LỊch sử phong trào công nhâN, viên chứC, lao đỘng và HỌat đỘng công đÒan bà RỊa vũng tàu giai đỌan 1930-2006


Mở rộng các tổ chức công khai hợp pháp và đấu tranh dân sinh dân chủ (1936-1939)



tải về 1.88 Mb.
trang3/17
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.88 Mb.
#2068
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

2. Mở rộng các tổ chức công khai hợp pháp và đấu tranh dân sinh dân chủ (1936-1939)

Giữa năm 1936, Mặt trận bình dân giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử ở Pháp. Lợi dụng tình hình chính trị thuận lợi, Đảng ta chủ trương mở rộng các hình thức thức tổ chức và hoạt động công khai hợp pháp để tập hợp quần chúng đấu tranh dân sinh dân chủ, chống thực dân Pháp và bọn phản động thuộc địa. Ngày 13-8-1936, Ủy ban trù bị Đại hội Đông Dương được thành lập tại Sài Gòn. Tháng 9-1936 toàn Nam Bộ có trên 600 Ủy ban hành động.

Hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội do Đảng ta phát động, Ủy ban hành động tỉnh Bà Rịa được thành lập40 gồm: Hồ Tri Tân, Trần Văn Cừ, Trần Văn Hoá, Trần Bá Thiên, Nguyễn Thị Sanh. Trụ sở của Ủy ban đóng tại Phước Hải. Ủy ban in nhiều truyền đơn phát hành công khai, cổ động quần chúng nhân dân tập hợp nguyện vọng, chuẩn bị cử đại biểu đưa lên phái đoàn thanh tra của Mặt trận nhân dân Pháp sắp sang Đông Dương điều tra. Nhiều Ủy ban hành động ở các huyện lần lượt được thành lập41. Cùng với việc tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, Ủy ban hành động còn tích cực vận động nhân dân đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi giảm thuế, nhất là thuế thân, thuế muối.

Hội Lỗ Ban tương tế là một tổ chức công khai của công nhân và lao động Bà Rịa – Vũng Tàu, được thành lập theo sáng kiến của Hồ Tri Tân vào ngày 2-9-1936 (17-7 âm lịch), ngày cúng Lỗ Ban tiên sư, ông tổ của ba ngành thợ mộc, thợ nề, thợ cưa. Điều lệ do Hồ Tri Tân dự thảo theo nguyên tắc của Điều lệ Công Hội đỏ. Tên hội công khai là Lỗ Ban tự tương thân tương tế Hội 42, lấy tương thân tương tế làm nội dung vận động quần chúng. Ban trị sự công khai gồm: ông Trần Văn Hữu – thợ mộc ở Phước Tuỵ43 làm Hội trưởng; ông Lê Văn Tập, thợ mộc ở Phước Tuỵ làm Hội phó; ông Hồ Tri Tân, thợ mộc ở Phước Hải làm thơ ký kiêm thủ quỹ. Ban trị sự chịu sự lãnh đạo của Ban chỉ đạo Lâm thời tỉnh Bà Rịa gồm có Hồ Tri Tân (thợ mộc), Nguyễn Thị Sanh (công nhân cao su), Bùi Văn Lăng (đánh xe bò), Nguyễn Văn Nhàn (thợ nề ở Phước Hải) và Lê Văn Viết (thợ mộc ở Phước Tuỵ).

Ở cấp cơ sở, mỗi làng tổ chức công khai một phân hội, có phân hội trưởng và Thư ký, có sổ thu tiền hội phí hàng tháng. Cuộc họp mặt ngày giỗ tổ 2 tháng 9 năm 1936 (17-7 âm lịch) tổ chức công khai tại nhà ông Lê Văn Tập (Phước Tuỵ) có trên 300 người tới dự. Lần đầu tiên, ba giới thợ (thợ mộc, thợ cưa, thợ nề) họp mặt thờ chung một ông tổ, thảo luận Điều lệ của Hội, sau đó có 150 người tự nguyện ghi tên, đóng hội phí và nhận điều lệ. Ngoài các phân hội thợ mộc, thợ nề, thợ cưa được tổ chức công khai như Điều lệ Hội được tham biện tỉnh cho phép, Ban chỉ đạo còn chọn những thanh niên tốt, hăng hái hoạt động, tổ chức ra các chi hội bí mật, cứ được ba người lập một chi hội theo giới thợ, hoạt động bí mật theo sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh Hội. Làng nào có hai ba giới thợ thì tổ chức hai hoặc ba chi hội. Trong năm 1936, nhiều Phân hội (công khai) và Chi hội (bí mật) đã được thành lập:

Phân hội (công khai) có:


  1. Phân hội Long Điền: ông Sáu Đô, chủ xưởng thủ công là Phân hội trưởng;

  2. Phân hội Phước Tụy 1: ông Lê Văn Tập là Phân hội trưởng, Lê Văn Viết Thư ký;

  3. Phân hội Phước Tụy 2: ông Trần Doanh là Phân hội trưởng;

  4. Phân hội Phước Hải: ông Nguyễn Văn Nhàn (Năm Nhàn), là Phân hội trưởng;

  5. Phân hội An Nhứt: ông Sáu Ngói (Sáu Môn) là Phân hội trưởng;

  6. Phân hội Phước Thọ;

  7. Phân hội Ngư nghiệp Phước Tỉnh: ông Hai Cận (Hai Tròn) là Phân hội trưởng.

Chi hội (bí mật) gồm:

  1. Chi hội thợ nề Phước Hải: ông Nguyễn Văn Nhàn (Năm Nhàn) là Chi hội trưởng;

  2. Chi hội thợ mộc Phước Hải: ông Trần Đình Xướng là Chi hội trưởng;

  3. Chi hội thợ mộc Phước Tụy 1: ông Trần Văn Viết là Chi hội trưởng;

  4. Chi hội thợ mộc Phước Tụy 2: ông Trần Ngọc Trân là Chi hội trưởng;

  5. Chi hội thợ mộc An Nhứt: ông Ngói là Chi hội trưởng;

  6. Chi hội thợ cưa Long Điền: ông Lê Văn Tư là Chi hội trưởng;

  7. Chi hội thợ mộc Phước Thọ;

  8. Chi hội thợ mộc Long Nhung;

  9. Chi hội thợ mộc Long Lập.44

Lỗ Ban tương thân tương tế Hội là bước đột phá về tổ chức của công nhân và lao động Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời kỳ này, mở ra các hình thức tổ chức công khai của các tầng lớp nhân dân lao động, quy tụ cả bà con nông dân, các ngành nghề, phu làm muối, chị em buôn bán ở các chợ Phước Hải, Long Điền. Nhiều hội nghề nghiệp trực thuộc Ban chỉ đạo tỉnh được thành lập như: Hội tương tế nấu rượu lậu ở Long Mỹ (5 người) do ông Võ Văn Thiết phụ trách; Hội tương tế thợ may Phước Tỉnh do ông Ba Cụt (tức Lê Minh Châu) phụ trách; Hội tương tế vận tải Phước Tỉnh do ông Bùi Văn Lăng phụ trách.

Thực dân Pháp bố trí mạng lưới mật thám theo dõi và đối phó với phong trào. Theo báo cáo ngày 25 tháng 9 năm 1936 của hương lý làng Phước Hải, tổng Phước Hưng, chủ tỉnh Bà Rịa báo cáo Thống đốc Nam Kỳ (ngày 26-9-1936): “Trong làng Phước Hải, tổng Phước Hưng có tên Hồ Tuy, 28 tuổi, nguyên quán làng An Long, tổng Bích La, tỉnh Quảng Trị, mang thẻ căn cước số A. 120.583, còn có tên là Hồ Tri Tân, vợ là Hồ Thị Trinh, lập Ủy ban hành động, đề nghị cho trục xuất45. Công văn số 115c ngày 8-9-1936 của Chủ tỉnh Bà Rịa Bartoli báo cáo Thống đốc Nam Kỳ tình hình hoạt động của Ủy ban hành động tỉnh Bà Rịa và đối phó của nhà cầm quyền địa phương. Theo công văn này, mật thám thường xuyên theo dõi một người tên là Trần Văn Thiên, vì hoạt động chuyên nghiệp. Thiên bị bắt đưa đi tạm giam vì rải truyền đơn bí mật. Ngoài ra, còn có Nguyễn Văn Trúc và Trần Văn Ngữ đồng lõa, giúp Thiên tên Hồ Ty, hoạt động hăng hái.

Công văn 131c ngày 25-9-1936 của Chủ tỉnh Bà Rịa Bartoli báo cáo tiếp: Trần Văn Thiên vừa bị tòa án Bà Rịa xử 4 tháng tù và 5 năm quản thúc. Trong suốt thời gian căng thẳng của tên Trần Văn Thiên, Hồ Ty tức Hồ Tri Tân, tỏ ra hoạt động hăng, vận động trong tỉnh và Sài Gòn nhằm tha cho Thiên. Đề nghị đuổi Hồ Ty về nguyên quán. Công văn 154c ngày 16-10-1936 cho biết thêm: Trần Văn Thiên, Hồ Ty tức Tri Tân và Nguyễn Thị Sanh lập các Ủy ban hành động ở tỉnh. Ngày 20 tháng 9, tại căn nhà thuê ở Phước Hải, Nguyễn Thị Sanh đã có mặt trong cuộc họp, nêu các yêu sách, khoảng 20 người đứng chung quanh. Vì không xin phép, Sanh bị nhà cầm quyền bản xứ bắt. Trần Văn Thiên đã bị xử 4 tháng tù rồi và 5 năm quản thúc. Còn Hồ Ty đề nghị trục xuất.

Ngày 15-10-1936, Quận trưởng Long Điền Vivan gửi báo cáo số 28c Báo cáo chủ tỉnh việc theo dõi các Ủy ban hành động như sau:



Tiếp theo báo cáo mật số 22c ngày 30 tháng 9 năm 1936, cung cấp thêm về các Ủy ban hành động Long Điền và Phước Hải, do các tên: Nguyễn Văn Thiên (tức Trần Văn Thiên) đã bị kết án vì “lang thang” (không nghề nghiệp) ngày 22 tháng 9 năm 1936 (4 tháng tù và 5 năm quản thúc). Hồ Ty tức Tri Tân, nguyên quán Quảng Trị và Nguyễn Thị Sanh nguyên quán Tân Uyên (Biên Hòa), nhưng không thể hoạt động vì đã có những biện pháp kiên quyết chặn kịp thời.

(...) Ủy ban hành động Xà Bang - Ngãi Giao được ghi trên truyền đơn màu xanh là do Nguyễn Thị Sanh tạo ra, dùng danh nghĩa culi Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam Kỳ làm ở đồn điền Trần Kim Tỵ, mà chồng là Huỳnh Văn Sinh làm xu ở đồn điền bên cạnh Xà Bang thuộc hãng Gallia (Sosiété Gallia) nhằm tỏ lòng đoàn kết với Ủy ban (hành động) Trung ương ở Sài Gòn. Truyền đơn này in ở nhà in Bảo Tồn, phân phát cho công nhân đồn điền và vùng xa trung tâm (Tổng Mọi ở Cơ Trạch), cách Long Điền 31km và cách Toà bố Bà Rịa 33 km.

Tôi đã đến nhà Nguyễn Thị Sanh, nơi Thị Sanh khai hoang và trồng 4 ha thuộc làng Ngãi Giao không xin phép, men theo lộ số 2 và có thể dính với nhượng địa của Ô. Caffort để thu thập tin tức, nhưng không gặp Thị Sanh. Tôi buộc phải sang đồn điền Trần Kim Tỵ, ở cùng làng cách 3 km. Tại đây tôi đã gặp Thị Sanh và chồng, họ đã khẳng định 13 tên ghi phía dưới truyền đơn là công nhân đồn điền, không ghi rõ địa chỉ.

Xu Sinh46 khẳng định với tôi rằng, từ khi biết những hoạt động của vợ kể trên, cảnh sát đã theo dõi Sanh, cho nên y phải đưa vợ về ở cạnh và ngăn thị đừng quan tâm những gì không dính tới mình (Nguyễn Thị Sanh đã bị tạm giữ một đêm ở nhà việc Phước Hải vì có âm mưu hội họp công cộng). Ủy ban Ngãi Giao, Xà Bang, Bà Rịa chỉ kí tên trên giấy.

Ngày 28 tháng 10 năm 1936, Chủ tỉnh Bartoli gửi Công văn số 164c báo cáo với Thống đốc Nam Kỳ: Hiện Trần Văn Thiên đã bị đưa đi tù 4 tháng và 5 năm quản thúc; Hồ Ty bị canh chừng ngặt ở tỉnh, thỉnh thoảng đi Sài Gòn liên lạc với Ủy ban hành động Trung ương; Nguyễn Thị Sanh ở đồn điền cũng bị bắt về ở nhà, không cho liên hệ chính trị. Sự đối phó rất quyết liệt của chính quyền thực dân ở Bà Rịa nói riêng, ở toàn Nam bộ nói chung đã hạn chế kết quả phong trào Đông Dương đại hội, nhưng thành tựu lớn hơn mà phong trào đã đã được là tập hợp được đông đảo quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo.

Cuối năm 1936, đồng chí Lê Văn Sô, tù chính trị ở Côn Đảo mãn án, bị thực dân Pháp đưa về chỉ định an trí ở Bà Rịa. Trong thời gian tìm nơi cư trú và việc làm, thực dân Pháp cho đồng chí tạm trú tại khám Bà Rịa. Lê Văn Sô liên lạc được với Trần Văn Cừ và Trần Văn Hoá đang bị giam ở đây, qua đó liên lạc với chi bộ Phước Hải, đẩy mạnh việc phát triển cơ sở Đảng và các đoàn thể quần chúng47. Lê Văn Sô và Hồ Ngọc Hạ được được bố trí làm phu cho một chủ xe đò đưa cá, mắm từ Phước Hải lên bán ở các chợ vùng cao su lộ 2, cùng chị Nguyễn Thị Sanh và Huỳnh Văn Sinh (chồng chị Nguyễn Thị Sanh) xây dựng các hội tương tế trong công nhân cao su. Chi bộ liên sở cao su Bình Ba - Xà Bang - Láng Lớn được thành lập gồm các đồng chí Nguyễn Thị Sanh (Sáu Mười Mẫu), Huỳnh Văn Sinh, Hồ Ngọc Hạ do Lê Văn Sô trực tiếp chỉ đạo48.

Tại vùng Long Điền, Đất Đỏ, Hồ Tri Tân liên lạc được với Nguyễn Văn Phải (tức Thanh Phong), đảng viên Đảng cộng sản Pháp đang hoạt động ở thị trấn Long Điền và phát triển thêm được nhiều cơ sở mới như như Bùi Hữu Thừa (Chín Thừa) (Phước Tỉnh), Nguyễn Văn Lê (An Ngãi), Đỗ Văn Nhàn (Bảy Nhàn ở Tam Phước). Nhóm của Nguyễn Văn Lê (Ba Lê ở An Ngãi) tập hợp thêm Ba Cụt (Lê Minh Châu, ở Phước Tỉnh), Hai Khai và nhiều thanh niên hăng hái ở Long Điền.

Năm 1937, Chi bộ Phước Hải phát triển thêm nhiều đảng viên như Trần Văn Hoá, Hồ Thị Trinh, Hồ Thị Tường, Lương Tống (ở Phước Hải); Lê Văn Hay tức Hà Du (Long Điền), Võ Văn Thiết, Lê Công Cẩn, Trương Văn Tân (Long Mỹ). Chi bộ Long Mỹ được thành lập do Võ Văn Thiết làm Bí thư. Cũng trong năm 1937, đồng chí Trương Văn Bang vừa ra tù, được Liên Tỉnh ủy miền Đông cử về củng cố các cơ sở Đảng ở Biên Hòa và Bà Rịa. Ban cán sự lâm thời tỉnh Bà Rịa được thành lập gồm Trương Văn Bang (Bí thư), Võ Văn Thiết, Hồ Tri Tân, Nguyễn Văn Tư, Lương Tống, Nguyễn Thị Sanh49... Khi ấy, trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đã có ba chi bộ: chi bộ Phước Hải, Chi bộ Long Mỹ, chi bộ Bình Ba - Xà Bang - Láng Lớn và một số đảng viên lẻ ở Long Điền, Đất Đỏ. Hầu hết các làng vùng Long Điền, Đất Đỏ, Long Hương, Phước Lễ, khu Tứ Long, và lộ 2 đã có các cơ sở Đảng và các Hội tương tế.

Ban chỉ đạo phong trào đấu tranh dân sinh dân chủ và tổ chức các nghiệp đoàn ở Bà Rịa được thành lập gồm 5 người: Nguyễn Văn Tư là Thư ký, Hồ Tri Tân, Nguyễn Văn Nhàn (Năm Nhàn), Võ Văn Thiết và chị Tư Móm. Hồ Tri Tân và Nguyễn Văn Nhàn chỉ đạo phát triển các chi hội thợ mộc, thợ nề, thợ cưa; Võ Văn Thiết phụ trách các hội tương tế khác; chị Tư Móm chỉ đạo tổ chức các hội phụ nữ buôn gánh bán bưng ở chợ Phước Hải. Hội phụ nữ tương tế đầu tiên được thành lập ở Phước Hải do chị Tư Móm phụ trách.

Tháng 6 năm 1937, Ban chỉ đạo tỉnh đã phát động cuộc đấu tranh trong giới thợ cưa Bà Rịa50. Trên 200 thợ cưa ở hầu hết các trại cưa Thủ Lựu, Long Điền, Phước Hải đã đồng loạt hưởng ứng cuộc bãi công với yêu sách nâng giá cưa gỗ dầu từ 0,10đ/m2 lên 0, 2 đ/m2, gỗ sao từ 0,13 đ/m2 lên 0, 5 đ/m2. Đồng chí Hồ Tri Tân trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh này. Các chi hội thợ mộc, thợ nề đều hưởng ứng bằng dư luận, sẵn sàng hỗ trợ cuộc bãi công. Nhờ sự đoàn kết đấu tranh của giới thợ cưa và sự khéo léo của Hồ Tri Tân (cũng là một chủ trại cưa), sau ba ngày bãi công, các chủ trại cưa đã thương lượng và nhất trí nhượng bộ giới thợ.

Ngay sau đó, các chi hội thợ mộc, thợ nề sở Ba Chim ở Long Hải tổ chức đấu tranh với các yêu sách: “Thi hành Luật lao động, ngày làm 8 giờ; Tăng lương 10%; Phản đối đánh đập thợ; Phản đối cúp lương thợ. ” Ba Chim là chủ thầu lớn, nhiều thủ đoạn, được tên Cò và Tham biện bảo trợ nên rất có thế lực. Ban chỉ đạo thông báo cho tất cả các giới thợ thuyền về những thủ đoạn bóc lột của Ba Chim, chuẩn bị lực lượng phối hợp đấu tranh. Sau một tuần chuẩn bị, trên 200 thợ mộc thợ nề sở Ba Chim ở Long Hải đã vây xe chủ sở đưa yêu sách và nhất loạt đình công, buộc Thanh tra lao động tỉnh giải quyết ngay tại chỗ một phần yêu sách. Cuộc đấu tranh của giới thợ mộc, thợ nề sở Ba Chim kết thúc dù chưa trọn vẹn, nhưng đó là thắng lợi mở đầu của sức mạnh ái hữu, tương tế, đoàn kết đấu tranh của thợ thuyền Bà Rịa.

Cuối tháng 6 năm 1937, Ban chỉ đạo đã vận động chị em buôn bán ở chợ Phước Hải đấu tranh chống tên Chà lạm thu thuế chợ và đánh đập chị em. Ban chỉ đạo cuộc đấu tranh gồm đồng chí Nguyễn Văn Tư làm Trưởng ban và các thành viên: chị Tư Móm, chị Nguyễn Thị Nga, Hồ Tri Tân, Võ Văn Thiết. Các chị Hồ Thị Trinh, Hồ Thị Tường, Hồ Thị Đức được phân công vận động chị em buôn bán ở chợ; Võ Văn Thiết vận động các chi hội tương tế các xã lân cận hỗ trợ đấu tranh bằng dư luận; Hồ Tri Tân cùng Nguyễn Văn Nhàn vận động các chi hội thợ mộc, thợ nề tại Phước Hải đến chợ mua bán để trực tiếp hỗ trợ và chỉ đạo cuộc đấu tranh.

Mở đầu cuộc đấu tranh, một số chị em tạo cớ bằng cách không chịu đóng tiền chỗ khi tên Chà đến thu, lấy lý do là chưa bán được hàng. Giống như mọi khi, tên Chà xông vào đánh đập, cả chợ đồng thanh la: ”Phản đối tên Chà đánh đập chị em” và xếp hàng lại, kéo đến nhà việc gặp lý trưởng tố cáo tên Chà thu tiền quá qui định, đánh đập chị em. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nga tổ chức một đoàn đại biểu thuê xe lên Bà Rịa đưa yêu sách cho chủ tỉnh. Tên chủ tỉnh hứa hẹn sẽ xem xét. Sau 4 ngày bãi thị, chủ tỉnh cùng chánh tổng Tri và lý trưởng Phước Hải đã đến chợ giải quyết các yêu sách, xử phạt tên Chà, tuyên bố mức thu thuế đúng như quy định. Sau cuộc đấu tranh, bọn Pháp kiếm cớ bắt giam chị Nguyễn Thị Nga 7 ngày tại khám Bà Rịa. Chi hội phụ nữ tương tế Phước Hải đã cử người thăm nuôi, động viên, giúp đỡ gia đình chị và bán hàng giúp chị. Thắng lợi của cuộc đấu tranh đã củng cố thêm tình đoàn kết của các hội tương tế và lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.

Qua đấu tranh, các tầng lớp nhân dân lao động nâng cao ý thức giác ngộ trong cuộc đấu tranh chống thực dân nô dịch và áp bức. Thợ bạn lưới rê, lưới cản ở Phước Hải cũng tập hợp thành Hội tương tế bạn lưới, đoàn kết nhau chống sự áp bức bóc lột của bọn chủ. Thanh niên ở các làng Long Điền, An Ngãi, Hắt Lăng, Phước Hưng (Tam Phước), Long Mỹ tổ chức thành đội tự vệ, luyện võ thuật51, trừng trị bọn lính kín thường lùng sục, dò la bắt bớ cán bộ và dân làng (nấu rượu, gánh muối lùi); tổ chức đánh Bùi Thế Thượng (con trai Hội đồng quản hạt Bùi Thế Khâm); đánh 3 tên Hương quản làng An Ngãi, Chợ Bến, hạ uy thế hội đồng và quan chức làng tổng. Khi đó một số tù thường phạm (án hình sự) vượt ngục về dựa vào Hương quản Bảy ức hiếp, ăn chặn tiền của phu gánh muối52. Lực lượng thanh niên tự vệ bí mật bố trí anh em đi gánh muối, bảo vệ các cán bộ đi vận động đồng bào, bênh vực đồng bào làm muối chống lại bọn quan tây và đám lưu manh.

Nhiều tờ báo công khai của Đảng ra đời tại Sài Gòn trong thời kỳ này như: L’Avant-garde (Tiền Phong) phát hành bằng tiếng Pháp, Le Peuple (Nhân Dân); Phổ Thông, Lao Động Mới, Tạp chí Đông Dương... đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tháng 7 năm 1938, báo Dân Chúng, cơ quan ngôn luận công khai của Đảng bằng tiếng Việt ra đời tại Sài Gòn và được quần chúng lao động Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệt tình đón nhận. Báo Dân Chúng, số ra ngày 22 tháng 7 năm 1938 đã đưa tin về đời sống khổ cực của anh em binh lính người Việt tại Vũng Tàu. Tờ báo đã gây nhiều phẫn nộ trong nhân dân và binh lính khắp nơi đối với chế độ thực dân.

Mạng lưới phát hành báo Dân Chúng về Bà Rịa được mở rộng qua các anh Dương Văn Xá, Nguyễn Văn Phải ở Long Điền; Hồ Tri Tân ở Đất Đỏ. Đồng chí Lê Văn Phỉ, đảng viên của Đảng bộ Biên Hòa chuyển vùng về Bà Rịa tập hợp được nhiều quần chúng tích cực như Trần Văn Đắc, anh Khoái ở Long Xuyên, Hoàng Thọ Chân, Mười Châu, Hai Ngã, Mười Bảo ở Long Kiên53, mở tiệm chữa xe đạp Đồng Tâm làm cơ sở liên lạc và phát hành báo Dân Chúng. Các đồng chí Dương Văn Xá, Nguyễn Văn Phải đã chỉ đạo tổ chức tiệm may mang tên Đồng Tâm ngay tại thị trấn Long Điền, trong tiệm có nhiều sách báo công khai của Đảng phục vụ cho khách hàng, nhất là tờ Dân Chúng. Ông Lê Minh Châu (Ba Cụt), thợ may ở Phước Tỉnh đưa báo Dân Chúng, báo Lao Động về bán tại nhà, phục vụ đồng bào.

Qua tin tức báo chí công khai của Đảng, phong trào đấu tranh ở Bà Rịa được cổ vũ mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh chống bọn tề tham nhũng tại Tam Phước tháng 9 năm 1938 do đồng chí Đỗ Văn Nhàn (Bảy Nhàn) và Nguyễn Văn Lê lãnh đạo được đông đảo đồng bào ở Long Mỹ, Long Điền, An Ngãi, Phước Hải tham gia, báo Dân Chúng cử phóng viên (đồng chí Trần Văn Lai) về phối hợp đưa tin54.



3. Tích cực xây dựng lực lượng, khởi nghĩa giành chính quyền (1939-1945)

Ngày 1-9-1939, chiến tranh Thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Lợi dụng tình hình chiến tranh, bọn thực dân ở Đông Dương tước đoạt mọi quyền dân sinh, dân chủ mà người lao động đấu tranh giành được. Để cung cấp cho bộ máy chiến tranh, chúng bắt hàng chục vạn lính thợ Việt Nam đưa sang Pháp. Ngày 22-6-1940, nước Pháp bại trận. Nhân cơ hội này, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Đêm 22-9-1940, Nhật tiến đánh Lạng Sơn, mở đầu cuộc xung đột Pháp - Nhật. Ngày 23-9-1940, bọn thực dân Pháp ở Đông Dương ký hiệp định chấp nhận yêu cầu của Nhật chiếm đóng Đông Dương. Mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp và phát xít Nhật càng thêm gay gắt.

Ở Vũng Tàu, Pháp tăng cường bộ máy đàn áp. Chúng đưa viên thiếu tướng Quillikini phụ trách chỉ huy khu vực55. Cò Claiser (dân thường gọi là Cò xệ) rất nham hiểm được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng. Roger, một tỉnh trưởng ngạch bậc ngoại hạng được cử về làm tỉnh trưởng.

Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Vũng Tàu với hàng ngàn binh sĩ người Việt đồn trú, nơi tập trung lính thợ để đưa sang Pháp, nơi tập kết quân đội trong cuộc chiến tranh Pháp – Thái Lan tại vùng biên giới Campuchia và Lào… Được Xứ ủy đặc biệt quan tâm, Tiểu ban binh vận Vùng II56 gồm 6 đồng chí đã về Vũng Tàu hoạt động, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong binh lính và công nhân, lao động. Truyền đơn cách mạng với nội dung kêu gọi binh lính chống điều quân ra biên giới, không đi đàn áp phong trào cách mạng đã xuất hiện tại các trại lính. Các anh Lê Đình Y, Bùi Cửu, Nguyễn Ngoạn là cơ sở cách mạng nòng cốt trong anh em binh lính người Việt đóng tại đây, tích cực chuẩn bị hưởng ứng khởi nghĩa.

Liên Tỉnh ủy miền Đông Nam Bộ đã phổ biến cho các tỉnh chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa của Xứ ủy, chỉ đạo thành lập Ban quân sự, Ban khởi nghĩa các cấp, củng cố các đoàn thể quần chúng cách mạng và tăng cường công tác binh vận. Khi ấy, Ban cán sự Đảng tỉnh Bà Rịa không còn hoạt động, song một số đảng viên sống bất hợp pháp trong công nhân cao su ở vùng lộ 2 nắm được tin tức cũng tích cực chuẩn bị khởi nghĩa. Ở các đồn điền Bình Ba, Xà Bang, Láng Lớn, công nhân bí mật tổ chức các đội tự vệ, trang bị các loại vũ khí thô sơ như gậy tầm vông, giáo, mác, luyện tập quân sự, sẵn sàng chờ lệnh.

Giống như tình hình ở các tỉnh Nam Bộ, phong trào cách mạng ở Bà Rịa và Vũng Tàu trong thời điểm này đứng trước khó khăn thử thách ngày càng gay gắt. Trương Văn Bang phải chuyển vùng; Hồ Tri Tân bị bắt đày ra Côn Đảo. Dương Bạch Mai bị kết án 5 năm tù, 10 năm biệt xứ, Hồ Hạ bị kết án 3 năm tù giam, 5 năm biệt xứ57. Hồ Thị Trinh, Hồ Thị Tường, Bùi Hữu Thừa (Chín Thừa) bị đày đi Bà Rá; Lê Minh Châu (Ba Cụt) bị đày đi Châu Đốc; Nguyễn Thị Sanh phải tạm lắng một thời gian trong công nhân cao su; Võ Văn Thiết sống bất hợp pháp trong rừng Long Mỹ.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, nhưng do điều kiện cách mạng chưa chín muồi, ngày giờ khởi nghĩa bị lộ nên thất bại. Song cuộc khởi nghĩa đã nêu cao tinh thần cách mạng quật cường của nhân dân Nam Bộ, tác động mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã không nổ ra tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng trong cuộc khủng bố trắng, nhiều cán bộ đảng viên ở Bà Rịa đã bị thực dân Pháp bắt đày đi căng Tài Lài, Bà Rá, Côn Đảo. Hai đảng viên Trương Văn Tân và Hà Du trước đó được Ban cán sự Đảng tỉnh Bà Rịa bố trí vào lực lượng lính khố xanh để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cũng bị địch phát hiện và bị bắt đày đi an trí. Số cán bộ còn lại phải lánh đi nơi khác hoặc nằm im hoạt động. Phong trào cách mạng ở Bà Rịa-Vũng Tàu lắng xuống.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, các cơ sở và phong trào cách mạng ở những cơ sở vùng đồn điền cao su dọc lộ 2 vẫn được duy trì, các cuộc đấu tranh của công nhân cao su liên tiếp nổ ra; ngoài ra công nhân cao su và quần chúng nhân dân kể cả đồng bào dân tộc còn nhiệt tình nuôi và bảo vệ những cán bộ, đảng viên từ nhiều nơi lánh về đây58.

Dưới sự lãnh đạo của các đảng viên cộng sản, phong trào đấu tranh của công nhân cao su ở các đồn điền trong tỉnh vẫn tiếp tục phát triển. Ngày 29-12-1940, hơn 1.000 công nhân cao su Bình Ba, Xà Bang, Sông Cầu cùng nhân dân địa phương đồng loạt nổi dậy tổ chức đình công đòi ngày làm 8 giờ, nghỉ chủ nhật, không được đánh đập cúp phạt, phu mãn hạn công-tra phải được trả về xứ, không phát gạo mục, cá thối... Cuộc đình công của công nhân cao su bước sang ngày thứ hai với khí thế quyết liệt hơn. Tên chủ đồn điền Bình Ba đã phải nhượng bộ, giải quyết các yêu sách về cấp đủ lương thực và hứa không đánh đập công nhân. Cuộc đấu tranh kết thúc thắng lợi.

Giữa năm 1941 ở sở Cuộctơnay, nhân vụ tên xu Lu đánh chết anh công nhân cạo mủ số 70 ở Láng Lớn, các cán bộ cách mạng bí mật sáng tác bài vè tố cáo tội ác của bọn xu xếp ác ôn, kêu gọi công nhân đoàn kết đấu tranh. Bài vè nhanh chóng lan truyền khắp các phân sở Nha Trào, Suối Cả, Láng Lớn, Xà Bang. Tên chủ sở Bu Du ra Lệnh cấm không cho hát bài này. Nếu ai hát sẽ bị tù. Tàn nhẫn hơn, chúng còn cho tay chân san bằng nấm mộ người công nhân mang số 70 và cấm công nhân không được hương khói.

Sự bất bình của công nhân đã dâng cao vào buổi tối rằm tháng bảy (9-9-1941), người công nhân mang số 3388 đã vận động công nhân ở phân sở Láng Lớn ra viếng mộ người công nhân mang số 70 để tuyên truyền, vạch trần tội ác của bọn chủ tư bản thực dân và kêu gọi công nhân đứng lên đấu tranh. Sáng 10 tháng 9 năm 1941, hơn 500 công nhân ở sở Cuộctơnay đình công kéo xuống tỉnh Bà Rịa yêu cầu tên tỉnh trưởng người Pháp phải can thiệp, buộc chủ sở chấm dứt đánh đập, hành hạ công nhân trong khi chúng bắt trồng lại mấy lô cao su ở Nha Trào, Láng Lớn.

Khi đoàn người đến Xà Bang thì bọn lính ở Bà Rịa lên chặn lại theo yêu cầu của tên chủ sở Bu Du. Năm công nhân đi đầu bị lính đánh kiệt sức ngã gục. Đoàn biểu tình vẫn tiến lên, tiếp tục khiêng 5 người bị thương đến dinh tỉnh trưởng Bà Rịa đấu tranh. Bọn lính dùng gậy gộc, báng súng đánh công nhân thật tàn nhẫn, họ vẫn không lùi bước. Các nhóm biểu tình có tổ chức tập hợp thành đoàn ngày càng đông. Dọc đường đến thị xã Bà Rịa, họ được công nhân các sở cao su Xà Bang, Bình Ba, nông dân vùng Long Kiên, Long Xuyên mang cơm nước ủng hộ. Tỉnh trưởng Bà Rịa hứa can thiệp với chủ sở bồi thường thiệt hại cho công nhân, chấm dứt tình trạng đánh đập cúp phạt, cấp đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho số công nhân đang trồng các lô cao su mới. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi.

Ở Vũng Tàu cũng có nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Mỹ Tho đã phải tạm chuyển tới Vũng Tàu tránh địch lùng bắt. Hoạt động khá nổi bật ở Vũng Tàu thời kỳ này có một nhóm do Nguyễn Xuân Nhật, Hồ Sĩ Ninh (tức Hồ Sĩ Nam), Nguyễn Ngọc Bảo (tức Vĩnh Bảo) tổ chức, hoạt động trong công nhân xây dựng người Bắc và Trung, trong công chức, trong các chủ tiệm ở chợ Vũng Tàu59 với những hình thức tổ chức đa dạng như Hội Ái hữu, Công hội, Nghiệp đoàn hoặc Hội tương tế, chủ yếu là ở địa bàn Thắng Nhì, trong ngư dân. Sinh hoạt trong nhóm Việt Minh Vũng Tàu còn có hai vợ chồng ông Huỳnh Văn Nhung và bà Hồ Thị Khuyên ở dưới chân Núi Lớn. Ông Huỳnh Văn Nhung là một chiến sỹ tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho bị địch bắt tra tấn đến tàn phế và đày biệt xứ về đây.

Đầu năm 1941, ở Vũng Tàu nổ ra cuộc đấu tranh rộng lớn của công nhân đánh xe thổ mộ chống lại bọn cảnh sát. Xe thổ mộ hầu như là phương tiện giao thông duy nhất trong nội thị, không những người dân thường, kẻ buôn bán mà cả công chức, lính tráng, hằng ngày đều dùng loại xe này để đi lại. Ngay bọn lê dương Pháp cũng thường đi xe thổ mộ. Cò cảnh sát Claiser và tên đội Ủng thường tìm cách phạt công nhân đánh xe để kiếm tiền với thái độ rất hống hách. Có lần tên đội Ủng vô cớ phạt một công nhân đánh xe, lập tức toàn bộ công nhân thổ mộ tổng đình công trong cả thành phố 1 ngày làm cho giao thông bị ngưng trệ, nhân dân càng thêm bất mãn với bọn cảnh sát. Trước tình hình nghiêm trọng này, cò Claiser phải bỏ lệnh phạt và xuống hòa giải với công nhân. Đứng đầu cuộc đấu tranh công khai này là ông Thiện, một người đánh xe có uy tín trong ngành.

Tháng 8 năm 1941, phát xít Nhật đã đổ bộ lên Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và Cầu Đá (Bãi Trước - Vũng Tàu), triển khai các điểm đóng quân, chốt giữ các vị trí quan trọng. Sở chỉ huy quân Nhật ở Vũng Tàu đặt tại nhà Đoan (Sở tài chính tỉnh hiện nay). Các kho súng đạn của quân Pháp trên Núi Lớn, Núi Nhỏ đều bị quân Nhật chiếm giữ. Chúng gấp rút củng cố hệ thống phòng thủ, biến Vũng Tàu thành căn cứ quân sự phục vụ công cuộc xâm lược. Quân Pháp bị buộc phải thu quân về hai trại: thành RIC và thành RAC60.

Một tiểu đoàn quân do một viên thiếu tá chỉ huy, lính Nhật đã đến đóng tại doanh trại của binh đoàn thuộc địa số 11 cạnh Nhà Đoan (khu vực Sở Tài chính hiện nay) và chiếm một số biệt thự gồm Tòa Bố (tức tỉnh trưởng, nay là khu nhà văn hóa thiếu nhi). Chúng cho bọn tay sai phát động một chiến dịch tuyên truyền ầm ĩ về sức mạnh của quân Nhật, về thuyết Đại Đông Á, với những khẩu hiệu mị dân như: Châu Á của người Á Châu, Nhật Bản đồng văn đồng chủng với người Việt Nam, Nhật Bản là người lãnh đạo, người bảo trợ của Châu Á… hòng gây cho dân ta ảo tưởng dựa vào Nhật để giành độc lập. Về thực chất đó chỉ là những mánh khóe che giấu sự bóc lột sức người sức của dân ta để đổ vào cuộc chiến tranh Thái Bình Dương.

Quân Nhật xây dựng các căn cứ hậu cần, mở rộng đường sá ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Chúng thúc phu phen xây dựng hệ thống kho xăng, kho súng đạn trong một khu vực rộng lớn từ khu phố Thắng Nhất tới cầu Cỏ May. Ở Vũng Tàu lại xuất hiện một lực lượng lao động nữa: những người làm phu cho Nhật, phần lớn là những người cu li làm cao su người Bắc, người Trung bỏ Sở về làm cho Nhật với hy vọng đỡ chết đói và đỡ bị hành hạ hơn. Nhưng đó cũng lại chỉ là một ảo tưởng.

Tại Bà Rịa, Bộ chỉ huy quân đội Nhật đóng quân tại Sở Thương chánh61. Quân Nhật chiếm đóng các thị trấn quan trọng Long Hải, Long Điền. Bọn trốt – kít (tự xưng là Đệ tứ quốc tế), bọn thân Nhật cũng nhen nhóm hoạt động chia rẽ phong trào công nhân, tán tụng chủ thuyết Đại Đông Á của phát xít Nhật, gây cơ sở xã hội tâm lý cho việc chiếm đóng của Nhật. Phan Văn Chánh, một trong những người cầm đầu nhóm Trốt – kít ở Nam Kỳ ngang cỡ với Tạ Thu Thâu, Trần Văn Trạch, Hồ Hữu Tường… thường có mặt hoạt động ở Vũng Tàu. Chúng ra sức tuyên truyền thuyết "Đại Đông Á", "đồng văn đồng chủng", tuyên bố "Châu Á là khu vực thịnh vượng chung" và thành lập các tổ chức thân Nhật. Những thủ đoạn mị dân đó không thể che giấu được bộ mặt xâm lược của phát xít Nhật.

Tình cảnh “một cổ hai tròng” của các tầng lớp nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng bi đát: hàng hóa thiết yếu khan hiếm; đồng bạc mất giá, sản xuất ách tắc, ngưng trệ; tiểu thương tiểu chủ buôn bán ế ẩm, nhiều nhà buôn phải đóng cửa vì người mua ít, trộm cướp gia tăng; đời sống khó khăn, nhiều đợt phu Bắc bị Nhật đưa vào không có việc làm cùng nhiều công nhân tại các đồn điền cao su thất nghiệp, các công xưởng nhỏ bị phá sản đổ dồn về Vũng Tàu. Trong khi đó máy bay đồng minh thường xuyên oanh kích vào những nơi đóng quân và chiến hạm của quân Nhật đậu ngoài khơi làm cho tình hình càng thêm rối ren. Không khí chiến tranh bao trùm Bà Rịa - Vũng Tàu.

Mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật ở Đông Dương cũng như mâu thuẫn giữa người Pháp theo phái De Gaulle và phái Pétain ngày càng trở nên sâu sắc. Lợi dụng tình hình này, các cơ sở đảng, phong trào công nhân lần lượt được khôi phục và hoạt động ngày càng mạnh. Trong Sở Mộ, Nhà Đèn, Nhà máy nước Vũng Tàu đã có những cơ sở, quần chúng cảm tình của đảng tuyên truyền ủng hộ Liên Xô, Trung Quốc đánh đổ phát xít Nhật.

Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương khiến cho tình hình Đông Dương hết sức khó khăn. Phát xít Nhật ra sức vơ vét nhân tài vật lực ở Đông Dương cung cấp cho cuộc chiến. Gạo, vải, dầu, diêm quẹt và những hàng tiêu dùng thiết yếu vô cùng khan hiếm. Bọn Nhật ra sức bắt thanh niên vào lính (lính hây hô), bắt nhân dân làm xâu, xây dựng các công trình phòng thủ ven biển. Chiến tranh thế giới và chiến tranh Thái Bình Dương đã thúc đẩy các mâu thuẫn giữa phe phát xít và phe dân chủ, giữa Nhật và Pháp, giữa nhân dân ta và phát xít Nhật - Pháp thêm sâu sắc, thúc đẩy tình thế cách mạng mau chín muồi. Thời cơ giành thắng lợi cho cách mạng nước ta đang tới gần. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 2 năm 1943 tại Võng La (Đông Anh - Hà Nội) đã chủ trương mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.

Phong trào cách mạng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ giữa năm 1943 đã từng bước được khôi phục. Một số đồng chí đảng viên tạm lánh hoặc bị bắt đi an trí một thời gian đã trở về Phước Hải, Long Mỹ, Long Điền, Đất Đỏ và khu vực lộ 2 tiếp tục hoạt động. Các đồng chí Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch nhiều lần đi về Bà Rịa - Vũng Tàu vận động xây dựng lại các tổ chức cách mạng. Đồng chí Võ Văn Thiết, một đảng viên trung kiên ở Long Mỹ đã lãnh đạo thắng lợi nhiều cuộc đấu tranh chống bắt lính ở vùng Long Điền, Đất Đỏ, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của 50 thanh niên làng Long Mỹ chống đi lính cho Nhật, năm 1943.

Hội truyền bá quốc ngữ được thành lập ở Bà Rịa và Vũng Tàu. Các Hội viên Hướng đạo sinh tham gia tích cực và mở được nhiều lớp xóa mù chữ ở Vũng Tàu, và các xã Long Hương, Phước Lễ (thị xã Bà Rịa), tuyên truyền văn nghệ, vận động đồng bào ủng hộ tiền mua sách cho những người nghèo học chữ quốc ngữ. Thanh niên trí thức hăng hái tham gia truyền bá quốc ngữ và tuyên truyền văn nghệ, phổ biến các bài hát, vở kịch có nội dung yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Nhiều khẩu hiệu như “Học truyền bá quốc ngữ là bảo vệ quốc hồn, bảo tồn quốc túy”, “đoàn kết trí thức với công nông” cổ vũ cho phong trào.

Nhiều đoàn thể quần chúng được thành lập như Hội Lương Hữu, Hội bóng đá, Hội bóng bàn, nhóm biểu diễn văn nghệ được thành lập, tập hợp nhiều trí thức, thanh niên, học sinh, nông dân hướng vào các hoạt động xã hội, tương trợ giúp đỡ đồng bào. Vở ca “Hội nghị Diên Hồng” ra trình diễn tại rạp hát Long Hương, đông đảo các tầng lớp nhân dân nhân dân đã tới tham dự. Phong trào tập luyện võ thuật của thanh niên phát triển sôi nổi ở nhiều địa phương. Thanh niên hăng hái vận động bài trừ cờ bạc, văn hóa đồi trụy, mê tín dị đoan và vận động tiêm thuốc phòng bệnh, tiêm phát thuốc cho nhân dân khắp thành thị nông thôn, đồng thời vận động mua gạo đem về bán cứu đói cho đồng bào trong lúc chiến tranh Thái Bình Dương đang diễn ra ác liệt.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Dương Bạch Mai, một nhóm Thanh niên cứu quốc Vũng Tàu đã được thành lập đầu năm 1944 gồm 5 đoàn viên: Trần Văn Quan (giáo viên trường công lập), Nguyễn Văn Thừa (công chức ngành Bưu điện), Nghiêm Xuân Bích, Nguyễn Văn Ảnh, Trần Văn Tịnh. Nhóm Thanh niên Cứu quốc dựa vào tổ chức hướng đạo sinh (Scout) để tuyên truyền tinh thần yêu nước, căm thù thực dân và bè lũ tay sai bán nước. Địa bàn và hình thức hoạt động của nhóm còn hạn chế, nhưng nhóm đã góp phần thúc đẩy phong trào yêu nước, nhiệt tình cách mạng trong tầng lớp thanh niên học sinh và một số công chức thời kỳ tiền khởi nghĩa ở Vũng Tàu.

Đêm 9 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật nổ súng làm đảo chính, hất cẳng thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương, độc chiếm Việt Nam và Đông Dương. Tại các đồn điền cao su, bọn chủ Tây đều bị quân Nhật bắt, đưa về giam ở Sài Gòn. chúng giao đồn điền cho một số cai ký thân Nhật quản lí. Lính Nhật giam bọn chủ sở cao su và lính Pháp ở nhà gần Nhà lầu 64 (nhà tên chủ sở đồn điền Bình Ba). Một số chủ sở quốc tịch Pháp trốn lên núi Mây Tàu. Toàn bộ máy móc, xe cộ, kho tàng, tài sản của các sở đồn điền cao su do quân Nhật chiếm giữ62. Công nhân thất nghiệp, không có lương, không có gạo, phải tổ chức phá kho của Sở để lấy lương thực, một số khác tìm đất tăng gia để sống, một số đi nơi khác tìm việc làm, số đông còn ở lại đồn điền hoặc vào bưng, rẫy trồng trọt, chăn nuôi kiếm sống cho bản thân và gia đình.

Công nhân trong các đồn điền Bình Ba, Xà Bang, Láng Lớn, Xuân Sơn, Sông Cầu cũng không tránh khỏi cảnh đi xâu cho Nhật, như dân chúng các làng, các tổng. Quân đội Nhật bắt công nhân các đồn điền cao su đi làm con đường từ Hàng Gòn đi Long Thành dài 18 km. Lính Nhật đốc thúc công nhân làm ngày làm đêm, vắt kiệt sức lực. Ở sở Courtenay có ông Vũ công nhân cao su đi phu làm đường về đến nhà, đau bụng, vào nhà cầu ngồi rồi kiệt sức, chết luôn trong nhà cầu.

Đời sống nhân dân vùng lộ 2 nói riêng, cũng như nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung hết sức cơ cực, lầm than, gia đình ly tán. Tuy không còn những cảnh hà hiếp, đánh đập của bọn tư bản thực dân và cai xu như trước đây nhưng nhân dân đã thấy được bản chất và ý đồ xâm lược của thực dân tư bản Pháp và phát xít Nhật. Cảnh bắt lính, bắt xâu, hà hiếp dân chúng, giết người mổ bụng của bọn lính Nhật khiến nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu sớm nhận ra bộ mặt thật của phát xít Nhật, cũng một lòng lang sói như thực dân Pháp trước kia.

Ở Vũng Tàu, sáng sớm ngày 10-3-1945, lính Nhật đã đứng gác ở các căn cứ quân sự và cơ quan hành chính Pháp, từng đoàn tù binh Pháp và nhân viên dân sự bị giải về Sài Gòn. Nhật tới chiếm thêm: Nhà quan Năm Pháp (Bureau de la Place), Nhà Đoan, các pháo đài Núi Lớn, Núi Nhỏ… Tàu chiến Nhật tới đậu ở vịnh Gành Rái, tới Bãi Dâu, hằng ngày hứng chịu những trận oanh kích của máy bay đồng minh. Sản xuất đình trệ, giao thông tắc nghẽn, nhân tài vật lực bị Nhật vơ vét. Đời sống người dân Vũng Tàu cũng như trong cả nước bị điêu đứng chưa từng thấy. Tiểu thương, tiểu chủ, buôn bán ế ẩm, viên chức cũ của Pháp tuy được Nhật lưu dụng nhưng đời sống chật vật, họ ngán ngẩm phản đối, Nhật ra lệnh đình chỉ sản xuất cao su, hàng vạn công nhân cao su thất nghiệp, đời sống hàng ngày bị đe dọa nghiêm trọng. Kim, chỉ, xà phòng, diêm quẹt, dầu lửa, vải, thuốc men trở nên khan hiếm. Họ phải sung vào những đội phu làm đường, xây dựng kho tàng, đào công sự, làm sân bay cho Nhật ở các công trường Bà Rịa, Vũng Tàu.

Sau cuộc đảo chính (9-3-1945), chính quyền thân Nhật tại Bà Rịa được thành lập do Lê Thành Long làm tỉnh trưởng. Lê Thành Long mang quốc tịch Pháp, từng làm cho Pháp đến chức Đốc Phủ sứ, đã nghỉ hưu tại Bà Rịa. Tri huyện Tạ Nhất Tứ được Nhật đưa lên làm Tỉnh trưởng Cấp (Vũng Tàu). Quan một Dương Văn Minh được cử phụ trách cảnh sát và Nguyễn Văn Hùng phó cảnh sát ở Vũng Tàu. Ít lâu sau, Đốc phủ sứ Lâm Văn Huê lên làm Tỉnh trưởng thay tri huyện Tạ Nhất Tứ63.

Tỉnh trưởng Lê Thành Long bắt tất cả số người Pháp đưa về Sài Gòn giam tại các trại tập trung của Nhật, đồng thời lệnh cho các chánh tổng huy động dân phu, xe bò cho các công trình làm sân bay Phú Mỹ, đào hầm hào, xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc ở bờ biển Phước Hải, xây dựng các trạm quan sát ven các sườn núi nhằm đối phó với các cuộc tiến công của thực dân Pháp và Đồng Minh. Thất bại của người Pháp kéo theo sự phá sản của hàng loạt đồn điền, công xưởng, nhà thầu, nhà nghỉ, làm hàng vạn người thất nghiệp. Sưu cao, thuế nặng, thất nghiệp, hàng tiêu dùng khan hiếm, đời sống nhân dân điêu đứng chưa từng thấy; song sự thất bại thảm hại của thực dân Pháp sau 80 năm đô hộ làm cho quần chúng vô cùng phấn khởi. Tinh thần dân tộc trỗi dậy mạnh mẽ, không chỉ trong các tầng lớp công nông mà ngay cả trong, hương chức, trí thức, công chức, tiểu chủ và binh lính.

Các đồng chí Nguyễn Xuân Nhật, Hồ Sĩ Nam, Nguyễn Ngoạn, Hồ Thị Trinh phối hợp với những đồng chí đảng viên, quần chúng cốt cán còn lại sau Nam Kỳ khởi nghĩa ở Cần Thạnh, Long Hòa, Thạch An tích cực tuyên truyền đường lối của mặt trận Việt Minh, chủ trương đánh Nhật cứu nước, tiến tới tổng khởi nghĩa của Đảng. Ngay giữa thành phố Vũng Tàu những truyền đơn của Việt Minh xuất hiện, thông báo cho nhân dân về những nội dung bản chương trình của mặt trận, về tình hình chiến đấu chống Nhật ở khu giải phóng Việt Bắc, kêu gọi nhân dân đoàn kết dưới cờ Việt Minh. Truyền đơn Việt Minh xuất hiện bất ngờ, chương trình Việt Minh đáp ứng nỗi mong đợi khát khao của người dân Vũng Tàu đánh đuổi phát xít Nhật, gấp rút tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền, phá kho thóc, kho gạo giải quyết nạn đói. Những người đọc được truyền đơn thích thú bàn với nhau về những đóa truyền đơn bí mật, về những hành động “xuất qủy nhập thần” của cán bộ Việt Minh Vũng Tàu và rồi cứ thế truyền đi, lan rộng, phát huy tác dụng của những tin tức công khai đầu tiên về sự có mặt của Việt Minh, gieo vào người dân niềm hy vọng tương lai. Công việc viết, rải truyền đơn do một nhóm đồng chí và quần chúng tích cực thực hiện dưới sự chỉ đạo của Đảng.

Phong trào truyền bá quốc ngữ được khởi xướng ở Bà Rịa và Vũng Tàu từ giữa năm 1944, phát triển mạnh sau ngày Nhật đảo chính Pháp. Ở Long Điền, Dương Văn Xá tổ chức một số thanh niên học sinh tham gia truyền bá quốc ngữ, tuyên truyền văn nghệ, giáo dục truyền thống từ tháng 7 năm 1944. Đầu năm 1945, nhiều nhóm truyền bá quốc ngữ được thành lập ở tỉnh lỵ và nhiều thị xã thị trấn trong toàn tỉnh. Nhóm ở Phước Lễ có ông Hồ Đắc Thăng, Nguyễn Văn Tình; nhóm ở Long Hương có Võ Văn Ấn, Võ Văn Ngỡi; nhóm ở Long Phước có các anh Dương Văn Giỏi, Dương Văn Mạnh, Võ Ngọc Hải. Nhóm Đất Đỏ do anh Trương Văn Khâm đứng đầu, tập hợp các nhà giáo, thanh niên trí thức, đẩy mạnh truyền bá quốc ngữ và tuyên truyền văn nghệ, phổ biến các bài hát, vở kịch có nội dung yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Nhóm Thanh niên Cứu quốc ở Vũng Tàu do đồng chí Dương Bạch Mai tổ chức cũng tích cực tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ. Nhóm truyền bá quốc ngữ Vũng Tàu mà hạt nhân là các anh Trần Văn Quan, Ngô Đồng Thịnh, Nghiêm Xuân Điền đã tổ chức được gần hai mươi lớp, xóa mù chữ cho trên một ngàn người lao động ở Vũng Tàu. Học quốc ngữ, nói tiếng Việt, tuyên truyền cội nguồn văn hoá Việt Nam lúc này không chỉ là vấn đề văn hoá mà đã trở thành một bộ phận của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phong trào Thanh niên Tiền Phong khởi xướng từ Sài Gòn (5-1945), phát triển mạnh và lan rộng về các tỉnh. Thanh niên Tiền Phong Bà Rịa ngay từ đầu đã do các đảng viên cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Ban thủ lĩnh gồm Dương Văn Xá (đảng viên, nhà báo), Nguyễn Văn Phải (đảng viên, ở Pháp về) và nhà giáo yêu nước Lưu Văn Vầy64. Bên cạnh Ban thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong tỉnh, còn có một đội ngũ thanh niên hăng hái như Lê Thành Duy, Đoàn Thuật, Trần Thượng Thu, Lưu Văn Quy, Huỳnh Công Vinh, Võ Văn Nghĩa, Lê Văn Quang. Đoàn Thuật và Lưu Văn Vầy vận động vùng Cơ Trạch - Ngãi Giao (từ Long Kiên, Long Xuyên đến sở Courtenay). Nguyễn Văn Phải vận động thanh niên Long Điền và tổng An Phú Thượng. Lê Thành Duy là Tráng trưởng Thanh niên Tiền Phong tỉnh Bà Rịa. Trần Thượng Thu phụ trách Thiếu nhi tiền phong. Dương Văn Xá là thủ lĩnh, thường giao thiệp với Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng ở Sài Gòn.

Nhân cơ hội phát xít Nhật hất cẳng Pháp, nhiều cán bộ bị đày ở nhiều căng an trí đã vượt ngục trở về, cùng các đảng viên còn bám trụ xây dựng lại phong trào. Chi bộ Bà Rịa được thành lập lại tại Long Mĩ (5-1945), khôi phục tổ chức và phát triển phong trào, Võ Văn Thiết là bí thư, tập hợp các đảng viên cũ Trương Văn Tân (Năm Trắng), Hà Du, Hồ Thị Trinh, Hồ Thị Tường, Lê Công Cẩn, Nguyễn Văn Phải, Nguyễn Văn Lê... Chi bộ giao cho Phạm Văn Tỷ xây dựng một đội thanh niên tự vệ (hơn 20 đội viên) làm nhiệm vụ bảo vệ Mặt trận Việt Minh và cán bộ lãnh đạo.

Các đảng viên cũ ở Bà Rịa lâu nay tạm lánh sự khủng bố, hoặc mới vượt ngục Tài Lài, Bà Rá về đều hoạt động trở lại, là nòng cốt hoặc thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong ở các tổng, xã. Chi bộ chỉ đạo Thanh niên Tiền phong thông qua Nguyễn Văn Phải (trong Ban thủ lĩnh) và qua các đảng viên đã nắm Thanh niên Tiền phong ở các cơ sở. Từ khi chi bộ Bà Rịa được thành lập lại, phong trào Thanh niên Tiền Phong được bổ sung thêm một số cốt cán mới: Phan Kim Chung và Tăng Văn Lành vận động quần chúng ở tổng Phước Hưng Thượng; Trương Văn Khâm tập hợp được nhiều trí thức ở Đất Đỏ; Lê Thị Tuyết vận động chị em phụ nữ ở Bà Rịa; tháng 7 năm 1945 tập hợp thêm Dương Ngọc Văn (Nguyễn Văn Đường), vận động trong Liên đoàn công chức. Tháng 8 năm 1945, nhóm cộng sản Đất Đỏ gồm Võ Văn Thiết, Hồ Thị Trinh, tham gia phong trào, đẩy mạnh việc vận động quần chúng ở Đất Đỏ65.

Ở nhiều làng, cả Ban Hội tề đều tham gia Thanh niên Tiền phong. Khẩu hiệu: “Gia nhập Thanh niên Tiền phong là yêu nước” có sức cổ vũ, thôi thúc các tầng lớp nhân dân sôi nổi tham gia. Anh Phạm Văn Tỷ được giao nhiệm vụ tập hợp số thanh niên hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân trước đây, tổ chức thành Đội tự vệ vũ trang với nhiệm vụ gấp rút huấn luyện và tự trang bị vũ khí66, bảo vệ cán bộ đảng viên làm công tác vận động quần chúng, đánh bọn Nhật đang hung hăng khủng bố đồng bào và trừng trị bọn Việt gian ngóc đầu dậy đánh phá cách mạng. Thanh niên Tiền phong ở Phước Lễ (Bà Rịa) và Thanh niên Tiền phong ở Vũng Tàu đã vận động nhiều đội viên ngành y làm trong bệnh viện tham gia công tác xã hội, phát thuốc chữa bệnh và hướng dẫn vệ sinh, phòng bệnh cho đồng bào.

Các đồng chí đảng viên cộng sản Vũng Tàu đã tổ chức đoàn Thanh niên tiền phong ở những xã thuộc tổng Cần Giờ, tập hợp tất cả những thanh niên không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo, miễn là có lòng yêu nước. Đây là một bộ phận quan trọng trong đạo quân chính trị do đảng chủ trương tổ chức và mở rộng nhanh chóng chuẩn bị cho việc khởi nghĩa sau này. Trang bị cho thanh niên tiền phong chỉ có gậy tầm vông, dao găm, giáo mác, nhưng nó đã hỗ trợ có kết quả cho khí thế chung của quần chúng, đã lôi cuốn đông đảo các tầng lớp thanh niên, học sinh yêu nước tham gia dưới nhiều hình thức như tập võ thuật, giữ gìn an ninh trật tự, lập đội cứu thương, truyền bá quốc ngữ.

Trước 9-3-1945, Vũng Tàu là một trại lính qui mô của Pháp, sau đảo chính Nhật – Pháp, nơi đây biến thành căn cứ quân sự của lục quân và hải quân Nhật. Những cơ sở hậu cần ở đây đã được bí mật xây dựng ngay hồi đầu chiến tranh Thái Bình Dương bằng sức lao động của hàng ngàn phu Nhật (chủ yếu là công nhân cao su người các tỉnh phía Bắc bị thất nghiệp vì cơ sở cao su Pháp cũ bị đình sản xuất, dãn thợ). Họ thang lang trên đường phố Vũng Tàu, Bà Rịa kiếm ăn bằng đủ mọi cách trước khi sa vào bước đường cùng hoặc đi phu cho Nhật hoặc sung vào những đơn vị lính người bản xứ do hạ sĩ quan Nhật chỉ huy. Tổ chức Việt Minh ở Vũng Tàu mở rộng công tác tuyên truyền cách mạng trong số phu, lính này.

Ngày 24-4-1945 lính Mỹ chiếm đóng Okinaoa, ngày 4-7, 23 sư đoàn quân Nhật bị tan rã hoặc đầu hàng ở mặt trận Philippin. Lính Nhật đóng ở Vũng Tàu do một viên quan năm chỉ huy, tinh thần sa sút, kỷ luật lỏng lẻo đến mức đem cả súng đạn, quần áo lính đổi lấy thuốc lá, bánh trái, một bao Melia, một nải chuối đôi khi cũng đổi được khẩu súng Chiêu Hòa. Lợi dụng thời cơ này, tổ chức Việt Minh Vũng Tàu mua được một số súng, đạn, lựu đạn, mã tấu Nhật để tự trang bị. Quán cơm của vợ chồng đồng chí Vĩnh Bảo mở từ 1941 tại Bến Đình chi tiền mua vũ khí đồng thời là trạm liên lạc, làm nơi đi lại, tiếp xúc với các cơ sở đầu mối quần chúng, nơi thu thập tin tức.

Nắm được chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và chỉ thị của Xứ ủy về việc tích cực chuẩn bị lực lượng, tiến tới Tổng khởi nghĩa, Chi bộ chủ trương tăng cường sự chỉ đạo Thanh niên Tiền phong, lập các đội thanh niên xung kích, sưu tầm vũ khí, luyện tập quân sự, làm lực lượng nòng cốt giành chính quyền khi có thời cơ.

Lực lượng Thanh niên Tiền phong các sở cao su thực sự làm chủ đồn điền, giữ gìn trật tự an ninh, sưu tầm vũ khí, tập luyện quân sự chuẩn bị khởi nghĩa. Thanh niên Tiền phong Đồn điền Bình Ba do các đồng chí Hồ Ngọc Hạ và Trịnh Khắc Phùng tổ chức tự quản, tập hợp hàng trăm thanh niên, vũ trang bằng gậy tầm vông, vũ khí thô sơ tự tạo và một số súng kíp, súng săn, súng trường chiếm được của bọn chủ Tây. Thanh niên Tiền phong làm chủ đồn điền, tổ chức tuần tra, canh gác, giữ trật tự an ninh, lùng bắt bọn chủ Tây còn lẩn trốn. Nhiều người trước làm thầy xu, cai, ký cũng tham gia Thanh niên Tiền Phong, tham gia các tổ chức công nhân tự quản và truyền đạt những chủ trương và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới cho công nhân. Thanh niên dân tộc Châu Ro trong các làng hăng hái chế tạo nhiều cung, ná, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa.

Các sở Courtenay, Xà Bang đều có tổ chức thanh niên Tiền phong, hàng ngày tập luyện quân sự. Đội tự vệ chiến đấu ở Bình Ba tổ chức được trên 10 thanh niên tham gia do anh Trịnh Khắc Phùng chỉ huy làm nhiệm vụ tự quản, giữ gìn an ninh trật tự, sưu tầm vũ khí, tập luyện quân sự chuẩn bị khởi nghĩa. Đội tự vệ đã phục kích giết 2 tên lính Nhật đi trên đường từ Cuộctơnay về thu 2 súng, trang bị thêm vũ khí cho tự vệ chiến đấu. Thanh niên Tiền phong ở các sở cao su lộ 2 tích cực sưu tầm thêm vũ khí, trang bị gậy tầm vông, giáo mác, ná, ngày đêm hăng say luyện tập và háo hức chờ lệnh khởi nghĩa. Trước khí thế cách mạng đang dâng lên ngày càng mạnh mẽ, bọn lính Nhật hoảng sợ, đã rút chạy về tỉnh. Lực lượng Thanh niên Tiền phong, tự vệ chiến đấu đã thực sự quản lý, giữ gìn trật tự, bảo quản các kho tàng, tài sản, kho lương thực ở các đồn điền.

Giống như nhiều địa phương ở Nam Bộ, phong trào Thanh niên Tiền phong là một cuộc chạy đua giữa các đảng viên cộng sản và các đảng phái thân Nhật trong việc xây dựng lực lượng quần chúng rộng rãi. Ở Vũng Tàu, chính quyền thân Nhật chỉ định Dương Văn Minh (cảnh sát trưởng) làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong. Lực lượng Thanh niên Tiền phong đông đảo nhất Vũng Tàu lúc đó là Thanh niên Tiền phong xã Thắng Tam do hai anh em Lê Tấn Thông và Lê Tấn Ngôn tổ chức. Lê Tấn Thông từng là tù chính trị thuộc phái thân Nhật, bị thực dân Pháp bắt giam tại Côn Đảo, nhưng đại đa số Thanh niên Tiền phong Thắng Tam đều là những thanh niên yêu nước nhiệt thành, được khơi dậy ý thức dân tộc, được cuốn hút trong phong trào truyền bá quốc ngữ, hướng dẫn vệ sinh phòng dịch, cứu trợ đồng bào, sưu tầm vũ khí, tuần tra canh gác, bảo vệ trật tự trị an.

Một nhóm thanh niên khác gồm Nguyễn Văn Thạch, Võ Văn Tần, Lê Duy Nhất, Nguyễn Văn Khẩu, Nguyễn Văn Phá từng tham gia phong trào học sinh yêu nước tại Sài Gòn trong những ngày sôi sục cách mạng này nhận nhiệm vụ của đồng chí Mai Văn Bộ67 trở về Vũng Tàu gây dựng phong trào. Các anh đã kết hợp cùng với nhóm Thanh niên Cứu quốc của Trần Văn Quan và đông đảo nam nữ thanh niên Vũng Tàu hoạt động sôi nổi tại khu vực khóm Chợ, khóm Vườn. Hội hướng đạo Vũng Tàu do Trần Văn Quan phụ trách đã sửa lại lời thề của Hướng đạo, đưa nội dung yêu nước thiết thực vào hoạt động hướng đạo:



  1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam.

  2. Giúp ích mọi người.

  3. Tuân theo luật hướng đạo.

Hội quy định trong ngày sinh hoạt cấm nói tiếng Pháp và vận động đội viên tham gia phong trào Hội truyền bá quốc ngữ, phân công hội viên đến từng khu dân cư lao động vận động ghi tên người theo học, tổ chức biểu diễn văn nghệ và quyên góp tiền mua sách vở và bút mực cho người học chống mù chữ. Hàng chục lớp xóa mù chữ đã được tổ chức ở Vũng Tàu, mỗi lớp thường từ 50 đến 60 người. Các bài hát cổ vũ cho phong trào xóa mù chữ được truyền bá rộng rãi trong nhân dân Vũng Tàu68.

Ở khu vực Bến Đình, Bến Đá có hai đội Thanh niên Tiền phong. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, nghe tin Nhật Hoàng đầu hàng Đồng Minh, Đội Thanh niên Tiền phong Bến Đá do Nguyễn Hòai Đức làm thủ lĩnh đã tuyên thệ trung thành với Tổ quốc Việt Nam và thành lập Đội cảm tử quân Bến Đá, có 60 đội viên, trang bị được 08 khẩu súng trường, một số lựu đạn và mã tấu. Đó là một trong những tiền thân của lực lượng võ trang Vũng Tàu.

Chỉ trong vòng ba tháng, Thanh niên Tiền phong phát triển nhanh chóng, tập hợp hầu hết các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả thanh niên, phụ nữ, người già, người trẻ, công chức, hương chức các làng, cai ký trong các sở cao su. Hoạt động chính của Thanh niên Tiền Phong là tuần tra canh gác, giữ trật tự trị an trong làng xóm, dàn xếp các vụ xích mích, tự trang bị vũ khí thô sơ và luyện tập quân sự, sẵn sàng chiến đấu. Thanh niên Tiền Phong đã làm nhiều chức năng về trật tự an ninh, văn hóa xã hội thay cho hệ thống tề xã đã rệu rã từ khi Nhật đảo chính Pháp.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh, Trung ương Đảng đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào đã bầu ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do Cụ Hồ Chí Minh đứng đầu. Tình hình cách mạng và phong trào có nhiều chuyển biến mau lẹ. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, bọn lính Nhật hoang mang, co cụm lại trong các trại tập trung, lo lắng về số phận của chúng, chưa biết sẽ ra sao.

Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng tại Chợ Đệm từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 8 năm 1945 đã quyết định khởi nghĩa tại Tân An làm thí điểm và khẩn trương huy động lực lượng, chuẩn bị giành chính quyền tại Sài Gòn-Gia Định và các tỉnh. Hai đồng chí Huỳnh Văn Hớn và Dương Bạch Mai được cử về chỉ đạo giành chính quyền tại Bà Rịa và Vũng Tàu.

Thực hiện nghị quyết và chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ về việc chuẩn bị lực lượng giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, ngày 23 tháng 8 năm 1945, Chi bộ Bà Rịa họp mở rộng tại Long Điền, quyết định sử dụng lực lượng Thanh niên Tiền phong tất cả các xã trong tỉnh có trang bị vũ khí thô sơ và huy động đồng bào toàn tỉnh về Bà Rịa giành chính quyền vào sáng 25 tháng 8 năm 1945. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập gồm các đồng chí chủ chốt trong chi bộ và Ban thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong. Đội thanh niên tự vệ bố trí lực lượng bảo vệ cán bộ trong ngày tổng khởi nghĩa, phân tán lực lượng theo sát từng đoàn tuần hành và bảo vệ cán bộ cách mạng lúc diễn thuyết. Thanh niên xung kích các xã Long Hương, Phước Lễ làm nhiệm vụ thường trực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Ủy ban khởi nghĩa.

Ngày 24 tháng 8 năm 1945, anh Lê Văn Quang đã đưa lá “Cờ đỏ sao vàng” chuyển đến Ủy ban khởi nghĩa. Trần Ngọc Anh, người thợ hớt tóc đã được anh Võ Văn Nghĩa, Đoàn trưởng Thanh niên Tiền phong Phước Lễ được trao nhiệm vụ tổ chức treo lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh lầu nước trung tâm tỉnh lỵ, trước khi trời sáng. Ủy ban khởi nghĩa huy động các cơ sở thợ may tranh thủ may thêm cờ đỏ sao vàng để ngay trong đêm để kịp phục vụ cuộc mít tinh giành chính quyền vào sáng hôm sau. Lực lượng xung kích khẩn trương dựng khán đài, vẽ biểu ngữ và luân phiên thức suốt đêm, bố trí canh phòng cẩn mật địa điểm mít tinh là khu vực Lầu Nước nhằm đảm bảo thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Đoàn thanh niên Tiền phong ở các sở Courtenay, Bình Ba, Xà Bang đều có mặt, tham gia giành chính quyền tại tháp nước Bà Rịa. Riêng ở Courtenay trước đó 1 tuần, thanh niên tiền phong lấy mủ cao su dán làm dép, rèn dao găm, mỗi người chuẩn bị 1 cuộn dây và 1 gậy tầm vông. Trước lúc khởi nghĩa, Đoàn Thanh niên Tiền phong sở Courtenay phải đi bộ suốt đêm 30 km, đến 5 giờ sáng hôm sau có mặt tại cuộc mít tinh giành chính quyền ở Bà Rịa.

Rạng sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945, một vạn người hàng ngũ chỉnh tề tập hợp tại trung tâm tỉnh lỵ. Lực lượng thanh niên xung kích canh gác bảo vệ lễ đài, án ngữ các ngả đường vào tỉnh lỵ. Một tiểu đội thanh niên xung kích hộ tống Dương Văn Xá, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong, đại diện Ủy ban khởi nghĩa đến Toà tham biện, thông báo cho tỉnh trưởng Lê Thành Long biết, chấp hành lệnh của Ủy ban khởi nghĩa Trung ương, nhân dân Bà Rịa đã đồng tâm nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Lê Thành Long chấp nhận yêu cầu của Ủy ban khởi nghĩa, trao toàn bộ ấn tín và Hồ sơ cho cách mạng.

Trong khi đó, một tiểu đội thanh niên xung kích khác hộ tống Lưu Văn Vầy, trong ban thủ lĩnh đến gặp Satô, chỉ huy quân đội Nhật, yêu cầu quân Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, binh lính Nhật không được ra khỏi trại, riêng Satô được mời đến dự mít tinh. Sau bài diễn văn hùng hậu của Thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong, thay mặt cho Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố nền độc lập của nhân dân Bà Rịa, Tỉnh trưởng Lê Thành Long đã xin từ chức, trao lại chính quyền cho nhân dân. Anh Huỳnh Công Vinh thay mặt cho lực lượng Thanh niên Tiền phong đọc lời tuyên thệ suốt đời trung thành với Tổ quốc Việt Nam, nguyện bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của dân tộc.

Sau cuộc míttinh, Thanh niên Tiền phong dẫn đầu các đoàn tuần hành quanh tỉnh lỵ, rồi tỏa về từng cơ sở giành chính quyền. Tổ Thanh niên Tiền phong xóm Lưới do Hoàng Sơn Hải làm tổ trưởng đã tổ chức lực lượng chiếm giữ Dinh tỉnh trưởng, hạ lá cờ quẻ ly của Nhật, kéo lá cờ đỏ sao vàng lên, xác nhận độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Các tổ Thanh niên Tiền phong Phước Lễ chia nhau chiếm giữa và canh gác các công sở. Một tổ Thanh niên xung kích khác mở cửa nhà lao giải phóng cho tù chính trị. Thanh niên Tiền phong các xã tập hợp thành từng đoàn trở về giải tán toàn bộ tề xã, thành lập chính quyền cách mạng.

Thanh niên Tiền phong sở Courtenay, sau khi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ đã trở về xây dựng chính quyền tự quản đồn điền, thành lập đội du kích, lực lượng chọn trong số thanh niên tiền phong xung kích, tự trang bị bằng khẩu súng 2 nòng, ná bắn tên, gậy tầm vông. Được tin báo có 1 tên Pháp trốn trong rừng đối diện Hàng Gòn, đoàn thanh niên tiền phong lập tức đi bắt đến nơi thì bao vây. Khi tên Pháp thấy một số Thanh niên tiền phong trước mặt định giơ súng 2 nòng lên bắn liền bị thanh niên tiền phong phía sau lưng chĩa gậy tầm vông vào lưng, bắt hắn bỏ súng, đầu hàng, trói lại, đưa về sở.

Vũng Tàu lúc ấy chưa có tổ chức Đảng. Thanh niên Tiền phong Vũng Tàu do Dương Văn Minh, viên chức cảnh sát của chính quyền thân Nhật làm thủ lĩnh, nhưng thực tế, Dương Văn Minh không chi phối hoạt động của Thanh niên Tiền phong ở các xã. Khi đó, các cơ sở binh vận do Tiểu ban binh vận Vùng II của Xứ ủy tổ chức trước đó (Lê Đình Y, Nguyễn Ngoạn, Bùi Cửu) vẫn tích cực hoạt động, theo dõi tin tức và tìm cách liên lạc với các cơ sở Đảng ở Sài Gòn.

Ngoài nhóm binh vận, Vũng Tàu còn có nhóm Việt Minh mà Nguyễn Ngọc Bảo, Hồ Sĩ Ninh (Hồ Sỹ Nam) và Nguyễn Xuân Nhật là hạt nhân. Nắm được tin tức về cuộc Tổng khởi nghĩa, cả 2 nhóm Việt Minh và Binh Vận lập tức tổ chức "Đoàn vô sản Vũng Tàu", tham gia cuộc mít tinh giành chính quyền ở Sài Gòn sáng 25-8-1945, sau đó nhận chỉ thị của Xứ ủy về tổ chức giành chính quyền tại Vũng Tàu. Đồng chí Nguyễn Lộc, phái viên quân sự của Xứ ủy được cử về giúp nhóm Việt Minh Vũng Tàu tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo bỏ tiền thuê một chuyến xe đò từ Sài Gòn về Vũng Tàu ngay buổi chiều 25-8-1945, trương biểu ngữ "Đoàn vô sản Vũng Tàu" làm công tác tuyên truyền khởi nghĩa. Khoảng 2 giờ chiều, hai chiếc xe mang khẩu hiệu tuyên truyền từ Sài Gòn chạy về diễu qua phố xá Vũng Tàu giữa hàng ngàn đồng bào thành phố thân yêu xô ra đứng chật hai bên đường. Tiếng loa vang lên: Việt Minh đã giành chính quyền ở Sài Gòn, đồng bào Vũng Tàu sửa soạn cướp chính quyền. Đồng bào sung sướng bảo nhau: “Việt Minh của Vũng Tàu đây rồi”. Màu cờ đỏ đã đem lại sức sống cho thành phố lâu nay chìm đắm trong bầu không khí khủng bố. Gần vạn quân Nhật còn nguyên vẹn súng ống đã hoang mang cực độ không dám hành động, khí thế cách mạng cũng làm cho bè lũ ngụy quyền tê liệt.

Cuộc họp tối 25-8-1945 tại nhà ông Huỳnh Văn Nhung dưới chân Núi Lớn đã đi đến quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa Vũng Tàu, thành phần gồm cả hai nhóm "Việt Minh" và "Binh vận". Ủy ban khởi nghĩa quyết định thành lập "Đội cảm tử quân cách mạng" do Nguyễn Xuân Nhật và Lê Đình Y phụ trách. Việc mua sắm vũ khí cho lực lượng vũ trang và nuôi quân do đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo phụ trách. Nguyễn Ngọc Bảo đã hiến cả gia tài để nuôi quân, mua vũ khí. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban khởi nghĩa, trong hai ngày 26 và 27-8-1945, đông đảo thanh niên đăng ký tham gia Đội Cảm tử quân cách mạng. Phần lớn đội viên là dân gốc Trung-Bắc kỳ culi cho Nhật, một số là công nhân cao su thất nghiệp từ các đồn điền về Vũng Tàu. Số đội viên đã lên tới gần 40 người, có trong tay 22 khẩu súng trường, vài khẩu súng ngắn cùng các loại bạch binh, kiếm, lưỡi lê, mã tấu Nhật (thanh phạng).

Sáng 27-8-1945, đại biểu của Ủy ban khởi nghĩa chính thức thương lượng với Lâm Văn Huê - tỉnh trưởng Vũng Tàu lúc đó, buộc chúng giao chính quyền cho cách mạng, nhưng Huê khước từ. Lực lượng quân đội Nhật co cụm về đây còn quá đông, tuy chúng vẫn án binh bất động. Trước đó vài ngày, đội Cảm tử quân chính thức thành lập, công khai tham gia các hoạt động vận động quần chúng, tổ chức bảo vệ cán bộ cách mạng, trù tính hành động trong cuộc biểu tình lớn sẽ tổ chức vào ngày 28-8. Đội Cảm tử quân được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan và cán bộ cách mạng, làm áp lực với chính quyền thân Nhật và bọn thân Nhật, đối phó với âm mưu thù địch.

Theo hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa, sáng 28 tháng 8 năm 1945, hơn 4000 đồng bào từ các làng Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam đã tập trung tại sân vận động Lam Sơn. Đội Cảm tử quân cách mạng làm nhiệm vụ bảo vệ Ủy ban khởi nghĩa. Thanh niên Tiền phong các xã Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam cũng hưởng ứng, tập hợp thành đội ngũ trong sân vận động. Đồng chí Dương Bạch Mai đại diện xứ ủy Nam kỳ, phụ trách quốc gia tự vệ trong Ủy ban hành chính lâm thời Nam bộ kiêm thanh tra chính trị miền Đông đã long trọng tuyên bố trước 4.000 người dự mít tinh: "Từ giờ phút này, chính quyền thật sự về tay nhân dân". Tỉnh trưởng Lâm Văn Huê từ chức, bàn giao ấn tín và hồ sơ cho cách mạng.

Cả sân vận động sôi động, người người hân hoan hò vang: “Việt Nam độc lập muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”. Trước khí thế hừng hực của nhân dân Vũng Tàu, Lâm Văn Huê phải tuyên bố xin trao chính quyền cho cách mạng. Sau cuộc mittinh, nhân dân cách mạng chiếm ngay các công sở, xí nghiệp trong toàn thành phố. Những công chức yêu nước trong các công sở đã bảo vệ toàn bộ giấy tờ, con dấu, tài sản, chuẩn bị chu đáo bàn giao, họ được cách mạng giao nhiệm vụ bảo vệ, tạm thời điều hành công việc dưới sự giám sát của Ủy ban khởi nghĩa, của quần chúng công nhân, nông dân, lao động. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên các dinh thự, công sở, trại lính, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại: công nhân và lao động Vũng Tàu đã hoàn toàn làm chủ thành phố.

Vào thời điểm này, gần 2.000 tù chính trị ở Côn Đảo cũng tổ chức giành chính quyền thành công. Côn Đảo khi đó có Đảng ủy nhà tù (còn gọi là Đảo ủy) do đồng chí Phạm Hùng làm Bí thư; có Hội tù nhân do đồng chí Tôn Đức Thắng là Đảo ủy viên phụ trách. Đảo ủy và Hội tù nhân có đường dây liên lạc với các cơ sở Đảng trong đất liền, theo dõi, nắm vững các diễn biến chính trị. Tài liệu về Mặt trận Việt Minh được Đoàn tù chính trị từ Sơn La - Hỏa Lò đưa ra Côn Đảo giữa năm 1944. Đảng ủy đã mở lớp huấn luyện chương trình Việt Minh cho từng nhóm tù chính trị. Ngày 25 tháng 8 năm 1945 bọn Nhật đưa tàu ra Côn Đảo chở những tên lính Nhật cuối cùng về đất liền. Binh lính, gác ngục Pháp cũng được đưa về Sài Gòn để chờ giao cho Đồng Minh. Côn Đảo hết Nhật, hết Pháp, chỉ còn trên 3.000 tù nhân do Lê Văn Trà và khoảng 80 gác ngục người Việt cai quản. Đảng ủy Côn Đảo và Hội tù nhân chủ trương đoàn kết các lực lượng tù nhân, giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình, tránh đổ máu vô ích.

Trước sức mạnh đoàn kết tranh đấu của tù nhân, Hội đồng liên hiệp quốc dân Côn Đảo đã được thành lập với đa số thành viên là tù chính trị. Vào những ngày cuối tháng 8 năm 1945, quyền lực thực tế trên đảo đã thuộc về những người cộng sản. Lê Văn Trà vẫn được sử dụng để điều hành các công việc hành chính, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng liên hiệp quốc dân. Hội đồng Liên hiệp quốc dân Côn Đảo là một hình thức chính quyền liên hiệp giữa tù chính trị với công chức, giám thị trên đảo vào những ngày cuối tháng Tám 1945. Đảng ủy Côn Đảo đã tổ chức lực lượng võ trang cách mạng gọi là Đoàn phòng thủ Côn Lôn do đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Đảo Ủy làm Đoàn trưởng. Ban chỉ huy còn có các đồng chí Ngô Ngọc Du, Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Văn Viên và Thành Ngọc Quản. Đoàn phòng thủ có 300 đội viên, 50 khẩu súng trường, súng lục tước được của binh lính và giám thị. Một số đồng chí từng là du kích Bắc Sơn và số binh lính Bảo an đã được cảm hoá làm công tác huấn luyện quân sự. Ban Tuyên huấn Đảo Ủy biên soạn Chương trình Việt Minh, Chương trình quân sự và chính trị cơ bản để huấn luyện cho tù chính trị Côn Đảo trước khi về đất liền.

Trong khi đó, ngay trong đêm 25 tháng 8 năm 1945, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phải lập tức giải phóng Nhà tù Côn Đảo và tổ chức rước tù chính trị từ Côn Đảo trở về. Sau những nỗ lực vượt bậc, đêm 23 tháng 9 năm 1945, tàu Phú Quốc cùng 25 chiếc ghe bầu đã đưa 1.800 tù chính trị về Sóc Trăng an toàn69. Đoàn tù chính trị đặt chân lên đất liền cũng là lúc thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Chưa được hưởng trọn một ngày độc lập thật sự, những người tù chính trị Côn Đảo đã lao vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Toàn thể tù chính trị Côn Đảo đã biểu lộ quyết tâm kháng chiến và giao cho đồng chí Lê Văn Lương (nguyên là Đảo ủy viên) thảo bức điện gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng xin tình nguyện ở lại tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

Thể theo nguyện vọng của tập thể tù chính trị, đồng thời phù hợp với yêu cầu của cuộc kháng chiến, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tăng cường tất cả các đồng chí tù chính trị Côn Đảo vừa trở về cho các tỉnh Nam Bộ tại cuộc hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 10 năm 1945. Xứ ủy đã phân công các đồng chí cựu tù chính trị Côn Đảo đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo chủ chốt trong các lực lượng Quân-Dân-Chính-Đảng các cấp ở Nam Bộ. Các đồng chí Trần Xuân Độ, Hồ Tri Tân, Nguyễn Tấn Phúc, Trần Ánh Sáng được Xứ ủy tăng cường về Bà Rịa – Vũng Tàu đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong những năm đầu xây dựng chính quyền và kháng chiến chống Pháp.



tải về 1.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương