LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA


Ở kinh đô Thái Lan, Đức Cha Phanxicô Pallu, sau cuộc công cán ở Rôma



tải về 1.47 Mb.
trang15/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   21

3. Ở kinh đô Thái Lan, Đức Cha Phanxicô Pallu, sau cuộc công cán ở Rôma

Sang năm 1673, ngày 27-05, Đức Cha Lambertô de la Motte và các thừa sai Pháp ở Thái Lan được sung sướng đón tiếp Đức Cha Phanxicô Pallu đi công cán ở Rôma về, ra đi từ tháng 01-1665, nghĩa là 8 năm xa cách. Đức Cha Pallu nghe trình bày tình hình các địa sở truyền giáo, sự ngoan cố của các cha dòng Tên trong việc công nhận quyền bính của các Giám mục đại diện, tình trạng chia rẽ tai hại trong hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ngài hoàn toàn đồng ý với Đức Cha Lambertô de la Motte là cần đòi hỏi ở Toà Thánh một thái độ cứng rắn để giải quyết vấn đề.

Ngài không đồng ý với các vị quản lý ở trụ sở các thừa sai ngoại quốc Ba Lê là các ngài phải đối xử hết sức hoà hoãn với các cha dòng. Các vị đó đã kết án gắt gao hành động cứng rắn của Đức Cha Lambertô de la Motte, chẳng hạn bức thư chung của Đức Cha kết án việc buôn bán của các cha dòng năm 1667 ở kinh đô Thái Lan. Nhưng lúc này trở lại địa sở truyền giáo, Đức Cha Phanxicô Pallu đã được thấy rõ tình trạng đau buồn do thái độ ngoan cố của các cha dòng gây ra. Ngài ân hận đã chịu áp lực các vị quản lý, những người ở xa không rõ tình thế. Ngài đã chiều ý các vị ấy mà kết án Đức Cha Lambertô de la Motte và hứa sẽ lôi cuốn Đức Cha theo con đường hoà hoãn trong bản giao kết ngày 02-02-1670.

Đức Cha Phanxicô Pallu vội viết thư về cho các Bề Trên chủng việc truyền giáo Ba Lê, đồng thời cũng là quản lý của các Đức Cha, để các vị biết rõ tình trạng thực ở những địa sở truyền giáo. Ngài cũng khiển trách các vị đã ngăn cản hành động của các Giám mục và như thế là đi quá giới hạn nhiệm vụ quản lý đã trao phó cho các vị. Đức Cha Pallu tuyên bố huỷ bỏ bản giao kết ngày 02-02-1670 và từ nay các Giám mục dành quyền tự do hành động. Hơn ai hết các ngài là những người sống trong hoàn cảnh, hiểu rõ thực trạng, nên cũng biết phải hành động thế nào, cho có hiệu quả. Đức Cha cũng ra lệnh cho cha Carôlô Sévin xúc tiến công việc và qua Rôma trình bày cho Toà Thánh biết thái độ của các cha dòng đối với sắc lệnh “Những người thám hiểm” để Toà Thánh quyết định theo những đề nghị của các Giám mục.

Trở lại Thái Lan, Đức Cha Phanxicô Pallu cũng mang theo “Hai bức thư gởi cho vương quốc Xiêm, một bức thư của Đức Thánh Cha Clêmentê IX và một bức thư của vị hoàng đế rất sùng đạo (Louis XIV), cả hai đều kèm theo lễ vật để cảm ơn hoàng đế Xiêm, đã bảo trợ đặc biệt các Giám mục Pháp và đã cho các ngài được hoàn toàn tự do thi hành chức vụ trong kinh đô của nhà vua.” Được tin đó, Pharamai đã thông báo cho Đức Cha Lambertô de la Motte là nhà vua sẽ tiếp hai Đức Cha trong một buổi triều yết đặc biệt. Nhưng hai Đức Cha không muốn tuân giữ những nghi lễ tiếp kiến như những sứ giả các nước Á Đông, sợ làm mang tiếng cho Toà Thánh và nước Pháp mà hai Đức Cha làm sứ giả, nên phải chờ khá lâu cho bộ nghi lễ định lại các nghi lễ cho thích hợp. Ngày 18-10-1673, hai Đức Cha mới được vào yết kiến Pharamai.

Sau đó ít ngày, hai Đức Cha lại được tin nhà vua muốn sai một sứ giả qua Âu  Châu để đáp lễ Đức Thánh Cha và nhà vua Pháp. Vì thế hai Đức Cha còn tiếp tục được yết kiến Pharamai nhiều lần nữa. Nhà vua Xiêm tỏ ra rất hài lòng với những lễ vật của nhà vua Pháp và hỏi các Đức Cha vì mục đích gì và lý do nào các Đức Cha lại được nhà vua Pháp săn sóc ân cần như thế. Khi biết rằng chỉ vì lòng sùng đạo, muốn cho nhiều dân biết đạo Chúa Trời, Pharamai càng tỏ ra thán phục hơn nữa. Những cuộc đi sứ của các sứ giả Thái Lan qua Âu Châu phải chờ đợi nhiều năm mới được thực hiện. Dù sao hai Đức Cha rất hài lòng, vì từ nay các ngài sẽ được Pharamai ủng hộ và bảo vệ nhiều hơn, công cuộc truyền giáo cũng bảo đảm chắc chắn hơn.

Sự kiện đầu tiên bảo chứng sự ủng hộ săn sóc của Pharamai là việc nhà vua cho thêm đất để làm một thánh đường và một trụ sở rộng rãi hơn. Một hôm, trong một buổi lễ, nhà vua ngự thuyền rồng trên sông Ménam, lúc trở về hoàng cung,  nhà vua truyền lệnh đưa đến khu vực của các Giám mục Pháp. Nhìn cơ sở của các ngài, nhà vua muốn cho thêm một khu đất rộng hơn nữa để các Giám mục xây cất thánh đường nguy nga và cất mộ trụ sở rộng rãi hơn.

Thánh đường nguy nga này, các Đức Cha định xây cất cho Đức Cha Luigi Laneau, mà các ngài đã đồng ý chọn vào cuối tháng 09-1673 thay thế Đức Cha Cotolendi đã qua đời trên đường vào địa sở truyền giáo. Theo đoản sắc “Như ta đã nhận được” của Đức Thánh Cha Clêmentê IX (04-06-1669) thì vị Giám mục Nam Kinh, cũng được quyền coi sóc các khu vực truyền giáo Thái Lan. Đức Cha Pallu lúc đầu muốn đặt cha Luigi Chevreuil. Nhưng sau ngài cũng đồng ý với Đức Cha Lambertô de la Motte và tất cả các thừa sai Pháp ở Xiêm, chọn cha Luigi Laneau, vì đức tính khiêm nhượng, nhẫn nại và hăng hái hoạt động của ngài. Lễ thụ phong Giám mục được cử hành ngày lễ Phục Sinh năm 1674.

Tiếp theo hai Đức Cha nghĩ đến việc viết thư về Pháp kêu gọi những tu sĩ có ý hướng truyền giáo đến cộng tác với các ngài. Các Đức Cha đã nghĩ đến hội các cha Xuân Bích, là hội dòng chuyên lo huấn luyện các đại chủng sinh để các ngài tìm kiếm trong những đại chủng viện các ngài coi sóc, những chủng sinh có chí hướng truyền giáo. Các Đức Cha hy vọng có thềm thừa sai thay thế những vị đã khuất và nhất là để giải quyết phần nào sự khan hiếm thừa sai trong các khu vực truyền giáo. Một bức thư luân lưu gởi tất cả các Giáo sĩ ở Pháp, để mời gọi các vị đến hoạt động tại những khu vực truyền giáo, đã được hai Đức Cha gởi đến cho Bề Trên các cha hội Xuân Bích, cha de Bretonvilliers, để xin các ngài ủng hộ.

Hai Đức Cha cũng nghĩ đến việc kêu gọi sự công tác của các cha người Tây Ban Nha dòng thánh Đa Minh và dòng thánh Phanxicô. Có lẽ hai Đức Cha nghĩ rằng, vấn đề va chạm quyền bính không lo xảy ra : các địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài không thuộc khu vực mà Quốc vương Tây Ban Nha có thể nhận là thuộc quyền bảo trợ của mình. Hơn nữa các cha dòng đây là những người được mời đến cộng tác với các thừa sai Pháp. Có lẽ hai Đức Cha cũng hy vọng sự có mặt của các cha dòng Tây Ban Nha, với sự vâng phục quyền Giám mục địa phận của các ngài sẽ đánh tan những lý lẽ của phe đối nghịch theo các cha dòng Tên Bồ Đào Nha ngoan cố không chịu nhận quyền. Hai Đức Cha đã sai cha Gabien Bouchard đến Manila để lo liệu vấn đề này. Cha Bouchard bị nhà cầm quyền Tây Ban Nha nghi ngờ đến do thám. Nhưng cha được các cha dòng đón tiếp thịnh tình. Các cha Đaminh hứa sẽ gởi thừa sai mau chóng. Các cha Phanxicô thì sai cha Luigi tước Mẹ Thiên Chúa theo cha Gabien Bouchard về Thái Lan. Hai Đức Cha đặt cha làm giáo sư giúp cha Langlois dạy Trường Chung ở Thái Lan.

Đồng thời các cha cũng nghĩ đến việc tổ chức Trường Chung cho hoàn bị, để huấn luyện các linh mục bản quốc. Các ngài đã thảo một bản quyết nghị về việc quản trị Trường Chung ở Xiêm. Sau đó hai Đức Cha Phanxicô Pallu và Lambertô de la Motte nghĩ đến việc đi kinh lược địa phận của ngài ở Đàng Ngoài, trên một chiếc tàu của các ngài.

Sau hơn một năm ở Thái Lan, ngày 20-08-1674, Đức Cha Phanxicô Pallu lên đường đến địa phận của ngài ở Đàng Ngoài, trên một chiếc tàu Pháp, do thuyền trưởng Du Mautmesnil điều khiển. Tuy bấy giờ cha dòng Tên Philippô Marini sau khi bị Chúa Trịnh trục xuất khỏi xứ Bắc đã tới Xiêm năm 1673, cha đã đưa tin cho một giáo dân ở Đàng Ngoài, đồng thời cũng tung tin này ở Thái Lan, là phó vương ở Goa đã phái hai cha Bề Trên Đaminh và Phanxicô ở Goa về Lisbonne để nhận giấy uỷ quyền làm cha chính địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài do chính Toà Thánh Rôma ban. Đồng thời vị hoàng tử nhiếp chính ở Bồ Đào Nha đã can thiếp với Toà Thánh yêu cầu gọi các Giám mục Pháp về. Nhưng Đức Cha Phanxicô Pallu không lo ngại về tin đó. Ngài hy vọng có thể vào kinh lược Đàng Ngoài, theo lối của Đức Cha Lambertô de la Motte trước đây, với tính cách là tuyên uý cho các thuỷ thủ trên tàu buôn. Nhưng không may tàu gặp bão phải trú vào Manila. Đức Cha Phanxicô  Pallu bị nhà cầm quyền Tây Ban Nha giữ và đưa về Madrid, kinh đô Tây Ban Nha.

Còn Đức Cha Lambertô de la Motte phải đợi một năm sau, nghĩa là ngày 23-07-1675, mới có thể lên đường kinh lược địa phận Đàng Trong của ngài lân II. Chỉ vì Pharamai không muốn cho Đức Cha bỏ kinh đô Thái Lan đi nơi khác.

 

II. CUỘC KINH LƯỢC LẦN II Ở ĐỊA PHẬN ĐÀNG TRONG (1675-1676) CỦA ĐỨC CHA LAMBERTÔ DE LA MOTTE

Từ sau cuộc đại chiến với Chúa Trịnh ngoài Bắc năm 1672, Hiền Vương thay đổi thái độ với các thừa sai và với đạo Công Giáo. Tuy chưa ra một sắc lệnh cho tự do truyền đạo, nhưng chúng ta thấy các thừa sai được đi lại thăm các xứ họ dễ dàng. Đôi khi có những cuộc bắt bớ, nhưng chỉ là địa phương do các quan ghét đạo gây ra. Có lẽ vì Hiền Vương nghĩ rằng, từ nay mình được rảnh tay với họ Trịnh, chỉ còn lo tổ chức việc nội bộ và tiếp tục cuộc Nam Tiến, lấy đất của Chiêm Thánh và Chân Lạp, Cao Miên, mở thêm bở cõi. Nhà Chúa không còn lo những cuộc nổi loạn, mà theo các quan ghét đạo, phải nghi ngờ những người Công Giáo có thể làm tay sai cho Quốc vương Bồ Đào Nha xâm chiếm xứ Nam. Nhưng với thời gian và với sự kiện đã gặp thấy trong các cuộc bách hại, nhà Chúa thấy là những nghi ngờ đó không có nền tảng. Không bao giờ người Công Giáo có ý làm loạn. Cũng không bao giờ các thừa sai muốn cho Quốc vương Bồ Đào Nha đến làm chủ ở xứ Nam. Vì thế trong những năm sau này, do sự chia rẽ giữa các thừa sai Pháp và các cha dòng Tên, giáo dân theo phe các cha dòng nhiều lần vu cáo các thừa sai Pháp làm tay sai do thám cho Chúa Trịnh hoặc cho nhà vua Pháp. Hiền Vương đều bỏ ngoài tai, hoặc giao cho các quan điều tra một cách sơ sài, mà không hề nghĩ đến việc cấm cách trước đây.

Hiền Vương cũng đã thấy gương các nhà vua Xiêm, rộng tay đón nhận tất cả các lái buôn Tây Phương đến buôn bán ở xứ mình, cũng như cho các thừa sai của họ được tự do truyền đạo. Nhờ đó nước Xiêm trở nên giàu mạnh và cũng không bao giờ lo quốc gia nào đến xâm chiếm nước mình. Nhà Chúa cũng được biết là trong số những người ngoại quốc được vua Xiêm kính nể hơn cả, đó là Đức Cha Lambertô de la Motte. Nhà vua Xiêm muốn nhờ Đức Cha làm trung gian nối liên lạc ngoại giao cũng như thương mại với nước Pháp.

Năm 1673, Hiền Vương sung sướng được Đức Cha Lambertô de la Motte sai cha Bêninhê Vachet mang lễ vật đến dâng cho nhà Chúa. Hiền Vương được biết thêm rằng, Đức Cha Lambertô de la Motte được Toà Thánh chỉ định làm Giám mục xứ Nam và Đức Cha ngỏ ý muốn đến thăm các xứ họ ở đây. Hiền Vương liền nắm cơ hội này để lôi kéo Đức Cha đến xứ Nam, để cũng như vua Xiêm dùng ngài làm liên lạc đưa tàu buôn người Pháp đến buôn bán. Theo nhà Chúa dò hỏi thì nước Pháp là một nước hùng mạnh, có nhiều súng ống đạn dược. Hiền Vương cho mời Đức Cha đến xứ Nam, và cho ngài một khu đất ở cửa Hội An làm chỗ trú ngụ, đồng thời cũng hứa cho ngài tự do truyền đạo đi lại trong xứ.

 

1. Hiền Vương tha thiết mời Đức Cha Lambertô de la Motte đến xứ Nam

Được biết ý muốn của Hiền Vương, cha chính Guliêmô Mahot vội vàng báo tin cho Đức Cha Lambertô de la Motte. Vào đầu tháng 02-1674, có thuyền của người xứ Nam đến kinh đô Thái Lan và mang thơ của cha chính Mahot cho ngài. Biết rằng lúc này nhà vua Xiêm chưa sẵn sàng cho Đức Cha bỏ nước Xiêm đi nơi khác. Nhà vua muốn tỏ ý nhờ Đức Cha đưa sứ giả của Xiêm qua Âu Châu gặp nhà vua Pháp và Đức Thánh Cha. Lb muốn nhân câu chuyện này, yêu cầu nhà vua Xiêm ra một sắc chỉ, công khai tuyên bố cho tự do truyền đạo cũng như tự do theo đạo. Vì thế khi báo tin cho quan đại thần paulcon của nhà vua Xiêm biết ý muốn của Hiền Vương, nhà Chúa xứ Nam, Đức Cha Lambertô de la Motte cũng nhấn mạnh là mình có bổn phận phải đến xứ Nam, vì là Giám mục được chỉ định trông coi giáo đoàn ở đấy. Nhưng nếu nhà vua Xiêm công khai ra sắc chỉ cho tự do truyền đạo và theo đạo thì Đức Cha có thể ở xứ Nam một thời gian rồi lại trở về Xiêm một thời gian. Nhưng Paulcon ngại không dám tâu lên nhà vua việc ấy.

Vào tháng 04-1674, lại có thuyền buôn ở xứ Nam qua Xiêm, Đức Cha Lambertô de la Motte đến gặp nhà vua Xiêm để yêu cầu việc ấy. Lúc bấy giờ nhà vua đang nghỉ ở ngoài trại hoàng cung. Cùng đi với Đức Cha Luigi Laneau, Đức Cha Lambertô de la Motte trình bày ý muốn cho một đại thần khác trong triều, nhưng ông cũng khuyên hai Đức Cha không nên đòi hỏi điều ấy. Nhà vua tỏ ra có thịnh tình đặc biệt với các Đức Cha, bằng cách cho đất để dựng thánh đường và sẵn sàng chịu các phí tổn xây cất. Còn về việc ra một sắc chỉ công khai cho tự do truyền đạo và theo đạo, thì trên thực tế nhà vua đã để cho các thừa sai tự do truyền đạo, các giáo dân tự do hội họp, không hề có sự cấm cách ngăn cản. Nhà vua không muốn ra một sắc chỉ, có tính cách như một lệnh truyền, có thể làm dân chúng xôn xao bất mãn. Đến việc lên đường đi xứ Nam, thấy Pharamai tỏ ý không bằng lòng, các Đức Cha cũng không dám nhấn mạnh, sợ làm phật lòng nhà vua, có thể có hậu quả không hay. Cuối cùng Đức Cha Lambertô de la Motte sai hai cha Gabien Bouchard và Gioan Courtaulin theo thuyền buôn vào xứ Nam một cách kín đáo theo lối qua biên giới Chiêm Thành, như Đức Cha và các thừa sai vẫn quen đi trước đây.

Vào đầu năm 1675, quan phò mã lại báo cho cha chính Guliêmô Mahot biết ước muốn của Hiền Vương, mời Đức Cha Lambertô de la Motte đến cư ngụ tại xứ Nam và sẵn sàng cho ngài tự do truyền đạo cũng như cho người xứ Nam tự do theo đạo. Quan phò mã muốn rằng, để cho công việc được kết quả, hai cha Mahot và Vachet sẽ thân hành qua kinh độ Thái Lan để mời Đức Cha. Nếu hai cha muốn, có thể dùng thuyền nhà Chúa mà về Thái Lan. Vào tháng 05-1675 thì thuyền của Chúa Hiền Vương đến kinh đô Thái Lan, có hai cha Mahot và Vachet đi theo.

Được tin Đức Cha Lambertô de la Motte đến xin phép Pharamai cho bỏ kinh đô Thái Lan một thời gian, để thăm địa phận của ngài ở xứ Nam. Đức Cha cũng nghĩ rằng, nếu cứ theo ý Phara mai tiếp tục từ chối lời mời thiết tha của nhà Chúa ở xứ Nam, sẽ có thể làm cho nhà Chúa bất mãn, sự đạo có thể bị liên luỵ chăng. Nhưng đồng thời Đức Cha cũng không muốn làm mất lòng nhà vua Xiêm, đang bảo vệ và đối đãi các thừa sai tử tế. Làm thế nào để vừa lòng cả hai bên ? Đức Cha nghĩ ra một lối thoát.

Lần này cũng như lần trước nhà vua Xiêm đưa ra lý do, không muốn cho Đức Cha bỏ nước Xiêm, vì nhà vua muốn nhờ ngài đưa sứ giả qua Âu Châu đáp lễ nhà vua Pháp và Đức Thánh Cha. Đức Cha Lambertô de la Motte liền thưa với vua Xiêm là ngài thật không xứng đáng lãnh nhận sứ mệnh trọng đại ấy. Nhưng được nhà vua đoái thương trao phó cho Đức Cha sẵn sàng, dù có phải hy sinh cả tính mạng cũng lấy làm sung sướng. Nhưng vì lúc này nước Pháp và nước Hoà Lan đang có chiến tranh với nhau, nên không phái sứ giả qua Âu Châu được. Chờ cho chiến tranh kết thúc và hai bên ký hoà ước với nhau, thì cũng phải một năm hay hơn. Nếu nhà vua cho phép Đưc Cha qua kinh lược xứ Nam, thì chỉ trong vòng một năm, Đức Cha đã có thể trở về kinh đô Thái Lan, sẵn sàng để nhà vua sử dụng. Đức Cha cũng nhấn mạnh là việc đi kinh lược xứ Nam là nhiệm vụ của Toà Thánh đã trao cho ngài. Ngài không thể thiếu xót nếu không muốn lỗi phạm tới Chúa và bị Toà Thánh khiển trách. Đức Cha cũng hứa chỉ trong vòng một năm sẽ trở về.

Với những lý lẽ đó nhà vua Xiêm không thể từ chối lời yêu cầu của Đức Cha Lambertô de la Motte được, đành phải để cho ngài ra đi xứ Nam. Nhà vua cũng không quên bắt các nhân viên của nhà Chúa Nguyễn sai qua đón Đức Cha, phải thế hứa sẽ đem Đức Cha về Thái Lan trong vòng một năm. Ngày 23-07-1675, Đức Cha Lambertô de la Motte bỏ kinh đô Thái Lan lên đường đi kinh lược địa phận Đàng Trong.

 

2. Đức Cha Lambertô de la Motte kinh lược địa phận Đàng Trong lần II (1675-1676). Cuộc thăm viếng các xứ họ miền Bắc xứ Nam

Lần này với tính cách là thượng khách của Chúa Hiền Vương, Đức Cha Lambertô de la Motte không phải vào xứ Nam một cách lén lút nữa như lần trước. Đức Cha đi thẳng đến cửa Hội An và được cha chính Gioan Courtaulin đón rước long trọng. Sau đó Đức Cha được nhân viên phủ Chúa đưa lên Huế và được gặp quan phò mã.

Lúc đó Hiền Vương đang có tang người con thứ là thế tử Thuần, tên lúc nhỏ là Hiệp. Trước đây trong trận đại chiến thứ 7 với Chúa Trịnh (1672), thế tử Thuần được đặt làm nguyên soái. Lúc đó Thế tử mới 12 tuổi, nhưng đã tỏ ra xuất sắc trong việc cầm quân và rất can đảm, ghi được nhiều chiến công, nhất là trong việc bảo vệ luỹ Đồng Hới. Vào năm 1674, xứ Chân Lạp có nội loạn : hai hoàng tử tranh nhau ngôi báu. Nặc ông Đài cầu viện vua Xiêm đánh Nặc ông Nộn. Còn Nặc ông Nộn thì sang cầu cứu Chúa Nguyễn. Hiền Vương cho quân qua giúp đánh tan được quân của Đài. Lấy thành Sài Gòn và kéo qua Nam Vang. Đài thua trốn vào rừng rồi chết. Em của Đài là Nặc ông Thu ra hàng quân Viêt, được đặt làm Chánh Quốc vương ở Nam Vang, còn Nặc ông Nộn thì làm đệ nhị Quốc vương đóng ở Sài Gòn. Cuộc chiến thắng trong chương trình Nam Tiến này làm Hiền Vương mất người con yêu quý là thế tử Thuần. Vì thế đang lúc có tang, Hiền Vương giữ tang không tiếp kiến Đức Cha Lambertô de la Motte và hẹn khi hết tang sẽ cho ngài vào triều yết.

Tuy không tiếp kiến Đức Cha, nhưng nhà vua cũng sai quan phò mã thông đạt ước muốn của nhà Chúa cho Đức Cha. Nhà Chúa muốn Đức Cha đặt trụ sở ở Hội An. Nhà Chúa cũng sẽ cho đất để Đức Cha làm nhà và Đức Cha muốn ở lại bao lâu tuỳ ý. Nhà Chúa cũng cho Đức Cha được tự do đi lại thăm nom các xứ họ, chỉ yêu cầu Đức Cha đừng tổ chức nhữn cuộc hội họp đông đúc ầm ĩ là được. Đức Cha cũng nhờ quan phò mã tiến lễ vật lên nhà Chúa. Hiền Vương chỉ nhận một ống nhòm ở xa : cách hai dặm cũng có thế phân biệt được đàn ông hay đàn bà, và một cái kính thuỷ tinh lớn, dùng để lấy lửa mặt trời : có sức nóng làm cháy đồng bạc.

Ở kinh đô Huế, Đức Cha Lambertô de la Motte cũng đi thăm xã giao tất cả các ông hoàng của nhà Chúa và các quan triều. Đức Cha mặc áo Giám mục và đeo Thánh Giá, các thừa sai đi theo ngài cũng bỏ bộ áo lái buôn, mặc áo chùng của linh mục. Đi đâu Đức Cha cũng được đón tiếp niềm nở. Theo cha Bêninhê Vachet kể, thì “chỉ có gia đình Juan de Cruz là nghiến răng bực tức thấy chúng tôi thành công, nhưng họ không dám phản đối”. Sự thực theo cha thì phe của các cha dòng Tên đã dùng hết cách để phá hoại cuộc kinh lược của Đức Cha lần nầy. Một lần nữa họ lại tố cáo Đức Cha trước đây đã có lần liên lạc với Đàng Ngoài và khi trở về Thái Lan đã mang theo một số người xứ Nam qua Xiêm. Nhưng họ không thành công. Giáo dân ở Huế đã lũ lượt kéo đến thăm Đức Cha. Trong thời gian ở lại kinh đô hai tuần lễ, Đức Cha đã làm phép thêm sức cho hơn 10.000 người từ kinh đô và các nơi lân cận đến. Đức Cha và các cha luôn luôn phải nhắc nhở giáo dân khôn ngoan, giữ gìn, đừng làm gì xôn xao, ầm ĩ.

Bỏ Huế, Đức Cha Lambertô de la Motte đi kinh lược các tỉnh miền Bắc của xứ Nam lúc bấy giờ, tức Quảng Bình và Quảng Trị, mà trong chuyến kinh lược lần trước ngài chưa đi qua. Đức Cha phải mất 04 tháng để thăm các xứ họ vùng này, mà cũng không đi hết được. Đi đến đâu, giáo dân cũng lũ lượt kéo đến, để lĩnh nhận các phép bí tích. Nhiều khi sau gần một ngày đường từ xứ này qua xứ nọ, vừa đến nơi Đức Cha đã ngồi toà giải tội cho giáo dân tới khuya. Sáng sớm lúc 3 giờ, Đức Cha đã cử hành Thánh lễ và sau đó ban phép thêm sức cho giáo dân. Tiếp theo là những cuộc rửa tội hay những đám hôn phối. Có một nơi Đức Cha đã làm phép thêm sức cho 4500 người. Đây là lần thứ nhất có Giám mục đến ban phép thêm sức. Theo nhận định của các thừa sai thì những ngày là những ngày son vàng trong lịch sử truyền giáo của địa phận Đàng Trong. Biết bao nhiêu người Công Giáo khô khan đã nhờ dịp kinh lược này để trở lại. Biết bao giáo dân trở nên đạo đức vững mạnh hơn. Biết bao người lương thấy thế đã xin học đạo và xin trở lại.

Người ta cũng ghi lại hai câu truyện làm cho giáo dân thêm phấn khởi và thêm sốt sắng. Một ngày kia người ta đem cho Đức Cha một em nhỏ mới 10 tháng tuổi, chân tay lạnh ngắt và cứng đờ. Bà mẹ khóc lóc xin Đức Cha cứu sống con của bà. Động lòng thương Đức Cha để em nhỏ lên bàn thờ và cầu nguyện, đoạn trao lại cho bà mẹ bảo cho em bé bú. Cái xác lạnh ngắt cứng đờ trước đây đã hồi tỉnh, mở mắt, mỉm cười nhìn bà mẹ như không có gì xảy ra và bú sữa ngon lành. Lần khác đã trử quỷ cho một người đàn bà bị quỉ ám. Đức Cha sai thầy giảng cầm ảnh Thánh giá đeo ngực của ngài đến nhà người bị quỉ ám. Thầy giảng thì muốn Đức Cha thân hành đến đuổi quỉ ra hoặc bảo người ta đưa người đàn bà đến cho ngài nhưng ngài trả lời là không cần. Thầy giảng chưa tới nơi thì quỉ đã ra khỏi người đàn bà đó.

Sau khi kinh lược vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Đức Cha xuống vùng Quảng Ngãi. Ngài mừng lễ sinh nhật năm 1675 ở cửa Hội An. Thời kỳ ở cửa Hội An, ngài gặp một câu chuyện chứng tỏ tự do tôn giáo vẫn chưa bảo đảm chắc chắn. Nó cũng tuỳ thuộc nhiều vào các quan lại địa phương, đồng thời nhắc bảo cho các thừa sai và giáo dân, phải luôn luôn khôn ngoan, gìn giữ. Một đêm có chừng mấy trăm giáo dân đang hội nhau trong nhà thờ thì có quan quân tới vây. Chừng độ 50 giáo dân bị lính đánh đạp tàn nhẫn. Cha Bêninhê Vachet ra mặt cũng bị chúng đánh qua loa, còn Đức Cha và cha Guliêmô Mahot ẩn trong nhà thờ thôi không bị gì cả. Sau đó Đức Cha được biết cuộc vây nhà thờ và đánh một số giáo dân hôm ấy chỉ có mục đích làm tiền. Nhưng họ không được gì, vì giáo dân đến gặp Đức Cha lần ấy toàn là những người nghèo túng cả. Đức Cha muốn trình báo lên quan trên về hành động các quan quân hạ cấp. Nhưng ông quan trấn ở đấy khuyên bỏ qua, sợ sau khi bị phạt chúng lại trả thù làm khó dễ hơn.

 

3. Vấn đề quyến bính với các cha dòng Tên. Lễ truyền chức I ở địa phận Đàng Trong. Trên đường trở về Thái Lan

Khi ở cửa Hội An, Đức Cha Lambertô de la Motte cũng muốn đặt lại vấn đề quyền bính với mấy thừa sai dòng Tên, lúc đó đang có mặt ở xứ Nam. Đứng đầu các cha dòng Tên ở xứ Nam lúc đó là cha Giuse Candone. Đức Cha Lambertô de la Motte sai cha Bêninhê Vachet đến gặp cha Giuse Candone, trao cho cha này xem đoản sắc “Những người thám hiểm” của Đức Thánh Cha Clêmentê IX, đặt các thừa sai dòng dưới quyền Giám mục đại diện trong khu vực đã trao cho các ngài. Nhưng cha Giuse Candone với sự xúi bẩy của cha Batôlômêô d’Acosta, vị thừa sai trước đây trong chuyến kinh lược lần đầu của Đức Cha đã chịu nhận quyền, rồi sau lại tuyên bố không nhân, cả hai nhất định không chịu xem sắc lệnh. Cha Vachet trao sắc lệnh cho hai cha, nhưng cả hai đẩy đi và để rơi xuống sông. Ba ngày sau Đức Cha Lambertô de la Motte tuyên bố rút phép thông công hai cha dòng. Ngược lại cha Giuse Candone cũng lấy tính cách là cha địa phận do Toà Giám mục Malacca uỷ cho rút phép thông công Đức Cha Lambertô de la Motte, vì ngài đã thi hành quyền chức Giám mục trong khu vực cha coi sóc, mà không xin quyền cha. Cha Giuse Candone tuyên bố quyết định đó trong một thơ luân lưu gởi cho giáo dân xứ Nam. Đồng thời cũng rút phép thông công những giáo dân nào sau này còn lĩnh nhận các phép bí tích do Giám mục và thừa sai Pháp. Đứng trước thái độ cứng cỏi của các cha dòng, Đức Cha Lambertô de la Motte vội vàng viết thư về Toà Thánh để xin giải quyết. Đồng thời kèm theo thư của ba linh mục bản quốc và 109 thầy giảng đã chịu nhận quyền Đức Giám mục địa phận.

Đau buồn vì vấn đề quyền bính gây chia rẽ trong giáo đoàn, nhưng Đức Cha được yên ủi là trong thời kỳ kinh lược này, trước khi từ giã địa phận, ngài đã truyền chức cho linh mục thứ tư của Đàng Trong, cha Luigi Đoản ở tỉnh Quảng Ngãi. Cha là “một trong những thầy giảng kỳ cựu nhất của xứ Nam và là thầy đồ nho danh tiếng”. Đức Cha Lambertô de la Motte trước đây vẫn thúc giục các thừa sai lo huấn luyện các thầy giảng Cao Miên như cha Phanxicô Deydier đã thực hiện ngoài Bắc, để khi đến kinh lược ngài sẽ truyền chức, hy vọng bù vào chỗ thiếu hụt của các thừa sai và linh mục bản quốc. Đây là lễ truyền chức thứ nhất ở địa phận Đàng Trong, sau lễ truyền chức đầu tiên của địa phận Đàng Ngoài, dịp Đức Cha Lambertô de la Motte kinh lược năm 1669 – 1670. Lần trước có 09 linh mục, lần này được một vị. Theo cha Vachet thì còn một vài thầy giảng nữa đã được huấn luyện để chịu chức kỳ đó, nhưng các thầy đã bỏ. Có lẽ vì những tiếng nói ra nói vào của phe các cha dòng Tên về việc truyền chức cho các linh mục bản quốc do Giám mục Pháp chăng ?

Trước khi kết thúc cuộc kinh lược của ngài ở địa phận Đàng Trong, Đức Cha Lambertô de la Motte lên kinh đô Huế từ giã Hiền Vương và xin phép trở về Thái Lan. Lân này đã mãn tang thế tử Thuần, nhà Chúa tiếp kiến Đức Cha trong một buổi triều yết đặc biệt. Đức Cha cảm ơn nhà Chúa đã cho ngài tự do thăm các xứ họ trong địa phận. Đức Cha cũng không quên nhấn mạnh cho nhà Chúa biết rằng, theo luật đạo, giáo dân phải tôn trọng quyền bính Thiên Chúa đã đặt coi sóc dân sự. Nhà Chúa có thể yên trí tin tưởng người Công Giáo là những công dân trung thành và hy sinh cho nhà Chúa cũng như cho quốc gia. Cuối cùng Đức Cha xin Hiền Vương tiếp tục cho tự do tôn giáo, các thừa sai được tư do truyền đạo và dân chúng được tự do theo đạo. Chúa Nguyễn hứa điều đó với Đức Cha và nhà Chúa đã giữ lời hứa. Suốt trong thời kỳ này, nghĩa là cho đến khi Hiền Vương mất năm 1687, giáo đoàn xứ Nam được sống yên hàn hơn 10 năm trời. Sau đó, trong đời chúa Nghĩa (1687-1691) tiếp đến đời Minh Vương (1691-1725) vẫn có tự do tôn giáo, mãi năm 1700 mới lại có chỉ cấm đạo. Như thế là sau 30 năm, kể từ khi Hiền Vương lên ngôi 1648, đầy sóng gió với những cuộc bắt đạo lúc đẫm máu lúc không, nhưng kéo dài và luôn đe doạ, giáo dân xứ Nam đã được tự do giữ đạo trong hơn 20 năm trời. Cuối đời chúa Nghĩa 1691, cũng có một cuộc cấm cách nhưng chỉ kéo dài một thời gian mấy tháng rồi thôi.

Trong thời kỳ ở kinh đô Huế lần này cũng như lần trước, Đức Cha Lambertô de la Motte, được giáo dân đón tiếp nồng hậu. Ngài ngụ trong nhà của thầy giảng trước là chân tay đặc biệt của các thừa sai dòng Tên. Thầy giảng này rất được thái tử mến yêu và có nhiều thế giá với các quan trong phủ Chúa. Gia đình của Juan de Cruz, phe của các cha dòng Tên, rất bực tức khi thấy các cha được nhà Chúa trọng đãi. Một lần người con của ông định đến nhà Đức Cha ở để bênh vực quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha. Nhưng Đức Cha không tiếp. Một cuộc ẩu đả suýt xảy ra giữa bên nhà Juan de Cruz và bên nhà thầy giảng, nơi Đức Cha ngụ. Đức Cha phải can thiệp và đe doạ tố cáo với quan phò mã, bên Juan de Cruz mới chịu rút lui.

Đức Cha bỏ kinh đô Huế, Hiền Vương cho thuyền của nhà Chúa tiễn Đức Cha đến cửa Hội An. Quan phò mã cũng để ý chọn các tay chèo đều là người có đạo và đưa theo nhiều thức ăn mỹ vị. Từ của Hội An, Đức Cha lấy thuyền đi về Thái Lan. Trước khi bỏ xứ Nam, ở Phú Yên, khu phố Bời, Đức Cha đã chỉ định lại khu vực xứ họ cho các thừa sai, cha Bêninhê Vachet trông coi mấy tỉnh miền Bắc xứ Nam, lúc đó là Quảng Bình, Quảng Trị và Thuận Hoá. Hai cha chính Guliêmô Mahot và Gioan Courtaulin thì ở miền Trung xứ Nam lúc đó là Quảng Ngãi, còn cha Gabien Bouchard thì ở miền Nam, lúc đó Qui Nhơn, Phú Yên.

Còn các linh mục  Việt Nam, thì năm 1676, cha Giuse Tràng qua đời. Sau cuộc đi làm phúc ở vùng nước độc về bị ngã nước và sáu ngày sau cha qua đời ở Phú Yên, không kịp trở về Nước Măn, xứ mà trong chuyến kinh lược lần trước, Đức Cha Lambertô de la Motte đã đặt ngài trông coi. Còn lại có ba cha. Cha Luca Bền ở vùng Phú Yên và sống được đến năm 1684. Cha Emmanuel Bổn ở miền Bắc. Cha bị chết đắm thuyền năm 1698, trong một trận bão ở cửa biển Kao Sai, cùng với hai thầy giảng và ba chú. Cha Luigi Đoản mới chịu chức, thì ở miền Quảng Ngãi. Cha cũng không sống lâu, năm 1678, vào tháng 6, cha chết vì ngã nước.

Sự đạo sau cuộc kinh lược lần II, tiến triển mau lẹ hơn. Số người trở lại mỗi năm trung bình từ 10.000 đến 12.000. Trái lại những năm trước như năm 1674 số người trở lại chỉ từ 3.000 đến 4.000. Theo cha chính Gioan Courtaulin thì số giáo dân địa phận Đàng Trong lúc đó chừng 60.000.

Vào trung tuần tháng 5, thì Đức Cha Lambertô de la Motte tới kinh đô Thái Lan. Ngài rất hài lòng về chuyến kinh lược lần II. Trong thư gởi cho Đức Cha Phanxicô Pallu, ngài viết : “Chúa đã chúc lành tràn đầy chuyến đi xứ Nam của tôi. Chúng tôi được nhà Chúa ban tờ chiếu cho tự do vào xứ đó cũng như sai người đến xứ đó lúc nào cũng được.”

Thực vậy, nhìn vào kết quả cuộc đi kinh lược của Đức Cha Lambertô de la Motte ở địa phận Đàng Trong lần II này, ngoài việc thăm các xứ họ và làm phép thêm sức cho giáo dân, truyền chức cho linh mục thứ tư của địa phận Đàng Trong, thì kết quả đặc biệt hơn cả ngài thu lượm được là việc yêu cầu chúa Hiền cho tự do truyền đạo và tự do theo đạo. Nhờ đó địa phận Đàng Trong được một thời gian tự do và bằng yên : hơn 20 năm. Tuy Đức Cha không thành công trong việc đặt quyền bính với các cha dòng Tên trong nội bộ, nhưng bên ngoài, nhờ cuộc kinh lược này, các quan cũng như người lương kính nể sự đạo hơn.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương