BÀi nhập môN. I. Tính quy luật trong sự phát triển của tư TƯỞng triết họC



tải về 2.53 Mb.
trang27/28
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích2.53 Mb.
#4838
1   ...   20   21   22   23   24   25   26   27   28

Phân tâm học (Psychoanalysis)

  1. Sự ra đời và các giai đoạn của Phân tâm học

Phân tâm học do S. Freud (1856 - 1939), bác sỹ người Ao, sáng lập. Những công trình đầu tiên của Freud bàn về sinh lý học, giải phẩu học não bộ. Từ những năm 80 dưới Ảnh hưởng của trường phái Pháp (Charcot, Bernheim) về thôi miên Freud tìm hiểu chứng rối loạn thần kinh chức năng (tâm thần). Những năm 90 Freud tập trung xây dựng phân tâm học - phương pháp dùng trị liệu tâm lý để chữa bệnh tâm thần. Phương pháp này căn cứ trên kỹ thuật liên tưởng tự do, phân tích những hành vi lầm lẫn và những giấc mơ như phương thức thâm nhập vào cõi vô thức, nghĩa là khu vực không chịu sự kiểm soát của ý thức. Vào năm 1900 Freud đưa ra học thuyết về cơ cấu bộ máy tâm lý như một hệ thống năng lượng mà cơ sở phát sinh của nó là xung đột giữa ý thức và những ham muốn vô thức. Vào năm 1920 Freud công bố công trình “Bản ngã và Bĩ ngã”, đồng thời từng bước vận dụng Phân tâm học vào tâm lý xã hội, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật …Hai lưu ý: 1) Freud sáng lập Phân tâm học vào cuối thế kỹ XIX - đầu thế kỷ XX, khi những quan niệm truyền thống về tâm lý không còn phù hợp nữa. Tâm lý học trước Freud cố gắng xác định thế nào là một con người bình thường, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm lý, từ việc tìm hiểu hiện tượng của ý thức. Đi xa hơn những “tố chất tự nhiên”, Freud phân tích tính chất và và nguyên nhân xuất hiện chứng rối loạn thần kinh chức năng, đẩy nó đến lĩnh vực tâm lý người, và từng bước khám phá những điều sâu kín nhất mà tâm lý học trước đó bỏ qua, hoặc nghiên cứu chưa đến nơi đến chốn. 2) “Khám phá vô thức” - đó là sự đánh giá đã được thừa nhận phổ biến, dù từ các thái độ khen chê khác nhau. Tìm hiểu “sự nổi loạn của vô thức”, chủ trương giáo dục người bệnh bằng liệu pháp tâm lý, bằng kỹ thuật liên tưởng tự do, theo dõi thường xuyên những thay đổi tâm lý của người bệnh, xác định những nguyên nhân của bùng nổ xúc cảm, những ẩn ức … càng làm nổi bật vai trò người thầy thuốc - nhà giáo dục trong điều kiện phức tạp của xã hội, khi tâm lý người chịu quá nhiều tổn thương từ bên ngoài. 3) Freud không gọi mình là nhà triết học, song Phân tâm học do ông sáng lập vượt ra khỏi khuôn khổ của một học thuyết tâm lý, mang ý nghĩa triết học rõ ràng vì, thứ nhất, sự khái quát hóa triết học những ý tưởng cơ bản trong việc xác lập cơ chế tâm lý của cá nhân, thứ hai, tính khuynh hướng lý luận, gắn với hành trình tư tuởng của Freud.

Như vậy từ năm 1900 trên diễn đàn triết học phương Tây đã xuất hiện một trường phái triết học - tâm lý theo khuynh hướng phi duy lý - nhân bản, có tên gọi là chủ nghĩa Freud (Freudism), hay đơn giản là Phân tâm học. Thế hệ sau Freud càng làm cho Phân tâm học mang diện mạo triết học thực sự.

Chủ nghĩa Freud ngay từ buổi đầu đã không phải là một trường phái thống nhất. Ngay giữa những học trò thân tín nhất của Freud vào năm 1910 đã diễn ra cuộc tranh luận xem cái gì đóng vai trò năng lượng tâm lý cơ bản. Nếu ở Freud năng lượng ấy là năng lượng tâm lý - tính dục, thì ở A. Adler (tâm lý học cá thể) vai trò này thuộc về mặc cảm giá trị chưa hoàn thiện và ước muốn tự hoàn thiện. Với K. Jung (tâm lý học phân tích) vô thức tập thể và những nguyên mẫu (archetip) mới là cơ sở của sáng tạo, nhất là sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. O. Rank thì cho rằng toàn bộ hoạt động của con người luôn bị ám Ảnh bởi ý nghĩ phải vượt qua “cú sốc sinh nở ban đầu”.

Mặc dù các nhà phân tâm học sau Freud xem xét lại và bác bỏ một số luận điểm của người sáng lập (về quy tắc, hay tiêu chuẩn nghiên cứu tâm lý, giải thích tính chất của các quá trình tâm lý, về cơ chế tâm lý …), song nhữgn nguyên lý cơ bản vẫn giữ nguyên: năng lượng vô thức, những khía cạnh phi duy lý của đời sống con người, tính chất xung đột và sự phân thân của thế giới nội tâm, tính dồn nén, tính bị ức chế, bị đàn áp và ý chí phản kháng, vấn đề suy đồi văn hóa …

Chủ nghĩa Freud trở thành một trào lưu khá phổ biến từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, gắn với những biểu hiện khủng hoảng của văn hóa, xã hội. Các nhánh khác nhau của chủ nghĩa Freud bổ sng cơ sở triết học và phương pháp luận cho học thuyết của chủ nghĩa Freud mà chính Freud còn thiếu. Những bổ sung này khéo kết hợp với các tư tưởng chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học tự nhiên.

Ở Mỹ xu hướng sinh học hóa phân tâm học kết hợp với chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa hành vi (behaviorism). Bên cạnh đó còn có xu hướng làm gần chủ nghĩa Freud với Điều khiển học (Cybernetics) Chủ nghĩa Freud-xã hội cũng có tiếng nói trong giới học thuật; nó xem xét các hiện tượng chính trị, văn hóa, xã hội như kết quả của sự thăng hóa (sublimation) năng lượng tâm lý tình dục, sự biến đổi các quá trình vô thức dưới tác động của đời sống văn hóa, xã hội. Vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX chủ nghĩa Freud-mới cố gắng biến phân tâm học thành một học thuyết thuần túy xã hội học và văn hóa học, xa rời dần quan điểm vô thức và các yếu tố sinh học thời Freud. Từ cuối những năm 40, tức sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các vấn đề và các kết quả nghiên cứu của phân tâm học được sử dụng rộng rãi. Phân tâm học xã hội liên kết với chủ nghĩa hiện sinh và cùng xác định hình Ảnh con người trong một thế giới phức tạp, đứng ở “tình thế tranh chấp” giữa tồn tại và hư vô, hòa bình và chiến tranh, hưng thịnh và đổ vỡ. Viện nghiên cứu xã hội tại Frankfurt (trường phái Frankfurt) chịu Ảnh hưởng đáng kể của phân tâm học. Một số đại diện thiên tả của nó dung hòa phân tâm học với chủ nghĩa Marx, nhằm tạo dựng học thuyết chiết trung theo kiểu Chủ nghĩa Freud-mácxít.

Phân tâm học và các vấn đề do nó gợi nên hiện nay tiếp tục thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà triết học, xã hội học, tâm lý học, văn hóa học, đạo đức học, chính trị học.


  1. Học thuyết của Freud về cơ chế tâm lý

Tâm lý con người có thể được hiểu như sự lưỡng phân với hai thái cực rõ ràng - ý thức và vô thức - tạo nên tính cách đầy mâu thuẫn của cá nhân. Trong lớp kết hợp ấy vô thức mới là thành tố trung tâm, còn ý thức chỉ là một thứ bậc đặc biệt vượt lên vô thức, nghĩa là chỉ khi nào chúng ta biết cách chế ngự vô thức, thì lúc đó mới nói đến vai trò của ý thức. Ý thức là phẩm chất thể hiện tính người trong con người.

Phân loại các tầng tâm lý:

Bỉ ngã (Id), hay bản năng, khu vực “tăm tối” của tâm hồn, là tầng sâu của những ham muốn vô thức, cái “nguyên thủy” của tâm lý. Là cơ sở của cá thể hoạt động, vô thức chỉ tuân thủ nguyên tắc thỏa mãn, không liên can gì đến hiện thực xã hội.

Bản ngã (Ego), hay cái Tôi, khu vực “sáng” của tâm hồn, là lĩnh vực ý thức, khâu trung gian giữa bản năng và thế giới bên ngoài, trong đó những tính quy định tự nhiên và các thiết chế xã hội. Cái Tôi điều chỉnh hoạt động của của bản năng với nguyên tắc hiện thực, tính hợp lý và tính tất yếu khách quan.

Siêu ngã (Super-Ego), hay cái -vượt lên -Tôi, khu vực “ngoài tầm” ý thức cá nhân, là lương tâm bên trong cá nhân, một sự kiểm soát, phê phán đặc thù, xuất hiện do sự bất lực của ý thức trong việc ngăn chặn những cơn bùng nổ vô thức.

Sự vận hành của cơ chế tâm lý diễn ra như thế nào ?

Tầng sâu, thuộc về bản năng của tâm lý người, vận hành theo chương trình tiếp nhận sự thỏa mãn tối đa và tự do lựa chọn. Trong việc đáp ứng những nhu cầu của mình cá nhân đụng chạm với hiện thực bên ngoài, vốn đối lập với bản năng. Chính lúc này ý thức - yếu tố trung hòa - tỏ ra cần thiết. Nó cố gắng ngăn chặn những ham thích vô thức, hướng chúng vào quỹ đạo của những hành vi mang tính xã hội được khuyến khích. Nhưng trên thực tế bản năng áp đặt, dẫu từ từ, những điều kiện của mình cho cái Tôi. Ngay lúc này trong cai Tôi hình thành một tầng mới - Siêu ngã, hay Lý tưởng - cái Tôi, thống trị cái Tôi như lương tri, hay mặc cảm tội lỗi chưa được ý thức ngay. Siêu ngã trong trường hợp ấy là cái bản thể tối cao nơi con người, phản ánh những giáo huấn, cấm đoán xã hội, quyền lực của cha mẹ và của các uy quyền khác. Siêu ngã là một thứ “vô thức”khác, áp chế cá nhân.

Như vậy, nhiệm vụ của phân tâm học là phân tích cơ chế tâm lý người, nhận biết được cái vô thức để chuyển chất liệu vô thức vào các lĩnh vực ý thức và hướng nó tuân thủ mục đích của mình. Nơi nào có vô thức, nơi đó có ý thức; càng hiểu bản chất của vô thức, con người càng có thể làm chủ dục vọng của mình, và điều khiển nó một cách có ý thức trong đời sống hiện thực.



  1. Những ham thích đầu tiên” và Libido

Freud xem ham thích tình dục là cơ sở của những “ham thích đầu tiên”, động lực của vô thức. Để minh họa cho quan điểm này ông đưa ra khái niệm “mặc cảm Oedipe”. Sau này Freud thay “ham thích tình dục” bằng khái niệm libido, với nghĩa rộng hơn, thể hiện một sự diễn biểu đạt đặc biệt về tình yêu mãnh liệt, say nồng, song theo nhiều tác giả khả năng tình dục vẫn là nghĩa nổi bật hơn cả.

Các giai đoạn libido: 1) giai đoạn miệng; 2) giai đoạn hậu môn; 3) giai đoạn sùng bái bộ phận sinh dục nam; 4) giai đoạn “thiên vị đối tượng”, khi đứa trẻ đã lớn, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Freud nói đến mặc cảm Oedipe đối với trẻ nam, mặc cảm Klectra đối với trẻ nữ. Chung quy hoạt động của con người chịu sự tác động không ngừng của những ham thích đầu tiên, những ham thích sinh học lẫn xã hội, nơi bộc lộ “bản năng sống”, sáng tạo (Eros), và bản năng chết, hủy diệt, gây hấn (Thanatos).



  1. Tính khuynh hướng xã hội trong phân tâm học Freud

Theo Freud, trong đời sống tâm lý cá nhân luôn hiện diện “người khác”; tâm lý cá nhân biểu lộ ra thông qua giao tiếp cũng đồng thời là tâm lý xã hội. Sự phân tích tâm lý có thể được sử dụng không chỉ trong việc tìm hiểu những vấn đề thuần túy cá nhân, mà cả những vấn đề xã hội, bởi lẽ chúng ta có thể suy nghĩ về các quá trình xã hội từ việc nhận thức các cấp độ, các lớp tâm lý ở chính mình, và lý giải một cách thấu đáo những xung đột giữa cá nhân và xã hội từ chế vận hành tâm lý cá nhân.

Freud là người có thái độ phê phán đối với trật tự xã hội hiện tồn, một trong những nhà lý luận về khủng hoảng văn hóa. Ông đề cập đến trạng thái sợ hãi và bất ổn của con người trong thời đại văn minh, sự thiếu hoàn thiện của quan hệ gia đình, xã hội, gây nên những cú sốc tâm lý ở cá nhân. Những thành tựu văn hóa góp phần làm giảm bớt bản năng gây hấn của con người. Nhưng một khi văn hóa không thực hiện được chức năng này thì sự gây hấn có thể trở thành một phần đời sống nội tại của con người, dẫn đến tâm thần xã hội.



  1. Vài nét về Tân-phân tâm học

Ngoài K. Jung (1875 - 1961), A. Adler (1870 - 1937), K. Horney (1885 - 1953), phải kể đến W. Reich (1897 - 1957) với học thuyết tình dục - kinh tế. Đặc trưng của tư tưởng Reich là không chú trọng đến từng cá nhân riêng lẻ,mà lấy lĩnh vực chính trị - xã hội làm đối tượng nghiên cứu. Reich chỉ giữ lại quan điểm nền tảng của phân tâm học Freud: bên ngoài ý thức tồn tại một hiện thực tâm lý, vô thức.

Reich đưa ra phương án lý giải mới về “cơ cấu tâm lý - sinh học của cá thể”: 1)tầng bề mặt, tức tầng liên kết xã hội, tầng “xã hội - hư ngụy” (liên tưởng hố sâu ngăn cách giữa “vật tự nó” và “hiện tượng”); 2) tầng trung gian, tầng chống đối xã hội (liên tưởng vô thức của Freud), tổng số những xung động bậc hai - những cuồng vọng ngu xuẩn hung bạo, những hành vi dâm đãng; 3) tầng đáy sâu, hạt nhân sinh học, những tố chất tự nhiên - xã hội tiềm tàng nơi con người như trung thực, yêu lao động. Tiếc thay khi đi qua tầng trung gian những tố chất bị xuyên tạc, nhiểm bẩn, khúc xạ.

Trong quan điểm chính trị Reich phê phán “chủ nghĩa cực quyền”, chủ nghĩa phát xít.

Reich không phủ nhận sự hiện diện của năng lực libido trong cơ cấu tâm lý cá nhân, hơn nữa lại phân tích nó dưới góc độ xung đột xã hội. Tác phẩm nổi tiếng - “Cách mạng tinh dục” (1936,The Sexual Revolution) - trong đó sự giải phóng con người được xem xét ở khía cạnh tự do tình dục. Đây là tác phẩm gây sốc cho xã hội một thời.



H. Sullivan (1892 - 1949) cũng là tên tuổi nổi bật của phân tâm học sau Freud, với học thuyết liên cá thể về tâm thần học. Theo học thuyết này đời sống con người diễn ra trong những tình thế liên cá thể, do đó để hiểu phức hợp các vấn đề gắn với quá trình tâm lý bên trong đời sống cá thểvà các quá trình bên ngoài của sinh hoạt cộng đồng - xã hội, cần thiết phải làm sáng tỏ giá trị và ý nghĩa của hành vi liên cá thể. ”Hệ thống tự hữu” là thứ phẩm hàm đặc trưng của cá thể nhằm chống lại những bất ổn, xao xuyến, vốn có ở con người ngay từ lúc chào đời. Có thể liên tưởng “hệ thống tự hữu” với “Siêu ngã” của Freud.

E. Fromm (1900 - 1980) được giáo dục theo truyền thống phân tâm học, nhưng về sau đã bác bỏ khá nhiều luận điểm của nó. Ông xem các quá trình xã hội, chứ không phải các yếu tố sinh học, là những môtíp kích thích con người. Tư tưởng nổi bật: nhị phân hiện sinh và nhị phân lich sử.

Nhị phân hiện sinh biểu hiện ở nhị phân giữa sống và chết, giữa khả năng tiềm tàng của mỗi cá nhân với tính hữu hạn của cuộc sống.

Nhị phân lịch sử gắn với những điều kiện xã hội nhất định, do đó có thể khắc phục được bằng nỗ lực của nhiều thế hệ, hướng đến thiết lập một xã hội nhân đạo, tạo nên sự ổn định tâm lý - tinh thần cho cá nhân.

H. Marcuse (1898 - 1979) đặt vấn đề về văn minh ‘không có tính đàn áp”, đem quan điểm kinh tế - xã hội của Marx kết hợp với Freud, xem sự kết hợp này là phương án tốt nhất giải quyết xung đột giữa con người và nền văn minh. Các khái niệm “đàn áp thặng dư” và “nguyên tắc năng xuất” chỉ ra những giới hạn của con người do các chế độ xã hội thiết lập, sự thống trị của quá trình lao động bị tha hóa, và do đó, mâu thuẫn giữa lao động bị tha hóa và Eros. Chỉ khi nào đạt tới “văn minh không có tính đàn áp”, sức mạnh của Eros mới được phát huy, nhờ đó bản năng gây hấn, bản năng chết mới bị đẩy lùi. Lao động sẽ không còn bị tha hóa nữa, mà biến thành trò chơi tự do, phù hợp với bản tính con người.

Tư tưởng cải cách và mang tính phản kháng của Marcuse được một bộ phận giới trẻ có học thức ở phương Tây đón nhận, nhất là vào những năm 60 của thế kỷ XX.



    1. Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism)



  1. Sự ra đời và các phái của chủ nghĩa hiện sinh

Chủ nghĩa hiện sinh chính thức được khai sinh vào năm 1927 với tác phẩm “ Hữu thể và thời gian” của Heidegger, và kết thúc vào năm 1960 như một triết thuyết với “Phê bình lý trí biện chứng” của J. S. Sartre.

Thế nào là chủ nghĩa hiện sinh ?

Bằng các tên gọi khác nhau - chủ nghĩa hiện sinh (Sartre), triết học hiện hữu (K. Jaspers), triết học về hiện sinh - triết học này có điểm chung cho tất cả các đại diện là triết học về tồn tại của con người, bản thể luận về con người, là tất cả những suy tư về thân phận con người, trước hết là con người cá nhân, cụ thể trong thời đại khủng hoảng về giá trị, những nỗi đau, những lầm lạc và những khát vọng của con người. Ra đời và phát triển tại các nước phương Tây, nhất là tai Đức và Pháp, sau hai cuộc đại chiến thế giới (1914 - 1918, 1939 - 1945), triết học hiện sinh biểu thị thái độ của con người trước những diễn biến không đồng nhịp của xã hội.

Nếu triết học cổ điển thể hiện tính tích cực tinh thần của con người, thì triết học hiện sinh đặt ra vấn đề sự chịu đựng tinh thần của mỗi cá nhân trước những biến động của đời sống, từ đó gợi ra một lối thoát cho họ. Trong “Thư về nhân bản chủ nghĩa” (Ueber den humanismus) Heidegger đã “nâng cấp” khái niệm “existentia”, tức tồn tại theo tiếng Latinh, thành một diễn đạt đặc trưng - Eksistenz, hay Ek-sistenz, nhằm nhấn mạnh hiện thể “xuất tính thể’ của con người, phân biệt với những tồn tại khác, những tồn tại mà Sartre cho là không thể sánh được với chủ quan tính của con người (Sartre. Hiện sinh một nhân bản thuyết). Heidegger và Sartre là hai đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ XX.

Theo Lê Tôn Nghiêm, Kinh Thánh Kitô giáo, có phần mô tả số phận chìm nổi của các vị tiên tri, các vị thánh, sự đày đọa Jesus Christ, đáng được xem là cội nguồn sau xa của chủ nghĩa hiện sinh với tính cách là tiếng kêu bi thiết về số phận con người. Thứ đến là Thánh Augustin, người nói nhiều đến những suy tư, xao xuyến, lo âu, nhửng kinh nghiệm đau đớn trong quãng đời phóng đãng, lầm lạc trên con đường tìm về Thiên Chúa, khẳng định rằng tri thức sơ khởi và đầy đủ nhất là sự tìm hiểu bản chất con người qua sự hiểu biết về Thiên Chúa. Tuy nhiên, ông tổ thực sự của chủ nghĩa hiện sinh là S. Kierkegaard (1813 - 1855), người Đan Mạch. Kierkegaard xuất hiện trên sân khấu triết học với tính cách là người phê bình gay gắt thời đại. Khuynh hướng hiện sinh tôn giáo của Kierkegaard đặt ra câu hỏi: tại sao tâm hồn con người bị khô kiệt ? Trả lời: vì những toan tính đầy tham vọng của lý trí, vì sự mổ xẻ không thương tiếc, sự phân đôi bản chất con người trong thời đại khoa học, vì cái nhìn cứng nhắc, máy móc đối với thế giới. Để phục hồi nhân tính cần hiến mình cho tôn giáo - đó là chủ đề cơ bản của triết học Kierkegaard. Triết học cần giúp con người trở về hệ thống các giá trị tôn giáo, vốn bị chìm vào lãng quên từ thời Descartes. Triết học dẫn ta vào cảm thụ quan tôn giáo, khắc họa chiều sâu tâm linh của con người.

Sự phản ứng của Kierkegaard đối với trật tự tư sản là sự phản ứng mang tính lãng mạn. Bản tân sự hiện hữu của con người được phân tích từ góc độ thẩm mỹ - đạo đức - tôn giáo. Các giai đoạn hiện hữu: 1) Giai đoạn thẩm mỹ đồng nhất với khoái cảm. Con người sống bằng những quan tâm hiện tại, chưa biết lựa chọn. Giai đoạn này có ba chặng nhỏ là buồn chán toàn diện, bạo dâm, trung gian (còn gọi là “mỉa mai”, là chặng liên kết thẩm mỹ và đạo đức); 2)Giai đoạn đạo đức, thể hiện cuộc đấu tranh chống lại những đam mê cảm tính và chế ngự chúng. Con người sống bằng nghĩa vụ, quan tâm đến nhau và cùng hy vọng vào tương lai. Hạn chế của đạo đức là ở chỗ nó dễ ru ngủ con người, biến họ thành một sinh vật máy móc, nù quáng tuân theo những quy luật, những môtíp đạo đức định sẵn. Thay vì lựa chọn tự do là nỗi sợ hãi của cá nhân; 3) Giai đoạn tôn giáo, nơi hiện hữu của cá nhân thống nhất với Thượng đế. Đó là sự chuyển sang lối sống tôn giáo, một bằng chứng về “nổi ô nhục và sự bất lực của lý trí”. Con người phụng sự Thượng đế, cảm nhận sự an ủi nơi cuộc đời đau khổ, song không bao giờ sánh ngang cùng Đấng tối cao. Quan niệm đó của Kierkegaard nhằm chống lại Hegel, người đã duy lý hóa niềm tin vào Thượng đế.

Kierkegaard là ông tổ của Hiện sinh hữu thần.

Sau Schopenhauer và Kierkegaard, F. Nietzsche (1844 - 1900) là nhà tư tưởng có Ảnh hưởng đặc biệt đến triết học phi duy lý nói chung, triết học hiện sinh thế kỷ XX nói riêng. Có thể chia hành trình tư tưởng của Nietzsche ra ba thời kỳ. Từ 1869 đến 1876 là thời kỳ bi quan lãng mạn, được đánh dấu bằng Ảnh hưởng của Schophenhauer và Wagner. Đặc điểm của thời kỳ này là lòng tin vào giá trị thánh thiện, chủ nghĩa anh hùng và tài năng thiên phú của con người. Từ 1876 đến 1881 là thời kỳ của khuynh hướng “thực nghiệm hoài nghi”; triết gia đi tìm tự do tuyệt đối và chân lý vĩnh hằng. Từ 1882 đến cuối đời là là thời kỳ xây dựng hệ thống triết học riêng, hướng vào hiện thực, vươn tới lý tưởng Siêu nhân.

Cốt lỏi tư tưởng của Nietzsche là hoài nghi hiện tại (chủ nghĩa hư vô), phê phán truyền thống (“triết lý cái búa”, tuyên bố “Chúa đã chết”, xác định lại những giá trị mới), và sau rốt tìm ra bản tính đích thực nơi con người, vũ trụ - ý chí quyền lực- thúc đẩy con người đi tới tương lai, cũng có nghĩa là trở về Cội nguồn vĩnh cửu. Theo Nietzsche một nền văn hóa đích thực phải trả con người về tự nhiên và nhân hóa tự nhiên, do đó ông ca ngợi các nhân vật huyền thoại Hy Lạp và những nhà triết học sơ khai, những người sống hồn nhiên, chất phác, chấp nhận sự “cô đơn trong rạng rỡ hào quang’, phê phán đạo đức học duy lý Socrates đã dùng lý trí giết chết bản năng Dionysos, làm đỗ vỡ mọi giá trị văn hóa chất phác. Nietzsche cũng phê phán châu Âu Thiên Chúa giáo và giáo lý của nó, gọi nền đạo đức đang tồn tại là sự chiếm đoạt bản tính con người, vụ lợi và phi nhân. Mọi phong trào dân chủđều học theo thứ đạo đức quần cư bản năng, xuất phát từ Thiên Chúa giáo. Tinh thần bình đẳng kiểu Thiên Chúa giáo khuyến khích nhiều cuộc cách mạng đẫm máu và đầy tội lỗi.

Nguyên lý bao trùm của triết học Nietzsche, đề cập đến cả con người lẫn tự nhiên, là ý chí quyền lực. Nguyên lý “động” này chi phối, điều khiển sự phát triển của con người và vũ trụ. Theo Nietzsche, cuộc sống tự nó luôn khát vọng đến tối đa cảm giác quyền lực. Bản chất của thế giới là sinh tồn thông qua đấu tranh; thế giới là hiện thân của ý chí quyền lực. Cá nhân tự do và mạnh mẽ nếu nó nhận biết mình là một nhân cách. Tự do không nên hiểu theo nghĩa của Thiên Chúa giáo, cái trên thực tế là phản tự do, sự nô lệ bên trong, mà tự do theo tinh thần cổ đại và Phục hưng, tự do vừa nguyên sơ, chất phác, vừa bùng nổ mãnh liệt.

Đằng sau lớp vỏ duy ý chí, phi duy lý của triết học Nietzsche ẩn chứa một thứ không tưởng hợp lý, ca ngợi sự thống nhất và lệ thuộc lẫn nhau giữa con người và tự nhiên, con người và xã hội, xã hội và tự nhiên, sự thừa nhận tự do vĩnh hằng như cơ sở của sức mạnh tiềm tàng trong con người.

Triết học Nietzsche, vừa là sự đảo lộn mọi giá trị, vừa kích thích con người tự vươn lên, đã đưa đến sự xuất hiện của Siêu nhân (Uebermensch) - con người siêu đẳng ở trên con người hiện tại, kết hợp những phẩm chất tuyệt vời của thần linh và những vĩ nhân trong lịch sử. Đó là con người báo hiệu một ngày mới, cũng là sự trở về Vĩnh cửu. Cách lập luận như vậy đã đưa Nietzsche đến với thuyết luân hồi mang dáng dấp của triết lý phương Đông; thế giới lặp đi lặp lại những chu kỳ, và mỗi lần như vậy con người phát hiện ra chính mình, sống lại cuộc đời của mình.



Mấy ý nghĩa của “tồn tại người”, hay “hiện sinh”, để phân biệt với những tồn tại khác.

Thứ nhất, hiện sinh là phương thức tồn tại đặc trưng của con người. Chỉ có con người mới hiện sinh, chứ không phải Thượng đế, hòn đá, con bò. Thượng đế đơn giản là tồn tại, chứ không hiện sinh. Hòn đá cũng không “hiện sinh”, cho dù nó thể hiện ra hình hài, nó có tồn tại. Thế giới là hiện thực, chứ không “hiện sinh”. Chỉ có tồn tại người mới là thứ tồn tại nếm trải, âu lo, xao xuyến, buồn chán, khổ đau, suy tư. Con người ý thức được nổi khổ đau của mình, luôn dằn vặt về thân phận mình. Càng né tránh đau khổ bao nhiêu, con người càng xa rời ý nghĩa hiện sinh bấy nhiêu. Heidegger cho rằng“hiện sinh”, xét như tồn tại đặc trưng của con người, là hiện hữu - ý thức, là “Dasein”, phân biệt với “Sein” (tồn tại).

Thứ hai, hiện sinh là tồn tại - với, là sống - với. Phương thức tồn tại của con người là hiện hữu giữa trời và đất. Theo quan điểm của hiên sinh tôn giáo con người là khâu trung gian giữa thế giới mà nó gia nhập, và cái siêu việt vượt lên trên (Kierkegaard). Nhưng theo quan điểm của hiện sinh vô thần thì chỉ có chủ quan tính con người mới là cái duy nhất (Sartre); “sống - với” ở đây là sống với “tha nhân”. Chính vì thấu hiểu được điều đó mà con người chủ trương “dấn thân”, song quá trình này lại tạo nên những xáo trộn mang tính chất phân đôi của tồn tại. Sự trốn chạy vào cô đơn là hệ quả của của những tác động bất lợi từ môi trường “tha nhân” - đó là hành vi có sau, mang tính phản kháng.

Thứ ba, hiện sinh là phương thức phi duy lý của tồn tại. Hiện hữu của con người trong thế giới về nguyên tắc không thể nhận thức được thông qua các khái niệm (lý trí), không bị vật hóa. Nếu Hegel sùng bái tư duy, thì Kierkegaard, ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh, sùng bái xúc cảm. Nếu Hegel thiên về phép biện chứng của các khái niệm, thì biện chứng hiện sinh của Kierkegaard là biện chứng của những xung động tâm linh - một cách xác định lại những giá trị nhân bản ở thời đại lãng mạn và bi kịch.

Thứ tư, hiện sinh là hiện hữu luôn đặt mình trong lựa chọn và giải pháp, bắt đầu bằng việc kích thích chủ quan tính, cái Tôi. Con người vùng vẫy, quẫy đạp, khao khát hướng đến tự do bất chấp những lực lượng cưỡng chế bên ngoài, mặc dù đó là sự vùng vẫy vô vọng.

Thứ năm, hiện sinh là khả năng đang thể hiện. Hiện hữu của con người là khả năng chủ quan của con người, bộc lộ ra qua hành vi. Mâu thuẫn giữa khả năng dường như vô tận của con người với tính hữu hạn của tồn tại cá nhân góp phần tạo nên tính hai mặt của đời sống - mặt sáng tạo, tich cực và những biểu hiện tiêu cực khó kiểm soát.

Sự phân chia tương đối hai phái hiện sinh -tôn giáo và vô thần.


TT




Hiện sinh “tôn giáo”

Hiện sinh “vô thần”

1

Đại biểu

Socrates, St.Augustin, St.Bernard, Pascal, Kierkegaard, Jaspers, Marcel…

Luther, Schelling, Schopenhauer, Nietzsche, Heidegger, Sartre…

2

Quan điểm sơ khởi

Dẫn dắt con người đến niềm tin Thiên Chúa

Không tin vào sức mạnh dẫn dắt của Thiên Chúa

3

Tính cách

Có tính cách xây dựng, chú trọng sự hướng thiện

Phủ định những giá trị truyền thống, cả trong văn hóa lẫn trong tôn giáo.



4

Liên minh tư tưởng

Rất gần với chủ nghĩa Thomas mới, duy linh – nhân vị

Rất gần với chủ nghĩa bi quan, hoài nghi, chủ nghĩa hư vô

5

Quan hệ người – người

Cá nhân và tha nhân có thể tìm thấy sự đồng cảm,nhất trí

Chú trọng khắc họa liên chủ thể, sự phối hợp




Cá nhân không có chỗ sáng tạo giữa tha nhân.“Tha nhân nuốt chửng tôi” (Sartre).

Chú trọng sự phản kháng của cá nhân chống lại tha nhân, nhằm đề cao tính độc đáo của cá nhân.




6

Quan hệ con người – Thượng đế


Niềm tin vào Thượng đế là cái cốt lõi trong đạo đức con người

Con người bị tha hóa vì xa rời Thiên Chúa



Gạt bỏ Thượng đế ra ngoài cuộc sống con người để tôn vinh chủ quan tính

Con người bị tha hóa vì quá lệ thuộc vào niềm tin, đánh mất chính mình.



Vì sao triết học hiện sinh được đón chào tại các nước Tây Âu sau hai cuộc đại chiến thế giới ? Vì, một là, nó khắc họa khá thành công chân dung con người trong thời đại khủng hoảng. Nội dung của triết học hiện sinh không phải là con người nói chung, con người phổ quát như ở Socrates, Aristoteles,hay Descartes,mà là con người đang sống, hoạt động, là tôi, là anh, là chúng ta cùng lúc hay từng người một. Hai là, triết học hiện sinh làm sáng tỏ được phần nào những mâu thuẫn của thời đại thông qua những mâu thuẫn trong mỗi cá nhân, đúng hơn chủ nghĩa cá nhân hiện sinh gợi nên cả những vấn đề vượt ra khỏi khuôn khổ của tôn tại cá nhân, suy tư về số phận nhân loại, “tình thế tranh chấp” của nó. Ba là, chủ nghĩa hiện sinh dùng hình thức văn chương lôi cuốn hoặc trình diễn trên sân khấu để thể hiện ý đồ tư tưởng của mình. Triết học thực sự đến với công chúng rộng rãi và gợi nên nơi họ nhiều suy nghĩ sau khi đọc, thưởng thức. Người đọc cảm nhận sự đồng điệu giữa triết gia với cuộc sống đầy “tính hiện sinh”.

  1. Một số nội dung của triết học hiện sinh.

Khuếch trương chủ quan tính là nét nổi bật của triết học hiện sinh. Con người như một tồn tại giữa vũ trụ, nhưng xét về ý nghĩa văn hóa, có thể vượt lên trên vũ trụ, như Pico Della Mirandola (thời Phục hưng) từng khẳng định. Con người vừa gán cho vũ trụ những giá trị như mình muốn, vừa tự quy định một cách tự do. Khi con người đã ý thức được chủ quan tính của mình, thì mọi cái thiêng liêng thần thánh, mọi thứ diễn ra trong vũ trụ không có gì đáng kể so với con người. Trong chủ nghĩa hiện sinh sự đề cao chủ quan tính có thể dẫn tới tinh thần phản kháng đối với những ràng buộc của guồng máy xã hội: không ai và không có gì buộc tôi phải suy nghĩ và hành động thế này thế nọ; tôi có quyền xác định cho mình một ý nghĩa hiện sinh đích thực, miễn sao điều đó không xúc phạm đến tư cách cá nhân của tôi.

Đề cao chủ quan tính trước tiên là đề cao tự do, tự do lựa chọn. Tự do là một trong những phạm trù được nhắc đến nhiều nhất trong chủ nghỉa hiện sinh. Tuy nhiên tự do mà chủ nghĩa hiện sinh đề cao không phải là một xã hội tự do, mà là tự do tự tại, tự do trong quan hệ với chính mình. Đối với một số nhà triết học hiện sinh tự do cá nhân còn có nghĩa là không chấp nhận bị chìm lẫn vào khối đông đảo “người ta”, “tha nhân”. Tự do hiện sinh thể hiện rõ trong tự do lựa chọn một nghề nghiệp, một hướng đi, một chỗ đứng trong cuộc sống, nhằm “đạt tới chỗ trung thực nhất của cá nhân” (Sartre).



Một số vấn đề khác thường gặp:

+ Sự phân thân, tha hóa. Sartre nói về “buồn nôn” và “sống thừa”. “Buồn nôn” biểu thị trạng thái lưỡng giá nhị phân của tôn tại người; một đằng là những ẩn ức, dồn nén, đằng khác là khát vọng nồng cháy vươn lên cái cao cả; một đằng là những mối liên hệ tất yếu với thế giới, đằng khác là cảm giác về một thế giới ngẫu nhiên vô cố và xa lạ; một đằng là sức hấp dẫn của tồn tại xung quanh, đằng khác là tâm trạng chán chường, muốn trôn chạy khỏi thế giới đầy bất trắc, tai ương (cái chết có thể ập đến bất ngờ, cắt đứt sợi chỉ mong manh của cuộc sống, nói khác đi, cuộc sống cá nhân quá dòn, mỏng). “Sống thừa” là một diễn đạt nói về tình trạng “không mợ chợ vẫn đông” trong một thế giới sôi động, phức tạp, đầy tính cạnh tranh, mà cạnh tranh phổ biến nhất là cạnh tranh để được tôn tại. Do đó “ưu tư”, “xao xuyến”, “lo âu” được Heidegger xem như xuất thể tính đặc trưng của con người. Các nhà hiện sinh, nhất là hiện sinh theo phương án Pháp, thường xuyên nhắc đến nỗi sợ hãi, tình thế tranh chấp, cái chết, hư vô, sự phóng thể … nhằm khắc họa bức tranh ảm đạm của tồn tại cá nhân lẫn tồn tại ở bình diện toàn nhân loại. Suy tư “mỗi sáng giở một tờ lịch cảm thấy mình tiến gần hơn đến nấm mồ” đưa tới câu hỏi “phải chăng hiện hữu để … chết ?”.

+ Vấn đề trách nhiệm con người. Bên cạnh bức tranh không mấy sáng sủa về thân phận con người nhiều nhà hiện sinh đề cao (hay đánh thúc) các giá trị người, hiện diện trong mỗi cá nhân. Một là nhấn mạnh tính độc đáo, tính sáng tạo, không lặp lại của cá nhân trong sự so sánh với những cá nhân khác. Mọi sự cào bằng, san phẳng những cái Tôi dó đều bị phê phán. Hai là đề cao sự tự chủ và tinh thần “dám liều” trong hoạt động sống. Ba là đòi hỏi mỗi cá nhân ý chí tiến thủ, khát vọng vươn lên, không bằng lòng với chính mình, không tự mãn với những gì mình đã đạt được.

Ba diện mạo con người (khái quát):

+ Con người phân thân, tha hóa, cô đơn giữa thế giới dửng dưng, cảm nhận sự dòn, mỏng của hiện hữu cá nhân, tâm trạng “chán sống”.

+ Con người phản kháng, chống lại “tha nhân”, “người ta” để tìm lại chính mình, dù đó là sự tìm kiếm không mấy thành công.

+ Con người khát vọng, có trách nhiệm với số phận chung của nhân loại (trong “Dịch hạch” A. Camus tuyên bố rằng “con người cần phải trở thành chính mình” theo nghĩa chân chính nhất của từ đó). Hiểu thế nào về chủ nghĩa cá nhân hiện sinh? Chủ nghĩa hiện sinh đề cập đến con người cá nhân với tất cả những tính cách mâu thuẫn nhau của nó, nhưng không đề cao tính vị kỷ, mà thực ra xem xét nó trong sự đối chiếu với môi trường xã hội đôi khi “hoà tan”, “san phẳng” cá nhân dưới tác động của “trung bình tính”, của những chuẩn mực đã được thừa nhận. Do đó sự phản kháng hiện sinh có thể triển khai theo hai hướng - tích cực và tiêu cực, văn hóa và phản văn hóa. Tuy vậy nhiều nhà hiện sinh từ hình Ảnh con người cá nhân đã suy tư về tình thế “tranh xhấp” của nhân loại. Chủ nghĩa hiện sinh, như cách thể hiện của nó, không răn dạy con người bằng những sáo ngữ và những mệnh lệnh xơ cứng, mà gợi mở suy nghĩ của con người về trách nhiện cá nhân đối với bản thân và những người khác. Điều này giải thích vì sao ở miền Nam trước năm 1975 người ta chịu Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh ở hai chiều hướng khác nhau: một bộ phận trí thức đọc hiện sinh và cảm nhận sự mời gọi “dấn thân”, hành động chống lại sự phi lý của cuộc sống, một số khác lại tìm thấy ở đó thái độ bi quan, nổi ưu tư, xa xuyến, cảm giác “bị quăng ném”, và chấp nhận cuộc sống buông thả, thậm chí thác loạn, với những biện minh phản văn hóa.



Hình Ảnh con người trong chủ nghĩa hiện sinh được cô đọng trong một công trình nghiên cứu của E. Mounier - Những chủ đề của triết học hiện sinh (Thụ Nhân dịch, Sài Gòn, 1970). Tác giả nêu ra 12 luận đề cơ bản: 1) Sự bất tất của cuộc sống con người. Sống thừa - “không mợ chợ vẫn đông”. Cảm giác sống thừa, bị quăng ném, bị bỏ rơi rất có thể dồn đẩy cá nhân đến hình thức khẳng định cực đoan - tự tử. Chẳng phải ngẫu nhiên A. Camus cho rằng một trong những vấn đề nghiêm trọng cần quan tâm là vấn đề tự tử, nghĩa là một hành vi trái với khát vọng sống phổ biến. J. Sartre viết trong “Buồn nôn”:”Chúng ta vốn là một “đống” những kẻ tồn tại trong cẢnh bối rối, lúng túng về chính bản thân mình; người này cũng như kẻ khác, chúng ta không mảy may có lý do tồn tại; và mỗi một kẻ tồn tại, bối rối, lo lắng một cách mơ hồ, cảm thấy mình là người thừa đối với những người khác. Thừa, đó là mối quan hệ duy nhất tôi có thể lập được giữa những thân cây, những bờ rào, những viên sỏi này với nhau…Tôi mơ màng nghĩ chuyện tự tiêu diệt mình để thủ tiêu ít nhất cũng một trong những cuộc đời thừa. Nhưng thậm chí cái chết của tôi cũng có thể thừa. Xác tôi, máu tôi trên lớp sỏi, giữa những thân cây kia, ở cuối công viên vui tươi này, đều thừa. Và thịt da tôi bị gặm nhấm cũng sẽ thừa trong lòng đất đón nhận nó; cuối cùng, xương tôi, được lau chùi, tẩy rữa, sạch bong như những chiếc răng, cũng sẽ thừa: tôi thừa đối với cõi vĩnh hằng”1. 2) Sự bất lực của lý trí. Lý trí con người bất lực trong việc tìm hiểu về số phận mình. Do đó cần phải sống theo tiếng gọi của tâm hồn, của xúc cảm, con tim. Những xung động ấy đưa ta đến với con người sống thực, từ sự nếm trải mà cảm nhận bản thân mình và hững người xung quanh mình. 3) Sự nhảy vọt của con người. Chủ nghĩa hiện sinh không phải là thứ triết học của sự lo âu, vô vọng, mà của sự can đảm, mặc dù là can đảm trong tuyệt vọng!4) Sự dòn mỏng của con người, tình thế tranh chấp. Lúc nào con người cũng bị đe doạ bởi cái chết. Cái chết đôi khi ập đến bất ngờ, cắt đứt sợi chỉ mong manh của cuộc sống. Mỗi ngày tờ lịch sang trang là như mỗi ngày ta tiến gần hơn tới cửa mồ. 5) Sự phóng thể, vong thân. Con người mỗi ngày lại đánh mất một phần cái Tôi của mình vào hoàn cẢnh và Tha nhân. Một đằng là khát vọng tự khẳng định, đằng khác lại không thể làm chủ được mình trước tha nhân, bị tan biến vào đó. Đó là sự tha hóa (vong thân), sự đánh mất mình, và chấp nhận đối diện với cái Tôi bị đánh mất kia như cái xa lạ. “Tôi muốn, nhưng tôi không thể”. Chỉ khi trở lại thành chính mình, mình mới thấy tự chủ trong cô đơn. Hiện hữu trung thực và hiện hữu dối lừa qua mặt nạ của tồn tại giữa tha nhân. 6) Đời người có giới hạn, thần chết lại vội vã. Giới hạn sinh tử là một giới hạn cho thấy sự hữu hạn của tồn tại người. Chúng ta sinh ra để rồi …chết đi. Hiện hữu để chết, sự kết thúc là hư vô. Cần nhìn thẳng vào sự thật đó để lựa chọn phương thức sống cho mình, khi thần chết còn chưa đến! 7) Sự cô độc và bí hiểm. Tình trạng phổ biến đáng buồn hiện nay là người ta muốn sống cô độc, không muốn và không thể thông cảm với người khác. Con người trở nên nghi kỵ nhau. Sự hiểu nhau hóa ra chỉ ở cái vẻ bên ngoài; mọi thứ dường như trở nên bí hiểm, không mở ra cho sự liên kết và thấu hiểu nhau trong một thế giới đầy cạm bẩy. 8)Sự hư vô. Sartre, đại diện tiêu biểu cho nhánh hiện sinh vô thần, cho rằng con người là một thực thể của hư vô. Chết là điểm kết thúc của sự hiện hữu, là sự giải thoát, là nỗi đau cuối cùng, là mục đích cuối cùng. Chúng ta tồn tại để hướng tới cái trống không vĩnh hằng ấy. . Trong hiện sinh tôn giáo cũng có những suy tư về kiếp người trong sự lo âu vô định. “Nổi thất vọng theo đuổi con người cho tới lúc hắn xuống mồ và có lẽ nó đả có mặt trong hầu hết những ngôn ngữ trên đời. Nó vang lên át cả mọi tiếng nói của con người,là lời nói cuối cùng của Chúa Kitô trên thập giá:”Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”. 9) Sự cải hóa cá nhân. Kierkegaard đã nói đến Cá nhân theo nghĩa viết hoa. Theo nghĩa tôn giáo thì “dám trở thành cá nhân” mang ý nghĩa cao cả nhất của con người. Chủ nghĩa hiện sinh không chỉ đề cập đến tồn tại - nếm trải, mà còn nhấn mạnh cá nhân như một dự phóng, một chủ thể hướng lai. Con người không thể “sống cho xong một kiếp người”,”sống cho qua ngày”, mà phải ý thức về cuộc sống có ích, không chỉ “là” (sum), mà còn “vươn cao lên” (sursum). G. Marcel khẳng định “con người không bao giời muốn bị vo viên”. 10)Vấn đề nhập thế, dấn thân. Con người là một bản thể ý thức về tự do và khát vọng tự do. Heidegger cho rằng con người là một “thực thể ở đời”, một “thực thể biết dấn thân”để chứng tỏ mình là chính mình. Lựa chọn phương thức sống ở đời - đó là biểu hiện của phẩm chất Người. Ngay cả người có đạo, lấy việc thoát khỏi thế gian làm cứu cánh, thì lựa chọn đích thực vẫn là về với thế gian, vì ý nghĩa cuộc sống chỉ được thử thách ở đây thôi. 11) Quan hệ giữa tôi và tha nhân, người ta. Giữa hiện sinh hữu thần và hiện sinh vô thần có cách đánh giá khác nhau về quan hệ giữa người với người. 12) Đời sống dám liều. “Dám liều” trước hết là thể hiện khát vọng sống mãnh liệt, không chùn bước trước những thách thức của hoàn cẢnh, sẵn sàng đương đầu với mọi hiểm nguy. Trong cuộc sống luôn luôn có những lý tưởng mời gọi con người vươn lên, dù sức lực và trí tuệ chưa đạt được sự hoàn thiện. Biết chầp nhận rủi ro, thất bại, nuôi hy vọng mới - đó là sự phục sinh của con người như một chủ thể tự vượt lên. “Dám liều” - một hình thức thể hiện mạnh mẽ cá tính con người như thực thể “là mình”, “tự tạo”, “tự do”. Tuy nhiên đôi khi “dám liều” chỉ là một cuộc chơi không mục đích.

Những điều vừa nêu đã giải thích sự Ảnh hưởng có tính hai mặt của chủ nghĩa hịện sinh đến đời sống xã hội, cũng như mỗi cá nhân.

Chủ nghĩa hiện sinh từng được truyền bá rộng rãi ở miền Nam trước 1975 qua các công trình gốc của nó hoặc dười hình thức văn chương, kịch nghệ, các ấn phẩm văn hóa giải trí khác. Ngày nay chủ nghĩa hiện sinh không còn tồn tại như một triết thuyết đương đại nữa, song chất “hiện sinh” vẫn được nhận diện đây đó trong các ngõ ngách của đời sống chúng ta.



    1. Каталог: application -> uploads -> Daotaotuxa -> Khoa2 -> Hoc%20Ky%204
      Khoa2 -> Triết học chính trị XÃ HỘi phật giáo a. SƠ LƯỢc về triết học chính trị XÃ HỘi khái niệm triết học
      Khoa2 -> Triết học chính trị XÃ HỘi phật giáo a. SƠ LƯỢc về triết học chính trị XÃ HỘi khái niệm triết học
      Khoa2 -> Bài 5: LỘ trình tu chứng & quả VỊ thanh văn củA ĐẠi chúng bộ VÀ ba chi pháI ĐẦu tiêN (21- 39)
      Khoa2 -> Bài 10. Quan đIỂm căn bản của nhất thiết hữu bộ
      Khoa2 -> BÀI 20. Quan đIỂm của kinh lưỢng bộ (sautrantika = thuyết chuyển chấp bộ)
      Khoa2 -> Triết học tôn giáO
      Khoa2 -> 恒轉如瀑流 阿羅漢位捨 4 Thứ nhất là a-lại-da
      Khoa2 -> PHẦn c: quan đIỂm của hữu bộ VÀ CÁc chi phái bài quan đIỂm của thuyết nhất thiết hữu bộ
      Hoc%20Ky%204 -> BÀI 4 : quan đIỂm về BỒ TÁt theo đẠi chúng bộ VÀ 3 BỘ phái chi nhánh (16 – 20)
      Hoc%20Ky%204 -> GIÁo hội phật giáo việt nam học viện phật giáo việt nam tại tp. Hcm

      tải về 2.53 Mb.

      Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   20   21   22   23   24   25   26   27   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương