LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA


Hoạt động của cha chính Gioan Coutaulin (1674-1675)



tải về 1.47 Mb.
trang14/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   21

2. Hoạt động của cha chính Gioan Coutaulin (1674-1675)

Đức Cha Lambertô de la Motte sai thêm hai cha Gioan Courtaulin và Gabien Bouchard là vì nghe tin cha Bêninhê Vachet đã qua đời. Yếu mệt không thể lên phủ Chúa tiến lễ vật của Đức Cha cho Hiền Vương được, cha Vachet phải nhờ cha Mahot đi thay. Trong thời kỳ ở lại Quảng Ngãi, cha Vachet lên cơn bệnh nặng, ai cũng tưởng chết. Mấy người giáo dân ở Quảng Ngãi vội lấy thuyền qua Thái Lan, báo tin cho Đức Cha Lambertô de la Motte, để xin ngài cho thừa sai khác sang thay thế.

Nhưng phe chống đối với các thừa sai Pháp, không để các cha được yên. Họ bực tức vì thấy các cha được chúa Hiền trọng đãi và cho đi lại tự do. Lúc này họ lại thấy có thêm các thừa sai mới. Một số giáo dân ở Phố Mới, thuộc tỉnh Phú Yên liền báo cho Juan de Cruz ở Huế, người thợ đúc được nhà Chúa tín nhiệm, biết sự kiện này. Clêmentê de Cruz, là con của ông, được trao cho nhiệm vụ tố cáo với nhà Chúa là có một số thừa sai Pháp, vẫn lén lút đi lại từ đất Xiêm đến xứ Nam về Xiêm và huấn luyện ở đấy, cùng với một số người xứ Bắc, dung túng sự liên lạc giữa người xứ Nam với xứ Bắc.

Tố cáo những sự kiện này, họ muốn gây nghi ngờ cho chúa Hiền đói với các thừa sai Pháp. Những người liên lạc của chúa Trịnh xứ Bắc, sai đến để dò xét xứ Nam và huấn luyện những người về làm nội công hoặc gây nội loạn. Nguyên việc trốn khỏi nước và đưa người trốn khỏi nước cũng đủ là một trọng tội. Họ cũng không quên tố cáo Đức Cha Lambertô de la Motte đã lén lút đến xứ Nam năm 1671 và liên kết sự kiện ngài đến xứ Bắc năm 1670, đã kết tội cho ngài là đi dò thám, rồi trở về Xiêm báo tin cho chúa Trịnh ngoài Bắc. Cuối cùng bản tố cáo không quên nhấn mạnh là con dân trung thành của nhà Chúa, không muốn để cho đất nước xứ Nam này rơi vào tay chúa Trịnh, nên mới mạnh dạn tố cáo những kẻ phản nghịch. Xin nhà Chúa đề phòng đừng để cho các thừa sai Pháp tái diễn những điều như thế.

Nhưng may mắn những tốt cáo trên đây không đem lại kết quả như họ mong muốn. Nếu không tất cả những thừa sai Pháp sẽ bị hại và cả địa phận cũng bị liên luỵ theo. Nhà Chúa cho bắt những người tay chèo, đã đưa các thầy giảng qua học ở Trường Chung Thái Lan, và đưa các thừa sai vào xứ Nam. May mắn mà những quan nhà Chúa đặt, để tra hỏi câu chuyện này, hoặc là người có đạo, hoặc có thịnh tình với đạo. Các quan đã tâu trình nhà Chúa là câu chuyện tố cáo trên đây, là câu chuyện do thù ghét đặt điều. Sự thực theo sự điều tra, có một thuyền người xứ Nam, gặp bão ở ngoài khơi. Vì gió ngược không dám vào gần đất Cao Miên, phải tạ qua Xiêm trú ẩn. Họ gặp Đức Cha Lambertô de la Motte, được ngài hứa cho hai nén bạc, nếu bằng lòng chở hai thừa sai vào xứ Nam, trên đường họ trở về nước. Vì túng thiếu trong lúc gặp hoạn nạn, nên họ cũng nhận lời và cũng theo họ, thì hai thừa sai này đến là để săn sóc cho cha Bêninhê Vachet, người mang lễ vật cho nhà Chúa, bị đau nặng. Còn việc các thừa sai do thám liên lạc với xứ Bắc thì không có.

Xem bản tường trình, Hiền Vương còn khen Đức Cha Lambertô de la Motte săn sóc giúp đỡ cho người xứ Nam hoạn nạn. Nhà Chúa cũng chỉ khiển trách qua loa những người tay chèo, và cấm từ nay về sau, không được nhận chở những người thừa sai ngoại quốc như thế. Để bồi thường cho họ, vì đã bị giam giữ và tra hỏi, nhà Chúa miễn thuế và lao công cho họ trong ba năm liên tiếp. Hiền Vương nghe tin cha Bêninhê Vachet đã bình phục nhưng vết thương ở chân vẫn chưa lành, nhà Chúa cho đưa ngài lên kinh, để các danh y tiếp tục săn sóc cho ngài.

Tuy vậy vì khôn ngoan dè dặt giữ gìn, cha chính Guliêmô Mahot cũng báo tin cho các linh mục Việt Nam lẩn tránh, yêu cầu cha Gabien Bouchard trở lại vùng Chiêm Thành. Còn cha và cha Gioan Courtaulin  lên đường đi kinh đô Huế. Ngày 07-08, hai cha tới cửa Hội An và ban đêm được hai cha Batôlômêô d’Acosta và Giuse Candone đến thăm. Đêm hôm sau hai cha cũng đến thăm đáp lễ. Nhân dịp này cha Guliêmô Mahot nhắc lại đề nghị hoà hoãn mà cha đã đưa ra trong lần gặp cha Giuse Candone trước đây,nhưng không có kết quả. Sau lễ Đức Mẹ Lên Trời, các cha lên kinh đô. Hai cha dòng Tên ở nhà Juan de Cruz, còn hai cha thừa sai Pháp đến gặp phò mã. Cha Courtaulin muốn nhờ ông xin cho ở lại kinh đô Huế. Cha hứa sẽ giúp cho nhà Chúa nhiều điều ích lợi cho dân chúng, như việc đào kinh dẫn thuỷ nhập điền, việc vét bùn cát trong sông cho thuyền bè đi lại được… Nhưng các cha thừa sai Pháp đã là nạn nhân của người thông dịch viên cho quan phò mã : không nên cho phép một thừa sai người Pháp có mặt ở kinh đô.

Hai cha Mahot và Courtaulin phải bỏ kinh đô Huế, trở về cửa Hội An. Đang khi đó cha Giuse Candone, tàng hình dưới bộ áo lái buôn, vẫn lẩn tránh trong nhà Juan de Cruz. Còn cha Batôlômêô d’Acosta làm nghề thuốc cho các quan ở phủ Chúa, nên được đi lại tư do. Giáo dân ở kinh đô lén lút đến gặp cha, mà nhà Chúa à các quan không hề hay biết.

Cuộc va chạm về quyền bính vẫn còn tiếp tục. Ngày 19-09-1674, cha Giuse Candone lấy tính cách là chính địa phận do Toà Giám mục ở Malacca uỷ quyền, đã viết thư chung cho giáo dân, tuyên bố là Đức Thánh Cha không hề ban quyền coi sóc cho các Giám mục đại diện trong khu vực của các cha người Bồ Đào Nha. Vì thế giáo dân không nên đến chịu bí tích do các thừa sai Pháp, cũng như do các linh mục người Việt của các ngài làm.

Cha Gioan Courtaulin, sau một thời gian học tiếng, đã biết nói khác và có thể nghĩ đến việc đi thăm các xứ họ. Cha cũng được Đức Cha Lambertô de la Motte đặt làm cha chính địa phận cũng như cha Mahot. Vào đầu năm 1675, quan phò mã đã cho cha Mahot biết là Hiền Vương muốn cho hai cha dùng thuyền của nhà Chúa để qua Xiêm mời Đức Cha Lambertô de la Motte sang xứ Nam. Cha Mahot lên đường cùng với cha Bêninhê Vachet, để lại việc coi sóc địa phận cho cha chính Gioan Courtaulin.

Trong một địa phận rộng lớn, cả một xứ Nam, việc đi lại khó khăn, lại thêm những cuộc bác hại có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cần có nhiều cha chính để chia công việc thăm viếng các xứ đạo. Hơn nữa, thời kỳ đó, rừng núi chưa khai thác nhiều, nước độc, các thừa sai không quen chịu, dễ chết, cần có người này để thay thế cho người kia. Cha chính Gioan Courtaulin, sức vóc to lớn, chịu đựng dẻo dai, rất thích hợp cho công cuộc truyền giáo. Nhưng Đức Cha Phanxicô Pallu vẫn lo ngại cho ngài về tính tình nóng nảy, thiếu nhẫn nại và độc đoán.

Trong cuộc đi thăm viếng các xứ họ, cha sung sướng được họ đón tiếp nồng hậu. Nhiều nơi lâu ngày không có linh mục đến thăm viếng, nên sự đạo và đời sống không được khả quan lắm. Dầu vậy, cha rất lạc quan, vì theo cha : “Trong 1.000 người đến xưng tội, số tội trọng mà họ xưng vẫn không bằng một lần giải tội ở Pháp.” Hơn các cha chính khác, cha Gioan Courtaulin đi đến cả những họ xa và hẻo lánh. Về phía Tây, dãy núi Trường Sơn vùng Quảng Ngãi, cách cửa Hàm chừng bảy ngày đường, cha gặp những người dân Mọi. Cha đã tiếp xúc với họ, nhưng không dám ở lâu, vì sợ nước độc. Trở về, cha Gioan Courtaulin định sai cha Emmanuel Bổn lên truyền giáo cho họ. Cha Bổn quen thuỷ thế hơn và biết cách phòng ngừa nước độc. Cha Bổn đã mua sẵn các thứ thuốc, nhiều kim chỉ và những thứ người dân Mọi không có, để làm cách tiếp xúc với họ, đi dần đến việc truyền giáo. Nhưng không may cha bị ngã bệnh, nên công việc truyền giáo cho các dân Mọi phải bị gác lại.

Trước dịp lễ Phục Sinh 1675, cha Courtaulin cũng lên kinh đô Huế và tuyên bố quyền cha chính địa phận của mình cho giáo dân kinh đô biết. Vào Tuần Thánh, cha trở về cửa Hội An. Ngày 25-04, cha cho hội họp tất cả các thầy giảng ở tỉnh Quảng Nam. Trong cuộc hội họp, cha ra huấn thị về một tổ chức bác ái để giúp người nghèo, người đau yếu, bệnh tât, và những người bị giam tù vì đạo. Các tiền của tổ chức thu được, không được dùng để buôn bán hoặc cho vay lấy lời, như các cha dòng Tên cho phép trước đây. Trong cuộc cũng có mặt một thầy giảng Cao Miên, theo phe các cha dòng Tên. Cha đã quở trách thầy, không chịu tuyên bố các huấn thị của mình cũng không chịu rao cầu nguyện cho các Giám mục địa phận, như các thói quen rao cầu nguyện cho các đấng bậc trong Hội Thánh, khi giáo dân hội nhau đọc kinh. Cha rất hài lòng khi thấy các thầy giảng tỏ lòng vâng phục Đức Giám mục địa phận. Trong thư gởi về Đức Cha Lambertô de la Motte, cha tỏ ra rất lạc quan.

Nhưng chỉ ít lâu sau, một câu chuyện xảy ra đã giúp cha nhận ra tình trạng thực tế hơn, do đó, cũng không đáng lạc quan lắm. Chính vì quá lạc quan về thái độ của nhà Chúa đối với sự đạo, coi thường sự chống đối của phe không chịu nhận quyền của Giám mục địa phận, cũng như sự thù ghét của các quan không ưa đạo, cha đã xây dựng một nhà thờ to tát ở cửa Hội An, để có thể hội họp giáo dân một cách công khai, long trọng dịp các ngày lễ. Dầu tất cả các bạn thừa sai, cũng như các đàn anh trong xứ họ, hết sức cản ngăn, nhưng theo tính độc đoán cha không chịu nghe. Khi làm gần xong thì Juan de Cruz, người thợ đúc thuộc phe các cha dòng, đã tố cáo công việc với chúa Hiền Vương và yêu cầu nhà Chúa tịch biên căn nhà đó, để làm một ngôi chùa. May mắn cha Bêninhê Vachet đã thu xếp câu chuyện với quan phò mã. Ông tuyên bố : “Tôi biết họ thù ghét các cha. Nhưng lần này họ sẽ không được thích thú thấy các cha phải hổ thẹn thua họ, vì tôi muốn căn nhà đó cứ để nguyên như thế.”

Thật là đáng buồn trước tình cảnh chia rẽ trong giáo đoàn. Các thừa sai chống đối nhau. Ai cũng cố gắng lôi kéo giáo dân về phe của mình. Đau lòng hơn nữa khi thấy phe này tìm cách phá việc của phe bên kia. Lòng thù ghét đã làm họ mù quáng, họ không nghĩ rằng như thế là chính họ đã phá đổ công việc đạo Chúa. Trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam, những nét đen tối này, đã phủ mờ những nét vàng son của chính các thừa sai đó, trong những hy sinh cố gắng cho công cuộc truyền giáo.

CHƯƠNG X : HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỨC CHA LAMBERTÔ DE LA MOTTE Ở KINH ĐÔ THÁI LAN (1572-1675) VÀ CUỘC KINH LƯỢC ĐỊA PHẬN ĐÀNG TRONG LẦN II (1675-1676)

I. HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỨC CHA LAMBERTÔ DE LA MOTTE Ở KINH ĐÔ THÁI LAN (1672-1675)

Trước khi lên đường đi kinh lược địa phận Đàng Trong lần thứ I (1671-1672), Đức Cha Lambertô de la Motte đã sung sướng nhận được đoản sắc “Như ta đã nhận được” (Cum sicut accepimus) do Đức Thánh Cha Clêmentê IX ban hành ngày 04-06-1669 nhờ cuộc công cán của Đức Cha Pallu ở Rôma. Đoản sắc này ban quyền quản trị khu truyền giáo Thái Lan cho Giám mục đại diện Toà Thánh ở Nam Kinh. Ý nguyện từ lâu mong muốn của Đức Cha Lambertô de la Motte đã thành đạt. Từ trước ngài luôn gặp khó dễ do kinh sĩ hội ở Goa, các cha thừa sai dòng theo phe Quốc vương Bồ Đào Nha ở kinh đô Thái Lan. Nhưng từ nay, Đức Cha được yên trí và vững tâm xây dựng trụ sở truyền giáo cho các địa sở của Hội Thừa sai Pháp ở Việt Nam, Trung Hoa, Lào, Cao Miên… đồng thời tổ chức giáo đoàn Thái Lan cũng như sửa chữa những tệ lạm ở đấy.

Việc thành lập trụ sở truyền giáo ở Thái Lan, Đức Cha Lambertô de la Motte đã nghĩ đến, ngay từ lúc đầu, khi đến Yuthia. Khi sai cha Giacôbê de Bourges trở về công cán, Đức Cha đã đặt vấn đề này với Bộ Truyền Giáo. Vì thế ngài muốn xin Toà Thánh ban quyền quản trị Thái Lan cho các Giám mục đại diện. Trong công đồng chung Yuthia, các Đức Cha cũng như các cha thừa sai Pháp đều đồng ý về vấn đề này. Trụ sở sẽ là nơi liên lạc nhận thơ từ và gởi đi, đồng thời, cũng đóng vai trò quản lý nhà chung của các địa sở truyền giáo. Ngoài ra nó cũng là nơi học hỏi tiếng nói và phong tục cho các thừa sai trước khi vào khu vực truyền giáo. Ở đấy có đủ thứ người các nước : người Việt, Trung Hoa, Nhật Bản, Lào, Cao Miên, Mã Lai… Quan trọng hơn là việ đặt ở đấy một Trường Chung, tức là một chủng viện chung cho các địa sở truyền giáo, để thâu nhận tất cả các thầy giảng, chủng sinh ở các nơi gởi đến. Có những thừa sai chuyên biệt để huấn luyện, đưa họ lên chức linh mục, thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc, mà Toà Thánh đã đặc biệt trao cho các linh mục trước khi lên đường.

 

1. Thành lập và tiến triển của Trường Chung ở kinh đô Thái Lan

Ngay sau khi Đức Cha Phanxicô Pallu lên đường (1668), ở lại kinh đô Thái Lan, Đức Cha Lambertô  de la Motte đã lo thực hiện ngay việc thành lập trụ sở truyền giáo và Trường Chung. Một dịp may đã đến với Đức Cha, mấy thán sau đó. Nhà vua Thái Lan muốn trao cho Đức Cha 10 thiếu niên, để Đức Cha dạy họ “những khoa học Âu Châu” đồng thời cũng ban cho được tự do giảng đạo và đi lại trong nước của nhà vua. Trong khi nhờ quan đại thần Phaulcon chuyển lời cảm ơn nhà vua, Đức Cha Lambertô de la Motte đề nghị và xin phép mở một trường để dạy “những khoa học cần thiết cho một quốc giá muốn được tất cả các nước trên thế giới kính trọng.” Pharamai, nhà vua Thái Lan, rất tán thành ý kiến đó, và ban cho Đức Cha một địa sở rất rộng rãi, bên cạnh làng người Việt Nam.

Đức Cha liền xây một căn nhà lầu bằng gạch, và bằng gỗ, để vừa dùng làm nhà thờ vừa dùng làm trụ sở cho các thừa sai. Chương trình thành lập trụ sở và Trường Chung đã bắt đầu thành hình. Trong thơ ngày 17-10-1666, nghĩa là hơn một năm kể từ khi Đức Cha Pallu bỏ Thái Lan đi công cán (17-01-1666). Đức Cha Lambertô de la Motte đã vull mừng báo tin cho Đức Cha Pallu là ở kinh đô Thái Lan đã có một trường dạy các khoa học Âu Châu cho các thiếu niên của nhà vua gởi học và một trường dạy đạo cho các tân tòng. Ngài cũng thành lập một đại chủng viện, tu họp một ít thanh niên có hy vọng tiến lên chức linh mục. Ngài báo cho Đức Cha Pallu là ngày lễ các Thánh 01-11-1666, ba thanh niên chủng sinh sẽ chịu phép cắt tóc. Ngoài ra cũng có một tiểu chủng viện, trao cho cha Luigi Laneau trông coi. Đức Cha Lambertô de la Motte viết tiếp : “Chúng tôi có ở đây, nhưng thiếu niên do cha mẹ đã trao phó hẳn cho chúng tôi. Chắc chắn Đức Cha sẽ sung sướng khi thấy chúng trong bộ quần áo chùng màu tím theo kiểu của người Bồ Đào Nha. Chúng chăm lo nguyện ngắm ban mai và chiều hôm. Chúng ăn chung với nhau. Trong bữa ăn có một chú đọc sách đạo đức. Nhưng hầu hết chưa hiểu vì chúng thuộc các quốc gia khác nhau.” Có lẽ đây là các chú tiểu chủng sinh, con nhà có đạo, Đức Cha Lambertô de la Motte đã tuyển chọn trong các làng người Việt, người Trung Hoa…

Chính ở Trường Chung này, những linh mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam được gởi đến huấn luyện và thụ phong. Nó giữ một vai trò quan trọng trong việc thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc. Chính Đức Cha Lambertô de la Motte đã có công gầy dựng nên. Năm 1667, trong một chuyến thuyền đi Thái Lan, cha chính Antôn Hainques đã gởi thầy giảng thứ nhất địa phận Đàng Trong, thầy Giuse Tràng, qua trường Chung để thụ phong linh mục. Tiếp theo đó là thầy Luca Bền. Ngày 31-03-1668, thầy Giuse Tràng được thụ phong linh mục cùng với thầy Phanxicô  Periz, người Bồ Đào Nha lại Thái Lan. Thầy Luca Bền cũng được thụ phong năm ấy. Đó là hai linh mục tiên khởi Đàng Trong. Cũng năm 1668, hai linh mục tiên khởi Đàng Ngoài, Gioan Huệ và Bênêđitô Hiền cũng được thụ phong ở Trường Chung.

Năm 1672, trong chuyến đi kinh lược địa phận Đàng Trong, lúc trở về Thái Lan, Đức Cha Lambertô de la Motte đã đem về 12 chủng sinh. Năm 1673, Đức Cha đã truyền chức linh mục thứ 3 của địa phận Đàng Trong, cha Emmanuel Bổn. Cha Emmanuel Bổn đã trở về địa phận cùng năm ấy với Bêninhê Vachet mà Đức Cha sai vào làm thừa sai xứ Nam và để dâng lễ vật cho chúa Hiền Vương.

Về sự đòi hỏi thành lập cấp tốc hàng Giáo sĩ bản quốc, để đáp lại nhu cầu ở các xứ họ và giáo dân mỗi ngày thêm đông, mà số thừa sai thì quá ít, Bộ Truyền Giáo đã ban phép rộng cho các Giám mục đại diện, được truyền chức cho các thầy giảng đạo đức và có nhiều kinh nghiệm truyền giáo, mà không cần phải thông hiểu La ngữ. Chỉ cần có thể đọc được các công thức làm các phép Bí tích và hiểu biết cách thức làm, cũng như những đòi hỏi để ban các Bí tích đó cho giáo dân. Trong cuộc va chạm quyền bính chúng ta đã thấy, các cha thừa sai dòng Tên nhiều lần lên tiếng chê bai các linh mục tiên khởi người Việt về sự thiếu hiểu biết về La ngữ. Nhiều cha dòng còn chủ trương rằng các linh mục đó làm các phép không thành, và khuyên các giáo dân phe mình không nên lãnh nhận các Bí tích do các ngài làm. Thật đáng buồn.

Nhưng sau hai lần kinh lược Đàng Ngoài và Đàng Trong, với công cuộc truyền chức cho 09 linh mục tiên khởi xứ Bắc và 03 linh mục tiên khởi xứ Nam, Đức Cha Lambertô de la Motte nhận thấy số linh mục thừa sai để hoạt động trong hai miền đã tạm đủ. Trong Công đồng thứ I địa phận Đàng Ngoài, khi phân chia địa hạt cho các linh mục, Đức Cha nhận thấy hầu hết mỗi trấn hay tỉnh đều có một linh mục coi sóc. Trong cuộc kinh lược địa phận Đàng Trong của ngài, Đức Cha cũng đã phân chia các linh mục và thừa sai theo các dinh trấn từ biên giới Chiêm Thành đến biên giới xứ Bắc. Chỉ còn mấy dinh giáp với Đàng Ngoài là còn thiếu linh mục, thì năm 1673, ngài đã truyền chức thêm cha Emmanuel Bổn để coi sóc miền ranh giới đó.

Nhận thấy số linh mục và thừa sai trong hai địa phận đã tạm đủ, việc truyền chức vội vàng không còn cần thiết nữa, Đức Cha Lambertô de la Motte muốn từ nay việc huấn luyện các linh mục bản quốc sẽ kéo dài lâu năm. Các chủng sinh trước khi bước lên bàn Thánh phải thông hiểu đầy đủ La ngữ cũng như học hỏi sâu xa về những điều cần thiết đẻ thi hành chức vụ linh. Chương trình học hỏi tương tự như của các chủng viện bên Tây Phương đã được thành lập theo chương trình cải cách của công đồng Trentô. Đấy là ước muốn của Đức Cha Lambertô de la Motte sau cuộc kinh lược I địa phận Đàng Trong. Chắc chắn ngài đã trình bày cho cha Langlois, khi ngài trao việc điều khiển Trường Chung cho cha năm 1672 thế cha Luigi Laneau. Với cha Langlois, từ năm 1672, Trường Chung đã bước qua giai đoạn thành lập ban đầu để đi vào thời kỳ thứ hai, tức thời kỳ xây dựng và tổ chức hoàn bị.

Tình trạng Trường Chung ở kinh đô Thái Lan khi trao cho cha Phêrô Langlois thế nào ? Chúng ta nghe cha trình bày trong thư gởi cha De Brisacier ngày 09-11-1672 : “Các học trò của tôi, người nói tiếng Trung Hoa, người nói tiếng xứ Bắc, xứ Nam, người nói tiếng Thái Lan, người nói tiếng Bồ Đào Nha. Không một ai hiểu tiến nói của chúng ta cả. Tôi là giáo sư duy nhất ở trong chủng viện, có 25 chủng sinh mà người nói tiếng này, người nói tiếng kia, như thế thì hỏi tôi dạy làm sao được.” Đấy là khó khăn thứ nhất mà tất cả các Trường Chung, nơi các chủng sinh các quốc gia khác nhau đến học, đều bó buộc gặp phải. Muốn giải quyết các chủng sinh phải dùng một ngôn ngữ chung, hoặc đã học trước khi được gởi đến, hoặc phải được học trong những lớp dành riêng của trường, trước khi chính thức theo học các môn của trường. Nhưng ở đây các chủng sinh đều thuộc những quốc gia lúc đó văn tự đều theo lối viết đặc biệt, khác hẳn lối viết theo vần La ngữ. Trừ những chủng sinh nói tiếng Bồ Đào Nha viết theo vần La ngữ, người Trung Hoa theo lối viết hình tự của chữ Hán, người Việt chữ Nôm hoặc chữ Hán. Còn người Xiêm lối viết chữ Phạn Bali. Trong thư gởi các Bề trên chủng viện truyền giáo ở Paris, cha Langlois viết : “Người ta đã trao cho tôi những học trò không biết đọc vần La ngữ A, B, không biết thưa kinh giúp lễ cũng không biết một ngoại ngữ Tây Phương nào. Còn sách để dạy người ta đưa cho tôi một cuốn sách học vỡ lòng tiếng Latinh và tiếp Pháp, với cuốn tự điển của cha Đắc Lộ chỉ có thể dùng cho các thừa sai đã thông thạo La ngữ, chứ không thể dùng nó mà học La ngữ được…” Biết bao vấn đề mà cha Langlois phải giải quyết : khác tiếng nói lại không biết một ngôn ngữ chung, trình độ học thức để theo học không có gì, hoặc nữa tuổi đã cao (nhiều chủng sinh đã tới 40 tuổi), lại thiếu sách học…

Nhưng cha Langlois đã vượt thắng những khó khăn đó, vì cha có khiếu học tiếng. Đã thông thạo tiếng Ý nên học tiếng Bồ Đào Nha cũng không khó lắm. Hơn nữa biết mình sẽ được chỉ định để điều khiển Trường Chung, nên cha đã chuyện lo học thêm hai thứ tiếng Việt và Thái, ngay từ năm 1669, khi đến kinh đô Yuthia. Bắt đầu cha học tiếng Thái và sau một thời gian, cha đã biết đọc biết viết khá thông thạo, còn nói và hiểu cũng tạm được. Riêng tiếng Việt thì trong có ít tháng, cha đã giải tội được cho người xứ Nam, biết đọc, biết viết và giải thích Phúc Âm bằng tiếng Việt.

Tiếp theo cha còn phải giải quyết vấn đề sách học hợp cho trình độ sơ khởi của các chủng sinh. Cha viết tiếp : “Trước hết tôi phải dịch quyển vỡ lòng tiếng Pháp ra tiếng Viêt, rồi làm một cuốn tự điển La-Việt khá đầy đủ… Tôi cũng dịch cuốn “Phương pháp mới để học dễ dàng các nguyên tắc La ngữ” (do nhà in Claude Tibaut ấn hành) ra tiếng Việt. Hiện tại các học trò của tôi đều có bản viết tay.”

Ngoài ra cha Langlois còn dịch ra tiếng Việt, cũng như cha Laneau dịch ra tiếng Thái, cuốn sách truyện các Thánh và cuốn cắt nghĩa Phúc Âm các ngày Chúa nhật, để cho các chủng sinh dùng làm sách đạo đức cũng như cho giáo dân đọc. Các cha mong muốn có một máy in ở Thái Lan để in các sách đó.

Nhờ đó các khó khăn được san bằng và Trường Chung bắt đầu tiến triển theo đà sống mới. Cha Langlois chia các chủng sinh ở các nơi gởi đến làm ba lớp khác nhau, để theo học trong ba lớp dự bị tạm gọi là tiểu chủng viện. Một lớp cho các chủng sinh nói tiếng Việt, đông hơn cả, do cha Langlois điều khiển. Một lớp cho các chủng sinh muốn nói tiếng Thái Lan do một giáo dân bản xứ điều khiển. Còn lớp thứ ba gồm các chủng sinh nói tiếng Bồ Đào Nha, Trung Hoa, Nhật, Ấn Độ… Sau không đầy ba năm các chủng sinh này đã có thể theo học các lớp triết học và thần học của đại chủng viện. Đại chủng viện của cha Langlois lúc đó có một thầy phụ phó tế do Áo Môn gởi tới, đã 42 tuổi, 5 thầy đã chịu các chức nhỏ và 6 thầy đã chịu các phép cắt tóc, tất cả đều là người xứ Nam, một thầy người Tenessarim và 20 thầy thuộc các quốc gia khác nhau.

Qua những cố gắng để chấn chỉnh và xây dựng này, người ta đã có thể nói Trường Chung ở Thái Lan đã có một tình trạng không thua kém những đại chủng viện bên Tây Phương được thành lập theo tinh thần cải cách của công đồng Trentô. Giai đoạn đi đến hoàn bị đã bắt đầu và nó sẽ tiếp tục tiến lên với sự săn sóc của Đức Cha Lambertô de la Motte.

 

2. Những hoạt động khác của Đức Cha Lambertô de la Motte

Thành lập các trụ sở thừa sai và Trường Chung ở kinh đô Thái Lan, tuy là hoạt động chính yếu, nhưng không phải là duy nhất của Đức Cha Lambertô de la Motte. Trong chương trình 1667 mà Đức Cha đã hoạch định, ngoài việc thành lập một chủng viện, cũng là trường chung cho các quốc gia khác nhau, có thể nhận được 100 chủng sinh, ngài còn muốn lập một hội dòng cho nhiều trinh nữ nhỏ bé, nghĩa là một dòng nữ cho người bản xứ và một bệnh viện. Đức Cha cho rằng trong ba chương trình trên đây thì bệnh viện sẽ là vấn đề “đẹp mắt triều đình Thái Lan hơn cả.”

Việc thành lập Trường Chung đã thực hiện khả quan. Còn bệnh viện Đức Cha đã cho làm một chẩn y viện nhỏ bên cạnh Trường Chung để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Chỉ còn lại chương trình thành lập một dòng nữ cho dân bản xứ là ngài chưa thực hiện được. Chương trình này ngay saui khi kinh lượt lần nhất địa phận Đàng Trong trở về Thái Lan năm 1672, Đức Cha đã nghĩ đến. Ngài đã may mắn “gặp một số khá đông là người nữ, có đủ khả năng và điều kiện để ngài thực hiện chương trình, và họ đã sống chung với nhau theo tinh thần cộng đồng.” Đức Cha Lambertô de la Motte đã dựng cho họ một tu viện và thảo cho họ một bản luật, tương tự như bản luật cho các chị em dòng Mến Thánh Giá, mà Đức Cha đã lập ở địa phận Đàng Ngoài và rồi ở địa phận Đàng Trong, trong hai chuyến kinh lược mới đây ở hai địa phận đó.

Sau đó Đức Cha Lambertô de la Motte nghĩ đến việc đặt quyền quản trị của Giám mục đại diện Toà Thánh đối với các thừa sai dòng ở Thái Lan. Với sắc chỉ “Như ta đã nhận được” (Sicut accipimus), các ngài đã được quyền uỷ nhiệm của Toà Thánh trên đất Thái Lan và sắc “Những người thám hiểm” (Speculatores) đặt các thừa sai dòng dưới quyền coi sóc của các ngài.

Ngày 22-10-1672, Đức Cha sai cha Phêrô Langlois và Gioan Courtaulin, thừa sai Pháp mới tới Thái Lan, đến trao cho các dòng Tên xem sắc “Những người thám hiểm” của Toà Thánh. Cha Tissanier từ năm 1670 được chỉ định làm Bề Trên các cha dòng Tên ở kinh đô Thái Lan thay cha Valguàneira được cử làm Bề Trên kinh lược các địa sở của tỉnh dòng. Các cha dòng Tên trả lời là các cha không được phép nhận một sắc lệnh nào của Toà Thánh không gởi qua Toà Chưởng Ấn của Quốc vương Bồ Đào Nha. Qua nhà của các cha dòng Đa Minh, các cha cũng nhận được câu trả lời tương tự là các cha còn phải chờ lệnh ở Goa. Trung thành một cách mù quáng với Quốc vương Bồ Đào Nha, các cha cả hai dòng đều cho rằng công nhận sắc của Đức Thánh Cha Clêmentê IX là các cha phản nghịch với Quốc vương.

Đức Cha để một thời gian cho các cha dòng suy nghĩ, sau đó ngài kết án không cho các cha làm các phép. Nhưng các cha dòng cũng không tuân. Vào ngày 24-11-1672, sau khi đã thu thập hết cả hồ sơ về kết quả việc tuyên bố sắc lệnh “Những người thám hiểm” cho các thừa sai dòng, Đức Cha Lambertô de la Motte đã làm một tờ trình về Bộ Truyền Giáo. Ngài yêu cầu các Đức Hồng Y dùng phương dược hữu hiệu để chấm dứt tình trạng chia rẽ trầm trọng và tai hại ở các địa sở truyền giáo Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong. Hoặc là các Hồng Y ra lệnh gọi các Giám mục đại diện Toà Thánh và các thừa sai của các ngài trở về. Hoặc các vị ra lệnh cho các thừa sai dòng Tên phải ra khỏi các khu vực đã trao cho các Giám mục quản trị. Còn nếu các Hồng Y không dám giải quyết theo đường lối cứng rắn ấy, thì xin các vị ban ba quyết nghị sau đây. Trước hết, cấm ngặt Quốc vương Bồ Đào Nha, Đức Tổng Giám mục hay Kinh sĩ Hội ở Goa, các Giám mục và các vị có quyền ở các địa phận thuộc quyền bảo trợ, như các cha chính địa phận, các Bề Trên kinh lược, hoặc cha chính đại diện, không được thi hành bất cứ quyền hành gì, trong các địa sở của các Giám mục đại diện Toà Thánh, Đàng Ngoài, Đàng Trong và Trung Hoa. Tiếp theo là cấm các vị ấy không được truyền một chức nào cho những tu sĩ nguyên quán ở các địa sở thuộc quyền quản trị của các Giám mục đại diện. Cuối cùng là tuyên bố các Giám mục đại diện, các thừa sai của các ngài, các linh mục bản quốc thuộc quyền các ngài, cũng như các thầy giảng, các giáo hữu ở trong nhà các ngài, đều không dưới quyền toà điều tra ở Goa và các uỷ viên của toà ấy.

 


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương