恒轉如瀑流 阿羅漢位捨 4 Thứ nhất là a-lại-da



tải về 61.24 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích61.24 Kb.
#23637
BÀI 5

A-LẠI-DA THỨC

I. BÀI TỤNG

初阿賴耶識 異熟一切種 2

不可知執受 處了常與觸

作意受想思 相應唯捨受 3

是無覆無記 觸等亦如是

恒轉如瀑流 阿羅漢位捨 4

Thứ nhất là A-lại-da,

cũng gọi là dị thục, nhất thiết chủng.

Không thể biết sự chấp thọ,

Xứ sở và biểu hiện nhận thức của nó.

Luôn luôn, nó tương ưng với xúc,

tác ý, thọ, tưởng và tư.

Nó chỉ tương ưng với xả thọ.

Nó là vô phú vô ký.

Xúc v.v. cũng vậy.

Nó thường hằng lưu chuyển như dòng thác.

Đến địa vi A-la-hán nó mới bị loại bỏ.

Từ vô thỉ, vì mê chơn, hiệp vọng mà thành ra thức A-lại-da.

Mọi chủng tử thiện ác, tốt xấu, sanh tử và niết bàn, mê ngộ và khổ vui, ngay cả vô ký đều được chứa đựng trong tàng thức này.

A lại da thức tiếp nhận, duy trì và làm các hạt giống chủng tử tăng trưởng, chuyển biến cho đến khi đầy đủ nhân duyên thuần thục chín mùi thì mới được đi tái sanh vào những thế giới thích hợp với căn nghiệp của mình.

Thức này có nhiều tên gọi như: A-lại-da thức, Hàm tàng thức, Tạng thức và Như lai tạng thức.

Kinh nói: “Các pháp cùng với Tạng thức và Tạng thức cùng với các pháp, hai thứ ấy thường thay đổi nhau làm nhân, làm quả, nên chúng sinh không khi nào thoát ra khỏi luân hồi. Bởi Tạng thức chứa: Ác kiến, Ngã chấp và Pháp chấp. Nếu phá hết Ác kiến, Tà kiến, Ngã chấp và Pháp chấp, thì tánh của Tạng thức tự nhiên thanh tịnh.”

Vì các sự huân tập và chuyển biến trong A lại da thức thật tiềm ẩn và vi tế nên người chưa đắc đạo không thể biết được mình sẽ thọ thân làm loài gì và ở trong quốc độ nào.

II. KHÁI NIỆM VÀ NỘI DUNG

1. A-lại-da (阿賴耶):

Thức năng biến thứ nhất, Tiểu thừa và Đại thừa đều được gọi là A-lại-da. Thức này có đủ ba nghĩa năng tàng, sở tàng, chấp tàng. Vì nó cùng với các pháp tạp nhiễm làm duyên lẫn nhau, và vì hữu tình ưa chấp nó làm tự ngã bên trong. Tên A-lại-da chính là biểu thị tự tướng sở hữu của thức năng biến thứ nhất, bởi nhiếp trì cả nhân quả làm tự tướng của nó. Tên của thức thứ tám tuy có nhiều phần vị (có nhiều nghĩa), nhưng nghĩa tàng thức được xả bỏ trước tiên và vì tội lỗi nó rất nặng, nên nói tên A-lại-da trước tên dị thục và nhất thiết chủng.



  1. Năng tàng (能藏):

  • Năng tàng là chủ thể của sự cất giữ, có khả năng tàng trữ, như tàng cổ viện là nơi cất chứa tác phẩm nghệ thuật. Năng là khả năng giữ gìn và tàng là bảo trì cất chứa, giữ gìn, duy trì những hạt giống. Đất (Địa Tạng Bồ tát) dày chắc; tâm địa, “tâm địa nhược nhược thông tuệ nhật tự chiếu”; Tâm hải, tâm có thể chứa được nước của muôn sông.

  • Thức này hay chứa tất cả chủng tử (hạt giống) các pháp thiện, ác; hạt giống phàm thánh đều nằm trong thức này. Con người có thể thành Phật hay ma là do biết cách chăm sóc hạt giống. Ví như cái kho hay chứa hạt giống của những loại lúa. Giống như đất là nơi có thể chứa tất cả hạt giống; đất có khả năng giữ gìn và bảo trì những hạt giống.

  • Ở đây, vì nó là trú xứ của hạt giống của tất cả pháp tạp nhiễm, nên được gọi là A-lại-da. A-lại-da đồng nghĩa với trú xứ.

  • Nguyên nghĩa, A-lại-da, chỉ cho cái nhà, chỗ trú ẩn, do đó Hán cũng dịch là quật trạch (hang ổ).

  1. Sở tàng (所藏):

  • Là đối tượng của sự cất giữ, như sách được chứa trong thư viện; giống như dữ liệu trong ổ cứng vi tính.

  • Thức này là nơi chứa hạt giống của các pháp. Như cái kho là nơi chứa hạt giống các loại lúa.

  • Hoặc trong trạng thái như là kết quả, các pháp được cất giấu, được an trí trong đó. Hoặc trong trạng thái là nguyên nhân, nó được cất giấu, được an trí trong tất cả các pháp.

  1. Ngã ái chấp tàng (我愛執藏):

  • Thức này thường bị đệ thất thức chấp làm ngã, mà khởi ra ngã ái. Như người giữ kho, chấp lấy cái kho lúa, không cho hư mất.

  • Tâm này có thể bị nô lệ, bị nhận lầm, bị ôm lấy là cái ngã của người ta. Mạt na rất đói khát về một cái ngã riêng biệt.

  • Thể của A-lại-da thuộc loại vô ký, không thiện, không ác; nhưng do đời trước tạo nghiệp nhân thiện hoặc ác mà thọ sinh.

  • Ba trạng thái hay ba giai đoạn phát triển của thức này: (1). Trạng thái hiện hành với sự chấp tàng ngã ái, nơi Bồ tát từ thất địa trở xuống. (2). Trạng thái như là kết quả của nghiệp thiện và ác, từ vô thủy cho đến Bồ tát đắc kim cang tâm, tiêu trừ sở tri chướng thức thứ 8 mới xả tên dị thục; đặc trưng với tên gọi dị thục. (3). Trạng thái chấp trì dòng tương tục, bao trùm dị sanh cho đến khi thành Phật; Trong thời kỳ này thức thứ 8 còn gọi là A-đà-na (chấp trì thức). Đến khi chứng quả Vô thượng bồ đề, thì thức thứ 8 không còn tên gọi A-đà-na, mà chuyển thành trí (Bạch tịnh thức, Đại viên chủng trí).

2. DỊ THỤC (異熟 )

Thức này là quả dị thục trong các cõi thú, vì nó đưa đến kết quả đã chín (dị thục) của nghiệp thiện và bất thiện trong các cõi, các định hướng và các sinh loại. Nếu loại bỏ nó, không thể hiểu rõ kết quả dị thục thù thắng về mạng căn, chúng đồng phận cùng sanh tử uẩn, hằng thời tương tục.

Tên Dị thục này, là nói đến “quả tướng” sở hữu của thức năng biến thứ nhất. Dị thục thức cũng có ba nghĩa:


  1. Dị thời nhi thục (khác thời mà chín): Như trái táo, khi mới sinh ra đến lúc già chín, không cùng một thời gian. Kết quả nghiệp gọi là dị thục. Cây xoài ra quả xoài. Người thợ làm ra bàn ghế, gạo nấu thành cơm. Làm giờ sau hưởng, cho dù là quả báo nhãn tiền, hành động giết hoàn tất thì quả mới đến.

  2. Biến dị nhi thục: khi còn sống trái nhỏ, màu xanh, lúc chín trái lớn, màu hồng.

Biến dị: thay đổi, nghiệp đưa đến dị thục, không đưa đến dị thục thì không phải nghiệp.

  1. Dị loại nhi thục: Lúc còn sống, tính của trái táo là chua, đến khi chín tánh của nó ngọt. Dị loại: khác tính chất, làm kết quả thiện ác, có hại cho mình và người, nhưng kết quả là khổ lạc; không nhất thiết giết người phải đền mạng; đi vay tiền, thì tiền này biến thành ruộng đất, nhà cửa, ..

Những hành vi đưa đến kết quả hiện tại, như giết cha mẹ, báo ứng hiện tiền. Sắc thân tuỳ hình mà cảm thọ quả báo. Tái sinh làm người nghe nhạc thì thấy lạc thọ, chứ sinh là trâu thì không thể nghe nhạc → Cảm thọ khác biệt giữa người và trâu. Dị thục nó phải thay đổi ngũ uẩn để nghiệp thành hình. Nghiệp chờ sang kiếp khác với một sắc thân tương ứng để trả nghiệp. Nghiệp trở thành dị thục khi nào thay đổi ngũ uẩn.

3. NHẤT THIẾT CHỦNG (一切種 ):

Thức này chấp thọ duy trì hạt giống của các pháp không để mất nên gọi là Nhất thiết chủng. Nếu chủng tử các pháp bị tản mất thì các pháp Sắc, Tâm khác không có được khả năng cùng khắp chấp trì chủng tử các pháp. Ngoài thức này ra, không thể có cái gì chấp trì một cách phổ biến hạt giống cả các pháp. Đó là “hữu lậu hữu vi” tức là các pháp tạp nhiễm thuộc về chúng sinh và “vô lậu hữu vi” tức là các pháp thanh tịnh thuộc về Thánh hiền. Do đó phải có thức A-lại-da, tánh vô phú vô ký, nhất loại sinh diệt tương tục mới có thể duy trì chứa giữ chủng tử của các pháp.

Gọi là nhất thiết chủng, vì là sở y của hạt giống của tất cả các pháp.

III. BẢN CHẤT VÀ HÀNH TƯỚNG

1. “Không thể biết” 不可知執受, 處,了.

Liễu nghĩa là liễu biệt, tức hành tướng của thức. Thức lấy sự liễu biệt làm hành tướng.

Xứ nghĩa là xứ sở, tức khí thế gian, nơi nương dựa của loài hữu tình.

Chấp thọ có hai, đó là chủng tử hữu lậu và sắc thân có các căn.

Chủng tử là các tập khí của sự phân biệt về tướng và danh.

Thân có các căn là các sắc căn như mắt, tai (tịnh sắc căn) và là chỗ các căn nương (phù trần thân căn). Hai thứ chủng tử và thân căn này đều là của thức chấp thọ, thu nhiếp chấp giữ làm tự thể, đồng an đồng nguy (thọ).

Chấp thọ và xứ đều là cảnh sở duyên của thức A-lại-da này.

Thức này không thể biến ra tợ Tâm, Tâm sở để làm cảnh sở duyên:

Dị thục thức không duyên tâm, tâm sở. Đến địa vị vô lậu, Dị thục thức tương ưng với Thắng tuệ.

Ở địa vị hữu lậu, Dị thục thức chỉ duyên với khí giới, căn thân và chủng tử hữu lậu.

Bất khả tri là không thể biết. Vì hành tướng của thức này rất vi tế khó có thể liễu tri. Hoặc sở duyên của thức này là cảnh chấp thọ bên trong cũng rất vi tế khó biết, còn khí thế gian bên ngoài thì phạm vi khó lường, cho nên gọi là không thể biết.



2. Những Tâm sở tương ưng với A-lại-da thức: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư.

Từ vô thỉ, trong tất cả địa vị, tương ưng với 5 tâm sở này.

Xúc tâm sở: là khi căn, cảnh, thức hoà thuận, xúc phân biệt theo sự biến khác của ba thứ đó, khiến cho Tâm, Tâm sở tiếp xúc cảnh, có công dụng làm chỗ nương cho Tâm sở thọ, tưởng, và tư. “Xúc phân biệt theo sự biến khác của căn1.

Nhân căn và cảnh hoà hợp sanh thức, nhân căn, cảnh, thức hoà hợp sanh xúc. “Xúc làm chỗ nương cho thọ, tưởng, tư.”2 Xúc dẫn phát sanh thọ mạnh hơn các tâm sở khác.

Tác ý tâm sở: là tánh cảnh giác tâm, có nghiệp dụng dẫn tâm đến cảnh. Nó cũng có thể dẫn khởi Tâm sở, song vì Tâm vương là chủ nên chỉ nói dẫn tâm.

Thọ tâm sở: là tính lãnh nạp tướng của cảnh thuận, nghịch và trung bình, và có nghiệp dụng khởi tâm ái, vì nó khởi lên ba thứ muốn là muốn hợp lại, muốn lìa ra và muốn không cả hai.

Thọ không chung tướng với các Tâm, Tâm sở khác: Thọ lấy sự lãnh nạp làm tướng, thức lấy sự liễu biệt làm tướng, tưởng lấy sự thu nhận cảnh tượng làm tướng, dục lấy sự hy vọng cảnh làm tướng, tuệ lấy sự gảm trạch cảnh sở quán làm tướng…, nên không tướng nào chung nhau.

Tưởng tâm sở: là tính chấp thủ tướng mạo của cảnh và có nghiệp dụng thiết đặt ra các danh ngôn. Nghìa là nhờ có tưởng an lập tướng phân ranh giới của cảnh, mới có thể theo đó thiết đặt danh ngôn.

Tư tâm sở: là tánh khiến tâm tạo tác, và có nghiệp dụng sai khiến tâm làm lành dữ.

Hành tướng của thức Dị thục này rất khó nhận rõ, không thể phân biệt được tướng cảnh thuận nghịch của nó, nó chỉ là một loại, vi tế, tương tục khởi diệt, cho nên nó chỉ cùng với “xả thọ” tương ưng.

Vì chỉ cứ nhậm vận chuyển theo thế lực của nghiệp thiện ác, cho nên chỉ là “xả thọ”. Còn khổ thọ, lạc thọ là Dị thục sanh, không phải chân Dị thục, nó phải đợi có duyên hiện tiền mới có.

Tại sao thức Dị thục không tương ưng với Tâm sở biệt cảnh?

Vì năm Tâm sở biệt cảnh có tánh trái nhau. Do thức này nhận vận theo nghiệp chuyển không có hy vọng; vì hôn muội không hợp kiên trì (thắng giải); vì hôn muội yếu kém, không thể nhớ rõ; nhậm vận từng sát na duyên theo cảnh khác nhau, nên không chuyên chú vào một cảnh; vì muội liệt không thể lựa chọn.



3. Bản chất vô phú vô ký: 是無覆無記

Vì thức này là tánh Dị thục (vô ký) nên không tương ưng với thiện Tâm sở và phiền não Tâm sở.

Bốn Tâm sở bất định, tuy là tánh vô ký, nhưng vì gián đoạn, nên không tương ưng với thức Dị thục.

Thức này là chỗ nương của thiện và ô nhiễm, nên không thể thuần thiện hoặc nhiễm.

Thức này là chỗ bị huân tập, nếu thiện hay nhiễm thì như mùi rất thơm hoặc rất thối, đều không thể chịu sự huân tập từ các mùi khác với nó.

Phú nghĩa là pháp ô nhiễm làm chướng ngại Thánh đạo, che lấp tâm là cho bất tịnh. Thức này không phải ô nhiễm nên gọi là vô phú.

Ký là điều thiện, ác, quả báo khả ái, phi khả ái, và tự thể thù thắng, đều có thể ghi nhận rõ ràng. Thức này không phải thiện, ác nên gọi là vô ký.

觸等亦如是


Xúc tâm sở v.v… cũng như thế” nghĩa là A-lại-da, chỉ nhiếp thọ về tánh vô phú vô ký, các Tâm sở xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư cũng như thế, vì pháp tương ưng tất phải đồng tánh với nhau.

Năm Tâm sở biến hành như A-lại-da, cũng là Dị thục, sở duyên và hành tướng của năm biến hành đều không thể biết rõ, và nó duyên ba thứ tánh cảnh là chủng tử, căn thân, khí giới, thì năm Tâm sở tương ưng với nó cũng tánh vô phú vô ký.

Năm Tâm sở xúc, tác ý… có tướng phần tương tợ chủng tử, nên gọi là Nhất thiết chủng. Vì cảnh sở duyên của xúc cùng với sở duyên của thức bằng nhau.

Bài tụng nói câu “Nhất thiết chủng” là nói đến nghĩa thức thọ huân, giữ gìn chủng tử, chứ không nói sở duyên chủng tử hữu lậu.



4. Hằng chuyển như bộc lưu:

Thức A-lại-da là đoạn hay thường?

Chẳng phải đoạn chẳng phải thường. Vì nó hằng mà chuyển vậy. “Hằng” là thức từ vô thỉ đến nay, tương tục thường hằng không gián đoạn, vì là căn gốc từ đó thi thiết có ba cõi, sáu đường, bốn loài. Vì thể tánh bền chắc, duy trì chủng tử không để mất. “Chuyển” là thức này từ vô thỉ đến nay, niệm niệm sanh diệt, trước sau biến khác, nhân diệt quả sanh, chẳng phải thường nhất, nên có thể làm chỗ cho bảy chuyển thức huân tập thành chủng tử. Nói “hằng” là ngăn không phải đoạn, nói “chuyển” là biểu thị không phải thường. Giống như thác nước, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, tiếp nối trôi nổi, chìm đắm. Thức này cũng vậy, từ vô thỉ đến nay, sanh diệt tiếp nối chẳng thường chẳng đoạn, làm trôi nổi chìm đắm loài hữu tình, không để thoát ra khỏi.

Tuy các duyên khởi lên nhãn thức… vẫn hằng tiếp nối không dứt; tuy chảy xuống mà các loài cá tôm vẫn theo dòng chảy không rời. Cũng vậy, các tập khí bên trong và các pháp Xúc tâm sở thường đi theo chuyển biến.

Chẳng phải thường, chẳng phải đoạn là ý nghĩa của lý Duyên khởi.



5. Xả A-lại-da: 阿羅漢位捨

Thức này từ vô thỉ thường hằng và chuyển biến như dòng nước, cho đến địa vị A-la-hán mới hoàn toàn xả bỏ nó. Vì bậc thánh dứt phiền não chướng đến hoàn toàn sạch hết thì gọi là A-la-hán. Các vị A-la-hán, Độc giác và Phật đều không còn thành tựu thức A-lại-da (tức không còn ngã ái chấp tàng).

A-la-hán đã dứt sạch phiền não thô trọng trong Tạng thức, không còn chấp tàng A-lại-da thức làm tự nội ngã, do đó vĩnh viễn mất hẳn tên gọi A-lại-da.

IV. CÁC TÊN GỌI KHÁC CỦA THỨC THỨ TÁM:

Gọi là tâm (citta), vì nó là nơi tích luỹ chủng tử do các pháp huân tập vào.

Gọi là A-đà-na (ādāna), vì nó nắm giữ chủng tử và các sắc căn không để mất hoại.

Gọi là sở tri y, vì nó làm chỗ nương dựa cho các pháp sở tri nhiễm tịnh.

Hoặc gọi là chủng tử thức, vì nó nhậm vận chấp trì các chủng tử của thế gian và xuất thế gian.

Gọi là A-lại-da, vì nó nhiếp giữ các pháp tạp nhiễm và bởi nó bị ngã kiến, ngã ái chấp tàng làm tự nội ngã.

Gọi là Dị thục thức, vì nó dẫn đến quả Dị thục của nghiệp thiện ác trong đường sanh tử.

Hoặc gọi là vô cấu thức (amala-vijñāna), vì là nơi sở y của các pháp vô lậu cực kỳ thanh tịnh. Tên gọi này chỉ cho địa vị Như Lai.

Nghĩa Đăng 4: có 18 tên gọi: 1). 無没: Không chìm, không tan biến. 2). 本 : Căn bản thức; 3) 宅: Cái nhà. 4) 藏: nghĩa phổ biến của từ ālaya; 5) 種: tức chủng tử thức. 6) 無垢. 7) 持: chấp trì thức, nghĩa của từ A-đà-na thức (ādāna-vijñāna). 8) 緣: A-lại-da là điều kiện cho các thức khác xuất hiện. 9) 顯: vì nó làm hiển lộ năm căn, bốn đại. 10) 現: vì các pháp hiển hiện trên đó. 11) 轉: các pháp y trên nó mà sinh khởi. 12) 心. 13) 依: vì nó là y chỉ của sở tri. 14) 異: tức dị thục. 15) 識: tức thức phân biệt sự. 16) 根: chỉ cho căn bản thức của Hữu bộ. 17) 生: tức cùng sinh tử uẩn của Hoá địa bộ. 18) 有: tức hữu phần thức của Thượng toạ bộ.



1 Tập Luận chỉ.

2 Luận Du già.



tải về 61.24 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương