LỊch sử phong trào công nhâN, viên chứC, lao đỘng và HỌat đỘng công đÒan bà RỊa vũng tàu giai đỌan 1930-2006


Chương IV: CÔNG NHÂN VÀ LAO ĐỘNG BÀ RỊA - VŨNG TÀU KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-1975)



tải về 1.88 Mb.
trang7/17
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.88 Mb.
#2068
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   17

Chương IV: CÔNG NHÂN VÀ LAO ĐỘNG BÀ RỊA - VŨNG TÀU KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-1975)

1. Tổ chức lại lực lượng công nhân và lao động, đấu tranh chính trị theo pháp lý Hiệp nghị Giơnevơ (1954-1959)

Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta ở Điện Biên phủ buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 20-7-1954, thực hiện ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Đông Dương; Chính phủ Pháp và các bên tham gia hiệp định công nhận Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Quân đội Pháp rút về nam vĩ tuyến 17 rồi rút hết về nước sau hai năm để nhân dân Việt Nam tổ chức tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân thực dân Pháp, đưa Ngô Đình Diệm về nước, thiết lập chế độ độc tài tay sai thân Mỹ.

Bằng thủ đoạn bố trí lại dân cư, Mỹ - ngụy đưa hơn hai vạn đồng bào Thiên chúa giáo di cư vào cắm ở những vị trí xung yếu dọc trục lộ 15, lộ 2, lộ 23 như Phú Mỹ, Phước Hòa, Long Hương, Suối Nghệ, Bình Giã, Phước Tỉnh, Vũng Tàu (Bến Đình, Bến Đá, Rạch Dừa, Hải Đăng, Phước Thắng) v.v… Ở Xuyên Mộc, trước đây là vùng căn cứ kháng chiến, địch di dân từ Quảng Trị vào ấp Nhơn Đức (xã Xuyên Mộc), khu dinh điền Hưng Nghĩa (Láng Bè 1); đưa đồng bào Phật giáo từ Quảng Trị vào lập ấp Láng Bè 2, đưa dân tị nạn vào lập ra ấp 3 ấp 4. Ở Bàu Lâm địch lập khu Dinh điền Thanh Tóa bao gồm người Hoa bị phá sản, dân tị nạn Quảng Nam. Ngụy quyền mở rộng các trục lộ 323, 328, 329, phá rừng, khai thác gỗ, trồng cao su, kết hợp với bố trí lại dân cư nhằm vơ vét kinh tế và chia cắt vùng căn cứ của ta trên một địa bàn rộng hàng ngàn km2, từ Xuyên Phước Cơ ra Bình Thuận và Chiến khu Đ.

Tại đô thị Vũng Tàu và tỉnh lỵ Bà Rịa, chính quyền Mỹ - Diệm tìm mọi cách lôi kéo công nhân và tầng lớp lao động thành thị vào các nghiệp đoàn do bọn tay sai như: Tổng Liên đoàn lao động, lực lượng thợ thuyền, Tổng công đoàn tự do, liên hiệp các nghiệp đoàn tự do, Tổng liên đoàn Công nhân. Trong số các tổ chức các nghiệp đoàn này, Tổng liên đoàn lao công được Mỹ đỡ đầu, cung ứng tiền bạc cho mọi hoạt động, đưa tên Trần Quốc Bửu lên làm lãnh tụ, âm mưu biến nó thành nghiệp đoàn phản động cực hữu, chi phối phong trào công nhân miền Nam115.

Tổng Liên đoàn lao công cử người về xâm nhập vào các đồn điền cao su và lao động thành thị, tổ chức ra các nghiệp đoàn ở cơ sở theo ngành nghề như các nghiệp đoàn cao su, nghiệp đoàn xe đò, xe lô, xe lambretta, xe xích lô, nhà đèn, nghiệp đoàn công nhân sở Mỹ, nghiệp đoàn giáo chức, nghiệp đoàn thợ may, nghiệp đoàn đánh cá v.v… Về hình thức tổ chức nghiệp đoàn hoạt động tự do, theo “Cộng đồng khế ước” giữa thợ và chủ. Bên cạnh tổ chức nghiệp đoàn, Mỹ - ngụy còn lập nhiều tổ chức chính trị, hiệp hội, đoàn thể quần chúng, đan cài vào đội ngũ công nhân và lao động thành thị. Vũng Tàu và thị xã Bà Rịa không lớn nhưng đã có hàng chục đảng phái chính trị quốc gia như Đảng cần lao nhân vị của Ngô Đình Nhu, Đại Việt Cách mạng, Việt Nam quốc dân đảng, Liên minh dân tộc, Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ liên đới,… Được sự tiếp tay của chính quyền Mỹ-Diệm, bọn tư bản Pháp ở các đồn điền cao su vẫn tiếp tục bóc lột công nhân ngày một tinh vi xảo quyệt hơn.

Tháng 10-1954, Xứ ủy thành lập lại Tỉnh ủy Bà Rịa, đồng chí Nguyễn Kế Hoa làm Bí thư, đồng chí Phan Tiến Ngọc (Ba Đáng) là Phó Bí thư phụ trách vùng đồn điền cao su kiêm công tác Kinh tài, đồng chí Nguyễn Văn Nguyên (Năm Hòa) là ủy viên Thường trực phụ trách Tuyên huấn, trí vận, tư sản vận và công tác đô thị116. Đồng chí Lâm Quốc Đăng (Tư Thược) được Liên Tỉnh ủy miền Đông Nam bộ cử về Bà Rịa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn (Bí thư Xứ ủy) về vấn đề xây dựng căn cứ địa của tỉnh Bà Rịa. Tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Xứ ủy là: trong tình hình mới, không thể bám căn cứ trong rừng mà phải chuyển cơ quan lãnh đạo vào trung tâm dân cư để lãnh đạo phong trào. Muốn vậy, phải chú trọng xây dựng cho được cơ sở chính trị trong dân, xây dựng những lõm chính trị, căn cứ chính trị trong khu vực dân cư. Đồng chí Bí thư Xứ ủy đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng việc xây dựng cơ sở cách mạng trong của vùng cao su, trong công nhân cao su. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ riêng đối với Bà Rịa mà rất quan trọng cho cả miền Đông và Nam bộ.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy bố trí nhiều cán bộ trung kiên về sinh sống hợp pháp các đồn điền cao su, các vùng nông thôn và thị xã thị trấn, làm nhiệm vụ tổ chức quần chúng, lao động đấu tranh. Riêng vùng đồn điền cao su, Tỉnh ủy đã bố trí đồng chí Hà Thúc Đạt và đồng chí Hai Xuân (Xuân mắt kiếng), từng làm xu, có uy tín ở đồn điền Bình Ba trước đây trở lại vùng đồn điền sinh sống hợp pháp, làm công nhân trở lại để lãnh đạo phong trào. Đồng chí Hà Thúc Đạt được chỉ định là Bí thư Ban cán sự cao su. Đồng chí Hai Xuân nguyên là Phó Bí thư chi bộ Liên đoàn cao su tỉnh Bà Chợ trong kháng chiến chống Pháp được chỉ định tham gia Ban cán sự. Chi bộ Bình Ba được hình thành cuối năm 1954, gồm 9 đảng viên, khi mới thành lập, đồng chí Hà Thúc Đạt, Bí thư Ban các sự cao su trực tiếp làm bí thư chi bộ. Chi bộ Bình Ba bố trí anh Nguyễn Trung Nghĩa, một cán bộ kháng chiến vào làm xu để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh công khai.

Đồn điền cao su Bình Ba (Galia) lúc đó khoảng 2.000 hecta, là Sở cao su lớn nhất ở khu vực này do tư bản Pháp quản lý. Bình Ba còn có các phân sở Xà Bang (Courtenay), Xuân Sơn, Sông Cầu, Đồng Ngọc Khải. Chủ sở là Philíp thường đóng ở Suối Tre. Phó sở là Davrincour, trực tiếp chỉ huy ở Bình Ba. Bình Ba có các ấp Bình Ba xăng, Bình Ba làng, Đức Mỹ (ấp 4), Đồng Ngọc Khải, Tam Hữu, dốc Đất Đỏ, Sông Cầu. Ngoài đồn điền Bình Ba và các phân sở trực thuộc, khu vực lộ 2 còn có một số sở nhỏ của tư bản Việt Nam, Hoa kiều. Gần Sông Cầu có đồn điền Phong Phú, đồn điền Suối Sâu. Ngãi Giao có đồn điền Hồng Lam, Tân Việt Nam, Hoa Lạc, Châu Lạc, Ngọc Long, Ngọc Hải, Việt Cường, Quang Minh117. Tổ chức công đoàn bí mật ở Bình Ba được thành lập khá sớm. Ban cán sự đầu tiên ở Bình Ba do đồng chí Phạm Văn Hy trực tiếp chỉ đạo thành lập gồm các đồng chí Nguyễn Công (Trưởng ban), Phạm Văn Bi (Phó ban), Hai Nhàn (Thư ký). Ban Cán sự chỉ đạo theo hệ thống xâu chuỗi qua các cốt cán như bà Mười Tự, chị Hai Liên,anh Hai Cần, ông Hai Sâm (Sông Cầu), bà Trừ, ông Cai Tống (Ba Tống), chị Năm Tứ, (Bình Ba),…

Chi bộ Xuân Sơn do đồng chí Nguyễn Trọng Vĩ (Bảy Vĩ) làm Bí thư Chi bộ, chi ủy có các đồng chí Năm Lân, đồng chí Chỉnh, Hai Cà (Huỳnh Kim Nhung). Các đồng chí Bùi Đình Kiểm (Sáu Bùi), Phạm Văn Hy, Tám Ngựa, Lê Quang (Mười Quang), Hai Xuân, Sáu Ngọc trong Ban cán sự Cao su cũng thường xuyên có mặt chỉ đạo phong trào ở Xuân Sơn. Đồng chí Chín Lâm, cán bộ công vận của tỉnh được tăng cường chỉ đạo phong trào. Khi cơ quan Tỉnh ủy từ chiến khu Xuyên Phước Cơ dời về Xuân Sơn, chi bộ xã Xuân Sơn bố trí một bộ phận chuyên trách bảo vệ căn cứ và làm kinh tài cho Tỉnh ủy118. Đoàn thanh niên lao động ở vùng cao su Nam lộ 2 cũng được xây dựng và phát triển mạnh. Các chi đoàn Thanh lao (Đoàn thanh niên lao động) ờ Bình Ba, Xuân Sơn… đã kết nạp thêm nhiều đoàn viên mới. Lớp đoàn viên này sớm trở thành những lãnh đạo cốt cán trong kháng chiến chống Mỹ.

Chi bộ Sông Cầu do đồng chí Đào Xuân Mai119 là Bí thư, đồng chí Hồ Hiệp Hòa là Phó Bí thư, chi ủy viên có các đồng chí Lê Quang (Mười Quang), Mười Hú, đồng chí Trụ. Các đồng chí Phạm Văn Hy, Tám Ngựa (Ba Nhân) thường đi về chỉ đạo củng cố Chi bộ; xây dựng chi đoàn Thanh Lao; phát triển cơ sở, xây dựng cốt cán, xây dựng tinh thần cách mạng cho anh em công nhân; phát động quần chúng đấu tranh, tập dượt từ thấp lên cao, chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh lớn; đối với cán bộ đảng viên và cốt cán, xây dựng tinh thần kiên trung, khí tiết cách mạng, bị bắt quyết không khai báo; tìm cách đưa một số anh em cốt cán vào bộ máy của địch làm cai, xu để hỗ trợ phong trào. Theo tinh thần này, chi bộ đã đưa được anh Hai Phong, một cơ sở cốt cán vào làm cai120.

Đồn điền Xà Bang là một phân sở trực thuộc đồn điền Bình Ba, diện tích cây cao su khoảng 200 hécta, đã bỏ cạo từ năm 1948, nay được khôi phục lại. Số công nhân cao su Xà Bang trước đây bỏ sở vào vùng căn cứ theo kháng chiến có hơn 20 gia đình trở về lại sở Xà Bang, trong đó có một số cán bộ cách mạng được bố trí trở lại. Chủ đồn điền phải mộ dân thất nghiệp tại địa phương và dân các tỉnh khác về làm công nhân, có cả người Kinh, người Khmer, người dân tộc Châu Ro… Phân sở Xà Bang do tên Phó Giám đốc sở Bình Ba điều hành. Lực lượng khai thác tổ chức thành 1 đội, 15 kíp, mỗi kíp 16 công nhân, tổng cộng chưa đến 250 công nhân. Lúc đầu, Xà Bang chưa tổ chức được Chi bộ Đảng, các đồng chí trong Ban Cán sự Cao su như Bùi Đình Kiểm, Nguyễn Văn Đạt (Bảy Cao) trực tiếp chỉ đạo phong trào thông qua một số cốt cán như chị Nguyễn Thị Tâm121, chị Phạm Thị Bụt, bà Sáu Quán,… Về mặt hành chính, Xà Bang thuộc ấp Láng Lớn, xã Ngãi Giao. Đồng chí Sáu Thích, đảng viên chi bộ Ngãi Giao được giao nhiệm vụ thâm nhập vào công nhân cao su Xà Bang, xây dựng cơ sở.

Phong trào công nhân cao su đã khởi sắc ngay trong năm 1954. Tháng 11 năm 1954, một đợt đấu tranh lớn nổ ra đồng loạt tại các đồn điền cao su Bình Ba, Sông Cầu, Xuân Sơn, Xà Bang, Láng Lớn… Tại sân vận động sở cao su Bình Ba vài trăm công nhân họp mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng, nêu yêu sách tăng lương từ 14 đồng một ngày lên 17 đồng/ngày, đòi giảm giờ làm, nghỉ ngày chủ nhật… Đây là cuộc đấu tranh có sự chỉ đạo và phối hợp của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ. Bọn chủ đã phải nhượng bố một phần yêu sách.

Đầu năm 1955, công nhân Bình Ba đấu tranh chống bọn chủ sở cướp đất vườn do công nhân tự khai phá ở khu vực phía Nam sở Bình Ba để mở rộng đồn điền, trồng cây cao su. Theo sự chỉ đạo của Ban cán sự Cao su, chi bộ Bình Ba hướng dẫn quần chúng công nhân ký kiến nghị, đưa yêu sách về toà hành chính tỉnh. Bọn chủ bất chấp yêu sách chính đáng của công nhân, đưa máy ủi đến ủi phá hoa màu, cây trái. Ông Sáu Ngọc (đảng viên) đã dẫn đầu, vận động hàng chục công nhân lăn xả chắn đầu xe ủi, bao vây khống chế thợ lái máy, yêu cầu không được thực hiện lệnh của chủ sở, cướp đất của công nhân. Âm mưu chiếm đất của bọn chủ sở thất bại.

Cuộc đấu tranh của công nhân cao su được các tầng lớp lao động ủng hộ, tạo thành phong trào quần chúng rộng lớn. Nghiệp đoàn buôn bán ở thị trấn Bà Rịa bãi thị đòi giảm thuế chợ, đòi tự do đi lại, hội họp, đòi Mỹ - ngụy thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ. Ở Long Phước, Hòa Long đồng bào đấu tranh giảm thuế, chống cướp đất nông dân làm đồn điền. Điển hình là cuộc đấu tranh phối hợp giữa công nhân và nông dân chống tên tư sản Hoàng Anh cướp 120 héc ta đất ở Hòa Long trồng cao su. Sau một năm đấu tranh gay go, quyết liệt cuối cùng Ngụy quyền phải can thiệp, buộc chủ tư sản bồi thường thỏa đáng cho những nông dân bị cướp đất.

Ngày 1-5-1955, theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ và Ban công vận Xứ, toàn thể công nhân cao su miền Đông đã tổ chức cuộc đình công một ngày. Sáng ngày mồng 1-5, công nhân các phân sở Xà Bang, Xuân Sơn, Sông Cầu tổ chức thành từng đoàn tiến về sân banh, cùng công nhân Bình Ba tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, đưa kiến nghị đấu tranh, nêu 16 yêu sách cơ bản về yêu cầu dân sinh, dân chủ, trong đó:


  • Tăng lương công nhân cao su từ 17 đồng một ngày lên 24 đồng một ngày;

  • Gạo từ 700 gram lên 900 gram/ngày;

  • Thi hành luật lao động;

  • Ngày chủ nhật làm hưởng lương gấp đôi.

  • Tự do lập nghiệp đoàn và Ban đại diện công nhân.

  • Thi hành điều 14C Hiệp định Giơnevơ, không khủng bố, trả thù người yêu nước, kháng chiến.

Theo chỉ đạo chung, hơn 20.000 công nhân các tỉnh miền Đông đã đồng loạt đình công, kiên quyết giữ vững yêu sách. Trước sức mạnh đoàn kết của công nhân toàn Miền, Chủ sở Bình Ba đáp ứng yêu cầu tăng lương của công nhân từ 17 đồng lên 24 đồng 1 ngày và xin phép chính quyền Sài Gòn chấp nhận cho các đồn điền cao su thành lập nghiệp đoàn. Ngày 3-5-1955, Nghiệp đoàn cao su Bình Ba được thành lập (thuộc Tổng liên đoàn lao công) do anh Hai Xuân làm Thư ký122. Ban Thư ký còn có các anh Vũ Đình Thêm (sở Xuân Sơn), Đoàn Công Trợ (sở Ông Quế), Tư Võ (Cẩm Mỹ), cai Giáo, cai Phong (sở Sông Cầu),… là những cốt cán công nhân được các Chi bộ Đảng bố trí tham gia tổ chức công đoàn công khai để hoạt động.

Ngày 1-5-1956, công nhân các sở Bình Ba, Xuân Sơn, Ngãi Giao, Xà Bang, Sông Cầu tập trung về Bình Ba rồi tuần hành về tỉnh lỵ Bà Rịa với những băng rôn “Tinh thần ngày 1-5 bất diệt”, “Đả đảo khủng bố"… Tại thị xã Bà Rịa, bọn cảnh sát, dân vệ xông vào đám biểu tình, chúng đánh đập, đàn áp quyết liệt và bắt đi nhiều người. Nhân dân thị xã đã kéo đến ủng hộ công nhân, phản đối hành động khủng bố của địch. Đơn kiến nghị chống khủng bố, đòi thi hành điều 14C Hiệp định Giơnevơ còn được gửi lên Ủy hội quốc tế ở Vũng Tàu. Trước tình hình đấu tranh của công nhân, bọn ngụy quyền phải thả anh Phong, Phó Thư ký nghiệp đoàn cao su Bình Ba và anh Vũ Đình Thêm cán bộ nghiệp đoàn. Riêng đồng chí Hai Xuân một cán bộ công vận lâu năm, Thư ký nghiệp đoàn, địch đã lén lút đưa đi thủ tiêu, mặc dù chúng vẫn tuyên bố là sẽ thả.

Sau Ngày Quốc tế lao động 1-5-1956, công nhân cao su Xà Bang tổ chức một cuộc bãi công đòi các quyền dân sinh dân chủ. Chị Nguyễn Thị Tâm cùng chồng là anh Nguyễn Văn Rồng và chị Phạm Thị Bụt, bà Sáu Quán… đã kiên trì vận động từng công nhân tham gia đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Ban đầu chỉ 30 công nhân tham gia bãi công, dần dần số công nhân tham gia lên đến gần 200. Bọn chủ chẳng những không giải quyết đòi tăng lương của công nhân, còn kêu lính từ Bà Rịa lên đàn áp. Công nhân bị chúng đánh đập dã man và bắt đi nhiều người. Ban cán sự Cao Su (khi đó đồng chí Nguyễn Văn Đạt làm Bí thư) đã kịp thời chỉ đạo cho các chi bộ đồn điền lân cận ủng hộ cuộc đấu tranh này. Công nhân Bình Ba, Ngãi Giao, Cẩm Mỹ, Xuân Sơn… đã quyên góp gạo, tiền giúp đỡ công nhân Xà Bang. Được sự giúp đỡ của Ban cán sự và công nhân các sở bạn, công nhân Xà Bang đã úp thùng đình công suốt ba tháng, gây nhiều thiệt hại cho chủ tư bản. Cuối năm 1956, chủ sở chấp nhận nâng lương cho công nhân Xà Bang lên 37 đồng/ngày. Cuộc đấu tranh kiên quyết, dài ngày của công nhân Xà Bang cuối cùng đã giành được thắng lợi.

Cùng với việc xây dựng và phát triển cơ sở trong công nhân cao su, Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở cách mạng trong đồng bào dân tộc, bố trí cán bộ giác ngộ đồng bào dân tộc, xây dựng cơ sở trong 12 cụm dân cư ở Mụ Bân, Núi Nhan, Cà Mum, Rừng Tre, Bàu Trơ, Bàu Chinh, Cụ Bị, Châu Pha, Hắc Dịch, Da Cốp, Ấp Lò, Suối Gùi. Đây là những cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng căn cứ địa khu Tây trong kháng chiến chống Mỹ.

Đối với vùng đô thị, đồng chí Nguyễn Văn Nguyên (Năm Hòa) Ủy viên Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên huấn được giao nhiệm vụ nắm trí thức và tư sản. Đồng chí đã giác ngộ được nhiều trí thức, tư sản ở thị xã Bà Rịa và thị trấn Long Điền, trong đó có ông Lê Văn Lộ, chủ trại cưa Nguyên Tử ở cầu Thủ Lựu, đặt một cơ sở của Tỉnh ủy tại đây. Ở thị xã Bà Rịa, những cán bộ chủ chốt của Đảng đều trực tiếp nắm phong trào công nhân và lao động thành thị bằng cách cài người vào bộ máy lãnh đạo của tổ chức nghiệp đoàn hợp pháp. Các đồng chí Nguyễn Văn Tình, Lưu Văn Qui… sử dụng “Hội Danh Liên hiệp” để quy tụ các tầng lớp thuộc nhiều thành phần khác nhau như công nhân, trí thức, tư sản dân tộc và có cả một số viên chức, binh lính ngụy cũng tham gia tổ chức biến tướng này.

Phong trào ở thị trấn Long Điền được khởi động qua trí thức, học sinh và phụ huynh trường Văn Lương, gồm đủ các thành phần, trong đó có đông đảo bà con buôn bán, tiểu chủ và một bộ phận trong giới công chức, ngụy quân, ngụy quyền. Bằng các hoạt động văn nghệ, thể thao, thầy trò trường Văn Lương tập hợp đông đảo anh chị em thanh thiếu niên và quần chúng lao động tham gia đêm lửa trại mang tên “Hội Diên Hồng”, “Đêm Lam Sơn”… khơi dậy tinh thần dân tộc và ý thức đấu tranh chống chế độ tay sai ngoại bang. Tháng 7-1955 nhân dân lao động Long Điền, Đất Đỏ đã tổ chức đấu tranh kỷ niệm một năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ bằng hình thức vận động quần chúng ký tên vào bản kiến nghị đòi ngụy quyền phải thi hành hiệp định; tổ chức nhiều đoàn biểu tình từ vài chục đến hàng trăm người ở các xã kéo về thị xã Cấp (Vũng Tàu) gặp Ủy hội quốc tế trao kiến nghị của quần chúng.

Ở Xuyên Mộc có phong trào lập tổ đoàn kết sản xuất, tổ vần công, đổi công và các hiệp hội hợp pháp khác như “Hội Đình chùa”, “Hội Công giáo”, “Hội nhà vàng”… Chi bộ Đảng thông qua các đoàn thể quần chúng hợp pháp phát động đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, chống khủng bố những người kháng chiến, đòi cải thiện đời sống người lao động…

Tháng 3-1956, phong trào đấu tranh tẩy chay cuộc bầu cử riêng rẽ vào tháng 10-1955 của Ngô Đình Diệm lan rộng từ các đồn điền cao su đến các đô thị Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Vũng Tàu qua các hình thức xé bỏ hoặc xóa tên tất cả các ứng cử viên. Những nơi địch đàn áp, khủng bố mạnh, công nhân thực hiện việc chống lại bằng cách gạch xóa các phiếu bầu trước khi bỏ vào thùng.

Ở Vũng Tàu, Thị ủy chỉ đạo đưa cán bộ, đảng viên hoặc nòng cốt vào giữ cương vị chủ chốt trong nghiệp đoàn. Đầu năm 1955, tổ chức nghiệp đoàn thợ may đầu tiên ở Vũng Tàu gồm: anh Lê Văn Thơ, anh Ba Hương, anh Nguyễn Văn Lợi (Tư Lợi ) và anh An (tức Hương). Anh An (tức Hương) là Thư ký. Buổi ra mắt Nghiệp đoàn Thợ may tổ chức tại nhà anh Trương Trọng Hiệp, có các anh Lê Văn Thơ, anh Ba Hương, anh Nguyễn Văn Lợi, chị Tần Hạnh Ngươn, chị Âu Thị Ngừa và nhiều chị em cốt cán trong Nghiệp đoàn thợ may123.

Vừa được thành lập, Nghiệp đoàn thợ may đã đứng ra làm nòng cốt trong vụ tổ chức đám tang cô Thạnh, biến đám tang thành một cuộc biểu dương tình đoàn kết giữa những người lao động, chống thực dân đế quốc. Khi đó, bọn lính viễn chinh Pháp tập kết khá đông ở Vũng Tàu để chuẩn bị về nước. Bọn này rất nghênh ngang, nhiều lần mua đồ, ăn hàng quỵt tiền của dân không chịu trả. Đầu năm 1955, một tốp lính Pháp đến tiệm rương Đồng Lợi - (bán vally, rương gỗ) mua rương không trả tiền, cô Thạnh (con gái ông chủ tiệm rương Đồng Lợi) phản đối, giằng co không cho chúng đi, bị một tên lính Pháp dùng lưỡi lê đâm chết. Được sự chỉ đạo của Thị ủy, chị Tần Hạnh Ngươn thay mặt Nghiệp đoàn thợ may tổ chức phúng điếu và phối hợp cùng với các đảng viên các phường Thắng Tam, Châu Thành vận động quần chúng bày tỏ thái độ, đám tang của cô Thạnh biến thành một cuộc bãi công bãi thị có hàng ngàn người tham gia, buộc bọn chỉ huy Pháp phải bồi thường và hứa hẹn sẽ quản lý sĩ quan, binh sĩ, không để chúng gây rối và nhũng nhiễu nhân dân.

Hoạt động của Nghiệp đoàn thợ may có tiếng vang lớn, thúc đẩy sự hình thành các nghiệp đoàn trong nhân dân lao động Vũng Tàu. Tháng 10-1955 thành lập Nghiệp đoàn taxi Vũng Tàu, anh Hoàng Văn Hương (tức Lương Thanh Sơn) làm Thư ký. Tiếp đó là hàng loạt các nghiệp đoàn do Thị ủy Cấp chỉ đạo lần lượt ra đời:


  • Nghiệp đoàn xích lô máy và xe lôi;124

  • Nghiệp đoàn xích lô đạp;

  • Nghiệp đoàn xe ngựa Thắng Tam do anh Lê Văn Lia phụ trách;

  • Nghiệp đoàn xe ngựa Thắng Nhì do anh Sáu An và Tám Trang phụ trách;125

  • Nghiệp đoàn ngư nghiệp Thắng Tam do anh Ngô làm Thư ký;

  • Nghiệp đoàn ngư nghiệp Thắng Nhì do ông giáo Nghì (Huỳnh Văn Nghì) và anh Chua phụ trách;

  • Nghiệp đoàn làm rẫy Thắng Tam do ông Huỳnh Ấm (Cai Ấm, đảng viên) phụ trách;

  • Nghiệp đoàn Nhà Đèn do anh Chín Phước làm Thư ký;

  • Nghiệp đoàn Khách sạn do anh Nguyễn Đích Hòa phụ trách;

  • Nghiệp đoàn cắt tóc anh Hai Cang phụ trách, anh Bảy Giỏi ủy viên;

  • Nghiệp đoàn thợ giầy do anh Thụ phụ trách;

  • Nghiệp đoàn buôn gánh bán bưng do chị Tần Hạnh Ngươn phụ trách;

  • Nghiệp đoàn Lò Than Không Không.

Do yêu cầu thống nhất hành động trong các nghiệp đoàn, đầu năm 1956 Thị ủy Cấp chỉ đạo thành lập “Liên hiệp Nghiệp đoàn lao động Vũng Tàu” và chỉ định Ban chấp hành gồm 5 người: anh Hoàng Văn Hương là Thư ký; anh Lưu Văn Chí, Phó Thư ký thường trực; ông Huỳnh Ấm (Cai Ấm) là ủy viên; ông Giáo Nghì (Huỳnh Văn Nghì), ủy viên; ông Nguyễn Đích Hòa, thủ quỹ. Trụ sở Liên hiệp Nghiệp đoàn lao động Vũng Tàu đặt tại 64 Triệu Ẩu (nhà riêng của anh Lưu Văn Chí), có treo bảng hiệu công khai. Sau khi thành lập Liên hiệp Nghiệp đoàn Vũng Tàu, anh Hoàng Văn Hương đến Cần Giờ trực tiếp chỉ đạo thành lập Nghiệp đoàn Cần Giờ tại thị trấn Cần Thạnh, do anh Năm Lé phụ trách. Sau đó thành lập thêm nghiệp đoàn Lò Than Bến Đình126, đưa số cơ sở tham gia Liên hiệp Nghiệp đoàn Vũng Tàu lên 17 nghiệp đoàn. Hầu hết cán bộ nghiệp đoàn đều là cơ sở cốt cán của Đảng.

Thông qua vai trò tổ chức và hướng dẫn của Liên hiệp Nghiệp đoàn lao động Vũng Tàu và các nghiệp đoàn thành viên, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Vũng Tàu đã phát triển sôi nổi. Cuộc đấu tranh chống san ủi mồ mả tại xóm Cây Cốc trên đường Nguyễn Thái Học (nay đường Ba Cu), khu chùa Phật (khu vực Nhà máy nước) diễn ra khá quyết liệt. Ngụy quyền san ủi hàng chục hécta đất, trong đó có cả khu nghĩa địa để xây dựng nhà ở cho binh lính. Chi bộ Thắng Nhì lãnh đạo vận động hàng trăm đồng bào xóm Cây Cốc và Xóm Mới (Thắng Tam) có mồ mả trên vùng đất này tham gia, rầm rộ biểu tình cản xe cơ giới của ngụy quyền, kiên quyết chống hành động ủi mồ mả. Cuộc đấu tranh này do đồng chí Hai Ròm và anh Ba Động (Ba thợ mộc) trực tiếp hướng dẫn quần chúng đấu tranh, đưa kiến nghị tới Toà thị chính. Chi bộ chỉ đạo tổ chức nhiều đợt, mỗi đợt từ vài chục đến vài trăm gia đình đến trực diện với Ủy hội quốc tế đề nghị can thiệp với quân đội và nhà cầm quyền ngưng san ủi mồ mả, bồi thường tổn phí di dời mồ mả cho dân. Thị trưởng Vũng Tàu đã chấp nhận chỉ giải toả khu vực mộ chôn rải rác, còn khu vực trung tâm nghĩa trang để lại, bồi thường tổn phí cho tất cả gia đình có mồ mả dời đi nơi khác.

Nhằm đảm bảo an ninh cho khu vực Bãi Trước, ngụy quyền bắt ngư dân phải đưa ghe về đậu tại Bến Đá, Bến Đình. Nắm bắt tâm lý của ngư dân không muốn di dời, Thị ủy Cấp đã chỉ đạo Nghiệp đoàn Ngư nghiệp Vũng Tàu đấu tranh chống di dời bến, với lý do để tiện lợi cho việc làm ăn sinh sống. Nghiệp đoàn Buôn gánh bán bưng phát động chị em đấu tranh chống đuổi chợ để hỗ trợ. Cuộc đấu tranh kéo dài cho đến năm 1957, quận trưởng Hứa Văn Ngọ phải bỏ lệnh dời ghe của ngư dân. Nghiệp đoàn Ngư nghiệp Thắng Tam và Nghiệp đoàn Ngư nghiệp Thắng Nhì là lực lượng nòng cốt vận động cuộc đấu tranh này dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ xã Thắng Tam.

Năm 1956, công nhân và lao động Thị xã Cấp đấu tranh chống đuổi nhà dân ở khu vực rạp Võ Ngọc Chấn. Chủ đất là Huỳnh Công Tý dựa thế vào chính quyền và quân đội, đuổi số bà con đang sống trong hơn 50 căn hộ trên vùng đất của y đã mua trước rạp hát Võ Ngọc Chấn. Chi bộ Thắng Tam, Châu Thành đã hướng dẫn đồng bào làm đơn, đấu tranh trì hoãn việc di dời, đồng thời kết hợp với các đợt đấu tranh trực diện của công nhân lao động tại Vũng Tàu và các địa phương khác đến, trực tiếp đưa đơn phản ánh với Ủy hội quốc tế yêu cầu can thiệp với nhà cầm quyền Vũng Tàu để nhân dân ở yên trên nhà đất cũ không dời đi. Mặt khác cơ sở ta viết thư đem bỏ vào nhà tên chủ đất, vừa cảnh cáo vừa tranh thủ y. Sau nhiều tháng đấu tranh, chính quyền địch phải nhượng bộ, bỏ ý đồ đuổi nhà của dân.

Các trường Tiểu học các xã Thắng Nhì, Thắng Tam đều có cán bộ do Thị ủy bố trí phụ trách, hướng dẫn học sinh từng trường hoặc liên trường làm đơn gởi Ủy hội quốc tế hoặc đến giao trực tiếp Ủy hội quốc tế đề nghị can thiệp buộc nhà cầm quyền miền Nam phải tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử đúng ngày 20-7-1956. Cán bộ phụ trách còn hướng dẫn học sinh trường Trung học Vũng Tàu viết bài công khai gởi đăng một số tờ báo ở Sài Gòn, hỗ trợ phong trào đấu tranh. Em Điền và em Lương, học sinh trường Trung học Vũng Tàu được giao nhiệm vụ quan hệ trực tiếp với 2 thành viên Ba Lan và Ấn Độ trong Ủy hội nhằm theo dõi tìm hiểu, nắm tình hình của địch, sự hoạt động của Ủy hội và phong trào đấu tranh của quần chúng đến Ủy hội quốc tế.

Trong dịp ngụy quyền tổ chức trò hề bầu cử (tháng 3-1956), lực lượng cốt cán trong phong trào học sinh cùng với các tổ chức nghiệp đoàn tham gia đợt tuyên truyền, rải hàng ngàn truyền đơn vạch trần thủ đoạn dối trá của địch: “Hỡi đồng bào! Hỡi anh em binh sĩ trong hàng ngũ Ngô Đình Diệm. Ngày 4-3-1956 tới đây Mỹ - Diệm tổ chức bầu cử Quốc hội bù nhìn rộng rãi ở miền Nam, mục đích chia cắt trường kỳ đất nước, biến miền Nam thành thuộc địa, thành căn cứ quân sự của Mỹ để gây lại chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam và Đông Dương.Vì sự sống còn của mình và tổ chức, chúng tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, lương cũng như giáo, đồng bào di cư, toàn thể anh em binh sĩ và nhân viên, cán bộ trong chính quyền Ngô Đình Diệm. Hãy đoàn kết chặt chẽ chống âm mưu thâm độc của Mỹ - Diệm để bảo vệ Hiệp định đình chiến, đòi hiệp thương tiến tới tổng tuyển cử tự do toàn quốc vào tháng 7-1956 để thực hiện thống nhất hòa bình cho đất nước Việt Nam. Cương quyết không chịu làm nô lệ cho thực dân Mỹ…Đồng bào binh sĩ hãy mạnh dạn đứng lên đả đảo Quốc hội bù nhìn của Mỹ - Diệm”127.

Tỉnh ủy chỉ đạo một cuộc đấu tranh trên phạm vi toàn tỉnh vào thời điểm kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5-1956 với các nội dung đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống bắt bớ, khủng bố, trả thù những người kháng chiến cũ. Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thị ủy Cấp tổ chức một cuộc mít tinh quy mô tại Nhà Thông tin (quảng trường trước cửa chợ cũ, phía trước Ngân hàng Công thương hiện nay) với nội dung kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, biểu dương khí thế cách mạng, đồng thời hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của các huyện, hỗ trợ các đại biểu gửi đơn đến trụ sở Ủy hội Quốc tế. Lực lượng tham gia chủ yếu do các nghiệp đoàn dựa vào thế công khai hợp pháp huy động, gồm hơn 2.000 đoàn viên thuộc 17 nghiệp đoàn lao động do các đảng viên và cốt cán của Đảng tổ chức. Các đảng viên trong chi bộ Thắng Tam, Thắng Nhì và Châu Thành trực tiếp chỉ đạo huy động lực lượng thông qua cốt cán trong các nghiệp đoàn128. Để chuẩn bị cho buổi lễ, từ chiều 30-4-1956, một số cốt cán trong công nhân Vũng Tàu đã tập trung ở khu vườn nhà đồng chí Hoàng Văn Hương vẽ khẩu hiệu, biểu ngữ, đến tối đem ra treo xung quanh sân lễ.

Các nghiệp đoàn tổ chức cho đồng bào đến dự mít tinh theo đội ngũ rất trật tự, có nhiều biểu ngữ kêu gọi tình đoàn kết trong các giới lao động, thợ thuyền ở Vũng Tàu cùng các khẩu hiệu đòi các quyền dân sinh dân chủ. Đồng chí Hoàng Văn Hương, đại diện Liên hiệp Nghiệp đoàn lao động Vũng Tàu đã đọc bài diễn thuyết nói về truyền thống yêu nước của giai cấp công nhân Việt Nam, kêu gọi những người lao động đoàn kết đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống ngoại bang xâm lược, đồng thời gửi bản yêu sách đến các nhà cầm quyền, trong đó nêu lên những quyền lợi thiết thực gắn với đời sống của người dân như đòi được tự do hội họp, tự do lập nghiệp đoàn, giảm thuế, chống đuổi chợ… Bài diễn văn kết thúc bằng những yêu sách cụ thể gửi nhà cầm quyền như sau:



  • Tự do hội họp, tự do lập nghiệp đoàn.

  • Mọi người đều được quyền tự do đi lại, làm ăn.

  • Người lao động tư do khai thác đất hoang và được miễn thuế.

  • Giảm thuế buôn bán tại các chợ.

  • Gắn vòi nước công cộng ở các khu tập trung người lao động.

Sau đó, đại biểu của các nghiệp đoàn đã lên phát biểu những nguyện vọng cụ thể của từng ngành, từng giới. Sân vận động vang lên những tiếng hô khẩu hiệu và những tràng vỗ tay nhiệt liệt ủng hộ. Trước khí thế sôi động của quần chúng, Quận trưởng Vũng Tàu là Hứa Văn Ngọ buộc phải hứa hẹn giải quyết những yêu sách mà công nhân và lao động Vũng Tàu đưa ra.

Cùng thời điểm này, hàng trăm công nhân cao su ở các đồng điền Xà Bang, Xuân Sơn, Bình Ba, Sông Cầu đã nghỉ việc trong ngày Quốc tế lao động (1-5-1956), xuống đường biểu tình, rồi tiến thẳng vào thị xã Bà Rịa đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, hiệp thương tổng tuyển cử, chống khủng bố người kháng chiến cũ. Cảnh sát đàn áp đoàn biểu tình, bắt đại diện công nhân, dùng bạo lực cưỡng bức kẻ khẩu hiệu phản động, lên áo, lên nón các má, các chị. Các má, các chị cởi phăng áo ngoài, xé toạc nón của mình vứt thẳng vào mặt bọn chúng. Bất chấp dùi cui, vòi rồng xịt nước, các má công nhân ở Bình Ba (má Trực, má Hữu, má Háu, má Mùi…) vẫn dũng cảm lao lên phía trước đoàn người, đấu lý với địch, kiên quyết đòi trả những người bị bắt. Lực lượng công nhân mỗi lúc một đông. Bà con công nhân nông dân vùng Tam Long cũng kéo đến phối hợp đấu tranh. Một bộ phận công nhân tách đoàn kéo thẳng ra Vũng Tàu đưa đơn đến Ủy hội Quốc tế phản đối chính quyền Mỹ-Diệm vi phạm Hiệp định, đòi thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Để xoa dịu quần chúng, tỉnh trưởng buộc phải ra lệnh thả người bị bắt, hứa hẹn giải quyết yêu sách.

Trong các cuộc đấu tranh, Ban Chấp hành Công đoàn đều vận động số cai ký tham gia, vận động các gia đình binh sỹ làm nòng cốt. Ban cán sự Cao su quan tâm chỉ đạo vận động cả số công nhân là đồng bào di cư tham gia đấu tranh, có phương án đối phó với các thủ đoạn khủng bố của địch. Thông thường, mỗi cuộc đấu tranh Ban chỉ đạo đều đưa nhiều mức, nhiều yêu cầu, đặt ra nhiều bước, nhiều mức. Tối thiểu là buộc chúng phải chấp nhận đơn thư, hứa xem xét giải quyết. Có những cuộc đấu tranh, ta tạo cớ, lợi dụng trường hợp tên Phó Sở cao su Bình Ba theo đuổi, tán tỉnh chị Cầm, một cốt cán công nhân, ta bố trí lực lượng đấu tranh, chống chủ sở hà hiếp công nhân, đòi ngày làm 8 giờ. Qua đấu tranh, lực lượng được củng cố và phát triển. Chi đoàn Thanh Lao Bình Ba phát triển được hơn 20 đoàn viên.

Chính sách khủng bố, đàn áp quần chúng, phá hoại Hiệp định Giơnevơ của Mỹ- ngụy ngày càng tàn khốc. Sau chiến dịch Thoại Ngọc Hầu ở miền Tây, tháng 7-1956 Mỹ - Diệm mở chiến dịch Trương Tấn Bửu ở miền Đông mà trọng tâm là đàn áp phong trào công nhân cao su Biên Hòa, Bà Rịa. Ở Xuân Sơn, Xà Bang, Bình Ba, Sông Cầu, Ngãi Giao… Mỹ - ngụy tổ chức nhiều cuộc càn quét, bắt giam những cán bộ nghiệp đoàn, những cốt cán công nhân từng hăng hái trong các cuộc đấu tranh, những người kháng chiến cũ và những quần chúng nòng cốt của cách mạng. Phong trào công nhân cao su bị tổn thất lớn, hàng trăm cán bộ, đảng viên chủ chốt của phong trào bị bắt giữ và giết hại. Đồng chí Hai Xuân, ủy viên Ban cán sự Cao su bị địch bắt và thủ tiêu. Trước sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, Ban cán sự cao su Bà Rịa chỉ đạo củng cố các chi bộ, chi đoàn thanh niên lao động ở các đồn điền cao su. Ở Bình Ba, sau “Chiến dịch Trương Tấn Bửu”, lực lượng cách mạng tuy tổn thất lớn nhưng quần chúng công nhân không hề nao núng, vẫn chí cốt với cách mạng, số đồng chí còn lại vẫn đeo bám hoạt động. Công nhân trong sở đoàn kết một lòng, các đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn nhận thêm phần cây, lao động thêm giờ, giúp đỡ gia đình công nhân có người bị giặc bắt. Nhiều cơ sở quần chúng ở đồn điền cao su như chị Huỳnh Thị Hoa, chị Tư Dương, chị Kiều Thị Vạn… vẫn bí mật nuôi dấu, bảo vệ cán bộ, đảng viên bất chấp làn sóng khủng bố đẫm máu của kẻ thù.

Ở Vũng Tàu, nơi có đại diện của Ủy hội Quốc tế, đồng thời là nơi phong trào cách mạng dưới hình thức nghiệp đoàn vẫn diễn ra sôi nổi. Ở đây Mỹ - ngụy dùng thủ đoạn chủ yếu là mua chuộc quần chúng, kết hợp đẩy mạnh hoạt động mạng lưới mật thám, săn lùng, chụp bắt cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực. Địch tổ chức hàng loạt cuộc vây ráp, săn lùng cán bộ, đảng viên, nhưng Thị ủy vẫn được quần chúng lao động bảo vệ. Hầu hết các cơ sở cách mạng ở đây đều phát triển trong khối quần chúng công nhân và lao động thị xã như: anh Hải, anh Kiêm (thợ đóng giày ở tiệm Đông Hải), chị Hai (thợ may) ở Xóm Mới, cơ sở ông bà Năm buôn bán ở Xóm Đình v.v… Dựa trên cơ sở các đoàn thể hợp pháp, Thị ủy tăng cường công tác phát triển Đảng, công tác xây dựng những tổ chức nòng cốt bí mật.

Trong phong trào đấu tranh chống bầu cử Quốc hội ngụy quyền, Thị ủy đã giao cho các Ban tuyên truyền của Công nhân và lao động thị xã, lấy danh nghĩa quân đội Bình Xuyên, rải truyền đơn kêu gọi tất cả các tầng lớp tham gia đấu tranh. Nội dung tuyên truyền đơn như sau (trích nội dung Truyền đơn do cảnh sát ngụy quyền Vũng Tàu thu được, gửi về báo cáo cấp trên): “Hỡi đồng bào. Hỡi anh em binh sĩ trong hàng ngũ Ngô Đình Diệm. Ngày 4-3-1956 tới đây Mỹ -Diệm sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội bù nhìn rộng rãi ở miền Nam, mục đích chia cắt trường kỳ đất nước, biến miền Nam thành thuộc địa, thành căn cứ quân sự của Mỹ để gây hại chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam và Đông Dương. Vì sự sống của mình và Tổ quốc, chúng tôi trong “Mặt trận thống nhất toàn lực” Quân đội Quốc gia Bình Xuyên xin kêu gọi toàn thể đồng bào Lương cũng như Giáo, đồng bào di cư, toàn thể anh em binh sĩ và nhân viên cán bộ trong chính quyền Ngô Đình Diệm hãy đoàn kết chặt chẽ chống âm mưu thâm độc và nguy hại của Mỹ- Diệm để bảo vệ hiệp định đình chiến, đòi hiệp thương, tiến tới tổng tuyển cử tự do toàn quốc vào tháng 7 năm 1956 để thực hiện thống nhất, hòa bình cho Đất nước Việt Nam… ”129.

Cùng với phong trào bãi công, bãi thị, biểu tình….của các nghiệp đoàn, hiệp hội quần chúng là phong trào gửi kiến nghị lên Ủy hội Quốc tế, viết bài đăng báo đối lập ở Sài Gòn tố cáo các tội ác khủng bố của ngụy quyền. Nghiệp đoàn Ghe lưới đoàn kết đấu tranh chống đuổi ghe Bãi Trước. Nghiệp đoàn làm Rẫy đấu tranh chống san ủi nhà cửa của đồng bào ở Xóm Mới. Nghiệp đoàn Buôn bán đấu tranh chống thuế, chống đuổi chợ…

Ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh 147/NV thay đổi địa giới và tên gọi các tỉnh; hợp nhất Bà Rịa và Vũng Tàu thành tỉnh Phước Tuy; lập thêm quận Long Lễ, quận lỵ và chi khu đóng tại Hòa Long. Đại tá Nguyễn Văn Quan làm Tỉnh trưởng. Vũng Tàu trở thành một quận của tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa).

Ở thị xã Vũng Tàu, sau khi Bí thư Thị ủy Lê Văn Diệu mất liên lạc với tổ chức, Thường trực Tỉnh ủy cử đồng chí Hồ Sĩ Hành, Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy về làm Bí thư Thị ủy, tăng cường công tác xây dựng cơ sở, chuẩn bị chỗ ở và làm việc cho cơ quan Tỉnh ủy ở Vũng Tàu. Tháng 10-1956, Tỉnh ủy phân công đồng chí Nguyễn Xuân Sơn (Tám Trân) làm Bí thư Thị ủy; đồng chí Lê Văn Thâm (Chín Sanh) làm Phó Bí thư. Từ năm 1957, cơ quan Tỉnh ủy từ Long Điền được dời về hẳn thị xã Vũng Tàu. Tỉnh ủy rút đồng chí Nguyễn Xuân Sơn về làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy. Đồng chí Lê Văn Thâm phụ trách Bí thư Thị ủy Vũng Tàu. Thị ủy bố trí cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, kể cả đồng chí Bí thư, Phó bí thư ăn ở trong nhà dân và được đồng bào bảo vệ rất chu đáo130.

Văn phòng Tỉnh ủy lúc đầu đặt tại chùa Phổ Minh131, ni cô trụ trì hết lòng bảo vệ và tạo điều kiện cho văn phòng làm việc. Sau một thời gian, văn phòng dời về nhà ông Pière Chapui’s. Pière Chapui’s là người Pháp lai Việt (cha Pháp, mẹ Việt Nam), Trưởng đài Hải Đăng của Pháp ở Núi Nhỏ Vũng Tàu đã nghỉ hưu, sống trong một ngôi nhà dưới chân Núi Nhỏ132 cùng con gái. Khi cán bộ Thị ủy Vũng Tàu tiếp xúc đặt vấn đề mượn nhà ông làm văn phòng Tỉnh ủy, ông đã vui vẻ nhận lời. Ông nói: "Trong đời tôi, ở Việt Nam có hai người tôi quý trọng nhất đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nếu các ông tin tôi thì tôi sẵn sàng giúp đỡ. Các ông ở đây nếu có gì bất trắc xảy ra, dù có chết tôi cũng không ân hận. Trái lại tôi rất vinh dự được chết vì cách mạng Việt Nam, vì quê mẹ của tôi133. Ông nhận những cán bộ cách mạng ở nhà ông là người làm công, giúp việc, hàng tháng trả lương

Các Nghiệp đoàn thợ May, Nghiệp đoàn Xích lô máy, Nghiệp đoàn Chài lưới, Nghiệp đoàn Bồi bếp - gác dang, Nghiệp đoàn Buôn gánh bán bưng... tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân. Xóm Vườn, Xóm Lưới, Xóm Rẫy (Thắng Tam), Xóm Mới, Bến Đình (Thắng Nhì), khu vực các biệt thự Bãi Trước (Châu Thành) đã hình thành các lõm chính trị, bảo vệ cán bộ. Các biệt thự của người Pháp thường chỉ sử dụng vào ngày nghỉ cuối tuần, là nơi gặp gỡ hội họp khá an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy và Thị ủy dưới sự bảo vệ của các cơ sở làm gác dang tại đây. Nhiều tư sản, tiểu thương, tiểu chủ ở Vũng Tàu tích cực ủng hộ tài chính cho cách mạng. Xóm Mới, Xóm Vườn (Thắng Tam) có nhiều cơ sở nuôi giấu và bảo vệ cán bộ của Tỉnh ủy và Thị ủy. Ở Thắng Tam, Thắng Nhì có nhiều nghiệp đoàn hoạt động mạnh do Ông Huỳnh Ấm (Cai Ấm), một đảng viên cộng sản trực tiếp phụ trách.

Được quần chúng công nhân và lao động giúp đỡ, bảo vệ, Thị ủy Cấp xây dựng nhiều đầu mối tiếp nhận và chuyển văn thư, đưa đón cán bộ. Điểm giao nhận của giao liên Nguyễn Thị Bông là nhà bà Âu Thị Ngừa. Chị Mười Ẩn và chị Võ Thị Cấn là đầu mối giao liên công khai của Tỉnh ủy đi về Liên Tỉnh ủy, Xứ ủy và xuống các huyện trong tỉnh. Chị Mười Ẩn đã mở thêm tiệm may tại nhà (đường Nguyễn Trường Tộ) cùng chị Võ Thị Cấn làm nghề may sinh sống và làm đầu mối liên lạc. Tỉnh ủy và Thị ủy Cấp đã gầy dựng được mạng lưới cơ sở in ấn tài liệu, giao thông liên lạc địa điểm ăn ở, hội họp bí mật của Tỉnh ủy và Thị ủy Cấp, tại một hệ thống cơ sở do ta xây dựng trong số các gácdang người Việt trong coi các biệt thự nghỉ mát của tư bản người Pháp, gồm 6 biệt thự:



  • Biệt thự số 18 đường Lê Lợi (thường gọi là nhà cao cẳng) do vợ chồng anh Ba Chà và chị Hai Nhứt coi giữ.

  • Biệt thự Lầu Cao Cẳng phía gần nhà ông Thượng, do chị Năm và bà Ba Sài Gòn trông coi134.

  • Biệt thự Alít số 38, vợ chồng anh Nguyễn Văn Như Thôn coi giữ.

  • Biệt thự Biraman do ông Năm Lợi và ông Ba Xuân coi giữ.

  • Biệt thự 62 dựa chân núi do vợ chồng một cơ sở cách mạng coi giữ.

Ngoài các cơ sở trực tiếp làm nơi ăn ở và làm việc thường xuyên cho cán bộ Tỉnh ủy còn có nhiều cơ sở khác được sử dụng để bảo vệ cán bộ trong sinh hoạt và công tác như:

  • Nhà ông Ba Mại tại Xóm Vườn.

  • Nhà ông Bảy lò rèn ở chùa Tịnh Độ.

  • Nhà chị Âu Thị Ngừa (Hai Ngừa), số 21 đường Lý Tự Trọng và tiệm tạp hóa Lan Hương tại chợ cũ Vũng Tàu do con gái chị Âu Thị Ngừa bán hàng (là trạm giao liên đầu mối).

  • Nhà chị Chín Bửu ở phía sau rạp hát Ngọc Quế là cơ sở của bộ phận Tuyên huấn, tráng rọi hình và in tài liệu.

  • Nhà vợ chồng anh Năm Đức (công nhân nhà đèn) ở xóm Cây Cốc.

  • Nhà anh Sáu Kiêm ở ấp Xóm Mới. Hai vợ chồng anh Sáu Kiêm nắm tình hình hoạt động của công nhân nhà đèn Vũng Tàu.

  • Nhà bà Tư Kiếm (vợ đồng chí Tạ Nhứt Tứ) là nơi thường vụ Tỉnh ủy họp bất thường.

Một số cơ sơ thường xuyên nuôi giấu cán bộ và địa điểm liên lạc trong thời kỳ này là Trại hòm (gần Trường tiểu học Bàu Sen, đường Thống Nhất hiện nay), nhà ông Hai Râu; nhà bà Hồ Thị Khuyên (má Tám Nhung ở Thắng Nhì), nhà ông Tần Kim (đường Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam), nhà bà Tư Nhiễu, nhà ông Chín Bá (Thắng Nhất), chùa Phổ Minh, nhà chị Hồ Thị Mừng, chị Hồ Thị Nói (Tư Nói) tại Bến Đình; nhà anh Ba Động (thợ mộc) ở đường Nguyễn Thái Học (nay đường Ba Cu),…

Nghiệp đoàn Buôn bán bố trí chị Nguyễn Thị Ở, chị Chí Bửu làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục hướng dẫn chị em đấu tranh. Thị ủy bố trí anh Hai Chà phụ trách công nhân Nhà máy nước Vũng Tàu, bố trí anh Ba Kiêm làm việc tại nhà máy đèn, phụ trách khu vực Ngã ba Cây Duối; bố trí anh Năm Đức thường xuyên nắm tình hình, giáo dục hướng dẫn công nhân Nhà máy đèn Vũng Tàu đấu tranh đòi tăng lương, bớt giờ làm ca đêm, đòi phụ cấp trực ca đêm,... Các Nghiệp đoàn Xe lam, Xe hơi, Xích lô, Xe ngựa,... có anh Hai Chi, ông Huỳnh Ấm lãnh đạo biết dựa vào báo chí công khai, trong đó có tờ báo đối lập với Diệm của Phan Quang Đán để tung tin, gây dư luận bàn tán trong dân, giáo dục và hướng dẫn anh em đấu tranh với khẩu hiệu yêu cầu giữ bến đậu xe yên ổn, chống dời bến đuổi xe, chống phạt vô cớ,... đều có đem lại kết quả. Phong trào đấu tranh của công nhân lao động Thị xã Cấp diễn ra thường xuyên, liên tục trong thời kỳ này. Cuối năm 1957 có cuộc đấu tranh của chị em buôn bán tại chợ Vũng Tàu chống thu tiền chỗ cao, chống đuổi chỗ, dồn chỗ bán buôn, đòi cho buôn bán tự do,... Cuộc đấu tranh này có hàng trăm chị em buôn gánh bán bưng, bán hàng rong tham gia.

Từ năm 1958 Mỹ - Diệm khủng bố phong trào cách mạng miền Nam quyết liệt hơn. Để củng cố uy tín cách mạng, Liên hiệp Nghiệp đoàn lao động Vũng Tàu quyết định tổ chức mít tinh, biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1958. Tận dụng khả năng giữ thế hợp pháp bảo vệ lực lượng, Ban lãnh đạo nghiệp đoàn đã cử 2 đại biểu (đồng chí Hoàng Văn Hương và đồng chí Lưu Văn Chí) đến gặp quận trưởng Vũng Tàu đề nghị lấy giấy phép tổ chức mít tinh. Viên quận trưởng trả lời phải có lệnh cấp trên ở Sài Gòn mới được ký giấy cho phép mít tinh, hội họp. Đại biểu nghiệp đoàn dùng lý lẽ thuyết phục quận trưởng, đồng thời lên án những khẩu hiệu tự do, dân chủ giả hiệu của chế độ Ngụy quyền. Kiên trì đấu tranh và thuyết phục, đến 23 giờ ngày 30-4-1958 quận trưởng Vũng Tàu mới nhận được sự chỉ đạo từ Sài Gòn, đồng ý để Liên hiệp Nghiệp đoàn tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động với điều kiện: Địa điểm tổ chức tại rạp hát Cẩm Vân (nay là rạp Điện Biên); Không được tập trung biểu tình đường phố.

Mặc dù cảnh sát, mật thám bố trí dày đặc trong và ngoài rạp Cẩm Vân nhưng 800 đại biểu các nghiệp đoàn cơ sở vẫn đến dự mít tinh đông kín rạp. Ông Huỳnh Ấm, Chủ tịch ban chấp hành Liên hiệp Nghiệp đoàn lao động Vũng Tàu làm chủ toạ cuộc mít tinh. Anh Hoàng Văn Hương, Thư ký nghiệp đoàn đọc diễn văn nêu bật truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân thế giới và công nhân Việt Nam. Phần cuối bài diễn văn là lời kêu gọi anh chị em công nhân và người lao động đoàn kết đấu tranh bảo vệ quyền lợi chân chính của mình, vì sự nghiệp hòa bình tiến bộ trên thế giới. Bọn mật vụ, bao vây, gây áp lực, nhưng không tìm được lý do đàn áp phong trào quần chúng. Sau đợt hoạt động này, anh Hoàng Văn Hương được phân công phát triển cơ sở trong hệ thống Tổng liên đoàn lao động của Lê Đình Cư. Ông Huỳnh Ấm (Chín Ấm) được cử làm Chủ tịch Liên hiệp Nghiệp đoàn lao động Vũng Tàu.

Tháng 10-1959, Nguyễn Triệu Khải, cán bộ binh vận tỉnh, phụ trách địa bàn Vũng Tàu bị bắt và phản bội, khai báo cho địch bắt đồng chí Nguyễn An Tri, Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng 26 cán bộ, phần lớn là cán bộ giao liên, binh vận, văn phòng của Tỉnh ủy và và Thị ủy Vũng Tàu. Sau một thời gian khắc phục hậu quả tổn thất trong các đợt vây ráp, khủng bố của địch, văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan trực thuộc đã rút về căn cứ bí mật vùng Núi Nghệ (Hòa Long), sau đó mở rộng căn cứ về Châu Pha - Hắc Dịch. Thị ủy Cấp rút ra rừng Chí Linh tiếp tục bám địa bàn, xây dựng căn cứ. Sau những đợt vây ráp, bắt bớ của địch cuối năm 1959, nhiều cán bộ đảng viên không còn điều kiện hoạt động hợp pháp đã buộc phải chuyển phương châm bất hợp pháp, hình thành các lõm căn cứ bí mật tại Châu Pha (Hắc Dịch), Cửa Lấp (Vũng Tàu), rừng Minh Đạm (Long Đất), Núi Nghệ (Hòa Long), Long Phước, Long Tân, Thị Vãi, rừng cao su lộ 2, chuyển phương châm hoạt động, chuẩn bị cho bước phát triển mới của cách mạng.

Thời điểm này, ở khu vực Tây lộ 2 đã hình thành căn cứ bí mật của đơn vị vũ trang tuyên truyền được hình thành từ các toán tàn quân Bình Xuyên đi theo cách mạng và lực lượng tù chính trị vượt ngục Biên Hòa (12-1956) được tập hợp lại. Sau đó, Liên Tỉnh ủy miền Đông điều đơn vị vũ trang do Nguyễn Quốc Thanh từ Rừng Sác (Nhơn Trạch) về; Ban quân sự Miền đã cử đồng chí Lê Minh Thịnh (Sáu Thịnh) về, thống nhất các Đội Vũ trang Tuyên truyền, tổ chức Đơn vị C.40 (6-1958), với danh nghĩa Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ, căn cứ đóng ở Bưng Lùng (Hắc Dịch). Công nhân và lao động Bà Rịa - Vũng Tàu đã tự vũ trang, chuẩn bị bước vào giai đoạn đấu tranh mới.

Ở Bình Ba, địch đã tăng cường khủng bố, nhưng Chi đoàn thanh niên vẫn tổ chức nhiều hoạt động. Ngày 20-7-1957, kỷ niệm 3 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ, thanh niên công nhân rải truyền đơn khắp sở Bình Ba. Bỏ thư cảnh cáo tên cai Kiếng (công an chìm). Anh Năm Dũng, một đoàn viên hoạt động tích cực, bị địch bắt, kết án tù 15 năm, trong đó 14 năm bị đày ra Côn Đảo. Tháng 10-1958, đồng chí Hồ Hiệp Hòa, Bí thư Chi bộ Sông Cầu bị bắt, anh đạp 2 tên công an áp giải, chạy thoát ra rừng, hoạt động bất hợp pháp.

Từ năm 1958, chính quyền Sài Gòn cho phép một số tư bản người Việt bỏ vốn đầu tư vào các đồn điền cao su. Các sở tư Quang Minh, Việt Cường, Châu Lạc, Tân Việt Nam… hình thành ở Ngãi Giao, đội ngũ công nhân cao su khu vực Xà Bang ngày càng đông đảo. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ Ngãi Giao, một số cốt cán như bà Sáu Thích, bà Ba Kè,… đã thâm nhập vào công nhân cao su các sở tư, cùng các cốt cán ở đồn điền Xà Bang như Phạm Thị Bụt, Nguyễn Thị Tâm xây dựng cơ sở.

Trong tình hình địch khủng bố ngày càng khốc liệt, các đồng chí Phạm Văn Hy (Tư Hy), Bùi Đình Kiểm (Sáu Bùi) cùng nhiều cán bộ trong Ban cán sự Cao su, một số đảng viên các chi bộ Cẩm Mỹ, Bình Ba, Xuân Sơn, Ngãi Giao, Sông Cầu bị địch truy bắt cũng phải trốn ra rừng hoạt động bất hợp pháp. Khu vực Bàu Sen thuộc đồn điền Xà Bang là một trong những căn cứ bí mật sớm được hình thành của cán bộ đảng viên hoạt động bất hợp pháp trong công nhân cao su lúc đó.

Tháng 5-1959, chính quyền Mỹ - Diệm ban hành Luật 10/59, đặt “cộng sản” ra ngoài vòng pháp luật, lập tòa án quân sự tàn sát người cách mạng, không cần xét xử. Đối với công nhân, bọn tay sai trong tổ chức “Tổng Liên đoàn lao công Trần Quốc Bửu” hô hào chống cộng, ra lệnh giải tán các nghiệp đoàn ở các sở cao su. Chúng bắt bớ thủ tiêu hàng loạt cán bộ đảng viên. Tại Bình Ba chúng bắt đồng chí Năm Mai, đồng chí Nguyễn Văn Linh và nhiều đồng chí khác; chúng bắt và thủ tiêu ông Đào Ngọc Tám ở Cẩm Mỹ135. Uất ức trước tội ác man rợ của giặc, thanh niên công nhân đã nhiều lần đề nghị với tổ chức cho diệt ác ôn, cho phép sử dụng vũ khí đánh địch.

Tháng 6-1959, Tỉnh ủy cử một Đội công tác gồm 3 đồng chí do đồng chí Tám Phụ làm Đội trưởng phát triển cơ sở dọc lộ 2. Đội công tác bám địa bàn Cẩm Mỹ, dựa vào công nhân cao su và đồng bào dân tộc Châu Ro để móc nối, xây dựng cơ sở cách mạng ở trong đồn điền cao su Cẩm Mỹ, tổ chức được một tổ Đảng gồm 3 đồng chí và một đội tự vệ mật 8 đồng chí do nữ đồng chí Sáu Thoại phụ trách; tiếp tục phát triển cơ sở ở các nơi như Hoàng Quân, Suối Cả, Hàng Gòn, rút thêm được một số thanh niên bổ sung lực lượng của đội, từng bước khơi dậy phong trào cách mạng ở địa phương, phát triển cơ sở rộng ra các sở Bảo Bình, Ông Quế. Những tình thế mới của phong trào cách mạng đã xuất hiện, với yêu cầu khởi nghĩa và chuyển lên đấu tranh vũ trang ngày càng cấp thiết. Vùng công nhân cao su là chỗ dựa quan trọng của phong trào cách mạng trong những bước ngoặc lịch sử.



tải về 1.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương