LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA



tải về 1.47 Mb.
trang5/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

QUYỂN II

LM. NGUYỄN HỒNG

CHƯƠNG IV : CÁC ĐỨC GIÁM MỤC VÀ THỪA SAI HỘI TRUYỀN GIÁO BA LÊ KÊU GỌI TOÀ THÁNH RÔMA

Là những Giám mục đại diện mà Toà Thánh sai đến nhữn khu vực truyền giáo ở miền Đông Ấn và Trung Hoa, các ngài có sứ mệnh thực hiện sự thống nhất quyền bính, đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Truyền Giáo, tất cả các thừa sai dòng trong giai đoạn đầu, đó là những thừa sai dòng hoạt động trong những khu vực không thuộc quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha như ở Việt Nam, Trung Hoa… Đồng thời các ngài cũng có nhiệm vụ sửa chữa những sai lầm của các thừa sai trong hoạt động truyền giáo như sự thiếu tôn trọng văn hoá và tập tục lành mạnh của các dân tộc, sự thiếu tinh thần thích ứng trong việc trình bày đạo giáo v.v… Nhưng nhất là các ngài có nhiệm vụ thành lập một hàng Giáo sĩ bản quốc để bù đắp cho con số ít ỏi của các thừa sai, cũng như để thay thế cho các thừa sai trong thời kỳ cấm cách bị trục xuất ra khỏi khu vực truyền giáo.

Với những sứ mệnh đó, lẽ dĩ nhiên, các giám mục đại diện Toà Thánh sẽ gặp khó khăn rất nhiều. Trước hết, với chính các thừa sai dòng trong các khu vực truyền giáo, mà các ngài đến nhận quyền. Từ trước, các thừa sai đó quen sống độc lập và tự do, chỉ biết quyền của bề trên mình, mỗi dòng hoạt động theo đường lối của mình. Ngày nay, các thừa sai dòng lại phải chịu đặt dưới quyền của Giám mục đại diện trông coi địa phận, các ngài phải đi theo một đường lối Toà Thánh chỉ định. Điều đó, chắc các cha dòng không muốn. Đấy là chưa nói đến những nhận định nhân loại, cho các giám mục đại diện là những người đến sau, tranh giành công nghiệp của các cha dòng, là những vị có công khai thác… Ngoài ra còn vấn đề quốc gia đặt ra, giữa các giám mục đại diện là người Pháp, còn các cha dòng phần lớn là người Bồ Đào Nha.

Đưa ra một vài nhận định sơ lược trên, đã đủ để chúng ta thấy các giám mục đại diện sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đặt quyền bính với các thừa sai dòng. Cũng như việc không muốn chịu nhận quyền các giám mục, đối với các thừa sai dòng, là một vấn đề hết sức nhân loại.

Với những khó khăn nội bộ này, các giám mục đại diện còn gặp những khó khăn bên ngoài. Nó không tai hại bằng nhưng sự đáng sợ hơn, đó là triều đình Bồ Đào Nha với quyền bảo trợ của họ, mà trụ sở đặt ở Goa và Áo Môn. Trước hết, họ có thể làm khó dễ, không cho các giám mục và các thừa sai của các vị đến khu vực truyền giáo hoặc ngăn cấm hoặc bắt giam. Họ cũng có thể làm áp lực bắt các thừa sai sống dưới quyền bảo trợ của họ, phải chống lại quyền bính của các giám mục. Nên biết các khu vực mà các giám mục đại diện đến nhận quyền, không phải là khu vực bảo trợ của người Bồ Đào Nha. Nhưng họ vẫn có thể cố níu vào quyền bảo trợ mà chủ trương rằng, các sắc lệnh của Toà Thánh ban quyền cho các giám mục, vì không qua toà chưởng ấn của Lisbonna, nên không có giá trị, các thừa sai dòng không phải tuân phục. Các giám mục đến khu vực truyền giáo, mà không chịu qua quyền kiểm soát của triều đình, cũng đều là người chống lại quyền của Quốc vương Bồ Đào Nha. Vì thế các thừa sai dòng không được nhận quyền, nếu không muốn bị kết án là phản nghịch với nhà vua.

Trước những khó khăn trên đây, bó buộc các giám mục đại diện phải kêu gọi Toà Thánh để xin bảo vệ. Toà Thánh sẽ dùng quyền để bắt các thừa sai dòng chịu nhận và tuân phục quyền bính của các ngài ; Toà Thánh cũng chỉ dẫn cho các ngài đường lối hoạt động trong những hoàn cảnh và khó khăn đó.

Ngoài ra các ngài còn là nhân viên của Bộ Truyền Giáo sai đến các khu truyền giáo ; các ngài cũng có nhiệm vụ nhận định tình trạng các địa sở mà các ngài đi qua, cũng như những nơi mà các ngài đến : các ngài trình bày cho Bộ biết những tệ lạm, thiếu sót trong các địa sở, đồng thời đề nghị những phương pháp sửa chữa thích hợp. Liên lạc và báo tin về cho Toà Thánh hay biết, đó còn là mệnh lệnh của Bộ Truyền Giáo đã ra cho các giám mục trước khi ra đi.

Với những lý do đó, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy các giám mục luôn tâu trình về Toà Thánh về các sự kiện xảy ra, đôi khi, trong những trường hợp đặc biệt các ngài còn cho thừa sai đại diện, hoặc chính các ngài về Toà Thánh để kêu gọi sự bảo vệ cũng như giải quyết vấn đề. Đó là những chuyến đi của cha Giacôbê de Bourges của Đức Cha Phanxicô Pallu và sau này của các cha Garôlô Sevin.

 

I. KÊU GỌI LẦN I, CHA GIACÔBÊ DE BOURGES QUA RÔMA (1664-1665)

Tuân theo lệnh của Toà Thánh, mỗi khi đến một địa sở truyền giáo, các giám mục lo trình bày về Bộ Truyền Giáo, tình trạng của khu vực đó cũng như những tệ lạm gặp thấy hay những khó khăn phải vượt mà phải có sự bảo vệ của Toà Thánh. Đức Cha Lambertô de la Motte sau khi vừa mới tới kinh đô Thái Lan vào tháng 08-1662, thì 24 tháng 10, ngài đã gửi theo đường thuỷ một số thư về Đức Thánh Cha, các Đức Hồng Y và vị thư ký của Bộ Truyền Giáo. Sang tháng 12, ngài lại gửi một chuyến thứ hai, nhưng lần này gửi theo đường bộ. Sau đó, sang năm 1663, vào tháng 3, ngài lại gửi chuyến thứ ba. Lần này một số theo đường thuỷ, một số theo đường bộ, để nếu mất số thư này hy vọng còn số thư khác. Đức Cha thúc đẩy Bộ Truyền Giáo ấn định rõ ràng, cũng như bảo vệ địa vị các Giám mục đại diện, đối với những chủ trương và những khó khăn gây ra, do quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha, mà ngài gặp phải trong kinh đô Thái Lan.

Sau 7 tháng trời ở kinh đô Thái Lan, mà không được thư từ gì ở bên Âu Châu, Đức Cha Lambertô de la Motte cho rằng, các thư từ đó đã bị người Bồ Đào Nha chận giữ giữa đường. Hơn nữa ngài cũng cho rằng, sau khi các Đức Giám mục lên đường, người Bồ Đào Nha được biết tin, chắc chắn đã cho người đến bênh vực quyền bảo trợ của họ ở Toà Thánh. Họ chống lại việc thành lập các Toà Giám mục đại diện ở những địa sở truyền giáo, mà họ cho là dưới quyền của họ. Đức Cha nghĩ rằng, cần phải sai một trong hai vị thừa sai của mình về Rôma, để bảo vệ quyền bính của các giám mục và trình bày tình trạng của địa sở truyền giáo. Nhất là chuyến thư lần này của Đức Cha có nhiều vấn đề quan trọng cần xin Bộ Truyền Giáo giải quyết ; sự có mặt của một số thừa sai ở Rôma sẽ thúc đẩy vấn đề tiến mau hơn. Đức Cha đã chọn cha Giacôbê de Bourges.

 

1. Cha Giacôbê de Bourges lên đường đi công cán và sứ mệnh Đức Cha Lambertô de la Motte đã trao cho cha

Không chọn cha Phanxicô Deydier mà chọn cha Giacôbê de Bourges là vì cha Giacôbê là người tính tình hiền dịu ôn hoà hơn, và trong công việc thì chín chắn và khôn ngoan hơn. Với những thư ngài viết vào tháng 07-1663, Đức Cha Lambertô de la Motte trao cho cha Giacôbê sứ mệnh trở về Rôma, trình bày với Toà Thánh những khó khăn Đức Cha và các thừa sai đã gặp phải do sự đe doạ chống đối của người Bồ Đào Nha ở kinh đô Thái Lan. Cha cũng trình bày tình trạng khô khan, thiếu hiểu biết về đạo, cũng như đầy gương xấu tội lỗi của giáo dân ở kinh đô Thái Lan, dưới quyền của các thừa sai dòng. Để vượt thắng những khó dễ do người Bồ Đào Nha gây ra, cũng như có quyền để sửa chữa những tệ lạm trong giáo dân và trong lối sống của các thừa sai dòng, Đức Cha Lambertô de la Motte xin Toà Thánh ban cho ngài được giáo quyền trên đất Thái Lan cũng như trên đất Pégou, tức Miến Điện ngày nay. Hơn nữa với giáo quyền Toà Thánh ban trên đất Thái Lan, Đức Cha có thể lập một địa sở Truyền Giáo ở đấy ; trụ sở sẽ là nơi liên lạc về Âu Châu cũng như liên lạc với các khu vực truyền giáo khác mà Toà Thánh đã ban cho ở Việt Nam và đất Trung Hoa, trụ sở ở kinh đô Thái, vì nhà vua xứ Thái rất rộng rãi với các lái buôn và thừa sai Tây Phương, các ngài được tự do truyền đạo cũng như giáo dân được tự do giữ đạo. Ngoài ra kèm thêm với giáo quyền Toà Thánh ban cho ở xứ Nam, ngài cũng xin ban quyền cho cả trên đất Chiêm Thành và Cao Miên. Còn đối với quyền chức của Giám mục đại diện Toà Thánh ở địa sở truyền giáo, Đức Cha xin Toà Thánh ban cho các ngài được ngang quyền hay được coi như Giám mục chính toà ở các địa phận đã thành lập hàng giáo phẩm hay những địa phận thuộc khu vực bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha, như Goa, Áo Môn.

Với sứ mệnh Đức Cha Lambertô de la Motte đã trao cho trên đây, ngày 14-10-1663, cha Giacôbê de Bourges bỏ kinh đô Thái Lan lên đường đi công cán ở Rôma. Trước những đe doạ của người Bồ Đào Nha, lẽ dĩ nhiên cha De Bourges không thể lấy tàu buôn của người Bồ Đào Nha để qua Goa về Lisbonna, sau đó lấy tàu về Pháp hay qua Rôma. Đi theo con đường bộ mà trước đây cha đã thực hiện với Đức Cha Lambertô de la Motte, thì lâu và nhiều nguy hiểm. Cha đã nghĩ đến việc lấy tàu của người Anh. Lúc đó hai nước Anh và Pháp đang giao hảo với nhau. Đường đi có hơi dài, nhưng vẫn nhanh hơn đường bộ.

Bỏ kinh đô Thái Lan, trên một tàu buôn người Anh, ngày 27-11, cha Giacôbê de Bourges đến Mallacca. Bán đảo này trước thuộc vương quốc Bồ Đào Nha. Là một địa sở truyền rất thịnh vượng, người Bồ Đào Nha đến trụ ngụ để buôn bán các vùng chung quanh rất đông. Nhưng từ khi bị rơi vào thay người Hoà Lan, theo Thệ phản giáo, thì sự đạo bị cấm cách, nên số giáo dân còn lại chỉ độ 5 đến 600. Người Hoà Lan cũng không cho phép người thừa sai nào được ở lại để trông coi sắc sóc vấn đề tôn giáo cho họ.

Sau đó, đi theo bờ biển Ấn Độ, ngày 06-01-1664, cha tới Masulipatam và được tin Đức Cha Cotolendi đã chết và chôn ở đấy ngày 26-08-1662. Lúc này Đức Cha Phanxicô Pallu cũng gần tới Thái Lan, ngài tới nơi ngày 27-01-1664. Ở Masulipatam, cha Giacôbê de Bourges lại qua một tàu buôn khác của người Anh để đi Luân Đôn. Tuy chỉ có mình cha là người Công Giáo, và là linh mục ở trên tàu của người Anh, nhưng cha cũng được họ xử đãi tử tế. Ngày 07-04-1664, cha qua mũi Hải Vọng Giác (Cap Espérance) và ngày 27-06 thì tới Luân Đôn. Cuộc hành trình kéo dài không tới một năm mà lại đỡ nhọc mệt và đỡ nguy hiểm hơn là theo đường bộ.

Ở Luân Đôn, cha Giacôbê de Bourges muốn đặt một trụ sở liên lạc để gửi thư từ và tiền viện trợ từ Pháp qua Thái Lan, trụ sở thứ 2 của các địa sở truyền giáo của các thừa sai Pháp. Nhưng nghe tin ở Pháp đã thành lập một Công Ty Thương Mại ở vùng Đông Ấn, nên cha lại thôi. Ở Luân Đôn, cha Giacôbê de Bourges được tiếp đãi tử tế, được gặp bà từ cung Henriette de France và vua Charles II. Bỏ Luân Đôn, ngày 15-08, lễ Đức Mẹ Lên Trời thì cha tới Paris.

Ở Paris, cha được chứng kiến những tiến triển của Chủng Viện Hội Truyền Giáo ngoại quốc Paris. Thời kỳ cha theo Đức Cha Lambertô de la Motte xuống tàu bỏ đất Pháp ở Marseille, Chủng Viện này chưa thành lập. Nhưng cha không ở lại Paris lâu, vào đầu mùa thu năm 1664, cha đã lên đường qua Rôma vào ngày 09-10-1664 thì cha tới kinh thành muôn thuở.

 

2. Cuộc công cán của cha Giacôbê de Bourges ở Rôma và những kết quả thu lượm được

Khi cha Giacôbê de Bourges tới Rôma, thì tình trạng ngoại giao giữa Toà Thánh và nước Pháp đang bị căng thẳng vì vấn đề lính hộ vệ của Toà Thánh dở đảo Corse. Nhưng vấn đề của cha Bourges là vấn đề tôn giáo, nên chắc chắn nó không bị liên luỵ vì tình trạng trên đây. Vấn đề mà cha Bourges phải để ý hơn cả, đó là tình trạng liên lạc giữa Toà Thánh và Bồ Đào Nha, vì những điều cha yêu cầu với Toà Thánh, có liên quan mật thiết với quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha. Nhưng may mắn cho cha Bourges, vì lúc đó, mối giao hảo của Toà Thánh và Bồ Đào Nha đã lung lay nhiều, cha không lo lắng lắm về những phản đối về phía Bồ Đào Nha. Từ năm 1580, quyền triều đình Bồ Đào Nha bị rơi vào tay vua Philippô II, họ nhà Castillanô, Tây Ban Nha. Mãi đến năm 1640, do một cuộc cách mạng của Juan de Bragances mới chiếm lại được triều đình Bồ Đào Nha và tách ra khỏi nhà Castillanô. Triều đình Tây Ban Nha dùng thế lực để ngăn cản Toà Thánh, không cho công nhận nền độc lập của Bồ Đào Nha. Vì thế lúc cha Bourges đến Rôma, Bồ Đào Nhà không có đại diện ngoại giao ở Toà Thánh. Các công việc với Toà Thánh, Bồ Đào Nha phải nhờ Đức Hồng Y họ nhà Ursinô làm đại diện.

Là đại diện bảo trợ quyền lợi của Bồ Đào Nha với Toà Thánh, Đức Hồng Y họ nhà Ursinô đồng thời cũng là vị bảo trợ cho quyền lợi của nước Pháp với Toà Thánh, do triều đình Louis XIV uỷ nhiệm. Ngài có thể nhận bảo trợ quyền lợi cho cả Pháp và Bồ Đào Nha, vì lúc bấy giờ chính trị của Lisbonne rất liên hệ với chính trị của Paris. Vì thế sự có mặt của cha Giacôbê de Bourges ở Rôma, trong cuộc công cán bảo vệ và đặt vững quyền bính của các Giám mục đại diện Toà Thánh người Pháp ở các địa sở truyền giáo Đông Ấn và Trung Quốc, trước nhưng đe doạ và những khó dễ của Bồ Đào Nha, đã đặt Đức Hồng Y họ nhà Ursinô đứng trước một vấn đề khó xử : giúp đỡ bên nào, bỏ rơi bên nào ?

Trước khi các Giám mục Toà Thánh lên đường đến khu truyền giáo ở vùng Đông Ấn, Pedro Ferdiando Monteiro, uỷ viên Bồ Đào Nha về các vấn đề thuộc quyền bảo trợ của Quốc vương, ngày 21-07-1661 đã nhờ Đức Hồng Y chuyển lên Toà Thánh phản đối của Quốc vương. Quốc vương tuyên bố cương quyết bảo vệ tất cả những quyền lợi thiêng liêng do các Đức Thánh Cha trước đã ban tại vùng Đông Ấn và Trung Hoa. Không có kết quả, ngày 04-02-1662, Monteiro lại nhờ Đức Hồng Y báo tin cho Toà Thánh sự phản đối của Lisbonne, bằng cách gửi trả lại Rôma 12 thừa sai người Ý, dòng Capucinô, qua Lisbonne để đến Angola.

Được tin cha Giacôbê de Bourges, thừa sai Pháp ở Thái Lan trở về Rôma để công cán vấn đề quyền bính của các giám mục đại diện, người Bồ Đào Nha đã nhờ Đức Hồng Y chuyển ngay lên Toà Thánh lời phản đối và yêu cầu ngài bảo vệ quyền bảo trợ của Quốc vương. Nhưng cha Bourges không lo lắng lắm, vì như cha biết, Đức Hồng Y của họ nhà Ursinô thế nào cũng nể vua Pháp hơn.

Nhưng điều làm cho cha Bourges tin tưởng hơn và can đảm tiến hành công việc của ngài hơn cả, là việc Bộ Truyền Giáo vẫn cương quyết theo đuổi những nguyên tắc và con đường hành động đã vạch ra. Bộ nhất định bảo vệ các giám mục đại diện của mình đã sai đến các khu vực truyền giáo. Những phản đối của người Bồ Đào Nha, cũng như các thừa sai dòng không chịu nhận quyền giám mục đại diện, Bộ Truyền Giáo đã nhìn thấy trước và đã sẵn sàng để đối phó.

Đứng đầu Bộ Truyền Giáo lúc ấy là Đức Hồng Y Antôniô Barberini và Đức Cha thư ký là Manfroni, vẫn luôn trung thành với tư tưởng và đường lối của Đức Cha Ignoli, vị thư ký đầu tiên của Bộ. Với sự tiếp đón nồng hậu của hai vị, cha Giacôbê de Bourges đã vững tâm ngay từ lúc đầu. Tuy Đức Cha Lambertô de la Motte đã quên, không cho cha Bourges uỷ nhiệm thư. Nguyên sự thiếu sót ấy đã đủ làm cho cuộc công cán của cha gặp khó khăn ngay lúc đầu. Nhưng Bộ Truyền Giáo bỏ qua thiếu sót ấy. Bộ quyết định nhóm họp Uỷ Ban các vị Hồng Y của Bộ để xác định các vấn đề mà Đức Cha Lambertô de la Motte trình lên Bộ. Cha Giacôbê de Bourges cũng trình lên Uỷ Ban một bản tường trình về tình trạng địa sở truyền giáo ở Thái Lan và một bản tóm lược những điều yêu cầu của Đức Cha Lambertô de la Motte.

Sau đó, ngày 13-01-1665, Uỷ Ban của Bộ đã tuyên bố những sắc lệnh để mở rộng và đặt vững quyền của các giám mục đại diện Toà Thánh. Theo quyết định của Bộ thì từ nay, 2 khu vực truyền giáo Cao Miên và Chiêm Thành sẽ đặt dưới quyền của Đức Cha Lambertô de la Motte mà Toà Thánh đã đặt làm Giám mục đại diện ở địa phận Đàng Trong phía Nam. Các Giám mục đại diện cũng được phép truyền các chức thánh cho các chủng sinh đã được tuyển chọn lên chức, mà quê quán thuộc các địa phận Thánh Tôma ở Meliapour, địa phận Malacca và Nhật Bản, dẫu các tuyển sinh ấy không có giấy phép bỏ địa phận của các vị quản trị địa phận ấy, vì thường rất khó xin và khó nhận những giấy đó ở khu vực tản cư. Đức Cha Lambertô de la Motte đã xin Bộ cho đặc ân này, vì ngài nhìn thấy trước, trong việc thành lập Giáo sĩ bản quốc, ngài có thể tuyển chọn được nhiều ơn gọi ở kinh độ Thái Lan, không những trong làng người Việt và Trung Hoa, mà còn có thể trong làng mạc người Ấn Độ, người Mã Lai và Nhật Bản.

Tiếp theo những sắc lệnh của Bộ Truyền Giáo là hai đoản sắc của Đức Thánh Cha Alexandrô VII “Từ nơi Tông Toà cao cả” (Sublimi sedis apostolica) ban hành ngày 16-02-1665, ban quyền cho Đức Cha Phanxicô  Pallu và Đức Cha Lambertô de la Motte được trọn quyền chọn trong số các thừa sai của các vị một người lên làm Giám mục đại diện thay thế cho Đức Cha Inhaxiô Cotolendi đã qua đời. Đoản sắc thứ hai “Từ Trời đến với Ta” (Injuncti nobis coelitus), triển hạn thêm thời hạn 7 năm phép rộng truyền chức linh mục cho người bản xứ không thông thạo La ngữ.

Như thế trong cuộc công cán ở Rôma, cha Giacôbê de Bourges chỉ không đạt được kết quả trong hai vấn đề đã yêu cầu. Vấn đề thứ nhất là việc Đức Cha Lambertô de la Motte xin cho các giám mục đại diện ở xứ truyền giáo được coi như các Giám mục Chính toà trong các nước Công Giáo hay những khu vực bảo trợ. Điều này Toà Thánh không muốn ngay từ lúc đầu. Vì thế Toà Thánh gọi các ngài là Giám mục đại diện, hiệu toà này, hiệu toà nọ. Để như thế với tính cách Giám mục truyền giáo, các ngài không liên kết vào một khu vực nhất định, cũng không hạn định quyền bính trong một địa phận, và nhất là các ngài sẽ trực tiếp tuỳ thuộc vào Toà Thánh hơn.

Vấn đề thứ hai mà cha Giacôbê de Bourges đã được là việc xin Toà Thánh ban cho các giám mục đại diện được giáo quyền trên đất Thái Lan và đất Pégou (Miến Điện). Theo cha Leslay thì các Đức Hồng Y chưa muốn ban quyền ấy cho các giám mục, sợ các ngài vì thế mà ở lại đất Thái Lan lâu ngày, không chịu tìm cách vào đất Trung Hoa hay Việt Nam sớm hơn. Như cha Leslay cũng cho biết, một khi được tin các giám mục lên đường vào khu truyền giáo đã chỉ định thì các Đức Hồng Y sẽ ban quyền cho các ngài tuyển chọn một giám mục trong số các thừa sai của ngài và bàn quyền coi sóc trên đất Xiêm và Pégou. Đang khi chờ đợi, Toà Thánh cho các ngài được lập trụ sở ở kinh đô Thái Lan và săn sóc người Việt ở đấy.

Dẫu sao, cha Giacôbê de Bourges rất hài lòng về chuyến đi công cán của cha. Trong thư gửi cho cha Vincentê de Meur, Bề Trên chủng viện truyền giáo Paris, cha tỏ ra rất lạc quan vì sẽ được Bộ Truyền Giáo đặc biệt bảo vệ và nâng đỡ các giám mục đại diện. Những lý do phe đối nghịch, dựa trên quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha đưa ra, để chống lại quyền bính ban cho các giám mục trên đất  Trung Hoa, Việt Nam và các quốc gia khác, đều không được Bộ xét đến. Thực ra, theo cha Bourges, nó chỉ là những lý lẽ đưa ra để che đậy hậu ý của các thừa sai ở những nơi ấy, muốn nắm độc quyền haotj động trong khu vực của họ.

 

3. Vận động của cha Philippô Marini, thừa sai dòng Tên xứ Bắc ở Rôma

Phe đối nghịch mà cha de Bourges nói đến trên đây, với việc chống lại quyền bính của các giám mục đại diện trên đất Trung Hoa, Việt Nam, là cha muốn ám chỉ đến cuộc vận động của cha Philippô Marini, thừa sai dòng Tên xứ Bắc ở Rôma. Sau khi bị Trịnh Tạc trục xuất ra khỏi xứ Bắc, năm 1658, cha Philippô Marini trở về Âu Châu năm 1661. Năm 1663, cha cho xuất bản ở Rôma cuốn sách nói về công cuộc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Việt Nam, trong vòng nửa thế kỷ. Đối với các Đức Hồng Y của Toà Thánh, cha cố gắng bênh vực chủ trương của cha là muốn cho công cuộc truyền giáo trong một khu vực được kết quả, thì chỉ nên trao cho thừa sai của một dòng nào đó thôi, không nên trộn lẫn thừa sai của các dòng khác nhau hay những thừa sai tổ chức khác nhau. Nói thế cha muốn ám chỉ đến công cuộc truyền giáo ở Việt Nam, Toà Thánh nên trao độc quyền cho các thừa sai dòng Tên là những người đã có công đầu và đã thành lập các tổ chức ở đây. Việc sai các giám mục đại diện và các thừa sai của các ngài đến Việt Nam, sẽ gây những kết quả không hay.

Cha Giacôbê de Bourges, trong cuộc công cán ở Rôma, rất lo ngại những vận động của cha Philippô Marini chống lại tổ chức các giám mục đại diện, và chủ trương của cha về việc trao độc quyền truyền giáo ở Việt Nam cho các thừa sai dòng Tên. Nhưng cha de Bourges đã được cha Leslay, nhân viên Bộ Truyền Giáo, báo không nên lo ngại. Cha Leslay cũng cho biết, cha Philippô Marini còn muốn được Toà Thánh đặt làm giám mục ở Việt Nam để thay cho các giám mục Pháp. Nhưng theo cha Lesley, thì các Hồng Y Bộ Truyền Giáo không xét kể đến chủ trương của cha Marini, và cương quyết theo đuổi con đường đã vạch ra.

Trong cuộc vận động, cha Philippô Marini chỉ thâu lượm được một kết quả là đoản sắc “Đã nhiều lần” (Cum exalus pluries) ban hành ngày 31-03-1665 do Đức Thánh Cha Alexandrô VII khen ngợi công cuộc của các thừa sai dòng Tên ở Việt Nam. Trong đó ngài khuyên nhủ giáo dân Việt Nam nên vâng theo sự bảo ban của các thừa sai, vì chính ngài đã cho các thừa sai quyền hướng dẫn phần hồn của giáo dân. Nên các thừa sai có gặp điều gì khó khăn thì các ngài phải trình về Bề Trên cả của dòng, trong tờ trình hàng năm. Dựa vào những lời trên đây của Đức Thánh Cha Alexandrô VII, sau này, các thừa sai dòng Tên ở Áo Môn, cho rằng mình không tuỳ thuộc quyền của giám mục đại diện. Lối giải thích này đã bị Đức Thánh Cha Clêmentê kết án trong đoản sắc “Nhất là về vấn đề” (Proecipuoe enim vero) ban hành ngày 10-11-1673.

Khi cha Marini bỏ Âu Châu trở về khu truyền giáo Đông Ấn, cha đã mang theo một số rất đông các thừa sai dòng Tên. Cha Giacôbê de Bourges lo ngại. Có thể, vì sự chống đối của các cha dòng, Toà Thánh sẽ bỏ rơi tổ chức các giám mục đại diện sai đến khu vực truyền giáo và sẽ gọi các giám mục trở về Âu Châu. Nhưng cha Leslay, nhân viên Bộ Truyền Giáo, biết rõ vấn đề hơn. Để làm vững tâm cha Giacôbê de Bourges, một lần nữa cha đã nói rõ là : “Chẳng những các Đức Hồng Y không gọi các giám mục về, mà còn xây dựng vững chắc hơn nữa quyền bính của các ngài chống lại những đối nghịch của các thừa sai dòng và các nhân viên của Bồ Đào Nha”.

Là nhân viên của Bộ Truyền Giáo, chắc chắn cha Leslay đã biết bản tường trình của Đức Cha Manfroni, thư ký của Bộ Truyền Giáo, trình lên các Đức Hồng Y của Bộ, trong cuộc họp ngày 02-02-1666. Vì thế ngài mới dám nói một cách quả quyết như trên trong khi viết cho cha Gazil.

 

4. Bản tường trình của Đức Cha Manfroni, thư ký Bộ Truyền Giáo lên các Đức Hồng Y

Bản tường trình của Đức Cha thư ký của Bộ Truyền Giáo trước hết trình bày những cuộc rối trật tự của hàng Giáo sĩ triều và dòng ở vùng Đông Ấn, căn cứ trên những thư của Đức Cha Lambertô de la Motte gửi về Bộ. Theo Đức Cha thư ký, lý do là vì thiếu giám mục trông coi họ ở các khu truyền giáo. Nhưng vì vướng trở quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha, không thể đặt Giám mục Chính toà được, cần phải đặt thêm nhiều Giám mục Toà Thánh. Nhiệm vụ của các Giám mục này thật nặng nề, cần phải được Bộ Truyền Giáo nâng đỡ, bảo vệ. Các ngài phải chống lại và sửa chữa những tệ lạm đã lâu năm ăn rễ sâu trong đời sống của các Giáo sĩ triều hay dòng ở những khu truyền giáo đó. Một trong những giám mục đại diện này, sẽ được đặt làm giám mục kinh lược với nhiệm vụ tâu trình về Bộ Truyền Giáo, thực trạng của các khu vực truyền giáo. Nếu cần, ngài sẽ xin ra những chỉ thị trừng phạt những giáo sĩ làm gương xấu là bất tuân kỷ luật.

Đức Cha thư ký đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn, các giám mục sẽ gặp phải trong các khu truyền giáo của các ngài ở Xứ Bắc, Xứ Nam và Xứ Trung Hoa. Các thừa sai dòng dựa vào quyền bảo trợ của Quốc vương Bồ Đào Nha để chống lại việc Toà Thánh sai các giám mục đại diện đến những khu truyền giáo đó. Sự thực ấy chỉ là những lý luận không có nền tảng. Quyền của Bồ Đào Nha ở vùng Đông Âu đã bị suy giảm đi rất nhiều trong những năm gần đây. Hơn nữa ở nước Trung Hoa, Đông Kinh và Cochinechina, Quốc vương Bồ Đào Nha không hề có chút quyền bính gì ở đấy. Vì thế ông cũng không có quyền gì mà ngăn cản các Giám mục đại diện Toà Thánh đến hoạt động ở những nước ấy. Những người Bồ Đào Nha chỉ có thể làm khó dễ, bằng cách bắt giữ các ngài trên con đường đến khu vực truyền giáo. Sự thực, Quốc vương Bồ Đào Nha đã ra lệnh bắt giữ các Giám mục giải về Lisbonna. Nhưng đã không đạt được kết quả.

Vì thế, những kẻ chống đối chính yếu, mà các Giám mục đại diện phải đương đầu, không phải nhân viên của Quốc vương Bồ Đào Nha, mà chính là các thừa sai dòng. Trong địa sở truyền giáo, sự chống đối của các thừa sai dòng, không chịu nhận quyền các Giám mục đại diện Toà Thánh sai đến, có thể gây ra chia rẽ trong địa phận, vì các ngài sẽ kéo giáo dân về phe mình để chống đối quyền của Giám mục. Đàng khác, các ngài còn có thể có manh tâm tố cáo các Giám mục đại diện với các vua chúa phần đời ở đây, các ngài bảo các Giám mục là những kẻ đáng nghi ngờ, được sai vào trong xứ, để dò thám cho nhà vua Pháp, để các vua chúa nơi xứ ấy trục xuất các Giám mục đi.

Đức Cha thư ký nhìn thấy trước những sự kiện có thể xảy ra trên đây nên đã yêu cầu Bộ Truyền Giáo cần thẳng tay trừng trị các thừa sai chống đối. Nhờ đó mà bắt được những thừa sai dòng, chỉ chịu vâng phục bề trên mình mà không chịu vâng phục Giám mục đại diện ở địa sở truyền giáo. Việc trục xuất những thừa sai ngoan cố ra khỏi địa sở truyền giáo, có thể hoặc trao cho Giám mục đại diện ; như thế công việc sẽ nhanh chóng, nhưng gặp khó khăn là đặt Giám mục đại diện làm quan xét chính vấn đề của mình ; còn nếu có thể đặt một vị kinh lược Toà Thánh thì hay hơn.

Trong phần cuối, bản tường trình đặt vấn đề tuyển chọn các thừa sai. Đức Cha xin các Đức Hồng Y ủng hộ cho chủng viện các thừa sai ngoại quốc ở Paris. Vì chủng viện không có quỹ dồi dào, nên chỉ nhận những Giáo sĩ xin làm thừa sai mà có nguồn lợi riêng để chi phí vào chuyến đi và cuộc sống của mình ở khu truyền giáo. Do đó, nhiều ơn gọi truyền giáo không thực hiện được vì không có nguồn lợi riêng hoặc không có người đỡ đầu.

Nhưng theo Đức Cha thư ký thì nguồn thừa sai dồi dào hơn cả, vẫn là các cha dòng. Nếu việc tuyển chọn tuỳ thuộc trực tiếp hay gián tiếp vào Bộ Truyền Giáo, các vị sẽ là thừa sai của Bộ và sẽ chịu quyền điều khiển của giám mục mà Bộ sai đến địa sở truyền giáo. Thường thì các Bề trên dòng chỉ sai đến các địa sở truyền giáo những cha dòng tầm thường. Những cha dòng xuất sắc thì gửi lại làm việc ở Âu Châu. Muốn tránh điều đó, Bộ Truyền Giáo có thể nhờ các Khâm Sai đại diện Toà Thánh hoặc các Giám mục các địa phận, giúp Bộ nhận lãnh các cha dòng muốn làm thừa sai của Bộ, các ngài sẽ điều tra về đời sống và khả năng của các vị đó. Trong trường hợp Bề Trên không bằng lòng cho đi truyền giáo, mà muốn giữ lại làm việc cho dòng, Bộ có quyền lãnh nhận, mặc dù Bề Trên không chấp thuận. Rất có thể, những thừa sai xin đi truyền giáo, mà không do Bề Trên dòng gửi đi, sẽ không được dòng trợ cấp và sau này già yếu trở về Âu Châu, không có nơi hưu dưỡng, do đó mà các cha dòng ngại, không dám tự ý xin đi. Bộ Truyền Giáo có thể giải quyết vấn đề này, vì các dòng đều có luật buộc là những của dâng cúng dành cho công cuộc truyền giáo thì chỉ được dùng cho nguyên việc truyền giáo thôi. Bộ có thể đòi hỏi nộp cho Bộ một phần số nguồn lợi đó. Đàng khác Bộ có thể kêu gọi sự dâng cúng của giáo dân, và lập một nhà hưu dưỡn cho các thừa sai khi già yếu.

Qua bản tường trình trên đây, chúng ta nhận thấy Bộ Truyền Giáo luôn trung thành với đường lối đã vạch ra do Đức Cha Ingoli, vị thư ký tiên khởi của Bộ. Bộ nhất định ủng hộ và bảo vệ tổ chức các giám mục đại diện, sai đến các địa sở truyền giáo. Bộ sẽ dùng các ngài để đi dần đến thống nhất việc chỉ huy hoạt động truyền giáo đặt dưới quyền của Bộ. Cũng vì thế lần kêu gọi thứ nhất này cũng như những lần kêu gọi tiếp theo của các giám mục và các thừa sai Hội Truyền Giáo Paris, đã được Bộ đáp lại một cách mau lẹ với quyết định cứng rắn. Vì Bộ đã nhìn thấy trước những sự chống đối của các thừa sai dòng, không chịu nhận quyền của các giám mục, cũng như những chia rẽ tai hại sẽ gây ra trong giáo đoàn, cần phải chấm dứt ngay.

Vào cuối tháng 12-1665, cha Giacôbê de Bourges đã sẵn sàng lên đường để trở về Thái Lan. Nhưng mãi ngày 14-03-1666, chiếc La Rochelle của hãng buôn Pháp ở Ấn Độ mới kéo buồm ra khơi. Cùng đi với cha, có 5 thừa sai Pháp qua công tác với các giám mục. Nhưng chuyến ra đi đầu tiên của chiếc La Rochelle này gặp nhiều gian nguy, có lần bị dạt lên tận bờ biển Brésil. Hai vị thừa sai đã chết giữa đường, và sau ba năm, vào tháng 02-1669 mới tới kinh đô Thái Lan, gặp Đức Cha Lambertô de le Motte.

 


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương