LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA


Cuộc công cán của cha Carôlô Sévin ở Paris (1672)



tải về 1.47 Mb.
trang18/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21

1. Cuộc công cán của cha Carôlô Sévin ở Paris (1672)

Trở lại Paris, cha Carôlô Sévin nhận thấy chủ trương của các cha trong Ban Giám Đốc Chủng Viện truyền giáo vẫn không thay đổi. Cũng như ngày Đức Cha Pallu ra đi, các cha vẫn muốn là các Giám mục đại diện xử đãi rất ôn hoà với người Bồ Đào Nha và nhất là với các cha dòng Tên. Với bức thư đưa tin về những sự kiện xảy ra ở các địa sở truyền giáo của Đức Cha Phanxicô Pallu, cha Carôlô Sévin cũng cố gắng trình bày cho các cha trong Ban Giám Đốc hiểu rõ sự ngược đãi của người Bồ Đào Nha đối với các thừa sai cũng như đe doạ của họ đối với các Giám mục đại diện, bắt giải về Goa, Lisbonne. Đang khi đó, ở trong các địa sở truyền giáo, các thừa sai cố chấp từ chối không nhận quyền các Giám mục đại diện, gây chia rẽ tai hại trong các giáo đoàn. Phe các cha dòng tìm cách phá hoại hoạt động của các cha thừa sai Pháp và của các cha Việt. Nhưng với tất cả những cố gắng đó, cha Carôlô Sévin vẫn không làm cho các cha trong Ban Giám Đốc thay đổi thái độ và chủ trương của các ngài. Trước đây các cha bất mãn với thái độ cứng rắn của Đức Cha Lambertô de la Motte và bức thư kết án của ngài đối với các cha dòng. Lần này, các cha cũng bất mãn với cả Đức Cha Phanxicô Pallu đã theo Đức Cha Lambertô de la Motte và bào chữa cho chủ trương cứng rắn của ngài. Trong thư gửi cho Đức Cha Phanxicô Pallu, ít lâu sau khi cha Carôlô Sévin trở lại Paris, cha Fermanel còn trách Đức Cha đã dễ tin những lời tường thuật của cha Luigi Chevreuil trong cuộc bị bắt giam ở Cao Miên và giải về Goa.

Ở Paris, bức thư luân lưu của Đức Cha Lambertô de la Motte tố cáo việc cac scha dòng Tên buôn bán ở Thái Lan, năm 1667, vẫn còn bị đem ra mổ xẻ và kết án. Không những các cha Ban Giám Đốc Chủng Viện truyền giáo Paris mà tất cả các cha dòng Tên cũng lấy làm khó chịu và bực tức vì bức thư ấy. Theo họ, bức thư luân lưu này không chỉ hạn hẹp giữa Đức Cha Lambertô de la Motte và các cha dòng Tên Bồ Đào Nha ở Thái Lan, mà liên hệ đến toàn thể dòng Tên, vì trong đó Đức Cha đã chỉ trích tinh thần của dòng đã bị sa sút với nhứng chủ trương quá rộng rãi.

Ngày 28-11-1672, Đức Hồng Y de Bouillon tổ chức một cuộc hội họp ở dinh của ngài, có mặt cha Carôlô Sévin, các cha trong Ban Giám Đốc của Chủng Viện truyền giáo Paris và cha Bề Trên tỉnh dong các cha dòng Tên ở Paris, cha Gioan Pinetti. Đức Hồng Y De Bouillon là một người hay có thiên kiến và độc đoán. Ngài được Đức Thánh Cha Clêmentê IX đặt lên làm Hồng Y năm 1669, tuổi còn trẻ. Ngài cũng mời Guillaume de Lamoignon, Chủ tịch Quốc hội Pháp tới dự. Cũng như Đức Hồng Y De Bouillon, ông này cũng là bạn thân của các cha dòng Tên.

Sau khi nghe cha Carôlô Sévin bào chữa cho Đức Cha Lambertô de la Motte và bản buộc tội của cha Gioan Pinetti, cả hai đều kết án bức thư luân lưu năm 1667 của Đức Cha Lambertô de la Motte, cho là một “bức thư có tính cách thoá mạ hơn là phục vụ” và yêu cầu cha Pinetti viết thư về cha Bề Trên dòng Tên Phaolô Oliva để ngài khuyên bảo các cha dòng nên làm hoà, bỏ sự chống đối. Có lẽ Đức Cha Lambertô de la Motte cũng không ngờ rằng, thiện chí sửa chữa những tệ lạm của các cha dòng ở các khu vực truyền giáo, đã gây ra những phản ứng mạnh liệt như thế ở bên trời Âu. Cũng may mà cha đứng đầu Ban Giám Đốc Chủng Viện truyền giáo Paris lúc đó là cha Gazil, người chủ trương chính sách bắt tay hoà đàm, nên vẫn giữ được thịnh tình của Đức Hồng Y De Bouillon và ông Chủ tích Quốc hội Pháp Guillaume de Lamoignon đối với Hội truyền giáo.

Một ít ngày sau cuộc hội họp trên đây, các cha trong Ban Giám Đốc đã nhờ Đức Hồng Y de Bouillon chuyển lên nhà vua Pháp, bức thư yêu cầu của Đức Cha Phanxicô Pallu, mà cha Calôrô đã đưa từ xứ truyền giáo về, xin nhà vua bảo vệ các Đức Giám mục đại diện và các thừa sai Pháp bị người Bồ Đào Nha bách hại ở các địa sở truyền giáo.

Lúc đó, liên lạc ngoại giao giữa nước Pháp và Bồ Đào Nha đang qua một giai đoạn khá tế nhị, không cho phép Vua Louis XIV can thiệp với Dom Pedro nhà vua Bồ Đào Nha một cách cứng rắn. Từ tháng 04-1672, nước Pháp chó chiến tranh với Hoà Lan, nên cần phải lôi kéo Bồ Đào Nha về phe mình. Vào giữa năm 1672, Đại sứ Pháp là d’Aubeville đã lôi kéo được Dom Pedro ký liên minh với nước Pháp. Nhưng sau đó nhà vua Bồ Đào Nha lại bội ước. Dầu sao, Louis XIV vẫn còn nuôi hy vọng là Pedro sẽ bắt tay với mình để đánh Hoà Lan, vì thế không muốn phiền trách nhà vua Bồ Đào Nha về những hành động bạo ngược của các nhân viên Bồ Đào Nha ở vùng Đông Ấn, đối với các Giám mục đại diện và các thừa sai Pháp. Tuy vậy, Đức Hồng Y de Bouillon cũng yêu cầu Louis XIV giao cho đại sứ d’Aubeville sứ mệnh đòi hỏi nhà vua Bồ Đào Nha, xử đãi một cách tử tế hơn, đối với các Giám mục đại diện và các thừa sai Pháp.

Sau khi gặp Đại sứ Pháp, Dom Pedro bàn hỏi với hội đồng cố vấn và trả lời là “không thể thay đổi các mệnh lệnh đã ra chống lại các Giám mục và các Giáo sĩ của các ngài”. D’Aubeville đáp lại là nhà vua Pháp không muốn yêu cầu nhà vua Bồ Đào Nha từ bỏ quyền bảo trợ của mình, trong việc đè nghị và chỉ định các Giám mục ở các Toà thuộc quyền nhà vua trong vùng Đông Ấn. Nhà vua Pháp chỉ muốn bảo vệ các kiều dân của mình bị Phó vương ở Goa bạc đãi một cách tàn nhẫn. Yêu cầu nhà vua Bồ Đào Nha, từ nay đưa các vấn đề đó về Toà Thánh để xin phân xử, mà không cho phép Phó Vương cũng như Toà điều tra ở đây, dùng những biện pháp đàn áp đối với các Giám mục và thừa sai Pháp. Các ngài hoạt động trong những khu vực mà Toà Thánh đã trao cho các ngài, cũng như những khu vực có người Pháp đến buôn bán mà các vị đó sẽ là tuyên uý của họ.

Qua chủ trương trên đây, Louis XIV và Đại Sứ của ông, muốn nói cho Dom Pedro là họ không công nhận quyền duy nhất của Quốc vương Bồ Đào Nha, trong tât scar các khu vực truyền giáo của vùng Đông Ấn. Quốc vương Bồ Đào Nha chỉ có quyền bảo trợ đối với những khu vực mà họ đã chiếm làm thuộc địa. Còn những nơi khác, chỉ có quyền ở những trại của các lái buôn Bồ Đào Nha hoặc những khu vực dành cho những công ty thương mại của họ. Cũng như nhà vua Pháp cũng có quyền sai thừa sai đến trông coi các lái buôn Pháp ở những trại và những khu vực của công ty của họ.

 

2. Những khó khăn cha Carôlô Sévin gặp trong cuộc công cán ở Rôma

Vào đầu năm 1673, cha Carôlô Sévin đã qua Rôma để bắt đầu cuộc công cán ở đây. Đứng đầu Giáo Hội lúc đó là Đức Thánh Cha Clêmentê X, già đã 80 tuổi, lên thay thế Đức Thánh Cha Clêmentê IX từ năm 1670. Còn Bộ Truyền Giáo cũng như thời kỳ của Đức Cha Phanxicô Pallu đến Rôma công cán, Đức Cha thư ký vẫn là Baldeschi, rất hăng hái với công cuộc truyền giáo và trung thành với đường lối của Đức Cha Ingoli, vị thư ký tiên khởi của Bộ vạch ra từ lúc đầu. Còn Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo là Đức Hồng Y Paluzzi Altieri thay cho Đức Hồng Y Antôn Barbarini, chết năm 1671. Ngài bận nhiều công việc, nên không có nhiều thời giờ để khảo cứu vấn đề các Giám mục đại diện. Công việc tất cả đều ở Đức cha thư ký.

Còn về liên lạc ngoại giao giữa các quốc gia với Toà Thánh thì Đại sứ nước Pháp lúc đó là Phanxicô Annibal d’Estrées, thay cho công tước de Chaulmes từ năm 1672. Nhưng chỉ huy các công việc ngoại giao chính là Đức Hồng Y Cesar d’Estrées, anh của công tước Phanxicô  Annibal d’Estrées. Ngài tài giỏi, nhưng tính khí nóng nảy và hăng hái. Rất có thể là công việc của các Giám mục đại diện Toà Thánh, sẽ không được ngài ủng hộ, vì ngài có nhiều liên lạc chặt chẽ với Quốc vương Bồ Đào Nha. Khi Quốc vương Bồ Đào Nha nối lại liên lạc ngoại giao với Toà Thánh, đã có ý định đặt Đức Hồng Y Cesar d’Estrées làm Hồng Y bảo trợ cho quốc gia Bồ Đào Nha. Nhưng may mắn cho cha Carôlô Sévin là trong thời kỳ cha công cán ở Rôma (1673-1674), Đức Hồng Y Cesar d’Estrées vẫn chưa làm Hồng Y bảo trợ cho quốc gia Bồ Đào Nha. Mãi đến 1676, ngài mới nhận chức vụ đó và sau này Đức Cha Phanxicô Pallu trong chuyến công cán ở Rôma (1677-1680) đã gặp những khó khăn.

Đại sứ của Bồ Đào Nha lúc đó là Phanxicô de Souza. Năm 1670, ông đã thành công trong việc xin Toà Thánh phê chuẩn đề nghị của Quốc vương đặt những Giám mục ở những Toà còn trống ngôi. Ngoài ra, ở vùng Đông Ấn, ông cũng xin được Toà Thánh phê chuẩn đề nghị những Giám mục ở Goa và Meliapour. Toà Thánh chỉ không phê chuẩn những đề nghị những Giám mục ở Áo Môn và Malacca. Ngày 22-12-1670, ông cũng xin được Toà Thánh bản đoản sắc “Về khu vực” (Cum sicut Providentissimus Deus parte). Sắc này công nhận lại những quyền lợi mà các Đức Giáo Hoàng trước đây đã ban cho Quốc vương Bồ Đào Nha, khi trao sứ mạng bảo trợ công việc truyền giáo ở vùng Đông Ấn. Tuy vậy, Đại sứ Phanxicô de Souza vẫn còn lo ngại về vấn đề các Giám mục đại diện được sai đến những khu vực truyền giáo ở vùng Đông Ấn. Ngày 14-03-1671, ông đã gởi một bản ký ức cho Đức Hồng Y Paluzzi Altieri, nhắc lại những quyền lợi của Quốc vương Bồ Đào Nha ở vùng Đông Ấn.

Nhưng cha Carôlô Sévin không phải lo ngại về người Bồ Đào Nha, một khi Bộ Truyền Giáo vẫn luôn luôn trung thành với con đường đã hoạch định và luôn sẵn sàng ủng hộ, bênh vực các Giám mục đại diện của Bộ. Ngay sau khi Đức Cha Phanxicô Pallu bỏ Rôma trong chuyến công cán 1667-1669, Bộ Truyền Giáo vẫn tiếp tục ban những sắc lệnh để bênh vực các Giám mục đại diện.

Ngày 04-08-1670 các Đức Hồng Y Bộ Truyền Giáo phê chuẩn bản phán quyết của Đức Cha Lambertô de la Motte đối với 03 kết luận rút trong tác phẩm của Antôn Quintanadvenas : đó là chủ trương các cha dòng có quyền làm bõ đỡ đầu thêm sức, các ngài cũng có quyền ban phép thêm sức cho giáo dân, và có quyền ban các chức nhỏ cho các giáo sĩ trong dòng. Chúng ta nhớ lại, vào tháng 05-1666, Đức Cha Lambertô de la Motte đã ngăn cản không cho cah dòng Đaminh tên là Fragoso, uỷ viên của Toà điều tra ở Goa, muốn làm bõ đỡ đầu trong cuộc lễ thêm sức ở kinh đô Thái Lan. Cha Fraroso phản đối và minh chứng mình có quyền, dựa vào chủ trương của Antôn Quintanadvenas, tác phẩm ấn hành năm 1645. Nhưng Đức Cha Lambertô de la Motte trưng ra những sắc lệnh của Bộ Truyền Giáo đã rút lại những quyền đó vào năm 1656. Dầu vậy, cha Fragoso vẫn ra lệnh rút phép thông công Đức Cha Lambertô de la Motte ngày 30-11-1666.

Sau đó, Bộ Truyền Giáo cũng xin Bộ Thánh vụ kết án hành động của cha Fragoso đối với Đức Cha Lambertô de la Motte ngày 30-11-1666. Bộ Thánh vụ đã truyền cho vị đứng đầu Toà điều tra ở Goa ra lệnh cho cha dòng Fragoso phải bỏ kinh đô Thái Lan. Bộ Truyền Giáo cũng gởi cho Đức Cha Lambertô de la Motte một đoản sắc (Colestibus et apostolicis) ban hành ngày 07-11-1671 báo tin sự trừng phạt của Bộ đối với cha Fragoso uỷ viên của Toà điều tra ở Goa.

Vừa mới tới Rôma, cha Carôlô Sévin đã trình lên Bộ những bản tường trình của Đức Cha Phanxicô Pallu. Ngày 31-07, Đức Cha Urbanô Cerri, phó thư ký Bộ Truyền Giáo, đã trình lên các Đức Hồng Y của Bộ Truyền Giáo một bản tóm lược những điều mà Bộ cần giải quyết kèm theo những đề nghị. Đồng thời, cha Carôlô Sévin cũng làm một bản tóm lược những lý luận, mà cac cha dòng Tên đưa ra để bênh vực quyền bảo trợ Bồ Đào Nha và dựa vào đấy, để từ chối nhận quyền của các Đức Giám mục đại diện. Trong bản đó, cha đã tố cáo các cha Luigi Gama, Bề Trên kinh lược tỉnh dòng Nhật Bản, cha Carôlô della Rocca, cha Đôminicô Fuciti và Philippô Marini, các cha cho rằng, Đức Giáo Hoàng sai các Đức Giám mục đại diện đến các khu vực truyền giáo miền Đông Ấn, mà không có sự ưng thuận của Quốc vương Bồ Đào Nha, là phạm đến quyền bảo trợ của nước đó. Quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha, bao trùm tất cả những khu vực truyền giáo ở vùng Đông Ấn, không những ở những nơi thuộc quyền Quốc vương Bồ Đào Nha, mà cả những nơi không thuộc quyền nữa. Vì thế Toà Giám mục ở Malacca có giáo quyền đối với khu vực truyền giáo ở Thái Lan, và ở xứ Nam. Còn Toà Giám mục ở Áo Môn có giáo quyền đối với xứ Bắc và nước Trung Hoa. Các sắc lệnh Đức Thánh Cha Alexandrê VII ban cho các Giám mục đại diện, trong đó, không nói gì đến việc uỷ quyền của hai Toà Giám mục nói trên, nên không có giá trị và các hành động của các Giám mục ở các nơi trên đây đều không thành.

Để bào chữa lại những lời tố cáo trên đây của cha Carôlô Sévin, dòng Tên đã cử hai cha Intorcetta và Jusserte, hai thừa sai ở tỉnh dòng Nhật Bản lúc đó đang có mặt ở Rôma. Hai cha sẽ làm một bản bào chữa gửi lên các Đức Hồng Y của Bộ. Hai cha chỉ nói qua đến quyền bảo trợ, mà nhấn mạnh đến những tệ lạm mà thư Đức Cha Lambertô de la Motte đã tố cáo các cha dòng ở vùng Đông Ấn.

 

3. Những kết quả của cha Carôlô Sévin đã thu lượm được

Sau khi xem xét bản tường trình của Đức Cha Phanxicô Pallu về tình trạng ở các địa sở truyền giáo cũng như bản tố cáo của cha Carôlô Sévin về những chủ trương của các cha dòng đối với quyền bảo trợ, để từ chối nhận quyền các Giám mục, đồng thời với bản bào chữa của hai cha dòng Tên, các Đức Hồng Y Bộ Truyền Giáo cho rằng, có thể gác ra ngoài các tệ lạm của các cha dòng, mà các ngài đã kết án trong đoản sắc “Nỗi lo âu” (Sollicitudo). Lần này, các ngài sẽ chú trọng việc kết án những chủ trương sai lầm về quyền bảo trợ chống lại quyền của các Giám mục đại diện. Lần lượt các sắc lệnh được ban hành, để hạn định quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha, hoặc kết án những hành động chống lại với quyền các Giám mục đại diện.

Ngày 02-10-1673, một sắc lệnh của Hội đồng các Đức Hồng Y Bộ Truyền Giáo được ban hành, và tuyên bố là tất cả các đoản sắc của các Đức Giáo Hoàng, đều có giá trị pháp lý, trong toàn cõi Đông Ấn, mà không cần sự ưng chuẩn của Quốc vương Bồ Đào Nha cũng không cần chuyển qua Toà Chưởng Ấn Lisbonna. Như thế, đối với tất cả những đoản sắc đã ban hành trước đây, hoặc sẽ ban hành sau này, đều bó buộc tất cả mọi giáo sĩ cũng như giáo dân đều phải tuân phục. Với sắc lệnh này, các Đức Hồng Y Bộ Truyền Giáo đã kết án chủ trương của các cha dòng Tên cho rằng, các sắc lệnh của Đức Thánh Cha ban quyền cho các Giám mục đại diện, vì không sự ưng thuận của Quốc vương Bồ Đào Nha, và không chuyển qua Toà Chưởng Ấn Lisbonna, nên khong có giá trị và khong được tuân theo trong khu vực thuộc quyền bảo trợ.

Ngày 10-11-1673, Đức Thánh Cha Clêmentê X đã ban hành đoản sắc “Tiếng kêu đã tới tai Ta” (Cum ad Aures) khiển trách các uỷ viên Toà điều tra ở Goa về 3 điều : việc cha dòng Fragoso, uỷ viên của Toà điều tra đã kết án Đức Cha Lambertô de la Motte, việc bắt giam cha Luigi Chevreuil, thừa sai Pháp và việc chưa chịu thi hành mệnh lệnh trục xuất cha Fragoso ra khỏi đất Xiêm (theo đoản sắc Coelestibus et apostolices, ngày 12-09-1671). Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở sứ mệnh của Toà điều tra là chống lại những chủ trương và những hành động có phương hại đến việc truyền bá đức tin và bảo vệ đức tin được luôn luôn tinh tuyền. Vì thế, không có quyền xét xử vấn đề quyền hành đối với những thừa sai mà Toà Thánh sai làm đại diện ở miền Đông Á. Còn ở vùng Đông Ấn, tại những khu vực truyền giáo không thuộc quyền thế tục của Quốc vương Bồ Đào Nha, các Giám mục đại diện và các thừa sai của ngài, không luỵ thuộc giáo quyền của Toà điều tra ở Goa, vì thế, cũng không có quyền xét xử công việc của các ngài trong những khu vực đó.

Đối với Toà Tổng Giám mục và kinh sĩ hội ở Goa, trong đoản sắc khác (Cum per litteras) ban hành cùng ngày, Đức Thánh Cha Clêmentê X khiển trách các ngài, đã dám nghi ngờ giá trị những sắc lệnh của Toà Thánh đã ban cho các Giám mục đại diện. Đức Thánh Cha cũng lấy làm bỡ ngỡ vì các ngài đã dám sai uỷ viên Nicola de Motta tới kinh đô Thái Lan, đòi hỏi Đức Cha Lambertô de la Motte, Giám mục đại diện của Toà Thánh, phải trình các giấy tờ và sắc lệnh uỷ quyền của Toà Thánh ban cho ngài. Coi Đức Cha như người thuộc quyền của mình, chứ không phải đại diện của Toà Thánh. Đức Thánh Cha hy vọng rằng, hành động trên đây của kinh sĩ hội ở Goa, chỉ là một hành động vì thiếu hiểu biết luật pháp, chứ không phải cố tình chống lại vị đại diện của Toà Thánh. Cuối cùng Đức Thánh Cha cũng cấm Toà Giám mục ở Goa, không được thi hành một quyền nào, ngoài khu vực đặt dưới quyền phần đời của Quốc vương Bồ Đào Nha, nhất là đối với các Giám mục đại diện và các thừa sai của ngài.

Mấy tuần lễ sau, ngày 22-12-1673 Đức Thánh Cha Clêmentê X lại ban hành sắc lệnh khác (Solicitudo pastoralis officii) gởi cho Toà điều tra ở Goa. Trong đó, Đức Thánh Cha rút lại tất cả những đặc ân mà các Đức Giáo Hoàng trước đây, nếu đã ban cho Toà này được có quyền cả trên những khu vực truyền giáo dưới quyền các vua chúa lương dân trong vùng Đông Nam Á. Sau khi đã nhắc lại những hành động sai lầm của Toà điều tra ở  Goa, Đức Thánh Cha hạn định quyền của Toà này trong khu vực dưới quyền phần đời của Quốc vương Bồ Đào Nha.

Còn về giáo quyền của Toà Tổng Giám mục ở Goa, ngày 23-12-1673, Đức Thánh Cha ban hành sắc lệnh Illius Qui Caritas, cấm tất cả các Giáo sĩ, triều hay dòng với vạ tuyệt thông, nếu nhận hoặc xin với hàng giáo phẩm Bồ Đào Nha, đã thành lập ở vùng Đông Ấn, các loại chứng thư uỷ quyền làm cha chính địa phận, ở những địa sở truyền giáo, mà Toà Thánh đã đặt các Giám mục đại diện đứng coi sóc.

Với những sắc lệnh trên đây, Đức Thánh Cha Clêmentê đã kết án, những chủ trương sai lầm cho rằng quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha bao trùm không những các khu vực thuộc quyền nhà vua, mà cả những khu vực thuộc quyền các vua chúa lương dân. Cũng ngày 23-12-1673, Đức Thánh Cha còn ban hành sắc lệnh Injuncti Nobis Coelitus cho phép các Giám mục đại diện, các thừa sai của các ngài cũng như các giáo dân giúp việc các ngài, không phải qua Lisbonna lấy tàu để đến các khu vực truyền giáo, khi sai các vị đến vùng Đông Á, đã căn dặn các ngài không nên qua Lisbonna lấy tàu, vì thế nào cũng sẽ bị làm khó dễ, mà phải dùng đường bộ hay phải lấy tàu của nước khác. Nhưng đến lúc này, chưa có một sắc lệnh nào huỷ bỏ điều bó buộc mà Quốc vương Bồ Đào Nha đã yêu cầu với Toà Thánh, là tất cả các thừa sai đến vùng Đông Ấn đều phải lấy tàu của Bồ Đào Nha ở Lisbonna. Đức Thánh Cha Clêmentê đã ban hành sắc lệnh, mà các Đức Thánh Cha, từ Urbanô VIIi ngại chưa ban hành. Bộ còn muốn bảo đảm hơn nữa, quyền hành của các Giám mục đại diện trong khu vực truyền giáo mà Bộ đã chỉ định cho các ngài. Đang năm 1674, Bộ lại yêu cầu Đức Thánh Cha Clêmentê X ban hành 02 sắc lệnh (In apostolicae dignitatis và Christianae religionis) ngày 07-06-1674, tuyên bố là các Giám mục đại diện và hàng Giáo sĩ của các ngài, cũng như khu vực truyền giáo đã đặt dưới quyền các ngài, được hoàn toàn tự do, không phải luỵ thuộc vào một giáo quyền nào của các Giám mục vùng Đông Ấn, cho đến khi có quyết định hay mọi đặc ân đã ban hành trước đây, trái với vấn đề này, đều bị coi là bãi bỏ. Tất cả những ai làm cản trở việc thi hành sẽ bị vạ tuyệt thông.

Đồng thời Đức Thánh Cha Clêmentê cũng ban hành ngày 08-06-1674, một sắc lệnh (Cum dudum felicis) nhắc lại vạ tuyệt thong của Đức Thánh Cha Urbanô VIII, năm 1633, phạt những ai tìm cách ngăn cản không cho các thừa sai dòng vào vùng Đông Ấn và lần này áp dụng cho các thừa sai dòng vào vùng Đông Ấn và lần này áp dụng vào các Giám mục đại diện, các thừa sai của các ngài cũng như các giáo dân theo giúp việc các ngài. Như thế, từ nay, nếu phó vương ở Goa cũng như các nhân viên tuỳ thuộc của ông, làm khó dễ các thừa sai của Bộ Truyền Giáo, thì chắc chắn là sẽ bị vạ phạt trên đây.

Những sắc lệnh trên đây, được ban hành để chống lại những chủ trương sai nhầm về quyền bảo trợ của quốc vương Bồ Đào Nha, cũng như kết án hành động của giáo quyền, cũng như tục quyền của người Bồ Đào Nha ở vùng Đông Ấn, chống lại quyền các Giám mục đại diện. Ngoài ra Toà Thánh còn ban hành hai sắc lệnh khác, để giải quyết một cách cứng rắn, sự ngoan cố của các cha dòng Tên, không chịu phục quyền các Giám mục trong khu vực đã trao cho các ngài coi sóc. Đó là 2 sắc lệnh “Vì mong muốn chính yếu” (Proecipua enim vero voluptate) ngày 10-11-1673 và “Toà Thánh Rôma” (Decet Romanum) ngày 23-12-1673.

Sắc lệnh thứ nhất “Vì mong muốn chính yếu” (Proecipua enim vero voluptate) Đức Thánh Cha Clêmentê X nhắc bảo các linh mục, các thầy giảng và các giáo dân Việt nam ở ngoài Bắc cũng như trong Nam, không nên tin nghe lối giải thích sai lầm của cha dòng Tên Philippô Marini đối với đoản sắc “Đã nhiều lần” (Cum ex aliis pluries) mà Đức Thánh Cha Alexandrô VIII đã ban hành vào năm 1665. Theo sự tố cáo của cha Carôlô Sévin thì cha dòng này đã dùng đoản sắc ấy làm khí giới chống lại quyền của các Giám mục đại diện và các cha chính của các ngài. Đức Thánh Cha Clêmentê V nói rõ ràng, trong tài liệu đó, không có lời nào ban đặc ân cho các thừa sai dòng Tên, hoạt động trong khu vực uỷ thác cho các Giám mục đại diện, mà không phải tuân phục quyền của ngài. Nếu ai giải thích khác đi là chống lại ý định của Toà Thánh.

Nhưng quan trọng hơn cả và cứng mạnh hơn cả là sắc lệnh “Toà Thánh Rôma” (Decet Romanum). Chính nhờ sắc lệnh này với những hình phạt và lệnh truyền cứng rắn, mà tất cả những sự chống đối quyền của các Giám mục đại diện được san bằng, trật tự và hoà bình được phục hồi, trong các địa sở truyền giáo ở Việt Nam và Thái Lan. Sau khi nhắc lại các tài liêu, Toà Chưởng Ấn Toà Thánh đã ban hành từ năm 1659, về quyền các Giám mục đại diện, sắc lệnh “Toà Thánh Rôma” (Decum Romanum), nhắc lại bản văn của sắc lệnh “Những người thám hiểm” (Speculatores) của Đức Thánh Cha Clêmentê IX, ấn định việc đặt các thừa sai dòng dưới quyền Giám mục đại diện của Bộ Truyền Giáo sai đến khu vực truyền giáo. Đức Thánh Cha Clêmentê X phàn nàn, vì có người đã dám hồ nghi giá trị của sắc lệnh trên đây, mà các Đức Giáo Hoàng đã lấy quyền Chúa ban cho các tông đồ mà ban hành. Để tránh những gương xấu có thể xảy ra lần nữa, Đức Thánh Cha tuyên bố huỷ bỏ tất cả đặc ân đã ban trước đây, cả những đặc ân đã ban cho các Quốc vương, nếu những đặc ân này chống nghịch lại những điều đã ấn định trong sắc lệnh mới này. Đức Thánh Cha cũng ra lệnh cho tất cả các hàng giáo phẩm vùng Ấn Độ và các Bề Trên các dòng, phải long trọng tuyên bố sắc lệnh này ở các nơi dưới quyền các ngài. Mội Bề Trên dòng phải làm giấy chứng nhận, mình đã nhận được sắc lệnh và cam đoan sẽ bắt buộc các tu sĩ dưới quyền mình tuân giữ tuyệt đối những điều đã ban trong sắc lệnh. Sau đó tức thời phải thông báo sắc lệnh này cho các tu sĩ của mình ở các nơi, bằng những đường lối đẻ có thể tới nơi cách nhanh chóng hết sức.

Cuối cùng, ngày 07-06-1674, Đức Thánh Cha lại ban hành sắc lệnh Quouniam Ea truyền cho các Giám mục ở vùng Ấn Độ, các cha dòng và các cha dòng Tên ở vùng đó, phải tuân theo tất cả các quyết định của các Đức Thánh Cha và các sắc chỉ của Bộ Truyền Giáo. Ai từ chối không chịu tuân phục, sẽ bị Bộ Truyền Giáo ra vạ phạt, tuỳ theo xét đoán của Bộ. Ngoài ra các cha dòng còn bị mất quyền phát biểu trong hội nghị của dòng mình.

Với những sắc lệnh bảo về quyền bính của các Giám mục đại diện, chống lại sự bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha và sự cố chấp của các thừa sai dòng, cha Carôlô Sévin còn nhận được những sắc lệnh ban hành, theo lời yêu cầu của các Giám mục. Ngày 23-12-1673, cùng một ngày ban sắc lệnh “Toà Thánh Rôma” (Decet Romanum), Đức Thánh Cha Clêmentê X cũng ban hành sắc lệnh “Sứ mệnh tông đồ” (Apostolatus officium), phê chuẩn bản luật công đồng thứ I địa phận Đàng Ngoài, do Đức Cha Lambertô de la Motte đứng đầu tổ chức vào tháng 02-1670, trong dịp kinh lược xứ Bắc. Theo lời đề nghị của Đức Cha Phanxicô  Pallu, Đức Thánh Cha cũng ban sắc “Quyền Toà Thánh Phêrô” (Super cathedram principis), đặt thêm cha dòng Đaminh người Trung Hoa tên là Grêgorio Lopez, làm Giám mục đại diện ở Nam Kinh, thay Đức Cha Inhaxio Cotolendi. Trước đó, ngày 25-10-1673, Đức Thánh Cha cũng ban một sắc lệnh (Alias Emanarunt) tiếp tục cho phép truyền chức các linh mục bản quốc dù các vị không thông thạo La ngữ. Trong sắc này Toà Thánh cũng từ chối yêu cầu của các Giám mục đại diện, theo sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phaolô V đã ban nằm 1625, cho phép dâng lễ mà được đội mũ như lối tế tự của Đông Phương, hơn nữa được dịch Kinh Thánh, sách lễ và sách nguyện ra tiếng Trung Hoa, Việt Nam để các linh mục được dùng trong phụng vụ theo tiếng bản quốc của họ.

Nhìn lại những sắc lệnh trên đây, chúng ta nhận thấy cuộc công cán của cha Carôlô Sévin được kết quả hoàn toàn mỹ mãn. Bộ Truyền Giáo nhất định ủng hộ và bảo về các Giám mục đại diện mà Bộ đã sai đến các khu vực truyền giáo. Lần này với những sắc lệnh rõ ràng, mà Bộ đã xin được với Đức Thánh Cha Clêmentê X, tất cả những chủ trương hoặc những quyền lợi gì của Quốc vương Bồ Đào Nha có thể chống lại với quyền của các Giám mục đại diện, đều bị huỷ bỏ hoặc bị phủ nhận. Sự cố chấp của các thừa sai dòng cũng được san bằng, với những biện pháp cứng mạnh để chấm dứt tình trạng chia rẽ tai hại trong Giáo Hội, nhất là ở địa phận Đàng Ngoài và Đàng Trong tại Việt Nam.

Sau hai năm ở Paris, và Rôma, vào tháng 09-1674, cha Carôlô Sévin lên đường trở về Thái Lan, lúc đó đang có chiến tranh giữa Pháp và Hoà Lan, cha Sévin, không thể theo đường thuỷ, phải dùng đường bộ vất vả và lâu ngày hơn. Ngày 03-11-1675, cha mới tới Surate, sau nhiều gian nguy gặp giữa đường. Cùng đi với cha Carôlô Sévin còn có cha Thomas, le Noir, de Clergues và Geffard. Ngày 23-06-1676, các cha tới kinh đô Thái Lan, sau gần 2 năm hành trình. Trong thư gởi cha Brisacier, cha Sévin viết : “Chúng tôi sung sướng được gặp Đức Cha hiệu thành Bêrytê vừa mới kinh lược địa phận Đàng Trong trở về ít lâu. Ngài đã để laijd dây cha Courtaulin để làm cha chính địa phận, cha Vachet, một thầy thuốc được trọng vọng ở xứ đó. Ngài đã gây được cảm tình với những vị quan lớn trong phủ Chúa xứ Nam. Còn Đức Cha hiệu thành Metellopolis (tức Đức Cha Luigi Laneau) thì hăng hái thi hành sứ mệnh của ngài. Đức Cha hiệu thành Heliopolis (Đức Cha Pallu) thì hiện nay đang ở Mễ Tây Cơ và có thể ngài sẽ được trở lại thăm nước Pháp.

 


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương