LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA


Đức Cha Lambertô de la Motte và những khó khăn với người Bồ Đào Nha ở kinh đô Thái Lan



tải về 1.47 Mb.
trang4/21
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.47 Mb.
#10372
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

2. Đức Cha Lambertô de la Motte và những khó khăn với người Bồ Đào Nha ở kinh đô Thái Lan

Sự có mặt của các Giáo sĩ truyền giáo người Pháp đầu tiên trong khu vực mà từ trước người Bồ Đào Nha, đứng về phương diện tôn giáo vẫn cho là của riêng họ, không khỏi gây ra những bàn luận, những thắc mắc và nghi ngờ. Dầu vậy, liên lạc lúc đầu này chưa có chi đáng ngại. Mới tới kinh đô Thái Lan, Đức Cha Lambertô de la Motte và các thừa sai của ngài đến gặp ông đại uý đứng đầu làng người Bồ Đào Nha. Ông đón tiếp các ngài rất niềm nở và báo tin cho giáo dân cũng như cho các thừa sai khác sự có mặt của một Giám mục trong khu vực của họ. Cha Phanxicô Deydier, vì nói thông thạo tiếng Bồ Đào Nha, nên được thừa sai dòng Tên cũng như thừa sai dòng Đaminh mời đến giảng trong hai nhà nguyện của các cha.

Lúc đó, qua các thư từ liên lạc, các nhà buôn người Hoà Lan đã được thông báo là cần để ý đề phòng các thừa sai người Pháp với chương trình mở các trụ sở thương mại ở vùng Đông Á. Chứng cớ là chiếc tàu buôn đầu tiên lấy tên là Saint Louis đã được thuê đóng ở Hoà Lan. Tin này cũng đã truyền qua các nhà buôn người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nhan. Đức Cha Lambertô de la Motte vì thế đã phải hết sức cải chính và thanh minh là các thừa sai người Pháp đến các khu truyền giáo chỉ với mục đích thiêng liêng duy nhất là cứu các linh hồn các dân ngoại, không hề có ý định thương mại buôn bán. Đồng thời ngài cũng tìm liên lạc để thông báo cho các cha dòng Tên ở các địa sở truyền giáo Trung Hoa và Việt Nam, là các thừa sai người Pháp “đến để sống với họ, như những người anh em và chết vì Chúa Giêsu Kitô”.

Nhưng bầu khí giao hảo giữa các thừa sai khác và các người Bồ Đào Nha không được bền lâu. Sau 2, 3 tháng, nghĩa là vào quãng trước lễ Sinh Nhật 1662, người Bồ Đào Nha được lệnh của Phó vương ở Goa “phải tìm hết cách để ngăn cản không cho các người Pháp ở địa sở truyền giáo của họ”. Từ đấy, họ bắt đầu tỏ vẻ hiềm khích và thù ghét các ngài. Họ tung ra những tin đồn : Các ngài là những tên Do-thái phá hoại, những phần tử rối đạo nguy hiểm, gia danh Giám mục, thừa sai cho dễ hoạt động. Họ lấy lẽ rằng, các thư từ gởi từ Rôma hay Lisbonna, không nói đến những Giám mục hay thừa sai như thế được Toà Thánh gởi đi. Bầu khí mỗi ngày thêm căng thẳng. Người ta đã tỏ vẻ ái ngại cho sinh mạng của Đức Cha. Vị đại uý đứng đầu khu trại người Hoà Lan đã mời Đức Cha và các cha về ở trong khu trại của mình và hứa sẽ lo bảo vệ các ngài. Nhưng Đức Cha không nhận, sợ rằng người Bồ Đào Nha thấy ngài đến ở trong khu trại của những người bị coi là rối đạo, sẽ vịn vào cớ đó mà vu cáo cho ngài nhiều điều tai hại hơn nữa.

Trong lúc khó xử đó, những người giáo dân Đàng Trong hiện đang lánh nạn ở kinh đô Thái Lan đã đến cứu các ngài, “vì họ biết Toà Thánh đã sai các ngài đến truyền giáo cho dân nước họ”. Giữa lúc ban ngày họ cho người đến thu dọn đồ đạc và đón các ngài về làng của họ. Cất cho các ngài một căn nhà và một ngôi nhà nguyện ở bên bờ sông Mễ nam. Một vài người Bồ đào Nha thấy các ngài thoát khỏi tay họ, tức giận đã chèo thuyền đến khu nhà các ngài ở, nói những lời đe doạ. Nhưng họ đã bị người Việt đuổi đi một cách nhục nhã.

Chính ra, những khó khăn mà Đức Cha Lambertô de la Motte gặp phải là những bài học thúc đẩy ngài từ đấy khôn ngoan hơn và dè giữ hơn. Vì sự thực lúc đó, ngài chưa có quyền hành gì đối với địa sở truyền giáo ở Thái Lan. Quyền hành của ngài là ở hai địa sở truyền giáo địa phận Đàng Trong và một số tỉnh ở Trung Hoa. Ngài chỉ là khách trú ngụ, đang khi chờ đợi đến địa sở truyền giáo của mình. Nhưng Đức Cha không phải con người ưa nhẫn nhục chờ đợi, hoà hoãn, miềm dẻo. Tính tình nhiệt thành nóng nảy, lại ưa thích sống nhiệm nhặt hy sinh và đòi hỏi sự hoàn thiện. Vì thế, thấy những lối sống tội lỗi khô khan của giáo dân người Bồ Đào Nha ở kinh đô Thái Lan, cũng như tình trạng vô tổ chức trong xứ đạo, những tệ lạm trong hàng giáo sĩ, Đức Cha cho rằng mình có bổn phận đứng lên cải cách, kết án những lối sống trái tinh thần đạo giáo, tổ chức lại xứ đạo và tố cáo những tệ lạm của hàng Giáo sĩ.

 

3. Đời sống và con người của Đức Cha Lambertô de la Motte

Muốn hiểu biết những hoạt động cải cách của Đức Cha Lambertô de la Motte trong thời kỳ đầu khi mới tới kinh đô Thái Lan và sau này, nhưng nhất là những hoạt động và ảnh hưởng của ngài đối với Giáo Hội Việt Nam trong việc huấn luyện các thầy giảng, thành lập hàng Giáo sĩ bản quốc, chấn chỉnh đời sống giáo dân, chúng ta cần phải học hỏi sâu xa về đời sống của ngài, cũng như tính tình và con người của ngài. Sự thực, trong số 2 vị giám mục tiên khởi, Toà Thánh sai đến xây dựng Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn thứ hai này, thì Đức Cha Lambertô de la Motte giữ vai trò quan trọng và chính yếu hơn cả. Lối sống của ngài ảnh hưởng sâu xa của các thừa sai Pháp thời kỳ này, cũng như tinh thần đạo đức của ngài còn tồn tại mãi sau này trong Giáo Hội Việt Nam.

Sinh tại Lissieux, ngày 15 tháng giêng năm 1624, trong một gia đình thẩm phán và trạng sư, Phêrô Lambertô de la Motte ngay từ thuở nhỏ đã được huấn luyện trong tinh thần tôn trọng luật pháp cứng rắn, bảo vệ công lý, chống các thứ tệ nạn thối nát và tội lỗi của xã hội. Theo đường lối nghề nghiệp của gia đình, Lambertô de la Motte cũng vào đời với địa vị trạng sư. Năm 1646, ngài giữ chức cố vấn Toà án ở Rouen. Nhưng Lambertô bản tính tự nhiên lại rất đạo đức, nên tuy là giáo dân, ngài rất thích đi lại những nơi tu trì dành cho Giáo sĩ đạo đức. Ngài dự những tổ chức cấm phòng đặc biệt và lâu dài từ ba đến bốn mươi ngày, thi hành những cuộc ăn chay đền tội nghiêm ngặt. Lúc đầu, ngài đi lại với nhóm của Gioan de Bernières de Louvigny. Nhóm này có một chủ trương về đời sống tu đức rất nhiệm nhặt và khắc khổ, sau này đi đến nhiều quá đáng nguy hiểm. Nhưng may mắn, Lambertô de la Motte khi đó đã được huấn luyện theo một đường lối tu đức chân chính và bảo đảm hơn. Nghe theo tiếng gọi làm linh mục, ngài đã vào tu trong Chủng Viện của thánh Gioan Eudes, thành lập tại Caen năm 1643. Nhờ sự huấn luyện của các cha dòng thánh Gioan Eudes, đời sống tu đức của ngài tránh được những khắc khổ quá đáng và trở nên quân bình hơn. Dầu vậy, ngài vẫn ham chuộng đời sống nhiệm nhặt, bỏ mình, sẵn sàng chịu những hy sinh nhục nhã theo con đường Thánh Giá của Chúa. Vì thế trước khi thụ phong linh mục, tại Coutances, ngày 27-12-1655, ngài đã muốn thực hiện một dự định hơi kỳ dị, mà ngài gọi là cuộc hành hương tập bỏ mình. Cắt tóc vắn, mặc áo thô sơ nghèo nàn, rách rưới của người đồng quê, ăn xin độ nhật, đi bộ đến Romes để viếng mộ một thầy dòng đạo đức danh tiếng thời ấy, tên là Gioan de Samson. Hầu hết các vị trong vùng đều biết ngài, địa vị của ngài cũng như dòng dõi quý phái của ngài. Nhưng ngài sẵn sàng đón nhận những lời tán khinh chê của họ, quyết định theo con đường hy sinh nhục nhã lên núi Sọ của Chúa.

Một khi trở thành linh mục, cha Lambertô de la Motte, với mong muốn sự hoàn thiện nơi mình cũng như ở người khác, đã dấn thân vào công cuộc cải cách hàng Giáo sĩ miền nam xứ Normandia, theo phong trào cải cách của công đồng Trento đã lan tràn qua nước Pháp thời đó. Ngài cộng tác vào công việc tổ chức những buổi diễn giảng cấm phòng cho các linh mục, theo đường lối thánh Vicentê de Paul. Ngài lo liệu thành lập ở Rouen một chủng viện đào tạo các Giáo sĩ do các cha dòng thánh Gioan Eudes lãnh nhận. Nhưng nhất là ngài hăng say với những công cuộc bác ái giúp đỡ những người nghèo khó bệnh tật. Chính trong những chuyến đi để quyên tiền trợ cấp các tổ chức bác ái của ngài, ngài đã làm quen với nhóm các linh mục “Bạn hiền”. Lúc đó nhóm này để ý đến vấn đề truyền giáo ở Việt Nam và miền Đông Á. Tiếng gọi truyền giáo đã được nhóm lên nhưng ngài còn lưỡng lự, nếu không có bức thư của cha Phanxicô Pallu lúc đó đang công cán ở Rôma gọi ngài sang cộng tác.

Nhận sứ mệnh Thừa sai cho dân ngoại, ngài nhận thấy cần phải tập bỏ mình và sống hoàn thiện hơn. Vì thế khi mới tới kinh đô Thái Lan, ngài đã bắt đầu ngay một cuộc cấm phòng ba mươi ngày liền để gột rửa những lỗi lầm thiếu sót trong cuộc hành trình. Theo nhận định của ngài, tất cả ba người đã “sống một đời sống quá tầm thường” và không thích hợp với đời của người thừa sai. Sau Ngài, là lần lượt đến hai cha Giacôbê de Bourges và Phanxicô Deydier. Năm sau các ngài lại thay phiên nhau mỗi người làm một cuộc cấm phòng 30 ngày nữa. Còn về đời sống hãm mình nhiệm nhặt, thì Đức Cha và hai cha theo ảnh hưởng của ngài đã quyết định từ đây sẽ không bao giờ ăn thịt và sẽ ăn chay mỗi ngày, trừ các ngày lễ Sinh Nhật, Phục Sinh và Hiện Xuống.

Với tính tình nhiệt thành nóng nảy, lại ưa thích đời sống nhiệm nhặt, hãm mình và đòi hỏi hoàn thiện, chúng ta không lạ khi thấy những phản ứng mãnh liệt của Đức Cha Lambertô de la Motte đối với tình trạng khô khan của xứ đạo ở kinh đô Thái Lan cũng như đối với lối sống tội lỗi của một số giáo dân và sự thiếu hiểu biết về đạo giáo của chung tât scar. Ngài đau lòng nhận thấy rằng, trong một xứ đạo trên hai ngàn giáo dân mà “ngày lễ và ngày Chủ Nhật không hề thấy có hát lễ trọng thể, hoặc những bài giảng hay giải thích giáo lý, không có kinh chiều cũng không có một công việc đạo đức gì cả”. Nhưng nhất là ngài không thể tha thứ, khi nhận thấy lối sống trái tinh thần đạo giáo của một số giáo dân và khi khám phá ra một số mấy người Đàng Trong trước đây đã hèn nhát chối đạo, thì ngài “nổi cơn thịnh nộ” quở trách họ nặng lời. Ngài cũng kết án lối rửa tội cấp tốc cho những người tân tòng, sau ít ngày họ xin nhập đạo, mà chưa dạy đầy đủ về những điều cần thiết trong đạo, cũng như bổn phận phải sống của người Công giáo.

Theo Đức Cha, giáo dân sống tội lỗi, khô khan hay thiếu hiểu biết về đạo, tất cả đều do các cha dòng Thừa sai và nhất là các cha dòng Tên. Chính các ngài cũng hư hỏng và không chịu làm việc bổn phận của mình. Trong thư ngày 11-07-1663, gửi về Đức Thánh Cha, ngài đề nghị một đường lối cứng rắn là gọi về tât scar các thừa sai các dòng hiện đang làm việc trong các địa sở truyền giáo và thay thế bằng các thừa sai tu dòng hoặc tu triều, nhưng trực tiếp thuộc quyền Toà Thánh hay Bộ Truyền Giáo. Ngài cũng trình bày tất cả những khó khăn ngài gặp với người Bồ Đào Nha. Ngài xin Toà Thánh cho ngài được quyền quản trị cả địa sở truyền giáo ở Xiêm, vì tình trạng địa dư cũng như chính trị ở đây rất tiện lợi để đặt trụ sở cho các khu truyền giáo khác. Ngài cũng gửi kèm theo lá thư xin từ chức vì thấy mình hèn kém thiếu tài đức đối với chức vụ cao cả của vị giám mục. Ngài xin nhường cho vị thừa sai khác có tài đức hơn và nhất là có sức khoẻ đầy đủ hơn vì ngài luôn bệnh tật ốm yếu, sợ không làm tròn trách nhiệm đòi hỏi.

Sau nhiều chuyến thư gửi về Toà Thánh, từ ngày tới đất Xiêm, Đức Cha vẫn không được thư trả lời. Ngài sợ rằng các thư đó đã bị người Bồ Đào Nha chặn giữa đường. Đó là chuyến thư vào tháng 10-1663, sau hai tháng tới Yuthia, gửi theo đường thuỷ. Sau đó là chuyến thứ hai vào tháng 12, gửi theo đường bộ. Đến chuyến thư thứ ba vào tháng 03-1663, gửi theo cả đường bộ lẫn đường thuỷ. Lần này để chắc chắn đến tay Bộ Truyền Giáo và Đức Thánh Cha, ngài đã quyết định uỷ nhiệm cho một trong hai vị thừa sai của ngài trở về Tây phương. Hơn nữa, những vấn đề tâu trình về Toà Thánh lần này là những vấn đề quan trọng. Sự có mặt của một thừa sai từ địa sở truyền giáo trở về thì tiếng nói có giá trị hơn và được chấp nhận nhanh chóng hơn. Đức Cha đã chọn cha Giacôbê de Bourges để lãnh nhận nhiệm vụ khó khăn đó. Thực thế tư cách cha Giacôbê de Bourges thích hợp hơn và bảo đảm thành công hơn cha Phanxicô Deydier. “Một người (cha Deydier) thì nóng như lửa và lúc nào cũng sẵn sàng thực hiện những đợt tấn công mới ; còn một người (cha Giacôbê de Bourges) thì hiền dịu hết sức, làm cái gì cũng suy nghĩ chín chắn, khôn ngoan và tìm cách dung hoà những ý kiến bất đồng”. Nhưng sai cha Giacôbê de Bourges qua Rôma, hậu ý của Đức Cha Lambertô de la Motte là để Toà Thánh khi nhận cho ngài từ chức giám mục sẽ chọn cha làm người thay thế.

 

II. CÁC ĐỨC GIÁM MỤC QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP TRỤ SỞ Ở KINH ĐÔ THÁI LAN

Nghĩ rằng sau khi đã trình bày lên Toà Thánh về tình trạng giáo dân, xứ đạo và thừa sai dòng ở kinh đô Thái Lan với những khó khăn ngài gặp nơi người Bồ Đào Nha kèm theo những đề nghị cứng rắn để sửa chữa, ngài đã làm xong một phần nhiệm vụ của mình. Còn việc cải cách ngài phải chờ đợi khi Toà Thánh trao quyền quản trị khu truyền giáo cho các thừa sai Pháp, ngài mới hy vọng thực hiện những chương trình cải cách. Đồng thời nghĩ rằng, sự có mặt của ngài ở kinh đô Thái Lan lúc này chỉ làm cho bầu khí đã căng thẳng lại căng thẳng hơn. Vì thế Đức Cha Lambertô nghĩ đến việc tìm cách đến địa sở truyền giáo của mình.

Nhưng cuộc hành trình của Đức Cha Lambertô de la Motte để vào đất Trung Hoa cũng như dự định vào địa sở truyền giáo Đàng Trong xứ Nam đều thất bại. Tiếp theo là dự định của Đức Cha Phanxicô Pallu vào địa sở truyền giáo Đàng Ngoài cũng phải xoá bỏ, không thực hiện được. Do đó bó buộc phải ở lại xứ Xiêm để chờ đợi. Các ngài đã họp công đồng ở Yuthia và quyết định thành lập trụ sở ở đấy. Trụ sở này sẽ là chỗ trú chân học tiếng cho các thừa sai, trước khi vào địa sở truyền giáo cũng như làm nơi lánh nạn cho họ khi bị bách hại và bị trục xuất. Trụ sở này đồng thời cũng là nơi huấn luyện các chủng sinh để đi đến thành lập Giáo sĩ bản quốc mà Toà Thánh đã trao cho các ngài.

 

1. Các Đức Giám Mục tìm cách vào địa sở truyền giáo, nhưng đều bị thất bại

Gặp được chuyến thuyền buôn của người Tàu trở về nước, ngày 16-07-1663 Đức Cha Lambertô de la Motte và cha Phanxicô Deydier lên đường vào địa sở truyền giáo của mình ở đất Trung Hoa. Nhưng không may, gặp bão lớn, thuyền bị đánh dạt vào bờ xứ Cao Miên và bị vỡ thuyền. Không còn cách nào khác, các ngài đành theo đường bộ trở về Thái Lan và tiếp tục trú ngụ ở làng người Việt, cách kinh đô Yuthia chừng một dăm. Cha Giacôbê de Bourges lúc đó vẫn chưa có tàu về Âu Châu, nên các ngài gặp lại cha ở đấy.

Nghe tin Đức Cha trở về Yuthia, những người Bồ Đào Nha tức giận lắm, họ tìm cách bắt ngài và các thừa sai giải về Goa. Một buổi chiều đang khi ngài chuyện vãn với hai cha thì một người tự xưng là thuộc hoàng gia từ Lisbonna mới đến, đem theo một đám đông bộ hạ cầm khí giới, ra lệnh đòi Đức Cha đến cho mình gặp. Vừa ra mặt với hai cha, thì người này đòi Đức Cha phải trình giấy của Quốc vương Bồ Đào Nha cho phép qua vùng Ấn Độ, nếu không sẽ bắt giải tất cả về cho Quốc vương xét xử. Họ đã để sẵn ngoài mé sông một chiếc thuyền để bắt giải các ngài đi. Nhưng may mắn có mấy người Việt nghe thấy xôn xao đến xem vội báo cho dân làng đem gậy gộc giáo mác để bảo vệ Đức Cha và các cha. Họ định hành hung tên đầu xỏ, nếu Đức Cha không vội can thiệp và ngăn lại. Từ đấy người Bồ Đào Nhà ở Yuthia không dám xâm phạm đến các thừa sai ở làng người Việt, nhưng họ vẫn tiếp tục tung ra những tin đồn vu cáo bôi nhọ các ngài.

Ngày 14-10-1663, cha Giacôbê de Bourges bỏ đất Thái Lan, lấy tàu người Anh đi Malacca và từ đấy theo đường thuỷ trên tàu người Anh để về Âu Châu. Còn lại Đức Cha và cha Phanxicô Deydier tiếp tục tạm trú trong làng người Việt để chờ dịp vào địa sở truyền giáo. Chính ở đây các ngài đón tiếp Đức Cha Phanxicô Pallu và các thừa sai của ngài. Tới kinh đô Thái Lan, ngày 27-01-1664.

Gặp nhau được ít lâu, hai Đức Cha đã bắt đầu nghĩ đến việc chia tay để đi đến địa sở truyền giáo mà lần này là Việt Nam. Trước khi đi, các ngài đã viết thư báo tin cho các cha dòng Tên ở hai khu vực Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nhưng chẳng may lúc đó, cả hai nơi đều đang gặp cơn bách hại dữ dội. Các cha dòng đều khuyên hai Đức Cha hãy tạm hoãn lại một thời gian, sợ rằng sự có mặt của các ngài trong địa sở truyền giáo sẽ làm cho cuộc bách hại thêm nặng nề hơn.

Ở địa phận Đàng Trong lúc đó, có ba cha : Marquez, Fuciti và Baudet. Theo thư cac scha thì cuộc bách hại của Hiền Vương lại nổi lên từ đầu năm 1661. Nhưng các giáo dân đã can đảm minh chứng đạo Chúa. Tháng giêng 1661, bà bá tước, thuộc một gia đình sang trọng giàu có, đã bị đâm chết cùng với hai ông Đamasô và Simon. Cũng trong năm đó thêm 6 giáo dân khác cũng đổ máu xưng đạo. Vào cuối năm 1663, cuộc bách hại càng dữ dội hơn, nhiều người bị bắt và giải về phủ chúa. Trong số những người xưng đạo, phải kể ông Phêrô Đang bị chém đầu, ông Phêrô Ký bị án trảm quyết và phân thây làm bốn và ông Micae Miên, Inhaxiô Vang bị án bá đao.

Nghĩ rằng một linh mục có thể tránh dễ dàng hơn một Giám mục, hơn nữa nếu bị bắt thì cuộc bách hại cũng không vì thế mà trở nên dữ dội hơn, vì nhà chúa cũng chỉ coi ngài như ba cha dòng Tên hiện đang có mặt ở đó. Vì thế Đức Cha Lambertô de la Motte quyết định sai cha Luigi Chevreuil làm cha chính đại diện cho ngài đến thăm giáo dân địa phận Đàng Trong. Ngày 26-07-1664, cha Luigi Chevreuil tới cửa Hội An. Lúc đó cơn bách hại vẫn còn tiếp tục.

Còn ở địa phận Đàng Ngoài thì cuối năm 1663, Trịnh Tạc ra lệnh trục xuất các cha thừa sai dòng Tên. Từ trước chúa Trịnh cho phép các cha ở lại truyền giáo trong khu vực của mình, mục đích chỉ để bảo đảm sự buôn bán khí giới với Áo Môn, dùng đương đầu với chúa Nguyễn Đàng Trong. Nhưng từ năm 1662, Áo Môn bị quân nhà Thanh phong toả, vì thế cuộc liên lạc buôn bán với chúa Trịnh bị ngưng trệ. Được tiên đó nhà chúa ra lệnh trục xuất các cha.

Ngày 12-11-1663, ba cha Borgèsn, Tissinier và Albier phải lấy tàu Hoà Lan về Batavia. Cha Borgès qua đời ở Batavia, còn hai cha Tissinier và Albier qua Xiêm ở với cha Valguarneira. Ngài là thừa sai dòng Tên, Áo Môn sai đến lập xứ ở kinh đô Thái Lan từ năm 1665. Chắc chắn các cha đã đến gặp Đức Cha Phanxicô Pallu và trình bày cho ngài biết tình trạng bách hại ở xứ Bắc Đàng Ngoài. Đức Cha cũng được thư của một thầy giảng Đàng Ngoài báo tin là sau khi trục xuất các cha dòng, Trịnh Tạc đã cho soạn một sắc chỉ cấm đạo, truyền tịch thu và thiêu huỷ tất cả các sách kinh, sách đạo, tố giác các Đạo Trưởng và Thầy Giảng.

Nhưng Đức Cha Phanxicô Pallu cho rằng chúa Trịnh cấm đạo và trục xuất các cha, chỉ vì các cha là những người thuộc quyền Quốc vương Bồ Đào Nha, một nước có thế lực ở trong vùng Đông Nam Á. Các quan ghét đạo đã yêu cầu nhà Chúa đề phòng đạo Công giáo, vì sự đoàn kết chặt chẽ của họ có thể đưa đến việc thành lập một bè phái có thế lực. Với sự tuân phục mù quáng của giáo dân đối với các chỉ huy ngoại kiều, sẽ gây nhiều nguy hại cho quốc gia. Sau này trong những huấn điều gửi cho các thừa sai của mình, Đức Cha cũng chú thích cho các ngài nhận định đó. Vì thế, tuy nghe tin bị bách hại, ngài vẫn cố gắng tìm cách để có thể đến với giáo dân của ngài ở địa phận Đàng Ngoài. Ngài nghĩ rằng hơn lúc nào hết, họ không có một thừa sai nào bên cạnh để nâng đỡ và hướng dẫn họ, nên họ cần sự có mặt của chính vị Giám mục mà Toà Thánh đã chỉ định cho họ. Ngài đã viết cho giáo dân Đàng Ngoài một lá thư lời lẽ rất sốt sắng, ngài khuyên họ can đảm xưng tên Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết cho họ trên Thánh Giá và tránh những điều mê tín của người lương dân, cũng đừng “thông công” vào những sự dối trá đó, vì như thế là như chối đạo và đáng bị án phạt đời đời.

Dầu vậy ngài chưa lấy làm đủ, ngài vẫn muốn liều mạng sống đến với họ. Trước đó, ngài đã điều đình với một thương gia người Hồi giáo cho ngài theo tàu của ông đến xứ Bắc Đàng Ngoài, nhưng rồi thương gia đó lại thôi không đi nữa. Tiếp theo ngài dự tính đi Phi Luật Tân, hy vọng có thể có tàu từ Manila đến xử Bắc Đàng Ngoài. Nhưng tất cả các thừa sai đều khuyên ngài không nên đi vào khu vực của người Tây Ban Nha, vì họ cũng như người Bồ Đào Nha, không ưa gì các thừa sai người Pháp. Đức Cha lại tính theo đường bộ qua xứ Lào, một con đường mà từ trước đến giờ chưa một nhà thám hiểm ngoại quốc nào dám nghĩ tới. Dầu vậy Đức Cha không lo ngại gian nan nguy hiểm của đường rừng núi hiểm trở. Lúc đó có một phái đoàn triều đình Thái sai qua Lào để ký kết một hoà ước giao hảo. Đức Cha muốn đi theo phái đoàn nhưng bị từ chối.

Cũng như Đức Cha Lambertô de la Motte, Đức Cha Phanxicô Pallu bó buộc phải ở lại đất Xiêm để chờ đợi dịp thuận tiện khác. Thời gian chờ đợi đó buộc có lợi cho các ngài. Các ngài đã hội họp nhau để vạch vẽ một con đường sống ở địa sở truyền giáo và hoạch định tổ chức một trụ sở truyền giáo ở kinh đô Thái Lan. Đó là nguồn gốc công đồng Yuthia với bản các huấn điều cho các thừa sai và dự định lập “TRƯỜNG CHUNG” ở kinh đô Thái Lan.

 

2. Công đồng chung Yuthia với bản huấn điều cho các Thừa sai và dự định lập trường chung ở kinh đô Thái Lan

Trước khi ở Pháp bước chân ra đi, các Đức Cha cũng như thừa sai của các ngài là những người chưa hề đặt chân đến khu truyền giáo và cũng chưa có một kinh nghiệm gì về hoạt động truyền giáo. Các ngài không thể hoạch định cho mình cũng như cho các cộng tác viên của mình những nguyên tắc hoạt động để có thể đi đến thành công và thu lượm được nhiều kết quả. Nhưng lúc này với những cuộc hành trình đầy gian nan vất vả cũng như thời gian tạm trú trên đến đất Thái Lan, các ngài đã quan sát được nhiều điều, do đó rút ra nhiều kết luận kinh nghiệm quí báu. Cũng như đạo binh cần phải có kỷ luật để giữ, những nguyên tắc hành quân để theo, thì những thừa sai trong công cuộc chinh phục lương dân cho nước Chúa, cũng có những luật sống phải tuân giữ, cũng như những nguyên tắc hoạt động phải tôn trọng để được thành công và kết quả.

Các Đức Cha bàn luận với các cha việc hoạch định một bản điều luật cho các thừa sai và các cộng tác viên của các ngài. Bốn cha hiện đang có mặt lúc đó ở kinh đô Thái Lan, là cha Phanxicô Deydier, Antôn Hainques, Phêrô Brindeau, và Luigi Lameau. Còn cha Giacôbê de Bourges đã trở về Âu Châu công cán và cha Luigi Chevreuil thì được sai đi làm cha chính đại diện cho Đức Cha Lambertô de la Motte ở Đàng Trong, xứ Nam. Các Đức Cha nghĩ rằng những điều luật mà tất cả các thừa sai đều góp ý kiến và đồng ý ấn định, thì dễ giữ hơn là những điều luật do chính các Đức Cha đề nghị và ban hành.

Công đồng chung Yuthia được khai mạc bằng một Thánh Lễ xin ơn Chúa Thánh Thần tiếp theo nhiều ngày cấm phòng suy nghĩ về các đề tài đã đặt ra. Sau đó các ngài mới bắt đầu bàn luận, góp ý kiến và kết quả là bản Các huấn điều cho các Thừa sai (Monita ad Missionarios). Theo Đức Cha Pallu thì các ngài đã cùng nhau học hỏi những lý do vì sao công cuộc truyền giáo không được tiến triển mà có khi đạo giáo còn bị đem ra chế diễu, bách hại. Từ đấy các ngài đưa ra những nhận định về đường lối phải theo và những gì phải tránh. Các ngài cũng học hỏi về tổ chức và nhất là đời sống đạo đức gương mẫu của nhà truyền giáo phải có. Những nhận định này các ngài đã thu lợm được nhờ ở sự quan sát đời sống các thừa sai và các xứ đạo trong địa sở truyền giáo với ý kiến khôn ngoan của những thừa sai kinh nghiệm và thánh thiện đã nói cho các ngài. Nhưng muốn khỏi lầm lẫn, các ngài luôn căn cứ vào Phúc Âm và những điều của Giáo Hội cũng như những giáo huấn của các Đức Thánh Cha và riêng của Bộ Truyền Giáo. Các ngài cũng để ý đến gương các Thánh nhân như là thánh Phanxicô Xaviê và những nguyên tắc hoạt động của ngài.

Cha Launay, trong cuốn lịch sử Hội Truyền giáo ngoại quốc Paris đã cho rằng : “Lịch sử các địa sở truyền giáo của Hội Truyền Giáo ngoại quốc sẽ chỉ là cuộc áp dụng những nguyên tắc của những vị đại diện Toà Thánh tiên khởi, trong những hoàn cảnh khác nhau, vào những thời đại khác nhau, cũng như dưới những bầu trời khác nhau và do những con người khác nhau. Đem phân tách nó, chúng ta sẽ tìm ra những bức hoạ ghi lại đời sống của những người thợ Phúc Âm và những hành động của họ”.

Ba đề tài chính được đưa ra thảo luận trong bản các huấn điều này là :

1/ Vấn đề thánh hoá bằng hoạt động truyền giáo.

2/ Vấn đề truyền giáo cho lương dân.

3/ Tổ chức các xứ đạo.

 

Tác phẩm chia làm 10 chương :

* Chương I : Bàn về vấn đề thánh hoá bắng hoạt động truyền giáo. Bản huấn điều đã nhấn mạnh đến nguy hại của thừa sai quá ham hoạt động bên ngoài bê trễ đời sống bên trong. Các ngài cũng phải tập sống nhiệm nhặt khó khăn để có thể chịu đựng những thiếu thốn không thể tránh được trong đời sống truyền giáo.

* Chương II : Bàn về những đòi hỏi của thừa sai muốn đến hoạt động trong một khu vực truyền giáo. Bản huấn điều nhấn mạnh về việc học hỏi kỹ lưỡng về tình trạng địa sở truyền giáo và biết nói thông thạo tiếng nói của người dân.

* Chương III : Bàn đến vấn đề dùng những phương tiện loài người vào trong sức mạnh thánh thiện của việc truyền giáo. Bản huấn điều cấm các thừa sai không được phép buôn bán vì là một công việc bất xứng với người giảng đạo. Các ngài cũng phải tránh không được nương tựa vào sức mạnh trần tục trong công cuộc đưa người lương dân trở lại, vì thường lợi ít mà hại rất nhiều. Các ngài không nên quan tâm đến vấn đề học hỏi nghệ thuật và khoa học, nó làm cho vị thừa sai quên nhiệm vụ chính yếu của mình là giảng đạo. Và nếu “đôi khi địa sở truyền giáo có vẻ bị thiệt hại vì đã không dùng đến các phương tiện loài người, thì cũng đừng để rơi vào chước cám dỗ mà dùng đến nó.

Đừng có thất vọng, hãy chúc lành cho những người nguyền rủa chúng ta, hãy yêu thương những người bách hại chúng ta và chờ đợi tất cả ở sự công bằng và lòng lành của Chúa”.

* Tiếp theo là 5 chương, từ chường IV đến chương VIII, bàn về vấn đề truyền giáo cho người lương dân và giáo huấn cho người tân tòng. Người thừa sai phải sống thánh thiện gương mẫu cho người ta mến phục và dùng đức bác ái để lôi kéo người ta về với Chúa. Ngài phải biết khôn ngoan dè giữ, tránh những gì có thể làm cho người ta mất lòng hoặc phạm đến lòng tự ái của người ta. Trong việc giáo huấn cho người tân tòng, có thể theo đường lối thứ tự sau đây. Bắt đầu dạy cho người ta tin nhận có Chúa và giải thích cho người ta biết Ngài là Đấng nào. Tiếp theo dạy cho họ biết mục đích con người sống ở thế gian này để làm gì, về phần thưởng và hình phạt đời sau. Đồng thời trình bày cho họ thấy cái hay cái đẹp và sự tinh tuyền của đạo Công Giáo so sánh với các đạo khác. Sau này khi đã thông thạo khá, dạy cho họ về tội nguyên tổ, về Chúa Ba Ngôi, về Ngôi Hai xuống thế làm người, và về tổ chức Giáo Hội.

* Chương IX : Nói về tổ chức địa sở truyền giáo, trong đó đáng để ý hơn cả là điều II nói về tổ chức các họ đạo không có linh mục coi sóc. Một sáng kiến của các thừa sai mà ngày nay trong các họ đạo ở Việt Nam không có linh mục vẫn còn tuân giữ và bảo tồn. Những điều chỉ dẫn rất thực tế và đầy đủ, khôn ngoan sáng suốt. Nhờ đó các họ đạo được bảo toàn dù phải trải qua những thử thách và bách hại lâu dài, không có thầy giảng cũng không có linh mục.

Trước hết là việc tuyển chọn ông Trùm, ông Quản trong họ, theo tiếng nói ngoài Bắc, hay là ông Trùm, ông Biện, ông Câu theo lối nói trong Nam. Bản Các huấn điều viết : “Trong các xứ không có linh mục, cần phải tuyển chọn tuỳ theo con số giáo dân, một hay hai người nổi tiếng và thông thạo kinh nghĩa, vì lòng đạo đức nhiệt thành và đời sống gương mẫu. Sau khi đã bắt họ phải tuyên xưng đức tin trước mặt thừa sai, nếu Đức Giám mục đại diện Toà Thánh vắng mặt và bắt họ hứa không được dùng các của dâng cúng vào những việc làm các ông đàn anh trong họ đạo. Họ sẽ săn sóc các nhà nguyện để giáo dân hội nhau đọc kinh cầu nguyện, các ngày Chủ Nhật và ngày lễ.

Và đây là công việc của các ông đàn anh trong họ, ngày Chủ Nhật và ngày lễ : “Trong các nhà thờ họ, sau khi giáo dân đọc kinh Tin Cậy, Kính Mến, kinh Thờ Lạy và kinh Đội Ơn cùng các kinh Ban mai, họ sẽ giúp giáo dân đưa lòng trí dự lễ thiêng liêng và rước lễ thiêng liêng. Các kinh họ đọc trên đây phải được Bộ Truyền Giáo hãy Đức Giám mục chấp nhận. Và theo Thánh Tông đồ dạy : phải dâng những lời nguyện chung, những lời nguyện riêng, những kinh đọc, những lễ tạ cho mọi thứ người, cho vua chúa và những kẻ cầm quyền. Các người đàn anh sẽ bảo giáo dân kinh ngày Chủ Nhật và ngày lễ, trước khi ra về, họ đọc ba kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng cầu cho đức tin mỗi ngày truyền bá thêm hơn và Giáo Hội càng ngày càng mở rộng thêm hơn. Cầu cho Đức Thánh Cha, cho Đức Giám mục và các kẻ coi sóc đoàn chiên Chúa. Cầu cho vua chúa và các quan quyền. Cầu cho những kẻ có tội, để Chúa tha thứ cho họ, cho họ bỏ con đường tội lỗi trở về con đường của Chúa. Cầu cho những người rối đạo biết trở về vâng phục Giáo Hội Công Giáo. Cầu cho những người ngoài đạo để họ bỏ điều lầm lạc trở về tin theo Chúa Giêsu Kitô. Cầu cho những kẻ qua đời và riêng những kẻ chết trong họ được thoát khỏi hình phạt nơi luyện ngục. Cầu cho các dân nước được thịnh vượng và xin Chúa gìn giữ khỏi mọi tai nạn.

“Hơn nữa, để nuôi dưỡng linh hồn giáo dân, họ sẽ đọc một đoạn sách đạo đức do Bề Trên chỉ định, hoặc về những điều phải tin hay những sự khác cần cho sự rỗi linh hồn.”

“Họ cũng báo cho giáo dân biết những ngày lễ, ngày Chay và ngày trước ngày lễ trong tuần đến và những điều phải làm để giữ trọn luật đạo Chúa truyền.”

“Họ rao những đôi hôn phối và hỏi có ai biết có ngăn trở vì không. Họ cũng đọc những lệnh truyền của các Giám mục và chỉ bảo những điều cần thiết phải giữ tuỳ theo hoàn cảnh. Đấy là tất cả những điều phải làm buổi sáng.”

“Còn buổi chiều, nếu có thể, họ sẽ họp giáo dân để làm việc đạo đức, xét mình và đọc kinh chiều.”

Đấy là công việc kinh hạt trong ngày lễ và ngày Chủ Nhật. Ngoài ra, các ông đàn anh trong họ, theo như bản Các huấn điều, còn phải lo rửa tội cho các con nít con nhà có đạo mới sinh ra và cho người lớn khi gần chết muốn theo đạo. Các ông còn lo săn sóc người ốm đau trong họ và giúp những người gần chết, cũng như trông coi việc tống táng và cầu nguyện cho người chết. Bản các huấn điều nhấn mạnh đến việc cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, nhất là để phá tan những vu cáo của người ngoại là đi đạo quên ông bà tổ tiên quá cố. Ngoài ra các ông còn có nhiệm vụ dạy kinh bổn cho các trẻ con, chứng kiến những cuộc hôn nhân với hai người làm chứng, lo bảo vệ các trẻ mồ côi và các bà mẹ goá bụa.

Để giúp các ông đàn anh thi hành những nhiệm vụ trong họ như thế, bản các huấn điều nói đến các sách để huấn luyện cho họ biết rửa tội, giúp kẻ liệt, chôn cất kẻ chết, cầu nguyện cho các linh hồn, cách rao hôn phối, sách về các ngày lễ lạy, sách các lễ trong đạo…”

Các ông cũng có lịch các ngày lễ. Các ông còn phải làm sổ rửa tội, sổ thêm sức, sổ hôn phối, và thỉnh thoảng tường trình cho cha sở về tình trạng họ đạo.

* Cuối cùng là Chương X, trong đó có những đoạn nói về các thầy giảng và các linh mục bản quốc. Nhận định về các thầy giảng, các ngài công nhận thầy giảng là người chân tay đắc lực và cần thiết của thừa sai. Các thầy là những người làm được hết mọi chuyện : làm thư ký, coi nhà mặc áo, thầy giáo dạy học, trông coi, xét xử các việc trong họ, làm thuốc chữa bệnh, nói tắt con người kiêm hết mọi công việc. Nhờ các thầy, các thừa sai biết được những câu chuyện sẽ xảy ra. Với kinh nghiệm của các thầy, với hiểu biết sâu xa về phong tục, tính tình của người dân, các cha biết phải xử sự như thế nào.

Vì các thầy giữ một địa vị trọng yếu trong vấn đề truyền giáo và coi sóc xứ họ, nên việc tuyển chọn cũng đòi hỏi nhiều đức tính hơn người. Trước hết các thầy phải là người có lòng đạo đức sốt sắng đặc biệt, một đời sống đạo hạnh gương mẫu và bảo đảm. Vì thế phải loại bỏ những người kiêu căng, nóng tính, hà tiện, rượu chè, cờ bạc. Các thầy phải biết sống trinh khiết, khó khăn, chính trực, nhẫn nại, hiền lành và khiêm nhường.

Bổn phận các thầy là dạy đạo cho người ta, vì thế các thầy phải thông hiểu các lẽ trong đạo, và biết cách trình bày cho đơn sơ, rõ ràng, hợp với trình độ dân chúng. Muốn phá đổ những mê tín và thành kiến sai lầm, các thầy cũng phải thông hiểu những đạo khác, nghiên cứu những sách vở của họ.

Trước khi được gọi là thầy giảng, các thầy phải qua một thời gian học hỏi ở trường thầy giảng. Sau đó thầy sẽ ra làm việc dưới quyền một thừa sai hay một thầy giảng có tuổi và kinh nghiệm. Lúc đầu dạy các trẻ em và những người tân tòng đơn sơ kém chữ nghĩa. Sau đó tập giao dịch với những người có ăn học, các đàn anh trong vùng. Dần dần mới được giao cho coi sóc môt họ đạo.

Đoạn cuối cùng trong chương X nói về các linh mục bản quốc. Việc tuyển chọn các ngài càng nghiêm ngặt hơn. Thường là chọn trong số các thầy giảng tuổi tác đã ở lâu năm, đầy kinh nghiệm truyền giáo và đời sống đạo hạnh bảo đảm. Các thầy sẽ được học hỏi La ngữ, biết cách dâng lễ và làm các phép Bí Tích, biết cách giải đáp các vấn đề lương tâm và các ngăn trở hôn phối.

Sau khi đã vạch vẽ một con đường hoạt động truyền giáo cho các thừa sai ở địa sở truyền giáo, các ngài nghĩ đến vấn đề lập một trụ sở truyền giáo cho tất cả các khu miền Đông Á. Đức Cha Phanxicô Pallu, trên con đường từ Ba Tư qua Ấn Độ, ngài đã nêu ra vấn đề này trong thư gởi về Âu Châu và Đức Cha Lambertô de la Motte, khi sai cha Giacôbê de Bourges về Rôma, cũng đã đặt vấn đề này với Toà Thánh. Theo các ngài trụ sở này sẽ là nơi liên lạc nhận thư từ Âu Châu gửi đến chuyển cho các thừa sai ở các địa sở truyền giáo, cũng như nhận và chuyển thư của các ngài về Âu Châu. Trạm liên lạc này đồng thời cũng đóng vai trò quản lý chung của các địa sở truyền giáo, lãnh nhận các tiền trợ cấp của hội Paris gởi đến và chuyển cho các nơi. Ngoài ra nó cũng là nơi tạm trú của các thừa sai mới từ Âu Châu qua. Các ngài đang khi chờ đợi vào địa sở truyền giáo, sẽ học hỏi về văn hoá, tính tình và phong tục dân tộc mình sẽ đến rao giảng Phúc Âm và nhất là học hỏi tiếng nói của họ.

Như thế trụ sở này phải đặt giữa Tây phương và các địa sở Truyền Giáo của các ngài. Đúng hơn ở ngay cửa ngõ để vào các địa sở truyền giáo. Một nơi đòi hỏi sự bảo đảm tự do tôn giáo để không phải xê dịch nay đây mai đó, và các thừa sai có thể đến và bỏ đi dễ dàng. Với những đòi hỏi đó, các ngài nhận thấy kinh đô Thái Lan có thể đáp ứng được tất cả. Tính cách rộng rãi của nhà vua đối với các nhà buôn ngoại quốc cũng như các thừa sai bảo đảm sự tự do giao dịch cũng như tự do tôn giáo. Yuthia, hơn nữa lại đúng là cửa ngỏ vào các địa sở truyền giáo của các ngài. Sự đi lại của các tàu buôn các quốc gia khác nhau, rất tiện lợi cho việc chuyển thư từ. Hơn nữa, ở đó, có làng người Tàu và làng người Việt, một nơi lý tưởng để học hỏi tính tình phong tục và tiếng nói cảu họ cho các thừa sai mới.

Các ngài cũng không quên đặt ở đó một chủng viện mà các ngài gọi là Trường Chung, tức là một chủng viện chung cho các địa sở truyền giáo của các ngài. Muốn việc huấn luyện các chủng sinh có kết quả, cần phải có nơi yên hàn bảo đảm. Cần có những giáo sư mà đời sống không bị phân chia vì những hoạt động truyền giáo, để có thể đem hết vào việc huấn luyện. Một chủng viện đặt ở địa sở truyền giáo không thể đáp ứng những đòi hỏi đó. Nào là những bách hại nổi lên bất thình lình, nào là con số thừa sai rất ít ỏi, đàng khác con số các chủng sinh cũng không có nhiều. Chủng viện đó, chỉ có thể đặt ở kinh đô Thái Lan, với một vài vị thừa sai chuyên môn việc huấn luyện cho các thầy giảng từ các địa sở truyền giáo gửi đến.

Tất cả những quyết định trên đây, cũng như bản huấn điều và nhiều vấn đề khác liên quan đến quyền bính của các vị Giám mục đại diện Toà Thánh đối với người Bồ Đào Nha luôn luôn bị làm khó dễ. Tất cả cần phải trình lên Bộ Truyền Giáo để được ứng chuẩn hoặc giải quyết. Cho rằng sự có mặt của ngài ở Rôma là cần thiết, Đức Cha Phanxicô Pallu đã nhận sứ mệnh trở về Âu Châu để công cán. Sau khi trao quyền cho Đức Cha Lambertô de la Motte, để gặp thời kỳ thuận tiện, ngài sai Thừa sai của mình đến địa phận Đàng Ngoài xứ Bắc, ngày 17 tháng giêng năm 1665. Đức Cha Phanxicô Pallu lên đường về Âu Châu, sau 1 năm ở kinh đô Thái Lan.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.47 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương