BÀi nhập môN. I. Tính quy luật trong sự phát triển của tư TƯỞng triết họC



tải về 2.53 Mb.
trang19/28
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích2.53 Mb.
#4838
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   28
II. J. G. Fichte (1762-1814).

1. Vài nét về quá trình diễn biến tư tưởng của Fichte.

Xuất thân từ gia đình nông dân và làm nghề thủ công, Fichte học tại các trường đại học Jena và Leipzis. Vào năm 28 tuổi lần đầu tiên Fichte làm quen với tác phẩm “Phê phán lý trí thuần túy” của Kant. Triết học phê phán của Kant là một trong những tiền đề quan trọng của tư tưởng Fichte thời kỳ đầu tiên. Dưới Ảnh hưởng của Kant vào năm 1792 Fichte viết “Kinh nghiệm phê phán mọi thứ mặc khải”.

Tiền đề thứ hai của tư tưởng triết học Fichte, nhất là triết học xã hội, là Phong trào Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII và chính Đại cách mạng Pháp 1789. Fichte đánh giá cao tinh thần phê phán, tính đột phá trong các tác phẩm của Ch. L. Montesqiueu và J. J. Rousseau, nhất là quan niệm về “ý chí phổ quát” ở Rousseau, nhưng xa lạ với quan điểm về tam quyền phân lập hay mô hình nhà nước dân chủ trong “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu. Cũng như Kant, Fichte ca ngợi cách mạng Pháp, xem nó là biểu hiện hoàn thiện nhất của lý trí và nhân tính, tự gọi mình là công dân của nước Pháp cách mạng. Vào năm 1793 Fichte cho ra mắt hai công trình, thể hiện thái độ khá tích cực đối với quần chúng - “Sự đòi hỏi đối với các quốc vương châu Âu về tự do tư tưởng, bị đè nén đến tận bây giờ”, “Khảo luận sửa đổi các ý kiến quần chúng về cuộc cách mạng Pháp”.

Từ năm 1794 đến năm 1799 Fichte là Giáo sư trường Đại học Jena. Năm 1800 Fichte chuyển đến Berlin, 10 năm sau được bầu làm Hiệu trưởng. Jena và Berlin gắn liền với hai thời kỳ tư tưởng của Fichte. Thời kỳ Jena (trước 1800) Fichte xuất phát từ khái niệm cái Tôi tuyệt đối. Thời kỳ Berlin, bắt đầu từ “Thiên chức con người” (1800), Fichte xuất phát từ khái niệm tồn tại tuyệt đối, đồng nhất với Thượng đế, điều đó có nghĩa là thời kỳ thứ hai đánh dấu sự chuyển tiếp từ chủ nghĩa duy tâm chủ quan sang chủ nghĩa duy tâm khách quan. Bên cạnh đó nhằm tránh sự ràng buộc tâm lý có thể có đối với khái niệm cái Tôi, Fichte đã sử dụng khái niệm “tri thức”; nó không còn là cái Tuyệt đối, mà chỉ là hình Ảnh của cái Tuyệt đối. Với cách hiểu đó, sự đồng nhất trọn vẹn tri thức và tồn tại bị loại trừ.

Quan điểm triết học cơ bản của Fichte thường được nhắc đến thông qua hệ thống “Học thuyết khoa học” (Wissenschaftslehre), tập hợp các tác phẩm thể hiện quan điểm triết học mang tính cải cách của ông. Với tính cách là sự thống nhất tuyệt đối “Học thuyết khoa học”, theo Fichte, cần phải là cơ sở cho tất cả các khoa học chuyên biệt, là hệ thống đã hoàn thiện, mà ở đó sự bắt đầu (“cái Tôi = cái Tôi”) cũng là sự kết thúc của nó. Hệ thống “Học thuyết khoa học “ gồm ba bộ phận chính: các luận điểm nền tảng, xuất phát; “cái Tôi” thuần túy và “cái Tôi” thực tiễn. Phần lớn các tác phẩm thời lỳ Jena đều được Fichte công bố, chẳng hạn “Về khái niệm học thuyết khoa học hay cái gọi là triết học”, “Cơ sở của học thuyết khoa học chung” (1794), “Khảo luận về đặc thù của học thuyết khoa học xét mối quan hệ với đặc thù lý luận” (1795),”Nhập môn lần thứ nhất học thuyết khoa học”, “Nhập môn lần thứ hai học thuyết khoa học dành cho người đọc đã có hệ thống triết học”, và “Kinh nghiệm trình bày mới học thuyết khoa học” (1797). Các tác phẩm thời kỳ Berlin phần lớn do con trai Fichte xuất bản sau ngày ông mất.

Trong Dẫn nhập lần thứ hai của Học thuyết khoa học Fichte viết:”Cái gì mà nó (Học thuyết khoa học) xem là đối tượng tư duy của mình, không phải là khái niệm chết cứng. Đó là một cái gì sống động và hoạt động, sự nhận thức sáng tạo từ mình và thông qua mình” (Fichte, tác phẩm chọn lọc, T. 1, Moskva, 1916, tr. 448). Trong tác phẩm “Về khái niệm học thuyết khoa học…” ông lại nhấn mạnh rằng Học thuyết khoa học một mặt “tự nó là khoa học”, mặt khác cần phải là “khoa học của các khoa học, cần đem đến nguyên lý nền tảng cho tất cả các khoa học, cần quy định hình thức cho tất cả các khoa học” (Sđd, tr. 29). Ở một chỗ khác Fichte quả quyết, nội dung của học thuyết khoa học là lý tính tự chủ tuyệt đối, tồn tại cho mình, nói tóm, học thuyết khoa học là chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm.



2. Thời kỳ Jena. Biện chứng cái Tôi - cái không-Tôi

Sau Kant Fichte cho rằng triết học cần phải trở thành khoa học nghiêm túc, tất cả các khoa học khác còn lại phải tiếp thu tư tưởng nền tảng từ triết học. Triết học đích thực có nhiệm vụ làm rõ đâu là bản chất đâu là bản chất của khoa học với tính cách là hệ thống tri thức phổ biến.

Học thuyết khoa học (triết học, hiểu theo cách của Fichte - t/g) cần phải là nền tảng vừa đối với chính mình, vừa đối với tất cả các khoa học chuyên biệt. Nói cách khác, toàn bộ tòa nhà của khoa học cần tọa lạc trên hệ thống của học thuyết khoa học, còn cái cuối cùng - trên luận điểm tự thân xác thực duy nhất, đảm bảo cả sự thống nhất và tính hệ thống lẫn tính xác thực của tri thức.

Tuy vậy, trong quá trình xác lập Học thuyết khoa học đặc trưng, Fichte từng bước xa rời Kant, Ở phương diện lý luận Fichte không nhất trí với sự phân biệt và đào sâu ngăn cách giữa “vật tự nó” và “hiện tượng”, xem quan niệm ấy là sự vô nghĩa đáng thương. Fichte gọi hệ thống triết học của mình là thông điệp của tự do, là chủ nghĩa duy tâm của tự do, là sự phát triển tiếp tục tư tưởng tự do của cách mạng Pháp trong điều kiện Đức. Tự do, với tính cách là giá trị phổ quát, theo Fichte, không nhất thiết phải đưa vào môi trường “vật tự nó”. Kế thừa có cải biến quan niệm về tự do của các nhà Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII và của Kant, Fichte phân biệt ba loại tự do. Tự do tiên thiên là tự do gắn với khả năng phú bẩm của con người, làm cho con người trở thành bản thể độc lập. Tự do vũ trụ ngụ ý về một trạng thái thúc đẩy hoạt động sáng tạo và sự tự quyết của con người, góp phần hình thành nên một thứ văn hóa nhân văn phong phú, sinh động. Tự do chính trị thể hiện trong nhà nước, khi luật được ban hành cho phép mỗi cá nhân nhật thức được rằng luật ấy dành cho mình.

Fichte, cũng như đa phần các nhà triết học cổ điển Đức, Fichte đồng nhất chủ nghĩa duy vật thế kỷ trước với chủ nghĩa giáo điều. So sánh chủ nghĩa giáo điều (duy vật) với chủ nghĩa duy tâm, Fichte viết:”Những người giáo điều cần phải chứng minh sự chuyển hóa từ tồn tại đến tư duy. Họ không làm điều đó, và liệu họ có làm được không ? Họ làm một cú nhảy ma quỷ vào thế giới hoàn toàn xa lạ với nguyên tắc của họ. Chủ nghĩa duy tâm lý giải các tính quy định của ý thức từ sự hoạt động của tri thức. Đối với nhà duy tâm chính từ sự hoạt động của tri thức mà quan niệm về thế giới được rút ra “ (Sđd, tr. 430, 438).

Điểm xuất phát của học thuyết khoa học, theo Fichte, là sự hoạt động tự do tự thân của cái Tôi, sự hoạt động sáng tạo nên thế giới. Fichte phê phán chủ nghĩa giáo điều thế kỷ trước - ám chỉ chủ nghĩa duy vật nói chung và triết học Spinoza - vì đã xuất phát từ thế giới để giải quyết các vấn đề của con người, mà không xuất phát từ con người để giải quyết các vấn đề của cả thế giới lẫn con người. Để chống chủ nghĩa giáo điều cần bắt đầu từ cái Tôi. Cái Tôi là (cái Tôi) cho mình, là chủ thể - khách thể (xem Sđd, tr. 450 - 451)

Điểm xuất phát, cái khởi đầu ấy, theo Fichte, là cái làm cơ sở cho ý thức, cái mà thiếu nó ý thức khó mà có được, nghĩa là: đó không phải là cái hàm chứa trong ý thức, không phải là những dữ liệu của ý thức, không là hiện thân của nó, mà là chính ý-thức-trong-bản-chất-tự-thân-của-nó. Nguyên tắc thứ nhất - sự hoạt động tự thân của cái Tôi, hay nguyên tắc tự giả định - được thể hiện qua công thức lôgíc đơn giản: A = A. Ở đây cái Tôi là hiện thực bao quát và chi phối tất cả, là một bản nguyên hoạt động, bản nguyên tự ý thức, tự quy định, tự bộc lộ chính mình: Tôi chính là Tôi, một chủ thể tự nó (chứ không phải một “vật tự nó “ như ở Kant). Trong công thức “Tôi là Tôi” chúng ta tìm thấy hạt nhân sâu xa của ý thức. Đó là cái Tôi tuyệt đối. Song vấn đề không đơn giản như vậy. Khi nói đến cái Tôi tự thân Fichte dường như tiếp cận với luận thuyết Cogito, cái mà từ đó Descartes rút ra nguyên tắc duy lý nổi tiếng: cogito ergo sum. Thế nhưng cái Tôi của Fichte và cogito Descartes khác nhau. Một là, ở đây Fichte gần với Kant hơn với Descartes, nhà duy lý điển hình của thế kỷ XVII. Kant từng phê phán cogito của Descartes do chỗ ông này cho rằng kinh nghiệm trực tiếp duy nhất là “kinh nghiệm bên trong”, nhờ đó mới có trực giác phát minh; ngược lại, theo Kant, kinh nghiệm bên trong có được chỉ khi nào hiện diện kinh nghiệm bên ngoài. Vạch ra tính phiến diện của chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm thế kỷ XVII, Kant nhấn mạnh biện chứng của nhận thức như một quá trình: nhờ cảm tính sự vật được đem đến cho ta, nhờ giác tính (trí năng) mà sự vật được tư duy; tư duy thiếu trực quan sẽ trống rỗng, trực quan thiếu tư duy sẽ mù quáng. Hai là, “cogito ergo sum” của Descartes là một hành vi của lý trí lý luận, của tri thức; ngược lại Fichte đề cập chủ yếu đến cái Tôi tự giả định, một hành vi của lý trí thực tiễn, là ý chí, hành động mà ở đó cái Tôi thể hiện mình như cái tự sinh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Fichte gọi thao tác tự ý thức là Tathandlung, tức công việc, hành động. Trong thao tác tự ý thức thì chủ thể - bản nguyên hoạt động, tích cực, và khách thể - bản nguyên thụ động, thống nhất với nhau. Vì thế, cũng như Kant, Fichte khẳng định ưu thế của lý trí thực tiễn trước lý trí lý luận (thuần túy).

Cuối cùng, cần phân biệt chủ nghĩa duy tâm chủ quan của Fichte với chủ nghĩa duy tâm chủ quan của Berkeley. Mệnh đề duy tâm của Berkeley là “tồn tại, nghĩa là được tri giác”, thế giới thể hiện ra như phức hợp các cảm giác của tôi. Cái Tôi của Fichte, ngược lại, xét về bản chất, không đặt ở ngôi thứ nhất, mà ngôi thứ ba, hơn nữa, rất có thể, ở ngôi thứ nhất số nhiều (chúng ta). Fichte là nhà duy tâm chủ quan, chứ không phải là người theo chủ nghĩa duy ngã (solipcism). Theo luận điểm này ngoài việc hiểu cái Tôi như cái Tuyệt đối còn có cách hiểu khác về cái Tôi giản đơn và có ý nghĩa hơn: con người cần khơi dậy từ chính mình tự do và ý chí sáng tạo, nghĩa là phải thể hiện mình như chủ thể hoạt động; suy rộng ra, “tinh thần Đức” là tinh thần của một dân tộc độc lập, tự chủ, không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Fichte là triết gia - chiến sỹ, từng tham gia chống quân xâm lược Napoléon. Nếu Goethe và Hegel nhìn thấy ở Napoléon hình Ảnh của cách mạng Pháp, hy vọng vào sự giúp đỡ của vị thống soái này trong cuộc đấu tranh thủ tiêu nền quân chủ, thì ngược lại, đối với Fichte, sự hiện diện tàn bạo của quân đội ngoại bang tại Đức dù dưới bất kỳ chiêu bài nào cũng đều đồng nghĩa với xâm lược.

Nêu ra cái Tôi như điểm xuất phát, Fichte cũng đồng thời nhấn mạnh rằng cái Tôi chỉ thể hiện năng lực sáng tạo của mình khi hiện diện cái không-Tôi nào đó đối lập với nó. Nói khác đi, chủ thể cần đến khách thể, ý thức cần đến vật chất, tinh thần cần đến thiên nhiên, và chỉ nhờ có mặt đối lập ấy mà hoạt động của cái Tôi mới được thể hiện, tự chứng minh, mặc dù mặt đối lập ấy, theo Fichte, cũng chỉ là phái sinh, có điều kiện. Như vậy nguyên tắc tiếp theo là “cái Tôi giả định cái không- Tôi”. Cái không- Tôi, như ta biết, là “trạng thái khác” của cái Tôi, sự vươn ra của cái Tôi khỏi giới hạn của mình, trở thành chủ thể thế giới phổ biến, thành mặt đối lập với trạng thái ban đầu, có thể là chính vũ trụ, tự nhiên, được cái Tôi lĩnh hội, sắp đặt theo năng lực của mình. Thêm nữa, với tính cách là “lực đẩy”, theo Fichte, một số cái không - Tôi giả định tương phản vô điều kiện với cái Tôi. Vậy là bên cạnh chính đề có phản đề, sự tương phản làm nên bản chất của ý thức và toàn bộ thế giới.

Cuối cùng “Cái Tôi giả định chính mình và cái Không -Tôi”. Sự tác động lẫn nhau, sự thống nhất các mặt đối lập, sự đồng nhất chủ quan và khách quan ở cái Tôi được xác định bằng quy luật vận động của tinh thần. Mâu thuẫn là nhân tố tất yếu của sự triển khai chân lý.

Năng lực tổng hợp của ý thức được Fichte nêu ra như lời đáp cho câu hỏi của Kant “phán đoán tổng hợp tiên nghiệm có khả năng như thế nào ?”. Fichte viết:”…Ở từng luận điểm chúng ta phải xuất phát từ việc chỉ ra các mặt đối lập cần đi tới sự thống nhất” (J. G. Fichte. Các tác phẩm chọn lọc. T. 1. Moskva, 1916, tr. 91. Bản dịch tiếng Nga). Quá trình tổng hợp này, tổng hợp cái Tôi và cái không-Tôi, tinh thần và thiên nhiên, ý thức và vật chất, được khái quát bằng các phạm trù đặc trưng của hệ thống Học thuyết khoa học. Phạm trù Giới hạn dùng để chỉ sự tổng hợp đầu tiên giữa cái Tôi và cái không-Tôi, giả định và phủ định. Cái Tôi được giới hạn nhờ cái không-Tôi. Cái Tôi rơi vào trạng thái thụ động. Tuy nhiên xét về bản chất cái Tôi là bản nguyên hoạt động, do đó nó cần phải thường xuyên thể hiện tính tích cực nội tại của mình, dù đó là tính tích cực xác định, có giới hạn. Như vậy, cái Tôi vừa thụ động vừa hoạt động trong cùng thời gian. Ở sự tổng hợp tiếp theo, đặc trưng bằng phạm trù Tương tác, mâu thuẫn được giải quyết. Cái không-Tôi, thông qua tương tác, có thể giả định từng phần cái Tôi. Với trường hợp này cái không-Tôi có tính hiện thực. Tuy nhiên theo cách lý giải ngay từ đầu của Fichte cái không-Tôi hiện thực chỉ khi nào cái Tôi ở trạng thái thụ động; ngoài điều kiện này cái không-Tôi chỉ là khả năng. Kết luận chung cuộc là cái Tôi đóng vai trò quyết định ngay cả khi nó nằm trong quá trình tương tác với cái không-Tôi. Phạm trù Tính nhân quả, sự tổng hợp thứ ba, làm sáng tỏ sự phân định ngôi thứ giữa cái tích cực và cái thụ động, trong đó cái tích cực, hay cái tác động, “vật đầu tiên” trong chuỗi các sự vật, là nguyên nhân, còn cái sinh ra từ sự tác động của “vật đầu tiên” gọi là kết quả. Fichte đề cập đến biện chứng của mối quan hệ nhân quả, hiểu nguyên nhân và kết quả chỉ là một nếu xét như quá trình tác động, chuyển hóa. Sự tổng hợp thứ tư, với phạm trù Thực thể, biểu thị sự tồn tại trọn vẹn, hoàn bị của cái Tôi. Tuy nhiên Fichte một lần nữa nhấn mạnh rằng cái Tôi, xét như cái Tôi hoạt động, vận động, cần đến cái không-Tôi như điều kiện của nó. Sự thống nhất cái Tôi và cái không-Tôi là sự thống nhất của các mặt dối lập, sự phát triển uyển chuyển và năng động, chứ không chết cứng. Cái Tôi càng hoạt động, càng thể hiện mình qua cái không -Tôi đã được hóa thân như một cấp độ của nó.

Triết học Fichte là chủ nghĩa duy tâm chủ quan, nhưng đó là thứ chủ nghĩa duy tâm thể hiện được tinh thần Đức. Thứ nhất, ở Fichte cái Tôi và cái Không Tôi được xem xét một cách biện chứng, đặt trong quá trình vận động liên tục. Fichte đã sử dụng phép biện chứng đặc trưng của mình để thiết lập hệ thống “học thuyết khoa học”. Thứ hai, triết học Fichte khẳng định hình Ảnh con người tích cực và sáng tạo. Nó không tuyệt đối hóa cái Tôi cá nhân, duy ngã, mà đề cao cái Tôi của một dân tộc, của cộng đồng. Ở trường hợp này cái Tôi vượt lên khỏi những điều kiện vật chất kém phát triển để thể hiện năng lực sáng tạo của mình.



3. Phần thực tiễn của triết học Fichte thời kỳ Jena.

Trước hết là vấn đề con người, đạo đức học và tư tưởng pháp quyền của Fichte.

Cũng như Kant, Fichte đề cao phần thực tiễn hơn phần lý luận. Theo ông, phần lý luận tập trung nghiên cứu hình thức của tri thức, còn phần thực tiễn thì đề cập đến nội dung của tri thức, điều mà chỉ có sự hoạt động tự do của con người, thế giới đạo đức và xã hội mới đạt được như thế. Fichte hiểu thực tiễn theo nghĩa rộng, như sự hoạt động nói chung,gồm cả hoạt động vật chất lẫn hoạt động tinh thần. Tuy nhiên thế giới vật chất khách quan, hoạt động vật chất của xã hội, không phải là thực tại chân chính, mà chỉ là cái lệ thuộc, nên triết học thực tiễn không nhất thiết nghiên cứu mọi hoạt động, kể cả hoạt động phái sinh, mà cần lột tả được tiềm năng vô tận của cái Tôi thực tiễn. Cái Tôi thực tiễn là hiện thực đích thực duy nhất. Như vậy Fichte đã mở rộng ranh giới của triết học thực tiễn ở Kant, biến những nguyên lý của lý tính thực tiễn thành những nguyên lý phổ biến. Nguyên lý mục đích luận ở Fichte trở thành nguyên lý phổ biến, còn những mối liên hệ nhân quả, tạo nên nét đặc thù của thế giới, giới tự nhiên, thì đóng vai trò là hình thức tha hóa của những mối liên hệ có tính mục đích. Giới tự nhiên còn được hiểu như tinh thần được tạo ra một cách vô thức, nhận biết mình và xác định mục đích của mình ở thế giới khác - ở hoạt động đạo đức tự do. Theo Fichte, giới tự nhiên là cần thiết, vì không có nó sẽ không có chướng ngại mà con người cần vượt qua trên con đường thực hiện những nhiệm vụ của cái Tôi thực tiễn: cái cuối cùng này nhận thức khả năng giáo dục chính bản thân mình (tự giáo dục) thành cái tự do bằng cách khắc phục căn nguyên tự nhiên cố hữu cả ở trong con người, lẫn thế giới bên ngoài quan hệ với con người. Không có những chướng ngại ấy, con người khó có điều kiện thể hiện cái tôi tinh thần của mình, khả năng vượt qua căn nguyên cảm tính, ích kỷ trong bản thân. Do chỗ giới tự nhiên là sản phẩm hoạt động vô thức của chủ thể lý luận, nên chủ thể lý luận là tiền đề tồn tại tất yếu của chủ thể thực tiễn. Về phần mình, chỉ hướng đến môi trường của cái Tôi thực tiễn mới giải thích được vì sao cái Tôi lý luận tồn tại, nói cách khác, nếu không tác động với cái Tôi thực tiễn, thì tri thức sẽ biến thành một ảo tưởng thuần túy. Như vậy cái Tôi thực tiễn và cái Tôi lý luận giả định nhau, tạo nên một cái khung mà ở đó lý luận và thực tiễn tất yếu gặp nhau. Đó cũng là kết cấu của triết học Fichte - phần lý luận và phần thực tiễn.

Nếu hình thức cơ bản của sự hoạt động của cái Tôi lý luận là tưởng tượng như năng lượng sản sinh, thì hình thức cơ bản của sư6 hoạt động của cái Tôi thực tiễn là khát vọng và đánh thức, hay thức tỉnh. Ở mỗi cái Tôi cá nhân đều có khát vọng, mà trước hết là khát vọng vượt qua các chướng ngại trên con đường vươn tới chân lý. Cái Tôi vô hạn xét như khát vọng trở thành vô hạn. Nhưng trong khái niệm “khát vọng” đã hàm chứa tính hữu hạn, bởi lẽ cái không chịu sự phản kháng thì không thể là khát vọng. Chính những thách thức đã sinh ra khát vọng ở con người. Trong giai đoạn đầu tiên khát vọng được hiểu như sự cuốn hút (say mê) vào đối tượng. Đối tượng của say mê cảm tính là sự vật tự nhiên, do kinh gnhiệm đem đến. Tuy nhiên ngay từ giai đoạn này Fichte đã phân biệt hai khía cạnh, gồm sự cuốn hút vào việc thỏa mãn nhu cầu, và sự cuốn hút vào việc khẳng định quyền lực trước đối tượng. Nếu khía cạnh thứ nhất thể hiện căn nguyên kinh nghiệm trong cá nhân, thì khía cạnh thứ hai - căn nguyên siêu kinh nghiệm, yếu tố tự thân, tự ý thức. Nhờ năng lực phản tỉnh mà ý thức trở thành chính mình, phân biệt được hai khía cạnh ấy. Phản tỉnh cho phép ý thức vượt lên tên tính trực tiếp của sự ham thích, hướng bản năng tự nhiên lệ thuộc vào ý chí bên trong. Khi đã chế ngự được căn nguyên tự nhiên của mình, con người đồng thời trở thành kẻ chế ngự toàn bộ giới tự nhiên nói chung. Đó là mục đích của lý trí thực tiễn.

Sự vận động giải phóng khỏi tính hữu hạn, hướng cái vô hạn đòi hỏi làm chủ tự nhiên và hướng tự nhiên vào việc phục vụ cho những mục đích của con người, lệ thuộc vào những mục đích ấy. Mục đích theo cách hiểu đó xét cho cùng không mang tính thực dụng, mà tính lý tưởng: chính con người bằng sự hoạt động của mình đã làm cho cuộc sống của mình và sự tồn tại của tự nhiên có ý nghĩa, trật tự, hài hòa. Fichte viết:”Con người sẽ đưa trật tự vào sự hỗn loạn và đưa dự án vào sự đỗ vỡ, qua đó kiến tạo từ cái mục nát, làm cho cái chết sống lại một cuộc sống mới tuyệt diệu” (J. G. Fichte. Tác phẩm chọn lọc. T. 1, M. 1916, tr. 401 - 402). Triết học về hoạt động của Fichte mang đậm dấu ấn của sự sùng bái con người kiểu Phục hưng, khi hình Ảnh con người với khả năng sáng tạo vô hạn của mình đã làm cho thế giới kinh nghiệm bớt đi những sự đè nén phi nhân tính. Tuy nhiên Fichte thần thánh hóa con người không phải như con người tồn tại bằng xương bằng thịt, không phải đơn giản như sự thống nhất bản nguyên tinh thần và năng lực cảm giác trong con người, nhằm hạn chế yếu tố duy linh trung cổ Thiên Chúa giáo, phục hồi những khát vọng trần thế, theo cách của Petrarca, Valla, Pico Della Mirandola, hay Machiavelli và More. Ngược lại, Fichte thần thánh hóa bản nguyên siêu cảm tính trong con người, ý thức đạo đức, tinh thần siêu việt thể - chỉ ở chuẩn mực này con người mới được sùng bái một cách chính đáng.

Ở Fichte sự sùng bái con người, như ta thấy, mang ý nghĩa của sự sùng bái nhân loại. Chủ nghĩa duy linh rung cổ cũng đề cập đến con người, nhấn mạnh yếu tố tinh thần trong đời sống cộng đồng, song đối với nó nếu không có Thượng đế thì con người chỉ là một bản thể yếu đuối, tội lỗi, không thể được cứu rỗi bằng ý chí của bản thân. Đối với Fichte sự tự chủ của ý chí, sự tự chủ từng bị phê phán như một chướng ngại cản trở con người trở thành kẻ ngoan đạo, đã được tuyên bố là nguyên tắc hoạt động, gắn liền với những nỗ lực sáng tạo - nguyên tắc tự quy định của cái Tôi đạo đức của chúng ta. Như vậy là trong di huấn của triết học Fichte vang lên tiếng nói không hẳn của thời Phục hưng đã qua nói chung, mà chính là của Phong trào Cải cách với những đại diện kiệt xuất như Luther, Calvin, Munzer, kể cả trào lưu thần bí hóa (mysticism, Mystizismus) - một trào lưu thể hiện sự phản kháng nhất định đối với nguyên tắc tư tưởng chính thống khi khẳng định rằng con người có thể trực tiếp mặc khải Chúa mà không cần đến bất kỳ khâu trung gian nào, bởi lẽ nó không đảm đương tốt chức năng cao cả của mình.

Cái Tôi vô hạn, theo Fichte, làm cơ sở cho tính tự chủ trong con gnười, thống nhất với cái Tôi hữu hạn, ở từng cá thể, tạo nên xung động sáng tạo của sự sống trên khắp hành tinh. Lẽ cố nhiên càng sùng bái cái Tôi, Fichte càng xem nhẹ vai trò tác động của mội trường tự nhiên lên con người. Ông xem tự nhiên chỉ đơn giản là một phương tiện để con người chứng tỏ sức mạnh của mình. Lịch sử đã cho thấy những hạn chế và sơ hở, hay “gót chân Achille” của cách hiểu đó. Cả Kant và Fichte ở những mức độ khác nhauđều lấy chủ thể làm điểm xuất phát để giải quyết vấn đề quan hệ của con người với thế giới xung quanh. Theo Kant, thế giới khả nghiệm, tức giới tự nhiên được đem đến nhờ kinh nghiệm, là sản phẩm của tính tích cực của chủ thể siêu nghiệm, kết quả của sự tổng hợp, được rút ra từ các khái niệm của giác tính và các hình thức tiên nghiệm của tính cảm giác (không gian, thời gian) với sự hỗ trợ của khả năng tưởng tượng mang tính tự sinh. Nói khác đi, “tự nhiên” như một khái niệm có nội dung là sản phẩm hoạt động tự thiết kế của chủ thể siêu nghiệm. Ở Fichte tự nhiên thậm chí không đáng dành cho một sự phân tích riêng biệt. Luật quán tính, theo Fichte, là luật cơ bản trong cơ học, nhưng cũng phổ biến trong tự nhiên. Tự nhiên, cái không - Tôi, là đứng im, là tồn tại, là cái-đang-là-nó và cho-nó, do đó yếu tố hoạt động, xung lực xúc cảm không hề hiện diện. Trong con người tính cảm giác là cái gắn với tự nhiên, với sự quán tính, trì trệ. Trái với Kant, Fichte cho rằng chính sự thụ động của căn nguyên tự nhiên, chứ không phải sự thui chột ý chí con người, là nguồn gốc của cái ác. Để vươn tới tự do con người cần vượt qua sự ngưng đọng, hay trạng thái trì trệcủa cái tự nhiên ngay trong bản thân mình. Cũng như các nhà nhân văn Phục hưng, Fichte khắc họa hình Ảnh con người như một chủ thể có khả năng thực hiện điều kỳ diệu mà chỉ có Thượng đế mới làm được. Vậy là sự sinh ra trong tự do, cội nguồn của “Học thuyết khoa học”, cũng là sự kỳ diệu, cơ sở của mọi sự kỳ diệu trong thế giới do cái Tôi tạo nên. Trên thực tế ở Fichte cái Tôi khả nghiệm (kinh nghiệm) và cái Tôi tuyệt đối, con người và Thượng đế, được lý giải theo tinh thần phiếm thần luận, thống nhất với nhau. Đi xa hơn, cái Tôi đồng nhất với con người - loài người, nhưng được thần thánh hóa, một lý tưởng cần đến chuỗi thời gian vô tận để biến thành hiện thực.

Vì xem cái Tôi là điểm xuất phát, nên Fichte nhấn mạnh tính tự thân riêng có trong ý chí hướng tới tự do, nghĩa là không một tác động từ bên ngoài, dù đó là lịch sử hay tự nhiên, có thể làm chỗ dựa căn bản cho hoạt động của nó. Mọi dữ kiện, quy về cái không- Tôi, đơn giản là sự cản trở tự do. Có thể so sánh phần nào triết học đạo đức của Fichte với tính thế tục trong quan điểm đạo đức của đạo Tin lành, nhưng sự khác nhau vẫn rõ nét, bởi lẽ ở Fichte cái cần đề cao là lý trí thực tiễn, là hoạt động đạo đức hình thành trên nền tảng của nhân loại tự mình làm nên lịch sử của mình và tự quyết định số phận mình, chứ không phải trên cơ sở bản nguyên siêu nghiệm toàn năng nào đó bên ngoài con người. Đạo đức học của Fichte xuất phát từ những vấn đề của con người như chủ thể hoạt động. Tuy nhiên nghịch lý của tự do cũng thể hiện ở đây. Nghịch lý mang tính phổ biến; không thể không có nghịch lý trong đời sống con người, cũng như không thể không có cái ác ngay cả trong môi trường xã hội được coi là lương thiện và lành mạnh. Bên cạnh chính đề có phản đề, cùng tồn tại với cái tốt là cái xấu, cái không tốt, hay chưa tốt, làm đối trọng để cái tốt thể hiện mình như cái tốt, phân biệt với mặt dối lập của nó. Nhưng ở đây nghịch lý, mâu thuẫn của sinh hoạt đạo đức được lý giải ở góc độ bản thể luận xã hội, ở chỗ toàn bộ sự hoạt động có chủ đích phải là sự giải quyết mối quan hệ giữa “tôi muốn” và “tôi cần phải” (ở Kant - tôi có thể và tôi cần phải như hai cấp độ của một hệ thống) trong tính đa dạng, nhưng hợp lý và có trật tự của sự hoạt động ấy.



Con người, xét như bản nguyên hoạt động, và xét trong quan hệ với thế giới vật chất như cái khả thể, là mục đích tự thân, còn phương tiện giúp con người đạt đến mục đích do mình đặt ra là văn hóa, hiểu như cái mà con người sử dụng để nâng mình lên. Nhưng văn hóa là biểu hiện của hoạt động tập thể. ; mỗi cá thể người không thể sống bên ngoài xã hội, tách biệt với những người khác. Con người trở thành người chỉ giữa mọi người. Fichte viết:”Khái niệm con người không đề cập đến từng con người, mà đến loài người, vì từng con người (tách biệt) không thể tư duy như con người đúng nghĩa” (Fichte. T/p chọn lọc. Moskva, 19i6. T. 1, tr. 31). Đến đây tất yếu xuất hiện mâu thuẫn của tự do, mà sự thừa nhận nó chẳng những không cản trở vận động xã hội, ngược lại, làm cho sự vận động mang tính quyết định luận lịch sử này khác với tự nhiên. Một mặt, với tính cách là bản nguyên hoạt động tích cực, con người tự do trong quan hệ với thế giới. Nhưng mặt khác, với tính cách là chủ thể đạo đức, là kiến trúc sư, và đồng thời là kết quả của đời sống xã hội, một mắc xích của cộng đồng to lớn, con người đã không còn là mục đích tự thân thuần túy theo cách hiểu của Kant nữa, mà chỉ là công cụ của quy luật đạo đức. Kant phân biệt mục đích tự thân và phương tiện nhằm chỉ ra cách thức con người thể hiện mình trong môi trường đạo đức, khi cái riêng và cái chung đặt trong mối quan hệ hỗ tương, trong đó cái riêng, với toàn bộ sự phong phú của các quan hệ, tất yếu dẫn đến cái chung, và chịu sự quy định của các quy luật đạo đức (mệnh lệnh tuyệt đối). Nhưng ngay cả mệnh lệnh tuyệt đối, xét bản chất của nó, cũng là một yêu cầu tự thân, không lệ thuộc vào bất kỳ ước muốn kinh nghiệm sẵn có nào, và hành vi đạo đức không được phép trở thành phương tiện phục vụ cho các mục đích khác, nói khác đi, đòi hỏi của của quy luật đạo đức không nhằm vào chất liệu của ý muốn, nó đòi hỏi một ý muốn khác với ham thích tự nhiên, nó tồn tại vì mục đích cao siêu hơn là để, chẳng hạn, làm cho chúng ta hạnh phúc. Như vậy, đối với Kant, mệnh lệnh tuyệt đối thể hiện sự tự quyết của lý trí thực tiễn, sự tự quyết thuần túy của ý chí lý trí, Vì lẽ đó mà Kant phê phán quan niệm hạnh phúc như yếu tố nảy sinh từ môi trường kinh nghiệm, vốn khá phổ biến trong Siêu hình học cũ. Thứ chủ trương sai lầm đó, theo Kant, khiến các quy luật đạo đức chịu sự kiểm soát của những cái tồn tại bên ngoài chúng, mà không phải cái bên ngoài nào cũng đều là tiêu chí của sự phán quyết mang tính đạo đức nghiêm túc và đúng đắn. Mệnh lệnh tuyệt đối, theo Kant, mang ý nghĩa của một nguyên tắc tối cao phổ biến và tất yếu, được diễn đạt như sau:”Hãy hành động sao cho nguyên tắc xử thế tối cao của bạn thông qua ý chí của bạn trở thành quy luật tự nhiên phổ biến”. Từ “tự nhiên” ở đây rõ ràng dùng để chỉ tính khách quan tất yếu của quy luật đạo đức. Từ mệnh đề trên có thể xác lập một mệnh đề khác, có giá trị tương đương:”Hãy xử thế sao cho mỗi hành vi xử thế của bạn cũng là quy thế xử thế của những người khác”. Khi nói đến sự tự quyết của ý chí, được dẫn dắt bởi lý trí, Kant làm cho cách hiểu về “mục đích tự thân” vượt ra khỏi phạm vi của một bản chất tự tại, khép kín, để vươn lên thành cái tự khẳng định của ý chí trong quan hệ với những ý chí khác. Sự tự quyết của ý chí cũng có nghĩa là tự do. Fichte kế thừa cách tiếp cận này về cơ bản, song đã điều chỉnh trong đạo đức học của mình, nhằm khắc họa rõ nét sự khác nhau giữa cái gọi là luật của lương tâm và luật của lý trí. Đạo đức thiên về tình thương, lòng trắc ẩn, pháp luật nhấn mạnh sự công bằng, nhất là công bằng trong trừng phạt. Đạo đức mang tính cá nhân, pháp luật mang tính xã hội, vì trong quan hệ giữa con người với con người và môi trường xung quanh cần có cơ chế điều hành, để để mọi việc nằm trong khuôn khổ của trật tự, ổn định. Đạo đức thể hiện trong mối quan hệ không chỉ với người đang sống, mà cả với người đã chết (tình cảm thiêng liêng, hoìa niệm, thế giới tâm linh …), còn luật pháp chỉ thể hiện trong thế giới cảm tính, thế giới được tri giác mà thôi. Tội ác trong suy nghĩ không bị trừng phạt. Đạo đức thiên về tinh thần, còn luật pháp thiên về thế giới vật chất. Chỉ ở môi trường luật pháp cái lý tưởng tinh thần mới chuyển thành cái vật chất hóa, khách thể vật chất xuất hiện.

Như vậy trong tư tưởng pháp quyền của mình Fichte nhấn mạnh tính phổ biến của luật pháp. Luật pháp được hình thành từ “ý chí phổ quát”, và với tính cách đó nó tồn tại bất chấp sự phá hoại của những cá nhân riêng lẽ.

Cái Tôi khởi điểm, sự tự ý thức, như chúng ta thấy, là tư tưởng nền tảng của Fichte. Song trong thực tiễn hoạt động thì cái Tôi hòa nhập với những cái Tôi khác. Một đằng là cái Tôi lý luận, đằng khác là cái Tôi thực tiễn, cái Tôi liên chủ thể trong hoạt động, rộng hơn nữa - cái Tôi toàn nhân loại. Mối quan hệ giữa tự do và tất yếu trong tư tưởng pháp quyền của Fichte được lý giải khá sâu sắc. Một mặt, tự do của mỗi cá nhân là cơ sở cho tự do của những gnười khác. Nhưng mặt khác, chính cái cuối cùng ấy lại hạn chế quyền lực của cái thứ nhất, đòi hỏi tính khách quan trong quan hệ giữa người với người. Như vậy hóa ra tự do đòi hỏi tiêu diệt tự do ? Nhằm giải quyết nghịch lý này Fichte đưa ra hai ý tưởng như sau: luật pháp phải hàm chứa sự đảm bảo tự do mà mỗi cá nhân có thể chấp nhận; đồng thời luật pháp phải được tuân thủ chặt chẽ, luật phải trở thành quyền lực. Vấn đề chủ yếu của khoa học về pháp quyền, theo Fichte, là “tính thống nhất của các thực thể tự do tự thân có được như thế nào ?”. Tự do không thể đạt được bên ngoài trạng thái pháp quyền. Nó cần được thể chế hóa, nhằm phân biệt con người “chơi đúng luật” và con người tự nhiên ngoài luật, tức con người trên thực tế không có tự do đúng nghĩa, mà chỉ là tự do hình thức. Fichte nhấn mạnh, mình đã kế thừa từ Kant quan điểm này, phân biệt “pháp quyền tự nhiên” và “trạng thái tự nhiên”. Mối quan hệ biện chứng giữa “luật” và “quyền” thể hiện ở chỗ, mỗi cá nhân với tính cách là thành viên của xã hội biết hạn chế bớt tự do của mình để những người khác cùng tự do. Nhà nước nào có luật của nhà nước ấy. Luật - đó là tiếng nói chung của các thành viên đã được thể chế hóa, nhằm đảm bảo ai cũng có vị trí của mình, ai cũng xem luật là kết quả nỗ lực tập thể, bất khả xâm phạm. Tương tự như vậy nhà nước là kết quả của sự nhất trí chung, sự thỏa thuận giữa các công dân - kiến trúc sư bình đẳng của một thiết chế xã hội dành cho mình. Công dân cũng có thể chọn mô hình nhà nước khác, nếu thấy điều đó là tốt. Như vậy nguyên lý Khế ước xã hội, từng phổ biến rộng rãi vào thế kỷ XVIII, được Fichte xem như biểu hiện của quan điểm tự do cá nhân tronglĩnh vực nhà nước. Thực ra quan điểm này, vốn gần với cách đặt vấn đề về “quyền công dân toàn thế giới” trong “nhà nước toàn thế giới”của Kant, kéo dài không lâu. Sau năm 1800, nhất là vào thời gian Napoléon xâm lược Đức, Fichte xem xét lại mô hình Khế ước xã hội và cả “quyền công dân toàn thế giới” như tiền đề của nó. Sự hoài nghi dần dần xuất hiện không hẳn do tính không tưởng từ một cách tiếp cận, mà do những nghịch lý của tự do đã được Napoléon chỉ ra bằng các cuộc xâm lăng dưới chiêu bài tốt đẹp.

Trong luận điểm xuất phát của Học thuyết khoa học (1796) Fichte từng lưu ý rằng thực thể lý tính hữu hạn không thể giả định mình nếu không tính đến hoạt động tự do tự thân. Hoạt động tự do của cái Tôi tự quy định và quy định một số khách thể khác, tức cái không- Tôi, cái đồng thời giới hạn khả năng của nó. Chỉ khi nào sự hoạt động của cái Tôi được giới hạn bởi khách thể, thì cái Tôi thực tiễn mới thể hiện mình như thực thể lý tính hữu hạn. Nhưng để cái Tôi trở thành cá thể kinh nghiệm thì cái không-Tôi giới hạn nó cũng là khách thể kinh nghiệm. Hơn nữa sự giả định chỉ diễn ra ở một thời điểm nào đó. Vậy thời điểm ấy được quy định bởi cái gì ? Nó không thể được quy định bởi khách thể - trong trường hợp này cơ sở cuối cùng của sự hoạt động của cái Tôi không nằm ở chính nó, bởi lẽ khi ấy đã không còn là hoạt động thực tiễn nữa, mà là một trực quan lý luận. Hiểu nghịch này như thế nào ? Fichte giải thích: hành vi giả định cần được lý giải từ chính cái Tôi, nhưng cũng đồng thời không thể được lý giải từ nó, chính là vì đó là hành vi giả định giới hạn cho hoạt động của nó. Lời giải thích cũng ngụ ý rằng cái Tôi tự thân đang hoạt động cần phải thừa nhận tồn tại của những cái Tôi khác, nằm bên ngoài và không lệ thuộc vào nó, nói rộng hơn, sự tác động xuất phát từ chủ thể (trường hợp ngược lại sẽ không có sự tự quy định), nhưng đồng thời không từ chủ thể, không từ cái chủ thể tự quy định. Nó xuất phát từ cái Tôi và không từ cái Tôi - từ cái Tôi khác. Thực thể lý tính không thể giả định mình tự thân nếu không có một lời kêu gọi hoạt động tự do hướng đến nó.

Luận điểm xuất phát vừa nêu chứng tỏ, điều kiện của sự tự ý thức của cá thể kinh nghiệm cụ thể chỉ có thể là sự hiện diện của những thực thể lý tính (tự do) khác. Chỉ con người được giáo dục mới có thể trở thành con người tự do. Giáo dục là phương tiện rèn dũa con người, hướng đến tự do trong một cộng đồng tự do. Nếu không có cái Tôi khác thì cái Tôi riêng có của tôi không thể trở thành tự do, bởi vì tự do không mang tính tự nhiên thiên phú, mà là sản phẩm của xã hội và văn hóa. Lý luận về các giá trị tự nhiên (hiểu theo nghĩa cái do thiên nhiên ban tặng và cái tất yếu) trong thế kỷ XVII - XVIII trở thành “mốt”, nhưng đến Fichte chúng trở nên thừa, được thay bằng hình Ảnh cái Tôi sáng tạo xuyên suốt. Các nhà duy vật-khai sáng Pháp giương cao ngọn cờ tự do-tự nhiên để chống thần quyền, còn Fichte giương cao ngọn cờ cái Tôi để cổ súy cho tinh thần sáng tạo, vượt qua thế giới vật chất ngưng đọng và nghèo nàn. Con người là một thực thể xã hội - luận điểm không mới, nếu biết rằng hình Ảnh “sinh vật chính trị” được suy tôn ngay từ thế kỷ IV TCN. Tuy nhiên ý nghĩa của thực thể xã hội trong cách tiếp cận này rõ ràng khác hơn nhiều so với hình Ảnh đã được nêu ra từ thế kỷ IV TCN. Con người mang ý nghĩa loài người (con người “chúng ta” khác với con người “cá nhân”) trong triết học Fichte, cũng như trong triết học Feuerbach sau này, được lý giải theo nghĩa chung, nhưng chưa chú trọng đến tính lịch sử và không gian xã hội.

Tương tự như trong phần lý luận của Học thuyết khoa học Fichte rút từ sự tự ý thức toàn bộ tự nhiên, thì trong triết học pháp quyền của ông cũng từ tự ý thức rút ra những những sự tự ý thức khác - một nhiệm vụ quá khó khăn. Tuy nhiên, theo Fichte, trong môi trường hoạt động thực tiễn chúng ta không nhận thức, mà thừa nhận sự tồn tại của những thực thể khác tương tự như chúng ta. Fichte đưa ra hai phương thức thừa nhận những cái Tôi khác. Trong triết học pháp quyền thì đó là lời kêu gọi bên ngoài của một con người tự do khác như nguyên nhân của sự tự quy định của tôi; trong đạo đức sự thừa nhận các cá nhân khác diễn ra thông qua quy luật đạo đức. Quy luật đòi hỏi nhìn thấy ở những người khác những thực thể tự ý thức và tự do như chính chúng ta, chớ nên xem họ chỉ như phương tiện thực hiện sự tự quy định của chúng ta. Điều đó cũng có nghĩa, như đã nói trên, đạo đức và pháp quyền liên hệ với nhau một cách hữu cơ, dù giữa chúng có sự khác biệt rõ ràng.

Fichte ủng hộ tư tưởng phân chia vai trò và vị trí xã hội giữa nhà thờ và nhà nước, trong đó nhà thờ là thiết chế giáo dục đạo đức, còn nhà nước là thiết chế pháp quyền. Cần thấy rằng cách tiếp cận “hai chân lý” như thế trở nên khá phổ biến trong triết học cận đại châu Âu, từ Anh sang Pháp và Đức. Trong triết học F. Bacon (1561 - 1626) vấn đề hai chân lý thể hiện ở bảng phân loại khoa học của ông - một đằng là chân lý khoa học hướng con người đi đến khám phá những bí mật của tự nhiên, giải thích đúng nó, và từ đó thống trị nó, đằng khác là chân lý thần học, giúp con người hoàn thiện nhân cách của mình. Đối với Fichte giáo dục ý thức đạo đức quan trọng không kém giáo dục ý thức pháp quyền. Cái sau cùng đảm đương chức năng điều tiết các quan hệ xã hội.

Vấn đề về các hình thức liên hệ giữa nhà nước, tổ chức đảm bảo kỷ cương pháp luật, cũng như tự do của các công dân, và “nền cộng hòa của các nhà bác học”, xác định giáo dục nhân loại là mục đích của mình, với nhà thờ như tổ chức giữ gìn phép đức, được Fichte giải quyết vào thời kỳ thứ hai của sự phát triển tư tưởng.

Ngoài ý thức tập thể, cái Tôi liên chủ thể, Fichte làm sáng tỏ thêm vấn đề cá thể tính. Theo Fichte, cá thể tính con người, kể cả thể xác của nó, không phải là cá thể tính tự nhiên, mà là cá thể tính thực tiễn - xã hội. Quan điểm có tính nguyên tắc được rút ra: sự thừa nhận chỉ có thể là sự thừa nhận qua lại, ý thức tự nó mang tính xã hội, sự tự sáng tạo không có nghĩa là sáng tạo cho-mình và vì-mình, mà cho cả những các thể khác. Sự liên kết như thế xác lập nên hiện thực pháp quyền. Pháp quyền, khác với quy luật đạo đức, không đòi hỏi từ con người một thiện chí, mà những hành động hợp quy luật, đòi hỏi thừa nhận tự do của tất cả các thực thể lý tính trong nhà nước, nghĩa là không cản trở sự tự thể hiện của chúng. Kết quả là hành động của mỗi cá thể đều được giới hạn bởi một lĩnh vực nhất định, những đối tượng nhất định. Cá thể tính trong trường hợp này được quy định thông qua sự khác biệt mà nhờ đó các chủ thể pháp quyền thể hiện như những cái quy định nhau một cách phủ định.

Sự phân tích trên cho thấy giữa Fichte và Rousseau có sự khác biệt nhất định. Rousseau xem xét con người qua hai trạng thái - trạng thái tự nhiên, ngoài xã hội, và trạng thái công dân. Ngược lại Fichte ngay từ đầu đã nhấn mạnh tính pháp quyền của đời sống cá thể. Chính tính chất ấy là tiền đề của quá trình thỏa thuận giữa các cá thể với nhau, hướng đến đời sống cộng đồng. Về phần mình, những nguyên tắc sống chung được xác lập không nằm ngoài mục đích bảo vệ quyền của mỗi cá nhân riêng biệt. Ý cuối cùng lại làm cho Fichte gần với Rousseau.



Triết học xã hội của Fichte chứa đựng một số điểm tiến bộ, nhưng đầy mâu thuẫn. Fichte xem xã hội đương thời là nấc thang thấp, thời kỳ bán nô lệ của loài người. Ở đây con người chưa thấm nhuần tự do và sự hoạt động của mình. Mục đích cuối cùng của xã hội là bình đẳng hoàn toàn cho mọi thành viên. Sự bất bình đẳng vật chất, do thiên nhiên tạo ra, cần bị loại trừ. Tuy nhiên Fichte nhất trí với quan điểm về phân tầng xã hội, nhấn mạnh tính tất yếu của sự tồn tại các đẳng cấp khác nhau. Vấn đề là ở chỗ các thành viên xã hội từ nhiều đẳng cấp đóng góp sức mình vào sự nghiệp chung. Con người được sinh ra bởi xã hội và sống cho xã hội.

Cũng như Kant, Fichte đề cao vai trò của khoa học như một trong những động lực cơ bản của tiến bộ xã hội. Nhà khoa học, theo Fichte, là tấm gương về học vấn và lòng nhiệt tình, đem đến cho xã hội nhiều lợi ích hơn bất cứ người bình thường nào khác. Nhà khoa học thuộc mẫu người nói ít làm nhiều.

Phù hợp với học thuyết Khế ước xã hội Fichte xem nhà nước là phương tiện điều hòa và hạn chế các mâu thuẫn xã hội. Nó cũng giám sát đời sống kinh tế và quan hệ sở hữu. Trong lập luận của Fichte chứa đựng một phần tư tưởng của phái bình quân Pháp thế kỷ XVIII, nhưng vấn đề sở hữu - quyền thiêng liêng của con người - đã được lý giải từ quan điểm hoạt động. Sở hữu, theo Fichte, không đơn giản là chiếm hữu một vật nào đó cho mình. Cơ sở của sở hữu không phải là vật, là đối tượng, mà là sự hoạt động tự do. Vật trở thành sở hữu không ở dạng thô của nó, mà phải trải qua sự tác động, cải biến, tái tạo và làm mới bởi chủ thể. Đất đai chỉ thuộc về người nào khai thác và sử dụng nó một cách trực tiếp - nguyên tắc ấy của tư tưởng Fichte đối lập với chế độ đẳng cấp phong kiến về đất đai, và phù hợp với quan điểm về vai trò tích cực của nhân tố chủ quan - chủ thể hoạt động, nghĩa là: sở hữu không hẳn là kết quả của hoạt động, mà trước hết là điều kiện và tiền đề của nó. Thông qua cách hiểu này Fichte đi đến kết luận về vai trò phân phối lại của nhà nước đối với quyền sở hữu nhằm thủ tiêu sự bất bình đẳng. Chế độ tư hữu về ruộng đất theo nghĩa trực tiếp của từ đó, theo nghĩa tách quyền sở hữu ra khỏi quyền sử dụng, bị Fichte bác bỏ.

Trong nhà nước lý tưởng, theo Fichte, không chỉ có sự phân phối đồng đều lĩnh vực hoạt động tự do giữa các cá thể như điều kiện của sở hữu, mà còn cả sự đảm bảo khả năng tiến hành sự hoạt động này đối với tất cả các công dân. Ba đẳng cấp chủ yếu tạo nên nhà nước lý tính là người sản xuất trực tiếp, do cư dân nông nghiệp làm đại diện, thợ thủ công, hay người có tay nghề, và nhà buôn, đóng vai trò trao đổi sản phẩm, dịch vụ. Là người chịu Ảnh hưởng của phái trọng nông, Fichte phân biệt tính đặc thù của hoạt động nông nghiệp - khai thác sản phẩm tự nhiên, và hoạt động thủ công, công nghiệp - chế biến sản phẩm. Tính chất đặc thù này đòi hỏi nhà nước đưa ra các quyết sách hợp lý trong vấn đề sở hữu. Chẳng hạn, đối với nghề thủ công không thể cấp đất cho đối tượng, mà điều quan trọng trước tiên là đảm bảo công việc và tiêu thụ sản phẩm. Với cách tiếp cận như thế Fichte cho rằng nguồn gốc cơ bản của sự giàu có của một dân tộc không hẳn là lắm tiền (quan điểm của phái trọng thương), hoặc có nhiều tài nguyên thiên nhiên, mà là kết quả lao động do nông nghiệp mang lại. Lao động - nguồn gốc của sự thịnh vượng. Điều kiện phát triển của một nhà nước, một dân tộc chính là phân công lao động xã hội, trong đó mỗi ngành nghề chiếm một vị trí xứng đáng, nổi bật nhất là nông nghiệp, thủ công và công nghiệp. Ngay ở đây bài toán về bình đẳng xét từ góc độ trao đổi và hưởng thụ sản phẩm cần được tính đến. Nhiệm vụ của nhà nước là xác lập và kiểm soát giá cả, để hàng hóa bán ra không cao hơn quá nhiều giá trị của nó. Cần kết hợp hài hòa giữa cạnh tranh tự do như đòn bẩy của nền kinh tế với khả năng điều tiết của chính phủ. Sự cần thiết đảm bảo thành công cho tất cả những người sản xuất đòi hỏi xác lập nhà nước như một thiết chế xem kế hoạch hóa nền kinh tế như chức năng của mình. Chức năng điều tiết của nhà nước, theo Fichte, chỉ tỏ ra hiệu quả khi ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài. Chính sách bế quan tỏa cảng trong học thuyết về nhà nước của Fichte phản ánh sự lạc hậu kinh tế - xã hội của nước Đức hồi ấy, với tình trạng cát cứ và chia năm xẻ bảy của lãnh thổ. Mặc dù vậy, Fichte chỉ chủ trương “nhà nước khép kín” đối với bên ngoài, còn trong chính sách đối nội nền thương mại được khuyến khích, tầng lớp thương gia chiếm vị trí quan trọng không kém gì những người làm nghề nông và thợ thủ công.

Trong học thuyết chính trị của Fichte, như ta thấy, có khá nhiều điểm thụt lùi so với các quan điểm kinh tế trước đ1o và cùng thời, thể hiện rõ nhất trong chính sách kế hoạch hóa máy móc nền kinh tế và đóng cửa với bên ngoài. Thêm nữa, hình Ảnh người làm nghề thủ công tự giới hạn trong một tổ chức quá chặt chẽ và hầu như khép kín rất dễ làm cho người ta liên tưởng đến cách thức quản lý của phường hội trung cổ (Xem J. Fichte, Nhà nước thương mại khép kín, Moskva, 1913, tr. 92 - 97). Điểm khác nhau duy nhất giữa công xưởng của Fichte và phường hội là ở mục đích của chúng. Fichte quan tâm đến mọi công dân nhà nước, biến cả xã hội bế quan tỏa cảng thành công xưởng của những người thợ hay cánh đồng rộng lớn của những người trực tiếp canh tác đất đai, còn phường hội thì giới hạn sự quan tâm ở các thành viên của mình. Nhà nước lý tưởng của Fichte trở thành hòn đảo trên lục địa với tên gọi nhà nước thương mại khép kín. Nếu nhà nước lý tưởng của Platon, More, Campanella và Bacon bàn đến nhiều vấn đề, đôi khi vấn đề tổ chức hoạt động kinh tế bị che khuất (New Atlantic của Bacon hay Thành phố Mặt trời của Campanella vẻ lên viễn cẢnh giàu có và thịnh vượng của một xã hội không tưởng, song ít đề cập cụ thể đến các chương trình phát triển kinh tế), thì nhà nước lý tưởng của Fichte dẫu sao cũng là một bức tranh khá chi tiết về cách thức con người hoạt động kinh tế, từ đó giải quyết bài toán công bằng xã hội. Đây là điểm khác biệt giữa mô hình Fichte và các mô hình nhà nước lý tưởng (đồng thời là không tưởng) khác. Có thể xem tư tưởng chính trị của Fichte là phương án quốc gia của chủ nghĩa xã hội, theo đó toàn bộ quan hệ xã hội được điều tiết nghiêm ngặt bởi một chính phủ toàn năng. Trong nhà nước lý tưởng của Fichte tất cả đều là “đầy tớ”, kẻ phụng sự của cái toàn vẹn. Không ai được phép làm giàu trên người khác, không ai rơi vào sự khốn cùng. Hàng tỷ năm sẽ trôi qua, đến một lúc nào đó trên con đường của nhân loại mọi mối liên hệ mang tính nhà nước đều trở nên thừa.

Mâu thuẫn trong quan điểm pháp quyền và nhà nước của Fichte phản ánh những mâu thuẫn của thời đại ông. Nguyên tắc hoạt động tự do xuyên suốt học thuyết, trở thành điểm xuất phát của triết lý đạo đức, pháp quyền Fichte, lại bị giới hạn ở nhà nước lý tưởng bằng những công cụ kiểm soát nhiều tầng đối với hoạt động của cá thể. Triết lý tự do, vì vậy, đã mang tính hình thức; nó cần được cụ thể hóa bằng những nội dung thực tiễn của hoạt động.

Chủ nghĩa cộng sản bình quân thường nhấn mạnh sự bình đẳng giữa các cá nhân. Fichte cũng vậy, mặc dù trong sự triển khai tư tưởng của mình ông hạn chế bớt yếu tố cào bằng và san phẳng, vốn đặc trưng cho mô hình chủ nghĩa cộng sản thô lỗ, bình quân, mô hình “tất cả đều là của chung”. Triết học của Fichte - học thuyết về tự do - rơi vào nghịch lý ở chính phương diện này. Cội nguồn của nghịch lý (paradox) là sự đồng nhất cái Tuyệt đối và cái Tôi, sự lúng túng trong việc chỉ ra giới hạn giữa Thượng đế và con người. Vì thế mà tự do tự tại tuyệt đối, theo trình tự phân tích của Fichte, trượt dài đến không-tự do tuyệt đối.

Mâu thuẫn tiếp theo thể hiện ở chỗ, một mặt Fichte phản bác quan niệm về “nhà nước dân chủ” (tương tự cách tiếp cận của Rousseau), mặt khác ông tuyên bố nhân dân là cấp nhà nước cao nhất (lại cũng tương tự Rousseau, người đã đề cao “ý chí chung”, song tuyên bố rằng chính thể dân chủ chỉ phù hợp với nhà nước ở trên trời). Phê hpán độc tài, hướng đến tự do và bình đẳng, nhưng không đi tới tận cùng của giải pháp cải tạo xã hội - nét đặc trưng này khá phổ biến trong học thuyết chính trị - xã hội cận đại, mà Fichte không phải là ngoại lệ.



1. Thời kỳ Berlin. Tri thức tuyệt đối và tồn tại tuyệt đối - phương án tiếp theo của chủ nghĩa duy tâm Fichte.

Từ sau năm 1800, tức là sau khi công bố “Nhà nước thương mại khép kín”, trong tư tưởng triết học của Fichte diễn ra những chuyển biến đáng kể. Trước hết, điểm xuất phát của hệ thống không còn là chủ thể nữa, mà là “tri thức tuyệt đối”. Tương tự như vậy, cách hiểu về Thượng đế cũng cải biến cho phù hợp với hướng triển khai mới, sao cho các mệnh đề tư tưởng thể hiện được cái cốt lõi nhất của ý nghĩa tồn tại. Cách trình bày mới về Học thuyết khoa học mà Fichte tự nhận chính là ở sự chuyển hóa này. Theo Fichte, trong Học thuyết khoa học, cũng như trong quá trình nhận thức nói chung, chúng ta không bao giờ đi quá giới hạn của tri thức, nên tri thức tuyệt đối, chứ không phải cái gì khác, cần phải là điểm bắt đầu của Học thuyết khoa học. Đó là một quan niệm khá mơ hồ, nhưng mâu thuẫn, của Fichte. Thực tế cho thấy, bắt đầu từ bộ ba tác phẩm được viết năm 1806, gồm”Bản chất của nhà khoa học”, “Những đặc trưng cơ bản của thời đại”, và “Chỉ dẫn về một cuộc sống sung sướng”, vấn đề tri thức tuyệt đối và tồn tại tuyệt đối được đặt cạnh bên nhau và hòa lẫn vào nhau.

Fichte thừa nhận tồn tại khách quan có trước chủ thể, dù là chủ thể tuyệt đối. Nhưng thế nào là tồn tại khách quan ? Giới tự nhiên ư ? Không phải. Giới tự nhiên có thể tự vạch cho mình một con đường, nhưng xét quan hệ với cái tuyệt đối, nó vẫn chỉ là mẢnh sân sau của tồn tại.

Cái tuyệt đối, hay tồn tại tuyệt đối, là Thượng đế. Mối quan hệ giữa Thượng đế và tự nhiên là quan hệ giữa cái sống động và cái chết cứng, giữa tinh thần và phi tinh thần. Cái Tôi phức tạp, hàm chứa mâu thuẫn bên trong và tự phát triển thay bằng tồn tại tuyệt đối, đồng nhất với tri thức tuyệt đối. Sự đơn giản hóa như vậy đã mất đi tính lịch sử, thay vào đó là tính giáo huấn với các sáo ngữ. Quan điểm tiến hóa trong tự nhiên bị Fichte thay bằng học thuyết về tồn tại thống nhất, tất yếu, ngoài thời gian như nguồn gốc của toàn bộ vũ trụ, giới tự nhiên và loài người. Tương tự như vậy quá trình tìm kiếm và khám phá chân lý như nhiệm vụ của triết học và khoa học bị thay bằng sự xác tín về chân lý sẵn có, tri thức tuyệt đối, đống nhất với tồn tại tuyệt đối. Fichte sẵn sàng thay tên gọi Học thuyết khoa học bằng “học thuyết về sự thông thái”, vươn đến cái tuyệt đối, Thượng đế. Ngay cả Thượng đế của Fichte cũng khó xác định, ít ra là về mặt khái niệm. Thượng đế ấy phần nào liên tưởng đến Thượng đế của Voltaire, Rousseau, phần nào liên tưởng đến Thượng đế của Spinoza.

Trong thời kỳ thứ nhất (phương án thứ nhất) của Học thuyết khoa học, bắt đầu từ năm 1794, Fichte về cơ bản đồng nhất Thượng đế với sự hoạt động vô thức của cái Tôi tuyệt đối, cái mà chỉ trong cái Tôi hữu hạnmới nhận biết được sự hiện diện của ý thức. Điều đó có nghĩa là Thuợng đế mang tính hiện thực hoàn toàn đầy đủ chỉ trong sự thống nhất với con người, sự thống nhất - tương tác giữa cái Tôi tuyệt đối và cái Tôi hữu hạn làm nên hiện thực ấy. Tương tác thể hiện như sau: cái hữu hạn không thể tồn tại mà thiếu cái vô hạn, cái vô hạn không thể tồn tại mà thiếu cái hữu hạn. Giờ đây sự chuyển hóa sang quan điểm tri thức tuyệt đối và tồn tại tuyệt đối đòi hỏi xem xét lại nguyên tắc hoạt động của Học thuyết khoa học, trước hết là mối quan hệ giữa tất yếu và tự do, trong đó tự do là khả năng không bao giờ trở thành hiện thực hoàn toàn, còn tất yếu là hiện thực không bao giờ chi phối hoàn toàn quá trình vận động của sự vật.

Trong tác phẩm “Chỉ dẫn về một cuộc sống sung sướng” Fichte vạch ra ba nấc thang của sự phát triển tinh thần. Nấc thang thứ nhất, tức phương thức tri giác thế giới, là quan điểm tri thức cảm tính; ở đây đối tượng của cảm tính bên ngoài được coi là thực tại đích thực. Sự tiến triển tiếp theo đưa đến nhận thức thế giới như quy luật và trật tự. Chỉ từ thời điểm này cuộc sống tinh thần mới bắt đầu. Quy luật đối với loại thế giới quan này là cái đầu tiên tồn tại, nhờ nó những cái khác mới tồn tại. Như Anaxagoras của Hy Lạp cổ đại, Fichte nhấn mạnh ý nghĩa của quá trình nhận thức quy luật bằng mệnh đề “không thể cắt chia quy luật”. Cái thứ hai - tự do và loài người; chúng tồn tại vì luật tự do giả định sự tự do và các thực thể tự do. Quy luật đạo đức được khám phá trong thế giới nội tâm của con người đối với quan điểm này là cơ sở duy nhất của tính tự chủ của con người. Cái thứ ba là thế giới cảm tính - lĩnh vực hoạt động tự do của con người. Nó tồn tại nhờ khả năng liên kết các khách thể thông qua hoạt động tự do.

Quan điểm thứ hai gọi là quan điểm mô tả, liên tưởng đến thời kỳ thứ nhất của triết học Fichte, khi còn chịu Ảnh hưởng của Kant, nhất là ở bình diện đạo đức học, được Kant trình bày trong “Phê phán lý trí thực tiễn”. Tính tự chủ của con người thể hiện ở khả năng tạo ra luật và tuân thủ luật, ở biện chứng tự do - tất yếu, khi con người nhận thức về mình trong quan hệ với các cá thể khác.

Quan điểm thứ ba là quan điểm của đạo đức chân chính và cao nhất. Quy luật của thế giới tinh thần hiện thực không còn hiểu như quy luật điều chỉnh, mà là quy luật sáng tạo văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng của từ này, gồm có khoa học, nghệ thuật, thiết chế xã hội, nhà nước, pháp quyền - sự hiện thực hóa lý tưởng của đạo đức chân chính. Con người sống theo quy luật sáng tạo không cần phải tiến hành cuộc đấu tranh thường xuyên với những ham muốn cảm tính, mà chính những ham muốn cảm tính tự cải hóa để thống nhất với tinh thần. Giáo dục là phương tiện phổ biến đạo đức chân chính, là môi trường hình thành ý chí vươn đến mục đích và giá trị cao nhất của con người. Vai trò lớn ở lĩnh vực này thuộc về các nhà khoa học, tiêu biểu cho trí tuệ dân tộc.

Tuy nhiên quan điểm thứ ba vẫn không thể so sánh với nấc thang tôn giáo, nơi tồn tại được chia tách thành tồn tại thần thánh và tồn tại trần tục. Trên nấc thang nmày con người ý thức rằng chỉ có một thượng đế, ngoài thượng đế không có gì cả. Chỉ tại đây con người mới hoàn toàn khắc phục tính chủ quan của tự do, và cùng với nó - tính chất phân hóa của ý thức. Quan điểm tôn giáo đối lập với quan điểm đạo đức như nhất nguyên đối lập với nhị nguyên. Cuộc chiến đấu chống nhị nguyên luận trở thành một trong những mục tiêu của học thuyết khoa học Fichte bắt đầu triết học của mình bằng tuyên bố vượt qua nhị nguyên vật tự nó và hiện tượng, lý trí thuần túy và lý trí thực tiễn, và kết thúc bằng nổ lực vượt qua nhị nguyên của chính lý trí thực tiễn, nó được xác lập trên cơ sở đối lập ham muốn và nghĩa vụ. Nhị nguyên luận này gắn kết với bản tính hai mặt của con người, hợp nhất trong mình” trời” va ”đất”, tự do và tự nhiên. Bản nguyên cảm tính tự nhiên một khi được khắc phục con người có thể xâm nhập vào thế giới vĩnh hằng, đó là cách tiếp cận thuần túy tôn giáo của Fichte.

Tóm lại hành trình triết học của Fichte đi từ nguyên tắc cái tôi tự chủ tự do tuyệt đối, xuyên qua sự phê phán “xúc cảm của tính tự chủ”, cơ sở của hoạt động của cái tôi, đến những đòi hỏi phục tùng qui luật đạo đức, và cuối cùng, đến quan niệm cho rằng sự phục tùng đánh thức trong tâm hồn tình yêu cao cả nhất-tình yêu thượng đế. Fichte thời kỳ Berlin rà soát lại những yếu tố đã từng góp phần nên một nhà triết học gắn bó với tư tưởng khai sáng Pháp. Tuy nhiên ở phương diện của con ngươi Fichte không hề chủ trương trốn chạy như một số nhà tư tưởng đã làm trước những thách thức lớn đối với dân tộc Đức, mà cụ thể là sự xâm lăng của quân đội Napoléon.

Nói về tính hay thay đổi quan điểm đạo đức, chính trị, thì Fichte thuộc loại điển hình. Chẳn hạn trong thời gian 1792-1794 Fichte xem xét pháp quyền từ góc độ đạo đức, rút ra các quan điểm pháp quyền từ các quy luật đạo đức. Từ 1795 đến 1800 tách pháp quyền và nhà nước tương ứng như đại diện cho trật tự pháp quyền khỏi đạo đức, tìm cách chứng minh sự khác nhau không chỉ về mặt nội dung mà cả về mặt nguồn gốc. Từ năm 1860 đến khi mất Fichte lại tiếp tục điều chỉnh quan điểm pháp quyền nhà nước của mình và lần này khác hẳn với các quan điểm trước Fichte không còn phân chia “ cuộc sống trần tục “ và “cuộc sống vĩnh hằng”; giờ đây mục đích cuối cùng của cuộc sống trần tục là thiết lập các quan hệ con người trên cơ sở tự do và lý trí. Đó là mục đích tối cao không chỉ nhà nước pháp quyền mà còn của đạo đức và tôn giáo. Với cách hiểu như thế Fichte phê phán học thuyết khế ước xã hội nhất là Hobles. Theo Fichte, sự chuyển tiếp từ trạng thái tự nhiên bất bình đẳng và vị kỷ sang trạng thái pháp quyền là điều vô nghĩa, bởi lẽ lý trí không thể xuất hiện từ cái phi lý. Sự xung đột giữa cái dân tộc”lý tính” và cái dân tộc”nhiên tính” đã mở ra con đường cho lịch sử nhân loại vươn đến lý trí và tự do. Tuy vậy trên thực tế Fichte bác bỏ các nguyên tắc pháp quyền của nhà nước tự do. Trong “lý luận về nhà nước, hay về quan hệ củ nhà nước khởi thủy với vương quốc lý trí “Fichte đem đối lập nhà nước lý tưởng với quan niệm giả tạo về nhiệm vụ và chức năng của nhà nước đang phổ biến trng thời điểm hiện tại. Theo quan điểm giả tạo này nhà nước tòn tại nhằm bảo vệ trước hết sự tồn tại của con người, sau đó là tài sản của họ, bởi lẽ đó là phưng tiện tồn tại. Như vậy hóa ra, theo Fichte, nhà nước chỉ là phương tiện bảo vệ tài sản (sở hữu) tính chất quyền lợi cá nhân vị kỷ của con người. Quan điểm như thế xuất hiện từ lúc các giá trị trần tục của con người trở thành mục đích cao nhất, còn phục vụ nó đã có liên minh xã hội mà nhà nước là liên minh ấy.

Thực ra trên thực tế mục đích cao nhất của con người không phải là bảo vệ đời sống thú vật của mình, mà bảo vệ những giá trị do mình tạo ra khác với thế giới loại vật, còn hoạt động tôn giáo - đạo đức là sự thể hiện hình Ảnh thượng đế trong mình. Ta thấy rằng thoạt tiên trong “nhà nước thương mại khép kín”, Fichte phải nhận một số quy tắc của chủ nghĩa tư bản về nhà nước khác với sự bình đẳng của tất cả các công dân đối với tài sản. Bây giờ Fichte phê phán ngay chính quan điểm mà theo đó mục đích của nhà nước là bảo vệ cuộc sống và tài sản của mọi công dân bây giờ nhà nước về cơ bản biến thành phương tiện đạt tới sự cứu rỗi tôn giáo đối với mọi công dân,tính chất chức năng mà trước đây thuộc về nhà thờ, và theo cách hiểu đó các định chế pháp luật lợi thuộc vào các quy tắc đạo đức. Ở Fichte cộng đồng đạo đức đại diện cao nhất cho các giá trị của thế giới tinh thần, thế chỗ cho nhà nước pháp quyền, còn tự do hiện thực đồng nghĩa với sự thực hiện quy luật đạo đức tối cao, mà thiếu nó tự do sẽ bị thủ tiêu bởi các lực lượng tự phát của xã hội. Lý luận về xã hội và nhà nước của Fichte đi từ cá nhân uyển chuyển sang chủ nghĩa phổ quát cực đoan, một biến tướng của chủ nghĩa Platon, một hình thức bình quân thô thiển của chủ nghĩa cộng sản, mà Marx từng phê phán trong “Bản thảo kinh tế- triết học” năm 1844. Sự lo ngại về nước Đức tắm trong máu và nước mắt như hình Ảnh nước Pháp thời kỳ chuyên chế và cách mạng đã kiến Fichte hưỡng đến cái phổ quát thiêng liêng. Fichte đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết hy sinh cho cái toàn thể mà họ gia nhập vào những năm1807-1808(Thời kỳ Berlin bị quân Pháp chiếm đóng) trong”Diễn văn gửi đến dân tộc Đức” Fichte cẢnh báo về nguy cơ khủng hoảng tự do, đúng hơn sự khủng hoảng trong cách hiểu về tự do, vẫn trở nên phổ biến bấy lâu nay, và kêu gọi trở về với chân giá trị truyền thống, với cái đã làm cho dân tộc Đức đã trở thành một dân tộc kiêu hãnh” Chủ nghĩa dân tộc - quốc gia “ Fichte phát huy tác dụng tích cực trong thời gian Napoléon xâm lược Đức, trở thành kích thích tố quan trọng đối với hàng triệu người Đức đang chuẩn bị bước vào trận chiến sinh tử vì sự nghiệp giải phóng. Fichte đề cập đến việc giáo dục lại nhân dân, khơi dậy tình cảm thống nhất dân tộc tình yêu tổ quốc, tình yêu đồng bào. Đối với ông những tình cảm lớn đó vừa là điểm khởi đầu vừa là điểm kết thúc của sự nghiệp giáo dục giờ đây cho rằng mối liên hệ sống đẹp chỉ có thể hình thành trên cơ sở nhà nước tồn tại bên trong sự thống nhất dân tộc, thông qua tính cộng đồng ngôn ngữ và nhà nước không thể hình thành từ khế ước, không phải là tổng số các cá nhân liên kết với nhau bằng các định chế luật pháp hình thức, nhà nước hình thành chính là nhờ tính cộng đồng phát triển một cách tự nhiên hợp nhất các cá nhân về tâm hồn và tinh thần, hóa thân trong ngôn ngữ, khâu trung gian giữa thế giới cảm tính và thế giới tinh thần, phương tiện chuyển đổi và phổ biến văn hóa góp phần vào làm cho con người trở thành con người đúng nghĩ.

Một trong những nội dung tư tưởng lớn của Fichte trong triết học chính trị xã hội là quan niệm về phân kỳ lịch sử. Đó là quan niệm về lịch sử một cách phi lịch sử. Sự vận động của lịch sử tiến về phía trước, theo Fichte có thể hiểu như quá trình tiếp cận với tự do. Đời sống của loài người chia ra hai kỷ nguyên lớn gắn liền với trước và sau khi đạt được tự do. Nơi nào lý trí không vận động tự do, thì nó thể hiện mình như thứ bản năng mơ hồ. Fichte xác định năm thời đại lịch sử gồm:


  1. Thời đại thống trị vô điều kiện tuyệt đối của lý trí thông qua bản năng- trạng thái chất phác của loài người

  2. Thời đại khi mà khả năng lý trí chuyển thành thứ uy lực cưỡng chế bên ngoài; đó là thời đại của những hệ thống thế giới quan và nhân sinh quan tích cực, không bao giờ đi tới cơ sở cuối cùng và do vậy không thể thuyết phục được gì, nhưng bù vào đó chúng hướng tới sự cưỡng chế và đòi hỏi một lòng tin mù quáng và sự phục tùng vô điều kiện - trạng thái bắt đầu của tội lỗi.

  3. Thời đại giảo phóng trực tiếp ra khỏi uy quyền tuyệt đối và gián tiếp ra khỏi sự thống trị của bẳn năng lý trí cũng như lý trí nói chung trong mọi hình thức, thời đại của thái độ dửng dưng hoàn toàn đối với mọi chân lý, thời đại thất bại”sự dẫn dắt” thời đại của lối sống buông thả - trạng thái kết thúc của tội lỗi

  4. Thời đại khoa học lý trí, khi mà chân lý được thừa nhận là tiêu chuẩn cao nhất và” đáng yêu nhất” hơn hết mọi thứ - trạng thái bắt đầu của sự biện hộ

  5. Thời đại của nghệ thuật lý trí, khi nhân loại bằng bàn tay tự tin và cương quyết sáng tạo nên từ chính mình dấu ấn chính xác của lý trí - trạng thái kết thúc của sự biện hộ và thần thánh hóa.

Ba thời đại đầu thuộc về kỷ nguyên thứ nhất, chỉ có thời đại thứ tư mới dẫn tới sự ngự trị của tự do. Fichte kết án khốc liệt thời đại mình và đưa nó về thời đại thứ ba - thái độ dửng dưng đối với chân lý, sự buông thả.

Những năm cuối đời Fichte còn viết thêm hai tác phẩm nữa - Học thuyết về pháp quyền và Về mối quan hệ logic học và triết học, hay logic siêu nghiệm. Công trình thứ nhất không có gì mới, bởi lẽ Fichte tiếp tục tuyệt đối hóa vai trò của nông ngiệp so với các lĩnh vực kinh tế khác. Trong tác phẩm thứ hai Fichte phân biệt hai loại logic học thành logic thông thường và logic siêu nghiệm, nhưng từ chối thừa nhận logic học g thường(hình thức) là một khoa học.

Trong thời gian chiến tranh chống Naponéon Fichte tham gia vào hàng ngũ những người tình nguyện. Ông mất ngày 29 tháng 1 năm 1814 vì nhiễm bệnh thương hàn tại một bệnh viện quân đội


  1. Каталог: application -> uploads -> Daotaotuxa -> Khoa2 -> Hoc%20Ky%204
    Khoa2 -> Triết học chính trị XÃ HỘi phật giáo a. SƠ LƯỢc về triết học chính trị XÃ HỘi khái niệm triết học
    Khoa2 -> Triết học chính trị XÃ HỘi phật giáo a. SƠ LƯỢc về triết học chính trị XÃ HỘi khái niệm triết học
    Khoa2 -> Bài 5: LỘ trình tu chứng & quả VỊ thanh văn củA ĐẠi chúng bộ VÀ ba chi pháI ĐẦu tiêN (21- 39)
    Khoa2 -> Bài 10. Quan đIỂm căn bản của nhất thiết hữu bộ
    Khoa2 -> BÀI 20. Quan đIỂm của kinh lưỢng bộ (sautrantika = thuyết chuyển chấp bộ)
    Khoa2 -> Triết học tôn giáO
    Khoa2 -> 恒轉如瀑流 阿羅漢位捨 4 Thứ nhất là a-lại-da
    Khoa2 -> PHẦn c: quan đIỂm của hữu bộ VÀ CÁc chi phái bài quan đIỂm của thuyết nhất thiết hữu bộ
    Hoc%20Ky%204 -> BÀI 4 : quan đIỂm về BỒ TÁt theo đẠi chúng bộ VÀ 3 BỘ phái chi nhánh (16 – 20)
    Hoc%20Ky%204 -> GIÁo hội phật giáo việt nam học viện phật giáo việt nam tại tp. Hcm

    tải về 2.53 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương