LỊch sử phong trào công nhâN, viên chứC, lao đỘng và HỌat đỘng công đÒan bà RỊa vũng tàu giai đỌan 1930-2006


Thành lập tổ chức công đoàn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện, trường kỳ



tải về 1.88 Mb.
trang5/17
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.88 Mb.
#2068
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

3. Thành lập tổ chức công đoàn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện, trường kỳ.

Tình hình ở Bà Rịa, từ khi Đảng ta tuyên bố tự giải tán (11-1945) các đảng viên cộng sản không quán triệt đúng tinh thần của Đảng là rút vào hoạt động bí mật, dưới danh nghĩa Hội nghiên cứu Mácxít. Chi bộ mang tên Bà Rịa hình thành từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 sau khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công chưa có điều kiện củng cố, Tỉnh ủy và các Huyện ủy chưa kịp thành lập. Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản được thể hiện qua hoạt động của các cán bộ đảng viên trong chính quyền, lực lượng vũ trang và Mặt trận Việt Minh; các chủ trương, phương châm phương pháp công tác được hình thành thông qua từng hội nghị cán bộ.

Cuối năm 1946, đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), đại diện của Xứ ủy đã truyền đạt cho các đồng chí Trần Xuân Độ, Bùi Công Minh, Nguyễn Tấn Cách chỉ thị của Xứ ủy về việc phải xúc tiến việc thành lập lại Tỉnh ủy Bà Rịa. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Đông cũng tích cực chỉ đạo xúc tiến việc thành lập Tỉnh ủy Bà Rịa.

Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy và sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy, các đồng chí Trần Xuân Độ, Nguyễn Tấn Cách, Bùi Công Minh triệu tập hội nghị cán bộ Việt Minh trong tỉnh, tuyên bố thành lập Hội nghiên cứu Mácxít tỉnh vào tháng 1 năm 1947, với hơn 40 hội viên89, làm nhiệm vụ tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị điều kiện cần thiết để thành lập Đảng bộ. Trụ sở và cơ quan tuyên truyền, in ấn tài liệu của Hội nghiên cứu Mácxít tỉnh đóng tại xã Long Mỹ. Hội đã cử nhiều cán bộ xuống các xã để mở các lớp huấn luyện. Mỗi lớp huấn luyện ngắn hạn trong thời gian 3 ngày, vừa tuyên truyền vừa hướng dẫn điều lệ hội (dựa theo điều lệ Đảng). Cuốn Cộng sản sơ giải là tài liệu huấn luyện chính. Các đồng chí Trần Xuân Độ, Nguyễn Tấn Cách, Nguyễn Văn Phải đã trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện ở khu vực Long Điền, Đất Đỏ. Hội nghiên cứu Mácxit đã mở hàng chục lớp huấn luyện ở nhiều khu vực trong tỉnh, truyền bá rộng rãi Chủ nghĩa Mác - Lênin trong cán bộ và nhân dân.

Tháng 3 năm 1947, đồng chí Nguyễn Kế Hoa vừa học xong lớp cán bộ Liên Tỉnh ủy được Xứ ủy cử về tăng cường cho Bà Rịa với nhiệm vụ cùng các đảng viên trung kiên của tỉnh thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Để tiến tới Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời, từ cuối tháng 3 năm 1947, đồng chí Nguyễn Kế Hoa đã được Ủy nhiệm xét kết nạp lại và công nhận đảng viên chính thức. Tỉnh ủy Bà Rịa lâm thời được thành lập tháng 4 năm 1947 tại căn cứ Long Mỹ gồm các đồng chí Nguyễn Kế Hoa (Bí thư Tỉnh ủy lâm thời); Bùi Công Minh (Phó Bí thư) Võ Văn Thiết, Lê Công Cẩn, Hồ Sỹ Nam. Tỉnh ủy lâm thời đã quyết định một số chủ trương trước mắt: Tập trung phát triển Đảng, thành lập các chi bộ để tiến tới thành lập cấp Ủy ở các quận; phát triển và xây dựng tổ chức Đảng trong quân đội, chính quyền và các ban ngành của tỉnh; đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, nhất là đối với vùng cao su và vùng dân tộc ít người,... Công tác xây dựng Đảng ở Bà Rịa được đẩy mạnh. Trong năm 1947, các Quận ủy Long Điền, Đất Đỏ, Vũng Tàu, Cơ Trạch lần lượt được thành lập90.

Chi đội 16 phối hợp với đội tuyên truyền xung phong của tỉnh và tự vệ cao su tổ chức nhiều cuộc diệt ác và vũ trang tuyên truyền thu được kết quả tốt tại Bình Ba, Xà Bang91. Trong trận đánh đồn Xà Bang của Chi đội 16, các đồng chí Lâm Văn Võ, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh, Lâm Văn Sáu, Đội trưởng đội tuyên truyền xung phong, Võ Công Khẩn, Đội phó và cả đội tuyên truyền xung phong Đất Đỏ đều tham gia công đồn, thu vũ khí, trực tiếp vận động công nhân cao su Xà Bang. Đội tuyên truyền xung phong Đất Đỏ còn nhiều lần tham gia với Chi đội 16 đi củng cố cơ sở vùng sở Cao su, vận động công nhân phá hoại cơ sở điện nước, nhà cán mủ, và phá kho gạo phân phát cho dân.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ công đoàn, công nhân Bình Ba, Xà Bang tổ chức thành từng nhóm theo ca, kíp phá hoại kinh tế và giao thông của địch trên lộ 2. Ban ngày công nhân đi cạo mủ, ban đêm lại trở thành những chiến sĩ phá hoại kinh tế địch bằng nhiều hình thức như: đập chén mủ, phá kiềng, vạt vỏ cây cao su, thu kiềng, chén nhôm (hứng mủ) cho công binh xưởng làm nguyên liệu chế tạo vũ khí.

Quan tâm đến công tác vận động công nhân cao su và đồng bào dân tộc, Tỉnh ủy cử các đồng chí Bùi Công Minh, Nguyễn Thị Xuân Hồng thường xuyên đi về vùng cao su vận động quần chúng. Nhiều cán bộ cốt cán được tăng cường làm nhiệm vụ vận động công nhân cao su như Nguyễn Trọng Vĩ, Bùi Đình Kiểm (Sáu Bùi), Lê Minh Hà, anh Xuân (Xuân mắt kiếng)... Chi đội 16 được giao nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở, xây dựng khu căn cứ vừa tham gia vận động đồng bào dân tộc thiểu số vùng Cơ Trạch.

Tỉnh ủy quyết định thành lập tổ chức Công đoàn tỉnh, xây dựng lực lượng và tổ chức các đoàn thể cách mạng trong các xí nghiệp ở các đồn điền cao su, cà phê, đồng thời xây dựng cơ sở trong các đô thị tập họp lực lượng công nhân vùng bị địch tạm chiếm của địch. Hội nghị thành lập Công đoàn tỉnh Bà Rịa được tổ chức ngày 7-7 -1947 bầu ra Ban chấp hành do đồng chí Huỳnh Công Thức làm Thư ký. Đồng chí Nguyễn Lưu, cán bộ công đoàn Nam Bộ về chỉ đạo công đoàn Bà Rịa tập trung nhiệm vụ vào vận động công nhân cao su. Công đoàn Nam Bộ đã cử nhiều cán bộ về giúp đỡ tổ chức Công đoàn tỉnh Bà Rịa như các đồng chí Trần Việt Trung, Dương Vạn Hảo, Nguyễn Văn Danh, Nguyễn Tấn Tuyên, Nguyễn Văn Sở, góp phần tích cực với cán bộ của tỉnh vận động công nhân cao su. Dưới sự chỉ đạo của tổ chức Công đoàn, lực lượng công nhân, nhất là công nhân ở các đồn điền cao su mở nhiều cuộc đấu tranh đòi tăng lương, bớt giờ làm, chống hà hiếp đánh đập và đã giành nhiều thắng lợi.

Tỉnh ủy chỉ đạo kết hợp công tác dân vận với quân sự, vận động công nhân đấu tranh đòi tăng tiền lương, bớt giờ làm, chống bọn chủ tư bản bóc lột; vận động thanh niên đi bộ đội, đập chén đựng mủ, chặt cây cao su, làm cho bộ máy dần dần tê liệt, rút người ra. Hàng ngàn công nhân cao su đã lần lượt ra căn cứ kháng chiến, trở thành người làm chủ, đóng góp đắc lực vào phong trào cách mạng của tỉnh. Bên cạnh nhiệm vụ vận động công nhân, Tỉnh ủy còn giao cho công đoàn phụ trách anh em trí thức cách mạng. Công đoàn tỉnh mở nhiều lớp huấn luyện cho công nhân và trí thức theo tài liệu hướng dẫn của Công đoàn Nam Bộ.

Các tổ chức Công đoàn đã bí mật vận động hàng nghìn công nhân trẻ đi tòng quân, phục vụ chiến đấu, xây dựng mạng lưới thông tin mật cho quân đội ta, tổ chức phá cao su địch bằng nhiều hình thức, cung cấp các loại máy móc dụng cụ, nguyên liệu cho xưởng quân giới cho ta. Nhiều thanh niên chưa có điều kiện tòng quân được giao nhiệm vụ bí mật trinh sát, nắm tin tức địch cho bộ đội ta diệt địch. Các đồng chí Nguyễn Văn Danh, Nguyễn Văn Sở (cán bộ công đoàn tăng cường) đã đi sâu vào nắm ở các sở cao su, vận động được nhiều công nhân có nguồn gốc xuất thân khác nhau sau này tham gia kháng chiến Bà Rịa đã trở thành cán bộ lãnh đạo của tỉnh như các đồng chí Nguyễn Trọng Vỹ, Bùi Đình Kiểm, Lê Minh Nguyện, anh Xuân... Công đoàn các sở cao su Xà Bang, Bình Ba, Cây Táo, Cù Bị, Cuộctơnay phát động nhiều phong trào đấu tranh dân sinh dân chủ, phá hoại cao su, rút dần người, của, gây cho bọn tư bản Pháp thất thu nghiêm trọng, làm thất bại âm mưu ”lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp.

Cuối tháng 7 năm 1947, xã Long Phước được giải phóng. Trên hướng lộ 15 (thuộc huyện Vũng Tàu), đoạn đường từ Phước Thái đi Bà Rịa bị cắt đứt từ tháng 9 năm 1947. Vùng Phú Mỹ, Hắt Dịch hoàn toàn do lực lượng kháng chiến kiểm soát. Phong trào phá hoại cao su ở khu vực lộ 2 phát triển mạnh.

Nhằm đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở các đô thị, Tỉnh ủy tăng cường cán bộ về phát triển Đảng và củng cố bộ máy kháng chiến ở quận Vũng Tàu. Quận Vũng Tàu gồm thị xã Cấp và các xã: Phú Mỹ, Hắc Dịch, Phước Hòa, Long Xuân, Long Hương, Thạnh An, Hội Bài, Bàn Thạch, Rạch Nghệ, Cây Cốc, Sơn Hòa, Sơn Hiệp, Sơn Long, Sơn Hội. Bộ máy chính quyền và cơ quan chỉ huy lực lượng vũ trang đều đóng ở căn cứ Sơn Long (Long Sơn) đây cũng là căn cứ xuất kích của lực lượng vũ trang, lực lượng công an quận. Ngoài lực lượng công an quận, tỉnh còn tăng cường thêm đội trinh sát số 51 (có 12 đội viên), một trung đội Công an xung phong gồm 30 đội viên, được trang bị khá đầy đủ. Phối hợp với lực lượng công an Vũng Tàu còn có một số tổ trinh sát phụ trách công tác chống địch thâm nhập và phá hoại nội bộ ta.

Tháng 5 năm 1947, Quốc Vệ đội phục kích đánh địch tại Bến Đá, giải phóng Bà Trao – Núi Nứa (Long Sơn), xây dựng vùng căn cứ của quận Vũng Tàu, mở địa bàn cho vùng căn cứ khu tây của tỉnh. Quân và dân Vũng Tàu đã góp phần cùng Chi đội 7 xây dựng Binh công xưởng tại căn cứ khu Tây. Công nhân Binh công xưởng không những đã sửa chữa được các loại súng mà đã sản xuất được cả đạn và lựu đạn. Những người thợ sửa chữa súng đạn trong Sở Mộ cũ của Vũng Tàu đã có những đóng góp đáng kể, bởi vì đó là công việc mà họ đã làm thành thạo nhiều năm ròng, có kinh nghiệm. Chất lượng vũ khí ngày một tốt hơn. Trước kia, để có đủ đạn dùng, công nhân của ta phải dùng vỏ đạn cũ rồi nhồi thuốc, lắp kíp mới, đạn thường hay điếc, dùng để bắn trung liên hay bị tắc, hóc. Nay số lượng đạn kém đã bớt đi nhiều, lựu đạn đảm bảo an toàn trong bảo quản lại có sức sát thương lớn khi sử dụng. Công binh xưởng đã chế tạo được mìn lõm (Bazomine) có khả năng phá chiến xa hay xe bọc thép, sức công phá trước yếu, sau mạnh dần, do anh em công nhân luôn bám sát chiến sĩ sử dụng trong chiến đấu để cải tiến vũ khí.

Tổ quân báo Vũng Tàu phát triển được 2 tiểu đội, đổi tên là Ban hành động Cấp, lập căn cứ tại Khu vực 8 (Cửa Lấp), đồng thời tiếp tục duy trì khu vực đệm ở Rừng Sác - Bến Đình, vừa đánh địch, diệt ác, trừ gian, vừa vận động đồng bào nội thị đóng góp cho kháng chiến. Nhờ sự giúp đỡ tích cực của các cơ sở như anh Giao, anh Tiên, anh Vực, anh Nhiễu, anh Bộ, gia đình ông Năm Tạc, gia đình ông Tám cùng trên một trăm dân công vùng Bà Trao - Núi Nứa, trong vòng hơn một tháng, Ban hành động Cấp (Bộ đội 102) Công binh xưởng Chi đội 16 đã tổ chức đột kích kho thủy lôi, vận chuyển được 32 trái thủy lôi (mỗi trái 80 ký lô) từ Núi Lớn qua Bến Đình về công binh xưởng. Đó là nguồn thuốc nổ và nguyên liệu quan trọng để công binh xưởng chế tạo ra hàng ngàn trái lựu đạn, hàng trăm trái mìn F.T phá chiến thuật tháp canh De Latour và hàng chục trái thủy lôi hạng nặng cho các đơn vị Đặc công Rừng Sác đánh tàu trên sông Lòng Tàu.

Chi đội 16 đã xây dựng được Xưởng quân giới tại Lộc An để sản xuất các loại vũ khí đơn giản cho phong trào du kích chiến tranh các xã và phục vụ đạn dược cho Chi đội liên tục chiến đấu. Giám đốc công xưởng Chi đội 16 đầu tiên là đồng chí Trần Công Bá92, Chính trị viên là đồng chí Trần Dự. Chi đội chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ về quân sự trong việc tổ chức chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, giáo dục nội dung công tác chính trị tư tưởng và công tác tổ chức trong quân đội, tập trung ở cấp đại đội và trung đội.

Để củng cố hệ thống công đoàn ở các huyện, đồng chí Huỳnh Công Thức đã cử đồng chí Dậu và đồng chí Dương Vạn Hảo (cán bộ công đoàn tăng cường) về Vũng Tàu xây dựng tổ chức công đoàn huyện Vũng Tàu. Công đoàn huyện Vũng Tàu được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Bộ (Sáu Bộ), quê ở Bà Trao (Long Sơn) làm Thư ký, đồng chí Dương Vạn Hảo là Phó thư ký.

Cuối năm 1947, Đội tuyên truyền xung phong được cải tổ lại, bộ phận vũ trang nhập với số quân của đồng chí Nguyễn Văn Kim (Ba Giảo) thành du kích liên xã, bộ phận tuyên truyền ở lại Ty Thông tin93. Đoàn văn công mang tên “Lửa Sống” do Ty Thông tin thành lập gồm trên 20 cán bộ, diễn viên do đồng chí Nguyễn Văn Mạnh làm Trưởng đoàn, đồng chí Trương Văn Năm, Chính trị viên kiêm Phó đoàn, tổ chức lưu diễn ở nhiều xã trong tỉnh. Nội dung hướng vào việc vận động thanh niên tòng quân giết giặc; cổ động phong trào bình dân học vụ để diệt giặc dốt; động viên tăng gia sản xuất nuôi quân, ủng hộ kháng chiến; xây dựng cuộc sống mới; giữ vững mối tình cá nước quan hệ quân dân; chống địch xuyên tạc chia rẽ Bắc Nam. Ngoài nhiệm vụ biểu diễn ca, múa, nhạc, kịch, thơ, đoàn còn làm nhiệm vụ dân vận trong quần chúng như tổ chức thực hiện nếp sống mới, tuyên truyền vệ sinh, giúp nông dân nghèo sửa sang xây dựng nhà cửa, phát thuốc chữa bệnh, hớt tóc trẻ em. Cán bộ diễn viên của đoàn vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ, được trang bị súng, lựu đạn, khi có giặc đến càn quét là tham gia giết giặc cùng với du kích, đồng bào94.

Cuối 1947, Ty Thông tin tuyên truyền Bà Rịa thành lập nhà in, ban đầu có hơn 10 cán bộ công nhân dưới sự chỉ đạo của Trưởng ty Hồ Sĩ Hành. Vừa công tác vừa chiến đấu chống càn quét của địch, Nhà in ngày càng phát triển, từ in bột, in xu xoa, đã tiến tới in ronéo, in lito và chữ chì, hoàn chỉnh. Trong một chuyến đi công tác, công nhân nhà in Phạm Kim Điện quê Đất Đỏ bị địch bắt, địch tra tấn dã man nhưng đồng chí kiên cường không khai báo. Thực dân Pháp đã bắn chết Phạm Kim Điện tại cánh đồng Long Hòa vì chúng đã không khuất phục được đồng chí. Tưởng nhớ người công nhân kiên cường bất khuất, Ty Thông tin tuyên truyền lấy tên đồng chí Phạm Kim Điện đặt tên cho nhà in.

Thực dân Pháp tăng cường lực lượng bảo vệ lộ 2, con đường bộ duy nhất để tiếp tế cho Bà Rịa và Vũng Tàu kể từ khi lộ 15 bị cắt đứt. Kể từ cuối năm 1947, địch càn quét nhiều lần, đánh phá, bắn giết dã man làng Bình Giã, một số lớn đồng bào xã Bình Giã phải dời làng về xã Quảng Giao, có một số trở về quê Long Phước, Hòa Long, Bà Rịa, làng Bình Giã không còn dân. Trận càn giữa năm 1948, giặc đốt phá toàn bộ hoa màu của làng Quảng Giao, bắt 13 phụ nữ đem về giam giữ ở Chi khu Bình Ba, làm nhục cho đến chết. Bắt được cán bộ Việt Minh, chúng chặt đầu cắm cọc phơi nắng để uy hiếp tinh thần nhân dân ta. Nhân dân Quảng Giao rút vào rừng, xây dựng làng kháng chiến. Đường vào làng đều đặt hầm chông, mìn, tên tẩm thuốc độc sẵn sàng đánh địch. Sau nhiều trận càn với qui mô ngày càng gia tăng của thực dân Pháp, đồng bào dân tộc Châu Ro và nhân dân Quảng Giao cùng công nhân sở Xuân Sơn được cán bộ hướng dẫn vượt Sông Ray xây dựng làng mới, góp phần củng cố căn cứ địa cách mạng. Chính quyền cách mạng xã Quảng Giao ở vùng căn cứ được thành lập gồm: Nguyễn Đình Dương, Chủ tịch xã; Nguyễn Văn Sang, Phó Chủ tịch; Nguyễn Văn Tỵ, Thư ký; Quang Phúc Cự, ủy viên quân sự, Xã Đội trưởng.

Lực lượng công nhân cao su tản cư về Bàu Lâm đã tham gia xây dựng công binh xưởng của tỉnh, sản xuất đạn và mìn phục vụ đánh địch; tham gia xây dựng kinh tế kháng chiến, phát triển các nghề thủ công như rèn xẻng, cuốc, dao, dệt vải, nghề mộc, xẻ gỗ đóng và sửa xe bò, đánh cá, nghề đan lát thúng, rổ, dần, sàng, nia; vận động dân tăng gia đẩy mạnh sản xuất trồng bắp, khoai mì, tỉa lúa và khoai lang sản xuất (ở Xuyên Mộc, Bưng Riềng, Bầu Lâm). Các đơn vị bộ đội, cơ quan thì lập các ban sản xuất để tự túc một phần lương thực

Trong vùng tạm chiếm, các đoàn thể kháng chiến đều bám làng, củng cố lại dân quân, gây dựng lại các đoàn thể, huy động dân công đào quốc lộ, phá cầu, cống, vừa ngăn việc lấn chiếm của địch vừa gây trở ngại về giao lưu kinh tế. Ở các đô thị Vũng Tàu, Bà Rịa, lực lượng kháng chiến xây dựng cơ sở trong nhà thương, nhà hàng, chị em buôn bán, vận động đồng bào đấu tranh chống thuế cao, bãi thị. Ở đồn điền cao su xây dựng cơ sở trong các gia đình công nhân còn ở lại sở.

Được sự giúp đỡ của các cơ sở trong công nhân và lao động Vũng Tàu, các lực lượng vũ trang thị xã Cấp bám chắc địa bàn, đẩy mạnh diệt ác, trừ gian. Biệt động đội thường xuyên bám trụ tại khu vực quanh Núi Lớn, Bến Đình đánh địch. Tháng 2 năm 1948, phát triển lên 4 tiểu đội, lấy tên là Ban hành động Cấp (Bộ đội 7). Ban quân báo tỉnh tăng cường đồng chí Châu Thái Hùng về làm Chỉ huy trưởng với nhiệm vụ diệt ác phá kềm, xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang. Nhiều chiến sỹ Ban hành động Cấp đã không ngại hy sinh gian khổ, bám chắc địa bàn cơ sở, tổ chức được nhiều nội tuyến trong các đồn Bến Đình, Thắng Tam, Nhà máy nước, phục vụ hiệu quả các trận đánh95.

Nhiều trận đánh ở Vũng Tàu có tiếng vang lớn như trận tiến công đồn Thắng Tam giữa ban ngày (10-2-1948), diệt 6 tên giặc, thu 30 khẩu súng cùng nhiều đạn dược, vũ khí, trang bị. Bốn cơ sở nội ứng lấy súng của địch lên chiến khu theo kháng chiến. Trong vòng chưa đầy bốn tháng, Ban hành động Cấp đã kết hợp nội tuyến đánh thắng bốn trận, diệt bốn đồn: Đồn Bến Đình (Thắng Nhì, cấp trung đội), đồn Nhà máy nước (đánh lần thứ nhất, cấp đại đội), đồn Thắng Tam (đánh ban ngày, cấp trung đội), đồn Nhà máy nước (đánh lần thứ hai, cấp đại đội, diệt đồn, thu 150 súng, có 4 trung liên F.M). Các trận đánh ở Vũng Tàu thường có sự phối hợp giữa Ban hành động Cấp và Công an xung phong, Đội trinh sát 51 và lực lượng của thị đội Cấp.

Từ giữa năm 1948, theo chỉ đạo của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Ủy ban Hành chính các cấp đều đổi thành Ủy ban Kháng chiến Hành chính. Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, huyện và các ban ngành đã được củng cố, kể cả vùng bị địch tạm chiếm. Ngay tại tỉnh lỵ Bà Rịa, Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Phước Lễ đã được thành lập, ông Đạt là Chủ tịch, ông Hoàng Sơn Hải là Phó Chủ tịch, anh Tình là Thư ký. Xóm Lưới, Xóm Chùa, Xóm Cát (Phước Lễ) và Long Hương cơ sở đều có nhiều cơ sở cách mạng, là bàn đạp thuận lợi cho các lực lượng vũ trang đột nhập thị xã đánh địch. Quân báo tỉnh có một tiểu đội thường xuyên đóng ở Xóm Cát, đột nhập vào hoạt động. Chi bộ Đảng đầu tiên của Phước Lễ được thành lập ở Xóm Lưới, cả xóm là đồng bào theo đạo Thiên chúa.

Theo chủ trương của Tỉnh ủy, căn cứ địa cách mạng từ Xuyên Mộc, Phước Bửu, Lộc An tiếp tục được mở rộng về hướng Cơ Trạch. Cuối năm 1948, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh quyết định giải thể quận Cơ Trạch và thành lập xã Cơ Trạch bao gồm các làng Bàu Lâm, Ba Mẫu, Thừa Tích và Quảng Giao. Xã Cơ Trạch lúc đó khá rộng, bao gồm địa giới các xã Bàu Lâm, Thanh Toá, Ba Mẫu, Thừa Tích, Vũng Hầm, giáp với xã Xuyên Mộc và xã Phước Bửu96. Căn cứ địa cách mạng của tỉnh ở Khu Đông được mang tên Chiến khu Xuyên Phước Cơ.

Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Trung đoàn 307 tổ chức đánh đồn Xà Bang nhằm rút lực lượng công nhân cao su tham gia kháng chiến. Đồng chí Nguyễn Văn Danh, cán bộ được Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ tăng cường về trước đó đã xây dựng được nhiều cơ sở trong công nhân cao su, nắm vững tình hình quân số, vũ khí trang bị của địch. Khi tiếng súng lệnh vừa nổ, đồng thời với mũi tiến công của bộ đội, các gia đình công nhân trong sở đốt toàn bộ nhà xưởng. Hơn 500 gia đình công nhân trong sở đã chuẩn bị sẵn phương tiện xe bò và gồng gánh, được bộ đội bảo vệ đưa ra vùng căn cứ kháng chiến. Đây là một thắng lợi lớn không chỉ về mặt quân sự mà còn bổ sung một nguồn nhân lực đáng tin cậy về chính trị, góp phần phá vỡ âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh của địch. Một phần lớn thanh niên công nhân Xà Bang đã tham gia lực lượng vũ trang. Nhiều người lớn tuổi, có tay nghề cũng xin vào quân giới. Số còn lại tham gia các đội phá hoại cao su.

Tháng 10 năm 1948, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa được tổ chức tại sở Năm Bào (Xuyên Mộc)97. Đại hội chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đảng; củng cố các đoàn thể quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch bảo vệ căn cứ; xây dựng cơ sở trong vùng địch, vận động các tầng lớp nhân dân phối hợp phá tề, trừ gian diệt ác, nơi nào có điều kiện thì nắm tề mà hạn chế chúng.

Tỉnh ủy chủ trương tiếp tục rút dân ra khu căn cứ kháng chiến. Cuối năm 1948, đại đội 3567 do Lê Quang Chế chỉ huy phối hợp cùng Đội Vũ trang Tuyên truyền Cơ Trạch do Cao Sơn chỉ huy cùng nhiều cán bộ công đoàn cao su đột nhập làng Bình Ba. Trong khi bộ đội vây đồn địch, cán bộ ta phát động công nhân “tiêu thổ”, thoát ly vào khu kháng chiến. Gần 50% thanh niên công nhân và nhân dân Bình Ba theo lời kêu gọi của cách mạng đã tự phóng hỏa đốt nhà, thu gom đồ đạc về căn cứ Xuyên Phước Cơ. Theo báo cáo của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bà Rịa, cuối năm 1948, Liên hiệp Công đoàn tỉnh đã có 5.843 đoàn viên, trong đó có 2.000 đoàn viên ở khu nô lệ (tức vùng bị tạm chiếm). Báo cáo đánh giá về đội ngũ công nhân, lao động là “tinh thần khá hơn các giới khác, sinh hoạt đều, phần đông tham gia đắc lực vào những công tác kháng chiến,… Gia nhập dân quân 2.212 người, có 3.307 người biết chữ98.

Tỉnh ủy chủ trương tăng cường công tác dân vận và thiểu số vận, tập hợp đồng bào dân tộc vào tổ chức cách mạng. Ban Thiểu số vận được thành lập, có vũ trang tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động này trên khu vực lộ 23 và bắc lộ số 2. Toàn tỉnh Bà Rịa có 3.750 đồng bào người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Châu Ro, trong số này có 3.454 người đã ra vùng căn cứ, tham gia các tổ chức, đoàn thể kháng chiến. Phần lớn đồng bào các dân tộc tập trung ở quận Cơ Trạch, đại đa số rất trung thành, hăng hái tham gia kháng chiến. Ông Tòng Chí Ngọ được cử làm Phó Phòng Quốc dân Thiểu số. Ông là người dân tộc Châu Ro, ở xã Bàu Lâm, là giáo viên tiểu học thời Pháp, rất có uy tín với đồng bào dân tộc. Phòng Quốc dân Thiểu số là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh thực hiện chính sách đối với đồng bào các dân tộc.

Đồng bào người Hoa phần lớn sống trong vùng bị địch tạm chiếm. Một bộ phận sống trung lập, nhưng vì sinh kế, gắn quyền lợi kinh tế và thân thiện với Pháp, còn một bộ phận bí mật ủng hộ kháng chiến về mặt tài chính. Kiều dân Ấn Độ không đông, chỉ có khoảng 10 người sinh sống ở Vũng Tàu. Trong vùng căn cứ có 3 phụ nữ Ấn lai Việt rất trung thành với Chính phủ kháng chiến, một chị tham gia trong đoàn thể Phụ nữ cứu quốc, một chị gia nhập vào dân quân du kích và đã lập được nhiều chiến công, một chị làm cứu thương. Bà Năm Mụ ở Vũng Tàu có chồng người Ấn cũng là một cơ sở cách mạng trung kiên. Bà động viên người con trai duy nhất, anh Mustapha Nguyễn Văn Ba vào đơn vị biệt động Vũng Tàu, chiến đấu rất dũng cảm, lập được nhiều chiến công.

Hưởng ứng phong trào phá hoại kinh tế địch do Liên hiệp Công đoàn tỉnh phát động, công nhân cao su ở các sở ven lộ 2 đã đốt hàng ngàn héc ta cao su và đưa cả gia đình vào Cơ Trạch xây dựng căn cứ địa cách mạng. Nhiều nhà tư sản và bà con buôn bán ở Vũng Tàu thường xuyên đóng góp tiền bạc cho kháng chiến. Trong ngày lễ “Thương binh và Vệ quốc đoàn” năm 1948, đồng bào ở căn cứ cũng như vùng bị địch tạm chiếm tích cực ủng hộ, quyên góp được 40.000 đồng99.

Các hoạt động văn hóa, giáo dục, thông tin tuyên truyền trong tỉnh đều đạt được những tiến bộ đáng kể. Theo báo cáo chu niên năm 1948 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Ty Giáo dục chú trọng cả hai hệ Tiểu học và Bình dân học vụ. Tính đến tháng 10 năm 1948, Tiểu học vụ tổ chức được 20 lớp tư, 3 lớp ba với 690 học sinh, trong đó có 346 học sinh nữ. Bình dân học vụ có 1.645 học viên với 78 giáo viên và cán bộ kiêm nhiệm. Về Y tế, tỉnh có một Quân y viện Trung đoàn 307, ba quân y xá, hai dân y xá và chín trạm cứu thương. Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh có nhiều cố gắng, thông tin kịp thời và tuyên truyền rộng rãi những chủ trương, chính sách của Đảng và của Chính phủ kháng chiến đến cán bộ chiến sĩ và đồng bào.100.

Tại hai thị xã Cấp và Bà Rịa, lực lượng võ trang của tỉnh đã tổ chức bí mật lực lượng biệt động và công an xung phong. Các đội biệt động thường đánh địch, vũ trang tuyên truyền tại các thị xã Bà Rịa, Cấp, thị trấn Long Điền, Đất Đỏ. Trong năm 1948, nhiều lần lực lượng vũ trang của ta đã đánh vào thị xã Vũng Tàu. 8 giờ sáng ngày 10-2-1948 lực lượng vũ trang của ta đánh thẳng vào bốt Thắng Tam, diệt 6 tên, thu 30 súng mousqueton, hàng trăm lựu đạn. Trận này ta thắng nhờ có cơ sở quần chúng cách mạng làm nội ứng bên trong và được nhân dân lao động che chở bảo vệ chỗ ém quân, bảo vệ rút lui sau trận đánh. Ít ngày sau, Ban hành động Cấp lại mưu trí dũng cảm đột nhập vào bót Bến Đình, diệt nhiều địch và rút lui an toàn. Đêm 13 tháng 9 năm 1948, Ban hành động Cấp đã bí mật cùng cơ sở nội tuyến dùng lựu đạn phá hủy hai khẩu pháo lớn trên tuyến phòng thủ bờ biển của địch tại Núi Lớn, Vũng Tàu.

Đồn lính bảo an đóng ở Ngã tư Giếng Nước, kiểm soát chặt chẽ đầu mối giao thông giữa Vũng Tàu và căn cứ địa kháng chiến. Lực lượng công an và bộ đội địa phương đã tấn công diệt địch, thu vũ khí hai lần. Lần đầu năm 1948 ta diệt 5 tên giặc, thu 2 súng trường và 1 súng ngắn. Lần thứ hai vào cuối năm, ta diệt 34 tên, bắn bị thương 10 tên, thu 12 súng mousqueton và 80 quả lựu đạn, lần này kết quả lớn vì ta đã xây dựng được cơ sở làm nội ứng trong hàng ngũ địch.

Tháng 11 năm 1948, đoàn cán bộ của tỉnh Bà Rịa gồm các đồng chí Vũ Tấn, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Đặng Văn Thiên, Trưởng Ty Công an tỉnh Bà Rịa về Nam Bộ công tác trên một chiếc ghe buôn muối. Ra đến cửa biển, đoàn cán bộ bị tàu thương chánh ở Cấp bắt. Tên chủ sự người Pháp đã quyết định tịch thu ghe và toàn bộ tài sản, đồng thời phạt 10.000 đồng. Đồng chí Đặng Văn Thiên nhận chở muối thuê cho một ông chủ ở Sài Gòn, đề nghị với chúng cho về Sài Gòn báo với chủ xuống nộp phạt và lãnh người bị bắt ra. Trong thời gian chờ thu gom đủ tiền, đồng chí Vũ Tấn và đoàn cán bộ của tỉnh vẫn bị giam ở khám Vũng Tàu, hàng ngày Sở Thương chánh lãnh ra đi làm xâu, khuân vác muối trên tàu ở Bãi Trước. Trong một chuyến làm xâu, đồng chí Vũ Tấn đã trực tiếp liên hệ được với đồng chí Dương Văn Hai (tức Thanh Phong), một cơ sở là ngư dân chuyên chài lưới ở khu vực Bãi Trước. Dương Văn Hai nhanh trí giải thoát được đồng chí Vũ Tấn, đưa về căn cứ khu vực 8, từ đó về căn cứ của tỉnh ở Lộc An. Những cán bộ và chủ ghe còn lại được Công an huyện Vũng Tàu giải thoát, nhờ ông Hội đồng Hoằng, cơ sở ở Vũng Tàu giúp đỡ về tài chính. Một cơ sở trong cảnh sát ngụy ở Vũng Tàu đã khéo léo ém vụ việc trong phạm vi một vụ buôn lậu muối, đảm bảo an toàn cho cả đoàn cán bộ ta suốt thời gian bị giam ở khám Vũng Tàu, cho đến khi được thả.

Thắng Nhì là một đầu cầu tập kết các lực lượng vũ trang từ Bà Trao - Núi Nứa vào hoạt động nội ô. Đồng bào Thắng Nhì đã hết lòng nuôi dấu cán bộ, bộ đội, đóng góp lương thực, thuốc men tiếp tế cho khu căn cứ Núi Nứa, đưa đón cán bộ, bộ đội vượt sông an toàn trước và sau các trận đánh. Nhiều người trực tiếp làm giao liên như anh Tư, anh Chà, ông Mười Vàng, ông Chì, ông Bảy Nhựt. Gia đình như nhà bà Hồ Thị Khuyên (tức má Tám Nhung ở Bến Đình), gia đình ông Ba (Xóm Mới), anh Hai Chiểu, chị Ba chủ tiệm thuốc Tây Hắc Hổ (Thắng Nhì)... là những cơ sở nòng cốt, góp nhiều công của cho cách mạng.

Được sự giúp đỡ của các công nhân phục vụ tại Sở Hoa tiêu, lực lượng vũ trang Vũng Tàu đã đoạt chiếc tàu kéo mà địch mới đưa từ cảng Mácxây sang để làm nhiệm vụ dẫn đường cho các tàu quân sự địch vào ra cảng Sài gòn. Trận đánh diễn ra vào đêm Noel, 24-12-1948, trong khi bọn Pháp đang say sưa ăn mừng đêm Giáng sinh. Lực lượng ta chia làm 2 toán, một toán bố trí áp sát trạm Hoa tiêu, nơi bọn Pháp đang phè phỡn ăn nhậu, sẵn sàng nổ súng yểm trợ cho toán thứ hai đột nhập lên tàu. Một thủ thủy là người của ta cài vào, đến giờ quy định cho tàu nổ máy hướng thẳng ra khơi chạy hết tốc độ, trên tàu tắt hết đèn. Bọn địch phát tín hiệu bắt chiếc tàu kéo quay trở lại. Nhưng chậm mất rồi, chiếc tàu hoa tiêu nhằm hướng Bà Trao chạy tới và khoảng 12 giờ đêm đã cập bến Ông Lữ an toàn.

Với phương châm quân sự hóa ngành giao thông liên lạc, theo chỉ thị của quân Khu 7, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh đã chỉ đạo Ty Giao thông liên lạc sáp nhập 2 ngành giao thông liên lạc của quân sự và hành chính tỉnh. Biên chế tổ chức ngành giao thông liên lạc theo kiểu quân sự hóa, các đơn vị trực thuộc như đội giao thông, đội liên lạc hỏa tốc đều có trang bị vũ khí. Đường liên tỉnh từ trạm giáp với Bình Thuận đặt ở Bến Lội (Bình Châu) đi qua Bà Tô là tổng phát hành, lên trạm Long Tân qua lộ số 2, có trạm phụ ở xã Cộng Hòa (Hòa Long), trạm kế tiếp sau Núi Dinh, giáp cánh đồng Châu Pha sau đó lên trạm trung tâm ở Phú Mỹ về Chiến khu Đ101.

Tháng 4 năm 1949, Tỉnh đội dân quân tổ chức một lực lượng đặc biệt: Dân quân liên lạc xung phong. Một phần lớn các đội viên Dân quân liên lạc xung phong là các em thiếu sinh nam nữ. Mưu trí và gan dạ, các đội viên Dân quân liên lạc xung phong đã mở nhiều đường dây đặc biệt xuyên qua hệ thống đồn bót dày đặc và mạng lưới kiểm soát trong vùng bị địch tạm chiếm, tổ chức hiệu quả nhiều đường dây liên lạc từ căn cứ vào vùng bị địch tạm chiếm và nội thành.

Cuối tháng 4-1949 lực lượng vũ trang thị xã Cấp táo bạo đột nhập bệnh viện Vũng Tàu giữa ban ngày lấy được nhiều loại thuốc và dụng cụ y tế cung cấp cho quân y viện của tỉnh, phục vụ điều trị thương bệnh binh. Trận đánh này ta giành được thắng lợi là do cơ sở bên trong, công nhân viên chức nhà thương đã cung cấp tình hình cho lực lượng vũ trang, tổ chức nhiều em nhỏ chơi trước nhà thương để báo cáo tình hình cho ta đột nhập, thu thập dụng cụ y tế và thuốc chữa bệnh rồi rút lui an toàn.

Ngày 5-5-1949, lực lượng vũ trang thị xã Cấp tấn công bót Bến Đình và đồn Nhà máy nước. Trong các trận này, nhân dân lao động, công nhân Nhà máy nước và những cơ sở của ta trong hàng ngũ địch đã cung cấp tình hình và phối hợp hành động với quân ta, thu được một số vũ khí, đạn dược và lôi kéo được một số binh lính ngụy đi theo cách mạng. Chị Hai bán lòng bò ở Thắng Nhì là một cơ sở phục vụ đắc lực cho lực lượng vũ trang của ta trong trận đánh bót Bến Đình. Công an và Biệt động đội Vũng Tàu đã xây dựng được hàng chục cơ sở trong các cơ quan địch như tòa bố, lính mã tà, lính mật thám, nhân viên làm trong các kho quân lương, quân nhu của Pháp, trường thiếu sinh quân ngụy. Nhờ vậy mà ta nắm chắc mọi hoạt động của địch, diệt nhiều tên tề ngụy ác ôn, mở rộng địa bàn hoạt động của lực lượng kháng chiến. Lực lượng kháng chiến làm chủ khu vực xóm Vườn, xóm Rẫy (xã Thắng Tam) từ 15 giờ tới sáng, làm chủ hoàn toàn ban đêm tại khu vực khóm Lưới (Thắng Tam), xóm Rẫy (Thắng Nhì), tạo điều kiện cho công cuộc xây dựng chính quyền, xây dựng địa bàn hoạt động cho lực lượng kháng chiến.

Các tầng lớp nhân dân thị xã Vũng Tàu đã hỗ trợ cho công an, biệt động đội đột nhập kho đạn trên Núi Lớn lấy thủy lôi, thuốc đạn và những nguyên vật liệu khác chuyển ra căn cứ, cung cấp cho các công binh xưởng của tỉnh, của quân Khu 7, của các ban quân giới trung đoàn địa phương. Một số lượng lớn thuốc nổ và vỏ trái phá lấy được ở đây đã được công nhân ngành quân giới kháng chiến dùng làm thuốc nhồi lựu đạn, chế ra các loại thủ pháo, bộc phá, dùng trong các trận công đồn. Các xưởng quân giới đã chế tạo thủ pháo Bazoomine với khối thuốc nhồi lõm hình nón để đánh cơ giới, loại thủ pháo PT đặc chế để phá thủng tường các tháp canh, các trái Pêta (PT) đủ cỡ có sức công phá mạnh. Với những vũ khí lợi hại đó, ta đã sáng tạo kỹ thuật đặc công làm phá sản chiến thuật tháp canh của địch trên chiến trường Biên Hòa, Bà Rịa. Bom, mìn, địa lôi, thủ pháo tự tạo của ta được sử dụng rộng rãi trong việc đánh phá giao thông vận tải của địch, trên bộ cũng như dưới nước.

Tháng 5 năm 1950, được sự hỗ trợ của công nhân quân giới, quân dân Vũng Tàu đã tập trung sức lực phá nốt những cây cầu kiên cố cuối cùng, còn sót lại trên lộ 15, từ Phú Mỹ tới cửa ngõ Vũng Tàu, cầu Cỏ May, cầu Bông Khờn, cầu Cây Khế, cầu Rạch Hào, cầu Rạch Bà đều bị đánh sập trong cùng một ngày. Nhiều công nhân cơ khí ở Sở Mộ, Nhà Đèn, Nhà máy nước Vũng Tàu, công nhân cao su các sở Bình Ba, Xà Bang đã thoát ly tham gia kháng chiến, sung vào đội ngũ công nhân quốc phòng, xây dựng nên các công binh xưởng của tỉnh Bà Rịa, của các trung đoàn đứng chân ở địa phương, trong đó có Xưởng Quân giới 312 của Trung đoàn 397. Công nhân sửa chữa vũ khí ở Sở Mộ không những có tay nghề vững, có nề nếp kỹ thuật lao động cao, có lương tâm nghề nghiệp mà còn là những người cung cấp các thông tin bí mật về các kho chứa vũ khí của Pháp và Nhật trên Núi Lớn, Núi Nhỏ. Vì Sở Mộ quản lý các kho, nên biết rõ tính năng tác dụng cũng như cấu tạo của các loại vũ khí, đạn dược chứa ở trong các hầm. Cái thiếu của lực lượng ta lúc này chính là thiếu các loại vũ khí để trang bị cho những đơn vị thuộc ba thứ quân được xây dựng với tốc độ nhanh, để phá hoại giao thông, để đánh tan hệ thống tháp canh.

Tháng 8 năm 1949, theo yêu cầu của cơ sở, Biệt động đội Vũng Tàu tổ chức một cuộc vũ trang tuyên truyền đặc biệt, họp mặt 25 cơ sở trong thị xã Cấp, có cả một số sĩ quan ngụy, Cao Đài và quan chức ngụy. Các cơ sở được bố trí đeo mặt nạ, Đội trưởng Biệt động đội Châu Thái Hùng có hai cán bộ hộ tống và một trung đội trang bị mạnh bố trí vòng ngoài đã đến chủ trì cuộc họp, tuyên truyền về quyết tâm kháng chiến của Chính phủ Hồ Chí Minh, vận động các tầng lớp nhân dân tùy hoàn cảnh của mình mà tham gia ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Uy thế của chính quyền cách mạng được củng cố, đồng bào tiếp tế lương thực quân trang rất dồi dào, các viên chức và cơ sở nội tuyến thường xuyên cung cấp tin tức và đạn dược, các đoàn hát về Vũng Tàu biểu diễn phải xin phép chính quyền cách mạng và nộp thuế thông qua cơ sở phụ trách từng khu vực. Biệt động Vũng Tàu còn nhiều lần phối hợp với công an Vũng Tàu diệt ác phá kềm, đột nhập thị xã làm công tác vũ trang tuyên truyền trong các ngày lễ lớn, đột nhập ban ngày vào sở Trường Tiền thu nhiều máy móc và phương tiện trang bị cho quân giới. Được tin sòng bài Tài Xiểu ở Hồng Công qua gây nhiều tai họa cho nhân dân Vũng Tàu, Biệt động đội Vũng Tàu đã đột nhập chợ Cấp để giáo dục và giải tán sòng bạc102.

Thực hiện nhiệm vụ phá hoại kinh tế địch, xây dựng kinh tế kháng chiến, Tỉnh ủy chỉ đạo tuyển lựa trong số công nhân Xà Bang đã ra chiến khu, thành lập một lực lượng đặc biệt chuyên làm nhiệm vụ phá hoại cao su. Đơn vị không trang bị súng, mà chủ yếu là dao, rựa, hàng đêm vượt Sông Ray cùng với lực lượng vũ trang chặt phá cao su khu vực lộ 2 và các sở cao su ở Long Tân, Long Kiên. Đội còn làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, móc nối cơ sở bên trong sở, vận động công nhân đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đòi tăng lương, nghỉ đồng loạt, đổ mủ xuống đất, đồng loạt dấu dao cạo mủ. Kết quả phá hoại được ghi trong báo cáo của Ủy ban Kháng chiến – Hành chánh tỉnh năm 1949 là: Vạc vỏ 146.456 cây cao su; Đốt 3.000 tấn mủ khô; Đốt 1 nhà máy chế biến mủ; Đốt 4.400 cây cà phê; Bắt 3 con bò; Trong toàn tỉnh hiện thời chỉ có Sở cao su Bình Ba là còn cạo mủ. Giặc Pháp đóng đồn kiên cố để bảo vệ Sở này. Tỉnh đội bộ đang nghiên cứu để có kế hoạch phá hoại thêm sở này.

Tỉnh đội Dân quân thành lập một trung đội thường xuyên phá hoại cao su. Từ tháng giêng đến tháng 11 năm 1949, số cao su bị phá hoại là: 280.974 cây bị đốn ngã hoặc bị vạc vỏ, 98.300 chén đựng mủ bị đập bể. Dân quân huyện Cơ Trạch nhiều lần được Phòng Dân quân Nam bộ khen tặng trong những trận thắng giặc về phá hoại cao su chiến103. Tỉnh đội Dân quân Thành lập dân quân xưởng. Dân quân sưu tầm được nhiều kim khí, lượm lặt được nhiều vũ khí hư như vỏ bi, mortier, obus mang về cho dân quân xưởng, Binh công xưởng và khoa quân giới. Đặc biệt là tìm được cây đại bác 105 trên núi Lớn và 1 canon dưới thời Nam triều.

Ở trong vùng độc lập (vùng giải phóng, vùng căn cứ), đội ngũ công nhân được chánh quyền và đoàn thể nâng đỡ, tạo công ăn việc làm. Trong vùng bị tạm chiếm, đời sống công nhân chỉ vừa đủ. Tổ chức Liên hiệp Công đoàn đã tổ chức Ban Trị sự (Ban Chấp hành) ở thị xã Bà Rịa, xây dựng cơ sở ở 11 xã vùng bị tạm chiếm và xây dựng cơ sở ở 12 xã vùng độc lập. Tổng số đoàn viên Liên hiệp Công đoàn là 5.689 người, trong đó, vùng độc lập là 3.014 đoàn viên, vùng bị tạm chiếm là 2.675 đoàn viên. Tại các vùng bị tạm chiếm, Liên hiệp Công đoàn vẫn chỉ đạo các cơ sở tổ chức kỷ niệm Ngày lao động quốc tế 1/5 để giáo dục ý thức giác ngộ giai cấp cho công nhân và lao động. Trong năm, tỉnh đã chủ trì hội nghị cải tổ Ban quản trị Liên hiệp Công đoàn vào ngày 5-11-1949. Hội nghị đánh giá phong trào công đoàn chưa phát triển mạnh ở Thành (vùng đô thị bị tạm chiếm); đã có nhiều nỗ lực động viên nhân lực, vật lực để kháng chiến, nhưng vẫn còn nhiều đối tượng chưa động viên hết.

Ở các đô thị vùng bị tạm chiếm, có một số Hoa Kiều có cảm tình với giải phóng quân Trung Hoa, có phần ảnh hướng tốt đối với Huê Kiều. Ở Vũng Tàu có Bang Thiên, thị trấn Long Điền có một Ban trị sự Hoa Kiều gồm 3 người: Chủ tịch Hòa Lạc, Thư ký là Tiệc Phát. Ban trị sự này có gián tiếp tiếp xúc với UBKCHC địa phương, ủng hộ kháng chiến.

Ở vùng Cơ Trạch, giặc Pháp mua chuộc dân thiểu số bằng tiền bạc và thực phẩm để làm gián điệp cho chúng, tổ chức bắt đồng bào thiểu số về làm phu cao su các đồn Bình Ba và Suối Sóc. Đợt trung tuần tháng 7 và đợt ngày 13-9-1949 chúng bắt được 100 người.

Trong vùng độc lập của tỉnh có 4 chợ, nhưng 3 chợ phồn thịnh nhất là Long Phước, Bà Trao, Phước Bửu. Chợ Long Phước giao dịch với thành Long Điền, trao đổi sản phẩm thừa như trái cây, khoai đậu đưa ra Long Điền bán để đổi lấy cá mắm, đường, thuốc (do hợp tác xã đảm nhận). Chợ nhóm họp trong 2 tiếng đồng hồ, lối 100 người nhóm. Các quán tiệm bán luôn ngày. Chợ Bà Trao luôn bán có ghe thương hồ ở Gò Công, Bến Tre đến bán gạo. Ghe Bà Trao đưa củi và ít tôm, cua, cá đi bán Sài Gòn để mua về các hoá phẩm cần thiết như đường, thuốc Tây, dầu lửa, thuốc hút, chợ đông lối 1.000 người họp. Chợ Phước Bửu bán các loại rau cải, cá thịt các hoá phẩm cần thiết và bạn hàng thường bán trong tiệm quán. Chợ này có giao dịch với đồng bào huyện Hàm Tân (Bình Thuận) vào mua bán và đổi chác sản phẩm. Chợ đông lối 70 người. Chợ Tam Phước chỉ trao đổi sản phẩm và ít hoá phẩm cần thiết trong 2 xã Long Mỹ và Phước Lăng. Số người nhóm ít, lối 50 người.Giá thị trường ở các nơi trong tỉnh không thống nhứt, chênh lệch với con số đáng kể. Trong tháng 10 và tháng 11 giá gạo tại Long Phước 3 đồng 1 lít mà Phước Bửu đến 9 đồng 1 lít. Lý do vì sự vận tải ngăn trở và sự sản xuất bất đồng trong mỗi địa phương. Trong 5 chợ ở thành (vùng bị tạm chiếm), phòng thương vụ đặt xong 1 cơ sở kinh tế tại chợ Phước Hải trong tháng 11-1949, nhưng kết quả hoạt động chưa nhiều vì thiếu vốn.

Tháng 12 năm 1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa lần thứ 2 được tiến hành tại Bưng Riềng (nay thuộc huyện Xuyên Mộc) chủ trương đẩy mạnh phong trào kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Đại hội đánh giá phong trào du kích chiến tranh trong tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Tỉnh ủy quyết định thành lập Thị ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính ở hai thị xã Cấp và thị xã Bà Rịa. Cơ quan Thị ủy lúc đầu ở vàm Rạch Cát (Rừng Sác), sau ra vàm Bà Lộc rồi về xã Long Hòa. Lực lượng của thị xã hoạt động trên 3 khu vực: Khu vực Núi Dinh là căn cứ chỉ đạo; Khu vực đệm ở Rừng Sác, Long Hòa; Khu vực đệm ở Rừng Sác, Vũng Vằng.

Mỗi khu vực đều đưa cán bộ vào trong nội thị hoạt động. Phong trào quần chúng khu vực Xóm Chùa, Xóm Lưới, Xóm Củi, Xóm Cát rất mạnh. Cán bộ ta hoạt động rất thuận lợi. Phong trào học sinh và thanh niên trong thị xã phát triển mạnh. Thị ủy xây dựng nhiều lõm chính trị bên trong thị xã, xây dựng cốt cán trong Ban chấp hành giáo xứ, tăng cường công tác địch ngụy vận, nắm được một tiểu đội cảnh sát, hạn chế những hoạt động khủng bố đồng bào, 5 ngụy binh được tuyên truyền vận động đã quay súng về với cách mạng, nhiều gia đình binh sỹ đã bí mật ủng hộ lương thực thực phẩm, mua giúp văn phòng phẩm cho kháng chiến. Đội biệt động Thị xã Bà Rịa được tổ chức lại theo phương châm: mạnh mà tinh, chất lượng được coi trọng hơn số lượng, thường xuyên đột nhập vào nội ô, cảnh cáo những tên ác ôn, tiêu diệt những tên ngoan cố.

Ở thị xã Cấp, phương châm bám trụ, vũ trang tuyên truyền và đánh địch bằng phương thức biệt động đạt hiệu quả cao. Ngày 14 tháng 1 năm 1950, lực lượng vũ trang kháng chiến tập kích vào nhà hàng SOS, giết và làm bị thương nhiều tên ác ôn. Tháng 4 năm 1950, Thị ủy Cấp mở đợt tổng phá tề toàn thị xã. Mở đầu cho đợt vũ trang tuyên truyền, Đội biệt động Cấp đã đánh sập Đèn Pha trên Núi Nhỏ, diệt một trung đội địch bắt tù binh, thu 20 khẩu súng và toàn bộ đồ đạc phương tiện khiến địch choáng váng. Lực lượng vũ trang chia thành ba mũi đột nhập vào phường Chợ Cấp, Thắng Nhì, Thắng Tam. Phối hợp với các đơn vị vũ trang, cơ sở quần chúng, cơ sở nội ứng đồng loạt nổi dậy tiến công giải tán bộ máy tề, Việt gian tay sai giặc Pháp, diệt nhiều tên ác ôn. Đợt tổng phá tề và vũ trang tuyên truyền trong thị xã Cấp có tác động to lớn trong các tầng lớp nhân dân và đối với cả phía địch. Toàn bộ hệ thống tề ngụy trong thị xã đều hoang mang và co lại, không dám nghênh ngang gây tội ác như trước nữa.

Ngành quân giới của tỉnh được quan tâm chỉ đạo, đảm bảo vũ khí, đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Tỉnh đội dân quân đã thành lập Dân quân xưởng với 4 ngành: bì đạn, sửa súng, điện, rèn; hàng tháng cung cấp trên 1.000 viên đạn cho du kích cùng nhiều dao găm, mã tấu cho dân quân, nông cụ cho đồng bào. Với 20.000 đồng hỗ trợ của Phòng dân quân Nam Bộ, Dân quân xưởng Bà Rịa dự kiến phương án mở rộng thêm 2 ngành chế tạo lựu đạn và địa lôi, tự túc phần lớn vũ khí cho du kích. Trong điều kiện nguyên vật liệu thiếu thốn, bộ đội và du kích cũng góp phần thiết thực bằng cách thu nộp vỏ đạn cho công binh xưởng sau mỗi trận chiến đấu.

Binh công xưởng Trung đoàn 397 (mật danh là "Bộ đội Lý Chính Thắng")104 có ba trung đội (A, B, C) sản xuất chuyên ngành sửa chữa súng ống, làm được vỏ đạn, đúc mìn và lựu đạn, chế tạo hoàn chỉnh mìn và lựu đạn. Các đồng chí Đặng Nguyện và Nguyễn Hữu Thì còn nghiên cứu súng phóng bom bằng moọcchiê 81, bom phóng đạn T.49 và tromblon VB.

Trung đoàn 397 tổ chức các đội nông binh chuyên lo sản xuất tự túc. Các đơn vị nông binh tổ chức thành nhiều nông trường giữ các địa bàn trong vùng căn cứ Xuyên Phước Cơ, do Ban chính trị và ban quân nhu của Trung đoàn quản lý, chia làm 4 nông trường quân đội: Nông trường 1 và 2 đóng tại Phước Bửu; Nông trường 3 đóng tại Bưng Riềng; Nông trường 4 đóng tại Bàu Lâm. Ngoài nhiệm vụ canh tác các loại cây lương thực còn tổ chức bộ phận chài lưới, chuyên đánh cá tôm để cải thiện đời sống cán bộ chiến sĩ vùng căn cứ, ưu tiên cho các bệnh viện. Mỗi nông trường còn là một đơn vị chiến đấu bảo vệ căn cứ, ta đã khắc phục khó khăn làm bột giấy bằng nguyên liệu tại chỗ để làm giấy khô, thuộc da để làm đồ dùng bằng da. Các nông trường đã duy trì và phát triển sản xuất, tự túc lương thực cho quân đội, tạo một phong trào sản xuất tự túc sôi động trong các cơ quan quân dân chính đảng và đồng bào trong vùng căn cứ, duy trì phong trào du kích chiến tranh, góp phần xây dựng căn cứ địa Xuyên Phước Cơ toàn diện, về kinh tế, chính trị và quân sự.

Công tác sản xuất tự túc của các cơ quan cũng được Tỉnh ủy và Ủy ban tổ chức chỉ đạo chặt chẽ. Mỗi cơ quan đều có khu vực sản xuất cả nông nghiệp và ngư nghiệp. Các mặt văn hoá văn nghệ, xây dựng nề nếp sống mới cũng được chú trọng phát huy. Tỉnh đã xây dựng một trường cho con em liệt sĩ, và một trại thương binh bệnh binh tại Phước Bửu, nơi trung tâm của căn cứ. Chính quyền và các đoàn thể quần chúng vùng căn cứ tổ chức nhiều lớp bình dân học vụ, bộ đội cũng cử người giúp đồng bào xoá nạn mù chữ. Xã Cơ Trạch là xã đầu tiên trong căn cứ được công nhận cơ bản xoá nạn mù chữ trong năm 1950. Các đơn vị bộ đội và các đoàn thể trong vùng căn cứ còn vận động được nhiều thanh thiếu niên đồng bào dân tộc đi học chữ quốc ngữ. Tỉnh ủy tổ chức lớp bổ túc văn hóa tại Phước Bửu, bố trí cho cán bộ đi học theo các trình độ khác nhau. Ty Giáo dục tỉnh cử giáo viên đến giảng dạy. Nhiều đồng chí khi tham gia cách mạng chưa biết chữ từng bước được xóa mù, phổ cập cấp I và sau này theo học tiếp đến bậc đại học. Cán bộ y tế của Đảng bộ, chính quyền và lực lượng vũ trang tích cực giúp đồng bào phòng chống dịch bệnh. Suốt 9 năm kháng chiến căn cứ không xảy ra nạn dịch lớn.

Từ năm 1950, Thị xã Cấp được tách ra, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh Bà Rịa. Ủy ban Kháng chiến Hành chính và các cơ quan chính quyền dần dần được thành lập105. Ủy ban bố trí các ủy viên phụ trách các ngành hoạt động: quân sự, công an, mặt trận, thông tin tuyên truyền, thanh niên, công đoàn. Công tác công đoàn lúc này chủ yếu là vận động công nhân viên chức đóng góp tiền của, thuốc men gửi ra vùng căn cứ địa kháng chiến. Vấn đề tổ chức công nhân đấu tranh với tư cách là một đội ngũ, một tổ chức riêng biệt thì chưa có. Nội dung công tác công đoàn chưa phong phú nhưng Thị ủy đã phân công người chuyên trách công đoàn, chứng tỏ công nhân viên chức đã thực sự là một lực lượng có những đặc điểm riêng biệt. Khu vực Cửa Lấp vẫn là căn cứ của các cơ quan dân, chính, Đảng của thị xã Vũng Tàu.

Trong năm 1950, lực lượng công an và biệt động trong các thị xã thị trấn hoạt động khá hiệu quả. Hưởng ứng phong trào thi đua diệt tề, trừ gian, đánh địch tận sào huyệt của chúng, nhiều tấm gương diệt ác, trừ gian nổi lên như các đồng chí Tăng Văn Khánh (Ủy trưởng khu vực 1), Hoàng Đu (Đội Trưởng công an xung phong tỉnh), Trần Văn Ngà, Nguyễn Văn Giáp, công an xung phong thị xã Bà Rịa, Phạm Văn Tám, Lê Văn Thiện, Lê Văn Diệu (công an xung phong Vũng Tàu), Võ Thị Sáu (công an xung phong Đất Đỏ).

Để chấn chỉnh tình hình tổ chức ở huyện Vũng Tàu và tình trạng bất ổn kéo dài trong công an tỉnh, đồng chí Võ Văn Khánh được Khu ủy điều về thay đồng chí Vũ Tấn làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ty Công an (tháng 10-1950). Đồng chí Nguyễn Tấn Cách được cử làm Bí thư Vũng Tàu. Sự lãnh đạo của Đảng bộ được tăng cường đối với lực lượng công an các cấp. Những nghi vấn trong nội bộ Đảng và trong công an căn bản được giải quyết, ổn định tư tưởng cán bộ và nhân dân huyện Vũng Tàu.



tải về 1.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương