LỊch sử phong trào công nhâN, viên chứC, lao đỘng và HỌat đỘng công đÒan bà RỊa vũng tàu giai đỌan 1930-2006



tải về 1.88 Mb.
trang1/17
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.88 Mb.
#2068
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17


LỊCH SỬ

PHONG TRÀO CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG VÀ HỌAT ĐỘNG CÔNG ĐÒAN BÀ RỊA VŨNG TÀU GIAI ĐỌAN 1930-2006

LỜI GIỚI THIỆU

*****

Trải qua 76 năm đấu tranh từ 1930 đến 2006, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu luôn khẳng định là vai trò nòng cốt, đi đầu trong khối đại đoàn kết toàn dân, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Được sự chấp thuận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa -Vũng Tàu; Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu quyết định biên soạn cuốn sơ thảo “Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 1930-2006”.

Ghi lại lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng; nhằm giáo dục, bồi dưỡng cho thế hệ công nhân, viên chức, lao động trẻ hiện tại và mai sau hiểu biết, tự hào với truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn, sự thông minh, cần cù, sáng tạo của giai cấp công nhân trong tỉnh. Từ đó, động viên, cổ vũ công nhân, viên chức, lao động toàn tỉnh hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác và học tập; tích cực góp phần xây dựng quê hương Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Việc biên soạn và xuất bản cuốn sách là dịp để tổng kết chặng đường ra đời, trưởng thành, phát triển phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu về công tác công vận, phương thức hoạt động công đoàn suốt 76 năm qua; góp phần định hướng cho việc xây dựng và triển khai chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW do Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đề ra về “ tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Viêt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; vận dụng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần tô đẹp thêm trang sử đấu tranh anh hùng, bất khuất của giai cấp công nhân Việt Nam, của Đảng bộ và nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chân thành cám ơn sự quan tâm động viên, tận tình giúp đỡ quý báu của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ lãnh đạo công đoàn qua các thời kỳ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong quá trình nghiên cứu và biên soạn.

Mặc dù Ban chỉ đạo và bộ phận biên soạn đã làm việc một cách khoa học, nghiêm túc và khẩn trương; nhưng do hạn chế về tư liệu, (nhiều nhân chứng đã mất, già yếu hoặc không còn sinh sống ở địa phương…) nên cuốn sách chưa thật đầy đủ và không tránh khỏi những sai sót. Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất mong được nhận nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung tư liệu của cán bộ lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu lịch sử, cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động và bạn đọc để có cơ sở chỉnh lý và tái bản lần sau đạt chất lượng tốt hơn.

Cuốn sơ thảo “Lịch sử phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giai đoạn 1930 -2006” được xuất bản với kỳ vọng là món quà và là tấm lòng của giai cấp công nhân toàn tỉnh dâng lên chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ IV, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X.

Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.


Chương mở đầu: CÔNG NHÂN VÀ LAO ĐỘNG BÀ RỊA – VŨNG TÀU TRƯỚC KHI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI


  1. Địa lý hành chính và đặc điểm dân cư Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá VIII, ngày 12-8-1991, có 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện. Diện tích đất sau khi điều chỉnh và kiểm kê lại1 là 1.975,14 km2 phần đất liền, phần thềm lục địa Nam biển Đông do tỉnh quản lý là hơn 100.000 km2. Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ của miền Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam là biển Đông, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, và phía Tây giáp thành phố Hồ Chí Minh, là địa bàn có tiềm năng kinh tế và vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Bà Rịa – Vũng Tàu trước đây là địa bàn cư trú của người dân tộc Châu Ro. Từ hơn 300 năm trước đã có nhiều đợt dân cư người Việt vào khai phá. Bà Rịa thời đó gọi là xứ Mô Xoài, là vùng đất đầu tiên mà người Việt vượt biển vào khai phá, lập nghiệp sớm hơn so với những nơi khác ở Nam bộ. Địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những trung tâm thương mại khá phát triển. Từ đầu thế kỷ XIX đã có 2 chợ đông đúc là Chợ Bến và chợ Hắc Lăng. Sách Đại Nam Nhất thống chí chép: "Chợ Long Thịnh: ở thôn Long Thịnh, huyện Phước An, tục gọi chợ Đò, quán xá liền nhau, đường thủy đường bộ đều tiện. Chợ Hắc Lăng: ở thôn Hắc Lăng, huyện Phước An, gần chợ có núi Bà Rịa nên lại có tên chợ Bà Rịa"2. Hắc Lăng nay thuộc xã Tam Phước là một trong những trung tâm buôn bán ở khu vực Long Điền, giao lưu với các bạn hàng từ Phước Hải, Long Điền, Chợ Bến3. Chợ Long Thịnh (Long Thạnh) còn gọi là Chợ Đò, Chợ Bến thuộc địa phận làng Long Thạnh (vị trí gần mé sông, thuộc địa giới xã An Ngãi, huyện Lonh Điền ngày nay là chợ đầu mối, đông đúc nhất. Ở đó có bến đò, có trạm (giao thông đường thủy), có lính trạm chuyển tiếp, chạy thư từ Kinh đô vào xứ Đồng Nai - Gia Định4.

Bà Rịa – Vũng Tàu sớm hình thành các làng nghề. Phước Hải là một làng cá lâu đời với nghề lưới rê truyền thống. Làng Long Điền có Xóm Chuông, nổi tiếng về nghề đúc đồng. Làng Long Thạnh, ngoài Chợ Bến là trung tâm thương mại lớn nhất lúc đó còn có nghề làm muối (Vũng Dương), buôn bán tận Sài Gòn, lục tỉnh. Làng Hắc Lăng dân không đông nhưng nổi tiếng bởi nghề dệt vải lãnh. Xóm Lãnh ở Hắc Lăng nằm bên con Suối Tía, nơi các cô gái làng dệt thường giặt và phơi vải ở đây. Làng An Ngãi có những xóm mang tên làng nghề như Xóm Vịt, xóm Cối Xay, xóm Hỏa Lò,… làng Long Mỹ có nghề nung gạch ngói, vò; làng Phước Hội có nghề đan đệm buồm,…

Cuối thế kỷ thứ 18, sau khi triều đình Tây Sơn sụp đổ, vùng đất Mô Xoài tiếp đón một số lớn dân từ Bình Định, quê hương của Nguyễn Huệ di cư vào, tránh sự khủng bố của Triều Nguyễn - Gia Long. Lớp dân cư này đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống kinh tế xã hội ở vùng này, nhất là trong số thợ thủ công và ngư dân các làng chài ven biển. Các đời vua Triều Nguyễn đều quan tâm đầu tư khai khẩn vùng đất Mô Xoài (Bà Rịa) trù phú nguồn lợi và đắc địa về mặt dụng binh. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển XXVII, tỉnh Biên Hòa, mục Núi Sông chép rằng: “Sông Xích Lam: ở cách huyện Phước An 31 dặm về phía đông, đoạn giữa qua sông có cầu dài 70 trượng 5 thước là chỗ đường bộ đi qua: ở hạ lưu cầu, sông chảy ngoặt sang phía nam 3 dặm làm hải cảng Xích Lam... Ở bờ phía Đông trước kia bị úng hủy, không tiện cho việc nông, năm Minh Mệnh thứ 19 mới khơi cho nước úng theo sông mà tiêu, khẩn được hơn 300 mẫu ruộng hoang làm ruộng công cho các xã thôn phụ cận.” 5

Vũng Tàu cũng là nơi người Việt dừng chân khá sớm. Trong Phủ biên tạp lục (1776), Lê Quý Đôn chép: “... Đến đầu địa giới Gia Định là xứ Vũng Tàu, nơi hải đảo có cư dân. Tới đây, người ta thu xếp thuyền buồm để nghỉ ngơi và để hỏi thăm nơi được mùa, mất mùa như thế nào. Sau khi đã biết chắc địa phương nào được mùa lúa thóc, những người buôn mới cho thuyền vào nơi ấy6. Năm 1788, chúa Nguyễn cho lập Phong hỏa đài ở núi Ngọa Ngưu để bảo vệ cửa biển Vũng Tàu. Việc điều động quân đội đến đồn trú, khuyến khích quân đội khai khẩn đồn điền (chính sách "ngụ binh ư nông") dưới thời Minh Mạng đã góp phần đẩy nhanh tốc độ khẩn hoang. Bến Đá, Bến Đình (Vũng Tàu) là những địa danh xuất hiện vào thời Minh Mạng, triều đình phái ba đạo quân trấn giữ cửa quan xung yếu tại Vũng Tàu, gọi là Tam Thoàn. Thoàn là thuyền, Thoàn (thuyền) cũng là phiên chế của đơn vị hành chánh – quân sự. Nhờ có Tam Thoàn (ba đạo binh), nạn cướp biển yên, vua cho khẩn đất, lập làng, đổi Tam Thoàn thành Tam Thắng. Ông đội Phạm Văn Dinh lập làng Thắng Nhất, ông đội Ngô Văn Huyền lập làng Thắng Tam, ông Đội Lê Văn Lộc lập làng Thắng Nhì. Ngoài đánh cá, dân còn khẩn đất làm rẫy, nên có Xóm Rẫy, Xóm Vườn, Xóm Lưới…

Bến Đình, Bến Đá là một làng cá, một trung tâm thương mại và đầu mối giao lưu đường thủy với Chợ Bến (Long Điền), chợ Phước Hải (Đất Đỏ), Chợ Dinh (Bà Rịa) và ngược lên Bà Trao, Hội Bài, Phước Hòa, Mỹ Xuân, xa hơn, đến Cần Giờ, Nhơn Trạch, Nhà Bè, Bến Nghé. Dân Bến Đình, Bến Đá không chỉ là thương nhân, ngư dân mà tứ xứ tụ hội về: người trốn sưu, chống thuế; nghĩa quân của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp khi thất thế, sa cơ. Sau này, những binh lính liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Yên Bái (1930); các chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) đều mai danh ẩn tích ở đây.

Một bộ phận nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Bảy Thưa – Láng Linh (An Giang) sau khi thất bại, lưu lạc về Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp và mưu việc lớn đã lập nên một làng có sắc thái khá đặc trưng là Bà Trao (nay thuộc xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu). Vùng đất này xuất hiện trong sách xưa với tên gọi là Núi Nứa. Núi Nứa là tên núi, tên làng, tên gọi cả vùng đất trên đảo Long Sơn thời ấy. Công dân đầu tiên của làng Núi Nứa là những người lính đồn trú tại Bến Đá, Bến Điệp vào thời Minh Mạng (1820-1840). Họ được phép đem theo gia đình, khai hoang, lập ấp, lúc thanh bình thì cầm cuốc cầm cày, khi có biến thì cầm gươm, cầm giáo. Năm đầu của thế kỷ 20, làng Núi Nứa có các ấp: Ngã Tư Làng, Bến Đá, Bến Điệp, Rạch Già, dân số 1.107 người, là một trong những làng đông dân ở tổng An Phú Hạ. Từ đầu thế kỷ XX, vùng đất này được mang tên gọi kép: Núi Nứa - Bà Trao. Bà Trao là người phụ nữ từng đến đây khai phá nhưng chưa thành ấp. Năm 1900, ông Lê Văn Mưu – thường gọi là Ông Trần đưa gia quyến đến khai hoang, lập ấp mang tên Bà Trao, từ đó, người dân Vũng Tàu quen gọi vùng đất này là Bà Trao - Núi Nứa suốt một thời kháng chiến, thay cho tên làng xã thường biến đổi trên hòn đảo này.

Năm 1867, sau khi chiếm trọn 6 tỉnh Nam kỳ, người Pháp chia Nam kỳ thành 24 đơn vị hành chính gọi là hạt Thanh tra. Đứng đầu mỗi hạt là viên Thanh tra (Inspecteur), sau đổi là Tham biện (Administrateur), trụ sở gọi là Tòa Tham biện (Tòa bố). Hạt Bà Rịa quản địa giới của huyện Phước An xưa, lỵ sở tại Bà Rịa, gồm 4 tổng Việt: An Phú Thượng (11 làng), An Phú Hạ (8 làng), Phước Hưng Thượng (8 làng), Phước Hưng Hạ (10 làng) và 3 tổng Thượng là An Trạch (7 buôn), Long Cơ (7 buôn), Long Xương (6 buôn). Ruộng muối có 371,0495 ha. Dân số có 20.543 người7. Thống kê của người Pháp năm 1876 cho biết dân số hạt Bà Rịa có 21.188 người; đất trồng trọt: 3.808,67 ha (trong đó có 2.500 ha ruộng lúa).

Ngày 1-5-1895 Thống đốc Nam kỳ ra nghị định tách thị xã Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) ra khỏi Tiểu khu hành chính Bà Rịa, lập thành phố tự trị. Ngày 20-1-1898, lại nhập về Bà Rịa và gọi là khu Cap Saint Jacques. Ngày 14-1-1899 khu Cap Saint Jacques được thành lập tổng, gọi là tổng Vũng Tàu, có 7 xã (gồm ba xã trên bán đảo Vũng Tàu và 4 xã Rừng Sác, Cần Giờ). Ngày 11-11-1899, Toàn quyền Đông Dương lại tách Bà Rịa và Cap Saint Jacques thành hai đơn vị hành chính độc lập.

Ngày 20-12-1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tất cả các đơn vị hành chính tương đương với tỉnh, trong đó có cả các Tiểu khu hành chính ở Nam kỳ thành tỉnh, đứng đầu là một viên Tham biện, thường gọi là Chủ tỉnh (Chef de la Province). Tên gọi tỉnh Bà Rịa xuất hiện từ khi đó. Theo thống kê năm 1901, tỉnh Bà Rịa có 7 tổng, 62 làng, 49.212 dân, trong đó có 42 người Âu, người Việt có đăng tịch là 44.405, người Việt không đăng tịch 428, người dân tộc thiểu số là 3.659… Tổng An Phú Hạ có các làng Núi Nứa, Hội Bài, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Phước Hội, Phú Thạnh, Thạnh An, Long Hương, Phước Lễ, Phước Hữu, Long Lập, Long Nhung, Long Xuyên, Long Kiên8. Tổng An Phú Thượng có các làng Long Điền, Long Thạnh, Long Hải, An Ngãi, An Nhứt, Hắt Lăng, Phước Tỉnh9. Tổng Phước Hưng Thượng có các làng: An Thới, Hội Mỹ, Lộc An, Long Mỹ, Phước Hải, Phước Trinh, Phước Hưng, Phước Liễu10. Tổng Phước Hưng Hạ có các làng Giả Thành, Hiệp Hòa, Long Hưng, Long Thới, Phước Bửu, Phước Hiệp, Phước Lợi, Phước Thọ, Phước Tụy, Thạnh Mỹ, Hưng Hòa, Xuyên Mộc11. Các tổng Long Xương, Long Cơ, An Trạch đều là người dân tộc thiểu số (dân tộc Châu Ro), dân số là là 3.659 người. Thành phố Vũng Tàu khi đó có 5.690 dân12.

Nghị định ngày 1-4-1905 bãi bỏ thành phố Cap Saint Jacques, cải thành Đại lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa. Ngày 7-11-1905, đem phần đất Khánh Sơn và ba xã Hưng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích của tỉnh Bình Thuận nhập vào tỉnh Bà Rịa13. Nghị định ngày 7-5-1919 thành lập quận Xuyên Mộc. Ngày 5-7-1928, Thống đốc Nam kỳ ra nghị định tách phần đất tổng Vũng Tàu gồm xã Sơn Long, ba xã Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam của Đại lý Cap Saint Jacques và quận Cần Giờ gồm các xã Cần Thạnh, Đồng Hòa, Thạnh An, Tân Thạnh, lập tỉnh Cap Saint Jacques14. Đây là thời kỳ đô thị hoá diễn ra sôi động.

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng được thành lập ở hai tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu. Tháng 12-1945, Xứ ủy quyết định sáp nhập hai tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu thuộc Quân khu 7. Tỉnh Bà Rịa lúc đó có các quận (từ năm 1948 đổi là huyện) Long Điền, Đất Đỏ, Cơ Trạch và Vũng Tàu. Quận Vũng Tàu lúc ấy bao gồm thị xã Cấp, một phần địa giới của thị xã Bà Rịa ngày nay15 và các xã Nam - Bắc lộ 15 (nay là quốc lộ 51), các xã Rừng Sác, Cần Giờ. Trong kháng chiến chống Pháp, về địa giới các xã có nhiều thay đổi16. Đầu năm 1949, tỉnh giải thể quận Cơ Trạch và thành lập xã Cơ Trạch bao gồm các làng Bàu Lâm, Ba Mẫu, Thừa Tích và Quảng Giao; Năm 1949, các xã Hắt Lăng và Tam Phước của huyện Long Điền sáp nhập thành xã Phước Lăng; xã Phước Tụy và xã Thạnh Mỹ của huyện Đất Đỏ nhập thành xã Phước Mỹ; huyện Vũng Tàu nhập các xã Sơn Long, Sơn Hòa, Sơn Hiệp thành xã Thống Nhất; các xã Hội Thạnh, Hội Bài A, Hội Bài B nhập thành xã Đoàn Kết; xã Bàn Thạch, Phước Tân và Phước Long nhập lại thành xã Tân Thành; xã Long Xuân và xã Phước Hòa nhập thành xã Xuân Hòa17.

Từ tháng 5 năm 1951, tỉnh Bà Rịa và các huyện Long Thành, Cần Giuộc, Cần Đước, Nhà Bè được sáp nhập thành tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn (gọi tắt là tỉnh Bà - Chợ). Cuối năm 1953, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh quyết định giải thể xã Cơ Trạch, thành lập lại các xã Quảng Giao, Bàu Lâm và thành lập thêm xã Tân Hiệp.

Thời Mỹ - Ngụy, cơ cấu dân cư của tỉnh có nhiều biến động. Sau Hiệp định Giơnevơ, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa gần 2 vạn đồng bào Thiên chúa giáo di cư từ miền Bắc vào cắm dọc theo trục lộ 15, lộ 2 và lộ 23, như Phú Mỹ, Phước Hòa, Bình Giã, Long Hương, Phước Lễ, Phước Tỉnh,… lập vành đai dân cư bao quanh thị xã Bà Rịa, án ngữ các tuyến hành lang chiến lược trong các huyện. Vành đai bảo vệ Vũng Tàu được bố trí bằng 12.000 dân di cư Thiên chúa giáo ở Phước Tỉnh, Hải Đăng; ngăn cách với căn cứ Minh Đạm; vành đai dân di cư án ngữ tuyến xâm nhập Vũng Tàu từ hướng Long Sơn - Rừng Sát rải từ Sao Mai, Bến Đá qua Bến Đình, Thắng Nhất, Phước Thắng. Đây là chiến lược bố trí lại dân cư, nhằm tạo cơ sở xã hội, áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với chiến lược dùng dân làm lá chắn, Chính quyền Sài Gòn đã di dân từ Vĩnh Linh, Quảng Trị vào Xuyên Mộc, lập ra ấp Nhơn Đức, khu dinh điền Hưng Nghĩa (Láng Bè 1 - Xuyên Mộc); đưa đồng bào Phật giáo từ Quảng Trị vào lập ấp Láng Bè 2, đưa dân tị nạn vào lập ra ấp 3,4. Ở Bàu Lâm có khu Dinh điền Thanh Tóa bao gồm người Hoa bị phá sản, dân tị nạn Quảng Nam và một ấp là khu gia binh của bình định nông thôn, công dân vụ và binh lính.

Ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh 147/NV thay đổi địa giới và tên gọi các tỉnh, tỉnh Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu hợp nhất thành tỉnh Phước Tuy. Nghị định ngày 3-1-1957 sắp xếp lại các đơn vị hành chính tỉnh Phước Tuy, gồm quận Phước Lễ, quận Xuyên Mộc, quận Long Điền, quận Đất Đỏ, quận Vũng Tàu, quận Cần Giờ. Theo Biên bản bàn giao công việc toà hành chánh ngày 23 tháng 4 năm 1957, giữa Hứa Văn Ngọ, nguyên là tỉnh trưởng Vũng Tàu cho đại tá Nguyễn Văn Quan, tỉnh trưởng Phước Tuy, tỉnh Vũng Tàu có 11 xã, 4 nằm trong đất liền (tức bán đảo Vũng Tàu là Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam, Châu Thành), 7 xã nằm trên bán đảo Cần Giờ (thuộc quận Cần Giờ gồm Cần Thạnh, Long Thạnh, Đồng Hòa, Thạnh Thới, Thạnh An, Tân Thạnh) và 1 xã trên Cù Lao Núi Nứa (Long Sơn). Dân số tỉnh Vũng Tàu khi đó là 35.469 người18.

Sắc lệnh ngày 9-9-1959 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa sáp nhập vùng Rừng Sác (quận Quảng Xuyên) vào địa phận tỉnh Phước Tuy. Sắc lệnh ngày 9-9-1960 nhập hai quận Cần Giờ và Quảng Xuyên của tỉnh Phước Tuy vào tỉnh Biên Hòa19. Sắc lệnh ngày 8-9-1964 cải quận Vũng Tàu thành thị xã Vũng Tàu. Nghị định ngày 13-8-1964 nhập xã Hội Bài (tổng An Phú Tây, quận Long Lễ) vào xã Phước Hòa quận Long Lễ. Sắc lệnh ngày 30-3-1965 và nghị định ngày 13-4-1965 chia các xã của thị xã Vũng Tàu thành 5 khu phố. Nghị định ngày 6-9-1973, sáp nhập các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, nhằm đối phó phong trào cách mạng, từ năm 1970, chính quyền Sài Gòn bố trí lại dân cư, cho phép các đảng phái, tôn giáo liên minh với tư sản ủi phá rừng, lập ra các khu định cư, bố trí dân tị nạn chiến tranh từ Quảng Trị, Thừa Thiên, thương phế binh ngụy, sĩ quan ngụy giải ngũ, Việt kiều từ Cămpuchia về, hình thành các khu định cư mới bao quanh căn cứ cách mạng trên địa bàn các huyện Xuyên Mộc, Long Đất, Châu Đức (gồm cả địa bàn huyện Tân Thành ngày nay), để lại hậu quả phức tạp, lâu dài trong cộng đồng dân cư20.

Về phía chính quyền cách mạng, từ cuối năm 1954 đến ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều lần tách nhập cùng với tỉnh Biên Hòa, Long Khánh với nhiều tên gọi khác nhau. Năm 1955: tỉnh Bà Rịa; năm 1963: tỉnh Bà-Biên; cuối năm 1963: tỉnh Bà Rịa; từ 1966-1967: tỉnh Long - Bà - Biên; tháng 10 năm 1967: tỉnh Bà Rịa - Long Khánh; tháng 5 năm 1971: Phân khu Bà Rịa; tháng 8 năm 1972: tỉnh Bà Rịa-Long Khánh21. Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Vũng Tàu được tách riêng, trở thành thành phố trực thuộc Khu miền Đông. Vũng Tàu khi đó là nơi tập trung tàn quân và dân di tản từ các tỉnh Miền trung và Tây Nguyên dồn về, dân số lên đến khoảng 2 vạn người22.

Sau thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, tháng 2-1976 Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam, theo đó các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh, thành phố Vũng Tàu được hợp lại thành tỉnh Đồng Nai.

Ngày 30-5-1979, kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI đã quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, bao gồm thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn và quận Côn Đảo. Trước đó, từ năm 1862 đến 1975, bọn thực dân - đế quốc đã xây dựng tại Côn Đảo một nhà tù qui mô và khắc nghiệt nhất xứ Đông Dương để giam giữ, đày ải và giết hại những người yêu nước và cách mạng. Trong suốt 113 năm tồn tại của nhà tù này, Côn Đảo không có một cơ sở kinh tế - văn hoá - xã hội, chỉ có tù nhân, cai ngục và các cơ sở phục vụ bộ máy cai trị tù nhân. Thị trấn Côn Đảo được cấu trúc một cách đặc biệt: thị trấn tù trên hòn đảo tù. Sau ngày giải phóng (1975), Côn Đảo là một đơn vị hành chính cấp tỉnh, rồi trở thành một huyện thuộc tỉnh Hậu giang (3-1977), một quận của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, đến năm 1991 thành một huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về đặc điểm dân tộc, theo Niên giám Thống kê tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu 2004, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 908.233 người, trong đó có 23 dân tộc anh em sinh sống, dân tộc Kinh chiếm 98%, các dân tộc khác chiếm 2% (khoảng 26.676 người). Chiếm số đông sau người Kinh là người Hoa (11.648 người), người Châu Ro (8.867 người). Ngoài ra còn có các dân tộc Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Ngái, Mông, Cơ Ho, Bru, Vân Kiều, Lô Lô, Ê Đê, Rơ Mâm, Chăm, Khmer. Các dân tộc ít người sinh sống tập trung, đan xen trong cùng một cộng đồng. Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ quê hương, các dân tộc anh em trong tỉnh đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau ngày giải phóng, Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao cải thiện đời sống về vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào.

Về đặc điểm tôn giáo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có số đồng bào theo các tôn giáo khá đông, chiếm 56,47% dân số toàn tỉnh23; có 4 tôn giáo lớn là: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam và các hệ phái Cao Đài. Theo số liệu tháng 12-200424, toàn tỉnh có 517.251 nhân khẩu, có 628 cơ sở thờ tự thuộc nhiều tôn giáo, trong đó:


  • Công giáo: Có 206.462 giáo dân chiếm 22,72% dân số của tỉnh.

  • Phật giáo: Có 292.000 tín đồ chiếm 32,15% dân số của tỉnh.

  • Đạo Cao Đài (Cao Đài truyền giáo, Cao Đài ban chỉnh và Cao Đài Tây Ninh): có 9147 tín đồ, chiếm 1,00% dân số của tỉnh.

  • Đạo Tin Lành: Có 5260 tín đồ chiếm 0,60% dân số cả tỉnh.

  • Các tôn giáo và tín ngưỡng khác có Đạo Hồi, Hòa Hảo, Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Bà Hai... với số tín đồ hơn 3000 người. Xã đảo Long Sơn còn có tín ngưỡng đạo Ông Trần.

2. Quá trình hình thành các tầng lớp công nhân và lao động đô thị ở Bà Rịa - Vũng Tàu từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1930

Sự ra đời của các tầng lớp nhân dân lao động và đội ngũ công nhân Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này, từ thuở khai hoang, lập nghiệp đến quá trình đô thị hoá. Ngay từ khi mới xâm lược nước ta (1858), thực dân Pháp đã nhận thức được tầm quan trọng của bán đảo Vũng Tàu về mặt quân sự, kinh tế đối với Sài Gòn và cả Nam Kỳ, sớm xây dựng Vũng Tàu thành một căn cứ quân sự bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn, một khu nghỉ mát dưỡng sức cho bọn quan lại trong bộ máy cai trị Nam Kỳ, một cảng biển tại Viễn Đông bên cạnh cảng sông Sài Gòn.

Từ năm 1885, Vũng Tàu được định hình trong quá trình xây dựng thành một căn cứ quân sự. Trong vòng 10 năm, quân Pháp đã xây dựng xong toàn bộ hệ thống hỏa lực trọng pháo bảo vệ bờ biển, có thể khống chế một vùng đất rộng lớn, từ Vũng Tàu đến Long Hải, Cần Giờ, Gò Công, Cần Thơ. Nhiều pháo đài kiên cố được xây dựng trên Núi Lớn, Núi Nhỏ nối liền với nhau bằng một hệ thống đường vận chuyển trên núi. Một hệ thống kho chứa đạn đặt trong những hầm ngầm đào trong núi tiếp tế đạn cho những cỗ pháo lớn cỡ 240mm nặng trên 50 tấn, lắp đặt ở những ngọn núi cao trên dưới 100m. Từ năm 1889 đến năm 1895, hai trại lính lớn đã được xây dựng xong, bảo đảm chỗ đồn trú cho gần 2.000 lính thuộc binh đoàn thuộc địa số 11 (11è R.I.C) và các cơ quan chỉ huy. Đó là trại lính Bến Đình (Quartier Borgnis Desborde, nay là khu vực cơ quan Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsopetro đường Lê Lợi) với Trạm quân y, Sở chỉ huy pháo binh, các cơ sở quân nhu, quân khí…

Một trại lính khác được xây dựng phía sau nhà thờ Thiên chúa giáo (Quartier des Landes, sau này là trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng. Vũng Tàu thu hút hàng ngàn thợ xây dựng từ ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, từ Bà Rịa, Long Sơn, từ Cần Thơ và nhiều địa phương khác. Bến Đình trở thành nơi sầm uất với những lán trại sơ sài của thợ, những quán hàng ăn dựng vội, những dãy nhà gỗ lợp lá của lính đồn trú ở tạm trong thời gian xây dựng doanh trại.

Cũng từ năm 1885, quy hoạch xây dựng một trung tâm hành chính ở Vũng Tàu cũng được thực hiện gấp rút. Các công sở thi nhau mọc lên như Nhà dây thép thủy, Phòng hoa tiêu, Nhà Đoan, Trạm kiểm dịch Bến Đình, Hải Đăng, Tòa Bố, sở Cò, sở Tràng Tiền, nhà lao Vũng Tàu, Nhà Đèn, Nhà máy nước. Sau năm 1896, 22 ngôi biệt thự dành riêng cho sĩ quan được khởi công xây dựng (thường gọi là “PO”: Pavillons des officiers), những biệt thự này xây cùng một kiểu có một tầng trệt, một tầng lầu, thoáng mát, đủ tiện nghi.

Do nhu cầu quân sự, hệ thống cầu đường Vũng Tàu cũng được xây dựng nhanh chóng với chất lượng tốt. Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) mạng lưới giao thông nội thị đã căn bản hoàn thành. Con đường quốc lộ số 15 (nay gọi là quốc lộ số 51) hoàn thành vào năm 1896 nối Vũng Tàu với Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa. Những con đường vòng Núi Nhỏ, Núi Lớn đã hoàn thành vào năm 1912. Cầu tàu Bãi Trước, Cầu tàu Bến Đình đã được xây dựng trong những năm cuối thế kỷ trước tiếp tục được xây dựng lại với quy mô to lớn hơn từ sau cơn bão năm Thìn (1904). Cảng Rạch Dừa cũng được hải quân Pháp khởi công trong thời kỳ này.

Một nhân tố quan trọng thúc đẩy nhanh nhịp độ xây cất tại thành phố Vũng Tàu là ngành du lịch và những ngành dịch vụ liên quan đến đời sống binh lính đồn trú ở đây. Cơ sở hạ tầng thiên nhiên của du lịch rất phong phú và đa dạng. Vũng Tàu ấm áp suốt năm, khí hậu tốt, tắm biển quanh năm được. Ngay từ năm 1880, người Pháp đã chú ý đến việc mở mang nơi này thành nơi tắm biển, dưỡng bệnh cho các quan chức thực dân, viện điều dưỡng của viện hoa tiêu hưu trí Anduzer, đã được xây dựng từ năm 1870, thuộc vào loại những nhà nghỉ cổ nhất ở nước ta. Grand Hotel được xây dựng vào năm 1897 do Olivier và Mottet đứng ra quản lý. Từ đó đến trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, gần một chục khách sạn to nhỏ được xây cất, vài chục biệt thự của các chủ đồn điền cao su và của các nhà doanh nghiệp ở Sài Gòn cũng đã được xây cất tô điểm cho bộ mặt của đô thị Vũng Tàu. Ngôi biệt thự mang tên Villa Blanche dành cho Toàn quyền Đông Dương được xây trên mảnh đất trước đây là pháo đài Phước Thắng (Phước Thắng Bảo), nơi mà quân dân Vũng Tàu nổ những phát súng kháng chiến đầu tiên vào hạm đội Pháp và Tây Ban Nha khi chúng tiến đánh Nam Kỳ, ngày 8 Tết Kỷ Mùi (10-2-1859). Biệt thự này xây xong năm 1896, là một kiến trúc đẹp nổi tiếng ở Vũng Tàu.

Trong vòng 50 năm, kể từ khi có những kiến nghị đầu tiên về việc xây dựng Vũng Tàu thành một nơi nghỉ mát tắm biển cho đến năm 1934, Vũng Tàu đã được xây dựng thành một trung tâm du lịch tắm biển với 48 biệt thự tư nhân, 11 biệt thự của địa ốc ngân hàng Nam kỳ, 22 biệt thự dành riêng cho sĩ quan và hàng chục khách sạn trong đó có những khách sạn nổi tiếng, như: Grand Hotel, Hostellerie du Cap St Jacques, Hotel Beauséjour. Một mạng lưới dịch vụ du lịch đã được hình thành thu hút đông đảo các nhân viên khách sạn, nhà hàng, vận tải du lịch và những đầu mối cung cấp lương thực, thực phẩm cho ngành du lịch.

Nhiều hãng du lịch quốc tế đã thuê những chuyến tàu biển chuyên chở khách du lịch tới Vũng Tàu tham quan, sau đó dùng xe hơi lên thành phố Sài Gòn được coi là “Hòn ngọc viễn Đông” thời đó. Tàu du lịch Franconie của hãng Cunard Line Co và tàu Resolute của Hambourg Line (Đức) thường lui tới Vũng Tàu chở theo từ 400 đến 500 du khách. Số công nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, du lịch có nghề nghiệp ổn định tới lập nghiệp ở Vũng Tàu ngày một nhiều (bồi bếp, lái xe, giặt là, quản gia ở các biệt thự …), cùng với những người làm nghề dịch vụ cho đám sĩ quan, binh lính Pháp trú đóng ở Vũng Tàu. Phố xá Vũng Tàu ngày càng đông đúc. Các tiệm tạp hóa bán sỉ và lẻ phát triển.

Khu đất phía trong Vịnh Hàng Dừa (Bãi Trước) được san lấp rồi chia thành từng lô khuôn theo những con đường được quy hoạch sẵn, đấu thầu để xây cất. Pháp kiều, Ấn kiều, Hoa kiều, những người Việt “ăn nên làm ra”, những chủ đồn điền cao su, chủ nhà băng trên Sài Gòn cũng kéo tới đây xây dựng nhà riêng, xây dựng khách sạn, nhà hàng đón khách nghỉ mát từ Sài Gòn xuống. Những khu phố đông đúc của Vũng Tàu dần dần hình thành: ba làng Thắng đã từng bước đô thị hóa.

Chợ Vũng Tàu hình thành từ những năm 1870 ở gần Cầu Đá, sau đó có thêm chợ Chiều gần Bãi Trước (cạnh Bộ Chỉ huy khu vực Vũng Tàu, tức Bureau de la Place, nay là Trung tâm Văn hoá thành phố Vũng Tàu). Năm 1897, chợ Vũng Tàu được xây dựng với hai dãy nhà lồng dành cho các sạp hàng hóa. Thương lái ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc cũng chở hàng vào đây bán.

Ngành dịch vụ ở Vũng Tàu thu hút đông đảo nông dân các làng Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam và dân chúng từ các làng thuộc tổng Cần Giờ. Đất nông nghiệp ở bán đảo Vũng Tàu không nhiều, đó là loại đất pha cát không thuận lợi cho việc trồng lúa. Nông dân không chỉ trông vào ruộng vườn để sống, họ phải làm thêm các dịch vụ du lịch, buôn bán nhỏ. Đó là điểm khác biệt giữa người nông dân Vũng Tàu với nông dân các tỉnh lân cận. Trong khoảng thời gian chưa đến 50 năm, từ một miền đất hoang sơ với ba làng nông – ngư nghiệp nhỏ với số dân vài trăm người, thành phố Vũng Tàu đã được xây dựng nên, đã trở thành một trại lính, một thành phố du lịch, một trung tâm hành chính. Quy mô và tốc độ đô thị hóa tại Vũng Tàu đã phản ánh rõ nét quy mô tập trung lực lượng lao động xây dựng, lao động dịch vụ ở đây.

Nguồn nhân lực chính để xây dựng thành phố Vũng Tàu là những phu mộ từ nông dân địa phương, của ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, của bốn làng thuộc tổng Cần Giờ, dân đến từ Bà Rịa, Biên Hòa và các tỉnh lân cận. Đó là những người nông dân lục tỉnh hay Trung Kỳ bị phá sản do chính sách cướp đất lập đồn điền của thực dân Pháp khi chúng bắt đầu khai thác Nam Kỳ. Bị mất trắng ruộng đất, vì mất mùa, đói kém, họ đã tìm đến Vũng Tàu sung vào đạo quân làm thuê trong các công trường xây dựng, lao động cực nhọc để kiếm sống. Tình cảnh của những người lao động này rất bi đát. Họ ở trong các lán trại dựng tạm ở ven Núi Lớn, Núi Nhỏ, gần những công trường khai thác đá, thường khi phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.

Không ít người dân đến Vũng Tàu là phu cao su do chủ Pháp mộ ở các nơi theo chế độ giao kèo, những hợp đồng mua bán không chỉ sức lao động mà cả thân phận người lao động. Không chịu được roi vọt của cai, xu (surveillant), nạn thiếu đói kinh niên, bệnh tật vì lao động quá sức chịu đựng trong các đồn điền mới thành lập ở vùng Biên Hòa, Bà Rịa, họ bỏ trốn ra Vũng Tàu tìm công ăn việc làm. Người ta đã ước tính: hồi đầu thế kỷ XX, dân Vũng Tàu chia thành 6 phần thì 2 phần là lính, 2 phần là phu, 1 phần là tù và 1 phần là dân thường. Chỉ riêng Sở pháo binh Vũng Tàu trong thời gian xây dựng trận địa pháo và các cơ sở của pháo binh, đã thường xuyên sử dụng tới hơn 600 công nhân xây dựng gồm các nghề mộc, nề, khuân vác. Đó là không kể những thợ lắp đặt, sửa chữa trọng pháo được thuê thẳng từ Pháp sang dưới hình thức hợp đồng.

Trong quá trình xây dựng thành phố Vũng Tàu, lao động tù nhân đã đóng một vai trò quan trọng. Thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX là “giai đoạn khó khăn” của nhà tù Côn Đảo. Nhà tù đòi hỏi một khoản chi phí lớn. Các địa phương trong đất liền hồi này cũng đều có trại giam và nơi nào cũng đang cần sức lao động khổ sai của tù nhân để xây dựng công thự, đường sá, cầu cống. Nhu cầu về sức lao động ở các thuộc địa khác của Pháp như Guyan, Nuven Calêđôni, Tahiti… đang rất cấp bách. Bộ Hải quân và thuộc địa hằng ngày kêu gào đòi nhân công để làm đường và khai mỏ ở các thuộc địa Pháp. Nghị định ngày 12-7-1891 của Toàn quyền Đông Dương Đờ Lanetxăng (De Lanes-san) qui định: “Các phạm nhân có án sẽ được đưa đi bất cứ nơi nào trong toàn xứ Đông Dương để dùng vào việc công ích”. Toàn quyền Đông Dương chỉ thị cho nhà tù Côn Đảo phải chuyển 200 tù nhân bằng tàu thủy Annamite ra Bắc Kỳ để làm con đường chiến lược Tiên Yên - Lạng Sơn. Tù Côn Đảo và khám lớn Sài Gòn cũng được đưa về xây dựng ở Vũng Tàu.

Vũng Tàu hồi cuối thế kỷ XIX không những là một trại lính quy mô mà còn là một nơi giam tù quan trọng. Nhà lao Vũng Tàu được mở rộng để có thể chứa được hơn ngàn tù nhân. Hằng ngày trung bình có từ 700 đến 800 tù nhân khổ sai có mặt để làm việc tại các công trường xây dựng. Dưới roi vọt của mã tà, gác dang, họ phải san nền, làm đường trên núi và quanh Núi Lớn, Núi Nhỏ, xây dựng các trận địa pháo bảo vệ bờ biển, xây dựng doanh trại cho binh lính, san lấp các khoảng trũng trong nội thị, dựng cầu tàu, làm đập chắn sóng biển, thu dọn vệ sinh đường phố, làm vệ sinh trong nhà thờ Thiên chúa giáo, các công sở… Tù nhân được huy động tham gia xây dựng nhiều công trình nhằm giảm bớt tiền thuê công thợ. Nhà tù là nơi cung cấp sức lao động thường xuyên trong quá trình đô thị hoá tại Vũng Tàu.

Cầu Đá ở bờ biển gần Bãi Trước (nay là khu vực bến tàu cánh ngầm) là một trong những công trình thu hút nhiều sức lao động khổ sai của tù nhân. Cầu Đá (còn gọi là Thạch Kiều) là một cái kè chắn sóng biển dài 2.000 mét thẳng góc với bờ biển. Vật liệu chính là đá hoa cương, khai thác tại các công trường rải rác hơn hai cây số, từ Bãi Trước đến Bãi Dứa. Những người tù khổ sai phải làm quần quật tại đây để phá núi, vận chuyển những tảng đá lớn lấp xuống biển, tạo nên một con đê chắn sóng từ bờ hướng ra khơi, bao quanh Bãi Trước. Do tính toán sai lầm, khúc đê càng dài ra thì cát biển lại càng tích tụ ở Bãi Trước khiến cho tàu bè từ Sài Gòn xuống không thể cập bến được. Công trình phải ngừng công trình lại vào năm 1901. Cầu tàu Bãi Trước được dời xuống Bến Đá (Thắng Nhì).

Vũng Tàu là một thành phố dịch vụ, du lịch, nhà máy điện, nhà máy nước được chú ý xây dựng sớm. Tháng 11 năm 1917 nhà máy điện Vũng Tàu bắt đầu phát điện với 4 tổ máy phát, chạy bằng củi, công suất tổng cộng chưa tới 500kwh. Cả công nhân vận hành máy và công nhân đường dây mới có 50 người. Tới năm 1930, có thêm một phân xưởng làm nước đá ngay trong nhà máy điện Vũng Tàu. Cơ sở này chỉ có hai hầm chứa, mỗi ngày sản xuất được 80 cây đá loại 20 kg mỗi cây. Nhà máy nước cũng khai trương cùng thời với nhà máy đèn, nước được bơm lên từ các giếng đóng (khu vực Ngã tư Giếng Nước) chủ yếu dùng để cung cấp cho các trại lính, khách sạn và các công sở, nhà ở của người Pháp.

Một cơ sở công nghiệp tập trung khá đông thợ có tay nghề là Sở Mộ. Đây là một binh công xưởng quy mô to lớn, do Sở Pháo binh quản lý. Sở Mộ là một bộ phận phụ của binh chủng pháo (tên tiếng Pháp là Annexe de l’Artillerie) có quan hệ nghiệp vụ với Hải quân công xưởng Ba Son ở Sài Gòn. Sở Mộ thường xuyên có 50 công nhân cơ khí các ngành tiện, điện, gò, nguội, cưa, mộc và một văn phòng. Xưởng này chuyên sửa chữa súng bộ binh, pháo binh hạng nặng và xưởng sửa chữa những phương tiện vận tải cơ giới. Sở Mộ còn được giao trách nhiệm quản lý các kho đạn của pháo binh. Những kho đạn này đặt trong những hầm rộng lớn, có đường hầm ăn thông với những địa pháo cỡ 240ly trên Núi Lớn, Núi Nhỏ. Đạn dược được chuyên chở tới vị trí xạ kích bằng những đường goòng đặt trong hầm ngầm, phục vụ cho toàn bộ hệ thống bảo vệ khu vực Vũng Tàu, Cần Giờ. Thợ thuyền ở Sở Mộ có tay nghề cao, một số được đào tạo ở trường thợ máy Á Châu tại Sài Gòn (Ecole des mécaniciens asiastiques de Saigon) đã từng làm việc tại sở Ba Son (Arsénal de Saigon), công nhân trong Sở Mộ làm việc theo quy chế nhà binh.

Quá trình đô thị hóa và xây dựng chính quyền thuộc địa đã thúc đẩy sự hình thành các tầng lớp công nhân và lao động dịch vụ ở đô thị. Thợ thuyền gồm các ngành nghề: thợ hồ, thợ cưa, thợ mộc, thợ điện, nước, cơ khí, sửa chữa, thợ rèn,… Lao động dịch vụ gồm: xe thổ mộ, phu gánh muối, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, buôn bán, may mặc, quản gia, lái xe,… Tiếp đó, quá trình khai thác thuộc địa lại hình thành một bộ phận công nhân cao su, là lực lượng công nhân tập trung, đông đảo nhất.

Công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp từ đầu thế kỷ XX đã hình thành đội ngũ công nhân cao su trên địa bàn Đông và Tây lộ 2 (nay thuộc huyện Châu Đức). Sau khi trồng thử nghiệm cây cao su trên đất Bình Dương rất hiệu quả, đem lại lãi suất không ngờ. Tư bản Pháp tăng ngân sách đầu tư, mở rộng các đồn điền trồng sao su ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Nhiều đồn điền cao su được thành lập ở Bình Ba, Xà Bang, Xuân Sơn, Cẩm Mỹ,… hình thành một bộ phận dân cư mới: công nhân cao su (thường gọi là dân contra - hợp đồng làm phu cho các chủ đồn điền), gốc ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình…). Các làng của công nhân cao su gắn với địa bàn các đồn điền ở Đông và Tây lộ 2.

Năm 1908, Công ty cao su Đông Dương (Société Indochinoie des plantations d’hévéas, tên gọi tắt là SIPH) đã thành lập Đồn điền GALLIA tại làng Bình Ba thuộc tổng Long Cơ (nay thuộc huyện Châu Đức). Đây là đồn điền cao su đầu tiên ở tỉnh Bà Rịa25. Khi đó, khu vực Đông và Tây lộ 2 là địa bàn sinh sống của đồng bào dân Châu Ro, sống rải rác trong các buôn làng thuộc 6 tổng của đồng bào dân tộc là Long Xương, Long Cơ, An Trạch, An Viễn, Tập Phước, Khánh Nhân khi sáp nhập lại thành ba tổng Long Xương, Long Cơ và An Trạch.




tải về 1.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương