LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA



tải về 1.47 Mb.
trang10/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   21

LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

QUYỂN II

LM. NGUYỄN HỒNG

CHƯƠNG VII : HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA CHA CHÍNH PHANXICÔ DEYDIER Ở ĐỊA PHẬN ĐÀNG NGOÀI (1666-1669)

I. HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA CHA CHÍNH PHANXICÔ DEYDIER VỚI SỰ CỘNG TÁC CỦA CÁC THẦY GIẢNG VÀ HAI LINH MỤC TIÊN KHỞI ĐỊA PHẬN ĐÀNG NGOÀI (1666-1669)

Cùng với công việc chỉnh đốn lại tổ chức của các thầy giảng cho hoàn bị hơn và lo thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc, cha chính Phanxicô Deydier cũng không quên chỉnh đốn lại đời sống giáo dân, khử trừ những tục lệ và sửa chữa những thiếu sót của những người đi trước.

Theo nhận định của các thầy giảng, trong buổi hội họp vào tháng 10-1666, thì trong thời kỳ cấm cách, trước khi cha Deydier tới nhận địa phận Đàng Ngoài, có nhiều người hèn yếu chối đạo, vì họ chưa có một đời sống đạo đức vững vàng chắc chắn, chưa được huấn luyện đầy đủ về đạo lý. Còn ở những họ đạo xa xôi, không có các thầy giảng săn sóc, nhiều người sống đạo lôi thôi, nhiều trường hợp rắc rối về hôn nhân, ảnh hưởng của tục lệ đa thê thời ấy. Ngoài ra, những tục lệ ma chay, cưới hỏi với những bữa ăn chè chén say sưa, những trường hợp cưới hỏi quá sớm, hoặc bị cha mẹ ép gả. Đó là tất cả những vấn đề mà cha Phanxicô Deydier cũng như các thầy giảng phải lo chỉnh đốn, sửa chữa, đồng thời với công việc truyền giáo, mở rộng nước Chúa cho những người lương dân.

Cha Phanxicô Deydier và các thầy giảng đã hoạt động những gì và đã thu lượm được những kết quả thế nào ?

 

1. Hoạt động truyền giáo của cha chính Deydier và các thầy giảng thời kỳ Trịnh Tạc đánh nhà Mạc ở Cao Bằng (1666-1668)

Lẩn tránh trong nhà ông Raphaen Rhodes, tàng hình dưới bộ áo người lái buôn, cha Phanxicô Deydier từ khi được các thầy giảng cho biết tình hình các xứ đạo, vẫn mong muốn được có dịp đi thăm giáo dân các nơi. Trước hết, để cho họ được chịu các bí tích, mà sau nhiều năm trời thiếu linh mục thừa sai, họ đang hết sức khát khao được lĩnh nhận. Đồng thời để đưa những người bỏ đạo trở về với đoàn chiên Chúa và sửa chữa những tệ lạm trong đoàn chiên. Nhưng tình thế lúc đó không cho phép cha đi lại dễ dàng vì theo như cha viết, Chúa Trịnh đang sửa soạn đem quân lên đánh nhà Mạc ở Cao Bằng. Có lẽ là đang thời kỳ chuyển quân từ các tỉnh về kinh đô. Vì thế, trên con đường đi các tỉnh phủ miền Nam, là người ngoại quốc, cha khó lòng lẩn tránh khỏi sự khám xét giữa đường của các quan quân đưa lính về kinh.

Theo sử Việt Nam thì từ năm 1660, Mạc Kính Vũ (1638-1677), con của Mạc Kính Khoan, trấn giữ Cao Bằng không chịu nộp thuế và đồ cống hiến hàng năm. Hơn nữa, trước khi trả thù nhà Nguyễn, vào năm 1667, Trịnh Tạc đem một đạo quân hùng hậu 150.000 người lên đánh Mạc Kính Vũ.

Tuy không thể đi thăm giáo dân được, nhưng họ vẫn có thể tới gặp cha Phanxicô Deydier ở nhà ông Raphaen Rhodes. Họ đã quen thuộc nhà ông, vì dưới thời các cha Dòng Tên, nhà ông vẫn được dùng làm nhà thờ. Trong những khi gặp cấm cách, họ đến gặp các cha ở nhà ông. Vì thế, họ kéo nhau đến gặp cha Deydier ở nhà ông Raphaen để lĩnh nhận các bí tích, ngày hai chục, ba chục, có ngày bốn chục. Vào tháng 10-1666, cha cũng đến dâng lễ tại nhà bà dì của Chúa Trịnh Tạc, ở Kẻ Chợ. Cũng như cha Tise Sanier và các cha dòng Tên khác, cha Deydier công nhận bà Gioanna là một người công giáo đạo đức gương mẫu. Theo cha, bà thông thạo lẽ đạo hơn cả các thầy giảng. Cha luyện tập cho bà dần dần biết nguyện ngắm, hy vọng bà sẽ tiến mau trên đường trọn lành. Cứ như thế, trong mấy tháng cuối năm 1666, cha chính Deydier hoạt động truyền giáo ở xứ Kẻ Chợ. Đồng thời cha lo huấn luyện các thầy giảng được tuyển chọn đưa lên chức linh mục mai ngày trên con thuyền chủng viện nổi.

Sau đầu năm 1667, sự đi lại có phần dễ dãi hơn. Việc chuyển quân từ các tỉnh về kinh đô đã xong suôi, Chúa Trịnh Tạc cho quân nghỉ ngơi ăn tết, chỉnh đốn hàng ngũ để lên đường đi Cao Bằng dẹp nhà Mạc. Lợi dụng thời kỳ dễ dãi, cha Deydier đi thăm các xứ đạo Niềm Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá. Cha rửa tội được 600 người và giải tội cho hơn 2000 người. Suốt đêm ngày không lúc nào nghỉ.

Công việc đang tiến triển thì cha lại phải trở về Kẻ Chợ. Lúc đó, Chúa Trịnh Tạc kéo quân lên Cao Bằng nên công việc canh phòng ở các nơi lại trở lại nghiêm ngặt. Các quan sợ những cuộc nổi loạn hay trộm cướp có thể xảy ra, lợi dụng lúc nhà Chúa vắng mặt, cũng như ngăn ngừa không cho quân nhà Mạc bị đánh thua, lẩn tránh về các nơi khác.

Trong hơn một năm trời, nghĩa là đến ngày 29-03-1668, khi Chúa Trịnh Tạc đánh dẹp xong nhà Mạc kéo quân trở về Kẻ Chợ, cha chính Deydier bó buộc phải ở xứ Kẻ Chợ, không được đi đâu xa. Cha lại tiếp tục công cuộc huấn luyện cho các thầy giảng và trông coi xứ Kẻ Chợ với hai thầy Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ.

Lúc ấy, ở xứ Kẻ Chợ có hội những người chuyên lo việc chôn cất người chết theo tiếng gọi bấy giờ là “Hội đòn đám ma”. Tập tục của xã hội xứ Bắc lúc ấy, mỗi khi có chuyện ma chay, cưới hỏi, người ta ăn uống tốn phí rất nhiều. Đối với người ngoại quốc nha cha Deydier nhìn thấy tệ tục đó thì lấy làm khó chịu, nhất là thấy trong đám tang lại có những cuộc ăn uống say sưa thì cha không thể tha thứ được. Cha nhất định sửa lại tệ tục đó. Một hôm có đám tang ở họ Kẻ Sét ngoại ô Kẻ Chợ, cha Deydier sai thầy Gioan Huệ đến ngăn cấm không cho những người hội đòn ăn uống chè chén.

Không được như ý, họ đem nhau đi nhà khác để ăn uống và tìm cách làm hại cha và thầy Gioan Huệ. Họ dự định tố cáo cha Deydier là Tây phương đạo trưởng thông đồng với ông Raphaen, người xứ Nam để mưu tính phản loạn làm hại Chúa Trịnh. Đỡ đầu cho họ là một quan trưởng có tên là ông Thiệu, trông coi một số quân lính của con trưởng vị Chúa nối nghiệp, tên là Đức ông Trà. Nghe tin họ hội họp nhau bàn tính câu chuyện, cha Deydier sai hai thầy Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ cùng với bảy tám người đàn anh trong xứ Kẻ Chợ đến can ngăn, kẻo làm tai hại cho sự đạo và riêng cho xứ Kẻ Chợ. Công việc được kết quả nhờ tài giàn xếp khéo léo của hai thầy và nhất là nhờ sự can đảm sẵn sàng hy sinh của thầy Gioan Huệ đã cứu cả giáo đoàn. Thầy nói : nếu chỉ vì thù ghét thầy đã ngăn cản không cho họ ăn uống mà họ làm như thế thì thầy sẵn lòng để cho họ giết thầy, miễn là thôi đừng phá đạo nữa. Lời của thầy làm họ cảm động và bỏ ý định tố cáo cha Deydier.

Tiếp theo lại xảy ra một câu chuyện khác đe doạ làm cản trở hoạt động truyền giáo của cha và các thầy. Tại Chùa Cháp ở Kẻ Chợ, có một tượng Phật to lớn lắm. Không hiểu vì cớ gì bị cháy ruội ra tro và cả một phần mái chùa cũng bị cháy theo. Các sư hỏi nhau, cho nguyên nhân là vì những người bổn đạo vẫn không chịu tuân lệnh triều đình, vẫn còn hội họp nhau cầu kinh ở nhà thờ. Tượng Phật bị cháy là do phù phép của những người có đạo. Họ đem câu chuyện trình nhà vua và xin hoàng hậu giúp đỡ. Hoàng hậu là người sùng Phật. Bà ra lệnh điều tra xem những người có đạo có còn tiếp tục hội họp cầu kinh không. Bà cũng cho lệnh bắt giữ những người đeo ảnh tượng bên đạo. Đồng thời bà cho sửa lại ngôi chùa. Còn tượng Phật, theo bà, vì muốn tự huỷ về niết bàn thì thôi không được làm lại nữa.

Nghe tin đó, cha Deydier liền báo cho giáo dân không được đến hội họp tại các nhà thờ vùng Kẻ Chợ. Lúc ấy, cũng vào Mùa chay, số người đến xưng tội đông lắm. Sợ có thể xảy ra sự không hay, cha Deydier khuyên họ chỉ những ai lâu năm chưa xưng tội mới đến. Đồng thời, cha giải tán các chủng sinh và thầy giảng mỗi người một nơi. Ông Raphaen cũng đưa cất giấu các ảnh tượng trong nhà ông đi nơi khác.

Từ trước, cha Deydier vẫn sống lẩn lút, tàng hình dưới bộ áo lái buôn. Nhưng cha cho rằng như thế một khi bại lộ, sẽ khó lòng bảo vệ được tính mạng. Hơn nữa, nếu không biện minh được những tố cáo của kẻ thù ghét đạo, thì còn liên luỵ đến giáo dân nữa. Để tránh những rắc rối như thế, có thể xảy ra, mà hai câu chuyện trên đây là bằng chứng, cha Deydier, theo đề nghị của hai thầy giảng đã đến ra mắt với hai người rất có thế giá trong phủ Chúa và đồng thời cũng có cảm tình với bổn đạo. Đằng khác lúc này, cha cũng phải công nhận là muốn làm việc cách dễ dàng cần phải được lòng nhà Chúa, và muốn được lòng, chỉ cần một số lễ vật quý giá của Tây Phương mà nhà Chúa muốn có. Vì thế, cha cũng không quên nói với hai người đó rằng, cha đang chờ đợi tàu Pháp đến, đem theo lễ vật để cha vào yết kiến nhà Chúa.

Người thứ nhất là một hoạn quan, mới có 35 tuổi. Tuy còn trẻ, nhưng đã được nhà Chúa trước, tức Trịnh Tráng, tin dùng, ban nhiều chức lớn, rồi đến đời Chúa này, còn được nhận làm con nuôi. Ông bị ốm nặng và đã mất tiền cúng vái mà không khỏi. Sau nhờ lời cầu nguyện của người có đạo, ông được khỏi. Từ đó, ông vẫn có cảm tình và muốn học đạo để theo đạo.

Người thứ hai là Đức Lão Cù, bà cụ đã già 70 tuổi, bà là con gái người mẹ nuôi của nhà Chúa đã quá cố, tức Chúa Trịnh Tráng. Bà cụ chỉ còn lại mấy người cháu. Gặp lúc có hai cháu mắc bệnh nặng, bà không dám cúng vái như trước nữa, vì lần nào cũng chết. Bà nhờ thầy Gioan Huệ và giáo dân Kẻ Chợ cầu nguyện. Thầy Gioan Huệ đã rửa tội cho hai người cháu và sau đó được khỏi bệnh. Tin theo đạo mới, tuy chưa học đạo và chịu phép rửa, bà cũng ra lệnh phá hết các tượng bụt trong đền của bà và đặt hơn ba chục ảnh Thánh giá thay vào.

Tất cả hai người đều tiếp cha niềm nở và hứa sẽ nói với nhà Chúa giúp họ. Ngày 29-03-1668, Chúa Trịnh Tạc kéo quân về tới kinh đô. Nhà Chúa thắng được quân Nhà Mạc, nhưng Mạc Kính Vũ chạy trốn được qua bên Tàu. Năm 1669, vùa nhà Thanh can thiệp cho Mạc Kính Vũ lại được trở về làm vua mấy tỉnh miền Cao Bằng. Trịnh Tạc đành phải nghe.

 

2. Hoạt động truyền giáo của cha chính Deydier và các thầy giảng cùng hai linh mục tiên khởi Đàng Ngoài từ năm 1668 đến năm 1670

Từ ngày Chúa Trịnh Tạc đưa quân về kinh thì sự canh phòng cũng được nới rộng. Giáo dân nhờ đó được tự do đi lại và hội họp dễ dàng. Lúc ấy lại vào Tuần thánh, giáo dân xưng tội rất đông.

Ngày thứ Bảy Tuần thánh, cha Deydier rửa tội cho hai bà người hoàng gia. Một bà là bà con họ hàng với vua Lê Thánh Tôn và là vợ của một người em Chúa Trịnh Tạc. Cùng với người em gái của bà, trước đây mấy bữa bị quỷ ám, nhờ lời cầu nguyện của người có đạo nên được thoát khỏi. Cả hai bà đã xin học đạo và theo đạo. Cha Deydier đặt tên thánh cho bà chị là Hêlêna và bà em là Anê.

Suốt đêm hôm đó, cha giải tội cho giáo dân các nơi tuôn đến xưng tội. Đến sáng khi ra dâng lễ, nhọc quá, cha bị ngã bất tỉnh. Nhưng khi tỉnh lại, cha lại cố tiếp tục dâng lễ và cho giáo dân rước lễ. Ngay chiều hôm ấy, được lúc rỗi rãi, cha đi thăm các họ đạo vùng Kẻ Chợ.

Đức Lão Cù cũng yêu cầu cha đến làm phép nhà của bà, đồng thời giải tội cho hai người cháu của bà đã theo đạo đó là Luxia và Anê rước lễ. Cha cũng rửa tội hai người cháu khác, một cô 15 tuổi, cha đặt tên thánh là Catarina và một em mới 6 tuổi cha đặt tên thánh là Mađalêna. Trong khi nói chuyện, bà tỏ ra rất mong muốn được chịu phép rửa tội, sau khi đã học hỏi kỹ càng lẽ đạo.

Sự đạo được tự do trong suốt năm 1668. Sự có mặt của cha chính Deydier ở xứ Kẻ Chợ và hoạt động truyền giáo của cha, tuy Chúa Trịnh biết, nhưng cũng làm ngơ. Đó là nhờ những người có thế giá trong phủ Chúa đã nói giúp cho cha. Riêng Chúa Trịnh cũng muốn gây liên lạc thương mại với nước Pháp, mà theo cha Deydier nói là không hề có âm mưu chiếm thuộc địa như người Bồ Đào Nha và không hề có một thước đất nào ở vùng Ấn Độ. Nhà Chúa cũng chờ đợi những lễ vật mà cha nói, họ sẽ đưa đến yết kiến nhà Chúa nay mai.

Tuy vậy, cha cũng phải một thời kỳ lo lắng đề phòng. Lúc ấy, vào trung tuần tháng 05-1668, xảy ra một cuộc nổi loạn là một người trước kia làm nghề bói toán. Ông nói rằng ông đã gặp được trong bụng một con dao có khắc tên ông. Trên con dao đó, còn ghi rõ họ nhà vua ngày nay sẽ chấm dứt và truyền ngôi báu sang họ nhà ông. Trong số quân nổi loạn, cũng có một số người có đạo đi theo. Người ta nói đến một số người tên là Nam Cang, tên thánh là Linô, trước có giúp việc cha Philippô Marini và người anh của ông tên thánh là Antôn.

Tuy có nhiều người theo, nhưng vì không luyện tập và chưa quen chiến đấu, nên bị thua dễ dàng. Hơn 110 người bị bắt giải về kinh, trong đó có tên Nam Cang. Ngày 05-06-1668, có 18 người bị kết án trảm quyết. Trong đó có 9 người là tướng tá hoặc họ hàng bà cho nhà Mạc ở Cao Bằng, còn 9 người thuộc đám nổi loạn ở Hải Dương.

Ngay lúc đầu, khi nghe tin có cuộc nổi loạn và có một ít người Công Giáo đi theo, cha chính Deydier đã đề phòng. Cha rút lui xuống thuyền các thầy giảng cho dễ bề trốn tránh. Nhưng may mắn, cuộc nổi loạn đó không làm liên luỵ đến đạo. Chúa Trịnh Tạc không nhân câu chuyện có một ít người Công giáo dính líu vào mà ra lệnh cấm đạo. Vì theo cha Deydier, “sự thực Chúa Trịnh cũng không ghét đạo”.

Chỉ có một số gia đình công giáo ở làng Kẻ Cói là bị liên luỵ. Làng đó ở gần nơi có giặc nổi lên và có chừng mười người ở làng đó theo giặc, nhưng không một ai là người có đạo cả. Tuy vậy, quan phủ ở đó, “ông già Phủ Đoan (On Gia Phu Doan) vì không ưa đạo, nên bắt họ phải làm tờ cam kết từ nay sẽ không hội họp làm các công việc đạo nữa. Hơn 20 gia đình Công Giáo, nhất định dù phải bỏ làng đi nơi khác cũng không ký tờ mà họ cho là như bỏ đạo đó.

Lẩn tránh trên thuyền các thầy giảng, ngày 01-06-1668, cha chính Deydier nhận được thư của Đức Cha Lambertô de la Motte gửi tàu Hoà Lan, báo tin đã có một Đức Giám mục đến kinh lược địa phận Đàng Ngoài. Cha Deydier cho thuyền đi lại khu phố HIến để nghe tin tức và đón các tàu buôn ở Xiêm qua xứ Bắc xem có Đức Cha đi theo không.

Đang khi chờ đợi, cha Deydier lợi dụng thời gian để tiếp tục công cuộc truyền giáo và huấn luyện cho các thầy giảng. Trong có mấy tuần lễ, tuy mệt nhọc, cha cũng giải tội cho hai ngàn người và rửa tội 758 người. Có những ngày bận nhiều công việc quá, cha không có giờ đọc sách nguyện. Cha viết trong bản nhật ký : “Ba hôm trước đây, tôi phải lần hạt thay vì đọc sách nguyện mà cũng không lần hạt được. Vì phải giảng giải cho những người đến xin chịu phép rửa tội, khuyên bảo những người đến xưng tội, nên ba ngày liền tôi bị ra máu và hình như không thể nói được vì bị đau ngực. Tuy các thầy giảng giúp việc tôi khuyên tôi nên đi nghỉ, nhưng tôi nghĩ rằng, chết vì công việc truyền giáo như thế thì sung sướng hơn là bỏ nhiệm sở vi sợ chết”.

Sau mấy tháng chờ đợi, đến đầu tháng 9 thì cha được tin báo có tàu buôn ở Xiêm tới cửa sông Cái, nhưng không có Đức Cha, mà chỉ có hai cha Gioan Huệ và Bênêđictô Hiền thụ phong linh mục ở Xiêm về. Hai cha về đang lúc cha Deydier vì yếu nhọc phải nghỉ ngơi. Công việc giải tội, làm các phép Bí tích, cha Deydier để lại cho hai cha thay thế. Còn cha thì lo dịch phần nghi lễ ra tiếng Việt cho hai cha biết cách dâng lễ.

Đối với Chúa Trịnh Tạc, cha Deydier hy vọng khi nhà Chúa hay biết có linh mục tiên khởi người Việt trong đạo Công Giáo, nhà Chúa sẽ hài lòng. Từ trước, theo như các người thân cận của nhà Chúa cho cha Deydier hay, thì nhà Chúa vẫn phàn nàn là tất cả các thứ đạo truyền vào trong nước này, đạo nào cũng có các thầy sư sãi để cúng bái theo đạo của mình. Chỉ có đạo người Bồ Đào Nha “là họ không chọn người dân xứ này làm công việc cúng bái của họ”.

Công việc truyền giáo ở địa phận Đàng Ngoài vào những tháng cuối năm 1668 vẫn tiếp tục tiến triển và đem lại nhiều kết quả, nhất là nhờ sự có mặt của hai linh mục tiên khởi của địa phận. Đáng ghi nhớ hơn cả là cuộc trở lại của Đức Lão Cù. Bà được rửa tội ngày lễ thánh nữ Ursula 21 tháng 10. Cha Deydier cũng lấy chính vị thánh của ngày mà đặt tên cho bà là Ursula. Bà bị ngã bệnh nặng và khi khỏi bệnh gặp Chúa Trịnh Tạc, bà không ngần ngại nói là bà khỏi bệnh “nhờ lời cầu nguyện của người có đạo và Chúa Trời đã thương bà”. Nhà Chúa nghe nói, không có vẻ gì tức giận, còn mừng cho bà một số tiền là 10 ngàn đồng.

Ngày 04 tháng 11, lễ thánh Carôlô Bôrômêô, cha chính Deydier còn được sung sướng làm phép một ngôi nhà thờ mới, thay thế cho căn nhà mà trước đây là nhà thờ Chúa Giáng sinh. Cha rất lạc quan vì thấy tình trạng sự đạo dễ dãi. Cha viết : “Thật là một điều kỳ lạ, trong cả năm nhà thờ xứ đạo ở khu Kẻ Chợ, chúng tôi được tự do hội họp đọc kinh, dự lễ trong các ngày Chúa nhật và lễ trọng. Tự do hơn thời kỳ mà các cha dòng Tên được lòng nhà Chúa hơn hết. Những người có giá trong phủ Chúa là những người nói bênh vực cho tôi, họ nghĩ rằng nhà Chúa cũng biết rõ tôi là ai và tất cả những công việc tôi làm trong xứ này. Nhưng nhà Chúa làm như không hay biết chi cả, và nhà Chúa đang chờ đợi, như tôi đã nói, là sẽ có một cái tàu buôn tới, và vì thực sự, nhà Chúa không ghét gì Đạo thánh chúng ta.”

Tính sổ rửa tội cuối năm 1668 thì số người có tên trong sổ là 7.080 người. Nhưng còn nhiều người được rửa tội mà không ghi tên, vì thế, con số thực sự phải lên tới 10 ngàn. Riêng mình cha Deydier đã rửa tội tới được 1.500.

Công cuộc truyền giáo vào nửa đầu năm 1669 vẫn tiếp tục được bàng yên và thu lượm nhiều kết quả. Đang khi ở Thanh Hoá, cha Gioan Huệ ngày đêm bận bịu với giáo dân đến lãnh nhận các Bí tích vì từ lâu không có linh mục đến thăm viếng họ, thì ở Kẻ Chợ, cha Bênêđictô Hiền bận bịu ngày đêm không kém. Đặc biệt hơn cả, ngày 25-03-1669, cha Hiền rửa tội cho một bà cung phi chánh của Trịnh Tráng tên là Đức Lão Cảnh, 69 tuổi. Bà trở lại nhờ lời khuyên của Đức Lão Cù, là người đã được rửa tội vào tháng 10 năm ngoái với tên thánh là Ursula. Bà cũng chính là người đỡ đầu trong cuộc rửa tội này. Một vị quan lớn khác tên là “ông già Diệu” tuy chưa được phép rửa tội, vì còn vướng trở vấn đề trong gia đình, nhưng tỏ ra rất mộ đạo. Ngày tết năm đó, vào mồng một tháng 02 năm 1669, thay vì trồng cây nêu, ông đã trồng cây thánh giá trước cửa nhà.

Còn cha Deydier, sau buổi hội họp với các thầy giảng năm ấy, tổ chức vào dịp lễ Ba Vua ngày 06-01-1669, vào cuối tháng 03 cha đi thăm các giáo dân vùng Kẻ Sở (Sở Kiện, Kẻ Vồi – Hà Hồi), Kẻ Mong (Sơn Miêng) và mừng lễ Phục sinh ở Kiên Lao, rửa tội thêm 400 người. Xứ Kiên Lao lúc đó là xứ đạo lớn ở địa phận Đàng Ngoài, số nhân danh lên hơn 3.000 người. Nhà thờ trong mấy buổi lễ hôm cha đến làm phúc, trong ngoài chật ních những người. Qua Kẻ Man, cha Deydier ngược lên Tron Linh (Trung Linh), một họ đạo mới thành lập do lòng nhiệt thành truyền giáo của hai người đàn anh trong làng đã được cha Deydier rửa tội trước đây hai năm.

Tuy chưa được lãnh nhận phép rửa tội : họ đã dựng một nhà thờ rất đẹp ngày 04 tháng 05, cha rửa tội hơn 51 em nhỏ và hôm sau cho gần 100 người lớn. Trong số đó có một thầy sãi, cha đặt tên thánh là Phêrô, già đã 72 tuổi và được cha cắt trông coi nhà thờ mới, cất kinh và đọc sách cho giáo dân trong những khi hội họp. Ở xứ Trà Lũ, nhiều người đã dự vào lễ rước thần và đưa vật đều bị phạt phải tự cáo lỗi trước mặt giáo dân và lạy Chúa năm lạy. Sau khi đến thăm vùng Bùi Chu và Lang Lang (Trôn Lê) và Lục Thuỷ, cha Deydier nghe tin Chúa Trịnh Tạc sau khi dự an táng bà Hoàng thái hậu ở tỉnh Thanh Hoá trở về Kẻ Chợ, đã ra lệnh cấm đạo lần nữa. Cha Deydier vội trở về Kẻ Chợ.

Nhìn lại háng tháng trời thăm các xứ đạo, cha đã rửa tội được 1.597 người, giải tội hơn 4.000 người. Còn cha Gioan Huệ, khi nghe tin có lệnh cấm đạo, cũng vội trở về Kẻ Chợ, vì ở Kinh tuy vậy cũng để lẩn tránh và không bị phiền nhiễu như ở vùng ngoài.

 

II. CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN TRỞ LẠI ĐỊA PHẬN ĐÀNG NGOÀI (1669)

Cuộc bách hại gây ra do sự trở lại của các cha dòng Tên đi theo tàu buôn Áo Môn. Các cha đã sơ xuất để các đồ đạo lọt vào tay cà quan xét tàu và họ đã đưa nộp cho nhà Chúa. Từ trước, nhà Chúa vẫn có hiềm kỵ đối với “đạo Hoa Lang” của người Bồ Đào Nha. Cuộc bách hại đã làm cản trở công cuộc truyền giáo đang tiến triển. Hơn nữa, sự trở lại của các cha dòng Tên còn mở đầu một giai đoạn chia rẽ tai hại trong giáo đoàn xứ Bắc cũng như đang xảy ra trong Nam.

 

1. Các thừa sai Dòng Tên trở lại địa phận Đàng Ngoài và cuộc bách hại năm 1669

Ngày 19-04-1669, sau sáu năm trời đứt quãng, từ ngày các cha dòng Tên bị trục xuất khỏi xứ Bắc Đàng Ngoài năm 1663, tàu buôn người Bồ Đào Nha ở Áo Môn mới trở lại. Lý do sự đứt quãng đó là, vì từ năm 1662, Áo Môn bị quân nhà Thanh phong toả. Sau nhiều lần, và nhiều năm điều đình, mãi đến năm 1666, Áo Môn mới được giải toả, nhưng phải chịu triều cống cho triều đình nhà Thanh, mỗi năm 500 nén bạc. Sau khi được giải toả, ngay năm 1666, Áo Môn đã tìm cách nối lại liên lạc giao thương với Chúa Nguyễn Đàng Trong. Nhưng với Chua Trịnh Đàng Ngoài, mãi đến năm 1669 mới có tàu buôn ở Áo Môn tới.

Trên chuyến tàu buôn vào xứ Bắc lần này, có ba cha dòng Tên. Đứng đầu là cha Đôminicô Fuciti trước đây là thừa sai Dòng Tên ở địa phận Đàng Trong và hai cha Balthasar de Rocha với Philippô Fieschi.

Thời kỳ này, phố Hiến đã được thành lập trên sông Nhị Hà, cách tỉnh lỵ Hưng Yên vài cây số về phía Bắc, tức làng Nhân Đức ngày nay. Đây là chỗ dành riêng cho người ngoại quốc đến buôn bán. Lúc trước, họ được mở cửa hàng ở Kẻ Chợ, nhưng về sau Chúa Trịnh bắt đầu nghi ngờ sự dòm ngó của người ngoại quốc về phương diện chính trị. Lý do sự nghi ngờ đó cũng do chính những ngoại kiều vì muốn cạnh tranh với nhau, họ tố cáo dèm pha nhau làm gián điệp cho quốc gia này nọ đang muốn bành trướng thuộc địa ở miền Đông Á. Vì thế, nhà Chúa đã cho thành lập phố Hiến cách xa kinh đô Kẻ Chợ, để ngăn ngừa sự dòm ngó dò xét, và tập trung tất cả sự buôn bán người ngoại quốc ở đấy. Người Trung Hoa cũng có một khu buôn bán rất phồn thịnh ở đây gọi là phố Khách.

Theo luật, các tàu buôn ngoại quốc đến bỏ neo ở phố Hiến, trước khi giỡ hàng, phải được quan thừa lại ti khám xét và cho phép mới được lên bờ. Nhưng khi tới nơi, cha Đôminicô Fuciti đã thông thạo tiếng Việt, liền tìm cách lên bờ trước, và với sự giúp đỡ của một vài người bổn đạo, cha đã bí mật lên được Kẻ Chợ.

Lúc đó, Chúa Trịnh Tạc đang bận lễ an táng bà Hoàng Thái hậu ở Thanh Hoá. Nghe tin có tàu buôn người Bồ Đào Nha ở Áo Môn tới, nhà Chúa liền sai quan thừa lại đi cùng với quan trấn tỉnh đến khám xét nghiêm nhặt. Vì sự sơ suất của các cha, không biết giấu giếm kỹ càng, các quan tịch thu được rất nhiều đồ đạo, tràng hạt, ảnh tượng. Các ông liền làm giấy tâu lên nhà Chúa và còn tố cáo là có một số bổn đạo đã lén lút đến liên lạc với các Tây dương đạo trưởng.

Trở về kinh đô Kẻ Chợ, sau lễ an táng, Trịnh Tạc liền ra lệnh đưa các đồ đạo đã bắt được lên cho Chúa coi. Nhà Chúa đã từ lâu có sẵn ác cảm với người Bồ Đào Nha. Nhà Chúa cho rằng họ bắt tay với Chúa Nguyễn Đàng Trong, giúp súng ống đạn dược để chống lại họ Trịnh. Đang khi đó những người Hoà Lan và nhiều quan trong phủ Chúa vu cáo cho các thừa sai dòng Tên là tay sai của nhà vua Bồ Đào Nha, dòm ngó xứ Bắc để mưu chiếm đoạt. Với ác cảm và nghi ngờ sẵn có ấy, lại thêm lúc nhà Chúa bực mình vì nhà Minh bên Tàu mới ra lệnh cho vua Lê phải trả vùng Cao Bằng cho con cháu nhà Mạc. Không muốn gây chuyện khó dễ với người Tàu, Trịnh Tạc phải miễn cưỡng nghe theo. Đàng khác, những lễ vật các cha dòng dâng cho nhà Chúa lại không có gì : hai hòm nến bạch lạp, một hòm ba cây lĩnh mà chỉ có một tấm thêu hoa kim tuyến còn hai tấm trơn, thêm một chiếc gương với lá thư của cha Bề Trên kinh lược tỉnh dòng ở Áo Môn yêu cầu nhà Chúa cho ba cha ở lại truyền giáo.

Bất mãn, Chúa Trịnh Tạc liền ra lệnh đem tất cả đồ đạo về đốt ở giữa chợ phố Hiến. Lệnh được thi hành ngày 05-06-1669. Các tượng thánh giá bằng đồng không cháy thì lính lấy búa đập nát. Họ cũng lấy một số những tràng hạt có hạt quý, vứt bỏ thánh giá đi rồi sửa làm dây đeo cổ. Còn hai cha Rocha và Fueschi thì Trịnh Tạc ra lệnh không được đặt chân lên đất, nếu trái lệnh sẽ bị xử tử.

Chưa đủ, hơn một tuần lễ sau, ngày 14-06, Trịnh Tạc còn ra sắc chỉ nhắc lại các lệnh cấm đạo trước. Đồng thời ra lệnh triệt hạ các nhà thờ, cấm giáo dân không được hội họp. Nếu bắt được ai trái lệnh bất kỳ nam nữ và cả những người mang “dấu hiệu” của đạo “Hoa Lang” đều phải phạt 50 trượng.

Được báo tin trước, cha chính Deydier đã ra lệnh cho các thầy giảng các nơi báo tin cho giáo dân cất giấu ảnh tượng, sách đạo và đồ đạo. Nhà thờ, nhà nguyện thì làm vách chia ra nhiều gian nhỏ như các tư gia. Các buổi kinh hạt thì làm kín đáo ở tư gia.

Ở kinh đô Kẻ Chợ, các quan cho lính đến khám xét nhà ông Raphaen Rhodes, tức nhà thờ thánh Giuse, nhưng vì đã đề phòng cất giấu từ trước, nên không bắt được gì cả. Còn nhà thờ Chúa phục sinh thì đã làm vách chia làm ba gian, không còn dấu vết gì để ngờ là một nhà thờ được nữa. Riêng có tỉnh miền Nam vì quan tỉnh ghét đạo hơn cả, lại không báo trước để đề phòng vì thế gần hai trăm nhà thờ, nhà nguyện bị triệt hạ.

Ngày 29-06, theo yêu cầu của ông trấn tỉnh Nam Định, Chúa Trịnh Tạc lại ra một sắc lệnh cấm đạo mới. Theo sắc lệnh cũ, những người có đạo bị bắt đang hội họp hoặc mang ảnh tượng, thì bị phạt 50 trượng. Theo ông thì giáo dân coi thường không sợ. Vì thế, sắc lệnh mới để quan trấn tuỳ theo khu vực của mình mà ra hình phạt cho giáo dân khiếp sợ mà bỏ đạo.

Ngày 13-07, cũng theo lời yêu cầu của ông trấn tỉnh Nam Định, Chúa Trịnh Tạc còn ra sắc lệnh, từ nay tàu buôn ngoại quốc không được lên kinh đô Kẻ Chợ mà phải ở lại phố Hiến. Những tàu buôn hay những ngoại kiều nào hiện đang còn ở kinh đô, đều phải rút về ở phố Hiến. Từ nay, phố Hiến sẽ là khu vực tập trung tất cả những ngoại kiều đến buôn bán ở Đàng Ngoài.

Theo lệnh đó, cha chính Deydier cũng bó buộc phải rút về phố Hiến. Từ nay, cha không còn hy vọng đi thăm các họ đạo và giáo dân như trước. Tất cả đều giao vào tay hai linh mục tiên khởi Đàng Ngoài và các thầy giảng.

 


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương