LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA


II. THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM



tải về 1.47 Mb.
trang12/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   21

II. THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM

Trước khi từ giã giáo đoàn xứ Bắc, kết thúc cuộc kinh lược đầu tiên của ngài ở địa phận Đàng Ngoài, Đức Cha Lambertô de la Motte còn phải giải quyết một vài vấn đề, mà cha chính Deydier đã đặt ra với ngài, từ ngay lúc đầu khi mới tới xứ Bắc, vấn đề thành lập dòng tu cho những thiếu nữ muốn sống đời tu trì như các dòng tu bên Tây phương.

 

1. Sáng kiến lập dòng nữ của cha chính Phanxicô  Deydier

Trước đây, dưới thời các thừa sai dòng Tên cũng như lúc này, dưới quyền của các Giám mục đại diện Toà Thánh, tục đa thê là một trở ngại lớn lao cho công cuộc truyền giáo, ở xứ Bắc cũng như ở xứ Nam. Nhiều người lương dân muốn theo đạo công giáo, nhưng vì vương vấn vợ nọ con kia, nên không thể nhận vào đạo được. Tai hại hơn nữa nhiều thiếu nữ Công Giáo vì bị ép uổng, không thể chối từ được, đã phải rơi vào cảnh lẽ mọn và bỏ đạo. Cũng có trường hợp vì tình trạng chồng lương vợ giáo nên cũng không thể trung thành giữ đạo. Khi gặp một người trong gia đình quan lại hoặc đàn anh bên lương có thế giá hay giàu có hỏi làm vợ, để tránh những ép uổng và những liên luỵ cho gia đình, họ thường ẩn náu đi nơi khác, trong một gia đình Công Giáo nào đó.

Đi xa hơn nữa, nhiều thiếu nữ vì chán canh thế gian, muốn sống đời tu trì, đọc kinh cầu nguyện như các sư vãi, mà họ thấy bên nhà chùa. Có những thiếu nữ muốn hiến dâng đời mình cho công cuộc truyền giáo, làm những công việc một phần nào tương tự như các thầy giảng, nghĩa là những công việc truyền đạo mà giới phụ nữ có thể làm được. Ở nhiều họ đạo, không có thầy giảng, người ta thấy có những bà cụ hay những cô gái ngoan đạo hay dạy kinh bổn cho trẻ em hoặc cho các phụ nữ tân tòng. Có những bà những cô biết làm thuốc, họ đi thăm người bệnh bên lương và rửa tội được nhiều người trước khi chết.

Dưới thời các thừa sai dòng Tên, cha Marini đã nói đến một số thiếu nữ muốn sống đời tu trì, hiến dâng trọn đời cho Chúa và hoạt động truyền giáo. Người ta cũng kể câu chuyện “ba người nữ ở xứ Đông” tức miền núi Hải Dương bây giờ. Năm 1640, Chúa Trịnh Trang ra chỉ cấm đạo, nhưng ba tháng sau lại rút sắc chỉ lại. Nghe tin có sắc chỉ cấm đạo, ba người nữ nầy lúc đó đã khấn giữ mình đồng trinh, liền đến Kẻ Chợ để xưng đạo. Nhưng đến nơi thì Chúa Trịnh Trang đã tha đạo. Cả ba quyết định ở lại miền Kẻ Chợ và sống chung với nhau để giúp nhau tập đi đường nhân đức. Sau này cũng có nhiều người bắt chước gương những người nữ này và sống chung với nhau như thế. Vì sợ những dị nghị và những khó dễ có thể xảy đến cho sự đạo, các cha dòng Tên không dám nhận họ để tổ chức thành một tu hội như các thầy giảng. Không dám huấn luyện cho họ biết sống đời tu trì đạo đức và biết hoạt động truyền giáo để cộng tác với các cha như các thầy giảng.

Đối với thái độ của các dòng Tên trên đây, cha chính Phanxicô Deydier cho là quá dè giữ. Cha là người đầu tiên, để ý đến nguồn năng lực truyền giáo của giới phụ nữ Việt Nam. Sau này, lịch sử sẽ chứng minh nó không kém gì địa vị của các thầy giảng trong công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo Hội. Chính cha Deydier cũng là người đầu tiên đã thành lập cho họ “một thứ tu viện” với một vài luật pháp sơ khởi. Vào cuối tháng 03-1669, trong cuộc đi làm phúc các xứ đạo, sau khi thăm “Kẻ Vồi”, cha Deydier qua “Kẻ Mong” (Sơn Miệng) cha kể : “Ở nhà xứ đó, có ba thiếu nữ giữ mình trinh khiết, sống chung với nhau theo một vài luật pháp mà tôi đã đặt cho họ, với hy vọng Thiên Chúa sẽ cho chúng tôi phương thế lập một thứ tu viện để 3 thiếu nữ đó và rất nhiều người khác cũng có chí hướng như thế họ có thể đến ở với nhau.”

 

2. Đức Cha Lambertô de la Motte, vị sáng lập dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam

Đức Cha Lambertô  de la Motte không những đồng ý kiến và phê chuẩn công việc của cha chính Phanxicô Deydier, ngài còn tự tay soạn thảo cho tổ chức mới đó, một bản luật đầy đủ hơn và công nhận làm một dòng tu nữ trong địa phận Đàng Ngoài. Cùng với cha chính Phanxicô Deydier, Đức Cha Lambertô  de la Motte đã trở nên vị sáng lập Dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam.

Cũng như các dòng tu khác, dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất nhiều lối sống tu trì và cách thế hoạt động tông đồ của vị sáng lập. Đức Cha Lambertô de la Motte đã đem tất cả những nguyên tắc đời sống tu trì của ngài, với tinh thần đạo đức khắc khổ và với lòng tôn sùng thánh giá của ngài vào việc soạn thảo bản luật cho các chị em dòng Mến Thánh Giá. Chúng ta có thể nhìn thấy ở đây, phản ảnh trung thành con đường tu đức của ngài.

Có thế nói đặc điểm trong con đường tu đức của ngài là hiến dâng thân xác mình cho Chúa Giêsu chịu đau khổ, để người tiếp tục lễ hy sinh cứu chuộc loài người. Căn cứ vào những ghi ký thiêng liêng của Đức Cha Lambertô de la Motte, một vị thừa sai Hội Truyền Giáo Bale đã viết những dòng sau này về vị sáng lập dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam.

“Bị thúc bách bởi lòng mong muốn tỏ bày tình yêu đặc biệt cho Chúa Giêsu Kitô, Đức Cha đã nghe thấy tiếng gọi bên trong bảo ngài hãy hiến dâng thân xác mình cho Chúa Giêsu Kitô, cho Người mượn thân xác đó mà thi hành những công việc đền tội và hãm mình, để Người có thể tiếp tục mỗi ngày cuộc lễ hy sinh đau khổ trong một thân xác có thể chịu đau khổ, thân xác đã cho Người mượn và đã được Người tuyển chọn vào công việc đó. Đức Cha Lambertô de la Motte còn nói rõ hơn : tiếp theo đó tôi nhận biết rằng, điều mà Chúa yêu cầu tôi là mỗi ngày, lúc chiều tà và lúc ban đêm cũng như trong giờ nguyện ngắm, tôi sẽ đánh tội khoảng chừng bằng thời gian đọc kinh Miserere, để long trọng kính nhớ cuộc hiến tế của Người trên thánh giá và để làm tròn đầy đủ một điều duy nhất còn thiếu trên bàn thánh đó là việc đổ máu… Đồng thời Đức Cha cũng nghe thấy tiếng gọi bên trong khác, thúc đẩy ngài thành lập một hội những người có lòng đạo đức siêng năng đọc kinh cầu nguyện, không phân biệt giai cấp xã hội, cũng không phân biệt nữ giới hoặc nam giới. Họ là những người muốn hiến dâng thân xác mình cho Chúa, để làm việc hãm mình đền tội, kính nhớ cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô. Hội đó sẽ lấy tên là Hội Mến Thánh Giá, với mục đích cầu nguyện cho người lương dân và những kẻ có tội ăn năn trở lại. Nhờ họ các vị thừa sai sẽ có một trợ lực thiêng liêng lớn lao để hoạt động có kết quả, trong công cuộc truyền giáo.”

Căn cứ vào những ghi ký thiêng liêng trên đây của Đức Cha Lambertô de la Motte, vị thừa sai đó cho rằng : chính nhờ những tiếng gọi thần bí đó của Đức Cha trong con đường tu đức, đã phát sinh ra dòng chị em nữ tu Mến Thánh Giá và bản luật đầu tiên của dòng, do Đức Cha soạn thảo.

Như các dòng nữ khác, các chị em Mến Thánh Giá cũng khấn ba nhân đức : khó khăn, trinh khiết và vâng lời. Các chị cũng theo lối sống cộng đồng trong từng nhà, không quá 10 chị, dưới quyền một bà mẹ bề trên, nhưng khác với các dòng nữ tu khác, ở con đường tu đức đặc biệt của dòng. Bản luật của Đức Cha Lambertô de la Motte đã viết : để tiến trên con đường trọn lành, các chị em hằng ngày sẽ nguyện ngắm về sự thương khó Chúa Giêsu để mỗi ngày biết Chúa hơn và yêu mến Chúa hơn. Bản luật lại tiếp : các chị em sẽ hiến dâng lời cầu nguyện và việc hãm mình đền tội cho công cuộc truyền giáo, bằng lời cầu nguyện và hy sinh hãm mình.

Những các chị không trợ lực công cuộc truyền giáo bằng lời cầu nguyện và hy sinh không thôi, mà còn trợ lực bằng chính hoạt động truyền giáo của các chị nữa. Dòng chị em Mến Thánh Giá là một dòng nữ tu truyền giáo. Bản luật đã nhấn mạnh điều đó, vì bên cạnh đời sống tu trì nguyện ngắm và hãm mình cầu nguyện, các chị cũng không được sao nhãng hoạt động truyền giáo. Bản luật đã kê ra những hoạt động truyền giáo, thích hợp với giới phụ nữ của các chị em dòng và với tình trạng xã hội Việt Nam lúc đó. Trước hết các chị lo dạy kinh bổn cho các trẻ em và cho các thiếu nữ con nhà có đạo. Đồng thời cũng là dạy kinh bổn cho các người nữ lương dân muốn trở lại. Theo lối truyền giáo thịnh hành và rất thích hợp với xã hội Việt Nam lúc đó, các chị sẽ lo săn sóc người liệt bên lương cũng như bên giáo với mục đích cứu vớt linh hồn họ đồng thời với sự sống của họ. Các chị cũng lo tìm cách rửa tội cho các em nhỏ gia đình bên lương, lúc gần chết. Đi xa hơn nữa, bản luật còn muốn các chị cũng sẽ cố gắng để lôi cuốn những người nhà trò con hát và những người nữ truỵ lạc ra khỏi đời sống tội lỗi của họ.

Tiếp theo, bản luật đã đặt ra cho các chị một chương trình sống hàng ngày rất nghiêm ngặt. Sáng mai, các chị thức dậy từ 4 giờ sáng. Sau khi đọc kinh sáng, các chị nguyện ngắm một giờ về sự thương khó Chúa Giêsu, kết thúc bằng ca vịnh sám hối và đánh tội. Ban ngày, ngoài hoạt động truyền giáo mà bản luật đã đề ra trên đây, các chị sẽ làm công việc chân tay để sinh sống. Cơm ăn của các chị, một ngày hai bữa thanh đạm. Các chị sẽ giữ chay các ngày thứ sáu và suốt đời kiêng không ăn thịt, chỉ trừ ba ngày lễ sinh nhật, Phục Sinh và Hiện Xuống.

Cuối cùng bản luật nhận thánh Giuse làm quan thầy bảo hộ cho dòng. Trước khoản luật cuối cùng này, Đức Cha Lanbertô de la Motte đã dành ra nhiều khoảng để giải thích lời của thánh Phaolô đã bảo : “Chúng ta là những người đã được Chúa Kitô chịu chết, để ban lại cho chúng ta sự sống, thì nay chúng ta không còn được sống cho chúng ta nữa, mà phải sống cho Đấng đã chết, để ban lại sự sống cho chúng ta.” Vị sáng lập đã muốn cho các chị dòng của ngài lấy câu đó làm châm ngôn của mình. Thực tế, nó bao gồm tất cả ý nghĩa cũng như đường lối tu trì của các chị : “Hiến dâng tất cả đời sống cho Chúa Kitô đã chịu đóng đinh.”

Bước vào mùa Chay năm 1670, ngày lễ Tro, Đức Cha Lambertô de la Motte sung sướng nhận lễ khấn tuyên thệ của hai chị tiên khởi dòng Mến Thánh Giá, đó là chị Anê và Paula. Sau lễ khấn này Đức Cha Lambertô de la Motte vội vã theo tàu Junet, ngày 26-02-1670, đang đậu lại ở sông Cái để chờ gió thuận kéo buồm ra khơi.

Công việc cuối cùng của Đức Cha Lambertô de la Motte trong cuộc kinh lược địa phận Đàng Ngoài như thế đã hoàn tất. Dòng Chị Em Mến Thánh Giá của Giáo Hội Việt Nam đã thành lập. Ngay từ lúc đầu dòng đã bành trướng một cách mau lẹ. Trong một thời gian vắn, số người ta xin nhập tu đã quá đông, vì thế phải thành lập một nhà khác. Nhà thứ hai này lúc đầu đã có 5, 6 chị dòng dưới quyền bà mẹ bề trên tên là Lina, bà là một goá phụ đạo đức đã 45 tuổi. Trong số các chị xin nhập tu cũng có chị thuộc gia đình có thế giá, đàn anh, quan lại và thuộc cả hoàng gia nữa, như trường hợp chị Catarina, con gái của cụ Orsula Đức Lão Cù. Chị cũng muốn xin vào làm chị nhà tập của dòng mới, nhưng vì đã có một người con của một vị quan lớn trong triều muốn hỏi chị làm phu nhân, nên cha chính Phanxicô Deydier không muốn nhận vì sợ có liên luỵ đến dòng mới thành lập.

Sáng lập dòng Chị Em Mến Thánh Giá, đó là công ơn đặc biệt Đức Cha Lambertô de la Motte làm cho Giáo Hội Việt Nam. Suốt dọc mấy thế kỷ đầu của Giáo Hội Việt Nam, qua các cuộc bách hại của Chúa Nguyễn trong Nam và Chúa Trịnh ngoài Bắc, đến thời Tây Sơn và tiếp theo thời bách hại đẫm máu trên khắp các địa sở truyền giáo, cùng với tổ chức các thầy giảng, các chị em dòng Mến Thánh Giá đã góp một địa vị quan trọng trong công cuộc truyền giáo và xây dựng Giáo Hội Việt Nam. Nói về các chị em dòng Mến Thánh Giá, cha A. Launay đã viết : “Những người nữ thánh thiện và khó nghèo đó, họ đáng được gọi bằng cái tên chị em Mến Thánh Giá. Họ đã chịu đựng tất cả những gì là đau khổ, là lo âu, là cay đắng của loài người, nhưng họ cũng đã được nếm tất cả những gì là ngọt ngào thiêng liêng của tình yêu Chúa. Họ đã sống một đời nghèo khổ làm lụng vất vả và chịu nhiều cay đắng nhục nhã. Chúng ta gặp họ trên khắp nẻo đường đất nước. Họ đi thăm các xóm làng, các xứ tỉnh để đem nước tái sinh của phép rửa để cho các em nhỏ. Họ đã liều mạng để giúp các linh mục ẩn tránh trong thời kỳ bị bách hại. Họ đã mang bánh ban sức mạnh cho các vị xưng đạo trong tận các tù ngục, và đã kết vòng hoa chiến thắng cho tất cả những công việc nhân đức và hy sinh can đảm đó. Họ đã xưng danh Chúa Giêsu, dù bị tra tấn cực hình hay phải hy sinh mạng sống.” Cuối cùng cha Launay kết luận : “Các chị em dòng Mến Thánh Giá thực đã nêu cao bên trời Đông, sự cao cả của đức khiêm nhường, vinh danh của đức vâng lời và hào quang của đức trinh khiết.”

 

3. Trên con đường trở về Thái Lan. Bức thư của Đức Cha Lambertô de la Motte gửi các chị em dòng Mến Thánh Giá và bức thư 9 linh mục địa phận Đàng Ngoài gửi lên Đức Thánh Cha

Tàu của Junet tuy vội vã lên đường nhưng ra đến cửa Sông Cái thì gặp trái gió, phải dừng lại một thời gian khá lâu mới có thể có gió thuận để kéo buồm ra khơi. Cùng trở về Thái Lan với Đức Cha Lambertô de la Motte, có cha Gabien Bouchard. Còn cha Giacôbê de Bourges ở lại Bắc hoạt động truyền giáo với cha chính Phanxicô Deydier.

Lợi dụng thời gian chờ đợi, Đức Cha không những đã hoàn tất bản luật dòng cho các chị em Mến Thánh Giá và ký nhận vào ngày 26-06-1670, ngài còn gửi kèm theo bản luật một bức thư cho hai chị Anê và Paula. Đây là một sử liệu quý giá của các chị em dòng Mến Thánh Giá. Cũng như bản luật của dòng, bức thư gửi cho hai chị Anê và Paula là phản ảnh trung thành con đường tu đức của vị sáng lập. Nhưng nếu trong bản luật, những tư tưởng thiêng liêng thần bí của ngài bị gò bó vì những khoản luật rời rạc, thì ở đây, trong thư gửi cho hai chị Anê và Paula, nó được tự do phát biểu và được phát biểu đầy đủ, rõ ràng hơn. Các chị em dòng Mến Thánh Giá có thể coi bức thư đầu tiên gửi cho các chị đây, như bức tâm thư cuối cùng của người cha sáng lập dòng, trối lại cho con cái của ngài. Chúng tôi tạm dịch :

“Phêrô Lambertô gửi các chị Anê và Paula yêu dấu,

Vì phải xuống tàu trở về vội vàng, nên ngày lễ Tro, Thầy (lối xưng hô thời xưa của các Đức Giám mục) không thể khuyên bảo chúng con về con đường trọn lành, mà Đức Chúa Trời đã đoái thương, kêu gọi chúng con bước lên. Thầy viết mấy dòng này, để nhắc nhở chúng con, là chúng con đã hiến dâng mình cho Chúa Giêsu Kitô, thì từ nay chúng con không còn thuộc về chúng con nữa.

Từ nay chúng con sống là để suy ngắm sự thương khó Chúa, để bắt chước đời sống chịu đóng đinh của Người. Nhờ đó mỗi ngày chúng con lớn lên trong sự hiểu biết và trong tình yêu người bạn trăm năm trên trời. Chúng con sẽ cố gắng làm vui lòng Người, bằng cách trung thành làm trọn tất cả mọi nhiệm vụ bó buộc của mình. Thầy không bao giờ hết lời nhắc bảo chúng con biết rằng, nhờ đó chúng con sẽ thu lượm được những lợi ích lớn lao cho linh hồn mình và những lợi ích đó, cũng sẽ chiếu giãi ra cho cả Hội Thánh Chúa.

Thầy cũng đặc biệt nhắc nhở chúng con, về việc săn sóc các chị em trong nhà. Đấy là những kho tàng thánh thiện Chúa đã trao phó trong tay chúng con. Chúng con cũng luôn luôn đặt mục tiêu chính yếu của đời sống tu trì của chị em chúng con là tiếp tục đời sống đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, là cầu xin với Người cho những người lương dân và những người công giáo tội lỗi ăn năn trở lại, bằng những lời kinh nguyện của chúng con, bằng những việc ăn chay hãm mình và bằng nước mắt đổ ra của chúng con. Nhưng đặc biệt chúng con phải chú trọng điều này, là chúng con phải làm những công việc thánh thiện đó, như là làm thay cho Chúa Giêsu Kitô.

Trong tình trạng vinh quang trên trời của Người, Chúa Giêsu không thể thi hành những công việc đó như khi còn ở dưới thế này. Nhưng Người đã dùng một số linh hồn, Người đã tuyển chọn và đã ban đầy tinh thần cứu thế của Người, để tiếp tục sống đời sống cứu thế của Người ở thế gian này và để tiếp tục công cuộc hiến tế của Người cho đến ngày tận thế.

Các chị em yêu dấu của Thầy, đấy chúng con xem, địa vị của chúng con cao cả như thế nào. Nhờ đó, chúng con mới hiểu, vì sao chúng con phải hoàn toàn chết với thế gian và chết với chính mình, nghĩa là chết với những đòi hỏi của giác quan, chết với bản tính hư hèn của loài người, chết với đường lối lý luận của loài người, để từ nay, chúng con chỉ sống đời sống của Chúa Giêsu Kitô, tuân theo những nguyên tắc sống đạo cao cả của Người.

Thầy xin chúng con hãy luôn luôn suy ngắm những chân lý ấy và chúng con hãy nhớ đến Thầy khi đến trước mặt Chúa.”

Tại cửa Biển Xứ Đông Kinh, ngày 26-02-1670.

CHƯƠNG IX : ĐỨC CHA LAMBERTÔ DE LA MOTTE KINH LƯỢC ĐỊA PHẬN ĐÀNG TRONG LẦN THỨ I (1671-1672) VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC THỪA SAI (1672-1675)

I. Ở KINH ĐÔ THÁI LAN, SAU CUỘC KINH LƯỢC ĐỊA PHẬN ĐÀNG NGOÀI (1670-1671)

Trở về tới kinh đô Thái Lan vào trung tuần tháng 04-1670 với cha Gabien Bouchard, thì đến ngày 12-10-1672, Đức Cha Lambertô de la Motte đã làm xong bản tường trình của ngài về chuyến đi kinh lược địa phận Đàng Ngoài (1669-1670). Ngài gửi về Toà Thánh kèm theo bản luật Công đồng I xứ Đông Kinh và bản luật của các chị em Dòng Mến Thánh Giá. Bản luật công đồng sau khi sửa đổi ít nhiều, đã được Đức Thánh Cha Clêmentê X công nhận trong đoản sắc “Sứ mệnh tông đồ” (Apostelitus afficium) ngày 23-12-1673.

 

1. Những khó khăn Đức Cha gặp với kinh sĩ hội ở Goa và với người Bồ Đào Nha ở kinh đô Thái Lan

Ở kinh đô Thái Lan, Đức Cha Lambertô de la Motte vẫn tiếp tục gặp những khó dễ với người Bồ Đào Nha. Vào đầu tháng 11-1670 một uỷ viên của kinh sĩ hội Goa đã được phái đến kinh đô Thái Lan, yêu cầu Đức Cha trình uỷ nhiệm thư và sắc phong Giám mục. Nếu không sẽ bị rút phép thông công và còn bị phạt vạ 200 đồng bạc nữa.

Muốn hiểu câu chuyện này, chúng ta phải trở lại thời gian năm 1665. Từ khi bước chân đến kinh đô Thái Lan, nhìn thấy những tệ lạm trong phái đoàn ở đây, Đức Cha Lambertô de la Motte, với tính tình nhiệt tình sốt sắng, đòi hỏi sự hoàn thiện ở nơi mình cũng như ở nơi khác, ngài đã nhiều lần lên tiếng tố cáo. Ngài muốn cải cách, nhưng đành bó tay chịu, vì ngài không có quyền hành gì ở địa sở truyền giáo kinh đô Thái Lan. Vào cuối năm 1663, Đức Cha đã sai cha Giacôbê de Bourges trở về Rôma, xin Toà Thánh uỷ quyền coi sóc địa sở truyền giáo Thái Lan cho các Giám mục đại diện tông toà. Đang khi chờ đợi, vào cuối năm 1665, trong chuyến trở lại xứ Nam của cha Luigi Chevreuil với cha Antôn Hainques, Đức Cha đã trao cho cha Luigi Chevreuil sứ mệnh gặp cha Paul d’Acosta. Ngài là cha chính địa phận Malacca, lúc đó dang lánh nạn ở Cao Miên. Cha Chevreuil sẽ xin cha này uỷ quyền coi sóc các địa sở truyền giáo kinh đô Thái Lan cho Đức Cha Lambertô de la Motte.

Nhận được giấy uỷ quyền của cha chính Paul d’Acosta viết tại Cao Miên ngày 24-12-1665, Đức Cha đã dùng quyền đó để sửa chữa những tệ lạm của các cha dòng ở tại kinh đô Thái Lan. Vào tháng 05-1666, Đức Cha đã ngăn cản không cho cha dòng Đaminh, người Bồ Đào Nha, tên là Fragese, uỷ viên của Toà điều tra ở Goa, được làm bõ đỡ đầu trong dịp làm phép thêm sức. Một cuộc tranh luận sôi nổi về pháp luật, nhưng Đức Cha Lambertô de la Motte, vị cựu trạng sư  của toà án ở Rouen, đã không để họ lấn chân. Năm sau, ngày 15-10-1667, ngài đã viết một thư chung bằng La ngữ, kèm theo bản dịch bằng tiếng Bồ Đào Nha, tố cáo tệ lạm buôn bán của các cha dòng Tên. Một cuộc tranh luận sôi nổi khác lại tiếp diễn về vấn đề buôn bán của các cha dòng và những người Bồ Đào Nha đối với Đức Cha Lambertô de la Motte trở nên sâu đậm hơn.

Nhưng quyền hạn mà cha chính ở Malacca, Phaolô d’Acota, uỷ nhiệm cho Đức Cha Lambertô de la Motte ở kinh đô Thái Lan không được lâu  bền. Sau khi bỏ Cao Miên cha này đã sang Goa và xin từ chức ở đây ngày 20-05-1667. Do sự từ chức này, quyền hạn của Đức Cha Lambertô de la Motte do cha chính Phaolô d’Acosta uỷ nhiệm cũng hết hiệu lực. Các cha dòng lợi dụng tình trạng này để yêu cầu các Toà Giám mục ở Goa can thiệp vào sự có mặt của Đức Cha Lambertô de la Motte ở kinh đô Thái Lan. Đã từ lâu, Goa không có Đức Tổng Giám mục và Kinh sĩ hội thay thế ngài để coi sóc địa phận. Dựa vào quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha, Toà Giám mục Goa cho rằng mình có quyền can thiệp vào các vấn đề của các địa sở truyền giáo vùng Đông Ấn.

Ngày 02-08-1669, kinh sĩ hội ở Goa ký một sắc lệnh, yêu cầu Đức Cha Lambertô de la Motte phải trình bày uỷ nhiệm thư và sắc phong Giám mục cho uỷ viên của hội, sẽ được sai đến kinh đô Thái Lan, lên đường vào xứ Bắc để kinh lược địa phận Đàng Ngoài. Vì thế, sắc lệnh này mãi đến 05-11-670 mới trao đến tay Đức Cha, trong 3 ngày, phải thi hành sắc lệnh ấy. Vì muốn tránh những gương xấu, những tin đồn dị nghị tai hại, theo như Đức Cha viết cho cha Leslay, nhân viên của Bộ Truyền giáo, mấy ngày sau khi câu chuyện xảy ra, Đức Cha đã bằng lòng để cho uỷ viên của kinh sĩ hội ở Goa, xem các sắc phong của Toà Thánh, nhưng sau đó, ngày 10-11-1670, Đức Cha Lambertô de la Motte đã viết thư phản đối việc làm của kinh sĩ hội ở Goa : “Là nhân viên của Toà Thánh trực tiếp sai đến khu vực truyền giáo, nên chỉ có Toà Thánh mới có quyền xét cứ công việc làm của ngài.” Đồng thời Đức Cha cũng viết thư về Bộ Truyền Giáo trình bày câu chuyện của kinh sĩ hội ở Goa.

Nhận hay không nhận quyền chức Giám mục của Đức Cha Lambertô de la Motte, do các sắc phong của Toà Thánh ban cho ngài, kinh sĩ hội ở Goa vẫn kết án Đức Cha, vì ngài đã vào khu vực truyền giáo vùng Đông Ấn, mà không chịu qua sự kiểm soát của Lisbona. Những sắc chỉ Toà Thánh ban quyền cho Đức Cha, ở những địa sở truyền giáo đã chỉ định cho ngài, vì không có sự ưng thuận của Quốc vương Bồ Đào Nha, nên không có giá trị. Không chịu qua quyền kiểm soát của Lisbona và không được sự ưng thuận của Quốc vương Bồ Đào Nha, đó là hai tội lỗi lớn, mà tinh thần quốc gia quá khích của người Bồ Đào Nha không thể tha thứ được. Đức Cha Lambertô de la Motte đã được nếm một bài học kinh nghiệm.

Câu chuyện xảy ra vào một chiều Chúa nhật. Một người Bồ Đào Nha có thế giá trong hoàng gia, mới đến kinh đô Thái Lan, nghe biết câu chuyện, đã đem theo một số nhân viên, chèo thuyền đến cửa nhà Đức Cha ở làng người Việt bên mé sông Mễ Nam. Họ đánh trống thổi kèn ầm ĩ, yêu cầu Đức Cha ra trình diện và đưa giấy phép của Quốc vương Bồ Đào Nha cho phép tới địa sở truyền giáo ở Xiêm, nếu không sẽ bị bắt giải về Goa… Nhưng dân chúng ở làng Việt đã được cấp báo kịp thời, để bảo vệ Đức Cha không cho họ bắt đem đi. Vị thủ lãnh trong làng cùng 12 tuần đinh, mang gươm tuốt trần, mặc áo trận sẵn sàng đi ứng chiến. Những người Bồ Đào Nha thấy thế sợ hết vía, phải rút lui vội vàng. Nếu không có sự can gián của Đức Cha, thì tên đứng đầu đã bị dân làng Việt cho một trận đòn nhừ tử. Để trả thù những người Bồ đào Nha định lôi kéo người Hoà Lan về phía họ, nhưng người Hoà Lan cũng khiếp sợ dân làng Việt, không dám nhận. Đêm hôm làng Việt được canh phòng cẩn mật.

Sáng hôm sau, trên hai chiến thuyền nhỏ vua Xiêm ban cho dân làng Việt, để họ đi theo nhà vua lúc đánh trận, cha Bêninhê Vachet kể : “Với một lối chèo thuyền rất mau lẹ, hai chiến thuyền đó trong chốc lát đã đến trại của người Bồ Đào Nha. Khi tới nơi họ gác chèo để cho thuyền từ từ trôi theo dòng nước, tay cầm gươm tuốt trần. Họ lớn tiếng thách thức các dân khiếp nhược đó. Không một tên nào dám ra mặt, hầu hết bỏ chạy trốn vào nhà thờ tất cả.” Người dân làng Việt đi đi lại lại bốn lần như thế, mà không một phản ứng gì cả, lúc đó họ mới rút lui. Người Bồ Đào Nha từ đấy lại càng khiếp sợ người dân làng Việt. Suốt một tháng trời sau đó, họ không dám đi thuyền qua làng Việt.

 

2. Những thừa sai mới và những sắc lệnh bảo vệ quyền Giám mục đại diện. Quyết định kinh lược địa phận Đàng Trong

Đang khi phải đương đầu với những khó khăn gây ra cho kinh sĩ hội ở Goa và do người Bồ Đào Nha ở kinh đô Thái Lan, Đức Cha Lambertô de la Motte vẫn giữ mối thịnh tình với nhà vua Thái Lan Pharanai và với Phanicon vị quan triều được tín nhiệm của nhà vua. Đầu năm 1671, Đức Cha bị ốm nặng ai cũng tưởng chết. Được tin, vua Thái Lan liền phái mấy thầy lang danh sư của nhà vua đến săn sóc cho Đức Cha. Được ít lâu thì Đức Cha bình phục.

Vào đầu tháng 07-1671, Đức Cha được sung sướng đón nhận thêm hai thừa sai mới : cha Phêrô Langlois và Bêninhê  Vachet. Hồi tháng 02-1669, trước lần đi kinh lược xứ Bắc Đàng Ngoài, khi cha Giacôbê de Bourges đi công cán ở Rôma trở về Thái Lan cũng đã mang theo 3 thừa sai : đó là cha Gabien Bouchard, Guliêmô Mahet và Claudiô Guiart. Năm vị thừa sai mới đến nay đã giúp Đức Cha Lambertô de la Motte giải quyết nạn thiếu thừa sai và đồng thời cũng là một nguồn an ủi cho cảnh cô đơn của Đức Cha trong mấy năm qua. Sau khi sai cha Giacôbê de Bourges trở về Rôma công cán, cha Phanxicô Deydier vào xứ Bắc, cha Luigi Chevreuil, rồi tiếp theo hai cha Antôn Hainques và Phêrô Brindeau vào xứ nam. Ở lại đất Thái Lan từ cuối năm 1665, chỉ có Đức Cha và cha Luigi Laneau trông coi trường chung.

Nhưng điều an ủi và thúc đẩy Đức Cha hơn cả và thêm can đảm, đó là mấy sắc lệnh Toà Thánh mà Đức Cha Phanxicô  Pallu trong cuộc đi công cán ở Rôma đã thâu đạt được. Trước hết là đoản sắc : “Như ta đã nhận được” (Cum sieut accepimus) ngày 04-06-1669 của Đức Thánh Cha Clêmentê IX, ban quyền coi sóc kinh đô Thái Lan và toàn thể khu vực truyền giáo trên nước Thái Lan, cho Giám mục đại diện Toà Thánh ở Nam Kinh. Trước đây trong chuyến đi công cán của cha Giacôbê de Bourges, vấn đề xin quyền trên đất Xiêm đã không thành công. Thánh Bộ Truyền Giáo chỉ cho phép các Giám mục được đặt trụ sở ở làng người Việt và có quyền đối với người Việt trú ngụ ở đây. Nhưng từ nay ý nguyện của Đức Cha Lambertô de la Motte đã thành đạt : địa sở truyền giáo Thái Lan thuộc quyền Giám mục của hội truyền giáo Ba Lê. Ngài không còn lo ngại những khó dễ có thể xảy ra, do kinh sĩ hội ở Goa cũng như do các cha thừa sai dòng và các lái buôn Bồ Đào Nha. Việc tổ chức giáo đoàn cũng như cải cách các tệ lạm, mà ngài vẫn mong muốn, sẽ tiến triển mau chóng.

Tiếp theo là đoản sắc “Nỗi lo âu” (Sollicitudo) ngày 07-06-1669 nhắc lại luật cấm buôn bán các sắc luật “Do sứ mệnh” (Ex. Debito) của Đức Urbanô VIII. Đoản sắc này bảo chứng cho những kết án trước đây của Đức Cha đối với việc buôn bán của các thừa sai dòng. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là đoản sắc “Những người thám hiểm” (Speculateres) ngày 13-09-1669, đặt các cha thừa sai dòng dưới quyền của các Giám mục đại diện Toà Thánh. Các cha dòng đến hoạt động truyền giáo trong khu vực của các Giám mục, phải đến xin quyền ở các ngài. Các ngài cũng có quyền sử dụng các ngài trong việc trông coi xứ đạo, nếu thiếu các linh mục triều. Các ngài cũng là người phân xử những cuộc tranh chấp giữa các thừa sai các dòng khác nhau. Vấn đề các thầy giảng cũng được giải quyết và từ nay hoàn toàn thuộc quyền các Giám mục đại diện. Với đoản sắc “Những người thám hiểm” (Speculatores) này, Đức Cha hy vọng sẽ giải quyết vấn đề các thừa sai dòng Tên ở Đàng Ngoài và Đàng Trong. Từ trước đến nay, các cha dòng vẫn ngoan cố không muốn nhận quyền các Giám mục của Toà Thánh và còn lôi cuốn các thầy giảng về phe mình, gây chia rẽ nặng nề trong giáo đoàn.

Sau khi được yên trí về vấn đề đặt trụ sở của các thừa sai Pháp ở kinh đô Thái Lan và quyền hạn của các Giám mục trên đất Thái, Đức Cha Lambertô de la Motte đã nghĩ đến việc kinh lược địa phận Đàng Trong, địa phận chính thức của ngài mà Giáo Hội đã trao cho. Đã 10 năm nay, từ khi tới Thái Lan, Đức Cha đã mong muốn điều đó, mà chưa thực hiện được.

Đang lúc ấy thì hai cha Giuse Tràng và Luca Bền, hai linh mục tiên khởi của Địa Phận đàng Trong mà Đức Cha mới truyền chức năm ngoái, cùng với hai thầy giảng đến kinh đô Thái Lan gặp Đức Cha. Các vị báo tin cái tang đau đớn của địa phận Đàng Trong. Trong có hơn một tháng trời, cả hai vị thừa sai Antôn Hainques và Phêrô Brindeau lần lượt bị nước độc vật ngã. Thay mặt giáo đoàn, hai cha xin Đức Cha đừng để địa phận lại rơi vào tình trạng không có cha thừa sai. Nếu Đức Cha không thể đến thăm giáo đoàn được thì ít nhất, xin Đức Cha sai một hai thừa sai đến thay thế cho hai vị đã quá cố. Hai cha cùng trình bày kết mỹ mãn đã thu lượm được, trong công cuộc truyền giáo hai năm 1669 và 1670 vừa qua và đang hứa hẹn nhiều tiến triển tiếp tục. Sự kiện để minh chứng đó là trong có một tháng trời, sau khi cha Antôn Hainques chết, một trong hai cha đã rửa tội được thêm 200 người.

Với kinh nghiệm sự có mặt của một Giám mục, trong cuộc kinh lược địa phận Đàng Ngoài vừa qua, đã đem lại được biết bao lợi ích cho giáo đoàn. Vì thế lần này, Đức Cha cũng muốn đích thân đến kinh lược địa phận Đàng Trong của Ngài. Tất cả các thừa sai có mặt ở kinh đô Thái Lan bây giờ, đều tán thành ý kiến đó. Ngày 20-07-1671, Đức Cha Lambertô de la Motte lặng lẽ lên đường bỏ kinh đô Thái Lan, đem theo hai cha Bêninhê Vachet và Guliêmê Mahet. Đức Cha không muốn báo tin cho nhà vua Xiêm biết mình đi xứ Nam.

 


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương