LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA


Cha Luigi Chevreul và những gặp gỡ đầu tiên với các cha dòng Tên (1664)



tải về 1.47 Mb.
trang7/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   21

1. Cha Luigi Chevreul và những gặp gỡ đầu tiên với các cha dòng Tên (1664)

Ngày 18-06-1664, cha Luigi ra đi với một người thông ngôn người Nhật, mang theo giấy uỷ quyền làm cha chính địa phận đại diện Đức Cha Lambertô de la Motte ở địa phận Đàng Trong. Đức Cha đã trao cho ngài số tiền là 2.000 livres để trợ cấp giáo dân bị bách hại. Trong số đó ngài có thể trích 300 livres để biếu các cha dòng Tên lúc đó đang bị túng quẫn và thiếu thốn. Đức Cha cũng không quên nhắc ngài cố gắng sống hoà hợp với các cha dòng và để thêm tình giao hảo nên sống chung nhà với các cha.

Ngày 26 tháng 07, cha Luigi Chevreul tới cửa Hội An. Trước khi thuyền được phép cập bến ; theo xã giao cha viết thư cho cha Inhaxiô Baudet, dòng Tên người Pháp để báo tin, mà ngài tưởng là Bề Trên các thừa sai dòng Tên ở Đàng Trong lúc bấy giờ. Cha hy vọng là người đồng hương với nhau, cha Inhaxiô thế nào cũng xử đãi tử tế với cha. Nhưng thư trả lời của cha Baudet làm cha Chevreul thất vọng ngay từ bước đầu. Cha cho biết cha không còn làm Bề trên các cha nữa, vì thế cha rất buồn không thể đón tiếp và săn sóc cho cha Chevreul như ước muốn được. Bên cạnh cha còn có các cha dòng Tên người Bồ Đào Nha, họ không để cha tự do muốn làm gì tuỳ ý, và hiện giờ Bề Trên là cha Phêrô Marquez, sinh quán ở Áo Môn.

Khi thuyền cập bến, vị quan khám xét thuyền buôn, tưởng cha Chevreul cũng là một thừa sai người Bồ Đào Nha. Thường khi khám xét hành lý các cha, các ngài quen biếu các ông một đồ vật gì, chẳng hạn một vài viên ngọc trai, và ông để các cha mang hành lý lên bến dễ dàng. Cha Luigi không biết điều đó, nên ông bắt cha mở tất cả rương hòm cho ông khám xét. Khi thấy cha mang toàn ảnh tượng và đồ thờ, ông định ra lệnh tịch thu nếu cha không mau mắn biếu ông một số tiền.

Lên bến, cha Luigi Chevreul đã được cha Phêrô Manquez đón tiếp khá nồng hậu. Nhưng cha chỉ ở lại cửa Hội An với hai cha Phêrô Manquez và Inhaxiô Baudet một thời gian ngắn. Sau đó cha nghi ngờ hai cha dòng có ý báo người ta bắt ngài đưa lên tàu buôn người Bồ Đào Nha, lúc đó sắp sửa căng buồm về Áo Môn.

Cha Luigi Chevreul bí mật bỏ cửa Hội An với người thông ngôn Nhật để lên Huế, hy vọng có thể đến ở nhà người thợ đúc Juan de Cruz. Người thợ này, theo cha Marini thì sinh quán ở Áo Môn, nhưng theo một tác giả đường thời khác thì ông là người ở Phi Luật Tân. Ông được vua Cao Miên trọng dụng, cho quan tước và được coi sóc một khu vực gì ông có tài đúc súng. Trong một cuộc tấn công đất Cao Miên vào năm 1658, người Đàng Trong đã bắt được ông và đưa ông về Huế. Ông được Hiền Vương trọng dụng, mở lò đúc súng ở gần Huế, chỗ mà ngày nay người ta còn gọi là họ thợ đúc.

Juan de Cruz tiếp cha Luigi Chevreul rất lạnh nhạt. Ông không muốn để cha ở trong nhà mình. Vì lúc đó Chúa Nguyễn sắp đến thăm lò đúc của ông. Ông không muốn nhà Chúa thấy có mặt một người Tây Phương ở nhà ông. Ông gửi cha sang ở với cha Diminicô Fuciti lúc đó đang ở Huế. Cha này để cha Luigi Chevreul làm tuyên uý nhà nguyện mà Chúa Nguyễn đã cho phép Juan de Cruz cất cạnh nhà ông.

Lúc bấy giờ gần đến Lễ Đức Mẹ Hồng Xác Lên Trời, cha Fuciti yêu cầu cha Luigi Chevreul làm lễ và giảng. Cha viết : “Tôi liền lợi dụng cơ hội để tuyên bố công khai mình là cha chính của Đức Cha hiệu thành Bêryta và được sai đến Đàng Trong với tư cách đó. Đang giữa bài giảng, thì tôi công khai tuyên bố cho dân chúng biết điều đó, cả hai (cha Fuciti và Juan de Cruz) đều hết sức bở ngỡ, nhưng không dám phản đối. Tôi cũng lấy uy quyền đó mà ban cho nhà nguyện một ơn toàn xá, theo như Đức Thánh Cha đã ban cho chúng tôi dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Hôm ấy tôi đã giải tội và cho nhiều người rước lễ trong thánh lễ.”

Cử chỉ đột ngột và thiếu dọn dẹp của cha Luigi Chevreul trên đây, chắc chắn làm cho cha Fuciti bất mãn và có thể chạm đến lòng tự ái cũng như tinh thần quốc gia quá khích của người Bồ Đào Nha lúc đó. Một người đang đứng đầu một khu vực, và tự nhiên bị một người khác ở xa không có công trạng gì, đến hạ bệ một cách công khai, thì phản ứng đó là một điều hết sức nhân loại. Bộ Truyền Giáo khi sai các thừa sai Paris ra đi cũng nhận thấy điều đó nên bảo các ngài hết sức khôn ngoan và dè dặt.

Một bầu không khí khó thở giữa cha Chevreul và Fuciti. Còn người thợ đúc Juan de Cruz phản ứng mạnh hơn… Ông này yêu cầu một vị đại Chúa trong phủ Chúa Nguyễn trục xuất cha Chevreul ra khỏi khu vực Đàng Trong, nhưng ông không nghe. Thấy khó ở, cha Chevreul cùng với người thông ngôn người Nhật thuê một chiếc thuyền nhỏ để về cửa Hàn. Trong chuyến đi này cha đã dạy đạo cho ông chủ thuyền và rửa tội cho ông ta.

Ở cửa Hàn, các thừa sai dòng Tên có một ngôi nhà nguyện và một căn nhà nhỏ bé xinh xắc, lại thêm một khu vườn ngọn mục nữa. Cha Chevreul gặp cha Phêrô Marquez ở đây và cha đã được dự một nghi lễ của giáo dân làm để kính nhớ người chết. Cha đã ghi lại tỉ mỉ và cha cho rằng có nhiều điều dị đoan mê tín không thể chấp nhận được. Họ kê một cái bàn lớn, một đầu để tấm hình nhỏ với hai cây nến đốt cháy. Còn họ ở đầu bàn bên kia, mỗi người cầm một cây nến đốt cháy, lần lượt đến lạy và vái rất sâu như cúi hẳn người xuống, rồi mang cây nến đốt cháy đó đến cắm trước tấm hình. Cha Chevreul hỏi cha Marquez ý nghĩa nghi lễ đó thì cha Marquez trả lời là cha để họ làm, để những người lương dân không còn vu cáo những người theo đạo không còn nhớ gì đến ông bà tổ tiên quá cố nữa.

Thời kỳ ở cửa Hàn, cha cũng rửa tội cho một số phụ nữ đã được các thầy giảng dạy đạo. Mặc dầu cha Phêrô Marquez căn dặn ngài không nên thi hành một vài nghi thức như bỏ muối vào miệng và xức dầu trên ngực phụ nữ. Vì theo phong tục người Đông Phương, họ cho là cử chỉ thiếu giữ gìn đối với người đàn bà, và gây ra những tiếng nói ra nói vào, cha Luigi nhất định không nghe và thi hành tất cả. Cha cho rằng nếu người ta làm những nghi lễ đó một cách khiêm tốn và kín đáo thì đâu có gì ngờ vực được. Và theo đường lối độc đoán của cha, cha kết án : “Theo kinh nghiệm của tôi, những lý đo đưa ra để bỏ những nghi thức đó đều là viễn vông và không có bằng chứng.”

Tuy bất đồng ý kiến về những vấn đề trên đây, cha Chevreul cũng trở về Hội An với cha Marquez, nhưng lần này cha không ở chung với hai cha dòng Tên này nữa.Cha thuê riêng một căn nhà, ở với người thông ngôn người Nhật. Một ít ngày sau cha sang bên nhà hai cha dòng Tên Marquez và Baudet, đưa cho các ngài coi giấy của Đức Cha Lambertô de la Motte uỷ quyền cho cha làm cha chính Đàng Trong. Cha Chevreul hỏi hai cha có chịu công nhận giấy uỷ quyền đó không và bằng lòng tuân phục quyền Đức Giám mục hiệu thành Bêryta mà Đức Giáo Hoàng đã ban cho đối với địa phận Đàng Trong không ? Đối với câu hỏi cứng cỏi của cha Chevreul, cha Marquez trả lời một cách thoái thác là : việc ấy tuỳ thuộc quốc vương Bồ Đào Nha và ngài không có phép làm gì mà không được phép của Bề Trên ở Áo Môn. Chúng ta không quên rằng các thừa sai dòng Tên dầu sao vẫn còn thuộc quyền bảo trợ của quốc vương Bồ Đào Nha, và trong vấn đề quan trọng này, các cha cần phải hỏi ý kiến các Bề Trên ở Áo Môn, cái đó cũng là điều phải.

Nhưng sau hai ngày suy nghĩ, cha Marquez đến tận nhà cha Chevreul để chứng minh ngài sẵn sàng công nhận quyền của Đức Cha Lambertô de la Motte, ngài đã trao cho cha Chevreul bức thư uỷ quyền làm cha chính đại diện ở Đàng Trong mà cha Phaolô de Acosta quản trị địa phận Malacca đã ban cho cha Bề Trên các thừa sai ở đây. Còn cha Fuciti ở Huế cũng viết thư tỏ sự phục tùng.

Tuy vậy cha chính của Đức Cha Lambertô de la Motte chưa lấy làm đủ, còn đòi các cha phải tuyên bố công khai ở nhà thờ ở cửa Hội An. Cha Marquez ưng chịu, đến ngày định cha Marquez công khai tuyên bố như cha Chevreul muốn. Nhưng ngài cho rằng cha Marquez đã dùng những lời lẽ mập mờ, không được rõ ràng. Vì thế chính cha Chevreul đã đứng lên ở giữa nhà thờ, dùng tiếng Bồ Đào Nha để tuyên bố mình là cha chính của Đức Cha Lambertô de la Motte ở Đàng Trong và bảo người thông ngôn người Nhật dịch ra tiếng Việt Nam cho mọi người hiểu.

Đi xa hơn nữa cha Chevreul còn bắt cha Marquez ký nhận một giấy nhận quyền do ngài viết. Nhưng cha dòng Tên từ chối vì sợ Bề Trên quở trách. Tình trạng chia rẽ vì thế vẫn tiếp tục giữa cha thừa sai Pháp và cha dòng Tên.

Tình trạng này không kéo dài lâu, vì lúc ấy Chúa Nguyễn Hiền Vương lại ra lệnh cấm đạo. Tất cả 4 cha Marquez, Baudet, Fuciti và Chevreul đều bị bắt giam chung tại nhà các thừa sai dòng Tên ở cửa Hội An. Bách hại đã đưa các cha về đoàn kết với nhau.

 

2. Cha Luigi Chevreul với các thầy giảng. Cuộc bách hại : các thừa sai bị trục xuất

Việc bắt các thừa sai dòng Tên thuộc quyền bảo trợ Quốc vương Bồ Đào Nha, công nhận quyền Giám mục người Pháp, đại diện Toà Thánh ở địa phận Đàng Trong, cha chính Chevreul đã không thành công như ước muốn, thì việc nhận quyền của các thầy giảng, cha cũng không thực hiện được. Cha không thu được kết quả như cha chính Phanxicô Deydier sau này ở địa phận Đàng Ngoài đối với các thầy giảng, có lẽ vì thời gian quá vắn vỏi và một phần lớn phải trú ngụ ở cửa Hội An. Cha chỉ gặp một số ít thầy giảng và không có cơ hội để họp các thầy, thông báo cho các thầy biết mà nhận quyền cha chính của cha. Theo cha Chevreul nhận định thì phần lớn các thầy giảng sống khô khan nguội lạnh, vì đã hai mươi năm nay người ta không săn sóc đến họ. Nhận định của cha Chevreul không làm chúng ta bỡ ngỡ, vì từ khi cha Đắc Lộ ra đi vào năm 1645, cuộc bách hại của các Chúa Nguyễn Đàng Trong tiếp tục kéo dài. Số các thừa sai dòng Tên thường không quá hai hoặc ba, và theo lệnh Chúa Nguyễn, các cha ít khi được ra khỏi cửa Hội An. Muốn gặp giáo dân, thường các cha phải gặp lúc đem hôm và không dám tổ chức những buổi họp công khai. Các thầy giảng ở rải rác các họ đạo xa xôi cũng ít khi về được để gặp các cha và sự liên lạc tin tức cũng khó khăn. Do đó các cha cũng không thực hiện được một tổ chức thầy giảng vững mạnh như các thừa sai sau cha Đắc Lộ ở Đàng Ngoài.

Tuy thế cha Chevreul cũng không quên sứ mệnh mà Toà Thánh đã trao cho các giám mục đại diện và các thừa sai của các ngài là lo thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc. Ở cửa Hàn, cha đã tụ tập được một vài thầy giảng trẻ tuổi và dạy họ học La ngữ. Nhưng không được lâu, vì cuộc bách hại bó buộc cha đến sống chung với cha các thừa sai dòng Tên.

Cuộc bách hại đã nổi lên, theo cha Chevreul là do Chúa Nguyễn Hiền Vương hiểu nhầm, cho đạo Công Giáo là đạo theo vua Bồ Đào Nha, và các quan cũng cho rằng ảnh Thánh Giá mà người có đạo thờ kính là ảnh vua Bồ Đào Nha. Cha viết : Hiền Vương tin theo những bản tâu trình mà các quan dâng lên cho nhà Chúa, là các cha dòng sẽ lợi dụng danh nghĩa đạo thánh chúng ta mà người Bồ Đào Nha vẫn nói là đạo riêng của họ, để xúi giục nhân dân dấy lên chống nhà Chúa và đặt vua Bồ Đào Nha cai trị xứ này, một khi mà con số người dân Công Giáo đông hơn số người ngoại. Điều làm tôi cho rằng chủ trương này đúng thực, đó là các quan trấn tra hỏi các thầy giảng bị bắt ở CaCham (cửa Hàn, Tourane). Thấy các thầy mặc áo lụa đẹp đẽ mà các giáo dân giàu có đã biếu cho các thầy, một cử chỉ làm phúc để cầu cho thân nhân quá cố của họ, các quan đã hỏi các thầy : Nhà vua Bồ Đào Nha đã phát lương cho các thầy bao nhiêu và có phải nhà vua đã ban cho các thầy áo lụa đẹp đẽ ấy không ?

Cho ảnh Thánh Giá là ảnh của nhà vua Bồ Đào Nha, vì thế các quan đã để ảnh giữa con đường cái ở cửa Hội An. Các quan cho lính thổi tù và gọi tất cả dân chúng cư ngụ ở cửa Hội An, cả những người ngoại kiều cũng phải đến, rồi bắt họ phải đạp ảnh. Ai không đạp ảnh là dấu chứng tỏ theo đạo Công Giáo và bị hình phạt như đã ra cho những người theo đạo.

Những người giáo dân Nhật là những người chủ trụ cột của xứ đạo cửa Hội An lại là những người hèn yếu hơn cả. Vì sợ bị tịch thu của cải, vì họ là những thương gia giàu có, hầu hết đã chối đạo. Trong số các giáo dân Đàng Trong cũng có một số khá đông người hèn yếu. Đáng buồn hơn cả là trường hợp bà Maria vị đại ân nhân của các thừa sai và có nhiều công nghiệp trong địa phận Đàng Trong. Năm 1663, bà đã bị tịch thu một phần gia sản, họ đã phá đổ căn nhà của bà ở và ngôi nhà nguyện bà dựng lên trong khu nhà ở của bà. Lần này theo lệnh nhà Chúa, bà bị kết án cấm cốc, bà bị giám trong một cái chòi, có lính canh cẩn mật, không cho một ai tiếp tế lương thực hay nước uống, để cho chết đói chết khát. Nhưng sau năm ngày không chịu được cơn khát dày vò, bà xin đưa đến gặp quan trấn cửa Hàn và bỏ đạo. Ở cửa Hội An có một trăm hai mươi người giàu có cũng theo bào bỏ đạo. Còn ở tỉnh Quảng Nghĩa, các cha dòng ước lượng có khoảng 4.000 người đã được rửa tội, nhưng vì chưa được học đạo kỹ càng, chưa có đức tin vững mạnh, nên hầu hết đã chối đạo.

Nhưng số người can đảm xưng đạo không phải là ít. Trong đó cũng có một số chịu chết vì đạo nữa. Gồm đủ hạng người, có những người thuộc giới quan liêu, có những cụ già và cũng có những trẻ em. Trên đường phố ở cửa Hội An và Cửa Hàn, người ta thấy nhiều người đàn ông, đàn bà có đeo gông vì đã xưng đạo, phải đi ăn xin để có cơm ăn. Nhiều người sợ không đủ can đảm chịu các cực hình, đã trốn vào trong vùng rừng núi. Họ liều với hùm beo thú dữ, họ sống qua ngày với những củ khoai, củ sắn, với đe doạ của bệnh sốt rét hay những bệnh chướng khí của miền rừng.

Trong những gương cản đảm chịu chết vì đạo, người ta đã kể đến trước hết gương bà Anna, một người rất nhiệt thành truyền bá Đức Tin. Các đao phủ thủ đã bắt bà chịu nhiều cực hình ghê sợ, như nhét dẻ thấm dầu vào các lỗ tai, lỗ mũi, và mắt và đốt, nhưng bà đã can đảm chịu, nhất định không chối Chúa. Ở Quảng Nghĩa tuy có nhiều người hèn yếu chối đạo, nhưng cũng có một số anh hùng xưng đạo. Người ta đã dẫn đến quan phủ ở cửa Hàn 4 vị anh hùng nhất định thà chết không chịu chối đạo. Có một quan ghét đạo hỏi một vị : “Chúng bay là người nước Nam, sao chúng bay bỏ đạo xứ mình mà theo đạo Hoa Lang ?” Ông Tôma Tín thay mặt các vị thưa rằng : “Tâu ông lớn, anh em chúng tôi theo đạo Hoa Lang, chẳng phải là đạo nước nọ dân kia đâu, một theo là vì luật chân thật của Chúa Trời đất đã dạy mọi người mọi nước phải giữ. Như mặt trời soi cho nước ta, nhưng chẳng phải mặt trời riêng của nước ta, vì cũng soi các nước thiên hạ nữa. Cũng một lẽ ấy đạo Hoa Lang là đạo chung của các dân các nước, ông lớn đã rõ điều ấy, vì các thầy dạy đạo thuộc nhiều nước khác nhau.” Nghe câu trả lời lý sự đó, quan lớn liền truyền lột áo ông Tôma Tín đánh đòn. Trong lúc đó bà goá Maria và thiếu nữ Lucia bước vào công đường. Lucia lúc ấy mới 12 tuổi can đảm thưa các quan : “Cha tôi là ông Phêrô Kỳ đã phải giết vì đạo, lúc đó tôi ước ao được phúc tử vì đạo, nhưng các quan không giết vì tôi còn ít tuổi, bây giờ tôi và bà này xin cho voi xé chúng tôi để chúng tôi được hưởng phúc trên trời.” Các quan kết án hai vị bị voi xé, còn bốn vị kia bị trảm quyết.

Ở Dành Cát, các quan vào nhà giáo dân phá đổ đền thờ và giải về Huế 7 người xưng đạo can đảm hơn cả. Bảy vị bị án trảm quyết. Đáng khâm phục hơn cả là bốn em nhỏ, theo gương các vị anh hùng xưng đạo, đã tự đi nộp mình cho quan án, xưng mình là người có đạo, đó là 3 thiếu niên : Caio, Raphaele, Têphanô và 1 thiếu nữa là Gioanna. Người ta đã mua cho các em áo lụa quí báu để các em mặc ra pháp trường. Các em bị kết an cho voi giày. Caio đã bị đưa cho voi giày đầu tiên, tất cả chân tay mình mẩy bị voi giầy nát. Người ta đưa lại cho 3 em Raphaele, Têphanô và Gioanna coi, hy vọng làm các em khiếp sợ mà chối đạo. Nhưng các em tỏ vẻ bình tĩnh, can đảm làm mọi người bỡ ngỡ. Quan án gọi Gioanna ra pháp trường, cô vừa đi vừa phe phẩy chiếc quạt cầm ở tay trái, còn tay phải giơ lên làm dấu thánh giá. Một con voi đâm ra dùng ngà đâm thủng ngực cô. Còn lại hai em Raphaele và Têphanô cùng cam đảm tiến ra pháp trường, chịu voi giầy để xưng đạo Chúa, con số những người chết để xưng đạo, nguyên trong năm 1665, cha Chevreul tính được 43 vị.

Đối với giáo dân thì Chúa Nguyễn ra lệnh bách hại rất gắt gao. Còn đối với các thừa sai ngoại quốc thì nhà Chúa lại kiêng nể, vì còn muốn giữ tình giao hảo với người Bồ Đào Nha để mua súng ống chống lại quân Trịnh ngoài Bắc. Ngày 03-02-1665, ba cha thừa sai dòng Tên, Marquez, Baudet và Fuciti bị Hiền Vương trục xuất và đưa về Xiêm. Lợi dụng 5 ngày thuyền đậu ở Phan Rí, các cha đã thăm họ đạo ở đây chừng 400 người và rửa tội thêm được 22 người nữa. Cha Chevreul là người đến sau không có tên trong sổ các thừa sai của Chúa Hiền Vương nên không bị trục xuất cùng ba cha. Hơn nữa các quan cũng biết cha không phải là người Bồ Đào Nha, nên cho rằng để cha ở lại cũng được. Sau khi ba cha đi rồi, cha Chevreul được tự do hơn, đồng thời cơn bách hại cũng dịu xuống. Cha lợi dụng thời gian để những người chối đạo ăn năn hối lỗi. Bà Maria hết sức buồn bã vì đã hèn yếu chối Chúa. Bà đã được cha thâu nhận vào giáo đoàn. Các thương gia người Nhật cũng được chỉ định việc đền tội.

Nhưng rồi cũng đến cha Chevreul bị trục xuất. Ngày 07-03-1665, cha trở về Xiêm mang theo một báu vật, đó là đầu thiếu nữ Lucia tử đạo tại Cửa Hàn. Sau hai mươi tám ngày, cha tới kinh đô Yuthia, sung sướng trao báu vật ấy cho Đức Cha Lambertô de la Motte và trình vày với ngài những vui buồn xảy ra trong tám tháng cha ở địa phận Đàng Trong xứ Nam, từ 26-07-1665 đến 07-03-1665. Nào là những khó khăn cha gặp nơi các cha thừa sai dòng Tên, không chịu nhận quyền Giám mục, đại diện Toà Thánh. Rồi tình trạng giáo dân không được giáo huấn đầy đủ về giáo lý, tình trạng khó khăn nguội lạnh của các thầy giảng, nhưng cũng không ít người can đảm xưng đạo với một số người chịu chết vì đạo.

 

II. CHA CHÍNH ANTÔN HAINQUES, ĐẠI DIỆN THỨ HAI CỦA ĐỨC CHA LAMBERTÔ DE LA MOTTE Ở ĐỊA PHẬN ĐÀNG TRỌNG (1665-1670)

Không muốn giáo dân địa phận Đàng Trong sống cô đơn không có linh mục, sau ba bốn tháng nghỉ ngơi lấy sức ở Thái Lan, chờ dịp để trở lại khu truyền giáo mà Đức Cha Lambertô de la Motte đã trao phó cho, ngày 04-08-1665 nhân có chuyến thuyền, cha Chevreul liền từ giã Xiêm lên đường trở lại xứ Nam, lần này cha có thêm một bạn thừa sai nữa là cha Antôn Hainques.

Cha Antôn Hainques lúc đó mới 28 tuổi. Là một sinh viên nổi tiếng của đại học Sorbonne ở Paris, theo cha Bénigne Vahcet năm 22 tuổi. Cha Antôn Hainques đã là giáo sư giảng thuyết nổi tiếng của trường Plessis. Vào dịp năm mới, đại học đã cử ngài đọc bài chúc mừng nhà vua. Vừa thông thái lại thêm đạo đức người ta hy vọng ngài sẽ làm rạng danh đại học mà cả thế giới đều biết tiếng tăm. Nhưng Antôn Hainques đã nghe tiếng gọi đi truyền giáo. Nghe tin Đức Cha Inhaxiô Cetolendi sắp sửa lên đường đến khu truyền giáo ở Trung Hoa, ngài xin Đức Cha nhận cho làm thừa sai. Đức Cha đã truyền chức linh mục cho ngài ở Mareille. Theo đó cha Antôn Hainques cùng cha Luigi Chevreul xuống tàu theo Đức Cha đến khu truyền giáo.

Đức Cha Lambertô de la Motte đã làm giấy uỷ quyền cho cả hai cha làm cha chính địa phận đại diện ngài trông coi địa phận Đàng Trong. Trước khi lên đường cha Luigi Chevreul không quên qua trại của các cha dòng Tên Bồ Đào Nha để từ biệt các cha thừa sai. Ở đấy cha gặp cha Mamêlê Rodriguez, Bề Trên tỉnh dòng Nhật Bản qua kinh lý. Cha tuyên bố là Đức Cha Lambertô de la Motte không có quyền sai các linh mục của ngài đến địa phận Đàng Trong, vì công cuộc truyền giáo xứ này thuộc quyền Quốc vương Bồ Đào Nha. Hai cha Luigi Chevreul và Antôn Hainques vẫn ra đi mà không bị ai cản trở làm khó dễ.

 

1. Hoạt động của cha Antôn Hainques, hai linh mục tiên khởi địa phận Đàng Trong

Vào tháng 10, hai cha vào Phan Rí. Từ Phan Rí không một thuyền buôn nào của người Việt dám nhận chờ các cha vào khu vực Chúa Nguyễn. Cuộc bách hại của Hiền Vương đối với những thừa sai Bồ Đào Nha và với những giáo dân theo đạo của người Bồ Đào Nha làm họ khiếp sợ. Đang lúc kiếm thuyền thì cha Luigi Chevreul bị lên cơn sốt nặng. Cha Antôn Hainques muốn ở lại chờ cha mạnh để cùng lên đường với nhau, nhưng cha Chevreul thúc dục cha Hainques lên đường ngay. Bị cơn sốt giày vò, mất sức nhiều quá, cha Luigi không đủ sức theo đường bộ với cha Antôn được. Sau đó cha Luigi ở lại Cao Miên vì Đức Cha Lambertô de la Motte cũng đã trao cho ngài nhiệm vụ ở đó.

Bước vào khu vực Chúa Nguyễn, theo đường bộ cha Hainques phải ăn mặc giả làm lái buôn người Nhật. Không có ai gánh đồ, cha phải vác trên vai. Đồ đạc của cha tất cả là đồ thờ, áo lễ và bánh rượu để dâng lễ ; suốt dọc con đường, từ ranh giới xứ Nam Chúa Nguyễn đến kinh độ Thuận Hoá, cha Hainques dừng lại thăm các họ đạo. Tất cả đều sung sướng đón nhận vị thừa sai, vì đã từ lâu lắm không ai đến thăm họ, cho họ được lãnh nhận các Bí Tích. Một họ đạo ở Raurau (thuộc tỉnh Phú Yên) miền ranh giới, cha phải ở lại 10 đêm, 10 ngày để giải tội và làm các phép Bí Tích cho giáo dân. Trong suốt bốn tháng trên đường đi thăm các họ đạo, cha đã dạy đạo và rửa tội được 41 người.

Tới Huế, cha Antôn Hainques đến trọ ở nhà ông thợ đúc Juan de Cruz. Chính ông này năm trước đã ngược đãi cha Luigi Chevreul, yêu cầu một vị đại thần trong phủ Chúa Nguyễn trục xuất vị thừa sai Pháp, nhưng ông này không nghe. Tuy vậy cha Antôn Hainques lần này vẫn đến trọ nhà ông, vì mới rồi ông đã được Đức Cha Lambertô de le Motte giúp ông một câu chuyện, và để trả ơn, ông đã viết thư sẵn sàng đón tiếp các thừa sai Pháp. Cha Hainques đến làm ông bỡ ngỡ. Để yên trí đón tiếp cha, ông tâu với nhà Chúa là ông có một người anh vợ đến thăm trong dịp qua xứ Nam buôn bán. Cha Hainques có một chiếc đồng hồ liền lấy đem dâng cho Hiền Vương làm như quà biếu của người anh vợ của ông. Nhưng cha Hainques không ở lại lâu, sau 16 ngày, cha trở lại cửa Hội An, cha lấy cớ là để kiếm một chiếc thuyền buôn và mua gạo, để có thể thăm các họ đạo.

Sau khi thăm các họ đạo, cha chính Antôn  Hainques cũng không quên nhiệm vụ chính yếu của ngài nữa. Đó là việc thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc mà Đức Cha Lambertô de la Motte đã không quên nhắc cho ngài trước khi đi.

Trong chuyến đi thăm các họ đạo, cha đã gặp hầu hết các thầy giảng ở địa phận Đàng Trong, vì thế khi trở lại cửa Hội An, cha đã dễ dàng tổ chức cuộc hội họp các thầy giảng. Công việc đầu tiên của cha là làm cho các thầy công nhận quyền cha chính đại diện mà Đức Cha Lambertô de la Motte đã ban cho ngài trong xứ. Cha đã thành công dễ dàng vì cha có tài ăn nói và mềm dẻo hơn cha Luigi Chevreul.

Sau đó cha tuyển chọn trong số các thầy giảng, những người xứng đáng để đưa lên bàn Thánh. Trên đây chúng ta đã thấy cha Luigi Chevreul nhận đinh là phần lớn các thầy sống khô khan nguội lạnh. Nhưng không phải vì thế mà nói rằng không có những thầy giảng có khả năng và đạo đức. Cha Antôn Hainques đã chọn được hai thầy, đó là thầy Giuse Tràng và Luca Bền. Cha lo huấn luyện và dạy La ngữ cho các thầy để dọn mình làm linh mục đang khi có dịp để gửi qua Xiêm. Năm 1667, trong một chuyến thuyền về Xiêm, cha Antôn Hainques đã gửi được một thầy đến trường chung Yuthia đã dọn mình thụ phong linh mục. Trong thư gửi cho Đức Cha Phanxicô Pallu, Đức Cha Lambertô de la Motte đã báo tin : cha Hainques đã gửi đến tôi thầy giảng đầu tiên từ Đàng Trong, đó là thầy Giuse 28 tuổi để dọn mình làm linh mục, thầy có đủ dấu hiệu một người được Chúa chọn…

Nói đến thầy Giuse Tràng, bản nhật ký của khu truyền giáo Xiêm đã chú thích : thầy đã hân hạnh được chịu khổ hình phạt trượng ở trong tù xứ Đàng Trong, vì người ta đã bắt được thầy giúp đỡ các giáo dân can đảm xưng đạo đang bị giam trong tù. Những giáo dân này đã bị kết án tử hình chỉ vì người ta thù ghét họ là những người tuyên xưng đạo Công Giáo.

Ngày 31-03-1668, vọng Lễ Phục Sinh, thầy Giuse Tràng được thụ phong linh mục. Đó là vị linh mục Việt Nam tiên khởi của địa phận Đàng Trong, và cũng là vị linh mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam, vì cha Gioan Huệ, linh mục tiên khởi của địa phận Đàng Ngoài, thụ phong vào đầu tháng sáu, cũng năm đó sau ba tháng. Cùng chịu chức với cha Giuse Tràng co cha Phanxicô Pérez, sau được chỉ đinh làm Giám mục đại diện Toà Thánh ở Đàng Trong (1690-1728).

Ngày 31-03-1668 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của Giáo Hội Việt Nam, của tổ chức thầy giảng và sự thành lập hàng Giáo sĩ Việt Nam, mà ngày nay ta có thể tự hào có một số giáo sĩ đông hơn các nước truyền giáo ở Á-Phi.

Thầy Luca Bền được gửi đến trường chung ở Yuthia, sau thầy Giuse Tràng và cùng được chịu chức trong năm đó. Sau khi được thụ phong hai cha còn ở lại trường chung ít lâu để học hỏi thêm. Vào giữa năm 1669, hai cha trở về địa phận Đàng Trong. Cùng đi với hai cha, Đức Cha Lambertô de la Motte cũng sai thêm cha Brindeau. Năm 1666, cha Brindeau đã được Đức Cha Lambertô de la Motte sai đến Áo Môn để điều đình cho Đức Cha đi qua Áo Môn để vào đất Tàu, nhưng cha bị bắt và đưa về Goa. Cha đã bị giam gần hai năm ở Goa rồi mới được trở về Xiêm.

Về tới địa phận, hai cha Giuse Tràng và Luca Bền liền bắt tay vào công việc truyền giáo cho người đồng hương. Hai cha giải tội đêm ngày, người ta tranh nhau đến xưng tội với các ngài đông đến nỗi phải ngăn lại để các cha được nghỉ ngơi chút ít. Cha Bénigne Vachet đã khen cha Giuse Tràng : người thợ vườn nho thực xứng danh đó, với hân hạnh là linh mục tiên khởi của xứ Nam, chắc chắn đã lãnh nhận những ơn đặc biệt của chức linh mục, cha hăng hái nhiệt thành, khôn ngoan hiếm có và làm việc không thể tưởng được.

Cha Antôn Hainques không thể không hài lòng khi thấy giáo dân tuôn đến với linh mục của họ. Các ngài biết tiếng nói của họ, họ có thể trình bày tình trạng tâm hồn của họ một cách dễ dàng, các ngài cũng biết tâm tình của họ, phong tục của họ, các vấn đề sẽ được giải quyết theo đúng hoàn cảnh của nó. Cha cũng hài lòng về sự chọn lựa của mình, khi thấy hai cha làm việc rất hy sinh, tận tuỵ. Công việc đi thăm các họ đạo xa xôi, các thừa sai có thể yên trí trao cho các ngài. Dù có gặp bách hại, sự lẩn tránh và đi lại vẫn dễ dàng hơn các thừa sai ngoại quốc. Cha Antôn Hainques có thể tự hào là một trong những người có công đầu trong việc thành lập hàng Giáo sĩ Việt Nam và tự yên ủi vì thấy những kết quả công lao của mình.

 


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương