LỊch sử phong trào công nhâN, viên chứC, lao đỘng và HỌat đỘng công đÒan bà RỊa vũng tàu giai đỌan 1930-2006


Phong trào công nhân và lao động Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời kỳ chống chiến tranh cục bộ (1965-1968)



tải về 1.88 Mb.
trang9/17
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.88 Mb.
#2068
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   17

3. Phong trào công nhân và lao động Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời kỳ chống chiến tranh cục bộ (1965-1968)

Chiến thắng Bình Giã (1964-1965) đã làm phá sản về cơ bản chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và tay sai. Đầu năm 1965, phần lớn các ấp chiến lược trong tỉnh đều bị phá rã hoặc phá banh, kể cả những ấp chiến lược kiên cố của địch trên trục lộ 15 như Phước Lộc, Chu Hải, Kim Hải nằm sát thị xã Bà Rịa. Vùng giải phóng của tỉnh mở rộng và nối liền từ Căn cứ Minh Đạm qua Long Mỹ, Hội Mỹ, Lộc An (Long Đất) lên Phước Bửu, Bưng Riềng, Bàu Lâm (Xuyên Mộc) nối với Xuân Sơn, Long Tân, Long Phước, Châu Pha, Hắc Dịch (Châu Thành), qua Xuân Lộc về Chiến khu Đ. Phần lớn địa bàn các xã Bình Ba, Sông Cầu, Xà Bang, Kim Long, Xuân Sơn, được giải phóng. Chi bộ Đảng, tổ chức công đoàn, Đoàn thanh niên lao động, lực lượng chính trị binh vận, lực lượng du kích bên trong (mật) và lực lượng bên ngoài được củng cố và phát triển vận dụng sáng tạo 3 mũi giáp công, tiến công địch. Phong trào cách mạng của công nhân lên cao, buộc chủ Tây phải tuân theo những chủ trương chính sách của cách mạng, không còn thái độ hống hách đàn áp công nhân như trước đây nữa.

Tết Ất Tỵ (1965), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương ngưng bắn 7 ngày để cho sĩ quan, binh lính, nhân viên ngụy quyền được tự do về nhà ăn Tết, sum họp gia đình trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Mồng bốn Tết, Tỉnh ủy tổ chức liên hoan mừng chiến thắng Bình Giã, có mời một số đồng bào vùng tạm bị chiếm như Sài Gòn, thị xã Bà Rịa, Long Khánh, các huyện Long Đất, Xuyên Mộc và các xã giải phóng trong tỉnh về dự. Tổng số người dự lên đến hơn ngàn người trong thời gian 1 ngày, 1 đêm. Các đơn vị bộ đội chủ lực bố trí lực lượng bảo vệ căn cứ. Bộ đội địa phương và du kích đón xe trên lộ 2 và lộ 15, trên tuyến Sài Gòn - Vũng Tàu và Bà Rịa - Long Khánh, mời đồng bào vào vùng căn cứ xem triển lãm chiến lợi phẩm ta thu được trong Chiến dịch Bình Giã. Điểm triển lãm đặt tại khu vực Cụ Bị thuộc ấp 4 cũ, thường gọi là sở Cụ Bị Bare. Lần đầu tiên, người dân vùng bị tạm chiếm được thấy bộ đội giải phóng với trang phục gọn gàng, kỷ luật nghiêm minh, thấy vùng giải phóng rộng lớn và tận mắt chứng kiến thất bại của Mỹ - ngụy. Đoàn Văn công thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tổ chức biểu diễn phục vụ bộ đội và đồng bào, khí thế rất phấn khởi. Đội Vũ trang Tuyên truyền Bình Ba bố trí các cơ sở trong công nhân cao su vô Chòi Đồng xem triển lãm chiến lợi phẩm trong Chiến dịch Bình Giã, dự cuộc liên hoan. Đồng bào Bình Ba ủng hộ cho bộ đội 5 con heo và nhiều lương thực, thực phẩm để ăn mừng chiến thắng. Sau cuộc liên hoan, Đội Vũ trang Tuyên truyền đưa Đoàn Văn công về biểu diễn tại Bình Ba, phục vụ đồng bào.

Dự đoán sau khi bị thua đau ở Bình Giã, địch sẽ phản kích, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng đánh địch. Đúng như dự đoán của Ban chỉ huy chiến dịch, sáng 9-2-1965, địch cho máy bay bắn phá và đổ quân xuống Chòi Đồng. Trung đoàn 2 bộ đội chủ lực Miền cùng bộ đội địa phương và tự vệ các cơ quan trong căn cứ đã đánh trả quyết liệt, bẻ gẫy cuộc tập kích vào vùng căn cứ bằng chiến thuật "Trực thăng vận" của địch, diệt và loại khỏi vòng chiến đấu Tiểu đoàn 5 dù, tiêu hao nặng Tiểu đoàn 6 dù; loại khỏi vòng chiến đấu trên 300 tên, trong đó có 31 tên Mỹ trên máy bay lên thẳng bị bắn rơi bỏ mạng tại trận; 22 trực thăng bị bắn cháy và hư hại. Đại uý Thơ-róc-móc-tơn, là con trai tên đại tướng Gôn-thơ-róc đang chỉ huy đạo quân xâm lược ở miền Nam bị trúng đạn Quân giải phóng, thủng bụng chết tại trận, chiếc máy bay chở hắn bị bốc cháy. Ta thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự trong đó có 7 đại liên. Lực lượng du kích xã, tự vệ cơ quan và dân công hỏa tuyến thường xuyên bám sát trận địa, vượt qua lửa đạn dày đặc để tiếp nhận thương binh, đưa về bệnh xá dã chiến đặt tại Gia Cốp.

Giữa tháng 2-1965, Đoàn Văn công T.1 (Quân khu 7) về phối hợp với Đoàn Văn công tỉnh Bà Rịa tổ chức đợt biểu diễn lưu động, phục vụ đồng bào các xã vùng giải phóng và các lực lượng vũ trang vừa giành chiến thắng vang dội tại Bình Giã đang dưỡng quân ở khu vực Chòi Đồng. Đoàn Văn công T.1 và Đoàn Văn công tỉnh Bà Rịa phối hợp chương trình, tổ chức một đợt lưu diễn phục vụ công nhân cao su đồn điền Xà Bang, Bình Ba rồi về xã Phước Hải. Với sự yểm trợ của bộ đội và du kích, hai Đoàn Văn công đột nhập vào xã Phước Hải biểu diễn trong rạp ấp Hải Lạc chỉ cách bót giặc khoảng 200m. Đồng bào xã Phước Hải rất yêu thích văn nghệ, mặc dù địch kìm kẹp rất chặt nhưng được cán bộ địa phương vận động, đồng bào vẫn đến xem biểu diễn văn nghệ trong rạp buổi tối ấy rất đông. Đêm biểu diễn tại Phước Hải để lại ấn tượng rất đẹp trong nhân dân và toàn bộ cán bộ diễn viên cả 2 Đoàn Văn công. Sau đêm biểu diễn, đồng bào tặng quà, tặng tiền cho anh chị em diễn viên và bộ đội rất nhiều. Ngay trong đêm, nhiều thanh niên Phước Hải xin tòng quân theo bộ đội.

Sau Chiến dịch Bình Giã, địch đánh phá ác liệt vùng căn cứ khu Tây. Đầu năm 1965, địch sử dụng trực thăng đổ quân 4 lần vào khu vực Chòi Đồng, đột kích vào vùng căn cứ. Địch tát hết dân ở Sông Cầu, dốc Đất Đỏ về khu Vạn Kiếp (Bà Rịa). Tháng 4-1965, Tỉnh ủy quyết định chuyển căn cứ từ Hắc Dịch về đông lộ 2. Tiểu ban Giáo dục (Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) mở trường bổ túc văn hóa cho cán bộ các ngành của tỉnh, huyện. Trường xây dựng tại khu vực Bàu Lâm, cán bộ nhân viên có khoảng 5 đồng chí. Lớp học có khoảng 20 học viên, trong đó có 2 trình độ: cấp 1 và cấp 2152.

Phong trào đấu tranh chính trị thời kỳ này diễn ra rất quyết liệt với các khẩu hiệu chống bắn pháo vào rẫy, vào lô cao su. Giữa năm 1965, Ban Cán sự Cao su chỉ đạo một cuộc đấu tranh quy mô với sự tham gia của đông đảo công nhân cao su và sự hưởng ứng của bà con nông dân các xã vùng Tam Long. Ban chỉ đạo đấu tranh chính trị do các đồng chí Huỳnh Kim Nhung (tự Hai Cà), Hai Linh, nữ đồng chí Hai Nguyệt chỉ đạo chung. Các xã Xà Bang, Xuân Sơn, Ngãi Giao, Bình Ba, Sông Cầu đều phân công người phụ trách, chia thành nhiều đoàn phần lớn là phụ nữ, kéo về tỉnh lỵ đưa yêu sách. Địch cho lính chặn đường tại ngã ba Hòa Long, các đoàn khác đi đường tắt qua Long Phước rồi tập trung về Bà Rịa. Bọn lính bao vây, vẽ khẩu hiệu phản động lên nón áo chị em, chị em lột áo, quăng nón, tiếp tục đấu tranh. Nhiều người bị bắt giam, đánh đập thương tích. Nhiều cốt cán bị bắt, phạt tù hơn 1 năm, hầu hết là các chị còn rất trẻ như: Nguyễn Thị Hảo 16 tuổi, Nguyễn Thị Huề 17 tuổi, Nguyễn Thị Thu Hà 17 tuổi, Nguyễn Thị Huệ 17 tuổi, Chị Quy 17 tuổi, Đỗ Thị Hương 18 tuổi, Trương Thị Bưởi 19 tuổi, Chị Châu 19 tuổi, Trương Thị Sành 20 tuổi, Chị Ba Tích 22 tuổi, Nguyễn Thị Gòn 24 tuổi. Bị tra tấn dã man và bị đày ải khắc nghiệt nhưng các chị vẫn giữ vững khí tiết, cương quyết không khai báo cơ sở. Sau khi mãn hạn tù, các chị trở về tiếp tục hoạt động, trở thành hạt nhân trong phong trào đấu tranh những năm tiếp theo.

Từ khi đế quốc Mỹ tiến hành “chiến tranh cục bộ”, chiến trường Bà Rịa - Vũng Tàu vô cùng ác liệt. Nhằm tăng cường sức chiến đấu của bộ đội tập trung tỉnh, ngày 19-5-1965, Tiểu đoàn 445 bộ đội tỉnh Bà Rịa được thành lập, trên cơ sở sáp nhập hai Đại đội 440 và 445, tuyển thêm tân binh. Nhiều trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch đã diễn ra ngay tại vùng căn cứ. Điểm nổi bật nhất của quân và dân Bà Rịa - Long Khánh trong thời kỳ này là tinh thần dám đánh Mỹ và biết thắng Mỹ. Hội nghị Tỉnh ủy đầu năm 1966 chủ trương kiên quyết đánh địch trong mọi tình huống, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, giữ vững căn cứ kháng chiến. Tỉnh ủy củng cố Ban căn cứ, thành lập các chốt bám vành đai ven căn cứ của quân Úc, chặn đánh các cuộc đột kích của chúng, bảo vệ căn cứ, bảo vệ các cơ quan của tỉnh.

Thực hiện quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, đêm 12-3-1966, đơn vị A.65 trực thuộc Thị đội Vũng Tàu, có sự tăng cường của lực lượng đặc công Miền đã tập kích trung tâm huấn luyện Đồi Xiêm, pháo kích sân bay Vũng Tàu và pháo kích căn cứ Tiểu đoàn 6 dù. Theo tin tức quân báo nhận, ta phá hủy 32 máy bay các loại (C130, AD6, T28, L19), diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch. Địch phản kích bằng một loạt trận càn quét vào vùng căn cứ của tỉnh. Trận này có sự góp công của đồng chí Bùi Văn Lung (Bảy Lung), một cơ sở quê ở xã Phước Thạnh, làm lao công chuyên chở rác trong sân bay đã cung cấp sơ đồ phục vụ trận đánh Sân bay Vũng Tàu153.

Sau trận đánh, đồng chí Bùi Văn Lung còn tham gia một số hoạt động diệt ác do Thị ủy Cấp phân công. Nhằm giảm bớt tổn thất cho phong trào do tên phản bội Nguyễn Triệu Khải gây ra, lực lượng an ninh Thị xã Cấp tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tên phản bội Nguyễn Triệu Khải. Ngày 23-5-1966, kế hoạch diệt tên Khải được giao cho đồng chí Bùi Văn Lung. Đồng chí Bùi Văn Lung bố trí cho người cháu họ là Bùi Văn Lý đang theo học tại Trung tâm huấn luyện Cảnh sát Quốc gia Rạch Dừa thực hiện kế hoạch trên. Bùi Văn Lý trở mặt, đã báo toàn bộ kế hoạch diệt Nguyễn Triệu Khải cho Đại úy Nguyễn Hữu Sơ, Trưởng Ty an ninh quân đội ngụy ở Vũng Tàu. Bùi Văn Lung bị bắt bị tra tấn hết sức dã man nhưng đồng chí đã kiên cường chịu đựng, bảo vệ tổ chức và bảo vệ cơ sở, không để địch mở rộng diện đánh phá. Đồng chí Bùi Văn Lung bị chúng đánh đến tàn phế, đày ải qua nhiều nhà tù, mang thương tích cho đến lúc chết.

Tháng 4-1966, Lữ đoàn 173 lính dù Mỹ kết hợp với một tiểu đoàn lính Úc mở cuộc hành quân Hácđi (Hardi) đánh vào vùng giải phóng Đông và Tây lộ 2. Bộ Tư lệnh và Quân ủy miền đã điều Trung đoàn 4 về căn cứ Tầm Bó (thuộc địa bàn đồn điền Xà Bang) chống địch càn quét. Được công nhân cao su và cơ sở cách mạng huyện Châu Đức giúp đỡ, dựa vào hệ thống công sự phòng ngự và rừng quýt dày đặc ven suối che chắn, Trung đoàn 4 đã chuyển từ đội hình chốt phòng ngự sang vận động tiến công, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu 40 súng các loại (4 đại liên, 14 trung liên) và nhiều trang bị của địch. Trận đầu thắng Mỹ ở căn cứ Tầm Bó đã xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ cho quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để bố trí lại chiến trường cho phù hợp, Tỉnh ủy quyết định sáp nhập Huyện ủy Châu Thành và Ban cán sự Đảng ủy Cao su, thành lập huyện Châu Đức (24-4-1966), đồng chí Nguyễn Văn Tiến (Năm Tiến) là Bí thư Huyện ủy. Căn cứ Huyện ủy đóng tại rừng Bằng Lăng (Đồng Nghệ). Huyện ủy rút du kích các xã tăng cường cho đơn vị C20 và thành lập “đơn vị vành đai” mang phiên hiệu C.21 làm nhiệm vụ bám đánh địch ngay tại căn cứ của chúng (Núi Đất) và bảo vệ cửa ngõ vào căn cứ của ta.

Tháng 6-1966, Trung đoàn kỵ binh thiết giáp Mỹ số 11 với hàng trăm xe tăng, hàng chục khẩu pháo các loại và một bộ phận của Lữ đoàn dù 173 đến đóng căn cứ tại Ruối Râm chốt chặn phía Bắc lộ 2; một trung đoàn lính chư hầu Úc và một đại đội pháo Tân Tây Lan kéo đến đóng căn cứ tại Núi Đất, giáp với đồn điền cao su Bình Ba, khống chế toàn bộ phía Đông lộ 2. Lữ đoàn dù 199 của Mỹ lập căn cứ Nước Trong; đặt các điểm chốt dã ngoại vùng đồn điền cao su Bình Sơn, An Viễn, khống chế vùng căn cứ phía Tây lộ 2. Toàn bộ vùng cao su bị bao bọc bởi những đội quân viễn chinh Mỹ và chư hầu tinh nhuệ với hỏa lực yểm trợ dày đặc.

Được đế quốc Mỹ và chư hầu hà hơi tiếp sức, bọn ngụy quân, ngụy quyền bắt đầu ngoi dậy hoạt động chống phá cách mạng, kềm kẹp công nhân. Một mặt chúng ra sức đôn quân bắt lính, bổ sung cho lực lượng tại chỗ. Mỗi đồn điền cao su chúng tăng thêm một trung đội cho đến 1 đại đội lính bảo an, trang bị thêm vũ khí và trang bị chiến tranh. Mặt khác chúng củng cố lại các ban tề, xã, tề ấp. Mạng lưới tình báo, gián điệp được tăng cường. Bọn bình định nông thôn kéo về phối hợp với bọn ngụy quân, ngụy quyền ra sức khủng bố, kềm kẹp công nhân, đánh phá ấp ác liệt cơ sở cách mạng bên trong các đồn điền. Hệ thống ấp chiến lược trước đây bị phá rã, phá banh nay chúng củng cố lại, bố trí thêm hàng rào dây thép gai bùng nhùng, mìn trái dày đặc với cái tên mới “Ấp tân sinh”…, phong trào của công nhân cao su gặp khó khăn, mối liên hệ giữa cán bộ, bộ đội bên ngoài với cơ sở bên trong đồn điền nhiều nơi, nhiều lúc bị gián đoạn. Cán bộ, du kích Bình Ba hy sinh rất nhiều trong thời kỳ này. Anh Nguyễn Đình Phong (tức Vui, Tư Phong) Xã đội phó nông thôn, hi sinh trong một trận càn năm 1966.

Để dọn đường cho kế hoạch bố trí lại lực lượng, từ tháng 5-1966, địch đã huy động lực lượng hỗn hợp gồm chiến đoàn kỵ binh thiết giáp Mỹ số 11, Lữ dù Mỹ 173, quân chư hầu Úc và ngụy quân từ Tiểu khu Phước Tuy mở cuộc hành quân Hardi càn quét vào vùng giải phóng dọc lộ 2 tàn phá nhà cửa, đồn điền, làng mạc, hủy diệt hoa màu, rẫy của đồng bào và công nhân canh tác. Trong đợt càn quét này, nữ đồng chí Ba Phụng, Bí thư chi bộ Xà Bang đã hy sinh. Đồng chí Hai Nguyên được cử làm Bí thư chi bộ Xà Bang.

Sau khi càn quét bắn phá khu vực căn cứ Bàu Sen, quân Mỹ kéo về đóng dưới chân Núi Le. Nhờ trinh sát kỹ thuật và sự giúp đỡ của công nhân cao su, Trung đoàn 4 đã ém quân bí mật, bất ngờ tổ chức nhiều mũi tiến công vào sở huy địch tại Núi Le trong đêm 11 tháng 4 năm 1966, ngay khi địch vừa cụm quân. Một tiểu đoàn của lữ 173 Mỹ bị đánh thiệt hại nặng, gần 50 lính Mỹ bị bỏ xác. Quân Mỹ phải rút khỏi Bàu Sen, chuyển hướng hành quân về Hòa Long, Long Phước.

Sau trận càn quét của quân Mỹ, chi bộ Xà Bang đã phát động công nhân đấu tranh với bọn chủ để giải quyết vấn đền nhà ở và sinh hoạt cho công nhân. Các cán bộ công đoàn như Ba Mậu, Nguyễn Thị Tâm, bà Mua, Cai Quậy… thay mặt công nhân cầm kiến nghị đi đấu tranh với chủ sở yêu cầu phải xây nhà, làm những công trình vệ sinh trong làng. Bọn chủ Tây viện cớ chiến tranh ác liệt, lãi cao su giảm sút cố tình dây dưa không giải quyết nguyện vọng chính đáng của công nhân. Toàn bộ công nhân Xà Bang đã đình công kéo về xã Bình Ba đấu tranh. Ngoài khẩu hiệu dân sinh, công nhân Xà Bang còn yêu sách không được bắn pháo vào làng, không đàn áp dân. Công nhân các sở trên lộ 2, bà con nông dân các xã dọc lộ 2 đã hưởng ứng cuộc đấu tranh của Xà Bang. Dọc hai bên lộ 2, bà con nắm cơm, để các bình nước tiếp sức công nhân Xà Bang. Bọn lính Bà Rịa xông ra lôi kéo, đánh đập công nhân Xà Bang tàn tệ, nhưng không dập tắt được lửa đấu tranh của bà con. Cuối cùng bọn chủ sở phải chấp nhận xây dựng 64 căn nhà ở cho công nhân, ngoài ra phải xây thêm một số hố xí, giếng nước trong làng để công nhân sinh hoạt.

Khu vực Ngãi Giao, Kim Long, Xà Bang, Bình Ba, Sông Cầu là trọng điểm càn quét của quân Mỹ và chư hầu trong thời kỳ này. Lực lượng cách mạng bị tổn thất nhiều. Huyện ủy đã điều các đồng chí Hoàng Ngọc Trí (Ba Trí), Vũ Hiền (Tư Hiền), nữ đồng chí Tư Thiên, cùng các đồng chí Thắng, Lượm vô Bình Ba trụ lại chỉ đạo phong trào. Hoàng Ngọc Trí, Vũ Hiền vào ấp 4, móc ráp anh Tư Bi, ông Bảy Lượng, anh Sáu Thảnh đào được 3 căn hầm bí mật. Các đồng chí Thắng và Tư Thiên trụ ở ấp Đức Mỹ. Đồng chí Ba Luận trụ ở Bình Ba xăng. Mỗi buổi sáng sớm, các đồng chí trổ hầm ra lô cao su, móc ráp cơ sở, nắm tình hình, buổi tối vô ấp phát động quần chúng. Cuối năm 1966, đồng chí Ba Luận bị bắt, lực lượng bám trụ lại phải rút ra, xây dựng căn cứ ở khu vực Xuân Sơn, đồng Bằng Lăng, Núi Nhan, Suối Rao rồi tìm cách bám trở lại. Anh Phạm Tốt, Xã đội trưởng Bình Ba là một cán bộ bám trụ vững vàng trong thời kỳ ác liệt này. Chị Tư Lan, đảng viên mật ở Xà Bang gan góc đi về ấp chiến lược Bình Ba mua pin, dây điện cho bộ đội đánh giặc. Bà Trừ bán tạp hoá sẵn lòng bán thiếu cho chị khi cách mạng có nhu cầu. Nhiều lần chị bỏ pin, dây điện trong ống tuýp xe đạp qua được các trạm kiểm soát của giặc. Chị làm công tác binh vận, quen biết nhiều binh lính, đem truyền đơn đi rải trong khi tiếp xúc với binh sĩ ngụy mà chúng không ngờ tới. Má Nguyễn Thị Sum ở ấp Đức Mỹ là một cơ sở tin cậy của chi bộ Bình Ba. Cán bộ, du kích thường về nằm tại nhà má Sum, má nuôi quân, canh gác, đào hầm bí mật cho anh chị em ở lại. Hầm trổ từ trong nhà có đường ngầm ra vườn chuối, khi thoát được rút về hầm bí mật trú tại các điểm được phân công. Má rất nhạy cảm, có lần má phát hiện bọn Úc vô phục kích trong vườn, cứu được cả đội du kích.

Ở vùng đô thị, Tỉnh ủy vẫn coi trọng chỉ đạo các hình thức đấu tranh hợp pháp của nghiệp đoàn. Tuy nhiên, để nắm các nghiệp đoàn hợp pháp phải có cán bộ giàu kinh nghiệm hoạt động bí mật. Khi giao nhiệm vụ cho cán bộ về Vũng Tàu gây dựng cơ sở trong công nhân và lao động, Tỉnh ủy Bà Rịa đã nhấn mạnh phương pháp đấu tranh thực hiện nguyên tắc: Có lý, có lợi, đúng mức. Đấu tranh hợp pháp đương nhiên phải có lý lẽ thuyết phục; nhưng mục tiêu, ý nghĩa phong trào, dù kinh tế hay chính trị phải có lợi cho cách mạng. Mặt khác, khẩu hiệu, yêu sách, quy mô đấu tranh phải đúng mức, không thụ động, tiêu cực, nằm im, cũng không phiêu lưu manh động.

Chiến lược “chiến tranh cục bộ” đế quốc Mỹ tiến hành, thực chất là dấu hiệu khủng hoảng chiến lược của chúng. Nhưng rõ ràng cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam cũng như Bà Rịa, Vũng Tàu bước vào giai đoạn ác liệt nhất so với tất cả các thời kỳ cách mạng trước đó. Việc đưa quân đội Mỹ và chư hầu vào địa bàn Bà Rịa, Vũng Tàu với những cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, có đủ hải, lục, không quân yểm trợ, đã tạo những thay đổi lớn về kinh tế xã hội ở đây. Tại các thị xã như Bà Rịa, Vũng Tàu, nhiều ngành nghề mới nảy sinh và phát triển với tốc độ cao. Đáng chú ý là những ngành nghề dịch vụ cho quân đội nước ngoài như cung ứng nguyên vật liệu, rau quả, sửa chữa chi tiết cơ khí, vận tải, nhà hàng, khách sạn, thông dịch, hộp đêm. Lực lượng lao động mới xuất hiện ở thị xã Bà Rịa và Vũng Tàu rất đông đảo và cực kỳ phức tạp. Số lượng công nhân (bao gồm các loại lao động làm thuê, tạp dịch) thị xã Vũng Tàu chiếm tới 40% dân số. Riêng công nhân sở Mỹ đã có số lượng gần ngàn người. Và nhức nhối nhất là sự xuất hiện của gái điếm, gái nhảy phục vụ cho những trò ăn chơi sa đọa của binh lính, sĩ quan Mỹ và chư hầu. Mục tiêu đấu tranh của phong trào công nhân và lao động Bà Rịa, Vũng Tàu thời kỳ này không chỉ là đấu tranh vũ trang và đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ; đoàn kết tất cả những người lao động ở các ngành nghề phức tạp, chống hợp tác với địch, chống văn hóa thực dân suy đồi, tất cả vì độc lập, tự do, thống nhất tổ quốc… Đó chính là nhiệm vụ cấp thiết Đảng đề ra đối với phong trào công nhân và lao động đô thị.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ban cán sự đồn điền cao su Bình Ba xác định rõ nhiệm vụ của phong trào công nhân cao su là gây dựng và phát triển cơ sở cách mạng; tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang giải phóng tổ chức các cuộc tấn công tiêu diệt sinh lực địch, trực tiếp tham gia vào phong trào đấu tranh chính trị, nổi dậy diệt ác, phá kềm, hình thành ba mũi giáp công năng động, sắc bén đánh địch trên mọi phương diện. Các gia đình công nhân cao su đã vui vẻ động viên con em gia nhập lực lượng vũ trang tỉnh, huyện; nhiệt tình đóng góp lương thực, thuốc men, ủng hộ bộ đội; nuôi dấu chăm lo, bảo vệ cán bộ, trực tiếp lập ra các đội du kích, cứu thương hậu cần, vận tải… giúp bộ đội giải phóng chuẩn bị chiến dịch, thu dọn chiến trường, thu chiến lợi phẩm, thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ. Công nhân cao su và quần chúng lao động ở khu vực đồn điền cao su Bình Ba, Ngãi Giao, Xà Bang, Xuân Sơn tích cực tham gia giúp đỡ bộ đội về lương thực thực phẩm, xây dựng căn cứ, tải thương mỗi khi có chiến sự. Nhiều lần đội quân chính trị của các má, các chị đã xuất trận ngăn cản bước tiến của những đoàn xe tăng, xe bọc thép, phản đối khủng bố, phản đối san ủi, đốt phá làng xóm đồng bào. Tự vệ mật công nhân cao su thường tổ chức những trận phục kích, tập kích nhỏ, bất ngờ tiến công tiêu diệt những toán lính địch chà soát, lùng sục khu vực đồn điền.

Phong trào du kích cao su diệt ác, phá kềm diễn ra sôi nổi, tạo điều kiện để phát triển cơ sở Đảng và phát động phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Mặc dù vùng cao su thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục bị càn quét, bộ máy kìm kẹp của địch được xây dựng với quy mô lớn, nhưng nhiều cán bộ, Đảng viên vẫn được quần chúng giúp đỡ, bảo vệ. Ngày 1-5-1966 công nhân cao su Bình Ba, Xuân Sơn, Xà Bang… đã hưởng ứng cuộc đấu tranh của 40.000 công nhân cao su miền Đông, viết kiến nghị phản đối Mỹ dùng máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm, rải chất độc hóa học xuống các vùng cao su. Bản kiến nghị được gửi đến nhiều nơi, có bản gửi đến Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu, với những lời lẽ đanh thép: “chiến tranh có ngày kết thúc, tại sao các ông lại để cho Mỹ tác oai, tác quái, dội bom cùng chất độc hóa học hủy diệt cây cao su, sau này lấy gì mà xây dựng nước nhà. Chúng tôi đòi Mỹ phải chấm dứt ngay tội ác này, có thế mới bảo vệ được tính mạng, tài sản của công nhân và cây công nghiệp nước nhà”.

Cuối năm 1966, Trung ương Cục quyết định thành lập tỉnh Long Bà Biên trên cơ sở hợp nhất ba tỉnh Long Khánh, Bà Rịa và Biên Hòa154. Phong trào công nhân cao su vẫn không ngừng phát triển. Công nhân cao su Bình Ba, Xà Bang, Xuân Sơn phát động nhiều cuộc chiến tranh đòi chủ sở tăng lương, giảm mức khoán cạo mủ, hạ giá sinh hoạt… Ban cán sự cao su Bình Ba chủ trương kết hợp đấu tranh kinh tế với chính trị, địch vận. Quần chúng công nhân biểu tình bao vây xe tăng và điểm chốt của Mỹ ở khu vực đồn điền, tung hàng ngàn tờ truyền đơn bằng tiếng Anh vào doanh trại dã chiến của binh sĩ Mỹ. Nội dung truyền đơn tố cáo tội ác dã man của địch, nhân danh những người mẹ, người vợ kêu gọi binh lính Mỹ, ngụy phản chiến…

Phong trào đấu tranh mạnh mẽ của công nhân cao su với phương châm “hai chân, ba mũi” đã đạt nhiều kết quả tốt. Các đoàn thể cách mạng như công đoàn, thanh niên, phụ nữ… ở các đồn điền duy trì liên tục, tham gia tích cực vào công tác cách mạng, nhất là việc quyên góp gạo tiền ủng hộ lực lượng giải phóng. Giới chủ sở được cách mạng tuyên truyền giáo dục, lại ngại sức mạnh phong trào quần chúng, do đó không dám ngăn cản, khai báo về hoạt động của cán bộ, đảng viên, đồng thời tự nguyện đóng thuế theo yêu cầu của cách mạng.

Những cuộc hành quân càn quét vùng cao su của địch kéo dài suốt thời kỳ chiến tranh cục bộ. Quần chúng lao động ở các đồn điền cao su ven lộ 2, thị xã Bà Rịa, Hòa Long, Long Phước… luôn là chỗ dựa, là đội quân chính trị to lớn, góp phần cùng lực lượng vũ trang giải phóng đương đầu quân Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, ngụy, có xe tăng đại bác, máy bay các loại oanh tạc, yểm trợ. Phong trào công nhân và lao động ở đây mang nét đặc thù của vùng tranh chấp giữa ta và địch, hòa quyện vào phong trào chung của chiến tranh nhân dân rộng lớn. Tuy nhiên, trung tâm của phong trào vẫn là cuộc đọ sức giữa ta và địch bằng lực lượng vũ trang, trong đó vai trò công nhân và lao động hết sức quan trọng.

Trong thời kỳ địch đánh phá ác liệt, căn cứ của tỉnh phải dời chuyển nhiều lần: Rừng Lá, Lâm Xuân, Lâm Sang, Quýt Rừng, Suối Sách, Suối Thề, Suối Đá, thác Bảy Ngọn, Cu Nhí, Bàu Lâm, Ba Mẫu, Rừng Buông (Mây Tàu), khi qua phía Đông Sông Ray, khi chuyển qua phía Tây Sông Ray. Căn cứ khu Tây trong thời kỳ này là nơi cơ quan huyện Châu Đức và thị xã Bà Rịa đóng, tập trung ở các hang suối Núi Dinh, núi Thị Vãi, Châu Pha, Hắc Dịch. Bọn Úc thường xuyên oanh kích vào khu căn cứ Hắc Dịch - Châu Pha, dùng bom phát quang, bom napan, chất độc hóa học phá hoại núi rừng, cho xe tăng và bom đạn phá nát tất cả những khu rừng có các loại cây ăn được. Bọn Úc thường xuyên phục kích các tuyến hành lang và đột nhập vào vùng căn cứ cách mạng. Nhiều trận giao chiến với bọn biệt kích Úc xảy ra trên các tuyến hành lang. Một trong những tấm gương chiến đấu tiêu biểu trong thời kỳ này là người nữ giao liên Bùi Thị Thành.

Bùi Thị Thành quê ở Long Tân, thoát ly theo cách mạng, năm 1962 vào ngành giao liên của Bà Rịa. Chị là một nữ giao liên rất dũng cảm và tích cực trong mọi công tác. Mặc dù có con nhỏ nhưng từ khi được ban điều về B4 (đóng tại Xuân Sơn) chị vẫn thường xuyên đảm nhiệm đầu mối từ Xuân Sơn về Văn phòng Ban, chuyển thư của các huyện Châu Đức, Long Đất về tỉnh và ngược lại. Có lần, Trạm giao liên B4 nhận một bức thư hỏa tốc phải chuyển gấp về tỉnh, anh chị em giao liên Trạm B4 đã đi công tác hết, Bùi Thị Thành nhận nhiệm vụ, một mình với khẩu Carbin (băng đúp) đi suốt 9 tiếng đồng hồ, từ sáng đến hơn 3 giờ chiều về Văn phòng Ban (đặt tại Suối Thề) giao thư an toàn. Sáng sớm hôm sau chị trở về đơn vị. Trên đường về, chị lọt vào vòng phục kích của địch. Bùi Thị Thành đã một mình một súng kiên cường đương đầu với cả một đại đội địch. Chị đã bắn đến viên đạn cuối cùng và hy sinh trong tư thế bồng thư trên vai, hai tay ghì chặt khẩu súng khiến gần trăm tên địch khiếp sợ không dám đến gần. Chúng xả đạn như điên loạn rồi rút quân. Thương tiếc và kính phục Bùi Thị Thành, toàn thể cán bộ chiến sĩ trong ngành giao liên đã noi gương chị, nêu cao khẩu hiệu "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến".

Trong chiến tranh ác liệt, công tác tư tưởng, văn hoá giáo dục, y tế vẫn được quan tâm duy trì. Ban Tuyên huấn cử nhiều cán bộ về các xã làm công tác vận động quần chúng. Chị Trần Thị Thanh, cán bộ Tiểu ban Giáo dục nhận nhiệm vụ mới về ấp Cà Mum mở lớp dạy chữ cho đồng bào dân tộc Châu Ro. Khi đó ấp Cà Mum là vùng giải phóng thuộc xã Xuân Sơn, mới có 16 nóc nhà, ăn ở thiếu vệ sinh, hầu hết đều chưa thạo tiếng kinh, dân thiếu ăn thiếu mặc, lo ruộng rẫy chẳng ai nghĩ đến học cái chữ, làm sạch cái nhà. Bằng nghị lực và trách nhiệm được giao, chị Năm Thanh vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hoá, vệ sinh nhà cửa, ăn chín uống chín, vệ sinh phòng bệnh, dựng lớp, đưa con đến trường, đào hầm cho các cháu tránh bom pháo. Trong vòng 2 năm, trẻ em ấp Cà Mum đều đọc thông viết thạo, người lớn cũng biết đọc biết viết, nhà cửa vệ sinh sạch sẽ, có nếp sống văn hóa... Cái tên “Cô giáo Cà Mum” trở nên thân thương, không những đối với đồng bào trong ấp mà dân công, bộ đội, cán bộ xã, ai cũng biết đến. Ấp Cà Mum được tặng giấy khen của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam khu miền Đông, “Cô giáo Cà Mum” Trần Thị Thanh được tặng Huy chương Quyết thắng Hạng II.

Ban cán sự cao su Bà Rịa tiếp thu chủ trương của trên, đề ra nhiệm vụ lãnh đạo phong trào công nhân cao su: liên tục tiến công địch, đánh cả Mỹ - ngụy lẫn chư hầu. Phương châm đấu tranh kết hợp chính trị với quân sự; tiến hành đồng thời 3 mũi giáp công; chú trọng gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng ở vùng giải phóng và vùng địch chiếm đóng; vận động quần chúng tại các đồn điền bị địch kìm kẹp đấu tranh, bung ra ngoài làm rẫy, sản xuất lương thực, làm chòi lán.. tạo địa bàn cho cán bộ cách mạng bám trụ hoạt động. Du kích đồn điền cao su liên tiếp lập chiến công, gây cho địch những tổn thất nặng nề. Ngày 17-12-1966, đồng chí Vũ Hiền chỉ huy một tổ du kích vùng cao su Bình Ba, phục kích diệt 2 sĩ quan Úc, 5 lính ngụy đốt cháy 1 xe jeep, tịch thu 5 súng bộ binh. Trên trục lộ 2, du kích các đồn điền Bình Ba, Xà Bang, phối hợp với các đơn vị công binh liên tục tổ chức phục kích, gài trái phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép diệt hàng trăm tên giặc Mỹ và chư hầu.

Kẻ thù biết rõ lực lượng vũ trang còn hoạt động được là chính là nhờ vào tai, mắt của công nhân. Vì vậy, chúng thực hiện “tát nước, bắt cá” nhằm tách dân ra khỏi cách mạng. Ngày 15-3-1967, quân Úc từ núi Đất mở cuộc hành quân quy mô lớn dọc theo lộ 2, thọc sâu vào Bàu Sen. Chúng bắn phá, giật sập nhà của công nhân, gom hết công nhân Xà Bang về Bình Ba. Công nhân các sở tư địch gom hết về Suối Nghệ. Ngay sau khi lùa dân đi, quân Mỹ cho hàng chục xe ủi, xe bang đến ủi phá 105 hécta cao su của đồn điền Xà Bang.

Hàng ngày, chủ sở cho xe chở công nhân từ Suối Nghệ, Bình Ba về Xà Bang và các sở tư để cạo mủ, buổi chiều lại cho xe đón về. Mỗi lần công nhân lên xe ra lô, bọn lính bảo an khám xét rất kỹ để ngăn chặn công nhân tiếp tế cho cách mạng. Sống trong vòng kềm kẹp của địch, nhưng lòng công nhân cao su vẫn hướng về cách mạng. Họ sáng tạo nhiều hình thức giấu thuốc tây trong búi tóc, áo ngực; gạo có thể bọc kỹ trong nylon dấu dưới thùng nước; muối có thể hòa đặc trong bình đựng nước đem theo uống. Những gốc cây cao su ngoài bìa rừng là những hộp thư liên lạc với cách mạng. Chi bộ Xà Bang và các cán bộ của Đảng ủy cao su hàng ngày vẫn bám các lô cao su, tiếp xúc những cơ sở cốt cán công nhân.

Theo sự chỉ đạo của Ban cán sự Cao su, chi bộ Xà Bang cử các đồng chí Sáu Thích, Chín Phấn về Bình Ba, Suối Nghệ vận động một số cơ sở cốt cán đấu tranh đòi chuyển về sống bất hợp pháp tại Bàu Sen. Giữa năm 1967, một số cơ sở cốt cán đã đưa gia đình trở lại Bàu Sen như bà Nguyễn Thị Cẩm (Ba Lực), bà Sáu Thích, bà Tư Tâm, bà Ba Út, bà Ba Trinh… cùng một số đồng bào dân tộc đã lẻn sâu vào rừng kiên quyết bám đất không ra vùng địch như chị Năm Sàng, anh Bảy Quậy, anh Ba Sung, Sáu Nhọn, Năm Trực, Ba Kiếm… Họ dựng chòi, trồng tỉa hoa màu, bẫy thú để sống cùng cách mạng và là những giao liên đường dài cho Ban cán sự Cao su và các lực lượng vũ trang.

Tháng 7-1967, từ căn cứ Bàu Sen, Trung đoàn 4 tổ chức tập kích cụm đóng quân của Trung đoàn 11 thiết giáp Mỹ và một bộ phận của Lữ đoàn dù 173 tại Kim Long, tiêu diệt 2 chi đoàn xe tăng và thiết giáp Mỹ, thu nhiều quân trang, quân dụng. Nhiều thương binh trong trận đánh này đã được các gia đình công nhân cao su, các má, các chị ở Kim Long, Ngãi Giao cứu sống. Chị Phan Thị Mai, công nhân cao su sở tư ở Kim Long bụng mang bầu hơn 5 tháng đã đội bom, lội khắp ruộng rẫy, vừa tránh máy bay vừa luồn lách qua các chốt kiểm soát của địch, từ sáng đến 16 giờ chiều, tìm được hai thương binh đưa về căn cứ suối Xà Môn cứu chữa. Y tá Nguyễn Thị Phương cùng nữ cứu thương – chị Chín "Bù Lu" thức trắng đêm chăm sóc thương binh. Má Năm Thiệt tên thật là Lê Thị Liêm (còn có bí danh là Lan "bù lu"), là Hội phó Hội Phụ nữ xã Ngãi Giao cũng vượt qua vòng kiểm soát của lính Mỹ, được một thương binh nằm ở gốc cà phê đưa anh về căn cứ xã sơ cứu. Má Phạm Thị Của, thường gọi là má Ba Diệm (vợ liệt sỹ Phạm Văn Diệm) một mình một một gánh đồ, giả đi làm rẫy, tìm được một thương binh gãy chân. Má nhờ người đưa anh về nhà, rửa vết thương, băng bó cho anh rồi tìm du kích đưa anh về căn cứ của xã155.

Những người dân làm rẫy, đồng bào dân tộc Châu Ro, công nhân cao su ở Kim Long, Ngãi Giao trọn đời gắn bó với cách mạng. Bộ đội về là nuôi ăn, che chở, chỉ đường, anh em xung trận là có đồng bào ở tuyến sau, dứt tiếng súng trận là đồng bào tập hợp đấu tranh chính trị, binh vận, tải thương, đưa hài cốt anh em đàng mình về chôn cất. Có người như bà Đặng Thị Ngâu (Hai Ngâu bí danh Bạch Thu Hà), nhiều đời sinh sống ở Kim Long, quanh năm cặm cụi với ruộng rẫy, nhưng bọn giặc vô đây, không lọt qua khỏi mắt bà. Ngày nào giặc vô bao nhiêu xe, ra bao nhiêu xe, giờ nào vô, giờ nào ra, bà móc du kích, bộ đội vào cho anh em hay. Trận lòng chảo Kim Long, bà cung cấp cho anh em tình hình địch đóng quân ở hai cụm: Một cụm lối nhà bà Nguyễn Thị Cửu (tức Mai) ngoài miệng chảo và một cụm trong lòng chảo.

Những tháng cuối năm 1967, lính Mỹ, Úc tiếp tục mở nhiều trận càn ven lộ 2, giết hại nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Lực lượng biệt kích, thám báo tăng cường ruồng bố, cho xe bọc thép càn ấp Đức Mỹ thuộc sở cao su Bình Ba… Chi bộ Bình Ba và đội du kích phải rút vào rừng, bị giặc phục kích, nhiều đồng chí anh dũng hy sinh… Tổn thất đau thương không khuất phục nổi những người công nhân cao su hiền lành mà gan góc. Các má, các chị vẫn kiên trì bám trụ, nuôi dấu cán bộ, động viên chồng con lên đường đánh giặc. Cơ sở đảng và các đội du kích của công nhân cao su tiếp tục được củng cố mọi mặt, chuẩn bị cho giai đoạn tiến công đánh bại “chiến tranh cục bộ” điên cuồng của Mỹ - ngụy.

Tháng 10-1967, Trung ương Cục bố trí lại chiến trường, giải thể Khu ủy Miền Đông Nam Bộ, thành lập 5 phân khu nhằm tổ chức 5 mũi tiến công vào Sài Gòn. Hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch thuộc tỉnh Long Bà Biên được nhập với Thủ Đức và Quận I Sài Gòn để thành lập Phân khu 4, phần còn lại thành lập tỉnh Bà Rịa - Long Khánh156.

Theo chỉ đạo của Khu ủy miền Đông Nam Bộ, tháng 10 năm 1967, Ban công vận Khu đông Nam bộ cử một đoàn cán bộ tăng cường cho vùng cao su Bà Rịa-Long Khánh gồm các đồng chí Ba Liễn, Tư Công, Năm Yên, Hai Rỡ, Sáu Cội, Tư Tơ, Ba Khang, Tư Ưu. Đồng chí Lê Sắc Nghi (Bảy Nghi), Trưởng ban công vận Khu được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh. Tỉnh ủy quyết định sáp nhập Ban cán sự Cao su A (khu vực Bà Rịa, gồm các sở: Xuân Sơn, Sông Cầu, Bình Ba, Xà Bang) với Ban cán sự Cao su B (khu vực Long Khánh, gồm các sở: Cẩm Mỹ, Bình Lộc,…) và Ban cán sự Cao su C (khu vực Biên Hòa, gồm các sở: Bình Sơn, Suối Tre, Trảng Bom,…) thành Đảng ủy Đồn điền Cao su, bộ máy tổ chức giống như Huyện ủy157. Các đồng chí Tư Hổ, Sáu Tâm, Lê Quang (Mười Quang), Nguyễn Thị Phượng (Bảy Phượng), được Tỉnh ủy cử tham gia Đảng ủy Cao su. Từ đây công tác Đảng và đoàn thể quần chúng của phong trào công nhân cao su được củng cố và phát triển đánh dấu sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu về chất lượng chính trị. Ban cán sự Cao su (Đảng ủy Đồn điền) đóng ở sở cao su Ông Quế. Nhiệm vụ của Đảng ủy đồn điền cao su là lãnh đạo các chi bộ trong công nhân cao su phát huy ba mũi giáp công đánh địch, chuẩn bị mọi điều kiện để "vào đợt" khi có lệnh. Tại sở Bình Ba, ngày 17-12-1967, được cơ sở nội tuyến phục vụ thông báo tình hình, đồng chí Vũ Hiền và 8 du kích đã dùng mìn diệt 2 tên sĩ quan Úc và 3 tên lính ngụy, phá hủy 1 xe jeep, thu 4 súng tiểu liên.

Để chuẩn bị hậu cần cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, tại căn cứ Bàu Sen, lực lượng công binh, hậu cần tỉnh đội do các đồng chí Tư Thức, Hai Thuấn, Ba Ngọc, Hai Phượng… khẩn trương triển khai công tác vận chuyển vũ khí, lương thực từ đoàn hậu cần 84 ở bắc sông La Ngà (lộ 20) về căn cứ. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban cán sự Cao su đã dồn hết lực lượng cho nhiệm vụ mới. Chi bộ Xà Bang đã hình thành một đội tải vũ khí gồm 20 cốt cán công nhân như: bà Ba Lực, Tư Tâm, Ba Út, Ba Nhiều và những công nhân người dân tộc Châu Ro như: Năm Sàng, Bảy Quậy, Ba Dung, Sáu Nhọn, Năm Trực, Ba Kiếm… Đội tải do chị Ba Lực làm đội trưởng. Đây là một đội tải dài ngày, có tính chất quan trọng. Riêng bà Sáu Thích được chi bộ phân công chăm sóc, lo lắng cho tất cả các con nhỏ của đội viên tạo điều kiện cho người đi an tâm trong chuyến tải. Đường tải thật gian nan vất vả và nguy hiểm. Tất cả xuất phát từ Bàu Sen vượt Sông Ray, băng rừng vượt suối, vượt những đoạn đường nguy hiểm trên lộ 1, lộ 20 địch thường hay phục kích qua sông Đồng Nai, về chiến khu Đ nhận vũ khí. Đêm đi ngày nghỉ, Đội tải công nhân Xà Bang đã đưa hành trăm trái đạn B40, B41, hàng ngàn băng đạn AK… đến tay những chiến sĩ Tiểu đoàn 440, 445 trước khi vào đợt tấn công và nổi dậy Xuân 1968 ở thị xã Long Khánh và thị xã Bà Rịa.

Cuộc Tổng tấn công và nổi dật Tết Mậu Thân ở Bà Rịa - Vũng Tàu nổ ra rạng sáng 2-2-1968 (mồng 2 Tết Mậu Thân). Tiểu đoàn 445 triển khai đội hình, đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã Bà Rịa. Dựa vào công sự kiên cố, địch phản công dữ dội. Sau một ngày một đêm giằng co quyết liệt, ba giờ sáng ngày 3-2-1968, tiểu đoàn được lệnh rút ra vùng ven. Huyện Long Đất mất liên lạc với Tỉnh ủy nên nhận lệnh nổ súng chậm hơn, nhưng nhờ thế bám trụ nên làm chủ được 3 ngày ở thị trấn Đất Đỏ, 7 ngày ở thị trấn Long Điền.

Tại mặt trận lộ 2, Đảng ủy Cao su đã tổ chức học tập cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và những quần chúng nòng cốt của phong trào. Ban chỉ huy mặt trận vùng đồn điền cao su Bà Rịa – Long Khánh được thành lập gồm các đồng chí Tư Công, Nguyễn Thị Lành (Năm Bình Minh), Hai Bích, Hai Thanh và Ba Liên. Đồng chí Tư Công là Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Thị Lành (Năm Bình Minh) là Chỉ huy phó. Hội nghị xác định quyết tâm chiến lược là: phối hợp với phong trào toàn tỉnh, tiến công nổi dậy giải phóng đồn điền cao su nếu thuận lợi. Trong tình huống khó khăn, phức tạp, lấy mục tiêu gây dựng và phát triển cơ sở, củng cố phong trào công nhân cao su là chính, kết hợp diệt sinh lực địch, tạo khí thế cho quần chúng.

Đảng ủy Cao su chọn các sở Hàng Gòn và Ông Quế làm điểm tiến công và nổi dậy của toàn vùng cao su. Đồng chí Tư Công, Bí thư Đảng ủy và đồng chí Hai Thanh, Huyện đội trưởng trực tiếp phụ trách mũi Hàng Gòn. Các đồng chí Năm Bình Minh, Tư Hổ, Hai Khén phụ trách mũi Ông Quế. Cho đến ngày 29 tháng chạp (âm lịch) tất cả các mũi tiến công của ta đã hành quân chiếm lĩnh trận địa và chờ lệnh tấn công. Đêm mồng 1, rạng ngày 2 Tết cùng với quân và dân Biên Hòa, Bà Rịa-Long Khánh, cán bộ chiến sĩ đồng loạt nổ súng đồng loạt tấn công vào các đồn bót địch trong các đồn điền cao su, phối hợp với lực lượng tự vệ mật cùng lực lượng công nhân bên trong nổi dậy diệt ác, phá kềm, làm chủ đồn điền.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ đảng các đồn điền, công nhân cao su đã tham gia vào công việc chuẩn bị chiến dịch như đóng góp thóc gạo, thuốc men, lập đơn vị công nhân xung phong hỏa tiến, vận tải, cứu thương… các đội du kích cao su chuẩn bị trận địa, trinh sát, điều nghiên phối hợp với lực lượng vũ trang tập trung chiến đấu. Một số cán bộ, chiến sĩ được phân công bám trụ tại các đồn điền bị địch kìm kẹp, chuẩn bị lực lượng quần chúng nổi dậy. Với lực lượng tại chỗ, chiến sĩ và công nhân các đồn điền Ông Quế, Cẩm Mỹ, Bình Ba, Hàng Gòn… đã liên tục tiến công suốt một tuần lễ liền, diệt nhiều sinh lực địch, làm tan rã bộ máy tề ngụy, đưa khí thế cách mạng của quần chúng lên cao. Công nhân cao su dọc lộ 2, ở các xã Bình Ba, Ngãi Giao đã nhất tề nổi dậy, cùng với du kích, bộ đội bao vây đồn bốt địch, làm chủ nhiều xã, ấp, đồn điền…

Sau đợt I, tỉnh tổ chức lại lực lượng tiếp tục tiến công địch, hỗ trợ cho phong trào quần chúng công nhân nổi dậy diệt ác, phá kềm. Tại đồn điền Cẩm Mỹ, ngày 8-3-1968, du kích, lực lượng võ trang cao su phối hợp một bộ phận của Sư đoàn 5 bộ đội chủ lực tiến công chiếm hoàn toàn đồn bảo an ngụy. Ta dùng xe ủi đất của sở san bằng những đoạn hào ấp chiến lược. Tự vệ mật, cơ sở mật và công nhân nổi dậy truy lùng bọn tề điệp, ác ôn, tổ chức tiếp tế lương thực cho bộ đội.

Ở thị xã Bà Rịa các cơ sở cách mạng trong phong trào công nhân và lao động cũng tích cực chuẩn bị, giúp đỡ bộ đội ém quân, sẵn sàng nổi dậy tiến công tiêu diệt các cơ quan đầu não của địch, làm chủ thị xã. Thị xã Cấp (Vũng Tàu) địch kiểm soát gắt gao mọi tuyến đường vào ra, nhưng quần chúng vẫn tìm cách liên lạc với cơ sở cách mạng, quyên góp tiền bạc, thuốc men gửi về căn cứ.

Cuộc tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) ở Bà Rịa – Long Khánh diễn ra vô cùng quyết liệt. Mặc dù địch dùng lực lượng lớn ở các vùng lân cận tiếp viện, phản công, giành lại một số vùng đã mất và gây cho ta những hy sinh, tổn thất lớn, nhưng mục tiêu lớn nhất của chiến dịch chúng ta đã đạt được, đó là việc tiêu diệt các vị trí quân sự kiên cố của địch ở thị xã Bà Rịa phá thế kềm kẹp của địch ven lộ 2 và vùng đồn điền cao su, gây thanh thế lớn cho cách mạng.

Trong thời điểm vô cùng ác liệt này, anh chị em Đoàn Văn công tỉnh xung kích biểu diễn phục vụ bộ đội và đồng bào, ngay trong vùng chiến sự ác liệt. Cuối tháng 10-1968, Đoàn Văn công (Đội I) về biểu diễn tại ấp Đường Cùng (huyện Châu Đức), có bộ đội và tự vệ cao su yểm trợ, bao vây chốt chặn địch. Buổi biểu diễn thành công, đến 21 giờ, ta rút ra an toàn. Sau đợt này, Đoàn Văn công (Đội I) tổ chức nhiều đợt hoạt động, đột vào thị trấn Long Điền phục vụ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tại các ấp: Long Liên, Long Phượng, Long Bình, Long An (thuộc thị trấn Long Điền). Có đêm, Đoàn biểu diễn tại địa điểm gần đình thần xã An Ngãi, chỉ cách Chi khu Long Điền khoảng 500m đường chim bay. Bọn địch bắn 12,7 ly, tầm đạn bay trên nóc nhà dân và bắn M79 xung quanh khu vực biểu diễn của ta, đồng bào nghe địch bắn pháo, nhốn nháo muốn bỏ chạy về nhà, nhưng anh chị em trong Đoàn đã bình tĩnh sắp xếp cho bà con ẩn nấp tránh phi pháo của địch, đồng thời gắn loa lên cây cao hướng về bót địch ra lệnh: “tất cả anh em binh sĩ phải ngưng ngay không được bắn pháo xuống chỗ anh chị em công tác, quân giải phóng đã bao vây đồn bót các anh rồi, nếu các anh ngoan cố buộc lòng chúng tôi phải hủy diệt các anh trong vòng 5 phút”. Sau đó địch ngưng bắn phá, anh chị em lại mời bà con ngồi lại trật tự xem biểu diễn 1 tiếng đồng hồ. Đồng bào rất phấn khởi, khen ngợi văn nghệ cách mạng và cảm phục lòng dũng cảm của các diễn viên, nghệ sĩ cách mạng.




tải về 1.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương