LỊch sử phong trào công nhâN, viên chứC, lao đỘng và HỌat đỘng công đÒan bà RỊa vũng tàu giai đỌan 1930-2006



tải về 1.88 Mb.
trang2/17
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.88 Mb.
#2068
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

Tổng Long Xương có 7 làng: Xuân Khai (nay là Tân Rú), Lâm Xuân (nay là Bầu Lâm, Xuyên Mộc), Anh Mao (nay thuộc Châu Đức), Cụ Bị (Cù Bị nay thuộc Châu Đức), Hương Sai (nay là Kim Long - Châu Đức), Xuân Sơn (nay thuộc Châu Đức), Làng Xuân Khai (nay là Tân Rú ).

Tổng Long Cơ có 6 làng: Bình Ba (nay thuộc Bình Ba xăng - Châu Đức), Trình Ba (Bình Ba làng - Châu Đức), Bình Giã (Bình Giã - Châu Đức), Điền Giả (Ruộng Tre - Bình Giã - Châu Đức), Ngãi Giao (nay là thị trấn Ngãi Giao - Châu Đức), Quạn Giao (Quảng Giao, nay thuộc Xuân Sơn - Châu Đức).

Tổng An Trạch có 7 làng: Cụ Bị (nay thuộc Láng Lớn - Châu Đức), Cụ Khánh (nay thuộc Láng Lớn - Châu Đức), La Vân (nay thuộc Ngãi Giao - Châu Đức), La Sơn (ấp La Sơn, thuộc Bình Ba trong kháng chiến chống Mỹ, nay thuộc Suối Nghệ ), Bằng La (nay thuộc Hắt Dịch -Tân Thành),Phước Chí (nay thuộc Hắt Dịch - Tân Thành), Hách Dịch (nay thuộc Hắt Dịch - Tân Thành)26.

Năm 1918 Công ty cao su Đông Dương được mở rộng, lập thêm phân xưởng Xà Bang. Được sự hỗ trợ của chính quyền thực dân, bọn tư bản Pháp đã chiếm đoạt hàng trăm hécta nương rẫy của đồng bào dân tộc trên vùng đất đỏ Bazan màu mỡ thuộc khu vực Xà Bang hiện nay. Năm 1920, số phu công tra từ các tỉnh miền Trung vào Xà Bang lên khoảng 120 người. Chủ đồn điền bố trí họ gần đồi gió Kim Long gọi là Xà Bang Nam (sau này là căn cứ hậu cần của tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh thời chống Mỹ).

Từ năm 1925, để mở rộng diện tích trồng cao su, đồn điền Bình Ba lại mộ một đợt dân phu mới từ Bình Trị Thiên vào (khoảng 150 người), thành lập một làng mới gọi là Xà Bang Bắc để phân biệt số phu mộ từ năm 1920 ở làng Xà Bang Nam. Cũng trong đợt mộ phu này, tư bản Pháp lập thêm một phân sở cao su ở địa phận làng Sơn Hòa (nay thuộc xã Xuân Sơn), hình thành phân sở Xuân Sơn trực thuộc Đồn điền GALLIA (Bình Ba). Đồn điền GALLIA (Bình Ba) cũng được mở rộng diện tích trồng cao su ở Sông Cầu, hình thành thêm một phân xưởng trực thuộc.

Dọc lộ 2 khi đó có các sở cao su: Bình Ba Cây Táo, Xà Bang, Courtenay, Lốc Lăng, Hàng Gòn, Cam Tim (còn gọi là Cam Tiêm), Cà Rạ (ông Quế)27. Các sở lớn là Courtenay, Cam Tim Cà Rạ, Hàng Gòn. Còn Bình Ba Cây Táo, Xà Bang, Courtenay là sở nhỏ chỉ vài trăm công nhân. Sở Courtenay còn gọi là sở Suối Sốc có gần 4000 công nhân chia làm 6 khu A,B,C,D,E,F có khu trung tâm, văn phòng của sở, tổng kho ga ra và xưởng sửa chữa xe hơi (Atelier) có trường học, nhà thương, nhà máy chế biến mủ, có tháp nước cung cấp nước máy có sân banh (trước 1945), có trại nuôi heo, nuôi bò, vườn rau (Légume). Khu A là Láng Lớn, Láng Lớn ngoài vườn cao su không có làng xã, chỉ có 1 ít người dân tộc Chơ-ro, khu A Láng Lớn có nhà ở công nhân tập trung, khu B giáp khu trung tâm, khu E giáp khu B, khu C là Cam Tim (tiếng dân tộc), Sở Cam Tim Cà Rạ nằm phía sau Cam Tim của Sở Courtenay và đi vào bằng đường Hàng Gòn. Khu C ở phía bắc (Suối Cả). Khu F ở phía Đông Nam (Nha Trào).

Công nhân có 2 loại dân công tra (có giao kèo) và dân “líp” (libre: dân tự do, không có giao kèo) nhưng chủ yếu là công tra.Tình cảnh công nhân cao su thời đó rất cùng cực, phải làm việc 14 tiếng mỗi ngày. Sáng dậy từ 4 giờ tập trung điểm danh, 5 giờ xe chở ra vườn cao su cạo mủ đến trưa tự nấu cơm tại chỗ mỗi người một nồi đất nhỏ buộc dây thép treo khoảng 10 nồi xỏ vào 1 cây bắc ngang cột vào gốc cao su, đốt củi để nấu. Ăn cơm với cá khô, ăn xong phải đi làm ngay. Tiêu chuẩn mỗi công nhân 40 lít mủ đựng trong 2 thùng thiếc với số cây đã khoán. 5 giờ chiều surveillant kiểm tra trước khi đổ mủ vào tăng. Kiểm tra bằng thước nhôm có vạch cắm vào thùng. Nếu thùng dưới vạch 20 lít công nhân bị đập ba ton vào đầu, vào người vì lười biếng. Nếu đo thùng vượt trên 20 lít cũng bị dáng ba ton vì cạo phạm thân cây; 6 giờ xe chở về nhà, ăn cơm gạo mục, cá khô hoặc mắm tôm với 1 quả trứng hấp lên. Công nhân bị ốm vào nhà thương (chủ yếu là sốt rét) được đo nhiệt độ, nếu trên 38oC thì phát cho 4 viên quinine hoặc chích. Nếu nhiệt độ dưới 38oC thì công nhân bị quật mấy roi bằng đuôi cá đuối và đuổi về đi làm. Công nhân vì quá mệt mỏi, hơi sốt nên muốn đi nhà thương nhưng vì chế độ 38oC nên nhiều người bôi ớt vào nách. Sau này nhà thương biết không đo nhiệt độ ở nách mà đo ở đít. Nếu dưới 38oC vẫn bị đánh đuổi về.

Công nhân cao su từ mờ sáng đến tối vùi đầu làm việc ở trong vườn cao su, tối nịt mới về đến nhà, ngoài sở cao su ra, chẳng còn biết đến nơi nào. Ngoài việc đánh đập, công nhân còn bị cúp lương, phạt. Đấu tranh của công nhân ở Courtenay đối với nhưng tên cai, surveillant hung ác, công nhân dùng bao bố chụp vào đầu, trói và đánh trả. Trong tình cảnh bị bóc lột, đàn áp đến bần cùng, công nhân sớm xây dựng tình đoàn kết, thương yêu nhau. Những công nhân ốm đau, mệt mỏi cạo không đủ lượng mủ thì người cạo được nhiều hơn san xẻ bớt mủ cho người có ít để tránh sự đánh đập của bọn su, cai. Công nhân cũng đấu tranh kiến nghị đòi tăng lương, giảm giờ làm. Chủ pháp không giảm giờ làm nhưng tiền lương có thay đổi chút ít. Năm 1942 lương công nhân cao su lãnh 8 đồng (tiền Đông Dương) 1 tháng.

Những đợt mộ phu sau này, người công nhân hợp đồng được theo mang cả vợ con đến lập nghiệp ở các đồn điền. Do yêu cầu mở rộng đồn điền, tư bản Pháp còn mộ thêm dân tự do, thường gọi là “dân líp” (tiếng Pháp: libre = tự do), theo chế độ tuyển dụng lao động cả hộ gia đình. “Dân líp” được chủ tư bản đối xử nhẹ tay hơn so với dân công tra. Trên địa bàn của hai tổng Nhơn Xương và Cơ Trạch khi đó còn có nhiều sở tư của chủ tư bản như: sở Cụ Bị Nùng, sở Cụ Bị Bare, sở Caffé của bà Stamarat; sở Sôsông tại Đường Cùng và Suối Lúc, sở Thuốc Nhuộm ở ngã ba Đường Cùng, sở Quýt của Dương Văn Tôn ở Bình Giã, sở Caffé của Quintternet28. Nhiều thân nhân của phu công tra, lao động tự do tụ tập về khu vực Đông và Tây lộ 2 cùng đồng bào người dân tộc Châu Ro sinh sống và lập nghiệp, hình thành những cụm dân cư, làng ở Ngãi Giao, Kim Long, Bình Giã, Quảng Giao29.

Vào thời điểm này, khu du lịch, nghỉ dưỡng ở Long Hải cũng được đẩy mạnh tốc độ xây dựng, thu hút nhiều thợ thuyền đến lao động trên các công trường. Các chủ đồn điền cao su ở Bà Rịa, Biên Hòa và các chủ tư bản Pháp từ Sài Gòn đã đầu tư xây dựng nhà nghỉ tại bãi biển đẹp nổi tiếng này. Các trại cưa được mở ở Long Điền, Đất Đỏ, Bà Rịa. Khối lượng công việc xây dựng rất lớn trong thời gian này đã thu hút nhiều thợ mộc, thợ hồ từ miền Trung vào lập nghiệp. Tỉnh lỵ Bà Rịa (khi đó còn là xã Phước Lễ) hình thành những dãy phố công sở. Chợ Bà Rịa (Chợ Dinh), chợ Long Điền, Chợ Bến (Long Thạnh), chợ Đất Đỏ và chợ Phước Hải là những trung tâm thương mại, phục vụ trong khu vực và cho cả vùng công nhân cao su lộ 2. Đến năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ở Bà Rịa và Vũng Tàu đã hình thành các đô thị, các khu vực tập trung công nhân và lao động dịch vụ ở Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ và khu vực công nhân cao su ở Đông và Tây lộ 2.



3. Truyền thống đấu tranh cách mạng của công nhân và lao động Bà Rịa – Vũng Tàu trước năm 1930

Đội ngũ công nhân và các tầng lớp lao động Vũng Tàu hình thành do kết quả phát triển kinh tế - xã hội của một thành phố trại lính, một trung tâm du lịch đang dần dần hình thành với nền kinh tế mang tính chất dịch vụ rõ rệt. Đại diện cho đội ngũ công nhân và lao động đô thị ở đây chỉ mới tập trung trong một vài nhà máy thuộc công nghiệp đô thị với quy mô nhỏ: Nhà máy điện, Nhà máy nước và Công binh xưởng sửa chữa vũ khí, khí tài của nhà binh Pháp. Tính gộp cả lại số công nhân công nghiệp, dù chỉ là công nghiệp đô thị, chiếm một số lượng nhỏ nhoi, không quá 200 người, nhưng họ đại diện cho công nghiệp hiện đại mà vai trò ngày càng tăng trong quá trình phát triển lịch sử.

Tuyệt đại đa số công nhân và lao động sống và làm việc trong khuôn khổ những nghề dịch vụ phục vụ cho hàng hàng lính chiếm đóng ngoại bang và số du khách vãng lai thuộc tầng lớp trên rất đông đảo. Họ là những người làm công trong các khách sạn, nhà hàng du lịch, các hiệu tạp hoá, những cơ sở tiêu thụ công nghiệp, những xưởng sửa chữa xe đò, thuyền đánh cá, những người làm nghề bồi bếp, quản gia, lái xe, đánh xe ngựa, khuân vác tại các cầu tàu. Một số ít nông dân thiếu ruộng đất không thể trông vào nghề nông mà sống cũng phải xen kẽ làm các dịch vụ khác ngoài nông vụ. Những năm đói kém, mất mùa, khi các đồn điền cao su dãn thợ, số người lao động Vũng Tàu tăng lên đột ngột.

Tính chất phân tán, xé lẻ của lao động dịch vụ làm cho phong trào công nhân và lao động ở đây chưa có được những cuộc đấu tranh quy mô to rộng như công nhân tập trung trong các đồn điền cao su Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, hoặc như ở Sài Gòn. Chỉ có bản chất kiên cường, ý chí đấu tranh cho cuộc sống đỡ cực nhọc, ý thức phản kháng nhanh nhạy đối với sự đàn áp, khinh rẻ của bọn thực dân Pháp đã liên kết họ lại một cách không tự giác, thiếu tổ chức, thiếu kinh nghiệm đấu tranh trong suốt thời kỳ chưa có đảng cộng sản lãnh đạo. Nhưng một khi được giác ngộ, tinh thần phản kháng, chống áp bức của những người dân mất nước đã nhanh chóng làm cho công nhân và những người lao động trở thành những người ủng hộ cách mạng nhiệt thành, những chiến sĩ cách mạng kiên cường. Đây cũng là những đặc điểm của đội ngũ công nhân và lao động ở một thành phố có nền kinh tế dịch vụ phát triển như ở Vũng Tàu.

Vũng Tàu khi đó là thành phố của trại lính. Trên một phần ba quân đội chiếm đóng ở đây là binh lính người Việt, đa số là nông dân tứ xứ, những người bị bọn thống trị dứt ra khỏi mảnh ruộng, cái cày, trong các vụ bắt lính ở các làng quê trong cả nước. Họ đã từng chịu khổ cực dưới ách hương lý, cường hào, địa chủ ở nông thôn. Tuy khoác áo lính nhưng họ cũng không sung sướng gì hơn những người lao động phục vụ trong các cơ sở hậu cần, trong những cơ quan nhà binh Pháp. Trong phong trào cách mạng ở Vũng Tàu vào thời kỳ tiền khởi nghĩa (tháng Tám 1945) đã bộc lộ xu thế tích cực của quần chúng binh lính người Việt tại đây.

Lịch sử đấu tranh của đội ngũ công nhân và lao động Bà Rịa – Vũng Tàu là một bộ phận hữu cơ của phong trào cách mạng rộng lớn do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3-2-1930), tổ chức của Đảng tại Bà Rịa đã đứng ra lãnh đạo phong trào cách mạng ở một khu vực rộng lớn, bao gồm: tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, đảo Long Sơn, Cần Giờ. Tài liệu lịch sử về thời kỳ trước năm 1930 đến nay còn lại rất ít, cho biết rất sơ lược những cuộc đấu tranh nhỏ lẻ của công nhân và lao động Bà Rịa – Vũng Tàu.

Vào những năm 1889 – 1890, khi quân đội Pháp xây dựng doanh trại Bến Đình, khu vực Bến Đình là nơi tập trung nhiều thợ xây dựng nhất, nếu kể gộp tất cả những người lao động làm trong các công trường xây dựng ở đây thì con số lên tới gần 1. 000 người. Người Pháp đã điều một viên cai tổng từ Bà Rịa xuống để quản lý thợ ở đây. Viên cai tổng này là một người tâm địa độc ác, biện pháp quản lý của hắn là dùng roi vọt để thúc ép mọi người làm việc quá sức. Trong lúc đó, điều kiện ăn ở, sinh hoạt quá thấp kém và hầu như không có gì ngoài đồng lương không đủ sống lại bị viên cai tổng cắt xén bằng nhiều hình thức gian ngoan. Phu xây dựng đã phải chống lại bằng cách chửi bóng, chửi gió bọn cai ký, làm vè đả kích, cao hơn nữa là hình thức dọa đánh, dọa giết những người trực tiếp hành hạ họ.

Một tác giả Pháp đã viết về tình hình này như sau: “Bọn thợ đàn ông với điếu thuốc trễ trên mép, cứ nhè tổ tiên của hắn (viên cai tổng) mà chửi rủa. Bọn thợ đàn bà quảy gạch thì bêu riếu thói ăn nết ở của bà cố nội hắn. Không chịu nổi vô vàn những lời chửi rủa tục tĩu mà chỉ những người Việt Nam mới có thể nghĩ ra nổi, cuối cùng hắn đành phải bỏ cuộc. Hắn ta có một cái miệng thì làm sao địch nổi với hàng sáu trăm cái mồm lắm điều kia cơ chứ!”… Chính quyền Vũng Tàu đã phải điều viên Thư ký Sở Kho bạc Bà Rịa xuống thay thế viên cai tổng trông coi đám phu phen với những thủ đoạn mềm dẻo hơn.

Cuộc đấu tranh bằng hình thức sỉ vả, chửi bới cai ký của những người phu xây dựng trại lính Bến Đình chỉ là khúc dạo đầu. Những người tù khổ sai bị đưa từ Côn Đảo và Khám Lớn Sài Gòn tới xây dựng Vũng Tàu, 15 năm sau đó đã sử dụng đấu tranh gay gắt hơn nhiều. Việc này xảy ra năm 1907 giữa nhóm tù khổ sai ở nhà lao Vũng Tàu vẫn hằng ngày đến làm khổ dịch ở khu nhà thờ đạo Thiên Chúa chống lại các cha sứ, cố đạo và cai tù. Bọn này vẫn thường hống hách chửi mắng, đánh đập họ thậm tệ trong khi họ phải làm những công việc vất vả nặng nhọc. Họ phản ứng bằng cách đốt trụi… cả khu nhà thờ, các cố đạo chỉ chạy được có mấy tấm tranh thờ. Bốn năm liền sau đó, những người Pháp theo đạo ở Vũng Tàu phải đến lễ Chúa trong một ngôi nhà tạm dựng gần đó, tới năm 1911, nhà thờ mới được xây dựng xong.

Phong trào đấu tranh của công nhân, lao động Vũng Tàu còn mang dấu ấn của những người tù chính trị. Những năm 1930, số tù khổ sai giam ở nhà lao Vũng Tàu thường xuyên có tới 400 – 500 người (những năm đầu thế kỷ con số này là 700 – 800 người), trong đó có nhiều người là chính trị phạm. Những người sớm giác ngộ cách mạng ở Vũng Tàu cho biết chính những người tù chính trị bị giam giữ ở Vũng Tàu, hằng ngày đi làm cỏ-vê (corvée - khổ dịch) trong thành phố đã tuyên truyền lòng yêu nước và tinh thần chống Pháp cho những người dân tiếp xúc với họ. Những thông tin về phong trào yêu nước, chống Pháp, chống Nhật ở các nơi đã được người tù chính trị loan truyền. Chính cuộc sống khổ ải bị đọa đày của người tù dưới làn roi vọt của gác dang, mã tà đã phơi bày cái nhục của người dân mất nước trước nhân dân lao động Vũng Tàu. Nỗi sỉ nhục này, người lao động dịch vụ phục vụ trong quán ăn, nhà hàng, khách sạn, trong các công sở, các tư gia của chủ Pháp cũng nếm trải hàng ngày.

Lực lượng binh lính người Việt đồn trú tại Vũng Tàu cũng góp phần vào phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp. Nhiều binh lính người Việt liên quan đến vụ Hà Thành đầu độc (1913), khởi nghĩa Thái Nguyên (1917), khởi nghĩa Yên Bái (1930) đã bị đưa vào Vũng Tàu để cách ly và kiểm soát. Những binh lính này đã góp phần hun đúc thêm truyền thống yêu nước của nhân dân Vũng Tàu. Nhiều người đã trở thành cơ sở binh vận và là nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.

Công nhân và lao động ở các đô thị nhỏ như Long Điền, Đất Đỏ, Bà Rịa, cũng có những trước năm 1930, vùng Long Điền, Đất Đỏ và Hòa Long, Long Phước (nay thuộc thị xã Bà Rịa) đã có hoạt động của Hội kín, tuyên truyền và tổ chức lực lượng chống Pháp. Hầu hết những người tham gia Hội kín trong thời kỳ này đều trở thành hạt nhân tham gia phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo sau này.

Đội ngũ công nhân cao su vốn là những người nông dân từ nhiều miền quê qui tụ về, mang theo truyền thống yêu nước đã được hun đúc qua phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở mỗi địa phương. Trong bước đường cùng tìm kế mưu sinh, họ bị áp bức cùng cực, bóc lột thậm tệ, chất chứa tinh thần phản kháng. Công việc cực nhọc, ăn uống thiếu, đói, thiếu chất lại còn bị đòn roi, lam sơn chướng khí, nước độc, không thuốc men hủy diệt dần sức khoẻ công nhân. Bệnh sốt rét, phù thủng là hai bệnh phát triển trong công nhân cao su. Bao lớp phu công tra đã vĩnh viễn nằm lại làm phân bón cho cây cao su, để túi tiền tư bản ngày càng dày lên.

Từ những nông dân nghèo khổ đi phu cao su và trở thành công nhân sống trong điều kiện làm tập thể phải nương tựa vào nhau để sống và làm việc đó là sự chuyển biến về tâm lý giai cấp của công nhân cao su. Cuộc sống cùng cực đã kết đoàn người công nhân lại, ban đầu từng nhóm cùng quê rồi cùng kíp và cả phân sở. Sự đàn áp của bọn tư bản thực dân cùng với chế độ quản lý bằng đòn roi, cúp phạt càng làm cho công nhân cao su Xà Bang gắn chặt với nhau, làm nâng cao thêm ý thức dân tộc, và đó là động lực thúc đẩy sự hình thành ý thức giai cấp của công nhân cao su.

Sự phản kháng đầu tiên của công nhân cao su đối với sự tàn ác của bọn cai, xu là bỏ trốn khỏi sở. Nhưng rừng sâu nước độc và chế độ áp bức bóc lột luôn vây quanh người phu cao su. Rừng cao su nối liền nhau bạt ngàn lộ 2, trốn thoát được ở sở này, công nhân lại rơi vào một đồn điền khác cũng đều là “địa ngục trần gian” đối với kiếp làm phu. Trốn về quê nhà thì đường xa, tiền bạc không có, cũng không giấy thuế thân. Người bỏ trốn sở mà bị bắt trở lại thì sự tàn ác và khắc nghiệt chờ đón họ gấp trăm ngàn lần khi còn ở sở.

Phong trào công nhân cao su Bà Rịa chịu ảnh hưởng trực tiếp của phong trào đấu tranh các sở cao su nằm trên lộ 2, trong đó có Sở cao su Cam Tiêm (Ông Quế). Cuộc đấu tranh lần thứ I vào tháng 12 năm 1926, công nhân Cam Tiêm đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ. Cuộc đấu tranh thứ hai ngày 20-9-1928, thực dân Pháp cho lính đến đàn áp khốc liệt làm nhiều người chết, bị thương và bị bắt đi tù đày, một số người khác phải lẩn trốn vào rừng sâu. “Tức nước vỡ bờ” là quy luật tất yếu khi những người phu cao su bị bóc lột tận xương tủy phải đứng lên chống lại đòi quyền sống, quyền làm người. Bài học đoàn kết và kiên quyết đấu tranh của công nhân sở Cam Tiêm, được công nhân cao su Bình Ba, Xà Bang học hỏi để củng cố tinh thần và nâng cao ý thức giai cấp trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình, khi đã giác ngộ ý thức dân tộc và ý thức giai cấp.

Cùng với quá trình đô thị hoá tại Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã hình thành các đồn điền cao su kéo theo một hệ quả là đội ngũ công nhân và lao động đã ngày càng lớn mạnh và trưởng thành trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu - một lực lượng cách mạng mới, tiên phong trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, đào mồ chôn bọn thực dân, tư bản.

Chương II: CÔNG NHÂN VÀ LAO ĐỘNG BÀ RỊA – VŨNG TÀU

ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN 1930-1945

1. Giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, xây dựng chi bộ Đảng

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu đã có một số người giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng chí Dương Bạch Mai và đồng chí Nguyễn Văn Phải là những người cộng sản đầu tiên ở vùng đất này30.

Sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa Yên Bái 1930, thực dân Pháp đưa một số đơn vị lính người Việt liên quan đến cuộc khởi nghĩa về giam lỏng tại trại Bến Đình – Vũng Tàu. Ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái và tinh thần yêu nước của những nghĩa quân này đã góp phần hun đúc thêm truyền thống yêu nước của các tầng lớp nhân dân nhất là trong thanh niên. Một số người trong binh lính người Việt sau này đã được cơ sở binh vận của Xứ ủy Nam Kỳ giác ngộ đã trở thành hạt nhân cho phong trào cách mạng ở Vũng Tàu.

Vũng Tàu thời kỳ ấy là điểm trung chuyển tù chính trị từ Sơn La, Hỏa Lò và Khám Lớn - Sài Gòn ra Côn Đảo. Nhiều đoàn tù chính trị đã dừng chân tại khám Vũng Tàu. Hình ảnh những đoàn tù chân xiềng, tay xích, đầu trần chân đất đi dưới ngọn roi của bọn đao phủ đã gieo vào lòng người dân Vũng Tàu hình ảnh một dân tộc không cam chịu nô lệ, đang vùng lên chống lại ách thực dân xâm lược. Những chiến sĩ cộng sản từ nhiều miền đất nước trên đường lưu đày qua đây và những người tù chính trị bị giam ở đây là lớp người tiên phong truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Bà Rịa - Vũng Tàu, bằng truyền đơn, khẩu hiệu cách mạng và những cuộc đấu tranh có tiếng vang ở địa phương.

Chuyến tàu Claude Chape ngày 23 tháng 6 năm 1930 từ Hải Phòng lưu đày trên 200 tù chính trị, trong đó có hơn 40 đảng viên cộng sản đã dừng chân tại cảng Rạch Dừa. Trong lúc chuyển tù chính trị từ tàu Claude Chape sang tàu Harmand Rousseau (chở tù chính trị từ Khám Lớn Sài Gòn ra Côn Đảo), những chiến sĩ cộng sản đã hiên ngang phất cao lá cờ đỏ búa liềm, và đanh thép hô những khẩu hiệu cách mạng:

- Công nông binh đoàn kết lại!



- Phản đối bắn giết tù đày!

- Đả đảo đế quốc chủ nghĩa Pháp và phong kiến địa chủ.

- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

- Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm!

Hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm cùng những khẩu hiệu cách mạng và khí phách hiên ngang của các chiến sỹ cộng sản đã gieo vào lòng nhân dân một niềm tin vào một lực lượng cách mạng mới sẽ lật đổ chế độ cai trị của thực dân Pháp, giành lại nền độc lập.

Là một đầu cầu trên con đường giao thông thủy bộ từ Bắc vào Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi dừng chân của nhiều chiến sỹ cách mạng từ các địa phương về hội tụ. Đồng chí Hồ Tri Tân là người đầu tiên xây dựng những tổ chức cách mạng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và sáng lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại vùng đất này31. Cuối năm 1931, Hồ Tri Tân từ Quảng Trị vào Bà Rịa tránh địch khủng bố. Hồ Tri Tân sinh sống hợp pháp và mở một trại cưa nhỏ tại Phước Hải, một làng đông dân, trù phú, nghề cá phát triển, quần tụ nhiều ngư dân miền Trung. Mang theo được một số tài liệu bí mật gồm: Điều lệ tổ chức Công hội, Nông hội, Phương pháp hoạt động bí mật,... Hồ Tri Tân đã tập hợp những người tốt để giác ngộ cách mạng.

Mùa xuân 1932, Hồ Tri Tân cùng các anh Trần Văn Ý (thợ mộc) ở Long Hương, Bùi Văn Lăng (vận tải xe bò) ở ấp Lò Vôi, làng Phước Tỉnh tổ chức lễ kết nghĩa tại chùa Châu Viên, thề cùng nhau “hoạn nạn tương cứu, sinh tử bất ly”, gọi là nhóm Châu Viên kết nghĩa. Năm 1933, nhóm tập hợp thêm Trần Văn Hóa, Trần Văn Thiên, Hồ Thị Trinh, Mười Còn, Thợ Quy, Lương Xưởng,... tuyên bố thành lập Hội Châu Viên kết nghĩa.

Đêm 13 tháng 7 năm 1933, Hội Châu Viên kết nghĩa tổ chức treo 6 lá cờ đỏ búa liềm tại địa phận xã Long Hương, thị xã Bà Rịa; thị trấn Long Điền; Nhà kiểm lâm (ngã tư) Đất Đỏ; Nhà hội làng Long Nhung; Nhà hội làng Long Mỹ và đỉnh núi Hòn Ngang tại địa phận ấp Lò Vôi, Phước Tỉnh32. Gần một ngàn truyền đơn với các nội dung: “Bỏ thuế thân; Giảm thuế điền thổ trạch; Chống tham quan ô lại; Công nông binh liên hiệp lại” đã được rải từ thị xã Bà Rịa đến Long Điền, Đất Đỏ. Đây là hoạt động chính trị đầu tiên của công nhân và lao động Bà Rịa – Vũng Tàu dưới sự lãnh đạo của các đảng viên cộng sản trong thời kỳ xây dựng tổ chức Đảng ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phong trào “Chấn hưng Phật giáo” phát triển mạnh mẽ từ năm 1931 với sự ra đời của các Hội nghiên cứu Phật học và các tạp chí Phật học ở khắp ba kỳ có ảnh hưởng sâu sắc đến giới tăng ni phật tử Bà Rịa. Thiên Thai cổ tự (Long Điền) là một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở Bà Rịa33. Kế thừa tư tưởng yêu nước của Sư tổ Huệ Đăng, các môn đệ Thiên Thai cổ tự sôi nổi tham gia cuộc tranh luận về Phật giáo, hướng về quan điểm “Phật tự Tâm” của Sư Thiện Chiếu34, phê phán sự u mê về thiên đường hay cõi Tây phương cực lạc; hướng Phật giáo nhập thế với mục đích cứu khổ cứu nạn chúng sinh mà nguồn gốc của mọi đau khổ hiện thực bắt nguồn từ chế độ thống trị của thực dân Pháp và tay sai. Đó chính là khuynh hướng tích cực của phong trào Chấn hưng Phật giáo.

Tận dụng thời cơ, Hồ Tri Tân tổ chức Nhóm nghiên cứu Phật giáo gồm: Hồ Tri Tân, Lương Tống, Trần Bá Thiên, Bùi Văn Lăng, Chín Xướng và chị Tư Minh. Nhóm nghiên cứu Phật giáo là một hình thức hoạt động công khai, vận động tăng ni phật tử theo chánh đạo, chống tà thuyết35, đồng thời là tấm bình phong để bí mật hoạt động cộng sản. Trong các diễn đàn tranh luận về Phật học, Hồ Tri Tân đã tập hợp thêm Trần Văn Cừ (Ba Thẹo), Nguyễn Văn Long36.

Tháng 2 năm 1934, Hồ Tri Tân cùng Trần Văn Cừ, Nguyễn Văn Long đã tuyên bố thành lập chi bộ gồm 3 đảng viên: Trần Văn Cừ (bí thư), Nguyễn Văn Long và Hồ Tri Tân. Trần Văn Cừ vận động công nhân cao su và nông dân vùng Long Tân, Long Phước. Hồ Tri Tân vận động giới thợ mộc, thợ hồ, quần chúng lao động và buôn bán ở Long Điền, Đất Đỏ. Nguyễn Văn Long tham gia vận động quần chúng ở khu vực lộ 15 và giới tăng ni phật tử.

Theo sự phân công của chi bộ, đồng chí Trần Văn Cừ về làng Long Tân xây dựng cơ sở cách mạng. Có nghề dạy gồng (dạy võ) Trần Văn Cừ tá túc ở nhà ông Cả Hương, chiêu tập thanh niên, mở lò luyện võ, tập hợp được nhiều người có tinh thần yêu nước chống Pháp như các anh Sáu Cá (Lý Văn Yến), Năm Xinh, Văn Thanh Tòng, Ngô Văn Bình (Ngô Văn Tửng)… Năm 1935, các đồng chí Văn Thanh Tòng và đồng chí Ngô Văn Bình ở làng Long Tân được kết nạp vào Đảng cộng sản, hoạt động đơn tuyến37. Trần Văn Cừ mở rộng hoạt động về khu vực lộ 2, kết nạp được chị Nguyễn Thị Sanh (Sáu Mười Mẫu) và anh Huỳnh Văn Sinh (công nhân cao su). Ở vùng Long Điền, Đất Đỏ, đồng chí Hồ Tri Tân xây dựng được nhiều cơ sở trong quần chúng lao động như chị Hồ Thị Trinh, Hồ Thị Tường, Nguyễn Thị Nga, anh Trần Văn Hóa (ở làng Phước Hải), anh Võ Văn Thiết, anh Lê Công Cẩn (làng Long Mỹ(Phước Hải), Má Tư Trong, chị Lê Thị Đức (Đất Đỏ), chị Nhàn (Phước Tỉnh).

Cũng trong thời gian này, lực lượng tù chính trị bị giam ở các nhà tù Bà Rịa và Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) liên tục phát động những cuộc đấu tranh, gây ảnh hưởng lớn đối với quần chúng lao động. Báo cáo số 4097-S ngày 22-11-1933 của mật thám Nam Kỳ gửi Thống đốc Nam Kỳ cho biết, ngày 10-11-1933, tại nhà tù Cap Saint Jacques, Nguyễn Văn Sang và Lê Văn Cư cùng một số tù chính trị đã cổ vũ đồng phạm bỏ lao dịch... 14 tù chính trị đã tuyệt thực đến ngày 14-11-1933. Một nhóm khác gồm 16 tù nhân đã từ chối không đi làm (khổ sai) vào sáng 12-11-1933.38

Bản báo cáo số 2120-S ngày 4-7-1934 cho biết, 5 tù chính trị và 1 tù thường phạm đã từ chối không đi làm khổ sai. Bị phạt xà lim, họ đã tuyệt thực từ 26 tháng 6 năm 1934 đến 30 tháng 6 năm 193439. Tại nhà tù Bà Rịa, 23 phạm nhân vừa chuyển từ nhà tù Châu Đốc đến đã đấu tranh tuyệt thực chống lại việc phạt Trần Văn Quân, Nguyễn Nanh, Nguyễn Văn Lợi và 3 tù khổ sai vào ngục. Báo L’Inpatial ngày 15 tháng 12 năm 1933 đã đưa tin trên trang 8 cột 1. Các cuộc đấu tranh của tù chính trị ở các nhà tù Bà Rịa và Vũng Tàu sôi nổi trong những năm 1934-1935 có tác động tích cực làm chuyển biến nhận thức tư tưởng của một bộ phận trí thức, công chức, công nhân và lao động ở Bà Rịa – Vũng Tàu.



tải về 1.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương