đàng) vẫn phải có tình yêu mến tha nhân, vì (trên thiên đàng) con người luôn luôn yêu mến Chúa. Đức Tin, Đức Cậy thì qua đi, khi ta nhìn thấy Chúa “nhãn tiền”, nhưng Đức Mến “chẳng hề qua đi” (I Cor 13:13). Bởi vậy, Đức Mến là nền tảng của các nhân đức khác, vì nhờ Đức Mến mà con người hữu hạn có thể kết hợp, giao hòa với Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối, Vô Biên.



Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 2.02 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương