HÃy nâng tâm hồn lên tháng 4 1/4 Thiên Chúa Của Tình Yêu Vô Hạn



tải về 132.78 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích132.78 Kb.
#37152
HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN THÁNG 4

1/4 - Thiên Chúa Của Tình Yêu Vô Hạn

Bao nhiêu người trên thế giới, bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu truyền thống, bao nhiêu nền văn hóa, bao nhiêu tôn giáo đã bảo vệ và tiếp tục bảo vệ hình ảnh của chính mình nghĩ ra về Thiên Chúa?

Thiên Chúa là hữu thể vô cùng hoàn hảo, là hữu thể tối cao và khôn dò; Ngài là Chủ Tể tuyệt đối của mọi sự. Dường như chuyện Ngài trở thành con người là điều không thể được; cũng dường như không thể được, chuyện Ngài hầu hạ và rửa chân cho các tông đồ, hoặc chuyện Ngài có thể chết trên thập giá. Nhưng, đó là cái nhìn của con người.

Cái nhìn của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Nói một cách thật đơn giản: Thiên Chúa là tình yêu. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã tạo thành con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập giao ước với con người. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã trở thành con người. Thiên Chúa đã yêu thương thế giới đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để cho con người có thể đạt được sự sống đời đời (Ga 3,16). Vì Ngài là tình yêu, Thiên Chúa đã chấp nhận con đường thập giá để thứ tha tội lỗi nhân trần và để thiết lập giao ước mới - giao ước vĩnh cửu - trong máu Ngài. Vì Ngài là tình yêu, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể.

Tình yêu không nhắm gì khác ngoài sự tốt lành mà nó khao khát muốn làm. Vì sự tốt lành này mà Đấng Toàn Năng sẵn lòng trở nên yếu đuối như một con người, chấp nhận số phận chết như một con người. Ngài sẵn lòng trở nên yếu đuối và bị nhai nuốt đi như tấm bánh: “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em. Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa chịu đóng đanh hay không? Con người có thể chấp nhận một Thiên Chúa hiến tế hay không? Đó là câu hỏi được đặt ra ngay chính trung tâm của Tam Nhật Thánh.

Hỏi - tức là đã trả lời. Vâng, con người có thể chấp nhận hay từ chối vị Thiên Chúa của tình yêu vô hạn ấy. Thật vậy, con người có thể quay lưng chống lại Thiên Chúa hay thậm chí phủ nhận sự hiện hữu của Ngài. Nhưng còn Thiên Chúa, Ngài “không thể phủ nhận chính Ngài” (2Tm 2,13). Ngài không thể thôi là chính Ngài! Ngài không thể thôi là tình yêu!

2/4 - Sự Thật Sẽ Giải Phóng Các Ngươi

Đấng đã chết trên Thập Giá từng tuyên bố: “Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8,32). Chính đó là lý do thúc đẩy Đức Giêsu tiến tới với thập giá. Nơi Thập Giá, sự thật về tội lỗi con người, về tội lỗi của thế gian được kết đọng lại. Và dù con người có cố gắng phủ nhận sự thật đó mấy đi nữa, dù con người ngày nay có cố gắng xóa bỏ cảm thức tội lỗi khỏi lương tâm mình mấy đi nữa, Thập Giá vẫn luôn luôn làm chứng cho sự thật đó.

“Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một Ngài, để những ai tin vào Người thì không phải hư mất, song được sự sống đời đời” (Ga 3,16). Ngôi Lời bị đóng đanh! Chúa Con đã đến thế gian không phải để xét xử thế gian nhưng là để cứu độ thế gian” (Ga 12,47).

Hỡi con người của buổi bình minh thiên niên kỷ mới! Xin đừng lẩn tránh sự phán xét của Thập Giá Chúa Kitô. Thập Giá là sự phán xét cứu độ. Thập Giá là lời trao ban sự sống đời đời. Lời cứu độ này được thốt lên - một lần cho tất cả - giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa không rút lại lời này. Lời này không tan biến.



3/4 - Qua Cái Chết - Đến Với Sự Sống

Giáo Hội, được qui tụ lại bởi ngôi mộ Đức Giêsu, nhìn tội lỗi dưới một ánh sáng mới khi Giáo Hội dám ca lên rằng : “Ôi tội hồng phúc! Tội đã đem lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc quá đỗi cao cả!” Chúng ta có thể thực sự nói về những gì diễn ra đêm nay rằng “Đây là điều Chúa đã làm ra; thật kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118,23).

Chúng ta được Giáo Hội đặc biệt mời gọi đón nhận mạc khải này về quyền năng Thiên Chúa, về quyền năng sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su Kitô luôn luôn hiện diện trong bí tích của Giáo Hội. Quyền năng của cái chết và cuộc Phục Sinh của Người vẫn không ngừng tác động trong linh hồn người ta.

Nhờ tác động của chính quyền năng Thiên Chúa - quyền năng sáng tạo và cứu độ - Giáo Hội được sinh lại nơi cuộc Phục Sinh của Đức Chúa chịu đóng đanh của mình: “Tảng đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường” (c.22).

Tất cả chúng ta đã được sinh ra từ tảng đá ấy: Tất cả chúng ta đều là những viên đá sống trong tư cách là thành viên của Giáo Hội. Tất cả chúng ta đều được sống nhờ hơi thở trao ban sự sống của Đức Kitô Phục Sinh. “Chúng ta phải coi như mình đã chết đi đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Kitô” (Rm 6,11).

4/4 - Được Mai Táng Với Đức Kitô - Được Phục Sinh Với Người

Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người đã chịu nạn, chịu chết, và chịu táng xác. Nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại.”

Trước khi sống lại từ cõi chết, Đức Kitô - với cái chết cứu độ của Người - đã chạm đến tội lỗi của con người qua mọi thế hệ. Người đã ghé thăm các linh hồn trong cõi âm ty với quyền năng cứu chuộc do cái chết của Người, với quyền năng trao ban sự sống do cái chết của Người. Hỡi sự chết, Ta sẽ là chính sự chết của ngươi!

Cũng vậy, chúng ta - những người còn đang sống - đã được dìm trong cái chết của Người (cf. Rm 6,3). Cái chết của Đức Kitô, cái chết cứu chuộc, cái chết trao ban sự sống, đã tiêu diệt di lụy của tội lỗi vốn có mặt nơi mỗi người chúng ta. Thật vậy, “chúng ta … được thanh tẩy để tháp nhập vào với Đức Giê-su Kitô” (Rm 6,3). Và Thánh Phao-lô nói tiếp: “Qua phép Rửa, chúng ta thật sự được mai táng với Người, để - cũng như Đức Kitô được phục sinh từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha - chúng ta cũng sẽ sống trong sự sống mới” (Rm 6,4).



5/4 - Nhìn Bằng Con Mắt Đức Tin

Các Tông Đồ xác nhận với chúng ta rằng Thiên Chúa đã nâng Đức Giêsu dậy, và Người đã được nhìn thấy - “không phải bởi toàn dân, mà bởi chúng tôi là những chứng nhân đã được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước” (Cv 10,41).

Khi Đức Giêsu hiện ra, Người trao cho các Tông Đồ nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho mọi người về Đức Kitô chịu đóng đanh và sống lại từ cõi chết. Đức Kitô sẽ hiện diện bất cứ nơi đâu mà tin mừng của những thị chứng nhân này được đón nhận và được tin.

Chỉ một vài người đã nhìn thấy Đấng Phục Sinh, nhưng tất cả mọi người đều được mời gọi tin vào Người bởi vì - theo lời chứng của Thánh Kinh - hết thảy mọi người đều được mời gọi nhận ơn cứu độ, và do đó được mời gọi đón nhận đức tin. Đó là lý do tại sao Đức Kitô quở trách thái độ cứng lòng của Tô-ma và Người chúc phúc cho tất cả những ai sẽ khám phá ra Đức Kitô duy chỉ nhờ lời chứng của sứ điệp đức tin: “Vì anh đã trông thấy Thầy nên anh đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29).



6/4 - Lớn Lên Trong Sự Mật Thiết Với Đức Kitô

Chúng ta cũng được mời gọi tin vào Đức Kitô qua lời rao giảng của Giáo Hội. Trong tư cách là thân thể của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi loan truyền cái chết cứu độ, cuộc Phục Sinh của Người và sự hiện diện thường xuyên của Người ở giữa chúng ta. Chính Đức Giêsu đã bảo đảm với chúng ta: “Này, Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Đức tin không qui chiếu nhiều đến một sự kiện quá khứ cho bằng tuyên bố rằng Chúa hằng sống và đang hiện diện giữa chúng ta. Tiên vàn, nó có nghĩa một mối thân tình gắn bó với Đức Kitô. Chúng ta phải có một sự kết hiệp mật thiết với Người. Đức Kitô phải trở thành ngày càng cắm rễ sâu hơn nơi chúng ta.

Càng lớn lên hơn, chúng ta càng cần tin hơn. Vì thế, mục đích của chúng ta phải là trở nên mật thiết hơn với Đức Kitô và gìn giữ mối thân tình với Người. Rồi, Người sẽ định dạng cuộc sống chúng ta - qua đó, chúng ta sẽ càng kết hiệp với Người nhiều hơn, sẽ hiểu biết Người nhiều hơn, và với tình yêu và lòng trung thành đối với Người, chúng ta sẽ tiến lên trong hành trình của chúng ta.



7/4 - Được In Dấu Ấn Sự Sống

Chúng ta hãy cảm tạ vì cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su Kitô. Chúng ta hãy cảm tạ vì Chúa Cha đã tôn vinh Người. Người là Đấng đã hủy mình ra không, “trở thành vâng phục cho đến chết, chết trên Thập Giá” (Pl 2,8).

Vâng, công cuộc cứu chuộc thế giới được hoàn tất trong cuộc Phục Sinh của Người. Dấu ấn của sự chết đã được tháo gỡ khỏi ngôi mộ đá lạnh lùng. Và dấu ấn sự sống đã được đóng vào trái tim của những người tin. “Đức Kitô đã chịu hiến tế để làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7).

Chúng ta hãy cảm tạ vì hy tế của Đức Giêsu - hy tế đã đạt tới chính ngai tòa của Chúa Cha. Chúng ta hãy cảm tạ vì tình yêu của Chúa Cha - tình yêu đã được mạc khải nơi cuộc Phục Sinh của Chúa Con.

Chúng ta hãy cảm tạ vì hơi thở của Chúa Thánh Thần Đấng trao ban sự sống. Hơi thở này được đón nhận bởi các Tông Đồ, qui tụ tại căn gác thượng theo chỉ thị của Đức Giêsu. Đức Kitô sẽ đến giữa họ, ngay cả xuyên qua những cánh cửa đóng kín. Người sẽ nói với họ: “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha… “ (Ga 20,22-23).

Chính từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu mà chúng ta nhận được ơn tha thứ tội lỗi của chúng ta. Cuộc hoán cải của chúng ta xảy ra nơi chính Thập Giá của Người. Và nơi cuộc Phục Sinh của Người, chúng ta chiến thắng trên tội lỗi của mình. Người đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và với anh chị em mình. Người đã trao cho chúng ta chính sự sống của Người, Người mở lối cho chúng ta bước vào sự sống vĩnh cửu bất diệt.



8/4 - Chia Sẻ Kinh Nghiệm Riêng Của Mình Cho Người Khác

“Thiên Chúa đã nâng Đức Giêsu dậy, và tất cả chúng tôi làm chứng về điều đó” (Cv 2,32).

Chứng từ của đức tin về Chúa Phục Sinh là một mối dây gắn kết tất cả các thành viên của Dân Thiên Chúa lại bằng một cách thế đặc biệt. Công Đồng đã đúc kết tiếng gọi này thành một lời hiệu triệu rõ ràng cho tất cả mọi giáo dân. Công Đồng tuyên bố rằng sứ mạng này đúng thực thuộc về mọi người giáo dân, do họ đã tháp nhập vào Đức Kitô qua Phép Rửa: “Mỗi người giáo dân phải là một chứng nhân cho thế giới về sự sống lại và về sự sống của Chúa Kitô” (GH 38).

Một cách thiết yếu, làm chứng nghĩa là chứng thực về sự chắc chắn của một sự thật - và sự chắc chắn này, một cách nào đó, là kết quả của kinh nghiệm bản thân. Một số phụ nữ đã là những người chứng đầu tiên về cuộc Phục Sinh của Chúa (Mt 28,5-8). Khi họ đến cửa mộ, họ không thấy Đức Giêsu, nhưng họ bắt đầu chắc chắn về sự Phục Sinh của Người vì ngôi mộ trống rỗng và vì thiên thần nói với họ rằng Người đã sống lại. Đó là cuộc hạnh ngộ nguyên sơ nhất của họ với mầu nhiệm Phục Sinh. Kinh nghiệm của họ về Chúa càng đạt thêm giá trị khi Đức Giêsu hiện ra với các Tông Đồ và các môn đệ trên đường về Emmau.



9/4 - Kitô hữu Là Một Tin Mừng Sống

Mọi Kitô hữu - khi khám phá trình thuật lịch sử của Thánh Kinh và truyền thống và đạt tới một đức tin sâu xa vững chắc - đều kinh nghiệm rằng Đức Kitô là Đấng Phục Sinh và, do đó, Người là Đấng hằng sống. Đó là một kinh nghiệm thâm sâu và có sức thay đổi cuộc sống con người. Không một Kitô hữu đích thực nào có thể giữ kín kinh nghiệm ấy làm của riêng. Vì một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống như thế luôn đòi phải được chia sẻ - như ánh sáng thì phải chiếu sáng, như men trong bột thì phải làm cho bột dậy men.

Một Kitô hữu đích thực là một Tin Mừng sống. Điều này không có nghĩa rằng người ấy là một môn đệ của một giáo thuyết xa lắc xa lơ trong thời gian và không can hệ gì đến thực tiễn của cuộc sống hiện tại. Người ấy không lặp lại những công thức vô hồn. Trái lại, người ấy xác tín và kiên trung bám sát Đức Kitô và không ngừng phản ảnh tính mới mẻ mãi của Tin Mừng. Với bất cứ ai và vào bất cứ lúc nào, người ấy cũng luôn luôn hăng hái trình bày lý do cho niềm hy vọng mà mình ôm ấp trong lòng (cf. 1Pr 3,15).

10/4 - Được Thánh Thần Làm Cho Can Đảm

Khi các Tông Đồ và các môn đệ của Chúa nhận lãnh Thánh Thần, họ bắt đầu lên tiếng nói công khai về Đức Kitô. Họ loan báo Tin Mừng cho người ta, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem. Trong lời loan báo của họ, họ qui chiếu đến một bố cục các dữ kiện mà ai cũng biết - đó chính là Kerygma, hay sứ điệp Tin Mừng căn bản.

“Anh em đã nộp Người và đã chối bỏ Người trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân” (Cv 3,13-14). Đó là những lời của Phê-rô nói với cư dân Giê-ru-sa-lem.

Sau khi đề cập đến cuộc thương khó của Đức Kitô, Phê-rô bắt đầu mô tả cuộc Phục Sinh: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết - về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (c.15).

Phê-rô là người duy nhất lên tiếng nói. Nhưng ông nói không chỉ nhân danh chính mình mà là nhân danh toàn thể nhóm Tông Đồ. Ông nói với đám đông: “Chúng tôi là những chứng nhân”. Và ông thêm: “Giờ đây, thưa anh em, tôi biết rằng anh em đã hành động vì không hiểu biết - và những người lãnh đạo của anh em cũng vậy” (Cv 3,17).

Sau khi mô tả các biến cố và đưa lời chứng về cuộc Phục Sinh, Phê-rô bắt đầu giải thích một số điều trong Cựu Ước. Ông giải thích Đức Kitô trong tư cách là Đấng Mê-si-a đã hoàn thành những điều nói trong các Sách Luật và các Sách Ngôn Sứ như thế nào. Chính Đức Kitô đã chuẩn bị cho các môn đệ của Người đưa ra một sự giải thích như thế về cái chết và cuộc Phục Sinh của Người. Chúng ta có chứng cứ về điều này trong Tin Mừng Luca. Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ: “Thầy đã nói những lời này với các anh em khi Thầy còn ở với anh em: mọi sự đã được viết về Thầy trong luật Mô-sê, trong các ngôn sứ, và trong thánh vịnh đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24,44).

“Có lời Kinh Thánh chép rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,46-48).

11/4 - Đức Tin Của Chúng Ta Bật Ra Từ Chứng Từ Của Các Thị Chứng Nhân

Luca, tác giả Sách Tin Mừng, kể tiếp: “Rồi Người mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh” (Lc 24,45). Từ bài diễn từ của Phê-rô trong Sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta nhận ra việc Đức Kitô mở trí cho các Tông Đồ nắm hiểu sự thật về Tin Mừng đã có hiệu quả như thế nào.

Thật vậy, sau khi trình bày những biến cố nối kết với cái chết và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, Phê-rô tuyên bố với cư dân Giê-ru-sa-lem: “Như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3,18-20).

Trong những lời ấy của vị Tông Đồ, chúng ta nhận ra một âm vọng rõ ràng những lời của chính Đức Kitô. Chúng ta nhận ra Chúa Phục Sinh đã biến đổi tâm trí và cuộc sống của các Tông Đồ như thế nào qua việc truyền đạt sự thật của Người.

Đây là câu chuyện của đức tin chúng ta. Chúng ta nhận ra cách mà thế hệ chứng nhân đầu tiên của Đức Kitô - tức các Tông Đồ và các môn đệ - truyền đạt sứ điệp Tin Mừng căn bản. Nó bật ra trực tiếp từ chứng từ của những chứng nhân mắt thấy tai nghe cái chết và sự sống lại của Đức Kitô.

12/4 - Đức Tin Và Việc Làm

Vậy thì, thế nào là trở nên một Kitô hữu? Câu trả lời: đó là tiếp tục đón nhận và chấp nhận lời chứng của các Tông Đồ, các thị chứng nhân, về ơn cứu độ của chúng ta. Đó là tin vào Đức Kitô với cùng một đức tin đã được khai sinh nơi các Tông Đồ do những hành động và lời nói của Đấng Phục Sinh.

Tông Đồ Gio-an viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1Ga 2,3-5).

Vị Tông Đồ đang nói về một đức tin sống động. Một đức tin sống động là một đức tin đem lại hoa trái là những việc làm thiện hảo. Đó chính là những việc làm của tình yêu. Đức tin sống động nhờ tình yêu của Thiên Chúa ở nơi chúng ta. Tình yêu được diễn tả qua việc tuân giữ các điều răn. Cũng có thể không có mâu thuẫn nào giữa sự hiểu biết (= tôi biết Người) và những hành động của một người tuyên xưng Đức Kitô. Chỉ những ai hoàn thành đức tin của mình bằng những việc làm thiện hảo mới là người ở lại trong sự thật.



13/4 - Sự Sống Của Thiên Chúa Được Đổ Tràn Vào Thế Giới

Mùa Phục Sinh, chúng ta đi vào trong một cảm nghiệm tâm linh sâu sắc có sức làm cho chúng ta nếm cảm đức tin của mình vào Đức Kitô Phục Sinh, “Chiên Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7). Người đã chịu hiến tế vì chúng ta, song sự chết đã không chế ngự được Người. Sứ mạng của Người đã không chấm dứt khi Người bị treo trên Thập Giá, sứ mạng ấy đã không chấm dứt khi Người kêu lên: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Thật vậy, đó chính là lúc mà sự hoàn thành chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.

Chính Đức Kitô đã thánh hiến kỷ nguyên này qua cuộc Phục Sinh của Người từ cõi chết. Người đã hoàn thành trọn vẹn chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đức Kitô đã được phục sinh - như lời Người đã hứa. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa, bởi vì Người là sự sống vĩnh cửu mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta.

Đức Giêsu nói về chính mình: “Ta là … sự sống” (Ga 14,6). Và, vào một dịp khác, Người tuyên bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Như vậy, nơi Người, nguồn cội của chính sự sống đã đi vào thế giới chúng ta.

Xuyên qua hiến tế của Đức Giêsu, sự sống thần linh đã được đổ chan hòa trên mọi dân tộc, và - một cách nào đó - trên toàn khắp vũ trụ. Một sức sống hoạt và tươi trẻ nào đó đã nạp vào toàn thể tạo vật kể từ khoảnh khắc chiến thắng của Người trên Thập Giá. Chính chúng ta bây giờ không còn là nô lệ của “nỗi sợ chết nữa” (Dt 2,15). Đức Kitô đã giải phóng chúng ta vĩnh viễn!

14/4 - Sự Bình An Chảy Ra Từ Đôi Bàn Tay Mang Lỗ Đinh

Tin Mừng dẫn chúng ta đến với căn gác thượng ở Giê-ru-sa-lem - là nơi đầu tiên của lịch sử It-ra-en mới, nơi đầu tiên của Dân Thiên Chúa trong giao ước mới. Chúng ta đã từng có mặt ở đây, vào đúng hôm Phục Sinh. Đó là ngày thứ nhất “sau ngày sa-bát”, ngày thứ nhất của tuần lễ.

Các Tông Đồ đều đã biết về sự kiện ngôi mộ của Đức Giêsu trống rỗng - bởi vì trước hết là các phụ nữ, rồi đến Phê-rô và Gio-an, đã đến thăm ngôi mộ đá ấy. Vào buổi chiều cùng ngày hôm ấy, chính Đức Giêsu đã xuất hiện với họ. Người hiện ra giữa họ, ngay cả dù các cánh cửa của căn gác thượng đều đóng kín bưng. Người chào các Tông Đồ và nói: “Bình anh cho anh em!” (Ga 20,19). Người cho họ xem “đôi bàn tay và cạnh sườn Người” (Ga 20,20): những dấu đinh vẫn còn đó!

Và kìa, dường như từ những vết thương ấy - từ đôi bàn tay bị xuyên thủng, từ đôi bàn chân, và từ cạnh sườn - Người đã rút ra những gì mà Người tha thiết nhất để nói với họ trong buổi gặp gỡ đầu tiên này, sau bi kịch trên đồi Can-vê.



15/4 - Niềm Vui Vượt Qua Trào Lên Lời Cảm Tạ

“Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ Chúa với niềm hoan hỉ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo… bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ vẫn một lòng thành tín” (Tv 100, 1-2. 5)

Niềm vui Vượt Qua mà chúng ta chia sẻ phải chứa đầy tâm tình tạ ơn. Giáo Hội mời gọi chúng ta ngắm nhìn bằng con mắt đức tin tất cả những ân huệ của Thiên Chúa từ ngàn xưa. “Chính Chúa là Thượng Đế; Người dựng nên ta; ta thuộc về Người. Ta là dân Người, là đàn chiên Người dẫn dắt” (c.3).

Chúng ta mừng vui bởi vì thế giới không phải là một khoảng không hoang vu trống rỗng. Chúng ta tràn ngất niềm vui Vượt Qua bởi vì Thiên Chúa đã tạo ra thế giới và Ngài đã tạo thành chúng ta. Ngài đã tạo thành con người giữa một thế giới xinh đẹp. Chúng ta mừng vui và tạ ơn bởi vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa - ngay cả dù con người cũng có nhiều đặc điểm chung với thế giới mà con người sống trong đó.

Chúng ta mừng vui và tạ ơn bởi vì, nhờ đặc tính độc đáo giống với Thiên Chúa này, con người thuộc về Thiên Chúa. Cuộc Phục Sinh của Đức Kitô đã xác nhận quyền sở hữu thánh thiêng này. Chúng ta thuộc về Chúa. Máu của Người đã đổ ra để trả giá và chuộc lại chúng ta từ án phạt của tội lỗi và sự chết.

16/4 - Bảo Toàn Ơn Tinh Sạch Do Phép Rửa

“Tảng đá mà những người thợ xây loại bỏ đã hóa nên tảng đá góc tường” (Tv 118,22). Giáo Hội nhận chính sự sống của mình từ cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Thực tại này được chuyển tải trong phụng vụ, đặc biệt phụng vụ Mùa Phục Sinh.

Chẳng hạn, chúng ta có một truyền thống về Chúa Nhật in Albis Depositis. Tên gọi ấy bắt nguồn từ một nghi thức đã được thực hành thuở xa xưa trong Giáo Hội vào ngày thứ bảy sau Chúa Nhật Phục Sinh. Về sau, nghi thức ấy được cử hành vào Chúa Nhật sau Phục Sinh. Vào ngày này, những người tân tòng trả lại chiếc áo choàng trắng mà họ đã nhận trong nghi thức Phép Rửa buổi tối Vọng Phục Sinh. Khi lãnh Phép Rửa, họ đã bỏ lại sau lưng y phục cũ của họ để nói lên rằng linh hồn họ đã được thanh tẩy bởi Đức Kitô. Giờ đây, họ trả lại chiếc áo choàng trắng của Phép Rửa sau Tuần Lễ Phục Sinh để làm biểu tượng cho sự cam kết rằng họ sẽ gìn giữ ơn tinh sạch do Phép Rửa ấy trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Trong nghi thức Phép Rửa của chúng ta ngày nay cũng thế, em bé được mặc áo trắng - để nói lên rằng Phép Rửa không duy chỉ có nghĩa một sự thay đổi bên ngoài. Không, đó là một sự chuyển hóa đụng chạm đến gốc rễ của hữu thể chúng ta. Làm mới lại Phép Rửa của mình có nghĩa là chúng ta cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô.

Đức Kitô thanh tẩy và tái sinh chúng ta. Người mặc chính Người cho chúng ta bằng cách tháp nhập chúng ta vào thân thể Người. Và như vậy, được làm con trong Chúa Con, chúng ta bước đi trong sự sống mới. Chúng ta sống một cuộc sống đã được cứu độ. “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, khiêm nhu, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại.” (Cl 3,12)

17/4 - Xây Dựng Giáo Hội Trên Đá Tảng Là Đức Kitô

Các chương đầu của Sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh cho ta biết bằng cách nào mà nhờ sứ vụ của các Tông Đồ - nhất là của Phê-rô - “càng ngày càng có thêm những người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông” (Cv 5,14).

Chúng ta bắt gặp những biến cố xảy ra vào những ngày đầu tiên sau Phục Sinh: những biến cố khai sinh Giáo Hội. Thánh Thần đã được đổ tràn trên các Tông Đồ trong căn gác thượng. Giờ đây, qua sứ vụ của các Tông Đồ, nhân danh Đức Giêsu, hàng ngàn người bắt đầu nhận biết về Chúa Kitô - một sự nhận biết có năng lực cứu độ.

Những biến cố ấy hình thành nền móng cho một tương lai lâu dài về sau. Chúng đánh dấu thời đại của Giáo Hội các Tông Đồ - với sứ vụ là công bố lời chứng và rao giảng về quyền năng cứu độ của cuộc Phục Sinh cho mọi thế hệ mới. Công cuộc hệ trọng ấy vẫn tiếp tục trong thời đại chúng ta cho tới hôm nay.

Và xuyên qua mọi thế hệ, vẫn một sự thật bất hủ được công bố: “Người là tảng đá bị anh em, những người thợ xây, loại bỏ - nhưng đã trở thành đá tảng góc tường” (Cv 4,11). Chân lý này, được mô tả dưới một ẩn dụ, mang trong mình nó năng lực ngôn sứ kỳ diệu. Nó xác nhận rằng việc xây dựng Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa từ đầu tiên cho đến cuối cùng của lịch sử Giáo Hội và loài người. Nó đặc biệt xác nhận điều ấy trong thời đại chúng ta - với một mức độ rất sâu xa.

Đức Giêsu Na-da-rét bị loại trừ bởi những người từng được ủy thác “nhà tạm của Thiên Chúa” (Kh 21,3) trong Cựu Ước. Và Giê-su bị loại trừ đó - qua Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người - được mạc khải là “tảng đá góc” của công trình. Công trình được đặt trên nền tảng là chính Người. Công trình phát triển từ chính Người.



18/4 - Đức Giêsu Có Thể Xóa Tan Các Mối Nghi Ngờ Của Chúng Ta

Chúa Giê-su phán: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Và khi nói những lời ấy, Người thổi hơi trên các môn đệ và phán: “Hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc”. (Ga 20,21-23)

Từ ngày đầu tiên ấy, Giáo Hội sống trong hiệu lực của giao ước mới - giao ước vĩnh cửu. Giáo Hội sống trong hiệu lực của cái chết và cuộc Phục Sinh cứu độ của Con Thiên Chúa. Vì thế, Giáo Hội được Đức Kitô - là chính sự sống của Giáo Hội - trực tiếp trao cho quyền năng trên sự dữ.

Một lần nữa, chúng ta được dẫn lên căn gác thượng. Đây là ngày thứ tám sau Phục Sinh. Đức Giêsu hiện ra cho Tô-ma, một trong Nhóm Mười Hai. Tô-ma được mời gọi - cùng với các đồng môn của mình - trở thành chứng nhân của Đấng Phục Sinh. Ông không có mặt cùng với các bạn tám ngày trước đó, khi Chúa hiện ra với nhóm. Ông phải đích thân trông thấy. Rồi, Chúa Giê-su hiện đến lần thứ hai. Người đến để thuyết phục sự cứng cỏi của Tô-ma - và Người đã cho ông thấy chứng cứ hùng hồn của cuộc Phục Sinh của Người.

Tô-ma bị thuyết phục về sự Phục Sinh khi ông tận mắt nhìn thấy Chúa Giê-su và các vết thương của Người. Ông không nghi ngờ nữa - và đã thốt lên lời tuyên xưng đức tin hết sức triệt để: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20,28).

Vâng, Giáo Hội sống sự sống Phục Sinh của Đức Kitô ngay từ chính những ngày đầu tiên của lịch sử mình. Giáo Hội sống trong mầu nhiệm Vượt Qua của Thầy và phu quân của mình. Từ mầu nhiệm này, Giáo Hội nhận lãnh sức mạnh hai mặt: sức mạnh của lời chứng và sức mạnh của ân sủng có năng lực cứu độ con người. Thời đại của Giáo Hội chỉ bắt đầu sau Lễ Hiện Xuống. Tuy nhiên, Lễ Hiện Xuống lại khởi đầu từ chính cuộc Phục Sinh. Thực vậy, ngay trong lần đầu tiên hiện ra với các Tông Đồ “sau ngày sa-bát”, Chúa Phục Sinh đã nói với các ông: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).



19/4 - Thoát Khỏi Ách Thống Trị Của Sự Chết

Nếu chúng ta không thuộc về Thiên Chúa như các chứng nhân và các môn đệ của Đức Kitô, thì chúng ta sẽ hoàn toàn thuộc về thế giới đã sa ngã này. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta sẽ dẫn đến sự chết. Qua cái chết, thế giới vật chất sẽ khống chế hoàn toàn phẩm giá của chúng ta trong tư cách là những con người, làm cho chúng ta trở thành ‘bụi đất’ không hơn không kém. Nếu không có đức tin vào Chúa Kitô, thì đấy sẽ là viễn tượng duy nhất của cuộc sống con người. Sự hiện hữu của con người sẽ thật là ảm đạm.

Cuộc Phục Sinh của Đức Kitô giải thoát chúng ta khỏi một viễn tượng tối tăm như thế. Cuộc Phục Sinh ấy giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của sự chết. Đó là lý do tại sao niềm vui Phục Sinh của chúng ta tiên vàn là một niềm vui bật ra từ mầu nhiệm sáng tạo. Bởi đó, chúng ta vui mừng, vì Chúa là Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên chúng ta, vì chúng ta thuộc về Ngài.

Chúng ta vui niềm vui Phục Sinh vì chúng ta là dân của Thiên Chúa, là đàn chiên do Ngài dẫn dắt. Trong Mùa Phục Sinh, hình ảnh Đức Kitô là Chúa Chiên Lành hiện lên rõ ràng. Người nói về chính mình: “Ta là mục tử tốt lành. Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta.” (Ga 10,14)



20/4 - Sự Sống Tiềm Tàng Với Đức Kitô Trong Thiên Chúa

“Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” (Cl 3,1). Chúng ta mừng cuộc Phục Sinh của Chúa. Người cất lên lời kêu gọi ấy là Tông Đồ Phao-lô. Một cách đặc biệt, thánh nhân đã kinh nghiệm được sức mạnh của Đấng Phục Sinh: “Nếu… anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới… Hãy để lòng trí mình nơi những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới… Vì sự sống của anh em được tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,1-3).

Sứ điệp Phục Sinh là một lời chứng. Những người đưa ra lời chứng là những người đã gặp thấy ngôi mộ trống rỗng. Họ là những người đã kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. “Điều mắt chúng tôi đã xem thấy, điều tay chúng tôi đã sờ thấy” (1Ga 1,1) - như đôi bàn tay của Tô-ma cứng lòng - “chúng tôi… công bố cho anh em” (1Ga 1,3). “Sự sống đã được tỏ bày; chúng tôi đã thấy và làm chứng” (1Ga 1,2). Sự sống được tỏ bày, khi mà tất cả mọi sự dường như đã chìm ngập trong bóng tối của sự chết.

Một tảng đá lớn đã được lăn tới lấp kín cửa mộ. Người ta đóng chặt và niêm kín. Nhưng sự sống lại tỏ hiện! Vâng, sứ điệp Phục Sinh là một lời chứng và là một thách đố. Đức Kitô đã đến trần gian vì chúng ta. Người đã bị đóng đanh thập giá. Nhưng qua cái chết của Người, Người trao ban cho chúng ta sự sống. Và như vậy có nghĩa rằng sự sống của chúng ta giờ đây được tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa. (Cl 3,3)



21/4 - Thiên Chúa Của Những Kẻ Sống

“Đây là ngày Chúa đã làm ra” (Tv 118,24). Ngày này luôn luôn xác nhận với chúng ta một sự thật đặc biệt rằng: Thiên Chúa không chịu thua trước sự chết của con người.

Đức Kitô đã đến thế gian để bày tỏ cho chúng ta sự thật quan trọng này, một sự thật mở ra cho thấy tình yêu của Chúa Cha. Đức Kitô đã chết trên Thập Giá và đã được mai táng trong ngôi mộ đá để làm chứng cho sự thật đầy khích lệ rằng: Thiên Chúa không chịu thua trước sự chết của con người.

Thực vậy, “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống” (Mt 22,32). Nơi Đức Kitô, sự chết đã bị thách đố. Đức Kitô đã vượt thắng sự chết bằng chính cái chết của Người.

Đây là ngày Chúa đã lập ra. Đây là ngày hiển thắng của Thiên Chúa - hiển thắng trên tội lỗi và sự chết của con người. Con người đành chịu thua số phận của mình ư? Con người đành khuất phục trước sự chết ư?

Hay con người sẵn lòng dự phần trong cuộc hiển thắng này?

Con người đành thua sự chết khi họ chỉ hướng đến những gì thuộc hạ giới. Vì không có mầm bất tử nơi hạ giới này.

Vâng, đáng buồn biết bao, người ta vẫn chứng tỏ mình đành thua sự chết. Người ta không chỉ chấp nhận chết mà còn bức tử kẻ khác nữa. Người ta thường bức tử những kẻ không hiểu biết, những kẻ ngây thơ, thậm chí những đồng loại chưa được sinh ra của mình.

Người ta không chỉ đành thua sự chết. Người ta còn đặt cuộc hiện sinh của mình trong chính cấu trúc của sự chết. Đây há không phải là cách mà chúng ta áp đặt cái chết cho đồng loại chúng ta đó sao: bạo lực, tranh giành quyền lực một cách khát máu, thu tóm của cải một cách ích kỷ, đấu tranh chống lại sự cùng khổ bằng cách nuôi dưỡng lòng đố kỵ và quyết liệt báo thù, đe dọa và lăng nhục, tra tấn và khủng bố? Có điều, dù đành chịu thua sự chết, con người vẫn khiếp sợ nó.

22/4 - Phải Chăng Chúng Ta Tự Hài Lòng Với Một Tình Yêu Giả Hiệu?

Sau lời nói trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, Đức Kitô nói về việc tha tội. Người phán: “Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; anh em cầm buộc ai thì người ấy bị cầm buộc” (Ga 20,22-23). Sở dĩ Đức Kitô nói điều đó bởi vì sự tha thứ tội lỗi giả định việc nhận biết và xưng thú tội. Và cả hai việc này đều liên quan với cố gắng sống trong sự thật và trong tình yêu.

Sự nhận biết và xưng thú tội lỗi đích thực sẽ đem lại sức mạnh của sự thật và tình yêu cho đời sống chúng ta. Nó làm cho chúng ta trở nên những con người mới và nó biến đổi thế giới.

Điều ngược lại sẽ xảy ra khi chúng ta lấp liếm sự thật và đánh lận tình yêu. Bấy giờ, chúng ta đã bôi xóa lằn ranh giữa sự thiện và sự ác. Chẳng hạn, chúng ta dán nhãn “nhân bản” cho điều thực sự là tội lỗi!

Đáng buồn, những ví dụ như vậy đang diễn ra nhan nhãn. Trong thời đại của chúng ta, sự khủng bố bị tố cáo là một tội ác và là một xúc phạm thô bạo đến những quyền căn bản của con người. Hành vi ngộ sát cũng bị tố cáo là vô nhân đạo tại các nước văn minh. Nhưng việc tước đoạt sự sống của những con người chưa được sinh ra thì lại được gọi là “nhân bản” và được cho là một “bằng chứng của tiến bộ”. Người ta gọi đó là tự do. Thế nhưng, sự tự do đích thực luôn bao hàm sự tôn trọng phẩm giá của nhân vị con người!

Anh chị em thân mến! Nói lên những điều này, tôi không nhằm tố cáo bất cứ ai. Tôi muốn san sẻ nỗi đau của mình đối với sự sống của các em bé chưa được sinh ra, đối với phẩm giá của nhân vị con người.

Chúng ta đừng tự lừa dối chính mình! Tất cả chúng ta phải nhìn thẳng vào tội lỗi và phải dứt khoát với tội lỗi. Chỉ có sự thật mới giải phóng chúng ta (cf. Ga 8,32). Chỉ có sự thật mới có sức mạnh biến đổi thế giới, mới có thể đem lại tiến bộ đích thực, đem lại tính “nhân bản” Kitô giáo đích thực. Xin đừng nói rằng những đòi hỏi của sự thật, của lương tâm và của phẩm giá con người chỉ là một sự lựa chọn “chính trị”. Không! Đó là những đòi hỏi khẩn thiết để có thể làm người đích thực. Xin đừng xem thường nữa những điều mang tầm quyết định đến sự sống còn của con người, những điều cốt yếu làm nên nhân tính.

23/4 - Xây Dựng Hòa Bình Là Chống Lại Sự Chết

Con người hôm nay có thật sự sẵn lòng tham dự vào sự hiển thắng của Thiên Chúa trên sự chết hay không? Có một thách đố cho con người hôm nay. Thách đố này vừa phức tạp vừa thúc bách hơn bất cứ thách đố nào khác. Đó chính là thách đố của hòa bình. Chọn lựa hòa bình có nghĩa là chọn lựa sự sống. Xây dựng hòa bình có nghĩa là tham dự một cách can đảm và đầy trách nhiệm vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa của những người sống. Thiên Chúa mời gọi con người hôm nay chống lại sự chết bất cứ nơi đâu sự chết xuất hiện.

Bất cứ nơi đâu mà sự chết xuất hiện xét như là hệ lụy của ích kỷ, chia rẽ và bạo lực, thì con người phải chống lại nó. Bất cứ nơi đâu mà máu người ta đổ ra do những xung đột quân sự, do chiến tranh du kích, do khủng bố, do trả thù, bất cứ nơi đâu mà phẩm giá con người bị chà đạp, nhân vị và tự do của con người bị phủ nhận … thì con người phải phản kháng.

Tôi muốn mời gọi mọi người - thuộc mọi niềm tin tôn giáo, tất cả mọi người thiện chí - cùng cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình. Chúng ta hãy khẳng định lại quyết tâm vượt thắng sự chết. Chúng ta hãy khẳng định chiến thắng của sự sống, chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh.



24/4 - Phó Thác Cho Quyền Lực Cứu Độ Của Đức Kitô

Ơn cứu chuộc bắt đầu với Thập Giá và được hoàn thành nơi cuộc Phục Sinh. Chiên Con đã cứu chuộc bầy chiên. Đức Kitô vô tì tích đã giao hòa các tội nhân với Chúa Cha.

Và, con người đã được giải thoát khỏi sự chết và được trao ban lại sự sống. Và, con người đã được giải phóng khỏi tội lỗi và được trao ban lại tình yêu. Hỡi tất cả những ai còn đang chìm trong bóng tối của sự chết, xin hãy lắng nghe: Đức Kitô đã sống lại! Hỡi tất cả những ai còn đang bị đè nặng dưới ách của tội lỗi, xin hãy lắng nghe: Đức Kitô đã vượt thắng tội lỗi nơi Thập Giá và nơi cuộc Phục Sinh của Người! Hãy phó thác sự sống của anh em cho Người!

Hỡi con người của thế giới hôm nay! Hãy qui phục Đức Kitô, qui phục quyền lực của Người! Càng khám phá ra những nẻo đường tội lỗi sau lưng mình, anh em càng ý thức hơn sự chết khủng khiếp như thế nào. Anh em hãy đặt mình trong quyền năng cứu độ của Đức Kitô!



25/4 - Phục Sinh Trong Hiện Tại

Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết tại một thời điểm nhất định trong thời gian. Tuy nhiên, Người vẫn đang đợi chờ sự Phục Sinh của Người tác động biến đổi mọi người. Người vẫn đang đột phá vào cuộc sống của mỗi cá nhân và vào lịch sử của mọi dân tộc. Nhưng tác động chuyển hóa của cuộc Phục Sinh đối với xã hội và cá nhân còn tùy thuộc vào sự hợp tác của con người nữa.

Trong cuộc Phục Sinh này, người ta phá vỡ sự ràng buộc của tội lỗi và sự chết. Người ta sống lại trong Đức Kitô như chính Người đã sống lại vào buổi sáng Phục Sinh cách đây hai mươi thế kỷ ấy. Vâng, bất cứ ở đâu có một trái tim thắng vượt ích kỷ, bạo lực, và đố kỵ - bất cứ ở đâu có một trái tim mở ra cho một ai đó đang cần đến mình - thì ở đó Đức Kitô được Phục Sinh từ cõi chết, được Phục Sinh trong hiện tại hôm nay. Bất cứ ở đâu có người theo đuổi công lý và hòa bình đích thực, thì sự chết bị đánh bại và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô được khẳng định lại. Bất cứ khi nào một người lìa đời sau khi đã sống một cuộc sống đầy tràn tin, yêu, và đau khổ vì Đức Kitô … thì ở đấy và lúc ấy có sự Phục Sinh.

Cuộc Phục Sinh này - được định liệu cho mọi người - là chiến thắng tối hậu. Đó là câu trả lời của Thiên Chúa cho những đau buồn và thử thách của con người. Đó không phải là sự chết mà chính là sự sống. Đó không phải là thất vọng mà chính là hy vọng. Và Giáo Hội mời gọi mọi con người hôm nay đón nhận niềm hy vọng này.

Giáo Hội nhắc lại với chúng ta, với mọi người, lời công bố khó tin nhưng rất thật rằng: Đức Kitô đã sống lại! Mong sao cả thế giới cùng sống lại với Người! Alleluia!

26/4 - “Hãy Nhận Lãnh Thánh Thần”

Trong Mùa Phục Sinh, chúng ta có dịp trở lại căn gác thượng. Chúng ta nhớ lại những biến cố của ngày đầu tuần, của Chúa Nhật Phục Sinh.

Đức Giêsu xuất hiện, dù cửa đóng kín. Người đứng giữa các môn đệ và nói với các ông: “Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Và sau khi Người nói những lời ấy, Người thổi hơi trên các ông và nói: “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20,22).

Đây là cuộc hiện ra đầu tiên của Đức Giêsu sau khi Phục Sinh. Đức Giêsu xuất hiện. Người vẫn như thế; nhưng Người cũng đã thay đổi. Người vẫn là con người đã chịu khổ nạn, vì Người đã cho các môn đệ thấy các lỗ đinh nơi tay Người và vết thương nơi cạnh sườn Người. Nhưng Người đã thay đổi. Cửa đóng không thể cản trở thân xác vinh quang của Người!

Người đã được thay đổi bởi cuộc Phục Sinh. Giờ đây, Người biểu hiện quyền năng của Thánh Thần trao ban sự sống nơi thân xác Người. Người xuất hiện trong quyền năng của Thánh Thần, và Người trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ. Chúa chúng ta trao ban Thánh Thần, Ôi! Hồng phúc biết bao, các vết thương trong cuộc khổ nạn của Chúa.

27/4 - Mục Tử Tốt Lành Hy Sinh Mạng Sống Vì Đàn Chiên

“Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10,11). Hình ảnh người Mục Tử Tốt Lành được nối kết với Mùa Vượt Qua. Trong ánh sáng của Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, Giáo Hội đọc lại một lần nữa về Đức Giêsu trong tư cách là người Mục Tử Tốt Lành - truyền thống này đã có trong Giáo Hội qua bao thế kỷ.

“Người mục tử tốt lành thí mạng mình vì đàn chiên” (c.11). Đấy là ý tưởng nòng cốt của dụ ngôn về Người Mục Tử Tốt Lành. Ý tưởng ấy giờ đây đã được hiện thực hoàn toàn qua hiến tế của Đức Kitô trên Thập Giá. Người đã trao hiến mạng sống Người như hy lễ thay cho con người. Đó là lý do tại sao Người là Mục Tử Tốt Lành.

Những hình ảnh nguyên sơ nhất trong các hang toại đạo cho chúng ta thấy các Kitô hữu sơ khai trân trọng sự thật về Người Mục Tử Tốt Lành biết bao. Sự thật này bắt nguồn từ Cựu Ước. Chẳng hạn, ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 100: “Đức Chúa là Thượng Đế; Ngài đã dựng nên ta, ta thuộc về Ngài; ta là dân của Ngài, là đàn chiên do Ngài dẫn dắt” (c.3).

Đối với dân Chúa trong Cựu Ước, hình ảnh người mục tử biết và săn sóc các con chiên của mình là một hình ảnh rất quen thuộc ngay từ đầu lịch sử của họ. Và tất cả những gì xảy ra giữa người mục tử và đàn chiên đã trở thành một hình ảnh, một ẩn dụ về mối quan hệ giữa It-ra-en và Thiên Chúa.

28/4 - Chúng Ta Là Đàn chiên Do Ngài Dẫn Dắt

Vào thời đại Thánh Kinh, người mục tử không chỉ là một người lãnh đạo mà còn là một người bảo vệ cẩn mật và chuyên chăm. Anh ta quan tâm tới sự sống của đàn chiên. Anh ta dẫn đàn chiên tới những đồng cỏ và suối nước. Anh ta bảo vệ đàn chiên cho khỏi những kẻ rình rập và thú dữ. Anh ta lo phòng tránh mọi mối nguy hiểm cho đàn chiên.

Người mục tử là một vị cứu tinh. Chiên có thể tín nhiệm vào anh ta với một tấm lòng đơn sơ - như chúng ta ngày nay tín thác vào Chúa Kitô vậy - bởi vì anh ta cung cấp cho chiên cuộc sống an toàn và phong phú. Thật dễ nhận ra nơi người mục tử uy quyền của Thiên Chúa, Đấng là Thủ Lĩnh Tối Cao. Ngài trao ban sự tốt lành và ân sủng, Ngài quan tâm tới con người và trở thành sự đỡ nâng vững chắc của con người. Vâng, chúng ta thuộc về Ngài. Ngài đã dựng nên chúng ta. Chúng ta là dân Ngài. Chúng ta là đàn chiên do Ngài dẫn dắt. Đức Kitô đã gọi các môn đệ Người là “của tôi”, vì “Cha tôi … đã ban chúng cho tôi” (Ga 10,29).

Mỗi tín hữu đều đã được Chúa Cha trao cho Chúa Con bằng một cách thế đặc biệt. Chúa Con đã trở thành con người để đảm nhận lấy mối ưu tư của Chúa Cha đối với con người: mối ưu tư của người mục tử đối với đàn chiên. Mối quan tâm của một người mục tử có thể so sánh với sự quan phòng từ phụ của Thiên Chúa như được trình bày trong Thánh Kinh. Sự quan phòng này trở thành một thực tại sống động đối với chúng ta xuyên qua Chúa Con - là Đức Kitô.



29/4 - Mối Quan Tâm Từ Phụ Của Thiên Chúa

Người Mục Tử Tốt Lành là hình ảnh diễn tả độc đáo nhất về sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa, về mối quan tâm từ phụ của Ngài đối với con người. Do lòng từ bi của Ngài, Chúa Cha quyết định rằng Chúa Con phải đến để dẫn dắt đàn chiên của Ngài đến sự sống sung mãn - một sự sống phong nhiêu như dòng suối mát hay đồng cỏ xanh. Ngôi Lời đã hủy mình ra không và đã cứu độ chúng ta, làm cho chúng ta nên giống như Ngài đến nỗi mọi Kitô hữu đều có thể nói như Thánh Phao-lô: “Giờ đây không còn phải là tôi sống nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng sự hiện diện đầy khích lệ của Đấng Cứu Chuộc không hề miễn cho chúng ta khỏi gánh vác thập giá. Sự hiện diện ấy là một ơn an ủi giúp ta kết hiệp với Thiên Chúa, giúp ta sống và chịu đau khổ theo thánh ý Thiên Chúa và vì ích lợi của anh chị em chúng ta.

Như vậy, chúng ta thấy rằng Đức Kitô đã triển khai một sứ mạng có tính quan phòng để phục vụ cho những người mà Chúa Cha đã trao cho Người. Người là Mục Tử Tốt Lành.



30/4 - Nghe Theo Tiếng Người Mục Tử

Sứ mạng của Đức Kitô bao gồm một sự hiểu biết cụ thể về những ai thuộc về Người. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng” (Ga 10,27). Đây là một sự hiểu biết đến từ đức tin và sự tín nhiệm. Thực vậy, người mục tử là người duy nhất mà đàn chiên tín nhiệm. Đó là lý do tại sao chiên đi theo người ấy. Người ấy biết chính xác từng con chiên. Mỗi con chiên đều ở trong tâm tư của người ấy. Và chỉ người ấy mới có thể trả giá cho mỗi con chiên.



Giá ở đây, với Đức Kitô, là Thập Giá: “Người mục tử thí mạng mình vì chiên”. Đức Kitô biết rằng chiên của Người được định liệu để chia sẻ sự sống vĩnh cửu trong Người: “Chúng theo tôi. Và tôi ban cho chúng sự sống đời đời.” (Ga 10,27-28).
Каталог: home -> dulieu
dulieu -> Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
dulieu -> TỰ do nội tâm jacques Philippe Người dịch, Lm. Minh Anh (Gp. Huế) TỰ do nội tâM
dulieu -> Thánh nhạc và đời sống đức tin của Dân Chúa tại Việt Nam 50 năm qua
dulieu -> LƯỢc sử giáo phận huế khai sinh và phát triểN 50 NĂm qua (1960-2010) I. LỊch sử KHAI SINH giáo phận huế
dulieu -> Phụng tự tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)
dulieu -> HÀn mạc tử, ngưỜi kitô HỮu trẻ trên lối vào nội tâM
dulieu -> +++ MỤc lụC Đức Thánh Cha gặp các Giám mục Argentina đi ad limina
dulieu -> Rao giảng Lời Chúa tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)
dulieu -> Dọn đường cho Chúa đến
dulieu -> MƯỜi lăm sự thưƠng khó ĐỨc chúa giêsu thứ nhất thì gẫm

tải về 132.78 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương