LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA


II. HOÀ BÌNH VÀ TRẬT TỰ ĐƯỢC PHỤC HỒI (1676-1677)



tải về 1.47 Mb.
trang19/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21

II. HOÀ BÌNH VÀ TRẬT TỰ ĐƯỢC PHỤC HỒI (1676-1677)

Trước khi lên đường bỏ Âu Châu, đi kinh đô Thái Lan, cha Carôlô Sévin đã lo gởi cho các khu vực truyền giáo thuộc quyền các Giám mục đại diện, bản sắc lệnh quan trọng hơn cả, cha đã thâu đạt được trong cuộc công cán ở Rôma, đó là bản “Toà Thánh Rôma” (Decet Romanum) ban hành ngày 23-12-1673. Hy vọng khi bản đó tới các nơi ấy, thì hoà bình và trật tự sẽ được phục hồi mau lẹ ngay. Vào tháng 10-1675 Đức Cha Luigi Laneau ở Thái Lan đã nhận được. Ở xứ Bắc thì hai cha Phanxicô  Deydier và Giacôbê Bourges, năm 1676 mới nhận được.

Nhưng trái với điều cha Carôlô Sévin mong đợi, phản ứng đầu tiên của các thừa sai dòng, khi nhận được thông báo sắc lệnh “Toà Thánh Rôma” (Decet Romanum) ở Thái Lan cũng như ở Việt Nam, là cố chấp phủ nhận hoặc kéo dài thời gian chờ quyết định của Bề Trên dòng. Trong sắc lệnh đã truyền cho các Bề Trên dòng phải lo gởi sắc lệnh ấy cho các thừa sai của mình và cam đoan sẽ bắt họ thi hành theo lệnh truyền của Toà Thánh. Tháng 06-1676, khi cha Sévin tới kinh đô Thái Lan thì tình trạng chống đối của các cha dòng vẫn chưa được chấm dứt. Phải chờ đến năm 1677, hoà bình và trật tự mới được phục hồi thực sự. Tuy sau này còn xảy ra một vài vụ chống đối địa phương, nhưng lại được san bằng mau lẹ ngay.

 

1. Đối với sắc lệnh “Toà Thánh Rôma” (Decet Romanum), những phản ứng đầu tiên của các thừa sai dòng ở kinh đô Thái Lan (1675-1676) và ở địa phận Đàng Ngoài (1676)

Năm 1675, khi Đức Cha Lambertô de la Motte bỏ kinh đô Thái Lan đi kinh lược địa phận Đàng Trong của ngài lần thứ II (1675-1676), Đức Cha Luigi Laneau ở lại Thái Lan đã phải đương đầu với nhiều khó khăn do các thừa sai dòng. Vào tháng 03-1675, cha Tôma Valguarnera, Bề Trên kinh lược tỉnh dòng Nhật Bản, sau cuộc kinh lược trở về Thái Lan, đã quyết định chống lại trụ sở truyền giáo của các Giám mục Pháp ở kinh đô Thái Lan. Cùng tới kinh đô Thái Lan với cha Tôma Valguarnera, có cha Gioan d’Albrem de Lima, mà kinh sĩ hội ở Goa đã đặt làm Bề Trên kinh lược ở địa phận Malacca. Vị linh mục Bồ Đào Nha này, nhất định chống lại sự xâm phạm quyền bính của Toà Giám mục Malacca, do việc đặt các Giám mục người Pháp làm đại diện ở Thái Lan.

Ngày 25-03-1675, cha Gioan d’Abreu báo tin sự hiện diện của mình ở kinh đô Thái lan cho các thừa sai Pháp. Đức Cha Luigi Laneau cũng thông báo cho cha Gioan d’Abreu việc Toà Thánh đặt ngài làm Giám mục đại diện ở kinh đô Thái Lan. Lẽ dĩ nhiên vị linh mục Bồ Đào Nha không công nhận, vì sắc lệnh Toà Thánh không có dấu của Toà Chưởng Ấn Lisbonna. Ngày 21-04 Đức Cha Luigi Laneau khiển trách vị linh mục kinh lược đã làm các phép bí tích trong khu vực của ngài coi sóc mà không xin phép, và tuyên bố không cho làm các phép. Cha Gioan d’Abreu trả lời bằng cách rút phép thông công Đức Cha Luigi Laneau và cấm giáo dân không được chịu các phép bí tích do các thừa sai Pháp.

Đang lúc những câu chuyện rắc rối trên đây xảy ra, thì vào tháng 08-1675, Đức Cha Luigi Laneau nhận được đoản sắc Coelestibus Et Apostolicis ban hành ngày 07-09-1671 ở Rôma. Đoản sắc này tuyên bố việc cha dòng Đaminh, uỷ viên của Toà điều tra trước đây vào ngày 30-11-1666 đã rút phép thông công Đức Cha Lambertô de la Motte là vô giá trị, và để trừng phạt cha Fragoso, Toà Thánh ra lệnh cho cha phải bỏ khu vực truyền giáo Thái Lan để đi nơi khác. Được đoản sắc này Đức Cha Luigi Laneau đã thông báo cho các cha dòng Đaminh và dòng Tên biết. Cha Bề Trên dòng Đaminh đã công nhận đoản sắc và công bố bằng cách yết thị trước cửa nhà thờ của dòng. Còn các cha dòng Tên thì từ chối không nhận, vì đoản sắc này không gởi qua Toà Chưởng Ấn Lisbonna.

Hai tháng sau vào tháng 10-1675 thì Đức Cha Luigi Laneau lại nhận được đoản sắc “Toà Thánh Rôma” (Decet Romanum) của Đức Thánh Cha Clêmentê X nhắc lại những quyết định của đoản sắc “Những người thám hiểm” (Speculatores) ban hành năm 1669 do Đức Thánh Cha Clêmentê IX đặt các cha dòng dưới quyền các Giám mục đại diện trong khu vực đã uỷ thác cho các vị. Đức Cha Luigi Laneau cũng vội thông báo cho các cha dòng. Lần này, các cha dòng Đaminh cũng như dòng Tên đều không muốn nhận sắc lệnh ấy do các Giám mục đại diện thông báo cho. Cha Valguarnera Bề Trên kinh lược tỉnh dòng Nhật Bản lúc đó vẫn còn ở Xiêm, ngày 08-10-1675, đã tuyên bố một cách thoái thác là mình chưa đủ quyền hành để nhận một sắc lệnh quan trọng như thế. Còn các cha Đaminh thông báo là mình đợi Bề Trên dòng ở Rôma báo cho.

Sự thực, thái độ của các cha dòng trên đây cũng có lý của nó. Sắc lệnh đã truyền cho các Bề Trên dòng ở Rôma, sau khi nhận được sắc lệnh phải lo thông báo ngay cho các tu sĩ của mình ở các khu vực truyền giáo. Đồng thời cũng phải bắt buộc các tu sĩ phải thi hành đứng đắn các sắc lệnh đã ban hành. Đang khi chờ đợi, các cha dòng lại được lệnh của triều đình Bồ Đào Nha, cấm không được tuân phục các Giám mục đại diện Toà Thánh, nếu trái lệnh sẽ bị giam tù. Ngày 25 théng giêng năm 1676, cha Sotomayor, quản lý dòng Nhật Bản của các cha dòng Tên, đã viết thư về cho cha Bề Trên Phaolô d’Oliva, để báo tin đó cho các Đức Hồng Y Bộ Truyền Giáo, hay biết.

Trước khi rời bỏ Âu Châu, cha Carôlô Sévin cũng đã được biết phản ứng cứng rắn của triều đình Bồ Đào Nha đối với những sắc lệnh của Đức Thánh Cha Clêmentê X đã ban cho các Giám mục đại diện. Vị đại sứ Bồ Đào Nha ở Rôma được lệnh phản đối những hạn định về quyền bảo trợ nguyên trong khu vực thuộc quyền thế tục của nhà vua, loại trừ những khu vực thuộc quyền các vua chúa lương dân. Họ cũng không quên nhấn mạnh là triều đình Bồ Đào Nha vừa mới đề nghị đặt các Giám mục ở các toà trống ngôi từ lâu và hứa sẵn sàng chịu mọi tổn phí bảo trợ công cuộc truyền giáo. Đằng khác theo họ, thì các khu vực truyền giáo không nên trao cho các thừa sai quốc tịch khác nhau để tránh sự va chạm, cũng như các giáo dân Việt Nam có quyền chỉ tuân phục những người Cha đầu tiên đã mang đức tin đến cho họ. Hơn nữa các thừa sai Pháp chắc chắn không vượt trội gì hơn các thừa sai Bồ Đào Nha và còn đáng lo ngại vì những chủ trương Pháp giáo nguy hại cho sự đạo. Quốc vương Bom Pedro cũng ra lệnh cho Đại Sứ, tố cáo Bộ Truyền Giáo đã báo cáo sai nhầm về tình trạng đích thực của các khu truyền giáo vùng Đông Ấn. Ông cũng đe doạ Toà Thánh nếu các thừa sai dòng Tên không tuân phục Quốc vương Ấn Độ, chống lại quyền Giám mục đại diện thì ông sẽ trục xuất tất cả và thay thế bằng các thừa sai dòng khác. Đứng trước đe doạ trên đây, các cha dòng Tên ở Thái Lan cho rằng, Đức Thánh Cha cũng như các Hồng Y Bộ Truyền Giáo và Bề Trên cả của dòng sẽ không đòi hỏi sự tuân phục đó, các cha tìm cách để kéo dài thời gian. Cha Valguarnera tuy được thư của Bề Trên cả của dòng, yêu cầu các tu sĩ phải thi hành mệnh lệnh ngay tức khắc, để xoá nhoà những tố cáo cố chấp từ trước tới giờ, nhưng cha vẫn tìm cách kéo dài thời gian.

Còn ở xứ Bắc, địa phận Đàng Ngoài, sắc lệnh “Toà Thánh Rôma” (Decet Romanum) vào khoảng giữa năm 1676, hai cha Phanxicô Deydier và Giacôbê de Bourges mới nhận được. Cùng với sắc lệnh trên, hai cha cũng nhận được thư của Đức Hồng Y Bộ trưởng Bộ Truyền Giáo Paluzzi Altieri gởi cho cha Đôminicô Fuciti. Hai cha liền gởi cho các cha dòng Tên các tài liệu trên và xin các cha dòng sửa đổi thái độ, để chấm dứt các gương xấu, cũng như tình trạng chia rẽ trong giáo đoàn.

Nhận được thư của Đức Hồng Y Bộ Truyền Giáo, cha Đôminicô vội viết thư trả lời là cha không còn là Bề Trên cá cha dòng Tên ở xứ Bắc mà là cha Ferava, người Bồ Đào Nha. Cha cũng đã nhận được đoản sắc “Những người thám hiểm” (Speculatores), nhưng các Bề Trên của cha không cho phép công nhận. Hơn nữa, các cha đại diện của các Giám mục Pháp, vì thiếu bác ái nên cha cũng ngại cộng tác với các ngài. Nhưng cha sẵn lòng vâng lời Bộ nếu Bộ bằng lòng miễn chuẩn vâng lời các Bề Trên dòng, thường là các cha người Bồ Đào Nha. Một tháng sau khi gửi thư về Bộ Truyền Giáo, cha Đôminicô Fuciti đã thực hành lời hứa. Cha viết thư cho hai cha Deydier và de Bourges xin phục quyền các Giám mục đại diện và yêu cầu các cha chính ban quyền làm các phép ở địa phận Đàng Ngoài, nhưng xin giữ kín việc tuân phục riêng của cha.

Trái lại trong thư trả lời của cha Feireira, Bề Trên các cha dòng Tên ở xứ Bắc lúc đó, cha đã kết án các thừa sai Pháp là những người đến cướp công lao của những thừa sai Bồ Đào Nha, vì thế đã hết sức tranh đấu với các cha dòng Tên. Ở Thái Lan thì Giám mục Lambertô de la Motte, trong thư luân lưu năm 1667, đã bôi nhọ dòng Tên. Còn ở xứ Bắc thì các thừa sai Phái đã xúi giục các linh mục Việt Nam chống lại với các người Cha cũ của họ. Sau những lời buộc tội trên đây, cha Feireira lại đưa ra những luận điệu cũ trước đây, để từ chối không công nhận sắc lệnh. Theo cha cho đến nay các sắc lệnh đều không đả động gì đến quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha, cũng như giáo quyền của Toà Tổng Giám mục ở Goa, chẳng hạn không công nhận quyền đó ở những khu vực thuộc quyền của vua chúa lương dân, v.v… Cha Feireira lúc đó chưa biết rằng Đức Thánh Cha Clêmentê X đã ban hành nhiều sức lệnh để ấn định quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha, đả phá những chủ trương sai lầm, dựa trên quyền bảo trợ đó, để chống lại quyền các Giám mục đại diện.

Hai cha Phanxicô Deydier và Giacôbê de Bourges hy vọng rằng thư của cha Bề Trên cả dòng Tên Phaolô d’Oliva, sẽ thay đổi thái độ của cha Feireira, do đó trật tự và hoà bình sẽ được phục hồi.

 

2. Hoà bình và trật tự được phục hồi (1677)

Các cha dòng Tên ở kinh đô Thái Lan, tuy đã nhận được thư và mệnh lệnh của cha Bề Trên cả Phaolô d’Oliva, nhưng vì sợ đe doạ của Quốc vương Bồ Đào Nha, nên cố kéo dài thời gian để chờ đợi. Còn các thừa sai Pháp ở địa phận Đàng Ngoài thì cũng trông đợi thư của cha Phaolô d’Oliva sẽ thay đổi thái độ cố chấp của cha Feireira, Bề Trên các Thừa sai dòng Tên xứ Bắc. Nhưng ánh sáng hoà bình và trật tự đã mọc lên ở một phương trời khác mà người ta không ngờ đến. Đó là hành động của vị Tổng Giám mục mới ở Goa, cha dòng Xitô Antôn Brandao.

Đến nhậm chức Tổng Giám mục Goa ngày 24-09-1675, Đức Cha Antôn Brandao tái lập cha Gioan d’Albreu làm cha nhiếp chính địa phận Malacca. Tuân theo sắc lệnh (Cum per litteras) của Đức Thánh Cha Clêmentê X gởi cho Toà Tổng Giám mục ở Goa và ban hành ngày 10-11-1673, Đức Cha đã ra lệnh cho cha Gioan d’Albreu chỉ được thi hành quyền của mình trong khu vực thuộc quyền của nhà vua Bồ Đào Nha theo như sắc lệnh của Đức Thánh Cha Clêmentê X, vì thế không được phép cho mình có quyền trên đất Xiêm. Đồng thời vị linh mục đứng đầu Toà điều tra, cũng từ chối không ban giấy uỷ quyền làm uỷ viên của Toà ở Áo Môn cho vị linh mục Bồ Đào Nha trước đây đã ra lệnh bắt giam cha Luigi Chevreuil ở Cao Miên và giải về Goa, lấy lẽ rằng “Cha ấy đã đi Rôma để ý và vì thế không xứng đáng với chức vụ trên.”

Tất cả những hành động trên đây chứng tỏ các nhân viên giáo quyền ở Goa đã thay đổi thái độ và tuân phục những mệnh lệnh của Toà Thánh. Nhưng quan trọng hơn cả là bức thư của Đức Tổng Giám mục ở Goa, Antôn Brandao gởi cho các Giám mục đại diện Toà Thánh ở Xiêm, đề ngày 08-05-1677. Trả lời các Giám mục đại diện là theo bản tố cáo của các ngài, Đức Cha đã xét vụ cha Gioan d’Albreu với kinh sĩ hội của Goa. Đức Cha cho rằng lúc đó cha Gioan d’Albreu đã hành động theo lòng ngay, không chịu phục quyền vị Giám mục mà Toà Tổng Giám mục của cha chưa có công nhận. Vì thế Đức Cha không thể cất chức nhiếp chính của cha ở Toà Giám mục Malacca. Nhưng từ này cha Gioan d’Albreu, theo lệnh của Đức Thánh Cha Clêmentê X, phải phán định quyền mình trong khu vực thuộc quyền Quốc vương Bồ Đào Nha mà thôi. Còn về khu trại của người Bồ Đào Nha ở kinh đô Thái Lan, có thuộc khu vực của Quốc vương hay không, thì việc đó Đức Cha Antôn Brandao để Toà Thánh quyết định.

Thái độ tuân phục của Đức Tổng Giám mục ở Goa, Antôn Brandao, trên đây đối với sắc lệnh của Đức Thánh Cha Clêmentê X, không gởi qua Toà Chưởng Ấn Lisbonna mà cũng không có sự ưng thuận của Quốc vương Bồ Đào Nha, đã mở cho các cha dòng một lối thoát, giữa mệnh lệnh đòi hỏi phải tuân phục Bề Trên dòng và đe doạ của Quốc vương Bồ Đào Nha. Phó vương đe doạ sẽ trục xuất các cha để thay thế bằng các cha dòng khác, nếu các cha tuân phục mệnh lệnh của Toà Thánh mà tuân phục các Giám mục đại diện. Các cha dòng sẽ nói rằng theo lệnh truyền của Đức Tổng Giám mục ở Goa thì Thái Lan và xứ Nam không thuộc quyền Toà Giám mục Malacca, cũng như xứ Bắc không thuộc quyền Toà Giám mục Áo Môn, nhưng là thuộc quyền vị Giám mục đại diện Toà Thánh. Tuân phục các ngài ở những khu vực này, các cha dòng chỉ làm theo lệnh truyền của Đức Tổng Giám mục ở Goa.

Lúc ấy cha Valguarnera đã qua đời từ đầu năm 1677, cha Bề Trên kinh lược tỉnh dòng Nhật Bản là cha Fêlicianô Pacheco, ra lệnh cho các thừa sai dòng Tên phải tuân phục mệnh lệnh Toà Thánh về việc nhận quyền các Giám mục đại diện, ai không chịu sẽ bị gọi về. Cha Maldonat làm Bề Trên các cha dòng Tên ở Thái Lan, ngày 10-11-1667 đã viết thư về cha Bề Trên cả Phaolô d’Oliva là các cha ở Thái Lan đã thi hành lệnh của ngài, theo đường lối của Đức Tổng Giám mục ở Goa. Cha cũng cam đoan là ở xứ Bắc và xứ Nam, các thừa sai dòng Tên cũng thi hành lệnh đó, “kẻ từ nay chấm dứt các lời phàn nàn khiển trách về các cha dòng của chúng ta.”

Khi cha Maldonat dòng Tên viết thư về cha Bề Trên cả, nói là thi hành lệnh của Bề Trên, theo đường lối của Đức Tổng Giám mục ở Goa, là có ý nói khu trại của Bồ Đào Nha, đang khi chờ đợi quyết định của Toà Thánh, thì vẫn tạm thuộc quyền của Goa. Như thế cha Maldonat và cha Suarez cùng ở khu trại người Bồ Đào Nha với cha, cũng như mấy cha dòng Đaminh và các cha Augustino ở đây, vẫn tiếp tục hoạt động dưới quyền của Đức Tổng Giám mục ở Goa. Các Giám mục địa diện cũng không can thiệp vào công việc của các ngài.

Nhưng ngày 21-03-1678, các Đức Hồng Y Bộ Truyền Giáo đã quyết định là khu trại của người Bồ Đào Nha ở Thái Lan cũng thuộc quyền vị Giám mục đại diện ở đây và không cho phép các Giám mục đại diện được trao quyền coi sóc khu vực ấy cho các Giám mục người Bồ Đào Nha ở vùng Đông Ấn, vì thế ngày 27-11-1678, các cha dòng Đaminh ở kinh đô Thái Lan, trong khu trại người Bồ Đào Nha, cũng trình giấy xin Giám mục đại diện ban quyền cho phép hoạt động ở Thái Lan.

Ở địa phận Đàng Ngoài, xứ Bắc Việt Nam thì hoà bình được vãn hồi, từ tháng 08-1677. Sau khi được lệnh của Bề Trên, ngày 25-08-1677, cha Feireira đã viết thư cho cha chính Phanxicô Deydier, tỏ bày sung sướng vì thấy chim câu hoà bình đã đến, báo hiệu chấm dứt những ngày mưa gió bão lụt của cuộc đại hồng thuỷ. Sau đó, cha Đôminicô Fuciti, cũng viết thư nhận quyền các Giám mục đại diện, nhắc lại những thư đã viết năm trước cho hai cha Deydier và de Bourges. Ngày 08-12, cha Fuciti cũng tuyên bố quyết định của Toà Thánh và khuyên giáo dân tuân phục quyền của Toà Thánh đã đặt, chấm dứt những tranh luận và mối bất hoà từ trước. Ít ngày sau, hai cha thừa sai dòng Tên đến thăm hai cha thừa sai Pháp ở Phố Hiến và dùng cơm chung với nhau. Trong thư gởi về Bộ Truyền Giáo, ngày 01-12-1677 hai cha Deydier và de Bourges cũng đã báo tin về sự phục quyền của các thừa sai dòng Tên ở xứ Bắc. Ở địa phận Đàng Trong thì vào cuối năm 1677, cha chính Courtaulin mới nhận được thư của Đức Tổng Giám mục Goa. Trong thư nói là xứ Nam không thuộc quyền Toà Giám mục ở Malacca, mà theo lệnh Toà Thánh, đặt dưới quyền các Giám mục đại diện. Cha Courtaulin liền thông báo bức thư này cho cha dòng Tên Candone. Trong thư ngày 17-01-1678, cha Candone đã công nhận quyền các Giám mục đại diện. Sau đó hai cha Candone và d’Acosta cũng viết thư về Bộ Truyền Giáo báo tin hành động phục quyền của hai cha và đã xin cha chính địa phận cho quyền hoạt động truyền giáo ở xứ Nam. Đồng thời cha chính Courtaulin cũng báo tin sự kiện cho các Đức Hồng Y trong thư ngày 12-03-1678.

Nhìn thấy trật tự và hoà bình được vãn hồi trong các khu vực truyền giáo mà Toà Thánh đã trao cho các Giám mục đại diện, Đức Cha Lambertô de la Motte không khỏi sung sướng cảm tạ ơn Chúa. Sau 18 năm trời hoạt động tranh đấu, kể từ năm 1659, khi Toà Thánh uỷ thác các khu vực truyền giáo cho các ngài, lúc này, các ngài mới thu lượm được kết quả và thành công. Bản tường trình 1677 đã không quên đề cao sự thành công đó : “Quyền hành các Giám mục đã được công nhận trong hầu hết các khu vực truyền giáo của các ngài. Có những thừa sai các dòng khác nhau đến cộng tác với các ngài. Các vua chúa lương dân trọng kính và nâng đỡ các ngài, còn dân chúng thì kéo nhau từng đoàn đến nghe giảng đạo và trở lại. Các ngài đã đặt nền móng đầu tiên cho việc thành lập hàng giáo phẩm ở các nơi ấy, bằng cách thành lập hàng Giáo sĩ, chọn những người bản xứ của chính những nơi lương dân ấy. 



CHƯƠNG XIII : CÁC CHA DÒNG ĐAMINH TỚI XỨ BẮC, TÌNH HÌNH HAI ĐỊA PHẬN ĐÀNG NGOÀI VÀ ĐÀNG TRONG (1676-1680)

I. CÁC CHA DÒNG ĐAMINH TỚI XỨ BẮC (1676-1680)

Trên đây chúng ta đã thấy, khi nghĩ đến nhu cầu của các khu vực truyền giáo thiếu ác thừa sai, các Giám mục đại diện Toà Thánh không những đã lo thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc mà còn lo kêu gọi các dòng có thể gởi thừa sai đến cộng tác với các ngài. Sau cuộc công cán ở Rôma (1667-1669) trở về kinh đô Thái Lan vào năm 1673, Đức Cha Phanxicô  Pallu đã bàn tính với Đức Cha Lambertô de la Motte viết thư về Pháp, yêu cầu tu hội Xuân Bích, tuyển chọn cho các ngài những ơn gọi truyền giáo mà ác cha có thể gặp trong các đại chủng viện do các cha điều khiển. Hai Đức Cha cũng nghĩ đến việc kêu gọi sự cộng tác của các thừa sai Tây Ban Nha, dòng thánh Đaminh và dòng thánh Phanxicô ở Manila, Phi Luật Tân. Các ngài đã sai cha Gabien Bouchard đi công cán vấn đề này và các cha dòng đều hứa sẵn sàng cộng tác. Các cha dòng Phanxicô đã sai ngay cha Luigi tước Mẹ Thiên Chúa đến kinh đô Thái Lan dạy Trường Chung giúp cha Langlois. Còn các cha dòng Đaminh thì nằm 1676, sai hai cha người Tây Ban Nhan Gioan d’Arjona và Gioan de Santa Cruz đến xứ Bắc giúp hai cha Phanxicô Deydier và Giacôbê de Bourges.

 

1. Các cha dòng Đaminh tới xứ Bắc (1676-1680)

Vào năm 1676, khi hai cha dòng Đaminh người Tây Ban Nha tới xứ Bắc địa phận  Đàng Ngoài, thì vấn đề quyền bính của các Giám mục đại diện đối với các cha dòng Tên thuộc Áo Môn của người Bồ Đào Nha vẫn chưa được giải quyết. Tính cách chia rẽ trong giáo đoàn vẫn kéo dài. Thấy các cha dòng Đaminh Tây Ban Nha đến, các cha dòng Tên Bồ Đào Nha cho rằng các thừa sai Pháp muốn kéo thêm vây cánh để rồi dần dần tìm cách đẩy các ngài ra ngoài giáo đoàn, thay thế bằng các cha dòng Đaminh. Cha Feireira, Bề Trên các cha dòng Tên ở địa phận Đàng Ngoài lúc đó, đã tuyên bố với hai cha thừa sai Pháp là mình có thể gọi từ Áo Môn qua xứ Bắc, một số đông các cha thừa sai dòng Tên, tuỳ theo nhu cầu đòi hỏi. Vấn đề tranh dành giữa các thừa sai Pháp và thừa sai dòng Tên càng trở nên quyết liệt. Nhất là nó còn được thúc đẩy do sự đố kỵ và ganh hơn thua thiệt giữa người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, cũng như sự bảo vệ quyền lợi khu vực bảo trợ của mỗi quốc gia, không muốn cho thừa sai nước khác tới.

Nhưng thực ra, hai cha Đaminh Gioan Arjoua và Gioan de Santa Cruz không có ý đến xứ Bắc để củng cố thêm lực lượng cho hai cha Deydier và Giacôbê de Bourges, như cha dòng Tên Feireira đã lo ngại. Bỏ Phi Luật Tân ra đi, các ngài có ngờ đâu là khi vừa tới xứ Bắc đã gặp nhiều khó khăn. Chẳng thế, khi lên đường, cha Bề Trên dòng đã trao cho hai cha một số tiền khá lớn, một nửa để lập một tu viện ở xứ Bắc, còn một nửa để làm lộ phí và tiêu pha trong thời kỳ sống ở địa sở truyền giáo.

Quen sống trong khu vực được tự do truyền đạo và giữ đạo, lại còn được kính trọng và nâng đỡ, các cha dòng Đaminh rất lấy làm khổ sở và lo lắng khi vào xứ Bắc gặp cảnh bách hại : đi đâu cũng phải lén lút, luôn luôn lo sợ bị tố giác, với cảnh tù tội bị đe doạ. Hơn nữa, đời sống khắc khổ và thấp kém của giáo dân cũng như các thường dân khác, cách sống thiếu thốn của các thừa sai, cũng làm các cha lo ngại. Nhưng tất cả những hy sinh đời sống truyền giáo đó, các cha dòng Đaminh có thể sẵn sàng lãnh nhận. Một phần nào, các cha đã nghĩ đến, khi nhận sứ mệnh đến truyền giáo cho một khu vực dưới quyền các vua chúa lương dân, dĩ nhiên không thể nào được tự do như khu vực bảo trợ của người Tây Ban Nha, hoặc Bồ Đào Nha, Phi Luật Tân hoặc Áo Môn.

Điều làm cho các cha bỡ ngỡ hơn cả có lẽ là vấn đề phải hoạt động truyền giáo dưới quyền các Giám mục đại diện Toà Thánh. Cũng như các cha dòng Tên trước đây, các cha dòng Đaminh vẫn quen sống độc lập và tự do trong công cuộc tổ chức cũng như chỉ huy việc truyền giáo của mình, dưới quyền Bề Trên dòng đã chỉ định và đặt đứng đầu trong địa sở truyền giáo của riêng các cha. Tới xứ Bắc, lần đầu tiên các cha phải chạm trán với tổ chức mới của Bộ Truyền Giáo, muốn lấy lại quyền chỉ huy các khu vực truyền giáo về Toà Thánh. Như các cha dòng Tên, các cha Đaminh cũng không muốn nhận tổ chức mới này và vẫn muốn tiếp tục tự do hoạt động truyền giáo theo đường lối của dòng mình và chỉ dưới quyền chỉ huy của Bề Trên dòng mình thôi. Các cha cũng được chứng kiến sự tranh chấp về quyền bính giữa các cha dòng Tên và các thừa sai Pháp đồng thời tình cảnh chia rẽ do đó đã gây ra trong giáo đoàn. Tất cả những rắc rối bên trong cũng như khó khăn bên ngoài, đã làm cho các cha dòng Đaminh vừa mới tới xứ Bắc đã thấy nản chí, muốn trở về ngay theo tàu buôn đã đưa các ngài tới.

Vì thiếu thừa sai, nên hai cha chính Phanxicô Deydier và cha Giacôbê de Bourges hết sức van nài hai cha ở lại hoạt động truyền giáo. Các cha dòng Đaminh bằng lòng đáp lại lời kêu gọi của hai thừa sai Pháp, với điều kiện các cha phải công nhận những đặc ân của dòng Đaminh ở khu vực truyền giáo. Cha Giacôbê de Bourges trong bản ký sự của địa sở đã viết : “Các cha ấy yêu cầu chúng tôi hết đặc ân miễn trừ này đến đặc ân miễn trừ khác, thành ra đến cuối cùng, nếu cho các ngài được tất cả thì nghĩa là chúng tôi cho phép các ngài công nhận các Giám mục đại diện chỉ là một hư vị mà thôi và đoản sắc “Những nhà thám hiểm” (Speculatores) của Đức Thánh Cha Clêmentê IX như thế đối với các ngài kể như không có ban hành.

Đối với những đòi hỏi quá đáng của các cha Đaminh, các cha Phanxicô Deydier và cha Giacôbê de Bourges bằng lòng cho các ngài, nhưng với điều kiện là nếu được các Giám mục địa diện ưng chuẩn. Tuy với tất cả những ưu đãi đặc biệt ấy hai cha thừa sai Pháp không bao giờ dùng để xử đãi với cha dòng Tên, dầu thế hai cha Đaminh chỉ nhận ở lại một cách miễn cưỡng. Năm sau, cha Gioan Arjona, Bề Trên, nhân có chuyến tàu người Anh bỏ xứ Bắc đi Bantam, liền theo tàu bỏ xứ Bắc với hy vọng có thể đáp tàu từ Bantam đi Phi Luật Tân. Không gặp tàu, cha Gioan Arjona đành qua Thái Lan trú và gặp Đức Cha Luigi Laneau ở thủ đô Thái Lan.

Ở lại xứ Bắc duy có một mình cha Gioan de Santa Cruz. Năm sau 1678 thêm cha Dionision Morales. Nhưng rồi đầu năm 1679, cả hai cũng rời xứ Bắc lấy tàu qua Thái Lan để trở về Manila. Hai cha Gioan de Santa Cruz và Dionision Morales đã gặp lại cha Gioan Arjona ở kinh đô Thái Lan. Được nhiều đặc ân mà các cha đã đòi hỏi thêm, cũng như những miễn trừ mà các cha đã yêu cầu hai cha chính Deydier và Bourges ở xứ Bắc : tất cả đều được Đức Cha Luigi Laneau chấp nhận và phê chuẩn, cả ba cha mới trở lại xứ Bắc vào tháng 08 năm 1679.

Theo thư ngày 12-12-1679, hai cha Deydier và Bourges gởi cha cha Gazil, trong Ban Giám Đốc Chủng viện truyền giáo ở Paris, thì hai ngài trao cho ba cha coi sóc riêng một khu vực hơn 1 trấn : lúc đó là các xứ Trung Linh, Giao Thuỷ, Nam Trực, Trực Ninh, Thanh Quang và Vũ Tiến thuộc trấn Sơn Nam. Nhưng sau 15 tháng hoạt động ở xứ Bắc thấy tình trạng cấm cách khó khăn, cả ba cha lại quyết định đáp tàu về Phi Luật Tân. Hai cha Deydier và Bourges cố tìm cách giữ cả ba cha lại nhưng vô hiệu quả.

Thấy việc yêu cầu người Anh và người Hoà Lan nhường một chỗ trên tàu của họ gặp nhiều khó khăn, nhưng lúc ấy có tàu người Pháp đến, hai cha thừa sai yêu cầu họ dành cho các cha dòng Đaminh chỗ trên tàu để về Bantam rồi từ đấy kiếm tàu về Phi Luật Tân. Trước khi các cha Đaminh lên đường hai cha chính viết thư mời ba cha dòng đến gặp các ngài ở Phố Hiến. Hai cha Gioan Arjona và Dionision Morales đến nhưng chẳng may các ngài gặp phải chuyện phiền phức :

Nguyên vị Tổng trấn Sơn Nam mới ra lệnh cho các đề lại cho người do thám các thừa sai Pháp ở Phố Hiến, nếu bắt được giáo dân hội họp ở nhà các ngài thì sẽ được thưởng, lệnh mới ban hành nên cha Deydier và Bourges không biết để kịp báo cho các cha Đaminh đề phòng. Hôm ấy, vào lúc trời tối, các cha Đaminh cập thuyền bên nhà các thừa sai để lên gặp các ngài. Đội tuần thám của các đề lại thấy có thuyền cập bến bên nhà các thừa sai Pháp liền phi báo cho các đề lại biết để đến khám xét. Đếm khám thuyền hai cha Đaminh, các ông bắt được một kiện sách và nhiều đồ lễ đựng bên trong. Được tin báo dưới thuyền bị khám xét : trên nhà, các thừa sai Pháp vội dấu đồ lễ, nên sau đó khi lên khám nhà, các đề lại không bắt được chi cả. Họ bắt những người chèo thuyền, mấy chú nhỏ và mấy thầy giảng điệu về tra tấn lấy cung. Mấy chú nhỏ vì sợ cực hình nên cung khai tất cả. Khi quan trấn về, ông truyền bắt giao hai cha dòng Đaminh và giải lên kinh cùng với 10 người bị bắt : các chú, các bõ, các thầy. Chúa Trịnh giao việc cho các quan ở phủ Chúa xét xử rồi truyền giải về trấn để chờ án.

Các quan trong phủ Chúa Trịnh lúc đó bận nhiều công việc nên trì hoãn chưa xét ngay. Trong khi đó quan Trấn Sơn Nam thì được lệnh đổi về trong coi vùng Bố Chánh. Muốn chóng xong công việc, ông xin Chúa Trịnh ra án trục xuất hai cha và phạt trượng các tù nhân khác. Nhà Chúa y án : quan trấn giao cho tàu Hoà Lan đưa các cha trở về Batavia và doạ nếu để hai cha trở lại sẽ bị phạt. Hai cha Gioan Arjona và Dionision Morales, khi về tới Batavia thì lại bị người Hoà Lan đưa về quê hương của họ. Như thế ở lại xứ Bắc còn một mình cha Gioan de Santa Cruz, cha ở xứ Cổ Liên cùng với cha già Mattinô Mát.

 


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương