LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA


III. CÁC CHA DÒNG TÊN ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ QUYỀN BÍNH. TÌNH TRẠNG CHIA RẼ TRONG ĐỊA PHẬN ĐÀNG NGOÀI (1670-1675)



tải về 1.47 Mb.
trang17/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21

III. CÁC CHA DÒNG TÊN ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ QUYỀN BÍNH. TÌNH TRẠNG CHIA RẼ TRONG ĐỊA PHẬN ĐÀNG NGOÀI (1670-1675)

Sự có mặt của các cha dòng Tên ở xứ Bắc đã làm tăng thêm những thử thách của hai cha Phanxicô Deydier và Giacôbê de Bourges cũng như các linh mục Việt Nam và toàn thể giáo đoàn. Ngoài những thử thách bên ngoài, do những cuộc cấm cách, bắt giam và phiền nhiễu của các quan địa phương, lại thêm những thử thách bên trong do tình trạng chia rẽ của giáo đoàn. Các thừa sai dòng Tên nhất định không chịu nhận quyền của các Giám mục đại diện, mà Toà Thánh sai đến coi sóc địa phận. Mỗi bên lôi kéo các thầy giảng và giáo dân về phía mình, gây chống đối giữa hai phe.

Từ sau cuộc gặp gỡ giữa cha chính Phanxicô Deydier và cha dòng Tên Đôminicô Fuciti vào tháng 10-1669, không đi đến kết quả nào thì tình trạng chia rẽ trong địa phận mỗi ngày càng thêm nặng nề. Cha Đôminicô Fuciti vẫn tiếp tục lẩn tránh ở kinh đô, tìm cách thu phục thầy giảng và giáo dân về phía mình. Ngày 15-02-1671, lại thêm cha Philippô Marini.

 

1. Lập trường của cha Philippô đối với vấn đề quyền bính

Cha Philippô Marini, 13 năm trước đây, ngày 17-06-1658, đã bị Trịnh Tạc trục xuất cùng với cha Phanxicô Rangel, Giuse Agnese Carôlô delle Rocca, Banabê d’Oliveira và Phêrô Albier. Lần này cha trở lại xứ Bắc với tính cách Bề Trên tỉnh dòng Nhật Bản. Cha cương quyết bảo vệ quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha và lấy lại quyền chỉ huy giáo đoàn xứ Bắc về tay các thưa sai dòng Tên.

Trong chuyến công cán ở Rôma, năm 1663, cha Philippô Marini đã cố bênh vực quyền lợi của các thừa sai dòng Tên ở Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong, nêu cao những công trạng truyền giáo của các thừa sai ở hai nơi đó. Cha đã được Đức Thánh Cha Alêxandô ban sắc khen ngợi, tựa đề : “Đã nhiều lần” (Cum aliis phuries) ngày 31-03-1665. Dựa vào sắc này, cha chủ trương các thừa sai dòng Tên hoạt động truyền giáo ở Việt Nam có quyền đặc biệt. Các ngài tuỳ thuộc trực tiếp Bề Trên của dòng, không phải tuân phục quyền của các Giám mục đại diện Toà Thánh.

Chuyến tàu buôn Áo Môn đưa cha Philippô Marini vào xứ Bắc lần đó, lúc đến cửa sông Cái thì bị đắm, hàng hoá bị mất hầu hết. Còn cha, vì mang áo linh mục nên bị bắt giam. Lúc ấy lệnh cấm đạo đang được thi hành gắt gao ở tỉnh Nam. Quan trấn tỉnh Nam là người không ưa đạo, năm trước, 1670, đã bắt giam cha Phanxicô Deydier và 03 thầy giảng. Trong thời kỳ bị giam 06 tháng, cha Marini đã viết một bức thư bằng chữ Việt, dài 49 trang, gởi cho cha Phanxicô Deydier, cha trình bày lập trường của cha đối với quyền Giám mục đại diện Toà Thánh và quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha. Ngày 09-06-1671, thư đến tay cha chính Phanxicô Deydier, nghìa là 04 tháng sau khi cha Marini tới xứ Bắc ngày 15-02-1671.

Trong thư cha Giacôbê de Bourges gởi về Đức Hồng Y Azzolini vào cuối năm 1671, cha đã tóm lược lập trường của cha Philippô Marini và các thừa sai dòng Tên ở Áo Môn vào những điểm sau đây :

1. Đức Giáo Hoàng sai các Giám mục đại diện Toà Thánh và các thừa sai Pháp đến nước Trung Hoa, xứ Bắc, xứ Nam và nước Lào, mà không có sự ưng chuẩn của Quốc vương Bồ Đào Nha, là phạm đến quyền lợi của nhà vua.

2. Những sắc lệnh của Đức Thánh Cha nếu không gởi qua Toà Chưởng ấn của Bồ Đào Nha và không có chữ ký cũng như ấn dấu của nhà vua, thì những thừa sai ở những nước trên đây không được nhận.

3. Đặc quyền Toà Thánh đã ban cho Quốc vương Bồ Đào Nha trong việc cắt đặt và trợ cấp cho các giáo đoàn ở vùng Ấn Độ, bao trùm không những tất cả những khu vực mà Quốc vương Bồ Đào Nha đã chiếm cứ, mà cả những khu vực truyền giáo khác, trong những nước dưới quyền các vua chúa lương dân, dù ở đây Quốc vương Bồ Đào Nha không có một chút đất đai nào.

4. Chỉ được phép sai đến những nước trên đây, những người thừa sai Bồ Đào Nha hay những thừa sai chịu phục quyền Quốc vương Bồ Đào Nha.

5. Việc sai các Giám mục đại diện Toà Thánh và các thừa sai Pháp vào những nước trên đây là một việc làm bất hợp pháp, gian lận và có tính cách rõ ràng là một hành động xâm lăng.

6. Các sắc lệnh của Đức Thánh Cha Alêxandô VII mà Đức Giám mục hiệu thành Bêrytê (tức Đức Cha de lo Motte) đã cho tuyên bố ở xứ Bắc, là những sắc lệnh giả mạo.

7. Hay nếu không, thì những sắc lệnh thiếu sót, nhầm lẫn và không có giá trị, vì trong đó, không có khoản nói đến việc xoá bỏ giáo quyền của Toà Giám mục Áo Môn và những đặc quyền của Quốc vương Bồ Đào Nha.

Do đó, các thừa sai dòng Tên chủ trương là giáo quyền của Toà Giám mục Áo Môn đối với địa sở truyền giáo xứ Bắc vẫn còn tồn tại và là quyền duy nhất. Chỉ có linh mục quản trị của Toà Giám mục Áo Môn mới có quyền ban quyền giáo sĩ cho các thừa sai ngoại quốc hay người bản xứ. Cũng theo cha Giacôbê de Bourges, các thừa sai dòng Tên cũng hết sức củng cố và bảo vệ đặc quyền của các ngài.

11. Các thừa sai dòng đặc biệt là các thừa sai dòng Tên, có quyền giảng giải, làm phép rửa tội và tất cả các công việc cha xứ trong những nơi mà các linh mục Việt Nam đã được Đức Cha thành Bêrytê đặt làm cha xứ, không cần phải có sự ưng thuận của các cha xứ đó, và dầu trái ý của các vị ấy.

12. Các thừa sai dòng và đặc biệt là các thừa sai dòng Tên, không cần phải xin các Giám mục đại diện, sự ưng thuận cho hoạt động truyền giáo ở khu vực của các ngài cũng không cần xin giáo quyền, vì thực ra chỉ có cá cha dòng Tên là Bề Trên và là các Chúa chiên chính thức của các địa sở truyền giáo nói trên.”

Cuối cùng, cha Giacôbê de Bourges mới đưa ra hai khoản đe doạ sự tự do của các Giám mục đại diện và các thừa sai Pháp…

19. Quốc vương Bồ Đào Nha đã ra sắc lệnh bắt giam các Giám mục đại diện và các thừa sai Pháp. Sắc lệnh này rất nghiêm nhặt và phù hợp với những đặc quyền đã ban cho Quốc vương Bồ Đào Nha do nhiều đời Giáo Hoàng đã qua.

20. Các sắc lệnh Toà Thánh, rút phép thông công những ai ngăn cản không cho các thừa sai của Toà Thánh đến các địa sở truyền giáo đã chỉ định cho các ngài, thì án đó không liên quan đến những người Bồ Đào Nha đã bắt hai thừa sai Pháp trong những năm vừa qua, và các thừa sai Pháp khác.

Đọc bản tóm lược những điểm lập trường của cha Philippô Marini trên đây, chúng ta nhận thấy tinh thần quốc gia quá khích của các cha dòng Bồ Đào Nha. Đối với họ Quốc vương Bồ Đào Nha là trên hết. Các sắc lệnh của Toà Thánh họ không coi vào đâu. Nếu không chuyển qua Toà Chưởng Ấn của triều đình Lisbonna và không được nhà vua ưng chuẩn thì đều vô giá trị, không được tuân theo. Thực đáng buồn, khi nghĩ rằng các cha dòng và nhất là các cha dòng Tên là những người khấn hứa vâng lời Đức Giáo Hoàng, lại có một lập trường và thái độ như trên. Nhưng có lẽ chúng ta không nên kết án các ngài. Các ngài đang sống trong thời đại mà thế quyền và thần quyền chưa phân biệt, và nhiều khi thế quyền lấn át cả thần quyền. Hơn nữa, ở đây còn có vấn đề quyền lợi của dòng. Các cha dòng Tên từ trước vẫn là người chỉ huy trong giáo đoàn. Bây giờ, Toà Thánh lập Bộ Truyền Giáo, sai các đại diện Toà Thánh đến các khu vực truyền giáo để lấy lại quyền chỉ huy, điều mà các cha dòng không muốn. Những lý luận đưa ra để bênh vực quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha, theo Đức Cha Manfroni, thư ký Bộ Truyền Giáo, nhiều khi chỉ là những lý luận che đậy, để bảo vệ quyền lợi của các cha dòng, không muốn nhận quyền của Giám mục đại diện Toà Thánh.

Còn lập trường cha Philippô Marini và các cha dòng mà cha Giacôbê de Bourges đã ghi ở trên, trong điểm 11 và 12. Đức Thánh Cha Clêmentê IX đã phán quyết trong đoản sắc “Những người thám hiểm” (Speculatores) ngày 13-09-1669. Theo đoản sắc này thì trái hẳn với chủ trương của các cha dòng, Đức Thánh Cha Clêmentê IX quyết định : các thừa sai dòng được Bề Trên sai đến hoạt động trong khu vực của Giám mục đại diện Toà Thánh coi sóc, phải được Giám mục ở đấy ưng thuận và ban giáo quyền hoạt động trong khu vực của ngài. Các cha dòng muốn xây nhà thờ… trong khu vực đã chỉ định cho linh mục địa phận coi sóc thì phải xin phép Đức Giám mục…

Đứng trước những quyết định của Toà Thánh về liên quan giữa thừa sai dòng với đại diện Toà Thánh theo đoản sắc trên, cha Philippô Marini còn cố chấp giữ lập trường của mình nữa không ?

Tuân theo lời căn dặn của Đức Cha Phanxicô Pallu trong thư gởi cho cha Deydier khi gởi đoản sắc “Những người thám hiểm” cho ngài từ Hải Vọng Giác. Hai cha Phanxicô Deydier và Giacôbê de Bourges đã dùng những đường lối xử sự nhã nhặn, rào đón để giúp cha Philippô Marini dễ công nhận những quyết định của Đức Thánh Cha Clêmentê IX. Nhưng sau nhiều cố gắng, hai cha thừa sai Pháp mất công vô ích. Cha Philippô Marini nhất định và cố chấp theo lập trường của mình, không chịu tuân phục quyền Giám mục đại diện Toà Thánh, dù sắc lệnh của Toà Thánh qui định rõ ràng. Cha lấy cớ là sắc lệnh đó không gởi qua Toà Chưởng Ấn Lisbonna nên không có giá trị và không được tuân hành.

Cuộc chia rẽ trong giáo đoàn vẫn tiếp tục và mỗi ngày càng trở nên trầm trọng.

 

2. Tình trạng chia rẽ trong địa phận Đàng Ngoài

Mỗi phe cố gắng loi kéo giáo dân về phái mình. Muốn thế phải làm thế nào để hạ giá trị bên đối nghịch của mình, hoặc cố gắng minh chứng quyền bính chính thức thuộc về phía mình. Các cha thừa sai Pháp chủ trương rằng : việc coi sóc trong giáo đoàn thuộc quyền Giám mục đại diện do Toà Thánh sai đến. Quyền quản trị này được bảo chứng do các sắc lệnh của Toà Thánh, có đầy đủ ấn dấu và chữ ký của Đức Thánh Cha là người đứng đầu trong Giáo Hội. Các cha dòng cố chấp không nhận quyền của Giám mục đại diện, là chống đối với Toà Thánh.

Trái lại, bên các cha dòng Tên thì cho rằng các sắc lệnh đó đều là giả mạo, hay nếu không thì cũng vô giá trị, vì không có sự ưng chuẩn của Quốc vương Bồ Đào Nha. Nhưng các cha đánh mạnh hơn về mặt tâm lý, kêu gọi giáo dân nghĩ đến công lao gây dựng của các cha từ lúc đầu. Chính các cha mới là những người cha chân thật của giáo đoàn, các thừa sai Pháp chỉ là những người đến sau muốn tranh công của các cha và “phá đám” công việc của các cha. Các cha kêu gọi sự trung thành của giáo dân và chống lại sự xâm nhập của các thừa sai Pháp.

Do đó, chúng ta đã thấy xảy ra những câu chuyện, người bên phe các cha dòng Tên tìm cách làm hại các thừa sai Pháp. Chúng ta đã thấy người thông ngôn của các lái buôn ngoại quốc tên là Bênêđitô đã tố cáo với quan trấn tỉnh Nam là hai lái buôn người Pháp chính thực là tây giang đạo trưởng trái hình để truyền đạo cấm. Hai cha bị phiền nhiễu và cuối cùng cha Phanxicô Deydier bị tống giam, giáo dân bị bách hại với lệnh cấm đạo mới. Thật đau lòng !

Bên phe các cha dòng, còn tìm cách bôi nhọ,  nói xấu các thừa sai Pháp. Theo cha Giacôbê de Bourges thì một thầy giảng, phe người Bồ Đào Nha đã tố cáo Đức Cha Lambertô de la Motte là Giám mục theo bè rối, nên bị trục xuất ra khỏi nước Pháp, nay lại qua xứ Bắc để tuyên truyền cho bè rối.

Nhưng các cha dòng Tên không lo ngại ảnh hưởng của thừa sai Pháp, bằng ảnh hưởng của các linh mục Việt Nam. Các thừa sai Pháp thực ra con số các ngài chỉ có một hoặc hai và thường không được tiếp xúc với giáo dân dễ dàng. Còn con số các linh mục Việt Nam thì đông. Các ngài lại sống rải rác trong tất cả các địa hạt địa phận Đàng Ngoài. Các ngài nắm giữ những họ lớn, đông giáo dân và được mến chuộng vì sự hy sinh tận tuỵ của các ngài.

Trước mặt giáo dân, cac cha dòng Tên hết lời chê bai các linh mục Việt Nam để làm mất ảnh hưởng của các ngài và lôi cuốn giáo dân về phe mình. Các cha cho rằng : Đức Cha Lambertô de la Motte không có quyền truyền chức cho các thầy giảng Việt Nam. Việc truyền chức đó không thành. Các linh mục Việt Nam không có quyền chức linh mục.

Giáo dân không được lĩnh nhận các phép bí tích ở nơi các ngài. Nhưng nhất là các cha dòng khinh chê sự dốt nát của các linh mục tiên khởi Việt Nam, không đọc được tiếng Latinh thông thạo. Các cha cho rằng các linh mục Việt nam không đọc đúng các bản công thức làm các phép bí tích. Cha Fuciti đã ra lệnh rửa tội lại những giáo dân qua phe các cha mà trước do các cha Việt rửa tội.

Chắc chắn nếu quyền chỉ huy giáo đoàn trở về tay các cha dòng, các cha nhất định sẽ cấm đoán các linh mục Việt Nam không cho thi hành chức vụ. Cha Giacôbê de Bourges, trong thư gởi về cac cha quản lý ở Paris đã viết : ngài sẵn lòng rút lui, để cho các cha dòng Tên được ở lại một mình trong giáo đoàn, không còn cảnh chia rẽ. Nhưng cha thấy trước rõ ràng là “một khi rút lui, thì giáo đoàn xứ Bắc sẽ sụp đổ hoàn toàn. Nhất định các cha dòng Tên sẽ không để cho một giáo sĩ bản quốc nào được thi hành chức vụ của các ngài. Sự thực, các cha dòng đã cấm các ngài thi hành.”

Với các đường lối trên đây mà các cha dòng Tên dùng để lôi kéo giáo dân và các thầy giảng về phe mình, các cha đã làm cho tình trạng chia rẽ trong giáo đoàn xứ Bắc mỗi ngày một trở nên trầm trọng. Các thầy giảng thì chia hẳn làm hai phe. Phe theo các cha dòng, phe theo các Giám mục đại diện. Giáo dân cũng chia làm hai phe. Trong bản tường trình về tình hình giáo đoàn xứ Bắc, cha Giacôbê de Bourges viết : “Một số giáo dân cho rằng mình có đủ lý do để không công nhân Đức Cha hiệu thành Bêrytê là Chúa chiên chính thức của xứ Đông Kinh. Họ còn hồ nghi cả tính cách Giám mục của ngài, vì ngài đã vào xứ này mà không phép của Quốc vương Bồ Đào Nha. Thêm vào đó, là những giáo dân sống khô khan, đã bị các linh mục Việt Nam quở trách những gương xấu của họ. Họ cũng ùa theo những cuộc tranh luận của bên các cha dòng, gây ra một bầu khí chia rẽ, phá hoại tinh thần của giáo đoàn.” Cha Giacôbê de Bourges, và cũng không chịu công nhận việc truyền chức cho các linh mục xứ Đông Kinh là thành sự. Đến nỗi có một số giáo dân thà chết không được chịu các phép, còn hơn là xưng tội với các linh mục do Đức Cha truyền chức. Một số khác, không chịu đi dự lễ các ngày lễ trọng và các ngày Chúa nhật. Họ bảo rằng các linh mục đó dâng lễ không thành, một số khác không chịu đi xưng tội với các linh mục, dù họ có thể đi xưng tội một cách dễ dàng, vì 09 linh mục xứ Đông Kinh ở rải rác trong khắp các tỉnh và những xứ họ có nhiều giáo dân hơn cả… Để kết luận, người ta không thể kể hết được những điều tội lỗi đã gây ra do sự chia rẽ đó, cũng như những tai ương xảy ra mỗi ngày.”

Qua bản tường trình của cha Giacôbê de Bourges, chúng ta nhận thấy những tai hại do chủ trương trên đây của các cha dòng Tên về các linh mục Việt Nam. Nhiều giáo dân theo phe các cha, chết không muốn chịu các phép do các cha Việt. Vì các cha Việt không có quyền chức linh mục, vì các cha Việt không thạo la ngữ, làm các phép không thành.

Nhưng chưa hết bên phe các cha dòng còn tìm cách làm hại các cha Việt bằng cách đi tố cáo các ngài với các quan ghét đạo để họ bắt các ngài. Trên đây, chúng ta đã thấy, người thông ngôn cho các lái buôn ngoại kiều tên là Bênêđitô, theo phe các cha dòng, đã tố cáo hai thừa sai Pháp với quan trấn tỉnh Nam để ông bắt giam các cha. Cũng theo bản tường trình của cha Giacôbê de Bourges thì các cuộc bách hại ở các địa phương không trở nên mãnh liệt, nếu không có những “giáo dân xấu xa” đó đi tố cáo với các quan. Vì thế, các cha Việt và các thầy giảng phục quyền các Giám mục đại diện, luôn phải sống trốn tránh. Lo sợ phe đối nghịch tố cáo với các quan không ưa đạo. Hoạt động tông đồ và truyền giáo bị thiệt hại rất nhiều. Nhưng tránh tai ương này thì các cha Việt lại gặp tai ương khác. Trong thư cha Giacôbê de Bourges gửi Đức Cha Lambertô de la Motte, viết : “Vì gặp cơn cấm cách, các cha và các thầy giảng phải đi ẩn trốn. Lúc tạm yên, có thể trở về đi làm việc ở xứ họ, thì thấy giáo dân trong xứ họ đã bị chia rẽ. Một số người ra mặt chống đối các cha và các thầy. Họ đã bị các thầy giảng và giáo dân theo phe cha Fuciti tiêm nhiễm những điều sai lầm. Các cha và các thầy lại phải một thời gian khá lâu để đánh đổ những chủ trương sai lầm đó, thì họ mới chịu nhận các phép Bí tích do các cha Việt ban.”

Cả đang khi làm việc trong xứ họ, các cha Việt vẫn tiếp tục bị phe các cha dòng đến quấy nhiễu. Hăng hái phá hoại gây chia rẽ hơn cả là các thầy giảng không được cha chính Phanxicô  Deydier giới thiệu với Đức Cha Lambertô de la Motte để xin ngài truyền chức linh mục hoặc không được tuyển chọn theo học với các thừa sai để dọn mình chịu chức. Các thầy giảng này đã theo phe các cha dòng. Họ có mặt trong các buổi lễ của các cha Việt và đang lễ, họ đứng lên đọc bản tố cáo các cha Việt là những người vô ơn và phản bội các cha dòng, đã theo phe các thừa sai Pháp, để được Giám mục Lambertô truyền chức linh mục cho và nhiều điều khác nữa. Những cuộc quấy phá này nhiều khi đã bó buộc các cha Việt phải bỏ xứ họ mình đi nơi khác. Đức Cha Néez, trong cuốn tài liệu về hàng Giáo sĩ xứ Đông Kinh đã kể : “Cha Giacôbê Chiêu, năm trước, đã phải cố gắng đương đầu với những trào lưu chống đối các cha người Việt do các cha bè phái gây ra. Họ bực tức vì không được nâng lên các chức thánh. Nhưng năm nay, cha Giacôbê viết, trào lưu chống đối này trở nên quá mãnh liệt, cha phải bó buộc tránh đi nơi khác. Họ đã làm cho cha buồn phiền không thể tả được vì phải bỏ nhà thờ xứ Kẻ Cốc trong tỉnh Sơn Tây”. Đi xa hơn nữa, họ còn thù ghét các cha Việt đến nỗi bỏ thuốc độc cho các ngài chết. Như trên, chúng ta đã thấy trong bản báo cáo về tình hình giáo đoàn xứ Bắc. Khi nói đến cái chết của hai cha Gioan Văn Huệ và Philippô Nhân, đã chú thích thì theo nhiều người thì hai cha bị một người theo phe các cha dòng Tên bỏ thuốc độc.

 

3. Các linh mục Việt Nam tố cáo cac cha dòng Tên với Bộ Truyền Giáo (1671). Cha Philippô Marini bị Chúa Trịnh Tạc trục xuất (1673)

Đứng trước tình trạng chia rẽ tai hại của giáo đoàn xứ Bắc, các thừa sai Pháp đã làm những bản báo cáo về cho Bộ Truyền Giáo, xin Bộ ban hành những quyết định cứng rắn hơn để chấm dứt tình trạng phá hoại. Đồng thời năm 1671, các linh mục Việt Nam cũng viết thư tố các các cha dòng Tên về Bộ Truyền Giáo. Nhờ đó, tiếng nói của các thừa sai Pháp được thêm bảo đảm, và thúc đẩy Bộ quyết định nhanh chóng hơn.

Các ngài đã tố cáo hai cha Đôminicô Fuciti và Philippô Marini trở lại xứ Bắc, đã hội họp giáo dân và lôi kéo về phe mình. Các cha dòng đã chọn một vài thầy giảng để viết một bài vu cáo bôi nhọ Đức Giám mục đại diện và các thừa sai của ngài. Bản đó được sao lại và gửi đi các tỉnh và các xứ đạo. Họ nói rằng Đức Giám mục thành Bêrytê là Giám mục giả mạo và cha Phanxicô Deydier là người theo bè rối ở bên Tây Phương, đã trốn sang nước này để tuyên truyền cho bè rối.

Các ngài cũng tố cáo cha Đôminicô Fuciti đã sai thầy giúp việc tên là Inhaxio và thầy giảng tên là Fêlicê, viết một bản bôi nhọ các linh mục Việt Nam và cũng gửi đi tất cả các tỉnh cùng các xứ đạo. Họ nói rằng : Các cha Việt Nam làm phép giải tội không thành nếu không xin cha dòng Fuciti giấy ban quyền làm các phép. Những lời này đã gây nghi ngờ trong lòng giáo dân xứ Bắc, đến nỗi nhiều người từ chối không chịu xưng tội với các linh mục Việt Nam…

Cuối cùng, các cha Việt Nam xin Bộ Truyền Giáo đưa ra những quyết nghị để sửa chữa tình trạng đó… Nếu Đức Thánh Cha và các Hồng Y không sớm cảnh cáo các cha dòng trên đây thì tình trạng chia rẽ trong giáo đoàn xứ Bắc ngày một trở nên trầm trọng hơn. Các cha Việt cũng thêm rằng : hai cha dòng thúc đẩy giáo dân theo phe các ngài, làm những điều tàn ác đối với các cha Việt…

Đang khi đó, tình trạng chia rẽ lại đe doạ trở nên trầm trọng hơn, với tin đồn là Quốc vương Bồ Đào Nha đã đặt cha Philippô Marini làm Giám mục Áo Môn và chỉ nay mai là được Toà Thánh phê chuẩn. Nếu cha Philippô Marini làm Giám mục Áo Môn, thì theo chủ trương các cha dòng, địa phận xứ Bắc cũng sẽ đặt dưới quyền ngài. Năm 1673, tàu Áo Môn tới, mang theo hai cha Ferreira và Pimentel. Hai cha cũng báo tin này cho cha Philippô Marini. Từ kinh đô Thái Lan, cha Tissanier cũng viết thư cho các giáo dân theo phe Bồ Đào Nha, không được công nhận đoản sắc “Những người thám hiểm” (Speculatores) của Đức Thánh Cha Clêmentê IX, đặt các cha dòng dưới quyền các Giám mục đại diện. Đoản sắc này cũng như các đoản sắc đã ban cho các Giám mục Pháp trước đây, đều vô giá trị. Cha Tissanier cũng báo tin chỉ nay mai các Giám mục đại diện cũng như các thừa sai của các ngài, sẽ phải bỏ giáo đoàn về Âu Châu, Đức Thánh Cah Clêmentê IX đã ưng chuẩn đặt các Giám mục ở vùng Đông Ấn, do Quốc vương Bồ Đào Nha đề nghị.

Người ta cũng đồn rằng : cha Philippô đang dự tính nhờ các bạn hữu trong phủ chúa xin cho ngài được quyền tối cao đối với tất cả các thừa sai ngoại quốc. Ngài được quyền bắt giải về Áo Môn những vị không chịu tuân phục mệnh lệnh của Quốc vương Bồ Đào Nha. Như thế, chắc chắn số phận các thừa sai Pháp sẽ bị đe doạ. Có lẽ nhìn thấy trước sự thắng cuộc nay mai, phe các cha dòng Tên càng hoạt động mạnh mẽ để quấy phá các cha Việt và lôi kéo giáo dân về phe họ.

Nhưng tin đồn trên đây, thực ra đã đi trước sự kiện. Quốc vương Bồ Đào Nha lúc này nhận thấy không thể kéo mãi tình trạng không có giám mục ở hai Toà Áo Môn cũng như Goa, đã đề nghị lên Toà Thánh cha Philippô Marini làm giáo mục Áo Môn và thêm một cha dòng Tên khác làm Giám mục Tào Giám mục Nhật Bản. Nhưng Toà Thánh đã không phê chuẩn việc đặt cha Philippô Marini ở Áo Môn cũng như một cha dòng Tên ở một Toà Giám mục Nhật Bản nào đó.

Dự tính của cha Philippô Marini bắt giải các thừa sai Pháp về Áo Môn cũng không thực hiện được. Năm 1673, Trịnh Tạc đã ra lệnh trục xuất cha với hai cha Ferreira và Pimentel. Sau cuộc đại chiến với Chúa Nguyễn trong Nam trở về Kẻ Chợ. Trịnh Tạc gặp nhiều câu chuyện bực mình, lại nghe biết người Bồ Đào Nha đã giúp đỡ súng ống rất nhiều cho Chúa Nguyễn, cũng như có người thợ đúc đã lo đúc súng cho nhà Chúa xứ Nam. Sự có mặt của hai cha Ferreira và Pimentel do tàu buôn Bồ Đào Nha đưa vào xứ Bắc, làm cho Trịnh Tạc bực mình, nhà Chúa liền ra lệnh bắt giữ hai cha ở Phố Hiến và trục xuất cùng với hai thừa sai mới tới. Nhưng hai cha Ferreira và Pimentel, sau khi bị bó buộc theo tàu buôn Áo Môn, và khhi tàu nhổ neo ra khơi, đã tìm cách lên bộ và sống lẩn tránh để hoạt động truyền giáo. Chỉ có mình cho Philippô trở về Áo Môn với tàu buôn. Cha chờ đợi sự phê chuẩn của Toà Thánh đặt cha làm Giám mục Áo Môn do Quốc vương Bồ Đào Nha đề nghị. Nhưng Toà Thánh nhất định từ chối không phê chuẩn. Cha đã chết ở Áo Môn năm 1682 và cũng không trở lại xứ Bắc lần nào nữa.

Cha Ferreira hoạt động truyền giáo ở tỉnh Nghệ An, còn cha Pimentel thì ở tỉnh Hải Dương. Hoạt động của các cha cũng thu lượm được nhiều kết quả. Trong một năm cha Pimentel đã rửa tội được 1.600 người. Nhưng bị kiệt sức, cha đã chết ngày 01-09-1675. Cha Đôminicô Fuciti từ Kẻ Chợ đã kịp xuống gặp cha và ở bên cha lúc chết. Còn cha Ferreira thì trong hai năm rửa tội được 4.000 người, đây là chưa kể con số cũng tương tự như thế do các thầy giảng của phe các cha dòng ở tỉnh Nghệ An. Ở xứ Kẻ Chợ, cha Fuciti đã rửa tội cho bà vợ của một quan lớn trong triều và được quan đó bảo vệ. Sau này Trịnh Tạc tỏ ra không khó khăn lắm với vấn đề tôn giáo. Một bà trong hoàng thân qua đời, tên thánh là Phaola, Trịnh Tạc làm ngơ cho tự do làm các nghi lễ tống táng và có rất nhiều giáo dân đi theo đưa xác.

Nhưng tình trạng chia rẽ vẫn tiếp tục, các cha Việt bị quấy, giáo dân bị tuyên truyền, không muốn xưng tội và các phép do các cha Việt Nam, cũng không chịu dư Thánh lễ do các cha dâng. Người ta chờ đợi ở Toà Thánh những biện pháp cứng rắn hơn để chấm dứt tình trạng đó.

CHƯƠNG XII : HOÀ BÌNH VÀ TRẬT TỰ ĐƯỢC PHỤC HỒI (1673-1677)

I. CÁC ĐỨC GIÁM MỤC VÀ THỪA SAI HỘI TRUYỀN GIÁO BA LÊ KÊU GỌI VỀ TOÀ THÁNH RÔMA LẦN THỨ BA (1673-1677)

Sau cuộc công cán ở Rôma, trên con đường từ Âu Châu trở về kinh đô Thái Lan ngày 06-10-1671, chiếc Phenix tới Serate, Đức Cha Phanxicô  Pallu nhận được thêm nhiều thư từ và giấy tờ từ Thái Lan gửi tới. Trước đây ở Fort Dauphin, Đức Cha cũng nhận được các thư từ của Đức Cha Lambertô de la Motte và các thừa sai trong Nam cũng như ngoài Bắc, tố cáo sự ngoan cố của các cha thừa sai dòng Tên không chịu nhận quyền của Giám mục đại diện. Các cha dòng lấy lẽ rằng các sắc lệnh Toà Thánh đặt các Giám mục đại diện, không gửi qua Toà Chưởng Ấn Lisbonne và không có sự phê chuẩn của Quốc vương Bồ Đào Nha, nên không có giá trị và không được công nhận. Việc sai các Giám mục đại diện và các thừa sai Pháp đến đất Việt Nam và Trung Hoa, không có sự ưng thuận của Quốc vương Bồ Đào Nha là một việc bất hợp pháp, trái với quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha. Hơn nữa, các thừa sai dòng Tên với đặc ân Toà Thánh ban, không phải tuân phục quyền của Giám mục đại diện, chỉ phải trực tiếp tuân phục Bề Trên của dòng. Với sự ngoan cố ấy, các cha đã gây ra chia rẽ tai hại trong các giáo đoàn. Cần có sự can thiệp của Toà Thánh để chấm dứt tình trạng đó.

Ở Senate, Đức Cha Phanxicô Pallu lại nhận thêm được bản tường trình về cuộc kinh lược của Đức Cha Lambertô de la Motte ở địa phận Đàng Ngoài gửi về Toà Thánh với bản luật của Công Đồng I xứ Bắc để xin Toà Thánh phê chuẩn. Đức Cha Lambertô de la Motte cũng tâu trình về Toà Thánh câu chuyện xảy ra với kinh sĩ hội ở Goa, sau khi ngài đi kinh lược ở xứ Bắc trở về kinh đô Thái Lan. Cha Luigi Chevreuil cũng gởi cho Đức Cha Phanxicô Pallu bản tường trình về vụ người Bồ Đào Nha bắt giữ cha ở Cao Miên và giải về Goa cho Toà điều tra. Cha cũng cho biết Toà điều tra đã trả tự do cho cha nhưng Phó Vương bắt giữ ở Goa không cho đi đâu.

Đứng trước những khó khăn mới của các địa sở truyền giáo, Đức Cha Phanxicô Pallu nhận thấy cần phải kêu gọi lần nữa về Toà Thánh, xin các Đức Hồng Y Bộ Truyền Giáo can thiệp với những biện pháp cứng rắn hơn. Đức Cha đã chọn cha Carôlô Sévin là trước hết trở về Paris trình bày cho các cha trong Ban Giám đốc Chủng Viện truyền giáo Paris biết rõ tình hình ở các địa sở truyền giáo. Sự ngoan cố của các cha dòng Tên, đe doạ của những người Bồ Đào Nha, tất cả đòi hỏi một biện pháp cứng rắn, để các ngài không còn khiển trách hành động của Đức Cha Lambertô de la Motte. Ở Paris, cha Calôrô cũng yêu cầu nhà vua Pháp bảo vệ các Giám mục và thừa sai Pháp đối với sự bách hại của người Bồ Đào Nha.

Sau cuộc công cán ở Paris, cha Carôlô Sévin còn lãnh sứ mệnh qua Rôma, yêu cầu Bộ Truyền Giáo giải quyết những lý luận ngoan cố của các thừa sai dòng Tên, không chịu nhận các sức lệnh của Toà Thánh. Đồng thời cũng xin Bộ kết án hành động của kinh sĩ hội ở Goa đối với Lbt cũng như chủ trương quyền bính của Toà Giám mục Goa trên đất Thái Lan và Toà Giám mục Áo Môn trên xứ Bắc và Toà Giám mục Malacca trên xứ Nam. Họ đã sai những thừa sai dòng Tên với quyền cha chính đến những xứ đó, để đương đầu với quyền các Giám mục đại diện của Toà Thánh.

Bỏ Senate vào tháng giếng 1672, cha Carôlô Sévin lấy tàu Dauphin để trở về Âu Châu, bảy tháng sau, nghĩa là vào tháng 08-1672, cha đã tới bên Port Louis.

 


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương