LỊch sử phong trào công nhâN, viên chứC, lao đỘng và HỌat đỘng công đÒan bà RỊa vũng tàu giai đỌan 1930-2006


Chương III: KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945-1954)



tải về 1.88 Mb.
trang4/17
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.88 Mb.
#2068
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

Chương III: KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945-1954)

1. Xây dựng chính quyền cách mạng, phát động cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1946)

Sau khi giành chính quyền, Ủy ban hành chính tỉnh Bà Rịa được thành lập. đồng chí Dương Văn Xá là Ủy trưởng quân sự; đồng chí Nguyễn Văn Phải là ủy viên Kinh tế tài chính; đồng chí Phan Kim Chung là Giám đốc Quốc gia Tự vệ Cuộc (tiền thân của Công an nhân dân tỉnh). Ông Lê Văn Huề, một thông phán trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp đã nghỉ hưu trước đó được mời ra làm Chủ tịch. Trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh đóng tại tỉnh lỵ Bà Rịa. Nhiều công chức cũ được trưng dụng phục vụ chính quyền mới. Tỉnh Bà Rịa gồm có tỉnh lỵ Bà Rịa và các quận Long Điền, Đất Đỏ, và Cơ Trạch. Quận Cơ Trạch khi đó có các xã Bình Ba làng, Bình Ba xăng (centre, bao gồm cả đồn điền Bình Ba và phân sở Xuân Sơn, Sông Cầu, La Sơn), Xà Bang, (gồm cả Xà Bang Bắc và Xà Bang Nam), Quảng Giao (nay là Xuân Sơn), Bàu Lâm, Xuyên Mộc (sau lập thêm xã Cơ Trạch).

Tại Vũng Tàu Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh (tỉnh Cấp) gồm đồng chí Nguyễn Xuân Nhật (Chủ tịch Mặt trận Việt Minh) là Ủy trưởng quân sự, Hồ Sỹ Nam (Phó Chủ tịch Mặt trận Việt Minh) là ủy viên tuyên truyền, Nguyễn Ngọc Bảo và Lê Đình Y phụ trách trưởng, phó đơn vị Quốc gia tự vệ Cuộc70. Những công chức cũ như Lâm Văn Huê được mời ra làm Chủ tịch Ủy ban hành chính; các ông Lê Thành Đồng là Phó Chủ tịch, Võ Ngọc Chấn là ủy viên Tài chính.

Để điều hành các Ty, các Sở chuyên môn, số đông những công nhân viên thạo việc trong chính quyền cũ cũng được sử dụng dưới sự quản lý của cán bộ Mặt trận Việt Minh. Nói chung hầu hết các cơ quan chuyên môn đều lưu dung các viên chức, nhân viên kỹ thuật cũ, không một người công nhân nào của các Xí nghiệp công nghiệp đô thị cũ lại không có công ăn việc làm, tất cả đều có chỗ đứng dưới chính quyền cách mạng. Cung cách quản lý, nề nếp làm việc trong các công sở, xí nghiệp vốn đã có thói quen, có chế độ chặt chẽ. Cách mạng không thể, không cần thiết thay đổi ngay trong một vài ngày, một vài tuần những người đã làm việc trong chế độ cũ. Chủ trương như thế thích hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ để cho công việc hành chính, sản xuất không ngưng trệ, bảo đảm sinh hoạt bình thường cho nhân dân. Chủ trương này cũng đã làm cho những người đã làm việc cho chế độ cũ hiểu cách mạng, người cách mạng, để có lòng tin và đi theo cách mạng.

Vũng Tàu tập trung khá đông binh lính người Việt thuộc các đơn vị do Pháp chỉ huy: lính pháo thủ thì thuộc Sở Pháo binh, bộ binh thì thuộc quyền chỉ huy của Ban chỉ huy Binh đoàn thuộc địa số 11 (11è R. I. C), lính Việt nam trong các Sở Hậu cần thì thuộc Sở quân nhu Pháp (Intendance) đóng tại nơi Ban chỉ huy quân sự thành phố Vũng Tàu hiện nay71. Cho tới tháng 10-1945, số lính Nhật chờ hồi hương (sau khi đã giao nộp vũ khí cho quân Anh) vẫn còn đóng lại ở các doanh trại cũ, cơ quan nhà binh Nhật đóng ở Nhà Đoan và vài biệt thự của sĩ quan quanh đó72 vẫn có một cột cờ treo cờ Nhật. Các kho súng, các pháo đài, trạm quan sát trên Hải Đăng vẫn có lính Nhật gác. Thái độ bọn Nhật ở Vũng Tàu là muốn yên thân để chờ hồi hương, theo mệnh lệnh của bọn chỉ huy Anh ở Sài Gòn. Về lương thực, chúng tích trữ đã lâu với số lượng lớn.

Để xây dựng lực lượng vũ trang và an ninh cách mạng, việc giải thể tổ chức Thanh niên Tiền phong do Nhật tổ chức trước đây là cần thiết. Trong không khí phấn khởi của cách mạng, với sự hấp dẫn của cuộc sống mới, đại đa số thanh niên tiền phong vốn là những thanh niên yêu nước, đã hăng hái tham gia mọi hoạt động cách mạng, số đông làm nòng cốt cho lực lượng an ninh và vũ trang của Vũng Tàu suốt trong cuộc kháng chiến. Họ sung vào các đội Cảm tử quân Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, hăng hái luyện tập quân sự, tham gia canh phòng các nơi hiểm yếu, đề phòng quân xâm lược Pháp đánh tới.

Trong lúc các tầng lớp nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu đang cùng cả nước xây dựng cuộc sống mới, thì ngày 23 tháng 9 năm 1945, với sự hỗ trợ của quân Anh và bọn lính Nhật chờ giải giáp, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Cùng với nhân dân các tỉnh Nam Bộ, các tầng lớp nhân dân Bà Rịa sôi sục không khí chuẩn bị kháng chiến.

Lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh Bà Rịa hình thành mang tên Chi đội Cộng hòa vệ binh với quân số 150 người, phiên chế thành ba phân đội. Lực lượng tham gia gồm phần lớn là các đội viên thanh niên tự vệ, Thanh niên Tiền phong, thanh niên xung kích hăng hái và một bộ phận lính khố xanh, lính khố đỏ đã giác ngộ cách mạng. Vũ khí của đơn vị có trên 100 súng bộ binh của Pháp, Nhật, Anh do lực lượng Thanh niên Tiền phong đã sưu tầm trước đó73. Ủy trưởng quân sự Dương Văn Xá trực tiếp Chỉ huy Chi đội. Một số cai đội trong bính lính đã giác ngộ tham gia Ban chỉ huy và phụ trách các phân đội như: xếp Thới74, đội Kỵ, đội Thanh, đội Nhượng, đội Dĩ, đội Kiệm... Lực lượng Thanh niên Tiền phong và các đội tự vệ chiến đấu được hình thành khắp các thôn ấp, làm nhiệm vụ giữ an ninh trật tự thôn xóm, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng đánh thực dân Pháp trở lại tái chiếm.

Các đội tự vệ xung kích ở các làng ra sức sưu tầm vũ khí, trang bị thêm giáo mác và luyện tập quân sự. Các đội vũ trang ở Vũng Tàu tích cực tham gia huấn luyện, bố trí phòng thủ ven biển, ngày đêm. Tinh thần chống ngoại xâm của thanh niên, tự vệ và các đội cảm tử Vũng Tàu rất cao. Trước đây chuyện công nhân đánh xe thổ mộ trừng trị bọn lính Tây quỵt tiền xe, hống hách đánh người ở Vũng Tàu đã trở thành phổ biến. Đến nay, hầu hết thanh niên là con em thợ thuyền, người lao động dịch vụ, dân chài đã tham gia lực lượng thanh niên tự vệ. Đã có nhiều lần, chỉ mới được nghe tin báo có quân Pháp tới cầu Rạch Bà là thanh niên Vũng Tàu vác gậy tầm vông, giáo mác tự động chạy tới, không đợi lệnh tập hợp thành đội ngũ, cũng chẳng báo cho người trong gia đình. Khi được tin có tàu lạ cặp vào Bãi Sau, lực lượng thanh niên cũng tự vũ trang bằng gậy gộc, mã tấu chạy ra sẵn sàng tác chiến. Chính quyền non trẻ của cách mạng đã được các tầng lớp nhân dân lao động giàu lòng hy sinh bảo vệ.

Thanh niên Tiền phong Vũng Tàu tìm mọi cách tự trang bị: lẻn vào kho vũ khí của Pháp cũ ở các hầm trên Núi Lớn, Núi Nhỏ do lính Nhật canh gác, xúi bọn Nhật và những người còn đang làm công trong trại lính Nhật lấy trộm súng đem bán hoặc đổi lấy quà bánh, thuốc lá. Số súng trang bị cho Cảm tử quân hơn 200 súng trường, phần nhiều là loại mousqueton và indochinois của Pháp, cả súng lục, lựu đạn… so với các đơn vị võ trang ở nhiều nơi khác, lực lượng vũ trang Vũng Tàu là một đơn vị được trang bị tốt hồi đó.

Để có thêm súng đạn chuẩn bị đánh Pháp, thanh niên Vũng Tàu đã thương lượng với bọn lính Nhật chờ hồi hương đang canh gác hầm vũ khí thu được của Pháp trên Núi Nhỏ chuyển giao một số súng cho mình. Đầu tháng 10-1945, thanh niên Vũng Tàu đã thương lượng lấy được gần 100 khẩu súng, từng người vác một lúc không xuể, cần có phương tiện vận tải để lấy dứt điểm. Do khinh suất, anh em thuê xe đò cho nên bọn chỉ huy cao cấp Nhật biết, chúng sợ liên lụy nên ra lệnh bắt 4 thanh niên của ta (các anh Bích, Sanh, Năm Quỳnh, Tám Ba Tòi) và đánh đập dã man. Lập tức hàng ngàn nhân dân lao động thuộc Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam kéo đến Sở chỉ huy Nhật ở Bãi Trước đấu tranh, đòi thả người của ta. Anh Sanh thấy lá cờ Nhật đang trương lên đỉnh cột bèn xông đến kéo dây hạ cờ. Đang giằng co thì người vợ và hai con anh cũng xô lại quyết hạ cờ Nhật xuống. Chúng dọa bắt, nhưng không dám, sau đành thả anh. Nhưng anh không chịu, đòi thả cả bốn người, đồng bào đang vây quanh cũng lên tiếng hưởng ứng, đòi thả tất cả. Cuối cùng, bọn chỉ huy Nhật đành phải thả cả 4 thanh niên dũng cảm của Vũng Tàu. Đây là một cuộc biểu dương lực lượng và ý chí đấu tranh chống giặc của nhân dân lao động Vũng Tàu.

Vùng đồn điền cao su, các Ủy ban tự quản vừa thành lập trong những ngày khởi nghĩa vẫn được duy trì, thực hiện nhiệm vụ Ủy ban hành chính, đồng thời vận động khuyến khích công nhân khai hoang, phát rẫy trồng cây lương thực, hoa màu, khắc phục nạn thiếu đói, cấp đất cho công nhân, nông dân, khuyến khích mọi người khai hoang, làm rẫy, trồng lúa, bắp, khoai. Ủy ban tự quản đồn điền Bình Ba, Xà Bang và Ủy ban hành chính lâm thời xã Quảng Giao75 mở kho lương thực của sở để phân phối cho công nhân và đồng bào dân tộc. Phong trào “diệt giặc dốt” được phát động trong các làng xã. Công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc cùng tham gia các lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ.

Ban tự quản đồn điền Bình Ba đã thành lập Đội tự vệ xung kích gồm 11 thanh niên: Sáu Trọng (Đội trưởng), Tư Xuyên (Đội phó), Tiếp, Lung, Hai Lực và 6 thanh niên người dân tộc Châu Ro. Ông Ba Xương phụ trách lò rèn cùng anh em thợ ngày đêm rèn dao, mác trang bị cho đội. Ông cai Kiện được phân công huấn luyện võ thuật cho đội tự vệ. Các phân sở cao su Xà Bang, Xuân Sơn, La Sơn, Sông Cầu đều hình thành các đội tự vệ chiến đấu, trong đó có nhiều thanh niên dân tộc.

Tháng 10-1945 có 1 đoàn cán bộ Nam tiến của Hà Nội do anh Hải chỉ huy và một đoàn thiếu sinh quân Hà Nội 20 em về sở Courtenay đóng ở trường học. Mỗi người trong đoàn Nam tiến có 1 khẩu tiểu liên và 1 súng lục. Bà Trần Thị Đạm, công nhân cao su sở Courtenay76 làm Trưởng ban tiếp tế cho du kích quân và giải phóng quân Nam tiến đã huy động các gia đình công nhân góp gạo, thực phẩm phục vụ Đoàn quân Nam tiến và Đoàn Thiếu sinh quân Hà Nội trong thời gian 1 tháng.

Hưởng ứng chủ trương của chính phủ, hướng về đồng bào miền Bắc, miền Trung vừa thoát ra khỏi nạn đói thảm khốc, các tầng lớp nhân dân Bà Rịa đã quyên gạo gửi ra cứu trợ đồng bào. Thực hiện chỉ thị của Ủy ban hành chính tỉnh, Quốc gia tự vệ Cuộc cử một tổ công tác về xã Thạnh An, phối hợp với lực lượng của xã chặn bắt các ghe chở gạo bán cho Nhật áp tải về Bà Rịa để mua lại, gửi ra cứu trợ cho đồng bào đang bị đói.

Hội nghị Xứ ủy tháng 10-1945 đã quyết định phân công một phần lớn trong số gần 2.000 tù chính trị vừa Côn Đảo trở về các tỉnh Nam Bộ, làm nòng cốt cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đoàn thể các cấp. Các đồng chí Trần Xuân Độ, Nguyễn Tấn Phúc77, Hồ Tri Tân, Trần Ánh Sáng trong đoàn tù chính trị Côn Đảo trở về được Xứ ủy cử về Bà Rịa và Vũng Tàu với nhiệm vụ củng cố tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh. Bà Rịa và Vũng Tàu đều chưa thành lập Tỉnh ủy. Hoạt động của các đảng viên lúc này tập trung vào việc xây dựng chính quyền, xây dựng Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể, tuyên truyền và huấn luyện cán bộ.

Đồng chí Nguyễn Tấn Phúc phụ trách công tác Đảng kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Cấp (Cap Saint Jaques). Công tác Đảng khi ấy chưa phát triển đảng viên, chưa xây dựng hệ thống Đảng bộ các cấp, chưa hình thành sự lãnh đạo chỉ đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ mà chỉ là bước đầu tập hợp cán bộ đảng viên cũ, phân công nhau đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt trong các cấp chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đặc biệt là Mặt trận Việt Minh. Đồng chí Lâm Văn Sáu là cán bộ văn phòng Việt Minh kiêm Thư ký cho chủ nhiệm Việt Minh tỉnh cùng đồng chí Hồ Sỹ Hành tổ chức các cuộc mít tinh, tuyên truyền vận động đồng bào, đoàn kết xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và tích cực chuẩn bị kháng chiến chống Pháp78.

Ngày 11 tháng 11 năm 1945, Đảng ta ra tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật, lấy danh nghĩa là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác để hoạt động, nhằm tránh đòn phản kích của quân đội Tưởng Giới Thạch đang viện cớ trực tiếp lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh. Ở Bà Rịa chưa kịp thành lập Đảng bộ, các đảng viên tập trung vào nhiệm vụ vận động thành lập mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc trong toàn tỉnh. Đồng chí Hồ Tri Tân là Trưởng Ban vận động thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh; đồng chí Bùi Công Minh làm Trưởng Ban vận động thành lập mặt trận Việt Minh quận Long Điền; đồng chí Nguyễn Tấn Cách79 làm Trưởng Ban vận động thành lập mặt trận Việt Minh quận Đất Đỏ. Ban vận động thành lập mặt trận Việt Minh đã mở các lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh cơ sở và các đoàn thể cứu quốc trong nông dân, thanh niên, phụ nữ. Tổ chức thanh niên trong tỉnh được thống nhất lấy tên là Đoàn thanh niên cứu quốc tỉnh Bà Rịa. Các đoàn thể phụ nữ, nông dân đều mang tên cứu quốc; cờ đỏ sao vàng, lá cờ của Tổ quốc Việt Nam thay cho cờ vàng sao đỏ của Thanh niên Tiền phong, vốn được sử dụng phổ biến trước đó.

Hội nghị Xứ ủy mở rộng ngày 10 tháng 12 năm 1945 tại Đức Hòa (Long An) đã quyết định chia Nam Bộ thành ba khu: Khu 7, Khu 8 và Khu 9. Khu 7 gồm các tỉnh và thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa (Vũng Tàu được sáp nhập vào Bà Rịa). Hội nghị hợp nhất các cơ quan Quân - Dân - Chính - Đảng hai tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu được tổ chức cuối tháng 12 năm 1945 tại Đất Đỏ. Các đồng chí Trần Xuân Độ, Nguyễn Tấn Phúc, Võ Văn Thiết là thường trực của các cơ quan Quân - Dân - Chính - Đảng hợp nhất.

Các lực lượng cộng hòa vệ binh và đội Cảm tử quân ở Vũng Tàu sáp nhập với lực lượng vũ trang Bà Rịa, đổi tên thành Giải phóng quân. Sau hội nghị hợp nhất, Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân nắm quyền chỉ huy lực lượng vũ trang trong tỉnh bắt đầu lộ rõ bộ mặt cơ hội, chống phá cách mạng. Lực lượng tự vệ chiến đấu quân được tổ chức tại các làng xã là nòng cốt bảo vệ chính quyền cách mạng trong thời kỳ này. Các đồng chí Dương Văn Xá, Nguyễn Văn Phải, Phan Kim Chung, Phạm Văn Tỷ, Hồ Tri Tân, Hồ Thị Trinh được bố trí về phụ trách Cần Giờ; các đồng chí Hồ Sỹ Nam, Hồ Thị Tường, Trần Ánh Sáng về Vũng Tàu. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo làm Giám đốc Quốc gia Tự vệ Cuộc tỉnh thay Phan Kim Chung; đồng chí Nguyễn Tấn Phúc làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh thay đồng chí Hồ Tri Tân.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc bầu cử Quốc hội Khóa I được tổ chức thành công ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh đã huy động tất cả các tầng lớp nhân dân đi bầu cử. Đó là một ngày hội lớn biểu thị sức mạnh đoàn kết và quyết tâm làm chủ đất nước của quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng chí Dương Bạch Mai, người đảng viên cộng sản đầu tiên của Bà Rịa được các cử tri tín nhiệm, trở thành đại biểu của tỉnh Bà Rịa trong Quốc hội Khóa I.

Trước ngày bầu cử, không khí chiến tranh đã đến gần. Bọn lính Nhật còn đóng ở Vũng Tàu chờ giải giáp đã khiêu khích, đòi hạ cờ tại trụ sở Việt Minh. Đồng chí Nguyễn Tấn Phúc, Chủ nhiệm Việt Minh đã huy động trên 1.000 quần chúng biểu tình bao vây trại lính Nhật, phản đối hành động ngang ngược và vi phạm chủ quyền của lính Nhật, buộc chúng phải nhượng bộ.

Ngày 25 và 26 tháng 1 năm 1946, thực dân Pháp chiếm Xuân Lộc (quốc lộ 1) và Long Thành (quốc lộ 15). Không khí kháng chiến chống thực dân Pháp đã sôi động trong cả tỉnh. Theo chỉ đạo của Ủy ban hành chính tỉnh, phần lớn nhân dân trong tỉnh đều sẵn sàng "tiêu thổ kháng chiến", bất hợp tác với thực dân Pháp.

Sáng 9 tháng 2 năm 1946, quân Pháp chia làm hai cánh: Cánh quân thứ nhất theo quốc lộ 15 từ Long Thành tiến xuống. Cánh quân thứ hai từ Xuân Lộc theo lộ số 2 tiến về Bà Rịa. Lực lượng vũ trang bị bọn cơ hội Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân lũng đoạn đã rút chạy về Bình Thuận80. Một bộ phận của Cộng hòa Vệ binh tỉnh do Đinh Công Hưng là Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Hòai Đức là Chỉ huy phó bố trí tại Phước Hòa chặn đánh địch trên lộ 15, nhưng do vũ khí và trình độ tác chiến còn hạn chế nên không ngăn được quân địch. Một bộ phận bộ đội Năm Châu do Phạm Văn Tỷ chỉ huy phục kích đánh địch ở Núi Đất, Sông Cầu, cầm chân địch đến chiều rồi qua Phước Hưng (Tam Phước) củng cố lực lượng.

Trên lộ số 2, công nhân chặt cao su, chặt cây rừng cho ngã đổ ra đường, đắp ụ trên đường, tháo gỡ nhà xưởng, máy móc chuyển vào rừng, quyết không để giặc sử dụng. Từ cuối năm 1945, công nhân cao su đã bỏ sở, đưa gia đình về Tầm Bó, Xuân Sơn làm rẫy sinh sống. Tháng 2 năm 1946 khi pháp đánh chiếm lộ thì công nhân được lệnh của tỉnh Bà Rịa tản cư về huyện Đất Đỏ (khi đó bao gồm cả địa bàn huyện Xuyên Mộc) và huyện Cơ Trạch công nhân về đây gồm Courtenay, Xà Bang và Bình Ba cây táo. Lực lượng tự vệ hỗ trợ cho công nhân, nhân dân rút về hướng Sông Ray, Bàu Lâm, Đất Đỏ, Long Kiên, Long Xuyên, bất hợp tác với giặc. Sau này số công nhân trẻ đều tham gia lực lượng vũ trang và số còn lại ở địa phương đều tham gia và các đoàn thể cách mạng. Đồng bào dân tộc Châu Ro cũng bỏ sở để trở về buôn làng cũ ở Bàu Chinh, Bàu Trơ, Hắc Dịch, Bằng La, Phước Chí, khu vực Gia Cốp, Cù Bị, Chòi Đồng.

Công nhân các đồn điền chuyển thiết bị của đồn điền ra rừng, châm lửa đốt các kho mủ. Các đồn điền Bình Ba, Xà Bang, Sông Cầu hoang vắng, nhà xưởng, thiết bị máy móc bị tháo dỡ, các kho mủ cháy âm ỉ. Thực dân Pháp cho lính càn quét, truy bắt cán bộ Việt Minh, gom công nhân về. Hàng ngày bọn lính pạctidăng lùng sục vào các làng, ai không làm thợ cho đồn điền bị buộc tội thân Việt Minh và bị bắn chết. Hàng chục người bị chúng bắn chết và chôn tập thể ở lô Moọcrô.

Khu vực Xuân Sơn, ngay sau khi thực dân trở lại xâm lược, nhân dân đã thực hiện "vườn không nhà trống". Các đồng chí Bùi Đình Kiểm (Sáu Bùi), Chín Thành đã hướng dẫn dân làng rút sâu vào rừng gần khu vực Sông Ray lập ra làng Quảng Giao, bất hợp tác với giặc. Trung đội du kích làng Quảng Giao được thành lập do ông Tư Cự phụ trách, trong đó có nhiều thanh niên Châu Ro ở ấp Cà Mum tham gia.

Trong ngày 9 tháng 2 năm 1946, thực dân Pháp cơ bản đã chiếm được các thị xã, thị trấn ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Ở hướng Long Điền, Đất Đỏ, một bộ phận bộ đội do anh Lễ chỉ huy đã li khai Tân-Hiền, xây dựng lại một phân đội võ trang cách mạng. Được sự giúp đỡ của nhân dân, đêm 12 tháng 2 năm 1946, phân đội của anh Lễ đã tổ chức trận tập kích vào quân Pháp tại Nhà Kiểm lâm Đất Đỏ diệt và làm bị thương 7 tên Pháp rồi rút về rừng Long Mỹ xây dựng lực lượng kháng chiến81. Trận đánh tại Đất Đỏ đêm 12 tháng 2 năm 1946 là bước khởi đầu cho quá trình tập hợp lại lực lượng, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thực dân Pháp khẩn trương khôi phục bộ máy tề ngụy và mở rộng vùng chiếm đóng, thiết lập Tiểu khu Bà Rịa và các Chi khu Vũng Tàu, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, khai thông lộ 2 và các lộ 23, 24, 52 lập đồn bốt dọc theo các trục lộ giao thông. Mục tiêu của chúng là nhanh chóng chiếm lại những vùng cao su lớn ở Nam bộ, để đưa ngay các chủ sở Tây cũ về làm chủ. Chiếm đóng đến đâu, thực dân Pháp móc nối những tên tay sai cũ, lập lại các ban tề, tổ chức thân binh để mở rộng chiếm đóng, kiểm soát chỗ đóng quân. Chúng đưa Bùi Thế Khâm làm Tỉnh trưởng Bà Rịa, đưa Lê Thành Tường làm Quận trưởng Long Điền, chúng ráo riết lập lại hệ thống tề ngụy ở các làng xã, tổng và quận. Nhiều hương chức, tề ngụy trở lại làm tay sai cho thực dân Pháp như Tôma Đạt, Cai Tổng Tòng, Đỗ Phước Tỉnh, Đỗ Như Ánh, Bùi Văn Khôi,...

Ở nhiều vùng bị Pháp tạm chiếm, nhân dân tản cư vào rừng bất hợp tác với giặc. Một sự biến động trong dân cư các đô thị đã xảy ra, nhất là ở thị xã Vũng Tàu. Một số người ở nơi khác Vũng Tàu làm ăn thì tìm đường trở về quê hương bản quán, lánh nơi địch chiếm đóng. Những người dân gốc Vũng Tàu đành ở lại bản quán thì tìm mọi cách lẩn trốn để địch khỏi khủng bố, tránh mọi quan hệ với địch hoặc tay sai của địch. Trong khi đó, nhiều tên đã từng làm tay sai cho Pháp trước đây, bây giờ ngóc đầu dậy với hy vọng được chúng dùng lại trong bộ máy tề điệp, phụ họa với những luận điệu phản tuyên truyền đối với cách mạng, coi việc Pháp quay trở lại là một dịp may để cầu “vinh thân, phì gia”.

Khi Pháp quay trở lại Vũng Tàu, Sở Mộ đã không còn hoạt động. Sau đảo chính Nhật, quân đội Nhật đã di chuyển máy móc và tất cả các công nhân viên xuống khu vực Bến Đình, gần Phước Lâm Tự để tránh máy bay Mỹ đánh phá. Sau đó chúng dời công binh xưởng này về Hà Tiên. Chỉ có một số ít công nhân đi theo, những người gốc Vũng Tàu đều ở lại và sau này tham gia kháng chiến, phục vụ trong các công binh xưởng của tỉnh và của khu. Có đồng chí công nhân đã trở thành nồng cốt trong ban phụ trách công binh xưởng sau này. Đó là hạt nhân của lớp công nhân quốc phòng, công nhân kháng chiến. Công nhân các sở máy nước, máy điện Vũng Tàu, trừ một số ra vùng kháng chiến, số đông ở lại bám máy, bám xưởng và trở thành cơ sở cách mạng trong lòng địch. Trong những tháng trước khi địch trở lại chiếm đóng, họ đã là những hội viên của đoàn thể công nhân cứu quốc, nằm trong hệ thống đoàn thể quần chúng của Mặt trận Việt minh. Đội ngũ công nhân này đã đóng góp phần tích cực của mình trong việc ổn định tình hình sinh hoạt của thành phố Vũng Tàu.

Số đông công nhân thuộc các ngành dịch vụ, thương nghiệp, đặc biệt là các công nhân viên kỹ thuật làm ở Sở Bưu điện, ở Tòa Bố cũ, cùng với một số ít những người trước đây làm việc trong Sở Cảnh sát cũng chạy ra Long Sơn, Phước Tỉnh để kháng chiến chống Pháp. Số viên chức ở lại phần nhiều người gốc Vũng Tàu, không có điều kiện tản cư cũng như một số nhân sỹ trí thức đã ở lại móc nối với cán bộ cách mạng, tuỳ theo sức mình, hoàn cảnh cụ thể của mình mà tham gia chống Pháp, phần đông trở thành cơ sở cách mạng, làm công tác thu thập tình hình địch, giúp cách mạng, lôi kéo, cảm hoá những phần tử lưng chừng ngã sang phía cách mạng, hoặc ít nhất cũng làm cho những người này không làm gì có hại cho cách mạng.



2. Củng cố Mặt trận Việt Minh, tổ chức lại lực lượng kháng chiến

Trung tuần tháng 2 năm 1946, các cán bộ đảng viên trung kiên tập hợp về Long Mỹ (khi ấy thuộc quận Đất Đỏ) tổ chức lại lực lượng kháng chiến. Ở Vũng Tàu, một bộ phận cán bộ Việt Minh và lực lượng vũ trang Vũng Tàu rút về Núi Nứa xây dựng căn cứ cách mạng. Một nhóm gồm Nghiêm Xuân Điền, Ngô Đồng Thịnh, Lại Phú Côn rút về khu Tứ Long, sau tham gia Đội Du kích Quang Trung. Một bộ phận cán bộ chủ chốt tập hợp về Long Mỹ. Nhóm Thanh niên cứu quốc gồm Nghiêm Xuân Bích, Nguyễn Văn Thạch, Lê Duy Nhất còn trụ ở Vũng Tàu đã chủ động in truyền đơn Việt Minh và treo cờ tại nhiều địa điểm trong thị xã, cổ vũ tinh thần kháng chiến của các tầng lớp nhân dân trong vùng bị địch tạm chiếm.

Lực lượng vũ trang Bà Rịa - Vũng Tàu được xây dựng lại. Đội Du kích Quang Trung là đơn vị vũ trang đầu tiên được thành lập mà nòng cốt là Đội tuyên truyền xung phong của tỉnh82; Hoàng Tiêu là Đội trưởng, Nguyễn Quỳ là Đội phó, Dương Ngọc Văn là Chính trị viên và 10 đội viên. Ngay sau khi thành lập, Đội Du kích Quang Trung đã làm lễ tuyên thệ ở rừng Long Tân rồi tổ chức đánh đồn Xà Bang thắng lợi. Đội Du kích Quang Trung tổ chức đốt biệt thự của chủ đồn điền cao su (nhà Bourdon) tại Long Phước; bắt tên chỉ điểm tại xã Long Tân và tổ chức vũ trang tuyên truyền, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến.

Ngày 6 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta ký kết với đại diện chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ. Mặt trận Việt Minh tỉnh mở một đợt tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Tại các xã vùng Đất Đỏ, nhân dân treo cờ Tổ quốc để chào mừng Hiệp định sơ bộ. Giặc Pháp cho quân xuống từng xã để hạ cờ. Đồng bào các xã biểu tình, đấu tranh chống thái độ ngang ngược của thực dân Pháp, biểu dương uy thế của cách mạng.

Tại Vũng Tàu, thực dân Pháp không tôn trọng Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3, mở nhiều cuộc hành quân bắt bớ những người kháng chiến và những gia đình có người tham gia cách mạng. Đặc biệt là chúng sử dụng những phần tử lưu manh ở các nơi khác đến khủng bố đồng bào người Bắc sinh sống tại Vũng Tàu. Những tên lưu manh này đã có nhiều hành động khủng bố rất tàn ác, gây một làn sóng phẫn nộ trong nhân dân. Tên ác ôn Tháp đã bị trừng trị tại chợ Vũng Tàu.

Cuối tháng 3 năm 1946, ủy viên quân sự Lương Văn Trọng cử đồng chí Huỳnh Văn Nam trở về Vũng Tàu thành lập Ủy ban kháng chiến Vũng Tàu gồm: Kỹ sư Nguyễn Thanh, một trí thức yêu nước, làm Chủ tịch; Nguyễn Bình Chỏi (công chức cũ) làm Phó Chủ tịch cùng các ủy viên Huỳnh Công Hoằng, Huỳnh Văn Nghì, Huỳnh Kim Hổ, Đặng Đức Chí, Nguyễn Văn Khẩu... Chính quyền cách mạng ở hai xã trên cù lao Bà Trao - Núi Nứa83 được củng cố. Các đoàn thể cứu quốc cũng được tổ chức lại và đi vào hoạt động. Vũng Tàu dấy lên một phong trào đấu tranh rộng khắp. Cờ, truyền đơn, biểu ngữ xuất hiện khắp nơi. Các cuộc đình công bãi chợ, phản đối Pháp vi phạm Hiệp định nổ ra liên tục.

Hội nghị cán bộ tỉnh Bà Rịa được tổ chức tại Long Mỹ tháng 3 năm 1946, củng cố một bước bộ máy lãnh đạo của tỉnh: đồng chí Trần Xuân Độ được cử đứng đầu Ban lãnh đạo kháng chiến ở Bà Rịa - Vũng Tàu; đồng chí Nguyễn Tấn Phúc làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh; đồng chí Bùi Công Minh là Chủ nhiệm Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh.

Hội nghị quân sự lần 2 tổ chức tại Phước Hiệp cuối tháng 3 năm 1946 (Đất Đỏ) do các đồng chí Bùi Công Minh, Nguyễn Quỳ, Hoàng Tiêu chủ trì với nhiều đại diện các xã đã chủ trương củng cố các cơ sở kháng chiến, thống nhất các lực lượng tại từng địa bàn, hình thành các khu vực kháng chiến, nơi nào đã có cơ sở rồi thì lập ngay khu vực, liên kết các lực lượng kháng chiến tại chỗ để phối hợp hoạt động chung. Hội nghị quyết định thành lập ở Khu Đông 7 khu vực kháng chiến84. Mỗi khu vực đều cử đồng chí Khu vực trưởng, Khu vực phó và một số cán bộ cốt cán của tỉnh tăng cường cho địa bàn. Nhiệm vụ chung của cán bộ phụ trách khu vực là vận động, tổ chức nhân dân về mọi mặt để kháng chiến.

Ở các đô thị bị tạm chiếm, phong trào đấu tranh của công nhân và lao động Vũng Tàu khá sôi nổi, tiêu biểu là đợt kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1946. Khẩu hiệu đấu tranh của ta trong thời gian này là đòi Pháp phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định sơ bộ 6-3, phải mở ngay cuộc đàm phán với chính phủ Cụ Hồ ở Pari, phản đối Pháp cho ra đời cái gọi là "Chính phủ Nam Kỳ tự trị". Đêm 30-4-1946, các tổ công tác bí mật dán khẩu hiệu, rải truyền đơn, treo cờ, tuyên truyền ý nghĩa lịch sử ngày Quốc tế lao động. Ngày 1-5-1946, cờ đỏ sao vàng đã dán đầy trên các tường nhà dọc theo những dãy phố chính, truyền đơn rải khắp nơi ngay từ tối hôm trước, hô hào đồng bào bãi thị, bãi công, phản đối thực dân Pháp xâm lược. Những tờ truyền đơn viết các khẩu hiệu: Mở ngay cuộc đàm phán với chính phủ Hồ Chí Minh ở Paris; Nước Việt Nam của người Việt Nam; Phải nghiêm chỉnh thi hành hiệp định sơ bộ; Tinh thần ngày Quốc tế lao động muôn năm... rải trên các quầy hàng, dán trên những cửa hiệu tạp hóa. Đồng bào các nơi không đi bán hàng, chợ không họp, sạp hàng vắng teo. Công nhân các sở không đi làm, công chức nghỉ việc, tự động nghỉ lễ lao động.

Bọn cảnh sát do tên Cò Voayông (Voillon) chỉ huy, ngồi trên xe Jeep có lắp máy bộ đàm và súng 12,7 ly rú còi chạy quanh khắp phố phường giải tán những đám người tụ tập, chúng sợ dân chúng biểu tình, nhưng ngay đằng sau xe cảnh sát cũng được các công chức dán cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu đòi nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định sơ bộ! Cò Voillon vừa tức vừa sợ, nó trở thành một trò cười trong ngày lễ lao động năm 1946. Khẩu hiệu kháng chiến còn xuất hiện cả trong trụ sở Mật thám Liên Bang S.F (Sureté Fédérale).

Đợt kỷ niệm đã thức tỉnh niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, tạo thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Vũng Tàu. Sau cuộc đình công, bãi thị ngày 1-5, tinh thần nhân dân Vũng Tàu phấn khởi. Đồng bào tin tưởng, yên lòng vì thấy Việt Minh vẫn có mặt, vẫn hoạt động chống giặc trong hoàn cảnh vừa bị giặc khủng bố dã man. Nhân dân lao động khuyến khích con em mình tham gia bộ đội, vào công an xung phong, vào tổ chức công an ở các xã, tham gia làm công tác trinh sát.

Phước Hải (Đất Đỏ) là một xã có phong trào đấu tranh khá mạnh. Đợt tuyên truyền Hiệp định sơ bộ (6-3-1946), Ủy ban Việt Minh xã đã huy động hàng trăm nhân dân bao vây xe giặc, buộc chúng rút lui, bỏ ý định hạ cờ cách mạng. Trong tháng 5 năm 1946, hai lần địch cho lính xuống Phước Hải định bắt cán bộ Việt Minh, nhưng nhân dân kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu của chúng. Tháng 6 năm 1946, giặc Pháp lại xuống Phước Hải, lần này chúng xả súng bắn chết 2 người dân, làm nhiều người khác bị thương. Cán bộ Việt Minh xã lập tức huy động gần 3.000 người tổ chức một đám tang lớn, vừa đi, nhân dân vừa hô to: “Đả đảo thực dân Pháp”. Những cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên ở Phước Hải, tỏ rõ sức mạnh đoàn kết của quần chúng, có tác động đến phong trào toàn huyện.

Nhiều tấm gương trung kiên, chiến đấu và hy sinh vô cùng anh dũng đã cổ vũ cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Bà Rịa, Vũng Tàu trong thời kỳ này. Ông Võ Ngọc Chấn, một nhà tư sản yêu nước, Ủy viên Ủy ban hành chính lâm thời Vũng Tàu bị thực dân Pháp bắt, tra tấn dã man, ông vẫn không đầu hàng, không khuất phục. Ông đã hi sinh anh dũng trong niềm tiếc thương và kính trọng của các tầng lớp nhân dân Bà Rịa, Vũng Tàu.

Dương Văn Mạnh, quê ở Long Phước là một tấm gương tiêu biểu cho tuổi trẻ Bà Rịa. Là một học sinh mới 16 tuổi, anh xung phong làm liên lạc cho Đội du kích Quang Trung, bị thực dân Pháp bắt và tra tấn vô cùng dã man vẫn không khai báo một lời, tỏ rõ khí phách của một chiến sỹ cách mạng. Thực dân Pháp đã bắn Dương Văn Mạnh tại Long Tân. Khí phách kiên cường của Dương Văn Mạnh trước kẻ thù là hành động tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Bà Rịa, là tấm gương sáng cho các thế hệ cách mạng noi theo.

Lê Thành Duy cũng là một tấm gương kiên cường từ buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Là con trai Tỉnh trưởng Lê Thành Long, mang quốc tịch Pháp, đi lính cho Pháp, khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Lê Thành Duy bỏ ngũ trở về Bà Rịa, tham gia Thanh niên Tiền Phong, góp phần tích cực vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Bà Rịa tháng 8 năm 1945. Được bố trí vào lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc85 Bà Rịa, anh đã kiên cường chiến đấu bảo vệ chính quyền khi bọn thân binh Tân - Hiền trở mặt, uy hiếp chính quyền cách mạng. Bị địch bắt tháng 5 năm 1946, tra tấn, dụ dỗ đủ mọi cách, anh vẫn không khuất phục. Chúng bắn anh tại bờ Sông Dinh. Gương chiến đấu và khí phách kiên cường của Lê Thành Duy cùng Dương Văn Mạnh, Võ Ngọc Chấn và nhiều đồng chí đồng bào từ buổi đầu kháng chiến, đã khắc sâu truyền thống bất khuất của quân và dân Bà Rịa, Vũng Tàu86.

Giữa năm 1946, đồng chí Nguyễn Tấn Cách thay mặt Ủy ban Việt Minh tỉnh dùng ghe vượt biển ra gặp Ủy ban kháng chiến miền Nam (đóng tại Quảng Ngãi) xin vũ khí về trang bị cho lực lượng vũ trang tỉnh. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh được đưa ra miền Bắc trị bệnh, ông Huỳnh Thừa Tuyên87, một công chức yêu nước (quê ở Phước Lễ), ủy viên Ủy ban được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.

Giữa năm 1946, thực dân Pháp từ Chi khu Bình Ba thường xuyên vượt Sông Ray càn quét vào khu vực Bàu Lâm, bắt nhân dân đi xâu, xây đồn bót, phá rừng, mở đường vô cùng cực khổ. Dân vùng Bàu Lâm đa số là đồng bào dân tộc ít người và một bộ phận công nhân cao su bất hợp tác với địch tập trung về. Ủy ban hành chính và Mặt trận Việt Minh xã Xuyên Mộc đã chọn Bàu Lâm làm địa bàn xây dựng căn cứ. Tháng 6 năm 1946, hai đồng chí Mai Văn Tào, Nguyễn Văn E được cử về Bàu Lâm hoạt động, tổ chức được anh Nguyễn Trọng Vỹ (Bảy Vỹ) làm nòng cốt vận động quần chúng trong các cơ sở cao su và đồng bào dân tộc. Mặt trận Việt Minh xã Bàu Lâm được thành lập do ông Tòng Chí Ngọ làm Chủ tịch. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ Bàu Lâm từng bước được hình thành. Qua mặt trận Việt Minh, các đoàn thể, người Kinh, người dân tộc ở Bàu Lâm đã đoàn kết một lòng “không hợp tác với giặc Pháp”, ủng hộ kháng chiến.

Cuối tháng 6 năm 1946, giặc Pháp xua quân càn vào vùng Chợ Bến - Long Thạnh. Tên Quận Khai đã ra lệnh đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Hàng trăm nóc nhà, ghe, thuyền đi biển của nhân dân bị đốt phá, hàng chục người bị bắn giết, bị bắt, bị làm nhục. Vùng Chợ Bến - Long Thạnh bị hủy diệt hoàn toàn. Tội ác tày trời của giặc mãi mãi là mối thù khắc sâu trong lòng nhân dân Bà Rịa, Vũng Tàu.

Tháng 8 năm 1946, Ban vận động thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh Bà Rịa đã tổ chức hội nghị tại Long Mỹ, tuyên bố thành lập Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Bà Rịa. Đồng chí Bùi Công Minh được bầu làm Chủ nhiệm. Hệ thống Mặt trận Việt Minh được củng cố từ tỉnh đến các huyện, xã; 40 xã trong tổng số 49 xã toàn tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu đã tổ chức được các đoàn thể Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc và các đoàn thể cứu quốc khác trong Ủy ban Mặt trận Việt Minh.

Tháng 10 năm 1946, trong cương vị Chủ nhiệm chính trị bộ Khu 7, đồng chí Trần Xuân Độ về Long Mỹ trực tiếp chỉ đạo củng cố chính quyền và các đoàn thể trong tỉnh, đồng chí Lâm Văn Võ được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính thay ông Huỳnh Thừa Tuyên vừa bị Pháp bắn chết trong một trận càn88.

Cũng vào thời điểm này, Chi đội 16 chính thức ra mắt ở chiến khu Long Mỹ mà nòng cốt là Đội du kích Quang Trung và một số cán bộ chiến sĩ từ các đội tuyên truyền xung phong của Long Điền, Đất Đỏ. Chi đội 16 lúc đầu gồm có 3 phân đội. Ban chỉ huy gồm các đồng chí: Chi đội trưởng Huỳnh Văn Đạo, Chi đội phó Nguyễn Quì, Chính trị viên Hoàng Tiêu. Tháng 12 năm 1946, Chi đội 16 đã phát triển thành 4 phân đội, 200 khẩu súng. Chi đội phối hợp với du kích, tự vệ chiến đấu và Quốc vệ đội của Công an đánh địch, bẻ gãy nhiều trận càn của chúng vào căn cứ và tổ chức nhiều trận đánh thắng lợi ở khu vực lộ 2.

Cuối năm 1946, tự vệ mật công nhân Xà Bang được sự hỗ trợ của Chi đội 16 đã diệt 3 lính Pháp bảo vệ và tên phụ tá giám đốc đồn điền Gallia (Bình Ba). Những cuộc vũ trang tuyên truyền, diệt ác trừ gian thường xuyên ở khu vực lộ 2 đã tỏ rõ quyết tâm kháng chiến của công nhân, đồng thời là đòn cảnh cáo bọn tay sai chỉ điểm của thực dân ngay trong đồn điền; tạo điều kiện để công nhân các sở đấu tranh với bọn chủ đòi cải thiện đời sống và lao động.

Ở thị xã Vũng Tàu tình hình khó khăn hơn, hầu hết cán bộ trong Ủy ban kháng chiến Vũng Tàu và các cán bộ nòng cốt trong lực lượng công an và thanh niên yêu nước bị giặc bắt. Anh Khẩu, anh Phá, đoàn viên thanh niên cứu quốc và 10 thanh niên khác bị địch sát hại dã man. Kỹ sư Thanh, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Vũng Tàu bị chúng tra tấn hết sức tàn bạo vẫn không khuất phục. Những thanh niên yêu nước bị địch bắt giam như Lê Duy Nhất, Trương Trọng Hiệp, Võ Văn Chỏi... đã phải trải qua nhiều trận đòn tra tấn dã man của kẻ thù, nhưng vẫn vượt qua thử thách gian khổ trong tù và trở về tiếp tục kháng chiến. Căm thù giặc sâu sắc, nhân dân làng Thắng Nhất đã bất hợp tác với giặc, dời qua ấp Ông Lữ (Bà Trao) lập làng kháng chiến, xây dựng căn cứ địa của thị xã Cấp và huyện Vũng Tàu.

Trước dã tâm xâm lược ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Các tầng lớp nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu đã bước vào giai đoạn cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.




tải về 1.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương